2

Nghiệp sát sanh (2)

Quanh năm giết mổ trâu bò, tiền gia đình bà Tư kiếm cũng khá. Tuy nhiên đi đâu ai cũng bảo bà nên bỏ nghề sớm bởi cái nghề này tạo nghiệp nhiều, mà nghiệp sát sanh là khó qua khỏi nhất. Nhiều lần vậy, bà nghe xong cũng chỉ ậm ừ cho qua. Nhưng một năm đổ lại đây, bà cứ thấy bản thân và gia đình ngày một khác đi.

Đứa con gái lớn đêm nằm mơ cứ khóc sướt mướt, không biết do mất ngủ hay sao mà đâm ra ốm triền miên. Hồng kêu có người đòi mạng nó, kêu là cha mẹ giết con người ta nên giờ người ta tới đòi mạng. Nó sợ lắm, Hồng cũng kêu ông ngoại với mấy người nữa giúp nó chạy. Vợ chồng ông Năm nghe xong sốt hết cả ruột, nghĩ vắt óc cũng không tài nào nhớ được mình có từng giết con nhà ai đâu. Họ cũng chỉ mẩm trẻ con suy diễn linh tinh nên thần hồn nát thần tính, dặn nó không được đi chơi đêm nữa. Còn thằng út tự nhiên thay tính đổi nết, nhất quyết không ăn thịt mà chỉ ăn rau, sau hai chân nó tự nhiên teo tóp vào nhìn rất rợn người.

Mọi chuyện xảy ra nhanh quá khiến vợ chồng bà không trở tay kịp. Ngày xảy ra đại hoạ, thằng An què quặt ốm yếu vậy mà hôm đấy nó chạy nhảy khắp sân phải vài ba canh giờ trước khi chết. Con dao nó cầm là con dao tổ tiên nhà bà để lại, được buộc khăn trắng để trên bàn thờ để cúng. Khó hiểu hơn là ban thờ được treo trên tường cao hai mét, làm thế nào để hai đứa trẻ con thấp bé nhẹ cân lấy được? Khi đó hai người không quan tâm nhiều đến việc con dao mà tất cả nỗi đau đều dồn vào người con trai út nằm giữa sân nhà.

Kể cũng lạ, hàng xóm hai bên khi biết chuyện đều nói rằng thấy nhà ông Năm yên tĩnh chẳng có gì bất thường. Đến khi sang, mọi người đều bạt hồn khiếp vía. Ai nhìn cũng phải hét lên ngất lịm, không thì cũng ôm đầu mà khóc.

Tin tức mau chóng lan khắp vùng quê nhỏ, và tất nhiên cũng đến tai nhà phú ông. Cha Kỳ tên Mẫn Văn Phong, vừa nghe người hầu nói liền biết chuyện nhà bà Tư ắt hẳn liên quan đến vong linh. Cả ông và vợ đều phải rít lên chua xót, người ngoài đã thấy rợn hết cả óc không biết người trong cuộc sợ hãi và đau đớn đến nhường nào. Đang bàn luận sôi nổi, ông thấy cậu út từ nhà đi ra, đánh tiếng hỏi cậu: "Đi sang nhà bà Tư hả? Nhắm làm được hẵng làm, không thì nhớ về luôn. Trời cũng nhá nhem tối rồi."

"Bẩm thầy, con cũng chỉ định qua xem tình hình thế nào. Đây là nghiệp nhiều đời tích tụ, hậu quả là điều đương nhiên. Có là thánh, cũng không gánh nổi." Cậu đi, con Mắm cũng chạy theo sau cậu. Con Mắm nhát chết lắm, lại còn hay sợ ma. Thế mà từ khi theo hầu cậu, nó thấy nó bạo hẳn ra, dù có hơi yếu vía nhưng đi với cậu nó thấy yên tâm hơn hẳn.

Dọc đường đi, cậu có nhắc nó: "Đến đầu ngõ, mày dừng lại đứng đợi cậu ở đó, một mình cậu vào thôi." Mắm giãy nảy lên: "Sao mà được hả cậu? Cậu mà có mệnh hệ gì con biết ăn nói làm sao với ông bà ở nhà?"

"Mày hâm, mệnh cậu lớn lắm, với cả cậu chỉ tò mò thôi nên chắc không nhúng tay vào đâu. Quan trọng nhất là cậu bảo mày đứng ở đầu ngõ là vì mày. Tuổi mày năm nay xung khắc với nhà đó, mày mà vào không chừng người chết bật dậy kéo theo mày luôn." Con Mắm nghe xong như chó cụp đuôi, sợ sệt bám lấy đuôi áo cậu: "C-cậu đừng có mà hù con."

