Làng
Làng tôi là một ngôi làng nhỏ được một dòng sông lớn bao quanh. Đó là một ngôi làng yên bình với những cánh đồng thẳng cánh cỏ bay, hương lúa thoang thoảng luôn len lỏi trên từng con đường nơi đây. Từng mái ngói, nhà tranh nhấp nhô xếp cạnh với nhau, hay là những bụi tre, bụi nứa, bụi cỏ cạnh sông và đầu làng. Tôi yêu cái làng này, mẹ tôi cũng vậy.
Tôi đã bao lần hỏi mẹ:
" Mẹ ơi, sao giặc nó chẳng đến đây vậy mẹ?"
Mẹ tôi chưa từng trả lời, mẹ chỉ ôm tôi vào lòng, và mỗi lần như thế, tôi lại thấy cái vai gầy gò của mẹ lại khẽ run rẩy.
Cái làng nhỏ này có tới hai mươi mấy cái hộ gia đình, nhà nào nhà nấy lại cao cao, rồng rộng. Nhà của tôi thuộc loại nhà tranh, nó cứ nép sau cái bụi tre ở giữa làng làm bác Lâm, cứ mỗi lần qua chơi là lại phải lần mò. Căn nhà tranh nhỏ bé ấy chỉ có hai mẹ con ở chung với nhau thôi, bố của tôi, mẹ bảo rằng ông đi sang Miền Nam làm ăn, độ dăm ba năm nữa mới chịu về
Thực tình, mỗi khi nghe mẹ nói câu ấy, tôi lại cảm thấy buồn cười, cái đứa nào sinh ra trong cái thời này mà chả biết chẳng có chỗ nào yên ổn để làm với ăn cả.
Sáng sớm nay, mẹ tôi dậy sớm hẳn. Mẹ bảo tôi rằng, hôm nay có mở phiên chợ, mẹ phải ra mua ít thịt, lại một ít rau mang về muối dưa ăn dần. Tôi ở nhà, nấu cơm, tự túc làm, đến chiều muộn mẹ về.
Tôi ghét cái nắng của sáng sớm, nó có cái gì đó lành lạnh, nó làm tôi không muốn dậy, nhưng tôi phải dậy. Thái chuối cho lợn ăn, thay nước với tí thóc tí trấu cho mấy con gà, quét tước lại nhà cửa như cái mở cửa cho một ngày nữa, xong tôi mới ngồi xuống cái sạp nho nhỏ mẹ con tôi tự làm ở trong sân
" Man ơi, hôm nay không bán à?" tiếng cô Lý đầu xóm vang lên trước cửa nhà. Man là tên tôi, nghe đâu do bố tôi đặt, nó mang ý nghĩa là dũng cảm, mẹ tôi bảo thế. Tôi nói thật, dù tôi chả có chữ nghĩa gì( cái lớp xã tôi mở được dăm ba hôm bị bọn Tây nó động chân rồi, chả chốc lại dẹp) thì tôi cũng biết nó cũng chẳng hay ho gì cho cam.
Lại nói, nhà tôi bán đậu ( thật ra là có mình tôi bán), tại nhà ở cạnh cái bụi tre, nên nó mát, mấy cô dì với đám trẻ con nó thích lắm, cứ túm tụm lại dưới bụi nói chuyện đồng áng này nọ, đôi lúc lại bán được vài bìa, có người nói chuyện cùng bán được hàng, tôi khoái lắm, lúc nào cũng mở đúng giờ để chào hỏi mọi người chơi, cơ mà hôm nay thì không
"Không cô ạ, mẹ cháu lên trên chợ để họp rồi, mà mẹ cháu bảo bữa nay mẹ cho nghỉ ngày, cháu cũng muốn, chứ làm quần quật cả năm chả ai muốn cho được cô ạ"
Tôi vừa mở cửa cho cô, vừa cười xòa đáp. Cô Lý hay đến mua nhà tôi, tính ra thì sau bác Lâm, cô Lý là người thân với hai mẹ con tôi nhất
" Ừ, mày nói cũng phải, chả có ai muốn làm cả năm cả, cơ mà không làm thì ăn cái gì, với lại, bên tiền tuyến phía Nam kia cũng cần vật tư kinh lắm, nghỉ sao được. Đấy, cô mày chỉ kịp đứng đây một tí cho nghỉ cái tay cái chân thôi, phải ra gấp thì mới kịp gặt cái sào."
Đoạn, cô dừng lại để nghỉ lấy sức, tay phe phẩy trước mặt
" Để cháu lấy cho cốc nước, uống cho xuôi, cho có sức mà làm. Chứ mẹ cháu cũng quần quật suốt mấy tháng, không gặt thì cũng gieo, lại cấy, lại phơi,..đủ cái loại mệt. Đúng cái gấp gáp rồi"
" Mấy bữa nay tao thấy mấy ông ở trên họp dữ lắm, lại chả biết có chuyện gì. Mà làng mình cũng hay, mỗi thấy thế thôi mà ai nấy cũng sẵn tinh thần gói ghém rồi"
" Thật đấy ạ? Vậy thì nhà cháu lại sắp tất bật rồi"
Cô Lý uống xong cốc nước, khà một tiếng lớn như xả cơn mệt nhọc ra ngoài. Xong, cô đứng dậy, tạm biệt tôi rồi về với mấy thửa ruộng của mình.
Lâu nay bận rộn nó quen, chứ bây giờ rảnh rang ra một chút là tôi lại thấy ngứa ngáy kiểu gì ấy, nửa ngày nữa mẹ tôi mới về, có lẽ chuồn đi một tí cũng chả chết đâu. Nghĩ đến cái, tôi liền đứng ngay dậy
Nhanh nhanh một chút thì còn được chơi, mẹ mà về rồi là ăn cám
Sau khi chắc chắn cửa giả khóa đoàng hoàng, tôi chạy như bay ra giữa làng. Nói rồi vẫn muốn nói lại. Cái làng tôi nó đẹp lắm, cái nét đẹp kì dị, dường như, mỗi lúc tôi đưa mắt lên nhìn một góc nào đó, nó lại giương mình tỏa lên hương sắc của mình. Nhất là cái sân đình nho nhỏ ở giữa làng. Nó vừa thôi, đủ cho đám trẻ con bọn tôi nhảy cò, bắn bi, nhảy sạp hay ô an quan gì đó, nhưng phần lớn thời gian là bị các bà đuổi ra để phơi thóc. Cạnh đó là một gốc đa to, lá đa to, xanh mướt, tán lại rộng, những dây leo không biết từ đâu cứ rủ xuống dưới , đung đưa theo làn gió nhẹ, lại thêm một thứ cho bọn nhóc chúng tôi vần.
Lúc đến nơi, đã thấy các anh em của tôi bị bắt đi cào thóc. Dưới cái nắng của ngày hè, mặt đứa nào đứa nấy cũng nhăn nhúm lại như cái quả cà thối, mà cạnh đó, là hai anh cán bộ đang phụ giúp. Tôi không biết các anh là ai, hay tại sao người ta cứ gọi các anh bằng cái từ cán bộ đến mà lạ lùng kia. Nhưng chẳng ai hỏi đến những điều đó, họ đều đối xử với các anh như mấy chú trong nhà. Chỉ có mẹ mới nói cho tôi, các anh là những người dũng cảm, gan dạ, có cho mình một khát khao, lý tưởng tuyệt vời. Các anh là những người sẽ bảo vệ chúng tôi, bảo vệ làng hay những nơi xa hơn tôi chưa từng tới như " miền Nam" mà mẹ tôi khắc vào tim tôi vậy. Mẹ còn bảo, các anh tuy bảo vệ ta, nhưng hiện tại ta cũng phải bảo vệ các anh
Lại thêm một điều kì lạ
" Man, mày cũng vào cào đi, đừng tưởng đứng đấy là chuồn được"
" Đúng đấy, vào đây nhanh! "
" Tao đoán được mày sẽ đến mà, nhanh lên đi, chừa phần cả rồi"
" Không thoát được đâu"
Bọn nó nhìn thấy tôi, đứa nào cũng gào lên, có đứa bỏ cả cào xuống, chạy vọt tới vác tôi lại. Tôi như bao gạo hỏng, mặc bọn nó vác tới vác lui, quẫy đạp kiểu gì cũng vô dụng. Mà anh cán bộ cũng không vừa, nhanh tay lấy ra cái cào chả biết ở đâu dúi phát vào tay tôi
" Đấy, khỏi phân bua luôn nhá"
" Anh em mà thế đấy, chả đứa nào thương tao chạy mệt cả"
" Làm anh em với mày nên mới không thương nổi mày đấy"
" Vô lương tâm!! "
" Khiếp, văn vẻ thế, cào nhanh đi còn chơi"
Cào mãi, cào mãi, cái đống thóc trải khắp cả cái đình, chỉ còn lại một chỗ đất nhỏ, các cô ngoài đồng cũng ghê thật, làm việc cứ quần quật mà cũng quản hết được bọn tôi, chả đứa nào rong chơi được luôn. Đến lúc hoàn thành cũng quá trưa, bọn nó thế mà lại mỗi đứa vạch dưới áo lấy ra một cái bánh bột. Cầm ra ăn ngon lành
" Á à bọn mày, tính chơi lẻ à"
Tôi nhảy vào cào loạn tóc đứa gần đấy, nó sống chết bảo vệ cái bánh của mình
" Này, mày mới chơi lẻ nhá, hôm trước mày ăn có chia tẹo nào đâu"
" Là tao tự làm đấy, tự thưởng mình chơi thôi, bọn mày là được mẹ cho nhá"
Bọn tôi lại gào lên với nhau, nghe mà nhức nhối cái tai lắm, được cái tôi lại được chia một miếng để ăn cũng được.
Có đứa móc ra con dế to bự, sợi chỉ bạc màu quấn quanh cổ phất phới dật lên xuống. Bắp chân con này khỏe lắm, nhảy đã cao mà xa, có mấy lần xuýt mất.
Bọn tôi đứng thành vòng tròn nhỏ, tay cầm mấy cái lá chuối nhỏ mới vặt trộm, cứ khi con dế nhảy lên, liền đưa tay ra chắn
" Bụp... bụp... "
Đâm đầu vào lá không biết bao nhiêu lần, dế nó không thèm nhảy nữa, làm cách nào cũng im như tượng. Một anh cán bộ lại thó được cái que, quất " mông" cho vài phát
Lũ nhóc bọn tôi vần tươi con dế xong xuôi rồi lại chán, lại bày trò. Người lớn chả bảo gì bọn tôi đâu, có người trông thóc cho, lại tiện cả việc trông nom, cứ tụ hết vào một chỗ là được.
Sau cái nắng gay gắt là cơn mưa rào. Lúc mặt trời còn tỏa nắng, mấy đám mây cứ vàng ruộm lên, bên trắng bên vàng đẹp lạ kì. Đang ngẩn ngơ ngắm trời, lại nghe đâu tiếng uỳnh lớn. Đấy, đẹp thế đấy, còn chưa ngắm xong là lại nghịt trời rồi.
Tôi lầm bầm, chân tay vội vã chạy ra thu thóc lại khỏi hỏng ra. Phủ lại xong xuôi là mưa đã trút xuống. Cơn mưa rào ngày hạ luôn mang chút nồng ẩm thấp, chút lạnh lẽo của từng hạt mưa và sự náo nhiệt của bọn trẻ con. Tôi chạy ào khắp sân, áo, quần, đầu tóc ướt nhẹp. Mí mắt cay xè vì nước mưa, mũi lại ngửi thấy mùi vị tươi mát. Tôi gào lớn, đùa nghịch với đám của mình. Chả mấy chốc lại tụ tập té nước nhau, rồi kéo nhau đi bắt cá. Cũng may là hai anh cán bộ vội kéo bọn tôi lại, không thì cũng chẳng biết sẽ phá ra trò gì.
Mưa lâu, tầm tã. Mưa ngừng, bầu trời lại bừng sáng trở lại. Mọi thứ như vừa khoác lên áo mới thay cho cái áo nhuốm màu mệt mỏi ủa mình. Mặt trời lại tỏa ra những tia nắng nhẹ như thể hiện sự khoan khoải
Mẹ tôi cũng về rồi. Chắc bà cũng đoán ra tôi sẽ chạy đi chơi nên ghé luôn qua đình để tóm tôi về
Mẹ xách một cái giỏ nhỏ, trỏng đựng rau, miếng thịt được gói trong tấm lá chuối xanh già, còn có cả con cá rô tôi mới bắt được cũng bỏ vào đấy. Tay kia của mẹ, nhẹ lau gương mặt toàn đất cát của tôi, mẹ dẫn tôi về.
Cái bóng gầy gò của mẹ in trên mặt đất cùng cái bóng nhỏ bé của tôi chồng lên nhau, nổi bật lên trên nền đất đầy nắng
Một điều lạ kì nữa của tôi
Tối đó, tôi được ăn một bữa ngon, ngon là ngon hơn mọi ngày, mẹ còn cho tôi cái áo mới, hình như là cái mấy bữa nay mẹ may, nó màu chàm giản dị khiến tôi mê mẩn cả tối. Mẹ chải lại mái tóc rối vò của tôi bằng một cây lược gỗ có khắc tên tôi, do bố tôi tự làm, ôm tôi âu yếm trên giường, một cái ôm đầy ấm áp
Bỗng dưng tôi thấy xót, không hiểu vì sao, nhưng nỗi xót xa, nỗi buồn cùng sự bất an cứ kéo đến.
Tôi cố ngủ, ngày mai phải dậy sớm, nên tôi phải ngủ.
Trong sự mơ màng, tôi thấy bóng mẹ to lớn, dán lên trên vách nhà qua ánh lửa lấp lòe của cây đèn dầu. Hình như mẹ đang chuẩn bị gì đó. Hình như mẹ dúi vào tôi một thứ gì đó. Hình như mẹ khóc...
" Đoàng!!!"
Tiếng nổ lớn khiến tôi giật mình tỉnh lại, chỉ thấy khói bụi làm mờ mắt tôi, màu đỏ tươi che khuất mắt tôi. Tôi bị ai đó kéo đi, vấp ngã, dẫm đạp. Khói lửa làm khóe mắt tôi cay, những lần ngã hay chạy vội làm chân tôi bật móng, đầu gối xây xát. Có ai đó kéo tóc tôi, lôi tôi đi xềnh xệch, người đó có dáng vẻ lạ lùng của một người ngoại tộc, mặc chiếc áo màu xanh đẹp đẽ mà xấu xí, cùng với đồng nhân của mình hô hào điều gì đó. Thật chói tai. Tôi chợt hoảng hồn, vội giật người lại, quay đầu chạy đi. Đầu đau đớn. Tôi nghe thấy người đó rít lên, đuổi theo tôi.
Tôi không rõ đã bị kéo giật biết bao lần hay bị tiếng nổ lớn làm giật mình bao lần. Tôi chỉ biết chạy đi bằng đường thẳng, bằng đôi chân trần đầy đau đớn và những sự sợ hãi.
Chạy! Chạy! Chạy !
Một tiếng nổ lớn. Có thứ gì đó xiên vào vai tôi, gót chân tôi khiến tôi giật mình, đau, tôi không thể dừng lại, cắn răng mà chạy tiếp.
Lại một lần nữa bị kéo, nhưng lần này là một đôi tay chai sạn quen thuộc, cái ôm quen thuộc, đến cả cái áo cũng cùng lại vải với cái tôi đang mặc
Là bác Lâm!
Bác kéo tôi xuống một cái hầm nọ, căn hầm tối om chỉ thấy loáng thoáng vài cái chân. Chưa hồi thần, bác lại dẫn tôi chạy dọc theo con đường nào đó. Tiếng bước chân, tiếng nổ và những tiếng gào thét vang lên ngay trên đầu tôi khiến tim tôi run rẩy từng hồi, cơn đau bị tôi bỏ qua lại ập đến, hệt như đang nhắc tôi chạy tiếp. Tôi thấy hơi thở của nhiều người hơn, một vài tiếng nức nở khẽ vang vọng.
Tôi chợt nghĩ đến, mẹ đâu rồi?
Nhưng tôi không đi tìm, cũng không lên tiếng gọi hỏi gì. Tôi cứ lẳng lặng đứng im như tượng. Hoặc là tôi đang sợ hãi với suy nghĩ của mình, hoặc là đang quằn quại với cơn đau của mình.
Tôi có thể cảm thấy dòng nước ấm chảy trên lưng tôi hay chỗ tôi đứng, nó dính nhớt, đặc sệt, có lẽ người bên cạnh tôi đang thút thít cũng vậy, người đó im bặt.
Bác Lâm lại càng vậy, bác ôm đầu tôi, bác đang run rẩy.
Không khí nặng nề bao trùm cả căn hầm, không biết bao nhiêu lâu rồi. Hình như hô hấp của tôi đang mỏng dần, trái tim đang đập đến dữ dội cũng đang hòa hoãn lại
Tôi thấy mình như sợi chỉ bạc vắt qua giữa trời, có thể đứt bất cứ lức nào
Đến lúc sắp đứng không nổi, áo tôi cũng ướt nhẹp hết rồi. Mọi thứ trên đầu tôi mới thật sự yên tĩnh, có người định đi ra, lại lo sợ rụt người vào.
Có cái gì đang dâng trào trong tôi, càng ngày càng cao. Đỉnh điểm là khi người tôi quay lại, đôi chân nát tươm trộn lẫn cùng chất lỏng đặc sệt cất bước. Tôi ngạc nhiên, mọi người cũng ngạc nhiên, nhưng chỉ chốc lát, tôi không còn vậy nữa. Trong bóng tối, tôi men theo vách tường để đi ra. Khi những mãnh gỗ vỡ tan đụng vào chân tôi và tôi nhìn thấy ánh sáng, chẳng còn gì để chần chờ mà leo lên mặt đất
Tôi thấy rõ mọi thứ trên này. Tan hoang. Những căn nhà đổ nát, những cái cây xơ xác, cánh đồng cháy lớn một màu đỏ rực rỡ
Than ôi, còn đâu cái xanh mướt của cành lá, cái vàng rực lúa chín, còn đâu cái đẹp đẽ lạ kì mà tôi luôn ôm ấp trong tâm hồn. Giờ đây, chẳng còn cái gì cả
Tôi đã khóc, nước mặt làm ướt đẫm gương mặt bụi bặm của tôi, làm nhòe mắt tôi để không còn phải nhìn thấy những điều đau lòng kia nữa.
Cổ họng tôi nghẹn ngào, có ai đó đang gào thét trong tâm trí tôi. Đau! Tôi cũng muốn gào thét, nhưng cơn đắng ngắt khiến miệng tôi ngậm chặt
Đành cúi đầu ôm chặt lấy trái tim...
Nhìn cảnh làng khiến tim tôi vỡ nát, nó đang dần bị chôn vùi theo trong đống trong bụi này.
Hôm nay tôi tròn mười hai tuổi...
Hôm nay tôi mất mẹ...
Hôm nay tôi mất làng...
Hôm nay tôi mất đi chính tôi
XXXX
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top