Lập Trình Viên II
LẬP TRÌNH VIÊN
Phần II
EM VÀ ANH
PHI LONG
"Nàng sắp xếp vài thứ tùy thân đi, ta sắp đốt nhà đây!"
— Thế giới của chung, mà hóa ra riêng hẳn, anh nhỉ?
— Ừ, riêng lắm. Nhưng em với anh thì chung.
— Anh, không cần phải...
— Thì gần như chung, em giống anh nhiều mà.
Tất nhiên, mỗi người đi qua thế giới này trong một thế giới riêng, và thế giới ấy thế nào là tùy thuộc vào khả năng nhận thức.
Mai Phương lúc ấy vừa nghĩ xong chuyện này, nó chắc chắn không đồng ý với tôi ở ý cuối, nhưng nó không nói nữa, chỉ cười, nụ cười "khăn quàng đỏ" của nó.
Nhiều người khác trong bối cảnh tương đối cụ thể như vậy sẽ thấy nụ cười ấy thật buồn, một số người có thể thấy nó mỉa mai và chua chát.
Nhưng khả năng nhận thức của tôi về Mai Phương khác so với nhiều người khác, nên trong thế giới của tôi, nụ cười của nó là nụ cười vui, — tôi biết nó sẽ vui lắm nếu hình dung được rõ ràng rành mạch một điều mà nó đã phải mất công băn khoăn nghĩ ngợi và suy tư nhiều.
Nhưng trong bối cảnh cụ thế ấy, rốt cuộc vẫn phải có người buồn.
Người ấy là tôi.
Tôi thương Mai Phương lắm.
Bây giờ tình cảm này rất rõ.
Lúc đầu đã không như thế, mặc dù chắc là tôi đã nghĩ như thế.
Lúc ấy tôi vừa học hết năm thứ hai và trong đầu tôi có nhiều gạch đầu dòng, nhưng toàn gạch ngắn; đống gạch này chồng chéo, rối rắm và lộn xộn, nhưng tựu chung thì đơn giản, thêm hay bớt một gạch đều đơn giản. Mai Phương lúc ấy mảnh mai, xinh đẹp, duyên dáng, giọng nói trong veo, hay cười, nụ cười tươi và cách nói năng giống như trẻ con... tôi vừa gặp thì thấy trong người rất thích; dù tôi vẫn ý thức là đấy không phải tình yêu, (nếu yêu tôi sẽ yêu A-nhi-a), nhưng đấy là kiểu ý thức "tự nhủ", — một sinh viên năm thứ hai (bất kỳ ai khác?) liệu có phân biệt được tách bạch tình yêu với nhiều những tình cảm khác không?
Thậm chí ngay cả việc nó bị hỏng cả hai mắt không nhìn thấy gì, lúc ấy còn làm tôi thấy nó có một vẻ gì đấy "thanh cao".
Lúc ấy (bây giờ?) tôi còn chưa quyết định được là một người, một đời, có thể có mấy tình yêu, nhưng tôi không hề phân vân là một người, một lúc, nếu có, thì chỉ có thể có một cái, và cái của tôi, nếu có, thì phải là cái với A-nhi-a.
Đấy là lần đầu tôi xa A-nhi-a, cũng là lần đầu tôi biết một người có thể nhớ một người khác đến mức khó chịu không thể tả được như thế nào.
Hồi tôi bay đi học, ở Hà Nội chỉ có một kênh ti-vi đen trắng, người đẹp trai nhất bấy giờ là thiếu tá Đê-a-nốp tôi cũng không biết anh màu gì. Sang tây, lần đầu ngồi trên một băng ghế gỗ và nhìn thấy một bé gái có làn da trắng như tuyết (đấy là tôi suy nghĩ bằng từ vựng, chứ lúc ấy tôi cũng chưa biết tuyết thật), mái tóc vàng óng mềm mại buộc nơ trắng, đôi mắt màu nước biển xanh trong, mặc một chiếc váy bồng nhẹ nhàng màu thiên thanh, đang chơi trong vườn, ý nghĩ đầu tiên đến ngay trong đầu tôi: "Thiên Thần".
Một Thiên Thần kích thước to bằng người lớn thật, không có cánh, tỏa ra một mùi u hương mà tôi rất muốn ngửi, sờ vào được, eo lưng và tất cả những chỗ chạm vào đều mềm mềm rất thích, vào một đêm mùa hè ánh trăng nhàn nhạt, ngồi ngả tóc vàng óng ả lên vai tôi và bảo tôi "Hôn em đi", — chuyện này vượt ra ngoài mọi ý nghĩ của một người dân thuộc diện xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu vùng xa của thế giới.
Nước tôi ở Châu Á, ngay sát nước Tàu, nước Tàu to, văn hóa nước tôi bị ảnh hưởng nhiều văn hóa Tàu, văn hiến chúng tôi và văn hiến Tàu đều hết sức nghèo nàn những chuyện học tập kiến thức chuyên môn, ngược lại thì đầy đặc những chuyện đối nhân xử thế, những bài học dạy một người các cách để đối phó với những người khác sao cho có lợi cho mình; cho nên không giống ngữ cảnh trong câu truyện dân gian người đốt hổ trâu cười gãy răng, chúng tôi không quen để "trí khôn của ta" ở nhà, mà luôn kè kè nó bên mình, và dường như chăm giở nó ra.
Chúng tôi vẫn quen giở "trí khôn của ta" ra ngay cả khi tâm tình.
A-nhi-a không phải chúng tôi, và tôi càng quen thân với A-nhi-a thì càng cảm thấy rất rõ có những cái gì đó buộc chặt cứ được cởi dần ra trong mình, làm cho mình rất nhẹ nhõm và sảng khoái. Lúc đầu tôi chỉ biết thế, rồi tôi dần dần hình dung được tại sao lại thế, và chuyện này giống như một làn ánh sáng nhẹ nhàng ấm áp chiếu vào lòng một người dân thuộc diện đem trường học đến với trẻ em vùng sâu vùng xa của thế giới.
Và trong tôi lúc ấy cũng đang bắt đầu hình thành những đường nét tri thức "chánh đạo" căn bản, (An-na-tô-li An-tô-nô-vích, thày ơi!), tôi mong muốn, tin tưởng, và nhiệt thành.
Mai Phương đã bước vào cuộc đời tôi đang như vậy, ngay lúc tôi đang xáo trộn, mất ngủ, quầng xanh dưới mắt lên vì nhớ A-nhi-a.
— Hì, bác Đại đang giục ra ứng cử hội đồng... ba đang phải ra sức từ chối. — Nó đang cười, bàn tay nó, nằm trong bàn tay tôi, khẽ nhấp nhấp.
Tôi lại ngạc nhiên nhìn nó, — chuyện này thực ra rất quen, nhưng tôi vẫn luôn bị ngạc nhiên. Hôm nay là ngày sinh nhật công ty, bác Bang — bác Bang làm "tổng quản" cho bố Mai Phương; đúng ra gọi là "trợ lý", nhưng tôi gọi bác là "tổng quản" không phải là gọi vui theo kiểu phim Tàu, mà vì tôi thấy phải gọi bác như thế thì mới đúng — cho tổ chức trong một khu rộng, riêng, của nhà hàng. Trong gian này không có chỗ thấp, chỗ cao, nhưng ở vị trí "thượng tọa" kê một chiếc bàn tròn thật to, khăn bàn màu hồng điều, quanh bàn ngồi không kín chỗ, nhưng toàn những người lớn, đĩnh đạc; chú Cao — chú Cao là bố Mai Phương — ngồi ở chủ tọa, sơ mi trắng, com-lê, gi-lê, và cà vạt đen, đúng là đang phân bua gì đó với một bác người đậm, cà vạt tía, đeo kính gọng vàng; chú Cao vừa nói, vừa cười "nhăn nhó", rồi hai tay cầm hai ly rượu, chắc là vang đỏ, kính bác kia một ly. Các bàn khác cũng giống như bàn thượng tọa, nhưng bé hơn; tôi với Mai Phương ngồi cách bàn đấy một quãng, không xa, nhưng tôi hầu như không nghe thấy gì, chưa nói hiểu được chuyện, từ đấy.
Tai Mai Phương bây giờ quả thật khác hẳn tai tôi.
Dạo này tôi vẫn nhìn hộ nó, còn nó thường nghe hộ tôi rất nhiều thứ mà tôi không nghe thấy. Lúc mới về nước, thấy chúng tôi hay ngồi rủ rỉ, kiểu ngồi "tay trong tay" của anh em tôi, một đứa thì liên tục ngó nghiêng khắp chung quanh, một đứa thì cúi đầu, nghênh nghênh nghe ngóng, cô Lan — cô Lan là mẹ Mai Phương — và chú Cao đã nhìn chúng tôi với ánh mắt rất "không quen", rồi trao đổi cái nhìn với nhau; tôi hơi cảm thấy lúng túng, nên ghé tai thì thầm vắn tắt với Mai Phương, nó cười giòn tan, rồi theo một cách huyênh hoang hài hước giải thích cho ba mẹ nó nghe về cơ chế "tâm truyền" đặc biệt "cao thâm mạt trắc" này, thì hai cô chú cũng cười rất vui; nhưng thi thoảng tôi vẫn nhận thấy ánh mắt cô Lan nhìn chúng tôi, thế nào đó, vẫn "không quen".
Như lúc này cũng vậy...
Và tôi vẫn thấy lúng túng, và còn giật mình, vì đúng lúc ấy Mai Phương hỏi:
— Mẹ em đang làm gì?
Chú Cao là người Sài Gòn, còn cô Lan là người miền Bắc, tổ nghiệp gốc ở Hà Nam. Cô nói hoàn toàn giọng Hà Nội, nhưng cách nói của cô không giống tôi. Tôi thấy cô luôn dùng câu đầy đủ hơn tôi, kiểu giống với văn viết hơn văn nói. Cách nói của cô có phần coi trọng mạo từ và đại từ nhân xưng. Ví dụ, cô sẽ không gọi "Phi Long, ra cô bảo cái này", mà sẽ gọi "Cháu Phi Long ơi, cháu ra đây cô sẽ nói với cháu một chuyện này". Và những từ có dấu "sắc", tôi thấy cô nói "sắc" hơn tôi. Mai Phương hồi nhỏ đã học theo cách nói của mẹ vì nó thích nghe hơn, và nó vẫn luôn tâm đắc về chuyện này, nó bảo: "Đúng là tiếng Bắc trong hơn và âm sắc... nó nhạc cổ điển hơn!"
Nhưng nó vẫn dùng nhiều từ vựng Sài Gòn. Nó gọi chú Cao là "ba", gọi cô Lan là "mẹ".
Thực ra tôi thấy chú Cao cũng giống người Bắc; cả khuôn mặt xương xương, vóc dáng không thô không thịt, cả điệu bộ, tôi thấy đều Bắc; đầu tóc trang phục thì Bắc khỏi nói, vì hoàn toàn theo cách của cô Lan; chỉ có nước da, và nhất là nụ cười, là không Bắc lắm.
Tôi bảo Mai Phương:
— Góc mười một giờ, đang ngồi tiếp chuyện một bác gái mặc một bộ vét hồng nhạt...
— Tóc thế nào?
— Tóc đen đến chớm vai, ngôi trái hẳn, mặt...
— Mặt bầu bĩnh, sống mũi... hơi tẹt?
— Ừ. — Tôi phì cười.
— Bác Hồng "nghị sĩ" đấy.
Hôm nay cô Lan mặc áo dài, búi tóc, và đeo một cái kiềng vàng nhỏ. Chiếc áo dài này hôm trước hai cô chú đã nghĩ mãi mà không biết màu của nó phải gọi là màu gì, còn Mai Phương lúc ấy đã hậm hực định mang ngay đến công ty để cho máy tính của nó "nhìn"; vừa lúc tôi đến, Mai Phương mừng ra mặt, bảo: "Đây rồi, không cần máy tính nữa, người làm cho cái máy tính nhìn được màu đây!"
Hồi trước, vì có đợt đã bỏ tương đối thời gian và căn bản là dùng cả máy tính để ngồi tính cẩn thận màu mắt A-nhi-a, và tôi còn có một nghiên cứu nho nhỏ về môn này, để hỗ trợ cho cái chương trình "nhìn — kể" mà Kốt-xchi-a đang viết cho Mai Phương, cho nên tôi rất thạo các cách gọi tên màu. Tôi ngắm nghía cái áo; chú Cao nhìn cô Lan, rồi bảo tôi:
— Màu cá hồi, đúng không?
— Màu cá hồi nó... "bè" hơn màu này, màu này... đúng nhất... đúng rồi, là màu san hô An-giê-ri! — Tôi gần như reo lên, cũng mừng ra mặt, phấn khởi về hiểu biết thuật ngữ màu sắc của mình.
Nhưng cả hai cô chú đều có vẻ ngỡ ngàng, lúc ấy đang vui nên tôi nói năng đơn giản, tôi bảo Mai Phương:
— Hình như họ không tin, em ạ.
Nó bảo:
— Các vị yên tâm, yên tâm đi, chuyên gia này "hàng hiệu" thật đấy!
Hôm nay nó cũng mặc giống y cô Lan, chỉ khác là áo dài nó màu trắng, còn kiềng là kiềng bạch kim. Hôm trước tôi nói theo cách tôi nghe thấy người ta nói, bảo cái kiềng ấy là vàng trắng, nó lắc đầu lia lịa:
— Không phải vàng trắng, là bạch kim.
— Vàng trắng, bạch kim... Hì...
— Không, hai thứ đấy khác nhau thật đấy...
— Một tên mà...
— Bạch kim chắc là tên có trước, là tên hóa học tiếng Việt của Pla-tin. Còn vàng trắng là trộn thêm các kim loại trắng quý khác vào vàng, mạ cả ra ngoài nữa, để làm đồ trang sức bằng vàng, nhưng có màu trắng; đấy là tên dịch, từ từ "white gold", chỉ... vô tình trùng nhau.
Con nhà giàu có khác.
Cô Lan thấy cả hai chúng tôi hướng về phía ấy, cô cười, giơ bàn tay trước ngực, vẫy vẫy, nói gì đó với bà "nghị sĩ", bác tên Hồng vừa ngoảnh lại thì một cái đầu lân râu ria, vảy vằn vện xanh đỏ đã xen ngay vào giữa tầm nhìn...
Gian "sinh nhật" này to, nên đã kê rất nhiều bàn nhưng ở giữa vẫn chừa được ra một khoảng rất rộng, đủ cho một đám múa lân, — thực ra tôi không biết con kia là lân hay rồng, nhưng đám này tôi thấy vẫn được gọi là đám múa lân, nên tôi gọi là con lân, — với một con lân dài lê thê vừa vặn vẹo cái đầu vừa chạy, tức là bay, ngoằn ngoèo, tung tăng.
Tiếng trống hòa nhịp với tiếng chũm chọe, không to, nhưng rất nhộn nhịp; mọi người — cũng đông — vẫn đứng lộn xộn xung quanh xem múa lân cũng vui vẻ xôn xao, nên lúc cái đầu lân chợt xen vào, tôi lại thấy ngạc nhiên, làm sao Mai Phương nghe thấy chú Cao nói chuyện từ tít đằng kia, không hiểu tai nó kiểu gì? Bất giác tôi nhìn sang, thì thấy nó đang giơ tay, mặt mũi hớn hở; tôi vội ngoảnh ra, thì thấy cái đầu lân đã vặn vẹo ở ngay sát gần; sao nó biết cái đầu lân đang chạy qua đây?
— Cho nó ăn đi! — Nó giúi vào tay tôi một bao lì xì màu đỏ, hình như to hơn bao ngày Tết, ở ngoài vẽ một thằng quan béo tròn, để bộ râu ba chòm đen láy, đủ cả mũ áo cân đai, đang cười híp mắt; hớn hở giục tôi.
"Cho ăn"?.. Tôi vội nhoài người, thò tay đút bao lì xì — cũng không chắc lắm là làm thế có thật đúng cách hay không — vào khoảng trống rộng hoác: cái mồm con lân. Có một bàn tay chạm khẽ vào tay tôi, lấy bao lì xì. Cái đầu lân mừng rỡ rung rung mạnh, lắc lư nhanh hẳn lên, bốc lên cao một chút, nhún xuống, cà lại gần, rồi vằng nhẹ một cái, quay trở lại vòng chạy tung tăng cũ.
Cái đuôi con lân — với những chiếc vảy to được vẽ màu sặc sỡ y như những đốm lông đuôi của một con công — vừa ngoằn ngoèo vút qua, thì trong tầm nhìn của tôi có cái gì đấy làm cho tôi có một cảm giác hơi vướng víu. Thực ra cảm giác này có trước, hay cái đuôi chạy qua — tức là khung cảnh mới này hiện ra — trước, tôi không phân biệt được chính xác.
Có những người khách mới vừa bước vào.
Đi trước là ba người, có những người khác theo sau, cả thảy chừng chục người. Những người này ăn mặc giống với những người đang ngồi ở bàn "thượng tọa": com-lê sẫm, cà vạt nhã, người bên trái trong ba người còn đủ cả gi-lê, — toàn đồ "người lớn".
Nhưng vì sao đó, tôi không thấy họ giống những người đang ngồi quanh chiếc bàn kia. Nhất thời tôi cũng không biết vì sao, nhưng cảm giác này rất rõ ràng. Bất giác, tôi ngoảnh lại.
Bác Bang đứng bên cạnh, đang cúi xuống ghé vào tai chú Cao nói gì đấy. Chú Cao ngẩng lên nhìn, rồi vừa cười vừa quay ra nói gì đó với những người đang ngồi cùng bàn, rồi chú đứng lên, đi cùng với bác Bang. Hai người ra đến nơi thì anh Ngạn đã đang đứng ở đấy nói chuyện với những vị khách vừa tới.
Tôi thấy chú Cao đi đâu cũng đi với bác Bang và anh Ngạn. Anh Ngạn là lái xe, nhưng có lần đi cùng, đến gặp đối tác ở một công ty khác, tôi thấy anh cũng vào ngồi cùng, chứ không ngồi chờ ở ngoài xe.
Chú Cao ra đến nơi thì tôi thấy chú, bác Bang, và những người khách chào hỏi, cười thành tiếng, còn vỗ vai nhau rất là thân mật, rồi bác Bang và anh Ngạn dẫn họ qua gian bên cạnh, chú Cao đứng lại, nhìn theo, xòe hai tay, nhún vai, cười "nhăn nhó", rồi quay trở lại bàn "thượng tọa".
Gian bên cạnh là một sòng bạc.
Mấy hôm trước thấy Mai Phương với bác Bang ngồi rôm rả nói chuyện dành riêng một phòng ở đây để làm "sòng bạc", tôi đã hơi ngạc nhiên, nhưng lộ ra mặt, nên bác Bang vỗ vai tôi:
— Hội, thì phải có bạc chớ?! — Rồi bác bảo Mai Phương. — Phương tết này giữ anh nó ở lại ăn Tết, xem từ con nít đến bà già đánh bạc suốt trong nhà ra tới vỉa hè cho biết.
Nhưng vừa thấy mặt tôi có nét hưởng ứng, bác lại lắc đầu ngay:
— Dà, không có ba thứ... tốn công đó, không mậu binh, tá lả, chỉ Tiến lên Nam là cùng!
— Bàu cua cá cọp! — Mai Phương cười tươi rói, xuýt xoa.
Là nó kể với bác Bang chuyện ngày xưa tôi cũng là một tay bài "cự phách". Nó kể, tất nhiên cũng theo cách ít nhiều khoa trương hứng khởi của nó, nhưng cũng không sai, — chuyện bài bạc sinh viên của tôi với Xéc-giô "một thời", hình dung của nó đúng là cũng không đầy đủ được. Theo ý kiến khách quan của Xéc-giô (nhớ mày quá mày ạ!), thì y cũng thích Tiến lên Bắc — tiến lên đồng chất đồng hoa — hơn Tiến lên Nam...
— Gì đấy? — Mai Phương lại đang khẽ giật tay áo tôi, nhắc.
Bây giờ ngồi kiểu "tâm truyền" này, tôi mải nghĩ gì, hay mải nhìn gì xung quanh, là nó nhận ra ngay; nó sẽ chờ một tí, — một khoảng thời gian mà nó tự tính theo ý nó là vừa đủ, còn nó tính theo kiểu "tâm truyền" như thế nào, tôi cũng không biết, nhưng tôi thấy hình như cũng hợp lý, — rồi sẽ giật nhẹ tay tôi để nhắc.
Tôi bảo nó:
— Có mấy vị chú bác com-lê cà vạt vừa mới đến, nhưng không tới bàn thượng tọa, đứng chào hỏi ngay ở cửa, rồi vội vàng vào "sòng bạc" ngay, hình như còn muốn rủ ba em vào cùng.
— Hì, bàu cua cá cọp! — Nó lại cười tươi rói.
Tôi chợt nhớ ra, hỏi nó luôn:
— Này, sao lại "bàu cua cá cọp"?
— Thì... gọi thế chứ sao?
— Anh thấy có bàu, cua, cá, tôm, gà, hươu, làm gì có cọp?
— À... — nhìn kiểu nhăn mũi của nó, tôi đoán nó biết câu trả lời, nhưng chắc cũng không tự tin lắm về đáp án, — "cọp" là đọc chệch của từ "cọc". "Cọc" là từ Việt cổ, ở đây cùng nghĩa với "cộc", "nọc"... kiểu đấy, chỉ những thứ cứng, nhọn, những con đực... — nó cười, cắn cắn môi, rồi nói nhanh, — tóm lại, là chỉ con hươu!
Nó nói thế, rồi vội vàng nhổm dậy, kéo tay tôi:
— Đi, đi qua đấy đi!
Bên trong "sòng bạc" hóa ra đầy người. Tôi dắt... Mai Phương dắt tôi thì đúng hơn, đến cửa, thì từ bên trong, lẫn trong tiếng cười, nói, hét, gọi, reo... ồn ĩ láo nháo, nghe rõ ra một giọng lanh lảnh:
— Nè, đặt xong lấy tay... đặt xong lấy tay nghe! Đặt vô, đặt vô!..
Mọi người láo nháo đứng xúm quanh những chiếc bàn hình chữ nhật hơi dài, loại bàn gấp có chân làm bằng sắt ống bắt chéo nhau; trong phòng chủ yếu là bàn, ít ghế; mùi thuốc lá khét khét không quen mũi tôi; phía bên trong cũng có những bàn ngồi...
— Cua cá nghe con, cua cá, cua cá-á-á!.. — Tôi đang ngó nghiêng, lại nghe thấy giọng nói vừa rồi lảnh lót. — Chà, cá tôm!..
Mai Phương giật giật tay tôi:
— Đi qua đấy! — Nó chỉ về hướng "cua cá nghe con" kia, tôi thấy nó phì cười, có vẻ rất thích thú.
Người nhiều, lại không ai đứng yên cả, nên tôi với nó phải đi hơi dích dắc một chút mới len đến được gần một chiếc bàn cao phải gần đến ngực những người đang đứng xung quanh.
Chiếc bàn vẫn đúng một loại với những chiếc khác xung quanh, bàn loại này cao chưa đến hông tôi, nhưng căn bản những người đang xúm quanh nó toàn là người thấp.
Trên mặt bàn là một tờ "bàu cua cá cọp" rộng, in hai màu đỏ và vàng trên nền giấy trắng; có sáu ô vuông viền hoa văn màu vàng chia đều thành hai hàng trên mặt giấy, theo chiều xuôi, tức là chiều "đứng" của họa tiết, từ trái sang phải, thì hàng trên lần lượt là hình hươu, bàu (bàu rượu làm bằng vỏ quả bàu), và gà, hàng dưới là cá, cua, và tôm. Đứng ở giữa quay mặt vào ngay bàu rượu là...
