Chuyên đề TRUYỆN NGẮN

Chuyên đề TRUYỆN NGẮN - TS. Chu Văn Sơn (phần lý thuyết)

TS. Chu Văn Sơn
- Chuyên đề này được soạn để đáp ứng một yêu cầu thực tế về tiếp cận và giảng dạy truyện ngắn hiện đại trước hết là những tác phẩm truyện ngắn có mặt trong chương trình phổ thông
- Chuyên đề gồm hai phần : lí thuyết và ứng dụng. Phần lí thuyết trình bày khái lược vì đây là tiền đề nhưng chỉ là phụ. Phần ứng dụng sẽ kĩ lưỡng hơn vì đây mới là chính và thiết thực.
----
Tiếp cận truyện ngắn
từ góc độ tình huống truyện
A. Lí do
1. Thực tế giảng dạy
1.1.Tác phẩm truyện ngắn được tuyển vào chương trình phổ thông rất nhiều nhất là ở cấp ba. Chiếm 3/4 số lượng tác phẩm văn xuôi trong chương trình. Điều này phản ánh đúng tương quan của thành tựu truyện ngắn so với những thể loại văn xuôi khác trong đời sống văn học của chúng ta. Như thế làm chủ mảng truyện ngắn là làm chủ phần văn xuôi cốt yếu nhất của chương trình.
1.2. Việc phân tích giảng dạy truyện ngắn còn chưa chú ý đúng mức và chưa làm nổi bật đặc trưng thể loại. Phần lớn mới chỉ chú ý đến đặc trưng "truyện" mà chưa chú ý đến "truyện ngắn". Nếu chỉ phân tích nhân vật cảnh vật cốt truyện kết cấu ngôn ngữ... không thôi thì chưa làm nổi bật đặc trưng thể loại của truyện ngắn.
1.3. Tài liệu hướng dẫn giảng dạy cũng chưa chú ý thật đúng mức và đều tay đến đặc trưng thể loại của truyện ngắn.
2. Lí luận truyện ngắn
2.1. Nhiều thành tựu mới chưa kịp thời ứng dụng vào việc giảng dạy.
2.2. Nhiều kinh nghiệm của người sáng tác đúc kết về thể loại này cũng chưa được vận dụng cập nhật.
Chuyên đề này là một cố gắng phần nào đáp ứng và khắc phục tình trạng ấy.
B. Nội dung
1. Lý thuyết
1.1. Giới thuyết truyện ngắn : Nhận diện thể loại truyện ngắn là một nỗ lực liên tục của cả người sáng tác và giới nghiên cứu lí luận. Từ W.Gơt ở thế kỉ XVII cho đến Sê khôp từ Lỗ Tấn đến Môpatxăng từ Antônôp thế kỉ XIX- XX đến Nguyễn Công Hoan Nguyễn Minh Châu Nguyễn Kiên... Họ đưa ra những cách khu biệt khác nhau. Các định nghĩa thường xoáy vào các bình diện chính : dung lượng cốt truyện nhân vật chi tiết ngôn ngữ... để khái quát thành đặc trưng. Mỗi người vẫn một phách tiếng nói chung còn mờ nhạt. Người này cho truyện ngắn là một "khoảnh khắc" một "trường hợp" người khác nhấn mạnh vào nhân vật vào tính súc tích của chi tiết cô đúc của ngôn từ...
Theo tôi việc phân định có thể dựa vào hai tiêu chí chính là dung lượng và thi pháp. Giữa hai tiêu chí "dung lượng" là cần nhưng phụ và thứ yếu còn "thi pháp"mới là đủ là chính là chủ yếu.
- về dung lượng : truyện ngắn được xem là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ chủ yếu được viết bằng văn xuôi. Nghĩa là ngắn thậm chí cực ngắn (truyện mini) nhân vật không nhiều tình tiết và chi tiết đời sống cũng không nhiều.
- thi pháp : ngoài những yếu tố như cốt truyện lối trần thuật ngôn ngữ... thì tình huống được xem là hạt nhân thể loại của truyện ngắn.
Bởi thế ở phần cốt yếu có thể hình dung : truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ mà nội dung thường chỉ xoay quanh một tình huống truyện chủ chốt nào đó.
1.2. Giới thuyết tình huống : Như thế giới thuyết về truyện ngắn rốt cuộc khâu then chốt lại chính là phải giới thuyết về tình huống truyện. Cả giới sáng tác lẫn giới nghiên cứu đều có dụng công nắm bắt định nghĩa khâu chủ chốt này.
1.2.1. Các định nghĩa. Phát huy sở trường tư duy bằng hình ảnh hình tượng có người sáng tác đã coi tình huống là "cái tình thế nảy ra truyện" là "lát cắt" của đời sống mà qua đó có thể thấy được cả trăm năm của đời thảo mộc là "một khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra rất đậm đặc" "khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người thậm chí cả một đời nhân loại" (Nguyễn Minh Châu). Định nghĩa như thế là xoáy vào nghịch lí thú vị sau đây của tình huống : qua cái ngắn mà thấy được cái dài qua một khoảnh khắc ngắn ngủi mà thấy được diện mạo toàn thể. Nghĩa là tính "đặc biệt điển hình" của cái tình thế cuộc sống chứa đựng trong đó. Đây là một tố chất thẩm mĩ tiềm ẩn của tình huống. Ở một chỗ khác Nguyễn Minh Châu có nói đến một khái niệm na ná là "tình thế". Nghĩa là một khoảnh khắc nào đó của đời sống mà ở đó một mối quan hệ (con người với con người hoặc con người với ngoại vật) bị đẩy đến trước một tương quan éo le. Ông gọi là "cái tình thế nảy ra truyện". Như vậy có khi tình huống bao chứa tình thế lại có khi tình thế bao chứa tình huống.
1.2.2. Còn người nghiên cứu với sở trường trừu tượng hoá đã khái quát tình huống như là "một hoàn cảnh đặc biệt" của đời sống. Hình dung như vậy cũng phần nào chạm tới cái vùng ven của vấn đề. Tuy nhiên dừng lại ở đó không thôi thì đối tượng hẵng còn xa mờ quá.
Để tiếp cận tình huống truyện không thể không nhìn nhận trên những khía cạnh căn bản sau đây :
- Về bản thể : tình huống truyện xét đến cùng là một sự kiện đặc biệt của đời sống được nhà văn sáng tạo trong tác phẩm theo lối lạ hoá.
Nói "lạ hoá" có nghĩa là :
+ Nhà văn đã làm sống dậy trong sự kiện ấy một tình thế bất thường của quan hệ đời sống (quan hệ giữa các nhân vật tham gia vào sự kiện hoặc giữa nhân vật với ngoại giới).
+ Tại sự kiện ấy bản chất của nhân vật hiện hình sắc nét.
+ Tại sự kiện ấy ý tưởng của tác giả cũng bộc lộ trọn vẹn.
Từ đó có thể đúc kết : Tình huống là một sự kiện đặc biệt trong đó chứa đựng một tình thế bất thường của quan hệ đời sống.
- Về hình tướng của nó cần khu biệt với hai khái niệm giáp ranh : đỉnh điểm và hoàn cảnh điển hình.
+ So với "đỉnh điểm" tình huống truyện vừa có điểm tương đồng vừa có điểm dị biệt. Đỉnh điểm là một khâu của hệ thống cốt truyện. Nó chỉ được coi là "đỉnh điểm" trong quan hệ với các khâu còn lại như giới thiệu thắt nút phát triển và cởi nút. Nó là cái "đỉnh chót" của hàng loạt sự kiện và biến cố dệt nên cốt truyện. Còn "tình huống" lại là cái sự kiện bao trùm lên toàn bộ một tác phẩm truyện ngắn. Trong tình huống dường như có đủ các khâu của cốt truyện nhưng dưới dạng đã được nén lại.
+ So với "hoàn cảnh điển hình" tình huống truyện vừa rộng hơn vừa hẹp hơn. Rộng về diện hoạt động. Nếu "hoàn cảnh điển hình" là khái niệm chỉ nhất thiết tồn tại trong một phạm trù văn học là "văn học hiện thực" thì "tình huống truyện" với tư cách là hạt nhân của một thể loại lại có mặt ở mọi phạm trù văn học. Còn hẹp về qui mô. "Hoàn cảnh điển hình" thường được tạo dựng từ hàng loạt sự kiện với một khung cảnh xã hội rộng dài thì tình huống chỉ là một "khoảnh khắc" một "lát cắt" thâu tóm vào khuôn khổ mộ sự kiện nhỏ và trọn vẹn nào thôi. Nếu nhìn từ tương quan với hoàn cảnh cũng có thể định nghĩa : tình huống là sự cô đặc của một hoàn cảnh điển hình nào đó.
- Về vai trò : Tình huống là hạt nhân của cấu trúc thể loại truyện ngắn. Nghĩa là nó quyết định đến sự sống còn của một truyện ngắn. Hãy nhìn vào hai dạng biến động cơ bản về qui mô của truyện ngắn : a) dạng mở rộng : khi một truyện ngắn có đến hai sự kiện "tranh nhau" đóng vai trò hạt nhân vai trò quán xuyến thì truyện ngắn đang "vươn vai" thành truyện dài ; b) dạng giản lược : khi một truyện ngắn co mình lại trong một số chữ hạn định để thành truyện cực ngắn truyện mini thì có thể thấy các thành tố khác của truyện như nhân vật cảnh vật lời trần thuật có thể giảm thiểu đến kiệt cùng còn cái mà nó quyết giữ chính là tình huống. Mất "tình huống" nó có thể thành tản văn thành tuỳ bút thành thơ văn xuôi thành kí nghĩa là thành gì gì khác... chứ quyết không thể còn là truyện ngắn. Mất tình huống tức là mất tính cách truyện ngắn. Vì thế mà có thể thấy vai trò của nó trong hai tương quan sau :
+ với văn bản truyện ngắn : nó là nhân tố tổ chức của thiên truyện. Tức là nó bao trùm và chi phối các thành tố khác như nhân vật cảnh vật bố cục kết cấu lời trần thuật... Nhìn ở chiều ngược lại những thành tố kia châu tuần xung quanh để làm sống dậy cái tình huống này. Diện mạo của một truyện ngắn xét đến cùng là do tình huống quyết định.
+ với người viết truyện ngắn : tạo được một tình huống đặc sắc xem như đã có một tiền đề khá chắc chắn cho thành công của tác phẩm. Nghĩa là để làm nên một truyện ngắn đầy đặn người viết còn phải lo nhiều khâu khác như dựng người dựng cảnh lo tâm lí lo đối thoại ... như thế nào nữa. Nhưng lo được tình huống rồi thì coi như đã có một hứa hẹn tin cậy. Sáng tạo tình huống truyện là phần việc cốt yếu của lao động truyện ngắn vậy.
Từ đó có thể rút ra phương pháp luận đối với người đọc truyện ngắn là : bước vào một truyện ngắn cần phải nắm được giá trị của các bình diện nghệ thuật cấu thành cái thực thể sinh động là truyện ngắn. Nhưng nếu chưa nắm được tình huống thì coi như chưa nắm được chiếc chìa khoá vàng để mở vào thế giới bí ẩn của truyện ngắn ấy.
2. Phân loại. Từ quan niệm về tình huống có thể có cách phân loại truyện ngắn sau đây :
2.1 Về tính chất có thể thấy truyện ngắn có ba dạng chính bởi chứa đựng ba dạng tình huống truyện căn bản :
- Tình huống hành động. Là loại sự kiện đặc biệt mà trong đó nhân vật bị đẩy tới một tình thế (thường là éo le) chỉ có thể giải quyết bằng hành động. Tình huống này thường hướng tới một kiểu nhân vật : Nhân vật hành động. Tức là loại nhân vật chủ yếu được hiện lên bằng hệ thống hành vi hành động của nó các bình diện khác ít được quan tâm. Do đó nó quyết định đến diện mạo của toàn truyện : truyện ngắn giàu kịch tính. Thậm chí mỗi thiên truyện ở dạng rõ nét nhất có thể coi như một màn kịch một vở kịch ngắn trong y phục văn xuôi (Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là một trường hợp tiêu biểu).
- Tình huống tâm trạng. Đó là sự kiện đặc biệt của đời sống mà ở đó nhân vật rơi vào một tình thế làm nảy sinh một biến động nào đó trong thế giới tình cảm. Tình huống này thường dẫn tới một kiểu nhân vật là : Con người tình cảm. Nghĩa là kiểu nhân vật được hiện lên chủ yếu bằng thế giới nội cảm của nó nhà văn tạo dựng nên hình tượng nhân vật chủ yếu bằng một hệ thống chất liệu là cảm giác cảm xúc với các phức hợp khác nhau của chúng. Còn các khía cạnh khác (như ngoại hình hành động lí tính...) ít được quan tâm. Và vì thế nó quyết định đến diện mạo của toàn truyện : truyện ngắn trữ tình. (Truyện ngắn Hồ Dzếnh Thanh Tịnh Thanh Châu nhất là Thạch Lam nghiêng về dạng này)
- Tình huống nhận thức. Đó là sự kiện đặc biệt của đời sống mà tại đó nhân vật được đẩy tới một tình thế bất thường : đối mặt với một bài học nhận thức bật lên một vấn đề (về nhân sinh về nghệ thuật) cần phải vỡ lẽ giác ngộ. Kiểu nhân vật của dạng tình huống này đương nhiên là : nhân vật tư tưởng. Nghĩa là kiểu nhân vật được khai thác chủ yếu ở đời sống nhận thức lí tính của nó. Chất liệu cơ bản để dệt nên nhân vật là hệ thống những quan sát phân tích suy lí đúc kết chiêm nghiệm toan tính v.v... Mà trường hợp đậm đặc nhất là mỗi nhân vật giống như một tư tưởng được nhân vật hoá vậy. Diện mạo của loại truyện ngắn này cũng đương nhiên là nghiêng về triết luận ( Nhiều truyện ngắn của Nam Cao và của Nguyễn Khải ở giai đoạn sau này có lẽ nghiêng về kiểu ấy). Cần lưu ý ở những trường hợp cực đoan nó có thể là truyện ngắn luận đề.
Cũng cần phải lưu ý rằng : sự phân loại này là tương đối. Trong thực tế các dạng ấy đều ít nhiều có tính pha tạp chứ không hoàn toàn"thuần chủng" như mô tả. Viêc nhận diện chỉ dựa vào sự nổi trội của yếu tố nào đó.
2.2. Về số lượng có thể thấy truyện ngắn có hai loại : 1) truyện một tình huống. Cả truyện ngắn chỉ xoay quanh có một tình huống duy nhất bao trùm. Có thể nói đây là loại truyện ngắn điển hình. 2) truyện ngắn nhiều tình huống. Cả thiên truyện được dệt từ nhiều tình huống. Tuy nhiên trong đó chúng cũng phân vai thành chính - phụ (nghĩa là có cái nào đó là chủ chốt) chứ không phải tất cả đều ngang hàng nhau theo lối dàn đều. Đây là dạng truyện ngắn không thật điển hình. Chúng thường có dáng dấp của một truyện dài thu nhỏ hơn là một truyện ngắn thực thụ (trong chương trình cấp ba có thể ví dụ : Chí phèo của Nam Cao Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài Mùa lạc của Nguyễn khải Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp...)
