Langquathongpmq
:::Paustovsky:::
Lẵng quả thông
KIM ÂN dịch
Mùa thu, nhà soạn nhạc Eđua Grigo thường về ở trong những khu vườn gần thành phố Bêcghen.
Mọi khu rừng đều đẹp với bầu không khí phảng phất mùi nấm, với tiếng lá rì rào. Nhưng những khu rừng trên núi và gần biển mới thực sự là đẹp. Ở đó ta nghe rõ cả tiếng sóng vỗ bờ. Sương mù từ biển cả thường xuyên tràn vào và vì khí ẩm quá nhiều nên rêu mọc rậm rịt. Rêu từ trên cành cây xõa dài xuống mặt đất như những mớ tóc xanh.
Ngoài ra, trong những khu rừng trên núi, còn có một thứ tiếng vọng vui tính. Giống như một con khướu nó chỉ chực chộp lấy bất kỳ tiếng động nào để rồi liệng lại qua vách đá.
Một hôm Grigơ bắt gặp trong rừng một em bé có đôi bím tóc nhỏ xíu, con ông gác rừng. Em đang nhặt quả thông bỏ vào lẵng.
Trời đang thu. Nếu như có thể lấy hết đồng và vàng trên trái đất đánh thành muôn vàn lá cây mỏng dính thì chúng cũng chỉ có thể làm thành một phần rất nhỏ của bộ áo mùa thu trải trên đồi núi kia mà thôi. Vả lại, những chiếc lá nhân tạo nọ sẽ rất thô kệch so với lá thật, nhất là với lá liêu hoàn diệp. Mọi người đều biết rằng chỉ cần một tiếng chim hót thôi cũng đủ làm chúng run rẩy.
- Cháu tên là gì nào? - Grigơ hỏi.
- Cháu là Đanhi Pêđecxen. - Em bé lí nhí trả lời.
Em bé trả lời lí nhí không phải vì sợ, mà vì bối rối. Nó sợ sao được khi cặp mắt của Grigơ đang cười.
- Rõ tiếc... - Grigơ nói. - Bác chả có quà gì cho cháu cả. Chả có búp bê, chả có băng, thỏ nhung cũng không có nốt.
- Cháu có con búp bê cũ của mẹ cháu. - Em bé trả lời - Trước kia nó cũng biết nhắm mắt cơ bác ạ. Như thế này này...
Nó từ từ nhắm mắt lại. Khi nó mở mắt, Grigơ nhận thấy con ngươi của nó có màu xanh nhạt và lá rừng lấp lánh trong mắt nó như những đốm lửa nhỏ.
- Nhưng bây giờ thì nó ngủ mở mắt, - em bé buồn rầu nói tiếp, - người già hay khó ngủ. Ông cháu cũng vậy, cứ kêu rên cả đêm.
- Đanhi này. Bác nghĩ ra rồi, - Grigơ nói, - Bác sẽ tặng cháu một món quà thú vị. Nhưng không phải bây giờ, mà độ mười năm nữa.
Đanhi đập hai tay vào nhau:
- Ôi, thế thì lâu quá !
- Cháu hiểu không, bác còn phải làm ra nó đã chứ.
- Nhưng nó là cái gì kia, bác ?
- Sau này cháu sẽ biết.
- Chả lẽ suốt đời bác, bác chỉ làm được có dăm sáu thứ đồ chơi hay sao? - Em bé nghiêm nghị hỏi.
Grigơ bối rối:
- Không, không phải thế đâu - Ông bác lại vẻ không quả quyết - Có thể bác sẽ làm xong vật ấy trong vài ngày. Nhưng những thứ đó người ta không cho trẻ con. Bác thường chỉ làm quà cho người lớn.
- Cháu không đánh vỡ đâu mà - Đanhi năn nỉ và nắm lấy tay áo ông kéo lại. - Cháu cũng chẳng làm hỏng đâu. Đấy rồi bác xem ! Ông cháu có một chiếc thuyền thủy tinh bé tí tẹo. Cháu vẫn lau bụi cho nó đấy nhưng cháu có bao giờ làm nó sứt tí nào đâu.
"Con bé Đanhi này làm mình rối tinh lên rồi" - Grigơ bực bội nghĩ thầm và rồi ông lặp lại những điều mà người lớn thường nói với trẻ con khi lâm vào thế bí.
- Cháu hãy còn bé và có nhiều điều cháu không hiểu. Hãy học tập tính kiên nhẫn. Còn bây giờ cháu đưa cái lẵng đây cho bác. Cháu ì ạch mãi mới mang nổi nó kia kìa. Bác sẽ đưa cháu về nhà và chúng ta sẽ nói về một chuyện gì khác.
Đanhi thở dài và đưa cái lẵng cho Grigơ. Cái lẵng quả là khá nặng. Quả cây thông tán nhọn có nhiều nhựa, nên nó nặng hơn quả của loại thông khác.
Khi nhà người gác rừng hiện ra giữa đám cây, Grigơ bảo cô bé:
- Thôi, Đanhi này, bây giờ cháu chạy về nhà một mình nhé. Ở Nauy, có nhiều em bé gái trùng tên trùng họ với cháu. Bố cháu tên là gì nhỉ ?
- Hagrup ạ - Đanhi trả lời và hỏi tiếp, vầng trán nhăn lại - Bác không vào chơi nhà cháu ư ? Nhà cháu có chiếc khăn giải bàn thêu này, có con mèo hung này, lại có chiếc thuyền bằng thủy tinh nữa. Ông cháu sẽ cho phép bác cầm xem đấy.
- Cảm ơn cháu. Bây giờ bác vội. Chào cháu, Đanhi ạ.
Grigơ vuốt tóc em bé rồi đi về phía bờ biển. Đanhi chau mày trông theo. Em xách cái lẵng nghiêng về một bên và những quả thông rơi xuống đất.
"Ta sẽ làm một bản nhạc, - Grigơ quyết định - và trên trang bìa ta sẽ cho in : "Tặng Đanhi Pêđecxen, con gái người gác rừng Hagrup Pêđecxen, khi cô mười tám tuổi".
* *
*
Ở Bêghen không có gì thay đổi.
Tất cả những gì có thể làm cho âm thanh giảm đi như thảm, màn cửa, đồ gỗ lót đệm, Grigơ đã loại ra khỏi nhà từ lâu. Chỉ còn lại chiếc đi văng cũ kỹ đủ chỗ cho mười người khách ngồi là Grigơ vẫn chưa dám bỏ đi nốt.
Các bạn của nhà soạn nhạc nói rằng nhà của ông giống nơi ở của một tiều phu. Chỉ có mỗi chiếc dương cầm là vật trang sức cho ngôi nhà. Người giàu tưởng tượng có thể nghe thấy giữa bốn bức tường trắng ở đây nhiều điều kỳ diệu, từ tiếng gầm thét của Bắc băng dương - cái đại dương đang dồn sóng ra từ cõi mịt mù sương gió, nơi gió rú rít kể câu chuyện cổ xưa rùng rợn - cho đến bài hát củ em gái ru con búp bê vải.
Chiếc dương cầm có thể ca về tất cả : về khí phách con người vươn tới cái cao cả, về tình yêu. Những phím đàn đen trắng lướt nhanh dưới những ngón tay chắc nịch của Grigơ, lúc buồn bã, lúc vui cười, lúc lại réo lên giông tố và căm thù rồi bất thần lặng hẳn đi.
Trong phút lặng lẽ ấy chỉ còn một cây đàn nhỏ bé là còn rung mãi như thể nàng Lọ Lem bị các chị mắng mỏ đang khóc.
Grigơ ngả người ra, lắng nghe cho đến khi cái âm thanh cuối cùng ấy tắt hẳn ở trong bếp, nơi chú dế mèn đã đến trú ngụ từ lâu.
Đến lúc ấy mới nghe tiếng vòi nước nhỏ giọt, đếm từng giây, hệt như máy đo tiết điệu. Những giọt nước nhấn mạnh rằng thời gian không chờ đợi ai và cần phải hối hả làm cho xong những điều dự định.
Grigơ viết bản nhạc tặng Đanhi Pêđecxen trong hơn một tháng.
Mùa đông bắt đầu. Sương mù phủ kín thành phố. Những con tàu han rỉ từ nhiều nước kéo đến gà gật bên bến cảng lát gỗ, khe khẽ phì phò hơi nước.
Chẳng bao lâu tuyết đã bắt đầu rơi. Grigơ nhìn qua cửa sổ thấy những bông tuyết bay chênh chếch, cố bám lấy ngọn cây.
Tất nhiên, không thể truyền đạt âm nhạc bằng lời, dù cho ngôn ngữ của chúng ta có phong phú thế nào chăng nữa.
Grigơ viết về cái đẹp vô cùng của thời con gái và của hạnh phúc.
Ông viết và thấy cô gái có đôi mắt xanh sáng ngời nghẹn ngào vì sung sướng, đang chạy đến với ông. Cô gái vòng tay ôm lấy cổ ông, áp bên má nóng bừng của cô vào cái má đầy râu bạc lâu ngày không cạo của ông. "Cảm ơn bác" - cô nói trong lúc chính cô cũng chưa biết cô cảm ơn ông vì lẽ gì.
"Cháu như mặt trời, - Grigơ nói với cô, - như làn gió êm dịu, như buổi sáng tươi mát. Một bông hoa trắng ngần đã bừng nở trong lòng cháu làm cho toàn thân cháu thơm ngát mùa xuân. Ta hiểu đời lắm. Cháu ạ, dù người ta có nói với cháu những gì đi nữa thì cháu hãy cứ tin rằng cuộc đời thật là kỳ diệu và tuyệt đẹp. Ta già rồi, nhưng ta đã hiến cuộc đời ta, sự nghiệp và tài năng của ta cho tuổi trẻ. Hiến tất cả mà không đòi hỏi trả lại. Vì thế có thể, ta còn hạnh phúc hơn cả cháu nữa kia, Đanhi ạ !
Cháu là đêm trắng với ánh sáng huyền ảo. Cháu là hạnh phúc, là ánh bình minh. Cháu cất tiếng là bao con tim rung động.
Cầu chúa ban phước lành cho mọi vật bao quanh cháu, chạm tới người cháu và được cháu chạm tới, những gì làm cháu vui sướng và bắt cháu phải trầm ngâm suy nghĩ".
Grigơ nghĩ vậy và gửi vào phím đàn những gì ông suy nghĩ. Ông ngờ rằng có người nghe trộm ông. Ông còn đoán được ai đang nghe trộm nữa. Đó là đàn sơn tước trên cành, đám thủy thủ ngoài cảng quá chén đang lang thang, chị thợ giặt bên hàng xóm, chú dế mèn, những bông tuyết từ trên bầu trời trĩu nặng kia rơi xuống và nàng Lọ Lem trong bộ quần áo vá chằng vá đụp.
Mỗi người và vật nghe ông theo một cách.
Những con sơn tước xốn xang. Nhưng dù chúng có loay hoay thế nào mặc lòng, sự huyên náo của chúng cũng không thể át nổi tiếng đàn.
Những tay thủy thủ quá chén ngồi xuống bậc thềm nhà ông, vừa nghe nức nở. Chị thợ giặt đứng thẳng lên, lấy lòng bàn tay lau cặp mắt đỏ hoe và lắc đầu. Chú dế mèn chui ra khỏi kẽ nứt của chiếc lò sưởi lát gạch sứ va nhòm Grigơ qua một khe hở.
Những bông tuyết rơi, ngập ngừng, lơ lửng giữa từng không, lắng nghe suối đàn từ trong nhà vọng ra. Còn Lọ Lem thì mỉm cười nhìn xuống sàn. Một đôi giày xinh xắn bằng pha lê nằm bên chân cô. Đôi giầy run rẩy, và vào nhau, hòa nhịp với tiếng đàn ngân vàn trong phòng nhà soạn nhạc.
Grigơ quý những thính giả ấy hơn các vị sang trọng và lịch sự vẫn thường tới nghe hòa nhạc.
* *
*
Năm mười tám tuổi Đanhi học hết trung học.
Nhân dịp này cha nàng cho nàng về Krixtania chơi ít lâu với bà Magđa, em gái ông. "Cho con bé (cha nàng vẫn coi nàng là con bé, mặc dầu Đanhi đã là một cô gái có thân hình cân đối với đôi bím tóc vàng nặng trĩu) biết cái thế giới này nó ra sao, người ta sống thế nào, và cho nó giải trí một chút".
Ai biết được tương lai sẽ dành cho Đanhi những gì ? Có thể, một người chồng chân thật và yêu nàng nhưng lại đáng ngán và keo kiệt chăng ? Hay một việc làm ở quầy tạp hóa trong làng ? Hoặc phục dịch tại một trong vô vàn hãng tàu biển ở Becghen ?
Bà Magđa làm thợ may trong một nhà hát. Chồng bà, ông Ninxơ cũng làm thợ cắt tóc trong nhà hát ấy.
Họ ở trong một phòng nhỏ ngay dưới mái nhà hát. Từ đấy trông thấy biển sặc sỡ những lá cờ hiệu hàng hải và tượng đài Ipxen (1).
Những con tàu suốt ngày cứ chõ vào các cửa sổ bỏ ngõ mà la hét. Ông Ninxơ, đã nghiên cứu những tiếng kêu la của chúng kỹ đến nỗi, theo ông nói, ông biết chắc chiếc tàu nào đang kéo còi : "Nôđecnây" từ Côpenhaghen, "Người ca sĩ xứ Ecốt" từ Glazgô hay "Gian Đa" từ Boócđô đến.
Trong phòng bà Magđa có rất nhiều vật dụng của nhà hát : gấm, lụa, tuyn, băng, đồ ren, mũ dạ thời xưa gắn lông đà điểu đen, khăn san của người digan, tóc giả bạc trắng, ủng cổ loe gắn cựa bằng đồng, các loại gươm, quạt và những đôi giày dát bạc đã sờn ở những nếp gấp. Tất cả những thứ đó phải được vá víu và sửa chữa, lau chùi và là phẳng.
Trên tường treo những tranh nhỏ cắt ra từ sách báo : kỵ sỹ thời vua Lui XIV, mỹ nhân bận váy bông, hiệp sĩ, phụ nữ Nga trong bộ xaraphan, thủy thủ và bọn vikinh2 trên đầu mang những vòng lá sồi.
Muốn lên phòng phải leo một cái thang dựng đứng. Ở đấy thường phảng phất mùi sơn và mùi vécni bốc lên từ lớp vàng mạ.
Đanhi hay đi xem hát. Đó là một việc thú vị. Nhưng sau những buổi xem kịch ấy, Đanhi thường thao thức mãi không ngủ được và đôi khi lại cứ nằm trên giường mà khóc.
Bà Magđa lấy thế làm lo lắng và thường an ủi Đanhi. Bà nói rằng không nên mù quáng tin những gì diễn ra trên sân khấu. Nhưng ông Ninxơ thì vì thế lại gọi bà là "mụ nái xề" và nói rằng, ngược lại, nên tin mọi điều ở nhà hát. Nếu không thì người ta chẳng cần đến nhà hát nào nữa. Thế là Đanhi tin.
Tuy vậy bà Magđa vẫn cứ nhất định đòi đi nghe hòa nhạc để đổi món.
Ông Ninxơ không phản đối ý kiến ấy. "Âm nhạc, - ông nói, - đó là gương mặt của thiên tài".
Ông Ninxơ thích dùng những danh từ cao siêu và mơ hồ. Ông bảo Đanhi giống như hợp âm đầu tiên của một tự khúc. Còn bà Magđa thì, theo lời ông, lại có một quyền lực siêu phàm đối với mọi người. Quyền lực đó là ở chỗ bà may trang phục sân khấu. Mà ai chẳng biết rằng con người cứ mỗi lần mặc bộ đồ mới là biến đổi hẳn. Thành thử vẫn một anh diễn viên hôm qua là tên giết người bỉ ổi, hôm nay đã trở thành chàng nhân tình say đắm, ngày mai là anh hề của nhà vua, còn ngày kia lại thành vị anh hùng dân tộc.
Trong những trường hợp đó bà Magđa thường kêu lên:
- Đanhi ! Cháu hãy bịt tai lại, đừng nghe những lời ba hoa gớm ghiếc ấy làm gì ! Ông ấy chả biết ông ấy nói gì đâu, lão triết gia kiết xác ấy.
Đanhi nghe hòa nhạc cùng cô Magđa và chú Ninxơ. Nàng muốn mặc chiếc áo dài trắng độc nhất của mình, nhưng chú Ninxơ bảo rằng người con gái đẹp phải biết ăn mặc sao cho nổi bật lên giữa môi trường chung quanh. Nói chung, bài diễn văn dài dòng của ông về chuyện đó có thể tóm tắt lại là trong những đêm trắng nhất thiết phải mặc đồ đen và ngược lại, lúc tối trời nên diện bộ áo trắng.
Không thể nào cãi lại ông Ninxơ, nên Đanhi mặc chiếc áo dài nhung lụa đen, tuyết rất mịn. Bà Magđa đã mượn trong kho phục trang cho nàng chiếc áo đó.
Khi Đanhi đã mặc xong, bà Magđa phải chịu là ông Ninxơ có lý : không gì có thể tôn nước da mai mái nghiêm nghị trên gương mặt và đôi bím tóc dài lấp lánh vàng mười của nàng bằng thứ nhung huyền bí ấy.
- Này Magđa, mình trông mà xem, - chú Ninxơ nói khẽ, - con Đanhi đẹp như thể nó đi gặp người yêu trong buổi đầu tiên ấy.
- Đúng vậy - Bà Magđa trả lời - Thế mà lần hẹn hò đầu tiên ông đến gặp tôi, tôi lại chả được thấy ông là một chàng điển trai si tình. Ông chỉ là một chàng ba hoa.
Và bà Magđa đặt một cái hôn lên mái tóc của chồng.
Buổi hòa nhạc bắt đầu sau khi khẩu đại bác ở ngoài cảng nổ phát súng chiều thường lệ. Phát súng báo hiệu mặt trời lặn.
Mặc dầu là buổi tối, cả nhạc trưởng lẫn nhạc công đều không bật những ngọn điện nhỏ trên giá nhạc. Tối hôm đó trời rất sáng nên những cây đèn lồng lấp lánh trong tán cây đoạn hẳn cũng chỉ để tạo cho buổi hòa nhạc vẻ hào nhoáng mà thôi.
Lần đầu tiên Đanhi được nghe nhạc giao hưởng. Bản nhạc gây cho cô một ấn tượng lạ lùng. Những đoạn luyến láy và rền vang của dàn nhạc gợi lên trong trí cô muôn vàn cảnh lạ giống như giấc mơ.
Bỗng Đanhi giật mình, ngước mắt lên. Nàng có cảm giác như người đàn ông gầy gò mặc áo đuôi tôm đang giới thiệu chương trình biểu diễn gọi đến tên nàng.
- Chú gọi cháu đấy ư, chú ? - Đanhi nhìn ông Ninxơ hỏi rồi lập tức cau mặt lại.
Người chú nhìn nàng không ra là kinh hãi mà cũng không ra là thán phục. Và bà Magđa áp chiếc khăn vào miệng cũng nhìn Đanhi hệt như vậy.
- Có chuyện gì xảy ra vậy ? - Đanhi hỏi.
Bà Magđa nắm lấy tay nàng và nói khẽ :
- Nghe kìa !
Và Đanhi nghe thấy người mặc áo đuôi tôm nói:
- Các vị thính giả mấy hàng ghế cuối nhờ tôi nhắc lại. Vậy là dàn nhạc chúng tôi sẽ trình bày hiến quý vị một bản nhạc nổi tiếng của Eđua Grigơ đề tặng Đanhi Pêđecxen, con gái ông gác rừng Hagrup Pêđecxen, nhân dịp cô tròn mười tám tuổi.
Đanhi hít một hơi dài đến nỗi nàng thấy tức ngực. Nàng muốn lấy hơi thở đó để giữ dòng nước mắt sắp trào ra, nhưng vô hiệu, Đanhi cúi xuống và giấu mặt trong đôi bàn tay.
Thoạt đầu nàng không nghe thấy gì hết. Một cơn giông đang cuồn cuộn trong lòng nàng. Cuối cùng nàng nghe thấy tiếng tù và mục đồng rúc lên trong buổi sớm tinh sương và dàn nhạc đàn dây khẽ giật mình, đạp lại bằng hàng trăm tiếng hát.
Điệu nhạc tăng dần, cất bổng lên rồi gào thét lướt trên ngọn cây, như một luồng gió rứt lá, thổi rạp cỏ xuống đất, quất vào mặt những tia nước mát rượi. Đanhi cảm thấy có một luồng không khí do âm nhạc dấy lên phả đến và nàng gắng bình tĩnh lại.
Phải, đó là cánh rừng của nàng, quê hưong nàng ! Núi đồi của nàng, tiếng tù và, tiếng sóng biển quê nàng.
Những con tàu bằng thủy tinh làm nước sủi bọt. Gió reo cả trên những dây buồm. Từ lúc nào không biết, tiếng reo đó đã chuyển thành tiếng những quả chuông nhỏ trong rừng đổ hồi, tiếng đàn chim ríu rít nhào lộn trên không, tiếng trẻ con hú nhau, tiếng hát về người con gái : lúc bìh minh người yêu ném một vốc cát vào cửa sổ phòng nàng. Đanhi đã nghe bài hát đó trên đồi núi ở quê nhà.
Vậy ra đó chính là bác ấy. Ông già tóc bạc đã giúp cô mang lẵng quả thông về nhà. Đó là Eđua Grigơ, người có phép thần và là nhạc sĩ vĩ đại ! Thế mà nàng đã trách bác ấy không biết cách làm mau chóng.
Thì ra đó chính là món quà mà ông đã hứa cho nàng mười năm sau.
Đanhi khóc, không giấu giếm những giọt lệ biết ơn. Đến lúc ấy âm nhạc đã tràn ngập khoảng không giữa mặt đất và mây trời giăng mắc trên thành phố. Sóng nhạc du dương làm cho mây gợn lên lăn tăn và những vì sao lung linh lấp lánh.
Bản nhạc không phải là hát nữa. Nó kêu gọi. Kêu gọi đi theo nó đến một xứ sở, nơi không đau khổ nào có thể làm nhạt tình yêu, nơi không có ai giành giật hạnh phúc kẻ khác, nơi mặt trời sáng chói như vòng triều thiên trên đầu nàng tiên trong cổ tích.
Trong dòng âm thanh cuồn cuộn ấy bỗng nổi lên giọng nói quen thuộc "Cháu là hạnh phúc, cháu là ánh bình minh".
Bản nhạc ngừng bặt. Những tràng vỗ tay lúc đầu còn chầm chậm, sau mỗi lúc một mạnh thêm, vang lên như sấm dậy.
Đanhi đứng lên và đi nhanh về phía cổng công viên. Mọi người cùng quay đầu lại nhìn nàng. Có thể, có một số người trong đám thính giả đã thoáng nghĩ rằng nàng chính là Đanhi Pêđecxen mà Grigơ đã dành tặng tác phẩm bất tử của ông.
"Bác ấy mất rồi ư ? - Đanhi nghĩ - Vì sao ?" Giá mà lại được gặp ông ! Giá mà ông có mặt ở đây ? Hẳn nàng sẽ chạy ào lại với ông, tim đập rộn ràng, nàng sẽ bá lấy cổ ông, áp bên má áp đẫm nước mắt vào má ông và chỉ nói một câu : "Cảm ơn bác". - "Vì lẽ gì cơ chứ ?" Hẳn ông sẽ hỏi như thế. "Cháu cũng chả biết nữa... - hẳn nàng sẽ trả lời, - Vì bác đã không quên cháu. Vì lòng hào hiệp của bác. Vì bác đã cho cháu biết cái tuyệt mỹ mà con người phải sống bằng cái tuyệt mỹ ấy".
Đanhi đi trên đường phố vắng tanh. Nàng không biết rằng bà Magđa đã phái ông Ninxơ đi theo nàng mà không để nàng trông thấy. Ông đi lảo đảo như người say rượu, miệng lẩm bẩm gì đó về sự thần kỳ xảy ra trong cuộc sống eo hẹp của họ.
Bóng đêm vẫn còn trải trên thành phố. Nhưng trong cửa sổ đã thấy lấp lánh ánh vàng yếu ớt của bình minh phương Bắc.
Đanh đi ra bờ biển. Biển vẫn còn ngủ say, không một tiếng sóng vỗ.
Đanhi nắm chặt hai tay lại và rên lên vì một cảm giác tuy còn mơ hồ đối với nàng, nhưng đã chiếm lĩnh toàn cơ thể nàng - cảm giác về cái đẹp của cuộc đời.
- Đời ơi, hãy nghe đây ! - Đanhi nói khẽ - Ta yêu Người
Và nàng cười, mở to mắt nhìn những ngọn đèn trên tàu biển đang chậm rãi lắc lư nơi nước xám trong vắt.
Ông Ninxơ đứng ở đằng xa nghe thấy tiếng cười đó và quay về nhà. Giờ ông đã yên tâm về Đanhi. Giờ đây ông hiểu rằng cuộc đời cháu gái ông sẽ không qua đi vô ích.
1953
Nguồn: maple TTVN
Người gửi: TL
Người đăng: Tí Lười
Kỳ tới: TUYẾT
Tôi là gã cao bồi nghèo đơn độc, rong ruổi trên đường dài xa quê hương...
taysonphuchung
Đội phó
Bài viết: 1084
Ngày tham gia: 16/09/2004, 18:33
Đến từ: An Nhơn - Bình Định
Đã cảm ơn: 0 lần
Được cảm ơn: 0 lần
Blog: Xem blog (1)
Đầu trang
bởi taysonphuchung » 31/03/2006, 10:17
:::Paustovsky:::
Tuyết
KIM ÂN dịch
Tachiana Petơrốpna dọn đến nhà cụ Pôtapốp được một tháng thì cụ mất. Nàng ở lại một mình với đứa con gái nhỏ là Varia và người vú già.
Ngôi nhà nhỏ, chỉ có ba gian, ở trên một ngọn đồi trông xuống con sông phía bắc ngay đầu tỉnh lỵ. Sau nhà, bên kia khu vườn đã trụi lá là một rừng bạch dương phơi màu trắng bạc. Ở đó, từ sáng đến tối, lũ quạ kêu quàng quạc, bay thành từng đám mây đen trên những ngọn cây trần trụi, báo hiệu trời xấu.
Từ khi rời Maxcơva, Tachiana mãi vẫn không sao quen được cái tỉnh lỵ đìu hiu với những ngôi nhà nhỏ bé, nhũng cánh cửa hàng rào kêu ken két, những buổi tối vắng lặng, nghe rõ cả tiếng ngọn đèn dầu hỏa nổ lép bép.
"Mình ngốc quá ! - Nàng nghĩ. - Không dưng đi bỏ Maxcơva, nhà hát và bè bạn ! Đáng lẽ phải đưa Varia đến với bà vú ở Puskinô, nơi đó chưa bị máy bay bắn phá lần nào, còn mình thì cứ việc ở lại Maxcơva. Trời, mình thật ngốc !".
Nhưng không thể trở lại Maxcơva được nữa rồi. Tachiana quyết định biểu diễn trong các trạm quân y - trong thị trấn này có vài trạm - và nàng cảm thấy yên tâm. Nàng còn thấy thích cái tỉnh lỵ ấy nữa là khácc, nhất là khi đông về và tuyết xuống phủ đầy. Ngày lại ngày, êm dịu và xám ngắt. Sông mãi chưa đóng băng, mặt nước màu xanh lá cây bốc khói.
Tachiana quen dần cả với tỉnh lỵ và cả với ngôi nhà không phải của mình. Nàng đã quen với chiếc dương cầm lạc giọng, những tấm ảnh úa vàng trên tường chụp những thiết giáp hạm cổ lỗ bảo vệ bờ biển. Trước kia, cụ Pôtapốp làm thợ máy tàu biển. Trên cái bàn giấy phủ dạ xanh của cụ có đặt mô hình tuần dương hạm "Grômôbôi", trên tàu đó cụ đã làm việc. Varia không được phép sờ vào mô hình ấy. Và nói chung, không được sờ vào bất cứ vật gì.
Tachiana biết cụ Patôpốp có con trai đang phục vụ trong hạm đội Hắc Hải. Trên bàn, bên cạnh mô hình tuần dương hạm, có bức ảnh của anh. Đôi lúc, Tachiana cầm bức ảnh lên ngắm nghía rồi nhíu đôi lông mày thanh thanh lại, nghĩ ngợi. Nàng cứ có cảm giác là đã gặp anh ở một nơi nào đó, nhưng đã lâu lắm rồi, trước cả cuộc hôn nhân không toại nguyện của nàng. Nhưng ở đâu ? Và khi nào nhỉ ?
Anh lính thủy nhìn nàng bằng đôi mắt bình thản hơi có vẻ chế nhạo, như muốn hỏi : "Thế nào chị ? Chẳng lẽ chị vẫn chưa nhớ ra là chúng ta đã gặp nhau ở đâu hay sao ?".
- Không, tôi không nhớ. - nàng trả lời khe khẽ.
- Mẹ ơi, mẹ nói chuyện với ai thế ? - Varia từ phòng bên hỏi
- Với cái dương cầm con ạ, - Tachiana cười, đáp lại.
Vào giữa mùa đông bắt đầu có những lá thư do cùng một bàn tay viết gửi cho cụ Patôpốp, Tachiana xếp những lá thư ấy lại trên bàn. Một lần đang đêm nàng chợt thức giấc. Ánh tuyết mờ mờ chiếu vào cửa kính. Con mèo xám Ackhip của cụ Patôpốp để lại đang ngáy khò khò trên đi-văng.
Tachiana khoác áo choàng mỏng, vào phòng làm việc của cụ Patôpốp và đứng một lát bên cửa sổ. Một con chim lặng lẽ bay vụt ra khỏi cây làm tuyết đổ xuống. Tuyết bay như bụi trắng, phủ một lớp mỏng trên mặt kính.
Tachiana thắp ngọn nến trên bàn, ngồi xuống ghế bành và nhìn mãi ngọn nến. Ngọn nến cũng chả buồn lay động. Sau đó nàng thận trọng lấy ra một bức thư, bóc phong bì, nhìn chung quanh rồi bắt đầu đọc :
"Cha yêu quý, thế là con đã nằm bệnh viện được một tháng - nàng đọc. - Vết thương không nặng lắm. Đại thể là nó đang lên da non. Xin cha đừng lo lắng và chớ hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Con van cha đấy !"
"Con luôn nhớ đến cha, - Tachiana đọc tiếp, - đến ngôi nhà của cha con ta, đến tỉnh lỵ của chúng ta. Tất cả những cái đó xa xăm quá, tưởng như ở đâu mãi chân trời. Con nhắm mắt lại và thấy con mở cửa hàng rào, bước vào vườn. Mùa đông, tuyết xuống, nhưng còn đường dẫn tới phong đình bên dốc đã được quét dọn sạch sẽ, còn băng bụi phủ đầy những khóm tử đinh hương. Lò sưởi trong phòng kêu tí tách. Khói bạch dương thoang thoảng. Cây dương cầm cuối cùng đã được lên dây lại và cha đã cắm những cây nến vàng hình xoắn ốc con mua từ Lêningrat vào những chân đèn. Và vẫn những bản nhạc ấy trên chiếc đàn ? Bản tự khúc của vở nhạc kịch "Con đầm Pích" và tình ca "Trên bờ cõi Tổ quốc xa xôi". Không biết những quả chuông treo ở cửa có kêu không ? Thế là con vẫn chưa kịp chữa. Chả lẽ rồi con sẽ lại được gặp tất cả những cái đó ? Chả lẽ rồi con lại được lấy nước giếng trong bình mà rửa sạch bụi đường xa ? Cha nhớ không ? Ôi, nếu cha biết được rằng từ chốn xa xôi này con yêu mến tất cả những cái đó biết chừng nào ! Cha đừng ngạc nhiên, nhưng con nói với cha một cách thật nghiêm túc rằng con nhớ đến những cái đó trong những phút ác liệt nhất của trận đánh. Con biết rằng con đang bảo vệ không riêng gì bờ cõi đất nước mà cả cái góc nhỏ bé và thân yêu ấy trong lòng con : tức là cả cha, cả khu vườn nhà ta, cả những chú bé tóc bù xù trong làng ta, cả những cánh rừng bạch dương bên kia sông và cả con mèo Ackhip nữa. Xin cha đừng cười và đừng lắc đầu cha nhé.
Có thể khi ra viện con sẽ được về nhà ít lâu. Điều đó chưa chắc lắm. Tốt hơn là cha đừng đợi".
Tachiana ngồi mãi bên bàn, mắt mở to nhìn qua cửa sổ, nơi bình minh bắt đầu hé lên trong màu xanh dày đặc, và nghĩ rằng rồi đây, ngày một ngày hai, một người không quen biết có thể từ mặt trận trở về ngôi nhà này và nguời đó sẽ đau khổ khi phải gặp những người xa lạ ở đây và phải trông thấy mọi vật hoàn toàn không giống như ý người đó muốn.
Sáng hôm sau, Tachiana sai Varia lấy xẻng ra dọn con đường dẫn tới phong đình trên bờ dốc. Cái lầu đã hoàn toàn cũ nát. Những cột gỗ mốc meo, rêu phủ đầy. Tachiana tự tay chữa quả chuông con trêu trên cửa. Trên chuông có một hàng chữ đúc đến buồn cười "Ta treo trên cửa - hãy giật cho vui !". Tachiana đụng vào chuông, nó kêu lên lanh lảnh. Con mèo Ackhip khó chịu, ve vẩy đôi tai, rồi bực dọc đi ra khỏi nhà ; có lẽ nó cho tiếng chuông vui vẻ kia là càn rỡ.
Trưa hôm đó, Tachiana, má ửng hồng, cười nói ầm ĩ, mắt quầng thâm vì xúc động, từ ngoài phố về dắt theo một ông lão lên dây đàn, một người Tiệp đã Nga hóa. Ông lão làm nghề chữa đèn cồn, đèn dầu hỏa, búp bê, ắccoócđêông và lên dây đàn dương cầm. Ông lão có cái họ rất buồn cười : "Nêviđan" (của lạ). Sau khi lên dây đàn, ông già nói rằng chiếc đàn cũ nhưng rất tốt. Không cần ông nói Tachiana cũng biết.
Khi ông lão đã ra về, Tachiana cẩn thận lục khắpc các ngăn kéo bàn và tìm thấy một gói nến to hình xoắn ốc. Nàng cắm và các chân nến đặt trên dương cầm. Tối đến, nàng thắp nến, ngồi chơi đàn, và tiếng nhạc tràn ngập ngôi nhà.
Khi Tachiana ngừng chơi và tắt nến đi thì một làn khói thơm tỏa ra khắp các phòng như quanh cây thông ngày hội.
Varia không chịu được nữa.
- Sao mẹ lại đụng vào đồ vật của người khác ? - Nó nói với Tachiana. - Mẹ cấm con, còn mẹ thì lại đụng vào đủ mọi thứ ? Nào chuông, nào nến, nào đàn. Mẹ lại đặt những bản nhạc của người ta lên trên dương cầm nữa.
- Vì mẹ là người lớn, - Tachiana trả lời.
Varia chau mày, ngờ vực nhìn mẹ. Lúc này Tachiana không giống người lớn một chút nào. Mặt nàng tươi hẳn lên và nom nàng giống cô gái tóc vàng đã đánh rơi chiếc hài pha lê trong hoàng cung. Chính Tachiana đã kể cho Varia nghe chuyện cô gái ấy.
* *
*
Ngồi trên tàu hỏa, trung úy Nikôlai Pôtapốp đã tính rằng anh chỉ có thể ở nhà với cha nhiều lắm là một ngày đêm. Hạn nghỉ phép thì ngắn mà đi đường đã chiếm gần hết thời gian.
Tàu hỏa tới thành phố vào ban ngày. Ngay tại nhà ga, trung úy được người quen làm trưởng ga cho biết cha anh đã mất một tháng và một nữ ca sĩ trẻ cùng đứa con gái đang ở nhà anh.
- Chị ta là người tản cư, - ông trưởng ga nói.
Nikôlai im lặng nhìn ra ngoài cửa kính, nơi những hành khách mặc áo bông, đi ủng dạ, tay cầm ấm nước, đang chạy. Anh thấy chóng mặt.
- Vâng, - ông trưởng ga nói. - Cụ nhà ta là người thật tốt bụng. Thế mà cụ chết đi không kịp gặp con trai.
- Bao giờ lại có tàu ra, thưa bác ? - Nikôlai hỏi.
- Năm giờ sáng mai, - ông lão nói, rồi im lặng một lát và nói tiếp. - Anh lại đàng tôi chơi. Bà lão nhà tôi sẽ pha trà, làm cơm anh ăn. Anh không phải về nhà nữa đâu.
- Cảm ơn bác, - Nikôlai trả lời và bước ra.
Ông trưởng ga nhìn theo, lắc đầu.
Nikôlai đi qua tỉnh lỵ về bờ sông. Phía trên là một bầu trời xanh xám. Tuyết lơ thơ, bay chênh chếch giữa trời và đất. Mấy con quạ bước đi bước lại trên còn đường phân rác bẩn thỉu. Trời sẩm tối. Gió thổi từ bên kia bờ sông, từ những cánh rừng, làm anh chảy nước mắt.
"Làm sao được ! Nikôlai nói. - Chậm mất rồi ! Và giờ đây cái tỉnh lỵ này, cả con sông và ngôi nhà - mọi thứ đối với ta gần như xa lạ !"
Anh ngoảnh nhìn sườn đồi bên kia thành phố. Ở đó hiện lên lờ mờ ngôi nhà trong khu vườn tuyết phủ. Từ ống khói tỏa ra, khói bị gió cuốn về cánh rừng bạch dương.
Nikôlai thong thả bước về phía nhà mình. Anh định không vào nhà mà chỉ đi ngang thôi, cũng có thể, rẽ vào vườn đứng một lát trong cái lầu cũ kỹ. Thật khó chịu khi nghĩ rằng những người thờ ơ xa lạ đang ở trong ngôi nhà của cha anh. Tốt hơn là chẳng nhìn thấy gì hết để khỏi phải đau lòng, cứ đi đi và lãng quên dĩ vãng.
"Ờ, - Nikôlai nghĩ bụng, - con người mỗi ngày một trưởng thành, và nhìn sự vật chung quanh một cách nghiêm khắc hơn".
Nikôlai về đến nhà khi trời tối. Anh nhẹ nhàng mở cửa vào vườn, nhưng nó vẫn kêu ken két. Mảnh vườn như giật mình. Tuyết đọng trên cành rơi xào xạc. Anh nhìn quanh. Trên con đường nhỏ dẫn tới phong đình, tuyết đã được dọn sạch. Nikôlai vào trong lầu, đặt hai tay lên cái lan can cũ kỹ. Đằng xa, bên kia rừng, bầu trời hồng lên mờ nhạt : có lẽ trăng đã lên sau những đám mây. Nikôlai cất mũ, lấy tay vuốt tóc. Chung quanh yên lặng, chỉ ở dưới chân đồi, mấy người đàn bà xách những chiếc xô rỗng kêu loảng xoảng đi đến lỗ băng lấy nước.
Anh chống cùi tay lên lan can nói khẽ :
- Có thể nào lại như thế ?
Có ai đó nhè nhẹ chạm vào vai anh. Nikôlai ngoảnh lại. Đằng sau anh là một thiếu phụ trẻ, có khuôn mặt xanh xao và nghiêm nghị, đầu trùm khăn len. Thiếu phụ nhìn anh bằng đôi mắt sâu thẳm và chăm chú. Trên mi mắt và má nàng những bông tuyết tan dần. Có lẽ đó là tuyết trên cành rơi xuống.
- Anh đội mũ vào kẻo cảm lạnh đấy ! - Thiếu phụ nói khẽ - Mời anh vào nhà đi. Không nên đứng ở đây.
Nikôlai im lặng. Thiếu phụ nắm lấy tay áo của anh và dẫn anh theo con đường nhỏ đã dọn sạch. Đến bên thềm Nikôlai dừng lại. Xúc động làm anh nghẹn ngào, không sao thở được. Thiếu phụ vẫn nói khe khẽ :
- Không sao, xin anh đừng ngại vì chuyện tôi ở đây. Cảm giác đó sẽ qua ngay thôi.
Nàng giậm chân để rũ tuyết bám vào giày. Tức khắc quả chuông trong phòng mắt áo reo lên lanh lảnh đáp lại. Nikôlai thở dài thực mạnh, lấy hơi.
Anh bước vào nhà, vẻ bối rối, lẩm bẩm điều gì. Ở phòng ngoài, mới cởi áo choàng anh đã ngửi thấy mùi khói bạch dương thoang thoảng và nhìn thấy con mèo Ackhip. Nó ngồi ngáp dài trên đi-văng. Một cô bé tóc bím đứng bên đi-văng và nhìn anh bằng cặp mắt sung sướng, nhưng không phải nhìn mặt anh mà nhìn mấy viền vàng trên tay áo anh.
- Vào đây, anh ! - Tachiana nói và dẫn anh vào bếp.
Trong bếp có bình nước giếng lạnh và treo một chiếc khăn vải lanh quen thuộc thêu hình những chiếc lá sồi.
Tachiana trở ra. Đứa con gái mang xà phòng cho Nikôlai và nhìn anh cởi áo, rửa mặt. Nỗi bối rối trong lòng anh vẫn chưa tan.
- Mẹ cháu làm nghề gì vậy ? - Anh hỏi con bé và đỏ ửng mặt. Anh hỏi câu đó cho có hỏi mà thôi.
- Mẹ cháu tưởng mẹ cháu là người lớn. - Con bé thì thầm với một vẻ bí ẩn. - Nhưng mẹ cháu chẳng phải là người lớn tí nào. Mẹ cháu còn xoàng hơn cả cháu nữa kia.
- Tại sao vậy ? - anh hỏi.
Nhưng con bé không trả lời, nó cười, và chạy ra ngoài.
Suốt buổi tối, anh không sao xua đuổi được cái cảm giác kỳ lạ là đang sống trong giấc mộng nhẹ nhàng mà sâu lắng. Mọi vật trong nhà xếp đặt đúng theo ý anh muốn. Vẫn những bản nhạc ấy trên dương cầm, vẫn những cây nến hình xoắn ốc đang cháy, nổ tí tách và chiếu sáng phòng làm việc của cha anh. Cả những bức thư anh gửi từ bệnh viện về cũng nằm trên bàn, dưới chiếc địa bàn cũ mà ngày trước ông cụ vẫn thường dùng chặn lên thư.
Uống trà xong, Tachiana dẫn Nikôlai ra sau cánh rừng thăm mộ cha anh. Mặt trăng mờ mờ đã lên cao. Những cây bạch dương tỏa sáng yếu ớt trong ánh trăng ngả bóng nhẹ xuống tuyết.
Đêm đã khuya, Tachiana ngồi trước dương cầm, nhẹ nhàng lựa phím đàn, rồi ngoảnh lại nhìn Nikôlai và nói:
- Tôi cứ có cảm giác là tôi đã gặp anh ở đâu rồi.
- Vâng, cũng có lẽ, - anh đáp.
Nikôlai nhìn thiếu phụ. Ánh nến ở bên cạnh soi sáng nửa khuôn mặt nàng. Anh đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng rồi dừng lại.
- Không, tôi không nhớ ra được ! - Anh nói giọng trầm trầm.
Tachiana ngoảnh lại hốt hoảng nhìn Nikôlai nhưng không nói gì hết.
Nàng đã sửa soạn chỗ ngủ cho Nikôlai trên chiếc đi-văng trong phòng làm việc, nhưng anh không sao chợp mắt được. Mỗi phút trong ngôi nhà này đối với anh thực sự quý báu và anh không muốn bỏ mất phút nào. Anh nằm lắng nghe bước chân rón rén của con mèo Ackhip, tiếng đồng hồ tích tắc, tiếng thì thào của Tachiana với người vú già sau cánh cửa đóng. Rồi những giọng nói im bặt, người vú già đã đi, những vệt sáng ở dưới cánh cửa vẫn không tắt. Anh nghe thấy các trang giấy loạt soạt : chắc Tachiana còn đọc sách. Anh đoán nàng thức cốt để gọi anh dậy cho kịp tàu. Anh muốn nói với nàng rằng anh cũng không ngủ, nhưng anh không dám gọi.
Bốn giờ sáng, Tachiana khe khẽ mở cửa và gọi Nikôlai. Anh cựa mình.
- Anh dậy đi thôi, đến giờ rồi, - nàng nói. - Tôi rất tiếc phải đánh thức anh.
Tachiana tiễn anh ra ga khi thành phố đang yên giấc. Sau hồi chuông thứ hai họ từ giã nhau. Tachiana đưa cả hai tay cho Nikôlai và nói :
- Anh nhớ viết thư nhé ! Giờ đây chúng ta như là người thân. Phải không anh ?
Nikôlai không trả lời, anh chỉ gật đầu.
Mấy hôm sau, Tachiana nhận được một bức thư của Nikôlai viết ở dọc đường.
"Tôi đã nhớ ra chúng ta gặp nhau ở đâu, - anh viết, - nhưng tôi không muốn nói với chị khi còn ở nhà. Chị có nhớ Krưm năm hăm bảy không ? Mùa thu. Những cây tiêu huyền cổ thụ ở công viên Livađia. Trời u ám, biển nhợt nhạt. Tôi đi theo con đường nhỏ tới Orêanđa. Trên chiếc ghế dài bên đường có một thiếu nữ đang ngồi. Cô ta chừng mười sáu tuổi. Trông thấy tôi, cô ta đứng dậy và đi về phía tôi. Khi chúng tôi đi ngang nhau, tôi liếc nhìn cô. Cô ta đi qua tôi rất nhanh, nhẹ nhàng, tay cầm một cuốn sách mở rộng. Tôi dừng lại, nhìn theo cô rất lâu. Thiếu nữ đó là chị. Tôi không thể nhầm được. Tôi nhìn theo chị và cảm thấy rằng có một người con gái vừa đi qua bên cạnh tôi, người đó có thể làm tan vỡ cả đời tôi mà cũng có thể đem lại hạnh phúc cho tôi. Tôi hiểu rằng mình có thể yêu người con gái ấy đến quên cả thân mình. Lúc đó tôi đã biết rằng phải tìm được chị dù phải trả bằng giá nào. Tôi nghĩ vậy, nhưng vẫn đứng lì tại chỗ. Vì sao - tôi chẳng biết. Từ ngày ấy tôi yêu Krưm và con đường nhỏ, nơi tôi đã gặp chị trong giây lát và mất chị vĩnh viễn. Nhưng cuộc đời đã thương tôi và tôi lại được gặp chị. Nếu mọi việc ổn thỏa và chị cần đến cuộc đời tôi, thì tất nhiên nó sẽ là của chị. À, tôi đã thấy bức thư của tôi bị bóc ra để trên bàn. Tôi đã hiểu tất cả và chỉ biết cảm ơn chị từ nơi xa này".
Tachiana đặt lá thư xuống, đôi mắt mơ màng nhìn qua cửa sổ ra mảnh vườn tuyết phủ, đoạn thốt lên :
- Trời, mình có ở Krưm bao giờ đâu ? Chưa bao giờ ! Nhưng lúc này cái đó có gì là quan trọng ? Và để cho anh ấy tuyệt vọng làm gì ? Và cả mình nữa !
Nàng cười, đưa tay lên che mắt. Ngoài cửa sổ ánh tà dương vẫn mờ mờ cháy đỏ, mãi không sao tắt được.
1943
Tôi là gã cao bồi nghèo đơn độc, rong ruổi trên đường dài xa quê hương...
taysonphuchung
Đội phó
Bài viết: 1084
Ngày tham gia: 16/09/2004, 18:33
Đến từ: An Nhơn - Bình Định
Đã cảm ơn: 0 lần
Được cảm ơn: 0 lần
Blog: Xem blog (1)
Đầu trang
bởi taysonphuchung » 12/04/2006, 08:51
:::Paustovsky:::
Người đầu bếp già
Một buổi tối mùa đông năm 1766, trong ngôi nhà gõ nhỏ ở ngoại ô thành Viên, người đầu bếp cũ của bà bá tước Tun - một ông lão mù - đang hấp hối. Nói cho đúng, đó cũng chẳng phải là nhà mà chỉ là một chiếc lều canh rách rưới ở sâu trong vườn. Khu vườn ngập những cành mục bị gió đánh gãy. Khi cành cây kêu răng rắc dưới mỗi bước đi thì con chó đực xích trong chuồng lại gầm gừ khe khẽ. Cũng như chủ mình, nó đang hấp hối vì tuổi già và giờ đây không còn sủa được nữa.
Mấy năm về trước người đầu bếp già bị mù vì hơi nóng của bếp lò. Từ ấy, viên quản lý của bà bá tước cho ông lão ở trong túp lều canh và thỉnh thoảng cho ông vài lon flôrin.
Ông lão ở với con là Maria, một cô gái độ tuổi mười tám. Đồ đạc trong lều vẻn vẹn có một cái giường, mấy chiếc ghế dài khập khiễng, một cái bàn thô, một số đồ sứ đã rạn nứt và một cái dương cầm kiểu cổ - tài sản độc nhất của Maria.
Cái dương cầm đã cũ lắm, cũ đến nỗi mỗi khi có tiếng động vang lên ở chung quanh là những dây đàn lại rung lên khe khẽ hồi lâu. Người đầu bếp gọi đùa cái dương cầm là "anh gác của nhà ta". Không ai có thể bước vào nhà mà không được cây đàn đón tiếp bằng một âm thanh run rẩy già yếu.
Khi Maria đã làm xong việc lau mình cho người cha hấp hối, mặc chiếc áo sạch lạnh giá vào cho ông, ông lão bảo cô :
- Cha không hề ưa bọn thầy tu và bọn nhà dòng. Vì vậy cha không thể mời cha xứ đến rửa tội, nhưng trước khi chết cha muốn cho lương tâm cha được trong sạch.
- Vậy phải làm thế nào thưa cha ? - Maria lo lắng hỏi.
- Con hãy ra đường, - ông lão nói, - và mời người đầu tiên mà con gặp vào nhà để rửa tội cho một người đang hấp hối. Không ai nỡ từ chối con đâu.
- Phố nhà thì vắng tanh... - Maria lẩm bẩm, với lấy khăn choàng lên đầu và bước ra.
Nàng chạy qua khu vườn, khó nhọc mở cánh cổng sắt gỉ và dừng lại. Phố vắng. Gió lùa lá rụng chạy trên mặt đường và từ trên bầu trời đen tối những hạt mưa rơi lạnh lẽo.
Maria đợi hồi lâu và nghe ngóng. Cuối cùng nàng cảm thấy có một người đi dọc theo hàng rào, vừa đi vừa hát. Nàng tiến lên mấy bước, va phải anh ta và kêu lên. Người đàn ông dừng lại, hỏi :
- Ai vậy ?
Maria nắm tay người đàn ông và nàng run rẩy nói lại lời yêu cầu của cha mình.
- Được rồi, - người đàn ông bình thản nói. - Mặc dù tôi không phải là thầy tu, nhưng không sao. Ta đi thôi.
Họ bước vào nhà. Dưới ánh sáng của ngọn nến Maria nhìn thấy một người gầy gò bé nhỏ. Chàng vứt chiếc áo mưa ướt xuống ghế. Chàng ăn vận tao nhã và giản dị - ánh nến lấp lánh trên chiếc camiđôn màu đen, trên khuy pha lê và cổ áo thêu ren.
Người lạ mặt còn trẻ lắm. Chàng lắc đầu hệt như đứa con nít, sửa lại bộ tóc giả rắc phấn, nhanh nhẹn đẩy chiếc ghế đẩu lại bên giường rồi ngồi xuống, đầu hơi cúi, chăm chú và vui vẻ nhìn vào mặt người hấp hối.
- Xin cụ cứ nói ! - Chàng bảo. - Rất có thể, với quyền lực không phải do trời, mà do nghệ thuật mà tôi phụng sự đã cho tôi, tôi sẽ làm cho những phút cuối cùng của cụ được thanh thản và cất đi gánh nặng đè lên tâm hồn cụ.
- Tôi làm việc suốt đời cho tới khi bị mù, - ông lão lẩm bẩm và nắm tay người lạ mặt kéo lại gần mình hơn. - Và ai làm việc người đó không có thời giờ để phạm tội. Khi vợ tôi bị lao - vợ tôi tên là Mácta - thầy thuốc kê đơn cho nàng nhiều thứ thuốc đắt tiền, buộc phải cho nàng ăn kem sữa và vả khô, uống rượu vang hâm nóng, vì vậy tôi đã lấy trộm trong bộ đồ ăn của bá tước Tun một chiếc đĩa vàng nhỏ, đập vụn ra rồi đem bán. Bây giờ tôi rất khổ tâm khi nhớ lại việc này, và phải giấu con gái tôi : tôi đã dạy nó không đụng đến một hạt bụi trên bàn người khác.
- Vậy chứ có ai trong những người hầu bá tước phu nhân bị vạ lây vì vụ đó không ? - Người lạ mặt hỏi.
- Thưa ngài, tôi xin thề là không có ai cả. - Ông lão trả lời và khóc. - Nếu tôi biết rằng vàng cũng chẳng cứu được Mácta thì tôi đã chẳng lấy trộm !
- Tên cụ là gì ? - Người lạ mặt hỏi.
- Iôhan Mâye, thưa ngài.
- Vậy thì thưa cụ Iôhan Mâye ! - Người lạ mặt nói và đặt tay lên đôi mắt mù của ông lão, - trước mọi người cụ không có tội. Việc cụ đã làm chẳng phải là tội lỗi, cũng chẳng phải là ăn trộm, ngược lại, có thể coi nó như một chiến công của tình yêu.
- Amen ! - Ông lão nói khẽ.
- Amen ! - Người lạ mặt nhắc lại. - Còn bây giờ, cụ hãy nói cho tôi biết ước nguyện cuối cùng của cụ.
- Tôi muốn có người sẽ săn sóc Maria.
- Tôi sẽ làm việc ấy. Cụ còn muốn gì nữa không ?
Người hấp hối bỗng mỉm cười và nói lớn :
- Tôi muốn một lần nữa được nhìn thấy Mácta như buổi đầu tôi gặp nàng lúc còn trẻ. Nhìn thấy mặt trời và khu vườn cũ này khi nó nở hoa vào mùa xuân. Nhưng cái đó không thể nào có được, thưa ngài. Xin ngài đừng bực mình vì những lời lẽ ngu xuẩn đó. Bệnh tật đã làm cho tôi không còn sáng suốt.
- Được, - người lạ mặt nói và đứng dậy. - Được, - chàng nhắc lại, đến gần chiếc dương cầm và ngồi xuống chiếc ghế đẩu kê trước đàn. - Được - lần thứ ba chàng nói lớn và bất thần tiếng đàn vút lên vang dội khắp lều như thể có hàng trăm viên pha lê rơi xuống sàn.
- Cụ hãy nghe đây, - người lạ mặt nói. - Cụ hãy nghe và hãy nhìn đây.
Chàng bắt đầu chơi. Về sau Maria nhớ lại khuôn mặt của người khách lạ khi phím đàn đầu tiên rung lên dưới tay chàng. Một sắc tái kỳ lạ phủ lên trán chàng và có một ngọn nến lung lay trong đôi mắt chợt tối đi của chàng.
Lần đầu tiên sau nhiều năm chiếc dương cầm ca hết giọng. Tiếng đàn tràn ngập không riêng gian lều mà cả khu vườn. Con chó già bò ra khỏi chuồng, đầu ngả về một bên, nó chăm chú nghe, vẫy đuôi khe khẽ. Tuyết bắt đầu rơi, nhưng con chó chỉ ve vẩy đôi tai.
- Tôi thấy rồi, thưa ngài ! - Ông lão nói và gắng gượng ngồi dậy. - Tôi thấy ngày tôi gặp Mácta và nàng vì ngượng ngùng đã đánh vỡ vò sữa. Lúc ấy vào mùa đông, ở trên núi. Bầu trời trong xanh như thủy tinh, và Mácta cười. Nàng cười, - ông lão nhắc lại, tai lắng nghe tiếng róc rách của cung đàn.
Người lạ mặt chơi đàn, mắt nhìn vào cửa sổ tối om.
- Còn bây giờ, - chàng hỏi, - cụ có nhìn thấy gì không ?
Ông lão im lặng nghe ngóng.
- Chẳng lẽ cụ không nhìn thấy ư ? - Người lạ mặt nói nhanh và vẫn tiếp tục chơi. - Đêm đang đen bỗng thành màu xanh thẫm rồi lại thành xanh lam, và ánh sáng ấm áp đã từ nơi nào trên cây cao kia chiếu xuống. Hoa trắng đang nở trên cành cây già cỗi trong vườn nhà cụ. Tôi cho đó là hoa táo mặc dù từ trong nhà này nhìn ra chúng giống hoa tuylip hơn. Cụ thấy không : tia nắng đầu tiên đã rơi xuống bức tường đá, sưởi ấm cho nó và từ đó hơi nước đang bốc lên. Chắc đó là do đám rêu ướt đẫm nước tuyết tan đang khô dần. Còn trời thì cứ cao lên mãi, xanh thêm mãi, đẹp thêm mãi, và trên thành Viên cổ kính của chúng ta từng đàn chim đang bay về phương bắc.
- Tôi trông thấy tất cả những cái đó ! - Ông lão kêu lên.
Bàn đạp rít lên khe khẽ và chiếc dương cầm cất cao giọng trịnh trọng như thể không phải chỉ riêng mình nó mà cả hàng trăm giọng hát vui mừng.
- Không, thưa ngài, - Maria nói với người lạ mặt, - hoa đó không hề giống tuylip. Đó là những cây táo nở rộ trong một đêm.
- Vâng, - người lạ mặt trả lời, - đó là hoa táo nhưng cánh của chúng rất to.
- Mở cửa sổ ra, Maria ! - Ông lão bảo.
Maria mở cửa sổ. Một luồng không khí lạnh ùa vào phòng. Người lạ mặt chơi rất khẽ và rất chậm.
Ông lão ngã xuống gối, thở dốc, đôi tay quờ quạng trên tấm chắn. Maria chạy vội lại. Người lạ mặt ngừng chơi. Chàng ngồi lặng trước chiếc dương cầm như bị mê đi bởi tiếng nhạc của chính mình.
Maria kêu lên. Người lạ mặt đứng dậy và bước đến bên giường bệnh. Ông lão vừa thở hổn hển vừa nói :
- Tôi đã thấy tất cả, rõ như hồi trước đây. Nhưng tôi không muốn chết đi mà không được biết... tên. Tên ngài !
- Tôi là Vônfgăng Amêđây Môza, - người lạ mặt trả lời.
Maria lùi lại và cúi xuống, đầu gối gần sát đất, trước người nhạc sĩ vĩ đại.
Khi nàng đứng thẳng lại thì ông lão đã qua đời. Bình minh cháy đỏ ngoài cửa sổ và trong ánh sáng ban mai, khu vườn đã phủ đầy hoa tuyết ướt.
KIM ÂN dịch
Tôi là gã cao bồi nghèo đơn độc, rong ruổi trên đường dài xa quê hương...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top