2


Xóm Hưng Long ấy gần một ngôi cấp một khá khan trang, được sở giáo dục thành phố cho phép đón những đoàn sinh viên sư phạm về để thực tập. Trong đó có Ánh, sinh viên năm tư khoa giáo dục tiểu học trường đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Không như các bạn bè cùng lớp với mình, Ánh bất đắc dĩ bị điều về một ngôi trường xa xôi như vậy để thực tập do các trường nội thành đã đủ chỉ tiêu. Trong suốt tám tuần thực tập, Ánh phải thuê một nhà trọ nhỏ của bà Hiền đối diện xí nghiệp giày. Ở đây không thiếu thốn đồ ăn thức uống vì người dân thường buôn bán rải rác hai bên đường , nhưng khó khăn lớn nhất Ánh gặp phải là không có phương tiện giao thông để đi lại. Điểm trường ấy nằm ở một vùng xa xôi của Sài Gòn, người ta hiếm lắm mới thấy được một chiếc xe buýt chạy ngang qua; Ánh đành phải thức dậy sớm trước giờ đánh trống trường hai tiếng để chuẩn bị rồi đi bộ đến.

Con đường đến trường vào tờ mờ sáng ở vùng quê nghèo ấy coi bộ nhộn nhịp hơn nội thành Sài Gòn. Ánh thường xuyên thấy nhiều gia đình dắt chiếc xe năm mươi phân khối cũ kĩ ra rồi dần đem đồ chất lên trên đó để chuẩn bị chở ra chợ bán. Tiếng ma sát của bánh xe cửa sắt với thanh trượt vang lên ken két cùng với tiếng gọi vang vọng từ bên trọng: "Thằng Tí chuẩn bị đi học lẹ mày!" làm cho Ánh đôi khi giật mình, nhưng đi dần rồi cũng quen, cũng coi đó là một điều thật bình dị trong cuộc sống của những con người nơi đây. Có hôm Ánh được một người dân chạy chiếc ba gác nhỏ cho quá giang đến trường. Từ trên xe, Ánh có thể cảm nhận được sự rung lắc dữ dội khi đi qua những con đường đá chưa được trám nhựa đen. Những viên đá xanh thẫm to bằng lòng bàn tay xếp chồng lên nhau tạo thành một cung đường gồ ghề, chỗ lồi chỗ lõm, nhiều chiếc xe máy thường xuyên bị thủng bánh khi cố gắng đi được nửa đoạn đường, họ đành phải xuống xe dắt bộ. Có mấy đứa con nít mặc áo sơ mi trắng chưa ăn-ta-ni xách chiếc xe đạp ngang người, kẹp đôi dép vào nách rồi đi chân trần qua đoạn đường ấy. Ánh thấy vậy quay qua hỏi người tài xế đang một tay cầm vô lăng, một tây nhâm nhi điếu thuốc:

"Chừng nào người ta mới trám đường cho bà con mình đi lại đàng hoàng vậy chú?"

"Mèn ơi, nó để như vậy từ đời nào rồi, tao cũng không biết nữa." Chú cười phá lên, nhưng ánh mắt tràn ngập sự thất vọng, mệt mỏi.

Ánh không hỏi nữa, nghiêng đầu áp vào cửa sổ xe để tiếp tục nhìn những dòng người đang nối đuôi nhau băng qua đoạn đường đá gập ghềnh ấy.

Xóm Hưng Long ồn ào, náo nhiệt. Có âm thanh người ta chửi nhau sau những ván bài, có âm thanh hò la của đám đàn ông nhậu nhẹt, tụ tập đá gà, cũng có âm thanh của những đứa con nít chơi bời, quậy phá ở sân trước khu xí nghiệp giày. Ánh thường dành cả buổi chiều ở nhà trọ để soạn giáo án. Đôi khi muốn tắm nhưng không có nước, Ánh đành phải chờ cho qua giờ cao điểm hoặc xách cái thùng nước cao gần tới eo xuống dưới cái giếng của bà Hiền đề lấy nước. Có lúc xách nước ngang qua chỗ đất đóng rêu mà không để ý, Ánh vô từng trượt chân ngã xuống phía trước, làm cho thùng nước đổ và tràn ra vào căn trọ của một người dân khác; Ánh phải cúi đầu xin lỗi lia lịa rồi ở lại lấy khăn lau khô cho người ta.

Lúc xóm cúp điện, căn trọ tối bưng, Ánh phải chạy qua nhà bà Hiền xin ba cây đèn cầy để thắp sáng. Một để ở trong nhà tắm, một để ở bàn ăn, một để ở bàn làm việc. Vẳng trong xóm có tiếng la: "Trời ơi đang nóng muốn chết mà nó cúp điện", rồi sau đó là tiếng đập vào cửa làm bằng tôn và nói: "Ánh ơi đi ra ngoài này ngồi nè, mày muốn muỗi nó cắn mày sanh bệnh luôn hả". Ánh nghe xong liền thổi tắt bớt hai cây đèn cầy, với tay lấy cái áo khoác dù rồi xỏ đôi dép kẹp đi ra ngoài. Những quầng sáng đèn cầy lập lờ, rải rác cùng âm thanh bèm bẹp của tiếng dép làm cho Ánh mê mẩn, vì nó mang lại cảm giác bình dị, thân quen khi còn ở với mẹ. Đường hẹp lắm, nên người ta một tay cầm cái dĩa có cắm đèn cầy, một tay đẩy người đi phía trước để lách qua. Ánh bước đi đằng sau một đám con nít đang díu người vào nhau vì sợ ma, nhưng bản thân Ánh cũng mang trong lòng một nỗi sợ nào đó kì lạ, nỗi sợ khi bóng tối nuốt chửng ánh sáng, nỗi sợ khi ma quỷ đang đấu chọi với tiếng gõ mõ tụng kinh của người dân quanh đây.

Cũng nhờ có lần cúp điện ấy, Ánh mới biết đến Phụng - đứa con gái cỡ mét hai nhưng lại bồng một đứa con nít khác ngay ngực. Càng bất ngờ hơn, đằng sau nhỏ Phụng lại có thêm hai đứa nữa, mà theo Ánh biết thì đều là anh/chị em của nó. Tuy vậy, Ánh chưa bao giờ gặp chúng ở trong trường.

"Tụi con ở đây hả?"

"Dạ ba má con mới mướn trọ ở đây được một tháng." Phụng trả lời dõng dạc

"Rồi tụi con xin tạm trú để đi học chưa?"

"Dạ??"

"Tụi con đi học chưa?". Ánh nhắc lại, chậm rãi, rõ ràng hơn.

"Dạ tụi con không biết nữa."

Cái "không biết" mà Phụng nói ra làm cho Ánh cảm thấy khó hiểu. Bởi lẽ con nít thường thật thà, một là có, hai là không, chứ ít khi nào nó trả lời một câu huề vốn: "không biết nữa" như vậy. Nhưng dường như Ánh cũng hiểu ra một điều gì đó từ câu trả lời ngây thơ ấy. Ánh đưa mắt nhìn lên mái tóc bù xù có vài cọng dài xõa xuống trước mặt Phụng, nhìn vào bộ quần áo ngủ phai vàng, nhìn vào cái tay cháy nắng đang bồng cứng ngắt thằng Hậu, Ánh định với tay đến để vén mái của Phụng qua một bên, nhưng thằng Hậu lại khóc ré lên làm cô giật mình. Phụng lúc đó lại quay đi chỗ khác, nhún người lên xuống để tạo nhịp cho em bình tĩnh lại. Hai chị em cùng tiếng dỗ bước lần vào bóng tối, để lại trong Ánh một cảm giác trống trải, chạnh lòng đến kì lạ. Nhưng rồi sau đó lại chuyển thành một điều gì đó thôi thúc mạnh mẽ Ánh phải hành động, phải thay đổi cuộc đời của đứa trẻ tội nghiệp đó. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top