2.
Kim Thái Hanh biết tính của Hưng thích chọc ghẹo, nhiều lần cũng bày ra mấy trò hết nói nổi nên chỉ đứng im ậm ừ hùa theo đôi ba câu:
- Ừ được rồi, chết thì kệ họ đi, mình đi về thôi.
Mãi mà không nghe thấy Thái Hưng nói gì, đáp trả lại chỉ toàn tiếng ú ớ. Thái Hanh lo lắng chạy đến, cậu cả người vẫn run cầm cập, tay chỉ về một điểm cố định trước mắt, Thái Hanh hướng ánh nhìn về phía xa xa thì đúng như những gì cậu cả nói, dường như có người chết đuối nằm cách sông độ 5 thước.
Khác với thái độ sợ hãi của Hưng, Hanh chỉ hoảng hốt một chút rồi lại thôi. Đời người sinh, lão, bệnh, tử là những điều không thể lường trước được, vậy có gì mà phải sợ.
Cậu cả vẫn đang trong cơn loạn nên run rẩy không đứng dậy được, chỉ có thể lê cả người về gần phía Hanh hơn và ôm lấy chân cậu thật chặt:
- Anh Hanh ơi, mình... mình đi thôi. Ở đây làm gì nữa.
Thái Hanh không đồng tình, cậu lắc đầu:
- Hưng ở đây đợi tôi một chút, tôi đến kia xem qua xem có phải người chỗ mình không còn về bảo với Thầy.
Cậu cả gật đầu lia lịa, ngồi bó góc một chỗ im thin thít. Hanh bước đi khá chậm rãi, càng đến gần thì càng chắc mẩn đứa trẻ này đã chết rồi, quần áo ướt nhẹp như vậy có lẽ là trôi từ nơi nào tới.
Dừng chân ngay cạnh đứa nhỏ độ tầm năm, sáu tuổi, Thái Hanh kính cẩn quỳ một gối xuống nền đất, cậu đưa bàn tay rụt rè chạm nhẹ vào da thịt, vừa tiếp xúc đôi đồng tử bỗng giãn nở thật to, cậu lẩm bẩm:
- Người này chưa chết, hơi ấm này rõ ràng là của người còn sống.
Lấy hết dũng khí trong người, Thái Hanh lật đứa trẻ lại. Cậu Hưng ở xa xa thấy vậy thì hét toáng lên:
- Anh Hanh làm gì thế?
Người xưa thường kiêng động chạm trực tiếp vào người chết, huống hồ gì là lật cả cái xác lại. Ngộ nhỡ người ta chết oan không nhắm mắt, lại nhìn trúng Hanh số tốt, mạng đẹp là coi như xong.
Thật may là đúng như những gì Hanh nghĩ, đứa bé còn thoi thóp từng hơi thở yếu ớt. Làn da trắng bệch và môi tím tái trông đến thương.
"Cứu một mạng người còn hơn xây bảy toà tháp", Hanh không nghĩ nhiều mà trực tiếp bế đứa bé lên, hướng về phía phủ mà chạy, lướt qua Hưng vẫn không quên dặn dò đôi ba câu:
- Cậu bỏ hết đồ đạc ở đây đi, chạy sang nhà thầy lang rồi gọi qua phủ mình, bảo là có người đuối nước cần phải cứu gấp.
Nghe đến đây, Hưng hiểu ngay vấn đề, cậu gật đầu lia lịa rồi cũng phóng đi luôn.
Cậu Hanh chạy đến nỗi bàn chân đã mỏi nhừ mới đến được chợ Xã, mọi người dáo dác nhìn cậu hai Kim gia bế một đứa trẻ bé hơn chạy thục mạng nhưng tuyệt nhiên không dám nói điều gì, chỉ xì xào bàn tán với nhau mà thôi. Hanh nghe thấy nhưng cậu chẳng quan tâm, cơ thể của người trong vòng tay cậu giờ đang lạnh dần và run lên bần bật khiến cậu lo lắng không thôi. Nếu còn không nhanh sẽ không kịp cứu người ta mất.
