[LF] DẠ KHÚC [full]

P/N: Tớ post truyện này lên đây mà chưa có xin phép được tác giả / dịch giả để edit và re-up. Nên nếu tác giả / dịch giả có yêu cầu xóa truyện thì tớ sẽ del ngay. Cảm ơn mọi người đã đọc những truyện tớ post lên và yêu mến DBSK nhé!

.

===========

.

DẠ KHÚC

.

Author: Shim Yulee

.

Warning: Bối cảnh Việt Nam.

.

Summary:

Chẳng biết khoảng thời gian sau đó chúng tôi đã trải qua như thế nào, mỗi lần hỏi, em đều nói với bạn bè, con cháu, sống với tôi quả là “ác mộng”. Nhưng hễ tôi gật đầu tán thành ý kiến đó, em lại lồng lên chửi bới.

.

Note:

Đáp lễ lại mọi món quà mà tôi từng nhận được. Haki, Hàn nhi, Pơ, Bikun, Sel, Zuu, Snowie, KangLee… tất cả mọi người. Cảm ơn vì đã quan tâm, yêu thương và ủng hộ Lee trong suốt khoảng thời gian qua XD Love you all!

Beta by my beloved Snowie and Zuu. Kamsahamida dear~

*-*-*-*-*

CHAPTER 1.

Soundtrack: Dạ Khúc - Hiền Thục

.

Cần đêm trắng để trút vơi lòng đầy

Cần thêm nắng để em nhìn vừa bóng tối

Cần thêm anh hỏi han cho giấc trưa em yên lành

Cần thêm những lần hẹn như cuối cùng

.

Cuối năm cấp ba, tôi biết thế nào là yêu một mình.

Tôi yêu em lắm. Tôi yêu một mình em. Yêu một mình, là tôi yêu em nhưng em không yêu lại. Đó gọi là yêu một mình.

Nhà tôi là một tiệm bán đồ ăn sáng nhỏ, mở ra chủ yếu là để tiếp đón các vị khách quen trong xóm. Xóm vừa đông mà cũng vừa vắng, tùy lúc, tùy người. Xóm nhỏ mà, nhìn sao cũng được.

Mẹ tôi có xưởng bánh bao ngon nổi tiếng, sáng mở ra là thơm chun mũi. Mùi bánh tỏa lên theo một cột khói trắng, lan ra xung quanh, làm người ta dịu đi. Dòng họ tôi có truyền thống làm bánh bao nhân đậu. Bánh thon dài, mỏng mà thơm phức. Nhân đậu ngọt và mềm mại tan trong miệng. Bánh ăn thanh, không ngấy, cũng không đắt tiền.

Ngày sinh tôi ra, mẹ thương lắm nên gọi tôi ở nhà giống nhân loại bánh trứ danh của gia đình: Đậu.

Có thể vì loại bánh rẻ tiền và cái tên tục quê mùa của tôi mà em sinh ra coi thường. Em không ăn bánh nhà tôi bao giờ, toàn thích ăn bánh bao đầu ngõ của một tiệm có xuất xứ nước ngoài. Tôi không hiểu, một nhãn hiệu của Châu Âu làm sao có thể làm ra một loại thức ăn Châu Á ngon? Nhưng em không cho là như vậy, ít ra thì bánh bao nhân thịt băm, hai trái trứng cút và nấm xắt thì vẫn ngon hơn chán cái bánh bao nhân đậu dẹt lép, bên trong nhão nhoẹt mềm mềm.

Tôi có chút tự ái mà thích em quá nên không nói gì. Hôm nào qua nhà em làm việc cũng đem theo túi bánh bao đậu, muốn cùng em ăn.

Em hơi kiêu ngạo, khó chịu một tí. Ba em chiều chuộng nhưng ghét bỏ em. Cái kiểu dù em có làm mình làm mẩy thế nào, ông cũng bảo người xung quanh hãy cứ xuôi theo em quách cho xong. Rồi sau đó để em lại đơn côi với sự thỏa mãn rỗng tuếch của mình. Em thường hay giả bộ làm lơ vấn đề đó, nhưng có lúc, tôi thấy em nổi điên lên, nắm lấy vạt áo ba của mình và bắt đầu chửi bới.

Em nói ông “Đừng tưởng cứ quăng cho tôi mọi thứ rồi có thể bỏ bê tôi, cuối cùng thì ông vẫn là ba tôi. Dù mẹ tôi đã mất đi, dù chúng ta có xa cách thế nào. Ông vẫn là ba tôi!!” Tiếp đó những gì tôi biết là ông tát vào mặt và đạp lên người em mấy cú không thương tiếc.

Tôi thường hay canh chừng những chuyện thương tâm ấy rồi chạy vào can ngăn khi có thể, bởi lẽ bản thân em là một cá thể phức tạp.

Có vài lần tôi đỡ đòn cho em rồi tìm cách bế em đi chỗ khác. Ba của em tinh ý, cười cợt nhả nói chẳng lẽ tôi thích cái thằng ẻo lả này sao. Tôi im lặng. Em thì ngược lại, đang nằm im thít trong lòng tôi bỗng nhiên lồng lên, bảo tôi đặt em xuống.

Trước sự ngạc nhiên của tôi, em tháo dép chọi vào người bố của mình, lên giọng lạnh tanh nói “Im đi lão già, sự ẻo lả của tôi đủ để đàn ông hơn ông đấy!” Thật ra thì em rất đàn ông. Vì không ít thằng đàn ông lại vô cùng hèn nhát. Còn em thì ngược lại, em mạnh mẽ đến trắng trợn như thế, không tài nào dùng từ ẻo lả để diễn tả em được.

Về phần tôi, sau đợt đó bị em coi như cái gai trong mắt, rác sau nhà còn có thể thơm tho hơn tôi. Em không cho tôi lại gần, cũng không nói chuyện với tôi. Em cho rằng sự giúp đỡ của tôi khiến ba em nghĩ em cần một nơi nương tựa. Em không muốn mình bị coi thường và hơn hết, cái mùi bình dân bốc lên từ tôi khiến em khó chịu.

Nhà tôi không giàu, cũng không nghèo. Tóm lại là bình thường. Nhưng nhà em thì không. Nhà em giàu tới khác thường. Chẳng biết bố em làm nghề gì mà lại giàu đến như vậy, tiền vung hoài chả hết. Mảnh đất nhà em rộng tăm tắp, ngôi biệt thự nằm lọt thỏm ở giữa. Nhà có trên dưới gần chục người làm. Có người làm ở lại, có người làm theo giờ.

Tôi đang kiếm tiền đi học đại học nên có giúp việc theo giờ cho gia đình em. Toàn bộ phần đất rộng chưa xây cất, ba của em muốn biến thành một vườn cây cảnh thật oách. Tóm lại thì cũng là thú tiêu khiển nhà giàu, vì vậy, tôi bắt đầu làm việc cho nhà em. Thật ra đây chỉ là công việc theo giờ, không tới nỗi như thợ hồ. Tôi được nghỉ giải lao, ăn một bữa ngon và chỉ làm cỡ bốn đến năm tiếng một ngày. Tóm lại là không tới nỗi cơ cực.

Em hay từ cửa sổ phòng mình tập đàn rồi nhìn ra vườn, thấy đám người tụi tôi quần quật trong đám bùn lầy. Thật chả hay ho gì.

Người như em khó chiều ý, người giàu chưa chắc đã qua lọt con mắt em, người nghèo thì chưa biết đã được em nhìn mặt chưa mà lọt qua nổi con mắt.

...

“Đậu, dạo này con sao vậy?” Má tôi hỏi khi thấy gần đây tôi chăm qua nhà của ông phú hộ. Học xong là chạy bay sang ấy, trước cả giờ làm rồi lân la ở lại tới tận tối.

“Dạ, không có gì!” Tôi đáp qua loa.

“Ừ, má tin mày, nhưng biết điều tránh xa cậu chủ nhà ấy ra nghen con!”

“Sao phải tránh má?”

“Cậu chủ nhà ấy thất thường, ông chủ nhà ấy thì…” Nói đến đây má thở dài một cái tưởng như thấu đến tận trời xanh được. “Má nghĩ cũng chả tốt lành gì đâu. Người giàu lắm của thì cũng tự khắc sinh nhiều tật. Má không cho mày làm thì mày dùng dằng, mà cho mày làm ở cái nhà đó, má không yên tâm chút nào!”

“Thôi, má lo gì, bên ấy xong cái vườn, con kiếm đủ tiền thì cũng hết chuyện rồi. Công việc như vậy lại được công cao, con không làm, tụi thanh niên trong xóm cũng giành hết. Má cứ cản, xém xíu là con lỡ cả cơ hội!”

“Má nói gì nổi, mày lớn mày khôn rồi, mày có nghe má nữa đâu. Đến chừng hai ba năm nữa mày bỏ má với ba mày lăn lóc xó này, đi làm ông tổng ông ti thì biết gì nữa!”

Mấy bà má trong Nam có cái tật hễ chút là than rồi bắt đầu trách bóng trách gió con mình. Tôi không rõ mấy bà má ở miền Trung hay miền Bắc có vậy không. Chắc miền nào cũng vậy. Con cái lớn, họ dễ tủi thân với suy nghĩ rồi con sẽ tung cánh bay khỏi tổ, không còn cần tới họ nữa. Ba tôi thỉnh thoảng cũng trách mấy câu nhưng vu vơ thoáng qua.

Thật ra gia đình, chính vì chuyện ấy mới thấy ấm áp.

...

Nhà em vừa làm xong cái bồn nước ở giữa sân rất lớn. Vòi phun đặt ở giữa được ba em mua về từ nước ngoài, gắn lên nhìn hợp với sự xa hoa của căn biệt thự và cái sân đến lạ. Người làm ca sáng đã xong hết phần lắp ráp, tôi cùng đội ca chiều đến chỉ cần kiểm tra lần cuối rồi bắt đầu xả nước.

Ba của em muốn nuôi thiên nga, ông nói giống chim đó đẹp và quý phái. Tôi chợt muốn phụt cười, thật ra thiên nga chỉ nhìn thong thả ở phần trên, còn những chân của chúng ở dưới nước lại đạp rất cực lực. Tóm lại là hoàn toàn trái ngược với bề nổi của chúng. Nói ra thì chả đoan trang gì, chỉ là đánh lừa con mắt thôi.

Ngày đầu tiên nhìn mấy cặp thiên nga bơi lội, em đã chướng mắt. Đứng ở bồn nước mà nhăn mặt, cuối cùng, cuối xuống nhặt mấy hòn đá gần đó, vươn tay ra sau chuẩn bị ném.

Tôi đứng ngay cạnh đó, nhanh chóng chạy lại chụp tay em, giọng không cảm xúc nói. “Đừng!”

“Bỏ tay ra, dơ hết áo rồi!” Em sẵng giọng, bàn tay tôi còn dính đất, vô tình rây ra dơ hầy cái áo sơ mi trắng của em.

“Cậu cũng bỏ hòn đá đi!” Tôi buông tay, nhẹ nhàng với lấy tay em, muốn em đặt cái thứ gồ ghề trên tay xuống.

“Tôi không phải ném chúng!”

“Bồn còn mới, cậu ném ai cũng không được!”

“Tránh ra, đồ cù lần!” Em quát, bắt đầu tức giận vì sự xen vào vô cớ của tôi.

“Cậu muốn sao?”

Câu hỏi đến bất chợt khiến em mở to đôi mắt của mình hoài nghi nhìn tôi. Khuôn mặt trắng trẻo của em nhiều lúc mới thánh thiện làm sao, khi em ngủ quên trên sô pha lúc đọc sách, khi em đánh đàn ở gần cửa sổ, khi em cười với mấy người làm vì đã chiều đúng ý em. Nhưng đôi khi, khuôn mặt này mới quỷ dị làm sao, như thể là quái thú hồ ly nhập vào, thay đổi hoàn toàn con người em. Em độc ác, em kiêu ngạo, em không hài lòng điều gì liền lồng lên.

Một đôi mắt nai to đen láy, một cái mũi nhỏ xinh, một đôi môi chín đỏ lịm trên cái nền da trắng. Mái tóc đen bay bay mềm mại.

Hiện thân của sự dịu dàng là một em tàn ác. Một tạo vật hỗn loạn và không thống nhất với chính mình như vậy khiến một đứa cục mịch như tôi chú ý. Khiến tôi quan tâm. Khiến tôi muốn che chở bảo vệ.

“Cậu ghét chúng chứ gì? Muốn giết chúng phải không?” Tôi tiếp tục hỏi, vẫn không biểu lộ cảm xúc gì.

“Thì sao?”

“Tách chúng ra!”

Em nghiêng đầu nhìn tôi, khó hiểu. Cuối cùng thì mắng. “Vậy thì được gì, rồi nó cũng sẽ tìm con khác!”

“Thiên nga là loài vật chung thủy!” Tôi đáp. “Chúng không giống con người, chúng chỉ một lòng với bạn đời của mình. Một mà thôi, nếu xa cách người chúng yêu, chúng sẽ buồn bã mà chết!”

“Sẽ chết luôn sao?” Em hỏi lại.

“Đúng, không thiết sống nữa!”

“Có thể vì yêu mà đến chết sao?” Em lặp lại, không phải hỏi tôi mà hỏi ai đó xa lắm. Tâm trí em miên man nghĩ ngợi, đôi mắt trong phút chốc phủ sương kín mít, không sao nhìn ra được.

Cuối cùng, em thả cục đá vào tay tôi. Nói một câu khinh bỉ mà chỉ thấy xót xa.

“Mấy cái con ngu ngốc, đẹp đẽ thế mắc gì phải chết vì bạn tình cơ chứ! Chỉ là chúng quá ngu thôi. Con người không được đến vậy đâu!”

Nói thế thì tôi cũng hết cách, vì bản thân tôi cũng giống mấy con thiên nga. Cũng muốn yêu thương đến chết một người.

Tôi tưởng sau cuộc trò chuyện đó, khoảng cách giữa tôi và em sẽ được rút ngắn, nào ngờ, hôm sau ra, em hồn nhiên quên hết mọi chuyện. Khi thấy tôi cầm bịch bánh bao nhân đậu qua nhà, mắt em nheo lại chán ghét rồi bỏ lên lầu.

“Jaejoong, cậu muốn ăn bánh bao không?” Tôi hỏi với theo, cố gắng bắt chuyện.

“Không!” Em trả lời cộc lốc, thậm chí còn không ngoảnh lại.

Tôi đành chịu, đem vào sau bếp chia với mấy chị giúp việc. Việc bị em làm đau lòng đã thành lệ, riết rồi tôi quen. Người tôi vẻ ngoài có chút cục mịch, ít nói, ít biểu lộ cảm xúc. Kiểu người võ biền lầm lì nên em không ưa. Người thô lỗ thường là người nghèo, cần gì em phải quan tâm.

Gỡ gạc lại là tôi được cái đẹp trai, tướng tá cao ráo, không to bè. Nhưng chưa bao giờ tôi xuất hiện thật sự lấp lánh để lấy sự chú ý từ em cả, chưa kể tôi là đàn ông, xuất hiện cạnh tranh vẻ đẹp với em, chưa bị đuổi đi là hay rồi.

Lần đầu tiên tôi gặp em khác lắm, lúc đó em đang ngồi ở bậc cửa hát vu vơ cái gì đó. Ấn tượng đầu tiên của tôi về em là một chàng trai như con gái, tiếp theo đó là đôi mắt dữ dội giết chết cái nhìn của người khác. Em thấy đám người lục tục kéo vào nhà thì nhìn chằm chằm, miệng bắt đầu lẩm nhẩm đếm.

Chờ tất cả chúng tôi đã vào tới phòng khách, em chợt theo sau, đóng cửa cái rầm lại rồi không để ai nói gì, thản nhiên khóa cửa, thả chìa khóa xuống đất, đá lọt qua khe hở dưới của cánh cửa, bay ra ngoài sân.

Ba em ngồi chờ sẵn ở sô pha, không thèm để ý đến hành động khác thường của em. Tôi thì ngược lại, nhìn biểu cảm yêu mị của em, tôi biết chuyện vừa rồi không đơn giản. Đúng như dự đoán, ngay sau đó là tiếng la hét của mấy người giúp việc, họ chạy lên nhà trên, nói với ông chủ rằng không hiểu sao các cánh cửa lớn nhỏ của nhà đều bị khóa trái, chìa khóa cũng không thấy đâu.

Lúc đó tôi mới nghe tiếng em cười thật giòn giã.

“Đáng đời nhà ông, có giỏi thì đền mẹ cho tôi đi, đừng có xây cái vườn nhắng nhít đó!”

Câu nói làm cho tiếng cười càng trở nên giòn giã gấp bội mà cũng giống như đang khóc thật lớn. Cuối cùng cũng là phát điên vì bị tổn thương. Sinh vật nhỏ mà cố tỏ ra hung tợn. Chợt làm tôi có chút xao lòng.

Má tôi hay nói tôi có chút giống ba, nhìn bề ngoài nghĩ là người thô lỗ, không chút dịu dàng nhưng thật chất bên trong thì ngược lại. Tôi hay để ý đến người khác và cũng thích giúp đỡ họ khi có thể. Má nói đó là bản năng để trở thành một người bố tốt, thế nào cũng sẽ yêu thương đứa con của mình.

Không biết có phải sau lần gặp đầu tiên đó, cái bản năng mà mẹ tôi nói lại trỗi dậy hay không. Nhưng tôi biết chắc chắn, mười tám tuổi, tôi bắt đầu yêu em.

== written by Shim YuLee ==

CHAPTER 2.

Khu vườn nhà em hoàn tất vừa kịp ngày tôi nhập học. Thành tích thi vừa rồi của tôi rất khá nên đậu vào nguyện vọng một. Đó là cả một công trình mà tôi hết sức tự hào, em thì ngược lại, coi điều đó chẳng khác nào bụi bay ngoài đường. Vì dẫu sao, em từ trước đến giờ đều học tại các trường tư thục, thậm chí có năm em giở chứng, nghỉ học ở nhà, bắt phải có gia sư đến dạy.

Nghĩ tới việc không còn được thường xuyên nhìn thấy em qua lại xung quanh nữa, lòng tôi chợt chùng xuống. Hằng ngày đi học, tôi vẫn ráng dừng lại ngoài vách tường, cố nhìn vào trong xem em đang làm gì.

Có vài lần tôi viện cớ đến chơi với mấy anh chị người làm trong bếp, thấy được em đang nghịch nước ngoài bồn nhưng không thèm đả động gì đến mấy con thiên nga đang an nhàn bơi lội xung quanh. Lúc đó trong lòng trồi lên cái câu hỏi, liệu em có còn nhớ đến cái lần chúng tôi đối thoại lần trước? Về loài thiên nga ngoan cố, chỉ chung thủy với một người bạn đời của mình.

Em có còn thấy sự ngu ngốc ở chúng và sự minh mẫn ích kỉ của con người không?

Tôi muốn lắm một lần được em nhìn nhận như một cá thể em có thể yêu, nhưng với em con người là sinh vật lạ lẫm đến độ em ngại phải yêu thương.

Như vậy đến bao giờ, em mới chịu yêu? Rồi tới bao giờ, em mới yêu tôi?

Cho đến ngày tháng đó, tôi vẫn chờ đợi. Cho đến ngày tháng đó, tôi vẫn cô đơn trong tình yêu. Yêu một mình.

Hè năm đại học thứ nhất, cuối cùng câu hỏi của tôi cũng có câu trả lời. Tôi vừa chuyển qua ở một phòng trọ nhỏ gần trường đại học. Cả năm đi lại bằng chiếc Dream cà tàng trên một quãng đường xa xôi, tiền xăng ngốn nhiều hơn tôi có thể tưởng. Cuối cùng, tôi quyết định sẽ ra ở tạm một nơi gần chỗ học, đồng thời kiếm thêm việc làm gia sư cho mấy đứa cấp hai. Phải xa xưởng hấp bánh bao của má, căn phòng mà ba đã đóng vách cùng mái nhà thân thuộc, tôi cũng có chút lạc lõng. Nhưng tuổi trẻ trưởng thành là thế, tôi phải tiến về phía trước.

Ngày ra đi, tôi không quên cầm theo túi bánh bao nhân đậu nóng hổi làm hành trang. Bánh ăn nghe như mùi lòng đỏ trứng chín, vừa ngửi được mùi âm ấm của bột bánh, lại ngọt ngọt như đường. Đây là một trong những mùi khó đặt tên nhưng lại khiến tôi thương mến. Không nhịn được sự cồn cào trong bụng, tôi dừng xe lại gần cổng nhà em, vừa ăn bánh vừa nhìn vào trong, thầm nghĩ xem em đang làm gì.

Đã hai tháng rồi không được nhìn thấy em, tôi buồn lắm nhưng việc học hành rồi kiểm tra khiến tôi bận rộn không ít. Nhưng vẫn nhớ em.

Lúc đó điều tôi không ngờ chính là hai tuần sau quay trở lại, mọi chuyện đã chính thức thay đổi.

...

Guồng công việc mùa hè quay tôi chóng mặt, mới chuyển qua khu vực mới tôi cũng mất một khoảng thời gian để làm quen với hàng xóm. Lũ trẻ nhà giàu học gia sư đa phần đều có nét giống tính cách của em, khó bảo và ích kỉ ghê gớm. Việc dạy chúng chả khác nào vật lộn với quái vật, cần một sự nhẫn nại vô cùng. Bẵng đi một cái đã gần nửa tháng, tôi thấy nhớ em với xưởng bánh bao của má không chịu được, quyết định chạy về nhà chơi.

Đến khi tôi lạch tạch mò về thì mới biết, căn biệt thự em ở cùng với khu vườn đẹp như mơ bao quanh đã bị niêm phong. Nhà nước đã đến và tịch thu toàn bộ. Ba em là tòng phạm tham gia vào một đường dây buôn ma túy và rửa tiền có tổ chức lớn nhất nhì miền Nam. Tôi gần như bị sốc, má tôi đã đúng khi suy đoán về ba của em. Chỉ là tôi không ngờ, hậu quả lại rõ ràng và đến nhanh như vậy.

Tôi lao về nhà, hỏi ba mẹ xem chính xác thì chuyện gì đã xảy ra. Cuối cùng mới biết gia sản nhà em đều đã bị tịch thu hết, em phải qua ở chung với họ hàng. Người bên nội chả có ai, bên ngoại thì không ai muốn chứa em. Tóm lại là không ai rõ em giờ này ra sao rồi.

Nói đến tính tình lúc nắng lúc mưa, vừa ngỗ ngược vừa hư hỏng như em, chẳng gia đình nào có thể chịu nổi. Nếu đã không còn nơi nào để đi rồi, chỉ còn một nơi em có thể đến.

Nghĩ rồi tôi phóng xe quay trở lại căn biệt thự, tìm cách cạy cánh cổng rồi len mình chui vào. Đúng như tôi nghĩ, ở bồn nước lớn giữa sân, không còn bầy thiên nga, em đang ngồi ở mép nghịch nước. Bộ dạng em dơ dáy bẩn thỉu, chiếc áo sơ mi trên người có tương đối sạch sẽ nhưng nhăn nhúm kì lạ. Tôi đoán em đã tìm cách chui vào đây, không có điện nước nên đành lấy đồ sạch trong tủ mặc được bộ nào hay bộ đó. Cũng may quần áo của em rất nhiều, nếu không giờ này em còn thê thảm hơn nữa.

Bồn nước ngày xưa rất sạch, màu nước xanh lơ, hơi trong trong. Giờ thì xỉn hẳn sang màu rêu do không được thay rửa, lá khô và tàn cây rơi xuống, nổi lềnh phềnh trên mặt nước nhìn rất dơ dáy. Em ngồi xổm ngay mép thành bồn, dùng một cành cây chọc xuống bồn, khuấy khuấy. Mái tóc hơi xù lên, không gọn gàng giống thường khi, khuôn mặt, tay và vạt áo lấm lem như con nít. Căn nhà sau lưng em hoang tàn. Cửa lớn lẫn cửa sổ đều để mở, gió lùa qua nghe lạch cạch rất thê lương.

Thấy tôi xuất hiện, em mở to đôi mắt của mình nhìn tôi kì lạ.

“Nhà hết thứ để bán rồi, không còn gì lấy được đâu!” Em bình tĩnh đáp. Tôi đoán chắc có những người giúp việc đã tìm cách hôi của* nhà em, giờ em nghĩ tôi cũng như vậy.

“Dơ đấy, đứng dậy đi!” Tôi làm lơ câu nói, từ từ tiến lại gần.

“Đừng đến đây!” Em ra lệnh, không thèm trốn tránh, khuôn mặt đanh lại y như cái ngày còn là chủ nhà.

“Đứng dậy đi thôi, còn ngồi đó làm gì!” Tôi mặc kệ, giờ đây khác trước rồi, em không thể cứ vô phép như vậy được.

“Là gì mà tôi phải nghe!”

“Đứng dậy ngay!” Tôi trừng mắt.

“Biến đi!”

Lần này tôi không nể mặt, đi đến nắm tay em kéo vực dậy. Bị một lực mạnh tác động đột ngột, em kêu lên, tức giận quay sang muốn đánh trả.

“Con nít hư thì phải ăn đòn!” Nói rồi tôi kéo em ra chỗ thềm trước cửa nhà. Ngồi phệt xuống mấy bậc thang, tôi kéo em ngã lên đùi mình rồi dùng tay phát thẳng mấy cái vào mông.

Em kêu á lên, bắt đầu vùng vẫy, chửi bới bằng đủ thứ ngôn ngữ. Nhịp tay tôi cũng theo mấy câu nói đó mà giáng xuống. Cuối cùng, khi tôi đánh đến đỏ tay, em cũng chịu không nổi, xụi lơ mà hức hức. Tôi dừng lại, đanh giọng đe.

“Không nín tôi đánh nữa!”

Nghe ăn đòn, em sợ quá, cắn môi làm thinh. Tôi thấy người em giật giật do nấc cục, cơ thể run run đến tội nghiệp đành đỡ dậy lau nước mắt cho, chuyển giọng hỏi.

“Đói bụng chưa?”

Em tính mở miệng nói gì đó mà thấy đôi mắt nghiêm khắc của tôi liền làm thinh, gật đầu. Chỉ chờ có thế, tôi buông em ra rồi chỉ tay về phía sau.

“Lên lầu gom đồ đạc nhanh, một là đi với tôi, hai là ở đây chết đói!”

Nghe đến cụm từ “chết đói”, em sợ xanh mặt, lon ton đứng dậy chạy vào nhà. Trong lòng tôi thở dài, rồi tôi phải làm sao với một đứa trẻ lớn xác như thế này?

Đó là lần đầu tiên, em ăn bánh bao nhân đậu, món gia truyền của nhà tôi. Thường ngày chỉ thích ăn bánh bao thịt, giờ thì sự cùng quẫn bắt em dẹp đi tính cậu ấm của mình, tập làm quen với những điều giản dị.

Cắn miếng đầu tiên, mặt em nghệch ra. Tôi nghiêng đầu hỏi ngon không, em liền gật lia lịa. Sau trận đòn dữ dội đó, em trở nên nghe lời hơn, hay ít nhất em biết, giờ cái quyền hung hăng của em không còn.

Ba tôi nhìn thấy tôi dẫn em đến nhìn ngạc nhiên, sau đó ngoắc má tôi lại nói nói, cuối cùng là mời em vào nhà ngồi. Ba pha ấm trà nóng có bỏ hoa cúc hong khô để dành đợt Tết, mùi nghe thơm thơm. Em chưa uống loại trà như vậy bao giờ, hoặc là em không uống trà nên không biết rằng trà ngoài đắng ra, cũng sẽ rất đượm và ấm.

Thấy khuôn mặt em hồng lên sau khi uống hết cái tách nhỏ, ba tôi nhẹ ngoắc tôi lại, nói lát nữa dắt em đi tắm. Tôi gật đầu, nhìn bộ dáng của em, chẳng khác nào con mèo ở dơ. Vừa đáng yêu vừa tội nghiệp. Thật ra em cũng to xác lắm, nhưng mình dây, đứng cạnh tôi vẫn dịu dàng hơn.

Xưởng bánh bao hôm đó má tôi làm thơm hơn hẳn thường lệ, đến độ em ăn một lúc sáu cái, tôi trợn tròn mắt. Khả năng của tôi mà bốn cái rưỡi là đã quá ngán. Miệng nhỏ xíu mà sao em ăn nhiều thế?

Dẫn em đi tẩy rửa xong, tôi thưa ba mẹ rồi về luôn. Ăn uống no nê, tắm rửa sạch sẽ, khuôn mặt em lơ ngơ buồn ngủ. Chở em trên xe, tôi dặn không được ngủ, nếu buồn ngủ quá thì cũng không được ngủ, ôm tôi chặt chút kẻo ngã.

Thật ra em cũng khác với mấy đứa nhà giàu trong trường mà tôi biết. Em không đi du lịch nhiều, không được yêu thương quá độ nhưng cũng chẳng phải dạng bị thờ ơ. Quá khứ của em không hẳn đáng thương mà tôi nghĩ ắt phải bầy nhầy hơn nữa.

Dẫn em theo nhưng tôi không lo lắm. Dẫu sao họ hàng cũng không ai quan tâm đến em hết. Ba em chả có anh em bạn bè gì, gia đình má em thì ghét cay ghét đắng ba em. Có một người dì yêu thương hai má con cũng đã qua Mỹ định cư, từ ngày được tin má em chết, dì tức giận đến nỗi đòi kiện ba em cố ý mưu sát, cuối cùng thất bại dì không bao giờ đoái hoài đến Việt Nam nữa. Tôi nghe tất cả những chuyện đó thông qua mấy lời tám cuội của các thím giúp việc nhà em hồi đó khi đang rảnh rỗi.

Về sống với tôi tức là em đã bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Không nuông chiều, không dung túng, không lười biếng. Tóm lại, tính cách khác thường của em phải gác qua một bên, không thì sẽ no đòn với tôi.

Em biết tôi vốn không đùa nên lúc nhìn thấy căn phòng trọ bé tin hin chỉ dám chau mày, không nói năng gì. Tôi chỉ vào cái nệm trải dưới đất trong góc, nơi tôi thường nằm ngủ, bắt đầu nói.

“Đó là chỗ ngủ, hơi chật một chút nhưng nhét hai người cũng được. Bếp ở sau, rất nhỏ, khi nào tôi đi làm cậu nhớ nấu cơm. Phòng tắm ở bên này, tiền điện nước dạo này đang lên, xài tiết kiệm chút!”

Em nghe xong thì nghệt mặt ra, bắt đầu trỗi dậy tính công tử.

“Không biết nấu cơm!”

“Vậy thì học!”

“Học ngu lắm!”

“Mười chín tuổi rồi, con nít hay sao mà như thế? Học ngu thì học đến khi nào biết thì thôi. Cậu không nấu cơm thì tôi cho chết đói ráng chịu!!”

Tôi mắng, khuôn mặt đanh lại. Sống trong một thế giới khác rồi, không nghiêm khắc, cái tính ỷ lại rồi một ngày nào đó cũng sẽ giết chết em. Tôi không thể cứ chiều ý em được, muốn sống lâu dài với nhau, bắt buộc em phải thay đổi. Cũng bắt buộc tôi phải thật nghiêm khắc.

“Chết đói thì chết đói, tôi sợ anh hả? Đánh tôi rồi bây giờ còn lên mặt sao? Có tin tôi kiện anh không?”

“Một câu nữa tôi cho cậu ra ngoài đường!!” Tôi đanh giọng, tư thế giống hệt người bố đang giáo dục con.

“Đi thì đi! Dẫu sao thì chết cũng đỡ phải sống chung thế giới với anh và cái ông già ấy!!”

Ngữ điệu mới ngoa ngoắt làm sao, nhờ ơn “cái-ông-già-ấy” mà giờ em trở thành một người bất trị và tính cách không ai quản nổi. Nếu tôi tống em đi, thể nào cũng lại chui về cái căn biệt thự cũ rồi ở đó lăn lết chờ thời.

“Thích thì cứ đi!” Tôi phán.

Xung quanh khu tôi cũng khá an ninh, nhưng đường xá thì đông xe kinh khủng. Để xem em đi bộ bằng cách nào. Bộ dạng đường nhựa còn chưa đi như em, muốn một mình lần về tới tận căn biệt thự của mình sao? Chưa kể em không có tiền, dọc đường xảy ra chuyện gì thì chỉ nước chết.

“Không chờ đến cái miệng của anh nói đâu!” Xong câu cuối, em đùng đùng xách hành lý, đạp cửa ra ngoài.

Chừng mươi phút sau, lại thấy em lếch thếch quay về. Khuôn mặt ỉu xìu. Tôi thậm chí chả thèm hỏi, đơn giản ra lệnh.

“Để đồ ở bên kia, đi ngủ đi. Mai dậy sớm tập thể dục rồi tôi dạy cậu nấu cơm!”

“Đồ khúc gỗ!” Tôi nghe em lầm bầm mắng trong miệng, quăng cái giỏ của mình qua một bên, từ từ lết đến cái nệm.

“Quăng đồ tùm lum nữa là tôi cho cậu nhịn đói đấy!” Em nghe tôi dọa thì làm thinh, quay lại chỉnh chỉnh sửa sửa cái túi cho ngay ngắn. “Tôi tên Yunho, Jung Yunho. Sau này biết mà gọi!”

Không nghe tiếng em ừ hử gì, quay sang đã thấy lăn ra ngủ rồi.

== written by Shim YuLee ==

CHAPTER 3.

Em dần làm quen với lề lối do tôi đặt ra. Buổi sáng dậy sớm chạy bộ cùng tôi, sau đó về nhà đọc sách, học bài. Tôi làm gia sư cho cả em, quyết định giúp em thi đại học. Buổi trưa em nấu cơm chờ tôi mua đồ ăn về, ăn xong, tôi chợp mắt rồi đi làm, em trông nhà, nếu buồn thì khóa cửa đi xung quanh chơi. Chiều, em lại nấu cơm chờ tôi về, cơm nước xong, tôi dạy em học.

Bản thân em cũng không đến nỗi khó chỉ bảo lắm, chỉ có điều, em làm như một cái máy. Em không đặt nhiều tình cảm vào cái nhà này, vào tôi. Yêu một mình vẫn cứ là yêu một mình.

Nhà có đĩa nhạc của ca sỹ Ngọc Sơn mà tôi rất thích, giờ nghe thì có vẻ quê mùa nhưng hồi đó, từ ngày tôi còn nhỏ xíu, mẹ đã hay bật để tôi dễ ngủ trưa. Riết rồi nó thấm vào máu, ăn vào xương tủy, khiến tôi thích lúc nào chả hay.

Mỗi lần nghe giọng mùi mẫn của Ngọc Sơn hát câu “chờ em hoài, đợi em mãi, sao em hững hờ” tôi lại thấy chạnh lòng ghê gớm. Giống như câu tôi tự vấn chính mình, em sẽ còn như vậy đến bao giờ, ngơ ngẩn, ích kỉ, kiêu căng, không yêu thương ai, không cần ai yêu thương.

Em thì thích nữ ca sỹ Hiền Thục, hằng ngày luôn tìm cách giấu đĩa của tôi đi để em được yên ổn nghe cô ca sỹ không tuổi* hát. Bản thân em nói nhạc nước ngoài nghe hay nhưng em chả hiểu, phòng tôi lại không có máy tính, lạc hậu lắm, thà nghe hàng nội luôn cho rồi.

Tôi biết thật ra em chỉ coi căn phòng nhỏ của tôi như nơi sống tạm bợ, em là con chim bay trên trời vô tình bị thương phải xuống đất sống với con chuột chũi. Bắt em yêu tôi còn khó hơn bắt tôi đập đầu vào tường chết.

Có lần, em tự nhiên hỏi tôi một điều không ngờ.

“Bánh bao lần trước… không mua nữa hả?”

Tôi ngạc nhiên nhìn em chằm chằm. Ý em là bánh bao nhân đậu rẻ tiền của má tôi?

“Cả cái nước hơi đắng nữa!”

Nghe thấy vậy lòng tôi chùng xuống, trời bên ngoài đang đổ mưa đùng đùng. Dạo này trời nắng thì nắng đến muốn điên lên được, chiều một chút lại mưa muốn dốc ngược cả nhà cửa người ta.

“Muốn ăn à?” Tôi hỏi, vẫn cái giọng chẳng nóng lạnh, mặt không cảm xúc.

“Không!” Em nói, quay đi nơi khác, được một chút lại quay sang nói. “Muốn!”

“Không muốn hay muốn?” Tôi hỏi lại.

“Muốn!”

Kết quả hôm đó, mặc trời mưa, tôi đèo em quãng đường hai chục phút ướt mướt, lạnh ngắt. Tới nơi quần với vạt áo chúng tôi ướt nhẹp. Má nhìn thấy bộ dáng thảm hại của hai đứa liền chạy vào nhà lấy mấy cái khăn rồi cao giọng mắng.

“Chúng bây hết giờ về thăm ba má rồi hả? Mưa vầy bệnh cho đã đời luôn, lớn rồi mà sao dại thế con!”

“Bà bớt cằn nhằn, kêu tụi nhỏ vô nhà trước đi!” Ba từ sau đi ra, thấy chúng tôi run lên dưới gió trời liền sốt ruột nói. Rồi ông vào bếp pha ngay ấm trà nóng.

Má lục tìm mấy bộ đồ cũ mà tôi còn để lại ở nhà, đưa cho cả hai, hối thay đồ ra ăn bánh.

Đĩa bánh bao và ấm trà ngày hôm đó cũng ấm sực, thơm nức mũi. Khuôn mặt em khi vừa ăn bánh vừa uống trà bỗng ửng lên, như hạnh phúc lắm. Trước giờ, kể cả khi còn ở tòa biệt thự to như cái nhà sách ấy, em vẫn chưa bao giờ bộc lộ cảm xúc giống vậy.

Đột nhiên sự thương mến trong lòng tôi dâng lên không ngừng, vừa cắn miếng bánh vừa quay sang em dịu giọng hỏi.

“Ngon không?”

Em gật gật, không để ý tôi, mắt cứ nhìn chằm chằm ba tôi bỏ thêm trà vào trong ấm.

“Trà ba tự phơi đấy!” Tôi không hề phật ý, tiếp tục nói. “Ra ngoài tiệm uống không được như vậy đâu!” Trà hoa cúc ngoài tiệm có thể ngon, thơm và đắt tiền hơn nhưng chắc chắn, vẫn không bằng ấm trà ba tôi pha. Trước giờ và cả sau này cũng như vậy.

“Phải nói, tao có công thức hẳn hoi, mấy ông bạn già còn ghen tỵ, lũ nhỏ tụi bây không quan tâm trà chứ ba mày thì rành lắm!”

Nghe giọng ông già lại chuyển sang trách móc vu vơ chuyện con ra ngoài ở riêng, tôi cười cười dỗ ngọt.

“Ai nói tụi con không quan tâm, hôm nay chở cả Jaejoong về uống trà với ba nè!”

Má ngay lúc đó bưng xưởng bánh khác vào nhưng bên trong không phải bánh bao mà là mấy cái há cảo, xíu mại nóng hổi. Chắc má biết hai đứa chúng tôi đói bụng, cần ăn đồ mặn nữa. “Ông cứ trách thằng Đậu mãi là thế nào, có phải đi luôn đâu. Một hai tuần là lại về chơi với tụi mình mà, có ối đứa đi hoài không về ý!”

“Đậu con tôi, bà không cho tôi nói là thế nào!”

Hai ông bà bắt đầu cự qua cự lại, tôi nhìn cảnh tượng đó thì mềm lòng. Hai người có mình tôi nên khi con dọn đi, trong lòng ắt phải thấy cô đơn. Tôi biết nhưng không làm khác đi được, không cất cánh thì sao có thể bay xa?

Tôi nhìn em, lúc này đang chằm chằm xưởng đồ hấp nóng hổi, chưa dám cầm đũa. Không biết hồi đó ở căn nhà khang trang, em có ăn mấy món này không? Tôi lấy cái chén nhỏ trên bàn, cầm đũa đưa cho em ra hiệu hãy tự gắp ăn đi.

“Chấm cái này!” Tôi chỉ vào chén nước tương cạnh đó. “Ba má ăn gì chưa?”

“Hai giờ, muốn chiều luôn rồi, có tụi bây là chưa ăn gì thôi! Ba má ăn hết rồi, mấy đứa ăn lẹ đi!”

Nói rồi má giật cái chén trên tay em gấp lia lịa há cảo, xíu mại, bánh hấp… vào. Tôi mỉm cười, tự lấy phần cho mình rồi mời ba má. Em thấy tôi thưa người lớn thì mặt nghệch ra, lúng túng nói theo.

“Con mời hai bác ăn!” Giọng em lí nhí, nhỏ xíu như đang xấu hổ. Chưa bao giờ tôi thấy em như vậy, vì cuộc sống chẳng có gì khiến em phải cảm thấy ngại ngùng, cho đến tận bây giờ.

Lúc về, em luyến tiếc nhìn xưởng bánh bao nghi ngút má tôi hấp bán ở ngoài hiên, khói tỏa ra bay trong không khí. Khi nãy ăn hai cái xem ra em vẫn còn thèm, thế là tôi liền lại gần, giở nắp, giật cái bao gần đó, bỏ liền tay ba bốn cái vào.

“Má à, bán con mấy cái bánh bao đem về luôn nha!”

“Cứ đem về đi, hôm nay má làm nhiều lắm, chắc biết tụi bây về thăm!” Má gọi với ra, đang giúp tôi lấy hai bộ quần áo bị ướt ban nãy phơi sau nhà vào.

“Con để tiền lại cho má luôn!” Tôi bắt tay lên miệng làm loa, rút tiền trong túi ra bắt đầu đếm. Tôi kiếm không nhiều nhưng tháng nào cũng ráng trích một ít ra cho ba má. Dù rằng má không nhận, ba thì la nói tôi giữ lo bản thân trước nhưng tôi đều lén nhét vào tủ tiền.

“Má không lấy đâu! Mày để lo cho Jaejoong nữa!”

Thật ra, tôi biết ba má đều tò mò về việc tôi cưu mang em nhưng hai người ý nhị, không hỏi. May mắn là cả hai đều quý mến em nên phần lo lắng trong tôi cũng giảm bớt. Có thể họ không hỏi nhưng bổn phận làm con, một ngày nào đó tôi cũng phải nói.

“Con để tiền mua bánh chứ có phải cho má đâu! Tiền để trong ống trà của ba đó. Tụi con về nghen má!”

Nói rồi tôi nắm tay em đi nhanh ra khỏi cửa, nhanh chóng dắt xe rồi leo lên. Lần sau đến sẽ lấy mấy bộ đồ ướt, giờ thì phải về trước khi má ra và dúi tiền lại cho tôi. Trời vừa mưa xong ẩm ướt và lạnh. Gió ban đêm càng làm cho người ta muốn run lên. Tôi là người từng lao động nặng, cũng quen với việc chịu đựng nhưng em thì khác. Em luôn ở trong nhà, lần này vừa dính mưa xong, lại mặc bộ quần áo rộng rinh của tôi, em có vẻ không ổn.

Tôi cầm túi bánh bao, lấy một cái bẻ đôi ra đưa cho em. Chỉ có thế, mặt em ngay lập tức giãn ra, ngoan ngoãn cầm ăn.

“Nhân làm bằng trứng hả?” Em ngu ngơ hỏi khi đang nhai nuốt, cái mùi bánh xông lên mũi vừa thanh vừa nồng, cảm giác khoan khoái lạ thường. Tôi một tay lái xe, một tay cầm nửa miếng bánh, hễ đèn đỏ dừng lại là đưa lên miệng cắn một miếng lớn.

“Không, đậu xanh!”

“Thơm thơm giống mùi trứng…” Em lặp lại, như con nít thắc mắc về thế giới rộng lớn xung quanh. Lúc này con quái vật trong em ngủ quên đâu đó rồi, chỉ còn lại cái bản thể hiền lành, ngây thơ ngồi sau lưng tôi. Giây phút thế này sao không thể kéo dài một chút?

“Ừ, thơm giống lòng đỏ trứng và ăn ngọt như đậu giã với đường!” Tôi dịu giọng đáp.

“Nhà mình không làm được sao Đậu?” Tiếng em hỏi nhỏ xíu, như thể bị bạt đi trong gió. Tôi ngạc nhiên khi được em gọi bằng cái tên cúng cơm. Từ tận lúc ban đầu, tôi cũng chỉ nói tên thật, chưa dám nghĩ sẽ cho em biết cái biệt danh của mình.

“Được!” Tôi đáp, vậy là lúc nãy em có chú ý nghe ba má tôi nói chuyện. Cả tên Đậu cũng tự động nhớ luôn. Cuối cùng, người vô tâm thật sự lại là tôi.

Hôm đó vét nốt số tiền còn trong túi, tôi đi mua cái xưởng hấp bánh nho nhỏ, bột bánh, chùi cán, đậu xanh… tất cả những nguyên liệu cần thiết. Về tới nhà liền chỉ em làm. Bản thân tôi đã biết hấp bánh, nhào bột từ ngày còn nhỏ, bây giờ chỉ cho người khác cũng không có gì là khó.

Xưởng đầu tiên, em làm dở tệ, bánh bị ướt, nhân cứng chưa chín. Đậu xanh giã không nhuyễn lại còn vỏ, chưa kể cho quá nhiều đường, ngọt gắt. Thấy mặt em xụ xuống, tôi đành nhắm mắt nhắm mũi ăn hết.

Lần thứ hai có khá hơn, nhưng lần này nhân chín, bột bánh bên ngoài lại cứng ngắc, chưa kể hình dạng rất dị thường, cái to quá, cái nhỏ quá, cái lại dày mình, cái mỏng te. Bản thân tôi chỉ biết thở dài, lại đành phải nhai trừ cơm.

Không biết qua biết bao nhiêu lần, cuối cùng cũng có chút tiến bộ. Lúc đó tôi ăn đến muốn ngán bánh đậu luôn rồi, nhìn thấy là muốn nhợn ra. Rồi sau đó cũng phải vì em mà nhai nuốt.

Bánh em làm mịn màng, phần nhân chín ăn vào nóng sốt, ngọt dịu. Tôi thấy như vậy là rất khá rồi, nào đâu em ăn xong nhăn mặt, quạu quọ hất xưởng bánh qua một bên. Không rõ là lại chuyện gì nhưng phung phí đồ ăn là một tội lớn, tôi đứng dậy, nhặt mấy cái bánh, phủi sạch, bỏ vào xưởng, bắt đầu ăn tiếp. Em ngồi một hồi rồi cũng thấy vẻ nghiêm khắc ở tôi, từ từ lại gần lấy bánh ăn.

Sau ăn, lại đến uống. Em bắt đầu xin tôi tiền, lúc đầu tôi hỏi làm gì, em không nói, lén lút chạy ra mấy cái cửa hàng gần nhà tha về ba bốn loại trà. Pha vào uống không được, em bực bội đổ hết đi, cuối cùng lấy tất cả trộn lại, nếm vào xém sặc. Sau này tôi phát hiện, lôi ra chửi um sùm, lúc đó em mới gân cổ cãi là em muốn uống trà.

Hôm sau tôi chở em về thăm ba má, xin ba ít trà khô để nhà, lúc đó em mới chịu yên phận. Em nhờ ba tôi dạy cách pha rồi một tháng liên tiếp ngày nào cũng nấu một ấm, khiến tôi nhiều đêm vì thứ nước đó mà mất ngủ.

Nói đến chuyện ngủ nghê, em cũng làm tôi không ít lần mất kiểm soát. Bản thân em không hề phòng bị, còn hay mặc quần ngắn cũn cỡn, áo thun mỏng tanh chạy lăng quăng trong nhà. Tối ngủ thì không nằm yên, cứ cọ quậy.

Từ ngày sống với em, khả năng kiềm chế trong tôi tăng vượt bậc. Thỉnh thoảng khi em đi tắm, trong đầu tôi cũng thoáng qua mấy ý nghĩ muốn xông vào nhưng cuối cùng phải gồng mình mà chịu.

Cô đơn trong tình yêu thật buồn bã, vì lo cho cuộc sống cả hai, tôi quần quật sớm tối giữa trường học và chỗ dạy thêm. Tuy thời gian rảnh rỗi rất hiếm nhưng hễ có, tôi lại nghĩ tới em và những con thiên nga bơi trong bồn nước ngày hôm đó. Tôi còn có thể cùng em được bao lâu rồi sẽ đến cái ngày, em yêu một ai khác.

Cuộc đời tôi đúng là thất bại, càng ngày, tôi càng có cảm giác mình giống anh trai, người bảo hộ cho em chứ không phải là người em có thể yêu đương.

Có một đêm nằm trở mình ngủ không được, tôi muốn đè ra em “vận động”. Cuối cùng lý trí chiến thắng, tôi dậy lấy áo khoác ra ngoài.

Không khí ban đêm tĩnh lặng làm sao. Đi bộ cỡ mươi phút là tới một công viên gần phòng trọ của tôi. Giờ này lang thang ở những nơi vắng vẻ rất nguy hiểm nên tôi chỉ đi vòng ngoài, ghé vào một cái hồ ở đầu công viên, buổi sáng vẫn có đàn thiên nga hay bơi qua. Giữa không gian tối mịt, mờ ảo bởi ánh đèn đường, tôi tìm kiếm một cái gì đó vô định.

“Điên sao mà giờ này ra đây?” Tôi nghe giọng nói vang lên sau lưng thì giật mình, đánh rơi điếu thuốc trong tay. Bản thân tôi không hút thuốc, lâu lâu có chuyện buồn phiền mới rít một hai hơi. Điếu duy nhất để dành vừa rớt xuống làn nước mất tiêu.

“Jaejoong? Cậu ra đây làm gì? Biết mấy giờ rồi không?”

“Vậy anh ra đây làm gì? Biết mấy giờ rồi không?” Em nhại lai y chang câu của tôi với ngữ điệu tương tự, lông mày nhăn lại.

“Về nhà ngủ đi!” Tôi ra lệnh. “Không thì ăn đòn đó!”

“Trật chân rồi!” Em tỉnh bơ nói lại.

Tôi ngạc nhiên quay sang, thấy người em hơi lộn xộn, cổ tay có vết cào, ở mắt cá chân bị một vết xước lớn. Nó bắt đầu sưng lên, màu máu đỏ kèm theo một chút dịch màu vàng như mủ. Miệng tôi muốn rớt xuống đất, mắt trợn lên.

“Cái gì vậy?!”

“Trật chân!”

“Trật chân cái gì, mắt cá làm gì sưng mủ vậy??”

“Lúc nãy chạy theo anh, có người kéo lại, giằng co đôi chút!”

Giọng em nghe tỉnh bơ, ngang tàng y như hồi đó còn là đương kim thiếu gia. Biểu cảm kiêu hãnh trên khuôn mặt cũng vậy. Em làm tim tôi muốn ngừng đập vì sự thương tật của mình nhưng em nào có biết. Thật đáng giận. Thật đáng buồn.

“Cậu thật là muốn ăn đòn mà!”

“Vì anh mà tôi ra thế này đấy, còn dám mắng à. Cõng tôi đi!” Em không những không sợ, ngược lại còn thản nhiên yêu cầu. Tôi thở dài, tiến tới nắm một tay em vòng qua cổ mình, từ từ cõng em trên lưng, tà tà đi bộ về nhà.

“Nặng quá!” Xốc nhẹ lại em, tôi nói.

“Con trai mà, chịu đi!”

“Chạy theo làm gì?”

“Để coi anh có cướp của giết người gì không!”

“Tôi không có như em!”

“Ai biết được!”

“Tôi buồn tình!”

“Hở?” Em chậc lưỡi, giọng mỉa mai “Đứa nào thèm khúc gỗ mục như anh?”

Tôi thả em xuống một cách bất ngờ khiến cái miệng nhỏ kêu váng lên, bắt đầu cằn nhằn chửi bới.

“Biết cái gì mà nói!” Tôi hất mặt, cảm thấy có chút gì đó âm ỉ trong mình đang bắt đầu bốc cháy.

“Thôi cái giọng đó đi, anh dịu dàng một chút thì chết hả?!”

“Cậu thôi ích kỉ, xấu xa một chút thì chết hả?”

“Nói ai xấu xa hả, đồ gỗ mục!!”

“Nói cậu đó, đồ quái vật, đồ hồ ly!!”

“Anh nói cái gì hả?? Đừng tưởng cho tôi ăn, để tôi ở lại là có thể làm ông ngoại tôi!!”

“Cậu cũng biết tôi cho cậu ăn, tôi cho cậu mặc vậy mà còn không biết điều là sao?!”

“Đồ khốn, tôi mắc gì, là anh tha tôi về, anh tự nuôi tôi. Đừng có vớ vẩn!!”

“Vậy thì cậu về cuốn gói cút ngay khỏi nhà tôi!! Cút ngay!!”

“Tôi thí luôn đồ cho anh, đây đi cái người là đủ rồi!!!”

Nói rồi em quay lưng, bắt đầu cà nhắc cà nhắc đi. Trong bóng đêm lầm lũi, bóng hai người nhỏ xíu, hòa cùng sự tĩnh lặng xung quanh. Cuộc sống lúc này cô đơn đến đáng sợ. Những người chung quanh chìm hết vào giấc ngủ, nếu bất chợt ta lẻ loi thức dậy, lúc đó sẽ là cả một nỗi buồn không tên.

Em chẳng có vẻ gì là sẽ đầu hàng, cứ lết đi về phía trước, cơn giận trong tôi nguội đi nhanh chóng bởi sự lạnh lẽo của đêm khuya. Bước những bước dài, tôi đến ôm chầm lấy em từ phía sau. Ngay lập tức em giãy đạp, la hét không ngừng.

“Buông ra, tôi cắn chết anh đấy!! Đồ đậu xanh rẻ tiền, buông ra!!! B...”

Tôi kéo mặt em lại, hôn vào môi, nuốt hết mấy cụm từ khó nghe phía sau. Đêm hôm đó, qua gần một năm kèm cặp em, cuối cùng tôi cũng đã dạy em thêm một điều nữa: tình dục.

== written by Shim YuLee ==

CHAPTER 4.

Sáng hôm sau em dậy, thấy người ngợm mặc đồ ngủ, vết thương ở chân được băng bó cẩn thận. Khuôn mặt lộ rõ sự hoài nghi, đến khi khẽ cử động mới bắt đầu la làng không ngừng.

“Đậu!! Đậu!!”

Tiếng em gọi nghe rất nức nở, vừa oán giận vừa xót xa. Thấy tôi vừa chường mặt ra với túi nước đá, em liền ngay lập tức chửi bới.

“Anh là đồ cầm thú!! Con chó nhà hàng xóm cũng tốt hơn anh!!!”

“Không được so sánh với chó!” Tôi ra lệnh, bình thản tiến lại chườm đá lên vết thương của em.

“Đồ đậu hạng hai rẻ tiền!! Không cần!!” Em hét lên, hất tung thứ tôi vừa đặt lên mắt cá chân.

“Chửi thì chửi, hất đồ nữa là tôi tét em nát mông đấy!” Tôi đanh giọng dọa, đi nhặt bịch nước đá, từ từ ngồi xuống bên giường, giúp em chườm chỗ sưng.

“Đàn ông mà dám làm ra loại chuyện đó, anh đúng là cầm thú cũng không bằng!! Vậy mà dám nói buồn tình, anh là...”

“Đỡ đau chưa?”

“Đồ khốn, lần đầu tiên của tôi, tránh xa tôi ra, đồ biến thái bệnh hoạn!!!” Em vẫn oang oang chửi, sung sức như vậy xem ra không sao.

“Không có chửi bệnh hoạn!” Tôi tiếp tục ra điều kiện.

“Cút đi, đừng lại gần tôi!!”

“Mông còn đau không? Muốn ăn gì?”

Em tức đến nỗi nghiến răng ken két, mặt đỏ lên khi tôi nhắc đến từ “mông”. Xem ra em không hề biết rằng người cùng giới quan hệ bằng cách đó, hôm qua chỉ biết khóc lóc ôm lấy tôi, hết chửi bới rồi rên rỉ. Ngón tay cào muốn nát tấm lưng.

“Anh có thể đi chết đi được không?” Em độc miệng nói, đôi mắt to trở nên vô cùng lạnh lùng.

“Nhắc đến chữ chết lần nữa thì đừng trách!”

Hôm đó tôi hấp bánh bao, đun nước sôi cho em uống. Chân bị mủ, ăn uống gì cũng phải cẩn thận. Uống thuốc xong, tôi dùng sức lật người em, đè xuống nệm xức thuốc mỡ. Lần đầu tiên đau là phải, không xức thuốc sẽ rất rát, mặc kệ em gào thét như sắp chết, tôi thản nhiên làm vệ sinh rồi giúp em lau người.

Đến chiều, khi đã bình tĩnh lại, em hỏi tôi tại sao lại làm thế với em. Quan hệ cùng đàn ông thì có gì hay ho. Chưa kể lại chẳng có ngực.

“Vì tôi thích em!”

“Thích ai là ngủ với người đó à?”

“Tôi yêu em!” Tôi nói luôn, mệt trò phải nói giảm nói tránh, dù sao cũng xong rồi.

“Anh đã không thèm hỏi ý tôi!”

“Lần sau sẽ hỏi!”

“Dâm tặc, tôi ngủ ngoài đường cũng không ngủ với anh!!”

“Biết rồi!”

Tôi đồng ý đại, cảm thấy mệt mỏi với việc đôi co cùng em. Dẫu sao tôi cũng biết, chỉ có mình tôi đơn phương nên không mong chờ gì nhiều. Nhất là với tính tình như em.

Em ở yên không được, lại bắt đầu hỏi. “Tại sao anh lại muốn ngủ với tôi nữa?”

“Vì tôi yêu em!”

“…”

Mùa hè năm đó đến trong âm thầm lặng lẽ, đến khi tỉnh ra, chúng tôi đã ở bên nhau được một năm rồi. Mặc cho những câu mắng chửi của em, chúng tôi vẫn thường xuyên làm chuyện đó. Càng về sau, em càng quen với việc cùng tôi âu yếm, cũng không nói gì. Mỗi lần thấy bộ dạng rên rỉ như con mèo của em bên dưới, tôi thấy mình vừa rơi vào lưới tình lần nữa, nhẹ vuốt tóc hôn lên môi.

Ngòai lúc lên giường, thỉnh thoảng tôi vẫn hay kéo em lại hôn. Ban đầu em cự tuyệt khá dữ dội, cắn lên môi, thậm chí tát vào mặt tôi bôm bốp. Sau một thời gian, từ từ cũng trở thành lệ, em không thèm chống cự nữa, tôi muốn hôn thì hôn, muốn làm gì thì làm.

Lần nào giỡn nhau, tôi cũng vác em lên vai, chạy vòng vòng quanh nhà, bắt em nói thương tôi. Em la hét um sùm vì nhức đầu nhưng vẫn không chịu. Đến khi tôi dùng tay vỗ bôm bốp vào mông, em mới nức nở gào em yêu anh, em yêu anh.

Có lần dọn nhà, cả hai đang đùa thì vướng thành nệm, té cái đùng. Em ngồi bệt trên sàn, răng đập trúng mặt nhà đau điếng nên ôm mặt khóc tu tu. Tôi thì mông tiếp thẳng xuống đất, ráng cắn răng chịu dỗ dành em. Cái răng ê làm em cứ luôn miệng tôi không yêu anh nữa, tôi không yêu anh nữa.

Mấy tháng gần đây em cũng bắt đầu đi làm, mỗi lần tôi đến kì kiểm tra, em biết tự thân tìm ra thư viện ngồi học, chỗ nào không hiểu thì tối đến hỏi tôi. Công việc em làm là phụ bán bánh ở một tiệm pizza Châu Âu. Nhớ hồi đó em hay gọi bánh đến nhà rồi chê ỏng chê eo, không ăn, giờ đây thì phải nai lưng làm thêm ở tiệm. Không biết có phải đó là nhân quả ở đời mà má tôi hay nói không.

Chúng tôi cứ nửa tháng một lần về thăm nhà. Má tôi biết tôi với em chẳng đơn thuần là bạn bè nên có hôm gọi tôi ra nói chuyện riêng. Dặn tôi coi lo được cho em thì hãy tiến tới, còn không thì phải biết thân phận mà để người ta đi, không sau này lại thành làm khổ người ta. Gia đình không phản đối khiến tôi nhẹ nhõm, thật ra má tôi có thở dài, nói một câu.

“Con mình mà mình còn không chấp nhận được thì ai thèm chấp nhận nó!”

Mãi về sau này, những từ đó vẫn in rất sâu đậm trong ký ức, giống như một cột mốc, đóng dấu cho sự trưởng thành của tôi.

Mỗi dịp mưa to một chút là em lại đi hấp bánh với pha trà như một thói quen. Nhưng lần nào ăn em cũng nhăn mặt, hỏi ra thì em nói nó không có được cảm giác như lần đầu tiên em được ăn loại bánh này.

Tôi ăn vào thì thấy cũng tương tự, không hiểu khác biệt ở chỗ nào. Cho đến cái ngày em trở về nhà.

...

Hôm đó là thứ tư, nhà của tôi bỗng đâu có thêm hai ba vị khách. Dì của em đã từ nước ngoài trở về mang theo tờ di chúc của mẹ em ngày đó. Theo như tâm nguyện của mẹ, khi nào em đủ hai mươi tuổi thì giấy tờ chính thức có hiệu lực. Sinh nhật của em đã qua từ bốn tháng trước, tất cả là do dì không xoay sở được công việc để trở về Việt Nam, phải chờ đến tận bây giờ.

Thấy bộ dạng gầy gầy, ngơ ngác của em ngay lập tức dì gán mọi lỗi lầm cho chỗ ở nhỏ hẹp, điều kiện tồi tàn và bộ đồ rẻ tiền em tròng trên người. Dì khóc ướt hết tờ khăn giấy này đến tờ khăn giấy khác, nói em hãy về căn biệt thự nhỏ ở gần nhà cũ, đó là gia tài mẹ để lại cho em. Ngoài ra còn vài mảnh đất hiện đang rất có giá.

Thông qua lời dì em kể, đại loại, ba của em là người đàn ông độc ác, bị mờ mắt bởi oán hận. Ông ta cưới mẹ em cốt cũng chỉ để trả thù vì gia đình mẹ em đã khiến công ty cha ông sụp đổ và tìm cách chia rẽ ông với người ông yêu, cũng là con gái một đối tác quan trọng. Cuối cùng, sau khi đã danh chính ngôn thuận cưới mẹ em, ông lật mặt, hành hạ tinh thần mẹ em đến phát điên mà chết. Còn em, con của chính ông ta thì cố tình nuông chiều đến hủy hoại.

Thật giống tiểu thuyết “Đồi gió hú”* phiên bản hiện đại. Tôi ngẩn ra, không biết phải nói gì. Trong một phút chốc, có người sẽ đem em đi khỏi cuộc đời tôi, nhanh gọn như lúc em xuất hiện.

Thấy em cứ ngẩn ra, dì vội gạt nước mắt, nhanh chóng kêu mấy người đi chung với mình phụ em sắp xếp đồ đạc, ngay lập tức trở về nhà.

Lúc đó tâm trí tôi đình trệ. Thường ngày, chắc chắn tôi đã nói vớ vẩn rồi một hai ba tống cổ hết mấy người này ra ngoài. Nhưng tôi biết tôi không có cái quyền đó. Đây là người thân thật sự của em, người bảo hộ em trên pháp lý.

Trước đây là do cùng quẫn trước hoàn cảnh em mới ở cùng tôi, giờ đây còn gì để mà níu giữ em?

Hơn hết, em có muốn ở lại cùng tôi hay không? Cùng khúc gỗ mục, đậu hạng hai rẻ tiền?

Đôi mắt em chuyển qua lo lắng khi thấy người ta cứ thản nhiên nhét đồ của em vào giỏ hành lý hàng hiệu còn tôi thì mãi không phản ứng gì. Em khẽ nhích lại gần, giật giật tay áo của tôi, ra hiệu tôi hãy nói gì đi.

“Em có muốn đi không?” Tôi hỏi nhỏ chỉ vừa đủ để em nghe thấy.

Em không trả lời. Vì tôi biết thật sự em muốn đi, em muốn nhìn thấy những kỷ vật của mẹ mình, em muốn được hưởng giây phút cùng người dì thân thuộc. Dù có thế nào, nhu cầu tình cảm vẫn không thể thay đổi được.

“Em có yêu anh không?”

Dì em bắt đầu nắm tay em đứng dậy, đã đến lúc để rời đi. Mấy người xách hành lí theo sau, bắt đầu tiến ra cửa.

“Có, em yêu anh!” Em trả lời nhanh chóng, thậm chí còn không kịp suy nghĩ, vẫn chưa đứng dậy.

Thấy tôi không có phản ứng, em tiếp tục nhắc lại. “Em yêu anh!”

Trong lòng tôi lướt qua hình ảnh những đêm em ngủ không cho tôi ôm, chỉ muốn chui vào góc nằm một mình, Những khi tôi vỗ đến rát tay, em mới buông ra được một câu yêu tôi vô cùng miễn cưỡng.

Có phải tình yêu không? Hay chỉ như những câu miễn cưỡng nhầm duy trì thói quen của mình?

“Đậu, em yêu anh, em yêu anh.” Em tiếp tục lay lay tay tôi, bắt đầu bị dì kéo mạnh hơn, mấy người giúp việc phía sau đồn đẩy em ra cửa.

“Thôi nào con, làm gì vậy, chúng ta đi thôi. Cậu Yunho cũng sẽ phiền đấy!”

“Đậu, Đậu à! Đậu!” Tiếng em gọi nhỏ mà xót xa. Đôi mắt em vẫn không ngừng nhìn lại, chờ mong tôi mau chóng nói cái gì đó.

Cuối cùng, tôi nói một câu kết lại tất cả. “Qua đó đừng hư để bị đánh đòn đấy!”

== written by Shim YuLee ==

CHAPTER 5.

Thoắt cái mà hai tháng qua như giấc mộng. Tôi buồn bã vô cùng. Thường xuyên đi dạo xung quanh căn phòng trọ, cố quên đi những ngày còn với em. Xưởng hấp bánh bao cũng bỏ qua một xó.

Ngày nào, tôi cũng ghé công viên mà hồi đó chúng tôi từng cãi nhau. Buổi sáng, đàn thiên nga vẫn thật duyên dáng bơi qua. Nó làm gợi lên trong tôi biết bao kỷ niệm. Hồi đó có lần em ra thư viện mượn một cuốn sách về các loại thú lông vũ, trong đó có làm dấu trang về thiên nga.

Thiên nga là loài có tập tính kết hôn suốt đời, chỉ chung thủy với bạn tình của mình.

Tôi từng nghe câu chuyện về những con thiên nga sau khi mất đi bạn đời đã không còn thiết gì nữa, chính vì thế tôi nói với em, cách hay nhất để giết mấy con thiên nga chính là tách chúng ra. Dù rằng tôi không biết có thật sự như vậy hay không nhưng xem ra em hoàn toàn tin vào điều đó.

Trong đầu tôi vẫn còn vẳng hoài tiếng em gọi tên. Đêm nằm, tôi không sao ngủ được. Có khi nào đó là lời thật lòng của em khi nói rằng em yêu tôi?

Đàn thiên nga thanh thản bơi qua, có một cặp quấn lấy nhau, hai con chụm đầu lại làm thành hình trái tim vô cùng âu yếm.

Hình ảnh khiến tôi đau lòng, hồi trước đây có phải tôi với em cũng từng như thế? Bây giờ em đang làm gì? Con thiên nga của cuộc đời tôi như thế nào rồi?

Hôm đó, tôi lái xe đến nhà dì em xem xét, vừa thấy tôi, dì đã chạy như bay từ cửa nhà ra tới cổng, giọng nức nở.

“Chúng tôi đang tính tìm cậu đâu, thằng Jaejoong ngã bệnh cả tuần qua, không biết làm sao~”

Không-biết-làm-sao của dì được hiểu theo đúng nghĩa đen. Mấy ngày liên tục em cứ sốt mãi, không có dấu hiệu thuyên giảm, buổi sáng đỡ một chút, tối lại nóng bừng bừng như lò than. Ăn được một chút lại bắt đầu nôn ọe, cả người đờ đẫn, không còn muốn nói chuyện cười giỡn với ai.

Tôi nghe từng câu từng chữ mà thấy giống như ai đó cầm đồ cán qua cán lại trái tim mình, nhanh chóng theo dì lên lầu thăm em.

Lúc cánh cửa phòng mở ra, tôi thấy em đang ngủ. Không khí xung quanh theo nhiệt độ của em mà cũng nóng lên. Dì nói không hiểu sao cứ nằm xuống là nhiệt độ cơ thể em lại tăng lên, ngồi dậy thì đỡ hơn nhưng cảm thấy rất mệt. Cuối cùng chịu không nổi, đành để em nằm ngủ, lấy khăn ướt đắp lên mũi cho dễ thở.

Lồng ngực em phập phồng rất khổ sở, ốm dậy có một tuần mà em gầy tong đi, đôi mắt hơi trũng xuống.

“Jaejoong, dậy đi con, Yunho đến thăm này!” Dì chạy đến đánh thức em, nhẹ nhàng đưa tay lên trán. “Hình như đang hạ sốt!”

“Cô cứ để cho cháu ạ!” Tôi ngắn gọn nói, phụ dì nâng em dậy. Tôi xin phép dì cho tôi nói chút chuyện riêng với em rồi cầm bình thủy ở bàn nhỏ bên cạnh, rót cốc nước nóng cho em.

“Đến đây làm gì?” Em nói bằng giọng khều khào. Tiếng đứt quãng như nghẹn lại ở cổ họng.

“Thăm em!”

“Tôi không quen anh!” Đáp lại ly nước của tôi là câu nói từ chối thẳng thừng, em ho ho mấy tiếng, hất tay khi thấy tôi định vuốt lưng em. “Tránh ra!”

“Em giận hả?”

“Bệnh sắp chết rồi, tôi cần gì phải giận hờn ai, khụ, anh biến đi được chưa?”

“Jaejoong, anh...”

“Biến!! Tôi muốn anh biến!! Khụ, khụ, khụ…”

Thấy em cứ ôm bụng ho sặc sụa như vậy, sợ ở lại chắc chọc em ho đến bể cả cần cổ, tôi đành đứng dậy, dịu giọng nói. “Ừ, vậy thôi anh về!”

Vừa dứt câu, tôi quay lưng bước ra cửa, tính xuống nhà tìm chút thức ăn cho em, lát sẽ lên lại. Nào ngờ bụp một tiếng, em lấy gối chọi vào tôi, bắt đầu la hét.

“Đồ đểu!! Ai cho anh đi hả?? Khụ khụ… Đồ cầm thú đốn mạt, anh bước thêm một bước tôi liều mạng với anh!!” Tiếng em nghe chữ được chữ mất, cứ tắt đi giữa những câu nạt nộ tức giận nhưng đại khái thì vẫn là mắng chửi rất dữ dội. Chẳng có vẻ gì của người ốm cả trừ những tiếng ho thỉnh thoảng xen vào.

“Anh là cái thứ đàn ông õng ẹo, nói một câu anh chết sao?? Đuổi tôi đi thì anh vui lắm rồi, lúc thích thì hôn tôi, ôm tôi, tối ngủ cũng lột hết đồ tôi ra, khụ… Giờ tôi bệnh chết, khụ khụ… Anh, anh cũng đâu thèm nữa! Anh y chang ông già đó, đốn mạt!!”

Em chửi không ngừng nghỉ, dùng đồ chọi tứ tung, tôi thở dài, tính cách ngỗ ngược này đến bao giờ mới có thể cải thiện được. Mặc kệ đồng hồ, sách vở bị em ném về phía mình, tôi bước trở lại giường bệnh, tìm cách dỗ em nguôi.

Vừa bắt gặp vòng tay ôm tới, em đã lồng lên, đánh ầm ầm lên ngực tôi. Bị bệnh cả tuần, sức em yếu xỉu, bắt đầu chuyển qua cắn. Cắn lên vai, lên cánh tay tôi. Vật vã trong vòng tay tôi một hồi cũng không thoát ra được, niềm tự ái đàn ông trong em cũng bị tổn hại không ít, quẫy đạp cho bằng được. Cuối cùng, em dùng đầu gối thúc vào bên hông, bắt tôi nới lỏng vòng tay mình, chỉ chờ có thể, em thẳng tay tát cái chát vào mặt tôi. Cái tát đó rất mạnh, ngón tay em quệt trúng mắt tôi, vừa đau vừa rát.

Thấy tôi lấy cả hai tay bưng mặt, em bỗng nhiên sợ, cơn giận xìu xuống. Một lúc lâu thấy người trước mặt vẫn chưa ngẩng lên, em bắt đầu lo lắng thật sự.

“Có sao không?... Đậu, em, em xin lỗi. Em tát trúng mắt anh à?”

“Đậu, Đậu à, em xin lỗi... Có sao không anh? Em xin lỗi, em đánh mạnh quá hả?”

Rồi em nâng mặt tôi lên, gỡ ra mấy ngón tay, bắt đầu hôn lia lịa lên mắt, lên dấu hằn bàn tay năm ngón đỏ lét.

“Em xin lỗi, em xin lỗi…”

Tôi thật hết cách với em. Bước gần em không cho phép, bước xa em không chịu, vậy rốt cuộc tôi phải ở bên em bao nhiêu là đủ? Nói yêu tôi cũng em, nói không yêu tôi cũng em, nói thù ghét tôi, nói tôi đốn mạt cũng em. Nói em xin lỗi cũng là em. Làm thế nào có thể giáo dục em thành một cá thể bình thường được đây?

Cũng không thể trách, có khi bản thân em bình thường. Tôi, tôi mới là cá thể khác thường vì tôi đã yêu em bất kể những điều khó hiểu trên.

“Anh không sao, em đừng nổi điên nữa, đang sốt đấy!” Thấy giọng tôi đều đều, khuôn mặt không biểu cảm, em lại tức giận.

Hai tay em nắm chặt lấy vạt áo của tôi, không để tôi đi đâu. Cái miệng nhỏ đỏ lên vì sốt bắt đầu ra lệnh “Khát nước rồi!”

Không trả lời, tôi lấy ly nước để trên bàn đưa lại cho em, lúc nãy em lồng lộn hất tung mọi thứ vậy mà cái ly này vẫn không vỡ, xem ra cũng may mắn.

“Thay nước khác đi!” Tôi tiếp tục ngoan ngoãn nghe theo.

“Nhức lưng quá!”

Cả người em ngồi lọt trong lòng, lưng dối diện với mặt tôi. Đan những ngón tay vào nhau, tôi căng chúng ra khởi động rồi tiến hành đấm bóp cho em.

“Đau quá, nhẹ thôi!” Em la oai oái khi tôi vừa đụng vào.

“Chân nữa!” Rồi em chỉ xuống bắp đùi.

“Sờ mạnh một chút, anh có phải đàn ông không?”

“Từ từ, nhẹ tay thôi, nát đùi người ta!”

“Ý sao nói một lần thôi, tôi cho em nát mông bây giờ!” Cuối cùng chịu không nổi tôi đanh giọng đe. Nhăn mặt không vừa ý. Bắt tôi sờ trên rồi sờ dưới, càng lên trên càng kêu mạnh tay.

“Tôi nói tôi yêu anh, sao anh không ngoan ngoãn như vậy?” Đến đây giọng em nghẹn lại, mắt mở to lên nhìn tôi. Đôi mắt đen như vũ trụ nuốt hết tầm nhìn của người khác.

Thấy tôi đực ra, giọng em càng trở nên nức nở.

“Tôi nói tôi yêu anh, sao anh không phản ứng, hả? Tôi nói yêu anh rõ ràng, chữ nào anh nghe không rõ? Tôi, khụ khụ…”

“Anh đừng tưởng đánh đòn tôi một lần là lớn, tôi cóc cần nữa! Ai cần anh làm ba tôi… khụ khụ, mấy cái bánh bao, mấy ly trà của anh bộ lớn lắm hả?”

“Còn dám nói mấy con thiên nga ngu ngốc tách ra sẽ chết, anh để tôi chết cho nhẹ nợ phải không?”

Em không khóc nhưng giọng thì cứ tức tưởi, nghẹn ngào. Thấy tôi vẫn không phản ứng gì, em nằm xuống giường, quay lưng với tôi, mặt úp vào gối đối diện vách tường.

“Anh biến đi! Biến đi! Khụ”

Nói tôi biến mà một tay em vẫn nắm chặt lấy vạt áo không buông. Như vậy thì biến đi bằng cách nào, có biến thì cũng vẫn dính em theo. Tôi thở dài. Xem ra em dạy dỗ không thành rồi, tôi đành phải chiều theo vậy.

“Đỡ sốt rồi phải không? Lại đây anh xem!”

Tôi dịu giọng, một tay luồn xuống nệm, vòng qua eo em, lật người em lại, tay kia để lên trán.

“Nói biến đi mà!”

“Cữ ăn cuối cùng là mấy giờ vậy?”

“Sao anh không biến đi! Tôi muốn anh biến đi!”

“Nói một câu nữa tôi bỏ mặc em thật đấy, có muốn tôi yêu thương không?” Tôi trừng mắt, phán một câu cuối khiến em nín khe. Bàn tay nắm lấy vạt áo tôi run run. Thấy thương gì đâu.

“Ăn gì rồi? Hôm nay đã lau người chưa?” Em lắc lắc, bắt đầu như khỉ ôm cành cây, đu lên người tôi, hai tay níu chặt lấy tấm lưng.

“Làm vậy anh không đi lấy đồ ăn được!” Người em vẫn bám chặt cứng, thậm chí còn gồng người giữ chắc. Tôi thở dài, tay vuốt vuốt lưng, quay sang hôn lên tóc em.

“Anh yêu em. Ngoan đi, anh thương!”

Giọng tôi rất nhỏ, cố gắng truyền đạt hết tình cảm cho em. Tôi yêu em là thật, chỉ cần em biết như vậy, đừng lo lắng là được. Lúc này thì em không ôm nữa, mà là siết. Mấy ngón tay bấu chặt sau lưng, mặt vùi thật sâu vào cổ tôi.

“Có yêu anh không?” Tôi thì thầm.

“Em yêu anh, em yêu anh…” Em chà chà tóc mình trên cổ tôi, nói liên tục.

Sau đó tôi tháo tay em ra, nhân tiện tháo luôn cúc áo với khóa quần. Lần này xong xuôi chắc tới lượt tôi bệnh.

“Yêu lúc nào?” Tôi hỏi khi bắt đầu hôn lên cổ, tay luồn vào lớp áo, tìm ngực em.

“Không biết…” Em lại lắc đầu, cố gắng vòng tay qua cổ giữ chặt tôi. Cứ thế này không cử động được.

“Ngoan, lát muốn ăn gì?” Bản thân tôi vừa tập trung cởi đồ mình, vừa giữ em, vừa hỏi những chuyện đâu đâu.

“Bánh bao đậu xanh…”

“Không có uống trà đâu, đang ho đấy!”

“Ừm…”

“Có muốn về nhà với anh không?”

“Có…”

“…”

Chẳng biết khoảng thời gian sau đó chúng tôi đã trải qua như thế nào, mỗi lần hỏi, em đều nói với bạn bè, con cháu, sống với tôi quả là “ác mộng”. Nhưng hễ tôi gật đầu tán thành ý kiến đó, em lại lồng lên chửi bới.

Cuộc sống của chúng tôi trải qua cũng khá là nhàm chán. Tôi không hiểu sao bánh bao em làm chung công thức mà vẫn thấy khác bánh bao ngày đó mẹ làm. Hỏi ra là do cảm xúc con người tác động, nhiều lúc em cũng không biết có thực sự là do sự khác biệt ở mùi vị. Cũng có thể chỉ là sự hạnh phúc lần đầu được ai đó cưu mang giúp đỡ, cho không mình một món gì đó. Cả thứ trà nhạt nhạt đăng đắng mà thường ngày em ghét không để đâu cho hết cũng trở nên thật dịu nhẹ, dễ uống.

Ba má lẫn dì, đại loại là đã không ngăn cản được mối quan hệ này, hay nói đúng hơn là không ngăn cản được em nên đành gật đầu ưng chịu. Chúng tôi sống chung với nhau cỡ ba năm ở phòng trọ rồi chuyển qua biệt thự nhà mẹ em. Giúp dì em gây dựng lại sản nghiệp của mẹ.

Còn thiên nga, em dường như buộc cuộc đời tôi với hình tượng loài động vật đó. Em nói nếu xa em, tôi sẽ buồn bã đến chết, còn em, em sao cũng sống tốt được. Tôi ừ, em lại bắt đầu la hét không vừa ý. Thật không sao chịu nổi em.

Kết thúc là tôi bị thất bại trong việc yêu một mình, đành chuyển qua yêu song phương. Giống như Dạ Khúc của ai đó hay hát, em xoay vòng tôi bằng tình yêu của mình, chuyển đổi không ngừng giới hạn mà em đặt ra. Bản thân lúc trái lúc phải, nói một thành hai, gật đầu rồi từ chối, bắt tôi vì yêu em mà chạy đôn chạy đáo. Vừa đánh xong lại hôn, vừa hôn xong lại ngay lập tức túm tôi đánh được.

Cứ thế, không rõ ràng, không định hướng.

Cứ thế, em yêu tôi.

Cứ thế, tôi yêu em.

Cứ thế, chúng tôi yêu nhau.

== THE END ==

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top