101-102

BẢY LẦN BẮT MẠNH HOẠCH

Tiên chủ Lưu Bị của Thục Hán khi lâm bệnh nặng, liền triệu Gia Cát Lượng từ Thành Đô tới, dặn dò công việc về sau. Lưu Bị nói: "Tài năng của thừa tướng gấp mười lần Tào Phi, nhất định sẽ cai quản tốt đất nước. Con ta là A Đẩu (tên lúc nhỏ của Lưu Thiền) tài hèn, nếu thừa tướng thấy giúp được thì giúp, nếu không thì thừa tướng cứ tự mình giành lấy ngôi vị làm chủ đất nước này".

Gia Cát Lượng giật mình kinh sợ, chảy nước mắt, dập đầu nói: "Thần chịu ơn tri ngộ của bệ hạ, đâu dám không hết lòng hết sức phò tá hậu chủ để báo đáp lại bệ hạ, đến chết mới thôi".

Lưu Bị gọi con nhỏ là Lưu Vinh tới bên mình, căn dặn: "Ta chết đi, anh em con phải tôn kính thừa tướng như cha mới được. Mọi việc phải nhất nhất nghe theo lời thừa tướng".

Sau khi Lưu Bị mất, Gia Cát Lượng trở về Thành Đô, phò tá Lưu Thiền lên kế vị. Lịch sử gọi Lưu Thiền là Thục Hán hậu chủ. Lưu Thiền lên ngôi, mọi việc lớn nhỏ trong triều đều giao cho Gia Cát Lượng quyết định. Gia Cát Lượng tận tụy làm việc, mong phục hồi lại sức mạnh của Thục Hán. Không ngờ tại vùng Nam Trung (nay là vùng từ sông Đại Độ trở về phía nam thuộc tỉnh Tứ Xuyên và vùng Vân Nam, Quí Châu) lại xảy ra cuộc nổi loạn ở mấy quận. Một cường hào ở Ích Châu là Ung Khải nghe tin Lưu Bị chết, liền giết thái thú Ích Châu và nổi loạn. Hắn 1 mặt cử người sang đưa thư đầu hàng Đông Ngô, 1 mặt lôi kéo thủ lĩnh dân tộc thiểu số ở vùng Nam Trung là Mạnh Hoạch, xúi giục Mạnh Hoạch lôi kéo thêm một số bộ tộc khác cùng chống lại Thục Hán. Bắt chước Ung Khải, thái thú Tường Kha (nay là vùng Tuân Nghĩa, Quí Châu) là Chu Bảo và một tù trưởng bộ tộc thiểu số là Cao Định cũng hưởng ứng cuộc nổi loạn. Tình hình đó có nguy cơ khiến Thục Hán mất gần nửa đất đai, khiến Gia Cát Lượng vô cùng lo lắng.

Nhưng lúc đó Thục Hán vừa thua trận Hào Đình và Lưu Bị mới mất, nên không thể xuất binh. Gia Cát Lượng phải cử người sang giảng hòa với Đông Ngô để giữ yên phía đông. Một mặt ra sức phát triển sản xuất, xây dựng công trình thủy lợi, tích trữ lương thảo, huấn luyện binh mã. Qua 2 năm, tình hình mọi mặt đều khởi sắc, Gia Cát Lượng quyết định dẫn quân nam chinh. Năm 225, tháng 3, Gia Cát Lượng dẫn đại quân xuất phát. Mã Tốc là em ruột Mã Lương, vốn là 1 bạn tốt của Gia Cát Lượng, tiễn theo mấy chục dặm trường. Trước lúc chia tay, Gia Cát Lượng nắm tay Mã Tốc nói: "Ta với tôn huynh và tướng quân quen biết và cộng tác với nhau đã lâu, nay ta đem quân nam chính, tướng quân có ý kiến gì hay góp với Lượng này không?".

Mã Tốc nói: "Người vùng Nam Trung dựa vào địa hình hiểm yếu, lại xa kinh thành, từ lâu đã có ý không tuân theo triều đình, dù ta có cùng đại quân đánh bại được họ thì sau đó, họ vẫn cứ nổi dậy. Tôi nghe nói phép dùng binh chủ yếu là đánh vào lòng người, còn đánh thành là thứ yếu. Lần này thừa tướng nam chinh, nhất định phải làm sao khiến họ tâm phục thì mới mong chỉ vất vả một lần mà yên tâm mãi mãi".

Lời Mã Tốc hoàn toàn trùng hợp với ý Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng gật đầu nói: "Cám ơn tướng quân đã khuyên bảo. ta nhất định sẽ làm như thế".

Gia Cát Lượng đem quân Thục xuống miền nam, liên tục đánh thắng. Quân mới đi tới nửa đường, thì giữa Cao Định và Ung Khải đã xảy ra xung đột, bộ hạ của Cao Định đã giết chết Ung Khải. Quân Thục tiến tới, cũng giết được luôn Cao Định. Gia Cát Lượng cử 2 đại tướng Lý Khôi và Mã Trung chia đường tiến công. Không đầy nửa tháng, Mã Trung đã đánh phá Tường Pha, tiêu diệt được phiến quân ở đó. Tình hình phản loạn trong 4 quận nhanh chóng được dẹp yên. Nhưng sự việc chưa kết thúc. Tù trưởng bộ tộc ở Nam Trung là Mạnh Hoạch tiếp nhận tàn binh của Ung Khải, tiếp tục chống lại quân Thục. Gia Cát Lượng điều tra biết được rằng Mạnh Hoạch không chỉ giỏi chiến đấu mà còn có uy tín rất cao trong các bộ tộc vùng Nam Trung. Vì vậy, nhớ tới lời Mã Tốc, Gia Cát Lượng quyết tâm tìm cách chinh phục Mạnh Hoạch. Ông ra lệnh cho 3 quân, chỉ được bắt sống chứ không được làm tổn thương tới Mạnh Hoạch.

Do Gia Cát Lượng giỏi dùng mưu kế, mỗi khi giao chiến, quân Thục chạm trán với quân Mạnh Hoạch, đều cố ý rút lui. Mạnh Hoạch ỷ vào người đông, thông thạo địa hình nên cứ thúc quân đuổi tràn. Lúc đó, phục binh Thục mới xông ra, đánh tan quân Nam Trung và bắt sống Mạnh Hoạch. Mạnh Hoạch bị trói dẫn về trại Thục, tự nghĩ lần này chắc khó lòng sống được. Nào ngờ vừa vào khỏi cửa dinh, Gia Cát Lượng đã lập tức quát lính sai cởi trói, mời ngồi, rồi ân cần khuyên nhủ Mạnh Hoạch qui hàng triều đình. Nhưng Mạnh Hoạch không chịu phục, nói: "Chỉ vì ta thiếu thận trọng, nên mới trúng kế của ngươi. Vì vậy, làm sao khiến ta phục được?".

Gia Cát Lượng không nài ép, cho Mạnh Hoạch cùng mình cưỡi ngựa đi xem khắp doanh trại Thục để thấy binh mã và sự bố trí rồi hỏi: "Tù trưởng, ngươi thấy binh mã triều đình ra sao?".

Mạnh Hoạch ngạo mạn trả lời: "Trước kia ta không nắm rõ được hư thực của quân Thục nên mới thua trận. Lần này đã tận mắt thấy rõ, đối với loại quân đội như thế này, ta có thể đánh thắng không khó khăn gì".

Gia Cát Lượng cười lớn nói: "Nếu quả như vậy, tù trưởng hãy về chuẩn bị cho cẩn thận, rồi chúng ta lại cùng thử sức một lần nữa".

Mạnh Hoạch được tha, trở về bộ lạc của mình, chấn chỉnh lại lực lượng rồi lại đem quân ra đánh. Nhưng vốn là 1 kẻ hữu dũng vô mưu, Mạnh Hoạch đâu phải là đối thủ của Gia Cát Lượng, nên quân Thục dễ dàng bắt sống hắn. Gia Cát Lượng lại khuyên hàng. Mạnh Hoạch vẫn chưa chịu phục, nhưng vẫn được thả về. Cứ như vậy, bắt rồi lại thả, trước sau tất cả 7 lần. Sau khi bắt được lần thứ 7, vừa thấy dẫn Mạnh Hoạch vào, Gia Cát Lượng lại muốn thả ra lần nữa. Nhưng Mạnh Hoạch chảy nước mắt nói: "Đội ơn thừa tướng bảy lần bắt bảy lần tha, thật là chí nhân chí nghĩa. Mạnh Hoạch này cảm thấy hổ thẹn và kính phục thừa tướng vô cùng. Từ nay trở đi, quyết không dám làm phản nữa".

Mạnh Hoạch trở về, khuyên tất cả các bộ lạc khác đầu hàng. Vùng Nam Trung lại chịu sự khống chế của Thục Hán. Bình định Nam Trung xong, Gia Cát Lượng ra lệnh cho Mạnh Hoạch và các thủ lĩnh bộ lạc khác cứ cai quản vùng đất của mình như cũ. Có người khuyên Gia Cát Lượng: "Chúng ta trải bao khó khăn mới bình định được Nam Trung. Tại sao thừa tướng không cử quan lại đến cai trị, mà lại cứ để cho các đầu lĩnh của họ cai quản như cũ?".

Gia Cát Lượng nói: "Cử quan lại tới, không phải là cách hay, chỉ thêm nhiều bất tiện. Vì đã cử quan lại thì phải đóng quân. Quân lính đóng ở nơi xa, phải tiếp tế lương thực khó khăn. Thêm nữa, hai bên vừa đọ can qua, nhiều dân địa phương tử trận. Nếu chúng ta cử quan lại tới cai trị, không khỏi khơi lại thù hận, nhất định sẽ sinh ra hậu loạn. Nay ta vừa không phái quan lại tới, lại không đóng quân, để họ tự trị, giữa người Hán và các bộ lạc khác không có va chạm gì, chẳng tốt hơn sao?".

Mọi người nghe nói, đều khâm phục tầm nhìn của thừa tướng. Gia Cát Lượng dẫn quân, ca khúc khải hoàn trở lại Thành Đô. Hậu chủ và các đại thần đều ra ngoài thành đón tiếp. Mọi người rất vui mừng vì đã bình định được Nam Trung. Từ đó, Gia Cát Lượng ra sức chỉnh đốn nội trị, khuyến khích sản xuất, tích lũy lương thực, thao luyện quân sĩ, một lòng một dạ chuẩn bị cho việc đánh Tào Ngụy ở phía bắc.


MÃ TỐC ĐỂ MẤT NHAI ĐÌNH

Sau khi bình định Nam Trung, qua 2 năm chuẩn bị, mùa đông năm 227, Gia Cát Lượng dẫn đại quân lên giữ Hán Trung. Vì Hán Trung ở gần nơi giáp giới giữa Thục và Ngụy nên ở đây dễ chọn thời cơ tiến đánh Tào Ngụy. Trước khi rời Thành Đô, Gia Cát Lượng dâng biểu lên hậu chủ, khuyên hậu chủ không nên thỏa mãn với hiện trạng, thiếu chí tiến thủ; cần gần gũi hiền thần, xa lánh bọn tiểu nhân. Đồng thời tỏ ý mình quyết không phụ sự ủy thác của tiên đế, kiên quyết gánh vác trách nhiệm khôi phục triều Hán. Bài biểu này là 1 tác phẩm nổi tiếng của Gia Cát Lượng, được lịch sử văn học gọi là "Tiền xuất sư biểu" (Sau này Gia Cát Lượng trong lần xuất quân sau còn 1 bài biểu nữa, được gọi là "Hậu sư xuất biểu").

Tới đầu năm sau, Gia Cát Lượng dùng biện pháp giương đông kích tây, tung tin là sẽ đánh My Thành (nay là huyện My, tỉnh Thiểm Tây) và phái đại tướng Triệu Vân đem một toán quân tới đánh ở Cơ Cốc (nay ở phía bắc Bao Thành, Thểm Tây), làm ra vẻ sắp đánh My Thành. Nhân lúc quân Ngụy bị thu hút về hướng đó, Gia Cát Lượng tự dẫn đại quân bất ngờ đánh vào Kỳ Sơn (nay ở phía đông huyện Lễ, Cam Túc). Quân Thục trải qua mấy năm được Gia Cát Lượng huấn luyện, có đội ngũ chỉnh tề, kỷ luật nghiêm minh, sĩ khí hết sức hăng hái. Từ sau khi Lưu Bị chết, Thục Hán không có hành động gì ở phía bắc, nên quân Ngụy thiếu phòng bị. Lần này bất ngờ bị tiến đánh, quân Ngụy ở Kỳ Sơn không chống đỡ nổi, nên liên tục thua trận, buộc phải rút về phía sau. Quân Thục thừa thắng tiến lên. Tướng giữ 3 quận Thiên Thủy, Nam An, An Định đều phản lại Ngụy và phái người tới xin hàng Gia Cát Lượng.

Lúc đó, Ngụy Văn Đế Tào Phi mới ốm chết, bá quan văn võ trong triều đình Ngụy nghe tin quân Thục tiến công, đều hoảng hốt kinh sợ. Ngụy Minh Đế Tào Nhuệ mới lên ngôi, còn tương đối trấn tĩnh, lập tức phái đại tướng Trương Cáp đem 5 vạn quân tới gấp Kỳ Sơn đối địch. Còn bản thân Minh Đế cũng tới Trường An để đốc chiến. Gia Cát Lượng tới Kỳ Sơn, quyết định phái 1 đội quân tới chiếm Nhai Đình (nay ở đông nam Trang Lãng, Cam Túc) để làm cứ điểm hỗ trợ cho việc tiến thoái. Gia Cát Lượng cân nhắc, thấy đây là 1 nhiệm vụ quan trọng cần cử người có tài năng mưu trí. Bên cạnh Gia Cát Lượng lúc đó có mấy lão tướng dày dạn kinh nghiệm chiến trận, nhưng ông không chọn, lại cử tham quan Mã Tốc nhận nhiệm vụ này.

Mã Tốc là người đã từng đọc không ít binh thư, ngày thường rất thích đàm luận quân sự. Gia Cát Lượng tìm ông tới để nói chuyện về việc dụng binh, Mã Tốc say sưa nói không dứt, trong đó từng có những đề xuất đúng đắn, được Gia Cát Lượng tán thưởng; ví như kế sách về việc bình định Nam Trung. Vì vậy Gia Cát Lượng rất tin dùng. Nhưng Lưu Bị khi còn sống đã phát hiện thấy nhược điểm của Mã Tốc là thiếu thực tế, nên đã có lần nói với Gia Cát Lượng: "Mã Tốc là con người hay nói quá mức, không nên để giao đảm đương việc lớn". Nhưng Gia Cát Lượng không lưu tâm đúng mức tới lời dặn của Lưu Bị. Lần này, ông cử Mã Tốc làm tiền phong, Vương Bình làm phó Tướng.

Mã Tốc và Vương Bình dẫn quân tới Nhai Đình thì Trương Cáp cũng đang dẫn viện binh của quân Ngụy tiến tới. Mã Tốc quan sát địa hình, rồi nói với Vương Bình: "Chỗ này địa hình hiểm yếu, bên cạnh Nhai Đình lại có một ngọn núi, nên đóng quân trên đó để mai phục".

Vương Bình nhắc Mã Tốc: "Trước lúc xuất quân, thừa tướng có nhắc là phải giữ vững thành lũy, lập dinh trại cho tốt. Nếu đóng quân trên núi thì mạo hiểm quá".

Mã Tốc thiếu kinh nghiệm chiến đấu, tự cho mình đọc nhiều binh thư, nên không nghe theo lời nhắc nhở của Vương Bình, cứ nhất định đóng quân trên núi. Vương Bình can ngăn mãi không được, liền xin Mã Tốc cấp cho mình hơn 1000 quân, dẫn tới đóng ở chân núi gần đó. Trương Cáp dẫn đại binh tới Nhai Đình, thấy Mã Tốc bỏ không dùng thành trì sẵn có dưới núi mà lại mang quân lên đóng trên núi thì mừng lắm, lập tức điều quân chiếm lấy thành lũy dưới núi, rồi vây chặt trái núi có quân Mã Tốc đóng trên đó. Mã Tốc nhiều lần ra lệnh cho quân xông xuống núi, nhưng do Trương Cáp giữ vững thành lũy, quân Thục không sao phá được, lại bị quân Ngụy bắn chết khá nhiều. Quân Ngụy xiết chặt vòng vây và cắt đứt nguồn nước, khiến quân Thục không có nước nấu cơm, dần dần sinh ra rối loạn. Trương Cáp thấy cơ hội đã đến, liền ra lệnh tổng công kích. Quân Thục tan vỡ, đua nhau lủi trốn, không sao ngăn cản được. Cuối cùng Mã Tốc đành liều chết phá vây chạy về hướng tây. 

Vương Bình có 1000 binh mã, giữ vững dinh trại. Thấy quân Mã Tốc bị bị đánh bại, liền hạ lệnh thúc trống, làm ra vẻ chuẩn bị tiến công. Trương Cáp ngỡ là quân Thục có mai phục nên không dám tới gần. Vương Bình chỉnh đốn đội ngũ, rồi từ từ rút về, không những không tổn thất 1 tên lính nào, mà còn thu nhận được một số quân tán lạc của Mã Tốc nữa. Nhai Đình thất thủ, quân Thục bị mất 1 cứ điểm quan trọng, lại tổn thất nhiều người ngựa. Để tránh bị tổn thất lớn hơn nữa, Gia Cát Lượng đành rút lui toàn bộ về Hán Trung. Về tới Hán Trung, qua thẩm vấn, được biết việc mất Nhai Đình do hoàn toàn là lỗi của Mã Tốc đã không tuân theo mệnh lệnh về việc bố trí quân đội. Mã Tốc cũng không thể không thừa nhận lầm lỗi của mình. Theo quân pháp, Gia Cát Lượng hạ lệnh đưa Mã Tốc vào nhà giam và định vào tử tội.

Mã Tốc tự biết mình không thể tránh khỏi chết, liền từ trong ngục viết 1 lá thư cho Gia Cát Lượng. Thư viết: "Thường ngày thừa tướng đối đãi với mạt tướng thân thiết như đối với con đẻ của mình. Mạt tướng cũng kính trọng thừa tướng như cha. Lần này mạt tướng phạm vào tử tội, không dám kêu oan, chỉ cúi xin thừa tướng đoái thương con cái của mạt tướng, như vua Thuấn ngày xưa đã giết Cổn mà dùng Vũ. Được như vậy, mạt tướng dù có chết cũng được yên lòng".

Gia Cát Lượng theo quân pháp phải giết Mã Tốc, nhưng nghĩ tới tình cảm xưa kia giữa mình với Mã Lương, Mã Tốc nên cũng trào lệ cảm thương. Ông phái người chăm nom chu đáo cho gia đình Mã Tốc. Lại thấy Vương Bình ở Nhai Đình đã từng can gián Mã Tốc, lại biết dùng mẹo khi lui quân, bảo toàn được binh mã, lập được công, cần được khen thưởng để khích lệ tướng sĩ, liền thăng Vương Bình làm tham quân, giao cho chỉ huy 5 đạo binh mã. Gia Cát Lượng nói với các tướng sĩ: "Lần này ra quân thất bại, cố nhiên là do Mã Tốc làm trái mệnh lệnh, nhưng cũng do lỗi của ta dùng người không minh". Liền dâng tấu chương lên hậu chủ Lưu Thiền, xin giáng chức mình xuống  cấp.

Lưu Thiền nhận được tấu chương, không biết nên xử trí thế nào. Có đại thần nói: "Thừa tướng đã có ý kiến như vậy, bệ hạ nên làm theo ý thừa tướng".

Lưu Thiền liền hạ chiếu, giáng Gia Cát Lượng xuống làm Hữu tướng quân, nhưng vẫn đảm trách công việc của thừa tướng. Do Gia Cát Lượng thưởng phạt nghiêm minh, tự mình gương mẫu nên tướng sĩ Thục đều rất cảm phục. Toàn quân rút bài học thất bại, sĩ khí vẫn được giữ vững. Mùa đông năm đó, Gia Cát Lượng lại đem quân đánh ra Tản Quan (nay ở tây nam Bảo Kê, Thiểm Tây), bao vây Trần Thương (nay ở đông Bảo Kê), giết được 1 tướng Ngụy. Mùa xuân năm sau, lại đem quân thu phục 2 quận Vũ Đô (nay là huyện Thành, Cam Túc) và Âm Bình (nay ở phía bắc huyện Văn, Cam Túc). Hậu chủ Lưu Thiền cho rằng Gia Cát Lượng đã lập được công, lại hạ chiếu thư khôi phục lại chức thừa tướng cho ông như cũ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: