Lão Yêu và thịt gà.
Giáp tết năm hai nghìn.
Một buổi chiều đẹp giời với những áng mây màu xám, chỉ còn vài buổi nữa thôi là em sẽ có quà. Hẳn bố sẽ về và mua bánh cho em, mua quà cho mẹ. Nhưng em chẳng muốn bố tặng thêm bất cứ thứ gì cho anh và chị cả. Ấy vậy mà lần nào cũng thế, bố chẳng quên ai bao giờ. Nhưng đã lâu lắm rồi, làm gì có ai tặng quà cho bố cả, nên lần này em muốn làm một thứ gì đó thật đặc biệt khiến ông bất ngờ.
Lẽo đẽo xách đống giấy ra ngoài cửa, trông bậc hiên cao cao khiến em hơi sợ. Đôi chân run run chẳng dám bước. Em đành ngồi bệt xuống thềm cửa, dõi mắt ra ngoài nhưng chẳng có ai đi qua để hỏi nên tặng bố thứ gì.
Mải ngóng ra đường cái, em giật thót mình vì đống giấy trên tay bị giật mất. Trong sự tức tối và phụng phịu, em khó ré lên, thứ vũ khí sắc nhọn nhất lúc bấy giờ. Nhưng đáp lại nó cũng chỉ là tiếng cười khúc khích quen thuộc.
À! Vậy ra là nó. Con bé nhà hàng xóm, nó sang đây từ lúc nào nhỉ.
A! Nhớ rồi. Chẳng phải anh nó đang chơi ở ngoài kia hay sao.
Mà cũng quái nhỉ? Tại sao người lớn lại có thể tin tưởng giao trọng trách trông trẻ cho lũ trẻ chưa đầy 10 tuổi nhỉ? Chẳng phải tất cả đều là trẻ con ư.
Giằng lại đống giấy trên tay nó, em lững thững chui vào một góc giường, quấn chăn kín mít vì tờ giấy đã bị rách và nhăn nhúm. Quận tròn trong chiếc chăn nặng chịch, em cứ đợi mãi, đợi mãi mà chẳng thấy nó đến làm lành. Cho tới khi đánh một giấc trên chiếc nệm mút mới nhận ra chẳng còn ai trong nhà và trời thì đã nhá nhem. Có lẽ nó đã về và lũ trẻ trước cửa chính cũng giải tán.
Nheo mắt theo cánh thiêu thân lởn vởn quanh bóng đèn trước thềm nhà, em láng máng nghe thấy tiếng ai đó đang mở cổng. Âm thanh nhè nhẹ và từ từ, như thể có ông ba bị đang cố đột nhập vào trong.
Ép sát người vào mép tường, em trông thấy đằng sau khe cửa là một bóng mờ mờ nhỏ nhỏ đang từ từ cài then sắt. Hình như hắn vừa mới đi chơi về.
Cầm theo cốc nước ấm ở trên bàn, em lon ton chạy ra cổng, nhỏ nhẹ mỉm cười: "Mới sáu giờ thôi anh trai."
"Be bé cái mồm thôi." Anh thì thầm, rồi rút ra một búi nịt đủ màu sắc: "Mẹ đâu?"
Hé miệng thổi cho cốc nước nguội dần, em thở nhè nhẹ qua kẽ răng: "Năm, năm."
Liếc nhanh xuống chuồng lợn đen ngòm ở cạnh vườn. Chắc mẹ vẫn chưa về. Nghĩ vậy, anh liền thoải mái thở phào: "Tao chín, mày một. Không thì thôi."
"Úi giời!" em bĩu môi: "Không phải thấy thế mà sướng, có tin em mét mẹ không?"
"Xời!" Anh vênh mặt: "Tao lại chả sợ."
Dảo bước trên khoảng sân nhỏ trước nhà, em níu tay, đu cả người xuống mè nheo: "Ứ ừ! Có mỗi một chút thế này nghịch sao? Cho em thêm một chút nữa thôi. Chỉ một chút chút chút nữa thôi."
Hơi khựng lại vì bóng đèn trong nhà bếp chợt bừng sáng, anh nép hẳn vào bờ tường, khom người béo má em mà nghiến răng: "Đây đây ông tướng. Hẳn ba phần đấy nhé. Giờ thì vào xem mẹ ở đâu hộ tao."
