I.
Tay cầm làn, tay cắp thúng, thị mải lo ngẫm nghĩ, chẳng rỗi để quệt mồ hôi trên trán. Năm trước vừa lũ năm nay đã hạn nặng do nắng to, bảo sao ruộng đồng xác xơ hết cả. Phận làm thuê làm mướn như thị, ruộng người mất thì việc mình mất, ngồi nhàn mãi cũng không xong. Gã chồng thị không biết lo, thị mà không lo nốt thì năm miệng ăn chỉ còn lăn ra chết. Chết đói, chết rét, chết xó, chết chẳng có tấc đất vùi thây.
Tưởng đến cảnh ấy mà lòng thị quặn thắt. Thị năm nay ba mươi đã nhẵn, ít nhiều cũng sống nửa đời người, giàu nghèo gì chưa từng nếm qua. Ông chồng thị thì thôi, sớm vứt từ tám đời tiên sư cố tổ. Tội là tội ba đứa con của thị. Cái lũ, toàn vịt giời, thầy u chết hết chỉ còn biết cạp đất mà ăn, không thì cũng bị bán đi, chịu cảnh hành hạ đọa đày.
Giống thị khi xưa vậy.
Thị thất thần, bước chân đi cũng chậm lại. Hai bên đê, một bên là sông mùa khô cạn, nước rút xuống để trơ bờ bãi đầy rong; một bên là những khóm tre cong nối nhau nên thành nên lũy. Nhớ chuyện cũ, định bụng buông một tiếng thở dài cảm thán thì tai thị bắt được tiếng động từ lùm bụi. Tiếng sột soạt đầy mờ ám cũng lắm hiểm nguy như thế, thị nghe mãi thành quen, chỉ còn biết ra sức đề phòng, dáo dác ngó quanh, chân cuống lên như bị ma đuổi.
Một mạch về đến nhà, mồ hồi trên lưng áo đã ướt đẫm. Chồng thị ngoài sân, cạnh bên là đứa con nhỏ nhất. Con bé để tóc chỏm, lỗ tai cũng chẳng xỏ, ăn mặc y hệt mấy thằng cu. Cả vẻ ngoài lẫn cái tên Trai của con bé đều từ nỗi khao khát quý tử quá độ của chồng thị mà ra. Suốt ngày, nó không nghịch đất cát cùng đám trẻ trong làng thì cũng bám theo thầy nó vui đùa, mặc cho việc thỉnh thoảng hắn lại nổi cơn tam bành, lôi cả mẹ lẫn con ra đánh một trận. Cơn qua, chuyện lại đâu vào đấy. Ba đứa trẻ vẫn bám thầy bám u, mà thầy chúng cũng không như lúc giận dữ, chỉ âu yếm xoa đầu vuốt tóc, dạy đọc, dạy viết.
Bấy giờ lúc thị về, hắn hãy còn lè nhè chè rượu, huyên thuyên nói chuyện với cái Trai bên cạnh. Con bé nghe chữ được chữ không, cũng chẳng biết hiểu bao nhiêu thứ mà gật đầu như gà mổ thóc. Thấy thị về nó chạy ù ra, la toáng lên rồi ôm ghì lấy chân thì. Hắn nghển cổ, lừ mắt, gầm gừ hỏi vặn:
- Đi đâu như ma đuổi đấy?
Thị cộc:
- Bọn thằng Lý nhà cụ bá bám theo đòi nợ chứ ma nào đuổi. Lần trước trên đê bị chúng hù một vố, xô xuống sông. Giờ không chạy, ở lại để ăn rong ăn tép nữa à.
Hắn khép hờ mắt, im ỉm không buồn mở miệng, tay giơ bình lên nốc rượu. Rượu tràn ra ướt cả manh áo mỏng tang, rách bợt rồi cạn hẳn. Trút trút mấy lần chẳng nhễu nổi một giọt, hắn thở hắt quăng cái bình đi. Tiếng lảng rảng vang lên rồi tắt ngúm. Thứ thanh âm đinh tai nhức óc, thân quen như tiếng gà tiếng dế này chẳng mảy may làm lũ trẻ hay thị sợ hãi. Thậm chí, chẳng ai ngó ngàng người chồng, người cha đang nằm trên chõng. Mắt hắn dõi lên cao xanh chói nắng, dại ra dần, miệng chóp chép đều đều không rõ vì cơn đói men cay hay vì lẽ sinh nhai lóe lên mỗi khi tay nhẹ tênh, thiếu vắng bầu rượu.
Thị tặc lưỡi thở dài. Cái Trai vẫn ghì lấy thị, đeo theo u như cái túi lủng lẳng bên chân, nghe u tặc lưỡi cũng bắt chước lắc đầu nguầy nguậy. Thị buông làn bỏ thúng, cúi người bế con bé vào bếp giúp hai chị nó thổi cơm. Con bé kéo nhẹ cổ thị, kề sát bên tai thủ thỉ:
- Ban nãy thầy bảo mai mốt đi xem tướng kiếm tiền phụ u.
- Thầy mày khéo nói. — thị lắc đầu mai mỉa — Cũng gạt được mỗi mày, chứ còn gạt được ai.
Miệng thì nói vậy, lòng thị vẫn thầm than. Nó lừa bà cả đời, chẳng cú nào lớn hơn cú này, mấy lời xoàng xĩnh đấy chẳng xem là lừa gạt chi đâu.
Đang nghĩ ngợi, thình lình con gái lớn của thị chen vào:
- Hôm trước thầy cũng bảo con y thế. Nom quyết tâm lắm. Nhưng con quen cái điệu của ông ấy rồi, toàn chót lưỡi đầu môi thôi...
Nó còn định bảo "điên mới tin" nhưng chợt nghĩ dẫu gì cũng là thầy, nói dại lại đâm ra bất kính. Miệng mở ra rồi gượng gạo ngậm lại giữa chừng, nó cúi đầu nhìn nồi cơm đăm đăm, thôi không lên tiếng nữa. Thị biết tính con mình, chỉ nhìn nó lắc đầu, đánh cái thở dài thườn thượt:
- Thì tao đã chẳng bảo, được mỗi cái miệng chứ việc thì rách...
- Sao u không tin thầy? — cái Trai dẩu môi, vẻ dỗi hờn hơn là thắc mắc.
"Tin thầy mày thì cám cũng chả có mà nhai!" — Thị nhủ thầm, lại vừa nhủ vừa lắc đầu. Chẳng biết đây là cái lắc đầu thứ mấy của ngày, hay của cái cuộc trò chuyện giữa mấy u con, chỉ biết nó vẫn y hệt như bao lần trước, chậm chạp, chán chường, uể oải. Đầu cổ thị xem chừng cũng lỏng lắm rồi.
...
Cái chuyện mà cả thị lẫn đám trẻ không dám ngờ nhất thế mà xảy ra thật. Hôm ấy gã chồng thị không uống rượu, thức thâu đêm suốt sáng vơ gỗ cũ đóng cái chõng con. Hắn bảo thị mua bút mực, ít giấy, chiếu manh thì lén nhặt ở bãi chợ về. Lại mất thêm một đêm hí hoáy ngồi viết, hắn viết đến quên ăn quên ngủ. Thị cũng từng kinh qua chữ nghĩa, liếc nhìn, chỉ thấy hắn rao nhận viết thư thuê, làm thi ca câu đối, và chính nhất là nhận xem bói, xem tướng, nhìn quá khứ biết tương lai.
Thị xưa nay không tin quỷ thần, ngồi nhìn chồng mà lòng ngao ngán. Nhà Nho thất thế cũng bằng ăn xin, cùng đường mạt lộ phải bán lòng tin, phải làm trò lừa phỉnh thiên hạ. Chao ôi là thời, chao ôi là thế!
Ngày kế nữa, giời tờ mờ, chợ vừa nhóm hắn đã gọi cả ba đứa con dậy theo thầy u ra chợ. Chõng đã bê ra từ sớm, đặt ở cuối đường, gần ngã rẽ lên đê. Ba đứa trẻ vừa chạy vừa nô đùa đàng xa, đôi vợ chồng đi chầm chậm theo sau. Hắn một đôi quang gánh đầy giấy bút, thị đầu đội thúng, tay xách làn nhỏ làn to đựng mấy thứ hoa quả, khoai chuối đào lên từ vườn nhà và cặp gà già kêu oang oang, không ngừng ngọ nguậy.
Bình mình chưa lên, mặt sông sương giăng đầy. Ngó lên cao, giời mây mù mịt. Bóng tre đổ rạp một bên đê tịch mịch, u ám. Phóng mắt qua bên kia bờ, khói lam sớm vấn vít trên những mái gianh lụp xụp. Mùi cỏ rơm nồng đượm quyện cùng hơi đất đẫm sương vấn vít từng hồi, phả lên mặt mũi mỗi người cái mùi thảnh thơi, yên ả. Thị gục đầu nhìn chân mình và chân gã chồng. Hai đôi chân trần đen đúa, nứt nẻ, bè to ra như cái bánh đất mùa hạn bị cán dẹt. Áo quần chẳng mấy lành lặn, chỗ vá chỗ víu, chẳng khác cái tổ đỉa là bao. Nhưng nhìn bầy con nói cười lao xao, cái thở dài chực trào được thị mau lẹ nén lại.
Bụng đói thế nào cũng được, chỉ có nghĩa không thể rách. Bởi hơn ai hết thị hiểu, vợ chồng mà lìa đôi thì con cái cút côi, dẫu có muốn cũng chẳng thể lại lề lại lối.
Huống hồ, con nhà thị toàn là con gái. Chao ôi, con gái, chao ôi...
Lúc dọn quầy, hắn sai hai đứa con lớn mang xấp giấy đêm qua đi dán khắp nơi, còn cái Trai ở lại mài mực. Thị mang theo rượu và nhang để hắn khấn vái khai trương, rồi cũng bày hàng cạnh chõng. Xong việc lũ trẻ về trước, còn lại hai vợ chồng ngồi trông hàng suốt từ tảng sáng đến ban trưa.
- Chả ma nào xem bói nhỉ? — hắn nói khi chợ vãn, và hai vợ chồng thi nhau nhặt nhạnh đồ đạc, dọn hàng về — Ngày đầu, đắt kinh!
Nghe chồng càu nhàu, thị bỏ dở việc giữa chừng, đứng thẳng lưng phe phẩy cái quạt rách, huyên thuyên một tràng dài:
- Chứ thầy nó muốn thế nào? Năm trước lụt, năm nay hạn, đói hai năm, tiền ăn còn không có lấy đâu ra tiền xem bói mua chữ mua tranh. Còn khách đến ngay hôm đầu ý, coi chừng là lũ thằng Lý. Nợ đầy mình lại vác mũi ra đường, bị đánh vêu đầu có ngày chứ chả đùa.
- Thôi!!! Biết rồi! — hắn thẹn đến gắt, cuống cuồng quảy gánh lên — Về! Đói bỏ mẹ.
Thị được thể, bĩu môi lầm bầm:
- Chứ mấy ngày trước có rượu là no đấy.
- Nói gì nói dai thế?
- Nói, lát mua rượu cho. — thị giật mình, chữa vội.
- Khỏi.
Đáp một tiếng dứt khoát rồi mặc vợ mình nghệch mặt đứng đó, hắn tất tả quảy gánh ra về. Dưới cái nắng chính ngọ, mặt người đỏ gay, lưng áo ướt đẫm. Dáng vẻ nhọc nhằn vì nặng gánh mưu sinh của hắn chợt khiến thị lạ lẫm quá đỗi, phút chốc chẳng biết nên buồn hay nên vui. Nhà thế là chỉ còn ba đứa con, lại thêm một đôi tay làm; nhưng được bao lâu đây?
Tính hắn thị biết rõ, nửa vời và dễ chán. Hắn từng muốn lên kinh ứng thí, đỗ đạt làm quan. Thi rồi trượt, trượt lại thi, chữ nghĩa thẳng thắn khiến chẳng quan nào dung hắn vào mắt, thế là cứ trượt mãi. Ước nguyện của hắn sau ngần ấy năm cuối cùng chỉ là được đi gõ đầu trẻ, nhưng thi Hương còn chẳng đỗ thì ai dám vời về dạy học, cũng chẳng lấy đâu ra mặt mũi dạy dỗ người khác. Thế rồi hắn làm thơ. Thứ thơ giễu bản thân cợt nhân thế bị người đời chê bai, bác bỏ. Người ta chuộng thứ văn chương lãng mạn, những viễn cảnh hão huyền, những con chữ kêu van và thương hại, hay tố khổ. Mãi rồi đâm nản, hắn cứ viết rồi đốt, hết bài này đến bài khác. Nếu thị không lén lút giữ lại tất thảy, gia tài hắn xem như rỗng không.
Sống không danh, chết không tiếng. Một đời phiền nỗi nhân thế cứ thế vùi xuống đất tối huỵêt sâu.
Lại nói, cơn tam bành của hắn cũng từ việc đấy mà ra: hắn đánh thị vì thị làm trái lời hắn, giữ lại những thứ bị khinh khi rẻ rúng, là bằng chứng cho nỗi ô nhục vô căn và tài hoa bị vùi lấp. Viết, đốt, nhặt, giữ, đánh, lại viết, lại đốt, lại nhặt..., một sợi dây vừa kín vừa bền được tết từ những việc chẳng liên quan gì nhau. Ban đầu đánh xong hắn lại vùi đầu vào lòng thị, khóc nấc như đứa trẻ lên ba. Dần dà hắn không thế nữa, mà đánh rồi lại mượn rượu tiêu sầu. Cái khối sầu chẳng đến từ việc nghèo còn gì? Thị biết chứ, cứ giàu lên là khác hết! Ai mà chẳng muốn giàu! Nhưng uống rượu không giúp giàu được, có chăng là giàu thêm bệnh tật cho cái thân, thần trí mụ mẫm. Sau rốt, nghèo vẫn hoàn nghèo, và bồ sầu đầy gấp mấy lần bồ gạo.
Hắn bê tha như vậy đã lâu, thị khuyên mười câu không lọt tai một tiếng, thế mà giờ đột ngột tu tỉnh phấn chấn, còn gạt rượu sang một bên, bảo có nghi không? Nghi cùng nghi cực là đằng khác! Nghi thì nghi, bụng thị vẫn mừng thầm, vừa mừng vừa lục lọi trí nhớ xem thứ gì thôi thúc mà hắn thay đổi chóng thế.
Có khi là ba đứa con không chừng. Hay là ai khác nhỉ? Thị ư? Nhưng phải là việc gì, chỉ vì thị bị bọn đòi nợ đánh rồi xô ngã xuống sông thôi sao? Ôi thôi, ai mà biết được tâm trí, lòng dạ bọn đàn ông: chúng còn chẳng xoay đàn bà chúng mình như xoay dế. Nghĩ thêm chỉ tổ mệt! Thị tặc lưỡi cho qua, hẩy tay xách làn, sửa lại khăn mỏ quạ trên đầu rồi cũng nối bước theo hắn.
Trên mặt đê đắp đất nứt nẻ, hai chiếc bóng sóng đôi, thỉnh thoảng đè lên nhau rồi nhòe đi khi vào khoảng râm, lại đậm dần lúc bước ngoài quãng nắng. Dáng liêu xiêu, nghiêng mà chẳng ngã. Con đường như trải ra vô tận, và tít tắp đàng xa là bóng làng, bóng nhà, là những mái gianh úa màu đang đột ngột chuyển tươi.
Giời cao đất rộng, phận tằm nhộng mấy tấc nông sâu, thiên hạ này dung được bao phân oán, mấy bận sầu? Trong hay ngầu, rầu rĩ hay sướng vui rồi cũng qua một kiếp. Tháng ngày kế tiếp vô định, có khi là bình minh trên sông vắng, cũng có khi là mặt trời lặn nơi sóng thác gầm gừ. Mãi chần chừ, trầm mình vào quá vãng không sớm thì muộn cũng hóa lỡ làng.
Thị đã dang dở chữ duyên, nguyện từ đây không làm lụy liên chữ nợ.
- Nhà còn một bát gạo lưng thôi đấy. — thị cười cười bảo chồng.
Trước giờ không phải hắn không để tâm chuyện no đói, chỉ là không tự mình xếp đặt, đột ngột được hỏi bỗng thấy đôi gánh trên vai nặng thêm mấy phần. Thở dài, hắn đáp:
- Lại chẳng như mọi ngày, bảo sấp nhỏ hái thêm rau, đào mớ khoai, nấu cháo cứ cho vào trộn.
Khoai cho lợn vẫn đỡ hơn cám chứ nhỉ? Mà, cái gánh của hắn nặng lên một ít rồi, làn thúng gì của thị hẳn cũng sắp vơi một ít lo.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top