Lịch sử cờ vua

Phần 1

Nhiều quốc gia cho rằng họ là nơi phát minh ra cờ vua trong dạng phôi thai nào đó. Phổ biến nhất thì người ta tin rằng cờ vua có nguồn gốc từ Ấn Độ, tại đó nó được gọi là chaturanga và có lẽ ra đời vào khoảng thế kỷ 6.

Một thuyết khác cho rằng cờ vua sinh ra từ trò chơi tương tự của cờ Trung Quốc, hoặc ít nhất là từ tổ tiên của cờ tướng, là môn đã tồn tại ở Trung Quốc kể từ thế kỷ 2 TCN. Joseph Needham và David Li là hai trong số nhiều học giả theo thuyết này.

Cờ vua sau đó được phổ biến về phía tây tới châu Âu và về phía đông tới Nhật Bản, sinh ra các biến thể trên đường đi của nó. Từ Ấn Độ nó đã tới Ba Tư, ở đây các thuật ngữ của nó được phiên âm sang tiếng Ba Tư và tên gọi của nó đổi thành chatrang.

Từ Ba Tư nó đi vào thế giới Hồi giáo, tại đây tên gọi của các quân cờ chủ yếu vẫn giữ các dạng Ba Tư trong thời kỳ Hồi giáo ban đầu của nó. Tên gọi của nó trở thành shatranj, được phiên theo tiếng Tây Ban Nha là ajedrez và trong tiếng Hy Lạp là zatrikion, nhưng trong phần lớn các nước châu Âu khác nó được thay thế bằng phiên bản Ba Tư của từ shāh = "vua".

Có một thuyết cho rằng việc thay đổi tên diễn ra bởi vì trước khi cờ vua tới châu Âu thì các nhà buôn đã tới châu Âu và mang theo các quân vua được trang trí như là các đồ vật hiếm và cùng với chúng là tên gọi shāh, tên gọi này đã bị người châu Âu phát âm sai theo nhiều cách khác nhau.

• Chiếu bí: Trong tiếng Anh là checkmate là từ dịch ra của cụm từ shāh māt, trong tiếng Ba Tư có nghĩa là "vua hết đường". Trong tiếng Ả Rập nó có nghĩa là "shāh bị chết", nhưng shāh không phải là một từ Ả Rập thông dụng để chỉ "vua" (ngoại trừ đôi khi trong cờ vua).

• Xe: Trong tiếng Anh là rook. Nó có được thông qua tiếng Ả Rập từ chữ rukh trong tiếng Ba Tư, có nghĩa là "xe ngựa kéo", nhưng cũng có nghĩa là "má" (một phần của mặt) và còn có nghĩa là một con chim huyền thoại với sức mạnh gọi là roc.

• Tượng: Trong tiếng Anh là bishop. Tiếng Ả Rập al-fīl (từ tiếng Ba Tư pīl) có nghĩa là "voi", nhưng ở châu Âu và phần phía tây của thế giới Hồi giáo khi đó người ta biết rất ít hoặc không biết gì về voi và tên gọi của quân cờ đến với Tây Âu theo dạng Latinh alfinus và tương tự, một từ không có nghĩa gì (trong tiếng Tây Ban Nha, nó tiến hóa thành tên gọi alfil). Tên gọi bishop của người Anh là một sự đổi tên được sáng tạo ra theo hình dáng quy ước của nó. Tuy thế, tại Nga thì tên gọi của quân cờ này là slon = "voi".

• Hậu: Trong tiếng Anh là queen. Tiếng Ba Tư farzīn = vizia - quan chức cao cấp trong thế giới Hồi giáo cổ, tương tự như tể tướng đã trở thành tiếng Ả Rập firzān, nó đến châu Âu trong các dạng như alfferza, fers v.v. nhưng sau đó được thay thế thành "hậu".

Trò chơi này đã phổ biến trong thế giới Hồi giáo sau khi những người theo đạo Hồi xâm lược Ba Tư. Cờ vua đến Nga theo đường Mông Cổ mà tại đó người ta chơi cờ vua từ đầu thế kỷ 7. Nó đã được người Moor đưa vào Tây Ban Nha trong thế kỷ 10, và đã được miêu tả trong bản viết tay nổi tiếng thế kỷ 13 về cờ vua, cờ thỏ cáo và trò chơi xúc xắc có tên gọi Libro de los juegos. Cờ vua cũng đi theo đường bộ xuyên qua Siberi tới Alaska.

Phần 2

Vào khoảng thế kỷ thứ 6, Ấn Độ ,quốc gia rộng lớn của Phương Đông, từng là một trung tâm văn hóa và nghệ thuật thế giới. Ngày nay,sang thăm đất nước này, chúng ta vẫn không khỏi kinh ngạc trước những đền đài hùng vĩ, những nhà thờ lộng lẫy, oai nghiêm, những khu lăng tẩm tráng lệ, những tượng thần tạc bằng đá, bằng đồng...tinh vi, sống động...

Vào thời xa xưa ấy, Ấn Độ cũng là đỉnh cao của toán học, của khoa chiêm tinh. Ấn Độ có nhiều nhà bác học mà thời đó người ta gọi là các nhà thông thái.

Các nhà thông thái của thế giới cổ đại ấy đã sáng tạo một trò chơi gọi là "Saturanga" tức là trò chơi chiến trận đối kháng có hai bên tham gia. Các quân tượng trưng cho một thế trận gồm đầy đủ chỉ huy và bốn binh chủng quân đội thời bấy giờ. Phía trước là một hàng quân tiến bước, tiếp đến là các chàng kỵ mã và các đội voi chiến (Ấn Độ có rất nhiều voi). Mé ngoài cùng là những chiếc xe di động. Chiễm chệ giữa hàng quân là đức Vua cùng với các cận thần.

Lúc đầu thế trận như vậy được bày trên đất, có cả "sông" và "núi" ngăn cách. Dần dà thế trận rộng lớn được thu nhỏ lại trên một bàn cờ được chia thành các ô và các quân được cách điệu hóa. Từ đó cờ dễ dàng đến với tất cả mọi người, chu du khắp thiên hạ. Các nhà thông thái hết sức thú vị với cách bày trận của mình vì họ cảm thấy chính họ là những thống lĩnh tối cao, chỉ huy toàn bộ ba quân, được dịp phô trương tài nghệ thao lược của mình. Quân của hai bên khôn khéo dàn trận, cố gắng chiếm những vị trí xung yếu, lấn dần trận địa đối phương rồi xáp chiến, khi tấn công mạnh mẽ, khi thoái lui chiến lược, lúc bất thần đánh thẳng vào đại bản doanh quân địch để bắt sống Vua đối phương, và cũng không ít khi bị bên đối phương "cao tay ấn" đánh cho tơi tả, chạy trốn không còn mảnh giáp, lại phải nhẫn nhục, kiên trì gom góp tàn quân, gan góc cố thủ, suy tính cơ mưu để phục hồi lực lượng, phục kích đối phương nhằm chuyển bại thành thắng. Mỗi nhà cầm quân vừa có tài thao lược vừa phải nắm bắt mọi ý đồ, mưu mẹo của đối thủ, phải "đi guốc trong bụng" địch thủ, phán đoán được chiến thuật chiến lược, điểm mạnh điểm yếu của đối phương. Những tình cảm rất tự nhiên của con người như vui buồn, yêu ghét, tức giận, khoan hòa... đều thể hiện qua cuộc cờ. Trái tim người chơi cờ cũng rung động theo những tình cảm đó, tạo nên niềm say mê không bao giờ dứt.

***

Truyền thuyết kể lại rằng sau khi phát minh ra bàn cờ, nhà phát minh được nhà Vua cho phép tự chọn phần thưởng cho mình. Ông bèn tâu lên: "Muôn tâu bệ hạ, bàn cờ của hạ thần có 64 ô vuông, xin bệ hạ cho đặt ở ô thứ nhất một hạt thóc, ô thứ hai gấp đôi ô thứ nhất tức là hai hạt và cứ như thế số thóc của ô sau gấp đôi ô trước". Nhà vua thấy rằng những hạt thóc nhỏ bé được đặt vào chỉ có 64 ô cờ chắc chẳng đáng là bao bèn đồng ý ngay và giục quần thần đếm thóc thưởng cho ông. Sau một hồi tính toán, quần thần kinh hãi tâu cho vua biết số thóc ấy là con số :

18 446 744 073 709 551 615 hạt

Một con số lớn khủng khiếp mà nếu quy ra thóc thì toàn bộ số thóc có trong vương quốc cộng với toàn bộ số thóc của các nước lân bang cũng không đủ để thưởng cho nhà phát minh.

***

Như đã nói trên, quân cờ dần dần được cách điệu hóa và luật chơi cũng hình thành rõ ràng. Nói đúng ra thì luật lệ trò chơi ấy lúc bấy giờ còn đơn giản hơn nhiều so với bây giờ. Các nhà khảo cổ đã khai quật và tìm được những quân cờ nguyên dạng thời đó. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ,văn học cũng đã tìm được những văn bia, bản chép tay, tuy ít ỏi song cũng khá đầy đủ để chứng minh được sự ra đời của trò chơi trí tuệ xuất hiện đầu tiên trên đất nước này.

Ví dụ trong quyển trường ca bằng thơ nhan đề "Vaxavađata" của nhà thơ Xabar, viết bằng tiếng Phạn vào cuối thế kỷ thứ 6 đầu thế kỷ thứ 7, có một đoạn miêu tả , so sánh một cách dí dỏm :"Ôi, mùa mưa đóng vai trò như một ván cờ, mà quân cờ là những con ếch xanh, những con ếch vàng đang nhảy nhót trong khu vườn muôn màu hoa lá".

Cũng một bài thơ Ấn Độ khác vào cuối thế kỷ thứ 7, ca ngợi lòng yêu hòa bình và nhân từ của nhà vua Xrihasi trị vì thời bấy giờ. Lời thơ mô tả :"Đất nước của đấng anh minh không có sự hiềm khích ngoài sự tranh đua của những bầy ong, người ta không dẫm chân lên nhau ngoài những dòng thơ ca, các đội quân không đánh nhau, ngoài những đội quân trên bàn cờ".

Ngay từ hồi đó giao lưu giữa Ấn Độ và các nước Đông, Tây láng giềng khá phát triển. Một mặt do quan hệ trao đổi buôn bán và mặt khác là do việc truyền đạo, nhất là đạo Phật mà Ấn Độ được coi là gốc đạo.

Các đoàn thuyền trên biển cả, các đoàn lạc đà chở nặng hàng hóa đi về phía Tây. Những người chủ của những chuyến hàng đã học được khá nhiều điều hay và mới lạ ở những quốc gia mình đã đi qua, đem về kể và truyền lại cho đồng bào mình.Trong số những điều mới lạ ấy có cả trò chơi Saturanga kỳ thú.

Tương tự như thế, trò chơi Saturanga theo những con đường thương mại và Phật đạo, vượt qua bao núi cao vực thẳm sang phía Đông để đặt nền tảng cho cờ Tướng ở Trung Hoa và các nươc Đông Nam Á.

Ở Trung Á, trò chơi ngoại nhập này mau chóng được mọi tầng lớp ưa chuộng. Không những các nhà quyền quí, lái buôn giàu sụ cho mình là "nhà thông thái", khoe tài "đánh trận" mà cả vua chúa, quần thần, tướng lĩnh cho đến những người thợ thủ công chân đất trong giờ nhàn rỗi cũng đọ trí, thử tài với nhau. Do nhiều người chơi cho nên luật đặt ra cũng phải thống nhất. Luật chơi cờ được cải tiến dần, số quân mỗi bên được ấn định đúng với chức năng của nó. Ví dụ quân Xe được thay bằng quân Tháp. Bởi vì khi ấy ở Trung Á người ta không hiểu Xe để làm gì, mà bao giờ ở vành ngoài cùng, để bảo vệ một pháo đài hoặc một kinh đô, cũng là những bức tường thành được biểu hiện bằng những chiếc Tháp. (Trong cờ Vua người ta gọi là quân Xe vì nó nước đi giống như nước đi của quân Xe ở cờ Tướng, nhưng tên đúng của nó là Tháp, hoặc là Thành). Còn voi thì ở Trung Á không có nên họ thay quân Tượng bằng quân khác (ở ta gọi là quân Tượng chỉ vì nó có nước đi chéo giống như Tượng trong cờ Tướng) Cũng nói thêm là khi Saturanga sang đến Trung Hoa thì xuất hiện thêm một quân mới là quân Pháo, lúc đấu là loại "pháo" bắn bằng đá nên chữ Pháo có bộ "Thạch" nằm phía trước, sau này khi pháo dùng thuốc nổ thì người ta đổi bộ "thạch" thành bộ "hoả". Như vậy Saturanga đến những vùng đất mới nó lại có được những cải tiến thích ứng với quan niệm về thể chế và binh nghiệp tại nơi đó.

Ở Trung Á người ta đã cải tiến một bước, cờ trở nên gọn nhẹ, linh hoạt và có được những luật chơi ban đầu; điều đó cũng giống như người ta tìm ra được công thức tính diện tích hình tròn. Ngày nay, mỗi học sinh phổ thông đều biết tính diện tích hình tròn bằng công thức đơn giản : S =pR2. trong đó R là bán kính hình tròn. Thủa xưa công thức tính diện tích hình tròn dài lê thê, mô tả đến mấy trang, chữ viết dày đặc, đọc vỡ đầu chưa chắc đã hiểu được, bởi vì thời đó người ta chưa có khái niệm về số p (số pi).

***

Ả Rập là đất nước của biết bao chuyện cổ lạ lùng mà trong đó có cả con người trần thế, có cả thần tiên, là đất nước cuả những phép mầu kỳ ảo mà chỉ có những bộ óc với trí tưởng tượng phi thường mới nghĩ ra. Saturanga nhanh chóng truyền sang vùng đất đầy sáng tạo văn hóa này. Ở đây, đến cả các mỹ nữ trong cung cũng thích chơi cờ. Để phục vụ cho các bậc vương tôn, công tử, mỹ nhân, biết bao nhiêu bộ óc thông thái đã tìm cách hoàn thiện sao cho cờ Vua trở nên một trò chơi vừa thỏa sức sáng tạo, vừa hợp lý, vừa dễ hiểu. Họ không tiếc sức nghĩ ra các thế trận thú vị, những bài đố cờ bằng những lời hoa mỹ để biểu diễn tài nghệ của mình.

Nhà thơ Ả Rập thế kỷ 11 tên là Iên Mitac, trong một bài thơ của ông, đã ca ngợi trò chơi cờ bằng những lời như sau :"Đó là niềm an ủi thần kỳ với một tình yêu không được đền đáp, một phương cách hữu hiệu để khỏi bị rượu làm say, đó là vị quân sư anh minh trong lĩnh vực quân sự và người bạn đáng tin cậy trong cảnh cô đơn".

Vào các thế kỷ thứ 9, thứ 10, các nước Ả Rập đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật chơi cờ cổ đại. Các văn bản khắc trên các bia đá mà ngày nay các nhà khảo cổ khai quật được cho thấy, dưới các triều đại vua Ả Rập trò chơi này khá thịnh hành và đã có được mầu sắc lý thuyết tương đối rõ. Người Ả rập gọi Saturanga là Satớrang và nhà thông thái An-Atli sống thời bấy giờ được mệnh danh là một quân sư lỗi lạc về Satơrang.

***

Sau nhiều năm khảo cứu, các bộ quân cờ có sớm nhất ở châu Âu được tìm thấy là vào khoảng thế kỷ 10. Các nhà sử học căn cứ vào đó mà phán đoán rằng, cờ Vua đã được lan truyền sang châu Âu vào khoảng thời gian đó. Người ta cho rằng, những cuộc xâm lăng, lấn đất đã đưa Sátơrăng theo các chiến thuyền vượt Hắc Hải, Địa Trung Hải sang châu Âu, song cũng có thể nó đi theo các nhà truyền giáo hoặc theo những chuyến buôn bằng những đoàn lạc đà chở nặng vượt hàng ngàn dặm đường khá thịnh hành của người Do Thái , người Ả Rập...sang châu Âu lúc bấy giờ. Đến được châu Âu, có lẽ do đường sá quá xa xôi, cách trở nên chữ Sátơrăng bị rơi mất phần đuôi, chỉ còn lại chữ Sát. Thế là tùy theo giọng cao thấp, trầm bổng của mỗi dân tộc ở châu Âu mà cờ Vua được gọi na ná theo tên gốc : Echecs (tiếng Pháp), Chess (tiếng Anh), Sach (tiếng Slovakia), Sacmatư (tiếng Nga)...

***

Về phía Nam nước Đức có một làng nhỏ, nhỏ đến nỗi bạn không làm sao thấy được tên làng trên bản đồ. Đó là làng Stơrôbek. Rất nhiều người yêu cờ trên thế giới biết đến làng này. Truyền thống và thói quen chơi cờ của dân làng này có ngót nghét đến nay khoảng một ngàn (!) năm.

Sự tích về cờ Vua của làng bắt đầu từ năm 1068. Vào năm đó, bá tước Gunxelin. gốc người Xlavơ bị buộc tội và bị đày tới làng Srơrôbek hẻo lánh này. Ông bị giam trong một ngôi tháp xây bằng đá ở làng. Đó là một ngôi tháp ba tầng cổ xưa, xây theo hình vựa lúa. Có nhiều thời gian rảnh rỗi, bá tước hay mang cờ ra chơi và bày cho những người lính canh tháp cùng chơi. Những người lính được bá tước tận tình bày vẽ cho mình trò chơi "quí tộc" này thì lấy làm thích lắm. Họ ngồi hàng giờ cùng ông chơi, nghe ông bình giải. Ông đố họ những thế cờ lắt léo, dạy họ những nước đi thông minh. Dần dà ông tập được quanh mình khá đông người hâm mộ mà phần đông là bà con trong làng. Một phần vì mến mộ ông bá tước tài ba, một phần do bản thân trò chơi cũng khá hấp dẫn, dần dần cả làng học nhau chơi cờ. Việc đó làm cho các làng lân cận vừa ghen tỵ, vừa khâm phục.

Tiếng lành đồn xa, chẳng bao lâu tài nghệ đánh cờ của làng đã bay về tận kinh đô. Các triều đại vua Đức đều biết tiếng làng cờ độc đáo này. Vua và các quần thần thậm chí đã ban sắc chỉ cho phép cư dân của làng Strôbek và vùng phụ cận được miễn đóng một số thuế để dân làng có điều kiện và thời gian chơi cờ.

Nhà nào trong làng cũng có bàn cờ để sẵn sàng mời các vị khách tới chơi "khai vị". Xưa kia trong các dịp lễ đăng quang, hội hè đình đám, làng bao giờ cũng tổ chức đấu "cờ người" trên sân bãi quen thuộc của làng. Quân cờ là người mặc y phục theo tên quân cờ : Vua mặc hoàng bào, Hoàng Hậu đội vương miện, Tốt là những võ sĩ nai nịt gọn ghẽ, hông đeo gươm...Ván cờ diễn ra trong sự cổ vũ hào hứng của đông đảo người dự hội. Cho đến ngày nay truyền thống đó vẫn còn.

Người được bầu làm chủ làng nhất thiết phải là một người chơi cờ giỏi. Còn các chàng trai muốn dạm vợ trong làng, theo tục lệ, sẽ chơi với ông bố vợ tương lai một vài ván "ra mắt". Chẳng may chàng nào chỉ biết đi toàn những nước "ngớ ngẩn" thì cứ coi chừng, không khéo ra về trắng tay ! Do vậy anh nào cũng ra công rèn tài để giành được cảm tình ngay từ phút đầu của nhà gái. Còn các ông bố vợ rất lấy làm thích thú khi gặp được chàng rể kỳ phùng địch thủ.

Vào làng bạn sẽ thấy trước nhiều ngôi nhà gắn gia huy hình quân cờ. Bạn còn có thể gặp những người già như cụ Angret Mikhailevik, đã hơn ngót tám mươi tuổi. Yêu cờ từ thuở ấu thơ, năm 1926 cụ đã từng tham gia một trận đấu đồng thời gồm có nhiều người làng với kiện tướng Becton Laxker, em ruột của nhà vô địch cờ thế giới Emanuen Laxker.

Quyển sổ truyền thống về cờ Vua của làng còn ghi chép đầy đủ các trận đấu lớn diễn ra trong làng suốt một thế kỷ qua (kể từ năm 1886). Nhiều đấu thủ cờ Vua danh tiếng thế giới đã đến thăm và chơi cờ với dân làng. Đại kiện tướng người Áo Spinman thăm làng năm 1908. Cựu vô địch thế giới Mikhain Tan đến làng, sau khi chơi cờ với người địa phương, thích thú nhận xét rằng trình độ chơi cờ của dân làng rất khá. Các đại kiện tướng khác như Iuri Avecbax, Alexay Xuetin cũng đã từng là khách của làng. Đặc biệt, nhà vô địch thế giới Anatoli Karpov đến thăm làng đã ghi lại những dòng lưu niệm: "Vinh quang của làng cờ Stơrôbek đã vượt ra ngoài biên giới nước Đức...Từ đáy lòng mình, tôi xin chúc làng cờ độc đáo này ngày càng lớn mạnh, phồn vinh và thu được nhiều thắng lợi."

Trường làng có giờ dạy cờ cho các em. Tại các cuộc thi đấu trong tỉnh, trẻ em ở Stơrôbek thường là trung tâm chú ý của mọi người.

Các biểu tượng cùng với các giải thưởng mà dân làng giành được được trưng bày trong một gian phòng rất đẹp của trường. Trên bức tường, bằng chữ lớn, người ta ghi lại tên các "nhà vô địch" của trường từ năm 1823 đến nay. Từ đó đến giờ đã có hơn 160 nhà vô địch (!). Người làng thích nhắc tới câu nói của Iohan Vonfran Gớt: "Cờ Vua - đó chính là sự kiểm định tốt nhất trí tuệ của con người". Làng còn có "Bài ca về cờ" do ông thợ Phriderich Veghener viết lời phổ theo một điệu dân ca Đức.

Khách thăm làng khi ra về sẽ được tặng một món qùa độc đáo : một tờ giấy bạc in tại địa phương có kích thước và trình bày như một tờ bạc thật. Một mặt in hình bàn cờ, chim đại bàng đội vương miện cùng với quân cờ. Mặt kia có hai vòng tròn. Vòng tròn thứ nhất có hình bá tước Gunxelin đang ngồi chơi cờ với những người lính gác ngục. Còn vòng tròn thứ hai là hình chiếc tháp ba tầng đã từng là nơi giam giữ ông. Chính là từ ngôi tháp cổ xưa đó, người làng đã học được "những nước đi ban đầu" từ 10 thế kỷ trước đây.

***

Từ lúc nào thì các qui ước về luật chơi cờ Vua được hình thành gần giống với luật cờ hiện đại ? Theo các nhà nghiên cứu về cờ thì đó là vào cuối thế kỷ 15,đầu thế kỷ 16. Ta cũng nên lưu ý rằng cờ cũng thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, cho nên nó cũng nẩy nở và phát triển trên mảnh đất nào thấm đượm tính nhân văn của một nền văn hóa phát triển cao. Một nhà sử học người Anh đã định nghĩa về cờ Vua như sau: "Đó là cuộc trò chuyện thân thiết không lời, là hoạt động khẩn trương và căng thẳng trong im lặng. Đó là thắng lợi huy hoàng và cũng là những tấn bi kịch. Là sự hy vọng và nản lòng. Đó là khúc trường ca và cũng là một khoa học. Đó là Phương Đông cổ xưa và Châu Âu hiện đại. Tất cả liên kết với nhau thành một thể thống nhất trên 64 ô vuông."

Ngay từ thời bấy giờ người ta đã quan niệm trò chơi này như một công cụ của lòng nhân đạo và sự văn minh, bởi vì nó làm cho các hiệp sĩ xao lãng việc chém giết, đổ máu ngoài chiến trường.

Do đó, cũng dễ giải thích tại sao khi Italia và Tây Ban Nha được chiếu sáng bằng ánh sáng của nền văn hóa Phục hưng: những tượng đá hoa cương hùng vĩ của Mikenlang Gielo, những tranh tường kỳ diệu và lộng lẫy của Leona de Vinci, những bức họa huyền ảo kiệt xuất của Raphaen hay hình tượng muôn thuở của hiệp sĩ Đông Kisốt với những chiếc cối xay gió bước ra từ những trang sách của Xervantes, thì cờ Vua ở những nơi đó cũng đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật. Chính tại châu Âu, những cải cách lớn về cờ đã xuất hiện. Lần đầu tiên trên bàn cờ xuất hiện hình tượng người phụ nữ, đó là quân Hoàng Hậu thay thế cho quân "cố vấn" ở bên cạnh Vua trước đó. Quân Hoàng Hậu được ban cho quyền hành rộng lớn nhờ các nước đi ngang dọc tung hoành trên khắp bàn cờ. Bởi vào thời phục hưng, mỹ thuật và lòng cao thượng ngự trị khắp nơi nên vai trò của các Quý cô, Quý bà rất được tôn vinh. Có những quy tắc cứng nhắc hạn chế sự sáng tạo trên bàn cờ cũng dần được gỡ bỏ mà điển hình nhất là nước nhập thành độc đáo: chỉ bằng một nước đi mà Vua có thể được đưa ngay vào vị trí an toàn còn Xe, một quân mạnh lập tức được đưa ra tham gia vào trận đánh.

Các nhà cải cách lớn về cờ Vua ở các nước này thời bấy giờ là Luxen, Damiano, Rui Lopes. Các tên gọi "Ván cờ Italia", "Ván cờ Tây Ban Nha" xuất hiện. Đó không phải đơn thuần là tên gọi của một ván cờ mà là những công trình nghiên cứu nghiêm túc đầu tiên về lý thuyết cờ, nhất là đối với lý thuyết ra quân, một vấn đề gây tranh cãi khá nhiều trong thời kỳ này. Họ đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Tiện đây cũng nói thêm, cờ Vua có lịch sử ngót một nghìn năm trăm năm nên tên gọi các thế cờ cũng mang tính lịch sử. Ví dụ khai cuộc Reti, phòng thủ Aliokhin, phòng thủ Uphimsep, phòng thủ Philido, Hệ thống Trigôrin, trận Tarras, Gambit Xtaunton ... đó là những kiểu khai cục mang tên các nhà chơi cờ lỗi lạc qua các thời đại. Một số vùng có các trường phái cờ nổi bật một thời, các phương án khai cục cũng mang tên địa danh như: phòng thủ Ấn Độ cổ, ván cờ Italia, ván cờ Tây Ban Nha hệ thống Seveninghen (tên một thành phố ở Hà Lan), Gambit Buđapet (thủ đô Hungari), phòng thủ Slavơ (tên một dân tộc), phòng thủ Xixili (một hòn đảo của Italia), ngoài ra còn có ván cờ Hungari, ván cờ Anh, phòng thủ Pháp, ván cờ Nga, phòng thủ Hà Lan, phòng thủ Xcanđinavơ ... mang tên các quốc gia đã có những đóng góp xứng đáng cho sự phát triển môn thể thao này.

Lại có những phương án khai cục khác được gọi bằng chính tên quân cờ: phòng thủ hai Mã, Gambit cánh Hậu, Gambit cánh Vua, khai cuộc Tượng, khai cuộc ba Mã...)

Tuy nhiên,điểm thiếu sót của các nhà lý thuyết lúc bấy giờ là chưa kịp đề cập đến vị trí then chốt của khu trung tâm. Dù trong lý thuyết lúc đó có đề cập đến những nước đi đầu tiên tới khu trung tâm song mục đích chỉ là để mở đường cho Hoàng Hậu và Tượng nhanh chóng công phá vị trí Vua đối phương. Các nhà cải cách này chủ trương sử dụng những đợt tấn công như vũ bão, có thể thí bỏ hẳn một số quân yếu như Tốt chẳng hạn, để tiến công thẳng vào bắt Vua đối phương. Cách đánh dũng mãnh kiểu hiệp sĩ này thời bấy giờ rất được ưa chuộng, thịnh hành và tồn tại đến vài trăm năm. Cho mãi đến thế kỷ thứ 18, khi được phân tích kỹ càng để chỉ ra được những nhược điểm của nó, cách chơi này mới chấm dứt.

Đến thế kỷ thứ 17 bắt đầu hình thành các trường phái cờ (tức là lối bày một số thế trận được nghiên cứu kỹ và được kiểm nghiệm có kết qủa qua các cuộc chơi của những nhà chơi cờ giỏi). Mở đầu là trường phái Tiền Italia. Trường phái này xuất phát từ vùng Kalareli, quê hương của nhà chơi cờ lừng danh Jioakino Greco (1600-1634). Trường phái này có những tên tuổi kiệt xuất mà đến ngày nay vẫn còn được nhắc tới : Polerio, Xanvio, Kalera ... Những người này đã nhận ra được sức mạnh rất năng động của mỗi quân cờ. Quá trình nghiên cứu đã giúp họ tìm ra được những đòn phối hợp độc đáo và đẹp mắt. Các bạn sẽ gặp trong những quyển sách hướng dẫn người mới học chơi những thế cờ kiểu mẫu mang tên của họ.

***

Giữa thế kỷ 18, tại Pháp xuất hiện một đấu thủ cờ lừng danh tên là Andre Philido (1726-1795). Đó là một nhân vật huyền thoại của lịch sử cờ Vua thế giới khiến hơn 200 năm sau khi ông mất, khi người ta nêu câu hỏi "Ai là nhà vô địch trong các nhà vô địch?" thì đại kiện tướng cờ người Đan Mạch Bent Larsen đã trả lời không chút đắn đo :"Đó chính là Philiđor, ông đã đi trước chúng ta hàng thế kỷ!"

Cách đây khoảng một thế kỷ, nhà chơi cờ lừng danh Reti đã đánh giá: "Ông là nhà tư tưởng cờ Vua vĩ đại nhất trong tất cả những người sống trên thế giới này!".

Các Đại kiện tướng, các nhà vô địch thế ngày nay dù được khoác vòng nguyệt quế chiến thắng hay được đánh giá là những người phi thường vẫn cảm thấy mình bé nhỏ trước Philidor. Bởi vì ông không chỉ là một bậc đại cao thủ mà là một con người toàn năng:

Chính Philidor chứ không ai khác đã đặt dấu chấm hết cho cách chơi cờ theo cảm tính và ngẫu hứng từ nhiều thế kỷ trước. Ông xây dựng hẳn một lý thuyết về cờ được chứng minh hẳn hoi. Từ đó trở đi mỗi một kỳ thủ ngay từ những nước đi đầu tiên đã được trang bị những kiến thức căn bản, có nền tảng và hệ thống để tiến hành một ván cờ có chất lượng cao mà không phải mò mẫm, suy đoán có khi cả chục năm trời. Từ cách làm của ông, các thế hệ sau tiếp tục nâng cao và bổ sung không ngừng để đến ngày nay chúng ta đã có cả một kho tàng lý thuyết cờ vô cùng phong phú và đa dạng, trình độ cờ đã được nâng lên một mức độ cao chưa từng thấy. Ông chính là người khai sáng ra cờ Vua hiện đại.

Nhưng còn hơn thế nữa, ông còn là một thiên tài âm nhạc bẩm sinh. Là tác giả của hàng trăm bản nhạc bất hủ, là người sáng lập ra nhà hát Hài kịch lớn nhất nước Pháp.

Những nhà nghiên cứu âm nhạc, những nhà viết lịch sử cờ đã ngược thời gian kiên nhẫn tìm hiểu, sưu tầm trong nhiều thập kỷ về ông qua các tài liệu lưu trữ, thư từ, lời kể, những di vật ... và đã dựng được lên bức chân dung khá đầy đủ về Philidor:

Fransuz Andre Danikan Philidor sinh ngày 7 tháng 9 năm 1726 tại thành phố Dro nhỏ bé cách Paris về phía Tây khoảng 60 km. Khi ông ra đời, nhiều lời đồn đại, dị nghị liệu ông có phải là kết quả của mối tình quá chênh lệch tuổi tác giữa cha ông, một nhạc sĩ nổi tiếng, một nghệ sĩ biểu diễn đàn bậc thầy, khi đó đã 78 tuổi và mẹ ông mới 19 tuổi, đến với cha ông vì say mê và khâm phục cha ông. Nhưng sau đó tất cả những lời dị nghị đã tan biến khi Philidor bộc lộ tài năng âm nhạc phi thường của mình.

Người ta kể lại rằng vào năm 1738 trên sân khấu nhà hát cung đình vang lên bản nhạc đầu tay của cậu bé 12 tuổi Philidor sáng tác, Vua Pháp Louis XV ngồi nghe chăm chú, khi bản nhạc vừa kết thúc nhà Vua cho gọi ngay cậu tới bên cạnh mình và tự tay rút ra 10 đồng tiền vàng ban tặng cho cậu.

Dòng họ Philidor nổi tiếng về âm nhạc nên được các triều vua trọng vọng và ban cho nhiều ân sủng. Ông nội ông, cha ông, anh ông là những nhạc sĩ , những nghệ sĩ chơi đàn nổi tiếng trong dàn nhạc cung đình.

Nhưng thật bất ngờ cờ Vua đã đi vào cuộc đời của ông chính trong lòng thế giới âm nhạc. Số là thời bấy giờ những nhạc sĩ cung đình có tiếng tăm và cao niên thường dành thời gian rỗi cho cờ Vua. Các vị này thường chơi cờ trong một gian phòng riêng, ở chính giữa có đặt một chếc bàn dài khảm những ô trắng đen. Cuộc chơi thường rất náo nhiệt và đôi khi còn biến thành những cuộc ẩu đả. Philidor quá trẻ nên không được tham gia, nhưng cũng không bị xua đuổi, được quan sát các ván quyết đấu.

Có một lần một vị trong số họ đến sớm nên không có bạn chơi. Philidor mạnh dạn đề nghị mình được hầu cờ ông này. Cả hai đang chơi thì các vị khác kéo tới. Những nụ cười kẻ cả lúc đầu của các bậc cao niên được thay bằng sự ngạc nhiên khi họ tận mắt thấy cậu bé đang dũng mãnh đánh tan hàng phòng thủ của đối phương. Ngay bản thân Philidor cũng cảm thấy bối rối và sợ hãi. Không còn lạ gì tính khí của các đồng nghiệp, trước khi hạ thủ đối phương cậu kêu lớn: "Chiếu hết này!" rồi chạy ào ra khỏi phòng. Chỉ mấy hôm sau người ta phát hiện ra rằng trong số 80 nhạc sĩ chơi cờ ở đây không có ai chơi ngang bằng cậu.

Năm 14 tuổi Philidor lên ở hẳn Paris, thuê một căn phòng nhỏ ở riêng. Thời gian rỗi ông tới quán cà phê Rejans chơi cờ và chính tại đây Philidor đã may mắn gặp thầy, đó là Legan (1702 - 1792), một nhà chơi cờ kiệt xuất đã để lại cho đời sau thế chiếu hết mang tên "Mát Legan" nổi tiếng. Lúc đầu Legan còn chấp Philidor, sau đó một thời gian cả hai thầy trò chơi hoàn toàn cân bằng.

Tại quán cà phê này Philidor kết thân với các nhà khai sáng Pháp như Diderot, Rousseau, Voltaire ... những tư tưởng nhân quyền, bình đẳng, bác ái của các nhà khai sáng này đã ảnh hưởng nhiều tới âm nhạc của Filidor. Có lần ông đã bị cảnh binh bắt giam 15 ngày chỉ vì bênh vực cho một người vô cớ bị cảnh binh hành hung. Đó là những năm tháng của tuổi 20 đầy nhiệt huyết.

Chân dung của Philidor còn giữ lại được cho tới ngày nay được vẽ theo tư thế nhìn nghiêng : trán cao, hơi hói, mũi hơi hếch, cằm đầy đặn, theo mốt thời bấy giờ mặt ông có thoa phấn, tóc được uốn quăn ở thái dương và buộc phía sau gáy bằng một giải băng rộng. Nếu chỉ chú ý đến những sáng tác của ông, với khoảng cách 200 năm trước người ta thấy dường như ông là một con người tinh tế , hợp lý và lạnh lùng. Nhưng các nhà sử học, những nhà nghiên cứu âm nhạc sau bao năm tháng tìm tòi, đã có được trong tay nhưng bức thư của ông gửi cho vợ, con, bạn bè, những hồi ức của ông về con trai, nhật xét của những người đương thời và nhiều yếu tố khác cho phép chúng ta có một hình tượng Philidor hoàn toàn khác. Trong hồi ký của Fany Beney viết ngày 3 tháng 7 năm 1771 đã có những dòng sau: "Philidor, con người nổi tiếng về chơi cờ Vua đã tới nước Anh chúng tôi. Ông mang đến cho cha tôi thư giới thiệu của Didereau nổi tiếng. Ngài Philidor tỏ ra là một người học rộng, có giáo dục, nhã nhặn và rất dễ giao thiệp".

Philidor là một người có tâm hồn đặc biệt: ân cần, niềm nở, trung thực, thân thiện. Ông cởi mở giúp đỡ những đồng nghiệp ít thành công hơn, động viên họ bằng những lời khen . Ông tỏ ra phấn khởi thật sự với những thành công của các nhạc sĩ khác. Ông nói với các đồng nghiệp của mình: "Hãy dũng cảm tiến lên phía trước. Tôi không sợ gắn liền âm nhạc của tôi với âm nhạc của các ngài" và các nhạc sĩ cũng trả lại cho ông những tình cảm thắm thiết và thân ái không kém. Ngay cả những người không hoàn toàn thân thiện cũng đánh giá về Philidor rất tốt.

Philidor là một trong những người kỳ lạ của thế kỷ kỳ lạ, thế kỷ đã sinh ra nhiều thiên tài. Ông thể hiện thế giới trí tuệ và tinh thần thời đại với những ánh hào quang bên ngoài và những mâu thuẫn bên trong của nó. Tính cách của Philidor là sự hỗn hợp kỳ lạ giữa tính hồn nhiên của trẻ thơ và tính nghiêm túc của nhà bác học. Một học trò của ông tên là De Labord đã viết về thầy của mình: "Hãy nhìn vào con người này. Ông hoàn toàn không giống những người khác. Ông là một thiên tai hoàn thiện nhất!"

Nhưng sự liên quan giữa hai ham muốn trong cuộc đời ông thật không dễ chút nào, đó là cờ Vua và âm nhạc. Tính hồn nhiên và xao động đã nhường chỗ cho những tính cách trí tuệ tuyệt vời hơn của ông: tự điều chỉnh mình một cách nghiêm khắc. Khả năng giao tiếp trên bàn cờ cũng như trên nốt nhạc được Philidor thể hiện bằng óc tổ chức cao. Ông khống chế được những ý nghĩ nhanh và chính xác bằng tình cảm có mức độ và hài hòa. Ông làm việc có phương pháp và dễ dàng lách qua mê cung các đòn phối hợp của cờ Vua và âm nhạc phức tạp và tinh tế. Liên kết sự mẫn cảm với tính logic, giữa nghệ thuật và khoa học.

Vào năm 20 tuổi, nhờ vào một sự kiện bất ngờ, Philidor được làm một chuyến ngao du khắp châu Âu:

Lúc đó ở Paris xuất hiện một nữ nghệ sĩ chơi đàn thụ cầm nổi tiếng mới 13 tuổi, con của nhạc sĩ Italia Pansa, hai bố con đang trong một chuyến lưu diễn khắp châu Âu. Họ mời Philidor cùng đi với họ và ông đã nhận lời. Thời gian đó ở châu Âu đang có chiến tranh : Hà Lan liên minh với Áo tiến hành các trận đánh chống lại Pháp trên lãnh thổ Áo và Đan Mạch. Vì vậy Pansa quyết định để con gái lại Paris rồi cùng Philidor sang Rotterdam, tại đây họ gặp nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng người Italia là Desemini, hẹn cùng nhau liên kết tổ chức biểu diễn một số buổi hòa nhạc. Nhưng bất ngờ Pansa nhận được tin sét đánh: con gái ông bị chết đột ngột. Ông vội vã quay về Paris khiến kế hoạch biểu diễn tan vỡ.

Chàng trai Philidor 20 tuổi trên một đất nước xa lạ, không có bạn bè, không có tiền. Chính trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó tài năng về cờ đã giúp ông thoát nạn và liền đó là 10 năm vinh quang trên kỳ đài. Ông đi khắp các thành phố Hà Lan đánh cờ. Không một kỳ thủ nào có thể thắng nổi ông. Ông dạy cờ cho những người hâm mộ, người ta vui lòng trả tiền cho ông. Ông phát biểu ở các hội nghị, đánh cuộc kết quả các ván cờ... Vinh quang về người Pháp bất khả chiến bại lan truyền khắp Hà Lan. Sau đó ông làm quen với các sĩ quan Anh. Họ là những người hâm mộ cờ , thật sự khâm phục cách chơi của Philidor. Họ mời ông tới London. Philidor từ lâu đã muốn trở về Tổ quốc, nhưng viễn cảnh các cuộc gặp mặt với các kiện tướng Anh giỏi nhất thật hấp dẫn. Đầu năm 1747 lần đầu tiên Philidor bước chân lên đất Anh.

Những trận biểu diễn tài nghệ của ông tại nước Anh bắt đầu.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #vampiremoon