Trận chiến vì bà Năm

Bữa trước tôi mới gáy với mọi người, bảo là mình sẽ tự tạo cho bản thân một cái kết khác, nhưng má nó, chắc phải nằm mơ thêm mấy lần nữa mới thấy cảnh đẹp. Từ lúc tôi về khu ổ chuột đến nay cũng phải ba tháng rồi, mà không lúc nào yên bình hẳn. Cứ dăm bữa lại có vài thằng ăn hủ tiếu hoặc nhậu mà không trả tiền, làm tôi phải dí đánh tụi nó đòi cho được nợ. Tất nhiên hôm nay cũng không ngoại lệ rồi. Nhưng kèo lần này ngược lại, vì có đứa kéo đến quán hủ tiếu của bà Năm để gây chuyện. Tụi nó hùng hổ kéo vô, mặt đứa nào đứa nấy đầy sẹo, chằng chịt như thể đã vào sinh ra tử trăm trận rồi. Một thằng nhỏ con nhất bọn, lại ra dáng một kẻ lãnh đạo, gằn giọng đòi tiền bảo kê. Tôi nghe xong thì phì cười. Cái khỉ họ gì vậy trời? Ở đây là khu ổ chuột, toàn dân lao động chân tay nghèo chết mẹ, chẳng hiểu sao đụng đâu cũng dính chuyện tiền. Đã vậy còn đúng lúc tôi dắt cái đám "cựu bảo kê" của tôi đến đây để đãi chúng nó ăn ngon một bữa. Cái máu giang hồ không phải nói bỏ là bỏ, vừa nghe tới "Tụi tao muốn đòi tiền bảo kê", cả đám đàn em của tôi đã đứng hết dậy. Tôi vốn tưởng chỉ là đụng độ giữa hai nhóm xa lạ. Ai mà có ngờ, thằng Phúc đàn em hiện giờ của tôi chen qua đám đông bước ra. Nó vỗ vai thằng đầu đảng bên kia, hạ giọng:
- Hải, đây là quán người quen tao. Kiếm mối chỗ khác đi mày.
- Ơ kìa, đại ca...À không, phải gọi cựu đại ca nhỉ? Dạo này sửa xe sao rồi anh, ngày được hai chục không?
- Thằng khốn này! Đừng có mỉa mai.

Thằng Phúc vừa dứt lời liền bị thằng Hải nhảy bổ vào đạp một cú trúng ngay be sườn của nó cộng thêm một cái nhìn đầy nhạo báng. Tôi cá là nó rất khó thở sau quả ra đòn chí mạng ấy. Bọn đàn em tôi chạy lại đỡ nó. Đứa nào cũng nghiến răng ken két, có vẻ khó chịu muốn xông lên lắm rồi. Nhưng làm gì thì làm, cũng phải tránh cái khu vực này ra để cho bà Năm làm ăn. Bả là người luôn cứu cánh cho tôi những lần mặt mũi trầy tróc, chừa cho bả chỗ buôn bán để còn có tiền mua bông băng thuốc đỏ cho tôi chứ. Đang chuẩn bị đánh nhau mà nghĩ tới đó, tôi cười cái khì. Xong thì làm gì? Dời địa điểm chiến đấu. Giang hồ hay giang gì thì cũng xài khổ nhục kế mới đạt được mục đích. Tôi cố gắng nhỏ giọng, nói:
- Tao biết là tụi mày cũng chỉ muốn lấy được tiền thôi đúng không? Thôi thì mình ra bãi tha ma nói chuyện cho dễ. Ở đây đông người quá!
- Mày tính chạy hay gì? - thằng Hải trừng mắt nhìn tôi.
- Khùng quá. Tao chạy làm chi, mày cũng biết chỗ tao sống rồi.

Nghe tôi nói vậy, thằng đàn em đứng sau lưng thằng Hải cũng gật gù làm nó lung lay ý chí, cuối cùng đồng ý đi ra bãi tha ma. Đoạn đường từ quán bà Năm tới địa điểm đã chọn không xa lắm, chỉ tầm năm chục mét nếu đi đường tắt. Tôi cũng có đàn em mà nên không sợ bị hội đồng. Nhưng ra đời thì làm đéo gì có chuyện mình nói, người khác nghe theo răm rắp. Thằng Hải canh vừa lúc tới con hẻm nhỏ, đạp tôi vào đó rồi tung một cú đấm thẳng vào bên má phải của tôi. Thằng này lợi hại hơn vẻ ngoài nhỏ bé của nó. Cú đấm nhanh với một lực đủ khiến tôi choáng váng. Tôi mơ màng cố gượng để đứng dậy. Mấy thằng nhóc bắt đầu đánh nhau loạn xạ, tiếng "bụp, bụp" vang lên rõ mồn một bên tai. Ai cũng có đối thủ cần hạ gục, chỉ riêng thằng Hải - đại ca của bên kia là hiên ngang đứng đợi tôi tỉnh hồn để đọ sức với nó. Miệng nó không ngừng khích tôi:
- Kèo này coi bộ không cân rồi nhỉ. Thằng yếu đuối như mày cũng được làm đại ca của đại ca tao sao?

Rồi thằng Hải đột ngột xông tới với nắm đấm tiếp theo. Tôi đã lấy lại sự tỉnh táo, nhanh chân bật nhảy lên để né sang một bên. Thằng này nhỏ con nhưng rất hăng máu, chỉ thích tấn công trực diện. Nó tiến tới thì tôi bước lùi, tay nó đấm tới thì tôi liền dùng cùi chỏ móc lên đỡ. Lần chiến nhau này, dù thắng hay thua thì tôi cũng ôm một mớ thương tích nữa. Tụi này không phải dân được học võ chuyên nghiệp, nhưng đòn đánh rất mạnh. Không chỉ thằng Hải mà tôi thoáng thấy đám còn lại cũng rất liều lĩnh lao về phía đối thủ, tay và chân hoạt động hết công suất. Hải trấn áp tôi bằng những cú đấm liên tiếp, tôi hết nghiêng đầu sang bên trái lại né qua bên phải. Một thằng đã chịu nhiều thương tích như tôi cũng lì lợm không kém nên mới chịu được mà chờ thời cơ. Vờn nhau được một lúc thì cái chân thoăn thoắt của nó từ từ thấm mệt sau khi tấn công không ngừng. Nhân cơ hội này, tôi tiếp cận kéo thằng Hải ngã bật ra trước về phía mình, tôi khéo léo trượt vào giữa hai chân nó, co hai chân rồi một phát búng thẳng lên đạp vào bụng nó. Thằng Hải thấp hơn tôi nên chân nó bị lơ lửng trên không, cố gắng vùng vẫy. Nhưng tôi đã dùng hết sức bình sinh, đẩy thân người nó lên rồi ném qua đầu mình. Thằng nhỏ lộn ngược một vòng rồi tiếp đất bằng lưng. Tiếng "uỳnh" dội lên như thể có một bao cát vừa được quăng ra xa. "Tao thua!" - Nó rên lên đau đớn.

Mồ hôi nhễ nhại và cơ thể ê ẩm, một bên mặt sưng lên do tác động từ cú đấm trước đó của thằng Hải, nhưng sau cùng thì tôi đã vượt được ải. Sự phấn khích khiến tôi quên cả đau, đứng bật dậy túm cổ áo thằng Hải và tuyên bố chiến thắng. Lúc này, toàn bộ đám bảo kê lẫn bọn đàn em của tôi đều buông tay, nằm la liệt dưới đất vì quá đuối. Đang nằm kèo trên mà, phải chặn đầu liền, tôi nói luôn:
- Tao không đụng tới ai, nhưng cũng đừng chọc tới tao. Những người có liên quan với tao thì đám chúng mày càng phải tránh xa. Thứ nhất là bà Năm, thứ hai là thằng Lâm. Nhớ lấy!

Dứt lời, tôi khoác tay gọi đám đàn em cùng đi về. Sau này bọn kia còn tìm tôi tiếp hay không cũng chưa đảm bảo được gì, nhưng phải đánh phủ đầu trước cho tụi nó chừa cái quán bà Năm ra một thời gian. Vẫn như những lần trước, sau khi đánh nhau, tôi lại về "báo" bà Năm thôi. Chỉ là lần này lực lượng hơi đông một chút. Cái đám lâu la của tôi tưởng đâu ngon nghẻ lắm, thật ra cũng sứt mẻ đủ chỗ. Bà Năm thấy đám chúng tôi từ xa là đã quýnh cả lên. Cái dáng mập mạp, lưng khom khom của bả chạy lạch bạch vào nhà nhìn vừa thương vừa tức cười. Cảnh này có lẽ cũng quá quen rồi nhỉ? Một túi nilon bự chảng đựng toàn là bông gòn với oxy già, thuốc đỏ và băng cá nhân. Bà Năm tay làm, miệng chửi. Bình thường thì cuộc nói chuyện của tôi và bả sẽ như cãi lộn ấy, vì tôi hay trả treo lắm. Riêng lần này, tôi chỉ nhìn bả, còn bả ngó mãi vào bên mặt sưng vù của tôi, tặc lưỡi xuýt xoa:
- Thằng ôn dịch, thiệt thương cho tụi mày quá. Vì cái quán nhỏ xíu như lỗ mũi của tao mà phải đi đánh nhau. Đợi chút nữa tao lăn hột gà cho.
- Còn thằng Phúc, thằng Hiển nữa, đám tụi bây ngồi xích lại đây, tao bôi thuốc từng đứa. Thiệt tình tụi bây! - bà Năm tự nhiên nhỏ giọng.

Tụi nhóc không đáp lời, nhưng đứa nào cũng lặng lẽ xích lại gần bả. Tôi trông mắt thằng Hiển tự nhiên sáng ngời. Bọn trẻ ở đây, nếu hoàn cảnh gia đình không phức tạp kiểu như tôi, thì cũng mồ côi, sống bụi. Chắc là lần đầu được cảm nhận sự dịu dàng, nó hơi bất ngờ. Giữa sa mạc cát, lại tìm thấy một viên đá nhỏ nhưng rất lấp lánh, lòng đầy tò mò cũng phải.
Ngồi một lúc, bụng thằng nào thằng nấy kêu lên vì đói. Bà Năm biết ý, vẫy tay gọi tụi tôi ra sân, bày bàn ghế ra rồi dọn sẵn mấy tô hủ tiếu đầy thịt, nghi ngút khói để đó. Bả xoa đầu thằng Hiển, chỉ cái tô nhiều thịt, thêm cái trứng cút, cười lớn:
- Tô này của mày. Thưởng công cho tuổi nhỏ nhưng tài...lanh cao. Bảo vệ quán tao được yên bình.
- Hổng phải con. Anh Bảo á dì Năm. Hồi nãy ảnh hay lắm, con nghía thấy ảnh móc giò quật như xi nô.
- Cái đó tao học lóm của người ta á. Mà xi-nê chứ không phải nô ông cố ơi! Cái miệng tía lia quá! - tôi chỉnh thằng Hiển.

Tiếng cười khúc khích lan ra rồi tụi khác bắt đầu cười ầm lên. Tội nghiệp thằng nhóc, tính kể chuyện mà bị hố hàng. Kệ! Nó thấy tôi ngầu là được.

Ăn uống no nê rồi thì đám chúng tôi phụ bà Năm dọn dẹp, chuẩn bị bán buổi chiều. Mấy thằng nhóc về chỗ ở nghỉ ngơi, sau đó thì tiếp tục tới tiệm học sửa xe hoặc cùng tôi đi chạy bàn quán nhậu. Cuộc sống khốn khó âu cũng là chuyện thường tình, thôi thì cứ bước tiếp, chậm cũng được, miễn không dừng lại...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top