Lịch sử 27 vị Phật quá khứ(part 5)
Sau khi Đức Thế Tôn Vessabhū viên tịch, trải qua 29 kiếp trái đất không có vị Chánh giác nào xuất hiện, gọi là kiếp trống (suññakappa).
Đến kiếp trái đất hiện tại có 5 vị Chánh giác xuất hiện, gọi là hiền kiếp (bhaddākappa), đó là Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Konāgamana, Đức Phật Kassapa, Đức Phật hiện tại là Gotama và vị Chánh giác tương lai là Đức Phật Metteyya (DiLặc).
22- Đức Phật Kakusandha.
Mỗi Đại kiếp có 4 Trung kiếp là: Thành, trụ, hoại, không. Trong ba trung kiếp, chỉ có kiếp trụ là có chúng sinh, Đức Chánh giác xuất hiện trong kiếp trụ và chỉ xuất hiện vào nhánh giảm của Tiểu chu kỳ.
Kiếp trụ của hiền kiếp này có 16 tiểu chu kỳ().
Theo bộ Mahārajavaṃsa (Đại vương sử) thì Đức Phật Kakusadha xuất hiện vào nhánh giảm tiểu chu kỳ thứ 8 của kiếp trụ.
Theo bộ Hamamannan Rajavaṃsa thì Đức Phật Kakusandha xuất hiện vào nhánh giảm tiểu chu kỳ thứ nhất của kiếp trụ.
Vào thời chúng sinh nhân loại có tuổi thọ là 40 ngàn năm, Bồtát viên mãn 30 pháp Balamật.
Theo lời thỉnh cầu của chư Thiên và Phạm thiên trong 10 ngàn thế giới, Bồtát từ cõi trời Tusita (Đẩusuất) giáng sinh vào thai bào của nữ Bàlamôn Visākhā vợ của vị Cố vấn tế tự Aggidatta của vua Khenaṅkara cai trị kinh thành Khemavatī.
Kể từ Đức Phật Dīpaṅkara cho đến Đức Phật Vessabhū, các Ngài xuất hiện trong giai cấp Khattiya (Sátđếlỵ), riêng Đức Phật Kakusandha xuất hiện trong giai cấp Bàlamôn. Vì sao ?
Đáp. Trước khi giáng trần, Bồtát suy xét về giai cấp. Ngài chọn giai cấp được tôn vinh cao quý nhất thời ấy.
Vào thời giai cấp Khattiya (Sátđếlỵ) được đại chúng sùng bái cao quý nhất thì Ngài chọn giai cấp Khattiya, vào thời giai cấp Bàlamôn được đại chúng sùng bái là cao quý nhất thì Ngài chọn giai cấp Bàlamôn.
Hai giai cấp Vessa (thương buôn) và Caṇḍala (thường dân) thì Bồtát không bao giờ chọn để tái sinh vào kiếp chót.
Sau 10 tháng trú trong thai bào, Bồtát ra khỏi lòng mẹ nơi vườn hoa Khema, khi Ngài ra khỏi lòng mẹ, hào quang loé sáng lên tựa như vầng lửa lóe sáng, hoặc ví như những tia chớp (kaku) xuất hiện.
Do vậy, Ngài được đặt tên là Kakusandha.
Bồtát Kakusandha sống tại gia là 4.000 năm trong ba tòa cung điện: Cung điện Ruci, cung điện Suruci và cung điện Vaḍḍhana (hoặc Rativaḍḍhana), có 30 ngàn cung nữ xinh đẹp điêu luyện trong nghệ thuật ca múa, đàn hát ... hầu hạ.
Vợ Ngài là nữ Bàlamôn xinh đẹp đệ nhất là Rocanī.
Khi nàng Rocanī vừa sinh hạ người con trai là Uttar, cũng là ngày Ngài thấy điềm tướng thứ tư là vị Samôn và Ngài quyết định ra đi xuất gia.
Bồtát ra đi xuất gia trên cổ xe ngựa do những con ngựa thuần chủng Sindhu kéo đi, có 40 ngàn người theo gương Ngài cùng xuất gia để hầu hạ Ngài.
Bồtát khổ hạnh 8 tháng, rồi thọ thực trở lại, Ngài lìa bỏ hội chúng Samôn của mình đi đến nơi khác.
Vào ngày trăng tròn tháng Vesākha (15 tháng 4 âl, tính theo lịch VN), Bồtát thọ nhận bát cơm sữa của cô gái con của Bàlamôn trưởng giả Vacirindha cúng dường ở làng Sucirindha, sau khi thị thực Bồtát đi đến khu rừng Acacia nghỉ trưa.
Vào buổi chiều, Bồtát đi đến cây Đại giác Sirīsa (cây Đại giác Sirīsa có chiều cao và tàn nhánh tương tự như cây Pāṭalī đã giải thích ở trên), trên đường đi, Bồtát gặp người giữ ruộng bắp tên là Subhadda, Subhadda dâng đến Bồtát 8 bó cỏ.
Nơi cội Đại giác Sirīsa về hướng Đông bắc, Bồtát trải 8 bó cỏ, Bảo tọa chiến thắng hiện khởi cho Ngài. Trên Bảo tọa chiến thắng Bồtát toàn thắng 5 loại ma và chứng Vô thượng Chánh giác khi ánh bình minh vừa xuất hiện.
*Ba Thắng hội của Đức Phật Kakusadha.
Thắng hội I.
Qua 7 tuần lễ hưởng hương vị giải thoát quanh 7 chỗ nơi cội Đại giác Sirīsa. Nhận lời thỉnh cầu của vị Đại phạm thiên, Đức Thế Tôn Kakusandha khai mở cửa Vô sinh Bất tử.
Với Phật trí, Đức Thế Tôn thấy được duyên lành của 40 ngàn vị Samôn tùy tùng của mình trước đây.
Theo đường hư không, Đức Thế Tôn đi đến vườn Nai Isipatana, gần thành Makhilā, nơi vườn Nai Isipatana Đức Thế Tôn thuyết lên pháp thoại, vận chuyển bánh xe pháp cho chạy đi (Chuyển pháp Luân).
Dứt pháp thoại có 400 ngàn triệu nhân thiên chứng Thánh quả, trong đó có 40 ngàn vị Samôn tùy tùng của Ngài trước đây.
Đây là Thắng hội I của Ngài. Có Kinh văn sau.
3- Dhammacakkaṃ pavattente; kakusandhe lokanāyake.
Cattārīsakoṭisahassānaṃ; dhammābhisamayo ahu.
"Vận chuyển bánh xe Pháp; Kakusandha, bậc Lãnh đạo thế gian.
Có 40 ngàn mười triệu vị; là Thắng hội pháp của Ngài"().
Thắng hội II.
Lần khác, Đức Thế Tôn Kakusandha thể hiện Song thông lực nơi cội cây Sāla gần cổng thành Kaṇṇakujja để nhiếp phục chúng dị giáo.
Rồi Đức Thế Tôn thuyết lên pháp thoại, tế độ 300 ngàn triệu nhân thiên chứng Thánh quả. Đây là Thắng hội II của Ngài. Có Kinh văn sau.
4- Antalikkhamhi ākāse; yamakaṃ katvā vikubbanaṃ.
Tiṃsakoṭisahassānaṃ; bodhesi devamānuse.
"Khi Ngài ở giữa không trung; đã thực hiện uy lực Song thông.
Có 30 ngàn mười triệu; người và chư thiên giác ngộ" (sđd).
Thắng hội III.
Không xa kinh thành Khemavatī, có một đền thờ chư thiên (devāyatana), là nơi trú ẩn của Dạxoa Naradeva.
Dạxoa Naradeva cai quản một vùng đất hoang vu, nơi vùng đất này có một hồ nước rộng, quanh hồ có rất nhiều loại hoa có hương thơm ngào ngạt và xinh đẹp, nước hồ trong mát và rất ngọt. Trong hồ những loại hoa sen, hoa súng xinh đẹp thay nhau đua nở.
Hồ nước này khiến người đi đến đều ưa thích và xuống hồ uống nước tắm rửa, thế là bị Dạxoa Naradeva bắt ăn thịt.
Ngoài ra, Dạxoa có lối đi riêng được che dấu kín đáo, khi có người đi ngang vùng đất nó đang quản lý, Dạxoa xuất hiện, bắt kẻ ấy đem vào rừng xé ra nhai ngấu nghiến, và vùng đất ấy trở nên vắng vẻ vì không ai dám đi lại con đường ấy.
Đức Thế Tôn Kakusandha sau khi an trú tâm trong định Diệt thọ tưởng 7 ngày, khi xuất khỏi định Diệt thọ tưởng, Ngài đưa Phật trí quán xét thế gian, thấy hình ảnh Dạxoa Naradeva lọt vào võng trí của Ngài cùng rất nhiều nhân thiên.
Đức Thế Tôn theo đường hư không đến đền Devāyatana ngồi vào chiếc ghế dành cho Dạxoa Naradeva. Với Phật lực Đức Thế Tôn quyết định: "Nhân thiên sẽ chứng kiến uy lực của Đấng Như Lai".
Dạxoa Naradeva thấy vị Samôn đang ngồi trên chiếc ghế dành riêng cho mình, từ thân phát ra hào quang 6 màu tươi thắm.
Dạxoa suy nghĩ: "Vị Samôn này chắc chắn là bậc Chánh giác, Ngài vì lòng bi mẫn đối với ta nên đã ngự đến đây".
Tâm Dạxoa Naradeva vô cùng hân hoan cùng hội chúng dạxoa của mình đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, tán thán ân đức của bậc Chánh giác, rồi đứng chấp tay hầu Đức Phật.
Cư dân trong và ngoài thành Khemavatī cùng chư thiên thấy được điều kỳ diệu này, vô cùng hoan hỷ cùng nhau mang vật thực cùng hương hoa đến đền thờ Devāyatana cúng dường Đức Phật rồi ngồi xuống một bên hợp lẽ.
Đức Thế Tôn Kakusandha thuyết lên Pháp thọai để tế độ chúng sinh, dứt pháp thoại, số lượng nhân thiên chứng Thánh quả không thể đếm được.
Đây là Thắng hội III của Ngài. Có Kinh văn sau.
5- Naradevassa yakkhassa; catusaccappakāsane.;
Dhammābhisamayo tassa; gaṇanāto asaṅkhiyo.
"Nơi dạxoa Naradeva, Ngài giảng lý Tứ đế.
Là Thắng hội pháp của vị ấy; không thể đếm, tính được" (sđd).
*Tăng hội của Đức Phật Kakusandha.
Đức Thế Tôn Kakusandha chỉ có một Tăng hội.
Vào ngày trăng tròn tháng Māgha (15 tháng Giêng âl, tính theo lịch VN), nơi vườn Nai Isipatana gần thành Kaṇṇakujja. Giữa hội chúng 40 ngàn Thánh Tăng Alahán (là nghóm Samôn tùy tùng của Ngài khi trước), Đức Thế Tôn Kakusandha ban lời Giáo giới giải thoát (Ovāda paṭimokkha).
Đây là Tăng hội của Ngài. Có Kinh văn sau.
6- Kakusandhassa bhagavato; eko āsi samāgamo.
Khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ; santacittāna tādinaṃ.
"Thế Tôn Kakusandha; chỉ có một lần tụ hội.
Những bậc vô nhiễm, trong sạch; tâm an tịnh như thế ấy".
7- Cattālīsasahassānaṃ; tadā āsi samāgamo.
Dantabhūmimanuppattānaṃ; āsavārigaṇakkhayā.
"Có 40 ngàn vị; đó là cuộc tụ hội.
Đã khéo huấn luyện thắng đạt; vô nhiễm vì trừ sạch kẻ thù" (sđd).
*Tiền thân Đức Phật Gotama.
Vào thời ấy tiền thân Đức Phật Gotama là Đức vua Khema, Đức vua cúng dường đến Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng Vô song thí trọn 7 ngày, cùng với những loại dược phẩm quý.
Đức Thế Tôn Kakusandha đã tiên tri giữa đại chúng rằng: "Trong hiện kiếp này, hậu thân vua Khema thành tựu Vô thượng Chánh giác, có tộc họ là Gotama tên là Siddhattha".
Rồi Đức Thế Tôn thyết lên pháp thoại thích ứng để tế độ chúng sinh, hoan hỷ với thời pháp thoại của Đức Thế Tôn, vua Khema từ bỏ cả quốc độ, xuất gia trong Tăng đoàn.
*Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Kakusandha.
– Đức Thế Tôn Kakusandha cao 40 hắc tay, hào quang từ thân của Ngài tỏa ra xa 10 dotuần.
– Hai vị Thượng thủ thinh văn của Đức Phật Kakusandha là Trưởng lão Vidhura và Trưởng lão Sañjiva. Thị giả là Trưởng lão Buddhija.
– Hai nữ Thinh văn tối thắng của Đức Phật Kakusandha là Trưởng lão ni Samā và Trưởng lão ni Campā.
– Hai cận sự nam tối thắng của Đức Phật Kakusandha là Ngài Accuta và Ngài Sumana.
– Hai cận sự nữ tối thắng của Đức Phật Kakusandha là bà Nandā và bà Sunandā.
Đức Thế Tôn Kakusandha sống 32 ngàn tuổi (4 phần năm tuổi thọ chúng sinh thời ấy), Ngài viên tịch nơi vườn Khema.
Bảo tháp thờ Xálợi của Ngài cao một dotuần.
Vào thời Đức Phật Kakusandha, một năm mới hành lễ Bốtát (uposatha) một lần().
Ác ma Dūsī (một tiền thân của Ngài Moggallāna) đã quấy phá Đức Phật Kakusandha để thử đức điềm tỉnh của Ngài().
Vào thời Phật Kakusandha, núi Vepulla ở thành Rājagaha (Vương xá) được gọi là Pācīnavaṃsa, dân chúng được gọi là Tiravā.
Phải mất bốnngày mới leo đến đỉnh núi và bốn ngày từ đỉnh núi xuống chân núi().
Trưởng giả Accuta kiến tạo một Đại tự viện cúng dường đến Đức Thế Tôn Kakusandha (chính nơi này, Trưởng giả Anādhapiṇḍika (Cấp Cô Độc) xây dựng Jetavanavihāra rộng nửa do tuần, cúng dường đến Đức Thế Tôn Gotama). Trưởng giả Accuta phải mua đất bằng cách trải trên đất những con rùa bằng vàng phủ kín hết cả mặt đất().
Kinh điển Bắc tông, gọi Đức Phật Kakusandha là Đức Phật Krakucchanda().
Theo Biên niên sử Tích Lan (Mahāvaṃsa – Đại sử), Đức Phật Kakusadha có ngự đến đảo Tích.
Bấy giờ đảo Tích có tên gọi là Ojadīpa, kinh đô là Abhaya nằm về hướng Đông của con sông Kadamba, do vua Abhaya trị vì, vườn Mahāmegha khi ấy có tên là Mahātiṭṭha. Nhóm dạxoa trên đảo với năng lực thần thông của mình đã tạo ra bệnh dịch.
Với lòng bi mẫn, Đức Phật Kakusandha cùng với 40 ngàn vị Tỳkhưu theo đường hư không đến đảo Tích để diệt trừ tai họa bệnh dịch do dạxoa gây ra.
Khi Đức Phật Kakusandha cùng 4o ngàn vị Tỳkhưu ngự đến hải đảo, những dạxoa kinh hoàng trốn chạy và bịnh dịch chấm dứt.
Đức Phật Kakusandha cùng 40 ngàn vị Tỳkhưu ngự trên đỉnh núi Devakūṭa, để cho mọi người nhìn thấy và đi đến đảnh lễ Ngài theo ý muốn bằng nguyện lực của Đức Phật.
Vua Abhaya cùng đại chúng đến núi Devakūṭa đảnh lễ Đức Thế Tôn, cung thỉnh Đức Thế Tôn cùng chư Tỳkhưu ngự đến Hoàng cung để cúng dường vật thực. Rồi Đức vua Abhaya cúng dường vườn Mahātiṭṭha đến Đức Phật và Tăng chúng.
Đức Phật ngự đến vườn Mahātiṭṭha, với pháp thoại nơi vườn này Đức Thế Tôn tế độ 40 ngàn người chứng đạt Thánh quả.
Sau đó, Ngài thánh hóa một số điểm trong vùng đất này bằng cách an trú tâm vào trong quả Định.
Khi xuất khỏi thiền tịnh Đức Thế Tôn Kakusadha ra lịnh bằng tâm rằng: "Tỳkhưu ni Rucānandā hãy mang một nhánh Đại giác Sirīsa ở hướng Nam, cùng các Tỳkhưu ni khác đến đây".
Với tâm mình,Trưởng lão ni Rucānandā biết được tâm Đức Thế Tôn Kakusandha, bà đi đến diện kiến vua Khema đang trị vì kinh thành Khemavatī trình bày ý của Đức Thế Tôn.
Bà hướng dẫn vua Khema đến cội Đại giác,với năng lực thần thông bà tách một nhánh Đại giác Sirīsa ở hướng Nam, rồi cùng 500 Tỳkhưu ni theo đường hư không mang đến đảo Tích cho Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn nhận chậu vàng có trồng cây Đại giác Sirīsa, rồi trao lại cho vua Abhaya, vua Abhaya đã tổ chức lễ trồng cây Đại giác Sirīsa rất long trọng, địa điểm này. Nơi điạ điểm ấy, vào thời Đức Phật Koṇāgamana một nhánh Đại giác Udumbara cũng được trồng xuống; đến thời Đức Phật Kassapa một nhánh Đại giác Nigrodha cũng được trồng tại nơi ấy. Và nơi ấy hiện đang trồng một nhánh Đại giác Assatha của Đức Phật Gotama.
Khi trở về xứ Ấn, Đức Phật Kakusandha lưu lại bình lọc nước của Ngài để cư dân trên đảo tôn thờ, đồng thời dạy Trưởng lão Mahādeva và Trưởng lão ni Rucānandā lưu trú ở đảo để tế độ những người hữu duyên().
Phụ Lục.
*Trưởng lão Vidhura.
Là Thượng thủ thinh văn tay phải của Đức Thế Tôn, Ngài được gọi là Vidhura (Vô Song) vì không có ai sánh bằng Ngài về sự giảng pháp.
Tiền thân của Ngài Moggallāna (MụcKiềnLiên) là ác ma Dūsī đã ném đá vào đầu của Ngài và bị rớt vào địa ngục cọc nhọn ngay sau đó().
*Trưởng lão Sañjīva.
Là Thượng thủ thinh văn tay trái của Đức Thế Tôn. Ngài thường sống nơi thanh vắng như hang, động ... và thực hành thiền tịnh.
Một hôm, Ngài an trú vào định Diệt thọ tưởng, nhóm thợ rừng tưởng Ngài chết nên cùng nhau thiêu xác Ngài.
Khi Ngài xuất khỏi thiền tịnh, Ngài rũ hết tro bụi đang bám vào người, rồi đi vào làng khất thực.
Nhóm thợ rừng thấy Ngài, kêu lên rằng: "Ồ! Vị Samôn đã sống lại"; do vậy Ngài được gọi là Sañjīva().
Điều kỳ diệu này thường được lấy làm ví dụ của loại thần thông gọi là Samādhivipphāra – iddhi (thần thông do quả định) ().
*Trưởng lão Nandaka.
Vào thời Đức Phật Gotama, Ngài tái sinh vào một gia tộc trưởng giả có đại tài tản ở thành Sāvatthi (Xávệ), khi hài tử được sinh ra mang lại sự hoan hỷ cho gia tôc nên được đặt tên là Nandaka.
Vào ngày Jetavanavihāra (Đại tự Kỳviên) được cúng dường đến Đức Phật và Tăng chúng, Đức Thế Tôn thuyết lên Pháp thoại chúc phúc đến gia chủ Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc).
Nghe được thời Pháp thoại của Đức Thế Tôn, gia chủ Nandaka phát sinh niềm tin, xin được xuất gia trong Tăng đoàn().
Sau khi xuất gia thọ giới Tỳkhưu, Ngài nỗ lực thực hành thiền tịnh, chẳng bao lâu chứng đạt Thánh quả Alahán cùng với những thắng trí (abhiññāṇa) nhất là Túc mạng minh.
Đặc biệt Ngài có biện tài hùng biện, thuyết pháp rất lôi cuốn người nghe pháp.
Được biết, bài pháp của Ngài Nandaka được Đức Thế Tôn tôn trọng và Ngài đứng bên ngoài cửa Giảng đường (vì cửa Giảng đường bị khóa lại) lắng nghe cho hết bài pháp dài .
Trong Tăng chi kinh (Aṅguttara nikāya) có ghi nhận hai bài kinh của Trưởng lão Nandaka.
*Kinh I. Ngài Nandaka thuyết ở Migāramātupasāda (Giảng đường mẹ Mirāga) dưới dạng thức đàm luận với Sāḷha (cháu nội của Migāra) và Rohāṇa (cháu nội của Pekkhuṇiya) (tương tự như Đức Thế Tôn dạy những người Kālāmā ở Kesaputta)().
*Kinh II. Ngài Nandaka thuyết nơi Giảng đường của Đại tự Kỳviên (Jetavanavihāra) đến các Tỳkhưu.
Vào buổi chiều Đức Thế Tôn đến Giảng đường, đứng bên ngoài chờ đợi (vì cửa Giảng đường đóng kín) đồng thời lắng nghe cho đến khi bài pháp chấm dứt .
Khi thời pháp chấm dứt, Đức Thế Tôn gỏ cửa, các vị Tỳkhưu mở cửa, Đức Thế Tôn đi vào Giảng đường ngồi lên chỗ ngồi được soạn sẵn, nói với Ngài Nandaka rằng:
– "Này Nandaka, dài thay là pháp môn này, ngươi đã giảng cho các Tỳkhưu; lưng ta đã mỏi (āgilāyati) khi đứng ở ngoài cửa, chờ cho buổi thuyết giảng chấm dứt".
Theo Bản Sớ giải: "Đây là lời khen ngợi thời pháp, không phải là lời rầy".
Ngài Nandaka tâm áy náy (sārajjamānarūpo) bạch với Đức Thế Tôn rằng: "Chúng con không biết Đức Thế Tôn đứng ngoài cửa. Nếu chúng con biết Đức Thế Tôn đứng ngoài cửa, chúng con không thuyết dài như vậy".
Đức Thế Tôn khen ngợi rằng:
– – Lành thay, lành thay, này Nandaka! Thật xứng đáng cho các thiện gia nam tử như các ngươi ... Này Nandaka, khi các ngươi hội hợp với nhau, có hai việc làm: Nói pháp hay giữ yên lặng của bậc Thánh.
*"Giữ yên lặng của bậc Thánh" là an trú tâm vào thiền tịnh.
Rồi Đức Thế Tôn dạy các Tỳkhưu phải thực hành tròn đủ 4 chi phần của vị Tỳkhưu:
– Vị Tỳkhưu có niềm tin, nhưng không có giới. Cần phải làm tròn đủ giới.
– Vị Tỳkhưu có niềm tin, tròn đủ giới, nhưng nội tâm không được an tịnh. Cần phải làm nội tâm được an tịnh (chỉ cho chứng đắc thiền tịnh).
– Vị Tỳkhưu có tín, có giới, nội tâm được tịnh chỉ, nhưng chưa có tuệ quán. Cần phải làm tăng trưởng tuệ quán.
Rồi Đức Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy trở về Hương thất.
Sau khi Đức Thế Tôn đi không lâu, Ngài Nandaka tiếp tục thuyết giảng đến các vị Tỳkhưu về 5 lợi ích khi nghe pháp và đàm luận pháp đúng thời.
a- Vị Tỳkhưu giảng pháp đến các vị Tỳkhưu, pháp ấy phải tốt đẹp ba thời: Giai đoạn đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn cuối; từ ngữ và ý nghĩa tròn đủ, liên hệ đến đời sống phạm hạnh, hoàn toàn đầy đủ trong sạch. Vị ấy là người kính trọng bậc Đạo sư. Đây là lợi ích thứ nhất.
b- Là vị thọ trì về nghĩa, thọ trì về pháp.
c- Là vị thể nhập ý nghĩa thâm sâu.
d- Vị nghe pháp sẽ thưc hành theo, vì nghĩ rằng: Vị ấy đã chứng hay sẽ chứng được thượng pháp".
e- Khởi lên sự tinh tấn để chứng đạt những gì chưa chứng đạt().
Có lần bà Mahāpajāpati Gotamī đến thỉnh Đức Thế Tôn cho vị Tỳkhưu đến Giáo giới ni chúng.
Đức Phật hỏi Ngài Ānanda: "Hôm nay ai là người đến giáo giới ni chúng?".
Đức Ānanda thưa rằng: "Bạch Thế Tôn, là Tôn giả Nandaka, nhưng Tôn giả Nandaka không muốn đến giáo giới Ni chúng.
Đức Thế Tôn cho gọi Ngài Nandaka đến dạy rằng: "Này Nandaka, hãy đến giáo giới các Tỳkhưu ni".
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Ngài Nandaka đến Ni viện Rājakārāma dạy 500 Tỳkhưu ni có bà Mahāpajāpati Gotamī là trưởng đoàn.
Ngài dạy về tính vô thường, khổ và vô ngã của 6 ngoại xứ, 6 nội xứ và 6 thức.
Ngài Nandaka đưa ra ba ví dụ:
*Ví dụ 1. Ánh sáng của cây đèn dầu do hội tụ ba điều: Dầu, tim đèn và ngọn lửa; dầu, tim đèn và ngọn lửa là vô thường. Vậy ánh sáng có là thường được chăng?
Các vị nữ ni đáp: "Thưa không, bạch Tôngiả".
Ví dụ 2. Cây cổ thụ với rễ, thân, cành đều vô thường. Vậy bóng cây có là thường được chăng?.
Các vị nữ ni đáp: "Thưa không, bạch Tôngiả".
Ví dụ 3. Như con bò đã bị cắt mọi dây gân, khớp bên trong, da bị lột phủ trùm lại trên thân. Có thể bảo con bò còn nguyên được chăng?
Các vị nữ ni đáp: "Thưa không, bạch Tôngiả".
Ngài Nandaka dạy: "Con bò chỉ cho 6 nội xứ; da chỉ cho 6 ngoại xứ; dây gân, thịt, chỉ cho hỷ tham; con dao chỉ cho Thánh trí.
Với Thánh trí này có thể cắt đứt mọi phiền não".
Tiếp theo Ngài Nandaka dạy tu tập 7 giác chi: "Niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định và xả".
Sau thời pháp những vị Tỳkhưu ni chứng Thánh quả DựLưu
Các vị Tỳkhưu ni đảnh lễ Ngài Nandaka, rồi đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn biết tâm ý các nữ ni chưa thật thỏa mãn, nên hôm sau Đức Thế Tôn dạy Ngài Nandaka tiếp tục giáo giới các Tỳkhưu ni.
Hôm sau, cũng thời pháp thoại như thế, các Tỳkhưu ni với tâm hân hoan và tất cả đều chứng đạt Thánh quả Alahán().
Rồi 500 vị Tỳkhưu ni có bà Mahāpajāpati Gotamī là trưởng đến đảnh lễ Đức thế Tôn. Đức Thế Tôn dạy rằng:
– Này các Tỳkhưu, bài pháp hôm qua của Nandaka ví như trăng tròn của ngày 14. Bài pháp hôm nay ví như trăng tròn ngày 15 của tháng().
Hỏi. Vì sao Ngài Nandaka không muốn đến Giáo giới các vị Tỳkhưu ni dòng ThíchCa?
Đáp. Vì đắc được Túc mạng minh, nên Ngài Nandaka biết tiền kiếp 500 nữ ni này là vợ của Ngài. E ngại các vị có Túc mạng minh biết được điều này sẽ dị nghị rằng:" Tôn giả Nandaka còn ái luyến những người vợ trước đây", nên Ngài không muốn đi Giáo giới các Tỳkhưu ni.
Biết được tâm của Ngài Nandaka, nên Đức Thế Tôn dạy: "Này Nandaka, hãy đi giáo giới Tỳkhưu ni".
Được lịnh của Đức Thế Tôn thì điều dị nghị trên sẽ không xảy ra().
Hỏi. Năm trăm nữ Tỳkhưu ni thuộc dòng ThíchCa ấy là ai?
Đáp. Đó là 500 nàng Công nương dòngThích Ca, vợ của 500 vị Tử hoàng dòng ThíchCa.
Vào hạ thứ năm của ĐứcPhật, dòng Koliya và dòng Sākya tranh chấp nước sông Rohinī, chuẩn bị khởi lên chiến tranh, Đức Thế Tôn đến giảng hòa quyến thuộc.
Hai tộc họ ThíchCa tri ân Đức Phật, mỗi tộc họ cho 250 Tử hoàng xuất gia theo hầu Đức Thế Tôn.
Năm trăm người vợ của 500 vị Tử hoàng chán nản đời sống tại gia, cùng theo bà Mahāpajāpati Gotamī đi đến Mahāvana (Đại lâm) gần kinh thành Vesāli, xin Đức Thế Tôn được xuất gia trong Giáo pháp này.
Mùa hạ đầu tiên của các vị Tỳkhưu ni này ở một Tự viện trong kinh thành Vesāli, rồi sau đó về kinh thành Sāvatthi (Xávệ), ngụ nơi Tự viện Đức vua (Rākakārāma). Khi được Ngài Nandaka tế độ, tất cả đều chứng đắc Thánh quả Alahán().
*Tự viện Đức vua (Rājakārāma).
Là tự viện gần Jetavanavihāra(Đại tự Kỳviên) nằm về phía Đông nam thành Sāvatthi (Xávệ) do vua Pasenadi (PaTưNặc) kiến tạo().
Khi bà Thánh nữ Upalavaṇṇā bị cưởng bức trong rừng Andhavana, theo lời đề nghị của Đức Thế Tôn, vua Pasenadi cho kiến tạo một tự viện, cúng dường đến các Tỳkhưu ni, nên Tự viện có tên gọi là Rājakārāma().
Tuy nhiên, theo Bản Sớ giải Tương Ưng như sau:
Ngoại giáo muốn xây một Đại tự gần Jetavanavihāra (Đại tự Kỳviên) để tranh chấp với Đức Phật, họ đã hối lộ vua Pasenadi 100 ngàn đồng vàng.
Chuyện đến tai Đức Phật, Đức Thế Tôn cử Ngài Ānanda đến gặp Đức vua Pasenadi, để yêu cầu Đức vua không nên chấp nhận dự án, nhưng vua Pasendi vì hổ thẹn nên lánh mặt. Tiếp theo là hai vị Thượng thủ Thinh văn đi đến hội kiến Đức vua, Đức vua cũng lánh mặt.
Tự thân Đức Thế Tôn đi đến Hoàng cung, vua Pasenadi tự thân ra khỏi Hoàng cung đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi thỉnh vào Hoàng cung cúng dường vật thực. Đức Thế Tôn thuật lại Bổn sự Bhāru (Bhārujātaka), nêu lên tai nạn tiêu tan cả quốc độ khi vua Bhāru nhận hối lộ.
Đức vua hối hận và nhận thấy lâu nay chưa có kiến tạo Tự viện nào nên xây dựng Rājakārāma cúng dường đến các Tỳkhưu ni().
Có lần Ngài Nandaka đi khất thực trong thành Sāvatthi, một nữ nhân là vợ Ngài trong quá khứ, nhìn Ngài với tâm bất chánh rồi cười lớn lên.
Ngài Nandaka nói lên bốn kệ ngôn để dạy nàng về thể bất tịnh của thân xác, như sau.
279- Dhiratthu pūre duggandhe; mārapakkhe avassute.
Navasotāni te kāye; yāni sandanti sabbadā.
"Gớm thay vật hôi thối; đầy sắc mùi hôi tanh.
Vật sở hữu của ma; tuôn chảy nhiều dòng nước.
Thân này có chín dòng; luôn luôn được tuôn chảy".
280 – Mā purāṇaṃ amaññittho; māsādesi tathāgate.
Saggepi te na rajjanti; kimaṅgaṃ pana mānuse.
"Chớ khinh miệt cổ nhân; chớ xúc phạm Như Lai.
Chúng không tham thiên giới; còn nói gì cõi người.
281- Ye ca kho bālā dummedhā, dummantī mohapārutā.
Tādisā tattha rajjanti, mārakhittamhi bandhane.
"Kẻ ngu thiếu trí tuệ; tà ý, si bao phủ.
Kẻ ấy đầy tham ái; bị Ma quăng dây trói".
282- Yesaṃ rāgo ca doso ca; avijjā ca virājitā.
Tādī tattha na rajjanti; chinnasuttā abandhanā''ti.
"Những ai đã thoát ly; tham, sân và vô minh.
Các Ngài không tham đắm; giây đứt không trói buộc được" ().
Vào một dịp, giữa hàng tứ chúng, Đức Thế Tôn ban cho Ngài Nandaka địa vị: "Đệ nhất về Giáo giới Tỳkhưu ni".
Etadaggaṃ, bhikkhave, mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ bhikkhunovādakānaṃ yadidaṃ nandako.
"Này các Tỳkhưu, trong hàng Tỳkhưu đệ tử Như Lai; đệ nhất về Giáo giới Tỳkhưu ni là Nandaka"().
Tiền sự.
Vào thời Đức Phật Padumuttara (Liên Hoa), tiền thân Ngài Nandaka sinh ra trong một gia tộc danh giá trong thành Haṃsavatī.
Có lần vị gia chủ ấy được nghe pháp và chứng kiến một vị Trưởng lão được Đức Phật Padumuttara ban cho địa vị: "Đệ nhất Giáo giới Tỳkhưu ni".
Vị gia chủ lập tâm rằng: "Ta hãy đạt được địa vị này trong thời Đức Chánh giác tương lai."
Vị gia chủ thỉnh Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng đến tư gia, cúng dường vật thực trọn 7 ngày.
Vào ngày thứ 7, vị gia chủ dâng đến Đức Phật Padumuttara bộ tam y đắt giá nhất, mỗi vị Tỳkhưu là một bộ tam y, rồi gia chủ phát nguyện rằng: "Với quả phước này, xin cho con đạt được địa vị "đệ nhất Giáo giới Tỳkhưu ni trong thời Đức Chánh giác tương lai".
Đưa Vị lai trí quán xét thế gian, Đức Phật Padumuttara tiên tri rằng: "Sau 100 ngàn kiếp trái đất, kể từ kiếp này, ước nguyện của thiện gia tử này sẽ trở thành hiện thực trong thời Đức Chánh giác Gotama".
Luân lưu trong dòng sinh tử luân hồi, vào thời Đức Phật Kakusandha, tiền thân Ngài Nandaka là chim Karavikā(), thường hót để cúng dường đến Đức Phật.
Về sau, tiền thân Ngài Nandalka là con chim Công, mỗi ngày hót lên ba lần cúng dường đến Đức Phật Độc giác().
Bản Sớ giải kinh Trung bộ có ghi nhận. Trong hiền kiếp này, trong một kiếp quá khứ tiền thân Ngài Nandaka là trưởng làng nô lệ có 500 gia tộc, ở trong xứ Bārāṇasī (Balanại). Bấy giờ tiền thân bà Mahāpajāpati Gotamī là vợ người trưởng làng.
Một hôm trên đường đến bến sông lấy nước bà trưởng làng thấy 500 vị Samôn (các vị Phật Độc giác) đi vào thành, khi trở về bà thấy 500 vị đi trở ra. Bà đi đến đảnh lễ rồi bạch hỏi rằng:
– Thưa các Ngài, các Ngài đi vào thành tìm cái chi?
Vị Samôn trưởng cho biết: "Đi vào thành tìm người hộ độ các Ngài ba tháng an cư mùa mưa, nhưng không tìm thấy".
Nghe vậy, bà thỉnh 500 vị Samôn an cư mùa mưa nơi làng của mình, vợ chồng trưởng làng cùng các bạn hữu đã cúng dường đến Đức Phật Độc giác trọn ba tháng an cư ấy.
Do phước hạnh này, trong kiếp sau sau đó, tiền thân Ngài Nandaka là vị vua và 500 vị Tỳkhưu ni dòng ThíchCa nói trên là cung phi của Ngài.
Và Đức Thế Tôn biết trong hàng Thánh đệ tử, chỉ có Ngài Nandaka có duyên tế độ được 500 Tỳkhưu ni ấy chứng Thánh quả, nên dạy Ngài Nandaka đi Giáo giới các Tỳkhưu ni.
Trong nhiều kiếp tiền thân bà Mahāpajāpati Gotamī và tiền thân Ngài Nandaka là vợ chồng().
*Trưởng lão ni Puṇṇā (1) (hay Puṇṇikā).
Trong thời Đức Phật Gotama còn tại tiền, bà là con một nô tỳ trong nhà của trưởng giả Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc), vì là người nô lệ thứ 1oo nên được đặt tên là Puṇṇā (người nữ tròn đủ).
Đại luận sư Buddhagosa có ghi chép như sau. Vào một lần, sau khi mãn mùa an cư, Đức Thế Tôn chuẩn bị lên đường đi du hành.
Nhiều đại thí chủ như Trưởng giả Anāthapiṇḍika, bà Visākhā ... cùng rất nhiều những cận sự nam nữ tín thành, không muốn vắng bóng Đức Thế Tôn nơi kinh hành Sāvatthi (Xávệ), cung thỉnh Đức Thế Tôn ở lại kinh thành Sāvatthi, nhưng tất cả đều bị Đức Thế Tôn từ chối.
Thấy chủ nhân mình u sầu, nàng Puṇṇā bạch hỏi, khi hiểu được nguyên nhân, nàng thưa rằg:
– Thưa chủ, xin chủ chớ buồn nữa, con sẽ thỉnh Đức Thế Tôn ở lại kinh thành.
– Này Puṇṇā con! Nếu con làm được kỳ tích này, ta sẽ nhận con là con gái, con sẽ thoát khỏi kiếp nô lệ.
Nàng Puṇṇā đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi bạch rằng:
– Bạch Thế Tôn, con kính thỉnh Ngài hãy ở lại kinh thành. Con sẽ được nương nhờ ân đức Tam Bảo và sẽ giữ gìn 5 giới.
Đức Thế Tôn quán thấy duyên lành đạo quả của nàng Puṇṇā, Ngài dạy rằng:
– Này Puṇṇā, Như Lai nhận lời thỉnh nguyện của nàng, Như Lai sẽ hoãn lại chuyến du hành.
Được tin Đức Thế Tôn nhận lời nàng Puṇṇā, Trưởng giả Anāthapiṇḍiika vô cùng hân hoan, tổ chức lễ nhận nàng Puṇṇā là con gái của mình.
Về sau nàng Puṇṇā xuất gia trong Ni đoàn.
Theo sách Milindapañhā (Milinda hỏi), nàng Puṇṇā được xem như là 1 trong 7 người thời Đức Phật mà quả lành sinh khởi trong hiện tại, đó là:
1- Người thợ hoa Sumana.
2- Bàlamôn Cūḷekasātaka.
3- Người cày ruộng Puṇṇa.
4- Bà Hoàng Mallikā (vợ vua Pasenadi).
5- Nữ cận sự Suppiyā.
6- Nàng Gopālamātā, Hoàng hậu của vua Caṇda Pajjota (nàng cắt mái tóc xinh đẹp của mình, bán đi lấy tiền mua vật thực cúng dường đến Ngài Mahā Kaccāna cùng 7 vị Thánh Alahán, được vua Caṇḍa Pajjota rước về làm hoàng hậu – Xem ở phần sau).
7- Nữ tỳ Puṇṇā().
Nếu kể thêm Trưởng giả Kākavāliya() thì phải là 8 người.
Trong bản Sớ giải Kệ ngôn Trưởng lão ni (Therīgāthā- Atthakathā) Ngài Dhammapāla ghi nhận cau chuyện nàng Puṇṇā (hay Puṇṇikā) như sau.
Nàng là con một nữ tỳ của Trưởng giả Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Khi nàng nghe Đức Phật thyết bài kinh Cūḷasīhanāda (Tiểu Sư tử hống)(), nàng chứng Thánh quả Dự Lưu.
Về sau nàng Puṇṇā giảng pháp tế độ được Bàlamôn Sotthiya, Bàlamôn Sotthiya theo chủ thuyết: Nước tẩy rữa các phiền não trong tâm", nên mùa đông thường xuống ngâm mình dưới sông Hằng.
Sau khi nghe nàng Puṇṇa giảng pháp, Bàlamôn Sottiya tỉnh ngộ, xuất gia trong Tăng đoàn trở thành vị Thánh Alahán().
Do sự kiện này khiến trưởng giả Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc) hân hoan, nàng được thoái khỏi giai cấp nô lệ, rồi được Trưởng giả Cấp Cô Độc đồng ý cho nàng được xuất gia.
Sau khi xuất gia, nàng Puṇṇā tinh cần hành pháp chẳng bao lâu chứng Thánh quả Alahán.
Trong Kệ ngôn Trưởng lão ni (Therīgāthā) có 16 câu kệ ngôn của nàng Puṇṇā này().
Có thể có sự nhầm lẫn với vị nữ Thánh Alahán có cùng tên là Puṇṇā (2) này. Vì rằng khi ấy, tuy nàng Puṇṇā là vị Thánh Dự Lưu, nhưng vẫn còn trong giai cấp nô lệ, người Ấn cổ rất cực đoan kỳ thị giai cấp, làm thế nào mà một gia chủ Trưởng giả Bàlamôn Sotthiya có thể nghe lời nàng Puṇṇā.
Mặt khác, nàng Puṇṇā vẫn ý thức được giai cấp nô lệ của mình, làm thế nào nàng dám giảng pháp đến giai cấp được xem là cao quý thời đó là giai cấp Bàlamôn.
Sự kiện nàng Puṇṇā có thể giảng pháp đến Bàlamôn Sotthiya chỉ khi nàng là con gái nuôi của Trưởng giả Cấp Cô độc mà thôi.
Tiền sự.
Vào thời Đức Phật Vipassī, tiền thân nàng Puṇṇā là con gái của một tộc trưởng, được xuất gia trong giáo pháp của Đức Thế Tôn, học thông Pháp luật (ba tạng Phật ngôn) và trở thành một nữ ni thuyết pháp lỗi lạc.
Công hạnh này được lập lại qua năm đời Đức Chánh giác: Đức Phật Sikhī, Đức Phật Vessabhū, Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Konāgamana và Đức Phật Kassapa.
Tuy nhiên, vì quá tự hào khả năng có được của mình, nên tiền thân nàng Puṇṇā không diệt trừ được ô nhiễm nào cả, và cũng vì tính khí kiêu mạn ấy, trong năm đời vị Chánh giác nàng phải tái sinh vào giai cấp nô lệ.
Ngay cả trong kiếp hiện tại nàng cũng là nữ tỳ Puṇṇā, nhưng trong kiếp này nàng chứng đạt Thánh quả Alahán.
*Trưởng lão ni Puṇṇā (2).
Trong thời Đức Phật Gotama, nàng sinh ra trong một gia tộc Trưởng giả ở kinh thành Sāvatthi (Xávệ).
Khi nàng được 20 tuổi, nghe thời pháp của bà Mahāpajāpati Gotamī, phát khởi niềm tin, xin được xuất gia trong Giáo pháp này. Sau khi thọ giới Học nữ (sikkhāmānā)(), nàng thực hành thiền quán.
Một hôm thấy duyên lành của nàng Puṇṇā tròn đủ, nhưng không thể tự mình phá vỡ những chướng ngại, Đức Thế Tôn từ Hương thất phóng hào quang đến nơi ngụ của nàng, thuyết lên kệ ngôn.
3- Puṇṇe pūrassu dhammehi; cando pannaraseriva.
Paripuṇṇāya paññāya, tamokhandhaṃ padālayā''ti.
"Hãy làm viên mãn pháp; như trăng trong ngày rằm.
Hãy làm viên mãn trí; phá tan khối si ám"().
Nương theo lời dạy Bậc Đạo Sư, nàng nỗ lực triển khai tuệ quán, chứng Thánh quả Alahán và kệ ngôn trên trở thành lời tuyên bố lên chánh trí của nàng.
Tiền sự.
Vào 94 kiếp trái đất trước, tiền thân nàng là một nhân điểu (kiṇṇarī) sống ở cạnh bờ sông Candavatī có cúng dường ba cánh hoa đến Đức Chánh Giác . Trải qua 94 kiếp trái đất hậu thân nhân điểu không hề biết đến khổ cảnh, hậu thân nhân điểu ấy từng là Thiên hậu cõi Ba mươi ba (Tāvatiṃsa), cũng là Hoàng hậu của vua Chuyển Luân.
Bà có thể là Trưởng lão ni Tiṇinalamālikā nói trong tập Thánh nhân ký sự Apadāna().
Có khả năng vị nữ ni tế độ Bàlamôn Sotthiya là vị Thánh nữ Puṇṇā này.
*Nữ tỳ Puṇṇā.
Nàng là nữ tỳ của một Trưởng giả trong thành Rājagaha (Vương xá).
Bấy giờ Đức Thế Tôn đang trú ngụ nơi núi Gijjhakūṭa (núi Kên kên).
Một hôm chủ giao cho nàng Puṇṇā giả gạo rất nhiều, cô giả gạo đến tối vẫn chưa xong, phải đốt đèn lên để giả cho xong phần lúa chủ giao cho.
Khi mệt, cô bước ra ngoài nghỉ xả hơi đồng thời hóng gió cho mát vì người cô đẩm đầy mồ hôi, nhìn lên núi Gijjhakūṭa cô Puṇṇā thấy các vị Tỳkhưu đi trên núi. Cô suy nghĩ: "Như ta là thân nô lệ, vì công việc chủ giao làm chưa xong nên giờ này chưa đi ngủ được. Còn các Ngài Đại Đức vì sao cũng chưa đi nghỉ?".
Rồi nàng suy luận rằng: "Chắc nơi ấy có vị Đại Đức bị bịnh năng hay bị rắn độc cắn, nên các Ngài phải đưa đi chữa trị".
Nguyên vào thời ấy, Ngài Dabba Mallaputta có phận sự sắp xếp chỗ ngụ cho chư Tăng, các vị Tỳkhưu được nghe về năng lực hỏa giới của Ngài Dabba Mallaputta nên thường đến Đức Thế Tôn vào buổi chiều, sau khi nghe Pháp thoại từ Đức Thế Tôn xong, các Ngài yêu cầu Ngài Dabba Mallaputta thu xếp chỗ ngụ cho mình nơi núi Gijjhakūṭa.
Bấy giờ trời đã tối, Ngài Dabba Mallaputta an trú tâm tâm vào đề mục lửa (tejo kasina), rồi triễn khai năng lực thần thông, ngón tay trỏ của Ngài phát ra ánh sáng như ngọn đuốc soi đường cho các vị Tỳkhưu đến nơi ngụ theo như ý muốn của các vị Tỳkhưu.
Sáng hôm sau nàng Puṇṇā dùng cám mịn nhồi với nước trong, rồi nướng lên lên làm thành loại bánh cám để ăn.
Khi bánh chín, nàng mang theo người ra bến nước để múc nước về cho chủ.
Vào sáng hôm ấy, Đức Thế Tôn đưa Phật trí quán xét thế gian, thấy được duyên lành Thánh quả Dư lưu của nàng Puṇṇā, Ngài đi vào thành Vương xá để khất thực.
Trên đường ra bến sông múc nước, nàng Puṇṇā được diện kiến Đức Thế Tôn nơi cổng thành Vương xá, vô cùng hân hoan nàng đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, bạch rằng:
– Kính bạch Thế Tôn, xin Ngài mở lòng bi mẫn tế độ con. Kính xin Ngài hãy thọ dụng loại bánh thô kệch này, để con được sự lợi ích, sự bình an lâu dài.
Rồi Nàng cúng dường Đức Thế Tôn bánh cám nướng của mình mang theo.
Đức Thế Tôn đưa mắt nhìn Ngài Ānanda, Ngài Ānanda đưa chiếc bát của Đức Thế Tôn ra đón nhận những chiếc bánh cám nướng.
Sau khi cúng dường bánh cám nướng vào Bát của Đức Thế Tôn, nàng Puṇṇā đảnh lễ Đức Thế Tôn theo cách năm chi chạm đất, bạch rằng:
– Bạch Đức Thế Tôn, với phước lành này mong cho con chứng đạt an lạc pháp từ nơi Ngài.
Đức Thế Tôn phúc chúc rằng: "Ước nguyên của người hãy thành tựu như ý". Nghe lời phúc chúc của Đức Thế Tôn, tâm nàng Puṇṇā vô cùng hân hoan, nhưng rồi nàng suy nghĩ rằng:
– Tuy Đức Thế Tôn chúc phúc đến ta như vậy, nhưng có lẽ Ngài không dùng bánh thô xấu này đâu. Khi đi đến nơi vắng Ngài sẽ ném bỏ, rồi thọ dụng những loại vật thực thượng vị từ các quan Đại thần hay từ các Đại trưởng giả.
Với tâm thông Đức Thế Tôn biết được ý nghĩ của nàng Puṇṇā, Ngài đưa mắt nhìn Ngài Ānanda tỏ ý muốn ngồi.
Hiểu ý Đức Thế Tôn, Ngài Ānanda xếp y Saṅghatiṃ (Tănggiàlê) làm bốn, lót trên đó là tọa cụ, thỉnh Đức Thế Tôn an tọa trước cổng thành Vương xá, Đức Thế Tôn ngồi lên tọa cụ, thọ dụng bánh cám nướng.
Nàng Puṇṇā lặng người khi nhìn thấy Đức Thế Tôn dụng dụng bánh cám nướng của mình. Khi Đức Thế Tôn thọ thực xong, Ngài Ānanda dâng nước rửa tay cùng nước uống đến Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn gọi nàng Puṇṇā đến hỏi rằng:
– Này Puṇṇā, vì sao nàng nghĩ sai lầm đến các Đệ tử Như Lai vậy?
– Bạch Thế Tôn, con không dám như thế.
Đức Thế Tôn nói lên sự suy nghĩ của nàng vào đêm hôm qua, Ngài dạy rằng:
– Này Puṇṇā, nàng vì công việc thế tục không thể ngủ được, riêng đệ tử Đức Chánh giác vì lo sợ cái khổ sinh tử luân hồi, nên tinh tấn thực hành pháp. Do vậy cũng không ngủ được.
Rồi Đức Thế Tôn thuyết lên kệ ngôn.
226- Sadā jāgaramānānaṃ; ahorattānusikkhinaṃ.
Nibbānaṃ adhimuttānaṃ; atthaṃ gacchanti āsavā''ti.
"Những người thường giác tỉnh; ngày đêm siêng tu học.
Chuyên tâm hướng Nípbàn; mọi ô nhiễm được tiêu" (HT.TMC dịch)().
Tiếp theo Đức thế Tôn thuyết lên pháp Tứ đế, dứt pháp thoại nàng Puṇṇā chứng Thánh quả Dự Lưu.
Về sau các vị Tỳkhưu ngồi nơi Giảng pháp đường đã bàn luận cùng nhau rằng: "Này chư hiền, việc làm của Đức Như Lai thật phi thường. Ngài đã thọ thực loại bánh cám nướng thô kệch của nữ tỳ Puṇṇā".
Do duyên sự này, Đức Thế Tôn thuyết lên Bổn sự Kuṇḍakasindhavapotaka().
*Trưởng lão Billaphaliya.
Là vị Thánh Alahán thời Đức Phật Gotama.
Vào thời Đức Phật Kakusandha, tiền thân của Ngài là vị ẩn sĩ sống ở bờ sông Candabhāgā. Một hôm ẩn sĩ được diện kiến Đức Thế Tôn và cúng dường đến ĐứcThế Tôn trái billa() trồng trong vườn của mình().
*Trưởng lão ni Sukkā.
Trong thời Đức Phật tại tiền, bà sinh ra trong một gia tộc trưởng giả ở kinh thành Rājagaha (Vương xá), được đật tên là Sukkā (thông minh).
Khi Đức Thế Tôn đến viếng thành Rājagaha (Vương xá) lần đầu, bà khởi sinh niềm tịnh tín nơi Đức Thế Tôn và trở thành cận sự nữ.
Về sau bà nghe được pháp thoại từ Trưởng lão ni Dhammadinnā, bà hoan hỷ xin được xuất gia trong Ni đoàn, bà Dhammadinnā là tế độ sư của bà. Bà nỗ lực hành pháp, chẳng bao lâu chứng Thánh quả Alahán với pháp tín thọ và nghĩa tín thọ.
Bà trở thành nữ Gỉảng sư lỗi lạc, có được hội chúng Tỳkhưu ni là 500 vị vây quanh.
Một hôm, sau khi cùng ni chúng đi vào thành Vương xá (Rājagaha) khất thực, rồi trở về Ni viện, bà thuyết pháp đến hội chúng của mình.
Lời pháp tuyệt diệu khiến các vị nữ ni như cảm nhận được từ bà giòng nước Bất tử đang tuôn chảy thấm nhuần khắp châu thân. Tất cả đều im lặng lắng nghe với tâm hân hoan tột độ.
Một vị thọ thần ở cuối sân, nghe được bài pháp quá thâm sâu tuyệt diệu cả bà Sukkā, đã hóa thân đi vào thành Vương xá, đi khắp các ngả ba, ngã tư trong kinh thành rao giảng rằng;
54- Kiṃme katā rājagahe manussā; madhuṃ pītāva acchare.
Ye sukkaṃ na upāsanti; desentiṃ buddhasāsanaṃ.
Các ngươi đang làm gì, hỡi người thành Vương xá?;
Đang ngây ngất với đầy rượu mật.
Chẳng đến hầu kạ Sukkā; bà đang giảng lời Phật dạy".
55- Tañca appaṭivānīyaṃ; asecanakamojavaṃ.
Pivanti maññe sappaññā; valāhakamivaddhagū.
"Và pháp ấy không bị từ khước; không tạo thành điều vô ích.
Bậc đại trí hân hoan nước ngọt ấy; như kẻ lử hành gặp mưa dông"().
Nghe vị Thọ thần tán thán pháp âm vi diệu của bà Sukkā, đại chúng thành Vương xá đi đến đảnh lễ và chú lắng nghe bà Giảng pháp.
Trong tập Tương ưng kinh có ghi nhận hai kệ ngôn này và có nói rằng: "Đó là một dạxoa". Dạxoa này đã hai lần thực hiện như vậy.
Lần 1. Khi bà Trưởng lão ni Sukkā thuyết giảng pháp đến hội chúng nữ ni của mình().
Lần 2. Khi thấy một nữ cư sĩ cúng dường vật thực thượng vị đến Trưởng lão ni Sukkā. Dạxoa hóa thân thành người đi khắp thành Vương xá tán thán nữ cư sĩ có trí ấy như sau.
"Puññaṃ vata pasavi bahuṃ; sappañño vatāyaṃ upāsako.
Yo sukkāya adāsi bhojanaṃ; sabbaganthehi vippamuttiyā''ti .
Cư sĩ có trí này, chắc hưởng nhiều công đức.
Đã cúng dường món ăn; đáng cúng lên Sukkā.
Một vị đã giải thoát; tất cả mọi triền phược" (HT.TMC dịch)().
Vào cuối đời, trước khi viên tịchTrưởng lão ni Sukkā đã tuyên bố lên Thánh trí của mình qua kệ ngôn.
56- Sukkā sukkehi dhammehi; vītarāgā samāhitā.
Dhāreti antimaṃ dehaṃ; jetvā māraṃ savāhana''nti.
"Hỡi này nàng Sukkā, người con của ánh sáng.
Được ly tham định tĩnh; nhờ ánh sáng Chánh pháp.
Hãy mang thân cuối cùng, sau khi thấy ma quân" (HT. TMC d)().
Tiền sự.
Vào thời Đức Phật Vipassī, tiền thân bà là Tỳkhưu ni, mệnh chung bà tái sinh về cõi Tusita.
Tiền thân bà Sukkā liên tiếp xuất gia làm Tỳkhưu ni với 5 đời Đức Chánh giác: Đức Phật Vessabhū, Đức Phật Kakusandha; Đức Phật Kakusandha; Đức Phật Konāgamana, Đức Phật Kassapa.
Cả năm đời vị Chánh giác bà đều là vị Tỳkhưu ni thuyết pháp lỗi lạc.
Vào thời Đức Phật Gotama bà cũng là vị Tỳkhưu ni thuyết pháp lỗi lạc và bà viên tịch sau khi hết tuổi thọ của kiếp sống ấy.
Trải qua 91 kiếp trái đất, tiền thân bà Sukkā không hề biết đến khổ cảnh().
*Công nương Ubbārī.
Tương truyền, một hôm Đức Thế Tôn đi vào thành Rājagaha (Vương xá) để khất thực, nhìn thấy con heo nái tơ, Ngài mỉm cười rồi bước sang vệ đường, thấy vậy, Ngài Ānanda bạch hỏi rằng:
– Bạch Thế Tôn, do nhân chi duyên chi mà Ngài mỉm cười?
– Này Ānanda, ngươi có thấy con heo nái tơ không?
– Thưa có, bạch Thế Tôn.
– Này Ānanda, vào thời Đức Chánh giác Kakusandha có con gà mái sống gần nơi trai đường của chư Tỳkhưu, con gà mái nghe các vị Tỳkhưu trì tụng về thiền quán, nó chỉ hiểu: "Đây là lời phật dạy".
Nhờ phước này, con gà mái mệnh chung tái sinh làm công nương Ubbarī, một hôm nàng Ubbarī đi vào nhà vệ sinh, nhìn thấy những con dòi trong hầm phẩn, nàng quán tưởng về thể trược chứng đắc Sơ thiền.
Mệnh chung nàng tái sinh về cõi Sơ thiền, từ cõi Sơ thiền nàng tái sinh về nhân loại. Trong kiếp ấy vì tư vị, mệnh chúng nàng tái sinh làm con heo nái tơ này.
Trưởng lão Ānanda cùng các vị Tỳkhưu nghe xong câu chuyện, phát sinh kinh cảm trí đối với vòng luân hồi.
Tiếp theo, Đức Thế Tôn thuyết lên 6 kệ ngôn.
338- Yathā'pi mūle anupaddave daḷhe;
Chinno'pi rukkho punareva rūhati.
Evampi taṇhānusaye anūhate;
nibbattatī dukkhamidaṃ punappunaṃ.
"Như cây bị chặt đứt; rễ chưa hại vẫn bền.
Sẽ được mọc lên lại.
Ái tùy miên chưa nhỗ; khổ tùy miên vẫn sinh hoài".
339- Yassa chattiṃsati sotā; manāpasavanā bhusā.
Māhā vahanti duddiṭṭhiṃ; saṅkappā rāganissitā.
"Ba mươi sáu dòng; còn đẩy mạnh người này.
Đến cảnh giới ái lạc.
Các tư tưởng ái dục; như dòng nước cuốn trôi.
Người có ác, tà kiến".
340- Savanti sabbadhi sotā; latā uppajja tiṭṭhati.
Tañca disvā lataṃ jātaṃ; mūlaṃ paññāya chindatha.
"Dòng ái dục chảy khắp; như dây leo mọc tràn.
Thấy dây leo vừa sinh; với tuệ hãy đoạn gốc".
341- Saritāni sinehitāni ca; somanassāni bhavanti jantuno.
Te sātasitā sukhesino, te ve jātijarūpagā narā.
"Người đời nhớ ái dục; ưa thích các hỷ lạc.
Tuy mong cầu hạnh phúc; chúng vẫn phải sinh, già".
342- Tasiṇāya purakkhatā pajā' parisappanti sasova bandhito.
Saṃyojanasaṅgasattakā; dukkhamupenti punappunaṃ cirāya.
"Người bị ái buộc ràng; vùng vẫy và lăn lóc.
Như thỏ bị sa lưới; bị kiết sử trói buộc.
Chúng sinh chịu khổ đau; tiếp tục và lâu dái".
343- Tasiṇāya purakkhatā pajā; parisappanti sasova bandhito.
Tasmā tasiṇaṃ vinodaye; ākaṅkhanta virāgamattano.
"Người bị ái buộc ràng; vùng vẫy và lăn lóc.
Như thỏ bị sa lưới.
Do vậy, vị Tỳkhưu; nên nhiếp phục ái dục.
Tự ly tham, vô cấu" (HT.TMC dịch)().
Con heo nái tơ sau khi dứt kiếp sống ấy, tái sinh vào Hoàng tộc thuộc lãnh thổ Suvaṇṇabhūmi.
Rồi tái sinh vào kinh thành Bārāṇasī (Balanại), rồi tái sinh vào gia đình người buôn ngựa ở bến cảng Suppāraka, rồi lại tái sinh vào gia đình người lái đò ở bến Kāvīra (hay Gāriva).
Kế đến nàng tái sinh vào gia tộc Trưởng giả Sumana trong làng Bokkanta (hay Bhekkantagāma) ở hướng Nam Tích Lan, nàng có tên là Sumanā (gọi theo tên Tộc trưởng Sumana).
Khi có chiến tranh cư dân làng Bokkanta bỏ đi, gia đình nàng cũng bỏ làng ra đi, đến trú ngụ ở làng Mahāmunī của xứ Dīghavānī.
Thế rồi vị Đại thần của vua Duṭṭhagāmaṇī tên là Lakuṇṭaka Atima (Người lùn Atima) đi đến làng Mahāmunī do có vài công việc cần phải làm, trông thấy nàng Sumanā, phát sinh yêu mến cưới nàng làm vợ, đưa nàng về làng Mahāpuṇṇā sinh sống.
Trưởng lão Mahā Atula ở Tự viện Koṭipabbata có lần đi khất thực trong làng Mahāpuṇṇā, đứng trì bình nơi cổng nhà của nàng Sumanā, trông thấy nàng, Trưởng lão nói với các vị Tỳkhưu tùy tùng rằng:
– Này chư hiền, thật kỳ diệu thay, con heo nái tơ đã sinh lên đây rồi và đang là vợ quan đại thần Lakuṇṭaka Atima.
Nghe vị Trưởng lão nói như vậy, nàng động tâm, cố đưa trí quán xét và nhớ lại được những kiếp quá khứ kể từ con heo nái tơ cho đến kiếp này.
Kinh cảm với dòng luân hồi, nàng xin chồng cho được xuất gia và được chồng đồng ý.
Sau khi xuất gia trong Ni chúng, nàng tinh cần thực hành pháp quán, một hôm nghe được bài pháp Đại Niệm xứ (Mahāsatipaṭṭhāna) nơi Đại tự Tissa (Tissamahārāma), bà chứng đắc Thánh quả Dự Lưu.
Thời gian sau, vua Duṭṭhagāmaṇī đánh chiếm lại lãmh thổ Damila (Tamil), Trưởng lão ni Sumanā du hành đến làng Bokkanta là trú xứ của cha mẹ nàng trước đây.
Chính nơi đây bà nghe được bài kinh Āsīvisopanna nơi Đại tự Kallaka (Kallaka Mahāvihāra) và đắc Thánh quả Alahán.
Vào ngày bà sắp viên tịch, trả lời những câu hỏi của các Tỳkhưu ni, bà thuật lại những kiếp tái sinh của mình kể từ kiếp là con heo nái tơ cho đến kiếp hiện tại là 13 kiếp sống.
Sau đó bà viên tịch trước sự chứng minh của Trưởng lão Mahā Tissa ở Tự viện Maṇḍala().
Dứt lịch sử Đức Phật Kakusandha.
23- Đức Phật Koṇāgamana.
Sau khi Đức Thế Tôn Kakusandha viên tịch, tuổi thọ nhân loại giảm dần xuống còn 10 năm, rồi lại tăng dần đến atăngkỳ năm, rồi giảm dần xuống đến thời điểm 30 ngàn năm.
Bấy giờ Bồtát đã viên mãn 30 pháp Balamật, Ngài tái sinh vào cõi Tusita (Đẩusuất). Nhận lời thỉnh cầu của chư Thiên, Phạm thiên trong 10 ngàn thế giới, Bồtát giáng sinh về nhân giới, mẹ Ngài là nữ Bàlamôn Uttarā, cha Ngài là vị Cố vấn Đại thần tế lễ Yaññadatta của vua Sobha.
Sau 10 tháng trú trong thai bào, Bồtát ra khỏi lòng mẹ nơi vườn hoa Subhagavatī, trong kinh thành Sobhavatī của vua Sobha.
Khi ra khỏi thai bào, chư thiên tạo ra cơn mưa vàng ròng rơi khắp cõi Diêmphù (Jambu). Do sự kiện này, Bồtát được đặt tên là Kaṇakāgamana (có vàng đi đến), chữ Koṇāgamana là cách viết khác của chữ Kaṇakāgamana.
Bồtát Koṇāgama sống đời sống tại gia là 3.000 năm, trong ba tòa cung điện Tusita, Santusita và Santuṭṭha, có 60 ngàn nữ hầu xinh đẹp hầu hạ. Vợ Ngài là nữ Bàlamôn Rucigattā xinh đẹp, đứng đầu 60 ngàn nữ hầu.
Vào ngày nàng Rucigattā sinh ra người con trai là Satthavāha, cũng là ngày Bồtát thấy được điềm tướng thứ tư là vị Samôn, Ngài quyết định ra đi xuất gia.
Bồtát cưỡi voi ra đi xuất gia, theo gương Ngài có 30 ngàn nam tử xuất gia làm Samôn để hầu Ngài.
Bồtát khổ hạnh 6 tháng, rồi Ngài lìa bỏ hội chúng Samôn, thọ thực trở lại. Vào ngày trăng tròn tháng Visākha, Bồtát thọ nhận bát cơm sữa do nàng Aggisonā, con gái Bàlamôn Aggisona dâng cúng.
Vào buổi chiều, Bồtát đi đến cây Đại giác Udumbara (cây Sung), trên đường đi Bồtát nhận 8 bó cỏ do người giữ ruộng lúa mạch (pavapālaka) Tinduka dâng cúng.
Kích thước cây Đại giác Udumbara tương tự như cây Đại giác Puṇḍarika được mô tả ở trên.
Nơi cội Đại giác Udumbara, Bồtát trải 8 bó cỏ, một Bảo tọa chiến thắng xuất hiện cho Ngài, trên Bảo tọachiến thắng, Bồtát chiến thắng toàn bộ 5 loại ma, chứng đắc Vô thượng Chánh giác khi bình minh vừa ló dạng.
*Ba Thắng hội của Đức Phật Koṇāgamana.
Thắng hội I.
Sau 49 ngày hưởng hương vị giải thoát quanh 7 nơi gần cội Đại giác Udumbara, Đức Thế Tôn Koṇāgamana nhân lời khai mở lộ Bất tử do vị Đại Phạm thiên thỉnh cầu.
Ngài đưa Phật trí quán xét, thấy được duyên lành của 30 ngàn vị Samôn tùy tùng trước đây. Đức Phật Koṇāgamana theo đường hư không đến vườn Lộc Uyển (Migadāya) trong vùng Isipatana, gần thành phố Sudassana. Nơi cội cây Đại Sāla (Mahāsāla), Đức Thế Tôn vận chuyển bánh xe Pháp cho lăn đi. Dứt pháp thoại có 300 ngàn triệu chúng sinh chứng đạt Thánh quả, trong đó có 30 ngàn vị Samôn tùy tùng trước đây của Ngài.
Đây là Thắng hội I của Ngài. Có Kinh văn sau.
3- Dhammacakkaṃ pavattente; koṇāgamananāyake.
Tiṃsakoṭisahassānaṃ; paṭhamābhisamayo ahu.
"Vận chuyển bánh xe pháp; Koṇāgamana vị lãnh đạo thế gian.
Có 30 ngàn 10 triệu vị; là thắng hội đầu tiên"().
*Thắng hội II.
Khi Đức Thế Tôn Koṇāgamana thể hiện Song thông lực nơi cội cây Sāla ở cổng thành Sundara để nhiếp phục sự kiêu mạn của ngoại giáo.
Rồi Ngài thuyết lên Pháp thoại để tiêu diệt tà kiến của dị giáo, dứt pháp thoại có 200 ngàn triệu nhân thiên chứng đạt Thánh quả.
Đây là hắng hội II của Ngài. Có Kinh văn sau.
4- Pāṭihīraṃ karonte ca; paravādappamaddane.
Vīsatikoṭisahassānaṃ; dutiyābhisamayo ahu.
"Và khi thể hiện thần thông; để trừ diệt các học thuyết khác.
Có 20 ngàn 10 triệu vị; là thắng hội thứ hai của Ngài" (sđd).
*Thắng hội III.
Sau khi thể hiện Song thông lực, Đức Thế Tôn Koṇāgamana lên cung trời Ba mươi ba (Tāvatiṃsa) thuyết lên Tạng Abhidhamma (Thắng pháp). Dứt pháp thoại, có 100 triệu chư Thiên và Phạm thiên chứng đạt Thánh quả.
Đây là Thắng hội III của Ngài. Có Kinh văn sau.
6- Pakaraṇe satta desento; vassaṃ vasati so muni.
Dasakoṭisahassānaṃ; tatiyābhisamayo ahu.
"Thuyết giảng 7 bộ sách; khi vị hiền triết an cư mùa mưa.
Có 10 ngàn 10 triệu vị; là Thắng hội lần III của Ngài" (sđd).
*Tăng hội của Đức Phật Koṇāgamana.
Đức Thế Tôn Koṇāgamana chỉ có một Tăng hội.
Khi Đức Thế Tôn Koṇāgamana trú ngụ nơi vườn Suridavatī gần kinh thành Suridavatī, thuyết giảng pháp thoại đến hai vị Tử hoàng là Bhīyasa và Uttara (hai vị Thượng thủ tương lai của Ngài về sau) cùng 30 ngàn tùy tùng của hai vị ấy.
Dứt Pháp thoại, tất cả đếu chứng Thánh quả Alahán và được xuất gia theo cách : "Ethabhikkhave... Hãy đến đây , này các Tỳkhưu ...".
Vào ngày trăng tròn tháng Māgha, giữa hội chúng Tăng này, Đức Thế Tôn ban lời Giáo giới giải thoát.
Đây là Tăng hội của Ngài. Có Kinh văn sau.
7- Tassāpi devadevassa; eko āsi samāgamo.
Khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ; santacittāna tādinaṃ.
"Vị thiên thần của chư thiên ấy; chỉ có một lần tụ hội.
Là những bậc vô nhiễm, trong sạch; có tâm an tịnh như thế".
8- Tiṃsabhikkhusahassānaṃ; tadā āsi samāgamo.
Oghānamatikkantānaṃ; bhijjitānañca maccuyā.
"Có 30 ngàn vị Tỳkhưu; đó là lần tụ hội.
Những vị đã vượt qua dòng nước lũ; đã chiến thắng thần chết" (sđd).
*Tiền thân Đức Phật Gotama.
Vào thời ấy tiền thân Đức Phật Gotama là vua Pabbata, trị vì kinh thành Mithilā.
Được tin Đức Thế Tôn Koṇāgamana xuất hiện trên thế gian, mang an lành đến tất cả chúng sinh, Ngài đang du hành đến kinh thành Mithilā.
Đức vua Pabbata cùng đại chúng triều thần ra khỏi kinh thành cung nghinh, đảnh lễ Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng.
Đức vua cung thỉnh Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng ngự đến Hoàng cung để cúng dường vật thực.
Đức vua Pabbata cúng dường đại thí đến Đức Phật và Tăng chúng trọn 7 ngày, vào ngày thứ 7, Đức vua dâng đến Đức Thế Tôn bộ Tam y đắt giá nhất, mỗi vị Tỳkhưu đều được cúng dường bộ Tam y quý bằng lụa Patuṇṇa, lụa Kasi... Ngoài ra còn có những vật dụng Samôn khác.
Giữa đại chúng, Đức Thế Tôn Koṇāgamana tiên tri rằng: "Ngay trong hiền kiếp này, vua Pabbata sẽ là vị Chánh giác tương lai, có tộc họ là Gotama, tên là Siddhattha".
Nghe lời tiên tri cả Đức Thế Tôn Koṇāgamana, vua Pabbata từ bỏ vương quốc, xuất gia trong Giáo đoàn. Vị Trưởng lão Pabbata sau khi học thông Giáo pháp, nỗ lực thực hành thiền tịnh, chứng đạt Bát thiền cùng 5 thắng trí. Mệnh chung vị ấy tái sinh về Phạm thiên giới.
*Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Koṇāgamana.
– Đức Thế Tôn Koṇāgamana cao 30 hắc tay, hào quang như vàng ròng tỏa ra từ thân của Ngài theo ý muốn.
– Hai vị Thượng thủ thinh văn của Đức Phật Koṇāgamana là Trưởng lão Bhiyyosa và Trưởng lão Uttara. Thị giả là Trưởng lão Sotthiya.
– Hai nữ Thinh văn tối thắng của Đức Phật Koṇāgamana là Trưởng lão ni Samuddā và Trưởng lão ni Uttarā.
– Hai cận sự nam tối thắng của Đức Phật Koṇāgamana là Trưởng giả Ugga và Trưởng giả Somadeva.
– Hai cận sự nữ tối thắng của Đức Phật Koṇāgamana là bà Sivalā và bà Sāmā.
Đức Thế Tôn Koṇāgamāna sống 4 phần năm tuổi thọ của chúng sinh thời ấy, Ngài viên tịch nơi vườn Pabbata.
Theo nguyện lực của Ngài, Xálợi được phân tán rải khắp nhân thiên để chúng sinh lễ bái cúng dường.
Vào thời Đức Phật Koṇāgamana, một năm mới hành lễ Bốtát (uposatha) một lần.
Vào thời Phật Koṇāgamana, núi Vepulla ở thành Rājagaha (Vương xá) được gọi là Vaṅkaka và dân sống trên núi này được gọi là Rohitissā. Dân chúng từ chân núi lên đỉnh núi mất 3 ngày, từ đỉnh núi xuống chân núi mất 3 ngày().
Kinh điển Sanskrit gọi Đức Phật Koṇāgamana là Kaṇakamuni, Konākamuni và Kaṇakaparvata.
Được biết có một tháp thờ xây nơi Bồtát Koṇāgamana sinh ra, tháp này còn đứng vững đến thời đại Asoka và được Vua Asoka xây lại to gấp đôi tháp cũ().
Ngài Huyền Trang nói rằng ông có thấy tháp ở nơi Phật Koṇāgamana đản sanh và nơi Ngài gặp lại cha sau khi thành Phật().
Ngài Pháp Hiển thấy tháp nơi Ngài gặp lại cha sau khi thành Phật và nơi Phật viên tịch().
Theo Biên niên sử Tích Lan, Đức Thế Tôn Koṇāgamana có ngự đến đảo Tích. Khi ấy hải đảo này có tên là Varadīpa, kinh đô Vaḍḍamāna nằm về hướng Nam hải đảo, do vua Sumaiddha trị vì, vườn Mahāmegha có tên gọi là Mahānoma.
Bấy giờ hải đảo phát sinh nạn hạn hán, với lòng bi mẫn Đức Thế Tôn Koṇāgamana cùng với 30 ngàn vị Tỳkhưu theo đường hư không đến đảo Tích để diệt trừ tai họa hạn hán cho cư dân trên đảo.
Đức vua Samiddha cúng dường vườn Mahānoma đến Đức Phât và Tăng chúng, nơi vườn Mahānoma Đức Thế Tôn Koṇāgamana thuyết lên pháp thoại, dứt pháp thọai có 30 ngàn người chứng đạt Thánh quả.
Vâng theo lịnh của Đức Thế Tôn, Trưởng lão ni Kantakānandā (Kanakadattā) cùng 500 vị Tỳkhưu ni mang sang đảo Tích nhánh cây Đại giác Udumbara ở phía Nam.
Và nhánh Đại giác này được vua Samiddha trồng vào địa điểm cây Đại giác Sirīsa trước đây.
Đức Thế Tôn Koṇāgamana lưu lại đảo Tích dây thắt lưng để cư dân trên đảo lập tháp thờ, ngoài ra Ngài còn dạy Trưởng lão Mahāsumba và Trưởng lão ni Kantakānandā ở lại hải đảo để giáo hóa chúng sinh().
Dứt lịch sử Đức Phật Koṇāgamana.
24- Đức Phật Kassapa.
Sau khi Đức Thế Tôn Konāgamana viên tịch, tuổi thọ nhân loại giảm dần xuống đến khi còn 10 năm. Rồi lại tăng dần lên đến atăngkỳ năm, rồi lại giảm dần đến khi được 20 ngàn năm.
Bấy giờ Bồtát Chánh giác đã viên mãn 30 pháp Balamật, Ngài tái sinh về cung trời Tusita.
Theo thông lệ, Bồtát nhận lời thỉnh cầu của Chư thiên và Phạm thiên trong 10 ngàn thế giới, tái sinh về nhân giới.
Ngài tái sinh vào thai bào của nữ Bàlamôn Dhanavatī, vợ của vị Bàlamôn Tế lễ sư Brahmadatta của vua Kikī, trị vì kinh thành Bārāṇasī (Balanại). Qua 10 tháng trú trong thai bào, Bồtát ra khỏi thai bào nơi vườn hoa Lộc Uyển thuộc Isipatana.
Bồtát được đặt tên là Kassapa, là tôn dòng tộc cao quý của Ngài; kinh điển thường gọi là Kassapa Dasabala (Đấng Thập lực Kassapa) để phân biệt với các Tôn giả Kassapa khác.
Ngài là 1 trong 7 vị Phật được ghi nhận trong kinh Trường bộ().
Bồtát Kassapa sống tại gia 2.000 năm, trong ba tòa cung điện Haṃsa, Yasa và Sirinada, có 48 ngàn nữ hầu xinh đẹp hầu hạ. Vợ Ngài là nữ Bàlamôn xinh đẹp Sunandā().
Vào ngày nàng Sunandā hạ sinh người con trai là Vijitasena, cũng là ngày Bồtát Kassapa chứng kiến hiện tượng thứ tư là vị Samôn, Ngài suy nghĩ: "Ta sẽ từ bỏ gia đình ngay trong ngày hôm nay".
Bồtát trở về cung điện, suy tư đến sự ly gia; khi Ngài quyết định xuất gia lập tức tòa cung điện rung chuyển mạnh quay tròn như bàn quay của người thợ gốm, rồi bốc lên hư không giống như mặt trăng xuất hiện giữa các vì tinh tú. Bốn đạo binh chủng cũng bốc theo để bảo vệ tòa cung điện, tòa cung điện bay với tầm cao là khoảng một cây thốtnốt.
Tòa cung điện hạ thân nơi vùng có cây Đại giác Nigrodha (Cây Đa hay cây Bàng). Bồtát từ cung điện bước ra, Ngài cắt tóc xuất gia, vị Đại Phạm thiên dâng đến Bồtát y phục của bậc Samôn.
Những nữ nhân trong tòa cung điện cũng bước ra khỏi cung điện, đi bộ một khoảng đường là nửa gāvuta (= 2 km), dựng lên những láng trại tạm thời. Đoàn nam nhân bảo vệ tòa cung điện là 10 triệu người cũng theo gương Bồtát xuất gia thành những vị Samôn.
Bồtát Kassapa thực hành khổ hạnh 7 ngày, vào ngày trăng tròn tháng Visākha, Bồtát thọ nhận bát cơm sữa do nữ Bàlamôn Sunandā (vợ Ngài) dâng cúng.
Vào buổi chiều Bồtát đi đến cội Đại giác Nigrodha, trên đường đi Ngài nhận 8 bó cỏ do người giữ ruộng lúa mạch là Soma dâng cúng.
Nơi cội Đại giác về hướng Đông bắc, Bồtát trải tám bó cỏ, Bảo tọa chiến thắng hiện khởi cho Ngài. Trên Bảo tọa Chiến thắng, Ngài thắng toàn bọn 5 loại Ma vương, chứng đạt Vô thượng Chánh giác khi mặt trời vừa ló dạng.
*Năm thắng hội của Đức Phật Kassapa.
*Thắng hội I.
Đức Thế Tôn hưởng hương vị giải thoát ở 7 nơi quanh cội Đại giác qua 7 tuần lễ. Rồi Ngài nhận lời thỉnh cầu của vị Đại Phạm thiên, khai mở cửa Bất tử vô sinh.
Đưa Phật trí quán xét thế gian, Ngài thấy duyên lành đạo quả của 10 triệu vị Samôn tùy tùng trước đây.
Theo đường hư không, Đức Thế Tôn đi đến rừng Nai (Migadāya) ở Isipatana, gần thành Bāraṇasī (Balanại). Ngài vận chuyển bánh xe pháp cho lăn đi, dứt Pháp thọai có 200 triệu nhân thiên chứng đạt Thánh quả.
Đây là Thắng hội I của Ngài. Có Kinh văn sau.
3-Dhammacakkaṃ pavattente; kassape lokanāyake.
Vīsakoṭisahassānaṃ; paṭhamābhisamayo ahu.
"Vận chuyển bánh xe pháp; từ Kassapa vị lãnh đạo thế gian.
Có 20 ngàn 10 triệu vị; là Thắng hội đầu tiên"().
*Thắng hội II.
Có lần Đức Thế Tôn Kassapa du hành trong bốn tháng đến một vùng biên địa, nơi đây Ngài thuyết lên pháp thoại.
Dứt pháp thoại có 100 ngàn triệu nhân thiên chứng đạt Thánh quả.
Đây là Thắng hội II của Ngài. Có Kinh văn sau.
4- Catumāsaṃ yadā buddho; loke carati cārikaṃ.
Dasakoṭisahassānaṃ; dutiyābhisamayo ahu.
" Thế rồi Đức Phật với 4 tháng; du hành trong thế gian.
Có 10 ngàn 10 triệu vị; là Thắng hội thứ hai" (sđd).
*Thắng hội III.
Đức Thế Tôn Kassapa thể hiện Song thông lực nơi cây Asana, gần cổng thành Sundara, rồi Ngài thuyết lên pháp thoại, có 50 triệu chúng sinh chứng đạt Thánh quả,
Đây là Thắng hội III của Ngài. Có Kinh văn sau.
5- Yamakaṃ vikubbanaṃ katvā; ñāṇadhātuṃ pakittayi.
Pañcakoṭisahassānaṃ; tatiyābhisamayo ahu.
"Sau khi thể hiện Song thông; Ngài giảng về bản chất trí.
Có 5 ngàn 10 triệu vị; là Thắng hội lần ba" (sđd).
*Thắng hội IV.
Đức Thế Tôn thể hiện Song thông lực để nhiếp phục ngoại giáo, rồi Ngài ngự lên cõi trời Ba mươi ba (Tāvatiṃsa) thuyết lên tạng Thắng pháp để tế độ chư thiên, trong đó có vị thiên tử Dhanavatī (là hậu thân mẹ Bồtát Kassapa).
Dứt pháp thoại có 300 ngàn triệu chư thiên và Phạm thiên chứng Thánh quả.
Đây là Thắng hội IV của Ngài. Có Kinh văn sau.
6- Sudhammā devapure ramme; tattha dhammaṃ pakittayi.
Tīṇikoṭisahassānaṃ; devānaṃ bodhayī jino.
"Nơi Thành phố chư thiên Sudhammā xinh đẹp;
Đức Như Lai giảng giáo pháp.
Có 30 ngàn 10 triệu vị, thiên nhân thấu đạt chiến thắng" (sđd).
*Thắng hội V.
Có một dạxoa hung bạo có nhiều uy lực tên là Naradeva, Dạxoa Naradeva sau khi ăn thịt một vị vua đang trị vì vương quốc ở trong cõi Diêmphù (Jambu), rồi hóa thân thành vị vua ấy trở về trị vì.
Dạxoa giết chết nhiều người để ăn thịt, hắn cũng ăn nằm với những nữ nhân trong cung nội.
Khi các nữ nhân thông minh như Hoàng hậu, công nương, cung nữ phác giác: "Đây là dạxoa giả dạng, không phải là Đức vua"; dạxoa liền giết rồi ăn thịt tất cả. Dạxoa rời bỏ vương quốc này đi đến vương quốc khác.
Theo cách thức trên, Dạxoa Naradeva làm kinh hoàng nhiều quốc độ trong cõi Diêmphù.
Rồi Dạxoa đi đến kinh thành Sundara, cư dân trong thành phố kinh hoàng vì sự ác độc của dạxoa, đã bỏ kinh thành trốn chạy.
Đức Thế Tôn Kasspa vì lòng bi mẫn, Ngài ngự đến kinh thành Sundara để diệt trừ tai họa cho chúng sinh.
Dạxoa Naradeva nhìn thấy vị Samôn đứng trước mặt mình, liền tấn công bằng tiếng hét như sấm nổ, nhưng thấy vị Samôn chẳng chút sợ hãi, dạxoa liền dùng uy lực cùng những vũ khí để sát hại Đức Thế Tôn, nhưng tất cả đều vô hiệu và trở thành những vật cúng dường dưới chân Đức Thế Tôn.
Sau cùng Dạxoa vấn Đức Thế Tôn bằng những câu hỏi hóc hiểm, Đức Thế Tôn giải đáp rõ ràng minh bạch.
Dạxoa đã bị Đức Thế Tôn nhiếp phục, rồi Đức Thế Tôn ban lời giáo giới đến Dạxoa Nāradeva. Dứt pháp thoại có vô số chúng sinh chứng đắc Thánh quả.
Đây là Thắng hội V của Ngài. Có Kinh văn sau.
7- Naradevassa yakkhassa; apare dhammadesane.
Etesānaṃ abhisamayā; gaṇanāto asaṅkhiyā.
"Ở nơi dạxoa Naradeva; là lần Giảng phápkhác.
Đó là một Thắng hội, số lượng không tính đếm được" (sđd).
*Tăng hội của Đức Phật Kassapa.
Đức Thế Tôn Kassapa chỉ có một Tăng hội.
Trong kinh thành Bārāṇasī (Balanại), người con trai của vị Quốc sư là Tissa. Thanh niên Tissa nhìn thấy những đại nhân tướng trên người của Bồtát Kassapa, thanh niên Tissa nhớ lại lời dạy của cha là: "Vị có 32 đại nhân tướng, nếu tại gia sẽ là vua Chuyển Luân, nếu xuất gia sẽ trở thành bậc Chánh giác".
Thanh niên Tissa suy nghĩ: "Nếu vị này xuất gia chắc chắn sẽ trở thành bậc Chánh giác. Vậy ta hãy xuất gia chờ đợi vị này trở thành bậc Chánh giác, ta sẽ đến nghe pháp từ vị ấy để thoát khỏi khổ sinh tử luân hồi".
Thanh niên Tissa xuất gia làm ẩn sĩ, tu tập nơi vùng rừng núi trong dãy Hymãlạpsơn, ẩn sĩ Tissa có đồ chúng là 20 ngàn vị ẩn sĩ tùy tùng.
Tất cả những ẩn sĩ này chỉ ăn trái cây hay rễ lá .. họ không ăn thịt, cá và cho đó là vật thực tanh hôi (āmagandha).
Theo thông lệ, cứ bốn tháng mùa mưa các ẩn sĩ này đi đến thành Bārāṇasī (Balanại) để tìm muối và dấm; các ẩn sĩ được cư dân thành Bārāṇasī trọng vọng, cung kỉnh.
Khi Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, Ngài vận chuyển bánh xe Pháp, khai mở Thánh đạo cho nhân thiên, khiến quả đất rúng động và chư thiên tán thán "Sādhu, sādhu" vang động.
Được tin Đức Thế Tôn Kassapa đã xuất hiện trên thế gian, ẩn sĩ Tissa cùng 20 ngàn đồ chúng của mình rời nơi ẩn cư, từ núi rừng Hymãlạpsơn đi đến kinh thành Bārāṇasī (Balanại) để yết kiến Đức Thế Tôn.
Ẩn sĩ Tissa cùng đồ chúng của mình đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi bạch hỏi rằng:
– Bạch Thế Tôn, Ngài có thọ dụng vật thực tanh hôi chăng?
– Này Bàlamôn, Như Lai không thọ dụng vật thực tanh hôi.
Nghe vậy, ẩn sĩ Tissa vô cùng hoan hỷ nghĩ rằng: "Như vậy mới thật đúng pháp, thật sự là vị Samôn".
Nhưng khi thấy Đức Thế Tôn dùng vật thực thượng vị được nấu với những loài chim ... Ẩn sĩ Tissabất mãn, cùng 20 ngàn đồ chúng bỏ đi.
Khi đi được một đoạn đường, ẩn sĩ Tissa suy nghĩ: "Đức Như Lai không hai lời, hơn nữa Ngài có đại nhân tướng là bạch hào mi (ở giữa hai chân mày có một sợi lông màu trắng xoắn lại như một mụt ruồi lớn, khi kéo ra thì sợi lông rất dài), đó là người không hề nói lời hư ngụy. Ngài bảo là: "Không thọ dụng vật thực tanh hôi", nhưng lại dùng những loại thịt. Như vậy có ẩn ý gì vậy? Ta phải trở lại tìm hiểu ý nghĩa này".
Ẩn sĩ Tssa cùng 20 ngàn đồ chúng quay trở lại, bạch hỏi Đức Thế Tôn về ý nghĩa "tanh hôi".
Đức Thế Tôn Kassapa thuyết lên Āmagandha sutta (kinh Mùi tanh)(), nội dung: "Āmagandha không phải là cá hay thịt, āmagandha là những pháp ác bất thiện. Người thực hành đúng đắn là người trừ diệt những āmagandha này, không còn thọ dụng nhữngāmagandha này nữa".
Nghe xong bài kinh này ẩn sĩ Tissa cùng 20 ngàn đồ chúng chứng đắc Thánh quả Alahán. Tất cả được xuất gia theo cách "etha bhikkhvo ... Hãy đến đây này các Tỳkhưu...".
Vào ngày trăng tròn tháng Māgha, giữa hội chúng Tăng 20 ngàn vị Thánh Alahán ấy, Đức Thế Tôn Kassapa ban lời Giáo giới giải thoát.
Đây là Tăng hội của Ngài. Có Kinh văn sau.
8- Tassāpi devadevassa; eko āsi samāgamo.
Khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ; santacittāna tādinaṃ.
"Vị Thiên nhân của chư thiên ấy; có một lần tụ hội.
Là những bậc vô nhiễm, trong sạch; tâm an tịnh như vậy" .
9- Vīsabhikkhusahassānaṃ; tadā āsi samāgamo.
Atikkantabhavantānaṃ; hirisīlena tādinaṃ.
"Có 20 ngàn Tỳkhưu; đó là lần tụ hội.
Đã vượt qua tham ái; bằng sự hổ thẹn và giới như vậy" (sđd).
*Tiền thân Đức Phật Gotama.
Vào thời Đức Phật Kassapa, tiền thân Đức Phật Gotama là thanh niên Jotipāla thuộc dòng Bàlamôn, sinh ra ở thị trấn phồn vinh Vebhaliṅga (Vehaliṅga). Thanh niên Jotipāla có huyết thống thanh tịnh từ cha mẹ cả 7 đời, là người rất thông minh, thông thạo ba tạng Veda (Vệđà), đại nhân tướng, cùng các môn ngữ nghĩa, văn phạm.
Thanh niên Jotipāla có người bạn thân là Ghāṭīkāra, Ngài Ghāṭīkāra là một cận sự nam tín thành của Đức Phật Kassapa, chứng đắc Thánh quả Anahàm. Ngài Ghāṭīkāra thường khuyên thanh niên Jotipāla đến nghe Pháp từ Đức Phật Kassapa, nhưng do kiêu mạn về dòng tộc Bàlamôn của mình, thanh niên Jotipāla đã nói:
Alaṃ samma Ghāṭīkāra kiṃ pana tena muṇḍakena smaṇakena diṭṭhenāti:
"Thôi vừa đủ rồi này bạn Ghāṭīkāra, có ích lợi gì khi đến gặp Samôn trọc đầu ấy".
Hai vị đi tắm sông, Ngài Ghāṭīkāra nắm lấy tóc của thanh niên Jotipāla nài nỉ bạn đi đến yết kiến Đức Thế Tôn. Thanh niên Jotipāla suy nghĩ:
– Thật là kỳ diệu, thợ gốm Ghāṭīkāra sinh ra trong dòng dõi thấp kém, lại dám nắm lấy tóc mới vừa gội của ta. Như vậy điều này thật phi thường.
Thanh niên Jotipāla bằng lòng đến yết kiến Đức Thế Tôn. Sau khi nghe pháp từ Đức Thế Tôn Kassapa, thanh niên Jotipāla xin được xuất gia trong Tăng đoàn().
Sau khi xuất gia, Ngài Jotipāla làm tròn mọi phận sự lớn nhỏ của vị Samôn, là người thông thuộc Giáo pháp, làm tôn vinh Giáo pháp của Đức Chánh giác.
Giữa đại chúng, Đức Thế Tôn Kasspa tiên tri rằng: "Tỳkhưu Jotipāla nhất định thành bậc Chánh giác ngay trong hiện kiếp này".
Cũng do lời bất kính gọi Đức Phật Kassapa là "Samôn trọc đầu", Bồtát Siddhattha (SĩĐạtTa) phải thực hành khổ hạnh 6 năm().
Nên lưu ý: Lời bất kính này không phải do tâm sân mà do tà kiến dẫn dắt, vì thế Bồtát Siddhattha bị tà kiến ngủ ngầm chi phối, khiến Ngài có khuynh hướng thực hành khổ hạnh. Nhờ trong kiếp Ngài là Bồtát Lohaṃsaka đã diệt trừ tà kiến khổ hạnh này vào lúc sắp lâm chung, duyên lành này lại tái hiện khi Bồtát Siddhattha thực hành khổ hạnh quá sức bị ngất xỉu. Tỉnh dậy, Bồtát suy nghiệm thấy thực hành khổ hạnh không đưa đến giải thoát và Ngài thọ thực trở lại, thời gian ấy đã là 6 năm.
Như vậy, sự khổ hạnh 6 năm của Bồtát Siddhattha là do nhân tà kiến, do duyên bất kính.
*Những chi tiết đặc biệt về Đức Phật Kassapa.
– Đức Thế Tôn Kassapa cao 20 hắc tay, hào quang từ thân tỏa ra suốt cả đêm ngày.
– Hai vị Thượng thủ thinh văn của Đức Phật Kassapa là Trưởng lão Tissa và Trưởng lão Bhāradvāja. Thị giả là Trưởng lão Sabbamitta.
– Hai nữ Thinh văn tối thắng của Đức Phật Kassapa là Trưởng lão ni Anulā và Trưởng lão ni Uruvelā.
– Hai cận sự nam tối thắng của Đức Phật Kassapa là Trưởng giả Sumaṅgala và Trưởng giả Ghāṭīkāra.
– Hai cận sự nữ tối thắng của Đức Phật Kassapa là bà Vijitasenā và bà Bhaddā.
Đức Thế Tôn Kassapa sống 16 ngàn tuổi, Ngài viên tịch nơi vườn Setavya gần thành phố Setavyā trong xứ Kāsi. Xálợi của Ngài gom lại thành khối được tôn thờ trong Bảo tháp cao một dotuần, ngay hỏa đài thiêu nhục thân của Ngài. Bảo tháp làm bằng vàng mỗi cục gạch bằng vàng có giá trị là 10 triệu đồng vàng lát bên ngoài, bên trong mỗi cục gạch bằng vàng trị giá 5 triệu đồng vàng.
Vào thời Đức Phật Kassapa, 6 tháng mới hành lễ Bốtát (uposatha) một lần().
Vào thời Phật Kassapa, núi Vepulla ở thành Rājagaha (Vương xá) được gọi là Supassa, dân sống trên núi này được gọi là Suppiya.
Từ chân núi lên đỉnh núi mất 2 ngày, từ đỉnh núi xuống chân núi mất 2 ngày().
Ngoài núi Vepulla thay đổi tên, một số địa danh khác trong thời Đức Phật Kassapa vẫn còn được giữ nguyên trong thời Đức Phật Gotama như Videha(), Sāvatthi(), Kimbilā(), Bārāṇasī().
Theo Biên niên sử Tích lan, Đức Phật Kassapa có đến hải đảo này.
Khi ấy đảo có tên là Maṇḍadīpa, kinh đô có tên là Visāla nằm về hướng Tây hải đảo, do vua Jayanta trị vì, vườn Mahāmegha có tên là Mahāsāgala.
Khi ấy có cuộc nội chiến sắp xảy ra giữa vua Jayanta với người em trai . Với lòng bi mẫn, Đức Thế Tôn Kassapa cùng 20 ngàn vị Tỳkhưu theo đường hư không đến hải đảo, để chấm dứt cuộc nội chiến khốc liệt sắp xảy ra giữa hai anh em vua Jayanta.
Vua Jayanta thỉnh Đức Thế Tôn Kassapa cùng 20 ngàn vị Tỳkhưu ngự đến Hoàng cung, cúng dường vật thực đến các Ngài, rồi cúng dường khu vườn Mahāsāgala đến Đức Phật và Tăng chúng.
Tai nơi đây Đức Thế Tôn Kasspa thuyết lên Pháp thoại, dứt pháp thoại có 20 ngàn người chứng Thánh quả.
Theo tâm lịnh của Đức Thế Tôn Kassapa, Trưởng lão ni Sudhammā mang nhánh Đại giác Nigrodha ở phía Nam, cùng 500 Tỳkhưu ni tùy tùng, theo đường hư không đến đảo Tích.
Vua Jayanta đã trồng nhánh Đại giác Nigrodha này vào địa điểm trồng cây Đại giác Udumbara trước đây.
Khi rời khỏi đảo Tích, Đức Thế Tôn Kassapa ban cho đại chúng trên đảo chiếc y tắm mưa của Ngài, để đại chúng tôn thờ.
Đồng thời Ngài dạy Trưởng lão Sabhananda và Trưởng lão ni Sudhammā ở lại hải đảo để giáo hóa chúng sinh().
Giữa thời của Phật Kassapa và thời của Phật Gotama, địa cầu giãn nở đủ để tạo nên động Sūkarakata (Trư động)().
Tài liệu do các khách hành hương Trung Hoa ghi lại có đề cập đến nhiều di tích liên quan đến Phật Kassapa.
Ngài Huyền Trang có nói đến một tháp tôn trí nguyên nhục thể của Phật nằm trên phía Bắc của thành phố gần Śrāvasti, nơi mà theo ông là sinh quán của Đức Phật() và dấu chân của Đức Phật Kassapa().
Truyện về ĐứcPhật Kasspa còn được thấy trong Divyāvadāna() .
Sau khi giáo pháp của Phật Kassapa kết thúc, có một số tu sĩ gọi là Setavattha-samaṇavaṃsa (ẩn sĩ áo trắng) tìm cách phục hồi nhưng không thành công().
Vào thời Đức Phật Kassapa, tiền thân Ngài Bakula (Bakkula) có cúng dường đến Đức Thế Tôn thuốc trị bịnh, cúng dường đến Đức PPhật và Tăng chúng trái cây đầu mùa, nên trong hiện tại hậu thân của Ngài sống 160 tuổi và ít bị bịnh (xem những tập sau).
Phụ lục.
Từ Đức Phật Kassapa đến Đức Phật Gotama, có rất nhiều liên quan mật thiết. Rất nhiều vị đã tạo lập công hạnh trong thời Giáo pháp của Đức Phật Kassapa và thành tựu Thánh quả Alahán trong thời Đức Phật Gotama.
Trong phần phụ lục này, chúng tôi chỉ trích một ít những vị Thánh Alahán, những vị Thánh Tăng còn lại chúng tôi sẽ trình giải ở những tập sau.
*Bàlamôn Āmaganadha.
Trước khi Đức Phật Gotama hiện khởi trên thế gian, Āmagandha là một đạo sĩ tu khổ hạnh trên Hymãlạpsơn với 500 đệ tử, họ không ăn thịt hay cá.
Mỗi năm, họ xuống núi tìm muối, dấm và được dân làng tiếp đón họ rất trọng thể trong bốn tháng.
Một lần nọ khi Đức Phật Gotama đến làng với chư Tỳkhưu, dân chúng nghe pháp thọai của Đức Thế Tôn và trở thành những cận sự nương nhờ Tam Bảo.
Năm ấy, ẩn sĩ Āmagandha và đệ tử xuống làng như thường lệ, nhưng không còn được đón tiếp trọng thể như lúc trước.
Ẩn sĩ Āmagandha hỏi thăm và biết rằng có Đức Phật đã hiện khởi trên thế gian. Rất hân hoan, ẩn sĩ muốn biết Đức Phật có ăn "āmagandha," tức, theo ông "có ăn thịt và cá chăng?".
Ẩn sĩ rất thất vọng khi biết Đức Phật không cấm ăn "āmagandha."
Vì muốn nghe tự thân Đức Phật nói ra, ẩn sĩ Āmagandha tìm yết kiến Đức Phật ở Jetavanavihāra (Đại tự Kỳviên).
Nhân đó, Đức Thế Tôn dẫn ra câu chuyện quá khứ của ẩn sĩ Tissa và Đức Phật Kassapa, và bài kinh này có tên gọi là Āmagandha sutta (kinh Mùi tanh).
Nghe xong bài kinh, ẩn sĩ Āmagandha cùng 500 môn đệ xin gia nhập Tăng đoàn, vài ngày sau tất cả đều chứng đạt Thánh quả Alahán().
Ngoài Āmagandha Sutta nói trên, có nhiều kinh được ghi nhận là do Đức Phật Kassapa thuyết và được truyền tụng đến thời Phật Gotama.
Đức Phật Gotama chỉ dạy lại lời dạy của Đức Phật Kassapa, như: Câu hỏi của Dạxoa Āḷavaka, câu hỏi của du sĩ Sabhiya, kệ ngôn do Bàlamôn Nanda dạy cho vua Sutasoma()...
Còn nhiều lời dạy khác của Đức Phật Kassapa, các vị thiên nhân chỉ nhớ mang máng nên thỉnh cầu Đức Phật Gotama nhắc lại().
Câu chuyện Sadi Paṇḍita có kể lại một kinh do Đức Phật Kassapa thuyết lên khi Ngài trú ngụ nơi kinh thành Bārāṇasī với 20 ngàn Tỳkhưu đệ tử.
Lúc bấy giờ Ngài từ chối mọi dâng cúng của vương tôn công tử để nhận vật thực do thanh niên Mahāduggata cúng dường().
*Cận sự nam Gavesī.
Ngài là đệ tử của Đức Phật Kassapa và là trưởng hội chúng 500 vị, tất cả đều chứng đắc Thánh quả Alahán.
Một thời, Đức Thế Tôn Gotama đi du hành trong xứ Kosala (Kiềutấtla) cùng với đại chúng Tỳkhưu.
Đang đi trên đường, Ngài bước xuống đường, đi đến khu rừng Sāla, dừng chân tại một địa điểm và Ngài mỉm cười.
Ngài Ānanda bạch hỏi vì duyên cớ nào Ngài mỉm cười?.
Đức Thế Tôn thuật lại câu chuyện sau.
Thuở xưa, tại đây có một thành phố phồn thịnh, trú xứ của Đức Phật Kassapa. Đức Phật Kassapa có đệ tử là nam cư sĩ Gavasī giữ giới không viên mãn(). Ngài Gavesī thuyết pháp cho 500 cư sĩ là hội chúng của mình và 500 vị ấy cũng giữ giới không viên mãn.
Ngài Gavesī suy nghĩ: "Ta là trưởng hội chúng này. Ta giữ giới không viên mãn, hội chúng cũng giữ giới không viên mãn, như vậy ngang hàng nhau".
Ngài Gavesī thọ trì bát giới, hội chúng 500 người cũng thọ trì bát giới; Ngài Gavesī xuất gia trong Giáo pháp của Đức Phật Kassapa, hội chúng của Ngài cũng xuất gia theo Ngài.
Ngài Gavesī tinh cần hành pháp chứng Thánh quả Alahán và hội chúng 500 vị cũng chứng đạt Thánh quả Alahán().
*Núi Vepulla (Vipula).
Là ngọn núi cao nhất trong năm ngọn núi vây chung quanh kinh thành Rājagaha (Vương xá)(). Trong thời mỗi vị vị Chánh giác trong hiền kiếp này, núi Vepulla thay đổi tên như đã trình bày ở trước.
Trong thời Đức Phât Gotama, dân sống trên núi được gọi là Magadha (Makiệtđà), thọ mạng là 100 năm, mất rất ít giờ leo lên đỉnh núi và xuống núj().
Núi Vepulla là trú xứ của dạxoa Kumbhīra cùng với 100 ngàn dạxoa tùy tùng. Trong Bổn sự Dummedha() kể rằng voi có thể leo lên đỉnh núi này.
Núi Vepulla còn là nơi hiện khởi xe báu (cakkaratana) cho vua Chuyển luân(), cũng là nơi dạxoa Puṇṇaka tìm được viên ngọc quý để đánh cược với vua Dhanañjaya Koravya().
*Dạxoa Kumbhīra.
Là một dạxoa sống trên núi Vepulla ngoài thành Rājagaha (Vương xá). Dạxoa Kumbhīra cùng 100 ngàn tùy tùng đến tham dự buổi thuyết kinh Mahāsamaya (Đại hội)() được Đức Phật thuyết ở Mahāvana (Đại Lâm) gần Kinh thành Kapilavatthu.
Dạxoa Kumbhīra được gọi là Rājagahika vì sinh ra gần kinh thành Rājagaha (Vương xá).
Khi vua Bimbisāra (BìnhSa) muốn đi đến nàng kiều nữ Padumavatī ở kinh thành Ujjenī. Vị Đại thần Tế lễ của vua Bimbisāra đã nhờ dạxoa Kumbhīra đưa vua BìnhSa đến đó().
Trong Bổn sự Vidhurapaṇḍita, Kumbhīra được xem là chúa của nhóm Kumbhaṇḍa (Cưubàntrà; dịch là Thế quỷ), được gọi là Kumbhaṇḍa vì họ có bụng rất to và hòn dái to như cái nồi().
*Địa danh Kimbilā (Kimbila).
Thành phố cạnh sông Hằng, thành phố này có từ thời Đức Phật Kassapa và là trú xứ một nữ nhân, nữ nhân này do phạm tội tà dâm nên phải tái sinh làm ngạ quỷ vemanikā được gọi là Kaṇṇamuṇḍapetī (nữ ma đói trú ở hồ Kaṇṇamuṇḍa).
Trong số những cung điện mà Bồtát Nimi thấy trên cõi Ba mươi ba (Tāvatiṃsa) có cung điện của vị thiên nhân là người sùng tín Tam Bảo ở Kimbilā vào thời Đức Phật Kassapa.
Trong thời Đức Phật Gotama, Kimbilā là trú quán của cận sự nam tín thành Tam Bảo là Rohana và vợ là nàng Bhadditthikā đức hạnh.
Mệnh chung nàng Bhadditthikā tái sinh về thiên giới.
Kimbilā cũng là sinh quán của Trưởng lão Kimbila (không phải Kimbila dòng ThíchCa).
Trong rừng Trúc (veḷuvana)() (trú xứ của nữ nhân phạm giới nói trên) ở thành phố Kimbilā, Đức Phật thuyết kinh Kimbila và Kimbilā.
*Kaṇṇamuṇḍapetī (nữ ma đói trú ao hồ).
Vào thời Đức Phật Kassapa, trong thành phố Kimbilā có một cận sự nam là bậc Dự Lưu, thiện nam có một người vợ rất xinh đẹp, nàng có 500 nữ tỳ hầu. Cận sự nam thường tạo phước thiện như trồng cây rừng, đấp cầu ... ngoài ra còn kiến tạo một Tự viện trong khu rừng riêng của mình, cúng dường đến các vị Tỳkhưu.
Vợ thiện nam cùng với 500 nữ hầu thường đi đến Tự viện mang theo hương hoa cùng với những vật thoa xức để cúng dường, nàng cũng là người giữ gìn năm giới tốt đẹp.
Trên đường đi đến Tự viện họ thường nghỉ lại các trạm dừng chân trong khu rừng khả ái, rồi tiếp tục lên đường đến Tự viện.
Trong khu rừng khả ái có một nhóm du thủ thường đến trú ngụ, thấy đoàn nữ nhân xinh đẹp, đồng thời biết được những nữ nhân này là người có giới hạnh, nhóm du thủ này đánh cược rằng: "Ai làm cho vợ người thiện nam phá giới tà hạnh trong dục lạc, sẽ nhận số tiền là 1.000 đồng vàng".
Một tên du thủ nhận lời, y dùng thủ thuật âm nhạc, đánh đàn 7 dây và hát lên những bài hát khiêu gợi dục tình, cuối cùng vợ cận sự nam đã phá vỡ giới hạnh của mình.
Nhóm du thủ thua 1.000 đồng vàng, do tức tối đến báo cho cận sự nam biết. Nhưng cận sự nam không tin lời một chiều, hỏi người vợ, nàng chối phăng, khi thấy người chồng không tin lời mình, nàng chỉ vào con chó đang đứng gần đó, trân tráo thề rằng:
"Nếu em có làm việc xấu xa đó. Khi tái sinh đến nơi nào sẽ bị con chó đen đứt tai xé tan xác mà chết, rồi ném xương xuống hồ nước".
Cận sự nam hỏi 500 nữ tỳ, tuy biết rõ chủ mình đã ngoại tình, nhưng cả 500 nàng đều che dấu và thề rằng:
"Nếu chúng con biết việc đó mà che dấu, chúng con sẽ là nô lệ cho cô chủ ấy trong bất kỳ sinh thú nào của cô chủ".
Nhưng rồi, nữ nhân ngoại tình ấy trở nên xanh xao vàng vọt do tâm ray rứt về ác nghiệp từ thân và lời nói của mình, không bao lâu nàng mệnh chung.
Khi mệnh chung, nàng tái sinh làm nữ ma đói (petī) ở cạnh hồ Kaṇṇamuṇḍa nên được gọi là Kaṇṇamuṇḍapetī. Nhưng do có tạo việc lành trước đó, nên nữ ma đói ban ngày hưởng an lạc, xinh đẹp như vị thiên nữ, nơi trú của nữ ma đói xinh đẹp như một thiên cung, đồng thời có hồ sen xinh đẹp với 5 loại hoa sen luôn nở để cho nàng thưởng ngoạn.
Ban đêm do năng lực lời thề gian dối, thân nàng trở nên nóng bức nàng phải đến hồ Kaṇṇamuṇḍa để tắm, lập tức xuất hiện một con chó đen đứt tai, con chó có thân lớn như con voi, hình dáng hung dữ, răng nhọn và sắc bén như những lưỡi gươm. mắt đỏ ngầu như hai đóm lửa. Con chó đen thấy nàng liền nhảy đến xé xác nàng ra để ăn thịt, rồi tha bộ xương của nàng ném xuống hồ.
Khi xương nàng vừa chạm nước nàng tái sinh trở lại rồi leo lên hồ trở về lâu đài của mình, nằm vật vã trên giường để hồi sức.
Loại ma đói này được gọi là vemānika.
Còn 500 nữ hầu khi xưa, mệnh chung cũng tái sinh vào lâu đài của nàng và trở thành những nữ hầu của Kaṇṇamuṇḍapetī.
Nước từ hồ Kaṇṇamuṇḍa tràn ra tạo thành dòng nước lớn, sau khi xuyên qua những vách núi kết hợp với những con suối, tạo thành con sông khi đến đất liền, nước sông này đổ vào sông Hằng.
Một trăm năm mươi năm trôi qua, nhóm nữ nhân này cảm thấy buồn chán vì thiếu vắng nam nhân.
Khi mùa xoài chín, nhóm nữ nhân suy nghĩ: "Chúng ta hãy hái những trái xoài này ném xuống dòng nước, xoài sẽ trôi đến cõi người.
Có người sẽ nhặt được những trái xoài, để muốn ăn những trái xoài này họ sẽ tìm đến đây để làm bạn với chúng ta".
Một số ẩn sĩ tu tập nơi vùng núi Hymãlạpsơn vớt được một số trái xoài, những người thợ rừng trong vùng núi Hymã cũng nhặt được một ít.
Có một quả xoài theo dòng nước đi vào sông Hằng rồi trôi đến kinh thành Bārāṇasī (Balanại).
Bấy giờ Đức vua trị vì kinh thành Balanại đang tắm sông, trái xoài trôi vào vòng đai bảo vệ khu vực Đức vua tắm, Đức vua nhặt được trái xoài.
Để thử trái xoài có điều gì đặc biệt chăng, đức vua ban cho một tên cướp sắp đến giờ hành quyết, khi tên cướp dùng phần lớn trái xoài, hắn trẻ trở lại như đang độ tuổi thanh xuân.
Đức vua hỏi các Đại thần về nguồn gốc trái xoài, một đại thần đa văn thưa với Đức vua rằng:
– Thưa Đại vương, theo truyền thuyết loại xoài thiên này chỉ có trên đỉnh Hymã, cạnh hồ thiêng có khu rừng xoài. Trái xoài ấy có lẽ rơi xuống hồ nước thiêng rồi trôi dạt đến đây.
– Này các Đại thần, ai có thể tìm thấy đường lên hồ thiêng ấy?
– Thưa Đại vương, những người thợ rừng có thể biết con đường ấy.
Đức vua cho triệu tập những thợ rừng vùng núi Hymã đến, hỏi rằng:
– Này các người, ai biết được con đường dẫn đến hồ thiêng có những cây xoài cho trái chín thơm ngọt như thế này.
– Thưa Đại vương, chúng con không biết.
Đức vua treo giải thưởng: "Ai tìm được con đường dẫn đến hồ thiêng có những cây xoài cho những quả xoài thiên, sẽ nhận tiền thưởng là 100 ngàn kahāpana (tiền vàng).
Một thợ rừng nghèo khổ suy nghĩ: "Ta nên mạo hiểm một lần, may ra ta sẽ trở nên giàu có, giải thoát khỏi số phận nghèo khổ này".
Y đến Hoàng cung thưa với Đức vua rằng:
– Thưa Đại vương, con sẽ vì Đại vương đi vào núi rừng Hymã, tìm cho được con đường dẫn đến hồ thiêng.
– Tốt lắm, ngươi hãy lên đường đi.
Đức vua ban cho người thợ rừng 1.000 đồng vàng.
Người thợ rừng lên đường, ngược dòng sông Hằng lên vùng thượng lưu hỏi thăm những người thợ rừng, những thợ rừng nói rằng:
– Những vị ẩn sĩ có khả năng biết được con đường dẫn đến hồ thiêng.
Người thợ rừng lặn lội trong rừng sâu đầy gian khổ, may mắn y gặp được những vị ẩn sĩ sống cạnh dòng nước dẫn ra từ hồ Kaṇṇamuṇḍa, vị ẩn sĩ bảo: "Ngươi hãy theo ngược dòng nước này sẽ đến được hồ thiêng, chính ta cũng nhặt được quả xoài mà ngươi đã nói trôi theo dòng nước này".
Lần lượt những vị ẩn sĩ trú cạnh dòng nước đã chỉ đường cho y đi đến Hồ thiêng, vị ẩn sĩ cuối cùng đã dạy y rằng: "Ngươi hãy lội xuống dòng nước này vào ban đêm cùng với ngọn đuốc lớn soi đường, vì ban ngày nước chảy xiết rất mạnh, ban đêm thì dòng nước trở nên hòa dịu hơn, ngươi sẽ đến được khu rừng xoài".
Cuối cùng, sau 7 năm 7 tháng đầy gian khổ, đối diện với sự chết, người thợ rừng đến được khu rừng xoài với những trái xoài đang chín mọng, vô cùng sung sướng, y hái xoài ăn và mang một ít xoài cho Đức vua tin tưởng.
Những nữ phi nhân nhìn thấy người thợ rừng, họ vô cùng mừng rỡ, tranh nhau rằng: "Người này của ta, ta đã thấy y trước"; "người này của ta, chính ta đã nhận ra từ xa" ...
Nhìn thấy những nữ nhân xuất hiện, người thợ rừng kinh hoàng suy nghĩ: "Nguy cho ta rồi, đây là những dạxoa hiện thân để bắt ta ăn thịt".
Người thợ rừng kinh hoàng bỏ chạy tháo thân, nguyên nhân vì y không có đủ phước để thọ hưởng an lạc chư thiên từ những nữ nhân ấy.
Khi trở về Kinh thành Balanại, người thợ rừng trình báo lại Đức vua con đường dẫn đến Hồ thiêng, cùng với những quả xoài mang theo, Đức vua đã ban thưởng người thợ rừng trọng hậu.
Đức vua ao ước muốn gặp những nữ phi nhân ấy, Đức vua quyết định đi đến Hồ thiêng nên giao vương quốc cho những vị Đại thần tạm điều hành.
Đức vua giả vờ tổ chức cuộc săn bắn ở vùng thượng nguồn sông Hằng, trang bị theo mình cung tên cùng gươm báu rồi một mình tiến sâu vào khu vực Hồ thiêng.
Đức vua theo lời chỉ dẩn của người thợ rừng và đi đến khu rừng xoài vào lúc mặt trời vừa lên, những nữ phi nhân ngỡ Đức vua là vị Thiên tử (devaputta) vừa giáng phàm, nên cùng nhau ra đảnh lễ.
Khi biết là Đức vua trị vì kinh thành Balanại, những nữ phi nhân mới đưa Đức vua vào lâu đài xinh đẹp như thiên cung.
Và Đức vua trở thành vị chúa của nhóm nữ phi nhân ấy, Ngài sống với nữ phi nhân chúa nơi tòa lâu đài được 150 năm.
Vào một đêm, khi đến giờ thọ nhận hình phạt, nữ phi nhân rời giường nằm đi đến hồ Kaṇṇamuṇḍa. Đức vua chợt thức giấc, thấy nữ phi nhân mở lâu đài đi ra ngoài, Đức vua suy nghĩ: "Giờ này nàng ra khỏi lâu đài để làm gì?". Đức vua lén theo sau nữ phi nhân và chứng kiến cảnh tượng hãi hùng, rồi thấy nữ phi nhân sống lại, từ hồ đi lên.
Ngài vội trở về lâu đài nằm trên giường giả vờ ngủ say, Đức vua miên man suy nghĩ về hiện tượng kỳ quái này. Liên tiếp ba đêm, Ngài chứng kiến cảnh tượng diễn ra như thế, Đức vua suy nghĩ: "Ta sẽ trợ giúp cho nàng, diệt trừ con chó đen hung dữ ấy".
Đêm thứ tư Đức vua trang bị vũ khí, lặng lẽ theo sau nữ phi nhân, khi con chó đen vừa xuất hiện Đức vua dùng têm tẩm độc bắn ngay vào tim con chó đen rồi xông ra dùng gươm báu chém đứt đôi thân mình con chó đen.
Sau đó, Đức vua hỏi nữ phi nhân về sự kiện mà Ngài đã chứng kiến, nữ phi nhân tường thuật lại ác nghiệp của mình cùng với 500 nữ hầu trong kiếp trước, rồi thưa rằng:
– Thưa Đại vương, giờ đây ác nghiệp của em được Ngài giải thoát, em không còn phải chịu nhục hình trên nữa. Vậy thỉnh Ngài hãy ở lại với chúng em nơi này để thọ hưởng thiên lạc.
Nhưng bấy giờ phước của Đức vua đã suy giảm, nên Ngài ngán ngẫm cảnh giới ấy, quyết định trở về kinh thành Balanại, cho dù nữ chúa phi nhân có van nài Ngài nhiều lần.
Cuối cùng nữ phi nhân đành phải đưa Đức vua trở lại kinh thành Balanại cùng với vô số châu báu.
Đức vua khi trở về kinh thành Balanại, Ngài suy gẫm đến nghiệp báo, ra sức thực hành thiện pháp như bố thí, trì giới ....
Mệnh chung Đức vua sinh về thiên giới.
Có lần Đức Moggallāna (MụcKiềnLiên) theo đường hư không đi đến hồ Kaṇṇamuṇḍa. Các nữ phi nhân đi đến đảnh lễ Ngài, Ngài Moggallāna (MụcKiềnLiên) hỏi duyên sự về tòa lâu đài rực rỡ như tòa thiên cung này.
Nữ phi nhân chúa đã trình bày lên Đức Moggallāna về câu chuyện trên().
*Hồ Kaṇṇamuṇḍa.
Là một trong 7 hồ lớn trong dãy Hymãlạpsơn, nước hồ không bao giờ ấm() sáu hồ kia là: Anotatta, Sīhapapātā, Rathakārā, Kunālā, Chaddantā và Mandkinī().
Trên bờ hồ Kaṇṇamuṇḍa có khu rừng xinh đẹp với nhiều loại cây ăn quả như xoài, mít ... có hương vị thơm và ngọt.
Vua Dadhivāhana có lần được một trái và hột của trái xoài này cho ra cây xoài có trái chín rất ngọt().
*Bổn sự Dadhivāhana (chuyện Dòng sữa đặc).
Duyên khởi.
Đức Thế Tôn khi ngự trú ở Veḷuvana (Đại tự Trúc Lâm), Ngài dạy các vị Tỳkhưu rằng:
– Này các Tỳkhưu, chớ thân cận kẻ ác; thân cận kẻ ác có nhiều tai hại đến mình. Trong quá khứ cây xoài có trái thơm ngọt. do thân cận với cây Nimba(), vị ngon ngọt như thực phẩm chư thiên đã trở thành chua, đắng.
Theo lời thỉnh cầu các vị Tỳkhưu, Đức Thế Tôn tuyết giảng bổn sự này.
Bổn sự.
Thuở xưa khi vua Brhamadatta trị vì kinh thành Bārāṇasī (Balanại).
Nơi xứ Kāsi có bốn anh em Bàlamôn xuất gia làm ẩn sĩ tu tập trong vùng núi Hymãlạpsơn. Người anh cả mệnh chung, tái sinh thành vua trời Sakka (ĐếThích), hiểu dược thần lực cùng tiền duyên kiếp trước của mình, vua trời Sakka muốn trợ giúp ba ẩn sĩ em dễ dàng trong việc thực hành Phạm hạnh, vua trời Sakka hóa thân thaành người nhân loại đi đến gặp ẩn sĩ (người em kế kiếp trước) hỏi rằng: "Thưa ẩn sĩ, Ngài sống đời ẩn sĩ như vầy, Ngài có cần điều gì chăng?".
Vị này bị bịnh vàng da do sống nơi ẩm thấp có nhiều khí lạnh, nên nói rằng: "Nơi đây rất lạnh lẻo, có khi cần lửa sưởi ấm, nhưng ta không thể nhóm lửa lên được".
Vua Trời Sakka cho ẩn sĩ cây búa thần, chỉ dẫn rằng:
– Thưa ẩn sĩ, khi Ngài cần củi lửa, Ngài lấy tay gỏ vào búa ra lịnh: "Hãy mang củi lửa đến ta". Lập tức cây búa thần sẽ mang đến cho Ngài củi và lửa.
Vua trời Sakka đi đến vị ẩn sĩ thứ hai, hỏi rằng:
– Thưa ẩn sĩ, Ngài sống đời ẩn sĩ như vầy, Ngài có cần điều gì chăng?.
Gần am thất của ẩn sĩ là con đường rừng, đàn voi thường qua lại, chúng thường phá am thất của vị ấy, khiến vị ấy gặp nhiều phiền toái.
– Đàn voi thường qua lại nơi này quấy rầy ta. Hãy đuổi chúng đi.
Vua Trời Sakka cho vị ấy cái trống có hai mặt, bảo rằng:
– Thưa Ngài, khi Ngài đánh vào mặt này, tiếng trống sẽ xua đuổi đàn voi. Khi Ngài đánh vào mặt kia, đàn voi sẽ tập hợp quanh Ngài và nghe lịnh của Ngài.
Ẩn sĩ thứ ba được vua Trời Sakka tặng cho ghè sữa và nói rằng:
– Khi Ngài úp ngược ghè sữa, sữa từ trong ghè tuôn chảy như giòng sông lớn.
Nơi vùng khác trong dãy núi Tuyết có viên ngọc thần, do động đất viên ngọc thần trồi lên mặt đất, sáng lóng lánh.
Một con heo rừng đi kiếm ăn, nhìn thấy viên ngọc thần, ngỡ là vật thực, dùng miệng ngậm viên ngọc, ngọc đưa heo rừng bay lên hư không đến một hải đảo xa xôi và heo rừng trú ngụ nơi gốc cây Udumbara, nó nhả viên ngọc ra khỏi miệng rồi đi tìm vật thực.
Có một thanh niên hư hỏng sống ở xứ Kāsi, anh bị gia đình đuổi đi vì không giúp ích gì cho gia đình. Thanh niên hư hỏng này đi đến vùng bờ biển xin làm công cho một thương thuyền.
Khi thương thuyền ra biển bị bảo đánh chìm, thanh niên bám vào mảnh gổ và sóng đánh tạt anh vào hải đảo. Trên đảo, anh lang thang tìm vật thực, nhìn thấy viên ngọc nằm cạnh con heo rừng đang ngủ, anh suy nghĩ: "Viên ngọc kia chắc hẵn là của con heo rừng".
Anh nhẹ nhàng đi đến đánh cắp viên ngọc con heo rừng, nhờ thần lực viên ngọc anh bay lên hư không, anh suy nghĩ: "Thì ra con heo rừng nhờ hòn ngọn thần này nên đi đến đây. Ta hãy giết chết nó để ăn thịt".
Từ hư không anh đáp xuống ở trên một nhánh cây Udumbara, bẻ một nhánh cây phóng vào đầu con heo rừng rồi cười lớn, heo rừng tỉnh giấc thấy mất viên ngọc, nhìn thấy người ngồi trên nhánh cây, nó tức giận dùng đầu húc vào gốc cây để xô ngã cây Udumbara và nó bị vỡ đầu chết.
Khi bay ngang vùng núi Tuyết, anh nhìn thấy am thất của vị ẩn sĩ lớn tuổi nhất, anh đáp xuống ở đấy vài ngày và biết rõ ẩn sĩ còn hai người ẩn sĩ em, đồng thời chứng kiến thần lực của búa thần. Anh suy nghĩ: "Ta nên chiếm đoạt những bửu bối này".
Anh đề nghị đổi viên ngọc có thần lực đi trên hư không lấy búa thần, Ẩn sĩ cũng muốn đi trên hư không nên bằng lòng.
Khi cầm búa thần trên tay, anh gỏ vào cán búa ra lịnh: "Hãy lấy đầu ẩn sĩ và mang viên ngọc về cho ta".
Búa thần chém chết ẩn sĩ mang viên ngọc về cho anh ta.
Theo cách thức trên, anh sát hại hai ẩn sĩ còn lại, tước đoạt cái trống thần và ghè sửa thần.
Theo đường hư không anh đến kinh thành Balanại phồn thịnh, ra khỏi kinh thành khá xa, anh nhờ một người mang thư đến Đức vua, thách chiến rằng: "Hãy giao vương quốc cho ta hay muốn bị chém đầu?".
Vua xứ Balanại tức giận, kéo bốn đạo binh chúng ra khỏi thành để trừ tên ngông cuồng, anh đánh vào mặt trống, lập tức một đàn voi hùng mạnh kéo đến vây quanh để chờ lịnh.
Khi Đức vua xua bốn đạo binh chủng tấn công vào đàn voi, anh vỗ vào mặt trống bên kia, lập tức bốn đạo binh chủng của Đức vua không thể tiến lên được phải lui lại, tiếp theo anh úp ngược ghè sữa, một dòng sữa đặc tuôn ra từ ghè và trở thành dòng sông sữa nhận chìm Đức vua cùng bốn đạo binh chủng xuống dòng sông sữa.
Sau đó anh chiếm lấy vương quốc, do có dòng sông sữa đặc nên anh lấy vương hiệu Dadlivahanarāaja (Đại vương dòng sữa đặc).
Có lần đi tắm trên sông Hằng, vua Dadhivāhān nhặt đưoợc quả xoài trôi từ hồ Kaṇṇamuṇḍa đến, thưởng thức hương vị xoài như thực phẩm chư thiên, vua Dadhivāhana cho trồng hạt xoài nơi vườn Ngự Uyển của Hoàng cung. Xoài cho ra quả rất thơm ngọt, vua Dadhivāhana đem biếu những vị vua chư hầu của mình, nhưng sợ các vị vua chư hầu có được hạt giống xoài quý này, vua Dadhivāhana cho hủy mầm giống bằng cách dùng kim nhọn đâm sâu từ cuốn xoài vào bên trong hạt xoài.
Các vị vua chư hầu không thể trồng được loại xoài quý, khi biết được nguyên nhân, một vị vua chư hầu cho gọi người giữ vườn Ngự Uyển đại tài nhất của mình đến, hỏi rằng:
– Ngươi có cách nào làm cho vị chất cây xoài của vua Dadhivāhana trở thành chát đắng chăng?".
– Thưa đại vương, được.
– Vậy ngươi hãy thực hành đi.
Vua chư hầu ban thưởng người giữ vườn đại tài 1.000 đồng vàng. Người giữ vườn đại tài với tài nghệ của mình đã chiếm được sự tin cậy của vua Dadhivāhana và anh được giao trách nhiệm trông coi vườn Ngự Uyển của vua Dadhivāhana.
Người giữ vườn cho trồng quanh gốc xoài những dây Nimba hòa với những loại dây leo khác, khi những dây Nimba lớn mạnh, những trái xoài ngon ngọt trở nên có vị chua và đắng như vị chất của dây Nimba và khi ấy người giữ vườn bỏ trốn về vua nước mình.
Khi vua Dadhivāhana thưởng thức nước xoài, do chát đắng như vị chất cây Nimba, đức vua phải khạc nhỗ ra.
Vua Dadhivāhāna cho vời vị Đại thần hiền trí đến hỏi: "Do nguyên nhân gì, vị xoài trước đây ngon ngọt, nay trở thành chát đắng?".
Sau khi quan sát cây xoài, Đại thần hiền trí thưa rằng:
– Thưa Đại vương, do thân cận với dây leo Nimba, nên vị xoài ngon ngọt trước đây trở thành chát đắng.
– Ngươi có thể làm cho cây xoài có vị ngon ngọt như trước đây chăng?
– Thưa Đại vương, được.
Đại thần hiền trí cho nhỗ tận gốc rễ những dây Nimba cùng dây leo bám quanh cây xoài, cho đào bỏ những đất xấu chung quanh gốc, thay thế vào đó là loại đất tốt nhiều mà mở. tưới gốc xoài bằng sữa và nước ngọt. Năm sau, xoài có vị thơm ngon ngọt như trước.
Nhận diện tiền thân.
Vị Đại thần hiền trí nay là Đức Thế Tôn().
* Chuyện Thiên nữ Bhadditthikā.
Khi Đức Thế Tôn trú ngụ nơi Đại tự KỳViên (Jetavanavihāra) của trưởng giả Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc).
Bấy giờ nơi thành phố Kimbilā có một cận sự nam tín thành nơi Tam bảo là trưởng giả Rohaka, vợ của gia chủ Rohaka là nàng Bhaddā. Nàng là con gái một gia tộc trưởng giả nơi thành phố Kimbilā, đồng thời cũng là một cận sự nữ tín thành nơi Tam bảo.
Nàng Bhaddā nỗi tiếng là người vợ khả ái, đức hạnh vẹn toàn trong thành phố Kimbilā, thậm chí chư thiên trong thành phố cũng ái mộ nàng, vào những ngày Bốtát (uposatha) nànng thường thọ trì Bốtát giới.
Có lần gia chủ Rohaka phải đến kinh thành Takkasilā để buôn bán. Khi thành phố Kimbilā mở lễ hội để vui chơi, nhưng nàng Bhadditthikā không vui chơi lễ hội. Đêm ấy nàng nhớ chồng tha thiết, cùng lúc ấy trưởng giả Rohaka cũng nhớ vợ tha thiết, thấy thế vị thiên nhân nơi nhà của nàng dùng thần lực đưa nàng đến gặp gia chủ Rohaka ở kinh thành Takkasilā.
Trong đêm gặp gỡ đó, gia chủ Rohaka có đeo vào ngón tay của nàng chiếc nhẫn quý mà ông mua được nơi kinh thành Takkasilā để đem về tăng vợ. Khi đêm sắp tàn vị thiên nhân mang nàng Bhadditthikā trở về thành phố Kimbilā, khi tỉnh ngủ hai người cứ ngỡ là giấc mộng nhưng ngón tay nàng vẫn còn đeo chiếc nhẫn quý.
Và cũng chính đêm ấy nàng Bhadditthikā mang thai.
Thời gian sau bụng nàng to dần và gia đình bên chồng cho rằng nàng đã ngoại tình, mặc cho nàng phân trần. Để giải nguy cho nàng, vị thiên nhân nơi nhà của nàng Bhaddittikā với thần lực của mình, vị ấy tạo ra một cơn mưa lớn gây lũ lụt nơi thành phố Kimbilā, cả thành phố cùng gia tộc bên chồng trút tai họa lên nàng Bhadditthikā rằng: "Chính nữ nhân ngoại tình này khiến các thiên thần tức giận, giáng tai họa xuống thành phố này".
Để chứng tỏ sự trong sạch của mình, nàng phát nguyện chân ngôn về giới hạnh của mình trước cư dân trong thành phố và gia tộc bên chồng.
Lời chân thật của nàng vừa dứt, nước đang dâng cao bổng dừng lại và từ từ rút xuống, chẳng mấy chốc đã trả lại thành phố sự khô ráo như trước.
Chứng kiến uy lực chân ngôn của nàng Bhadditthikā cư dân thành phố Kimbilā càng thán phục giới hạnh của nàng.
Khi trưởng giả Rohaka xong việc buôn bán ở kinh thành Takkasilā, trở về thành phố Kimbilā, ông cũng ngạc nhiên về cái bụng to của nàng. Nàng thuật lại đêm kỳ ngộ giữa nàng với chồng nơi kinh thành Takkasilā và trưng bày chứng tích là chiếc nhẫn quý mà Rohana tặng nàng trong đêm kỳ diệu ấy. Vị thiên nhân trong nhà nàng suy nghĩ: "Ta nên hiện thân để làm sáng tỏ việc này"và vị thiên nhân đã hiện thân nói rõ sự việc gặp gỡ của hai người là do chính thần lực của vị ấy.
Thời gian sau, nàng Bhadditthikā vô bịnh mạng chung, tái sinh về cõi Ba mươi ba (Tāvatiṃsa).
Khi Đức Phật an cư mùa mưa lần thứ 7 trên cõi Ba mươi Ba để thuyết Tạng Abhidhamma (Thắng pháp), thiên nữ Bhaditthikā đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn nơi tảng đá Paṇḍukampala (Ngai vàng của vua trời Sakka).
Để làm sáng tỏ giới hạnh của thiên nữ khi còn là nhân loại, Đức Thế Tôn hỏi thiên nữ:
– "Này thiên nữ, do nhân nào duyên nào nàng được tái sinh về thiên giới?".
Thiên nữ bạch lại với Đức Phật chuyện của mình khi còn là nhân loại().
*Trưởng lão Kimbila.
Theo Bản Sớ giải kinh Tăng chi, Trưởng lão Kimbila này không phải là Kimbila thuộc dòng Sakkāya (ThíchCa). Trưởng lão Kimbila này là con một Trưởng giả (seṭṭhiputta) ở thành phố Kimbilā, Ngài gia nhập Tăng đoàn, tinh cần thực hành pháp chứng đắc được Túc mạng minh.
Trong Aṅguttara nikāya (Tăng chi kinh) có ghi nhận 3 bài kinh do Đức Phật thyết cho Ngài Kimbila. Có khả năng ba bài kinh này được Đức Thế Tôn thuyết một lần.
Vào thời Đức Phật Kassapa, Ngài là vị Tỳkhưu trong Tăng đoàn, khi ấy Giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa đang đi vào giai đoạn suy tàn, tiền thân Ngài Kimbila chán nãn nên lên núi cao ẩn tu. Vì nhớ lại thời quá khứ ấy nên Ngài đi đến bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:
-Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì, sau khi Đấng Như Lai viên tịch, Diệu pháp (saddhamma) không được an trú lâu dài?
– Này Kimbila, ở đây, sau khi Đấng Như Lai viên tịch, các Tỳkhưu, tỳkhưu ni, cận sự nam, cận sự nữ:
Năm pháp.
*Sống không cung kính, không nương nhờ Bậc Đạo sư (Satthari agāravā viharanti appatissā).
*Sống không cung kính, không nương nhờ Pháp (Dhamme agāravā viharanti appatissā).
*Sống không cung kính, không nương nhờ Tăng (Saṅghe agāravā viharanti appatissā).
*Sống không cung kính, không nương nhờ Học pháp (Sikkhāya agāravā viharanti appatissā).
*Sống không cung kính, không nương nhờ lẫn nhau (Aññamaññaṃ agāravā viharanti appatissā).
Này Kimbila, do nhân này, do duyên này, sau khi Đấng Như Lai viên tịch, diệu pháp không được an trú lâu dài.
(Ngược lại là nhân, là duyên , sau khi Đấng Như Lai viên tịch, Diệu pháp được an trú lâu dài)().
Sáu pháp.
(1, 2, 3, 4 như trên).
* Sống không cung kính, không nương nhờ thận trọng (Appamāde agāravā viharanti appatissā).
* Sống không cung kính, không nương nhờ tiếp đãi lẫn nhau (paṭisanthāre agāravā viharanti appatissā)().
Bảy pháp.
Giống trên thêm chi thứ 7 là:
*Sống không cung kính, không nương nhờ thiền tịnh (samādhismiṃ agāravā viharanti appatissā, appamāde agāravā viharanti appatissā)().
Trong Saṃyutta nikāya (Tương ưng kinh) có ghi nhận một bài kinh, Đức Phật thuyết lên cho các Tỳkhưu, khi hỏi Ngài Kimbila. Có khả năng bài kinh này được thuyết lên khi Ngài Kimbila vừa xuất gia.
Cũng tại rừng Trúc (Veḷuvana) trong thành phố Kimbilā, Đức Phật hỏi Kimbila: "Tu tập như thế nào, này Kimbila, làm cho sung mãn định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, như thế nào được quả lớn, được lợi ích lớn?".
Ngài Kimbala lặng thinh suốt ba lần và Ngài Ānanda bạch thỉnh Đức Thế Tôn chỉ dạy để các Tỳkhưu cùng thọ trì().
*Bảo tháp Xálợi Đức Phật Kassapa.
Khi Đức Phật Kassapa viên tịch vua Kikī cùng cư dân trong kinh thành Bārāṇasī (Balanại) quyết định kiến tạo một Bảo tháp tôn thờ Xálợi Đức Phật Kassapa. Bấy giờ vị Đại thần thủ khố của Đức vua Kikī được giao trách nhiệm xây dựng Bảo tháp, Bảo tháp được xây dựng bằng vàng ròng, đúc thành những viên gạch, dùng thạch tín đỏ pha với dầu mè làm chất dính nối kết những viên gạch vàng với nhau.
Khi hội thảo bàn về kích thước bảo tháp, cư dân thành Bārāṇasī đề nghị Bảo tháp cao 7 dotuần(), nhưng vị Thủ khố của Đức vua cho rằng: "Như thế kinh phí quá lớn" nên không chấp nhận, cuối cùng Bảo tháp cao 1 dotuần().
Hậu thân của vị Đại thần thủ khố là Ngài Lakuṇṭaka Bhaddiya trong thời Đức Phật Gotama().
Đức vua Kikī xây một cổng vào khuôn viên Bảo tháp, vị Phó vương là Paṭavindhaka (con trưởng của vua Kikī)() xây một cổng, các vị Đại thần có vị Tướng soái của Đức vua là trưởng đoàn, xây một cổng và cổng thứ tư do Đại thần thủ khố cùng cư dân đảm nhận().
Có lần Đức Thế Tôn Gotama cùng 500 vị Tỳkhưu du hành từ kinh thành Sāvatthi (Xávệ) đến Bārāṇasī (Balanại), trên đường du hành, Ngài đến làng Todeyya gần kinh thành Bārāṇasī, Đức Thế Tôn đi đến ngôi đền trong làng ấy. Ngài dạy Ngài Ānanda rằng:
– Này Ānanda, hãy gọi người Bàlamôn đang cày ruộng đến đây.
Bàlamôn cày ruộng đi đến, không đảnh lễ Đức Thế Tôn lại đi vào ngôi đền đảnh lễ, rồi bước sang một bên.
– Này Bàlamôn, vì sao ngươi đảnh lễ đền thờ này?
– Thưa Samôn Gotama, đây là truyền thống lâu đời của chúng tôi.
– Này Bàlamôn, ngươi thực hành tryền thống từ xa xưa như vậy, thật tốt đẹp cho ngươi.
Chư Tỳkhưu khởi lên nghi hoặc rằng: "Do nhân gì duyên gì, Đức Thế Tôn khen ngợi Bàlamôn này như vậy?".
Với tâm thông, Đức Thế Tôn biết được sự nghi hoặc trong tâm các Tỳkhưu, Đức Thế Tôn thuyết lên kinh Ghāṭīkāra.Rồi Đức Phật dạy rằng:
– Này các Tỳkhưu, nơi đây trước kia là ngôi Bảo tháp tôn trí Xálợi Đức Chánh giác Kassapa.
Đức Thế Tôn dùng thần thông tái hiện lại ngôi Bảo tháp bằng vàng ròng tôn thờ Xálợi Đức Phật Kassapa hiển lộ giữa hư không trọn 7 ngày. Đại chúng cúng dường đến Bảo tháp trọn 7 ngày, rồi Bảo tháp biến mất, ngôi đền trở lại như trước.
Khi Bảo tháp hiển lộ giữa hư không, Đức Thế Tôn dạy:
– Này các Tỳkhưu, có bốn hạng người xứng đáng được lập tháp thờ, đó là: Đức Chánh giác, Đức Độc giác, Đức Alahán và vua Chuyển luân().
Có ba loại Bảo tháp: Bảo tháp tôn thờ Xálợi Phật (Sāricetiya); Bảo tháp di tích (Uddisacetiya) Bảo tháp di vật (là nơi tôn thờ những di vật của Đức Thế Tôn như giây thắt lưng, bình bát, y tắm mưa ...) (Paribhogacetiya).
Rồi Đức Thế Tôn thuyết lên kệ ngôn.
195- Pūjārahe pūjayato; buddhe yadi va sāvake.
Papañcasamatikkante; tiṇṇasokapariddave.
"Cúng dường bậc đáng cúng; chư Phật hoặc đệ tử.
Các bậc vượt hý luận; đoạn diệt mọi sầu bi".
196- Te tādise pūjayato, nibbute akutobhaye;
Na sakkā puññaṃ saṅkhātuṃ, imettamapi kenaci.
"Cúng dường bậc như vậy; tịch tịnh không sợ hãi.
Các công đức như vậy; không ai ước lượng được" (HT. TMC d).
Nghe dứt kệ ngôn Bàlamôn ấy chứng Thánh quả Dự lưu().
Một dạxoa giữ Bảo tháp thờ Xálợi Đức Phật Kassapa, hậu thân dạxoa là Trưởng lão Upavāna(), nhờ phước hạnh trên nên Ngài Upavāna có thân thể cao lớn().
Tháp được một cận sự nữ cúng dường 5 thứ hương liệu() và nàng Alāta cúng dường hoa anojā ().
Mệnh chung cả hai được sinh về thiên giới và là hai trong số 37 tiên nữ được gặp Bồtát Guttila khi Bồtát viếng thăm thiên giới.
Tiền thân Ngài Mahā Kaccāna có cúng dường một viên gạch bằng vàng để xây dựngBảo tháp nên da của Ngài có màu vàng().
Tiền thân của Ngài Anuruddha khi ấy là một gia chủ trong thành Bāarāṇasī, có cúng dường liên tục đến Bảo tháp 1.000 ngọn đèn với nhiên liệu là bơ hòa với đường, trongthời Đức Phật Gotama Ngài đạt địa vị đệ nhất về thiên nhãn minh().
Tiền thân bà Bhaddā Kāpilānī cúng dường một viên gạch bằng vàng cuối cùng đến Bảo tháp().
Tiền thân Ngài Mahā Kappina cùng Hoàng hậu Anojā và 1000 gia đình thân hữu có cúng dường một phước xá có 1.000 phòng đến Bảo tháp().
*Chuyện Thiên cung Voi (Nāgavimānavatthu).
Khi Đức Thế Tôn an trú nơi Jetavihāra (Đại tự Kỳviên) do Trưởng giả Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc cúng dường).
Vào thời ấy, Ngài Moggallāna (MụcKiềnLiên) thường đến viếng cung trời Tāvatiṃsa (Ba mươi Ba), hỏi về các hạnh lành của các Thiên cung chủ.
Có lần Ngài Moggallāna nhìn thấy một Thiên cung chủ cưỡi trên mình con voi trắng to lớn di chuyển trong không trung cùng với thiên chúng tùy tùng đông đảo, hào quang từ thân tỏa ra lan rộng khắp các phương, tựa như mặc trời mặt trăng cùng tỏa chiếu.
Nhìn thấy Trưởng lão Moggallāna, vị Thiên chủ xuống voi đến đảnh lễ Trưởng lão Moggallāna theo cách năm chi chạm đất, rồi đứng sang một bên, Trưởng lão hỏi:
– Này thiên cung chủ, chẳng hay kiếp trước ngươi đã tạo việc lành nào mà nay được hưởng hạnh phúc chư thiên thù thắng như vầy?
Vị thiên cung chủ trình lên Ngài Moggallāna hạnh lành của mình khi còn là nhân loại như sau.
Vào thời Đức Phật Kassapa, khi Bảo tháp tôn thờ Xálợi Phật hoàn tất, ngôi Bảo tháp luôn tràn đầy những cánh hoa thơm cả ngày lẫn đêm.
Do Đức vua Kikī cùng cư dân thành Bārāṇasī (Balanại) thường cúng dường hoa đến Bảo tháp, nên hoa trong Kinh thành Bārāṇasī rất hiếm và đắc giá.
Vào ngày Uposatha, một cận nam trong thành Bārāṇasī muốn cúng dường 8 cành hoa đến Bảo tháp, chàng đi khắp kinh thành tìm hoa nhưng không hề có được một cánh hoa, cho dù chàng mua với giá rất đắt: "Một cành hoa là một đồng tiền vàng (kahāpana)".
Cận sự nam mang 8 đồng tiền vàng đi vào vườn Ngự Uyển, nói với người giữ vườn rằng:
– Xin bán cho tôi 8 cành hoa với giá là 8 đồng tiền vàng.
– Thưa Ngài, trong vườn không còn cánh hoa nào cả, mọi người đã mua hết hoa trong vườn rồi để cúng dường đến Bảo tháp rồi. Ngài cứ đi vào vườn tự tìm cho mình một vài cánh ho xem sao.
Cận sự nam đi khắp vườn không tìm thấy cánh hoa nào còn sót lại trên những cụm hoa trong vườn. Chàng nhìn thấy 8 cánh hoa rụng xuống đất, nói với người giữ vườn rằng;
– Có 8 cành hoa tươi rụng xuống, đừng để hoa tàn héo một cách vô ích. Xin ông nhận lấy 8 đồng vàng này và bán cho tôi 8 cánh hoa rụng kia vậy.
– Thưa Ngài, tôi không dám nhận tiền của Ngài, nếu Ngài thích 8 cánh hoa rụng ấy, Ngài hãy nhận lấy chúng.
Cận sự nam đặt 8 đồng tiền vàng trước mặt người giữ vườn và nói:
-Tôi không thể cúng dường đến Đức Thế Tôn những cánh hoa mà không phải mua.
Cận sự nam nhặt lấy 8 cánh hoa rụng còn tươi, tạo thành một bó hoa cầm trên tay đi vào Bảo tháp cúng dường đến Bảo tháp.
Do hạnh lành này, mệnh chung chàng sinh về cõi Tavatiṃsa (Ba mươi ba), mệnh chung cõi ấy chàng tái sinh vào cõi chư thiên cao hơn rồi trở lại làm thiên chủ tòa thiên cung ở cõi Ba mươi Ba.
Thiên cung chủ ấy đã bạch trình lên Ngài Moggallāna tiền hạnh của mình như thế.
Con voi chàng dùng để cưỡi đi khắp thành phố tìm hoa, mệnh chung cũng sinh về thiên giới là Thiên tử tùy tùng. Khi vị thiên cung chủ muốn đi dạo, thiên tử ấy hóa ra con voi để Thiên cung chủ ngự đi().
*Trưởng lão Mahā Kaccāna (Mahā Kaccāyana).
Tiền sự.
Cách đây 100 ngàn kiếp trái đất, vào thời Đức Phật Padumuttara (Liên Hoa), tiền thân Ngài Mahā Kaccāna là một gia chủ đại trưởng giả.
Có lần chứng kiến Trưởng lão Kaccāna được Đức Thế Tôn ban cho địa vị tối thắng là: Đệ nhất giảng rộng lời thuyết ngắn gọn của Đức Phật (saṅkhittena bhāsitassa vitthāreṇa atthaṃ vibhajantānaṃ), gia chủ Đại trưởng giả ấy mong ước đạt được địa vị tối thắng trong thời Đức Chánh giác tương lai.
Đại trưởng giả cúng dường đến Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng trọn 7 ngày, vào ngày thứ 7 vị ấy phát nguyện dưới chân Đức Phật Padumuttara (Liên Hoa) rằng:
– Với phước sự này, xin cho con thành tựu địa vị tối thắng về giảng rộng lời thuyết ngắn gọn của Đức Phật .
Đức Phật Padumuttara tiên tri rằng: "Sau 100 ngàn kiếp trái đất, ước nguyện của gia chủ này sẽ trở thành hiện thực trong thời Đức Chánh giác có tộc họ là Gotama, tên là Siddhattha".
Trải qua 100 ngàn kiếp trái đất, hậu thân gia chủ này chỉ sinh về nhàn cảnh, không hề rơi xuống 4 khổ cảnh.
Theo tập Apadāna, vào thời ấy tiền thân Ngài Mahā Kaccāna là một Chú thuật gia (vijjādhara) có cúng dường đến Đức Thế Tôn Padumuttara ba cành hoa kaṇikāra(0).
Theo Bản Sớ giải Kệ ngôn Trưởng lão Tăng, tiền thân Ngài Mahā Kaccāna là một Chú thuật gia vào thời Đức Phật Sumedha().
Theo tập Apadāna (Ký sự), vào thời ấy tiền thân Ngài Mahā Kaccāna có xây dựng một Hương thất (Gandhakūṭi) có hình hoa sen, dùng hoa sen để trang trí, cúng dường đến Đức Thế Tôn Padumuttara. Với phước lành này, 30 kiếp trái đất sau Ngài là vị đế vương có vương hiệu là Pabhassara().
Vào thời Đức Phật Kassapa, tiền thân Ngài Mahā Kaccāna là một đại trưởng giả trong thành Bārāṇasī. Khi Bảo tháp tôn thờ Xálợi Đức Phật được đại chúng xây dựng, vị Đại trưởng giả này có cúng dường một viên gạch vàng trị giá là 10 triệu tiền vàng, sau khi cúng dường viên gạch bằng vàng, tiền thân Ngài Mahā Kaccāna có ước nguyện rằng: "Do phước này, xin cho tôi khi còn luân lưu trong luân hồi luôn có màu da sáng chói như vàng ròng tinh luyện này", nên trong hiện kiếp Ngài Mahā Kaccāna có màu da vàng sáng chói như vàng được tinh luyện.
Kiếp sống cuối.
Giữa thời gian của hai vị Chánh giác trong kiếp trái đất này, tiền thân Ngài Mahā Kaccāna luân lưu trong hai cõi nhân loại và thiên giới.
Vào thời Đức Thế Tôn Gotama, từ nơi thiên giới vị ấy tái sinh vào gia tộc Bàlamôn Kaccāyana (một tộc họ cao quý của Bàlamôn), là con trai của vị Cố vấn đại thần Tế lễ (purohita) của vua Caṇḍapajjota nơi kinh thành Ujjenī, hài tử khi sinh ra có màu da vàng óng ánh, nên vào ngày lễ đặt tên hài tử được đặt tên là Kañcāna. Về sau Ngài được gọi là Mahā Kaccāna (chữ Kaccāna là rút gọn của Kaccāyana) để phân biệt với những vị Kaccāyana khác.
Theo tập Apadāna (Ký sự) cha Ngài là Bàlamôn Tirīṭivaccha (Tidivavaccha), mẹ Ngài là nữ Bàlamôn Candapadumā().
Thanh niên Kañcāna thông thạo ba tạng Veda (Vệđà), khi thân phụ qua đời, Ngài nối nghiệp cha, trở thành vị Cố vấn Đại thần Tế lễ sư của vua Caṇḍapajjota.
Vua Caṇḍapajjota được người bạn thân là vua Bimbisāra ( BìnhSa) báo tin là: Tam Bảo: "Phật – Pháp – Tăng đã xuất hiện trên thế gian".
Vua Caṇḍapajjota cho vời các vị Đại thần đến, hỏi rằng:
– Này các Đại thần, ta được tin: "Tam bảo đã xuất hiện trên thế gian". Vậy vị nào có thể thỉnh Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng ngự đến kinh thành Ujjenī này.
– Thưa Đại vương, không ai ngoài vị Cố vấn Tế lễ sư Kaccāna.
– Vậy này Đại thần Tế lễ sư Kaccāna hãy lên đường, hãy nhân danh ta đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn và thỉnh Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng đến kinh thành Ujjenī này.
Bấy giờ tâm của Ngài Kaccāna vô cùng hân hoan khi hay tin Tam Bảo đã xuất hiện trên thế gian, nên thưa với vua Caṇḍapajjota rằng:
– Thưa Đại vương, nếu Đại vương cho phép con trở thành vị Tỳkhưu thì con sẽ đi.
– Này Kaccāna,hãy làm theo những gì ngươi muốn. Nhưng hãy thỉnh Đức Thế Tôn và Tăng chúng đến kinh thành Ujjenī này.
– Thưa Đại vương, khi đến yết kiến Đức Thế Tôn, không nên đi với nhiều người. Xin Đại vương hãy cho thêm 7 vị đại thần cùng đi là đủ.
Ngài Kaccāna cùng 7 vị đại thần lên đường đi đến kinh thành Rājagaha (Vương xá). Đi vào khu rừng Trúc, sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn, quan sát thấy được 32 Đại nhân tướng của Đức Thế Tôn, tâm của Ngài Kaccāna vô cùng hân hoan, tin chắc rằng: "Đây là Bậc Đạo sư của chúng ta".
Chỉ một thời pháp thoại, Đức Thế Tôn tế độ 8 vị Đại thần chứng đại Thánh quả Alahán cùng với Tuệ phân tích. Tất cả đều xin được xuất gia trong Tăng đoàn, Đức Thế đưa bàn tay phải ra và nói rằng: "Etha bhikkhavo ... Hãy đến đây, này các Tỳkhưu". Lập tức, râu tóc của các vị rụng xống, trên người xuất hiện 8 vật dụng của vị Samôn, tuy mới xuất gia nhưng các Ngài có Tăng tướng như các Trưởng lão có 60 hay 80 tuổi đạo.
Sau hưởng hương vị Giải thoát, vào thời điểm thích hợp, Trưởng lão Mahā Kaccāna không lơ đểnh với lời hứa với vua Caṇḍapajjota, Ngài đi vào đảnh lễ Đức Thế Tôn, nói lên những kệ ngôn tán thán con đường đi đến kinh thành Ujjenī (tương tự như Ngài Kāḷudāyi tán thán con đường đến kinh thành Kapilavatthu). Đức Thế Tôn quán xét thấy rằng: "Duyên lành Thánh quả của vùng đất Ujjenī chưa chín muồi, để hoằng pháp thì 8 vị Alahán có Kaccāna là trưởng đủ rồi".
Đức Thế Tôn dạy rằng:
– Này Mahā Kaccāna, việc giáo hóa chúng sinh nơi kinh thành Ujjenī, ngươi và 7 vị Tỳkhưu tùy tùng là đủ rồi.
Này Mahā Kaccāna, ngươi hãy trở về kinh thành Ujjenī, Đức vua Caṇḍapajjota rất hoan hỷ khi gặp lại ngươi.
Biết Đức Thế Tôn thông suốt mọi sự và không hai lời, nên Trưởng lão Mahā Kaccāna không thỉnh cầu Đức Thế Tôn ngự đến kinh thành Ujjenī thêm nữa. Trưởng lão thành kính đảnh lễ dưới chân Bậc Đạo sư rồi cùng 7 vị Tỳkhưu tùy tùng lên đường đi đến kinh thành Ujjenī.
Hai nàng con gái của hai vị Trưởng giả.
Trong thị trấn Telapaṇāli có hai gia đình trưởng giả.
Một trưởng giả do thất bại trong thương trường dần dần khánh kiệt tài sản và mệnh chung vì sầu khổ, cô con gái của vị Trưởng giả này sống cùng với bà nhũ mẫu đạm bạc qua ngày. Nhưng cố rất xinh đẹp, đặc biệt là có mái tóc dài đen tuyền như màu con ong rất mượt mà và óng ánh, cô rất quý mái tóc này xem như một bảo vật của mình.
Một Trưởng giả nhờ kinh doanh phát đạt nên giàu có, cô gái con người trưởng giả này không đẹp lại có mái tóc ngắn và lưa thưa, cô muốn có được mái tóc đen tuyền óng ả của cô gái kia, nhiều lần cho người đến hỏi mua mái tóc ấy với giá 100 đồng tiền vàng hay bất kỳ giá nào, nhưng cô gái có mái tóc dài xinh đẹp cương quyết không bán.
Trưởng lão Mahā Kaccāna cùng 7 vị Tỳkhưu tùy tùng trên đường đến kinh thành Ujjenī, các Ngài dừng chân nơi thị trấn Telapaṇāli.
Vào buổi sáng các Ngài đi vào thị trấn khất thực, nhưng cư dân không ai đặt vật thực cúng dường đến các Ngài cả, các Ngài đi đến nơi ở của cô gái có mái tóc xinh đẹp ở nơi vắng vẻ và nghèo khổ.
Trông thấy Ngài Mahā Kaccāna với màu da vàng sáng chói, với các quyền được thu thúc nghiêm trang, tâm nàng vô cùng hoan hỷ rằng:
– Hạnh phúc đã đến với ta, vị Phạm thiên có màu da vàng sáng chói xinh đẹp đang đến. Nhưng ta không có vật thực để cúng dường các Ngài, ta hãy cắt mái tóc xinh đẹp này bán cho nàng tóc lưa thưa, lấy tiền mua vật thực cúng dường đến các Ngài.
Nàng bước ra đảnh lễ dưới chân các vị Trưởng lão, rồi bạch hỏi rằng:
– Bạch các Ngài, các Ngài có được vật thực chi chăng?
– Này cô, chúng ta sẽ có được vật thực.
Với trí thông minh nàng hiểu: "Các Ngài chưa có được vật thực", nên hân hoan bạch rằng:
– Con xin thỉnh các Ngài ngự vào bên trong, con sẽ cúng dường vật thực đến các Ngài.
Sau khi các vị Trưởng lão ngồi vào nơi được soạn sẵn, nàng đi vào phòng trong, gọi người nhũ mẫu đến tự tay nàng cắt lìa mái tóc xinh đẹp, trao cho nhũ mẫu nói rằng:
– Thưa mẹ, mẹ hãy cầm mái tóc này đến bán cho cô gái tóc lưa thưa, rồi mua vật thực về cúng dường đến các vị Phạm thiên.
Người nhũ mẫu một tay gạt nước mắt, một tay nhận mái tóc thiên thần mang đến nhà cô tóc lưa thưa.
Thông thường khi cần người ta sẽ mua với giá rất cao, nhưng bỗng nhiên món hàng đến bất ngờ, với nghệ thuật mua bán, người mua sẽ cố gắng trả với giá thật rẻ.
Cô có mái tóc lưa thưa suy nghĩ: "Trước đây ta nhiều lần xin mua mái tóc này với giá rất cao, nhưng cô nàng từ chối, hôm nay đột nhiên cắt bán cho ta. Như vậy cô rất cần tiền, mái tóc này đã cắt rồi không thể gắn lại, ngoài ta ra không ai mua mái tóc này đâu".
Và cô chỉ trả 8 đồng tiền vàng, mặc cho bà nhũ mẫu cố xin thêm nhưng không được. Bà nhũ mẫu đành nhận 8 đồng tiền vàng đi đến thị trấn mua vật thực với tất cả số tiền đó mang về.
Nghe có đượcvật thực cúng dường đến các Ngài, nàng vô cùng hân hoan, không hề bận tâm đến giá cả mái tóc, nàng nhờ nhũ mẫu cúng dường vật thực đến các Ngài.
Khi các vị Trưởng lão thọ thực xong, các Ngài muốn phúc chúc đến gia tộc tín thành, nên hỏi nhũ mẫu rằng:
– Này bà, cô gái ban sáng đâu rồi.
– Bạch các Ngài, nàng đang ngồi trong phòng riêng.
– Bà hãy gọi cô ấy ra đây.
– Bạch các Ngài, nàng không dám ra đâu.
– Này bà, vì sao vậy.
Bà nhũ mẫu thuật lại câu chuyện, nghe vậy Trưởng lão Mahā Kaccāna nói rằng:
– Hãy nhân danh ta gọi nàng ấy đến.
Không dám trái lời Trưởng lão, nàng bước ra đảnh lễ 8 vị Trưởng lão, khi đảnh lễ vừa xong, tóc nàng mọc dài ra đen tuyền, mượt mà như cũ.
Các vị Trưởng lão chúc phúc đến hai mẹ con nàng, rồi theo đường hư không đến kinh thành Ujjenī . Nàng nhìn theo các Ngài, tâm vô cùng hân hoan, niềm hoan hỷ kéo dài trọn 7 ngày.
Các Trưởng lão đi vào vườn Ngự Uyển Kañcana của vua Caṇḍapajjota, dạy người giữ vườn rằng:
– Ngươi hãy vào Hoàng cung thông báo đến Đại vương, chúng ta đã về đến kinh thành.
Người giữ vườn Ngự Uyển đi đến Hoàng cung, yết kiến vua Caṇḍapajjota, thưa rằng:
– Thưa Đại vương, thầy chúng ta là Cố vấn Đại thần tế lễ sư cùng 7 vị Đại thần đã về kinh thành, tất cả đều trở thành Samôn, hiện đang ngụ nơi vườn Ngự Uyển.
Vua Caṇḍapajjota nghe được tin vui này, lập tức cùng triều thần đi đến vườn Ngự Uyển. Sau khi đảnh lễ các vị Trưởng lão theo cách năm chi chạm đất rồi ngồi vào nơi thích hợp, bạch hỏi rằng:
– Thưa các Ngài Samôn, Đức Thế Tôn có ngự đến kinh thành Ujjenī này chăng?
– Này Đại vương, Đức Thế Tôn không đến, Ngài cử chúng tôi đến.
– Bạch các Ngài Samôn, hôm nay các ngài đã thọ thực chưa?
– Này Đại vương, chúng tôi đã thọ thực xong rồi.
Tiếp theo Trưởng lão Mahā Kaccāna tường thuật đến Đức vua Caṇḍapajjota về việc làm khó làm của nàng có mái tóc xinh đẹp.
Đức vua Caṇḍapajjota suy nghĩ: "Việc làm của nàng này là một phước báu không thể đo lường được". Đức vua thỉnh rằng:
– Kính thỉnh các Ngài Samôn hoan hỷ đến Hoàng cung vào ngày mai để nhận vật thực cúng dường của chúng tôi.
– Lành thay, lành thay, này Đại vương.
Sau khi sửa soạn chỗ ngụ của các Trưởng lão nơi vườn Ngự Uyển, Đức vua trở về Hoàng cung cho rước cô gái cúng dường vật thực đến 8 vị Trưởng lão về Hoàng cung và ngay trong chiều hôm ấy, vua Caṇḍapajjota tấn phong nàng làm Hoàng hậu. Đây là quả lành phát sinh ngay trong hiện tại do đổng lực thiện đầu tiên (pathama kusalajavana).
Giải thích.
Khi tạo một việc lành như bố thí, cng kỉnh ... trong tâm lộ có 7 sátna (khaṇa) đổng lực đại thiện (mahākusalajavana), sátna đổng lực đầu tiên sẽ cho quả ngay trong hiện tại khi có điều kiện thuận lợi thích hợp, gọi là hiện báo nghiệp (diṭṭhavedaniya kamma).
Sátna thứ 7 sẽ cho quả ngay kiếp sống kế tiếp khi có điều kiện thích hợp, gọi là sinh báo nghiệp (upapajjavedaniya kamma).
Từ sátna thứ 2 đến sátna thứ 6 cho quả từ kiếp thứ ba cho đến khi viên tịch khi có điều kiện thích hợp, gọi là hậu báo nghiệp (aparāpariyavedaniya kamma).
Nghiệp (kamma) cho hai loại quả: Hữu (bhava) và hữu thành tựu (bhavasampatti). Các nhóm tâm quả từ khi tái sinh (paṭisandhi) và diễn tiến (pavatti) được gọi là hữu (bhava), thân do nghiệp tạo được gọi là đạt được hữu (pattibhava).
Những loại tài sản phát sinh lên được gọi là (nghiệp) hữu thành đạt (bhavasampatti).
Sinh báo nghiệp (upapajjavedaniya kamma) và hậu báo nghiệp (aparāpariyavedaniya kamma) cho hai loại quả là: Hữu và hữu thành tựu.
Hiện báo nghiệp chỉ cho một loại quả là hữu thành tựu (bhavasampatti), phát sinh sự giàu sang, danh vọng trong chính kiếp sống đó.
Đó là nói về thiện nghiệp, còn bất thiện nghiệp hay ác nghiệp cũng diễn tiến như vậy. Điểm khác biệt của ác hiện báo nghiệp là: Dẫn đến sự tổn thất tài sản, danh tiếng ...
Từ đó vua Caṇḍapajjota có sự kính trọng rất lớn dành cho Trưởng lão Mahā Kaccāna, cư dân kinh thành Ujjenī hoan hỷ với lời dạy của Trưởng lão Mahā Kaccāna, rất nhiều vị xuất gia và kinh thành Ujjenī tràn ngập những chiếc y vàng.
Hoàng hậu thọ thai, sau 10 tháng hạ sinh một Thái tử, Thái tử được sinh ra khi Hoàng hậu đến viếng thăm con bò quý của bà, do đó Thái tử được đặt tên là Gopāla và Hoàng hậu trở nên được trọng vọng với danh hiệu Gopālamātā (mẹ của Gopāla).
Hoàng hậu Gopālamātā rất sùng kính Trưởng lão Mahā Kaccāna, bà kiến tạo một Đại tự trong vườn Ngự Uyển Kañcana cúng dường đến Trưởng lão và Tăng chúng với sự hoan hỷ của vua Caṇḍapajjota.
Khi thấy kinh thành Ujjenī và quốc độ Avanti đã vững vàng trong niềm tin Phật đạo, Ngài Mahā Kaccāna trở về hầu Đức Thế Tôn().
Nơi quốc độ Avantī(), Tôn giả Kaccāna thường trú tại vách đá dựng Kuraraghara (Kuraraghara papāta; papāta= vách đá dựng) () và trong rừng Makkarakaṭa().
Nơi vách đá dựng Kuraraghara, Trưởng lão Mahā Kaccāna tế độ Ngài Soṇa Kūṭikaṇṇa(), gia chủ Hāliddikāni đến hội kiến và hỏi pháp từ Trưởng lão Mahā Kaccāna.
Nơi rừng Makkarakaṭa Bàlamôn Lohicca cùng các môn đệ của ông đến vấn pháp nơi Trưởng lão Mahā Kaccāna().
Được biết khi ở xứ Avantī dầu đường có xa, vào ngày Uposatha (Bốtát) Ngài Mahā Kaccāna vẫn đến tham dự và nghe Đức Thế Tôn giảng pháp. Lúc nào Ngài cũng được các vị Trưởng lão dành cho một chỗ ngồi trang trọng().
*Gia chủ Hāliddikāni .
Ngài là một cận sự nam của Đức Thế Tôn, là một Trưởng giả danh tiếng của xứ Avanti.
Khi Trưởng lão Mahā Kaccāna trú tại vách đá dựng Kuraraghara, gia chủ Hāliddakāni đến yết kiến Trưởng lão, hỏi pháp từ nơi Trưởng lão.
Tập Tương ưng kinh có ghi nhận ba bài kinh do gia chủ Hālidda hỏi Trưởng lão Mahā Kaccāna về những lời dạy vắn tắt của Đức Thế Tôn.
*Bài kinh số 1.
– Thưa Tôn giả, Đức Thế Tôn có dạy trong phẩm thứ 8, tập các câu hỏi của Māgandiyanhư sau.
Okaṃ pahāya aniketasārī; gāme akubbaṃ muni santhavāni.
Kāmehi ritto apurakkharāno; kathaṃ na viggayha janena kayirā''ti".
"Bậc Thánh bỏ gia đình; du hành không trú xứ.
Đối với dân trong làng; không tác lành hệ lụy.
Tuyệt không các dục vọng; không ước muốn hảo huyền.
Chấm dứt mọi tranh luận; bất cứ với một ai" (HT. THC d).
– Thưa Tôn giả, với lời dạy vắn tắt của Đức Thế Tôn, ý nghĩa cần hiểu rộng rãi như thế nào?
Trưởng lão Mahā Kaccāna giải thích rộng rãi đến gia chủ Hāliddikāni().
Bài kinh 2.
Gia chủ Hāliddikāni đến hỏỉ Trưởng lão Mahā Kaccāna về các câu hỏi của vua Trời Sakka(). Và Trưởng lão Mahā Kaccāna đã giải thích rộng rãi đến gia chủ Hāliddikāni().
Bài kinh 3.
Gia chủ Hāliddikāni đến hỏỉ Trưởng lão Mahā Kaccāna ý nghĩa về lời dạy vắn tắt của Đức Thế Tôn.
Dhātunānattaṃ paṭicca uppajjati phassanānattaṃ; phassanānattaṃ paṭicca uppajjati vedanānānatta'nti.
"Do duyên giới sai biệt, sinh khởi xúc sai biệt; do duyên xúc sai biệt, sinh khởi thọ sai biệt".
Và Trưởng lão Mahā Kaccāna đã giảng rộng ý nghĩa này().
Trưởng lão Mahā Kaccāna còn trú nhiều nơi khác, ở ngoài quốc độ Avanti như:
*Cạnh bờ sông Kaddamadaha trong thành phố Varaṇā.
Bàlamôn Ārāmadaṇda đến yết kiến và hỏi Trưởng lão: Do nhân nào tại sao người Sátđếlỵ tranh chấp với người Sátđếlỵ, người Bàlamôn tranh chấp với người Bàlamôn, và gia chủ tranh chấp với gia chủ?.
Trưởng lão đáp: "Do nhân bị trói chặt (vinibandha) bởi khuynh hướng riêng (abhinivesa), bị đắm nhiễm (palighedha), bị xâm chiếm (pariyuṭṭhāna), bị chìm sâu (ajjhosāna; chữ này nghĩa đen là "ăn nuốt vào") bởi các dục tham (kāmarāga). Nên Sátđếlỵ tranh chấp với Sátđếlỵ; Bàlamôn tranh chấp với Bàlamôn, gia chủ tranh chấp với gia chủ.
– Thưa Tôn giả Mahā Kaccāana, có người nào trên đời này vượt qua sự trói buộc ấy không?.
– Có, này Bàlamôn, đó là Đức Thế Tôn, Ngài đang ngự trú tại kinh thành Sāvatthi (Xávệ).
Tiếp theo, Trưởng lão Mahā Kaccāna mô tả các đức tính của Đức Thế Tôn. Nghe xong, Bàlamôn Ārāmadaṇḍa từ chỗ ngồi đứng lên, đấp lại thượng y cho tề chỉnh, quỳ một chân xuống (theo cách đảnh lễ của vị Phạm thiên) chấp tay hướng về kinh thành Sāvatthī tán thán Đức Phật ba lần: Kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, bậc Alahán Chánh giác".
Từ đó ông trở thành đệ tử của Trưởng lão Mahā Kaccāna().
*Rừng Gundhā .
Là khu rừng trong xứ Madhurā(), rừng này còn gọi là Kagundāvana (hay Gundāvana; Kuṇḍavana) ().
Bàlamôn Kaṇḍarāyana (hay Kuṇḍarāyana) đi đến yết kiến Trưởng lão Mahā Kaccāyana, ông bạch hỏi Trưởng lão: "Vì sao không kính lễ các bậc Bàlamôn già cả".
Khi nghe Trưởng lão Mahā Kaccāna thuyết giảng, ông trở thành cư sĩ trọn đời quy ngưỡng Tam bảo().
Cũng trong khu rừng này, vua Avantiputta trị vì kinh thành Madhurā, có đến yết kiến Trưởng lão Mahā Kaccāna.
Vua có tên là Avantiputta vì mẹ của Ngài là em gái của vua Caṇḍapajjota(). Vua Avantiputta bạch hỏi Trưởng lão Mahā Kaccāna về chủ thuyết Bàlamôn cho rằng: "Chỉ có giai cấp Bàlamôn là tối thượng, còn các giai cấp khác đều hạ liệt".
Trưởng lão Mahā Kaccāna đã bác bỏ chủ thuyết ấy với các lý do:
*Người có nhiều tài sản đều có thể mướn người của ba cấp khác phục vụ.
* Đồng đẳng trong sự thọ lãnh thiện quả hay ác quả.
* Đồng đẳng trên phương diện giải thoát.
Nghe xong pháp thoại, vua Avantiputta hoan hỷ và xin nương nhờ Tam bảo trọn đời().
*Chuyện Trưởng lão Soreyya.
Khi Trưởng lão Mahā Kaccāna trú ngụ gần kinh thành Soreyya, một người con trai của trưởng giả trong kinh thành, được gọi là Soreyya.
Vào một buổi sáng, thanh niên Soreyya cùng người bạn thân và nhóm tùy tùng đi ra ngoài thành để tắm.
Bấy giờ, Trưởng lão Mahā Kaccāna đang đấp lại thượng y cho tề chỉnh để đi vào thành khất thực. Nhìn thấy thân hình xinh đẹp của Trưởng lão với màu vàng óng ánh, thanh niên Soreyya ước thầm: "Ước gì vợ ta có thân hình xinh đẹp như vị này. Nếu vị này là nữ, ta sẽ cưới vị ấy về làm vợ".
Do có ý nghĩ tà vạy như thế, thân thanh niên Soreyya lập tức biến thành thân nữ. Cô gái từ nam chuyển sang nữ này vô cùng hổ thẹn, lập tức bỏ xuống xe trốn đi.
Cả đoàn tùy tùng đều trông thấy cô gái từ trên xe bước xuống nhưng không ai nghĩ là: "Chủ của mình".
Cô gái ra đi không dám nhìn lại nhóm tùy tùng cùng người bạn thân, trên đường đi nàng gặp một đoàn thương buôn đi đến kinh thành Takkasilā để buôn bán, nàng cởi chiếc nhẫn đeo trên ngón tay và tìm được một chỗ ngồi trên một cổ xe.
Khi đến kinh thành Takkasilā, nàng kết hôn với một thanh niên con trưởng giả trong kinh thành Takkasilā, có được hai người con.
Người bạn thân cùng đoàn tùy tùng, bổng dưng thấy thanh niên Soreyya mất tích, họ cũng không hiểu vì sao? Và họ cứ cho là thanh niên Soreyya lén xuống sống tắm rồi bị nước cuốn trôi.
Thởi gian sau, người bạn của nàng Soreyyā có vài công việc đi đến kinh thành Takkasilā, đi ngang qua nhà nàng Soreyyā.
Nhìn thấy người bạn thân, nàng cho mời vào tư dinh tiếp đãi ân cần.
Sau đó nàng tỏ thật nội tình khiến nàng từ thân nam chuyển sang nữ, rồi nhờ người ban thân thỉnh Ngài Mahā Kaccāna đến kinh thành Takkasilā để nàng có cơ hội sám hối với Ngài.
Sau khi sám hối xong thân nàng từ nữ chuyển sang nam, nghe pháp thoại từ Trưởng lão, thanh niên Soreyya chán nãn, xin được xuất gia trong Tăng đoàn.
Trước đó thanh niên Soreyya có hai người con, tổng cộng thanh niên Soreyya có 4 người con.
Các vị Tỳkhưu hỏi Tỳkhưu Soreyya rằng:
– Này hiền giả Soreyya, trong bốn người con; hiền giả thương con nào nhiều nhất.
– Thưa chư hiền, tôi thương con tôi sinh ra nhiều hơn.
Những kẻ hiếu kỳ cứ hỏi mãi điều này, Ngài Soreyya cảm thấy hỗ thẹn, tìm nơi thanh vắng tinh cần hành pháp chẳng bao lâu chứng đạt Thánh quả Alahán cùng với Tuệ phân tích.
Rồi khi có người hỏi lại điều ấy, Ngài trả lời rằng:
– Tâm ta giờ yên lặng, không còn thương yêu con nào nữa.
Các vị Tỳkhưu phàm nghe vậy, cho rằng Ngài khoe pháp bậc cao nhân nên trình lại với Đức Thế Tôn. Đức Đạo sư dạy rằng:
– Này các Tỳkhưu, thật vậy, con trai Như Lai không còn luyến thương người con nào nữa.
Sau khi giảng pháp thoại thích ứng, Đức Thế Tôn thuyết lên kệ ngôn.
43- Na taṃ mātā pitā kayirā; aññe vāpi ca ñātakā.
Sammāpaṇihitaṃ cittaṃ; seyyaso naṃ tato kare.
"Không phải do cha mẹ; hoặc thân nhân làm thế.
Chính tâm niệm chánh chơn;
khiến người cao thượng hơn" (HT.TMC dịch)().
*Trú ngụ nơi kinh thành Kosambī (18).
Sau khi kết tập Phật ngôn lần I hoàn mãn, Trưởng lão Mahā Kaccāna cùng với 12 vị Tỳkhưu cùng cư ngụ trong rừng gần kinh thành Kosambī.
Khi ấy vị Cố vấn đại thần của vua Udena trông coi kinh thành Kosambī mạng chung, con vị Đại y thần là Uttara được thay thế vào chức vụ của cha và tiếp tục công trình của cha còn dở dang.
Một hôm Đại thần Uttara mang theo một số thợ cưa vào rừng tìm gỗ quý để chỉnh trang lại kinh thành Kosambī, Đại thần Uttara nhìn thấy Ngài Mahā Kaccāna đang thiền tịnh, liền đi đến đảnh lễ Trưởng lão.
Sau khi nghe pháp thoại, Đại thần Uttara hoan hỷ, thỉnh các vị Tỳkhưu thọ thực nơi tư dinh của mình vào ngày mai.
Khi thọ thực xong, Ngài Mahā Kaccāna thuyết lên Pháp thoại phúc chúc, nghe xong thời pháp, Đại thần Uttara chứng Thánh quả Dự lưu và Uttara thỉnh các Ngài thường xuyên đến nhận vật thực nơi tư dinh của mình.
Đại thần Uttara cho kiến tạo một Tự viện cúng dường đến Tăng chúng.
Mẹ của Uttara là người thiếu trí lại keo kiệt, không hoan hỷ với phước lành này, bà còn mắng chửi các vị Tỳkhưu trong sạch rằng:
"Mong những vật thực này trở thành máu đi".
Tuy nhiên, vào ngày Khánh thành Tự viện bà hoan hỷ với sự trang trí xinh đẹp của Tư viên nên có hùn phước một cánh hoa kết bằng lông công.
Mạng chung bà tái sinh làm ma đói (peta), được gọi là Uttaramātupeta (ma đói mẹ của Uttara), nhờ phước cánh hoa bằng lông công, nữ ma đói có mái tóc đen mượt, mịn và dài. Khi khát nước, nữ ma đói xuống sông Hằng uống nước, nước trở thành máu tươi.
Suốt cả 55 năm, nữ ma đói luôn chịu đói khát, về sau được Trưởng lão Kaṅkhārevata tế độ thoát khỏi kiếp ma đói, trở thành vị thiên nữ().
Ngoài những vị đến yết kiến Trưởng lão Mahā Kaccāna đã nêu trên, còn có vua Caṇḍapajjota(), bà Kāli (mẹ của Trưởng lão Soṇa Kūṭikaṇṇa)().
*Vua trời Sakka đảnh lễ Trưởng lão.
Vào một ngày Tự tứ (Pavāraṇā) được cử hành nơi Đông phương tự (Pubbarāma) do bà Thánh nữ Visākhā kiến tạo cúng dường đến Đức Phật và Tăng chúng.
Khi ấy, Trưởng lão Mahā Kaccāna đang trú ngụ nơi quốc độ Avanti, nhưng Ngài cũng trở về cùng Tăng chúng hành lễ Tự tứ.
Vua Trời Sakka (ĐếThích) cùng tùy tùng hai cõi trời Tứ Đại vương và Ba mươi ba (Tāvatiṃsa) mang hương hoa từ cõi trời đến Đông phương tự cúng dường Đức Thế Tôn và Tăng chúng.
Vua trời Sakka nhìn vào nơi ngồi của Trưởng lão Mahā Kaccāna, không thấy Ngài vua Trời suy nghĩ: "Vì sao hôm nay không thấy Ngài trưởng lão đến?". Vừa khi ấy, Trưởng lão Mahā Kaccāna đi đến ngồi vào chỗ ngồi của mình, vua Trời Sakka hoan hỷ nắm lấy hai cổ chân của Trưởng lão, reo vui rằng: "Trưởng lão đã đến. Tôi mong chờ Ngài đến", rồi dùng tay xoa bóp chân cho Trưởng lão.
Các vị Tỳkhưu than phiền rằng: "Vua Trời Sakka còn thiên vị. Bao nhiêu vị Trưởng lão khác ông không làm như vậy, chỉ phục vụ Ngài Mahā Kaccāna".
Nghe được những lời than phiền của các vị Tỳkhưu, Đức Thế Tôn dạy:
– Này các Tỳkhưu, vị Tỳkhưu nào thu thúc các môn quyền như con trai ta là Mahā Kaccāna, vị ấy được chư thiên và nhân loại ái mộ,
Và Đức thế Tôn thuyết lên kệ ngôn.
94- Yassindriyāni samathaṅgatāni; assā yathā sārathinā sudantā.
Pahīnamānassa anāsavassa; devāpi tassa pihayanti tādino.
"Ai nhiếp phục các căn; như đánh xe điều ngự.
Mạn trừ, lậu hoặc dứt; người vậy, chư Thiên mến "(HT.TMC dịch)().
Đạt địa vị tối thắng.
Ba bài kinh Madhupiṇḍika (Mật hòan)(), Kaccāna() và Pārāyaṇa đem đến cho Tôn giả Mahā-Kaccāna sự tối thắng về giảng rộng lời dạy tóm gọn của Đức Thế Tôn. Vào thời điểm thích hợp, nơi Đại tự Kỳviên (Jetavanavihāra), giữa hàng Tứ chúng, Đức Đạo sư ban địa vị tối thắng (etadagga) đến Trưởng lão như sau.
Etadaggaṃ, bhikkhave, mama sāvakānaṃ bhikkhūnaṃ saṃkhittena bhāsitassa vitthārena atthaṃ vibhajantānaṃ yadidaṃ mahākaccāno.
"Này các Tỳkhưu, trong các Tỳkhưu đệ tử Như Lai, tối thắng về phân tích rộng những lời dạy ngắn gọn, là Tỳkhưu Mahā Kaccāna"().
Ngoài những bài kinh đã nêu trên, Ngài Mahā Kacāna còn giảng rộng bài kinh Nhất dạ hiền giả (Bhddekarattasutta)().
Có lần Ngài Mahā Kaccāna từ núi Gijjhakūṭa (Kên kên) đi xuống, Đại thần Vassakāra của vua Ajātasattu (AXàThế) nói Ngài giống con khỉ, biết được tâm xấu của Vassakāra, Đức Phật bảo: "Ngay kiếp sau, Vassakāra sẽ tái sinh làm khỉ ở rừng Trúc gần thành Vương xá.
Trong Bổn sự Kurudhamma, tiền thân Ngài Mahā Kaccāna là người đánh xe. Trong Bổn sự Sarabhaṅga, tiền thân Ngài là ẩn sĩ Devala().
Theo truyền thống, Trưởng lão Mahā Kaccāna là tác giả của tập Nettippakaraṇa và tập Peṭakopadesa.
Có thể là các luận văn này do trường phái có gốc từ Mahā Kaccāna sưu tập.
*Trưởng lão Mahā Kappina.
Tiền sự.
Vào thời Đức Phật Padumuttara (Liên Hoa), tiền thân Ngài Mahā Kappina là một gia chủ.
Có lần thấy một vị Trưởng lão được Đức Thế Tôn Padumuttara ban cho địa vị tối thắng về Giáo giới Tỳkhưu (bhikkhu ovādakānaṃ), vị gia chủ ao ước được địa vị này trong thời Đức Chánh giác tương lai, nên cúng dường đến Đức Phật Padumuttara cùng Tăng chúng trọn 7 ngày rồi ước nguyện dưới chân Đức Phật Padumuttara rằng:
– Với phước lành này, con xin chứng đạt địa vị tối thắng về Giáo giới Tỳkhưu. Với Vị lai trí, Đức Phật Padumuttara tiên tri rằng:
– Sau 100 ngàn kiếp trái đất kể từ hiện kiếp này, ước nguyện của thiện gia tử này sẽ thành tựu trong thời Đức Phật Chánh giác có tộc họ là Gotama, tên là Siddhattha.
Kể từ hiện kiếp ấy trở đi, trải qua 100 ngàn kiếp trái đất, hậu thân gia chủ ấy không hề tái sinh về khổ cảnh.
*Cuộc sống người thợ dệt chính.
Trong khi còn luân lưu trong vòng luân hồi, có một kiếp hậu thân người gia chủ tái sinh là người trưởng làng dêt vải gần thành Bārāṇasī (Balanại).
Vào thời ấy có một ngàn vị Phật Độc giác trú ở núi Hymãlạpsơn. Các Ngài trú ở núi rừng trong 8 tháng, khi vào mùa mưa các Ngài tìm nơi an cư nơi kinh thành Bārāṇasī.
Các Ngài dừng chân ở một địa điểm ngoài kinh thành, cử tám vị Phật Độc giác đến Hoàng cung tìm đến Đức vua, ngỏ ý xin Đức vua hộ độ ba tháng an cư mùa mưa, đồng thời xây dựng nơi trú ngụ cho các Ngài.
Nghe có 8 vị Samôn tìm đến, Đức vua ra khỏi Hoàng cung hội kiến các Ngài và hỏi thăm mục đích viếng thăm của các Ngài.
Khi nghe rõ ý của các Ngài, vào khi ấy, Đức vua bận tổ chức lễ gieo mạ cho vụ mùa, nên Đức vua từ chối rằng:
– Bạch các Ngài, không còn kịp thời gian nữa rồi, vì mai này kinh thành phải tổ chức lễ gieo mạ cho vụ mùa, lễ hội kéo dài cả ba ngày. Phải ba ngày sau mới có thể xây dựng liêu thất cho các Ngài được.
Nói xong Đức vua lui về, quên cả việc thỉnh các Ngài vào Hoàng cung thọ thực. Tám vị Phật Độc giác trở ra kinh thành tìm địa điểm khác.
Vào khi ấy, vợ người trưởng thợ dệt đi vào kinh thành do một vài công việc, nhìn thấy tám vị Samôn, nàng đi đến đảnh lễ, bạch hỏi rằng:
– Thưa các ngài, các Ngài cần dùng chi?
Sau khi nghe rõ việc của các Ngài, nàng bạch rằng:
– Thưa các Ngài, con xin thỉnh các Ngài ngày mai đến nhận vật thực nơi nhà của con.
– Này cận sự nữ, chúng ta có rất đông.
– Thưa các Ngài, có bao nhiêu vị?
– Này cận sự nữ, chúng ta có 1.000 vị.
– Bạch các Ngài, làng dệt của con có 1.000 gia đình, mỗi gia đình sẽ hộ hộ cho một vị.
– Lành thay, lành thay, này cận sự nữ.
Trở về làng dệt, vợ người trưởng làng thông báo cho ngàn gia đình rằng: "Này các người, tôi có thỉnh 1.000 vị Samôn đến thọ thực nơi làng chúng ta vào ngày mai. Vậy các người, mỗi gia đình hãy chuẩn bị vật thực để cúng dường đến một vị Samôn.
– Lành thay, lành thay, thưa chủ.
Cư dân trong làng dệt dựng lên một sảnh đường có sức chứa trên ngàn người ở giữa làng để chư Phật Độc giác an tọa .
Sau khi cúng dường vật thực đến các Ngài, ngàn gia đình làng dệt đảnh lễ các Ngài, vợ người trưởng làng bạch rằng;
– Chúng con xin thỉnh các Ngài hãy trú lại nơi đây trọn ba tháng mùa mưa.
Chư Phật Độc giác im lặng nhận lời.
Vợ người trưởng làng kêu gọi rằng:
– Mỗi nhà hãy cử ra một người nam khỏe mạnh, mang búa rìu vào rừng đốn cây. Mỗi nhà sẽ xây dựng một liêu thất cúng dường đến một vị Samôn. Và hộ độ Ngài trọn ba tháng mùa mưa.
– Lành thay, lành thay, thưa chủ.
Và 1.000 thảo lư (paṇṇasālā) nhanh chóng được dựng lên, khu ẩn cư ấy có đường kinh hành, có nơi nghỉ ban ngày, ban đêm ...
Và ngàn vị Độc giác an cư mùa mưa nơi làng dệt ấy. Khi mãn mùa an cư, mỗi gia đình cúng dường đến vị Samôn mà mình hộ độ bộ Tam y cùng những vật dụg Samôn. Chư Phật Độc giác chúc phúc đến dân cư trong làng dệt, rồi các Ngài trở về núi Tuyết.
Mệnh chung, cả ngàn người nam, nữ ấy đều tái sinh về cõi trời Tāvatimsa (Ba mươi ba), là một hội chúng chư thiên (gaṇadevaputta) có người trưởng thợ dệt là Thiên chủ trưởng đoàn.
Vào thời kỳ Đức Phật Kassapa, tất cả đều tái sinh vào các gia tộc trưởng giả trong thành Bāāṇasī (Balanại), khi trưởng thành theo duyên nghiệp, những người nam nữ ấy kết hợp với nhau như khi trước và người trưởng thợ dệt cũng là trưởng đoàn của hội chúng ấy.
Khi nghe Đức Thế Tôn mở pháp hội, cả ngàn gia tộc Trưởng giả ấy cùng nhau đi nghe pháp từ Đức Thế Tôn Kassapa.
Bất ngờ một cơn mưa lớn khởi lên, những ai có người thân như Sadi, Tỳkhưu trong đại tự thì chạy vào liêu của các vị ấy trú mưa, những ai không có người thân quen đành chịu ướt đẩm toàn thân và lạnh rét dưới cơn mưa. Cả ngàn vị trưởng giả cũng chịu thảm cảnh như trên.
Vị trưởng giả trưởng đoàn nói với hội chúng mình rằng:
– Này các vị, hãy nhìn thảm trạng của chúng ta. Chúng ta là con nhà danh giá nay phải chịu cảnh xấu hổ như vầy. Vì sao? Vì chúng ta thiếu chỗ nương nhờ, vậy chúng ta hãy cùng nhau kiến tạo một Giảng đường (pariveṇa) rộng lớn. Đó là nơi nương nhờ của chúng ta trong hiện tại lẫn tương lai
Trưởng giả trưởng đoàn bỏ ra 1.000 đồng vàng (kahāpana), những trưởng giả tùy tùng bỏ ra 500 đồng vàng, những người vợ bỏ ra 250 đồng vàng. Hội chúng ấy đã xây đựng một Giảng đường lớn (Mahāpariveṇa) cúng dường đến Đức Phật và Tăng chúng, nhưng kinh phí dự kiến không đủ.
Người Trưởng đoàn lại quyên góp hội chúng của mình lần II, người trưởng đoàn bỏ ra 500 đồng vàng, mỗi trưởng giả tùy tùng bỏ ra 250 đồng vàng, những người vợ bỏ ra 125 đồng vàng.
Khi Đại Giảng đường đã hoàn tất, hội chúng này đã tổ chức lễ cúng dường Đại Giảng đường đến Đức Phật và Tăng chúng thật long trọng suốt 7 ngày, cúng dường đến Đức Thế Tôn bộ Tam y quý, mỗi vị Tỳkhưu cũng được cúng dường một bộ Tam y có giá trị cao.
*Sự cúng dường riêng của vợ Trưởng đoàn.
Vào ngày cúng dường Đại Giảng đường đến Đức Phật Kassapa và Tăng chúng, vợ người Trưởng đoàn suy nghĩ: "Những người vợ của những trưởng giả kia cvũng bỏ ra số ngân khoản như ta. Vậy phước sẽ ngang bằng nhau, ta không chấp nhận như vậy, ta sẽ tạo phước riêng cho mình".
Vợ người trưởng đoàn lấy một cánh hoa Anojā có màu vàng xinh đẹp (Hoàng hoa), đặt vào một vuông lụa có màu vàng như màu hoaAnojā trị giá là 1.000 đồng vàng, cúng dường đến Đức Thế Tôn và nguyện rằng:
"Bạch Đức Thế Tôn, với phước lành này xin cho trong những kiếp tương lai của con, con luôn có màu da vàng như hoa Anojā này.
Và con cũng được gọi là Anojā".
– Lành thay, lành thay, chúc con được thành tựu như ý.
Mệnh chung, tất cả đều sinh về thiên giới và cũng hợp quần với nhau như ở cõi nhân loại.
Kiếp sống cuối.
Vào thời Đức Thế Tôn Gotama, tất cả đều tái sinh về nhân giới, người trưởng đoàn tái sinh vào một vương tộc cai trị kinh thành Kukkuṭa, Thái tử có tên gọi là Mahā Kappina.
Khi vua cha mệnh chung, vị ấy nối ngôi vua với vương hiệu là Mahā Kappina.
Ngài Mahā Kappina lớn tuổi hơn Đức Phật, được mô tả là gầy có mũi to (tanukaṃ tuṅganāsikaṃ), da có màu trắng (odāta).
Những thiên tử tùy tùng cũng tái sinh về Kinh thành Kukkuṭa, là con những đại thần và tất cả đều có tài sản tương tự với quốc vương.
Khi vua Mahā Kappina trang điểm xinh đẹp để đi du ngoạn, những quan đại thần này cũng tháp tùng theo và cũng trang điểm xinh đẹp không kém Đức vua; nếu Đức vua dùng voi đi du ngoạn, cả ngàn vị Đại thần cũng dùng voi; nếu vua dùng ngựa họ cũng dùng ngựa, nếu vua dùng kiệu, họ cũng dùng kiệu. Vì do nhân tạo phước ngang với nhau.
Vợ người trưởng đoàn tái sinh vào dòng vương tộc trong thành Sāgala xứ Madda, nàng được đặt tên là Anojā vì da nàng có màu vàng tươi thắm của hoa Anojā. Các nữ nhân cũng tái sinh về những nơi danh giá, khi trưởng thành tất cả tái hợp nhau theo như những kiếp trước.
Vua Mahā Kappina có 5 con ngựa quý là: Vāla, Puppha, Vālavāhana, Pupphavāhana và Suppatta. Đức vua Mahā Kappina chỉ cưởi con ngựa Supatta, còn 4 con ngựa kia giao cho bốn thị vệ có nhiệm vụ săn tin cho Đức vua. Mỗi buổi sáng, Đức vua Mahā Kappina dặn bốn sứ giả rằng:
– Các ngươi hãy ra bốn cổng thành, với khoảng cách là 2 hay 3 dotuần để thu thập tin tức. Khi các ngươi nghe tin: Đức Phật xuất hiện, Đức Pháp xuất hiện, Đức Tăng xuất hiện, hãy lập tức trở về báo tin cho ta biết".
Một hôm vua Mahā Kappina cưởi ngựa Supatta cùng ngàn đại thần đi du ngoạn trong kinh thành, nhìn thấy 500 thương nhân đi vào kinh thành Kukkuṭa với vẻ mệt mỏi, quần áo bạc phếch đầy vẻ phong sương.
Đức vua suy nghĩ:
– Những thương nhân này có vẻ mệt mỏi, hẳn là phải trải qua lộ trình rất dài. Như thế họ thu thập được những tin đặc biệt, ta sẽ nhận biết những tin ấy từ nơi họ, may ra ta nhận được những tin vui".
Đức vua cho vời 500 thương nhân vào Hoàng cung, hỏi rằng:
– Các ngươi từ đâu đến kinh thành này?
– Thưa Đại vương, chúng con từ kinh thành Sāvatthi (Xávệ) cách kinh thành này 120 dotuần đến đây.
– Nơi ấy có tin lành nào phát sinh lên chăng?
– Thưa Đại vương, Đức Phật đã xuất hiện trên thế gian, đó là tin lành đặc biệt.
Nghe tin Đức Phật đã xuất hiện trên thế gian, Đức vua lịm người trong năm loại hỷ lạc vừa sinh khởi. Khi định thần lại, Đức vua hỏi:
– Các người vừa nói gì?
– Thưa Đại vương, Đức Phật đã xuất hiện trên thế gian.
Lần thứ hai, Đức vua lịm người trong 5 loại hỷ lạc. Lần thứ ba cũng thế.
Đức vua ban thưởng 500 thương nhân 100 ngàn tiền vàng, rồi hỏi tiếp rằng:
– Còn tin lành nào nữa không?
– Thưa Đại vương, ĐứcPháp đã xuất hiện trên thế gian.
Đức vua lại lịm người trong 5 loại hỷ lạc ba lần như thế, rồi ban thưởng cho 500 thương nhân một trăm ngàn tiền vàng. Tiếp theo đoàn thương nhân cho Đức vua biết : "Đức Tăng đã xuất hiện trên thế gian", Đức vua lại ba lần lịm người trong 5 loại hỷ lạc và ban thưởng cho 500 thương nhân một trăm ngàn đồng vàng.
Đức vua suy nghĩ: "Sự chết chẳng hề chờ đợi ta. Nay ta nhận biết ba bảo vật của Tam giới đã xuất hiện, ta sẽ ra đi hôm nay để tìm Bậc Đạo sư".
Đức vua đưa mắt nhìn ngàn đại thần rằng:
– Này các Đại thần, khi biết tin ba Bảo vật của Tam giới đã xuất hiện, các người nghĩ như thế nào? Các người sẽ làm sao?
– Thưa Đại vương, Ngài quyết định như thế nào?
– Này các đại thần, ta suy nghĩ: "Sự chết chẳng nán đợi ta. Ta sẽ lìa bỏ kinh thành ngay hôm nay để ra đi tìm Bậc Đạo sư.
– Đại vương thực hành như thế nào, chúng tôi cũng sẽ làm như thế đó,
Đức vua Mahā Kappina khiến quân hầu lấy bảng vàng ra, thảo thư giao toàn bộ vương quốc này cho Hoàng hậu Anojā, dạy 500 thương nhân rằng:
– Hãy mang thư này đến trao cho Hoàng hậu Anojā, hãy nhận tiền công là 300 ngàn tiền vàng nơi Hoàng hậu.
Ngàn vị Đại thần cũng viết thư giao toàn bộ tài sản cho chánh thê của mình, nhờ 500 thương nhân trao thư đến gia đình.
Rồi vua Mahā Kappina cùng ngàn đại thần lập tức lìa bỏ kinh thành ra đi tìm Bậc Đạo sư ngay trong ngày ấy.
Đứ c vua Mahā Kappina cùng ngàn vị Đại thần theo lộ trình dẫn đến kinh thành Sāvatthi (Xávệ), đến con sông Aravacchā(), hỏi rằng:
– Sông này có tên chi?
– Thưa Đại vương là sông Aravacchā.
– Dòng sông này sâu rộng ra sao?
– Thưa Đại vương, sông sâu một gāvuta, rộng hai gāvuta.
– Có thuyền bè chi chăng?
– Thưa Đại vương, không.
– Chúng ta không thể dừng bước trước chướng ngại này. Ân đức Phật vô biên, các Đại thần hãy cùng ta niệm tưởng ân đức Phật, chúng ta sẽ vượt qua dòng sông này.
Tất cả ngàn vị vua quan đồng chú tâm niệm tưởng ân Đức Phật, khi hỷ lạc phát sinh, vua Mahā Kappina phát nguyện với kệ ngôn rằng:
Bhavasotaṃ have buddho, tiṇṇo lokantagū vidū.
Etena saccavajjena, gamanaṃ me samijjhantu".
"Đức Phật thoát ra dòng nước hữu, thông suốt cả thế gian.
Do lời chân thật này, tôi thành tựu sự ra đi".
Rồi Ngài cùng ngàn đại thần thúc ngựa phóng xuống dòng sông, cả ngàn vó câu lướt nhẹ trên sóng nước, móng ngựa không bị chạm nước tựa như đang phi trên con đường bằng phẳng.
Vượt qua sông Aravacchā, ngàn vị vua quan tiếrp tục hành trình tìm Bậc Đạo sư, đến con sông Nīḷavahanā, sông này sâu rộng nửa gāvuta.
Theo cách thức trước, ngàn vị vua quan niệm tưởng ân đức Pháp, khi hỷ lạc phát sinh, Đức vua Mahā Kappina phát nguyện chân ngôn rằng:
Yadi santigamo maggo, mokkho caccantikaṃ sukhaṃ.
Etena saccavajjena, gamanaṃ me samijjhatu.
"Pháp là con đường an tịnh, thoát ra nghi hoặc đưa đến an lạc.
Do lời chân thật này, tôi thành tựu sự ra đi".
Và tất cả ngàn vua quan vượt qua dòng sông thứ hai.
Khi đến dòng sông thứ ba là Candabhāgā sâu và rộng một gāvuta, ngàn vị vua quan lại niệm tưởng ân đức Tăng. Khi hỷ lạc sinh khỏi, vua Mahā Kappina phát nguyện chân ngôn rằng.
Saṅgho ve tiṇṇakantaro, puññakkhetto anuttaro.
Etena saccavajjena, gamanaṃ me samijjhatu.
"Tăng là bậc ra khỏi khu rừng; là ruộng phước cao thượng.
Do lời chân thật này, tôi thành tựu sự ra đi".
Và cả ngàn vua quan vượt qua dòng sông thứ ba.
(Ba kệ ngôn này do Ngài Mahā Kassapa nói lên, được trích ra từ bộ Apadāna)().
Khi vượt khỏi sông Candabhāgā là lúc bình minh ló dạng, đi một khoảng, ngàn vị vua quan thấy những tia hào quang sáu màu phóng ra từ nơi gốc cổ thụ Nigrodha (cây Bàng hay cây Đa), toàn thân cây đều phủ màu vàng óng ánh, ngàn vị vua quan đồng suy nghĩ:
"Đây không phải là ánh sáng mặt trời, mặt trăng, không phải là hào quang chư thiên, Phạm thiên chi chi cả. Đây là hào quang của Bậc Đạo sư, Ngài ngự đến đây để tế độ chúng ta".
Và tất cả rời lưng ngựa, đi đến cội cây cổ thụ Nigrodha đảnh lễ Đức Thế Tôn.
Nguyên vào sáng hôm ấy, Đức Thế Tôn đưa Phật trí quán xét thế gian, thấy hình ảnh ngàn vua quan cùng những người vợ có vua Mahā Kappinan là trưởng, Tất cả lọt vào võng trí của Ngài.
Đức Thế Tôn suy nghĩ: "Như Lai hãy đến bờ sông Candabhāga để tế độ ngàn gia đình vua Mahākappina. Ví như vua Chuyển Luân ngự rakhỏỉ Hoàng cung để đón tiếp vị Đại thần hiền trí của mình"
Khi ngàn vị vua quan đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, toàn thân có cảm giác mát lạnh như được nhấm nhuần bởi dung dịch mát lạnh trong khối Phật quang, cùng nhau tìm nơi ngồi vào nơi hợp lẽ.
Đức Thế Tôn thuyết lên tuần tự pháp (anupubbakathā), là nói về bố thí, trì giới, các cảnh giới chư thiên, nguy hại của dục trần và nói đến sự xuất ly.
Khi nhận thấy tâm của ngàn vị vua quan đã nhu nhuyến sẵn sàng, ví như tấm vải sạch sẵn sàng nhuộm màu. Đức Thế Tôn thuyết lên Bốn sự thật: Sự khổ, nguyên nhân sinh khổ, sự diệt khổ và con đường dẫn đến diệt khổ.
Dứt pháp thoại cả ngàn vị vua quan chứng đạt Thánh quả Dự Lưu.
(Theo tập Visuddhimagga, vua Mahākappina chứng Thánh quả Anahàm, còn các vị Đại thần chứng Thánh quả Dự Lưu)().
Tất cả đều được xuất gia theo cách: "Etha bhikkhavo ... Hãy đến đây, này các Tỳkhưu ...".
Và ngàn vị Tân Tỳkhưu ngồi vây quanh Đức Thế Tôn ở phía sau.
Nói về Hoàng hậu Anojā, khi 500 thương nhân mang thư của vua Mahā Kappina đến, nói rằng:
– Thưa lịnh bà, Đại vương Mahā Kappina dạy chúng con đến găp lịnh bà để nhận tiền công là 300 ngàn tiền vàng.
– Này các người, vì sao tiền công cao như thế? Các ngươi đã làm việc gì đến Đại vương?
– Thưa lịnh bà, chúng con chẳng làm điều gì đến Đại vương. Chúng con chỉ báo tin tức kỳ diệu đến Đại vương mà thôi.
– Tin gì thế, các ngươi có thể cho ta biết được chăng?
– Thưa lịnh bà, được. Đó là Đức Phật đã xuất hiện trên thế gian.
Cũng như vua Mahā Kappina, Hoàng hậu Anojā ba lần lịm người trước tin tức kỳ diệu này, bà hỏi: "Này các người, khi nhận được tin này, Đức vua ban thưởng cho các ngươi bao nhiêu?".
– Thưa lịnh bà, là 100 ngàn đồng vàng.
Hoàng hậu Anojā ban thưởng cho 500 thương nhân 100 ngàn tiền vàng, rồi hỏi rằng:
– Này các người, còn tin tức kỳ diệu nào nữa?
– Thưa lịnh bà, Đức Pháp đã xuất hiện trên thế gian.
Hoàng hậu Anojā lại lịm người ba lần, rồi ban thưởng 100 ngàn tiền vàng cho 500 thương nhân.
Khi nhận được tin: "Đức Tăng đã xuất hiện trên thế gian", bà ban thưởng cho 500 thương nhân 100 ngàn tiền vàng, rồi hỏi rằng:
– Này các người, Đức vua còn dạy gì nữa chăng?
– Thưa lịnh bà, Đức vua dạy trao thư này đến lịnh bà, Đức vua cùng ngàn Đại thần đã lìa bỏ kinh thành ra đi tìm Bậc Đạo sư rồi.
Sau đó. 500 thương nhân chia nhau đi đến các dinh của các Đại thần trao thư đến gia tộc các vị ấy.
Khi xem thư của vua Mahā Kappina, Hoàng hậu Anojā cho mời những vị phu nhân của các Đại thần đến, thảo luận rằng:
– Này các vị phu nhân, vua Mahā Kassapa và chồng các nàng đã lìa bỏ kinh thành, giao hết tài sản cho các nàng, ra đi tìm Bậc Đạo sư. Bây giờ các nàng sẽ làm gì?
– Thưa Hoàng hậu, Hoàng hậu sẽ làm gì?
– Này các phu nhân, vua Mahā Kappina giao vương quốc lại cho ta, ra đi tìm Bậc Đạo sư, ví như người nhỗ bỏ nước bọt. Nếu như ta nhận vương quốc này, chẳng khác gì người liếm nước bọt kẻ khác, ta không si mê như vậy. Ta cũng lìa bỏ kinh thành ra đi tìm Bậc Đạo sư như vua Mahā Kappina vậy.
– Thưa Hoàng hậu, chúng tôi cũng sẽ theo Hoàng hậu, lìa bỏ kinh thành để ra đi tìm Bậc Đạo sư.
– Lành thay, lành thay, này các phu nhân.
Lập tức, Hoàng hậu cho thắng cổ phụng xa của mình và ngàn nữ nhân cũng cho thắng cổ xe dành riêng của mình. Tất cả ngàn vị nữ nhân có Hoàng hậu Anojā là trưởng đoàn, nhanh chóng lên đường, hướng về kinh thành Sāvatthi. Khi đến dòng sông Aravacchā, nước sông tràn bờ, Hoàng hậu Anojā bảo người đánh xe tìm dấu vết của vua Mahā Kappina cùng các vị Đại thần.
– Thưa lịnh bà, không tìm thấy dấu vết chi cả, cũng không thuyền bè chi cả để sang sông.
Với trí tuệ, Hoàng hậu Anojā suy nghĩ: "Chắc chắn Đức vua cùng các Đại thần vượt sông bằng ân đức Bậc Đạo sư". Hoàng hậu Anojā niệm tưởng rằng: "Ân đức Bậc Đạo sư không phải chỉ dành riêng cho người nam, ân đức Bậc Đạo sư luôn hộ trì đến chúng sinh. Vua Mahā Kappina nương vào ân đức Bậc Đạo sư để sang sông, ta cũng sẽ thực hiện như thế".
Hoàng hậu Anojā bảo các nữ nhân tùy tùng: "Này các vị phu nhân, hãy chú tâm niệm tưởng ân đức Bậc Đạo sư, chúng ta sẽ vượt qua con sông dài này". Khi năm loại hỷ lạc sinh lên, bà nguyên rằng: "Mong Hồng ân Đức Đạo sư hãy gíup chúng con vượt qua con sông này, nước không còn là nước, nước hãy rắn chắc lại, ngay cả rèm xe cũng không bị ướt".
Rồi bà ra lịnh đánh xe vượt sông, ngàn cổ xe lao nhanh trên mặt nước tựa như lao trên đường bằng phẳng, tất cả đều vượt sông dài trong niềm hân hoan.
Lại gặp con sông thứ hai, Hoàng hậu Anojā theo phương thức trước, niệm tưởng ân đức Pháp và cùng nhau vượt sông an lành.
Đến con sông Candabhāgā, Hoàng hậu Anojā cùng ngàn vị phu nhân niệm tưởng ân đức Tăng, rồi cùng nhau vượt sông.
Khi đến bờ sông, Hoàng hậu Anojā nhìn thấy dấu chân ngựa Supatta của vua Mahā Kappina, bà cùng những vị nữ nhân vô cùng sung sướng, đồng thời thấy hào quang rực rỡ sáu màu của Đức Thế Tôn. Bà xác định: "Đây là hào quang của Bậc Đạo sư", bà xuống xe, cùng với những nữ nhân tùy tùng lần theo dấu chân của vua Mahā Kappina đi đến gần cội cây Nigrodha.
