Tư tưởng Đất nước của nhân dân

tư tưởng Đất nước của nhân dân trong đoạn thơ từ "Nhưng em biết không có bao người con trai con gái..... Đất nước của ca dao thần thoại"
BÀI LÀM
“Đối với tôi, văn chương không phải các đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giời giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn.” (Thạch Lam). Những cuộc chiến qua đi, những trang lịch sử của từng dân tộc được sang trang, các chiến tuyến có thể được dựng lên hay san bằng. Nhưng những tác phẩm đi xuyên qua mọi thời đại, mọi nền văn hóa hoặc ngôn ngữ cuối cùng vẫn nằm ở tính nhân bản của nó. Có thể màu sắc, quốc kì, ngôn ngữ hay màu da chúng ta khác nhau. Nhưng máu chúng ta đều có màu đỏ, nhịp tim đều giống nhau. Văn học cuối cùng là viết về trái tim của nhân loại. Chính vì vậy, văn học có khả năng thanh lọc tâm hồn, cho ta có góc nhìn sâu lắng hơn để lí giải về cuộc sống. Và với đoạn trích “Đất nước” ( Chương V trường ca “Mặt đường khát vọng” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm ta có thể hiểu thêm về chân lí ấy. Đoạn trích nổi bật với “Tư tưởng đất nước của nhân dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt” đã cho ta “trông nhìn và thưởng thức” trong mê say.
Nguyễn Minh Châu đã từng bộc bạch rằng: “Nhà văn phải là một thứ côn trùng dùng cái râu của mình mà thăm dò không khi thời đại. Nhưng muốn trở thành một nhà văn lớn, anh phải ngụp lặn sâu vào đời sống dân tộc mình, nhân dân mình.” Chính vì thế, văn học phản ánh hiện thực không bao giờ là sao chép hiện thực một cách hời hợt, nông cạn. Nhà văn không bê nguyên si các sự kiện, con người vào trong sách một cách thụ động và giản đơn. Trái lại, tác phẩm nghệ thuật là kết quả của quá trình thai nghén sáng tạo ra một thế giới mới mà nơi đó bản chất xã hội được thể hiện sâu sắc nhất và chân thực nhất. Qua đó, ta có thể thấy cả một tầng lớp, một thời đại, hay thậm chí là những điều có ý nghĩa vượt lên khỏi thời đại vĩnh cửu sống mãi với thời gian. Với sự ý thức như vậy, ta có thể thấy dấu vết thời đại in trọn trên trang thơ của Nguyễn Khoa Điềm trong khát vọng thức tỉnh thanh niên vùng tạm chiến miền Nam hòa nhập. Bằng chất suy tư, cảm xúc lắng đọng, Nguyễn Khoa Điềm đã viết nên “Mặt đường khát vọng” những năm trước giải phóng 1975. Chúng ta nhìn thấy trong thơ ông không chỉ là những truyền thuyết lịch sử dựng nước và giữ nước, cũng không bao trùm bởi vẻ đẹp trường tồn của danh lam thắng cảnh, mà với “Đất nước” chúng ta có thể cảm nhận hình tượng “Tư tưởng đất nước của nhân dân là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đoạn trích.”
“Tất cả trong con người! Tất cả vì con người! Con người! Tiếng ấy thật kì diệu! Tiếng ấy vang lên kiêu hãnh và hùng tráng xiết bao!” (M.Gorki). Nếu ví truyền thống, văn hóa, địa lí, lịch sử là những thái cực chuyển động thì có lẽ nhân loại là sức hút của nam châm, tất cả mọi quy tắc trên đời đều chỉ hiện hữu khi nam châm xuất hiện. Chính vì vậy, Nguyễn Khoa Điềm nhìn nhận về đất nước trên nhiều phương diện, nhưng vẫn không thể thoát khỏi nguyên lí “đất nước là của nhân dân”. Chẳng hạn đằng sau mỗi một sự tích về “ hòn Trống Mái”, về “núi Bút, non Nghiêng” hay về “núi Vọng Phu”, ta đều có thể cảm nhận được sự hóa thân của tâm hồn nhân dân, tính cách cũng như là số phận của họ. Chính nhân dân đã thổi hồn vào cách di tích bằng sức mạnh phi thường đã làm cho đất nước sống mãi theo thời gian. Ngoài địa lí, phương diện lịch sử cũng không thể không đi liền với hai tiếng “nhân dân”, nếu không có họ “vào bốn ngàn năm Đất Nước” đã “cần cù làm lụng”, cùng chung ta chống ngoại xâm, thù nội, liệu rằng có tạo nên ngày hôm nay, tạo nên “Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả” (Chế Lan Viên). Quả thật, cho dù là phương diện nào, “Đất nước” vẫn gắn bó tha thiết với dân tộc Việt Nam, trong ngõ ngách cuộc đời, trong những điều giản đơn nhưng sâu lắng nhất, nồng nàn nhất. Và “sợi chỉ đỏ” nhân dân không bao giờ đứt quãng trong quá trình xây dựng và kiến tạo Đất Nước từ xưa đến nay.
Đất Nước đã được làm nên bởi lịch sử hào hùng của các vị anh hùng dân tộc, những người đã hi sinh máu thịt cho đất trời phương Nam, nhưng sâu thẳm trong chiến trường khốc liệt ấy, liệu mấy ai biết rằng nhân dân cũng chính là một trong những lực lượng nòng cốt của quân đội ta, chính họ đã dựng nên những hậu phương vững chắc, chính họ đã mang làn gió khí thế bước vào nơi sa trường, oanh oanh liệt liệt cùng nhau xông pha đẩy lùi quân thù để giảnh lấy một cơ hội khẳng định chủ quyền của Đất Nước.
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Trong bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, suốt chặng đường dài không mỏi mệt, chúng ta đã làm rất tốt để giữ vững độc lập ngày hôm nay trước bom đạn hiểm ác của kẻ thù lớn mạnh. Ta có thể thấy những vị anh hùng được ghi danh sử sách về chiến công, mưu lược trong các trận chiến, nhưng ta lại không thể thấy được một lực lượng dân tộc đã âm thầm ngã xuống, hi sinh máu thịt để che lấp những thương tổn do quân địch hủy hoại. Họ “đã sống và chết” trong “giản dị và bình tâm”, dường như sinh ly tử biệt đối với họ chẳng có ý nghĩa gì so với việc đánh mất đi chủ quyền quốc gia dân tộc, với xuất thân là những người dân chân lấm tay bùn, họ chỉ biết mang theo những cử chỉ “giản dị”, đơn sơ nhất và trao đi những tình cảm chân thành, mộc mạc nhất cho Đất Nước. Vốn dĩ không phải là kẻ tri thức, bác học với những chiến lược đột phá xuất kích quân thù, họ chỉ có một trái tim yêu nước nồng nàn như Nguyễn Trãi đã viết:
“Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông.”
Cùng chung chí hướng, khát vọng, 4 chữ thiêng liêng cao quý “độc lập – tự do” đã khắc sâu vào trong tâm khảm của mỗi người. Vì thế mặc kệ phong hầu ban tước, danh tiếng muôn đời, họ chỉ biết chiến đấu theo ý chí đang sôi trào, cho dù là “không ai nhớ mặt đặt tên” nhưng “họ đã làm ra Đất Nước” với những gì chân tâm và quý báu nhất mà họ có, kể cả dâng hiến cả xác thịt. Bằng lời tâm tình “Nhưng em biết không”, thi sĩ đã thành công khắc họa nên bức tranh chính trị nhưng không gây cho người đọc sự nhàm chán và khô khan, trái lại như giọng thủ thỉ của những đôi lứa yêu nhau, càng nghe càng cảm thấy khảm sâu vào xương tủy, khiến người đề trầm luân vào trách nhiệm đối với Đất nước, với dân tộc Việt Nam. Cùng với những lời nhắn nhủ tha thiết nhắc nhở người đời mãi đặt những con người vô danh vào nơi đầu tim của mình để mãi mãi khắc ghi công trạng đáng quý của họ.
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trông cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Nhân dân không chỉ là những anh hùng vô danh xông pha nơi chiến trường khốc liệt mà họ còn là những hậu phương vững chắc, là những người đã tạo ra một xã hội với muôn màu muôn vẻ. Bằng điệp từ “họ”- phép thế cho những con người vô danh, mà Nguyễn Khoa Điềm đã đặt đầu câu như một lời tuyên thệ, một lời khẳng định ý nghĩa của họ trong việc xây dựng nên một Đất Nước tươi đẹp. Những đồng từ “truyền”, “giữ”, “gánh”, “đắp be” tựa như một thứ khí giới thanh cao, làm nổi bật nên vị trí của họ giữa cuộc đời. Tuy không phải là những việc lớn lao, mang tính cấp cao nhưng chẳng phải những việc phi thường đều được bồi đắp dần từ những chuyện nhỏ nhặt sao? Và họ là những trụ cột cơ bản nhất cho Đất Nước. Tưởng tượng nếu Đất Nước không có họ, những giá trị vật chất không thể sản sinh cũng như đời sống tinh thần cũng chẳng thể phong phú cho đến ngày nay. Cũng như đã được nhà thơ nhắc đến, họ sẽ không ngần ngại bất kì sự khó khăn hiểm trở nào để phất lên ngọn cờ khởi nghĩa khi “có ngoại xâm” hay “có nội thù”. Đối với họ, chẳng có bất kì thứ gì có thể đặt ngang hàng với Đất Nước, nơi cội nguồn sinh dưỡng của họ, kể cả thân xác này. Bởi vì có lẽ nếu không có Tổ Quốc, ắt hẳn cũng chẳng thể cho họ nhìn thấy ánh nắng ban mai, nếu không có Tổ Quốc, họ cũng chẳng thể cảm nhận được sự bất khuất và cường vĩ đang sôi sục trong tâm trí. Như Nguyễn Đình Thi đã từng thốt lên trong “Đất Nước”:
“Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất”
Tiếp nối mạch cảm xúc của đoạn thơ, hai câu thơ sau đây tựa như điểm hội tụ, là đỉnh điểm trong xúc cảm thơ trữ tình của người nghệ sĩ:
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Tựa như thiên ngôn vạn ngữ được cất tiếng thành lời, xúc cảm của Nguyễn Đình Thi bỗng vỡ òa, phải chăng đó là bởi vì những công lao mà nhân dân đã cống hiến trong âm thầm cho Tổ Quốc, tuy không rạo rực vẻ vang nhưng lại phi thường góp phần làm nên âm hưởng muôn đời. Với vai trò của người chiến sĩ, Nguyễn Khoa Điềm hiểu rõ như thế nào là những mất mát, đau thương mà chiến tranh đem đến, như Nguyễn Duy đã từng viết:
“Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại.”
Chiến tranh đi qua như cơn lốc chuyển dời vận mệnh của Đất Nước, cướp đi sinh mạng của biết bao người vô tội, nhưng không vì thế mà ta lùi bước. Trái lại, nhân dân Việt Nam đã cường hóa nổi sợ hãi thành khí thế hào hùng của dân tộc, lấy đó làm vũ khí bất tử để vượt qua từng trận hỗn chiến mãnh liệt. Chỉ khi cô độc mới lẳng lặng nghe từng tiếng kim chỉ giờ hoạt động, cũng chỉ khi trải qua tử biệt, mới sâu sắc cảm nhận được sinh mệnh thật sự quá mong manh. Đất Nước chúng ta, Đất Nước được bồi đắp nên từ xương máu của những người dân lao động, thật đáng tự hào làm sao! Tất cả những hành động đó, tất cả những tấm chân tình mộc mạc, mãnh liệt đều được đền đáp xứng đáng bởi “độc lập chủ quyền” của ta ngày nay. Đất Nước vẹn toàn lãnh thổ bao giờ cũng đi cùng xương máu của nhân dân, vì họ là những chủ nhân của Đất Nước, dân tộc ta đã có công trong việc dựng – giữ – kiến tạo Tổ Quốc và điều đó sẽ bất diệt với thời gian. Để khẳng định nỗi niềm xúc động “Đất Nước của Nhân dân”, hai lần lặp lại trong đoạn thơ như lời ca tụng hân hoan về sự tích chống giặc miệt mài hơn hai ngàn năm, hơn hai trăm vạn người đã chôn vùi dưới đất cát nhưng ta đã không lùi bước, từng tầng đổ xuống lại từng lớp đứng lên. Sự kiên cường bất khuất ấy làm ta kinh ngạc, dường như hiện thực quá đổi mộng ảo như những câu chuyện “ca dao thần thoại”, những tinh thần thép, những con người quả cảm ấy đã xé tan lớp màn ngăn cách giữa thần tiên và đời thực, họ là những món quà mà trời cao trao tặng, vô cùng hữu lực và đẹp đẽ.
Đặng Thai Mai cho rằng: “Nhìn chung văn học Việt Nam phong phú, đa dạng nhưng nếu cần xác định một chủ lưu, một dòng chính, quán thông kim cổ thì đó là văn học yêu nước.” Chủ nghĩa xã hội đã tạo ra cho chúng ta một cao nguyên tinh thần hùng vĩ nhất, từ đó có thể thấy rất rành mạch quá khứ và con đường dẫn đến tương lai. Tuy kết thúc nhưng “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm lại không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện. Tác phẩm thâm nhập vào tâm hồn và ý thức của độc giả, tiếp tục sống và hành động như một lực lượng sống nội tâm. Điều đó sẽ lưu truyền mãi ở đời, không chỉ vì cái tâm của người nghệ sĩ mà còn là biệt tài rất riêng trong họ, biệt tài sử dụng các biện pháp tu từ cũng như tài năng “họa” chữ đi vào lòng người của Nguyễn Khoa Điềm. Nhưng tác phẩm sẽ sống mãi không chỉ phụ thuộc vào người nghệ sĩ, mà chúng ta cần phải thẩm thấu, lắng lòng mình lại để hiểu sâu hơn về những thông điệp mà nhà thơ muốn truyền đạt, vi “nội dung của tác phẩm văn học không tự rót vào đầu người đọc như người ta rót nước từ ấm vào ca mà phải do người đọc đánh thức dậy” (Nhà văn Xô Viết).
Tác phẩm nghệ thuật không chỉ là bản ghi chép đơn thuần về các sự kiện mà là điểm tựa để nhân loại sinh tồn và vượt qua tất cả. Qua một nỗi lòng, một cảnh ngộ, một chặng đời của dân tộc, nhà thơ muốn truyền tải với chúng ta về nhân sinh quan. Và gập lại bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm, tôi thực sự cảm nhận được về nỗi niềm yêu nước và tấm lòng cao cả của nhân dân dành cho Tổ Quốc. Thoạt nghĩ rằng, chỉ cần nếm một giọt nước biển cũng đủ thấy cái mặn mòi của đại dương, Chỉ cần qua một áng thơ như thế cũng có thể thấy được tư tưởng về “ Đất nước nhân dân, những con người đã góp phần làm nên đất nước muôn đời.”

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top