Phần 1:
"Qua một rừng hoang gió núi theo sang giũ bụi đường trên vai.
Hái cây hoa dại lẻ loi bên đường,
gọi hoa Trinh Nữ."
Một ngày nắng gỏng, cháy da cháy thịt, tưởng như ai đốt nương rẫy rải lửa nóng hầm hập.
Trên mảng rừng đầu thôn, chim chóc réo nhau hót líu lo. Nó lọ mọ bài ca sơn hà tình tứ lũ uyên ương mà thị ghét ghê gớm, đến mức mỗi sớm bừng dậy trong mộng mơ thối người. Tiếng loài chim chốc chốc vọng đến, át luôn tiếng suối rì rào trên đỉnh núi quanh co, khúc khuỷu. Những mảng sáng xuyên qua tán lá, hắt xuống bóng đen mờ mờ lẫn những đốm màu nhạt nhếch khuếch trương không gian thêm phần xán lạn.
Thị lại cúi người, lúi húi cóp nhặt loại nấm mọc trên thân gỗ mục. Thị đi từ sớm, hồi trời còn chập chờn tối đến tận lúc chơn vơn trên đỉnh đầu. Chiếc giỏ bên tay người đàn bà đơn bạc với chiếc áo cũ mèm vốn trắng tươm nay ngả vàng, bấy giờ đầy vun. Chắc mẩm từng ấy đã đủ cho vài ngày sinh sống, thị vội vã dọc theo lối mòn nơi sườn núi, nhanh bước về ngôi nhà cuối thôn.
Thời tiết ngày hôm nay thật lạ. Rõ đang nắng chói chang, ấy mà chưa đến bao lâu, mưa đã đột ngột rơi xuống từng giọt, từng giọt một[1]. Thị không thích mùi đất ẩm ướt mỗi khi mưa, cái hương đương mốc meo xộc chiếm khoang mũi. Và càng không thích hơn cảm giác ướt chèm nhẹp, tóc tai bết nước, lẫn cảnh tượng lẻ loi chính mình chống chọi. Nó buộc thị nhớ đến bản thân, cũng tương tự chứ có khác đâu, âu cũng kiếp đàn bà.
Thị đã đối diện với sự thực ấy hàng tá lần, nhưng chả bao giờ thoát nổi, nó ám ảnh thị, ăn mòn thị gầy đuộc, teo tóp và khổ sở thế này đây. Thị lảo đảo nghĩ, lui thui cái dáng khắc khổ của kiếp số chôn chân chờ chồng trong vô vọng, và tàn khốc. Lánh vào một đình hoang bị bỏ xó, thị đứng co ro trong hốc, cố lãng đi từng đợt lạnh lẽo đang đeo bám.
Tuy không phải người duy nhất nơi này, nhưng thị lại là người đặc biệt đáng để tâm, bởi chiếc áo mỏng dính và có vẻ không hợp với độ chuyển mùa khắc nghiệt năm nay. Nhận thấy ánh mắt miệt khinh, cùng rẻ rúng mà bản thân sớm quen, thị dường như mạnh mẽ hơn không ít, dẫu cái lạnh từ họ còn buốt rét vượt xa sương gió phong phanh nhiều. Thị nào dám nói gì, chỉ có thể cúi gằm mặt, mà nghe họ bàn tán, rồi nháo nhào bao lời xôn xao của những ả thôn phụ.
"Ối giời, hồi hổm thằng Tuất cháu tui nó lên hội thành, nghe họ truyền nhau mấy câu chuyện vặt."
Lời người thứ nhất vừa dứt, kẻ thứ hai đã không nhịn được tủm tỉm.
"Ôi dào, hội thành thì thiếu gì dịp, tôi cũng góp mặt đâu ít. Xời chứ chuyện vặt, cái làng này có bao giờ thiếu chuyện để hầu chị bàn." Mắt tinh ý đảo qua bóng dáng đang lặng người phương xa, ba hoa tiếp. "Như chuyện nhà bà Dâu, hay cái thị bị chồng bỏ nhập binh đâu đó."
Người đàn bà chu chiếc mỏ nhọn hoắc, chiếc lưỡi lươn lẹo đương đá xéo không ngừng, phóng lời độc địa như mãng xà ngàn năm. Chẳng là hồi trẻ, ả đem lòng đơn phương gã trai làng nhà bên, với vóc dáng rắn rỏi, mà chân phương yêu lắm. Ngặt nỗi, người ta nào có mến ả, đem lòng se duyên với thị mồ côi không ba không má mà tiếng lành đồn xa, được già làng trai thôn khen đâu nức tiếng. Rồi nghe nói, trai tài gái sắc, hai người sánh đôi tựa kim đồng ngọc nữ. Mỗi tội không lâu người đàn ông được lệnh nhập ngũ, tòng quân hộ vua dẹp giặc, cứu nước để lại mẹ già, và người vợ trẻ bơ vơ.
Còn ả, ả bị người mợ ham hư vinh ép lấy lão già năm mấy, vật vờ như xác sống. Rồi ả trù, trù cho lão chết, chứ thà ả đơn thân mà chiếm cả gia tài kếch sù, còn hơn chăm sóc cho loại khỉ khô gần đất xa trời. Có điều, miệng ả linh thiệt. Hồi trước là mắng vặt chuyện tình của đôi nam nữ rồi nó tan tành, xong giờ chuyển qua chỉ trỏ đời tư lão chồng sắp vào cửa, thế đúng đêm tân hôn, lão thăng luôn. Rồi ả sống, sống với đống tiền tài của cải như sông như bể. Nhưng ả nào thấy vui, hồi đầu hớn hở, rồi tiêu tán dần thành chán, tẻ nhạt, và đơn độc sao sao í. Ngẫm thì, ả muốn như thị hơn, cái kiếp của đàn bà thì ai cũng như ai, mất chồng thì lo mà giữ cái bản trung trinh liệt tiết chứ để vấy ố thì khổ. Nhưng thị, ít nhất thì thị ta đã có một kí ức, một trang tình sử đẫm màu ngọt ngào mà ả thèm thuồng, khát khao chứ sao nếm được. Vậy nên ả ghen, ả tức. Chứ ngoại trừ ghen tức, rồi đánh động, xỏ xiên cho sướng cái miệng, và chiêm vào những tháng năm nhàn nhạt này những thú vui "tao nhã" ấy thì còn gì để ả thôi nguôi ngoai những mơ ước thưở thiếu nữ.
Sống như ả, nhìn thì sướng nhưng vẻ vang, vui tươi gì.
Đời như thị, ừ thì cực nhưng còn có cái để tiến, để chờ, để mơ lần nữa gọi tiếng "chồng".
Hai đôi mắt cùng phóng vào màn mưa, để từng tiếng tí tách lạch tạch vọng về bên tai theo những đợt nổi gió. Cạnh ả, bà thím già nhà gã trưởng thôn chua ngoa lại ừ hử chen vào tọc mạch, đoạn khoe mẽ thằng con, nhóm cháu, lứa chắt cùng mấy thứ vẻ vang ít ai đạt.
"Đâu, tui chắc em làm gì biết đa. Chẳng là nghe kinh thành phồn hoa đồn thổi, đợt này giặc tan, lính rã, thánh thượng ân chuẩn cho họ hồi hương, ban thưởng hào phóng, thịnh vượng..."
Lời thím khò khè, thỏ thẻ chẳng khác gì lũ đàn bà mồm mép tép nhảy ngày thường nhưng vẳng vào tai thị lại như ai gióng trống khua chiêng, đánh từng đợt âm ỉ, đau đáu con tim. Thị hoảng quá, chắc vì vui, hoặc vì lo cái tin xấu mà thị luôn cố tình tránh né vì chẳng đợi được tấm thư nào từ phương xa nên va phải cửa gỗ, để nấm đổ ào lăn lóc.
Thị ngây như thóc, mãi đến lúc ả lanh lảnh cất cao giọng, mới mau chóng phục hồi được thần trí:
"Ố, thế thì tốt quá. Nhưng phải có mạng, thì mới hưởng nổi. Biết đâu-" Ngừng một lát, dường như chần chừ rồi thôi không nói nữa.
Mà vậy là đủ, chứ đâu cần nhiều. Chỉ bằng bấy nhiêu. Chỉ bấy nhiêu.
Thị xốc vội tinh thần, cúi đầu toan nhặt những cây nấm rải rác trên mặt đất. Nước lất phất hắt vào, thấm ướt đôi gò má xanh xao, nhợt nhạt của người đàn bà áo vải. Trông thiếu phụ lúc này thê thảm vô ngần. Và ả bước đến, nụ cười giương cao ngạo mạn không thua kém ai.
"Để tôi giúp chị ngheo?" Ả nói, nhẹ bẫng à.
Môi thị mím chặt, không thốt nổi một lời. Luống cuống nhặt nhanh, không thừa không thiếu, thị chạy một đi mạch. Mưa hơi tạnh, nhưng đâu có nghĩa là hoàn toàn thôi rơi nước. Số thị khổ, chắc cái nghiệt kiếp trước. Trách thì trách trời, than đời, than khơi cho vơi cái nỗi chứ thị biết làm gì khác đâu. Không chồng, không con, không tiền, không quyền, trên lại có mẹ già, dưới gối còn mồ mả tổ tiên không ai chăm coi, nom hộ. Thôi thì ráng, được một ngày thì một ngày, trời xanh có mắt, thị nào vọng ước cao sang gì ngoại trừ viễn tưởng người yêu quay về, hội ngộ cùng vun vén tổ ấm gia đình. Thấp cổ bé họng, những kẻ nghèo hèn giống thị hẳn là con nhái trong biển đời chông gai, dập dềnh và trôi nổi, không biết bao giờ mới chạm bờ.
Trượt chân, thị ngã lăn trên bùn đất. Sình lầy bám vào chiếc áo cũ, dội nó chuyển màu sang nâu, và biến đen những sợi chỉ tưa ra ở gấu áo, lưng quần, nhiều không kể xiết. Đây chắc là ngày tồi tệ nhất của thị. Thị đã ngẫm thế. Nhưng dù té, dù đau thì thị vẫn đứng dậy. Chắc chắn rồi. Chỉ cần có ngày mai, thì thị nhất định sẽ sống hết phần hôm nay.
Thị tập tễnh trở về nhà, đến nơi thì bầu trời lại trở về nguyên vẹn xanh mướt, và hanh khô như ban đầu. Tưởng chừng sau mưa, ánh sáng lại phát quang mạnh mẽ hơn, và đang ôm ấp, sưởi ấm thị vậy. Thị thích lắm, đấy là cái lí vì sao thị yêu nắng. Ít nhất thì thị có thể ra chợ bán nốt những thành phẩm để đổi gạo, hoặc mua ít vải vóc đem về nhà, hay lên rừng hái những thứ có thể ăn, và lặp lại guồng quay cuộc sống.
Mợ ngóng hoài nàng dâu, đến mức mà dáng người đàn bà vừa hiện diện đằng xa, lòng đã nôn nóng bổ nhào mà dắt vào nhà. Trông thấy thị mình mẩy đầy bùn đất, mợ đau đáu trong tim, nào dám trách đâu.
"Trời ơi, con tui." Mợ kêu điếng người, như thể người bị thương là chính mình vậy. "Thôi thôi vào nhà, mợ hâm lại nước nóng, rồi con tắm nghe."
Biết mợ thương, mợ lo nên thị cũng bớt đau. Không có thuốc thoa, nhưng vết thương giống như được dưỡng lành một cách thầm lặng. Tính ra, số của những đàn bà nhà này ngộ thiệt. Từ mẹ chồng đến nàng dâu đều đúng cái số chờ chồng giải ngũ hồi hương. Nhưng người đàn ông đầu tiên bặt vô âm tín, giờ tới con trai cũng không một móng tin tức. Họ chỉ biết ngóng, rồi trông, để mà mong, và thầm hóng tin lành về người thân chinh chiến phương xa.
Cách vách mợ là một buồng được lợp bằng lá dừa nước dành cho việc tắm rửa, lúc thị bước vào thì thùng nước mợ đan hồi đầu năm làm bằng nứa vẫn còn tản mác khói. Thị chạm tay vào làn nước. Âm ấm. Rồi thị chuyển tầm mắt sang bó củi không còn nhiều nơi bếp, không nghĩ ngợi nữa liền cất tiếng:
"Mợ ơi, thôi nhé, nước đủ ấm rồi."
"Được không đó?" Mợ làm gì tin thị, tính thị vốn nhẫn nhịn, lại để mọi thứ trong lòng và ôm hết khổ. Trời thần, mợ tin rằng mình đã tu mấy kiếp mới kết duyên mợ con được với thị. Vậy nên, cái tích mẹ chồng nàng dâu đời cố lũy nào sẽ chẳng thể diễn ra ở ngôi nhà vốn lặng lẽ, độc mỗi hai ả đàn bà. Nhưng lúc mà mợ dời mí mắt về phía những cành củi khô được con dâu nhặt nhạnh đem về thì vỡ lẽ, ngầm hiểu ý thị, mợ hiền hóa dịu lời. "Thế thôi, mau tắm rồi mợ dọn cơm."
Mợ nào phải kẻ vô dụng, nhưng già thì nào đủ sức làm những chuyện nặng nhọc. Cố quá thành quá cố, mợ hay thị cũng không gượng ép chính mình quá sức. Nghèo thì sống kiểu nghèo, miễn sao đủ qua ngày. Dẫu thế những lúc rỗi, mợ vẫn ngồi đan tre nứa làm vật dụng gia đình, nếu thừa có thể để thị đem đổi thành tiền, mua chút vải vóc, lương thực. Hay nhẹ nhàng hơn, mợ có thể ngồi thêu dệt, chăn tằm, may vá để giảm bớt những gánh nặng khác về chi phí trang trải. Ở đời, không chỉ sống vì mình mà phải sống vì người, vì nhau. Đặt tình nghĩa làm đầu, mới thấu được nhân đức sống còn.
Ngoại trừ tiếng nước buồng sau vẳng đến, ngôi nhà lại yên bình như thường lệ, đến cả âm động giao nhau giữa kim chỉ và vải vóc cũng quá đỗi nhẹ nhàng.
Ngần ngừ, chần chừ, bao cảm xúc tiếp nối khiến mọi động tác của người đàn bà cũng chậm lại thấy rõ như trăng tỏ đêm rằm. Nghĩ suy mãi không phải cách hay, thị vội lau khô mình, bước đến đối diện với người phụ nữ, người mẹ xa con, người cạnh thị, người cho thị yêu thương.
"Mợ ơi..." Thị thấp giọng, sự bất ổn hiện ra mồn một không thể che giấu.
Mợ vỗ về mu bàn tay thị, rồi tiếp tục cặm cụi công việc.
"Con cứ việc nói, còn có gì phải sợ giữa hai mợ con ta nữa đâu?" Chợt sực nhớ chuyện gì, đôi mắt mợ bỗng hóa nhu tình, như dòng chảy nhịp nhàng của sông độ xuân sang. "Hay là con nhớ đến tấm lụa đào ngày ấy ở chợ? Mợ cũng tiếc bỏ lắm. Mợ không ngại gạo tẻ, nếp khô, con cứ việc-"
Lời mợ ngừng hẳn khi hốc mắt thị đầm đìa lệ, chắn ngang những lời người đàn bà hẳn đang muốn nói. Mợ nóng vội, hai tay mau chóng lau khô những luồng nước mặt đang ào ạt.
"Mợ..." Thị nức nở, giọng lệch hẳn không còn rành mạch. "Giặc đã hàng, thắng rồi, thắng rồi."
"Chàng... chàng sẽ... chàng nhất định... oa..."
Người đàn bà đâu phải kẻ ngơ, sống hơn nửa đời mợ chỉ đợi mỗi một câu này. Từng từ, từng chữ đều như quật ngã mợ, làm mợ sùi sụt và ngậm ngùi không ít. Mợ đã mất chồng, càng không muốn mất con. Mợ tựa như ngã ngửa, may mà con dâu mợ đỡ kịp. Rồi hai mợ con ôm nhau khóc ngất lên ngất xuống.
"Nó sẽ về mà, nhất định sẽ về."
Mợ dỗ dành thị, hoặc dịu êm bản thân, mà cũng có thể là cả hai. Ai biết được, trừ những người trong cuộc như họ đâu.
Hai ngày sau trôi qua chậm như một thế kỉ, hệt có ma lực vô hình trút cạn sinh mệnh đời người khô quắp, trần trụi. Thị tưởng mình già đi thấy rõ, và mợ thì sắp đến cõi vong lai. Những sợi tóc mai điểm bạc thoáng hiện nơi đỉnh đầu phong sương, dãi nắng dầm mưa của phận người suốt đời bươn chải chẳng kịp nghỉ ngơi.
Một lần nữa, họ sống lại, và trẻ trung tựa những lứa con gái độ trăng tròn thưở người đàn ông trong mộng thề thốt lời yêu. Gã về. Gã đã về. Gã về trong tiếng nức nở, giữa nụ cười và nước mắt. Lúc tiễn đưa là nụ cười thương tâm, chúc phúc đau lòng. Còn thời điểm gặp lại là chất lỏng mặn chát thấm đẫm ngũ vị tạp trần của thế gian.
Gia đình ôm ấp nhau trong sự sum vầy và viên mãn mà không cần tiền bạc, hay bất kì thước đo nào đánh giá. Họ khóc, họ mừng không phải vì bổng lộc vua ban, càng không do những lời tụng nịnh linh đình với châu báu hào hoa, ngất ngưỡng. Đỉnh điểm cầu khát lớn lao bấy giờ đều bởi vận mệnh đã trao trả người họ yêu khỏi chiến tranh, và máu thịt. Họ không cần những tấc đất không phải của quê hương, họ cần hòa bình, cần no đủ và hội tụ với người thân, người thương, người yêu. Chẳng qua điều cần nhất là những gì họ cho rằng trân quý, nguyện chờ đợi và liều mạng đánh đổi.
Nắm chặt tay chồng, thị không kể những ròng rã mươi năm mà chỉ thì thầm thật khẽ như lời khấn hồi ngày lễ Phật ở sân đình:
"Thiếp không không cầu vải vóc vua ban, xênh xang lụa là, trâm ngọc phấn hương hoa quý. Thà rằng mệnh yểu, đời xui, nguyện lòng với số mệnh, vui với phận trời ban. Nay chàng vẻ vang, hào khoáng. Đời này thiếp nào mong gì hơn."
Chạm nhau ánh mắt, vài giây ngắn ngủi sau chia xa tưởng như mãi mãi, người lính và cũng là người chồng, người con càng siết chặt hơn hai người phụ nữ gã xem như mạng sống kiếp này.
"Đã có ta, ta đã về." Hôn lên đỉnh đầu lấm tấm màu hoa râm, gã nấc giọng ngày đoàn viên. "Phu quân của nàng, ở đây. Sẽ không rời nàng một lần nữa, sẽ không đâu."
"Và mợ, hãy để con phụng dưỡng hiếu đạo, trả mợ và nàng những ngày cam khổ đã qua."
Trong cảnh sắc đoàn viên nồng ấm, thị luyến tiếc bao kỉ niệm vui buồn đắng chát ngót nghét nơi đầu lưỡi. Khóc nhiều hơn là nói. Bao lời dồn dập bấy lâu, từng sự tình muốn kể không cánh mà bay, chỉ chừa lại tấm lưng vững vàng nay sẵn sàng đương đỡ, đồng cam cộng khổ bao nhọc nhằn, chì chiết.
Thị vuột tay, vuốt ve khuôn mặt sạm đi vì nắng, và hằn những vết sẹo nơi má gã. Rồi thị ngẩn ngơ trước mái đầu nhiễm màu tuyết, một màu bạc trắng mang tên tuổi già. Đau lòng, giọng thị muôn vàn tê tái, tựa như ai đang dùng kim bọc thiết hằn sâu da thịt mình, chạm khắc những thương tích mà năm tháng, và chiến trang từng in dấu trên những thớ tế bào người cùng thuyền chung gối.
Không ngăn được sự dao động bất chợt từ cuống họng, trái tim bật thốt những lời tận đáy cảm xúc:
"Cân đai dai dẳng một đời,
Mũ áo đau đáu hao dời nơi tim.
Lộc vua như sim cao quý,
Muôn vàn nhân thế nguyện quỳ nào than.[2]"
Những bóng lưng run run phủ rợp xuống nền đất vẻ lúng túng ít ai thấu nổi. Người chồng đặt tay vào cánh môi lẩy bẩy của vợ, nhằm khống chế những lời thật lòng mà chạm vào những giấu kín bưng bít bao lâu.
"Tóc người phủ hương đạp tuyết
Mái ta sáp màu nguyệt nhường đương sương.[2]"
- Còn tiếp -
***
Chú thích:
[1] Đây là hiện tượng mưa bóng mây. Tức mưa giữa trời nắng, nhanh đến nhanh đi.
[2] Thơ mình tự viết, có lẽ sẽ không vần.
Nghĩa gốc trước khi bị mình chế lại là: "Cân đai, mũ áo, bổng lộc vua ban,... tất cả đều đẹp nhưng mái đầu ta và ông ấy tự lúc nào đã ngả sang màu sương!"
Nhấn vào bình chọn để mình thêm yêu bạn, hi. <3
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top