Đức Thế Tôn dùng thần thông che khuất ngàn vị Tỳkhưu đang ngồi phía sau Ngài, Ngài biết rằng: "Khi cả ngàn nữ nhân này trông thấy chồng mình, sẽ phát sinh tâm ái luyến, như vậy sẽ là chướng ngại cho Thánh quả mà họ có khả năng chứng đạt.
Khi nhìn thấy Đức Thế Tôn đang ngồi nơi cội cây Nigrodha, Hoàng hậu Anojā cùng những nữ nhân tùy tùng đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi ngồi vào nơi hợp lẽ, bạch hỏi rằng:
– Bạch Thế Tôn, Ngài có thấy vua Mahā Kassapa cùng các vị Đại thần chăng?
– Này các nữ nhân, các người hãy chú tâm nghe pháp, rồi các người sẽ gặp lại Mahā Kappina cùng hội chúng của vị ấy.
– Lành thay, lành thay, bạch Đức Thế Tôn.
Các nữ nhân chú ý nghe pháp, dứt pháp thoại tất cả đều chứng Thánh quả Dự lưu.
Các vị Tân Tỳkhưu có Mahā Kappina là trưởng chứng Thánh quả Alahán cùng với tuệ phân tích.
Đức Thế Tôn thu hồi thần thông, ngàn nữ nhân nhìn thấy ngàn vị Tỳkhưu trước đây là chồng mình đã xuất gia trong Giáo pháp. Các nữ nhân suy nghĩ: "Chúng ta cũng nên xuất gia trong Giáo pháp này", tất cả xin được xuất gia. Đức Thế Tôn suy nghĩ: "Nữ thượng thủ thinh văn thứ II của Đấng Như Lai, hãy đến đây".
Nhận được lịnh của Đức Thế Tôn, Trưởng lão ni Uppalavaṇṇā theo đường hư không đến cội cây Nigrodha, đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi đứng sang một bên. Đức Thế Tôn dạy:
– Này Upalavaṇṇā, hãy đưa các nữ nhân này về Ni viện trong thành Sāvatthi để xuất gia trong Giáo pháp này".
– Thưa vâng, Bạch Đức Thế Tôn.
Và bà Uppalavaṇṇā đưa ngàn nữ nhân về Ni viện.
(Bản văn trong Bản Sớ giải kinh Pháp cú ghi nhận rằng: "Đức Thế Tôn bảo ngàn nữ nhân đến thành Sāvatthi, đi đến Ni viện để xuất gia.
Trên đường đi đến Ni viện dài 120 do tuần, các vị nhận được những vật cúng dường rất trọng hậu từ đại chúng".
Chúng tôi cho rằng: "Không hợp lý lắm".
Vì rằng: Những nữ ấy ấy rất xinh đẹp, lại nữa con dường rất dài. Do vậy sẽ có những nguy hiểm xảy đến cho các nữ nhân ấy.
Thích hợp nhất là: "Đức Thế Tôn dạy bà Thánh nữ Alahán Upalavaṇṇā dùng thần thông đưa ngàn nữ nhân về kinh thành Sāvatthi, để có sự an toàn cho các nữ nhân ấy).
Tương truyền, khi chứng Thánh quả Alahán, Trưởng lão Mahā Kappina khi đi kinh hành nơi đường kinh hành hay ngồi nơi nhà nghỉ ngơi, khi cao hứng thường thốt lên: "Aho sukhaṃ; aho sukhaṃ: Ôi ! an lạc thay, ôi ! an lạc thay". Các vị Tỳkhưu phàm ngỡ Ngài còn lưu luyến cuộc sống khi còn là vị vua, nên bạch với Đức Thế Tôn về việc này. Đức Thế Tôn cho gọi Trưởng lão Mahā Kappina đến, hỏi rằng:
– Này Mahā Kappina, được nghe nói rằng: "Khi cao hứng ngươi thường nói "Ôi! An lạc thay, ôi ! an lạc thay". Việc này có đúng như vậy chăng?
– Bạch Thế Tôn, có thật như vậy.
– Này Mahā Kappina, có phải ngươi hồi tưởng lại cuộc sống đế vương rồi thốt ra như vậy chăng?
– Bạch Thế Tôn, Ngài rõ biết con có như vậy hay không có như vậy rồi.
Đức Thế Tôn xác nhận rằng:
– Này các Tỳkhưu, con của Như Lai không vì dục lạc ngũ trần mà thốt ra như vậy. Con Như Lai đã nếm vị Bất tử là Nípbàn nên cao hứng thốt ra như vậy.
Tiếp theo Đức Thế Tôn thuyết lên kệ ngôn.
79- Dhammapīti sukhaṃ seti; vippasannena cetasā.
Ariyappavedite dhamme; sadā ramati paṇḍito.
"Pháp hỷ sống an lạc; với tâm tư trong sáng.
Nghe được pháp cao quý; bậc trí thường hân hoan" ().
Sở hành Trưởng lão rất thanh tịnh, có lần một ngày Uposatha (Bốtát), các vị Tỳkhưu tề tựu ở Veḷuvanavihāra (Đại tự Trúc Lâm) để thực hành lễ Uposatha. Bấy giờ Trưởng lão Mahā Kappina đang trú ngụ ở Maddakucchi (khu bả0 tồn thiên nhiên ở gần thành Vương xá, dưới chân núi Gijjhakūṭa), Ngài suy nghĩ rằng: "Ta nên đi thực hành lễ Uposatha hay không nên đi. Vì ta đã trong sạch với sự trong sạch cao nhất".
Với tâm mình biết được ý nghĩ của Trưởng lão Mahā Kappina, Đức Thế Tôn biến mất ở núi Gijjhakūṭa (núi Kên Kên), xuất hiện ngay trước Trưởng lão Mahā Kappina.
Sau khi đã ngồi vào nơi được soạn sẵn, Đức Thế Tôn đã dạy Trưởng lão Mahā Kappina rằng:
– Nếu các ngươi là những người có phạm hạnh, không tôn trọng, không kính trọng, không quí trọng, không cúng dường lễ Uposatha thì ai là người tôn trọng, kính trọng, quí trọng và cúng dường lễ Uposatha?.
Này người có Phạm hạnh, ngươi hãy đi (tham dự) lễ Uposatha, chớ có không đi.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn().
Trưởng lão Mahā Kappina là vị chứng đắc thần thông, Ngài theo Đức Thế Tôn lên cõi Phạm thiên để tế độ vị Phạm thiên tà kiến().
Có lần Đức Thế Tôn thấy Trưởng lão Mahā Kappina thiền tịnh với thân không rung động hay giao động. Nhân đó, Đức Thế Tôn nêu gương thiền tịnh cho các Tỳkhưu và Đức Thế Tôn thuyết lên bài pháp niệm hơi thở vào, niệm hơi thở ra().
Trưởng lão Mahā Kappina là người thích yên tịnh nên thường an trú tâm vàoArahattaphalasamādhi (định quả Alahán), do vậy nên Ngài ít giảng pháp đến các vị Tỳkhưu. Một hôm Đức Thế Tôn hỏi vị Trưởng lảo (là Đại thần trước đây của vua Mahā Kappina).
– Này Tỳkhưu, Tỳkhưu Mahā Kappina có thường giảng pháp đến các ngươi chăng?
– Bạch Thế Tôn, Tôn giả Mahā Kappina thường an trú trong thiền nên không có giảng pháp.
Đức Thế Tôn dạy Trưởng lão Mahā Kappina nên giảng pháp để tế độ đệ tử và với thời pháp đầu tiên, Ngài Mahā Kappina đã tế độ cả ngàn vị Tỳkhưu chứng đắc Thánh quả.
Giữa đại chúng, Đức Thế Tôn ban cho Trưởng lão địa vị "đệ nhất về Giáo giới Tỳkhưu"().
Không những giảng pháp đến các vị Tỳkhưu, Trưởng lão Mahā Kappina cũng giảng pháp đến các Tỳkhưu ni(); trong tập Kệ ngôn Trưởng lão Tăng có ghi nhận 10 kệ ngôn của Ngài.
Trưởng lão Mahā Kappina và Trưởng lão Sāriputta rất thân tình với nhau, có lần thấy các vị Phạm thiên đảnh lễ Ngài Sāriputta (XáLợiPhất), Trưởng lão Mahā Kappina hoan hỷ mĩm cười().
* Kinh thành Kukkuṭa.
Là một kinh thành của một quốc độ ở vùng biên địa gần dãy Hymãlạpsơn, rộng 300 dotuần().
Theo một vài truyền thuyết, kinh đô của vua Mahā Kappina trị vì trước khi Ngài xuất gia là Kukkuṭavatī, không phải là Kukkuṭa. Có thể Kukkuṭa là tên quốc độ, còn Kukkuṭavatī là tên kinh thành; Kukkuṭavatī cách kinh thành Sāvatthi (Xávệ) là 120 dotuần, giữa hai thành phố có con đường thông thương, trên đường có ba con sông chảy ngang qua là Aravacchā, Nīḷavāhanā và Candabhāgā, mỗi con sông có cây cầu bắt ngang qua nối liền trục lộ giao thông.
Ngoài ra, có con đường khác đi từ kinh thành Kukkuṭavatī đến Majjimadesa().
*Trưởng lão Paccaya.
Trong thời Đức Phật Gotama còn tại tiền, Ngài sinh ra trong một gia tộc Vương tử ở thành Rohī (Rohinī), được đặt tên là Paccaya.
Khi cha mệnh chung, Ngài thọ hưởng gia tài sung mãn.
Được tin Đức Thế Tôn cùng Tăng chúng du hành đến xứ Rohī, Ngài tổ chức cuộc đại thí cúng dường đến Đức Phật và Tăng chúng.
Thiên vương Vessavana hân hoan kiến tạo một sảnh đường bằng vàng rộng lớn ở giữa hư không để cúng dường đến Đức Thế Tôn và Tăng chúng.
Ngồi vào chiếc ngai vàng nạm ngọc, Đức Thế Tôn thuyết lên pháp thoại, đại chúng mải ngắm tòa sảnh đường bằng vàng cùng chiếc ngai vàng nạm ngọc, nên chẳng chú ý nhiều đến lời dạy Đức Phật, riêng Ngài Paccaya chú ý lắng nghe pháp thoại.
Dứt pháp thoại, Ngài Paccaya xin được xuất gia trong Tăng đoàn.
Sau khi xuất gia, Ngài đi vào liêu thất phát nguyện: "Nếu chưa chứng đạt Thánh quả, ta không lìa bỏ nơi này". Ngài nỗ lực thực hành pháp, năm ngày sau Ngài chứng Thánh quả Alahán.
Hân hoan Ngài nói lên kệ ngôn như lời tuyên bố lên Thánh trí của mình.
222- Pañcāhāhaṃ pabbajito; sekho appattamānaso.
Vihāraṃ me paviṭṭhassa; cetaso paṇidhī ahu.
"Ta xuất gia năm ngày; ý hữu học chưa đạt.
Ta trú hạnh viễn ly; tâm ước nguyện như sau".
223- Nāsissaṃ na pivissāmi; vihārato na nikkhame.
Napi passaṃ nipātessaṃ; taṇhāsalle anūhate.
"Sẽ không dùng vật thực, sẽ không ra chỗ trú.
Sẽ không nằm xuống, khi mũi tên ái chưa rút ra".
224- Tassa mevaṃ viharato; passa vīriyaparakkamaṃ.
Tisso vijjā anuppattā; kataṃ buddhassa sāsana''nti.
"Ta sống với hạnh như vậy, ta nỗ lực tinh cần.
Ba minh ta chứng đạt; làm xong lời Phật dạy"().
Tiền sự.
Vào thời Đức Phật Vipassī, tiền thân Ngài Paccaya được gặp Đức Thế Tôn nơi bờ sông Vinatā, có cúng dường đến Đức Phật trái sung (udumbara).
Vào thời Đức Phật Kassapa, tiền thân Ngài Paccaya là vị Tỳkhưu trong Giáo pháp của Đức Pật Kassapa. Vị Tỳkhưu ấy có phát nguyện sẽ không ăn uống, không rời liêu thất cho đến khi nào chứng được Thánh quả.
Nhưng Ngài mệnh chung trước khi ước nguyện trở thành sự thật.
Ngài có thể là Trưởng lão Udumbaraphaladāyaka trong tập Apadāna().
*Trưởng lão Yasoja.
Trong thời Đức Phật còn tại tiền, Ngài sinh ra trong một làng chài gần cổng thành Sāvatthi (Xávệ), là trưởng làng chài có 500 gia đình, vào ngày hài tử sinh ra có 500 bé trai cùng sinh ra trong làng, do nhân đó hài tử được đặt tên là Yasajoti (danh tiếng chói sáng) về sau thường được gọi là Yasoja.
Người thôn trưởng đã chu cấp nuôi dưỡng 500 bé trai và tất cả trở thành tùy tùng của Yasoja.
Có lần gia chủ Yasoja cùng 500 tùy tùng đánh cá trên sông Aciravatī, bắt được con cá lớn có thân hình màu vàng sáng chói.
Năm trăm người dân chài mang con cá vàng dâng lên vua Pasenadi (PaTưNặc), vua Pasenadi thấy con cá vàng xinh đẹp, nói rằng:
– Việc này ngoài Đức Thế Tôn, hẳn không ai biết được tiền nghiệp của con cá vàng này, Vậy ta hãy mang con cá vàng đến hỏi Đức Thế Tôn.
Con cá vàng khi mở miệng ra, mùi hôi thối xông lên nồng nặc lan khắp cả hoàng cung. Khi mang con cá vàng đến Đại tự Kỳviên (Jetavanavihāra), Đức vua Pasenadi (PaTưNặc) bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:
– Bạch Thế Tôn, do nhân chi con cá này có màu vàng óng ánh xinh đẹp? Do nhân chi khi nó mở miệng ra, mùi hôi thối xông ra nồng nặc?
Đức Thế Tôn thuyết lại tiền sự của con cá vàng.
*Tỳkhưu Kapila.
Khi Đức Thế Tôn Kassapa viên tịch, Giáo pháp của Đức Chánh giác đang rực sáng trong thế gian.
Có anh em xin được xuất gia trong Tăng đoàn, người anh có tên là Sodhana, người em tên là Kapila.
Ngài Sodhana đã cao tuổi nên sau khi ở với thầy Tế độ trọn vẹn năm năm, xin thầy Tế độ đề mục thiền tịnh và Ngài đi vào nơi thanh vắng để hành pháp Samôn. Ngài Sodhana tinh cần hành pháp, chẳng bao lâu chứng đạt Thánh quả Alahán.
Còn Tỳkhưu Kapila còn trẻ tuổi nên thiên về Pháp học, nhờ thông minh nên chẳng bao lâu vị ấy thông thuộc Pháp và Luật của Đức Thế Tôn Kassapa đã giáo truyền, vị ấy có nhiều đồ chúng vây quanh, lợi đắc, cung kỉnh đã phát sinh rất nhiều đến vị ấy. Thế là, Tỳkhưu Kapila phát sinh kiêu mạn rằng: "Ta là bậc đại trí".
Do tự hào là bậc đại trí, nên khi luận pháp với các vị Đồng Phạm hạnh, Tỳkhưu Kapila dùng biện tài của mình bẻ cong sự thật, nói lên những điều sai lệch chân lý. Không hợp pháp cho là hợp pháp, hợp pháp cho là không hợp pháp; vô tội cho là có tội, có tội cho là vô tội ...
Các Tỳkhưu có Giới hạnh đã khuyên giải rằng:
– Này hiền giả Kapila, hiền giả chớ nên nói thế.
Tỳkhưu Kapila phẫn nộ , mắng chửi các Tỳkhưu hiền thiện rằng:
– Các vị mà biết cái gì? Các vị là người nắm bàn tay trắng.
Các vị Tỳkhưu hiền thiện trình đến Trưởng lão Sodhana về việc này, Trưởng lão Sodhana đi đến khuyên Tỳkhưu Kapila rằng:
– Này Hiền giả Kapila, sự thực hành chân chánh của các Tỳkhưu được xem là tuổi thọ của Giáo pháp. Hiền giả hãy nói và làm theo chánh pháp để duy trì tuổi thọ Giáo pháp.
Tuy Trưởng lão Sodhana khuyên giải, nhắc nhở đôi ba lần, nhưng Tỳkhưu Kapila vẫn gạt bỏ ngoài tai. Trưởng lão Sodhana suy nghĩ: "Tỳkhưu Kapila là người khó dạy, không vâng lời ta".
Ngài nói với Tỳkhưu Kapila rằng:
– Này Kapila, ngươi ngoan cố không sửa đổi sở hành của mình, ngươi sẽ nhận lãnh những ác quả mà ngươi đã tạo vậy".
Trưởng lão Sodhana bỏ đi, kể từ đó những vị Tỳkhưu có giói hạnh xa lánh Tỳkhưu Kapila. Và những Tỳkhưu bất thiện thân cận với Tỳkhưu Kapila.
Vào ngày Uposatha (Bốtát)(), các Tỳkhưu hiền thiện tề tựu lại để tụng Giới bổn, Tỳkhưu Kapila cũng đến dự lễ Uposatha, với ý nghĩ: "Ta sẽ là người tụng Giới bổn".
Khi đến, Tỳkhưu Kapila cầm quạt, ngồi vào pháp tọa nơi Giảng pháp đường, hỏi rằng:
– Này chư Hiền, các vị tề tựu nơi đây để thực hành lễ Uposatha phải chăng?.
Các vị Tỳkhưu im lặng, cảm thấy bị xúc chạm, Tỳkhưu Kapila suy nghĩ: "Có cần thiết gì ta phải vấn đáp với các Tỳkhưu này chứ".
Tỳkhưu Kapila phẫn nộ nói rằng:
– Này các Tỳkhưu, nơi đây không có Pháp cũng không có Luật. Giới bổn đối với các người có lợi ích gì?
Rồi Tỳkhưu Kapila bước xuống Pháp tọa ra khỏi Giảng đường. Tỳkhưu Kapila đã phỉ báng Pháp Luật của Đức Thế Tôn Kassapa như thế. Trưởng lão Sodhana viên tịch ngay trong ngày hôm ấy.
Mẹ của Tỳkhưu Kapila là Tỳkhưu ni Sodhanā, em gái của Tỳkhưu Kapila là Tỳkhưu ni Tāpanā cũng vì lợi đắc, danh vọng nên có khuynh hướng theo Tỳkhưu Kapila, hai người đã mắng chửi các Tỳkhưu hiền thiện.
Mạng chung, cả ba đều tái sinh vào địa ngục Atỳ (Avīci).
Tỳ khưu Kapila thọ khổ trong địa ngục Atỳ suốt thời gian dài kể từ Đức Phật Kassapa đến thời Đức Phật Gotama, khi thoát ra khỏi địa ngục tỳ, y tái sinh làm con cá sống nơi dòng sông Aciravatī.
Con cá có màu vàng óng ánh, do nhân thân giới được gìn giữ tốt đẹp; do nhân phỉ báng Pháp luật của Đức Thế Tôn Kassapa, nên con cá khi mở miệng ra có mùi hôi thối nồng nặc lan khắp nơi.
Đức Thế Tôn dạy tiếp rằng:
– Này Đại vương, con cá vàng này là hậu thân của Tỳkhưu Kapila. Như Lai sẽ khiến con cá vàng này tự nói lên tiền sự của mình.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Với năng lực của vị Chánh giác, Đức Thế Tôn hỏi con cá vàng và khi nó trả lời đại chúng sẽ nghe rõ lời của nó.
– Này cá vàng Aciravatī, thuở trước ngươi là ai?
Và con cá vàng lần lượt trả lời những câu hỏi của Đức Thế Tôn.
– Này cá vàng, hiện nay mẹ và em gái của ngươi hiện đang ở đâu?
– Bạch Thế Tôn, hiện đang thọ khổ trong địa ngục Atỳ.
– Hiện tại, sau khi chết ngươi sẽ tái sinh về đâu?
– Bạch Thế Tôn, con không tạo được thiện nghiệp nào khi là con cá vàng, con chắc phải rơi trở lại địa ngục thôi.
Và con cá vàng được phóng thích xuống sông Aciraavatī, nhưng nó sầu não vì nhớ lại ác hạnh của mình, nên lao đầu vào mạn thuyền chết, nó lại tái sinh trở lại địa ngục Atỳ.
Đại chúng kinh cảm cho ác nghiệp phỉ báng Pháp Luật của Đấng Như Lai. Đưa Phật trí quán xét hội chúng, Đức Thế Tôn thuyết lên bài kinh Kapila trong tập Suttanipāta (Kinh Tụng), của Khuddaka nikāya (Tiểu bộ kinh).
Tiiếp theo Đức Thế Tôn thuyêt lên những kệ ngôn .
334- Manujassa pamattacārino; taṇhā vaḍḍhati māluvā viya.
So plavatī hurā huraṃ; phalamicchaṃva vanasmi vānaro.
"Người sống đời phóng dật; ái tăng như dây leo.
Nhảy đời này đời khác; như vượn tham trái rừng".
335- Yaṃ esā sahate jammī; taṇhā loke visattikā.
Sokā tassa pavaḍḍhanti; abhivaṭṭhaṃva bīraṇaṃ.
"Ai sống trong đời này; bị ái dục ràng buộc.
Sầu khổ sẽ tăng trưởng; như cỏ Bi gặp mưa".
336- Yo cetaṃ sahate jammiṃ; taṇhaṃ loke duraccayaṃ.
Sokā tamhā papatanti; udabinduva pokkharā.
"Ai sống trong đời này; ái dục được hàng phục.
Sầu rời khỏi người ấy; như giọt nước lá sen".
337- Taṃ vo vadāmi bhaddaṃ vo; yāvantettha samāgatā.
Taṇhāya mūlaṃ khaṇatha; usīratthova bīraṇaṃ.
Mā vo naḷaṃva sotova, māro bhañji punappunaṃ.
"Đây điềm lành ta dạy; các ngươi tụ hop đây.
Hãy nhỗ tận gốc ái; như nhỗ gốc cỏ Bi.
Chớ để ma phá hoại; như giòng nước cỏ lau" (HT. TMC d)().
Khi ấy 500 người dân chài có Ngài Yasoja là trưởng, kinh cảm cho ác nghiệp chài lưới của mình, nên xin được xuất gia trong Tăng đoàn.
Sau khi xuất gia, 500 vị Tỳkhưu có Ngài Yasoja là trưởng cùng nhau đi đến Đại tự Kỳviên (Jetavanavihāra) để yết kiến Đức Thế Tôn. Nhưng do thói quen của người dân chài, những vị Tỳkhưu này gây ồn ào huyên náo nơi Đại tự Kỳviên, Đức Thế Tôn đã đuổi tất cả ra đi.
Năm trăm vị Tỳkhưu đi đến dòng sông Yaggumudā thuộc xứ Vajji, dựng liều để an cư mùa mưa.
Trong mùa an cư ấy, tất cả nỗ lực hành pháp và chứng đạt Alahán Tam minh().
Sau khi mãn mùa an cư, Đức Thế Tôn cùng đại chúng Tỳkhưu du hành đến Vesāli, Ngài trú ngụ nơi Đại lâm (Mahāvana) gần kinh thành Vesāli.
Đức Thế Tôn bảo Ngài Ānanda cho vị Tỳkhưu sứ giả đến nơi cư ngụ của 500 vị Tỳkhưu có Ngài Yasoja là trưởng, nhân danh Đức Đạo sư cho gọi 500 vị Tỳkhưu đến hầu Đức Thế Tôn.
Nhận được lịnh của Đức Thế Tôn qua vị Tỳkhưu sứ giả, cả 500 vị sau khi thu xếp các vật dụng Samôn, biến mất ở dòng sông Vaggumudā xuất hiện nơi Đại lâm. Khi ấy, Đức Thế Tôn đang an trú trong định bất động. 500 vị Tỳkhưu thấy thế cũng ngồi xuống chung quanh, an trú tâm vào định bất động. Bản Sớ giải tập Udāna (Cảm hứng ngữ) có giải thích: "Đức Thế Tôn an trú tâm trong định nhập để tiếp kiến 500 vị Tỳkhưu, hàm ý Ngài xem những vị ấy là bậc Đồng phạm hạnh"().
Khi đêm gần mãn, Ngài Ānanda ba lần tác bạch đến Đức Thế Tôn:
– Bạch Đức Thế Tôn, các vị Tỳkhưu mới đến đã ngồi lâu".
Đức Thế Tôn xuất ra khỏi định bất động, dạy Ngài Ānanda rằng:
– Này Ānanda, nếu ngươi hiểu biết, ngươi sẽ không tác bạch như vậy. Này Ānanda, Ta và 500 Tỳkhưu đang an trú tâm trong định bất động.
Sau khi hiểu thấu ý nghĩa này, Đức Thế Tôn nói lên Cảm hứng ngữ (Udāna) như sau.
Yassa jito kāmakaṇṭako,
Akkoso ca vadho ca bandhanañca;
Pabbatova so ṭhito anejo,
Sukhadukkhesu na vedhatī sa bhikkhū.
"Ai đã thắng gai dục; nóng bức, tai hại, trói buộc.
Vị ấy đứng bất động; như núi vững an trú.
Vị Tỳkhưu như vậy; lạc khổ không giao động" (HT.TMC dịch)()
Vì Ngài Yasoja tinh cần thực hành pháp nên gầy ốm và đen, Đức Thế Tôn có kệ ngôn tán thán Ngài Yasoja như vầy.
243- Kālapabbaṅgasaṅkāso; kiso dhamanisanthato.
Mattaññū annapānamhi; adīnamanaso naro.
"Một người đen, gầy mòn; yếu, ốm, đầy đường gân.
Tiết độ trong ăn uống; tâm tư không ưu não"(HT. TMC d)().
Ngài Yasoja có hai kệ ngôn để tuyên bố lên Thánh trí của mình như sau.
244- Phuṭṭho ḍaṃsehi makasehi; araññasmiṃ brahāvane.
Nāgo saṅgāmasīseva; sato tatrādhivāsaye.
"Trong rừng núi rộng lớn; bị muỗi, ruồi đốt cắn.
Như con voi lâm trận; ta ghi nhận, chịu đựng".
245- Yathā brahmā tathā eko; yathā devo tathā duve.
Yathā gāmo tathā tayo; kolāhalaṃ tatuttari''nti.
"Sống một như Phạm thiên; sống hai như chư Thiên.
Sống ba như làng mạc; nhiều hơn như ở chợ" (sđd).
Trong Tạng Luật có ghi nhận. Một thời Ngài Yasoja bị bịnh, thuốc được mang đến cho Ngài, nhưng vì Giới luật các vị Tỳkhưu tích trử chúng ở ngoài khuôn viên Tự viện, các con thú hoang đã ăn những được phẩm ấy, những tên trộm đã lấy mất những dược phẩm ấy.
Sự việc được trình bạch đến Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn cho phép các Tỳkhưu quy định chỗ tích trữ dược phẩm (kappiyabhūmi) ()
Tiền sự.
Vào thời Đức Phật Vipassī, tiền thân Ngài Yasoja là người giữ vườn (ārāmagopalā), có cúng dường Đức Phật Vipassī trái sakê (labuja)().
Vào thời Phật Kassapa, tiền thân Ngài Yasoja là chúa đảng cướp 500 tên. Cả bọn bị rượt vô rừng và xin một Trưởng lão đang sống trong đó bảo vệ, vị Trưởng lão khuyên họ giữ năm giới.
Không bao lâu sau họ bị bắt và bị giết chết. Do có tâm không oán thù, nên tất cả tái sanh về Thiên giới .
Vào thời Đức Phật hiện tại, 500 vị Thiên tử tái sinh về nhân giới, cùng ở trong làng chài lưới gần thành Sāvatthī().
*Trưởng lão Samitigutta.
Trong thời Đức Thế Tôn tại tiền, Ngài sinh ra trong một gia tộc Bàlamôn trong kinh thành Sāvatthi (Xávệ), được đặt tên là Samitigutta (Giữ hòa khí).
Được nghe pháp từ Đức Thế Tôn, Ngài hoan hỷ xin xuất gia trong Tăng đoàn và đạt được Giới thanh tịnh().
Nhưng rồi ác nghiệp trong quá khứ đến hồi trổ quả, Ngài mắc bịnh cùi, tay chân rụng lần lần, Ngài sống trong một căn phòng bệnh của một phước xá. Một hôm, Ngài Sāriputta (XáLợiPhất) đến viếng thăm các vị Tỳkhưu bệnh, có đến viếng Ngài Samitigutta, Ngài Sāriputta có giảng cho Ngài Samitigutta bài pháp ngắn rằng: "Này hiền giả, khi có 5 thủ uẩn thời có khổ thọ. Khi chấm dứt 5 thủ uẩn thì toàn bộ khổ thọ chấm dứt".
Rồi Ngài Sāriputta ra đi, nhưng thời pháp ngắn đã làm phấn khởi tâm của Samitigutta, Ngài lấy đó làm đề mục quán tưởng, nỗ lực thực hành pháp và Ngài Samitigutta chứng Thánh quả Alahán cùng với 5 Thắng trí.
Nhờ đó Ngài nhớ lại được các ác hạnh của mình đã tạo trong quá khứ, khiến hiện tại Ngài mắc bịnh cùi. Hân hoan với Thánh quả giải thoát, Ngài nói lên kệ ngôn.
81- Yaṃ mayā pakataṃ pāpaṃ; pubbe aññāsu jātisu.
Idheva taṃ vedanīyaṃ; vatthu aññaṃ na vijjatī''ti.
"Việc ác ta đã làm; trong các đời sống trước.
Ở đây chỉ cảm thọ; thọ lãnh từ nghiệp ấy.
Căn bản các nghiệp khác; thật sự không còn nữa" (HT. TMC d)().
Tiền sự.
Vào thời Đức Phật Vipassī, tiền thân Ngài Samitigutta là một gia chủ có cúng dường đến Đức Phật Vipassī vòng hoa lài.
Trong một tiền kiếp sau đó, tiền thân Ngài Samitigutta là một Bàlamôn danh tiếng, do tự hào về dòng tộc Bàlamôn, Bàlamôn này đã mắng vị Phật Độc giác là: "Đồ cùi thiếu ăn" và nhổ nước bọt vào mặt vị Phật Độc giác, nên bị đọa vào địa ngục.
Vào thời Đức Phật Kassapa, tiền thân Ngài Samitigutta là một du sĩ, trong cơn nóng giận du sĩ đã nguyền rủa vị Thánh đệ tử của Đức Phật Kassapa: "Sẽ thành thằng cùi", ngoài ra du sĩ còn phá hư vật thoa (xàphòng) để trong chỗ tắm công cộng.
Vì các ác ngiệp này, nên Ngài Samitigutta mang bịnh cùi trong kiếp hiện tại(). Ngài là Trưởng lão Jātipūjaka được nói trong tập Apadāna().
*Trưởng lão ni Addhakāsī.
Tiền sự.
Vào thời Đức Phật Kassapa, tiền thân bà Addhakāsī là vị Tỳkhưu ni giữ giới rất nghiêm túc, nhưng bà lại gọi một vị Thánh nữ Alahán là kỹ nữ, mệnh chung bà rơi vào địa ngục.
Kiếp sống cuối.
Vào thời Đức Phật tại tiền, nàng sinh ra trong một gia tộc giàu sang danh tiếng ở xứ Kāsi, nhưng do ác nghiệp quá khứ, nàng phải hành nghề kỹ nữ. Addhakāsī là biệt danh, không phải là tên của nàng.
Ngài Buddhaghosa có giải thích chữ Kāsī như sau: "Kāsī là 1.000 đồng vàng hay món vật gì có giá trị 1.000 đồng vàng, được gọi là Kāsiya"().
Theo Ngài Dhammapāla: "Kāsī là lợi tức của vua Bimbisāra (BìnhSa) mỗi ngày, bằng 1.000 đồng vàng. Những người khách của nàng kỹ nữ, mỗi ngày phải trả cho nàng 1.000 đồng vàng, việc này dựa vào kệ ngôn của bà.
Về sau, những người khách trả cho nàng 500 đồng vàng cũng có thể sống với nàng một ngày. Do vậy, nàng được gọi là Addhakāsī (nửa Kāsī)"().
Được nghe pháp Đức Thế Tôn, nàng Addhakāsī xuất gia trong Ni đoàn, khi thọ Giới Tỳkhưu ni, nànng lên đường đến kinh thành Sāvatthi để được Tăng chúng chứng nhận. Nàng được tin báo có bọn phóng đảng chận đường, nàng gửi sứ giả đến xin phép Đức Thế Tôn cho nàng thọ giới Tỳkhưu nhưng vắng mặt và Đức Thế Tôn chấp thuận lời thỉnh cầu này. Đây là trường hợp ngoại lệ (), được ghi nhận trong Tạng Luật, bộ Culla vagga (Tiểu phẩm).
Nàng Addhakāsī tinh cần hành pháp, chứng đạt Thánh quả Alahán, nàng nói lên kệ ngôn để tuyên bố Thắng trí của mình.
25- Yāva kāsijanapado; suṅko me tatthako ahu.
Taṃ katvā negamo agghaṃ; aḍḍhenagghaṃ ṭhapesi maṃ.
"(Giá) tiền lạc thú nơi ta; không thua thuế Kāsi.
Sau khi so sánh giá; thôn trưởng định giá vậy".
26- Atha nibbindahaṃ rūpe; nibbindañca virajjahaṃ.
Mā puna jātisaṃsāraṃ; sandhāveyyaṃ punappunaṃ.
Tisso vijjā sacchikatā; kataṃ buddhassa sāsana''nti.
"Nay ta lại nhàm chán; chính sắc đẹp của ta.
Ta chán ngấy sắc ấy; ta không còn luyến tiếc.
Ba minh ta chứng đạt; thành tựu lời Phật dạy" (HT.TMC dịch)().
*Trưởng lão ni Therikā.
Trong thời Đức Phật còn tại tiền, nàng sinh ra trong một gia tộc ở kinh thành Vesāli (Quảng Nghiêm), vì có thân hình cao to nên được gọi là Therikā (Therikā không phải là tên của nàng, không rõ biết tên nàng là gì, khi xuất gia trong Ni đoàn nàng được gọi như thế), nàng là người vợ trung thành của một quý tộc trong kinh thành Vesāli.
Khi Đức Thế Tôn ngự đến kinh thành Vesāli để giải trừ ba tai nạn: Đói, bịnh dịch và phi nhân; Ngài thuyết lên Pháp thoại đến cư dân nơi thành Vesāli, nàng Therikā trở thành cận sự nữ trong Giáo pháp này.
Về sau khi nghe bà Di mẫu Mahāpajāpaṭi Gotamī giảng pháp, nàng muốn xuất gia trong Ni đoàn, nhưng không được chồng cho phép.
Một hôm trong lúc nấu ăn, ngọn lửa bùng lên cháy tiêu những món ăn, nàng lấy đó làm đề mục quán xét về tính vô thường của vạn pháp, đạt được thiền chứng và Thánh quả Anahàm.
Từ đó nàng không đeo những vật trang sức cùng với việc trang điểm, khi người chồng hỏi, nàng thưa thật rằng: "Không còn ham thích đời sống gia đình nữa".
Người chồng đồng ý cho nàng xuất gia, đưa nàng đến Trưởng lão ni Mahāpajāpaṭi Gotamī, đồng thời tổ chức lễ xuất gia cho nàng. Rồi đưa nàng đến yết kiến Bậc Đạo sư.
