Nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan

Thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế, có gia đình bà Thanh Đề rất giàu sang, trưởng giả, có người con là Mục Kiền Liên. Sau đó, Mục Kiền Liên xuất gia tu hành theo Đức Phật và chứng đắc Thánh quả A-la-hán, là đệ tử thần thông bậc nhất trong giáo đoàn của Phật. Sau khi chứng đắc, Ngài nghĩ đến mẹ và rất thương mẹ. Ngài dùng thiên nhãn soi khắp các cõi trong luân hồi xem người mẹ đã mất sinh về đâu. Ngài soi lên cõi Trời, soi ở cõi người nhưng đều không thấy bóng dáng của mẹ. Đến khi soi xuống cõi ngạ quỷ, Ngài thấy mẹ đọa sinh làm ngạ quỷ (tức là quỷ đói), bụng to như cái trống, cổ nhỏ như cây kim, vô cùng đói khát và khổ cực. Biết đó là mẹ của mình, Ngài Mục Kiền Liên rất thương cảm. Ngài đi khất thực, xin được một bát cơm đầy và dùng thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm lên cho mẹ.
Khi chưa mất và đọa làm ngạ quỷ, bà Thanh Đề vốn có bản tính ích kỷ, tham lam. Con là Ngài Mục Kiền Liên đi tu theo Phật, là đại đệ tử của Phật nhưng bà không tin Tam Bảo và nhân quả, bà phỉ báng Tam Bảo và còn làm nhục cả chúng Tăng. Vì bản tính tham lam, ích kỷ ấy nên khi thấy Ngài Mục Kiền Liên xuống dâng cho mình bát cơm, bà rất mừng, nhưng lại sợ những ngạ quỷ xung quanh nhìn thấy, giành mất phần ăn của mình nên bà lấy tay che lại. Không ngờ bát cơm lập tức biến thành than hồng, không thể ăn nổi. Nhìn thấy cảnh khổ của mẹ, Ngài rất đau xót, mặc dù Ngài vận hết thần thông nhưng mẹ vẫn không thể ăn được, bát cơm vẫn cháy rực lên như than hồng. Khi ấy, Ngài biết đó là ác nghiệp của mẹ, Ngài trở về bạch xin Đức Phật chỉ cách cứu mẹ. Khi đó, Đức Phật dạy Ngài Mục Kiền Liên chờ đến tháng 7 Âm lịch là ngày chư Tăng tự tứ, kết thúc 3 tháng an cư kiết hạ và cúng dường lên chúng Tăng. Bởi trong 3 tháng này, chư Tăng thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, tinh tấn tu hành trong hòa hợp thanh tịnh nên công đức tu tập rất lớn. Cho nên, Đức Phật dạy Ngài Mục Kiền Liên chờ đến mùa kết khóa an cư và dâng vật phẩm cúng dường lên chúng Tăng sẽ được phước báu rất lớn. Và phần phước lớn ấy hồi hướng cho mẹ của Ngài thì có thể cứu được bà.
Vâng theo lời Phật dạy, Ngài Mục Kiền Liên tổ chức đại lễ cúng dường Đức Phật và thập phương Tăng nhân ngày tự tứ. Sau khi chư Tăng thọ thực và chú nguyện phần phước báu cúng dường thì lập tức bà Thanh Đề chuyển được ác tâm, thoát kiếp ngạ quỷ và sinh về cõi Trời.
Từ câu chuyện của Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ, để giúp đại chúng hiểu vì sao phước báu cúng dường chư Tăng lại có thể chuyển được ác tâm của bà Thanh Đề, khiến bà thoát khỏi cảnh khổ. Sư Phụ giảng giải: “Thiện tâm hay ác tâm đều có từ trường của nó. Khi một Tăng đoàn thanh tịnh, hòa hợp với nhau thì tạo ra một từ trường rất an lành, khiến cho ác tâm có thể chuyển hóa. Và năng lượng ấy đã giúp cho những tâm ác, bất thiện của bà Thanh Đề được chuyển hóa. Nhờ chuyển tâm như vậy, bà phát khởi được tâm thanh tịnh, tâm Bồ Đề; nên bà thoát được kiếp ngạ quỷ, sinh về Thiên cung. Và không chỉ riêng bà Thanh Đề mà trong ngày hôm ấy, rất nhiều ngạ quỷ cũng được sinh về Thiên cung nhờ công đức mà Ngài Mục Kiền Liên cúng dường thập phương Tăng. Đó là tích truyện trong kinh Vu Lan nói về Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ Thanh Đề thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Từ đó, kinh Vu Lan cũng được gọi là kinh Báo Hiếu. Và tháng 7 Vu Lan của chúng ta cũng gọi là tháng con cháu nhớ ơn tiên tổ để báo hiếu”.
Như vậy, ngày lễ Vu Lan xuất phát từ tâm hiếu kính của Ngài Mục Kiền Liên – đệ tử thần thông bậc nhất trong Tăng đoàn thời Đức Phật còn tại thế. Nhờ tâm hiếu kính ấy mà ngày nay chúng ta có cơ hội được báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên qua việc thực hành lời Phật dạy trong tháng vu lan báo hiếu.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top