Đến đầu ngõ, hai người thấy đám đông đứng xung quanh thắp đèn sáng trưng, chưa cần đi hẳn vào cậu đã nghe thấy tiếng tỉ tê cùng tiếng rên hừ hừ. Nhà bà Tư phải nhờ mấy thanh niên trai tráng vía khoẻ để giúp lau dọn xác thằng An, nhưng khoẻ đến mấy lúc đi ra ai ai cũng mang bộ mặt xanh tái cắt không còn giọt máu. Có lẽ cả đời này họ sẽ không quên được cảnh tượng cầm giẻ thấm máu, giẻ đầy nguyên một cái chậu lớn, rồi cảnh ruột gan nội tạng tứ tung.

Dáng người cậu nhỏ con, chen cố mãi mới vào được gần tới nơi. Giữa sân là cái ban thờ nhỏ được họ hàng mua vội cùng chiếc quan tài, xác đã được cuốn chiếu. Mà đám tang, cậu lại chẳng thấy chút nhang khói nào, nhà càng thêm phần lạnh tanh lạnh ngắt. Có vẻ là ám khí nặng quá, bao nhiêu nhang cũng không thể cháy lên được. Cậu thấy ông thầy nào đấy đứng giữa sân nói chuyện cùng người nhà, cậu không thấy bóng dáng bà Tư đâu, chắc đã ngất ở trong phòng. Những người đứng bu kín ở đây một phần là họ hàng thân thích, số đông còn lại là do hiếu kì. Ông thầy đứng phân trần một lúc, kết luận: "Vong ám."

Nói đến đây ai ai cũng chắc chắn rằng là vong của trâu bò báo oán, nhưng ông thầy lại còn bồi thêm: "Có cả vong là người nữa." Mọi người lại được thêm phần xôn xao, cậu út nghe xong lại lỡ cười khẩy kêu: "Ăn nói vớ vẩn." Lúc cậu nhận ra mình nói hớ thì tất thảy mọi người đã dồn hết sự chú ý về phía mình. Cậu hắng giọng bối rối ho vài tiếng. Khi đang ngại ngùng không biết có nên lẩn đi đâu đó rồi chuồn về không thì gã Năm, gã nhận ra cậu. Vốn dĩ từ đầu gã xem nhẹ lời nói của cậu, nay chuyện vỡ lở gã ngẫm lại mới thấy đúng. Gã mời cậu vào trong sân, đôi mắt gã sưng lên thâm sẫm, vì là đàn ông nên gã phải gắng gượng để làm chỗ dựa cho người ở lại. Cậu không để ý gã nhiều, chỉ tò mò đi xung quanh sân rồi tiến vào nhà. Đứng trước bàn thờ bị gãy làm đôi, cậu lặng người. Trong gian phòng nhỏ, cậu thấy mấy người phụ nữ cùng tiếng khóc, tiếng khóc nhỏ tuy vậy lại rất đều, lặp đi lặp lại: "Con không muốn chết, cứu con với..."

Cái tiếng ỉ ôi van nài tha lương, cậu đi ra ngoài sân lắc đầu: "Nghiệp nhà anh chị nặng quá, tôi không muốn nói gở. Nhưng tầm này, thánh thần cũng sẽ nhắm mắt làm ngơ."

"Cậu dựa vào đâu mà nói vậy?" Tiếng ông thầy oang oang cất lên, dường như khi nghe đến đây người nhà cảm thấy có chút hy vọng. Họ mong rằng người thầy họ cất công mời về sẽ cao tay mà diệt trừ cái vong đang ám nhà họ. Cậu sờ cằm, không nói gì nữa. Vậy mà mọi người tưởng cậu là thần thánh phương nào đến cứu giúp cơ chứ. Họ tiếp tục dõi theo nhất cử nhất động của ông thầy nọ, không thèm đoái hoài gì đến cậu.

Mặt trời xuống núi, cảnh sắc thêm phần ảm đạm. Người về đã vãn, chỉ nán lại vài kẻ lắm chuyện và họ hàng xung quanh. Có lẽ cậu chính là kẻ lắm chuyện lo sự bao đồng. Nhưng vào thời điểm then chốt, ngay khi ông thầy lập đàn cúng, Kỳ đã ngộ nhận ra vài điều. Cậu hỏi gã Năm xem hôm nay tiền nhận giết mổ để ở đâu.

Thật sự mà nói, việc cậu hỏi chẳng liên quan gì đến nhau, người ta đang trong hoàn cảnh con cái lìa đời nhà cửa tan nát nên khó chịu với cậu cũng là phải thôi. Nhìn ánh mắt của gã, cậu tự hiểu mà chạy vào nhà lục tìm. Một lúc sau, trước sự ngỡ ngàng của mọi người, cậu rũ cái bọc đen ra, tiền âm phủ bay tứ tung.

Khi nhận tiền, hai vợ chồng bà đã cẩn thận đếm lại rõ ràng từng đồng từng cắc kia mà. Cậu ngồi xuống, vừa nhìn đống tiền vừa nói: "Hôm nay là ngày mở cửa địa phủ, ngày xấu nhất năm, chẳng nhà nào lại mở tiệc cưới cả. Khả năng cao nhất là anh chị bị ma quỷ che mắt dẫn đường rồi."

Thấy không ai nói gì, cậu thở dài: "Chỗ mà anh chị đến ngày hôm nay: một là bãi tha ma, hai là bãi đất người ta đốt tiền giấy cho người âm. Bởi hai nơi này được coi là giao lộ âm dương, có thể vô tình đưa người dương vào cõi hư mộng."

Người nào người nấy nghe xong mặt đều trắng bệch, cảm thấy lời giải thích của cậu hợp lí vô cùng. Đoạn tiếp, gã Năm kể lại những chuyện kì lạ xảy ra gần đây trong gia đình mình cho cậu nghe. Cậu mới từ tốn nói: "Nhà anh chị có vong của súc sinh, cũng có vong của người thành. Người là tổ tiên nhà anh chị, từng giúp con bé Hồng thoát một kiếp. Ý định ban đầu của cái nghiệp là bắt con Hồng đi trước rồi mới tìm đến thằng An, nhưng lại được giúp nên mới sống được đến giờ này."

Cậu nhìn thấu được một phần, nhưng càng mổ xẻ câu chuyện lại càng khiến người ta sởn gai ốc: "Con Hồng từng nói anh chị giết con người ta nên đến đòi mạng nó. Trước kia chắc hẳn anh chị từng mổ phải con trâu con bò nào đấy bụng mang dạ chửa gần đến ngày sanh nên oán khí đấy ám lên người anh chị đến giờ. Thằng An chính là kết quả, anh chị mổ bụng trâu bò mẹ, vong đó lộn lại làm thằng An để báo nghiệp nhà anh chị. Nó tự rạch bụng nó lôi ruột lôi gan ra như cách anh chị mổ trâu bò, để anh chị chứng kiến cảnh tương tự. Mà kể cũng hay, anh chị lại đi thờ con dao dính nghiệp tương tự lên bàn thờ nên càng làm oán linh trở nên mạnh mẽ."

Quả như lời cậu Kỳ nói, ba đời trước con dao ấy cũng từng lấy đi mạng người, cụ cố nhà đã cầm con dao ấy chém lìa đầu vị thân sinh nhà mình. Chém y như khi cắt tiết.

Một gã đàn ông trai tráng quanh năm cầm dao tưởng chừng chẳng biết sợ, ấy vậy mà lại lắp bắp hỏi cậu: "V-Vậy giờ gia đình chúng tôi phải làm sao mới thoát được cái nghiệp này?"

"Không có cách. Chờ chết." Hai từ chờ chết cất ra liền cảm thấy giống hết hoàn cảnh của những con vật chờ bị giết. Trước khi đi, cậu cũng nói: "Con Hồng được che chở nên có thể không việc gì nhưng tổ tiên nhà anh chị gần hết phước rồi. Phước cạn, người chết."

Và chỉ đúng hai hôm sau, cảnh tượng như ở sân đình xuất hiện. Nhìn xác con Hồng chết mới được độ 6-7 canh giờ mà như thể nó đã chết được vài ngày, cậu biết tổ tiên nhà bà Tư không gánh nổi nữa. Thật ra việc bàn thờ vỡ đôi đã chứng tỏ việc đó rồi, cố gắng giữ mạng con Hồng hai hôm cũng đánh đổi phần phước hồn ở dưới.

Chỗ con Hồng chết đuối là một con mương nhỏ, bình thường nước chỉ đến đầu gối, mà hôm nó chết nước chỉ đến mắt cá nên càng làm người ta kinh hãi. Họ tìm thấy nó chết với tư thế nằm úp mặt xuống nước, chết ngợp. Kỳ lạ thay, thi thể lại bốc lên mùi cháy của rơm rạ.

Theo như cậu Kỳ lí giải, nhà bà Tư sau khi làm thịt xong sẽ thỉnh thoảng mang trâu bò ra đồng đốt với rơm làm giả cầy nên khi đứa con gái chết, oán linh đã ám mùi đó lên xác nó.

Cuối cùng, chưa đầy một tuần nhà bà Tư ông Năm mất hai đứa con. Ngôi nhà mỗi khi bước vào đều xộc lên cái mùi tanh ngoé của máu và mùi cháy của thịt. Sau chuyện ngày hôm đó, mọi người càng tin vào chuyện báo oán báo ơn ở đời. Kết thúc, sau này Kỳ có nghe loáng thoáng rằng bà Tư cắn lưỡi chết trong phòng, còn gã Năm lang bạt đi đâu chẳng biết.

Ngôi nhà kiêm cái lò mổ bị bỏ hoang từ dạo đó. Vào ngày rằm mọi người xung quanh tốt bụng vẫn hay lập một bàn thờ nhỏ cúng bái cho gia đình ấy. Người ta hay nói rằng, thỉnh thoảng nhà bên cạnh vẫn sẽ nghe thấy tiếng rì rầm của gia đình bà Tư hoặc đôi khi nghe thấy tiếng trâu bò rống lên.

Vậy đó, một khi vong linh báo oán thì thần linh đôi khi cũng phải làm ngơ.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top