Cầm mớ dây nịt với đủ các loại màu sắc trong tay, em cười rạng rỡ chạy vào nhà hét thật lớn: "Mẹ ơi! Anh về rồi đây này. Mẹ nhớ mai cho con đi chợ ăn bánh cuốn như đã hứa nhớ."
Mọi chuyện sau đó thì mọi người cũng biết thế nào rồi đấy. Tối đó ông anh trai bị ăn một trận nhừ đòn và không thèm nói chuyện với tui. Nhưng mà tui chả quan tâm, chỉ ức mỗi cái hôm sau có được ăn bánh cuốn đâu cơ chứ. Đời thật bất công. Nhưng công chuyện chưa dừng ở đó.
Trưa hôm sau là một ngày nắng nhẹ, em được đặc cách cho ra sân chăn gà. Nói là chăn nhưng thực chất là gà chăn em. Nhìn những cái mông mũm mim toàn thị là thịt của chúng làm em thèm nhỏ rãi. Và nhớ tới cái đùi nghi ngút khói nằm trên đĩa.
Lăn tăn một lúc, em chợt nhớ ra hình như mai là ngày bố về. Hay là thịt gà nhỉ. Nghĩ vậy, em liền chạy vào chỗ mẹ đang băm bèo cho lợn.
Trông những giọt mồ hôi của bà làm lòng em nhộn nhạo, phải đi lấy khăn và cốc nước, rồi ngồi xuống bên cạnh, vừa uống vừa nói: "Mẹ! Mai bố về. Thịt gà đi."
"Cái gì? Thịt gà?" Cắm phắt chiếc dao phay xuống mặt thớt lim, mẹ giật chiếc khăn trên cổ em cằn nhằn: "Thôi đi ông kễnh. Không phải lí do, lí chấu. Nhìn mặt ông là biết lại thèm ăn đùi gà hử?"
Tròng mắt xoay tròn theo những cụm bèo tây bị thái, em mỉm cười: "He he... mẹ đúng là mẹ của con. Vừa..."
"Thôi! Tôi xin. Tôi lại chả lạ thừa cái văn của ông."
"Thế thịt gà nhớ mẹ nhớ."
"Không!"
Bà quay phắt ra, gạt đống béo thái rối vào trong chậu cám rồi bê ra chuồng lợn, trong khi miệng vẫn không ngừng lải nhải: "Con với chả cái, chỉ có ăn là nhanh. Không thấy trên tin vi người ta đang thông báo có dịch H5N1 à."
Em bĩu môi đi lên trên nhà. Chúng thì có gì mà phải sợ kia chứ. Chẳng phải cũng chỉ là vài con vi khuẩn nhỏ tới mức không nhìn thấy sao? Đến con rận chó to đùng em còn không sợ huống chi là đám virut đó.
Ngồi buồn một mình giữa căn nhà trống hoác, em bèn lôi đám nịt ra bện thành từng búi lớn to bằng ngón chân cái.
Nhìn lũ gà tranh giành con giun vừa mới bắt, em chợt nảy ra một sáng kiến, sau đó ném luôn đống nịt ra ngoài vườn, rồi nhởn nhơ vào nhà uống nước và xem ti vi.
Vài ngày sau, trong đàn gà bỗng dưng có một chú bị bệnh, nó cứ gật gù và ngắt ngư, trông rất mệt mỏi và ốm yếu. Mẹ thương nó, liền cho thêm thức ăn. Nhưng không ăn thua.
Chiều hôm đó, em gọi bố ra cùng ngồi chăn gà và "bất ngờ" hai bố con bắt gặp chú gà bị ốm ấy. Thế là bố quyết định phải thịt, không nó chết thì phí.
Vậy là mẹ đành ngậm ngùi, đem nó ra giải quyết. Nhưng không ngờ lúc mổ ra thì phát hiện một búi nịt trong cổ nó. Còn em thì chối mất biến. Rằng nó chẳng liên quan gì tới em.
Thật sự thì hồi đó cũng là vô tình thôi chứ tui nào có cố ý he he. Hồi đó mới ba tuổi chứ mấy, còn ngây thơ lắm chứ bộ, làm gì có nhiều mưu hèn kế bẩn như thế được. Chúc cuối tuần an lành.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top