lamgiauvidai2

24. Nhận tiền của người khác làm tôi phải chịu ơn người đó.

25. Thà kiếm được ít tiền hơn tôi xứng đáng được nhận nhưng không phải nhức đầu còn hơn.

26. Để trở thành một con người có giá trị, tôi phải làm nhiều hơn và nhận ít tiền hơn so với mọi người.

27. Có tiền làm Bạn không thể có hạnh phúc.

28. Tiền bạc làm hỏng con người Bạn.

29. Tôi sẽ chẳng bao giờ thấy đủ.

30. Nếu những sai lầm tôi đã phạm phải trong quá khứ không làm cho tôi thấy đau đớn và lo sợ cho tương lai thì tôi sẽ vẫn lặp lại những sai lầm ấy một lần nữa (quan niệm của một nhà môi giới đầu tư)

31. Tốt nhất là tôi chỉ cần có đủ tiền để trang trải cuộc sống.

32. Bạn nhận được bao nhiêu có nghĩa là Bạn đáng được hưởng bấy nhiêu.

33. Kiểm soát đến từng đồng xu lẻ là một việc tốt và nên làm.

34. Đừng bao giờ mua bất cứ cái gì mà Bạn không cần.

35. Nếu Bạn là một phụ nữ thông minh thì Bạn đã nuôi được mình dễ dàng đến ngày hôm nay rồi.

36. Nếu Bạn là một phụ nữ thông minh và hấp dẫn, Bạn đã lấy được một ông chồng có tiền rồi.

37. Trước nay tôi toàn thuê nhà; sở hữu một căn nhà rất sợ.

38. Tôi sẽ chẳng bao giờ thấy an tâm cả nếu như tôi phải chịu trách nhiệm vì một cái gì đó lớn hơn là một cái ghế treo.

39. Tôi phải có nhà riêng của tôi để có được cảm giác an tâm. Nếu không ít ra cũng phải là một du thuyền. Nếu tôi mua một cái gì mà bị hỏng là tôi dốt.

40. Lo lắng về tiền là dở hơi

41. Bố sẽ thích tôi hơn nếu tôi không tiêu pha hoang phí

42. Tôi muốn có nhiều tiền khi về già, như vậy thì mọi người sẽ đối xử với tôi tốt hơn.

43. Tôi chẳng bao giờ muốn mọi người biết rằng tôi có nhiều tiền như thế vì mọi người thường hay soi mói những người giàu.

44. Nếu tôi được trả nhiều tiền, người ta sẽ nghĩ tôi là kẻ lừa đảo.

41. Bố sẽ yêu tôi hơn nhiều nếu tôi không tiêu pha hoang phí

46. Ai cũng muốn được nhiều hơn; nhưng khi dính dáng đến tiền thì ít hơn lại tốt hơn.

47. Có một người khác ở trong tôi phung phí hết tiền của tôi.

Nếu bạn đồng tình với một vài quan niệm trong số những quan niệm liệt kê ở trên, Bạn hãy lần lượt dừng lại ở mỗi quan niệm ấy và trả lời 3 câu hỏi sau:

• Tại sao Bạn lại tin tưởng như vậy?

• Điều đó có thật không?

• Điều gì sẽ xảy ra với Bạn nếu như Bạn không quan niệm như thế?

Tự hỏi mình 3 câu hỏi ấy về mỗi quan niệm, Bạn sẽ có thể giải thoát cho mình khỏi ám ảnh của chúng và vững vàng hướng tới những gì Bạn mong muốn.

Bạn cũng sẽ thấy thoải mái hơn để có thể cho, cũng như nhận.

Hãy tiến lên phía trước và bắt đầu vượt qua những quan niệm ấy ngay từ bây giờ.

Mandy Evans đã dạy cho hàng ngàn người cách tự giải thoát mình, khơi dậy nguồn sáng tạo và hưởng thụ hạnh phúc bằng cách thay đổi những quan niệm cứ giam cầm họ, giới hạn họ và làm họ tổn thương về tinh thần. Những cuốn sách của bà "TRAVELLING FREE: How to Recover From the Past" và "Emotional Options" đã nhận được sự đồng tình của Deepak Chopra, Bernie Siegel, John Gray và cả tôi nữa.

Một trong những lý do mà người ta không có tiền chính là bởi vì họ chê nó, dù kín đáo hay lộ liễu" (Joseph Murphy)

Phần 14. Giáo dục qua E-mail, hay Làm cách nào để biến những ước mơ táo bạo nhất của Bạn thành hiện thực?

________________________________________

Giáo dục qua E-mail, hay Làm cách nào để biến những ước mơ táo bạo nhất của Bạn thành hiện thực?

Mike Dooley từng không biết mình định làm gì. Anh nghỉ việc ở công ty kiểm toán Price Waterhouse. Anh rời công ty, rời bỏ sự ổn định và bỏ nhà ra đi. Anh đến Orlando và ngồi ở đó, bơ vơ và lúng túng, mong nhận được một chỉ dẫn. Nhưng chẳng có chỉ dẫn nào cả.

Lúc đó, anh trai của anh đang làm nghề thiết kế áo sơ mi theo mẫu riêng của mình và bán cho khách hàng "ruột". Thế là Mike cùng anh trai và sau này cả mẹ anh nữa bắt tay vào kinh doanh áo sơ mi. Họ gọi doanh nghiệp của họ là TUT, viết tắt của Totally Unique T-shirts (những chiếc sơ mi hoàn toàn độc đáo). Từ Disney cho đến chuỗi cửa hàng bách hóa Mary's, ai cũng mua áo của anh để bán lại. Chỉ trong vòng 10 năm, họ đã bán được hơn 1 triệu chiếc áo. Cuộc sống của họ tương đối khấm khá.

Khi thị trường bắt đầu có những chuyển biến, và những khách hàng lớn của họ bắt đầu tự thiết kế mẫu áo riêng của họ, ba mẹ con quyết định đóng cửa công ty này. Ông anh trai có chất nghệ sĩ bắt đầu sự nghiệp diễn viên điện ảnh và diễn tấu hài. Bà mẹ năng động lúc này đã viết được 2 cuốn sách, bắt đầu sự nghiệp viết văn của mình. Mike quyết định mua lại công ty của gia đình, lúc này đã được biết đến với cái tên "Totally Unique Thoughts" (Những ý tưởng hoàn toàn khác người) và tự điều hành.

"Những mẫu áo sơ mi được ưa chuộng nhất của chúng tôi luôn luôn là những chiếc áo có in những dòng chữ động viên hoặc những lời cầu nguyện trên đó", Mike cho tôi biết trong cuộc nói chuyện điện thoại với anh gần đây. "Thế là tôi nghĩ ra việc gửi những lời động viên khích lệ cho những khách hàng trung thành của chúng tôi qua e-mail vào mỗi buổi sáng Thứ Hai".

Những lời động viên vào thứ Hai thường là ở dạng thơ. Và danh sách khách hàng "ruột" của Mike ở thời điểm đó là khoảng 1000 người. Thay vì viết cho khách hàng bằng câu mở đầu "Khách hàng mua áo sơ mi trung thành kính mến của tôi," Mike quyết định dùng cách khác độc đáo hơn.

"Tôi đã lập Câu lạc bộ những người ưa phiêu lưu và mời khách hàng của tôi tham gia thành viên với phí hội viên chỉ có 36$/năm," Mike giải thích. "Họ sẽ nhận được hàng tuần hoặc thậm chí là hàng ngày những tin nhắn của tôi, và tất cả đều là những lời động viên tinh thần."

Vậy việc này có được hưởng ứng không?

"Không hề. Gần như chẳng có ai chịu trả tiền để tham gia cả. Nên cuối cùng tôi quyết định sẽ chẳng thu tiền hội viên nữa mà làm việc này miễn phí, vì tôi biết là thế nào rồi tôi cũng sẽ có cách kiếm tiền từ nó sau này".

Những lời động viên Thứ Hai hàng tuần của Mike đã "gãi đúng chỗ ngứa". Ai cũng thích những bài thơ khích lệ mà họ nhận được hàng tuần. Thỉnh thoảng cao hứng lên anh lại còn thêm những lời bình của mình vào cạnh mỗi bài thơ. Số người đăng ký nhận tin nhắn tăng lên đến con số 3000 người.

"Lúc đó tôi đang có một người bạn kiếm được khoảng $15 000 mỗi tháng nhờ bán quảng cáo trên những tấm thiệp điện tử của anh ấy," Mike nói. "Thế là tôi dồn hết sức vào làm những tấm thiệp điện tử miễn phí cho phép người ta đặt quảng cáo website của mình lên đó để khách hàng click vào. Tôi sử dụng tất cả những gì học được từ thời thiết kế áo sơ mi vào và còn thêm vào một số lời bình để những tấm thiệp đó trở nên khác lạ."

Nhưng việc này cũng chẳng có ai hưởng ứng nốt.

"6 tháng sau, người ta bắt đầu chán trò quảng cáo trên thiệp điện tử. Anh bạn của tôi cũng chẳng kiếm được 15 ngàn đôla/tháng nữa. Còn tôi thì thậm chí chẳng kiếm được nổi 100 đôla từ thiệp điện tử. Nhưng tôi vẫn rất hài lòng vì đã làm việc này."

Tại sao anh ấy lại hài lòng?

"Những tấm thiệp điện tử ấy đã trở thành một chiến dịch quảng cáo lan truyền nhanh như một virus," Mike giải thích. "Người ta gửi chúng cho nhau và bỗng nhiên website của tôi được hàng triệu người biết đến. Những tấm thiệp điện tử ấy vẫn còn là một mục được yêu thích trên website của tôi."

Vào năm 2001, Mike quyết định làm một cú đột phá.

"Tôi thu âm 12 cuốn băng, đóng gói lại và gọi chúng là "Những Cơ hội Không có Giới hạn: Nghệ thuật Trải qua những Ước mơ của Bạn". Chúng là sự kết hợp của những bài thơ khích lệ hàng tuần của tôi, những buổi nói chuyện của tôi, và một số tài liệu hoàn toàn mới mẻ."

Bộ băng thu âm ấy trở thành bước ngoặt trong sự nghiệp kinh doanh của Mike trên Internet. "Mọi người nhận được thiệp điện tử từ bạn bè, họ nhìn thấy link của trang web của tôi ở cuối thiệp và cao hứng mua luôn cuốn băng của tôi." Mike bán được khoảng từ 40 đến 60 bộ băng này mỗi tháng, với giá bán lẻ là 125 đôla/bộ.

Dù anh ấy chưa bao giờ đề nghị các khách hàng viết nhận xét tốt về những cuốn băng của anh ấy, nhưng đã có tất nhiều người gửi thư khen ngợi cho anh. Chẳng hạn như 3 ý kiến ngắn dưới đây mà tôi lấy từ website của anh ấy:

"Rất hấp dẫn. Đầy khích lệ. Thậm chí là thần kỳ. Tôi rất ít khi được nghe những lời thông thái, những câu thơ đẹp làm tâm hồn muốn bay, lời động viên thiết thực và những lời khuyên đúng đắn như vậy."

"Tôi như được nhấc bổng lên! Tôi đã kêu lên vì sung sướng!"

"Tôi nghe đi nghe lại những cuốn băng ấy... Những tài liệu TUYỆT VỜI, những tiềm năng mới vô tận, những tác dụng gián tiếp... những lời của anh đã thúc tôi hành động!"

Khi Mike thêm vào bên cạnh những tin nhắn hàng tuần cả những lời động viên hàng ngày nữa, anh ấy không hề quảng cáo, tuyên truyền hay chào hàng gì cả. Băng của anh ấy bán được hoàn toàn là nhờ truyền miệng. Cơ sở dữ liệu khách hàng của anh hiện nay đã lên tới 5000 người và vẫn đang tiếp tục tăng. Anh dự tính sẽ sử dụng dịch vụ quảng cáo trả tiền theo số lần nhấp chuột để mở rộng cơ sở khách hàng. Sau đó anh ấy sẽ tập trung vào chương trình cộng tác mà anh ấy vừa bổ sung vào site.

Nói tóm lại là Mike đã đi lên từ một một anh chàng bỏ việc không có định hướng gì thành một người có sứ mệnh lớn. Và anh đã sử dụng Internet như một phương tiện để giúp anh đi đến ước mơ của mình. Công cụ tiếp thị chính của anh chính là chương trình "Giáo dục qua E-mail", những bức thư động viên hàng ngày và hàng tuần mà đến nay vẫn được gửi đi miễn phí.

Lời khuyên của anh cho những người muốn xây dựng một doanh nghiệp thành công và biến những ý tưởng độc đáo của mình thành hiện thực là gì?

"Hãy xác định một cách rõ ràng nhất những kết quả cuối cùng mà Bạn muốn nhận được về mặt tinh thần," anh khuyên. "Hãy sống bằng cảm xúc đó ngay, kể cả trước khi Bạn bắt đầu thực hiện ước mơ của mình, hay kể cả khi Bạn vừa mới bỏ việc. Có một kết quả cuối cùng hình thành rõ ràng trong đầu ngay từ bây giờ sẽ giúp Bạn dễ dàng vượt qua bất cứ trở ngại nào có thể gặp trên con đường của Bạn."

"Và đừng lo lắng về việc phải làm cách nào để đi đến được mục tiêu cuối cùng của mình," anh nói thêm. "Có cả triệu cách để đạt được vinh quang hay tiền bạc, hay bất cứ thứ gì Bạn muốn. Đừng trói tay của Vũ trụ bằng ý nghĩ rằng những điều đó phải đến theo một con đường nhất định nào đó. Vũ trụ có "Khả năng vô hạn". Hãy tin tưởng vào nó."

Cuối cùng, tôi đã hỏi Mike là anh có thể cho riêng độc giả cuốn sách này một "ý tưởng hoàn toàn độc đáo" nào không. Dưới đây là những gì anh gửi cho Bạn:

"Thành công trong thế giới này, trong kinh doanh hay ở bất cứ lĩnh vực nào khác nữa phụ thuộc vào việc Bạn có biết thu hút Vũ trụ và khơi dậy những điều thần diệu của nó không chứ không chỉ đơn thuần là khả năng quản lý thời gian và không gian xung quanh Bạn. Điều này chính là bí quyết của bất cứ một nhà tài phiệt nào - cho dù họ có nhận thức được điều này hay không".

"Việc của Bạn KHÔNG PHẢI là tìm mọi cách để thắng các đối thủ cạnh tranh bằng mọi cách, làm lợi cho những khách hàng tương lai, hay là chế tạo lại xe đạp. Việc của Bạn là xác định được ước mơ của mình, hình dung ra kết quả cuối cùng và bắt tay vào làm việc với tất cả linh cảm và bản năng của mình - chỉ có thế thôi. Những thứ còn lại sẽ tự động và dễ dàng đến với Bạn... một chiến lược tiếp thị tuyệt vời, một địa điểm tốt nhất, một ý tưởng "ăn phát một", và cả trình tự thời gian diễn ra những yếu tố này nữa. Vũ trụ luôn HIỆN HỮU dù Bạn không thấy được nó, và luôn hiện hữu trong tất cả những hành động của Bạn. Hãy học cách kích hoạt nó."

Và đây là một câu nói của Mike cũng liên quan đến điều này:

"VIỆC CHO sẽ cho Vũ trụ thấy rằng Bạn tin rằng BẠN đã sẵn sàng để nhận. Bởi vì ngay cả khi Bạn dốc sạch túi, Bạn cũng không sợ, mà việc thể hiện sự tin tưởng rằng Bạn sẽ chẳng thiệt thòi gì, rằng túi Bạn sẽ lại đầy, và rằng tình cảm của Bạn đối với người mà Bạn cho mới là điều quan trọng nhất. Nói cho cùng, khi Bạn tin rằng những điều này sẽ thành hiện thực thì hiện thực ấy sẽ xảy ra và tài lộc sẽ đến với Bạn cứ như ông Trời đã mở cánh cửa kho báu ra vậy."

Bạn nên nhớ là phần lớn thành công của Mike là nhờ vào việc cho - anh ấy đã cho (và vẫn tiếp tục làm việc này) những tấm thiệp điện tử, và anh ấy vẫn còn viết và tặng những lời động viên hàng ngày và hàng tuần.

Tổng doanh thu của anh ấy năm 2003, kể cả tiền diễn thuyết, và thu nhập từ những cuốn sách mới (Notes from the Universe, Totally Unique Thoughts, More Reminders Of Life.s Everyday Magic...) vào khoảng $250,000, và Mike dự tính đạt khoảng $1,000,000 vào năm 2004!

Mike nói rằng: "Sẽ chẳng có được tất cả những thứ này, nếu như tôi không làm những việc gửi tin nhắn động viên, câu lạc bộ miễn phí, mặc dù là ở thời điểm ấy tôi cũng chẳng biết là mình sẽ đi đến đâu, cũng như tôi sẽ kiếm được tiền từ đâu. Tôi chỉ thấy vui, mọi người rất cám ơn tôi và tôi yêu công việc của tôi."

"Có những lúc Vũ trụ không trả công cho Bạn theo kiểu cho gì được nấy, hay cho Bạn tiền, mà thay vào đó, nó cho Bạn sự tự tin, những ước mơ, sự khích lệ..., những thứ còn tốt đẹp hơn những đồng đôla, bởi vì cũng giống như là Bạn được dạy cách bắt cá (thay vì được cho một con cá). Sau này, Bạn sẽ biết cách kiếm được nhiều hơn..."

Phần 15. Từ việc "cho" đến món tài sản $1,500,000 (John Milton Fogg)

________________________________________

Từ việc "cho" đến món tài sản $1,500,000

(John Milton Fogg)

Rất nhiều tác giả gán các danh hiệu "best-seller" cho sách của họ để giúp chúng bán chạy hơn. Vâng, đúng thế... đó có thể là "best-seller" ở một cái cửa hàng sách bé tí nào đó trong thành phố họ, nhưng... nói là cuốn sách đã bán được 1 triệu bản lại là chuyện mà ít người có thể mạnh miệng khoe khoang được!

Nhưng John Milton Fogg thì hoàn toàn có thể khẳng điịnh điều này đối với cuốn sách "Nhà kinh doanh theo mạng vĩ đại nhất thế giới" của ông. Ông đã đạt được điều này bằng cách nào? Câu trả lời của John là...

Tôi đã mang sách đi cho.

Tôi viết cuốn "Nhà kinh doanh theo mạng vĩ đại nhất thế giới" năm 1992. Lúc đó tôi là chủ kiêm biên tập viên của tờ báo tên là Upline, chuyên phục vụ cho những người làm nghề kinh doanh theo mạng. Hồi đó, chúng tôi có khoảng vài ngàn người đăng ký đặt báo là cùng.

Tuy đã viết xong cuốn sách nhưng tôi không có tiền để làm ấn bản đầu tiên. Một người bạn của tôi, Tom "Big Al" Schreiter, cũng làm trong ngành xuất bản, mách tôi nên chào sách cho những người có khả năng bán chúng: đó là những người buôn sách, những người cung cấp tài liệu cho các nhà tiếp thị theo mạng, những người sở hữu các tạp chí hay catalogue giới thiệu sách, băng đĩa và các dụng cụ khác. Tom bảo tôi nên đưa một giá thật rẻ cho những người này để họ có lời nhiều hơn. Như thế tôi sẽ có tiền trang trải chi phí in ấn, kiếm được chút lợi nhuận và có điều kiện in nhiều sách hơn. Thế là Tom mua 1000 cuốn với giá chỉ có 3 đôla/cuốn.

Tôi hỏi anh là anh định bán số sách này ra sao. Anh nói anh chẳng định thế nào cả. Anh định mang đi cho. Điều này làm tôi chú ý. Tôi hỏi: "Sao lại cho?" Anh giải thích rằng anh đang định "nuôi" thị trường. Anh tính là mọi người sẽ thích hoặc yêu cuốn sách và họ sẽ quay lại mua để tặng hoặc bán cho người khác. Và, điều đó sẽ tạo ra một cuộc quảng cáo truyền miệng cho cuốn sách, cũng có nghĩa là anh sẽ bán được nhiều sách hơn, và cả tôi cũng vậy.

Tom cũng giảng giải cho tôi nghe cái ý tưởng về "giá trị gia tăng" của anh: Anh ấy sẽ công bố tặng cuốn "Nhà kinh doanh theo mạng vĩ đại nhất thế giới" cho những khách hàng của anh ấy để khuyến khích họ. Mọi người sẽ nhận được một món hàng trị giá 10 đôla, trong khi Tom chỉ phải trả có 3 đôla. Rất có lợi cho anh - vì anh sẽ bán được nhiều hàng hơn. Và cũng rất lợi cho khách hàng - vì họ nhận được món quà miễn phí, họ sẽ vui và càng thích mua hàng của anh hơn.

Tôi không rõ là Tom đã bán được bao nhiêu cuốn sách của tôi từ bấy đến giờ. Tôi chỉ biết là anh ấy đã thu hồi được vốn đầu tư và dôi ra được khá nhiều. Tôi biết đó là một ý tưởng tuyệt vời, và vì vậy tôi cũng học theo và đem cuốn "Nhà kinh doanh theo mạng vĩ đại nhất thế giới" tặng cho những thành viên mới đăng ký đặt báo của Upline chúng tôi

Sau khi nhận được món quà miễn phí ấy, khách hàng của tôi lại càng muốn mua tạp chí của tôi hơn. Sách của tôi được những người có tư tưởng tích cực nhất đọc, và vì họ vốn khá có uy tín nên chỉ cần họ nói một tiếng là những người khác cũng mua theo, vì thế mà họ đã giúp tôi bán được khá nhiều.

Khi Internet ra đời, tôi đưa cuốn "Nhà kinh doanh qua mạng vĩ đại nhất thế giới" lên mạng và tặng cho khách truy cập website của tôi.

Bao năm qua, tôi đã tặng cuốn sách này cho khoảng 40 000 người. Giá thành của số sách ấy ước tính khỏang 50 ngàn đôla. Như vậy xem như tôi đã tặng không khoảng 50 ngàn đôla.

Nhưng tôi lại thu được số tiền khá lớn từ bản quyền: 1 đô la từ mỗi cuốn sách đã xuất bản và được bán ra trên thị trường. Đó là chưa kể số tiền tôi được các nhà buôn sách trả thêm khi mọi người mua sách của họ.

Bạn thử làm một phép toán xem. Theo tôi ước tính thì tôi đã kiếm được khoảng 1,5 triệu đôla lãi ròng từ cuốn sách này rồi đấy.

Mà đơn giản là chỉ vì tôi đã đem nó đi cho.

Còn đây là một chuyện khác có thực một trăm phần trăm về sức mạnh của việc Cho:

Bạn biết Seth Godin là ai chứ? (Anh ấy là một chuyên gia gạo cội khác về Internet Marketing, ngoài Joe). Chính anh là tác giả cuốn "The Idea Virus" (Ý tưởng virus). Cuốn sách ấy đã tạo nên một cuộc cách mạng thực sự về tư tưởng. Seth đã đem nó lên mạng để tặng cho độc giả. Mọi người nói với anh ấy rằng anh ấy bị dở hơi mất rồi. Hơn một triệu rưỡi bản điện tử của cuốn sách này đã được cho đi. Và, sau khi đem tặng cuốn sách ấy trên mạng, anh ấy mới cho in bản giấy bìa cứng và bán ra với giá 45 đôla/cuốn, và đã kiếm được cả một gia tài từ đấy! Bạn cứ thử tính mà xem.

Tôi đã có vinh hạnh được phỏng vấn Seth Godin cho tạp chí Networking Times. Anh ấy đã kể cho tôi nghe một câu chuyện về "Cách tiếp thị cho không" và nó làm tôi vô cùng kinh ngạc. Điều này phải nói là tuyệt vời không thể tưởng được!

Số là Seth quen biết một ca sĩ hát nhạc dân ca chuyên viết nhạc cho trẻ em. Cô ấy đã ra được 5 đĩa và cô ấy tự bán nó. Thực ra, Seth đã thôi không làm tư vấn nữa từ lâu rồi, nhưng cô gái ấy là bạn của anh, thế là khi cô ấy hỏi anh có ý tưởng nào giúp cô ấy bán được nhiều đĩa hơn không, Mr. Permission Marketing (chúng tôi gọi đùa anh ấy như vậy vì anh ấy là tác giả của cuốn "Tiếp thị cho phép" nổi tiếng) đã đồng ý phá lệ để giúp cô.

Seth hỏi cô ấy bán những đĩa ấy với giá bao nhiêu. Cô ấy nói: 15 đôla/đĩa. Seth lại hỏi: giá thành sản xuất của mỗi đĩa là bao nhiêu? Cô ấy trả lời: 80 xen (1 đôla = 100 xen). Thế là Seth nói...

"Thế này nhé, cứ mỗi người trả tiền mua 1 CD, cô hãy đưa cho họ 2 đĩa. Chẳng ai dùng đến đĩa thứ 2 làm gì cả, vì cũng là nhạc y hệt như vậy mà. Vậy thì họ sẽ làm gì? Họ sẽ đem chúng đi cho, như là quà tặng vậy. Một đứa bé đem tặng một CD ấy cho một đứa bé khác nhân dịp sinh nhật, và nhiều khả năng chúng sẽ mua 2, 3 hay 4 đĩa nữa, vì bố mẹ chúng sẽ chán ngấy khi cứ phải nghe đi nghe lại mãi mấy bài hát cũ."

Như tôi đã nói rồi đấy, ý tưởng này đúng là thiên tài. Mỗi 1 CD tặng thêm nọ đã giúp cô gái ấy bán gấp đôi số đĩa với giá 14 đôla và 20 xen. Và đúng như Seth đã chỉ, các ông bố bà mẹ đã mua thêm 2 hay 3, có khi là 5 đĩa nữa. Và mỗi lần họ mua, họ lại nhận được thêm một CD miễn phí mà họ lại đem cho người bạn khác với câu nói: "CD này hay lắm đấy. Chắc chắn thằng nhóc Harry nhà anh sẽ thích nó đấy."

Và thế là cô nàng ca sĩ nọ đã tăng gấp đôi, gấp 3 lượng đĩa tiêu thụ nhờ những đĩa mà cô ấy đã cho đi.

Phần 16. Một quy luật không bao giờ sai (Dr. Robert Anthony)

________________________________________

Một quy luật không bao giờ sai

(Dr. Robert Anthony)

Cách đây hai năm, tôi nhận được thư của một người bạn: "Tôi mới tình cờ ghé qua một website và thấy họ trích dẫn một câu trong cuốn sách của ông ngay trên đầu trang đấy."

Tôi kiểm tra lại thì thấy đúng là một câu trong cuốn sách "Advanced Formula For Total Success" của tôi thật, được đặt ở một vị trí khá nổi bật ngay trang chủ.

Sau khi xem lướt qua một số trang của website ấy, tôi thấy rất thích dịch vụ của trang này. Tôi liên lạc với chủ website và nói với anh ta như vậy. Tôi còn đề nghị anh ta cho tôi thêm vào cạnh câu trích dẫn ấy một vài lời chứng thực về chất lượng dịch vụ của anh ta. Anh ta quá đỗi ngạc nhiên là tôi lại làm việc đó mà không đòi hỏi gì. Kỳ thực là lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đến việc hỗ trợ anh ta và giúp anh ta thành công mà thôi. Thậm chí tôi chẳng bao giờ nghĩ tới việc đòi hỏi trả công gì cả. Tôi biết là vũ trụ sẽ tự biết lo liệu về việc "trả công" ấy.

Tôi phát hiện ra là sau khi tôi chứng thực dịch vụ của anh ta, doanh thu của anh ta trong cả năm tiếp theo tăng hẳn lên. Nhưng suốt cả thời gian ấy chúng tôi cũng chẳng hề liên lạc gì với nhau cả, và tôi thực sự cũng quên khuấy luôn chuyện này rồi.

Hơn một năm sau, bỗng tôi nhận được một bức thư điện tử của anh ta. Anh ta viết: "Có một người liên lạc với tôi vì anh ta thấy chứng thực của ông trên website của tôi và anh ta muốn liên lạc với ông. Anh ta nói rằng việc này rất quan trọng. Ông có cho phép tôi cho anh ta địa chỉ e-mail riêng của ông không?"

Rất lạ là tôi chẳng phản đối gì và còn bảo: "Vâng, anh cứ cho và bảo anh ta liên lạc với tôi."

Đó là lần duy nhất tôi nói chuyện với người sở hữu website ấy kể từ hồi tôi giúp anh ta hơn 1 năm trước. Theo địa chỉ anh ta đưa, tôi liên lạc với người đã tìm tôi qua anh ta. Chỉ có một lần liên lạc ấy đã thay đổi cuộc đời tôi.

Về sau này, người đó đã trở thành một người bạn thân thiết, đồng thời là người quản lý kinh doanh kiêm chuyên gia tiếp thị của tôi. Nhờ sự giúp đỡ của anh, doanh thu của tôi đã tăng 500%!

Tất cả những điều này có được là nhờ tôi đã cho người khác mà không đòi hỏi bất cứ điều gì cho mình. Đó chính là kết quả trực tiếp và rõ ràng của Quy luật Cho-Nhận, một quy luật KHÔNG BAO GIỜ sai.

Phần 17. Cho thực sự sẽ giúp người ta nhận (Bob Burg)

________________________________________

Cho thực sự sẽ giúp người ta Nhận

(Bob Burg)

Mỗi khi tôi thuyết trình về đề tài Kinh doanh theo mạng, tôi luôn nhấn mạnh cách hiểu và định nghĩa của tôi về khái niệm "Kinh doanh theo mạng" này.

Nói chung, bản thân khái niệm này đã bị hiểu sai và làm cho nó có nét phản cảm (kiểu như ném vào mặt người ta thật nhiều visit card trong khi mồm liến thoắng khoe khoang về mình và về sản phẩm của mình).

Tôi định nghĩa Kinh doanh theo mạng như là "Quá trình ươm trồng mối quan hệ cho-nhận để đôi bên cùng có lợi".

Bạn thấy đấy, điểm nhấn chính là ở phần "Cho". "Hượm đã nào," có bạn sẽ hỏi, "Đó có phải là kiểu suy nghĩ lạc quan thái quá mà không thể áp dụng trong đời thực này hay không?"

Không hề. Cho luôn luôn là giải pháp tốt.

Tôi xin nhắc lại một lần nữa: Cho luôn luôn mang lại kết quả tốt.

Và chẳng có gì là mơ mộng thái quá ở đây cả. Cho luôn là cách tốt cả trên phương diện thực tế cũng như tinh thần. Chúng ta hãy cùng xem xét khía cạnh thực tế trước.

Cái mà tôi gọi là "Quy tắc vàng" trong Kinh doanh theo mạng chính là: "Dù thế nào thì mọi người cũng sẽ chỉ cộng tác kinh doanh với những người mà họ biết, họ thích và họ tin tưởng."

Khi ta cho hay làm điều gì đó cho người khác là ta đã tiến một bước rất quan trọng và nhen nhóm cảm giác "biết, thích và tin tưởng" trong lòng những người ấy đối với chúng ta. Tôi luôn khẳng định rằng muốn được việc cho mình thì không có cách nào tốt bằng cách làm người cho trước, giúp người khác được việc. Tại sao vậy? Bởi vì khi ai đó biết rằng Bạn quan tâm đến họ, họ sẽ luôn nghĩ đến Bạn với những tình cảm tốt nhất. Không, họ sẽ hạnh phúc khi nghĩ về Bạn nữa, và mong muốn được cho lại Bạn.

Đương nhiên điều đó không có nghĩa là Bạn phải đem cả việc làm ăn của mình đi cho. Đó có thể là thông tin hay một thứ gì đó có thể giúp người khác trong công việc làm ăn, trong cuộc sống riêng tư, trong đời sống xã hội hay công việc sáng tạo của họ.

Bạn có thể giới thiệu một cuốn sách (hay mua tặng họ cuốn sách) mà Bạn biết là nó có thể có giá trị thực sự đối với họ.

Cũng có thể Bạn biết con cái họ đang xin việc ở một công ty mà Bạn có quen một người biết giám đốc nhân sự của công ty ấy. Nhấc điện thoại gọi cho người nọ và nói giúp một lời về ứng viên kia chẳng mất mát gì cho Bạn nhưng lại có thể giúp ứng viên đó nhận được chỗ làm.

Tôi có thể kể cho Bạn một ví dụ từ kinh nghiệm của chính bản thân tôi. Chuyện đó xảy ra vào khoảng mấy năm trước, khi tôi vừa mới bắt đầu vào nghề thuyết trình. Tôi rất muốn "chăn" được một khách hàng là một doanh nghiệp lớn có khá nhiều chi nhánh. Nhưng tôi chẳng có cơ hội nào tiếp cận cả. Không chỉ thế, tôi còn chẳng biết phải đi cửa nào để tiếp cận và chen chân vào nữa.

Rồi một chuyện xảy ra. Tại buổi đại hội của các diễn giả, tôi gặp một người cũng mới vào nghề thuyết trình chưa lâu như tôi. Tôi làm quen với anh ấy và đánh bạn cùng gia đình anh ấy và rất hay đi với nhau.

Lúc đó, mặc dù tôi biết rằng anh ấy khá thành đạt, tôi chưa bao giờ nhờ anh ấy giúp đỡ gì. Tôi còn giúp anh ấy hết khả năng của mình. Có vài lần, khi có công ty mời khi tôi đã có cuộc hẹn trước rồi, tôi lại giới thiệu "mối" cho anh ấy.

Khi tôi có những bài báo được đăng trên các tạp chí, tôi thường giới thiệu là anh ấy đã có công biên tập cùng tôi. Điều này làm cả đôi bên đều vui và tôi cũng chẳng mất gì. Đó chỉ là một trong vô số những ví dụ về việc Cho, ai cũng được lợi mà lại chẳng có hại cho ai.

Chỉ vài năm sau khi tôi gặp anh ấy, tôi biết được qua một người khác là khách hàng mà tôi hằng mơ ước nhưng vẫn chưa tiếp cận được lại chính là khách hàng chính của người bạn - diễn giả của tôi.

Chắc chắn là với quan hệ lúc ấy giữa hai chúng tôi thì tôi có thể đến và đề nghị anh ấy giúp đỡ, nhưng tôi không thấy đó là cách đúng đắn. Tôi không muốn anh ấy có cảm giác là do tôi đã vì anh ấy mà bỏ lỡ cơ hội của mình nên anh ấy "nợ" tôi. Nhưng xin anh ấy cho lời khuyên về việc làm cách nào để tiếp cận được khách hàng nọ hiệu quả nhất thì tôi thấy không ngại.

Tôi bảo anh ấy: "Tôi biết đó là khách hàng lớn của anh và tôi không bao giờ dám đề nghị anh giới thiệu tôi với họ. Tôi chỉ muốn hỏi kinh nghiệm của anh là tôi nên làm thế nào để tiếp cận được với người có tiếng nói ở đó ít nhất để giới thiệu cho họ biết tôi là ai và tôi có thể giúp họ được gì, để tôi có cơ hội thiết lập và phát triển quan hệ này."

Nói cho cùng thì anh ấy cũng có thể từ chối.

Nhưng anh ấy lại nói: "Tôi sẽ bảo người vẫn làm việc với tôi gọi điện cho anh".

Và anh ấy không nuốt lời.

Và khách hàng ấy, cùng với tất cả những hợp đồng phát sinh sau này mà tôi đã kiếm được từ các chi nhánh của nó trong những năm qua đã mang lại cho tôi vài triệu đôla thu nhập.

Đó không phải là lần đầu, và cũng không phải lần duy nhất mà cho trước đã được đáp trả bằng những lợi ích tài chính. Đó là cách kinh doanh của tôi và đó cũng là cách sống của tôi.

Cho người ta trước bao giờ cũng là cách tốt nhất.

Nhưng có một điều cần lưu ý ở đây là: Bạn không thể Cho mà xem nó như một cuộc trao đổi.

Nếu Bạn cho mà trong đầu Bạn nghĩ: "Hừm, cô ta/anh ta sẽ làm gì cho mình đây?" thì việc Cho đó sẽ chẳng mang lại điều gì cho Bạn cả.

Không phải là Bạn sẽ không nhận được gì trả lại. Nhưng có thể là Bạn sẽ nhận được một cái gì đó giống như là trả nợ, một lần cho xong, và không khơi dậy được trong người nhận cái cảm giác "biết Bạn, mến Bạn và tin Bạn", một yếu tố sẽ khiến cho người đó mong muốn nhìn thấy Bạn thành công.

Bạn hãy Cho bởi vì đó là việc làm đúng, đừng mong đợi được trả công, và Bạn sẽ thấy rằng nguyên tắc đó là có thực, thực hơn tất cả những sự thực trong vũ trụ này.

Bob Burg chuyên thuyết trình ở nhiều nước về các đề tài "Kinh doanh theo mạng" và "Kỹ năng thuyết phục tích cực". Những cuốn sách của ông "Endless Referrals" và "Winning Without Intimidation" đã bán được mỗi cuốn hơn 100,000 bản. Bạn có thể đăng ký nhận những bản tin hàng tuần của Bob tại địa chỉ www.burg.com.

"Khi chúng ta cho, chúng ta phải xuất phát từ tình yêu..."

(James A. Decker)

Phần 18. Cho và nhận: những điều kiện đặc biệt mà chưa ai nói cho bạn biết (John Zappa)

________________________________________

Cho và Nhận: những điều kiện đặc biệt mà chưa ai nói cho bạn biết

(John Zappa)

Đã có nhiều người viết về quy luật Cho- Nhận của vũ trụ, nhưng trong quá trình làm việc với mọi người tôi đã phát hiện ra rằng người ta rất hay hiểu sai về cách áp dụng nguyên tắc này.

Ý tưởng chung là Bạn cho càng nhiều, Bạn nhận được càng nhiều. Vì Bạn gieo trồng, Bạn sẽ được gặt hái. Tốt thôi, nhưng nếu như nắm được một bí quyết nhỏ về quy luật cho thì sẽ có thể tránh được việc hiểu lệch lạc quy luật tuyệt vời này. Bí quyết ấy chính là: quan trọng không phải là Bạn làm gì, mà là tại sao Bạn làm điều đó. Ý đồ và động cơ mới là quan trọng.

Điều đó có nghĩa là Bạn chỉ nên cho khi Bạn thấy vui vì được cho. Nếu Bạn cho vì Bạn muốn được nhận, tức là Bạn đang tự phá "lộc" của mình. Vũ trụ không dễ gì bị "qua mặt" đâu.

Cho với mục đích được nhận chính là Bạn công nhận sự thiếu thốn. Nói ra rằng Bạn phải được nhận vì Bạn đã cho chẳng khác nào Bạn đang nói với thế giới rằng "Tôi chưa đủ". Điều đó sẽ nhanh chóng được khẳng định trên thực tế. Âm hưởng của sự thiếu thốn sẽ càng thu hút thêm sự thiếu thốn đến với Bạn.

Tôi muốn nhắc lại một lần nữa với Bạn: Bạn sẽ được gặt hái vì Bạn đã gieo mầm.

Tôi biết có nhiều người tiếc đứt ruột hoặc có cảm giác giống như là họ đang bị mất đi một phần cơ thể khi họ cho người khác chút thời gian hay một món tiền. Nếu Bạn cũng cho chỉ vì cảm thấy có nghĩa vụ phải cho, hay là thấy như mình đang hy sinh một cái gì đó, thì ẩn trong sâu thẳm lòng Bạn chính là ý nghĩ về sự thiếu thốn. Ngụy trang cảm giác thiếu thốn dưới cái vỏ hào hiệp sẽ chỉ dẫn Bạn đến thất vọng mà thôi. Không phải là điều Bạn đang làm, mà là lý do tại sao Bạn làm vậy mới là điều có ý nghĩa.

Đừng lãng phí thời gian để làm cái việc cho mà cứ mong sẽ nhận được đáp trả như là một vụ đầu tư. Ông Trời không phải là cổ phiếu mà Bạn đem niêm yết bán trên thị trường chứng khoán NASDAQ. "Nếu tôi cho, tôi phải được một cái gì đó cơ". Kiểu nghĩ như vậy xuất phát từ ý nghĩ "không đủ".

Ngoài những người cho với ý đồ để sau này được nhận, còn có những người khác rất ít cho vì họ quan niệm rằng "tôi không có điều kiện". Henry Ford thường nói rằng có 2 loại người. Một số cho rằng họ có thể, số kia cho rằng họ không thể, và cả 2 loại người này đều đúng. Quan niệm thế nào, thực tế sẽ như thế ấy, bao giờ cũng vậy.

Nhiều ý kiến nghiêng về việc KHÔNG cho. Riêng kinh nghiệm cá nhân tôi cho thấy là nên đợi đến khi Bạn sẵn sàng về tâm lý. Tâm trạng chúng ta ai cũng có lúc này lúc khác. Có lúc ta thấy hạnh phúc, nhưng cũng có lúc chúng ta cảm thấy cuộc sống này thật tồi tệ. Khi Bạn thấy mình đang hạnh phúc, hãy nắm lấy cơ hội đó để cho vì mong muốn chia sẻ niềm vui và sự đầy đủ mà Bạn đang có.

Tỏ ra biết ơn vì những gì Bạn đang có chính là cách để Bạn dễ dàng truyền cái may mắn của Bạn đến cho người khác hơn. Trong những lúc như vậy, Bạn sẽ có cảm giác là cái may có thể đến từ rất nhiều nơi. Kinh nghiệm đầu tiên về việc Cho thật lòng mà tôi còn nhớ đã xảy ra khi bệnh ung thư của tôi tái phát vào mấy năm trước. Khi tôi đã vượt qua trạng thái sốc ban đầu khi nghe kết quả chẩn đoán, sức mạnh tinh thần trong tôi bỗng trỗi dậy và tôi bắt đầu cầu nguyện.

Sau mấy tháng hóa trị, tôi có dịp đi thăm New York trong đợt nghỉ Giáng sinh. Bác sĩ của tôi quyết định cho tôi tạm ngưng hóa trị vài tuần để ăn Giáng sinh, và một đợt nghỉ ngắn là thích hợp nhất với tôi. Những ánh đèn Giáng sinh ở New York, cái không khí trong lành của những ngày băng tuyết mùa đông và cả nhận thức được là tôi vẫn còn đang sống làm tôi thấy tinh thần phấn chấn hẳn lên. Tôi thấy mình sung túc và cảm thấy biết ơn ông Trời vô hạn.

Một buổi chiều, trên đường đi ăn tối với vợ và anh trai tôi, một người đàn ông ăn xin ở gần nhà hàng mà chúng tôi đến đã xin tôi 1 đôla. Tôi đang rất có hứng, thế là tôi cho anh ta luôn 20 đôla. Đến lượt anh ta cũng thấy hào hứng, và điều đó làm tôi càng vui hơn với ý nghĩ là tôi đã làm anh ta vui cả ngày. Có một chi tiết rất quan trọng đối với tôi là tôi đã đợi đến khi vợ tôi và anh trai tôi đi khuất vào trong nhà hàng rồi tôi mới rút tiền cho anh ta. Tôi muốn không ai nhìn thấy hành động ấy và tôi không muốn ai căn vặn tại sao phải cho tới tận 20 đôla trong khi tôi đang nghỉ việc chữa bệnh với thu nhập rất hạn hẹp. Nếu tôi phải bào chữa hay chứng minh với người khác ý nghĩa hành động của mình, điều đó sẽ dập tắt niềm vui và chất ngẫu hứng của hành động ấy.

Vào cái thời điểm ấy, tôi không hề biết tương lai đã định sẵn cho tôi điều gì, nhưng mỗi con người trong thời điểm hành động như vậy thực sự là hoàn hảo. Tôi cảm thấy mình hạnh phúc lâng lâng, và tôi không muốn bất cứ ai phá vỡ cái cảm giác của tôi vào thời khắc ấy bằng những lời khuyên đại loại như "tôi nên xử sự có lý trí hơn". Đợi đến khi không có ai nhìn mới rút tiền cho người ăn xin là cách tốt nhất để được như vậy.

Đó đúng là một tình huống "được cả đôi đường". Người ăn xin kia thấy vui, và tôi thì cứ lâng lâng suốt cả buổi chiều. Đó là bí mật của riêng tôi. Tôi thấy mình sung túc dù chẳng có lý do cụ thể nào, và tôi đã làm cho một người khác cũng thấy anh ta thật sung túc vì tôi đã cho anh ta nhiều gấp 20 lần so với số anh ta xin hay mong đợi. Thời điểm đó, tôi đã hòa vào dòng chảy của cuộc đời và đó chính là thời điểm lý tưởng để làm việc Cho.

Vài tháng sau, khoản trợ cấp mất sức lao động của tôi mà bao lâu nay vẫn cố định ở mức ấy đột nhiên được tăng lên 20%. Tôi chẳng biết tại sao và làm thế nào lại có chuyện này, nhưng tôi cũng chẳng hỏi.

Tôi không biết gì về quy luật Cho-Nhận ở thời điểm đó. Tôi chỉ xử sự đơn thuần theo cảm hứng. Chỉ sau khi tôi nghiên cứu về linh hồn, tôi mới biết đến nguyên lý này. Nhìn lại quá khứ với những hiểu biết mới của tôi, tôi bắt đầu nhìn thấy có mối dây liên hệ này.

Khía cạnh quan trọng nhất trong nguyên tắc này theo tôi là Bạn phải luôn nhớ rằng điều quan trọng không phải là Bạn đang làm gì mà là tại sao Bạn làm điều đó. Nếu Bạn đang có một ngày đen đủi, hoặc Bạn đang bực mình thì Bạn đừng cho, vì hành động ấy sẽ xuất phát từ việc Bạn nghĩ rằng Bạn phải cho. Điều đó chẳng tô điểm thêm cho Bạn trong con mắt ông Trời, và nó cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho Bạn hay cho người nào khác.

Thay vào đó, hãy đợi đến lúc Bạn có một ngày may mắn và có tâm trạng để cho và Bạn sẽ thấy điều gì sẽ xảy ra. Nếu Bạn bắt gặp mình đang làm một phép tính xem nên cho bao nhiêu tiền hay lo lắng đến việc những người khác sẽ nghĩ gì thì tôi khuyên Bạn nên dẹp ý định Cho đi. Bạn sẽ bị mất đi cái cảm giác cao cả. Hãy đợi đến khi nào Bạn lại có cảm hứng trở lại và hãy chọn số tiền đầu tiên mà Bạn nghĩ đến trong đầu. Hãy lấy một số tiền bất kỳ nào mà Bạn thấy thoải mái và nó không làm Bạn thấy nghèo đi.

Quy luật này của vũ trụ có thể chỉ cần một khoảng khắc để "ngộ" ra, nhưng cũng có thể phải mất cả đời người mới học được. Nhưng điều đó không có nghĩa là Bạn không thể thực hành bởi vì Bạn chưa học được. Hãy thử một lần, và hãy để kinh nghiệm của bản thân cho Bạn câu trả lời.

John Zappa là một chuyên viên tư vấn về quảng cáo làm việc tại Austin, Texas. Anh đã bỏ Corporate America để tự kinh doanh riêng

Phần 19. Làm thế nào để nhận được điều bạn muốn? (Susie và Otto Collins)

________________________________________

Làm thế nào để nhận được những gì Bạn muốn?

(Susie và Otto Collins)

Nghe có vẻ lạ đời, nhưng thực sự là khi Bạn cho những gì Bạn muốn thì Bạn sẽ nhận được nhiều hơn.

Chúng tôi chính là những bằng chứng sống. Và tôi sẽ giải thích tại sao...

Quan hệ của chúng tôi tràn đầy tình thương yêu, niềm đam mê và sự gắn bó sâu đậm với nhau và với cả Tạo hóa nữa.

Nhưng không phải lúc nào quan hệ của chúng tôi cũng được như vậy. Thực tế là quan hệ của chúng tôi trước kia là tấm gương phản chiếu những điều mà chúng tôi không muốn.

Trước khi đến với nhau, mỗi chúng tôi đã tự nhủ là chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì nếu cần để vun đắp mối quan hệ mà chúng tôi mơ ước.

Để có mối quan hệ như ngày hôm nay, ngoài cảm tình ra, chúng tôi đã đọc tất cả những cuốn sách, dự tất cả những buổi hội thảo, nghe tất cả những băng ghi âm và bỏ không biết bao nhiêu thời gian để bàn luận và nói chuyện về các mối quan hệ để tìm ra công thức tạo ra một mối quan hệ mà chúng tôi hằng mơ ước.

Sau đó chúng tôi đã làm gì?

Chúng tôi bắt đầu cho tình yêu.

Ngoài niềm say mê, sự gắn bó và mối quan hệ tuyệt vời, chúng tôi bắt đầu chia sẻ tình yêu với những người mà chúng tôi biết. Kết quả của việc chúng tôi "cho tình yêu" và chia sẻ với những người khác như chúng tôi đã được học là không chỉ có quan hệ của chúng tôi ngày càng sâu đậm và gắn bó hơn mà tài khoản ngân hàng của chúng tôi cũng lớn lên theo.

Mọi người bắt đầu xúm đến hỏi xem chúng tôi đã có cách gì để tạo ra mối quan hệ tuyệt vời như vậy.

Thế là năm 1999, chúng tôi bắt đầu soạn thảo và gửi đi những bản tin điện tử về đề tài xây dựng các mối quan hệ và phát triển các phẩm chất cá nhân.

Chúng tôi chỉ đơn thuần chia sẻ những mẹo và ý tưởng mà chúng tôi đã dùng trong việc xây dựng mối quan hệ của chúng tôi. Nói cách khác là chúng tôi đã cho những gì mà chúng tôi muốn nhất: đó là tình yêu.

Giờ đây, có khoảng gần 20 ngàn người đăng ký nhận những bản tin miễn phí về mối quan hệ Vàng của chúng tôi mỗi tuần.

Chúng tôi cũng đã viết 3 cuốn sách về quan hệ con người, bao gồm "Communication Magic", "Should You Stay or Should You Go?" và "Creating Relationship Magic". Chúng tôi còn đang có kế hoạch xuất bản 2 cuốn khác nữa.

Chúng tôi không phải là chuyên gia tư vấn hay bác sĩ tâm lý trị liệu. Chúng tôi chỉ đơn thuần chia sẻ từ đáy lòng mình và từ kinh nghiệm sống của mình những gì chúng tôi biết về tình yêu và quan hệ mà chúng tôi hy vọng là chúng tôi đã biết nhiều năm rồi.

Tất cả những gì chúng tôi có đều tuyệt đến mức chúng tôi muốn người khác cũng biết cách làm thế nào để cũng có những điều đó giống như chúng tôi.

Chúng tôi đã khám phá ra rằng: cũng giống như tiền bạc, thế giới này không thiếu tình yêu và bản thân nó cũng rất muốn đến được với mọi người.

Chúng ta chỉ cần có nhã ý mở lòng ra đón lấy nó.

Điều chúng ta muốn nhất trên đời này là một mối quan hệ yêu thương, sâu sắc và gắn bó.

Riêng đối với chúng tôi, chúng tôi có thể mạnh dạn nói rằng chúng tôi đang có một mối quan hệ tốt đẹp như mỗi người chúng tôi từng mong ước.

Và vì chúng tôi đã cho mọi người tình yêu, chúng tôi không chỉ được đền đáp bằng tình yêu, mà còn được hưởng cả sự đầy đủ về tài chính nữa.

Và đó chính là vũ trụ mà chúng ta đang sống.

Hãy cho, cho và cho nữa.

Sẽ có rất nhiều nơi để Bạn nhận.

Susie và Otto Collins là những nhà huấn luỵện về cách xây dựng các mối quan hệ, tác giả của những cuốn sách đã nêu ở trên và còn là 2 người bạn đời của nhau. Bạn có thể đọc về họ và đăng ký nhận bản tin miễn phí về quan hệ gia đình tại địa chỉ:

http://www.collinspartners.com hoặc http://www.RelationshipGold.com.

Phần 20. Cho gì khi Bạn chẳng có đồng nào? (Christopher Guerriero)

________________________________________

Cho gì nếu như Bạn không có tiền?

(Christopher Guerriero)

Khoảng 2 năm trước, mặc dù tôi có một số công việc thu nhập cũng khá, nhưng tiền thực sự vào túi tôi cũng không có mấy, - nhưng tôi đã thấy thích cho rồi - mặc dù tôi chẳng có gì để cho (hoặc là do tôi nghĩ vậy).

Sau mấy tháng liền tôi không cho nữa, tôi nhận ra rằng mọi việc còn trở nên tồi tệ hơn - thực sự là như vậy - ngay cả những chiêu tiếp thị đã được khẳng định trên thực tế là rất hiệu quả mà công ty tôi đã ứng dụng hàng bao năm nay cũng chẳng giúp tôi bán được hàng. Có lúc tôi có cảm giác như có một đám mây đen đang lơ lửng trên đầu tôi. Tôi vẫn biết là tôi càng cho nhiều thì sẽ càng nhận được nhiều, nhưng tôi lại có quá ít (về mặt tài chính) để cho trong khi có bao nhiêu việc phải cần tiền, rồi còn phải đảm bảo thu nhập cho các nhân viên theo dõi các dự án của tôi có thể nuôi gia đình của họ nữa

Điều mà tôi đã hiểu ra trong những ngày đó là Cho không nhất thiết phải từ tài khoản ngân hàng của tôi. Và rằng trong những năm nghèo khó ấy, tôi không cần phải cho tiền. Tôi chỉ cần tiếp tục thực hiện việc Cho để tạo cơ sở cho việc "nhận" về sau.

Tôi đã hiểu được rằng khi tôi không cho nữa, tôi đã chặn lại tất cả những gì mà Tạo hóa đã đành cho tôi. Cho nên tôi lại bắt đầu cho những gì mà tôi có - thời gian, những lời cầu nguyện, sự giúp đỡ đối với những người cần tôi.

Khi tôi nhìn lại, tôi thấy những năm nghèo khó ấy giống như là một thử thách để xem tôi có học được cách Cho ngay cả khi cuộc sống rất khó khăn khổ sở hay không. Tôi cũng cám ơn ông Trời đã cho tôi cái kinh nghiệm ấy và vì những gì mà ông đã dạy tôi - đó chính là "không bao giờ ngừng cho". Tôi có thể thay đổi hình thức cho, tôi có thể thay đổi số lượng cho nhưng tôi không bao giờ ngừng cho.

Giờ đây, tôi luôn cố gắng cho tiền tối đa trong khả năng của mình, nhưng tôi còn nhận thấy sự khác biệt ở khía cạnh khác nữa. Tôi luôn luôn cho tiền trước tiên, bởi vì để đạt được mục tiêu trong cuộc sống của tôi, tôi cần rất nhiều tiền.

Và điều này đã trở thành kinh nghiệm của tôi: Cho chính là bí quyết để Bạn có tiền, thành công, sức khỏe, tình yêu và hạnh phúc.

Phần 21. Tôi đã mất cả 30 năm ròng để học được bí quyết này (Richard Webster)

________________________________________

Tôi đã mất 30 năm mới hiểu được bí quyết này

(Richard Webster)

Tôi luôn luôn cho, nhưng thật buồn cười là tôi toàn cho vì sợ.

Nếu có ai đó xin tôi tiền, bao giờ tôi cũng thọc ngay tay vào túi quần. Nếu họ không xin, tôi sẽ đi qua mà chẳng cho gì cả.

Tôi thường nghĩ là nếu ai đó xin, tôi luôn có quyền cho hoặc không. Nếu tôi cho họ tiền, có nghĩa là tôi sẽ luôn luôn có tiền. Nếu tôi không cho thì vô hình chung, tôi sẽ nhận được sự thiếu thốn.

Chính vì tôi cứ sợ sau này sẽ bị thiếu thốn nên tôi phải cho. Đương nhiên là dù tôi cho nhưng bao giờ cũng là những số tiền nhỏ. Nhưng Giải thưởng Tác phẩm giải trí của Richard Webster đã trở thành bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi.

Mọi chuyện bắt đầu từ một bữa nhậu của tôi với một vài người bạn làm nghề viết văn. Chúng tôi đang ngồi than thở về việc các tác giả viết tiểu thuyết giải trí không dễ được xuất bản và nổi tiếng. Các tác giả viết sách văn học thì hay được các quỹ tài trợ và được nâng đỡ để xuất bản tác phẩm, nhưng những tác giả viết sách thương mại thì chẳng nhận được gì. Trong lúc cao hứng, tôi đã tuyên bố sẽ lập ra một giải thưởng trị giá 1 ngàn đôla. Mấy người bạn tôi cười ầm lên, và chúng tôi chuyển sang bàn luận đề tài khác.

Thế nhưng ý nghĩ này cứ bám riết theo tôi và thế là tôi quyết định làm tới. Tôi phải thừa nhận là động cơ của tôi khá ích kỷ. Tôi nghĩ rằng có một giải thưởng mang tên tôi sẽ tăng uy tín và danh tiếng của tôi, và chắc chắn nó sẽ giúp tôi bán sách chạy hơn.

Tôi tìm được một nhà xuất bản đang chuẩn bị cho ra mắt một danh sách giải thưởng, và tôi đã công bố giải thưởng này cách đây 2 năm. Tôi đã tăng giá trị giải chính lên 5 ngàn đôla, và giải phụ là 1 ngàn đôla. Điều này nghe có vẻ như là cho một số tiền lớn.

Thật may cho tôi: giải thưởng này thực sự đã giúp tôi nổi danh hơn, và tôi được khoảng vài chục bài báo nhắc đến, rồi sau đó lại còn có mấy cuộc phỏng vấn trên đài nữa. Tôi nghĩ chắc chưa có tác giả nào lại đi tài trợ và trao giải thưởng cho tác giả khác bao giờ, cho nên điều này đúng là rất mới mẻ. Tôi thấy thật hạnh phúc vì đã làm việc này, nhưng không ngờ là lại còn có những cái lợi khác nữa...

Điều đáng ngạc nhiên nhất là giải thưởng này giống như đã đưa tôi đến kho báu của vũ trụ. Ngay cả doanh thu bán sách của tôi cũng tăng.

Phần doanh thu từ sách xuất bản bằng tiếng nước ngoài theo bản quyền của tôi tăng lên nhiều lần, và tôi liên tiếp nhận được những lời mời thuyết trình ở khắp nơi trên thế giới. Thu nhập từ việc bán sách của tôi cũng tăng lên gấp đôi trong năm đầu tiên kể từ khi giải thưởng ra đời.

Hiển nhiên, tôi cũng hào phóng hơn trước. Tôi thích cho tiền mọi người. Và càng cho nhiều, tôi lại càng giàu có hơn.

Tôi cứ ước giá như tôi biết được điều bí mật này sớm hơn 30 năm thì không biết sự thể sẽ thế nào...

Phần 22. Cho đã tạo ra những nguồn thu thụ động như thế nào? (Larry Dotson)

________________________________________

Cho đã dẫn đến những nguồn thu thụ động như thế nào

(Larry Dotson)

Chuyện đó xảy ra vào tháng 9 năm 2001, khi tôi đang viết nốt phần cuối cuốn sách điện tử của tôi có tựa đề "The Hypnotic Writer's Swipe File". Cái cụm từ "swipe file" này (tạm dịch là: "tài liệu có sức mạnh như một cú đấm trời giáng" là do những chuyên gia viết quảng cáo cả đời chỉ chuyên sưu tầm những từ có tác dụng kích thích mua hàng nghĩ ra giúp tôi.

Kẹt một nỗi là tôi không biết tôi sẽ tiếp thị cuốn sách ấy như thế nào. Tôi thực sự không có khách hàng mục tiêu lúc đó. Cho nên tôi đã quyết định mời Joe Vitale đứng tên đồng tác giả với tôi và cùng kiếm lời từ cuốn sách.

Tôi biết là loạt sách về "nghệ thuật thôi miên" của Joe đã rất nổi tiếng và được đánh giá cao. Khi nói đến nghệ thuật thôi miên bằng chữ, nghệ thuật viết quảng cáo, tiếp thị, người ta thường nghĩ ngay đến Joe Vitale - một nhà tiếp thị và một chuyên gia về nghệ thuật thôi miên bằng lời số một thế giới.

Joe đã đồng ý. Anh ấy viết một lời giới thiệu vô cùng cuốn hút cho cuốn sách, bổ sung rất nhiều những tư liệu của mình thêm vào những phần tôi đã viết và chúng tôi xuất bản cuốn sách ấy ngay trong năm đó.

Sau cuốn sách đầu tiên ấy, chúng tôi còn hợp tác xuất bản thêm 7 cuốn sách về nghệ thuật thôi miên nữa.

Và khi Joe có kế hoạch tự viết cuốn "Hypnotic Stories", anh ấy đã hỏi tôi có muốn làm đồng tác giả không. Thực ra, anh ấy chẳng cần phải làm thế. Nhưng vì tôi đã cho anh ấy trước kia, nên anh ấy cảm thấy cũng muốn cho tôi. Kết quả là một cuốn sách điện tử tuyệt vời có tên "Hypnotic Selling Stories" ra đời.

Nhờ tôi đã cho Joe, và anh ấy lại cho lại tôi nên cả 2 chúng tôi đều được nhận. Chúng tôi có thu nhập khá lớn mỗi tháng từ những cuốn sách điện tử của chúng tôi, chúng tôi cũng đã phát triển một tình bạn rất bền chặt qua mạng và một mối quan hệ làm ăn lâu dài. Cho đến ngày hôm nay, chúng tôi cũng chưa từng gặp nhau, và cũng chưa bao giờ nói chuyện với nhau qua điện thoại nữa. Toàn bộ việc viết sách chung của chúng tôi đều được thực hiện qua e-mail.

Và tất cả đều bắt đầu từ việc Cho.

Phần 24. Nguyên tắc cho và Hiện tượng thôi miên lẫn nhau (Allen D.Angelo)

________________________________________

Nguyên tắc cho và Hiện tượng thôi miên lẫn nhau

(Allen D.Angelo)

Tôi đã phát hiện ra nguyên tắc Cho cách đây nhiều năm, gần như là sau một sự cố.

Đầu tiên, khoảng vào năm 1994, tôi nhận ra là có một số khách hàng của tôi đã giới thiệu nhiều khách hàng hơn hẳn sau khi tôi gửi cho họ một hộp sôcôla Godiva với ý cám ơn họ đã mua hàng của tôi. Tôi nhận ra rằng những khách hàng nhận được sôcôla thường giới thiệu thêm người khác mua hàng nhiều hơn hẳn 40% so với những người không nhận được quà. Thực sự là những năm trước khi tôi nghĩ ra món quà sôcôla kia, đa số khách hàng của tôi chẳng ai giới thiệu thêm người nào cả.

Một ngày nọ, sau khi nhận được thêm rất nhiều khách hàng mới theo sự giới thiệu của khách quen, tôi đã quyết định sẽ Cho mạnh tay hơn nữa. Thật ra mà nói, ý định này của tôi ban đầu khá vụ lợi. Tôi đã nhận ra rằng hình như có một mối quan hệ nhân quả giữa Cho và Nhận. Và lúc đó, tôi đã nghĩ rằng tôi cần phải tìm hiểu kỹ hơn, bởi có vẻ như tôi đã phát hiện ra một khía cạnh mới mẻ có một sức mạnh bí hiểm của việc Cho mà ít ai biết được.

Lần đầu tiên trong đời, tôi đã nhận thức được rằng: bằng một cách nào đó, theo sự an bài của Đấng tối cao, chúng ta sẽ được thưởng tương ứng với những gì chúng ta làm cho người khác. Tôi từng nghe nói rằng bí quyết để được giàu có nằm ở chính việc tạo ra những giá trị lớn cho người khác. Nhưng, trên những kinh nghiệm mà tôi vừa phát hiện ra, tôi đã hiểu rằng Nguyên tắc cho chính là dòng suối vàng đưa sự viên mãn đến với tôi.

Bắt đầu từ ý định vụ lợi là tìm hiểu về việc Cho để phục vụ cho bản thân mình, rốt cục tôi đã phát hiện ra một cách sống mà sau này tôi hiểu rằng chính nó sẽ tiếp cho tôi một sức mạnh về tinh thần mà không có tiền bạc nào có thể làm được. Sau đó, tôi còn nhận ra rằng cái phát hiện hiếm hoi ấy của tôi chẳng mấy chốc sẽ mở ra một thiên đường rực rỡ trong tâm hồn tôi.

Tôi đã tổng hợp một số thử nghiệm rất công phu của mình cho thấy Cho sẽ dẫn đến Nhận như thế nào. Tôi đã tự nói với mình phải làm việc Cho một cách vô tư hơn, sâu sắc hơn và mang tính tự giáo dục hơn. Điều đó đã vượt ra khỏi giới hạn của sự tò mò đơn thuần muốn biết tôi có thể thay đổi cuộc đời của người khác ra sao thông qua việc chia sẻ giá trị như một công việc thường xuyên và như cả một kinh nghiệm sống nữa.

Tôi bắt đầu cho nhiều hơn là những gói kẹo sôcôla - mặc dù kẹo sôcôla Godiva luôn là một món quà làm cho tôi rất vui. Tôi đã cho những người khác những lời khuyên giá trị. Tôi dành thời gian tổ chức những giờ trao đổi với khách hàng, tôi tặng sách điện tử, và gửi những bài báo hay cho bạn bè về những đề tài mà họ quan tâm. Tôi đã cho những người mà tôi hay tiếp xúc rất nhiều trong khả năng của mình.

Nếu có ai đó xuất hiện trên đường tôi đi, tôi nghĩ rằng đó là một tình huống mà ông Trời đã sắp đặt để Cho và tôi sẽ chia sẻ với họ những giá trị lớn nhất mà tôi có thể. Tôi làm việc này hàng ngày và liên tục. Tôi cho những người hợp tác kinh doanh với tôi. Tôi cho những người nhận bản tin của tôi. Đối với tôi, điều đó giống như là một phép màu. Nó xảy ra hết sức tự nhiên. Nó đã thay đổi tâm hồn tôi. Nó đã thay thế những chiêu tiếp thị đắt tiền trong công việc của tôi. Điều thú vị nhất là mỗi khi tôi giúp đỡ một con người và làm cho đời họ thay đổi thì mái nhà tâm hồn tôi cứ vươn lên cao mãi lên đến tận trời.

Chẳng mấy chốc mà người nào tôi gặp cũng nghĩ đến tôi như một người tạo ra các giá trị. Như vậy thì mục tiêu của tôi - đem lại sự giàu có không vụ lợi - đã đạt được. Bạn thấy đó, tôi đã có linh cảm rằng nếu chú ý hơn vào việc mở tấm lòng mình trước những nhu cầu của mọi người qua việc Cho thì điều đó sẽ khiến cho cánh cửa đến trái tim của người nhận cũng mở ra với tôi.

Chính vì vậy mà hành động theo nguyên tắc Cho trước sẽ khiến người khác cũng sẽ cởi mở hơn với Bạn. Đó chính là một bí quyết rất hay trong việc tạo dựng các mối quan hệ trong công việc, trong đời tư và trong bất kỳ tình huống nào.

Sau đó, tôi còn phát hiện ra rằng với vai trò là một người tạo ra các giá trị, tôi phải Cho thật lòng, không vụ lợi, cho nhiều và cho một cách không khiên cưỡng, không mong đợi sẽ được đáp trả. Tôi cũng nhận ra rằng tôi cần phải điều hòa việc Cho để tôn trọng giá trị của những món quà của tôi. Quà tặng thường không chỉ thể hiện bản thân chúng ta, mà còn là những mảnh kinh nghiệm của chúng ta được biểu hiện ra ngoài.

Đối với Bạn cũng vậy thôi. Mỗi một món quà mà Bạn tặng, nếu có một ý nghĩa đặc biệt và giá trị đối với người nhận thì chính là một phần của bản thân Bạn.

Quà tặng là một phần của Bạn được thể hiện ra bên ngoài, làm nên điểm nối và tạo ra một chất kết dính giúp Bạn xây dựng mối quan hệ bền vững với người nhận.

Việc tặng người khác những giá trị sẽ có ảnh hưởng tích cực và tự nhiên đến bất cứ người nhận nào hiểu và đánh giá được quà của Bạn.

Ngay sau khi lấy Nguyên tắc cho làm triết lý sống của mình, tôi bắt đầu nhận thấy có một hiện tượng phát sinh đang xảy ra và tương đối dễ nhận biết.

Là một người theo trường phái của Joe Vitale và ủng hộ những nguyên tắc và tư duy theo phương pháp thôi miên của anh, tôi đã gọi điều tôi phát hiện ra là "Hiện tượng thôi miên qua lại", bởi nó thể hiện cái kết quả rất tinh tế của việc Cho và điều này thường xảy ra ở tầm vô thức.

Hiện tượng thôi miên qua lại là như thế này: Ngay khi nhận được món quà có giá trị của tôi, người nhận sẽ bước vào một cuộc trao đổi về tâm lý với tôi mà họ không hề hay biết

Đúng thế. Khi nhận những gì tôi đã cho họ một cách thoải mái, người nhận có ngay một phản xạ về tâm lý là tìm bất cứ cách nào để cho tôi lại một cái gì đó có giá trị tương đương. Đó có thể là vài lời nói tốt về tôi với một người bạn. Đó có thể là lời giới thiệu tôi đến hai, ba đối tác kinh doanh của họ. Thường thì tôi sẽ liên lạc với người đó để hỏi họ đã nhận được quà của tôi chưa, và họ sẽ tràn ngập biết ơn. Chính những lần đó, tôi đã phát hiện ra rằng món quà của tôi giống như là những hạt giống đã được gieo và sẽ có thể cho một vụ mùa màng bội thu vào lúc hợp lý.

Điều có ý nghĩa sống còn là phải luôn nhắc cho mình nhớ tầm quan trọng của việc Cho một cái gì đó có giá trị thực sự, dễ cảm nhận đối với những người mà Bạn cho.

Tâm lý hành vi của con người muôn đời nay vẫn không thay đổi. Những nhà triết học lỗi lạc trong lịch sử từng chia sẻ những bí quyết tuyệt vời về Nguyên tắc Cho. Dưới đây là một vài ví dụ:

Eric Hoffer, người đặt nền móng cho nền triết học Mỹ, đã từng nói: "Ai cho chúng ta tất cả những gì họ có, chúng ta sẽ thuộc về người ấy".

Nhà triết học người Đức thế kỷ 20 Walter Benjamin từng nói: "Những món quà cần phải làm cho người nhận bị sốc vì không ngờ".

Jean de La Bruyere, nhà văn Pháp thế kỷ 17 đã nói: "Sự hào phóng nằm ở chỗ không phải cho nhiều mà là cho đúng thời điểm".

Lão Tử, nhà hiền triết Trung quốc thế kỷ thứ 6 đã nói: "Người thông thái chẳng để dành. Cho người khác tất cả những gì anh ta có sẽ làm anh ta có nhiều hơn nữa. Cho đi tất cả những gì anh ta có sẽ làm anh ta giàu hơn".

Công việc mà hơn 2 năm nay tôi đã đổ bao công sức vào đó đã được lan truyền đến những người khác để càng tăng giá trị của nó hơn. Tôi đã rất nỗ lực để tác động dần dần đến những người bạn thân nhất của tôi cũng là những tác giả, những cây bút nổi tiếng để thông qua tôi, họ cũng Cho mọi người những giá trị lớn của mình.

Đó là những người đã được gọi là giàu có và nổi tiếng vì họ đã bán được hàng triệu cuốn sách bằng Nguyên tắc Cho. Họ là những người đã có những đóng góp lớn trong thế giới hôm nay của chúng ta. Giờ đây, họ đang chia sẻ những bí quyết của họ với Bạn. Đó là những Joe Vitale (Spiritual Marketing), James Redfield (The Celestine Prophecy), Dick Bolles (What Color Is Your Parachute?), Dave Chilton (The Wealthy Barber) và nhiều tác giả khác.

"Một món quà có điều kiện đi kèm không phải là một món quà, mà là một vụ hối lộ. Sẽ chẳng có kết quả tốt trừ phi chúng ta cho một cách vô tư. Hãy hướng ý nghĩ của Bạn ra khỏi món quà. Hãy nhận ra nguyên tắc của vũ trụ. Và lúc đó món quà sẽ có thể ra đi và sau đó quay trở lại với Bạn bằng năm, bằng mười. Chẳng ai biết được cái "phúc" ấy sẽ chu du đến bao giờ thì trở lại với Bạn. Có một điều kỳ diệu và làm chúng ta háo hức là "phúc" ấy càng lâu trở lại thì nó càng có cơ hội tiếp xúc với nhiều người và càng nhiều cuộc đời được cứu rỗi. Tất cả những đôi tay và tấm lòng ấy lại cũng gửi thêm vào đó một chút gì đó. Và tức là Bạn sẽ càng nhận được nhiều hơn." (Charles Fillmore)

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #doanh#kinh