Đức Thế Tôn sách tấn nàng với kệ ngôn. Nàng lấy kệ ngôn ấy làm đề tài thiền quán, tinh cần thực hành pháp chứng đạt Thánh quả Alahán.
Nàng lập lại kệ ngôn trên như tuyên bố lên Thắng trí của mình.
1- Sukhaṃ supāhi therike; katvā coḷena pārutā.
Upasanto hi te rāgo, sukkhaḍākaṃ va kumbhiya''nti.
"Hãy ngủ trong an lạc; hỡi nàng thân đẩy đà.
Đấp phủ trong tấm y, chính mình tự làm lấy.
Lòng tham, nàng lắng dịu; như ghè khô trong lò" (HT. TMC d)().
Tiền sự.
Vào thời Đức Phật Konāgamana, tiền thân nàng Therikā có thỉnh Đức Thế Tôn nhận vật thực, nàng soạn sàng tọa cho Đức Thế Tôn trên nền cát và giăng tấm bố che nắng bên trên.
Vào thời Đức Phật Kassapa, nàng là vị Tỳkhưu ni trong Ni đoàn của Đức Phật().
*Trưởng lão Migasira.
Trong thời Đức Phật còn tại tiền, Ngài sinh ra trong một gia tộc Bàlamôn thuộc quốc độ Kosala, vì sinh ra dưới chòm sao Migasira (cũng là tên một tháng của xứ Ấn cổ()), nên được đặt tên là Migasira.
Khi trưởng thành Ngài tinh thông nghệ thuật Bàlamôn giáo, đồng thời luyện được chú thuật gõ sọ người, khi tụng chú thuật lên rồi lấy móng tay gỏ vào sọ người chết, Ngài biết được người này đang tái sinh về cảnh giới nào cho dù người ấy đã mệnh chung được ba năm.
Không thích thú với đời sống gia đình, Ngài xuất gia thành du sĩ, đi khắp làng mạc, thị thành với nghệ thuật gỏ sọ người, được đại chúng kính phục, cúng dường trọng thể.
Khi du hành đến kinh thành Sāvatthi (Xávệ), Ngài đi vào Jetavanavihāra (Đại tự Kỳviên) để trổ tài. Ngài tuyên bố trước Đức Thế Tôn rằng:
– Thưa Samôn Gotama, tôi có thể nói lên nơi tái sinh của những người đã chết.
– Ngươi làm như thế nào?
– Tôi tụng chú thuật rồi gỏ vào sọ người chết.
Với những vị đã chết khác, du sĩ Migasira nói lên được cảnh giới tái sinh , như: "Người này đang chịu khổ nơi địa ngục", "người này đang tái sinh vào đọa xứ", "người này tái sinh về thiên giới ...".
Đức Thế Tôn bảo lấy sọ vị Alahán đã viên tịch đến, du sĩ Migasira gỏ mãi cũng không tìm ra nơi tái sinh của vị ấy.
Du sĩ Migasira bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:
– Thưa Tôn giả Gotama, nơi tái sinh vị ấy ở đâu?
– Này du sĩ, vị ấy đã viên tịch.
– Ngài có thể dạy tôi bí quyết ấy chăng?
– Được, nhưng ngươi phải xuất gia trong Giáo pháp này.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Sau khi xuất gia, Đức Thế Tôn an trú Ngài Migasira vào đề mục thiền tịnh, nỗ lực hành pháp Ngài đạt được thiền chứng cùng 5 Thắng trí, rồi Ngài phát triển tuệ quán không bao lâu chứng đạt Thánh quả Alahán.
Hân hoan Ngài nói lên hai kệ ngôn, tuyên bố lên Thánh trí của mình.
181- Yato ahaṃ pabbajito; sammāsambuddhasāsane.
Vimuccamāno uggacchiṃ; kāmadhātuṃ upaccagaṃ.
"Từ khi ta xuất gia; trong Pháp bậc Chánh giác.
Giải thoát ta tiến lên; ta vượt qua Dục giới".
182- Brahmuno pekkhamānassa; tato cittaṃ vimucci me.
Akuppā me vimuttīti; sabbasaṃyojanakkhayā''ti.
"Nhờ Phạm chí quán sát; tâm ta được giải thoát.
Ta giải thoát bất động; mọi kiết sử đoạn diệt" (HT. TMC d)().
Tiền sự.
Vào thời Đức Phật Kassapa, tiền thân Ngài là Bàlamôn cúng dường Bồtát Kassapa tám bó cỏ Kusa.
Ngài chính là Trưởng lão Kusaṭṭhakadāyaka được nói đến trong tập Apadāna (Ký sự)().
*Trưởng lão Candābha.
Tiền sự.
Vào thời Đức Phật Kassapa, tiền thân Ngài Candābha là một người thợ rừng chuyên cung cấp gỗ trầm hương cho một thương nhân và kết bạn với thương nhân ấy. Vị thương nhân trú ngụ nơi kinh thành Bārāṇasī (Balanại).
Khi Đức Thế Tôn Kassapa viên tịch, lúc sắp hỏa thiêu kim thân Đức Thế Tôn, người thợ rừng đến thăm bạn mang theo số gỗ trầm hương quý.
Vị thương nhân dùng gỗ trầm hương quý tán nhuyễn ra để cúng dường đến nhục thân của Đức Thế Tôn nơi hỏa đài, đồng thời đưa người thợ rừng đến đảnh lễ nhục thân Đức Thế Tôn
Thấy vậy, người thợ rừng dùng gỗ trầm hương quý tạc thành một vòng tròn như mặt trăng, cúng dường nhục thân Đức Thế Tôn nơi hỏa đài.
Mệnh chung, người thợ rừng sinh về thiên giới thọ hưởng thiên sản với thời gian dài kể từ thời Đức Phật Kassapa đến thời Đức Phật Gotama.
Kiếp sống cuối.
Vào thời Đức Phật Gotama, hậu thân người thợ rừng từ thiên giới tái sinh về cõi người, là con một Bàlamôn đại trưởng giả (mahāsāla) trong thành Rājagaha (Vương xá).
Do phước cúng dường gỗ trầm hương hình mặt trăng nên hài tử có một vầng ánh sáng hình mặt trăng nơi bụng và hài tử được đặt tên là Candābha.
Thân tộc Bàlamôn của đồng tử Candābha cho rằng: "Đây là bậc đại phước, có thần lực do phước sinh ra. Chúng ta sinh sống từ hài tử này".
Các vị Bàlamôn đặt đồng tử Candābha ngồi trên cổ xe, đi khắp kinh thành Rājagaha (Vương xá) rao truyền rằng: "Đây là bậc đại phúc, người nào sờ vào người vị ấy sẽ được an lạc, hạnh phúc".
Những người sờ vào thân hình của đồng tử Candābha đã trả 100 đồng vàng cũng có, ngàn đồng vàng cũng có.
Các Bàlamôn đưa đồng tử Candābha đi khắp làng mạc thị trấn, dần dần đến kinh thành Sāvatthi (Xávệ).
Vào thời điểm ấy, nơi kinh thành Sāvatthi có 50 triệu vị Thánh đệ tử cư sĩ của Đức Thế Tôn. Vào buổi sáng các gia chủ mang vật thực đến Đại tự Kỳviên cúng dường Đức Thế Tôn và Tăng cúng, vào buổi chiều mang hương hoa cùng nước giải khát và thuốc trị bịnh đến cúng dường Tăng chúng rồi ngồi lại nghe pháp.
Các Bàlamôn thấy các gia chủ mang hương hoa cùng nước giải khát đến Đại tự Kỳviên cúng dường, hỏi rằng:
– Các người đi đâu vậy?
– Chúng tôi đến Đại tự Kỳviên cúng dường và nghe pháp.
– Các người đến nơi ấy có lợi ích chi đâu, không ai có thần lực như đồng tử Candābha của chúng tôi. Người nào sờ vào thân đồng tử sẽ được an lạc, hạnh phúc.
– Thần lực của đồng tử Candābha của các ông chẳng so sánh được với đại thần lực của Đức Thế Tôn.
Nhóm Bàlamôn và các gia chủ đệ tử của Đức Thế Tôn chẳng ai thuyết phục được ai, đồng ý với nhau rằng:
– Chúng ta hãy cùng đến Đại tự Kỳviên để xem ai có thần lực hơn ai.
Khi đến Hương thất của Đức Thế Tôn, hào quang vầng trăng nơi bụng của đồng tử Candābha biến mất, khi đưa đồng tử Candābha ra khỏi khu vực Hương thất của Đức Thế Tôn thì hào quang nơi bụng lại xuất hiện.
Cả ba lần đều như vậy, Candābha suy nghĩ:
– Có lẽ vị Samôn này có loại chú thuật làm tan biến hào quang.
Candābha đi vào yết kiến, đảnh lễ Đức Thế Tôn, bạch hỏi rằng:
– Thưa Ngài đại Samôn, có phải Ngài biết chú thuật làm tan biến hào quang?
– Này đồng tử, đúng vậy.
– Ngài có thể dạy cho tôi không?
– Được, nhưng ngươi phải xuất gia.
Đồng tử Candābha nói với các Bàlamôn thân tộc rằng: "Tôi sẽ xuất gia để học môn chú thuật này, khi thành công tôi sẽ là người tối thắng trong cõi Diêmphù. Các vị hãy nán đợi vài ngày.
Sau khi xuất gia, Đức Thế Tôn cho đồng tử Candābha quán tưởng đề mục thể trược. Vài ngày sau, nhóm Bàlamôn đến hỏi Candābha: "Đã học xong môn chú thuật ấy chưa?".
– Này các ông, tôi còn đang học.
Ngài Candābha nỗ lực hành pháp, vài ngày sau chứng đạt Thánh quả Alahán. Khi nhóm Bàlamôn đến hỏi, Ngài đáp rằng:
– Các người hãy trở về đi, giờ đây tôi đạt được pháp không du hành rồi (ám chỉ không còn luân hồi nữa).
Các vị Tỳkhưu nghe được câu chuyện này, cho rằng Ngài Candābha khoe pháp bậc cao nhân. Đức Thế Tôn dạy rằng:
– Này các Tỳkhưu, giờ đây Candābha con Như Lai đã diệt trừ mọi ô nhiễm rồi.
Tiếp theo Đức Thế Tôn thuyết lên kệ ngôn.
413- Candaṃva vimalaṃ suddhaṃ; vippasannamanāvilaṃ.
Nandībhavaparikkhīṇaṃ; tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ.
"Như trăng sạch không uế; sáng trong và tịnh lặng
Hữu ái được đoạn tận; Ta gọi Bàlamôn" (HT. TMC d)().
*Năm trăm vị Tỳkhưu quán vô thường.
Có 500 thiện gia nam tử xuất gia thọ giới Tỳkhưu trong Giáo pháp của Đức Thế Tôn.
Vào một mùa an cư, 500 vị thọ lãnh đề tài thiền quán rồi cùng nhau đi vào rừng để an cư mùa mưa.
Tuy tinh cần hành pháp, nhưng trọn mùa an cư ấy các Ngài không chứng đắc chi cả. Khi mãn mùa an cư các Ngài trở về Jetavanavihāra (Đại tự Kỳviên) đảnh lễ Đức Thế Tôn để xin thọ nhận đề mục thích hợp.
Đức Thế Tôn đưa Phật trí quán xét, thấy rằng: Trong thời Giáo pháp Đức Phật Kassapa, 500 Tỳkhưu này từng xuất gia trong Tăng đoàn và chuyên thực hành thiền quán với đề mục vô thường suốt 10 ngàn năm".
Đức Thế Tôn thuyết lên pháp thoại thích hợp với tiền hạnh của 500 vị Tỳkhưu, rồi Ngài dạy rằng:
– Này các Tỳkhưu, trong Tam giới này, tất cả các pháp hữu vi đều không bền vững, luôn chịu sự hoại vong.
Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn.
277- Sabbe saṅkhārā aniccā''ti; yadā paññāya passati.
Atha nibbindati dukkhe; esa maggo visuddhiyā.
"Các hành là vô thường; nhờ trí quán xét vậy.
Sẽ nhàm chán thống khổ; chính là đạo thanh tịnh" (HT. TMC d).
Nghe dứt kệ ngôn, 500 vị Tỳkhưu chứng đạt Thánh quả Alahán().
*Năm trăm vị Tỳkhưu quán khổ.
Tương tự như vậy với 500 vị Tỳkhưu, trước đây xuất gia trong Giáo pháp của Đức Phật Kassapa, thực hành thiền quán với đề mục khổ não suốt 10 ngàn năm. Đức Thế Tôn dạy.
278- Sabbe saṅkhārā dukkhā''ti; yadā paññāya passati.
Atha nibbindati dukkhe; esa maggo visuddhiyā.
"Chư hành là khổ não; nhờ trí quán xét vậy.
Sẽ nhàm chán thống khổ; chính là đạo thanh tịnh" (HT. TMC d).
Nghe dứt kệ ngôn, năm trăm vị Tỳkhưu chứng Thánh quả Alahán().
*Năm trăm vị Tỳkhưu quán vô ngã.
Tương tự với 500 vị Tỳkhưu, trước đây là 500 vị Tỳkhưu trong Giáo pháp của Đức Phật Kassapa, thực hành thiền quán với đề mục vô ngã suốt 10 ngàn năm. Đức Thế Tôn dạy.
279- Sabbe dhammā anattā''ti; yadā paññāya passati.
Atha nibbindati dukkhe; esa maggo visuddhiyā.
"Cácpháp là vô ngã; nhờ trí quán xét vậy.
Sẽ nhàm chán thống khổ; chính là đạo thanh tịnh" (HT. TMC d).
Nghe dứt kệ ngôn, 500 vị Tỳkhưu chứng Thánh quả Alahán().
*Thợ săn Kukkutamitta (Kê hữu).
Tương truyền, trong thành Rājagaha (Vương xá) có một gia tộc trưởng giả, Trưởng giả có nàng con gái được 16 tuổi, an trú nàng trên lầu 7 cấp cho nàng một nữ tỳ để hầu hạ.
Vào lúc 7 tuổi, nàng đi nghe pháp từ Đức Thế Tôn và chứng đạt Thánh quả Dự Lưu.
Một hôm đứng trên lầu 7 nhìn xuống, chợt nàng thấy người thợ săn đang đẩy xe thịt vào thành Vương xá. Chàng thợ săn có tên là Kukkutamitta (Kê hữu), chuyên săn bắn thú rừng để sinh sống, hôm ấy chàng mang cổ xe đầy thịt rừng vào kinh thành Vương xá bán.
Nhìn thấy chàng thợ săn Kukkutamitta, nàng con gái người trưởng giả bỗng phát sinh sự thương mến nên quyết định sẽ là vợ chàng thợ săn.
Nàng viết thư trao cho người nữ tỳ mang đến người thợ săn, đồng thời hỏi: "Bao giờ người thợ săn trở về".
Người thợ săn đáp.
– Hôm nay bán hết thịt, mai tôi sẽ trở về.
Nghe nữ tỳ báo như vậy, nàng thu xếp những trang sức cùng y phục để ra đi . Vào sáng hôm sau, nàng giả dạng nữ tỳ ra đi lấy nước ở bến sông. Nàng ra cổng thành đứng đợi chàng thợ săn trở ra và nàng theo người thợ săn vào rừng, làm vợ người thợ săn.
Gia đình ông bà Trưởng giả cho người tìm khắp Kinh thành nhưng không thấy nàng, cho rằng nàng đi tắm sông bị nước cuốn trôi mất xác.
Thời gian trôi qua, nàng có với người thợ săn 7 người con trai, khi những người con khôn lớn, nàng và chồng lập gia thất cho 7 người con trai, tất cả đều chung sống cạnh nhau ở trong rừng.
Bảy người con theo nghiệp nghệ của cha là săn bắn để sinh sống.
Một hôm, vào lúc hừng sáng Đức Thế Tôn đưa Phật trí quán xét thế gian để tìm người hữu duyên nên tế độ, cả 15 người lọt vào võng trí của Đức Thế Tôn, Ngài thấy cả 15 người có duyên lành chứng Thánh quả Dự Lưu.
Đức Thế Tôn suy nghĩ: "Như Lai sẽ ngự đế khu rừng ấy, để tế độ những người này".
Vào buổi sáng, Đức Thế Tôn vận y phục tay cầm y bát đi đến khu rừng, nơi trú ngụ của gia đình Kukkutamitta.
Với năng lực từ tâm của Đức Thế Tôn, hôm ấy cả 500 chiếc bẩy của gia đình thợ săn Kukkutamitta đều tự tháo mở trống rỗng, không một con thú nào bị hại do bẩy rập.
Đức Thế Tôn ngự nơi gốc cây cổ thụ trong rừng.
Sáng hôm ấy, thợ săn Kukkutamitta mang cung tên vào rừng thăm bẩy thú như thường lệ, không thấy con thú nào dính bẩy, tất cả bẩy rập đều được tháo mở. Nhìn thấy Đức Thế Tôn ngự nơi cội cây cổ thụ, thợ săn Kukkutamitta suy nghĩ: "Ông Samôn này đã tháo mở bẩy rập của ta để phóng thích những con thú. Ta phải giết chết ông Samôn phá hoại này".
Thợ săn Kukkutamitta giương cung tên nhắm ngay Đức Thế Tôn để buông tên, nhưng tay chân của ông trở nên cứng đờ, bất động, ông muốn buông tên nhưng không được, muốn bỏ cung tên xuống cũng không xong.
Bảy người con trai thấy cha đi thăm bẩy lâu quá chưa về, e ngại có điều chẳng lành xảy ra cho cha, cả 7 người mang cung tên vào rừng tìm cha, nhìn thấy cha đang giương cung nhắm vào vị Samôn, cả 7 người suy nghĩ: "Hẵn là kẻ thù của cha ta, chúng ta phải trợ giúp cha". Cả 7 người đều giương cung tên nhắm vào Đức Thế Tôn. Nhưng rồi cả 7 người trở nên bất động như thợ săn Kukkutamitta.
Tám nữ nhân ở nhà thấy, những người đi vào rừng, vì sao không thấy ai trở về, do lo lắng cho người thân nên tám nữ nhân cùng nhau đi vào rừng để tìm chồng. Vợ thơ săn Kukkutamitta nhìn thấy chồng và 7 người con đang giương cung tên nhắm vào Đức Phật, bà vội kêu lớn lên:
– Này các người, chớ có sát hại cha ta. Chớ có sát hại cha ta.
Nghe vợ kêu lớn như vậy, thợ săn Kukkutamitta suy nghĩ: "Ồ! Té ra đây là cha vợ của ta mà ta không biết, suýt nữa ta đã tạo một ác nghiệp quá nặng".
Bảy người con trai cũng suy nghĩ: "Thì ra đây là ông ngoại của chúng ta, suýt nữa chúng ta đã sát hại ông mình. May mắn chúng ta chưa tạo phải ác nghiệp nặng như thế".
Thế là tất cả 8 người giải trừ tâm sân hận, vợ người thợ săn Kukkutamitta la lớn rằng:
– Các người hãy ném bỏ cung tên và sám hối cha ta đi.
Với tâm mình, Đức Thế Tôn biết tâm của những người này trở nên hòa dịu, Ngài thu hồi thần lực. Tất cả đều ném bỏ cung tên, đi đến đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn, bạch rằng:
– Bạch Ngài, xin Ngài tha thứ những lỗi lầm của chúng con.
Đức Thế Tôn thuyết lên Tuần tự pháp (Anupubbakathā), tức là nói về bố thí, trì giới, các cảnh trời, sự nguy hại của năm dục, sau cùng Ngài nói đến sự ra khỏi khổ. Khi nhận thấy tâm của 15 người (trừ vợ người thợ săn Kukkutamitta) nhu nhuyến, như tấm vải sạch sẵn sàng nhuộm màu, Đức Thế Tôn thuyết lên lý Tứ đế.
Dứt Pháp thoại cả 15 người đều chứng đạt Thánh quả Dự lưu.
Gia đình thợ săn Kukkutamitta thỉnh Đức Thế Tôn ngự đến nhà họ và cúng dường vật thực đến Ngài. Từ đó họ từ bỏ nghề săn bắn thú rừng.
Đức Thế Tôn ngự về Veḷuvanavihāra (Đại tự Trúc Lâm), Ngài Ānanda bạch hỏi rằng:
– Bạch Thế Tôn, hôm nay Ngài ngự đến đâu?
– Này Ānanda, Như Lai đến nơi trú của gia đình thợ săn Kukkutamitta, tế độ những người ấy chứng Thánh quả Dự lưu, riêng vợ thợ săn Kukkutamitta đã chứng Dự lưu khi được 7 tuổi từ trước.
Vào buổi chiều, các vị Tỳkhưu đàm luận với nhau nơi Giảng Pháp đường rằng:
– Này chư hiền, được nghe vợ người thợ săn Kukkutamitta chứng đạt Dự Lưu khi được 7 tuổi. Thế thì tại sao vị Thánh còn sắp xếp cng tên cho chồng đi săn bắn, sát hại sinh vật khác nhỉ?
Với thiên nhĩ thuần tịnh siêu nhân, Đức Thế Tôn nghe được sự bàn luận của các vị Tỳkhưu, Ngài ngự đến Giảng pháp đường, ngồi vào chỗ ngồi được soạn sẵn, và giải thích rằng:
– Này các Tỳkhưu, vợ người thợ săn Kukkutamitta không có ý sát hại sinh vật, bà chỉ làm phận sự của người vợ.
(Nên hiểu rõ ý nghĩa này như sau: Khi thợ săn Kukkutamitta đi săn về, ông ném cung tên xuống, bà nhặt lấy xếp vào nơi đặt cung tên, để khi cần thợ săn Kukkutamitta lấy mang đi. Ví như người chồng đi về, cởi bỏ y phục bẩn, tắm rửa thay y phục sạch, người vợ nhặt lấy y phục bẩn, đem giặt sạch, xếp vào một nơi định sẵn, khi người chồng cần thì đến lấy mặc. Khi người chồng bảo mang y phục đến, người vợ mang y phục đến theo phận sự người vơ, cũng vậy, khi thợ săn Kukkutamitta bảo mang cung tên đến, bà mang đến theo phận sự người vợ, không có ý niệm "dùng vật này để sát hại sinh vật").
Đức Phật dạy: "Ví như bàn tay không vết thương, cầm lấy chất độc, chất độc không thể gây hại đến người ấy".
Rồi Đức Thế Tôn thuyết lên kệ ngôn.
124- Pāṇimhi ce vaṇo nāssa; hareyya pāṇinā visaṃ.
Nābbaṇaṃ visamanveti; natthi pāpaṃ akubbato.
"Bàn tay không thương tích; có thể cầm thuốc độc.
Không thương tích, tránh độc;
không làm không có ác"(HT.TMC d)().
Tiền sự.
Vào thời Đức Phật Kassapa, khi Bảo tháp tôn thờ Xálợi của Ngài đã hoàn tất. Khi ấy có một Trưởng giả ở làng bên xin là người "tổ chức lễ Tôn trí Xálợi vào Bảo tháp". Trưởng giả bỏ ra 10 triệu đồng vàng để lo liệu buổi lễ.
Cư dân trong làng có ngôi Bảo tháp đã phàn nàn với vị Trưởng giả trong làng rằng:
– Thưa Trưởng giả, Bảo tháp tôn trí Xálợi Đức Thế Tôn hiện ở trong làng ta, thế mà để người làng khác đứng ra tổ chức lễ tôn trí Xálợi Phật. Điều này không hợp lý, Trưởng giả là người có đại tài sản, vì sao để cư dân trong làng phải thua thiệt như thế?
Vị Trưởng giả trong làng bỏ ra 20 triệu tiền vàng để là người tổ chức cuộc lễ, vị Trưởng giả làng bên tăng lên 30 triệu.
Cuộc đấu giá tăng dần cho đến khi số tiền là 80 triệu.
Vị trưởng giả làng bên tài sản chỉ có 90 triệu tiền vàng, còn vị trưởng giả trong làng có tài sản là 400 triệu tiền vàng.
Nhận thấy trong cuộc tranh đấu này mình sẽ là người thua cuộc, vị trưởng giả làng bên tuyên bố:
– Tôi cũng bỏ ra 80 triệu tiền vàng để tổ chức lễ Tôn trí Xálợi Đức Thế Tôn, ngoài ra toàn bộ gia tộc tôi là 16 người sẽ là nô lệ của Bảo tháp.
Nói rồi, ông cùng vợ, bảy người con trai và 7 nàng dâu đến phục vụ Bảo tháp. Vị Trương giả trong làng tuy có thể tăng số tiền hơn nữa, nhưng cả gia tộc làm nô lệ cho Bảo tháp thì ông đành chịu.
Nhờ suốt đời phục vụ Thánh tháp, khi mệnh chung cả 16 người sinh về Thiên giới. Hưởng phước suốt thời gian từ thời Đức Phật Kassapa đến thời Đức Phật hiện tại. Và tất cả đều chứng Thánh quả Dự lưu()
*Rắn chúa Erakapatta.
Tương truyền vào thời Đức Phật Kassapa, có vị Tỳkhưu tu tập trong Giáo Pháp của Đức Thế Tôn Kassapa suốt 10 ngàn năm, Ngài là bậc giữ gìn giới hạnh thanh nghiêm.
Một hôm đi thuyền trên sông Gaṅgā (sông Hằng), bất ngờ con thuyền rơi vào dòng nước chảy xiết, thuyền trôi phăng phăng, không thể kềm chế được. Vị Tỳkhưu trên thuyền cố lái con thuyền trôi tấp vào bờ. Khi con thuyền trôi dạt gần bờ, vị Tỳkhưu nắm bụi cỏ lát (eraka) để giữ con thuyền dừng lại, nhưng dòng nước chảy quá mạnh khiến nắm cỏ lát bị đứt.
Đây là một lỗi phạm do vô ý, nhưng Ngài là vị có thói quen gìn giữ Giới luật, nên sinh khởi ray rứt rằng: "Ta đã vi phạm một lỗi Ưngđốitrị (pācittiya) rồi". Dòng nước xiết cuốn phăng con thuyền đi vào một vực xoáy, rồi nhận chìn thuyền và vị Tỳkhưu mệnh chung.
Do mệnh chung khi tâm ray rứt vì phạm giới làm hại thảo mộc, nên Ngài tái sinh làm Rắn chúa nơi vực sâu ấy, Rắn chúa có thân hình to lớn như chiếc thuyền và được gọi là Erakapatta (được cỏ lát).
Thời gian sau, Rắn chúa Erakapatta có được một cô con gái (nữ rắn chúa) xinh đẹp, Rắn chúa Erakapatta huấn luyện con gái múa hát điêu luyện, dạy nữ chúa Rắn bài hát:
Kiṃsu adhippatī rājā; kiṃsu rājā rajjissaro.
Kathaṃsu virajo hoti; kathaṃ bāloti vuccatī''ti.
"Thế nào là vị vua lớn nhất; vua nào quyền cao nhất
Như thế nào là không bụi; như thế nào gọi là kẻ ngu".
Được biết rằng: Rắn chúa suy nghĩ: "Đây là câu đố chỉ có Đức Chánh giác hay đệ tử của Ngài mới giải đáp được. Ta sẽ cho con gái ta nhảy múa và hát câu đố này. Khi có người giải đáp được, ta sẽ biết có Đức Chánh giác xuất hiện trên thế gian và ta sẽ đi đến đảnh lễ Ngài. Ta sẽ gả con gái ta cho người ấy, nhường lãnh vực cai trị này cho người ấy".
Vào ngày trăng tròn Uposatha (Bốtát) mỗi tháng, Rắn chúa Erakapatta nỗi lên mặt sông Hằng, phùng mang to lớn, nàng rắn chúa trang điểm xinh đẹp, nhảy múa trên chiếc mang to lớn và hát lên câu đố ấy.
Đại chúng trên cõi Diêmphù (Jambu) đều biết rằng: "Nếu hát đối được câu hát của nàng Rắn chúa xinh đẹp, sẽ cưới được nàng và làm chủ lãnh vực nơi đáy sông Hằng, nên thường tụ hội lại nơi Rắn chúa Erakapatta nổi lên, vận dụng trí để tìm ra lời giải đáp.
Nhưng tất cả đều bị nàng Rắn chúa vạch ra những sai lầm trong câu hát đối và trong thời gian dài chưa ai có thể hát giải đáp câu đố ấy.
Khi Đức Thế Tôn Gotama xuất hiện trên thế gian, Ngài khai mở đạo lộ Bất tử, giúp cho nhân thiên chứng đạt vị giải thoát nhiều vô số.
Theo thông lệ, vào sáng hôm ấy, Đức Thế Tôn đưa Phật trí quán xét thế gian, hình ảnh thanh niên Uttara cùng Rắn chúa Erakapatta lọt vào võng trí của Ngài. Đức Thế Tôn quán xét: "Do nhân chi, duyên chi?". Ngài thấy duyên lành Thánh quả Dự lưu của thanh niên Uttara, Đức Thế Tôn suy nghĩ:
– Như Lai sẽ dạy cho thanh niên Uttara câu giải đáp, thanh niên Uttara chứng đạt Thánh quả Dự Lưu. Từ câu giải đáp này, Rắn chúa Erakapatta sẽ đến đảnh lễ Như Lai, Như lai sẽ an trú Rắn chúa vào quy giới. Nhân đó Như Lai sẽ giảng pháp thoại, có đến 84 ngàn nhân thiên chứng Thánh quả".
Vào sáng hôm ấy, sau khi vận y phục tề chỉnh, Đức Thế Tôn tay cầm y bát đi đến bờ sông Hằng (Gaṅgā), nơi Rắn chúa Erakapatta sắp nổi lên, Ngài ngồi nơi gốc cây Sirīsaka (Phượng vĩ) gần thành Bārāṇasī (Balanại).
Cây Sirīsaka là một trong những cây nổi tiếng thời ấy.
Bấy giờ đại chúng tề tựu đông đảo nơi bến sông Hằng, mang câu hát đố của nữ Rắn chúa ra bàn bạc. Thanh niên Uttara cũng ra bến sông Hằng, mong tìm được câu giải đáp để cưới được nàng Rắn xinh đẹp, nhìn thấy Đức Đạo sư ngồi nơi gốc cây Phượng vĩ, thanh niên Uttara đi để đảnh lễ Đức Thế Tôn với cách năm chi chạm đất, rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn hỏi:
– Này Uttara, ngươi đi đâu thế?.
– Bạch Thế Tôn, con đến để hát giải đáp câu đố của nữ thần Rắn.
– Ngươi hãy nói lên cho Như Lai nghe xem.
– Vâng, bạch Thế Tôn.
Thanh niên Uttara hát lên câu giải đáp theo trí tuệ của mình, Đức Thế Tôn dạy:
– Này Uttara, đó không phải là lời giải câu đố có ẩn ý thâm diệu ấy. Này Uttara, ngươi hãy học kệ ngôn này, đây là lời giải.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Đức Thế Tôn dạy thanh niên Uttara kệ ngôn sau.
Chadvārādhippatī rājā, rajjamāno rajjissaro,
Arajjaṃ virajo hoti; rajjaṃ bāloti vuccatī''ti.
"Sáu cửa là vua lớn nhất; ý giới là quyền cao nhất.
Không vui thích là không bụi; quyến luyến gọi là người ngu".
Này Uttara, nghe được lời giải này, nữ Rắn chúa sẽ hát đố tiếp.
Kenassu vuyhati bālo; kathaṃ nudati paṇḍito.
Yogakkhemī kathaṃ hoti; taṃ me akkhāhi pucchito''ti.
"Do gì kẻ ngu bị cuốn trôi; bậc trí thoát ra cái gì?.
Cái gì gọi là trói buộc? Ta hỏi chàng hãy nói ra".
Này Uttara, ngươi hãy trả lời.
Oghena vuyhati bālo; yogā nudati paṇḍito.
Sabbayogavisaṃyutto; yogakkhemīti vuccatī''ti.
"Kẻ ngu bị dòng nước mạnh cuốn trôi;
bậc trí thoát ra moị ràng buộc.
Không liên hệ mọi trói buộc; gọi là giải thoát ràng buộc".
Nghe những lời dạy của Đức Thế Tôn, thanh niên Uttara cố ghi nhớ và suy gẫm, chứng đạt Thánh quả Dự lưu ngay khi ấy.
Thanh niên Uttara đảnh lễ Bậc Đạo sư, rồi đi đến bến sông Hằng.
Khi nữ Rắn chúa hát câu đố, thanh niên Uttara lập lại kệ ngôn của Đức Thế Tôn đã dạy để giải đáp. Khi nữ Rắn chúa hát đố tiếp câu thứ hai, thanh niên Uttara lại đọc tiếp kệ ngôn thứ hai giải đáp.
Nghe được lời giải từ thanh niên Uttara, Rắn chúa Erakapatta biết rằng: "Đức Chánh Giác đã xuất hiện trên thế gian". Rắn chúa Erakapatta reo vui giữa đại chúng rằng: "Đức Thế Tôn đã hiện khởi trên thế gian. Đức Thế Tôn đã hiện khởi trên thế gian".
Rắn chúa hóa thân thành người đi đến gặp thanh niên Uttara, hỏi rằng:
– Này chàng thanh niên, Bậc Đạo sư đang ngự nơi nào?
– Thưa Rắn chúa đại thần lực, Bậc Đạo sư đang an ngự nơi gốc cây Phượng vĩ.
Rắn chúa Erakapatta cùng thanh niên Uttara và đại chúng đi đến nơi Đức Thế Tôn ngự, đảnh lễ Đức Thế Tôn xong rồi, Rắn chúa Erakapatta đứng vào nơi phải lẽ khóc ròng. Đức Thế Tôn hỏi rằng:
– Này Rắn chúa Erakapatta, vì sao ngươi sầu thảm như vậy?
– Bạch Thế Tôn, trước đây con là vị Tỳkhưu trong Giáo pháp của Đức Chánh giác Kassapa, thực hành pháp cả 10 ngàn năm, chỉ vì không thận trọng (pamādena) nên Samôn pháp không thể hộ trì con. Con phải tái sinh vào cảnh giới rắn suốt thời gian dài, không được nghe Chánh pháp và gặp được Đức Chánh giác.
– Này Rắn chúa, thật vậy, được sinh làm người thât là điều khó, được nghe Chánh pháp là điều khó, được diện kiến Đức Chánh giác là điều khó. Cả ba điều này, người không có duyên lành khó có được.
Rồi Đức Thế Tôn thuyết lên kệ ngôn.
182- Kiccho manussapaṭilābho; kicchaṃ maccāna jīvitaṃ.
Kicchaṃ saddhammassavanaṃ; kiccho buddhānamuppādo''ti.
"Khó thay được làm người; khó thay sống vui tươi.
Khó thay nghe diệu pháp; khó thay Phật ra đời" (HT. TMC d).
Dứt pháp thoại có 84 ngàn nhân thiên chứng Thánh quả Dự lưu.
Lẽ ra Rắn chúa Erakapatta cũng chứng đạt Thánh quả, nhưng vì mang thân rắn có 5 chướng ngại là: Phải hiện thân rắn với 5 trường hợp: Khi tái sinh, khi lột da, khi ngủ mê, khi giao phối và khi mệnh chung.
Nên Rắn chúa Erakapatta không thể chứng Thánh quả và Rắn chúa Erakapatta đã nương nhờ ân đức Tam Bảo().
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top