Vừa về đến phủ đã bắt gặp hai bà đi đi lại lại ngoài cổng vì sốt hết ruột gan, từng tiếng guốc cộp cộp cứ nện xuống nền đất như trút hết thảy sự tức giận vào. Thấy mỗi Hanh về lại vác theo cái của nợ chẳng biết ở đâu ra, bà cả cáu gắt đi tới tóm lấy hai vai cậu mà bóp thật mạnh dù cho cậu đang cố gắng để hít thở lại bình thường.
Bà cả rít lên:
- Thằng Hưng đâu, sao mày lại về có một mình, còn cái đứa khố rách áo ôm nào đây nữa?
- Dì.. từ từ... con... - Hanh nói không thành tiếng – cứu người đã... dì Liên ơi.
Bà hai lo lắng chạy đến đón đứa bé từ tay Hanh, nhìn thái độ sốt sắng của bà cả thì khuyên giải:
- Chị cả bình tĩnh đã, cậu Hưng phải an toàn thì Hanh mới trở về như này chứ, chắc cậu ấy đang ở đằng sau thôi.
- Vâng – Bà cả buông đôi tay đang siết lấy vai Thái Hanh ra rồi lườm nguýt bà hai – Con em ở đây rồi thì em nói gì chẳng được. Đổi lại là con chị đứng đây xem em còn thư thả như vậy được không.
Bà hai không để những lời chọc ngoáy đó vào tai, vội đưa đứa bé cho cái Hồng:
- Con bế nó vào phòng người ở đi, bảo thằng Tý chạy đi gọi thầy lang gấp.
Lúc này Thái Hanh mới lấy lại được phần nào sức lực, cậu bảo:
- Không cần gọi đâu, cậu cả đã đi rồi.
Biết con trai mình không sao, bà cả bĩu môi, đỏng đảnh đánh mông đi vào nhà, vừa đi bà vừa lẩm bẩm:
- Bày đặt nhân với chả nghĩa, một đứa ất ơ để cho chết quách đi cho đỡ chật đất, rồi cứu được nó sau này ai nuôi? Định biến cái phủ này thành chỗ ở của bọn dân đen à.
Lũ gia đinh nghe mà nóng máu nhưng chúng nào có dám hé răng nửa lời, ông Xã cho chúng nó ăn, cho chúng nó mặc, còn cho tiền chúng nó thì có nghĩa là chúng nó phải biết thân biết phận là tôi tớ trong nhà, sống đã là người của Kim gia, chết cũng phải là ma của Kim gia.
Phận nữ nhi đã khổ, cái số ở đợ còn khổ hơn gấp vạn lần. Được coi như trâu như chó đã tốt, có nhà chỉ coi bọn nó như tù nhân bị đày đi đảo, làm quần quật cho đến lúc chết thì thôi.
Cái Mây không thích bà cả nhưng được ông phân theo hầu nên bà vừa đi là nó cũng phải chạy theo mà nghe lời răm rắp.
Đợi cho đến khi bà cả đã khuất bóng, bà hai mới hỏi con trai:
- Hai đứa bị Thầy cấm đi lang đi chạ rồi mà vẫn cố. Rồi con gặp thằng bé kia ở đâu? Sao lại ra nông nỗi này?
Thái Hanh rụt rè không dám nhìn mặt U, cậu trả lời:
- Bên bờ sông Ninh Hoà U ạ. Lúc đầu con tưởng thằng nhỏ chết rồi nên muốn xem có phải người xã mình không còn báo Thầy nhưng thấy nó hấp hối con không sao bỏ được.
Bà hai thở dài thườn thượt, đến cái tính thương người này cũng giống bà, không biết cậu hai có giống được ông điểm nào không nữa.
