II.
Hắn vẫn bảo miệng thị là miệng quạ. Ngay cái đêm đầu tiên hắn mở quầy xem tướng, thị gối đầu lên tay chồng tính toán, rằng đà này phải thêm dăm hôm mới được một mối đến mở hàng. Khéo còn lâu hơn nữa, mười ngày, nửa tháng, một tháng, nửa năm. Tính thế, vốn là nửa đùa nửa thật ai ngờ thật nhiều hơn đùa, đến nay đã hôm thứ năm mà hàng xem tướng vẫn ế chơ ế chỏng. Thế chẳng phải miệng quạ còn gì!
Mùa lạnh, nhà cạnh bên cho mớ áo xống cũ, thị giặt rồi giũ, vá víu lại một ít cho đám trẻ. Mắt mờ, đèn chẳng tỏ, vừa vá vừa nghe càu nhàu, tức mình, thì dừng tay nói lý:
- Buôn ớt bán chanh còn thế, huống hồ là buôn thần bán thánh. Mà đã biết xem vận mệnh, thầy nó lo tìm người hợp mệnh mở hàng chẳng tốt hơn ngồi đây trách vợ mình à.
- Thì... — hắn ngớ ra — Tìm là ra ngay, nhưng cái kẻ hợp mệnh đấy, năm sáu năm giời tôi toàn làm khổ người ta... Tử vi, xem cho người thì được, chứ ai dám xem cho mình.
Thị liếc mắt, miệng cứ nhênh nhếch lên mãi, giọng bông đùa:
- Này, người ta là người ta nào đấy?
Thấy hắn không đáp, thị bỏ áo trên tay xuống, khéo léo tránh chỗ bọn trẻ ngủ say, đến gần khều chồng:
- Này, này, người ta nào cơ?
Hắn lườm, quay ngoắt đi:
- Ai mà biết!
- Ba mấy tuổi đầu rồi ông tướng nhé, còn lườm nguýt, tưởng mình là cái Trai không bằng. Mà này, cũng khéo nhỉ, mệnh vợ mệnh chồng hợp nhau chằng chằng. — thị ngồi cạnh hắn ở bàn con, ngọn đèn tù mù chợt hắt sáng, mấy đồng lẻ trong tay bóng loáng và mùi dầu hăng lên như được mùa — Còn mấy đồng, mua thơ này.
Liếc mớ tiền trong tay thị — tiền vốn sớm mai ra chợ lấy hàng, hắn nghĩ bụng, cho đôi tay thôi hắn cũng bán cả cái thân cho thị. Mà giờ, thân này chẳng của thị ư? Không, của lũ con. Thị là tiểu thư sa cơ thất thế, hắn chỉ tình cờ chuộc thị từ giáo phường để thị khỏi phận xướng ca vô loại; dẫu có nên vợ nên chồng cũng chưa bao giờ nghĩ đến chữ yêu. Có chăng, là cái nghĩa.
Chỉ những kẻ yêu nhau mới muốn được là của nhau. Ngẫm lại, xưa nay hắn chưa từng nghĩ thế, muốn thế với thị. Nhưng hắn với thị có với nhau ba mặt con rồi, sau này dẫu đột ngột muốn nếm trải ái tình, chắc mười mươi cũng với thị mà thôi. Thế bây giờ nghĩ trước, đời hắn là của lũ con, còn thân hắn của vợ mình chắc cũng chẳng quá đáng gì đâu, nhỉ?
- Vợ chồng, tiền với chả bạc. Cất để mai còn buôn bán, chứ cái vườn bòn mãi cũng nhẵn. Này, "người quen" năm, sáu năm, mở hàng không lấy tiền nhé.
Hắn nhướng mày cười cười, cố ý kéo hai tiếng "người quen" ra cho thật dài, thật ngọt. Thị lắc đầu, rũ vai nhìn chồng lấy giấy bút hí hoáy viết. Đĩa dầu trên bàn sắp cạn, càng như thế, ánh lửa dường như càng lớn. Thứ ánh sáng vàng cam như đắp lên mặt thị tấm khăn mỏng tang, ấm áp. Ngoài sân vắng là tiếng quạ rền. Đầu thị thoáng qua bóng cây gạo cuối làng, quạ đậu đầy cành, rồi từng đàn từng đàn quạ thình lình vỗ cánh bay về miền xa thẳm.
