Về việc đi, về mình, và chúng ta
"Khi thế giới mải mốt tiến tới, bạn đứng yên nghĩa là bạn đã đi lùi."
"Lùi trên hệ quy chiếu nào cơ?"
"Hệ quy chiếu nhắc đến ở trạng ngữ: thế giới."
Mình dành gần 3 năm học cách tách biệt bản thân với thế giới ngoại cảnh, học cách chống lại những ý kiến ngoài luồng, học cách không ngần ngừ mặc chiếc đầm thêu mình thích đến trường mặc kệ những xung quanh chỉ toàn áo sọc và jeans , học cách nhắm mắt với những hạnh phúc trên mạng xã hội và mở mắt với nhu cầu của chính bản thân mình.
Mình dành gần 3 năm để học cách phân biệt mình với "họ", để cuối cùng nhận ra rằng, "mình" chưa từng và cũng không bao giờ có thể đứng lập biệt với "họ"
Cậu biết không? Vì thật ra khi được sinh ra trên thế giới này, là bạn đã buộc chặt sinh mệnh và ý chí của mình với trước hết là những người sinh ra mình: cha mẹ, những người chăm lo mình: gia đình họ hàng, những người yêu và tin và "chấp chứa" mình: bạn bè, người quen. Dù muốn dù không, bạn buộc phải đặt mình trên hệ qui chiếu của xã hội, vì để nhận định bất kì ai, đến cả bản thân bạn cũng mặc định họ trên một cái "nền" dù rõ, dù mờ, là gì biết không? Là xã hội.
Mình nghĩ, mình nghĩ thôi, bản chất của sự "nhìn" một ai đó vốn cũng đã được coi là một sự so sánh. Họ không so sánh bạn với một bản thể nào khác cụ thể, nhưng họ so sánh bạn với số đông, với đương thời, với thế hệ.
Có một câu chắc ai học xong cấp 3 thì có lẽ đều từng nghe cả rồi, khi học môn văn, đó là "Phân tích tác phẩm phải đặt nó trên bối cảnh xã hội." Mình thề là mình chưa bao giờ biết câu này cũng có thể áp dụng với chủ ngữ là chuyện đời một ai đó :))
Sáng nay mình vừa đọc được vài dòng trên blog riêng của giảng viêng dạy mình môn Luật Nhân Quyền viết về Van Gogh. Cô là giáo viên hiếm hoi ở Khoa thật sự nói về điều cô muốn nói chứ không chỉ là những điều người khác muốn nghe. Bài blog của cô có lẽ dài khoảng 5000 chữ, đính kèm Starry Night, nói về việc cô dành tận 4 tiếng đứng trong bảo tàng Amsterdam ở Hà Lan, xem tranh là phụ, nghĩ về nỗi buồn là chính. Nỗi buồn của những dằn xé trong tâm hồn, nỗi buồn của đói nghèo, của bệnh tật, của việc không được công nhận bởi xã hội đương thời. Thiếu thốn tiền bạc chẳng là một điều gì đó quá lớn lao nếu bạn không phải là một đối tượng của sự khước từ cấp độ phổ quát ấy. Bởi lẽ niềm vui sống không còn trọn vẹn thì vật chất có là gì mà bù đắp nổi?
Mình lại nghĩ về anh Nghi, một người anh mình thương, chủ quán cà phê duy nhất ở Phan Thiết mở Boogie Belgique, Norah Jones, thật sự hiểu về Gin Tonic, và là nguyên mẫu hình tượng mình nghĩ đến khi viết về Joshua ở Old-Fashioned Bar. Anh dường như mang trong mình nỗi buồn của cả thế giới. Đáng tiếc anh không phải là chúa trời để những gánh nặng anh đang gánh có thể cứu rỗi cho sinh mạng bất kì ai. Anh Nghi ghét loài người, ghét những đớn hèn, nhỏ mọn, ganh tị, xấu xí, thối nát, mục ruỗng, nhơ nhuốc của cái xã hội đang chảy cuồn cuộn ngoài kia. Anh không lôi được chính mình ra khỏi đó, nhưng than ôi, anh vẫn yêu, yêu đến điên dại những đẹp đẽ nhỏ bé của người với người. Đó là bi kịch của anh, phải làm sao khi không cách nào tách bạch thứ mình yêu và thứ mình ghét, khi cái này là bản chất cái kia, nhưng cái kia cũng chứa gọn cái còn lại?
Một buổi chiều Sài Gòn đổ lửa, có con bé tóc xù ngồi trên chiếc ghế êm, đem chuyện thiên hạ viết thành mấy dòng không đầu không cuối.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top