12
Tôi nói tay mình không thoải mái, mỗi lần cầm cọ lâu đều tê buốt rất khó chịu, không muốn vẽ nữa. Vã lại tranh bán chẳng ai mua, thì vẽ làm gì. Không vẽ nữa sẽ không tốn tiền mua màu, mua cọ, mua giấy. Đi làm rồi còn kiếm được tiền nữa.
- Tiền anh đưa em lần trước xài hết rồi à? - Tịch Đông có vẻ bực mình. - Em thích tiền đến vậy hả?
- Tiền ai mà không thích. - Tôi trả lời thật lòng. - Tiền anh đưa em vẫn chưa đụng đến. Nhiều quá, đếm không được.
Tôi buồn buồn nhìn mười ngón tay mình còn dính đầy màu vẽ. Tiền có phải như pha màu đâu, mà cứ theo cảm hứng là được. Đếm tiền khó lắm, nhất là mấy số lẻ. Lỡ ngân hàng thấy tài khoản nhiều số quá nên ăn gian bớt của tôi thì sao.
- Đi, sáng mai dậy sớm, anh đưa em đi tái khám.
Giọng nói đầy khinh thường còn kèm theo tiếng hừ mũi. Tịch Đông lại vùi mình vào máy tính gõ thứ ngôn ngữ ngoài hành tinh, chẳng thèm nhìn tới tôi nữa. Thấy mình bị hắc hủi, tôi đành bò tới chỗ Tịch Đông, chùi màu vẽ lên người anh cho bỏ ghét.
Sáng hôm sau, Tịch Đông xin nghỉ buổi sáng đưa tôi đi bệnh viện. Kết quả kiểm tra điều bình thường. Bác sĩ kết luận cơn đau là một dạng tâm lý sau tai nạn. Loại này rất khó chữa, nhưng cũng không phải không thể chữa.
Đằng nào tranh cũng không bán được, tôi muốn thử thay đổi phương hướng cuộc đời xem sao. Tịch Đông cũng không thèm cản nữa. Mang quyết tâm hừng hực, tôi cầm hồ sơ đi xin việc. Có điều sau một tuần đi dạo quanh các công ty, thất nghiệp vẫn hoàng thất nghiệp.
- Lại không được à? - Tịch Đông nhìn tôi ỉu xìu thì tỏ ra quan tâm. - Phỏng vấn thế nào?
Tôi đang định lắc đầu, than thở thì chợt nhớ ra. Tịch Đông cũng là ông chủ nhỏ, ngay lập tức lôi anh ra luyện tập phỏng vấn xin việc. Tịch Đông thấy tôi nhiệt tình, đành gồng mình phối hợp.
Tịch Đông đóng vai người phỏng vấn, ngồi bên kia bàn trà, gõ gõ cây bút bi trong tay. Mắt tập trung đọc hồ sơ xin việc của tôi.
- Cô từng học đại học? Vì sao lại không tốt nghiệp?
- Nợ môn không trả được.
- Sao lại không trả được? - Tịch Đông tò mò thật sự.
- Môn đó giờ học sớm, tôi dậy không nổi. Còn có triết học gì đó, nghe không hiểu. Phần kinh tế càng không hiểu. Tôi chỉ thích vẽ thôi.
Tịch Đông đen mặt giải thích. Làm gì có công ty nào tuyển nhân viên không muốn dậy sớm. Càng làm gì có công ty nào không cần kinh doanh mà đi thuê nhân viên mù thị trường kinh tế.
Tôi gân cổ lên cãi, làm gì có công ty nào thích nhân viên nói dối. Thật thà mà lại bị từ chối thì thật quá đáng.
Tịch Đông nhắm mắt cho qua hỏi tiếp:
- Vậy cô muốn vào công ty chúng tôi giữ chức vụ gì?
- Gì cũng được ạ. Chỉ cần không đi sớm về trễ, không tăng ca, không đếm tiền là được.
- Sao em không đòi làm tổng giảm đốc luôn đi. Mà tổng giám đốc hay chủ tịch tập đoàn thì vẫn phải đi làm đúng giờ, tăng ca và đếm tiền chứ.
- Không được. - Tôi hùng hồn đập bàn đứng dậy. - Làm tổng giám đốc cực lắm. Em không làm đâu.
Tịch Đông há miệng thở dốc như có ngàn điều vạn điều muốn nói mà không biết bắt đầu từ đâu. Sau một hồi im lặng, anh vứt tập hồ sơ xuống bàn, từ bỏ. Thoắt cái, bóng dáng nam tính cao to mất hút sau cửa phòng ngủ. Năm phút sau, Tịch Đông quay lại, cầm theo một phong bì.
- Cái gì đây?
- Sinh hoạt phí. - Anh nhét phong bì vào tay tôi. - Không nhiều lắm đâu, có thể đếm được.
Tôi ngắm nghía hồi lâu thấy nó chẳng có gì thú vị cả. Chỉ là loại hai ngàn ba cái bán ở tiệm tạp hóa. Cái gì không đẹp, đương nhiên tôi không có hứng thú. Tay cũng lười mờ ra. Hai chân mang dép đi trong nhà, xách mông chạy lẹp xẹp xuống cầu thang. Vừa chạy miệng vừa la oai oái.
- Mẹ ơi, Tịch Đông đưa mẹ sinh hoạt phí.
Bàn giao xong, lại tung tăng leo lên tầng trên, ngồi vào máy tính, tôi tiếp tục công cuộc tìm việc và xin việc. Không để ý đến anh "chồng" ngồi bên kia đã chết cứng từ lúc nào. Chắc Tịch Đông nghĩ tôi vì thiếu tiền nên mới quyết định đi làm, thật hết sức sai lầm. Tôi đây muốn thay đổi phương hướng cuộc đời, chứ đâu có nông cạn như vây.
Đền đáp lại sự cố gắng, cuối cùng cũng có một cửa hàng chụp ảnh trẻ em nhận tôi vào làm việc. Công việc không phức tạp, chỉ cần có mặt, nhận điện thoại, lên lịch hẹn, niềm nở tươi cười với phụ huynh và thượng đế nhỏ tuổi, dọn dẹp sau khi họ ra về, cuối cùng tính tiền là được. Thời gian cũng không hà khắc, mười giờ sáng bắt đầu, bảy giờ tối đóng cửa, nghỉ trưa trung bình một tiếng, nếu không có khách thì tùy ý kéo dài.
Chủ tiệm ngoài gần bốn mươi tuổi, đã bắt đầu có dấu hiệu sân cỏ chuyển sang bình địa, dân gian hay gọi là hói. Thân hình vui tính, bụng to hơn ngực. Lý lịch tạm thời trong sạch, một vợ, hai con, nhà ba tầng, xe bốn bánh.
Hôm phỏng vấn, ông ta không hỏi tôi sao chưa tốt nghiệp đại học, mà chỉ hỏi tôi có biết trông trẻ không. Tuy học chuyên về Mỹ thuật, nhưng tôi khá thích trẻ con, nên liền gật đầu vỗ ngực tự tin. Ông ta cũng không hỏi tôi muốn chức vụ gì mà trực tiếp chỉ định bàn nhân viên duy nhất gần cửa.
Sau hôm đầu tiên đi làm, tôi mới biết tại sao mọi chuyện lại đơn giản như vậy. Mang tiếng nghỉ trưa tùy thuộc vào việc có khách hay không, nhưng thực tế tôi không được nghỉ trưa. Bởi vì, bà "sếp" bất đắc dĩ, vợ ông chủ bận lên sàn xòe tứ sắc, nên từ khi thấy mặt tôi đã tống luôn hai đứa nhỏ quậy như quỷ sứ.
Một đứa hai tuổi, hở chút khóc, ăn khóc, nằm khóc, ngủ khóc. Không ăn, không nằm, không ngủ cũng khóc. Đứa thứ hai bốn tuổi, mẫu giáo không đi, chỉ ở nhà làm siêu nhân. Chỉ cần tôi không để ý, nó đã xuất hiện trên cửa sổ như người nhện, hoặc thọc tay vào ổ điện kiểm tra năng lượng kiểu supperman.
Kết quả, tối hôm đó, đừng nói đến nấu cơm, tới cơm dọn sẵn tôi cũng không ăn nổi nữa.
Ngày thứ hai, thứ ba, thứ tư và một đống thứ sau đó cũng không khá khẩm gì hơn. Ngoài hai đứa con trời đánh của chủ tiệm ra, mấy đứa nhóc khách hàng cũng đủ thể loại. Tôi cứ nghĩ chỗ này là tiệm chụp ảnh, dù ở nhà ra sao thì đến đây ba mẹ cũng phải cho con gái ăn mặc gọn gàn sạch sẽ, nhưng không hề.
Có hôm một cặp vợ chồng trẻ, bế theo cậu nhóc nước mũi chảy lòng thòng. Áo còn dính nguyên cái vệt vàng vàng mà bà mẹ bảo là thức ăn. Tôi tin chết liền. Có người còn tự cho rằng tiệm chụp ảnh phải chuẩn bị sẵn quần áo cho con họ, với lý do cô dâu chụp ảnh cưới còn được khuyến mãi mượn sare. Thật không thể tin được! Thật không thể tin được! Thật không thể tin được.
Nhiều em bé rất ngoan, cả buổi chụp ảnh cười toe toét, nhưng cũng không ít đứa khóc từ lúc vào tới lúc ra về, mặc cho mọi người diễn tấu ba mươi hai thể loại nghệ thuật bi hài khác nhau. Chưa đầy một tháng, tôi sụt mất mấy ký lô, mặt cũng gọn lại, đẹp tự nhiên lên.
- Đừng đi làm nữa. - Tịch Đông đạp đạp cái chăn đang quấn quanh người tôi. - Em có phải thiếu tiền đâu.
- Không được, gần hết tháng rồi, cố vài đến ngày lãnh lương đã chứ. Mà cố được một tháng thì tháng sau sẽ quen thôi.
Miệng nói, nhưng cơ thể mệt đến nỗi mắt mở không lên. Cũng phải hơn hai tuần rồi tôi không tí tỡn ngồi nói chuyện xàm với Tịch Đông. Nhớ tháng trước anh ngồi làm việc, còn tôi vẽ tranh ngay bên cạnh, hứng lên là tôi lại bay sang chọc ngoáy, trêu ghẹo. Có hôm bực quá, Tịch Đông còn cãi nhau với tôi một trận, dọa tịch thu hết đồ ăn vặt. Những ngày đó thật vui biết mấy. Giờ thì anh chắc đang cảm thấy sung sướng vì không ai làm phiền nữa. Chỉ có tôi mệt gần chết nằm một chỗ, đến chuyện hợp tác sản xuất cũng không tiến hành nỗi.
Hai ngày nữa có lương, đây là niềm an ủi và cũng là động lực để tôi lết tới chỗ làm. Vậy mà lại xảy ra chuyện. Thằng con trời đánh của ông chủ không biết ăn uống kiểu gì, đến đầu giờ chiều lại nôn ra. Tôi chưa kịp dọn, thì khách đã vào đến cửa. Thằng nhóc "thượng đế" trông thấy đồ chơi lao ngay đến. Để tránh nó đạp lên cái đống chất thải kia, tôi vội vàng xông lên, nào ngờ đạp phải một bãi nôn khác không biết ở đâu ra.
Cú chụp ếch khiến cả người ê ẩm. Quần áo dính bẩn, bốc mùi. Tệ hơn nữa, cổ chân đau buốt. Nhưng đó còn chưa là gì. Phụ Huynh trông thấy cửa tiệm bầy hầy tất nhiên không vui, không vui thì không chụp ảnh nữa, bế con ra về. Xui xẻo thế nào, theo lời của ông chủ mập mạp hói đầu thì mấy vị khách này là khách sộp mà ông ta đã phải dụ dỗ rất lâu mới có được. Mặc dù tôi không hiểu khách sộp kiểu gì lại để cho thằng con thiếu thốn đồ chơi tới nỗi vừa nhìn thấy đã lao đến ngay tắp lự.
Trong cơn tức giận, lão chủ lòi mặt chuột ra, đòi trừ hết lương tháng này của tôi. Miệng liên tục phun mưa mắng nhiết không tiếc lời. Tôi tức điên lên, cầm luôn chiếc giày ném vào người ông ta rồi khập kiểng bỏ về.
Đến nhà, mang theo ấm ức, tôi tắm rửa xong chui vào nằm khóc đến mệt, rồi ngủ lúc nào không hay.
- Yên Hạ? Yên Hạ! - Giọng Tịch Đông như gần như xa, có vẻ lo lắng lắm. - Sao tự nhiên lại sốt cao như vậy?
Bàn tay anh mát rượi, chườm lên trán tôi. Cảm giác vô cùng dễ chịu. Nhưng dù cố gắng thế nào, tôi cũng không mở mắt ra nỗi. Cố gắng lắm miệng mới rên ư ử được mấy chữ "đau". Không ngờ cú ngã lúc chiều lại khiến cổ chân sưng lên to đùng, hành người phát sốt đến mê mang.