Thị bần thần, hết nhìn chồng lại nhìn thứ chồng viết. Lửa hắt bóng chiếc bút lên trang giấy màu ngà, cái bóng dài phân giấy thành hai nửa. Một miền chữ nối chữ, chưa có ý dừng; mà miền kia ngược lại, vẫn rỗng không chưa lần chạm mực.
- Xong rồi, đọc đi.
Được một lúc, hắn đưa trang giấy giờ đã kín chữ cho vợ. Thị lẩm nhẩm, là một đoạn thơ, vui vui lại buồn buồn. Hóa ra hắn vẫn nhớ lời thị thuở thị còn ở giáo phường, và hắn là quan viên cầm chầu nghe hát. Mười mấy tuổi đầu, thứ thị hằng tưởng chỉ là một đám rước. Không cần rỡ ràng, chỉ cần đàng hoàng, nhưng kẻ rước thị phải là người yêu thị và thị cũng yêu.
Giăng bao nhiêu tuổi giăng già,
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non. (*)
Mình bao nhiêu tuổi mà son,
Để ta thương nhớ héo hon lòng... mề!
Mình ơi mình nếu chẳng chê,
Ba môi sáu sính mình về với ta.
Ruộng nương, gà vịt, cửa nhà,
Lễ nào bằng được con ta con mình!
Thị vừa cười vừa lau lệ rớm ở kẽ mắt, giọng trên trước, vòi vĩnh:
- Ối, giờ lại chả thích cái đấy nữa, thích giăng cơ. Chả lẽ thầy nó bắc thang lên giời hái giăng cho tôi?
- Thích thì chiều này, đưa đây.
Hắn cũng cười khẽ giằng lại trang giấy, chấm mực viết thêm đôi hàng:
Hay mình muốn bóng giăng in,
Cần gì đáy nước, ta dâng mình cả con giăng!
Cũng chẳng rõ ý hắn, "ta dâng mình" là hắn tự dâng bản thân hay tìm giăng đâu mà dâng cho thị. Những thứ sâu xa đấy, biết thì hay không biết cũng chẳng hề gì. Thị phe phẩy trang thơ cho khô, ngoài cười chỉ biết cười, hết cười mình lại cười hắn. Vợ chồng năm năm có lẻ, lại còn thơ thẩn như cái thuở gái giai tán tỉnh nhau, hỏi có lạ không! Nhưng sao thị lại ước cái lạ của hắn đến sớm một ít, mà không, càng sớm lại càng tốt ấy chứ! Được thế, mấy năm nay thị đã chẳng nhọc nhằn, tủi cực vì cái lòng ơn này rồi.
Giờ thì hay, ngoài ơn, vẫn còn có nghĩa; mà ngoài nghĩa, khéo lại còn tình.
- Hâm này! — thị mắng yêu — Khuya rồi, đi ngủ. Cười đùa chúng nó thức giấc, lại chẳng cười vào mặt vợ chồng già bọn mình...
- Thì đã sao đâu. — hắn sà đến ôm lấy thị — Mà u nó này, đẻ thêm thằng cu nhé, đặt tên Nguyệt. Vậy là hái giăng chứ gì nữa.
- Sinh với đẻ, biết từng ấy thôi. Già đầu rồi chứ trẻ chắc.
- Dào, chưa có con giai ai bảo già. Ra nốt thằng này nữa rồi già cũng có muộn đâu.
Lý sự xong, hắn mau lẹ thổi đèn. Chợt nghe lũ con trở mình cười trộm, hắn quắc mắt:
- Lũ ranh, ngủ!
Rồi hắn cũng chẳng làm gì, chỉ hậm hực ôm thị đi ngủ. Thị vùi đầu vào ngực chồng cười trộm, được một lúc cũng ngủ say theo.
Đêm. Mây chớm tan. Qua khe cửa, gió bấc lùa, ánh trăng loang loáng trong cốc nước vối uống dở đặt trên bàn. Mùi mỡ cháy loãng dần rồi mất hẳn, hoặc chăng là quyện vào mùi cỏ cây nội đồng, mùi sông nước mênh mang, mặc cho mùi của quá vãng đã loãng tan dần vào tiếng cười một chiều tối yên ả.
...
Cuộc mở hàng tối qua chẳng biết có hiệu quả hay không mà hôm sau, lúc hắn gà gật sắp ngủ thì một nhóm người đến đứng trước chõng. Thị vui mừng lay hắn, nhưng trông thấy gương mặt những kẻ mới đến thì buông thõng tay.
Tới rồi. Là bọn thằng Lý cùng mấy tên đi đòi sưu.
Hắn vẫn chưa quên cái ngày thị bị một đám đàn ông gây khó dễ lúc đi từ chợ về. Chẳng rõ hôm ấy thị về nhà thế nào, chạy hay đi, hay là quỳ rồi lết, chỉ biết lúc ba đứa con trông thấy rồi la toáng lên thị đã nằm sõng soài ở bậu cửa, tóc mai bết máu, tay chân chẳng chỗ nào lành lặn.
Bọn đấy rõ ràng chẳng xem thị là đàn bà, chỉ biết đánh mà thôi. Mà thị càng không nghĩ mình là người, chịu đánh như thế, vừa chịu vừa chạy chỉ để giữ túi tiền và túm gạo nhỏ vừa mua được. Lúc thấy hắn, thị không kêu không rên, chỉ vươn tay đưa hai thứ ấy ra, rồi gục xuống...
Thế mà lúc đấy hắn lại quăng bình rượu, và thứ đầu tiên lóe lên trong đầu chỉ vỏn vẹn mấy chữ: thị còn xem hắn là chồng không. Mãi sau này hắn mới ngộ ra, nghèo, chỉ khiến mình bị hoài nghi và tự hoài nghi mà thôi.
Mà hắn cuối cùng cũng phát hiện việc bản thân không mong thị bị hoài nghi và tự hoài nghi như vậy. Kể cả lũ con, hắn cũng không mong thế.
Dù bây giờ chưa hẳn là muộn, hắn vẫn ước mình hiểu được sớm hơn.
Nên lúc bọn thằng Lý bắt đầu đập phá hắn chỉ kéo thị lùi về sau, cắn răng nhẫn nhịn, định bụng sẽ nghiêm túc giao kèo mà trả nợ. Nhưng đập quá nửa, dường như thấy không thú vị chúng lại lao vào đánh. Hắn vừa che cho thị chạy vừa đánh trả, đến kì hai bên máu đổ đầu toạc mới buông tha nhau. Xung quanh không một ai can ngăn. Không phải người ta không vừa mắt hắn, mà cùng là phận nghèo, không ai muốn "bề trên" không vừa mắt mình. Cánh tay nghĩa hiệp suy cho cùng cũng vướng vào thòng lọng đồng tiền, quyền thế.
Bọn người không đòi được tiền nợ, đánh rồi bỏ đi làm chầu rượu. Hắn nằm gục, nhìn quanh, không thấy thị. Hẳn là thị đã chạy rồi. Hắn siết thanh gỗ vụn nhòn nhọn trong tay, thầm tạ ơn giời đất vì bọn đấy không đánh thêm. Nếu không, tay hắn chẳng ghìm nổi thanh gỗ ấy nữa. Hắn bị gô cổ xem như bỏ, nhưng vợ con...
Nghĩ đến vợ con, hắn cố lê thân lên, khập khiễng chạy theo lối tắt. Qua lùm, qua bụi, qua những quãng lắm đá lắm bùn, một mạch về đến nhà thần trí lại như lọt vào giếng hoang. Im phăng phắc. Nắng hoe vàng đổ rạp lên tán bưởi trước sân, mái gianh chìm trong bụi mờ, lũ con thơ chụm đầu vào xem tổ kiến dưới gốc cây.
Nhưng, không thấy thị.
Đầu quay cuồng, miệng nhạt thếch, hắn hỏi:
- U đâu, ba đứa... ?
- Chưa về ạ. — đứa thứ hai quay đầu rồi chợt hét toáng lên lúc thấy hắn — Thầy sao vậy thầy???
Mà hắn lúc đấy không để tâm gì đến lời đám trẻ, chỉ thất thần thều thào "đâu rồi, đâu rồi". Rồi, hắn lùa lũ con vào nhà, bảo chúng cài then cẩn thận, có việc gì cứ hét gọi hàng xóm. Phần hắn, hắn vơ chiếc rìu bổ củi ở góc sân, chạy thục mạng sang nhà bá hộ.
Ừ, ở đấy, chẳng ở đâu. Quan nào mà bắt thị, dù thiếu sưu đi nữa? Có thì bắt hắn này. Chỉ cái lũ không xem đàn bà là con người mà trói, mà đánh đập mới bắt thị thôi. Cứ tưởng đầu hắn trống rỗng, nhưng không. Trí óc bời bời lên những cảnh tượng dã man khác, như những thứ dạo trước vừa xảy ra. Xô đẩy, đánh đập,... liệu còn gì kinh hoàng hơn nữa? Hắn vẫn nghĩ dù không dám nghĩ, vẫn lao đi trong sợ hãi và xót xa, trong bóng dáng ba đứa trẻ và mái nhà vừa ấm êm trở lại.
Không có thị, đâu mới là nhà...
Hắn đã tưởng tượng đủ thứ chuyện: một cuộc ẩu đả, một trận ăn vạ, một đám người với những cánh tay cứng như đồng và nụ cười nhơ nhuốc... Hay là cái gì nữa?
Máu và tất cả những thứ có thể hắn đều tưởng ra rồi, chỉ không tưởng được khi hắn đến nơi thị đã ngồi vật vờ trước cổng nhà bá hộ, tóc tai xổ tung, áo quần nhăn nhúm. Mặt thị tái trắng, môi run cầm cập, tay vẫn khư khư giữ lấy dây lưng thao và hai vạt áo.
Trông thấy hắn, thị ngẩng đầu, trợn to mắt rồi ngất đi. Đuôi mắt thị, nơi kề ngón tay hắn chầm chậm rỉ ra một giọt. Như là lệ. Như là máu.
...
Lại một lần nữa chẳng biết về nhà bằng cách nào. Cả thị, cả hắn. Trong mắt ba đứa trẻ, thầy u bấy giờ im lìm đến lạ lẫm. U chúng cứ tỉnh rồi ngất, sốt cao liên tục, còn thầy ngày không nói gì, lẳng lặng và lầm lũi chăm vợ chăm con, đến đêm lại ngồi ngoài bậu cửa. Thầy chúng cứ một mình một bóng. Có đêm chúng nghe tiếng sụt sùi, nhìn sang u, thấy u yên lặng rơi nước mắt mới hay tiếng sụt sùi ấy là của thầy.
Thầy chúng, người trước kia lúc nào cũng trầm tư với thơ và rượu, người thỉnh thoảng đánh chúng một trận rồi lại dỗ dành âu yếm, người dạo này hay cười hay nói, hay trêu u và hứa cho chúng một đứa em giai tên Nguyệt, thì ra cũng biết khóc.
- Ai giành kẹo của thầy ạ? — cái Trai rón rén.
Hắn nhìn ba đôi mắt nhỏ ngơ ngác trong bóng đêm, vẫy tay gọi chúng lại gần, đặt hai đứa nhỏ ngồi lên đùi rồi choàng tay ôm cả đứa lớn. Con hắn, con thị. Con, của bọn hắn. Chúng bay nào biết người ta không giành kẹo của thầy, chỉ giành mất nguồn ngọt ngào nhất của đời thầy thôi. À, không hẳn là giành, chỉ là nhuộm đắng nó, khiến đời thầy từ nay cũng đắng theo. Không khéo, là cả đời chúng bay nữa.
Hắn không có kẹo, cũng chẳng cần hay thích món kẹo được cho. Hắn chỉ muốn cùng vợ cùng con tạo ra những thứ mà mỗi khi gặm vào có vị ngòn ngọt, dù từng buồn, từng khổ. Đó là những hồi ức đẹp đẽ. Nhưng giời tước mất cái quyền đấy rồi, cũng chẳng biết là quyền của thị, hay của hắn.
Một người tưởng đã đánh mất tiếng "vợ" và một kẻ vốn chẳng gánh vác nổi chữ "chồng", đủ một đôi rồi nhưng hình như chẳng ai thấy vừa vặn. Lòng người nhỏ thó, vẫn đầy rẫy những yêu oán đời thường. Ai bao dung được cho ai khi chính mình còn chưa hiểu rằng nên tự tha thứ...
Cứ thế ngày qua ngày, được một tuần thị cũng thay đổi. Chí ít, thị không nằm liệt ra, nhìn mái nhà bằng đôi mắt đục ngầu đờ đẫn nữa. Không ai bảo ai, người bòn vườn rồi ra chợ buôn bán đổi thành hắn, thị chỉ lùi lũi trong nhà chăm con và làm những gì một người vợ nên làm. Thị không nói với hắn một lời, cũng chẳng dám nhìn thẳng vào mắt hắn. Đêm, thứ khỏa lấp cái vắng lạnh giữa đôi người chỉ có hơi thở rất khẽ của ba đứa trẻ và tiếng dế ri ri bên ngoài.
Nhưng rồi bất cứ thanh âm nào cũng không lớn lao bằng cõi lòng trào sóng. Những thứ không biết tên cứ thi nhau đốt lòng thị và hắn ra tro. Tro tàn rồi nguội lạnh, bụi tản mác bay khuất mờ tâm trí, lấp đầy hốc mắt, chẳng giọt lệ nào còn được rơi giữa đêm đông.
Hắn từng ước được vươn tay ra ôm lấy thị như bao ngày, nhưng không thể, cũng chẳng còn dám nữa. Lồng ngực như nhà gianh mất cửa, trống huơ trống hoác, gió bấc lùa vào từng đợt tê cóng; lại như cái túi không đáy, mỗi ngày lại bỏ thêm vào một viên đá, nặng nề chẳng khi vơi. Cũng chẳng biết tự khi nào đôi quang gánh trên vai đè hắn không thở nổi. Chẳng biết từ lúc nào hắn một mình đào khoai, chợt nhìn tay mình, đất bám đầy mà ngỡ là dây phải máu. Chuyện đói no vẫn bám riết lấy, nhưng lần này, nó rút cạn máu hắn, lòng hắn, bởi tâm trí bị vứt xó từ lâu lắm rồi.
Đến một ngày, hắn từ chợ về lại chẳng thấy bóng dáng thị đâu; cuống cuồng hỏi lũ trẻ mới hay thị bảo hôm nay nắng to nên ra sông giặt chăn, phơi sớm cho kịp nắng. Đợi một lúc thị vẫn chưa về, hắn dặn dò bầy con mấy câu rồi tất tả ra bờ sông tìm vợ.
Vừa đi hắn vừa lắc đầu, vợ hắn chắc điên rồi nên mới mang cái thân bệnh tật ra ngoài giữa lúc không biết nên nóng hay lạnh thế này.
Ừ thì, thị điên thật.
- Viên!!! — hắn hét lên khi thấy thị đương thất thần bỗng thình lình lao xuống sông — Điên à, Viên!!! Em điên à?!
Rồi cũng mặc kệ tất thảy, hắn lao xuống theo, kéo cái người chẳng khác gì xác chết lên bờ kỳ được mới thôi.
Khắc ấy hắn chỉ nghĩ, so đo từng tấc từng phân, làm sao thắng được số phần lênh đênh. Đời người vốn đã nổi nênh, hết giời đày đến thế nhân đọa, làm sao sống? Mà còn sống, không phải là tốt nhất hay sao?
Sức bình sinh hắn có bao nhiêu đều dồn vào lần đấy hết cả. Lên bờ, thị ướt sũng, ôm ngực ho lấy ho để. Hết ho thị lại gục mặt, đến chừng được hắn dè dặt ôm vào lòng cả người thị mới run rẩy, câm bặt.
- Đừng thế nữa. Không sao cả. Đừng thế nữa.
Hắn lặp đi lặp lại, như niệm chú lại như ru ngủ. Người từ từ bải hoải, rệu rã, thị ngã ra, khóc lớn. Vầng dương chính ngọ chênh chếch về tây, mây vây thành quầng làm dịu nắng chói, trả cho ngày đông vẻ âm u vốn có. Đôi ba ngọn gió phớt qua. Mặt sông vẫn lặng tờ, đục ngầu, khác với vẻ lấp lánh hằng thấy.
- Chúng chưa làm gì cả. Chưa làm gì cả... Ông tin em đi. — thị bấu chặt tay hắn, thều thào.
Hắn không chần chừ buông tiếng "ừ" nhẹ bẫng, như chính lòng hắn lúc này, đột ngột không còn bí bách, ngột ngạt nữa. U ám tan đi một nửa vào cái khắc thị lao xuống sông giờ biến mất gần hết. Hắn, nguyện lòng để chúng biến mất hết.
Hắn bế thốc thị lên, cười trong nước mắt:
- Về nhà thôi, ba đứa chúng nó chắc đói meo rồi.
...
Đêm đó lúc tắt đèn, gối đầu trên tay chồng như xưa nhưng những cảm giác cũ không cuồng quay trong lòng thị nữa. Từng là thương, từng là ơn, từng là nghĩa, đức ông chồng ấy từng là giời, là đất của thị... Nhưng từ sau cái hôm đấy, hắn trở thành cái gai trong lòng thị, nhổ mãi chẳng ra. Không phải ghét bỏ — nhơ nhuốc như thị làm gì còn cái quyền ngẩng mặt thẳng lưng với đời, huống hồ ghét bỏ ai đó — mà vì thái độ càng lúc càng nâng niu của hắn khiến lòng thị xót đến cùng cực.
Thị chẳng gọi tên được những thứ ngày ngày sục sôi lên trong tâm trí nữa. Thị không đủ sức nghĩ gì ngoài cái chết. Thứ gì khiến thị nên nỗi này, dù bàn tay của lũ quỷ ma còn vươn chưa tới? Cảm giác tủi hổ, nhục nhã dâng ngập lòng, thít chặt cuống họng, khiến thị choáng váng giữa ngày âm u và nhòe mắt cả khi cao xanh không vương nắng. Hơn cả, là sợ hãi. Thị sợ phải nhìn thẳng vào những ý nghĩ trong lòng chồng mình. Thị sợ phải để tâm đến những ánh nhìn ngó mỗi khi ngang qua chợ, cho dẫu thị đã khom lưng và kéo nón xuống che cả gương mặt. Thị sợ miệng đời gieo rắc vào lòng ba đứa trẻ những điều ác độc, khiến chúng hoài nghi về tình thương và con người thị.
Rồi chúng sẽ khinh khi, rẻ rúng, rồi chúng sẽ ghét bỏ, hắt hủi thị chăng? Cả chồng thị cũng thế. Thị chẳng dám tưởng đến một ngày người đàn ông ấy lại uống say, tự tay phơi bày cõi lòng và cái nghĩa đã dần nhầy nhoẹt, mục ruỗng. Sau ngày hôm ấy, chỉ sau cái hôm định mệnh ấy thôi, tất cả những gì thị có đều bị tước bỏ. Thị cơ hồ mất trắng. Những buổi ngày yên ấm, những vòng tay, lời lẽ an ủi, những giọt nước mắt bất lực giữa đêm của hắn dường như đều là hư ảo.
Hoặc chăng, thứ hư ảo là thị. Thị nên chết, hay là trốn đi thật xa, chẳng nên mang bộ mặt này nhìn thêm một ai nữa. Một người đàn bà, ôi một người đàn bà! Thị đã khổ nhưng chưa từng kêu ca, than giời trách đất, và giờ đây giời cho thị câm bặt, ngay cả quyền tự yêu lấy mình cũng chẳng còn...
Thị biết, mình đang tự rẻ rúng.
Nhưng như thế thì đã làm sao? Kẻ xuất thân từ giáo phường, từng kinh qua bốn chữ "xướng ca vô loài", vốn chẳng sinh được con giai nay lại mang tấm thân nhơ nhuốc như thị, thị xứng đáng với những gì hắn trao lúc này sao?
Không, thị không xứng. Một chút thị cũng tự thấy mình không xứng.
Vậy nên lúc tay đan tay và cái hôn rơi trên mi mắt hòng xóa những nhọc nhằn và giọt lệ vô danh vô dạng, thị chợt quay phắt đầu, bỏ lại tầm mắt hắn rơi vào khoảng không đen đặc. Đáy mắt đó thị không còn dũng khí để nhìn lại, nhưng trong đầu lại chẳng ngừng phác họa. Hoang tàn, điêu linh. Lửa giờ đã cạn, tro cũng lụi tàn, thứ tản mác bay bay có chăng là chút bụi quá vãng, thứ mà ai cũng thấy ngọt ngào nhưng càng nhớ lòng càng quặn đau.
Hơi thở hắn nhẹ dần rồi khuất hẳn vào đêm thẳm. Hắn nghiêng người, nhích đi, những tưởng gió bấc lại ngập tràn quanh thị nhưng không, vòng ôm vẫn vẹn nguyên bao lấy người thị, và tấm chăn mỏng hai vợ chồng vẫn cùng đắp còn phủ bên trên. Tấm chăn như có gai, nên thứ ấm nóng lan khắp tay chân chẳng biết là máu ứa ra hay chỉ đơn thuần là hơi ấm. Nếu chỉ là chăn và hơi ấm, cớ sao người thị đau đớn thế này…
Thị dằn xuống cảm giác không tên trong lòng, vùi đầu vào ngực chồng thủ thỉ:
- Thầy nó này, mai mốt hết nợ ông định làm gì tiếp?
Lồng ngực rúng động rồi giọng hắn khẽ vang lên, trầm trầm, buồn bã:
- Hết nợ ấy à? Chắc là mua con gì về nuôi làm giống, rồi có vườn đấy, chúng mình trồng thêm rau thôi, được thì nuôi cả cá. Nhưng nếu em muốn...
Đột ngột, hắn dừng lại. Trong bóng đêm, người đàn ông cúi mặt nhìn vợ, tay vỗ về bờ vai trần đang run lên vì nức nở, từng câu từng chữ chắc nịch:
- Nếu em muốn thì mình bán vườn bán đất, dẫn con đến nơi khác ở, nhé? Ở đây nghèo quá, cái gì cũng nghèo...
- Ông này. — thị bất chợt cắt ngang lời hắn, vẫn không ngẩng mặt mà tiếng nỉ non càng lớn thêm — Ông thương em lắm phải không?
Hắn không đáp, chỉ nhẹ nhàng vuốt tóc vợ, hết vuốt tóc lại vuốt dọc sống lưng, vỗ về rồi gãi nhẹ. Cái hành động nửa quen nửa lạ ấy khiến thị hốt hoảng khóc nấc, nhưng bao nhiêu thanh âm đều bị nén chặt nơi yết hầu. Cổ họng đau như xé, cũng chẳng kém cõi lòng là bao. Những cái ve vuốt, vỗ về của hắn khiến thị bỗng nhớ đến thầy u và cái thời hoa mộng, sang giàu ngày xưa, vô lo vô nghĩ, cũng an toàn đến lạ. Nhưng qua rồi, qua rồi. Bây giờ giời đương tối và quanh thị toàn là bóng đêm thôi.
Giọng hắn bất thần vang lên, cũng gai gai, nghèn nghẹn:
- Không thương vợ mình thì thương ai.
- Em đòi chồng, ông cho chồng. Em đòi đám rước, ông cho đám rước. Em đòi giăng, ông hái cả giăng cho...
- Những thứ đấy, tôi đã làm được cái nào đâu.
Vòng tay dường như siết chặt hơn, như một sự gột rửa, lại như lời kết tội êm đềm, chua xót nhất thị từng nghe. Thị nấc lên từng hồi nhưng vẫn cố nén lại, chờ cho cổ họng giãn ra mới nghẹn ngào tiếp lời:
- Thế giờ thầy nó hứa với em, nếu em chết, ông thay mệnh em, nhé....
__________
(*) Ca dao.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top