Một lát sau thì cậu cả về đến phủ, thầy lang già yếu nên đuổi theo sau cách xa mất một đoạn. Không kịp hỏi han gì nhiều lang Phú lạy chào bà, chào cậu rồi vào trong phủ cứu người luôn.
Đám người ở nào có dám tụ tập để xem như có chuyện vui, bà hai bảo giải tán là đứa nào làm việc đứa nấy. Trong phòng gia đinh còn có mỗi lang Phú, hai cậu và bà. Thầy lang bắt mạch rất lâu, mặt thi thoảng nhăn lại rồi chẹp miệng làm mọi người lo lắng không thôi.
Xong xuôi tất thảy, lang Phú xếp gọn đồ nghề lại, vừa đứng lên cậu hai đã vội hỏi:
- Sao rồi ạ? Nó có ổn không?
- Thầy lang kính cẩn thưa – Dạ thưa bà, thưa cậu cả, cậu hai, thằng nhỏ vẫn ổn, chắc đợi vài canh giờ nữa là tỉnh lại thôi.
- Vậy thì tốt quá! – Bà hai mừng rỡ.
- Nhưng kể cũng thực lạ - Thầy lang hoài nghi – Số thằng bé này phải phước lớn, mệnh lớn lắm mới giữ được đấy ạ, có khéo lại là điềm may của phủ Xã Trưởng.
Biết lang Phú có ý nhắc khéo xin hãy nuôi dưỡng thằng nhỏ thì bà phì cười, rút vài quan tiền trong túi ra, bà đưa vào tay thầy lang.
- Tôi biết rồi! Nó đến với phủ tôi âu cũng là cái duyên.
Khác hẳn với mọi lần, thầy lang không nhận tiền mà dúi trả lại bà rồi lắc đầu:
- Được vậy thì còn gì bằng ạ. Tiền này coi như con góp vào cho nó một bữa ăn. Con xin phép.
Nói rồi lang Phú rời đi ngay. Đúng là "lương y như từ mẫu", nghề này có kiếm được mấy cắc mấy đồng đâu mà còn cho người ta. Than ôi, sao toàn người tốt mà số khổ.
.
.
.
Mới đó cũng đã đến giờ cơm tối, vì không phải bữa chính mà chỉ ăn qua loa nên cậu hai không muốn ăn, cậu bảo mình ở lại chờ thằng bé tỉnh. Cũng không biết vì sao cậu Hanh của chúng nó lại hứng thú với một kẻ lạ như thế, từ trước đến nay cậu có bao giờ để ý người nào như vậy đâu.
Ông Xã vừa ngồi vào mâm cơm liền cau mày, liếc quanh một lượt, ông hỏi:
- Thằng Hanh đâu?
- Dạ - Bà hai thưa – Con nó bảo không muốn dùng cơm Thầy em ạ.
Nghe một từ "Thầy em" mà nóng tai, bà cả không nhịn được bĩu môi dè bỉu:
- Gớm, chắc là được sinh sớm đẻ trước nên cứ ngỡ mình là cậu cả Kim gia đấy phỏng, rồi có xem gia pháp của cái nhà này ra cái thể thống gì đâu. Không muốn ăn nhưng trong mâm cơm còn có Thầy, có dì Liên đây thì vẫn phải ngồi vào mà mời mọc cho đàng hoàng mới phải LẼ.
Bà cả nhấn mạnh chữ "lẽ" một cách đay nghiến như để nhắc nhở danh phận của bà hai, cậu hai trong Kim gia này. Ông cả đương cầm bát trên tay liền đập một cái phịch rõ to xuống mặt bàn.
- Bà có thôi đi không? Mồm thì suốt ngày gia quy với chả gia pháp, vậy mà bản thân bà có làm được nổi đâu. Chị em trong nhà nương tựa nhau mà sống, con vợ thứ hay con ruột thì đều là con,.. tôi hỏi bà làm được cái gì trong những điều ấy rồi?