Từ chỗ coi tình huống là hạt nhân của cấu trúc thể loại truyện ngắn có thể thấy : thực ra chỉ có Truyện ngắn và Truyện dài. Không có cái gọi là Truyện vừa. Bởi việc phân định ra Truyện vừa chỉ dựa vào có một tiêu chí rất phụ là độ dài trung bình của văn bản truyện mà thôi.

2. Ứng dụng
2.1. Phương pháp tiếp cận tình huống.
Từ những nội dung lí thuyết trình bày trên đây ít nhất có thể rút ra những ý nghĩa phương pháp luận đối với việc tiếp cận sau : với người đọc bước vào một truyện ngắn tuy không thể bỏ qua việc phân tích tìm hiểu các thành tố khác cấu thành cái thực thể sinh động là truyện ngắn (như nhân vật cảnh vật cốt truyện kết cấu ngôn ngữ...) nhưng nếu chưa nắm được tình huống thì coi như chưa nắm được chiếc chìa khoá quan trọng nhất để mở vào thế giới bí ẩn của truyện ngắn ấy. Đọc vào truyện ngắn thì điều tối quan trọng là phải đọc cho ra tình huống truyện của nó.
Có thể hình dung về qui trình tiếp cận tình huống với các bước chính như sau :
1) Xác định tình huống truyện :
a. Đặt câu hỏi : Sự kiện nào bao trùm và chi phối toàn bộ thiên truyện này ? Hay Sự kiện bao trùm nào đã giúp tác giả dựng lên toàn bộ truyện ngắn này ?...
b. Tổng hợp các tình tiết : Lướt qua những tình tiết chính và xác định : một trong các tình tiết ấy đóng vai trò bao trùm chi phối quán xuyến toàn truyện hay chúng chỉ là những thành tố nối kết với nhau để làm thành một sự kiện lớn hơn sự kiện ấy mới trùm lên tất cả ? Đáng chú ý nhất ở đấy là cái tình thế bất thường nào đó mà chúng chứa đựng.
c. Tìm tên gọi để định danh. Đây là khâu khá then chốt chưa tìm được tên thích hợp thì xem như tình huống vẫn còn nằm ngoài tầm tay của ta vậy.
2) Phân tích tình huống . Cần tiến hành phân tích các bình diện cơ bản sau đây :
a. Diện mạo của tình huống (bình diện không gian)
b. Diễn biến của tình huống (bình diện thời gian)
c. Mối liên kết của tình huống với các khâu khác của tác phẩm (chi phối đến tổ chức hình thức của văn bản nghệ thuật truyện ngắn)
3) Rút ra ý nghĩa của tình huống :
Tức là rút ra cái thông điệp thẩm mĩ mà tình huống chứa đựng
a. Về quan niệm : Toát lên quan niệm gì về nhân sinh thẩm mĩ ?
b. Về cảm xúc : Chứa đựng cảm xúc chủ đạo gì ?
2.2. Ví dụ minh hoạ
a) Loại truyện ngắn điển hình với một tình huống. Có thể phân tích 3 ví dụ : Vd1 : Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân : Tình huống hành động - kiểu nhân vật hành động - truyện ngắn giàu kịch tính. Vd2 : Hai đứa trẻ của Thạch Lam : Tình huống tâm trạng - kiểu nhân vật tình cảm - dạng truyện ngắn trữ tình ; Vd3 : Đôi mắt của Nam Cao : tình huống nhận thức - kiểu nhân vật tư tưởng - dạng truyện ngắn triết luận ;
b) Loại truyện không thật điển hình : với nhiều tình huống. Phân tích hai ví dụ.
- Vd1 : Truyện ngắn Chí phèo của Nam Cao.
- Vd2 : Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: