Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Quân lực Việt Nam Cộng Hòa là lực lượng quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) trước năm 1975. Thành lập từ năm 1955 với nòng cốt là lực lượng Quân đội Quốc gia Việt Nam trong Liên hiệp Pháp, chủ yếu là Bảo an đoàn, Bảo chính đoàn. Ngày truyền thống (còn gọi là Ngày Quân lực) là ngày 19 tháng 6. Quân lực Việt Nam Cộng hòa được trang bị hùng hậu với sức cơ động cao và hỏa lực mạnh, được sự hỗ trợ tích cực của Mỹ và các đồng minh, để chống lại Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, trực thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và là một bộ phận của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được sự viện trợ từ Liên Xô, Trung quốc, và các đồng minh. Quân lực Việt Nam Cộng hòa còn bị gọi là "quân đội Sài Gòn" hoặc "ngụy quân" theo cách gọi của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng là lực lượng chính trong cuộc đảo chính 1963 lật đổ chế độ của tổng thống Ngô Đình Diệm, và tham chính trong chính quyền cho đến ngày Việt Nam Cộng hòa sụp đổ.
Quân lực Việt Nam Cộng Hòa là một quân đội hiện đại, tốn kém, đòi hỏi kinh phí hoạt động gần 3 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa không thể cáng đáng được kinh phí này, nên Việt Nam Cộng hòa đã gần như phải dựa hoàn toàn vào viện trợ kinh tế của Mỹ để có thể thực hiện phòng thủ quốc gia. Khi Mỹ giảm viện trợ xuống còn 1,1 tỷ đô la vào năm 1974, nền kinh tế lâm vào cuộc khủng hoảng với lạm phát ở mức 200%, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa không còn đủ kinh phí hoạt động, tình trạng thiếu đạn dược, vũ khí, xăng dầu đã dẫn đến hỏa lực yếu và giảm tính cơ động [1]. Sau sự kiện 30 tháng 4, 1975, lực lượng quân đội này đã tan rã.
Mục lục
[ẩn]
* 1 Quá trình phát triển
* 2 Các trận chiến quan trọng
* 3 Các tướng lãnh tiêu biểu
* 4 Tổ chức Quân lực Việt Nam Cộng hòa 1975
* 5 Năm 1975
* 6 Chú thích
* 7 Tham khảo
* 8 Liên kết ngoài
* 9 Liên kết ngoài
[sửa] Quá trình phát triển
QLVNCH Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Binh chủng
Lục quân Lục quân Việt Nam Cộng hòa
Hải quân Hải quân Việt Nam Cộng hòa
Không quân Không lực Việt Nam Cộng hòa
Phù hiệu/Cấp bậc
Quân hàm Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Phù hiệu các đơn vị
Lịch sử
Tiến trình phát triển
Các đại đơn vị
Các tướng lãnh
Bắt giữ Việt cộng trong chiến dịch Mậu Thân-1968
Tiêu diệt xe tăng quân Giải phóng ở Bến Hét
Trong suốt thời gian chiếm đóng Đông Dương, quân đội Pháp có những người Việt phục vụ trong quân đội để đáp ứng nhu cầu chiến trường. Các quân nhân này được đào tạo theo quy chế Pháp và đại đa số là binh lính, hạ sĩ quan với một số rất ít sĩ quan.
Khi chiến tranh lan rộng, người Pháp đã thành lập các lực lượng phụ thuộc (Forces suppletives) bao gồm lính được tuyển mộ tại địa phương do sĩ quan Pháp chỉ huy.
Ngày 1 tháng 10 năm 1946 Vệ binh Cộng hòa Nam Kỳ được thành lập, là lực lượng đầu tiên của Chính phủ Nam kỳ tự trị. Ngày 9 tháng 6 năm 1948 lực lượng đổi tên thành Vệ binh Nam Việt. Ngày 12 tháng 4 năm 1947 lực lượng Bảo vệ quân ra đời tại Huế, năm 1948 cải danh thành Việt Binh Đoàn. Tháng 7 năm 1948 lực lượng địa phương tại Bắc kỳ ra đời mang tên Bảo chính đoàn.
Các binh sĩ thuộc Quân lực được huấn luyện chiến đấu ở Thủ Đức
Thể theo Hiệp ước Elysée (8 tháng 3 năm 1949), Quốc gia Việt Nam được thành lập, có quân đội và chính sách ngoại giao riêng. Quân đội Việt Nam được thành lập theo Nghị định Quốc phòng ngày 13 tháng 4 năm 1949, lấy tên là Vệ Binh Quốc gia[2][3][4] bao gồm Vệ binh Nam Việt, Việt Binh Đoàn, Bảo chính đoàn và Vệ binh sơn cước. Vệ Binh Quốc gia ban đầu thuộc dưới quyền chỉ huy của người Pháp. Khi Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Quốc gia Việt Nam được thành lập trong tháng 5 năm 1952, lực lượng được đặt dưới quyền quản trị của Bộ Tổng Tham mưu. Tuy vậy, tư lệnh lục quân Pháp tại 3 miền lại có quyền điều động lực lượng trong các cuộc hành quân.
* Ngày 11 tháng 5 năm 1950, Thủ Tướng Trần Văn Hữu tuyên bố thành lập Quân đội Quốc gia Việt Nam với quân số lúc đó là 60.000 người [5]. Sau hai lần thay đổi nội các, ngày tháng 5 năm 1952, Quốc trưởng Bảo Đại ký Dụ số 43 ngày 23 tháng 5 năm 1952 (sau này gọi là sắc lệnh) thành lập Bộ Tổng tham mưu Quân đội Quốc Gia Việt Nam từ ngày 1 tháng 5 năm 1952 (với vị Tổng Tham Mưu Trưởng đầu tiên là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hinh và trụ sở đặt tại số 1 đường Galiéni (sau năm 1955 là đường Trần Hưng Đạo), Sài Gòn [6]. Cùng năm đó, thành lập binh chủng Hải quân Việt Nam và binh chủng Nhảy Dù [7].
Trong chương trình "da vàng hoá" chiến tranh được bắt đầu từ những năm 1951 bởi tướng De Lattre, trong mỗi trung đoàn quân viễn chinh da trắng, 1 tiểu đoàn thứ tư người Việt được thành lập. Ngoài ra còn những "tiểu đoàn Việt Nam" và "tiểu đoàn khinh quân" cũng được hình thành. Khi hội nghị Geneve được ký kết đã có 82 "tiểu đoàn Việt Nam", 81 "tiểu đoàn khinh quân" và 5 tiểu đoàn dù, chưa kể 3 trung đoàn cơ giới, 8 nhóm pháo binh, 5 nhóm vận tải và 5 tiểu đoàn công binh đó là chưa kể tuần binh, quân đội của các giáo phái và Bình Xuyên, tổng cộng là 272.000 người (không kể số lính da vàng trong các đơn vị da trắng). Số tiền người Pháp bỏ ra để thành lập quân đội này là: 524 tỉ francs năm 1952, 585 tỉ năm 1953, 575 tỉ năm 1954.
* Năm 1953 bắt đầu cuộc tổng động viên với lệnh tất cả thanh niên tuổi từ 18 đến 33 phải ghi danh nhưng mãi đến năm 1957 mới có lệnh những người tuổi 20 và 21 ra trình diện.[8]
* Năm 1955, sau khi Quốc trưởng Bảo Đại bị truất phế, Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập Việt Nam Cộng hòa, và Quân đội Quốc gia Việt Nam từ đó cải tên là Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Cùng năm 1955, Bộ Tổng tham mưu không còn tùy thuộc hệ thống chỉ huy Pháp.
* Năm 1956 Hải quân Việt Nam Cộng hòa bắt đầu tiếp nhận tàu chiến từ Hải quân Hoa Kỳ, gồm 31 chiến hạm với 193 chiến đỉnh, đến 1963 mới chấm dứt.
Các sĩ quan Hải quân Việt Nam Cộng hòa tại Quân cảng Cam Ranh ngày 1 tháng Giêng năm 1971
* Năm 1957 thành lập binh chủng Lực lượng Đặc biệt, huấn luyện sĩ quan và hạ sĩ quan tại trường Biệt Động Đội ở Đồng Đế, và đơn vị đầu tiên mang tên Liên đội Quan sát Số 1 (LĐQSS1).
* Năm 1959, Bộ Tư lệnh Quân đoàn I, II, III, IV được thành lập với trách nhiệm an ninh lãnh thổ như sau:
o Quân đoàn I: các tỉnh miền Trung (Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi v.v.),
o Quân đoàn II: các tỉnh Cao nguyên và nam Trung phần (Kontum, Gia Lai, Bình Định v.v.),
o Quân đoàn III: các tỉnh miền Đông Nam phần (Tây Ninh, Bình Long, Định Tường, v.v.) và Sài Gòn
o Quân đoàn IV: các tỉnh miền Tây Nam phần (Hậu Giang, Phong Dinh, An Giang v.v.)
* Cùng năm 1959, các sư đoàn khinh binh và dã chiến binh được tổ chức lại thành 7 sư đoàn bộ binh (BB), gồm Sư đoàn 1 BB, Sư đoàn 2 BB, Sư đoàn 5, Sư đoàn 7, Sư đoàn 21, Sư đoàn 22, Sư đoàn 23. Quân số mỗi sư đoàn là 10.500 người. Sau đó, Sư đoàn 9, Sư đoàn 18 và Sư đoàn 25 được thành lập.
* Năm 1959, Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến tách ra khỏi Hải quân và trở thành lực lượng tổng trừ bị.
* Năm 1960 binh chủng Biệt động quân (BĐQ) được thành lập với 50 đại đội và bắt đầu hoạt động sâu trong vùng kiểm soát của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
* Năm 1962, Liên đoàn Nhảy dù gồm các tiểu đoàn nhảy dù thuộc địa của Pháp được phát triển thành Lữ đoàn Nhảy dù gồm 7 tiểu đoàn nhảy dù 1, 3, 4, 5, 6, 7 và 8. Liên đoàn 31 LLĐB được thành lập.
* Năm 1962, các đơn vị Không quân tác chiến và yểm trợ tác chiến được tăng lên cấp không đoàn tại mỗi quân đoàn, với các không đoàn sau
Xe tăng thuộc Sư đoàn 25 Bộ binh Việt Nam Cộng Hòa đang hành quân
Xe tăng M-41 của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa
Phi cơ T-28D cuả Không lực VNCH
*
o Không đoàn 41 (Đà Nẵng)
o Không đoàn 62 (Pleiku)
o Không đoàn 23 (Biên Hòa)
o Không đoàn 33 (Tân Sơn Nhất)
o Không đoàn 74 (Cần Thơ)
* Năm 1965 Lữ đoàn Nhảy dù phát triển thành Sư đoàn Nhảy dù
* Năm 1970, quân số đã lên đến 1 triệu quân, được trang bị 1 triệu súng M-16, 12.000 súng máy M-60, 40.000 súng phóng lựu (grenade launcher) M-79, và 2.000 lựu pháo (howitzer) và súng cối hạng nặng ( heavy mortar)[9].
[sửa] Các trận chiến quan trọng
* Trận Ấp Bắc (1963) -
* Trận Bình Giã (1964-1965) -
* Trận Pleime (1965) -
* Trận Mậu Thân (1968) -
* Trận Kampuchea (1970) -
* Trận Lam Sơn 719 (1971) -
* Trận Quảng Trị (1972) -
* Trận An Lộc (1972) -
* Trận Tống Lê Chân (1973) -
* Trận Thượng Đức (1973) -
* Trận Hoàng Sa (1974) -
* Trận Xuân Lộc (1975) -
* Trận Sài Gòn (1975) -
[sửa] Các tướng lãnh tiêu biểu
Trong lịch sử 20 năm của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, có cả thảy 159 vị được phong cấp tướng, trong đó có 1 thống tướng (truy phong) và 5 đại tướng.
* Thống tướng Lê Văn Tỵ (1903-1964), truy phong năm 1964
* Đại tướng Trần Thiện Khiêm (phong năm 1964)
* Đại tướng Dương Văn Minh (phong năm 1964)
* Đại tướng Nguyễn Khánh (phong năm 1964)
* Đại tướng Cao Văn Viên (phong năm 1967)
* Đại tướng Đỗ Cao Trí (truy phong năm 1971)
Về các tướng lãnh còn lại, xin xem:
* Danh sách Trung tướng Quân lực VNCH
* Danh sách Thiếu tướng Quân lực VNCH
* Danh sách Chuẩn tướng Quân lực VNCH
[sửa] Tổ chức Quân lực Việt Nam Cộng hòa 1975
Biểu trưng và khẩu hiệu "Tổ quốc, danh dự, trách nhiệm" của Quân lực
* Năm 1975, theo số liệu từ hồi ký Đại thắng mùa xuân của Đại tướng QDNDVN Văn Tiến Dũng[10], toàn bộ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) gồm có 1.351.000 quân, trong đó có 495.000 quân chủ lực, 475.000 quân địa phương, 381.000 quân "phòng vệ dân sự" có vũ trang, gồm 13 sư đoàn chủ lực, 18 liên đoàn biệt động quân.
* Theo Walter J. Boyne[11], toàn bộ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa gồm có 750.000 người, trong đó 229.000 là lực lượng chiến đấu nòng cốt để chống lại gần 1 triệu quân giải phóng bao gồm cả các lực lượng chính quy và du kích, trong đó có hơn 200.000 bộ đội chính quy mà hơn 80.000 quân đã ở lại miền nam sau Hiệp định Paris.
* Theo nhà nghiên cứu quân sự Nguyễn Đức Phương trong bài viết "Việt Nam Cộng Hòa 1975, nguyên nhân sụp đổ" thì Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thua vì được "tổ chức theo lối Mỹ, một người lính tác chiến có năm người yểm trợ như tiếp liệu, quân nhu, quân y, hành chánh tài chánh... cho nên trên thực tế lính nhà nghề chưa tới 200 ngàn người, thành phần không tác chiến (non combatant) chiếm khá nhiều, địa phương quân và nghĩa quân chỉ đủ sức cầm cự chờ lính Bộ binh của sư đoàn".
Về pháo binh VNCH có hơn 1500 khẩu đại bác, hơn một nửa là súng 105 ly, chưa tới 1/4 là 155 ly và khoảng 15% là súng 175 ly. Về xe tăng tổng cộng có khoảng 2000 chiếc nhưng hơn một nửa là M-113 và các loại xe thiết giáp hạng nhẹ, khoảng gần 40% là xe M-41 và M-48, trong đó chỉ có M-48 là tương đương với T-54 của QDNDVN.
Vũ khí QLVNCH khá hùng hậu nhưng tình hình 1975 do hậu quả cắt giảm quân viện, nhiều máy bay, xe tăng, tầu chiến... thiếu cơ phận thay thế đã trở thành bất khiển dụng. Hỏa lực không quân giảm 60% so với năm 1972, đạn dược chỉ đủ đánh cho tới tháng 6 năm 1975. Vì phải trải quân giữ đất, toàn bộ 13 sư đoàn của QLVNCH và 15 liên đoàn BÐQ (tương đương với hơn 6 sư đoàn) phải bảo vệ 44 tỉnh, tính trung bình một tỉnh chỉ được hơn một trung đoàn bảo vệ trong khi QDNDVN do nắm thế chủ động chiến lược có thể tập trung hơn 10 trung đoàn để đánh một tỉnh thí dụ như tại Ban Mê Thuột tháng 3-1975.
Về số lượng xe tăng và pháo binh của QLVNCH nhiều gấp bốn lần đối phương nhưng về mặt phẩm chất vũ khí lại không có ưu thế. Xe tăng chỉ có M-48 tương đương với T-54, pháo 155 và 105 ly tầm viễn xạ tối đa chỉ được 15 và 11 cây số trong khi pháo 130 ly của QDNDVN bắn xa 27,5 cây số. Năm 1972 Mỹ có viện trợ cho QĐVNCH súng 175 ly bắn xa 42 km nhưng số lượng không nhiều lắm. nHơn nữa do phải chiến đấu nhiều năm trong điều kiện bị áp đảo về hỏa lực nên QĐNDVN có kinh nghiệm hơn hẳn về ngụy trang và phản pháo
Theo William Colby, người từng đứng đầu tổ chức tình báo CIA tại Việt Nam Cộng hòa thì Quân lực "Được huấn luyện theo chiến thuật Hoa Kỳ, thì nay họ lại phải vận dụng chiến thuật ấy trong điều kiện thiếu thốn đạn dược, máy bay khác hẳn những gì họ đã học" và "giới quân sự Nam Việt Nam trước viễn cảnh của một trận chiến đấu cuối cùng đầy tuyệt vọng, đã bắt đầu quan tâm nhiều đến sự sống còn của gia đình mình hơn là quan tâm đến lợi ích chung"[12].
Năm 2005, khi về VN và trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên, Tướng Nguyễn Cao Kỳ nhận định rằng: "Mỹ luôn luôn đứng ra trước sân khấu, làm "kép nhất". Vì vậy ai cũng cho rằng đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi là những kẻ đánh thuê.
Tôi biết rất rõ ràng về cái gọi là những người chỉ huy, những ông tướng lĩnh miền Nam khi ấy. Từ ông Thiệu đến những ông khác dưới trướng, xin lỗi, toàn là những vị ăn chơi phè phỡn, tài không có mà đức cũng không. Trước đây có "ông" Mỹ đứng sau thì không có chuyện gì, nhưng khi phải một mình trực tiếp đối diện với khó khăn thì bản chất cũng như tài năng lộ ra ngay.
Trong một cuộc chiến, nói gì thì nói, theo tôi quan trọng nhất vẫn là lực lượng, là quân đội. Quân đội miền Nam, không có ai đáng giá cả, kể từ ông Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh - trở xuống. Trong số những vị cùng vai với tôi, cứ mười ông thì đến mười một ông tham sống sợ chết! Trong khi đó, miền Bắc các chỉ huy lại có rất nhiều kinh nghiệm chiến trường, được cấp dưới tin cậy và kính trọng về nhân cách, đó là sự hơn hẳn.[13]
Huy hiệu tròn của Không lực VNCH
Phù hiệu của lực lượng Thiết giáp
* Đầu năm 1975, ngoài Bộ Tổng tham mưu với các cơ quan, binh chủng và binh sở trong hệ thống quản trị (hành chánh, nhân viên, huấn luyện, chiến tranh chính trị, tiếp vận), Quân lực Việt Nam Cộng Hòa còn có các đơn vị yểm trợ tác chiến gồm 4 bộ tư lệnh quân đoàn và các đơn vị yểm trợ trực thuộc. Các đơn vị trực tiếp tác chiến gồm:
o Lục quân: 11 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn nhảy dù, 1 sư đoàn thủy quân lục chiến, Liên đoàn 81 Biệt cách dù, 21 liên đoàn biệt động quân, 4 lữ đoàn kỵ binh thiết giáp, Lực lượng Lôi Hổ và Biệt Hải thuộc Nha Kỹ thuật, các đơn vị pháo binh biệt lập và lực lượng địa phương quân, nghĩa quân hơn 50.000 quân.
o Không quân. Quân số 60.000, gồm: 1 bộ tư lệnh quân chủng với đầy đủ các cơ quan và binh sở yểm trợ, 5 sư đoàn không quân tác chiến (20 phi đoàn khu trục cơ, trang bị khoảng 550 phi cơ A1H, A37 và F5, 23 phi đoàn trực thăng, trang bị khoảng 1000 phi cơ UH1 và CH47, 8 phi đoàn quan sát, trang bị khoảng 200 phi cơ O1, O2 và U17), 1 sư đoàn vận tải (9 phi đoàn vận tải, trang bị khoảng 150 phi cơ C7, C47, C119 và C130), 1 không đoàn tân trang chế tạo, 4 phi đoàn hỏa long, trang bị phi cơ AC119, AC130 Spectre Gunship. Ngoài ra còn có Phi đoàn Trắc Giác (tình báo kỹ thuật), Phi đoàn Quan sát RC119L và Biệt đoàn Đặc vụ 314.
o Hải quân. Quân số hơn 40.000, ngoài các đơn vị yểm trợ hành chánh, nhân viên, huấn luyện, tiếp vận (có hải quân công xưởng), gồm 3 lực lượng tác chiến: (1) Hành quân lưu động sông, với 14 giang đoàn trang bị khoảng 260 chiến đỉnh; (2) Hành quân lưu động biển với một hạm đội trang bị tuần dương hạm, hộ tống hạm, khu trục hạm, tuần duyên hạm, giang pháo hạm, trợ chiến hạm, dương vận hạm, hải vận hạm và giang vận hạm; (3) các lực lượng đặc nhiệm 211 thủy bộ với 6 giang đoàn, 212 tuần thám với 12 giang đoàn, 214 trung ương với 6 giang đoàn, và Liên đoàn Người nhái.
[sửa] Năm 1975
* Tháng 3 năm 1975, sau khi Phước Long và Ban Mê Thuột thất thủ, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh tái phối trí, rút bỏ Quân khu I và II, dồn toàn quân về Quân khu III và IV chống giữ. Cuộc rút quân tái phối trí hoàn toàn thất bại, ông Thiệu từ chức, các tướng tá tháo chạy, và trong vòng 55 ngày, toàn bộ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tan rã, chủ yếu vì suy sụp tinh thần và thiếu lãnh đạo.
* Trận giao tranh cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa ngoài vòng đai Sài Gòn xảy ra tại Xuân Lộc, do Sư đoàn 18 Bộ binh Việt Nam Cộng hòa, dưới sự chỉ huy của tướng Lê Minh Đảo, và Lữ đoàn 1 Nhảy dù, dưới sự chỉ huy của Trung tá Nguyễn Văn Đỉnh.
* Trận giao tranh cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong thành phố Sài Gòn xảy ra tại bản doanh Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, do Liên đoàn 81 Biệt kích dù, dưới sự chỉ huy của chỉ huy trưởng BCH 3 Chiến thuật, Thiếu tá Phạm Châu Tài.
* Lực lượng tan hàng sau cùng của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa là Liên đoàn 81 Biệt cách dù, dưới sự chỉ huy của chỉ huy trưởng Liên đoàn 81 Biệt cách dù, Đại tá Phan Văn Huấn.
Sau năm 1975, hơn 200.000 quân nhân và nhân viên chính phủ Việt Nam Cộng Hòa bị bắt và giam giữ trong các trại cải tạo của chính quyền mới[14]. Con số 200.000 cũng được Jean Louis Margolin nói đến theo xác nhận của Phạm Văn Đồng.
[sửa] Chú thích
1. ^ Andrew A. Wiest, The Vietnam War, 1956-1975, 2002, Osprey Publishing, tr.80
2. ^ Trần Hội & Trần Ðỗ Cẩm, Khái lược lịch sử hình thành quân lực VIỆT NAM CỘNG HÒA
3. ^ Vương Hồng Anh, Hiệp Định Genève, 50 Năm Nhìn Lại
4. ^ Bách khoa toàn thư Việt Nam
5. ^ Khái lược lịch sử hình thành quân lực VIỆT NAM CỘNG HÒA - Thời kỳ thành lập (1950-1952)
6. ^ Quân Đội lãnh đạo Quốc Gia từ ngày 19 tháng 6 năm 1965
7. ^ Lược-Sử Tổ-Chức Hải-Quân Việt-Nam Cộng-Hòa
8. ^ Smith. Harvey et al. tr 441
9. ^ Robert Buzzanco, Vietnam and the Transformation of American Life, 1999, Blackwell Publishing, tr. 103.
10. ^ Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa xuân, Chương 4.
11. ^ Walter J. Boyne, The Fall of Saigon
12. ^ William Colby-Một chiến thắng bị bỏ lỡ NXB CAND p402
13. ^ http://dongduongthoibao.net/view.php?storyid=68
14. ^ Frank Snepp, Decent Interval, tr. 476
[sửa] Tham khảo
* Nguyễn Đức Phương. Chiến tranh Việt Nam Toàn tập. Toronto: Làng Văn, 2001.
* Smith, Harvey et al. Area Handbook for South Vietnam. Washington, DC: US Government Printing Office, 1967.
[sửa] Liên kết ngoài
Dự án liên quan Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và tài liệu về:
Quân lực Việt Nam Cộng hòa
* Các đơn vị QLVNCH
* Hải Sử: Lược Sử Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa
* Quân sử Không Quân Việt Nam Cộng Hòa
* Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt
* Lịch Sử Trường Bộ Binh Thủ Đức
* Sư Đoàn Nhảy Dù VNCH
* Biệt Động Quân VNCH
* Phù hiệu các quân binh chủng VNCH
* Huân chương & Huy chương VNCH
[sửa] Liên kết ngoài
* (tiếng Pháp) Vietnamese National Army gallery (May 1951-June 1954) - French Ministry of Defense archives
* (tiếng Pháp) Dalat veterans association website 1 / 2
* (tiếng Pháp) Dalat our school
* (tiếng Pháp) Dalat archives gallery 1 / 2
* (tiếng Pháp) The Vietnamese National Army, thesis by Nguyen Van Phai (1980)
* (tiếng Anh) The Fantoches: Vietnamese National Army
* (tiếng Anh) ARVN 1968-1975
* (tiếng Anh) When the War In Vietnam Was Really Lost - about Nguyen Van Hinh
* (tiếng Anh) Vietnam War Timeline: 1954
* (tiếng Pháp) "Battle of Na San".
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top