Chương 3:
Chương 3: Áo vest cà vạt
Người ở quê có cơ hội dùng đến comle cà vạt, nhưng ít nhất, tôi vẫn hiểu được quần áo là vật thiết thân của mỗi người. Tặng quần áo cho nhau, không phải ruột thịt cũng là người yêu, chồng vợ. Tặng vào đêm tân hôn lại càng có nhiều ý nghĩa sâu xa. Gợi nhắc tình nghĩa ngày xưa, hay là khiêu khích người vợ mới như tôi, chứng minh trước đây họ từng gắn bó thân thiết đến mức nào?
Tay tôi đậy lại hộp quà rồi chui vào trong chăn. Định tò mò hỏi quà của ai, song thấy tôi hơi tái mặt, bèn hỏi:
- Em mệt à?
- Hôm nay đi đường xa lại mặc váy cưới nặng quá, em thấy hơi đau cổ.
- Ấy chết...
Định vội dẹp hết quà sang một bên rồi đỡ tôi nằm xuống một cách ân cần. Tôi nằm nghiêng, nước mắt tự nhiên chảy ướt hai má. Anh càng cuống lên.
- Em mệt lắm sao?
- Em nhớ mẹ. - Tôi thủ thỉ. - Lại lo lắng nữa. Còn ở nhà chẳng thấm thía được nỗi lo khi lấy chồng xa. Em chẳng có ai để dựa vào cả, không cho anh được cái gì, cơ hội thăng tiến càng không.
Chồng tôi ngay lập tức cau mặt lại:
- Ai lại nói linh tinh với em cái gì phải không?
- Không đâu mà...
- Anh tự mình đi được đến ngày hôm nay... Có thể chúng ta không yêu nhau thắm thiết như mấy cặp đôi mới lớn được, dù gì cũng sắp bốn mươi đến nơi rồi. Nhưng lấy em cũng vì cảm mến em hiếu thảo, tốt bụng chứ không phải lợi dụng em để thăng tiến. Đừng nghe người ngoài nói bậy nữa.
Tôi chỉ hé một đôi mắt ra khỏi chăn, tủi thân hỏi:
- Nếu người mà anh yêu thắm thiết quay lại thì sao? Nếu... có ngày đó, anh nói trước cho em chuẩn bị có được không?
Định gạt ngay đi:
- Không có chuyện đó đâu. Tụi anh đã chấm dứt lâu lắm rồi, mấy năm trời, nghĩa thì còn, tình cảm thì không. Em chỉ cần biết bây giờ em là vợ anh, người khác không là gì cả.
Nhận được câu trả lời của Định, tôi hài lòng lau nước mắt. Nhiều người vẫn thường coi thường gái nhà quê, nào là không biết làm cái này, không biết làm cái kia, nào là thiếu kỹ năng ứng xử. Nhưng tôi thì khác. Một tay nuôi em ăn học đến hết đại học, lại đứng ra lo việc nội ngoại lúc mẹ còn bệnh. Tôi có thể hơi chậm thích nghi với lối ăn ở thành thị, nhưng không đến nỗi thiếu vốn sống. Tôi với Định không yêu nhau, tôi biết, nhưng trên danh nghĩa và cả thực tế đã trở thành vợ chồng. Người ta đã dùng mưu mô mà xen vào cuộc sống riêng tư của hai vợ chồng, tôi chẳng ngại dùng thêm một chút mưu mô để ngăn cản.
Hoàn cảnh gia đình Định cũng neo đơn y như nhà tôi, bố đã mất từ hồi anh học đại học, trong nhà chỉ còn mẹ, với chú thím ở xa. Thím dâu ở trong đám cưới ngày hôm nay ngoài miệng thì tươi cười với tôi, nhưng câu nào cũng ngọt nhạt chê cười. Cô kể về Nhàn, người vợ của Định, thi thoảng lại chêm vài câu khen ngợi. Giỏi giang, học thức, xinh đẹp, nhã nhặn. Rất nhiều ngôn từ mà người ta không nên dùng để khen cô con dâu cũ trong đám cưới.
Thím bảo, Nhàn với Định lớn lên với nhau từ nhỏ, cùng một chí hướng làm giáo viên. Sau này những năm tháng anh khốn khó, Nhàn cũng ở bên cạnh động viên san sẻ với Định.
- Hai đứa nó yêu nhau thật lòng đấy. Nghĩ số cũng khổ. Nếu không phải có bố mẹ vợ ngăn cấm, thì giờ có mà... À mà thôi, giờ cháu đã làm dâu nhà thím rồi, không cần phải so sánh với Nhàn làm gì đâu. Dù gì còn bé cũng không còn là con dâu nhà này nữa. Thi thoảng thím hay tiếc nuối thế, con đừng để trong lòng nhe.
Tôi lật người trở mình. Chiếc áo trong hộp quà nằm chờ chờ trên bàn, nhắc nhở tôi một điều. Ở cái nhà này, Nhàn không xuất hiện, nhưng sự tồn tại của cô ấy thì ở khắp mọi nơi. Dù gì giữa Hạnh với Định cũng từng có hai đứa nhỏ, tôi chẳng rõ giữa họ có còn tình cảm hay không.
Tôi muốn sống vui vẻ trong hoàn cảnh mới chắc hẳn chẳng đơn giản, vượt qua cái bóng của người cũ càng khó khăn hơn. Còn hai đứa con riêng của của chồng, nhóc Minh đang ở với Nhàn, nhưng vẫn về nhà thường xuyên, thằng bé khó sống chung nhất.
Tôi lại thở dài não nề.
Có nhiều quyết định bản thân tôi cũng không biết rằng đúng hay sai nữa.
Sáng hôm sau, quen giấc, tôi dậy từ rất sớm. Định hé mắt rồi ôm tôi vào lòng, hỏi “Sao em dậy sớm thế?”
Hai chúng tôi tuổi đều đã lớn, nhưng dù sao tôi cũng là lần đầu tiên lấy chồng, da mặt còn mỏng, không tự nhiên được như Định. Chỉ một cái ôm như thế đã làm tôi nhột, xấu hổ đẩy anh ra.
Anh hừ hừ:
- Cứu tôi với! Cô dâu mới mưu sát chồng.
- Anh đừng có mà không đứng đắn thế. Buông ra để em nấu cơm sáng cho nhà.
- Nhà mình không ăn cơm sáng đâu, chỉ mua đồ ăn ngoài thôi. Giờ còn sớm quá, qua em mệt rồi thì đi nghỉ tí đi.
Tôi xoay người dậy:
- Nhưng người ta là cô dâu mới. Em cũng muốn thể hiện với mẹ chứ.
Định lầu bầu một lát rồi cũng dậy theo tôi. Anh mặc quần đùi run chân ra chợ mua ít bún, còn tôi thì nấu một nồi canh mọc đơn giản chan kèm. Trên ti vi người ta hay để nữ chính làm món tây, pizza, bánh mì phô mai... Những cái đó nguyên liệu như thế nào tôi còn chẳng biết, huống gì phải làm.
Làm xong thì Định mua bún về rồi, anh hăm hở múc một thìa canh lên nếm thử. Hơi nóng bốc lên làm anh xuýn xoa.
- Nóng nóng quá!
Tôi hơi ngẩn người trước sự yên bình này, dường như việc có thêm một người trong cuộc sống hàng ngày cũng không khó thích nghi lắm.
- Sau này chúng ta có thể giống những cặp vợ chồng khác, cũng yêu...
Tôi bỏ ngỏ câu nói, còn Định thì trầm hẳn đi. Sự im lặng của anh cho tôi biết anh cũng chưa từng nghĩ đến ngày hai vợ chồng có thể yêu nhau. Chúng tôi đến với nhau nhờ mai mối chứ không phải quan hệ tình cảm, có những cặp đôi cả đời, cho đến chết cũng chỉ là những người xa lạ cùng nhà.
- Anh...
Định hơi lúng túng.
- Thôi được rồi, hai đứa nhỏ sắp đến giờ đi học rồi đấy. Anh gọi tụi nhỏ đi, em gọi mẹ dậy ăn sáng.
Minh và Miên xuống ăn cơm, thấy tôi chào “Hai đứa dậy rồi à” thì chỉ có Miên ngoan ngoãn đáp lời, còn Minh vẫn đứng như hằn học một bên. Bị Định lườm một cái, thằng bé ỉu xìu ngồi cạnh bà nội.
Tôi vừa lấy bún cho cả nhà vừa thăm dò, hai đứa trẻ húp nước xùm xụp, cái Miên còn hỏi sao hôm nay bố mua ở đâu mà ngon thế.
- Này hông phải của nhà bà Năm đúng không?
Mẹ chồng tôi cũng tò mò hỏi.
- Ngọc nấu đấy mẹ ạ.
- Thật hả?
Tôi rụt rè gật đầu:
- Dạ vâng, mẹ thấy thế nào ạ?
- Cũng ngon với lạ miệng lắm, khác với cách nấu trên này.
Lúc đó tôi mới thỏ thẻ bảo:
- Trước con có bàn với anh Định, ở dưới quê con cũng có chút tay nghề, mẹ cũng biết con có gánh phở nức tiếng mà. Lên trên này, còn muốn mở một sạp đồ ăn nhỏ ở chợ trước, bán mấy món ăn lạ lạ kiếm thêm thu nhập. Sau này nếu ổn định mới mở cửa hàng. Mẹ thấy có ổn không ạ?
Cạch.
Tôi còn đang nói dở, thì nhóc Minh đặt cái bát lên bàn đến cạch một tiếng:
- Chẳng ra gì cả. Khó ăn chết.
- Con nói láo cái gì đó, Minh?
Định nghiêm túc vặn lại thằng bé, anh hơi lớn giọng, Minh nghe bố mắng thì hét toáng lên:
- Bố không thương con! Bố có vợ mới rồi không thương con nữa. Sau này bố có con rồi chắc bố bán con luôn hay gì?
Nó khóc òa rồi bỏ chạy vào trong phòng, Định tức giận đuổi theo, tôi phải buông bát khuyên anh nhỏ nhẹ với thằng bé. Hai bố con cứ nói qua lại mấy câu ở trong phòng, rồi nó lại bị bố kéo ra ngoài đi học.
- Bố với bà đã dặn con như thế nào? Con xin lỗi dì đi.
Mẹ chồng ngồi bên cạnh không lên tiếng nhưng lại chăm chú nhìn. Tôi biết bà đang thử xem con dâu mới sẽ giải quyết mối quan hệ mẹ kế - con chồng như thế nào.
Tôi vỗ vai Định, nói nhỏ:
- Anh đừng bắt con xin lỗi trước nhiều người như thế. Trẻ con cũng biết xấu hổ.
Rồi quay sang bảo thằng bé:
- Thôi chuyện này không có gì to tát. Hai đứa đi học với bố đi kẻo muộn.
Cái Miên tròn mắt khoanh tay chào bà, chào mẹ ngoan ngoãn làm tôi cũng thoải mái. Nhưng nhóc Minh thì cứ hầm hầm ngoắt người đi thẳng, lại bị bố nó véo tai thêm một cái nữa.
Tôi chờ ba bố con đi rồi mới cất dọn bát đũa, nhưng lại bị mẹ chồng gọi lại:
- Ngọc này, mẹ bảo. Mẹ tính, chuyện mở sạp hàng ngoài chợ, thôi bỏ đi nhé con.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top