Lâu đài cát



    Chương 1: Khởi đầu.

Hoàng hôn, một khoảnh khắc tuyệt đẹp sau một ngày mệt mỏi. Rồi đây, bóng đêm như một màn sương đen dày đặc sẽ nuốt chửng cảnh vật xung quanh, nuốt chửng mỗi con người chúng ta chìm sâu vào trong cái màn đen sâu thẳm. Từng vật trên đời, từng việc trên đời mới đây còn sáng tỏ, mà chỉ một bỗng chốc sau đã mù mịt, tăm tối chả còn nhìn thấy được gì nữa. Hắn đã từng sợ hãi lắm cái cảm giác bóng đêm mịt mù bủa vây xung quanh mỗi khi hắn phải đi qua một khúc nào vắng trong đêm mà không có đèn đuốc chiếu sáng, nhưng giờ đây, khi lớn lên, cái cảm giác ấy đã chả còn tồn tại nữa rồi. Bóng đêm thì vẫn im lặng như thế, đáng sợ như thế, vẫn chẳng hề thay đổi, chỉ có tâm hồn người ta khi đã quá quen với nó rồi thì mới không cảm thấy nữa thôi, hay phải chăng linh hồn hắn cũng vì làm quen với bóng đêm, mà phải hòa mình vào bóng đêm, rồi trở thành bóng tối lúc nào không hay... Bao nhiêu suy nghĩ lan man trong đầu hắn về một buổi hoàng hôn lúc xế chiều, biết rằng không thể thoát khỏi định mệnh đã sắp đặt về một buổi đêm sắp buông xuống, thì liệu ngày mai, trời có lại trong sáng trở lại không, cuộc đời sẽ rất đáng buồn nếu tất cả chỉ chìm trong bóng đêm lạnh lẽo mà không thể trở lại được một ngày tươi mới. Bao câu chuyện người ta kháo cho nhau nghe về cái gọi là cổ tích hư vô, dường như có những điều gì đó quái dị, lạ kì. Mà dẫu đã truyền đời cả ngàn năm, kể cho không biết bao thế hệ nghe những điều trong đó rồi, nhưng vẫn khó có thể tin về những điều trong câu truyện lại có thể  từng xảy ra trên thế gian này... Hắn thì lại khác, trong cái bóng đêm sâu thẳm và mịt mù ấy, tâm hồn hắn vẫn luôn tin về một điều gì đó gọi là phép màu cổ tích trên thế gian này, mặc dù nó đã chẳng còn đơn thuần như thế nữa.

                                                                                    ***


Hắn đang ngồi lan man bao sự trong đời, ngắm nhìn cái sự bồng bềnh, mênh mông của một bầu trời đêm thì một người con gái khẽ hù một cái làm hắn giật mình, cắt phăng đi bao suy nghĩ lan man trong đầu. Trong lúc hắn còn hoang mang, hồn đang dạo chơi xứ nào chưa về kịp nơi thân xác thì người con gái ấy khẽ ngồi xuống cạnh hắn, và bảo hắn kể chuyện cho nghe. Và hắn bắt đầu kể:

_ Em có tin rằng truyện cổ tích, phép màu của bà tiên, ông Bụt có thật trên đời này không?

_ Dạ, không! Trên đời này làm gì có chuyện đó được ?

_Ấy vậy mà có đấy, ví như phép màu của ông tiên trong truyện cây tre trăm đốt, hay cô Tấm trong truyện Tấm Cám sau bao lần bị mẹ con Cám hãm hại mà lại có thể hồi sinh trở lại cuộc đời này. Phép màu là có thật đấy, chỉ là tùy từng góc nhìn của mỗi người mà nhận định nó khác nhau thôi.

_Em chả tin. Nghe hư cấu quá.

_Chính thế mới là cái hay của phép màu. Để anh kể cho em bao truyện cổ tích trong đời thử mà xem nhé.

Và hắn bắt đầu chém gió về truyện con cóc: Ngày xửa, ngày xưa có một con cóc sống quanh năm suốt tháng trong một cái giếng nước cạn. Cóc ta suốt ngày nhìn lên thì chỉ thấy bầu trời bé lắm, áng chừng chỉ tựa bằng cái miệng giếng, cũng chả có gì là kinh khủng. Bên trong cái giếng cũng chỉ con cua, con cáy, hay loài nhái bén khác yếu hơn. Cóc ta làm chủ cả cái giếng lâu ngày cứ nghĩ rằng đang làm chủ cả bầu trời rộng lớn vậy, quát một cái là cả cái giếng vang vọng bao nhiêu lần, có khác chi làm vua của một vương quốc xứ lầy đâu, oai hùng thay. Vì thế cóc ta lâu ngày sinh ra bản tính kiêu ngạo, ăn nói ngang tàng, tự cho mình là vua của vạn vật trên đời. Nhưng một năm, trời làm hạn hán, cóc ta xem chừng khó có thể kiếm nổi thức ăn nơi miệng giếng, nên bèn phải mò lên bên trên để kiếm ăn. Vốn dĩ bản tính khinh đời, ăn nói ngang tàng, cóc ta gặp phải một con gấu nâu cũng đang khổ sở đói khát đi tìm mồi.Thấy cóc ta ăn nói ngang ngược, gấu cứ ngỡ cóc ta con nhà quyền quý, "con ông cháu cha", bèn khích tướng với cóc rằng: việc mưa nắng vốn dĩ là của ông trời, tôi tuy trông to xác, khỏe mạnh thế chứ tài cán cũng chả có bao nhiêu, trời phạt sống thế nào thì đành phải chịu trận như thế. Cậu đã lớn mật như thế, tự nhận chả sợ bố con thằng nào trong đời thì có giỏi đi kiện trời một phen, mang mưa về cho hạ giới đi, có gì tôi sẽ đi theo góp sức. Ông trời vốn dĩ là chủ của vạn sự trên thế gian, từ trước đến nay vẫn đứng ngôi vị cao nhất, quyết định quyền sinh sát, trông coi vạn sự trong đời. Cóc ta vốn dĩ chưa hiểu oai hùng của trời đất thế nào nên cũng khẳng khái nhận lời luôn, loanh quanh nhìn mãi khi ở dưới giếng thấy trời cũng chỉ bằng cái vung, sợ gì mà không dám.Gấu ta thấy khẩu khí của cóc như thế thì lại càng chắc mẩm về thân thế của nó cũng thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt, chứ cũng chả vừa, nên cũng an lòng đi theo. Gấu ta còn gọi thêm cả lũ đệ tử gồm cáo, cua với ong vò vẽ đi cùng để trợ oai. Cốt vì hắn tính mẩm trong đầu, nó đã oai hùng như thế thì ông trời chắc cũng phải nể ông nọ bà kia mà xử nhũn cho, mình đi cùng chả cần làm gì, chỉ cần khoa chiêng, dóng trống, bú fame mà cũng thành người nổi tiếng. Quả này lại lên báo chứ chả chơi. Gấu ta nào ngờ cóc chỉ là loài bé nhỏ cả đời chỉ bám lấy miệng giếng, quanh năm suốt tháng chả đi đâu nên mới ngạo mạn, chẳng tỏ sự đời như thế.



Khi đã đến cổng thiên đình rồi, thì cả đám mới ngỡ ngàng về vẻ xa hoa, tráng lệ, lộng lẫy khác hẳn chốn nhân gian. Cung vàng, điện ngọc, lâu đài nguy nga tráng lệ với cổng thành trạm trổ rồng phượng vô cùng tinh xảo và tường thành cao chót vót chạy dài đến tít đường chân trời. Cả lũ gấu thì vẫn lo sợ và ngơ ngác, nhìn cảnh quá rộng lớn làm cả bọn thấy mình quá nhỏ bé, lo sợ và chỉ muốn quay về, chỉ trừ có cóc. Với bộ gan cóc tía lầm lì, nó vẫn cứ nghĩ mình vẫn là vua của vương quốc xứ lầy kia thì vạn vật trên đời cũng đều là thuộc địa của nó cả, càng đẹp càng mừng, có chi phải sợ? To như gấu kia, mới gặp, nghe giọng hắn đanh thép, thấy hắn, rồi còn phải xu nịnh, ca danh của hắn, thì mọi điều khác chắc cũng thế cả, có chi mà lo. Giờ nó thấy cảnh mà đã khiếp sợ thì mình lại càng phải làm phách để thêm oai, chứ tỏ ra sợ hãi thì chả khác làm trò hề cho nó à, bèn bảo với đám "đầu gấu": anh có sợ thì hãy núp phía sau tôi ngay chỗ kia kìa, anh cua có sợ thì núp vào chum nước. Ong với cáo thì tìm bụi cây đằng kia mà núp. Hãy trông mình tôi, bé thế này thôi chứ có sợ chi mà không dám đập cửa trời. Gì chứ, trời mà lười nhác, ham chơi, quên không cho mưa chốn hạ giới thì mình phải kiện cho tới bến, chứ sợ gì mà hèn nhát núp sau?


 Gấu, cua, cáo, ong nghe thế thì thấy nhục nhã lắm, muốn đạp chết cóc cho xong, nhưng nghĩ lại: sợ dây mơ rễ má về gốc gác của nó, chưa rõ băng đảng của nó mà làm càn thì không khéo chống lưng của nó lại cho mình ra bã, mà kể ra: nấp lùm phía sau để xem tình hình, tránh giáp mặt thiên binh thiên tướng cũng là kế hay "Tọa sơn quan hổ đấu", trâu bò đánh nhau không đứng núp thì chẳng nhẽ lại phơi người ra để bị vạ lây à? Nên bọn chúng bèn chịu nhục mà nghe theo lời cóc, núp đúng chỗ mà cóc ta chỉ bừa. Cóc ta thấy thế nên được thể làm tới, càng thêm kiêu ngạo, đập cửa, mắng nhiếc, chửi rủa lề mề, lôi thôi: tưởng trên thiên giới thế nào, hóa ra cũng lề mề, chậm chạp chả kém chi hạ giới. Ông đây đã phải vác tấm thân vàng ngọc lên đây để trách cứ cái tội cho mưa trễ hạn, lâu la làm khổ dân chúng, ấy thế mà vẫn còn không biết điều. Khôn hồn thì hãy mau mau mở cửa đón tiếp, rồi còn mau mau cho mưa để ông đây còn về...  

Cổng nhà trời bị một phen đập cửa làm ồn khiến ông trời đang nằm nghỉ trưa cũng phải giật mình mà tỉnh giấc. Ông  nghe cóc chửi đổng, mắc nhiếc chửi rủa mình như thế, bèn rất đỗi ngạc nhiên: một con cóc tía nhỏ bé, nay lớn mật dám nhè cổng thiên đình mà gõ trống, nhè tên ngọc hoàng mà gọi một cách thô tục, xem oai trời chả ra gì thì lại càng ngạc nhiên hơn nữa. Ông tự bảo mình rằng liệu: thằng này bộ hết chỗ tự tử hay sao mà nay lại dám đến đây xin chết đấy, phỏng chăng? Ông chỉ cần phóng tầm mắt ra một cái là thấy gấu nấp đằng sau, cua nấp trong chum nước, ong và cáo nấp trong bụi cây. Dăm ba quân tiểu yêu ấy, chỉ một phẩy tay của thiên lôi là cho chúng cháy sạch ra than được. Ngài định cho quân diệt luôn kẻ không biết oai trời kia, cho đỡ bực mình vì tội phá giấc ngủ của mình. Nhưng ngài trầm tĩnh ngẫm lại một lúc thì bèn thôi. Nó chỉ là hạng cóc nhái, giết nó cũng bằng không, mà lại khiến người đời cho rằng ngài không bao dung, độ lượng. Mà giết nó lại là dịp để nhiều bè phái khác, kiếm cớ chống lại mình, nói ngài không nhân đức, chi bằng cứ tha mạng nó cho xong truyện. Nhưng mấy thằng kiểu này "Chí Phèo" lắm,đuổi suông chắc chả xong, thôi thì cứ kiếm kế: cho nó cái danh hão để đẩy nó về cho rảnh. Bèn truyền chỉ cho thiên lôi, cứ thế, cứ thế ... mà làm.

Thiên lôi thả một con gà ra, dặn rằng lao tới mà mổ cóc, nhưng hễ thấy cáo ra giúp thì giả vờ mà thua chạy. Gà trời tuôn chỉ bay ra định mổ cóc thật. Cóc ta thấy gà trời hung dữ như thế thì sợ hãi, bỏ chạy lui tứ tung. Gấu nấp đằng sau, sợ bại lộ vị trí mình núp ở đây thì lại phải đắc tội với ông giời, không tránh khỏi cái chết, bèn khẽ bảo cáo chạy ra giúp cóc. Cáo chỉ là đàn em của gấu, không biết sự tình thế nào, tưởng thật, cũng bèn chạy ra đuổi gà giúp cóc thật. Thiên lôi thả tiếp con chó ra, dặn hễ đuổi về phía chỗ kia mà gặp gấu thì liền bỏ chạy. Chó liền chạy ra đuổi cáo về phía chỗ gấu đang núp. Gấu ta giật mình hoảng sợ, nhưng chả biết làm sao được, cũng đành đâm lao thì phải theo lao mà nhảy ra đuổi chó giúp cáo, tiếng là để cứu đàn em, nhưng kì thực là gấu ta lo sợ nó làm lộ chỗ mình núp thì cũng chả còn đường nào khác. Thiên lôi thấy thế thì hùng hổ xông ra. Gấu ta thấy thế thì co giò chạy thẳng. Bị thiên lôi lùa qua chỗ ong đang nấp, gấu liền ra hiệu cho đàn em cảm tử hộ giá. Ong vốn bé nhỏ, vào bang anh Gấu chưa được bao lâu nên vẫn còn ngáo đá và hiếu chiến, thấy đàn anh gặp nguy cũng liều mạng lao vào đốt Thiên lôi như thật. Thiên lôi giả đau mà chui ngay vào chum nước có cua đang nấp. Cua bị túng thế, bèn cắp ngay vào dái Thiên lôi. Thiên lôi giả đò thua chạy về báo lại cho Ngọc hoàng.

Ông giời lúc này mới bước ra, giả như hốt hoảng, khen ngợi cóc ta hết mực là thần cơ, diệu toán, tiên đoán như thần, điều binh khiển tướng như Gia Cát Lượng tái thế, cầm quân ô hợp mà cũng đánh thắng cả một vị thiên tướng nhà trời, quả đáng ghi danh sử sách, biết bao anh hùng trong thiên hạ liệu có được mấy người nhỏ bé mà tài trí được như vậy.... Cóc ta nghe thế thì phổng hết cả mũi, mắt lòi cả ra, có hít thở cũng phồng mồm, trợn má, làm kiêu với người khác. Được dịp, cóc lại càng được thể ra oai, tự đắc, mặt vênh lên như song song với trời đất. Đám Gấu, cua, cáo, ong thấy thế thì lại càng tin chắc rằng thằng này con ông to, bà lớn nào chặt, chuyến này đi quả chả tốn nhiều công mà cũng bú fame để thành nổi tiếng. Thà một phút huy hoàng, hơn ngàn năm tăm tối, giờ thì lại không vang danh anh hùng cứu thế giới đi, oai phải biết.

Ngọc hoàng có hứa ban mưa xuống hạ giới, và còn cúi mình nhận cóc làm cậu để tỏ lòng thành kính. Cóc ta chả biết họ hàng hang hốc ra làm sao. Nhưng cả đám mới đi thì như một lũ ngáo đá, khi bước lên cổng thiên đình, với mỗi kẻ một toan tính khác nhau, giờ đây lại thấy mọi việc ngoài sức tưởng tượng mà oai hùng trở về thì cũng bằng lòng, hớn hở lắm. Vậy là cũng thành được cậu ông giời là cũng an lòng rồi.

Khi về nhân gian, gấu, ong, cua, cáo được thể khoa môi múa mép với thiên hạ, được lên thiên giới một phen, cùng nhau chiến đấu với thiên tướng của nhà trời, nhưng chúng cũng biết mình biết trời, nên chỉ kể đó tựa như một sự may mắn chứ không dám sỉ nhục uy trời. Chỉ duy cóc ta, được thể lại càng thêm tự đắc, lớn lối coi thường, lăng mạ, gặp gì cũng quát tháo, ta đây mang danh cậu ông giời, sao bọn ngươi không biết điều... nên đã bị một con trâu đồng đi ngang qua khó chịu quá liền dẫm cóc bẹp dí.


Dẫu biết rằng đó cũng chỉ như một Chí Phèo làng Vũ Đại, nhưng thử hỏi trong biết bao nhiêu con người tài giỏi chốn nhân gian này, đã có một kẻ thứ hai nào làm được như thế, đã có thể đem mưa trở lại chốn nhân thế, đem cái nước từ tít chốn xa xôi trên cao về lại với đất mẹ đang khô héo, cằn cỗi.


                                                                                ***

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #cotich