117-118
THẠCH LẶC ĐỌC HÁN THƯ
Năm thứ 2 đời Tấn Nguyên Đế (tức 318 công nguyên), quốc vương nước Hán của tộc Hung Nô là Lưu Thông bị bệnh mất, nội bộ nước Hán bị phân liệt. Cháu Lưu Thông là Lưu Diệu kế thừa ngôi quốc vương. Ông thấy việc dùng danh nghĩa triều Hán cũng không đánh lừa được dân, nên năm 319 liền đổi tên quốc hiệu là Triệu. Đại tướng nước Hán là Thạch Lặc, trong cuộc chiến tranh chống Tấn đã mở rộng được binh lực, nắm trong tay 1 đội quân lớn, không chịu đứng dưới Lưu Diệu, cũng tự xưng là Triệu Vương. Thạch Lặc là người tộc Kiệt, đời ông cha là đầu mục nhỏ trong bộ lạc Kiệt. Thời trai trẻ, vùng Tinh Châu có nạn đói, Thạch Lặc lưu lạc, từng làm nô lệ, làm thuê cho các nhà hào phú. Một lần, Thạch Lặc bị loạn binh bắt, nhốt trong xe tù. May nhờ lúc đó có 1 đàn hươu chạy qua, binh lĩnh lũ lượt rượt đuổi hươu nên Thạch Lặc thừa cơ trốn thoát.
Thạch Lặc trải qua mọi nỗi khổ, thấy tiền đồ mờ mịt, liền chiêu tập 1 toán nông dân lưu tán, tổ chức thành một đội quân dũng mãnh. Sau khi Lưu Uyên khởi binh, Thạch Lặc đi theo và trở thành 1 đại tướng của Hán. Trình độ văn hóa của người Kiệt thấp hơn người Hung Nô. Từ nhỏ, Thạch Lặc không được giáo dục theo văn hóa Hán như Lưu Uyên, bản thân không biết chữ. Sau khi làm đại tướng, ông ta nhận thấy là muốn làm nên sự nghiệp lớn thì không thể chỉ dựa vào vũ lực. Ông ta nhờ 1 học giả người Hán là Trương Tân giúp vạch ra nhiều biện pháp chính trị. Ông còn lưu giữ nhiều người nghèo khổ, có học thuộc dân tộc Hán, tổ chức thành 1 "quân tử doanh" (doanh trại của những người quân tử). Do Thạch Lặc anh dũng thiện chiến, lại được nhiều mưu sĩ như Trương Tân giúp bày mưu lập kế, nên thế lực ngày càng lớn mạnh. Đến năm 328, Thạch Lặc tiêu diệt được Lưu Diệu. Hai năm sau (330), Thạch Lặc tự xưng hoàng đế ở Tương Quốc, vẫn lấy quốc hiệu là Triệu. Lịch sử gọi nước Triệu của Lưu Diệu là "Tiền Triệu" và nước Triệu do Thạch Lặc lập nên là "Hậu Triệu".
Bản thân Thạch Lặc không có văn hóa nhưng lại hết sức coi trọng các bậc thức giả. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Thạch Lặc hạ lệnh cho cấp dưới, mỗi khi bắt được 1 người có học thì không được phép giết mà phải giải về Tương Quốc để ông xử lý. Nghe Trương Tân, ông cho mở trường học, yêu cầu con em và các tướng dưới quyền đến trường học tập. Ông còn lập ra chế độ tiến cử và chế độ thi tuyển. Phàm những người do các địa phương tiến cử lên, qua bình xét thấy hợp cách, đều được tuyển dụng làm quan. Thạch Lặc nghiêm cấm cấp dưới nói tới chữ "Hồ", "Kiệt", nhưng để phù dụ kẻ sĩ người Hán, đôi khi ông cũng bỏ qua không trị tội khi họ lỡ dùng theo thói quen. Một lần, có 1 người Hán là Phàn Đản được bổ dụng làm quan. Khi Phàn Đản vào cung triều kiến, trên mình, áo quần rất rách rưới. Thạch Lặc ngạc nhiên hỏi: "Khanh sao lại nghèo khổ tới mức này?"
Phàn Đản quên mất lệnh cấm, liền trả lời: "Gia đình thần vừa gặp một lũ giặc Kiệt, chúng cướp bóc sạch sành sanh, đến một bộ quần áo cho ra hồn cũng còn nữa".
Thạch Lặc thấy anh ta gặp rủi ro, liền an ủi: "Bọn giặc Kiệt cướp bóc bừa bãi như thế thật là bậy. Ta sẽ thay chúng để đền cho khanh".
Phàn Đản chợt nhớ ra, thấy mình đã xúc phạm tới hoàng đế thì sợ hãi run lẩy bẩy, cuống quýt dập đầu xin chịu tội. Thạch Lặc cười nói: "Lệnh cấm đó của ta là để đối phó với dân thường. Còn đối với những người có học như khanh, ta không trách". Nói xong, sai người đền trả Phàn Đản 1 số quần áo, tiền bạc, còn thưởng cho 1 cỗ xe, 1 con ngựa.
Thạch Lặc rất thích đọc sách. Bản thân ông không biết chữ, liền dùng 1 số người có học đọc sách cho mình nghe. Ông vừa nghe, vừa tùy lúc phát biểu kiến giải của mình. Một lần, ông nghe đọc Hán Thư (bộ sử chính triều Hán, do Ban Cố soạn), nghe đến đoạn có người khuyên Hán Cao Tổ Lưu Bang phong tước cho con cháu quí tộc cũ của 6 nước (Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên, Tề) liền nói: "Hầy! Lưu Bang dùng biện pháp sai lầm đó, tại sao lại giành được thiên hạ?".
Người giảng sách vội giải thích: sau nhờ có lời khuyên của Trương Lương, nên Hán Cao Tổ không làm việc đó nữa. Thạch Lặc gật đầu: "Như thế mới đúng chứ!".
Một lần khác, Thạch Lặc mở tiệc chiêu đãi các đại thần. Trong bữa tiệc, ông hỏi 1 đại thần: "Khanh xem, trẫm có thể sánh với hoàng đế nào trong lịch sử cổ đại?".
Viên đại thần đó nói nịnh: "Bệ hạ anh minh thần vũ, còn hơn cả Hán Cao Tổ, những hoàng đế khác càng không thể sánh với bệ hạ".
Thạch Lặc cười đáp: "Khanh nói quá lời rồi, nếu ta gặp Hán Cao Tổ thì chỉ có thể làm bày tôi, đại khái như Hàn Tín, Bành Việt. Nếu ta sinh vào thời Hán Quang Vũ Đế, thì có thể đua tranh với ông ta, chưa biết ai sẽ thắng ai".
Do Thạch Lặc quí trọng nhân tài, có chủ trương sáng suốt về chính trị nên đầu thời Hậu Triệu, miền bắc Trung Quốc đã xuất hiện cảnh hưng thịnh.
TỔ ĐỊCH VƯỢT SÔNG BẮC PHẠT
Từ khi người Hung Nô chiếm lĩnh Trung nguyên(chỉ lưu vực Hoàng Hà) , rất nhiều người Hán ở miền bắc tị nạn xuống miền nam. Người bạn thân của Lưu Côn là Tổ Địch cũng dẫn mấy trăm người thân thích trong làng chạy xuống vùng lưu vực Hoàng Hà. Tổ Địch tự đứng ra chỉ huy đoàn người tị nạn, nhường ngựa xe cho người già cả, ốm yếu, bỏ lương thực, quần áo của gia đình mình cho mọi người cùng sử dụng. Mọi người hết sức kính trọng ông, đồng thanh tiến cử ông làm thủ lĩnh. Khi đến Tứ Khẩu (nay ở phía bắc thành phố Thanh Giang, tỉnh Giang Tô), thủ hạ của Tổ Địch đã bao gồm nhiều tráng sĩ. Họ đều là người miền bắc đã buộc lòng rời bỏ quê hương. Tất cả đều mong muốn Tổ Địch lãnh đạo, dẫn dắt họ sớm trở về khôi phục lại Trung nguyên.
Lúc đó, Tư Mã Duệ chưa nhường ngôi hoàng đế. Tổ Địch vượt Trường Giang, đến Kiến Khang, khuyên Lang Nha vương Tư Mã Duệ: "Triều Tấn đại loạn, chủ yếu là do nội bộ hoàng thất tàn sát lẫn nhau, khiến cho người Hồ nhân cơ hội tiến công Trung nguyên. Nay trăm họ ở Trung nguyên bị kẻ địch bức bại tàn khốc, ai cũng muốn vùng lên chống lại. Chỉ cần đại vương hạ lệnh xuất binh, cử chúng tôi đi thu phục lại đất đai đã mất, thì nhân dân khắp các vùng ở miền bắc sẽ rầm rộ hưởng ứng".
Tư Mã Duệ vốn không có ý định thu phục Trung nguyên, nhưng thấy Tổ Địch nói có tình, có ký, không tiện từ chối, đành miễn cưỡng đáp ứng yêu cầu của ông, cử ông làm thứ sử Dự Châu (là vùng gồm phía đông tỉnh Hà Nam và phía bắc tỉnh An Huy ngày nay), cấp cho ông số lương thực đủ nuôi 1000 người, cùng 3000 tấm vải. Còn người ngựa và vũ khí thì do Tổ Địch tự lo liệu. Tổ Địch khắc phục mọi khó khăn, lấy mấy trăm người thân thuộc đi theo mình từ miền bắc xuống làm nòng cốt, tổ chức 1 đội quân, tự sắm sửa thuyền bè vũ khí, vượt Trường Giang tiến lên vùng bị chiếm. Khi thuyền tới giữa sông, Tổ Địch dùng mái chèo đập vào mạn thuyền, thề với mọi người: "Tổ Địch này, nếu không quét sạch được quân địch chiếm lĩnh Trung nguyên thì quyết không qua con sông này nữa". Giọng nói hùng hồn và ý chí gang thép của ông khiến mọi tráng sĩ đi theo đều xúc động, càng thêm hăng hái.
Đến Hoài Âm, họ dừng lại chiêu mộ thêm binh mã, rèn thêm vũ khí, tăng lực lượng lên hơn 2000 người ngựa, sau đó tiến thẳng lên phía bắc. Trên đường tiến binh, quân của Tổ Địch được nhân dân vùng bị chiếm nhiệt liệt ủng hộ, nên nhanh chóng thu hồi được nhiều đất đai. Khi đó, vùng bắc Trường Giang còn rất nhiều cường hào địa chủ, nhân lúc Trung nguyên đại loạn liền tập hợp lực lượng, xây thành đắp lũy, tranh đoạt đất đai và tài sản của nhau. Tổ Địch gặp gỡ, thuyết phục họ ngừng việc tranh chấp để cùng với ông tiến hành bắc phạt chống lại lực lượng xâm chiếm ngoại tộc. Kẻ nào không nghe theo, lại còn dựa thế kẻ địch để chống lại, ông đều kiên quyết dùng vũ lực tiến công, tiêu diệt. Do đó, uy tín của Tổ Địch ngày một cao. Lưu Côn lúc đó đang ở miền bắc, nghe tin người bạn thân đem quân bắc phạt thì rất vui mừng. Ông nói: "Ta nung nấu tinh thần chiến đấu, đêm nào cũng gối lên vũ khí, đợi tời sáng để đi giết giặc. Nay Tổ Địch đã đến hợp sức với ta rồi".
Năm 319, Trần Xuyên, một địa chủ cường hào ở vùng Trần Lưu đầu hàng Thạch Lặc, quốc vương Hậu Triệu. Tổ Địch quyết định đem quân tiến công Trần Xuyên. Thạch Lặc đưa 5 vạn quân đến cứu, bị Tổ Địch Đánh cho đại bại. Tiếp đó, diễn ra cuộc tranh đoạt thành Bổng Pha (nay ở gần thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam) giữa Đào Báo, tướng của Hậu Triệu với Hàn Tiềm, bộ hạ của Tổ Địch. Hai bên đánh nhau trong 40 ngày, giằng co mãi, đều gặp khó khăn về tiếp tế lương thực. Tổ Địch nghĩ kế đánh lừa địch, cho dùng túi vải đựng đầy đất, cho hơn 1000 quân vận chuyển tới trại quân của Hàn Tiềm, làm như vận tải lương thực. Cuối đoàn vận tải đất, cử một số nhỏ binh lính khiêng mấy bao lúa, đi chùng chình tới nửa đường thì giả bộ dừng lại nghỉ. Đào Báo từ trong trại của Hậu Triệu, quan sát thấy quân Tấn vận chuyển nhiều lương thực, thì nổi máu tham; lại thấy 1 số lính Tấn nghỉ giữa đường, liền sai quân lính xông ra cướp. Quân Tấn thấy vậy, bỏ mấy bao lúa lại, chạy về. Quân Triệu đang cạn lương, cướp được mấy bao lúa chẳng bõ bèn gì, thấy doanh trại quân Tấn xếp đầy lương thực thì hoang mang, lo lắng. Đào Báo vội sai người về cầu cứu với Thạch Lặc.
Mấy hôm sau, Thạch Lặc phái 1 đoàn vận tải có hơn 1000 lừa ngựa chở lương thực cho Đào Báo. Tổ Địch dò được tin tức, phái quân mai phục giữa đường, đoạt được toàn bộ số lương thực đó. Do không được tiếp tế, Đào Báo không trụ nổi, ngay trong đêm, phải bỏ trận địa rút chạy. Dưới sự lãnh đạo của Tổ Địch, quân Tấn qua chiến đấu gian khổ, đã thu phục lại được toàn bộ đất đai phía nam Hoàng Hà. Khá nhiều binh lính của Hậu Triệu theo hàng Tổ Địch. Sau khi Tấn Nguyên Đế lên ngôi, thấy Tổ Địch có công lớn, liền phong ông làm Trấn Tây tướng quân. Trong hoàn cảnh chiến đấu gian khổ, Tổ Địch sát cánh, đồng cam cộng khổ với tướng sĩ, bản thân hết sức tiết kiệm, có tiền bạc dư thừa đều giúp đỡ cấp dưới. Ông còn khuyến khích sản xuất, chiêu nạp, phủ dụ những người mới qui phục. Dù là những người ở địa vị thấp kém và những người không có quan hệ thân thích, ông đều đối xử nhiệt tình. Do đó, nhân dân vùng mới thu hồi đều nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ Tổ Địch.
Một hôm, Tổ Địch mở tiệc mời phụ lão địa phương. Mọi người vui mừng ca hát, nhảy múa. Một số cụ già rưng rưng nước mắt nói: "Chúng tôi đều già cả rồi, hôm nay còn được sống để gặp lại người thân, thì dù có chết cũng yên tâm nhắm mắt".
Tổ Địch vừa luyện quân, vừa phát triển thêm quân đội để chuẩn bị tiếp tục cuộc bắc phạt thu hồi lại vùng đất phía bắc Hoàng Hà. Nào ngờ, Tấn Nguyên Đế ngu tối, thấy Tổ Địch có lực lượng mạnh thì đem lòng nghi kỵ, sợ không khống chế được ông liền phái 1 người tin cậy là Đái Uyên là Chinh Tây tướng quân, nắm quyền chỉ huy quân sự cả 6 châu miền bắc và đặt Tổ Địch dưới quyền chỉ huy của Đái Uyên. Tổ Địch trải bao gian khổ mới thu hồi được vùng đất bị mất, nay lại bị triều đình khống chế nên rất buồn bực. Không lâu sau, lại nghe tin người bạn thân là U Côn đang ở Lưu Châu bị Vương Đôn cử người bức hại. Lại biết được giữa Tấn Nguyên Đế và Vương Đôn đang tranh đoạt quyền lực, khi thì công khai, khi thì ngấm ngầm, nội bộ triều chính chia làm 2 phe kình địch nhau thì lo phiền giận dữ, cuối cùng bị bệnh mất. Già trẻ trai gái ở Dự Châu nghe tin Tổ Địch mất, ai ai cũng đau buồn thương tiếc như mất người thân của mình.
Tuy Tổ Địch chưa hoàn thành được sự nghiệp khôi phục Trung nguyên, nhưng khí phách anh hùng và lời thề khi đập mái chèo giữa dòng Trường Giang vẫn mãi mãi được người sau truyền tụng.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top