Laptop

Kinh nghiệm chọn mua laptop

LƯU Ý: Tất cả những thông tin trong bài viết chỉ có tính tham khảo, không thể đúng 100%, các bạn cần hỏi ý kiến của nhiều người để chọn cho mình đúng chiếc laptop thích hợp.

Bước đầu tiên, cũng là quan trong nhất của việc chọn mua, đó là “Xác định rõ nhu cầu của mình.” Các học sinh, sinh viên hiện nay là đối tượng hay mua phải những laptop “vượt quá” nhu cầu của mình, gây phí phạm kinh phí của gia đình, làm khó khăn cho cha mẹ.

- Nếu bạn là một nhân viên văn phòng bình thường, công việc chính chỉ là gõ Word, Excel, lướt net thì lựa chọn phù hợp với bạn là chiếc máy tính có bàn phím tốt, kích thước phím đầy đủ, rộng rãi và bàn phím có đèn nền để làm việc vào ban đêm, bạn có thể bỏ qua các loại máy có ổ đĩa DVD để lấy những loại mỏng nhẹ, pin có thời lượng dài hơn. Bạn có thể chọn loại có màn hình 13.3-14 inch + một bàn phím số mua ngoài, như vậy có thể giữ được sự gọn nhẹ và vẫn có sự thoải mái khi nhập liệu từ bàn phím. Giá của máy là từ 10 triệu trở lên.

- Nếu là một doanh nhân, giám đốc, thì hãy chọn các loại laptop có khả năng bảo mật tốt, tích hợp công nghệ bảo mật bằng vân tay, vật liệu chắc chắn như dòng máy Lenovo thinkpad hoặc dòng máy Lattitude của DELL, Probook của HP, Travelmate của Acer… Có thể bỏ qua các máy có card màn hình rời, ưu tiên là an toàn, gọn gàng và “sang.” Máy doanh nhân có giá khoảng 13 triệu trở lên.

Nếu là một người dân bình thường, mua máy tính để xem vài bộ phim, lướt web, chơi vài game nhỏ…, đọc báo thì có thể chọn các loại laptop với giá chỉ 6-7 triệu đồng, một số loại có màn hình đều có thể đáp ứng tốt các nhu cầu kể trên. Có thể tận dụng laptop như một đầu xem video gắn vào TV LCD với việc mua thêm dây cáp VGA. Khả năng của các laptop loại này vẫn có thể xử lý tốt video 1080p từ trên mạng tải về.

- Nếu là một sinh viên thì lưu ý sau: 

+ Nếu ngành học không có yêu cầu về laptop có sức xử lý mạnh mẽ - hãy chọn các loại laptop không có card đồ hoạ rời, không có CPU mạnh, hãy ưu tiên các loại máy có khả năng tiết kiệm điện cao, mỏng nhẹ, gọn gàng, màn hình khoảng 13.3-14 inch. Tất cả các máy laptop giá bình dân hiện nay đều có khả năng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu bình thường của sinh viên.Nếu có thêm kinh phí, hãy chú ý tới các máy laptop “Ultrabook” mỏng nhẹ pin lâu của các hãng.

+ Nếu ngành học có liên quan đến đồ hoạ, lập trình ứng dụng máy tính, hay là muốn một chiếc máy có thể thay thế được máy tính để bàn thì khi đó hãy quan tâm đến các loại máy tính có sức xử lý tốt, có card đồ hoạ rời, màn hình 15.6 inch hoặc 17 inch. Các laptop loại này thường có kích thước và cân nặng không hề dễ chịu với các bạn có sức khoẻ kém và với các bạn nữ, loại laptop gọn nhẹ và mạnh thường có giá rất đắt. Các bạn có nhu cầu chơi game cũng nên cân nhắc xem giữa việc mua 1 cái laptop mạnh để chơi game có hơn thua gì so với việc mua 1 cái laptop vừa tiền và mua một chiếc máy để bàn chuyên chơi game hay không, vì chơi game trên laptop không bao giờ là một ý kiến hay.

Bước thứ 2: Lựa chọn máy dựa theo nhu cầu đã xác định của bản thân và kinh phí tối đa mà bạn có.

- Với tầm giá 5 triệu – 7 triệu bạn sẽ chỉ có khả năng mua được các máy có CPU Atom, Celeron, Pentium B, một số máy dùng CPU AMD, ổ đĩa cứng 320GB, RAM 1-2GB, nói chung loại này dành cho đối tượng học sinh, người dùng bình thường, chất lượng gia công không cao, khả năng hư hỏng tất nhiên cũng sẽ cao hơn so với các loại máy đắt tiền hơn, nhưng các công việc như lướt web, word, excel hầu như không có khác biệt nhiều so với các máy 8-9 triệu. Mua máy tính với tầm giá này rất dễ dính phải hàng tồn kho, hàng cũ, bạn nên cẩn thận.

- Với tầm giá 7-10 triệu, bạn sẽ có nhiều lựa chọn với các mẫu máy có CPU intel Pentium B, Intel Core i3, một số mẫu máy có CPU intel Core i5 cũ giảm giá, ổ đĩa cứng 500GB, RAM 2GB – 4GB, có thể có card đồ hoạ rời. Một số máy sẽ bỏ ổ đĩa DVD, và một số máy có chức năng cảm ứng. Máy thuộc tầm tiền này có thể chơi các game online, đáp ứng tốt các yêu cầu cơ bản của đại đa số người dùng, nếu không có nhu cầu gì đặc biệt thì tầm giá này các bạn học sinh/sinh viên nên mua, nhân viên văn phòng cũng có thể cân nhắc chọn loại này, nhưng hầu như không có loại mỏng nhẹ, bàn phím tốt ở tầm giá này. Một số máy của Acer / Lenovo có thể có cấu hình máy tốt hơn so với mặt bằng chung, tương đương giá 11-12 triệu của các hãng khác, bạn có thể cân nhắc nếu không đủ tiền, nhưng đổi lại một vài chi tiết sẽ bị cắt giảm chất lượng.

- Với tầm giá 10-15 triệu, bạn có thể tìm thấy nhiều loại laptop mạnh hơn, đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu về máy có sức xử lý tốt, hay dễ dàng tìm được máy mỏng nhẹ, tiết kiệm điện. Phổ biến là các máy dùng CPU intel core i3, i5, một số ít là i7, RAM 4GB, ổ đĩa cứng 500-750GB. Một số máy có chất liệu vỏ máy bằng nhôm, có nhiều chức năng bảo mật dành cho doanh nghiệp. Các hãng Asus và DELL , SONY, HP được ưa chuộng ở tầm giá này, và lên cao hơn nữa.

- Với tầm giá 15-20 triệu, chúng ta có các máy tính cấu hình khá tốt, đáp ứng được cả nhu cầu về đồ hoạ trung bình, chơi game... lập trình ứng dụng. Đây cũng là tầm giá bạn có thể kiếm cho mình một chiếc “ultrabook” đẹp với độ mỏng đáng nể, cực nhẹ và pin lâu phù hợp với người hay phải di chuyển. CPU có các loại phổ biến là core i5, core i7, riêng với nhãn hiệu SONY VAIO thì có cả các mẫu máy dùng core i3 hầu như không có core i7, các phần còn lại đều giống với máy tầm giá 10-15 triệu, có thể cải thiện chất lượng gia công hơn.

- Với tầm giá trên 20 triệu, đa số các hãng đều tập trung vào kiểu dáng, chất lượng gia công, card màn hình, các tính năng phụ trợ, còn CPU không mạnh hơn nhiều so với tầm giá 15-20 triệu. Đây là phân khúc dành cho các máy tính chuyên dụng, mạnh mẽ hoặc các loại máy siêu mỏng nhẹ, cao cấp.

Bước thứ 3: Tham khảo giá, nhãn hiệu cùng các chính sách bảo hành của sản phẩm.

- Các cửa hàng máy tính lớn hiện nay đều có website đăng tải thông tin về các loại sản phẩm mà mình bán. Các bạn hãy chọn vài cửa hàng gần nhà và thực hiện so sánh, chọn nơi có giá thích hợp, máy thích hợp và bảo hành phù hợp cho mình. 

Ngoài ra, bạn có thể lên các trang web như 5giay, vatgia để tìm thông tin về máy.

- Nếu cần thiết, hãy mua thêm bảo hành cho máy tính để yên tâm hơn trong quá trình sử dụng. Các lỗi trong năm bảo hành đầu tiên đa số đều có thể sửa miễn phí.

- Về nhãn hiệu thì theo khảo sát, người dùng Việt Nam có cảm tình nhất là với các thương hiệu Asus, DELL, SONY, TOSHIBA, Lenovo Thinkpad, thấp hơn là LG, Acer, Samsung, Lenovo, Msi, thấp hơn nữa là các máy thương hiệu Việt và trung quốc. Nhưng cái “cảm tình” đó đôi khi không đúng do một số người dùng máy rồi có sự cố hỏng hóc, từ đó họ ghét nhãn hiệu của máy luôn.

Bước thứ 4: Học cách đọc cấu hình máy tính cơ bản.

Đối với laptop, các thông số chính mà chúng ta quan tâm khá hạn chế, có thể tóm lược lại:

-CPU: Đây là “bộ não” của máy tính. Có 2 hãng là Intel và AMD.

+ Với Intel, các CPU có tên Atom, Celeron, Pentium là những CPU cho các máy giá rẻ, phù hợp với người dùng cơ bản, trong đó Atom là yếu nhất, còn CPU core i3, i5, i7 là các CPU cao hơn, trong đó i7 là cao nhất. Lưu ý là các CPU tiết kiệm điện sẽ có ký hiệu U ở cuối là loại tiết kiệm điện, VD: Core i5 3317U tiết kiệm điện và yếu hơn so với Core i5 3210M. Ngoài ra còn có ký hiệu QM dành cho các CPU 4 nhân. Việc xác định cái CPU nào mạnh hơn cái nào khá rắc rối, bạn phải tham khảo trên mạng để biết thêm chi tiết. http://www.notebookcheck.net/Mobile-Processors-Benchmarklist.2436.0.html

-RAM: đây là chỗ bộ nhớ lưu các chương trình đang chạy của bạn có 2 thông số là loại RAM nào (DDR3/DDR2) và bus bao nhiêu (1333/1600Mhz…), đa số các máy mới đều có RAM DDR3 1333Mhz, thường thì RAM 4GB là đủ cho tất cả các nhu cầu sử dụng bình thường, nếu dùng lướt web, làm việc nhẹ thì 2GB là đủ… Bus cũng nên chọn loại 1333Mhz là được.

-Card màn hình: đây là phần đảm nhiệm việc xử lý hình ảnh của máy. Có 2 loại đó là card màn hình tích hợp sẵn (của Intel là GMA xxxx hoặc HD Graphics 2000/3000/4000/5000 của AMD là Radeon HDxxxx) và loại rời (do AMD và nVidia sản xuất).

+ Card màn hình rời trong cùng 1 series thì cái nào số lớn hơn cái đó mạnh hơn. VD như AMD Raedon HD 78xxM sẽ mạnh hơn 76xxM, nVidia Geforce GT760M sẽ mạnh hơn GT750M. Nhưng cẩn thận hơn các bạn hãy vào trang http://www.notebookcheck.net/Mobile-Graphics-Cards-Benchmark-List.844.0.html để xem bảng xếp hạng

+ Dung lượng card màn hình thường được nhiều bạn đánh giá xem 1 cái card mạnh hơn hay yếu hơn cái kia, cái này là sai lầm nhé. Dung lượng card màn hình tích hợp sẵn của intel/AMD thường là thực sự chỉ có 128MB, các tờ quảng cáo nói là 1700MB có phần không chính xác, nguyên nhân thì khá dài, bạn tự tìm hiểu vậy.

-Đĩa cứng: hay còn gọi là HDD, phổ biến ở mức 320GB – 500GB – 700GB, giá không chênh nhau nhiều lắm, có chỉ số rpm chỉ số vòng 1 phút HDD quay, cái nào quay càng nhanh thì tốc độ copy tập tin càng nhanh. Còn 1 loại nữa là SSD, đây là loại đĩa mới có tốc độ nhanh hơn nhiều lần HDD, nhưng dung lượng nhỏ ở mức dưới 256GB, máy nào có SSD giá khá đắt.

-Pin : thường được ghi rõ nhất bằng chỉ số mAh (mili ampe giờ), nhưng do mỗi hãng lại thiết kế số Vôn cho pin khác nhau, nên có thể cùng 1 chỉ số mAh nhưng pin này lại lâu hơn pin kia. Pin phổ biến là loại 6 Cell, loại máy mỏng nhẹ thì dùng 4 cell, loại có dung lượng cao hơn là 9 cell và 12 cell, nhưng khá nặng. Một số loại 4 cell có thời lượng pin ngang với 6 cell.

-Cân nặng: nếu bạn là người có sức khoẻ tốt thì loại máy có cân nặng 2.4-2.6 kg bạn vẫn có thể chọn. Nhưng nếu là phụ nữ hoặc yếu sức khoẻ, hãy chọn loại 2.0, 2.2kg hay giảm xuống 1.5 kg, 1.3 kg

-Bàn phím: đa số các máy bây giờ có kiểu bàn phím Chiclet (loại mỗi phím là một hình chữ nhật bo tròn các góc, có khoảng cách xa nhau khoảng 2-3 mm) bạn có thể google để tìm hình, đây là loại bàn phím bấm khá thoải mái, không như loại cũ là loại dính liền khít các phím với nhau. Một số bàn phím có đèn nên (backlit), ai cần làm việc vào ban đên nên chọn loại này.

-Cảm ứng: Một số máy có màn hình cảm ứng, các bạn nên chọn loại có 5 ngón tay trở lên, các máy cũ chỉ có 2 ngón tay, và không nhạy.

- Một vài cụm từ tiếng Anh bạn có thể gặp:

+ 4 x USB 3.0 port : có 4 cổng giao tiếp USB 3.0 (nhanh hơn so với loại 2.0 phổ biến hiện nay)

+ 5in1 Card Reader: đầu đọc thẻ 5 trong 1.

+ LAN 10/100/100 Mbps: hỗ trợ mạng có dây tốc độ cao.

+ IEEE 802.11b/g/n : hỗ trợ mạng không dây tốc độ cao

+ DVD+/-RW SuperMulti with Double Layer: đầu đọc/ghi DVD (có tính năng ghi đĩa 2 lớp)

+ Touchpad – scroll – multitouch : chuột cảm ứng hỗ trợ nhiều ngón tay.

+ Monitor LED 14 inch 1366x768: màn hình LCD 14 inch đèn nền LED độ phân giải 1366 x 768 pixel.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: