1
Nghiệp sát sanh
"Cậu út ơi cậu út, ông gọi cậu ra ngoài đình kìa cậu ơi. Con nghe nói xảy ra chuyện! Nguy lắm! Nước sôi lửa bỏng đến nơi rồi!"
Giữa không gian tĩnh mịch ban trưa, con bé tóc thắt hai bên hớt hải chạy lại. Tiếng đôi dép gỗ của nó va chạm với cái nền gạch làm cậu trai nằm trong nhà phải khó chịu ngồi dậy. Cậu một tay chống lên cái gối, một tay phe phẩy cái quạt nan, vẻ mặt cậu sắc lạnh chỉ khẽ nhíu mày: "Có chuyện gì mày nói cậu nghe! Giữa trưa có để cho người khác ngủ không hả?"
"Cậu ơi con cũng đâu muốn làm phiền cậu nhưng... nhưng..."
"Nhưng nhị cái gì? Nói rõ ra tao còn nghe không là tao kệ sư bố mày tao đi ngủ đấy."
"Bé Hồng, con bà Tư ông Năm Rượu vừa chết rồi cậu!" Vừa nghe dứt lời, người con trai bấm đốt tay lẩm nhẩm một hồi, giật mình ngồi dậy vớ cái áo khoác bên cạnh, đi vội đôi dép vào. Giữa trưa hè này mà cậu lạnh đến toát cả sống lưng. Coi chừng lần này là lành ít dữ nhiều, hoạ chăng tai ương đang dần dần bao chùm lấy ngôi làng nhỏ bé nhiều năm yên bình này? Không ai rõ câu trả lời nhưng ai cũng biết rằng nếu không kịp ngăn lại sẽ còn có nhiều người bỏ mạng hơn.
Người con trai mặc bộ lụa tơ tằm màu trắng với chiếc áo khoác mỏng bên ngoài, đứa con gái cũng vội vã chạy ngay theo sau cậu. Đến cổng đình, cậu đã thấy đám người tụ tập vây kín cổng. Khi nghe tin cậu đến, ai ai cũng ngoái lại nhìn, chẳng nói chẳng rằng rẽ làm đôi nhường đường cho cậu đi vào. Giữa sân, cậu thấy cha mình đang ngồi trên ghế với gương mặt sầu não. Cảnh tượng bi ai nhất, chính là bà Tư đang ôm xác con gái trong lòng mà khóc không thành tiếng. Con cái là ruột gan của cha mẹ, việc đón tin con mình chết bất đắc kỳ tử như vậy hỏi liệu có bậc sinh thành nào mà chấp nhận được.
Cậu và cha nhìn nhau, cậu chỉ thấy ông lắc đầu mệt mỏi. Cậu lặng lẽ đi qua gia đình nhà bà Tư để đi thẳng vào trong đình, thắp nến cùng đèn sáng trưng. Mùi hương khói phảng phất càng làm cảnh vật thêm tang thương, một cảm giác xót xa cùng sự ảm đạm u tối dấy lên trong lòng mỗi người. Người chứng kiến cũng đã rơi nước mắt tiếc thương cho số phận gia đình bà Tư và cô con gái nhỏ.
Tiếng gõ mõ vang lên làm mọi người im bặt, sau tiếng gõ ấy như thể mọi thứ rơi vào chiều không gian khác vừa thực vừa ảo. Thứ duy nhất để giữ mọi người ở lại thực tại là tiếng khóc của người mẹ vừa mất con. Cậu gõ đúng ba tiếng, sau đó hít một hơi dài đứng dậy đi ra ngoài.
Thân thể cô bé tím tái, hai hốc mắt và môi đen kịt lại, quần áo vẫn còn ướt sũng. Hẳn là mất do chết đuối. Cậu mím môi, nhận lấy xác cô bé từ tay người mẹ. Mùi hôi thối xộc lên, chỉ độ vài phút sau xác trực tiếp phân huỷ trên tay cậu. Phần bụng lúc nhúc giòi bọ, như thể cái xác này đã thối rữa được một tuần rồi vậy. Vả lại cô bé chết đuối, thế mà trên xác lại phảng phất mùi cháy khét của rơm rạ. Dù cơn buồn nôn đã ở ngay cuống họng nhưng cậu không thể vứt cái xác sang một bên mà chạy đi được. Tay còn lại cầm chuỗi hạt tràng bắt đầu tụng, nhưng chưa được bao lâu chiếc vòng trên tay cậu đứt dây rơi lả tả trên nền đất. Giây phút ấy ai ai cũng mở to mắt nhưng chẳng người nào dám lên tiếng. Cậu thở dài, đặt xác cô bé về chỗ cũ, quay ngoắt bỏ vào trong.
"Cậu Kỳ, cậu ơi, cậu giúp nhà tôi với!" Là Năm Rượu, bố của cô bé xấu số quỳ rạp dưới đất. Cậu đứng bên trong, trước ban thờ của một vị thần vô danh, mở ngăn tủ lấy ra một chuỗi hạt tràng mới.
Mẫn Doãn Kỳ là con trai út của nhà phú ông, từ tấm bé đã xảy ra vài chuyện kì lạ nên có khả năng tâm linh. Cậu cũng không chối bỏ con mắt âm dương của mình, chấp nhận rằng đây chính là ân phước mà tổ tiên để lại cho. Tuy nhiên ân phước này đôi lúc cũng khiến cậu sống dở chết dở. Một vài chuyện cậu có thể giúp nếu nằm trong phạm vi của mình nhưng đôi khi chuyện xảy ra nằm ngoài tầm hiểu biết của cậu thì cậu cũng chỉ đành giương mắt nhìn. Giúp người hiển nhiên cậu sẽ tạo phước cho mình, không giúp cũng không ảnh hưởng gì tới cậu. Chung quy vẫn là do lương tâm.
Chuyện xảy ra đâu đó vào ba, bốn hôm trước. Khi hai vợ chồng nhà bà Tư đi làm về, đã chứng kiến cái cảnh cả đời này hai người không thể quên. Chứng kiến xong mà hai người họ chưa phát điên cũng khiến Kỳ cũng thấy lạ lùng.
Hôm ấy vào đúng rằm tháng bảy, trong dân gian gọi là tháng cô hồn hay mở cửa mả. Sáng sớm khi bà Tư thắp hương bày lễ cúng kiểng xong, bà dặn hai con trưa ở nhà tự nấu cơm ăn với nhau còn bà với chồng phải lên huyện làm giúp người ta, tối muộn mới về. Trước khi ra khỏi nhà bà còn ngoái đầu lại nhìn hai đứa con rồi mới an tâm cùng chồng lên đường kiếm tiền.
Nhà bà có được hai người con, đứa con gái lớn năm nay 12 còn thằng út năm nay mới lên 7. Đứa lớn tên là Hồng, còn thằng út tên An, trộm vía cả hai đứa đều ngoan hay phụ giúp cha mẹ việc vặt. Ấy vậy hôm ấy đi được nửa đường không hiểu sao bà Tư cứ thấp thỏm không yên, trong lòng có cảm giác như lửa đốt. Nhưng mối làm ăn này rất lớn, bà không thể nói mình bồn chồn mà bỏ về được. Hai đứa con phải ăn, phải học giờ mà bỏ thì lấy tiền đâu ra mà lo. Nghĩ mẩm bụng chắc do bà nghĩ nhiều cộng thêm việc tối qua ngủ không đủ giấc nên mới vậy.
Nay con gái nhà quan huyện gả đi về nhà chồng nên thuê hai người lên làm cỗ, nhà quan mổ thịt một lúc ba con bò với lại bốn con trâu làm lễ tưng bừng mời khách khứa. Đúng vậy, vợ chồng nhà bà đã làm nghề này đến nay đã được bốn đời rồi. Qua mỗi đời, thời gian nghỉ hưu lại sớm đi vài năm. Hai người họ đối với việc mổ trâu mổ bò này rất thuần thục, chỉ vài thoắng đã xong cả thảy. Đến khi nhận tiền xong trời đã nhá nhem tối, hai người lúc này mới vui vẻ đi về nhà. Bà Tư còn ghé qua chợ mua cho hai đứa nhóc vài ba cái bánh rán làm quà, hôm nay hai người được mẻ lớn thế cơ mà.
Trên đường đi bà có đánh tiếng với ông chồng: "Mình này, làm nốt mấy tháng nữa mình cũng nên tìm việc khác làm. Cái việc này không làm được mãi đâu."
Năm Rượu, đúng như tên gọi, gã đích thị là một con sâu rượu. Đời gã chỉ có rượu và giết mổ, nhưng chưa hề đánh đập vợ con. Chỉ đơn giản là gã uống rượu vì thích. Hồi đầu năm hai người cũng có đi hỏi han xem tình hình trong nhà, đang định đi thì va phải cậu trai trẻ nhà phú ông trong làng, cậu út Kỳ. Cậu út da trắng mà trắng xanh bận bộ áo dài đỏ sậm nên nhìn cũng không tới nỗi. Cậu đứng dậy phủi hai bên tà áo, đôi vợ chồng định rời đi lại bị cậu gọi lại: "Này, va phải nhau thế này coi như tôi cũng có duyên với anh chị. Giúp người cũng là giúp mình, tôi chỉ khuyên nhà chị thế này: Trong những cái nghiệp, thì nghiệp bất hiếu và sát sanh là nặng nhất, dừng lại được thì nên dừng. Chứ đừng để đến lúc cơ nhỡ, muộn rồi."
Cậu dùng đôi mắt phượng của mình nhìn hai người, ánh mắt thì hướng về họ nhưng trọng tâm dường như lại đặt ở phía sau lưng: "Tốt nhất là dừng ở năm nay đi. Ngày đại hạn là ngày rằm mùng 1, 15." Nói xong, cậu cũng hất áo bỏ đi. Đôi vợ chồng đứng bần thần một lúc, sau lại kéo nhau đi về phía nhà ông thầy đã hẹn từ trước. Trên đoạn đường đi, hai người cũng bàn luận về cậu út nhà phú ông. Cậu ít nhiều cũng có khả năng tâm linh được truyền lại từ ông nội nên bà Tư thấy lời cậu đáng để bụng.
Đến khi xem bói xong, thầy lại nói khác hoàn toàn so với cậu Kỳ: "Nhà anh chị đang trên đà, làm ăn sẽ khá lên trông thấy. Nói chung sẽ có của ăn của để không phải lo nghĩ."
Gã Năm vốn chỉ giỏi giết mổ nên dĩ nhiên gã muốn theo nghề này lâu dài nên nói với vợ: "Cậu Kỳ trẻ người non dạ, có lẽ bậc đi trước như thầy đây mới đúng." Và hiển nhiên, hai người họ vẫn quyết định duy trì cái nghề này thêm vài năm nữa.
Chuyện bẫng đi 4-5 tháng, chẳng ai nhớ đến lời cậu Kỳ cho đến giây phút ngày hôm đó. Đến trước cửa nhà, hai vợ chồng bỗng ngửi thấy cái mùi tanh ngoé, cái mùi y chang khi mới cắt tiết trâu bò xong, máu ứa ra thành chậu. Mùi nồng đến nỗi hai người phải nhăn mặt nhìn nhau khó chịu. Và như chợt nhớ ra gì đó, bà Tư lẩm nhẩm một hồi: "Nay là rằm mà."
Ừ, rõ ràng sáng bà còn mua đồ làm lễ thắp hương cớ sao bà vẫn còn đi nhận giết mổ trâu bò cho nhà người ta? Túi bánh rán rơi tứ tung trên đất, hai người hoảng loạn mở cửa nhà ra. Cảnh tượng đã náo động cả một vùng quê nhỏ vốn yên bình từ trước đến nay. Thằng con út nhà bà tự cầm dao rạch bụng nó ra, lôi ruột lôi gan thòng lòng. Mà hỡi ôi, người thường thì chết tươi ngay tại chỗ mà vợ chồng bà cứ thấy nó vừa cầm ruột vừa cầm dao làm ra mấy hành động kì quái. Nó thấy cha mẹ nó về, nó nhìn ra phía cửa khặc khặc ra vài tiếng như thể nó đang cười mãn nguyện, nụ cười không thể có ở một con người và càng không thể có ở một đứa trẻ. Sau tiếng cười đó nó mới nằm vật ra sân chịu chết, kì lạ hơn nữa là người thằng An vốn dĩ nhỏ con mà máu vì cả vũng lênh láng khắp sân nhiều ngang một con trâu lớn.
Hai người nhìn con dao trong tay thằng con, rõ ràng sáng nay trước khi đi gã Năm đã mang hết đồ nghề, sao giờ lại có dao trong tay con mình? Mà hơn hết con dao ấy đã truyền lại bốn đời nhà bà rồi. Hai vợ chồng nhìn con nằm ngập giữa vũng máu rồi lại để ý đến đứa con gái quỳ rạp trước bàn thờ.
Sao cơ sự này lại xảy đến nhanh quá? Sao lại đến với gia đình bà?
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top