Thơ ca - chinh phục tình cảm hay lý trí
Thơ ca - chinh phục tình cảm hay lý trí – Vũ Đức Tân
Cho đến nay mọi định nghĩa về thi ca đều trở nên hạn hẹp và không có tính chất thực tế. Bởi lẽ tuy là một thể loại không khó hình dung, nhưng người ta lại cảm thấy bất lực khi tìm cách động vào bản chất của chúng. Mỗi một định nghĩa, hay một thứ lý thuyết đều chỉ giới hạn trong một phong cách nào đấy, một nhóm nào đấy. Mặt khác, thi ca cũng không phải là một thể loại có khả năng bao quát toàn bộ vận động của cuộc sống. Cuối cùng nó vẫn chỉ là một thứ: thi ca mà thôi.
Trong cuộc chiến đấu để tồn tại như một con người, nhà thơ luôn luôn bị thua thiệt. Hơn nữa, khác với văn xuôi, việc thẩm định thơ ca vô cùng khó khăn. Thường thì thơ tự bảo vệ mình. Thật khó tin vào các Hội đồng giám khảo, những nhà biên tập một cách tuyệt đối. Bị chi phối bởi định kiến và tính mục đích của công việc, sản phẩm thi ca xuất hiện không phải lúc nào cũng vì mục đích tự thân của thi ca. Cuộc chiến ấy không cân sức. Một kiệt tác khi vào tay thẩm định tồi thì cũng bị biến mất như tất cả những gì không có lý do tồn tại trên trái đất. Trường hợp may mắn lắm thì nhà biên tập rộng rãi cho xuất hiện chờ sự thẩm định của độc giả.
Cho đến nay mọi định nghĩa về thi ca đều trở nên hạn hẹp và không có tính chất thực tế. Bởi lẽ tuy là một thể loại không khó hình dung, nhưng người ta lại cảm thấy bất lực khi tìm cách động vào bản chất của chúng. Mỗi một định nghĩa, hay một thứ lý thuyết đều chỉ giới hạn trong một phong cách nào đấy, một nhóm nào đấy. Mặt khác, thi ca cũng không phải là một thể loại có khả năng bao quát toàn bộ vận động của cuộc sống. Cuối cùng nó vẫn chỉ là một thứ: thi ca mà thôi. Có những lý thuyết đã đặt nhà thơ ngang tầm với các nhà triết học. Sứ mệnh của thi ca như vậy quả là to lớn. Nhưng ngược lại nhà thơ luôn bị sống trong hoàn cảnh bị tác động, cảm thấy cô đơn và vô ích trong cộng đồng, bởi sản phẩm của anh ta luôn mang tính phi vật chất và đôi lúc có vẻ phù phiếm hoặc hoang tưởng.
Vậy là trong cuộc chiến đấu để tồn tại như một con người, nhà thơ luôn luôn bị thua thiệt. Hơn nữa, khác với văn xuôi, việc thẩm định thơ ca vô cùng khó khăn. Thường thì thơ tự bảo vệ mình. Thật khó tin vào các Hội đồng giám khảo, những nhà biên tập một cách tuyệt đối. Bị chi phối bởi định kiến và tính mục đích của công việc, sản phẩm thi ca xuất hiện không phải lúc nào cũng vì mục đích tự thân của thi ca. Cuộc chiến ấy không cân sức. Một kiệt tác khi vào tay thẩm định tồi thì cũng bị biến mất như tất cả những gì không có lý do tồn tại trên trái đất. Trường hợp may mắn lắm thì nhà biên tập rộng rãi cho xuất hiện chờ sự thẩm định của độc giả. Sự hy hữu ấy chỉ trông chờ vào lòng cảm thông và tính nhân ái của người biên tập. Hơn nữa số lượng thơ trung bình, thơ dở bao giờ cũng tuyệt đối nên chuyện độc giả tin theo một điều gì đó có tính chất tập thể thì cũng là điều dễ hiểu. Đó là chưa kể hành lang an toàn mỗi giai đoạn đặt ra cho nhà thơ.
Việc công bố tác phẩm chiếm một vị trí khá đặc biệt trong cuộc đời ngắn ngủi của thi ca. Một số lượng khá lớn thi ca sau khi công bố hoàn thành sứ mệnh của mình và rút lui khỏi trí nhớ bạn đọc. Tính lịch sử của thi ca cũng chỉ dừng lại ở mức ấy. Một số khác thì tồn tại lâu hơn thì nhờ vào hai trạng thái cực đoan của chúng là ở lĩnh vực tình cảm và lĩnh vực lý trí. Thật ra cho đến bây giờ cũng thật khó phân loại hình thức thi ca nào chiếm được lượng độc giả nhiều hơn.
Trước hết nói về loại thi ca thiên về tình cảm. Trong hình thức này có thể nói tới quan niệm của nhà thơ Tố Hữu: "Thơ là tiếng nói đồng chí, đồng tình". Độc giả thi ca này tuỳ thuộc vào lượng khán giả mà nó có. Nói đúng ra thì trong một thi phẩm người ta khó nói là bao nhiêu phần trăm là lý tính và bao nhiêu phần trăm là tình cảm.Tuy nhiên xu hướng tình cảm hay lý tính vẫn là quan niệm chi phối thơ ca nhiều nhất. Để tác động đến độc giả người làm thơ theo xu hướng tình cảm thường viện dẫn đến sự chân thực của cảm xúc, va chạm sống động trong tương tác với thế giới, với con người. Sự xúc động ấy thiên về cảm tính và được bộc lộ một cách mạnh mẽ qua âm, chữ, nhịp điệu, vần, hình ảnh được gợi lên qua trí tưởng tượng. Với các nhà thơ sự điêu luyện của họ còn được thể hiện qua một quá trình rèn luyện, có tính"tầm chương, trích cú", học thuộc lòng những nguyên tắc của các thể loại thơ. Hình thức thơ cũng giúp cho người có cảm xúc hạn chế được tình cảm của mình, dẫn dắt thơ một cách tinh tế hơn, nhường chỗ cho một cảm xúc sống động. Lẽ dĩ nhiên là những nguy cơ từ hình thức cũng rất lớn. Với một quy luật chặt chẽ, phần nào phù hợp với tư duy, hình thức thơ có lúc áp đặt lại người làm thơ, nếu không khéo là họ bị đầu hàng. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho thơ có tính sáo rỗng, việc bắt chước tiền nhân làm cho họ bị lệ thuộc vào cảm xúc vô tình của người làm thơ trước. Đặc biệt trong việc sử dụng từ, hình ảnh, âm điệu của một bài thơ nào khác đã ngấm sâu vào mình. Cái cảm giác của người đọc hình như đã gặp câu thơ này ở một chỗ nào đó thường xảy ra như thế, nhưng người làm thơ lại không dễ tỉnh táo nhận biết. Họ không hề tính rằng trong mỗi nhà thơ có một bạn đọc thơ, trong mỗi con người sáng tạo lại có một thói quen thưởng thức thơ thường là bảo thủ, khó thay đổi, vô tình theo thói quen. Như vậy, cảm xúc của nhà thơ vẫn dễ bị đánh lừa. Rút cục là bao nhiêu tình cảm trong sáng, đột xuất bị biến thành tầm thường, vô vị. Sư khác biệt giữa một nhà thơ lớn với một nhà thơ tầm thường cũng là ở chỗ phân biệt ấy. Dưới tay nhà thơ lớn tình cảm của thơ bao giờ cũng nguyên vẹn, giản dị, chân thành, và đúng với suy nghĩ của họ. Việc làm thấp một bài thơ, hay nâng cao nó chỉ là do nhu cầu thời sự, như tình huống nhà thơ Mai-a-cốp-xki làm thơ quảng cáo chẳng hạn. Cũng như Đê-mi-an Bétnưi dành cả cuộc đời để làm thơ tuyên truyền.
Những nguyên liệu của thơ là từ, câu, chữ, âm thanh, hình ảnh, trình tự bài thơ, hình thái thơ, giọng điệu thơ... cũng có tinh độc lập riêng và sức mạnh của nó. Loại thơ thiên về lý trí phù hợp với cách thức tư duy của thơ. Không hẳn ai cũng thích thơ lý trí. Tính khô khan, biện luận của lý trí thường dẫn người ta vào lĩnh vực của tư duy, tạo ra những thủ thuật, những sự sàng lọc có tính thuần tư tưởng, tư duy. Nhưng dưới dạng thuần khiết của mình, dù sâu sắc đến đâu, thơ cũng không phải là tư tưởng. Hệ thống tư tưởng cần một hệ thống phạm trù đi kèm với nó. Đó là nền tảng của những suy tư có tính toàn cầu về số phận con người cũng như quy luật chi phối nó. Những cạm bẫy của tư tưởng cũng lớn như tất cả những sai lầm và ngộ nhận của con người. Thơ chỉ có quyền tác động về mặt tình cảm của bức tranh tư tưởng thôi. Và nó sâu sắc đến vô tận khi đưa ra được những thông điệp hình ảnh, hay tư duy ấn sâu vào trí não người đọc thơ. Loại thơ thông minh, thơ tư duy, thơ kỹ thuật hay đi tìm những thủ pháp mới, khái niệm mới về thơ, đảo ngược nó trong suy nghĩ bình thường của một thời đại thơ. Đặc biệt vào những giai đoạn biến chuyển của xã hội, nhu cầu thôi thúc của tình cảm nhiều khi khiến người ta muốn tìm một cách diễn đạt mới, làm cho thế giới chữ giàu thêm các khái niệm, có những từ được sử dụng lại với ý nghĩa sắc bén hơn bên những từ thui chột đi, và thế giới cũng nảy sinh những quan niệm mới, sự vật mới, đối tượng mơí đều có thể đưa vào thơ. Thơ tư duy đau khổ vì hình thức của nó. Hình thức nghệ thuật vị nghệ thuật cũng là một chiều hướng của thi ca nhằm tìm cho thơ một chỗ đứng độc tôn, đầy màu sắc lãng mạn. Nhưng rất hiếm khi những nhà thơ hình thức tồn tại được lâu dài. Độc giả không neo những câu thơ của họ trong trí nhớ. Trừ phi ngoài hình thức có một phẩm chất nào đó dính tới hiện thực. Việc đi tìm một khía cạnh nào đấy của thơ, tấu nó lên, không làm cho người xem ngạc nhiên. Họ chỉ lượm lặt những gì họ cần, và cùng lắm họ cho là những điều ngộ nghĩnh đang được tìm tòi. Đương nhiên là những nhà thơ thông minh thường thuộc về giới trí thức. Họ là những người ham hiểu biết và yêu sách vở. Những thao tác về trí óc là hết sức quen thuộc với họ. Không phủ nhận là loại thơ này cũng là loại thơ có tác động hết sức lớn với những người quan tâm tới thơ. Thơ Nguyễn Đình Thi có lúc có được phẩm chất này. Hơi tư biên, siêu hình, chạy trốn hình ảnh cụ thể, thơ ông có chiều sâu của suy tư. Một hình ảnh tưởng như bình thường lại chứa dựng suy tư rất sâu sắc như "một mảnh trời xanh/ không phải chuyện đùa". Việc trình bày tư tưởng có thể phần nào dễ chịu hơn với đối tượng trí thức vì họ quen tư duy với tính hàn lâm và trừu tượng. Nhưng đó là một tư duy không phổ biến và với cả loại độc giả này những câu thơ có hình thức cảm xúc vẫn tác động một cách nhanh chóng hơn.
Chủ trương của một số nhà thơ vận dụng thơ thông minh khi họ cảm thấy năng lực thơ phần nào đã cạn. Chỉ trong thời thanh xuân, các nhà thơ mới đủ phong độ dồi dào cho những cảm xúc mạnh mẽ nhất. Ở một số người nào đấy năng lực này trở lại khi đời sống tinh thần được đúc kết và họ sống lại những cảm giác thanh xuân. Không phải bỗng nhiên thơ luôn gắn với tuổi trẻ. Bởi chỉ ở lứa tuổi này sự cuốn hút của thơ mới trọn vẹn ý nghĩa và đưa người ta đến chân trời mới. Nhiều nhà thơ đã không thể viết lại những câu thơ như hồi trẻ là như vậy. Như Xuân Diệu, thơ tình của ông ở giai đoạn cuối chỉ là cảm xúc hồi tưởng, đằm thắm tình đời hơn là khao khát yêu đương cuôn hút thật sự. Một con người tài năng như Xuân Diệu còn mắc phải những điểm ấy chứng tỏ rằng làm thơ không dễ dàng chút nào. Đúng là cần có thiên thời, địa lợi nhân hoà như bao công việc lớn lao khác.
Việc thay cảm xúc bằng lý trí dễ sinh ra một loại thi ca dạy đời. Kể cả loại thơ đi tìm nghĩa trong chữ, hoặc câu. Hay với loại thơ dùng một thủ thuật để biến nó thành một cái hình thức mới như thơ cắt dán hay "thơ tân hình thức".Với kinh nghiệm hạn hẹp của mình nhà thơ vẽ ra nhưng yêu cầu với thế giới xung quanh. Anh ta còn cố hoà nhập với những triết lý, những tư tưởng sẵn có, hoặc là minh hoạ nó, hoặc là giễu theo nó, hoặc là đồng tình với nó. Những chân lý giản dị của đời sống thường song hành với những triết lý lớn lao. Khi vẽ ra một tư tưởng thì cuối cùng nhà thơ lại hy sinh bản ngã của mình cho tư tưởng đó, bản thân anh ta trở thành hệ luỵ. Chỉ trong trường hợp đắm mình vào tư tưởng ấy thì nhà thơ mới nâng cao tầm được, còn nếu không anh ta chỉ dừng lại ở một kẻ giễu nhại phi lý những ước mơ thần thánh. Trường hợp nhà thơ Francoi Vinghong mô tả những cảnh đời với giấc mơ tôn giáo vẫn sống động với người xem vì lẽ đó. Trường hợp nhà thơ Chế Lan Viên không phải thơ ca ông không có những dấu ấn nhất định. Là người tiên phong trong loại thơ thông minh, hay triết lý, rõ ràng ông thành công hơn trong việc viết thơ tranh đấu, thơ đánh Mỹ hơn là đưa ra những bài học về triết lý. Thiên về việc đuổi theo những hình ảnh như một tôn giáo như Ê-xê-nhin cuối cùng vẫn là sự tràn trề cảm xúc đóng một vai trò quan trọng. Thơ Ê-xe-nhin không thể tách rời phong cảnh và con người Nga cũng như tâm lý nông dân. Và nhà thơ đồng quê ấy luôn là con người khó khăn trong sự thẳng băng, trong sáng, đẹp đẽ của những lầm lạc và nổi loan.
Nếu bỏ qua những loại thơ trung bình, loại thơ lý tưởng hài hoà giữa cảm xúc và lý trí thường chỉ thuộc về những nhà thơ có trạng thái cân bằng và thật sự lớn. Puskin luôn thông minh và tỉnh táo dừng lại ở chỗ cần dừng. Và đọc ông bao giờ ta cũng thòm thèm khi giở đến trang cuối. Sự kỳ lạ của thiên tài này là sự minh bạch trong ngôn từ và ý nghĩa. Bởi vậy thời gian đi qua không hề ảnh hưởng đến vị trí thơ của ông.
Trường hợp tương tự xảy ra với Nguyễn Du. Việc bói Kiều chứng tỏ rằng truyện thơ này đã trở thành một bộ phận của đời sống và nó đã nằm trong quy luật của sự bất tử.
-
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top