『Lan nở trái mùa. - 1』
"Cô Lan!"
"Ơ… anh Thế? Sao nay anh tới sớm thế?"
Cô nữ sinh trong tà áo dài cùng chiếc cặp đen trên tay ngạc nhiên quay về tiếng gọi tên mình mà đáp lại. Đó là Lan. Còn cái anh vừa gọi cô, hai tay anh đang dắt chiếc xe đạp của mình, là Thế Anh, thường gọi là Thế.
"À, mấy thằng bạn tui nó hẹn tui vô sớm để sinh hoạt. Nghe nói hôm nay tụi nó tính tổ chức văn nghệ cho vui, mà tụi nó khen tui hát hay, nên tụi nó mời."
Thế bước tới bên Lan, vừa đi vừa vui vẻ kể lý do mình vào sớm. Một nam một nữ, cùng đi bên nhau trong một buổi nắng sớm như vậy. Thế rồi Thế quay qua.
"À hay cô cũng tham gia cùng tụi tui luôn đi?"
Lời mời của Thế có chút đường đột khiến cho cô Lan chần chừ. Cảm thấy mình có vẻ hơi không lịch sự, anh toan đáp lại "À, không sao, nếu cô không có thời gian cũng được." thì giây lát, cô Lan đã gật đầu đồng ý.
Thấy người con gái bên cạnh chấp nhận lời ấy, lòng anh có chút rạo rực. Trái tim anh tưởng như đang có cái trống đánh liên hồi bên trong vậy.
Cả hai người sau đó lại hỏi han nhau về những ngày không gặp, cứ thế dần bước đến chỗ hẹn.
-----
Lê Thanh Lan, hay thường được gọi là cô Lan, là con một tri phủ ở phủ dưới quê, được dân quý mến gọi là ông Phủ.
Ông Phủ nổi tiếng yêu nước, thương dân, lại hay chữ, đời cố từng được tiến quan vào cung. Ngoài mặt thì ông dạ dạ vâng vâng với Pháp, nhưng trong thì ông thường đem số thóc gạo của mình, không chỉ chia với dân nghèo mà còn giúp các phong trào, rồi sau này là đóng góp cho cơ sở Đảng. Nhà nào có con em, ông cũng nhận vào cho ăn học mà không lấy tiền. Nhà nào đang thiếu tiền, ông cũng nhận vào làm cả. Dân mến ông nên khi Cách Mạng Tháng Tám diễn ra, ông kêu gọi mọi người đứng lên, ai cũng đều theo ông cả.
Sống bên cha, Lan đã được cha dạy cho rất nhiều về cách mạng. Và cũng như cha, cô Lan căm thù giặc Pháp và có mong muốn tham gia cách mạng, nhưng vì thân là con gái, lại không muốn cha lo lắng nên cô chỉ có thể giữ cái chí ấy trong lòng. Kế thừa tính cha, cô cũng thường giúp đỡ dân quanh vùng, nhiều đến nỗi dân có người trồng cả cây lan để tặng cô, tỏ lòng biết ơn.
Càng lớn, cô Lan con ông Phủ càng đẹp thêm. Cô trắng tựa như viên ngọc. Tóc cô đen mượt do gội bồ kết. Cô nở nụ cười là hai cái lúm đồng tiền rõ ra, làm bao trai làng say mê. Cô nói chuyện dịu dàng mà giọng dễ nghe lắm, ai cũng khen cô có tài đối đáp, lại giỏi giang việc nhà nữa. Trai khắp phủ, đa phần là các cậu ấm, có tới xin định hôn ước, nhưng cô không chịu tên nào cả. Lâu dần, cha cô cũng thôi không tiếp họ nữa, cũng để con gái mình tự quyết.
Những năm 15, 16 tuổi, cô Lan có xin cha được lên thành phố với lý do "chất lượng học tập tốt hơn", thật ra là để xa cha hoạt động cách mạng cho dễ. Lúc đầu, ông Phủ phản đối dữ lắm, nhưng sau mấy ngày cô nài nỉ thì ông mới miễn cưỡng cho cô đi. Nhưng ông cũng căn dặn cô đủ điều, sắm cho cô một căn nhà riêng gần trường và còn cho theo một đoàn người hầu thân cận cùng lính đã bảo vệ cô từ nhỏ đi theo.
Và thế là từ giờ, cô bắt đầu một cuộc sống tự lập. Ngay khi đặt chân đến Sài Gòn, cô Lan đã ngay lập tức sai người tìm về những điểm hoạt động của cách mạng, rồi hăng hái tham gia các hoạt động liên quan.
Khi cô nhập học trường Petrus Ký, cô Lan đã gặp và quen được người đàn anh của mình, Nguyễn Thế Anh. Đối với cô, Thế Anh là một người con trai không chỉ nhiệt tình, vui vẻ, tốt bụng với mọi người xung quanh, mà sau này cô còn biết được anh là một người nhiệt huyết với cách mạng. Và từ đó, cô đã đem lòng ngưỡng mộ người đàn anh này.
Về phần Nguyễn Thế Anh, tên anh thật ra là Hồ Vỹ. Vỹ xuất thân là con thứ ba trong một gia đình địa chủ theo Pháp. Từ bé, Vỹ đã được nhận xét là "Sao thằng này lì thế!" vì luôn cãi thầy mỗi lúc thầy giảng về lý tưởng của Pháp. Do gia đình theo Pháp, chứng kiến cảnh dân tộc làm nô lệ, anh cũng chỉ biết rủa thầm trong lòng.
Là người con của cách mạng, từ bé anh đã hăng hái hoạt động. Năm Cách Mạng Tháng Tám diễn ra, anh thậm chí còn lén gia đình tham gia lật đổ chính quyền và còn xém bị người của cha bắt giữ khi ông cho người ra đàn áp. Sau đó, anh còn năn nỉ đòi người ta cho mình quyền bầu cử dù chưa đến tuổi.
Sau đó, Vỹ có xin gia đình để mình lên Sài Gòn học. Nghĩ rằng con mình sau này sẽ thành tài như mình, cha mẹ anh cũng chấp nhận. Tuy thế, vừa đến thành phố, anh liền cắt đứt mọi liên lạc với gia đình và đổi tên họ sang Nguyễn Thế Anh. Không chỉ vậy, anh còn được một nhà tư sản yêu nước nhận nuôi, khiến cho người của gia đình khi tìm kiếm anh cũng chẳng hề tìm ra.
Vỹ thường được bạn bè miêu tả là có dáng người khá cao, nhưng lại hơi gầy. Tóc anh cắt gọn gàng, trông rất đứng đắn. Anh được nhận xét là một người thẳng thắn nhưng tinh tế, biết lựa lời mà nói. Trên miệng anh không lúc nào không nở nụ cười. Anh hát hay lắm, anh cũng thích đàn nữa, mà Vỹ không được học, nên anh mê mấy người mà biết đàn lắm.
Cũng như cô Lan, Vỹ đến Sài Gòn để hoạt động cách mạng cho tiện, và cũng như cô Lan, anh cũng theo học tại trường Petrus Ký, trước cô một khóa.
Từ lần đầu gặp gỡ Lan trong chính câu lạc bộ ẩn của mình, Vỹ đã đem lòng thương nhớ cô mất. Không lúc nào, Vỹ không thôi nhớ tới cái nụ cười làm xuyến xao lòng người ấy. Đôi lúc, anh còn thơ thẩn ra đến mức bạn bè kêu cũng chẳng nghe. Tụi bạn cứ chọc anh mãi, cũng có đứa khuyên anh thổ lộ với cô Lan đi, nhưng anh lại bảo "Thôi! Lỡ cô ấy không thích mình thì mình biết thế nào giờ? Cứ là này cho tốt, các bạn ạ!". Phần vì anh tự ti vì cô là con một ông Phủ thương dân, còn anh chỉ là con một thằng địa chủ bán nước, phần vì anh sợ không thể che chở cho cô được.
Thế nhưng, dù cái đầu anh có bảo thế thì trái tim anh vẫn luôn trộm nhớ về cô Lan. Dần dần, khoảng cách cả hai cũng được rút ngắn lại. Cả cô Lan lẫn anh Vỹ nói chuyện đều rất hợp, nên cái việc hai người càng lúc càng gần gũi nhau là cũng dễ hiểu thôi!
Giữa hai linh hồn đã đồng điệu với nhau, cũng là lúc cô Lan cũng có chút tình cảm với cái anh "Thế Anh" này.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top