Trong mơ màng, dường như cả cơ thể được bế bổng lên, tiếp sau đó mùi thuốc khử trùng thoang thoảng trong không khí. Cuối cùng não u mê không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy đã là sáng hôm sau. Vẫn trần nhà trắng xóa, khỏi nói cũng biết bệnh viện. Nhưng lần này chẳng có anh đẹp trai nào ngồi bên cạnh hứa chịu trách nhiệm nữa. Tôi chực muốn khóc.
- Cô bé tỉnh rồi à? - Một bà cô ngoài năm mươi tuổi, đeo kính lão, mặc đồ bộ đang nhìn tôi hí hứng. - Bị đau chân có tí mà làm anh chồng cuốn cả đêm. Mấy đứa trẻ bây giờ sung sướng riết quen tật.
Cái gì mà đau chân có tí, cái gì mà chồng lo, tôi nghe không hiểu. Đến chồng đâu tôi còn không thấy, mà bà ta bảo lo là lo chỗ nào? Hơn nữa, cả phòng bệnh bốn năm người đều đồng tình với bà ấy chê cười tôi không ngớt. Đúng là ấm ức này chưa qua, ấm ức kia đã tới. Tôi muốn gào lên hỏi xem bọn họ biết gì mà nói.
Lúc tôi sắp khóc tới nơi, thì Tịch Đông cũng xuất hiện. Anh cầm theo túi đồ ăn sáng, bước đi rất nhanh về phía này. Bàn tay nổi gân xanh mà tôi thích nhất lập tức sờ trán kiểm tra, sau lại sờ mặt tôi như nựng nịu. Vừa nghe giọng, tôi đã biết ngay Tịch Đông đang giận.
- Đói bụng không? - Anh hỏi.
Tôi lắc đầu. Anh trừng mắt. Tôi ngoan ngoãn lập tức gật đầu.
- Xin lỗi. - Tôi líu ríu trong miệng, cúi đầu nhận tội.
Không khí vẫn một mức im lặng, chẳng hề có tiếng trả lời. Rõ ràng hắn ta đang giận. Tay mở bọc thức ăn, mắt còn chẳng thèm nhìn tôi lấy một cái. Rốt cuộc tôi đã phạm tội tày đình gì chứ. Nước mắt lại đảo quanh tròng, thật sự ấm ức.
- Anh đã bận còn phải lo cho em cả đêm, xin lỗi. - Lệ tràn mi, cổ họng nghèn nghẹn.
Chắc nhìn tôi thảm quá, nên Tịch Đông mới thôi cái giọng điệu đòi nợ quay sang nhìn đầy thương hại. Anh thở dài, suy nghĩ hồi lâu rồi hỏi.
- Hôm qua xảy ra chuyện gì?
Ban đầu, tôi còn cố gồng mình tỏ ra mạnh mẽ, nói không có chuyện, tự mình bất cẩn té ngã. Nhưng Tịch Đông cương quyết không tin. Nên tôi đành kể lại vụ ấm ức hôm qua, thành công chọc Tịch Đông giận tái mặt lần hai.
- Em cần tiền lắm à? Chút tiền lương đó định mua thứ gì?
Tôi lắc đầu, thật thà nói không biết. Ba tôi mất, không chỉ để lại một cái nhà mà còn bất động sản cho thuê. Mỗi tháng tôi đều có tiền tiêu vặt. Như cầu sống lại không cao. Số tiền kia hoàn toàn dư giả cho tôi mua ít giấy, ít màu vẽ các thứ. Chính bản thân tôi cũng không biết xài tiền vào việc gì.
- Chút nữa, anh sẽ đưa em tới chỗ làm. - Tịch Đông cau mày ra quyết định.
- Em nghỉ việc rồi, thật đấy. - Tôi chẳng muốn gặp lại ông ta đâu.
- Anh có bảo em đi làm đâu. Tới đòi tiền. Em thích tiền như vậy, không thể nói bỏ là bỏ. Còn nữa, sau này em muốn mua gì, anh sẽ cố gắng mua cho em. Đừng đi làm nữa, cứ ở nhà vẽ tranh, sản xuất em bé.
Đột nhiên, những giường bệnh xung quanh vang lên tiếng cười trộm kèm theo mấy câu cảm thán về tuổi trẻ. Tôi chỉ muốn độn thổ xuống gầm giường.
<Còn tiếp>
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top