— Nè, đặt xong lấy tay nghe!..
Một thằng bé tóc ngắn, nhưng không phải mới cắt, nên tuy lởm chởm nhưng có nét mượt, mặt tròn xoe, tức là người hơi béo, nhưng trông cứng cáp, mặc một cái áo sơ mi cộc tay màu nhàn nhạt, hơi hồng hồng, cổ áo mới cứng, phanh ra, để hở phần ngực trẻ con đầy đầy, hình như áo bỏ ngoài quần, hai bàn tay với những ngón tay trẻ con hơi mũm bụm lại, giữ ba hòn súc sắc to. Nó đưa mắt nhìn mặt bàn, vừa nhìn vừa thành thạo hất những hòn súc sắc từ tay nọ qua tay kia mấy cái, rồi lại bụm hai bàn tay, xóc xóc, tròn mắt nhìn các bạn nó xung quanh, lại cất giọng lanh lảnh:
— Máu thì máu ha. Ba trái bàu cho ta, ba trái bàu cho ta! Ba-a-a trá-á-á-i b...
Tự nhiên nó dừng ngay lại, mồm và tay gần như cứ để nguyên dở chừng như đang như thế, mắt nó sáng lên, nhìn cố định vào ngay bên cạnh tôi.
— Đại tỷ! — Giọng nó mừng rỡ, nhưng tôi thấy mặt nó có vẻ ngượng ngượng, hình như còn thoáng đỏ lên.
Tôi ngoảnh sang, Mai Phương đang cười cười, nghiêng nghiêng đầu, lắc lắc...
Hai tay thằng bé lúng túng, nhưng rất nhanh, nó quay lại, bảo một đứa khác:
— Thằng Tư, kiếm bát dĩa mau!
Thằng Tư — gày gò, tóc cợp gáy, mặc áo phông trắng vằn đỏ cổ bẻ — nhanh nhẹn lách ra. "Ba trái bàu cho ta" giơ một ngón tay trỏ nói với bọn quanh bàn, như ra lệnh:
— Đâu, để nguyên đó!
Rồi nó lại nhìn Mai Phương, nhìn tay Mai Phương đang níu cánh tay tôi, đánh mắt sang tôi, rồi lại nhìn Mai Phương ngay, hỏi rành rọt:
— Đại tỷ, vị huynh đài này là..?
Thằng bé này, cái vẻ nhanh nhẹn, hăm hở, nhưng có dấu lặng, và ánh mắt "băng thông rộng" của nó, làm tôi thấy có chỗ, nhưng không xác định được là chỗ nào, ở trong người tôi, bị chạm đến và gây cảm giác, làm tôi nhớ đến một đứa khác; Mai Phương còn chưa nói gì, tôi đã vội chắp hai tay thành quyền:
— Không dám, tại hạ tục danh Phi Long, chẳng hay các hạ là..?
Tôi bắt như vậy mà đúng mạch ngay; mắt thằng bé sáng lên, nó cũng vội cung tay:
— Thì ra là Long huynh. Tiểu đệ Nhất Phi. Là cùng chữ "phi". Hạnh hội!
Tôi đọc Kim Dung cũng vào loại công phu, từ vựng dòng này tôi thuộc không ít, nhưng dùng, thì tất nhiên không quen; lúc ấy tôi muốn nói một từ gì đó, làm chức năng đáp lễ, nhưng nhất thời tìm không ra, lại rất không muốn lạc điệu, sợ làm thằng bé cụt hứng, nên tôi "bỏ trống" và đưa đẩy luôn sang chuyện khác:
— Nhất huynh đệ bôn tẩu, chẳng hay ngoại hiệu thế nào?
— Ngoại hiệu..?
— Vậy... — Chắc nó chưa có ngoại hiệu, tôi thò tay cầm một hột súc sắc (hột súc sắc "bàu cua cá" này không to bằng quân mạt chược, nhưng so với súc sắc "một nút — sáu nút" thì to hẳn hơn, cầm rất thích tay), ngửa lòng bàn tay, ướm ướm, làm ra vẻ nghĩ ngợi. — Chẳng hạn, súc sắc này có sáu mặt, có thể lấy ngoại hiệu là Lục Diện Ưu... — Tôi nhìn lướt qua, bọn trẻ con đều nhìn tôi rất chăm chú. — Mà, huynh đệ đứng chữ "Nhất", tốt nhất lấy ngoại hiệu chữ "Nhất", chẳng hạn, Nhất Tài Phú, Nhất Cục Bát Phương, hoặc là Nhất Đổ Thiên Sầu...
Thằng bé lắng tai nghe tôi nói, đến "Nhất Đổ Thiên Sầu", nó vội giơ phắt bàn tay trái, ngón tay trỏ chĩa lên:
— Nhất Đổ Thiên Sầu... Nhất Đổ Thiên Sầu, đa tạ lão huynh!
Mai Phương chợt quay về phía tôi, làm điệu bộ cung tay, vẻ mặt rất trịnh trọng, nhưng trong giọng nói thì có tiếng cười:
— "Thì ra là Long huynh, tiểu đệ Nhất Đổ Thiên Sầu Nhất Phi". — Nó nắm bàn tay phải thâm thấp trên mặt bàn, vểnh ngón cái lên, gật gật với "tiểu đệ". — Quả nhiên rất hay!
Nhất Đổ Thiên Sầu phấn khởi cung tay, nhịp nhịp, hình như định nói gì, thì ngay trước mặt nó lúc ấy đã hiện ra một cái bát tô, úp lên trên một cái đĩa, — thằng Tư áo phông trắng vằn đỏ đã trở lại.
Tôi thấy trong tay Mai Phương đã có một tập tiền một nghìn mới cứng cạo râu, — chắc nó đã nghe thấy tiếng bát đĩa đặt xuống bàn; nó đưa tiền cho tôi, ghé tai:
— Trừ bàu ra, anh đặt tùy ý.
Tôi chưa kịp nghĩ gì, tự nhiên đã thấy tay mình đặt hai tờ một nghìn vào ô phía trên, bên trái: "cọp" — hươu; chắc là tại câu chuyện "cọp — cọc — hươu" ban nãy.
Tiền đã đặt xong từ lúc "máu thì máu ha", nhưng Nhất Đổ Thiên Sầu — bằng một động tác thành thạo, rất nhanh, hé nghiêng miệng bát tô, ném ba hòn súc sắc vào, cầm bát đĩa lên vừa xóc xóc liên tục vừa đưa lên đưa xuống, về phía này phía kia như mời chào, bất ngờ đặt phắt xuống, rất nhẹ nhàng — vẫn hét theo thói quen:
— Đặt xong lấy tay nghe!
Nó cũng bỏ tay khỏi bát, hai bàn tay úp xuống, nhịp nhịp trước mặt như để trấn an; bọn xung quanh hét:
— Khui!
— Khui!
— Khui!
Nó xòe hai ngón tay cái và hai ngón tay giữa, khuôn lấy miệng cái bát úp, lại hét:
— Ba trái bàu cho ta! Ba-a-a trá-á-ái bà-à-àu!
Cùng với tiếng "bà-à-àu", hai tay nó khéo léo nhấc cái bát lên, đúng lúc ấy có một bàn tay, cổ tay đeo chiếc vòng đá xinh xinh màu trắng đục, chỉ thẳng vào lòng đĩa, tiếng một đứa con gái hét:
— Tôm!
Lòng đĩa lộ ra, Nhất Đổ Thiên Sầu bằng một động tác rất nâng niu, nhưng vẫn nhanh thoăn thoắt, nhẹ nhàng đặt cái bát tô sang bên cạnh, nhìn xuống, hét:
— Hai con cua! Một con nai!
Tôi thắng được hai nghìn, mừng quá, khoe với Mai Phương:
— Anh đặt vào "cọc", được hai nghìn.
Có tiếng con "Tôm" than vãn:
— Phá sản rồi!
Mai Phương cười, bảo tôi:
— Cờ bạc đãi tay mới!
Nhưng tôi thua tiếp bốn ván liền. Đến ván thứ sáu, tôi cầm ba nghìn đang định tùy tay đặt tiếp, thì Mai Phương níu tôi, nói nhỏ:
— Từ từ đã.
Nét mặt nó chăm chú, rồi nó bảo:
— Năm nghìn gà, hai nghìn cá
Tôi được ba nghìn: được gà, mất cá.
Lần sau tôi được năm nghìn cua.
Rồi được tiếp hai nghìn: năm cá, trừ ba cua.
Thêm mấy lần như vậy, rồi không thấy bị trừ nữa. Và tôi thấy bọn trẻ con bắt đầu đặt theo tôi. Cứ như vậy một lúc, thì Nhất Đổ Thiên Sầu đã thua tương đối.
Tôi chợt nhận thấy là bọn trẻ con bây giờ đặt tiền, nhận tiền đều có vẻ giống như đang làm thủ tục, — thực tâm, có vẻ chúng không còn để ý đến chuyện được thua nữa, chủ yếu chúng muốn "xem" tôi, tức là Mai Phương, chơi.
Còn Nhất Đổ Thiên Sầu tình trạng thật không khác gì cái máy rút tiền.
Nó vẫn tỉnh bơ, nhưng tôi bắt đầu thấy ái ngại cho nó, đúng lúc ấy Mai Phương lại níu tay tôi, nói khẽ, nhưng như reo lên:
— Bàu, đặt tất.
Tôi nhìn xếp tiền dày cộm trong tay, — đến một cọc rưỡi nhà băng, — ngần ngừ:
— Đặt... tất à?
— Đặt tất! Đặt đi!
Tôi nhìn Nhất Đổ Thiên Sầu bằng cái nhìn của một người có lỗi, rồi miễn cưỡng xếp cọc tiền ngay ngắn vào mép bàu rượu có thắt dây nơ đỏ chỗ ngấn giữa quả bàu.
Nhoáng cái, bàu rượu đã biến mất, — bọn trẻ con cũng ào ào chất tiền lên đấy, phè cả ra xung quanh, có đứa xếp sau còn giao hẹn: "Đặt bàu đấy!", — hình như bọn nó đều "dốc túi" ra đánh cả.
— Khui!
— Khui!
— Khui!
Bọn trẻ thúc giục, đứa chắp hai bàn tay trước ngực, đứa thì vung tay lên như đang hô khẩu hiệu, bộ dạng tất cả đều rất hưng phấn.
Nhất Đổ Thiên Sầu lại bụm hai tay quanh mép cái bát tô. Nó nhắm tịt cả hai mắt lại, nhưng động tác mở bát thì vẫn thuần thục như cũ, nhưng nó không đặt bát xuống ngay, mà cứ cầm cái bát úp lửng lơ như thế, chỉ nghiêng đầu tránh cái bát, rồi hé mắt nhìn xuống lòng đĩa.
Lúc đấy bọn trẻ mới reo ầm lên, có đứa nhảy tưng tưng. Không hiểu sao chúng đã không reo lên ngay, — rõ ràng chúng đều nhìn thấy lòng đĩa trước khi Nhất Đổ Thiên Sầu mở mắt ra.
Đúng là "Ba-a-a trá-á-ái bà-à-àu" thật, nhưng tình cảnh này thì... không phải "cho ta".
Tôi chưa kịp thấy phản ứng tiếp theo của Nhất Đổ Thiên Sầu — mà tôi đang chờ một cách rất ái ngại nhưng vẫn tò mò — thì Mai Phương đã đưa bàn tay đặt lên đúng đống tiền ở chỗ bàu rượu; tôi thấy bọn trẻ đã im lặng ngay; miệng Mai Phương cười tươi rói, tay kia, tôi đã lại thấy nó cầm một tập phải hơn chục cái bao lì xì "thằng quan"; tôi vẫn không hiểu nó găm tiền với bao lì xì ở đâu, — nó mặc áo dài.
Nó nhoài người, thế là cả hai tay nó đặt lên trên cả đống tiền và tập bao lì xì, nó khẽ nhấn nhấn hai bàn tay, rồi đứng thẳng lại, mặt nó như chưa hề tươi rói, nó cung tay, trịnh trọng:
— Cảm phiền Giáo Chủ!
Tôi vừa nhíu mày, thì đã thấy Nhất Đổ Thiên Sầu cũng cung tay, nhịp một cái về phía Mai Phương, rồi, vẫn để nguyên tay như thế, — nên trông thái độ có phần lạnh lùng, — nó quay sang bên cạnh:
— Đại tỷ hậu ân, Tư Tả Sứ, đem chia đều cho giáo chúng!
Tư Tả Sứ — áo phông trắng vằn đỏ — cũng vội vàng cung tay:
— Giáo Chủ anh minh!
Bọn trẻ, cũng không hiểu có phải cố nhịn hay không, — trông chúng trang nghiêm thật sự, — bây giờ mới lại nhảy nhót reo ầm lên tiếp. Tư Tả Sứ cười toe toét, nhoài người ôm đống tiền và bao lì xì, rồi vừa chen về phía đầu bàn, vừa gom tiền trên mặt bàn về phía ấy, — chỗ đấy có khoảng trống rộng hơn.
Nó bắt đầu mở các bao lì xì để móc tiền ra, thì Mai Phương ghé tai tôi:
— Mình đi đi!
Lúc ấy trong đầu tôi tự nhiên đã xuất hiện ngay được một câu rất hợp ngữ cảnh bằng hữu chào nhau lúc chia tay, thích quá, tôi vừa định cung tay thì Nhất Đổ Thiên Sầu đã nhanh hơn tôi, — tay nó vẫn đang để như thế.
— Long huynh, tiểu đệ vãn sinh hậu học, bây giờ mạo muội bày ra một đổ cuộc, mong được thỉnh giáo Long huynh.
Câu thì không phải câu hỏi, nhưng mắt nó nhìn xeo xéo, ngước lên, là đang hỏi tôi. Cạnh tôi, Mai Phương đã đứng im, có vẻ chăm chú. Cái câu tôi vừa nghĩ ra hay thế, mà lại không được dùng, còn thế này... thật tình tôi bí, không tìm được ra cả từ, lẫn cách xếp từ thành câu để đối đáp cho trôi "dòng" này; rất may là ngay lúc đầu óc tôi đang lộn xộn không xử lý kịp, thì có một câu rất đa dụng chợt lóe lên, mừng quá, nên gần như nó bay thẳng ra miệng tôi luôn:
— Chúng tôi rất được hân hạnh!
Chính là khẩu quyết để đời của Xuân tiền bối... Xuân Tóc Đỏ.
Tôi còn đang thích chí về cái khẩu quyết đa di năng này, thì Nhất Đổ Thiên Sầu đã nhanh nhẹn quài tay móc từ túi quần sau ra một bộ bài còn đựng trong hộp, nhưng đã bóc ni-lông, — là bộ bài tú-lơ-khơ "Xe đạp" thông thường, có vẽ nhiều họa tiết rắc rối màu xanh công nhân đậm, nổi lên là hình thiên thần cởi truồng, bài trông còn mới, chắc là của Tàu. Bằng một động tác thuần thục, nó lấy bài ra khỏi hộp, tay trái nắm phía dưới tụ bài, xoay đằng mặt quân bài về phía tôi, tay phải nó chụp lên trên, xòe nhanh ra mấy cây, tức là mấy cây ở "sau" cùng:
— Long huynh nhìn thấy những quân bài nào?
Tôi chăm chú lắm, nhưng giữ bộ mặt hớn hở như đang được tham gia một trò vui mới; tương đối thận trọng, nhưng lại nói vẻ mừng rỡ:
— Lần lượt là Át Bích, Át Nhép, Át Cơ...
— Vậy được!
Nó cụp phắt bộ bài lại, nhưng chia bài lại rất thong thả: ba cây bài nằm sấp cạnh nhau, thành một hàng ngang; nó thong thả điểm ngón tay trỏ từ trái sang phải:
— Át Bích, Át Chuồn, Át Cơ. Bây giờ Long huynh phải chú ý. — Nó nhìn tôi. — Tiểu đệ bắt đầu đây.
Dứt lời, hai bàn tay nó thoăn thoắt di chuyển ba quân bài ở trên mặt bàn.
Sau một loạt những hoán vị phải công nhận là cũng hết sức "ma" trận, ba quân bài lại trở về nằm thành một hàng ngang, giống như cũ.
Nó chìa bàn tay:
— Cây bài đỏ, Long huynh, mời!
Cách chơi các môn bài bạc của tôi trước giờ đều là dựa vào các cách tính toán và khả năng ghi nhớ. Về phương diện này, Xéc-giô có phần không được kỹ lưỡng và chi tiết bằng tôi, nhưng hồi trước nó lại nổi tiếng hơn tôi nhiều.
Vì nó biết nhiều kỹ năng.
Hồi đấy tôi ham chơi bài chủ yếu cũng vì tôi thấy trò này tốt cho việc luyện cách tính toán và ghi nhớ, cho nên mặc dầu mọi cố gắng thuyết phục của Xéc-giô, tôi vẫn chẳng hứng thú gì lắm với những ngón nghề của nó, một phần có lẽ còn là do cái đấy ít nhiều gây cho tôi một cảm giác "bàng môn tả đạo".
Nếu đánh cẩn thận, tử tế, thì tôi hay được nó. Nhưng đánh tử tế thì thứ nhất là phải đánh "thông tầm", mà "tầm" ở đây là phải có "đêm", tức là kiểu gì cũng phải bỏ học tương đối; thứ hai là đấy không phải lối chơi "đại chúng". Bỏ học thì có thể không phải chuyện lớn lắm đối với đại chúng, nhưng sinh viên chơi thì vốn ham ào ào "tả bổ xiểng". Cho nên trong đám bài bạc sinh viên, Xéc-giô nổi như cồn. Tất nhiên là nó thắng "tả bổ xiểng" nhiều, nhưng ngoài ra có một chuyện cũng phải kể đến, là những trò kỹ năng, tiểu xảo nói chung luôn gây được nhiều hấp dẫn với mọi người — cả người trực tiếp học và làm, lẫn người xem — hơn so với những lối nghĩ ngợi mất công.
Ba cây bài thì không thật khó nhớ. Nhưng Nhất Đổ Thiên Sầu, dù là có nhiều động tác thành thạo, nhưng vẫn còn bé; người còn bé thì nội tâm và ngoại diện nhất quán hơn, cho nên ván này không khó "ngửi" thấy ngay là nồng nặc mùi tiểu xảo!
Mà môn tiểu xảo thì tôi dốt!
Nên tôi vừa nao lòng nhớ đến cái vẻ thật thà ăn tiền các bạn của Xéc-giô, vừa cấp tập suy tính một phương án tối ưu — hồi trước "tả bổ xiểng", đấy là cách hầu như duy nhất tôi biết dùng để cố đối phó với Xéc-giô, và thua nhiều hơn thắng — để tìm con Át Cơ.
Khi không thể tìm được cách giải đúng mà vẫn phải cho ra kết quả, thì tôi dùng một cách giải sai nhưng tự mình có thể hình dung rõ ràng nhất.
Tôi vừa chốt lại cách "sáng sủa" ấy, thì Mai Phương bảo tôi:
— Em đã bảo rồi, đến đây thể nào sẽ phải chơi một trò ú òa dưới áp lực cao mà! — Giọng nó vui vẻ, nó dành cho Giáo Chủ một nụ cười đồng tình.
Tôi thấy cánh mũi hồng hồng của Giáo Chủ động đậy, — chiến thắng trong tầm tay, còn được đại tỷ thưởng thức, chắc là muốn cười vang lắm rồi! Nhưng mà...
"Em đã bảo rồi"... — Nó chưa hề bảo tôi thế!
Tức là phải giải mã tiếp: "trò ú òa", "dưới áp lực cao"... chủ thể, màu đỏ, màu đen...
Tôi cười nhăn nhó (để Giáo Chủ khỏi giục ngay), trong đầu vội vã xào đi xào lại những từ khóa đang chạy nháo nhào...
Chẳng có gì chạy vào đâu cả! Chắc lại phải...
Tôi đã gần như quay trở lại phương án của mình, thì... cơ khổ, căn bản tôi dốt tiếng Anh.
"Uhh Ahh", "Under Pressure" — ú òa, dưới áp lực!
Là cùng một an-bom, và ban nhạc ấy... cả bốn chú đều đen!
Tôi bèn đứng bò ra, chân thẳng chân chùng, hai cùi tay tì lên cạnh bàn, thành ra: ba cây bài ("ba chú" đều đen) úp ở giữa, Nhất Đổ Thiên Sầu với tôi thập thò hai bên, trông rất là "tâm tình"; tôi nhòm nhòm nó, nhe răng cười; trông nó đầy thắc mắc, nhưng nó cố giữ mặt nghiêm.
Tôi làm bấy nhiêu động tác, một là để có thể "nhìn gần" thằng bé một cách tự nhiên, hai là để câu giờ; giờ, thì thắng thua hoàn toàn là tùy ý tôi, nhưng nếu thắng không khéo, có thể tôi sẽ làm thằng bé bị mất mặt với lũ bạn nó, — thế thì tôi thua còn hơn, cho nên tôi phải cố nghĩ cho chu đáo.
Tôi bảo:
— Cây này... — Cây lẽ ra phải là Át Cơ đang nằm ở bên trái, theo phương án tôi giả thiết về cách tráo bài của thằng bé, thì cây này sẽ phải là Át Nhép; tôi gõ gõ ngón giữa tay phải lên đấy, mắt để nguyên, nhưng đảo con ngươi xuống, lắc lắc đầu, thở dài. — Không phải quân đỏ!
Câu cuối tôi nói nhanh, cùng lúc, tôi lật cây bài.
Đúng là cây Át Nhép.
Thằng bé nhìn tôi, liếm môi.
— Cây này... — Tôi lại gõ gõ ngón tay lên cây bài lẽ ra phải là Át Bích, và nhìn nhanh, nhìn thoáng một cái thôi, như không chủ ý quan sát, vào mắt thằng bé. Hệ thống thần kinh thực vật của nó làm việc đúng như tôi đã đoán.
Tôi lại nói nhanh:
— Cây này cũng không phải quân đỏ!
Cùng lúc, tôi lật nhanh quân bài... úp ở bên cạnh, — không phải cây tôi đang gõ ngón tay lên.
Là cây Át Bích.
Môi Nhất Đổ Thiên Sầu đã tách hẳn nhau ra, rồi để nguyên; tôi đứng thẳng lên:
— Át Cơ đây! — Tôi chỉ cây bài vẫn còn úp, rồi cung tay, tiếp luôn. — Đổ thuật cao minh, ngu huynh bất quá chỉ là may...
"Rầm"... đúng lúc ấy, tôi nghe thấy một tiếng "rầm" rất to ở sau lưng, rồi tiếng nhốn nháo, có cả tiếng thất thanh, — đã có cái gì đấy đổ gãy rất mạnh.
Ở tôi đã hình thành thói quen đặt mình vào vị trí của Mai Phương; lúc như thế này chẳng hạn, tự động, rất nhanh, tôi hình dung ngay đến chuyện mình không thể nhìn thấy gì, và đang nghe thấy những âm thanh đầy "biến cố" xung quanh; nếu là tôi, tôi hình dung là mình sẽ rất giật mình, và sẽ hoảng hốt lo lắng lắm. Cho nên xảy ra như vậy, thay vì giật mình ngoái cổ lại một cách tự nhiên theo phản xạ, thì tôi nhìn Mai Phương trước, — khó có thể nói chuyện này đã được luyện tập, vì tôi với nó đâu phải tâm điểm của các biến cố, nhưng nếu nói chuyện này đã được "tự nhủ" rất nhiều thì không sai.
Nhưng vẻ mặt nó không hề có biểu hiện hốt hoảng hay lo lắng, mà có vẻ rất cáu giận; tôi thấy nó nhíu mày, quai hàm động đậy, viền bờ môi trên — hai khóe miệng và cái gờ viền lấy bờ môi trên của nó luôn gây cho tôi cảm giác chúng tồn tại độc lập với phần còn lại của cả bờ môi ấy, với cả cái miệng, với cả khuôn mặt, và chúng có một khả năng biểu cảm sinh động rất riêng — hơi nhướng lên.
Nhất thời tôi không mường tượng được gì về cơn giận của nó, nhưng yên tâm là nó không bị hốt hoảng, tôi ngoảnh lại phía sau.
Đúng là có một chiếc bàn bị đổ, nhưng thế này là phải đổ văng ra, đến nỗi mặt bàn bị giật bung, chỉ còn dính lắt lẻo một chốt vào bộ chân bằng sắt ống không còn bị mặt bàn giữ nên đã tự động xếp lại; tiền giấy tung tóe; ở chỗ lẽ ra cái bàn phải đứng, bây giờ đang có hai người.
Một người béo bệu, đầu cua, mặc com-lê sẫm màu không cài cúc, sơ mi trắng không cà vạt, đang nằm ngửa sóng sượt, kêu lên ẹ ẹ những gì lộn xộn nghe không rõ.
Người thứ hai, tôi nhận ra là người bên trái trong ba người dẫn đầu nhóm khách ban nãy, đang tì một đầu gối lên bụng người đang nằm, một tay bóp cổ, một tay đang ra sức nhét một nắm súc sắc vào mồm đối phương...
Một cảm giác rất không thoải mái xộc lên, đầu tôi đã chẳng nghĩ gì cả, tôi chỉ vội đưa tay Mai Phương cho Nhất Phi, bảo nó: "Coi chừng đại tỷ!", rồi tôi bước nhanh đến chỗ hai người kia, tôi cũng chưa kịp nghĩ đến đấy mình sẽ làm gì, chỉ biết là...
Nhưng tôi không cần phải nghĩ.
Có người chặn tôi lại. Anh Ngạn — dáng người thanh, thoạt trông như một thư sinh, nhưng nhìn kỹ thì thấy chắc chắn và có sức, da hơi ngăm ngăm, mũi dọc dừa, mắt hai mí nhưng trông giống như một mí, tóc không dài, nhưng tóc mai không bị cạo cắt ngang, com-lê xanh thẫm màu đêm rừng rậm, sơ mi lụa trắng ngà, cà vạt màu nâu non vải bóng bàng bạc thắt rất không chặt — đã đứng giữa tôi và hai người kia, tay phải anh (phía tôi đứng) hơi dang ra, chặn nhẹ lên ngực tôi, mắt anh nhìn xuống, nhưng đưa một chút qua bên tôi, tôi nghe anh nói:
— Ngừng tay!
Nhưng chắc không phải nói với tôi. Người đang cầm nắm súc sắc ngẩng lên, rồi quẳng những con súc sắc xuống sàn, phủi phủi tay, đứng lên. Anh Ngạn cúi xuống đưa tay trái cầm tay kéo người đang nằm dậy, gạt y đứng qua một bên. Vẫn không nhìn ai, anh hỏi:
— Chuyện gì?
Người vừa cầm súc sắc xốc lại áo, hai mắt nhìn lành lạnh và một ngón tay trỏ thẳng băng đều hướng về phía người béo bệu:
— Thằng bệu này chơi bài không tiền, ném cái chìa khóa xe ra, bố láo!
Anh Ngạn còn chưa nói gì, tôi đã nghe thấy một giọng nói quen:
— Xin lỗi, xin lỗi nghe anh Dương!..
Là bác Bang đang vội vàng rẽ mọi người, lật đật bước tới; bác nhìn người béo bệu, nghiêm giọng hỏi:
— Có nợ tiền anh Dương không?!
Người kia phụng phịu:
— Không có.
Bác Bang vỗ nhẹ vào vai "anh Dương", lại nói:
— Xin lỗi, xin lỗi nghe anh Dương, có gì bỏ quá cho.
"Anh Dương" nhìn bác Bang, rồi lại chỉ mặt người béo:
— Chưa xong đâu, thằng bệu!
Bác Bang cười "nhăn nhó", gật gật đầu:
— Thôi được rồi, anh Dương, để hôm khác mới tính, hôm nay vui vẻ, mỗi người chơi thêm vài ván đi!
Có người vịn vào tay tôi, tôi quay lại, — Mai Phương và Nhất Phi đã đến cạnh tôi.
Mai Phương rất ít khi cáu giận, — mà theo cách nghĩ của tôi thì lẽ ra nó phải ngược lại, cho nên tôi lại càng thấy thêm yêu mến nó, thậm chí, khó phân biệt là chủ ý hay vô thức hay bao nhiêu phần này bao nhiêu phần kia, tôi biết là tôi đang học nó, — cho nên chuyện này, nếu có, thì không khó nhận ra. Nhìn nó, tôi biết nó đang bực bội khó chịu lắm. Tôi nắm bàn tay nó, nó lại bảo:
— Mình đi đi!
Nhưng ngữ điệu lần này khác hẳn lần trước.
Tôi bảo:
— Ừ.
Nhất Phi đang ở đây, nhưng cái câu "bằng hữu chào nhau lúc chia tay" tâm đắc của tôi thì không còn phù hợp nữa trong bối cảnh này, nên tôi đang nghĩ một cái gì tự nhiên thôi nhưng tôi lại muốn là đừng thông thường quá, để nói với nó, thì bỗng tôi nghe có người gọi:
— Phi Long, hây, Phi Long!
"Bãi chiến trường" mới rồi giờ đang tạo ra một khoảng trống tạm thời; ở "bờ" bên kia, có một người béo và trông bề thế, nhưng vóc hơi nhỏ, mặc một bộ com-lê nền nã màu hoa xa cúc nhàn nhạt, được may rất khéo trong trường hợp như vậy, đeo cặp kính trắng dày cộp, đang giơ tay ra hiệu cho tôi.
Một cảm giác khó xử đột nhiên choán lấy tôi, tôi bảo Mai Phương: "Chờ anh một tí", rồi vội bước nhanh qua "bờ" bên kia.
— Ôi, anh Quân! — Tôi nắm lấy bàn tay nhỏ nhưng đầy đặn đang chìa ra.
— Chú về hồi nào?
— Bảo vệ xong em về ngay, năm nay. Anh...
Tôi đang vừa nói vừa nghĩ câu để hỏi thì anh đã vỗ vai, ngắt lời tôi:
— Đưa anh cái cạc vi-dít, bây giờ nói ngắn làm sao hết chuyện?
Anh cười, tay đưa cho tôi cái cạc vi-dít màu xanh nhã, thẫm hơn một ít so với màu com-lê đang mặc, trên cạc in một cái lô-gô hình một con chim mỏ vàng rơm, lưng và cánh xanh lính thủy, bụng trắng, thân hình uốn vòng cách điệu thành một chữ "C" tròn xoe, và in những hàng chữ màu trắng nhờ nhờ, phông chữ không chân, hiện đại, — mắt anh nhìn qua "bờ" bên kia.
— Em chẳng có cạc... — Bình thường tôi vẫn không có cạc vi-dít, nhưng lúc này tự nhiên tôi thấy mình lúng túng.
— Em đọc anh số liên hệ. — Trong tay anh đã có một chiếc máy tính tay Casio màu xám, hình chữ nhật bầu bầu, có màn hình mở lên như quyển sổ nhỏ; chắc máy này nhiều chức năng, và có sổ địa chỉ.
Tôi đọc số điện thoại ở phòng máy tính, anh lấy một ngón tay thoăn thoắt chọc bàn phím Casio kêu bíp bíp... lại vỗ vai tôi, bảo: "Anh sẽ gọi sau!", bắt tay, nhìn qua "bờ" bên kia, rồi quay người bước nhanh về phía mấy bàn có người ngồi, ở bên trong, vừa đi vừa giơ tay vẫy ai đó.
Mấy chiếc đèn lồng đỏ treo ngang thành một hàng dưới khung cổng sắt vuông vắn sơn màu lục sẫm đã bật sáng. Trời chắc đã mưa, sân và mặt đường đều ráo hoảnh, và đêm lấp lánh hơn. Nhưng không có gió, còn không khí nóng và ngột ngạt. Nhà hàng này thuộc loại to, nên vỉa hè, đoạn ở trước cổng vào, bị cắt ngang và hạ thấp xuống bằng với mặt đường để tiện cho ô tô vào ra. Ngay góc vỉa hè bị cắt, phía bên trái cổng nếu đi ra, có một thân cây có vẻ thuộc loại vỏ nhẵn, trông lực lưỡng nhưng thanh mảnh, vì cao vút. Nhét bộ tú-lơ-khơ Nhất Đổ Thiên Sầu giúi vào tay tôi ban nãy vào túi ngực áo vét, tôi đang định dẫn Mai Phương vòng qua gốc cây đấy rồi đi tiếp theo vỉa hè phía ấy, thì nó níu tay tôi:
— Đi qua bên kia!
Bàn tay thon thả và tôi biết là mềm mại đang chỉ chênh chếch sang bên kia đường, về hướng ngược lại.
Sang đường, đến chỗ theo hướng tay chỉ, nó lại chỉ cho tôi dẫn nó rẽ vào một cái ngách nhỏ, rồi cứ thế đi theo một lối đi không ngoằn ngoèo lắm, nhưng bé tí, len giữa các ngôi nhà, có vẻ đều là nhà ở; vừa đi nó vừa hỏi tôi chỗ này có phải như thế này, chỗ kia có phải như thế kia không; tôi bảo nó:
— Này, nhỡ bây giờ nó cụt rồi thì sao?
Nó cười, níu chặt tay tôi hơn:
— Thì lại cảm phiền huynh đài đưa kẻ thân bất do kỷ này quay trở lại.
Tôi luôn có một cảm giác rất không thoải mái những lúc nó nói kiểu như thế; và, dù biết là tôi hiểu nó nhiều, tôi cũng không thể xác định được là những lúc như thế nó nói đùa hay thật như thế nào. Cũng may là nó rất ít khi nói theo cách như vậy.
Và may là lối đi không cụt, và chúng tôi bước ra một đường phố thẳng băng chạy ngang qua trước mặt. Nói chung đường phố thì đều thẳng, nhưng đường phố này trông "thẳng băng" hơn, chắc vì hai bên đường, dọc theo mép vỉa hè, trồng hai hàng cây cao vút, — giống với cây lúc nãy trước cửa nhà hàng, — những cây này có thân thẳng tắp và từ tít trên cao mới bắt đầu có lá, nên trông chúng như được kẻ bằng thước; và phố, ở trong "bản vẽ kỹ thuật" ấy, trông cũng như được kẻ bằng thước.
Phố này tôi đã nhận ra, chân tôi tự động rẽ trái, chợt nhớ ra, tôi hỏi:
— Này, những cây cao vút trồng ở phố này là cây gì?
— Gọi là cây... hì... — nó cười, phát âm uốn lưỡi rất cẩn thận, — cây dầu rái.
Thấy người tôi rung rung, — tôi cười, — nó bảo:
— Gọi cây dầu là được rồi.
Rồi tự nhiên nó thở dài. Tôi nhìn nó. Ngữ cảnh này tôi biết, và rất không thích, bảo là sợ cũng được. Nên một lát, tôi với nó chỉ đi và im lặng. Nhưng nó nép vào tôi nhiều hơn. Rồi nó nói:
— Cái người bị đánh ban nãy ở sòng bài là chú Bảo em.
Tôi gần như đã thở phào, — không phải loại chuyện mà tôi sợ.
— Ông nội để lại gia sản cho ba người con: ba em, chú Trí, và chú Bảo. — Nó tiếp. — Ba em là đại ca, nhưng ba chỉ là con nuôi của ông nội. Chú Trí trong ảnh trông đẹp trai như tài tử xi-nê, ông nội cho chú đi học bên Pháp, chú học giỏi hơn tất cả sinh viên cùng khóa ấy, ba em bảo, chú là một người phong nhã, lịch lãm, và rất cơ trí, sắc sảo. Nhưng ông nội mới mất được hơn một năm thì chú bị tai nạn xe hơi trên xa lộ Biên Hòa; xe chú đâm thẳng vào một chiếc xe tải nhà binh, họ bảo chú ngủ quên lúc đang lái xe. Lúc ấy em đang ở trong bụng mẹ.
Rồi nó lại thở dài:
— Còn chú Bảo thì không nên người. Chú là giọt máu của ông nội, nên ba em buồn lắm, nhưng ba cũng chẳng biết làm thế nào. Ba em chỉ hết sức dặn dò mọi người, từ mẹ em, em — nhất là em, — cho đến tất cả những người thân gần như bác Bang, anh Ngạn... là dù có thế nào thì cũng phải hết sức chiếu cố cho chú Bảo. Còn chú ấy... Anh cũng thấy rồi đấy.
Lại im lặng một lát, rồi nó hỏi, như chợt nhớ ra:
— À, mà về nước cũng được một thời gian rồi, sao anh vẫn chưa liên hệ với anh... với những người như anh Quân. — Giọng nó đã vui vẻ.
Tôi sang học năm thứ nhất thì anh Quân đang làm luận án tiến sĩ. Lúc Mai Phương cùng tôi và cùng với ý định còn tương đối mù mờ của tôi dành cho nó bay sang trường tôi, thì anh đã về nước. Nhưng anh Quân là một trong những người học giỏi nổi tiếng trong sinh viên ngoại quốc trường tôi; anh là một trong những thần tượng — lâu lâu mới có người nổi bật hẳn lên như thế — trong sinh viên Việt Nam du học ở bên ấy nói chung, và, tất nhiên, của sinh viên trường tôi nói riêng; cho nên Mai Phương đã được nghe chuyện về anh; ban nãy tôi bảo là anh Quân, thì nó nhớ ra ngay.
Nếu tôi viện một lý do, thể nào nó cũng nghĩ là tôi phải vì chuyện của nó nên không có thời gian cho những việc khác, cho nên, không muốn lắm, nhưng tôi thấy tốt nhất là cứ có thế nào thì nói thế, nhưng tôi cũng muốn nói cho đơn giản nhất:
— Anh Quân ngày xưa từng là thần tượng của anh. Nhưng về sau lại hết... lại không phải nữa. Nên gặp và nói chuyện, tự nhiên anh thấy... anh nghĩ là anh sẽ lúng túng.
Nó gật đầu, rồi nói ngay sang một chuyện khác:
— À, nhân thể, em quên chưa dặn, những lúc không ở công ty, có ở đâu khác, thì cứ để em với anh Ngạn lo.
Lúc ấy tôi với nó đã đi gần đến đầu phố, phố cắt ngang phía trước to và tấp nập xe pháo hẳn hơn phố này. Tôi cốc nhẹ đầu nó:
— Anh bao nhiêu tuổi rồi, Sài Gòn này có to bằng...
— Không, — nó ngắt lời tôi, — không bàn cãi, để em là để em, anh hứa đi!
— Ờ, anh hứa! — Tôi chả hiểu gì, nhưng vẫn hứa.
— Thế được. Phải dặn thế. Vì... ví dụ như phố này, — nó hơi ngoái lại, chỉ tay ra đằng sau, dọc theo con phố chúng tôi đang đi, — thì anh Ngạn bảo không ở được. Không được ở thì đúng hơn. Chuyện này A-nhi-a không dặn, nhưng em phải lo. Chà... gió thổi mát quá, qua đường thôi...
(Còn nữa)
Chú thích: Bản gốc truyện "Lập Trình Viên II", và truyện "Lập Trình Viên" (Phần I), được đăng ở http://philong58.blogspot.com
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top