103-104

KHỔNG MINH MẤT Ở GÒ NGŨ TRƯỢNG

Năm 229, tháng 4 Ngô vương Tôn Quyền chính thức xưng đế. Đại đa số các đại thần Thục Hán cho rằng Tôn Quyền xưng đế là tiếm hiệu, cần phải cắt đứt liên minh với Đông Ngô. Nhưng Gia Cát Lượng cho rằng, trước mắt Tào Ngụy mới là đối thủ chủ yếu của Thục Hán. Vì vậy ông vẫn liên minh với Đông Ngô, và chuẩn bị bắc phạt. Năm 231 Gia Cát Lượng đem quân thực hiện cuộc bắc phạt lần thứ 4, tiến quân đến Kỳ Sơn. Ngụy đế cử đại tướng Tư Mã Ý và Trương Cáp cùng dẫn quân đến Kỳ Sơn đối địch. Gia Cát Lượng để 1 bộ phận lưu tại Kỳ Sơn, còn tự mình dẫn quân chủ lực đánh chặn Tư Mã Ý. Tư Mã Ý tìm hiểu chiến lược của Gia Cát Lượng, thấy quân Gia Cát Lượng tiến xa hậu phương, quân lương tiếp tế khó khăn. Vì vậy, quyết định xây dựng thành lũy ở nơi hiểm yếu, ra lệnh cho tướng sĩ giữ vững chứ không ra đánh.

Tướng sĩ Ngụy cho rằng Tư Mã Ý sợ quân Thục, nên nhiều lần xin ra đánh và nói: "Tướng quân sợ Gia Cát Lượng như sợ hổ, không sợ người trong thiên hạ cười cho hay sao?".

Tư Mã Ý liền dẫn quân tiến lên giao chiến, bị quân Thục đánh cho 1 trận tơi bời. Nhưng phía quân Thục, do lỗi lầm của quan vận lương nên lương thảo tiếp tế không đủ, đành chủ động rút quân. Đại tướng Ngụy là Trương Cáp dẫn quân đuổi riết, tới 1 hẻm núi trong rừng cây rậm rạp, bị phục binh do Gia Cát Lượng bố trí sẵn, dùng cung tên bắn chết. Gia Cát Lượng mấy lần xuất quân đều không thành công. Một trong những nguyên nhân quan trọng là lương thực tiếp tế không kịp. Do đường núi nhỏ bé, gập ghềnh, xe tải lương đi lại khó khăn, chậm chạp. Vì vậy, Gia Cát Lượng liền thiết kế ra trâu gỗ, ngựa gỗ gọi là "mộc ngưu", "lưu mã" (thực chất là 1 loại xe vận chuyển cải tiến, có thể đi trên đường nhỏ, gập ghềnh), chở lương thực đến dự trữ sẵn ở hang Tà Cốc (nay ở tây nam huyện My, Thiểm Tây).

Năm 234, sau khi chuẩn bị đầy đủ, Gia Cát Lượng dẫn 10 vạn đại quân, lại tiến hành bắc phạt lần cuối cùng. Ông cử sứ giả sang Đông Ngô, hẹn với Tôn Quyền đồng thời cử quân để phối hợp đánh Ngụy cả từ 2 phía. Đại quân Gia Cát Lượng qua hang Tà Cốc, đến gò Ngũ Trượng ở bờ nam sông Vị. Để tính kế lâu dài, Gia Cát Lượng cho tướng sĩ đôn đốc binh lính xây dựng dinh lũy chuẩn bị tác chiến, đồng thời cử 1 bộ phận binh sĩ khai khẩn đất đai, cày cấy cùng với nhân dân địa phương để sản xuất lương thực tại chỗ. Nhờ có kỷ luật nghiêm minh, nên giữa quân Thục và dân địa phương có quan hệ rất tốt.

Ngụy Minh đế phái Tư Mã Ý dẫn quân Ngụy vượt qua sông Vị, cũng xây thành đắp lũy phòng thủ để cầm cự với quân Thục. Tôn Quyền nhận được thư của Gia Cát Lượng, lập tức cử 3 cánh quân lên bắc đánh Ngụy. Ngụy Minh đế cũng là người có bản lĩnh, 1 mặt dẫn đại quân xuống phía nam chống lại, 1 mặt báo cho Tư Mã Ý biết, cứ giữ vững ở Ngũ Trượng Nguyên, không ra quân chống lại. Gia Cát Lượng chờ đợi tin tức ở mặt Đông Ngô, nhưng kết quả khiến ông thất vọng. Cuộc tiến công của Tôn Quyền đã bị thất bại. Ông muốn quyết chiến cùng quân Ngụy, nhưng Tư Mã Ý trước sau nhất định giữ vững thành lũy, không chịu đem quân ra đánh. Gia Cát Lượng dùng mọi biện pháp để khiêu chiến, nhưng đều không có hiệu quả. Hai bên kìm giữ nhau ở đây hơn 100 ngày. Muốn buộc quân Ngụy ra đánh, Gia Cát Lượng nghĩ ra 1 cách chọc tức Tư Mã Ý, lợi dụng tâm lý và phong tục coi khinh phụ nữ thời đó, ông phái sứ giả mang tặng Tư Mã Ý một bộ áo phụ nữ, tỏ ý coi thường Tư Mã Ý hèn nhát như đàn bà, không đáng mặt làm tướng cầm quân ra chiến trường.

Tướng sĩ quân Ngụy thấy chủ tướng bị lăng nhục như vậy, thảy đều căm giận, muốn đem quân quyết một trận sống mái với quân Thục. Tư Mã Ý biết đây là thủ đoạn khích tướng của Gia Cát Lượng nên không hề nổi giận. Ý an ủi tướng sĩ: "Được! Nếu các ngươi muốn đánh, thì ta dễ dàng tấu chương lên triều đình, xin hoàng đế chuẩn y cho chúng ta quyết chiến cùng quân Thục".

Mấy ngày sau, Ngụy Minh đế phái 1 đại thần tới trại quân, truyền đạt chỉ dụ của hoàng đế: không cho ra đánh. Tướng sĩ Thục nghe tin, đều lấy làm thất vọng. Chỉ có Gia Cát Lượng hiểu được dụng ý của Tư Mã Ý, liền nói: "Việc Tư Mã Ý dâng biểu xin đánh, chỉ là trò làm yên lòng tướng sĩ thôi. Chứ bao giờ có chuyện đại tướng quân ở ngoài xa ngàn dặm lại phải dâng biểu về triều đình xin đánh"

Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng đều là những đối thủ rất hiểu rõ tâm lý của nhau, và luôn tìm cách để thăm dò tình hình đối phương. Có lần Gia Cát Lượng phái sứ giả đến khiêu chiến, Tư Mã Ý tiếp đãi rất ân cần, rồi hỏi thăm và nói chuyện vãn. Tư Mã Ý hỏi: "Thừa tướng bên quí quốc chắc là bận rộn lắm. Gần đây sức khỏe thừa tướng thế nào? Ăn uống có được ngon miệng không?"

Sứ giả nghĩ rằng đó là lời thăm hỏi theo phép xã giao, không có gì quan trọng nên thực thà trả lời: "Thừa tướng của chúng tôi đúng là rất bận rộn, phải tự mình giải quyết mọi việc lớn nhỏ trong quân doanh. Ngài thường thức khuya dậy sớm. Có điều gần đây ăn uống không được ngon miệng, mỗi bữa chỉ dùng rất ít".

Sau khi sứ giả ra về, Tư Mã Ý liền nói với các tướng sĩ: "Các ngươi xem, Gia Cát Lượng làm việc thì nhiều mà ăn uống lại ít, làm sao mà kéo dài được?".

Đúng như Tư Mã Ý dự đoán, Gia Cát Lượng do làm việc quá mệt nhọc nên ít lâu sau sinh bệnh ngay tại quân doanh. Hậu chủ nghe tin Gia Cát Lượng ốm liền cử đại thần Lý Phúc tới Ngũ Trượng Nguyên thăm hỏi. Sau khi nói chuyện quan trọng trong triều với Gia Cát Lượng, Lý Phúc cáo từ ra về. Mấy hôm sau Lý Phúc lại tới, thấy Gia Cát Lượng vàng hẳn đi, liền bật khóc. Gia Cát Lượng mở to mắt nhìn Lý Phúc rồi nói: "Ta đã hiểu ý hoàng thượng sai ông tới đây là để hỏi gì rồi. Hoàng thượng muốn biết sau khi ta mất đi thì ai là người thay thế. Ta xin tiến cử Tưởng Uyển thay ta làm thừa tướng".

Lý Phúc nói: "Thừa tướng đoán rất đúng. Hoàng thượng phái hạ chức tới đây chính là hỏi, vạn nhất thừa tướng mệnh chung thì ai là người đảm đương nổi trọng trách quốc gia. Vậy sau Tưởng Uyển thì ai là người kế nhiệm được?".

Gia Cát Lượng nói: "Có thể giao cho Phí Vi".

Lý Phúc còn muốn hỏi tiếp thì Gia Cát Lượng đã nhắm mắt không trả lời nữa. Mấy hôm sau, con người đầy tài năng và tâm huyết, mới 54 tuổi đã trút hơi thở cuối cùng, ôm theo mối hận vì hoài bão lớn không thực hiện được. Theo lời dặn dò của Gia Cát Lượng, quân Thục giữ bí mật tin tức về cái chết của Gia Cát Lượng. Họ để thi thể Gia Cát Lượng trong xe rồi bố trí lui quân có trật tự. Khi thám tử quân Ngụy dò biết được tin tức, cấp báo lên Tư Mã Ý, Ý lập tức cho quân đuổi theo. Vừa qua Ngũ Trượng Nguyên, bỗng nhiên đội ngũ quân Thục quay lại, thúc trống vang lừng rồi xông tới chém giết.

Tư Mã Ý giật mình, tưởng bị trúng kế, vội quay đầu ngựa, hạ lệnh rút quân. Chờ cho quân Ngụy rút xa, quân Thục lại từ từ rút khỏi Ngũ Trượng Nguyên. Dân chúng biết việc đó, liền đặt ra 1 câu vè chế giễu Tư Mã Ý: 

"Gia Cát Lượng đã về trời

Còn làm Trọng Đạt rụng rời chân tay"

(Trọng Đạt là tên tự của Tư Mã Ý).

Tư Mã Ý nghe được câu vè, cũng không tỏ ý bực, chỉ nói: "Ta chỉ dự đoán được mưu mẹo của Gia Cát Lượng lúc sống, chứ sao có thể biết được sự bố trí của ông ta sau khi chết". Sau đó, Tư Mã Ý tự đến nơi bố trí doanh trại của quân Thục, xem xét kĩ rồi than: "Gia Cát Khổng Minh thực là bậc kì tài trong thiên hạ".

Hoài bão thống nhất Trung Nguyên của Gia Cát Lượng không thực hiện được, nhưng trí tuệ và phẩm cách của ông được người đời sau mãi mãi truyền tụng. Trong truyền thuyết dân gian, hình tượng Gia Cát Lượng trở thành hóa thân của trí tuệ. Trong bài "Hậu xuất sư biểu" của ông có câu: "Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ" (hết lòng tận tụy, đến chết mới thôi) được người đời cho rằng đó là sự đánh giá xác đáng nhất đối với toàn bộ cuộc đời ông.


 TƯ MÃ Ý GIẢ ỐM

Mấy năm sau khi Gia Cát Lượng mất, Thục Hán chỉ giữ thế thủ với Ngụy. Nước Ngụy ngày càng lớn mạnh, nhưng nội bộ lại xảy ra động loạn. Đại tướng Tư Mã Ý của Ngụy vốn là dòng dõi đại sĩ tộc địa chủ. Khi Tào Tháo mới lên cầm quyền có mời Tư Mã Ý ra làm quan. Lúc đó, Tư Mã Ý thấy Tào Tháo xuất thân từ tầng lớp thấp kém hơn mình, nên không nhận ra làm quan dưới quyền Tào Tháo. Nhưng vì không dám để mất lòng Tào Tháo, Tư Mã Ý phải lấy cớ có bệnh phong thấp, Tào Tháo ngờ là Tư Mã Ý cố tình thoái thác, liền cho tay sai giỏi võ nghệ ban đêm lẻn vào nhà Tư Mã Ý quan sát, quả nhiên thấy Tư Mã Ý nằm trên giường, có người hầu hạ xung quanh.

Thích khách vẫn chưa tin Tư Mã Ý có bệnh, liền xông vào rút kiếm chĩa vào cổ Tư Mã Ý. Anh ta cho rằng nếu Tư Mã Ý không mắc bệnh thì nhất định sẽ vùng lên. Nhưng Tư Mã Ý vốn nhiều mưu trí, đoán ngay ra phép thử của Tào Tháo, vẫn nằm im như không cất nhắc được chân tay, chỉ mở mắt ra lờ đờ hỏi: "Nhà ngươi có thù gì với ta?".

Thích khách tin là Tư Mã Ý ốm thật, liền quay phắt trở ra, nhảy qua tường, về báo với Tào Tháo. Tư Mã Ý biết rằng nếu cứ bất hợp tác mãi thì Tào Tháo không để yên. Vì vậy, một thời gian sau, cho loan tin là đã khỏi bệnh phong thấp. Tào Tháo lại triệu ra làm quan. Tư Mã Ý liền nhận lời. Lần lượt trong 2 đời Tào Tháo và Tào Phi, Tư Mã Ý đều giữ chức vị cao, có nhiều ý kiến đóng góp được trọng nể. Đến khi Ngụy Minh Đế Tào Duệ lên ngôi, Tư Mã Ý đã là 1 nguyên lão đại thần của nước Ngụy. Do suốt trong thời gian dài, Tư Mã Ý đã đảm việc thống lĩnh quân Ngụy đánh nhau với quân Thục ở Quan Trung, nên phần lớn binh quyền ở nước Ngụy đã nằm trong tay ông. Sau đó, thái thú Liêu Đông là Công Tôn Uyên câu kết với bọn quí tộc người Tiên Ti nổi dậy chống lại Ngụy. Ngụy Minh đế lại cử Tư Mã Ý đem binh mã đi dẹp loạn.

Dẹp xong Liêu Đông, Tư Mã Ý chuẩn bị dẫn quân về triều thì nhận được chiếu thư khẩn cấp, triệu về Lạc Dương. Về tới Lạc Dương, Ngụy Minh đế đã lâm bệnh nặng. Minh đế gọi Tư Mã Ý và đại thần trong hoàng tộc là Tào Sảng đến bên giường bệnh, dặn dò họ cùng nhau hiệp lực phò tá thái tử Tào Phương. Sau khi Ngụy Minh đế mất, thái tử Tào Phương lên nối ngôi, tức là Ngụy Thiếu Đế. Tào Sảng làm đại tướng quân, Tư Mã Ý làm thái úy. Mỗi người lĩnh 3000 quân thay nhau trực trong hoàng cung. Tào Sảng được nhận trọng trách, chủ yếu là thuộc hoàng tộc, còn về tài năng và tư cách thì kém xa Tư Mã Ý. Khi mới nhận chức, ông ta không thể không tôn trọng Tư Mã Ý, có việc gì đều đến hỏi ý kiến Tư Mã Ý. Sau đó, một số tay chân tâm phúc nhắc nhở Tào Sảng: "Đại tướng quân là người trong hoàng tộc, không nên chia sẻ đại quyền cho người ngoài".

Họ xui Tào Sảng lấy danh nghĩa Thiếu Đế, thăng Tư Mã Ý lên cấp thái phó, thực chất là cướp binh quyền của Tư Mã Ý, vì thái phó tuy có tước vị cao hơn thái úy, nhưng lại thuộc ngạch văn quan, không nắm binh quyền. Sau đó, Tào Sảng lại bố trí cho anh em và tay chân trong họ Tào giữ những chức vụ trọng yếu. Tư Mã Ý thấy rõ ý đồ đó, nhưng cứ giả câm giả điếc, không hề nói 1 lời nào. Tào Sảng nắm được đại quyền, liền bắt đầu lao vào cuộc sống xa xỉ hoan lạc. Sau, nghe lời bộ hạ, Tào Sảng lại muốn diễu võ giương oai, đem đại quân đi đánh Thục Hán, toan lấy võ công để tăng thêm uy tín. Không ngờ, đại quân Tào Ngụy dưới sự chỉ huy ngu dốt của Tào Sảng, bị quân Thục đánh cho đại bại, suýt nữa thì bị tiêu diệt hết toàn quân. Tư Mã Ý không để lộ thái độ, nhưng đã có dự tính ngầm. Vì tuổi đã cao, ông ta liền dâng sớ nói tuổi già nhiều bệnh, không tham dự triều chính nữa. Tào Sảng thấy Tư Mã Ý sinh bệnh thì rất mừng rỡ, nhưng vẫn chưa thật yên tâm, liền tìm cách thử xem Tư Mã Ý ốm thật hay ốm giả.

Vừa gặp dịp người thân tín của Tào Sảng là Lý Thắng được cử đi làm thứ sử Kinh Châu. Trước lúc lên đường nhậm chức, Sảng sai Lý Thắng mượn cớ đến chào từ biệt Tư Mã Ý để xem hư thực ra sao. Lý Thắng tới tận giường nằm của Tư Mã Ý để thăm hỏi và nói lời cáo biệt. Ông ta thấy Tư Mã Ý nằm trên giường bệnh, có 2 nha hoàn đang hầu hạ bón cháo. Ý không cầm nổi bát cháo, chỉ ngậm miệng vào miệng bát, uống 1 cách khó khắn. Vừa được vài ngụm, nước cháo đã trào ra bên mép, rớt xuống ướt hết cả ngực áo. Lý Thắng đứng bên cạnh, cảm thấy Tư Mã Ý đã thực sự ốm đau tới mức đáng thương hại. Lý Thắng nói: "Kính bẩm thái phó, hạ quan nhờ ân điển của hoàng thượng, được về nhận chức thứ sử ở bản châu (Lý Thắng là người Kinh Châu, vì vậy gọi là bản châu, tức châu của quê nhà) nên xin tới cáo từ thái phó".

Tư Mã Ý vừa nghẹn vừa nói: "Ôi, thật là tội nghiệp cho ngài, phải đi nhậm chức xa quê, Tịnh Châu ở miền bắc, giáp với người Hồ, ngài cần phòng bị chu đáo. Lão phu bệnh nặng thế này, sợ không còn dịp gặp ngài nữa".

Lý Thắng nói: "Bẩm, thái phó nghe nhầm, hạ quan được về quê Kinh Châu, chứ không phải lên Tịnh Châu".

Tư Mã Ý nghiêng tai nghe, vờ nghe chưa rõ, lại hỏi: "À, thế ra là Thanh Châu à?"

Lý Thắng lại phải nói rành rọt lại 1 lần nữa, Tư Mã Ý mới nghe ra, rồi thở dốc lên nói: "Ta già quá rồi, mắt mờ tai điếc, không nghe rõ lời ngài. Ngài được về Kinh Châu thì tốt quá rồi".

Lý Thắng cáo từ ra về, nói tường tận cho Tào Sảng nghe, rồi nói thêm: "Thái phó chỉ còn chút hơi tàn, đại tướng quân chẳng phải lo gì nữa".

Tào Sảng nghe nói, rất vui mừng và hoàn toàn yên tâm. Năm 249, nhân ngày đầu năm, Ngụy Thiếu Đế Tào Phương dân bá quan ra ngoài thành để tế lễ tại khu lăng mộ các tiên đế. Tào Sảng và toàn bộ tay chân thân tín đều đi theo. Vì cho rằng Tư Mã Ý bệnh nặng, nên không có ai tới mời ông ta đi cùng. Ngờ đâu, khi biết Tào Sảng và thân tín ra hết khỏi hoàng thành. Tư Mã Ý liền hết mọi bệnh tật, mặc khôi giáp, lên ngựa, dẫn 2 con là Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu đem binh mã chiếm cửa thành và kho vũ khí, đồng thời giả truyền chiếu lệnh của Hoàng thái hậu, cách chức đại tướng quân của Tào Sảng. Được tin, Tào Sảng và thân tín cuống cuồng rối loạn, không biết đối phó ra sao.

Có người xui ông ta mang Thiếu đế rút về Hứa đô, lệnh cho các nơi đem binh mã về đánh bại Tư Mã Ý. Nếu làm như vậy thì nhất định sẽ đẩy Tư Mã Ý vào thế khó khăn. Nhưng Tào Sảng và đám họ hàng thân tín đều là 1 lũ bất tài chỉ quen ăn chơi hưởng lạc, làm gì có dũng khí để thực hiện kế sách đó. Đúng lúc đó, Tư Mã Ý lại phái người đến khuyên Tào Sảng đầu hàng, nói là chỉ yêu cầu giao lại binh quyền chứ không có ý gì làm hại. Tào Sảng liền ngoan ngoãn xin hàng. Mấy hôm sau, dựa vào 1 lời cáo giác là phe cánh Tào Sảng chuẩn bị làm phản, Tư Mã Ý liền cho bắt toàn bộ và đem xử tử.

Sau sự việc đó, chính quyền trong nước Ngụy trên danh nghĩa vẫn là của họ Tào, nhưng trên thực tế đã hoàn toàn chuyển sang tay họ Tư Mã.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: