XX

         Vầng trăng như chiếc mâm ngọc thăm thẳm tụ ngọn kỳ đài chiếu xuống nhân gian, bầu trời đế đô không pha một mảy bụi gợn.

         Với mười mấy chiếc mái tráng lệ lơ lửng bay giữa từng không, bảy gian ngọ môn kiêu ngạo vươn những tréo đao cong vắt như muốn khoe vẻ nguy nga với chị Hằng.

         Trong bầu ánh sáng trong vắt, những con rồng phượng xanh đỏ sặc sỡ nằm trên các nếp cửa đồ sộ đều nghiêm trang chầu ông "mặt trời nặn vôi".

         Hoàng thành đương say đắm trong giấc ngủ đêm hè, ngoài tiếng trống nặng nề và tiếng kiểng sỗ sã của các hành lâu thỉnh thoảng mới có vài tiếng hô của bọn lính tuần thành thứ khẩu hiệu.

         Đêm mới chừng nửa canh tư.

         Vân Hạc đã đi sớm quá. Các bạn cống sĩ chưa có ai tới. Ở toà ngọ môn, ngoài bọn lính tráng canh cửa, hình như không có người nào.

         "Còn nửa khắc nữa mới được vào. Âu là ta hãy dạo chơi đâu đó, để coi cái cảnh đêm trăng của đế thành". Nghĩ vậy, chàng liền đến nói với bọn lính canh cho mình qua cửa. Biết chàng là một cống sĩ, bọn đó không dám ngăn cản. Chàng bèn lững thững đi vào bên cửa đông ngọ.

         Trước đôi cột đồng bóng lộn cao ngất trên lưng chừng trời làn nước hèm hẹp nằm chắn ngang đầu đường đi.

         Đây là ao Thái Dịch, một khu liên đường của hoàng thành. Trên ao có một dịp cầu khum khum úp lấy mặt nước chạy từ bờ ngoài vào bờ trong.

         Một luồng gió nhẹ từ phía trước mặt hiu hiu đưa lại, mùi sen dưới ao bát ngát đưa lên, như muốn giúp cho sự nồng nàn của du hứng.

         Vân Hạc đủng đỉnh tiến vào đầu cầu và dừng chân ở quãng giữa cầu. Với tầm mắt bâng khuâng vô định, chàng thơ thẩn nhìn những bóng lâu đài san sát cõng nhau dưới một vòm trời trắng ngần.

         Bấy giờ đã vào hạ tuần tháng tư. Dưới ao, một vài bông sen sắp nở. Trong đám lá sen tối um luôn luôn có tiếng cá đớp tí tốp.

         Ở tít ngoài xa, trồi đại cổ thụ lù lù hiện trên bờ ao. Những đoạn cành chánh kềnh càng khúc khuỷu, quằn quại trong bóng lá xanh lơ thơ, giống như một đoàn rồng rắn giỡn nhau trên đất cạn. Trước cảnh tịch mịch của đêm khuya, chàng bỗng cảm thấy bồi hồi lai láng. Rồi mơ màng vơ vẩn, chàng nhớ những chuyện đã qua, chàng lo cho việc chốc nữa và chàng rùng rợn cho cuộc phong trần trong mấy chục ngày trước đây.

         Có lẽ hai mươi bốn tuổi đời như chàng, chưa có hồi nào khó nhọc đến thân như hồi ấy.

         Nói cho đúng ra, thì trước hồi đó, chàng cũng được mấy chục ngày sung sướng. Vì rằng trong cuộc tao chiến với một vạn hai sĩ tử trường Hà năm ngoái chàng đã làm được vui lòng người vợ thân yêu.

         Lúc ấy cô Ngọc như được trẻ thêm mấy tuổi. Nhất là cái hôm được thấy dân làng Đào Nguyên cờ trống đi rước Vân Hạc từ cổng phủ về cổng nhà, bụng cô chẳng khác gì những lá cờ phấp phới tung trước ngọn gió. Rồi lúc nghe tiếng người ta gọi chồng là ông thủ khoa hay cậu thủ khoa, gan ruột cô lại càng nở như bỏng rang. Sau đó, trong những tiệc khao hai làng Đào Nguyên, Vân Trình, nào bò, nào lợn, nào rượu gạo, tất cả hết đến gần năm trăm quan, dấn vốn của cô đã bị hụt đi già nửa. Chẳng những cô không nửa lời kêu tốn, trái lại còn cho rằng mình có tốt phúc mới được tốn kém như thế. Vì thế, người cô lúc nào cũng tươi như bông hoa hồng mới nở, trước đẹp tám phần, bây giờ đẹp lên mười phần.

         Rồi thì bà cống, cụ Năm. Cảnh già được thấy con cháu nối được gia nghiệp, các cụ vui mừng vô hạn.

         Ý nghĩa của sự thi đỗ trong óc Vân Hạc, bao giờ cũng chỉ có thế. Bấy giờ chàng đã bắt đầu đi tới, cho nên chàng cũng lấy làm đắc ý. Từ tháng chạp đến nửa tháng giêng, ngoài việc xem lại ít sách, chàng chỉ bận về việc mua vui với bạn bè xa gần. Đời chàng lúc ấy có thể gọi là một đời thần tiên.

         Cái bước phong trần của chàng mới khởi đầu từ ngày chàng và Đốc Cung lên đường đi thi hội.

         Thi hội năm nay mở vào hạ tuần tháng ba. Tính đường từ Bắc vào kinh, sức chân học trò phải đi đến gần hai tháng mới tới. Vì vậy, từ tháng giêng Đốc Cung đã đến giục Vân Hạc đi cho kịp ngày. Sợ chồng đi bộ vất vả, cô Ngọc đã khuyên chàng nên đi đường thuỷ. Nhưng theo ý chàng, đi đường thuỷ tốn tiền, và cũng sóng gió nguy hiểm, Đốc Cung cũng nghĩ như thế, cho nên hai chàng mới cùng nhất định đi đường bộ.

         Trước khi khởi hành, cô Ngọc thuê cho mỗi chàng một người đầy tớ khoẻ mạnh, lực lưỡng, để đeo hành lý đi hầu. Tính suốt các tiền ăn đường, ở trọ, mỗi người hà tiện cũng phải hết gần trăm quan, cô liền đổi cho mỗi chàng lấy sáu nén bạc, bó vào hai gói mo cau, để mang đi đường cho tiện. Rồi nào dùi nhói, nào dùi đục, nào dao dựa, nào mã tải khâu quai, không biết hỏi ai mà bao nhiêu khí cụ luồn rừng, cô đã sắp sửa đủ cả. 

         Cái ngày thầy trò nhà chàng quảy gánh lên đường là ngày hai mươi tháng giêng.

         Từ Sơn Tây đến Thanh Hoá, mỗi ngày chỉ được một cung, tối đâu ngủ đấy, tuy đã nhiều khi xuống dốc lên đèo, nhưng cũng chưa thấy vất vả cho lắm.

         Thanh Hoá trở vào, đường đã dần dần khó khăn. Rồi từ Hà Tĩnh mà đi, càng ngày càng thêm những cảnh khủng khiếp.

         Suốt ngày luồn trong cây cối um tùm, con mắt ít khi được thấy bầu trời. Rồi những hòn núi thẳng như bức tường lù lù hiện ở trước mặt. Rồi những ngọn suối nước chảy như bắn oằn oài chắn ngang lối đi. Có khi phải ngửa ngực trèo lên đỉnh núi. Có khi lại chống đôi gối mà bò dần xuống chân núi. Có khi đường đi vằn vèo theo những bờ suối khuất khúc, đứng trên đường trông xuống lòng suối, thăm thẳm hàng mười mấy trượng, tưởng như trượt chân một cái, xương thịt sẽ vụn như cám.

         Khổ nhất là đoạn ở quãng núi Trồng.

         Cạnh một quả núi cao liền với trời, con kiến trèo lên cũng khó, lối đi phải vắt lên trên một đám đá mọc lởm chởm. Cái đá mới ác làm sao, hòn nào hòn ấy, đầu nó nhọn như mũi gươm, đặt chân lên trên, có thể thủng cả da thịt. Cho được tránh sự đau đớn của đôi bàn chân, mỗi bước người ta cứ phải nhằm vào những vết nhẵn nhụi của người đi trước, rồi nhún hai chân mà nhảy cho tới.

         Cái dép đã rách, đôi gối đã chồn, mà vẫn không thể tạm nghỉ. Bởi vì không có chỗ nào mà đứng. Bấy giờ Vân Hạc cũng như Đốc Cung, ai nấy đều nhớ đến cảnh tượng Sạn đạo mà hai chàng đã thấy ở trong sách Tàu, và đều nghĩ thầm: "Vị tất Sạn đạo đã hiểm hơn con đường này. Nhưng từ thượng cổ, người Tàu đã biết bắc ván đi qua, làm sao ngày nay nước mình vẫn chưa bắt chước kiểu đó?".

         Đi thoát quãng đường ác nghiệt, hai chàng đều thấy mệt nhoài. Nhưng vì sợ lỡ cung đường, không có chỗ trọ, cho nên chỉ dám ngồi lại bên đường một lúc, để giở xôi gói, cơm nắm ra ăn, rồi lại đi.

         Một hôm đương đi, thấy ở bên đường, có mấy con dao đặt trên tảng đá. Đốc Cung tưởng là của bọn tiều phu nào đó, nên không để ý, Vân Hạc nhìn đến mấy dòng chữ vôi nguệch ngoạc viết ở hòn đá liền đấy, mới biết những con dao đó, người ta dự bị cho các hành khách chặt những cành cây vì gió bão gãy xuống ngang đường, sau khi dùng rồi, dao ở chỗ nào, lại phải để vào chỗ ấy. Đi một quãng nữa, quả nhiên giữa đường có bụi nứa đổ, lấp cả thân đường, không thể nào trèo qua được.

         Trong gánh hành lý sẵn có đôi dao, hai chàng liền bảo hai người đầy tớ phát hết đống gai góc đó. Họ phát, chàng và Đốc Cung thì kéo, thày trò dọn mất một hồi khá lâu, bấy giờ mới có lối đi.

         Lại một hôm khác, Vân Hạc vừa bị nhược sức về leo trèo, vừa bị dãi dầu trong sương gió, chàng thấy trong mình hầm hập phát sốt uể oải đi không buồn bước. Đốc Cung  và hai người quẩy gánh cứ phải luôn luôn chờ đợi. Tưởng chừng trời đã chiều rồi, theo lỗ thủng trong đám lá cây mù mịt ngó sang dãy núi bên kia, mặt trời đã nằm giữa sát đầu núi, mà vẫn chưa đến chỗ trọ, hai chàng đều luống cuống lo sợ.

         "Đêm nay đành phải ngủ ở ngọn cây". Vân Hạc bàn với Đốc Cung như vậy.

         Nhưng các cây cối gần đó, cây nào cũng cao von vót và thẳng tuồn tuột, dưới gốc không có một mẩu cành nhánh, thì làm thế nào mà leo lên được?

         May khi lại gần thấy có mấy cây từ gốc đến chỗ xẻ chạc, có đóng một hàng đanh tre bằng ngón chân cái. Trước kia đã có người nào ngủ trên cây ấy, người ta đóng những đanh ấy để làm bậc trèo cho dễ.

         Một cây thấp nhất đã long mất vài cái đanh. Hai người đầy tớ liền phải đẵn tre đẽo cái đanh khác. Và họ giở gánh lấy dùi nhói và dùi đục ra, người nọ kề vai làm thang cho người kia đứng lên, để nhói mấy lỗ ở thân cây và đóng đanh vào. Rồi họ đem các mã tải dùng dây tam cố buộc vào những cành đâm ngang, giống như người ta mắc võng. Đó là chỗ ngủ của người đi rừng. Có thế mới khỏi lo về nạn rắn rết beo cọp.

         Tay ôm thân cây, chân đạp vào các đanh tre, leo hết một đoạn gốc cây và đánh đu vào đoạn cành ngang để ngồi xuống tấm mã tải, Vân Hạc, cũng như Đốc Cung, ai nấy rùng mình sởn gáy, bụng bảo dạ, nếu nó đứt dây một cái, thì thật tan xác.

         Hai chàng đã ngồi yên chỗ, hai người đầy tớ lại đi chặt lấy mấy tàu lá gồi, buộc lên trên chiếc mã tải, để che cho người nằm dưới khỏi bị mưa sương, rồi họ mới trèo lên chỗ của họ.

         Trời tối như cửa địa ngục. Nào cú kêu, khỉ ho, nào dế giun rên khóc, thỉnh thoảng lại thêm những tiếng cọp gầm theo với ngọn gió tanh tanh thối thối ở nẻo xa xa đưa lại. Biết bao nhiêu sự ghê sợ rùng rợn kéo đến chung quanh hai chàng! Cơn sốt ở đâu nổi lên, Vân Hạc vừa nằm vừa rên hừ hừ, chàng tự hỏi chàng: "Không biết có sống mà về được không?". Rồi, chàng gọi với Đốc Cung và nói:

         - Nghĩ đến những lúc thế này, thì dẫu đi thi đỗ đến ngọc hoàng thượng đế cũng không bõ công, đừng nói là đỗ tiến sĩ!

         Nằm thì nằm, vẫn không ai dám chợp mắt, vì sợ ngủ quên, giở mình, sẽ bị ngã lăn xuống đất.

         Hôm sau, chờ cho trời thật sáng rõ mới dám bò xuống. Bấy giờ Vân Hạc đã tan cơn sốt, trong mình chỉ còn tải mải mệt nhọc. Bốn thầy trò lại kéo nhau đi. Ra đến cửa rừng trời lại sắp tối, trông lên những đám đồi lù lù ở giữa trời, có thể tưởng như những con yêu quái khổng lồ đương sắp đe doạ nhân gian. 

         Sau đó, đường đi phần nhiều men ở lợi bể. Trên thì núi đứng thăm thẳm, dưới thì sóng vỗ oàm oạp, thân đường vừa quanh quất, vừa nhỏ hẹp lại vừa gập ghềnh lượn lên lượn xuống, như leo cầu vồng. Bốn người lò dò từng bước, chỉ sợ trượt chân xuống bể thì sẽ làm mồi cho cá.

         Đi mấy ngày nữa tới một khúc sông mênh mông đứng ở bờ nọ không thể trông thấy bờ kia. Hỏi ra mới biết đó là phá Tam Giang, một cái cửa sông liền với mặt bể. Trong sông sóng đánh dữ dội không kém sóng bể. Người ta nói rằng: ngày xưa còn rộng hơn nhiều, bây giờ nhờ có cát bồi nên đã hẹp bớt. Đi dò hết gần một ngày mới sang tới bờ bên kia, bốn người đều thấy lảo đảo say sóng thốc tháo nôn mửa, nghỉ mất một đêm mới lại sức.

         Lận đận gần hai mươi ngày nữa mới vào đến Huế, tính ra tất cả vừa hết một tháng mười ngày.

         Sau khi vào thành tìm được chỗ trọ hai chàng nghỉ ngơi vài ngày, rồi cùng đóng quyển đem vào nộp ở bộ Lễ.

         Khác với thi hương, quyển của cống sĩ thi hội phải để đệ lên ngự lãm, khảo quan chỉ được chấm vào bản sao, vì vậy, cống sĩ phải nộp mỗi kỳ hai quyển, bốn kỳ tám quyển, đều phải giấy lệnh, có kẻ ô son, mỗi trang tám dòng, mỗi dòng hai mươi hai chữ. Sáu quyển của ba kỳ thứ nhất, thứ hai và thứ ba mỗi quyển chỉ đóng mười tờ. Hai quyển của kỳ thứ tư thì đóng đủ ba chục tờ.

         Thi hội năm nay bắt đầu từ ngày 18 tháng ba, trường thi lập ở phường Phú Thứ. Quanh trường đều có tường gạch bao bọc. Trong trường, ngoài nhà Thí viện và những nhà ở của quan chủ khảo, quan tri cống cử và các quan nội liêm, ngoại liêm, lại có mười toà nhà ngói để cho cống sĩ làm văn. Mấy toà nhà đều ở trước nhà Thí viện, mỗi toà ba gian, mỗi gian ngăn làm ba phòng. Phòng nọ cách phòng kia chừng hơn một thước. Trong phòng có sẵn cái yên để cống sĩ viết. Mỗi người cống sĩ chỉ phải mang thêm bút mực và một chiếc chiếu.

         Trước ngày thi, bộ Lễ phải sắm một số thẻ tre đề tên từng người cống sĩ, đem cắm ở các cửa phòng.

         Đến khi cống sĩ vào trường liền có bọn lính hướng dẫn đưa đi, thẻ tên ai ở phòng nào, họ sẽ đưa đến phòng ấy. Trong lúc cống sĩ làm văn, mỗi phòng đều có một người võ sĩ cắp gươm đứng canh ngoài cửa, ngoài trường thì có các quan đề điệu đốc thúc voi ngựa quân lính đi diễu suốt ngày suốt đêm.

         Cũng như thi hương, kỳ thứ nhất của thi hội cũng có bảy bài kinh nghĩa. Đáng lẽ mỗi người chỉ làm ba bài cũng đủ quyển, nhưng Vân Hạc xưa nay vẫn có thừa sức kiêm trị, nên chàng làm cả bảy bài, còn Đốc Cung thì cũng làm được năm bài.

         Sau khi ở trong trường ra hai chàng đều có đưa bản giáp cho các bạn coi. Cứ như người ta bình phẩm thì quyển của Vân Hạc ít nhất cũng được năm phân, quyển của Đốc Cung may ra thì được ba phân. Bởi vì cân lạng của văn thi hội phải tính bằng phân, chứ không tính bằng ưu, bình, thứ, liệt. Mỗi quyển cực điểm có thể phê đến mười phân, nhưng nếu chỉ được một phân cũng là hợp lệ. Quyển nào không đủ một phân mới là bất cập. Cộng cả bốn kỳ làm một, người nào được từ mười phân trở ra mà không kỳ nào bất cập, tức là trúng cách, sẽ được dự cuộc thi đình. Người nào được từ bốn phân trở lên cho đến chín phân, và cũng không có kỳ nào bất cập, thì sẽ được đỗ phó bảng, chứ không được vào điện thí. Còn những người nào không đủ bốn phân, hoặc có một kỳ bất cập, thì đều bị đánh hỏng tuột.

         Thấy bước đầu tiên, văn chương đã được linh lợi, hai chàng đều có lòng mừng.

         Không ngờ đến kỳ thứ hai, giữa ngày thi, Đốc Cung bị bệnh đi tả, không thể vào trường, phải làm giấy cáo. Vân Hạc đành đi một mình.

         Sau đó mấy hôm, Đốc Cung lại được bằng cũ, đáng lẽ chàng cũng ở đó để đợi Vân Hạc thi xong. Nhưng không hiểu vì sao, ruột gan càng ngày càng thấy bồn chồn không sao chịu được, Đốc Cung liền phải cùng người đầy tớ về trước. Bấy giờ Vân Hạc như bị mất một món gì ở trong thân thể, bụng chàng rất là buồn bực khó chịu.

         Qua kỳ thứ ba và kỳ thứ tư, văn chàng cũng đều lưu loát, các bạn trong kinh, ai cũng chắc là chàng trúng cách. Quả nhiên hôm qua, khi bảng thi hội treo ở cửa lầu Phu Văn, tên chàng đứng ngay đầu bảng. Vậy là chàng lại có thêm được cái hội nguyên. Lúc ấy các ông cống sĩ ai cũng sợ phục, người ta cho rằng không khéo chàng sẽ đỗ cả đình nguyên. Và chàng cũng vẫn tự tin như thế. Cái mừng rỡ ở lòng chàng bấy giờ bút mực không thể tả xiết. Chàng chắc vợ chàng thế nào cũng làm bà thám, bà bảng như nhời nàng đã cầu ước năm xưa.

         Bởi vì ngày nay phải vào điện thí, cho nên đêm qua chàng ngủ sớm hơn mọi đêm. Đến lúc thức giấc, tưởng là quá muộn, chàng vội đội mũ mặc áo lật đật ra đi, không ngờ đến nơi, hãy còn sớm mất nửa giờ.

         Lúc ấy, chàng thơ thẩn trên ao Thái Dịch chừng một hồi lâu, chợt có tiếng đánh đùng như tiếng súng nổ ở ngoài kỳ đài đưa vào, làm cho chuyển cả trời đất, chàng biết đó là ống lệnh báo hiệu đã đến canh năm, tức thì sửa lại mũ áo đi luôn vào cửa túc môn ngoài điện Cần Chính.

         Trời sáng rõ, viên quan bộ Lễ ở trong đi ra truyền các cống sĩ vào điện. Chiếu theo thứ tự trên bảng thi hội, ai ở số lẻ thì vào cửa tả, ai ở số chẵn thì vào cửa hữu. Chàng ở số một, viên quan bộ Lễ bảo chàng qua cửa tả rồi vào bên trong. Sau khi viên tuần kiểm đã khám qua loa trong mình chàng, một viên quan khác liền đưa chàng vào bên hữu vũ. Ở đó đã có yên chiếu do bộ Lễ đưa đến từ chiều hôm trước và cũng có thẻ đề tên cống sĩ. Vân Hạc được ngồi vào phòng thứ nhất là chỗ có thẻ tên chàng.

         Bấy giờ quan giám thí đại thần và các quan đọc quyển, truyền lô, duyệt quyển, kinh dẫn, di phong, thu trưởng, ấn quyển, điền bảng, v.v... đều đã mặc áo đại trào chực sẵn ở đó.

         Ở điện Cần Chính cũng đã bày sẵn hai chiếc hương án thếp vàng, một chiếc trên thềm, một chiếc dưới thềm. 

         Cống sĩ vào hết, viên thượng bảo liền bưng hòm đựng đầu bài thí sách của nhà vua ra, đặt lên chiếc hương án trên thềm. Quan giám thí, quan đọc quyển và tất cả các quan coi việc đình thí đều phủ phục trước điện, lễ đủ năm lễ. Rồi quan thư tả lĩnh tờ đầu bài chiếu số cống sĩ sao cho mỗi người một bản.

         Chừng độ giây lát, các bản sao xong, quan thư tả để các bản ấy vào chiếc hương án dưới thềm sau khi đặt bản chính lên chiếc hương án trên thềm.

         Quan kinh dẫn liền bảo Vân Hạc và các cống sĩ đều ra quỳ ở trước sân. Rồi quan thư tả lĩnh những tờ sao đầu bài ở chiếc hương án dưới thềm phát cho mỗi người một bản. Theo lệnh quan kinh dẫn, Vân Hạc và các cống sĩ đều phải đứng dậy đem bản sao đó để vào yên thi của mình, rồi lại ra sân lễ tạ năm lễ.

         Bây giờ đến giờ làm văn, cống sĩ ai về chỗ nấy. Các quan văn võ đều phải ra hết ngoài viện Đãi Lậu. Trong điện, tả vũ cũng như hữu vũ, mỗi bên có một tên lính đóng cửa đứng canh. Sân điện có viên tuần la và viên tuần sát đi lại tuần phòng, ở ngoài hai cửa túc môn thì có hai trăm biện binh của quan thị nội thống chế phái đến canh giữ.

         Trong các phòng triều hết thảy im lặng như tờ, người ta có thể nghe rõ tiếng vo ve của từng con muỗi.

         Vân Hạc mới giở đến tập đầu bài đã thấy hoảng hồn. Làm sao mà nó dài thế? Mười tờ giấy đặc, lì lịt những chữ là chữ. Coi qua một lượt, thì thấy nửa trên hỏi về ý nghĩa của các kinh truyện tử sử của Tàu, nửa dưới hỏi về công việc hiện thời của Nhà nước, tất cả đến gần một trăm câu hỏi. Chàng liền gấp lại, và chỉ hở mấy dòng ô đầu, cho lúc trông đến khỏi nóng ruột.

         Viết xong ba chữ "đối thần văn" và mấy câu chúc tụng nhà vua mà người ta gọi là đoạn "tụng thánh", chàng mới nhìn vào dòng chữ để hở ở tờ đầu bài, rồi theo thứ tự từ trên xuống dưới, lần lượt giả nhời từng câu hỏi một.

         Cũng may, văn sách thi đình, chỉ cần ý kiến, không cần văn chương mẹo luật như văn sách thi hương thi hội, và quyển văn lại được viết thảo, không cần phải viết chân phương, cho nên vừa nghĩ vừa viết cũng không lâu lắm. Chừng đến nửa buổi, chàng đã trả lời được hai phần ba đầu bài. Thình lình thấy cửa phòng hé mở, rồi một viên quan, chàng không biết là quan gì, chạy vào truyền chàng ra quỳ ở trước sân điện.

         Thì ra nhà vua ban nước và bánh cho các cống sĩ điểm tâm. Những món đặc ân hiện đã đặt trên hương án kê ở dưới thềm, sau khi một viên quan khác lĩnh các món đó giao cho các cống sĩ chuyển cho người lính tuần sát đem vào trong phòng, ai nấy đều phải tạ ân năm lễ, rồi mới trở vào ăn bánh uống nước.

         Vân Hạc viết lia, viết lịa từ bấy giờ cho đến gần trưa, quyển văn đã hết già nửa, cửa phòng lại thấy ngỏ rộng, rồi một người lính tuần kiểm đệ vào một mâm đồ ăn và một phạn cơm.

         Đây là cơm trưa của các cống sĩ, do dinh Quảng Đức sửa soạn, đưa vào ngoài cả túc môn, rồi lính tuần kiểm mang đến cho các cống sĩ, không phải là đồ vua ban, cho nên không phải làm lễ tạ ân.

         Thì giờ lúc ấy quý hơn vàng ngọc, chàng chỉ để vào nó độ ba, bốn phút gì đó, rồi lại cắm cổ mà viết.

         Quá trưa một lúc, bài làm đã xong chừng ba phần tư, nhà vua lại ban đồ nước cho một lần nữa. 

         Cũng như lần trước, chàng và các cống sĩ lại phải ra sân quỳ nhận, rồi lại tạ ân năm lễ.

         Trời nhá nhem tối, chàng vừa viết xong, các cống sĩ cũng đều xong cả, ai nấy đem quyển ra nộp cho quan tuần la. Bấy giờ biện binh ngoài cửa túc môn lại ngỏ cánh cửa cho các cống sĩ đi ra. Rồi quan giám thí đại thần và tất cả các viên quan khác đều phải trở lại trong điện. Ông thu quyển nhận quyển của ông tuần la giao lại, ông ấn quyển đóng dấu "Luân tài thịnh điển" vào các cuối quyển, ông di phong xếp quyển vào riêng và dán niêm phong, rồi giao cho ông thủ trưởng canh giữ. Các ông ấy đều phải ngủ ở triều phòng để ngày mai chầu chực nhà vua chấm văn.

         Vân Hạc và các cống sĩ ra khỏi cửa điện thì trời tối mịt. Luôn thể chàng mới tất cả mấy người cùng về nhà trọ mình ăn cơm. Trong lúc uống rượu, người nọ đọc văn cho người kia nghe, hết thảy mọi người đều phục văn chàng có nhiều ý kiến lỗi lạc hơn cả. Người ta lại càng tin rằng đình nguyên sẽ phải về chàng.

         Luôn hai hôm sau, chàng và mấy ông bạn mới lần lượt dắt nhau đi chơi các danh thắng gần đấy để chờ nghe tin truyền lô. Bụng chàng vẫn chắc mẩm rằng: nếu không nhỡ bảng nhỡn, thám hoa, cũng phải đỗ đến nhị giáp tiến sĩ.

         Chiều hôm thứ ba, chàng đương cùng bọn cống sĩ trò chuyện vui đùa, bỗng thấy có hai tên lính vác hèo và gông xồng xộc vào trong nhà. Sau khi hỏi qua tên chàng, họ liền đưa chàng một mảnh giấy chữ dấu sơn đỏ choé. Té ra có lệnh của viện đô sát sai đi nã chàng, không biết là vì việc gì.

         Cái gông ở tay người lính liền ghép luôn vào cổ chàng, rồi họ điệu chàng về giam ở ngục Hộ hành. Các bạn cống sĩ ai cũng thương hại và kinh sợ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top