Bà cả nghiến răng ken két:
- Thầy lại còn bắt bẻ tôi? Tôi biết thừa Thầy cũng chỉ lấy cái cớ đó để bênh thằng Hanh mà thôi. Tôi hỏi Thầy, có đứa con lẽ nào lại gọi bà cả trong nhà là dì không? Nhưng vì thằng Hanh không muốn gọi tôi là U nên Thầy bắt tôi phải nghe từ miệng nó một tiếng dì. Có đứa con lẽ nào mà được ở buồng trong nhà chính không? Thế mà nó nghiễm nhiên được ở, đã vậy còn được ở buồng của cậu lớn... Có đứa...
- BÀ CÓ CÂM NGAY ĐI KHÔNG? – Ông thét lên.
- Bà hai thấy sự tình căng thẳng, vội vội vàng vàng lên tiếng – Thôi Thầy em với bà cả bớt giận. Con dại cái mang, em xin lỗi chị cả, giờ em đi gọi thằng Hanh lên ăn cơm đây.
Bà hai toan đứng dậy thì bị ông kéo lại:
- Ngồi xuống!
Lệnh của ông đã nói, nhìn bà cả còn hậm hực nhưng bà hai không thể làm gì khác, đành yên phận ngồi lại chỗ cũ. Ông Xã nói xong cũng cầm đũa dùng cơm luôn, chẳng ai nói với ai điều gì nữa.
Các cụ có câu "cai trăm quân không bằng cai bốn vó đàn bà"* cấm có sai. Cũng may là ông Xã có được bà Thục Trinh khôn khéo hiểu chuyện, chứ lấy được mấy bà giống y hệt Kim Liên thì ông khổ đến chết mất thôi.
*"cai trăm quân không bằng cai bốn vó đàn bà": Ý chỉ sự khó khăn của người đàn ông khi cân, đo, đong, đếm chuyện của vợ cả vợ lẽ. Bênh một bên thì bên kia giận, phạt một bên thì bị coi là thiên vị,... vậy mới nói cai quản cả trăm quân ngoài chiến trận còn dễ hơn là quản mấy bà vợ trong nhà.
.
.
.
Chờ mãi mà nó không tỉnh dậy, cậu hai Thái Hanh gật gù ngả người xuống ngay bên cạnh rồi ngủ quên béng lúc nào không hay.
Tiết trời không lạnh cũng chẳng nóng, nó man mát khiến con người ta dễ đi vào giấc ngủ, vài cơn gió thoang thoảng thổi hồn cậu đi đến một miền đất quen thuộc thuở nào. Nhưng lần này chẳng còn ai nữa, một giấc mơ trống rỗng chỉ có Thái Hanh, bờ sông Ninh Hoà và ánh Mặt Trời chói lọi. Cậu hoảng hốt chạy hết bên này đến bên kia vẫn không thấy cậu bé mình thường gặp ở đâu cả. Phải chăng nó đã đến bên cậu rồi.
Cậu hai choàng tỉnh giấc vì tiếng gọi của thằng Sửu, nó ú ớ:
- Cậu hai buồn ngủ thì để con đưa cậu về buồng, chứ ngủ ở đây ông Xã đánh bọn con chết.
Chẳng biết từ bao giờ ông Xã của bọn nó cục cằn hơn hẳn, có lẽ do việc công nhiều lại thêm việc nhà việc cửa làm ông mất đi cái tính ôn dịu ngày xưa. Giờ cứ động đâu là ông phạt đó, đứa nào mà chẳng sợ.
Thái Hanh ngồi dậy, khẽ đảo mắt nhìn thằng bé vẫn đang nằm im lìm, cậu thở dài:
- Được rồi, cậu tự đi được, không cần phải đưa.
- Thằng Sửu khom khom người tránh sang một bên cho cậu đi dù lối vẫn còn rộng – Dạ, con chào cậu.
Guốc gỗ vừa nện xuống được đôi ba tiếng cộp cộp thì xen lẫn có tiếng ai rên khe khẽ. Cậu Hai quay phắt người trở lại, thằng nhỏ nằm trên giường nheo nheo đôi mắt đón nhận những tia sáng le lói từ ánh đèn dầu.
Thái Hanh cứ cuống cuồng cả lên, rất muốn hỏi han nhưng cũng ngại lại gần. Cho đến tận lúc thằng bé ngồi hẳn dậy, ngơ ngác nhìn cậu Hanh và thằng Sửu, cậu mới khẽ hỏi:
- Có... có làm sao không?
Cũng hết nói nổi với cậu hai Kim gia, có làm sao không là làm sao? Nó vừa tỉnh dậy lại gặp toàn những người lạ mặt, rồi bị hỏi bất ngờ như thế đến người lớn còn hoảng chứ đừng nói gì một đứa trẻ. Nó mếu máo ngay, khóc tu tu làm cậu hai rối càng thêm rối.
Thái Hanh ngồi xuống giường, cậu ôm nó vào lòng an ủi, vỗ về:
- Không sao, đừng sợ. Tôi thấy đằng ấy gặp nạn nên đưa về đây chạy chữa chứ không có ý đồ gì cả.
Đứa nhỏ này kể cũng lạ, đương nhiên bị một người không quen không biết ôm lấy vậy mà không có chút bài xích mà còn cảm thấy an toàn bởi từng đợt hơi ấm truyền qua. Nó thút thít:
- Có thật không ạ? Em chưa chết phải không anh?
- Thái Hanh phì cười – Chết rồi thì tôi là âm hồn địa phủ à? Nhìn có xấu xí đến mức đấy không?
Thằng nhỏ thoát ra khỏi vòng tay của cậu, nó lắc đầu nguầy nguậy rồi thật thà trả lời:
- Không đâu!... đẹp lắm.
Thái Hanh xoa xoa mái đầu nhỏ, nhìn thân hình gầy guộc lọt thỏm trong bộ đồ của cậu mà xót xa. Có gì đó quen thuộc lắm, từ ánh mắt cho đến giọng nói, nó cứ như đã ở trong tiền thức cậu Hanh từ lâu.
Đau đáu mãi cuối cùng cậu hai cũng hỏi:
- Đằng ấy tên gì? Đi đâu mà bị nước cuốn thế này?
Nghe đến đây nó bỗng im lặng hẳn, không cười đùa cũng chẳng lém lỉnh như ban nãy nữa. Vân vê vạt áo lụa đắt tiền mà nó được mặc lần đầu tiên trong đời, nó thủ thỉ:
- Em tên Quốc, là trẻ mồ côi sống nương mấy nhà trong xóm. Hôm nay ra bờ sông bắt chút tép đi bán thì bị sẩy chân ngã xuống sông...
Cậu hai chẹp miệng, đời này còn lắm người khổ quá, cậu là phận con lẽ Kim gia nhưng ít nhất vẫn được ăn sung mặc sướng, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu. Nhìn đứa trẻ nhỏ bé trước mắt mà đau lòng, cậu hai ngỏ ý:
- Quốc không có chỗ đi thì ở lại làm cho nhà tôi, tôi sẽ xin Thầy cho Quốc theo hầu tôi có được không?
Chợt, hai mắt Quốc sáng rỡ, như không tin vào tai mình, nó hỏi lại:
- Thật ạ! Em được ở lại đây ạ?
Thái Hanh gật đầu chắc nịch:
- Ừ.
Nó vội vội vàng vàng bật dậy bái lạy Thái Hanh với khuôn mặt đã dàn dụa nước mắt:
- Dạ, em cảm ơn cậu, đội ơn cậu!
Vậy là từ nay, nó chẳng còn là một đứa cù bơ cù bất nữa rồi, nó có chỗ để về, có chỗ để ăn để ngủ, mừng quá, mừng quá!
.
.
.
Mới đó đã tới giờ dậu, đèn dầu trong phủ chẳng biết tắt từ khi nào. Thái Hanh đi thật khẽ để âm thanh không phát ra quá lớn. Đứng trước cửa buồng Thầy được một lúc mà Thái Hanh vẫn chưa dám gõ cửa. Sợ làm phiền giấc ngủ của Thầy mà chuyện cũng không hẳn là hệ trọng lắm, cậu định bụng rời đi rồi sáng mai quay lại thì ngay lập tức cánh cửa buồng bất ngờ bật mở làm cậu giật mình.
- AAAAA! – Thái Hanh hét lên đầy thảng thốt.
Mấy thằng lính canh nhanh nhẹn chạy vào ngay, nó dáo dác nhìn quanh rồi thoăn thắt chạy đến chỗ cậu hai đang đứng:
- Bẩm ông, bẩm cậu, có chuyện gì thế ạ?
Ông Xã không trả lời, chỉ phất tay cái nhẹ là chúng nó hiểu ngay và quay về chỗ canh cũ. Ông đi tới cóc một cái rõ đau lên trán Thái Hanh.
- Đêm hôm thế này đến đây làm gì? Còn không mau về phòng ngủ.
Thái Hanh xoa xoa lên chỗ vừa bị đánh, cậu bĩu môi:
- Con có chuyện muốn thưa nên đến tìm Thầy đấy chứ.
- Chuyện gì mà phải nói giờ này? – Ông thắc mắc.
Cậu hai khép nép thu tay về, khoanh tay trước ngực rồi hơi cúi người kính cẩn nói:
- Con thưa Thầy, sáng nay con với cậu cả đi chơi lại tình cờ bắt gặp một đứa nhỏ bị đuối nước, cứu được về đây thì biết nó không có nhà có cửa. Nên giờ... con muốn xin Thầy cho nó ở lại phủ theo hầu con ạ.
Ông Xã lắng nghe một cách cẩn thận, không mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ, ông gật đầu đồng ý luôn:
- Cũng được thôi, tưởng gì chứ mấy chuyện nhỏ này không phải thưa Thầy đâu, con cũng sắp đến tuổi làm chủ được gia can rồi.
- Thầy này! – Cậu hai nhíu mày – Tám t làm ăn được gì mà làm chủ.
- Khà khà khà – Ông xã cười lên đầy sảng khoái – Thôi, về nghỉ đi.
Thái Hanh vui vẻ cúi đầu chào Thầy rồi quay người trở về phòng. Đi được mấy bước thì nghe rõ tiếng ông Xã đi theo, cậu dừng hẳn lại thắc mắc:
- Cơ mà giờ này Thầy còn đi đâu đấy ạ?
Ông Xã giật mình ho khan mấy tiếng, ngắc ngứ trả lời:
- À... Thầy hơi mỏi người nên qua nhờ U con đấm bóp một tí.
Thái Hanh là một người con có hiếu, Thầy giờ cũng đã ở cái tuổi xế chiều nên hay đau mỏi nhất là lúc trái gió trở trời. Thương Thầy, cậu hai đề nghị:
- Hay Thầy cứ vào buồng để con làm cho, U giờ này chắc ngủ rồi mà Thầy đi đến đấy cũng xa.
Ông Xã đến khổ với đứa con trai hiếu thuận này, không biết nên khóc hay nên cười. Ông lắc đầu từ chối khéo:
- Ơ hay! Thầy đã bảo là muốn U làm là U phải làm. Để khi nào... Thầy mỏi thật thì Thầy nhờ con.
Nói rồi ông lao đi vun vút trông chẳng giống người đau bệnh một chút nào, Thái Hanh vẫn đứng đực ra một chỗ mà ngẫm nghĩ:
- Thầy đau giả thì còn đi tìm U làm gì?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top