Hồi II
Mồng ba tết, cậu cả cùng bà Tâm mang trầu cau qua nhà của phú ông Ba Thắng để dặm hỏi cô An. Cô là tiểu thư lá ngọc cành vàng, được thầy cưng chiều hết mực. Năm ngoái, cậu cùng thằng hầu qua làng này để bàn về chuyện thuyền bè rồi giá cả. Cậu gặp được An, người con gái khiến phải ngoái đầu lại nhìn. Vẻ đẹp thanh tú, thướt tha, cùng giọng nói ngọt ngào với kẻ hầu. Khác xa với Hạnh, nếu như Hạnh khiến cậu ngẩn ngơ về vẻ ngoài tự tin. Thì An làm cậu muốn dành cả đời để chở che, giống như viên ngọc quý, một báu vật muốn giữ bên mình cả đời.
Sáng sớm, mợ đưa cho cậu cái áo dài mới, cậu ngẩn người ra. Hóa ra mợ còn nhớ lời cậu nói, dạo này cậu nghe con Lượm nói là mợ hay thức khuya để làm gì đó mà chính nó cũng không rõ. Đôi lúc nó hỏi mợ thì mợ chỉ cười cho qua chuyện, chứ chẳng nói chi cả. Cậu thì chỉ lo cho đám sắp tới, có đoái hoài gì tới mợ đâu. Cầm áo dài trên tay, cậu nhìn bàn tay mợ có chi chít vết thương. Cậu cảm thấy mình hơi tàn nhẫn với mợ, nhưng mà trai năm thê bảy thiếp là chuyện thường tình. Chẳng có gì mà quá đáng cả, cậu chưa đuổi ra khỏi nhà là may mắn cho mợ.
Cậu mặc chiếc áo dài lên người, búi lại tóc đâu vào đó rồi ra khỏi phòng. Còn mợ chỉ đứng nhìn chồng mình, cậu còn đẹp hơn khi đi dặm hỏi mợ. Có lẽ ngày đó là thuận theo ý bà nội, giờ thì thuận theo con tim. Đương nhiên phải khác rồi, con người theo tình yêu phải khác so với bị ép buộc chứ. Bảy ngày mợ châm đèn để may áo dài cho cậu, có đôi lúc suy nghĩ đăm chiêu đến mức kim đâm vào tay. Buốt, máu túa ra nhưng chắc không bằng lòng mợ hiện tại. Ít ngày nữa, phải sống kiếp chồng chung, phải mang phận vợ lẽ. Đàn bà với kiếp chồng chung, mấy ai thuận cả đời? Chỉ cần nghĩ tới việc phải san sẻ tình yêu với người khác đã thấy khó chịu rồi. Rồi phải nhìn hai người họ âu yếm nhau trước mặt mình, nói không đau, là nói dối. Đau như có hàng ngàn, hàng vạn cây kim đâm vào tim. Đau đến rỉ máu, thôi thì đành vậy. Một kiếp chồng chung, sống trọn một kiếp người.
Mồng bốn tết, con hầu thằng ở trong nhà tấp nập dọn dẹp lại. Trang trí lại gian nhà để rước mợ cả về. Mợ An mới về, phải đâu ra đó, sạch sẽ đàng hoàng. Mồng năm tết, làng Quế thấy cậu cả Định mặc một chiếc áo dài màu đỏ, cưỡi trên con ngựa vằn. Oai phong, lẫm liệt lắm. Cậu đi đằng trước, phía sau là kiệu bốn người khiên mợ cả. Phía sau cậu mợ là đám gia nhân khiêng hòm đựng vàng và đồ đạc của mợ. Ôi hoành tráng quá, dân làng được một phen mở mày nở mặt. Đám cưới với con gái phú ông Ba Thắng thì phải như vậy. Nào giống lấy con của thầy đồ nghèo kiết xác năm nào.
Về tới cổng nhà cậu, cánh cửa rộng mở chào đón cậu mợ. Mợ An hôm nay duyên dáng, xinh đẹp đến lạ thường. Sánh đôi với cậu đúng là xứng đôi vừa lứa, trời sinh một cặp. Mợ hai chỉ dám đứng đằng xa nhìn, vì bà hai đã dặn mợ không được ra đó nhìn cậu. Không thì mợ sẽ lây cho cậu cái vận xui, sẽ không có con nối dõi. Đang đứng kiễng chân nhìn cậu cả mợ cả thì mợ Hạnh cảm thấy như có ai đó nhấc bổng mợ lên. Ngoái ra sau nhìn, là cậu hai Đức. Mợ suýt hét lên, nhưng cậu hai nghiêm mặt nhìn mợ, lắc đầu. Mợ nói nhỏ với cậu là cho mợ xuống, sau đó cậu thả tay. Mợ Hạnh hỏi cậu:
- Sao chú hai lại nhấc tôi lên, lỡ có ai thấy lại nghĩ bậy bạ, không hay về tôi với chú.
- Chị không buồn sao?
- Hả? Chú nói gì vậy. Anh chú lấy được một người vợ hiền, cớ sao tôi phải buồn chứ?
Cậu hai Đức nhìn mợ, thẹn quá hóa giận. Mợ quay sang chỗ khác, sau đó chạy xuống bếp nói đám gia nhân nhanh tay nhanh chân lên đừng để khách phải đợi. Mợ nào biết ở ngoài cửa cậu cả Định đã nhìn thấy tất cả, dù không còn thương mợ nhưng vẫn thấy gai gai trong lòng. Giống như món đồ chơi của mình bị giành mất. Còn về cậu hai Đức, cậu giống như trả thù được anh mình, niềm vui sướng, hả hê lan tỏa trong người cậu. Điều cậu hối tiếc nhất không phải là gia sản của gia đình này. Mà là Hạnh, người con gái đã cứu cậu lúc nhỏ. Nếu như có thể, cậu chỉ ước mình cao bay xa chạy cùng mợ. Nhưng nào được, mợ là vợ anh. Chị dâu - em chồng, làm sao đến được với nhau. Nhưng nếu có thể vì tương lai của mợ, cậu cũng có thể đấu đá một phen với anh cả.
Đêm tân hôn của cậu cả Định cũng là một đêm mợ thức trắng. Đến canh tư, loay hoay mãi vẫn không ngủ được, mợ quyết định dậy nấu bửa sáng, dọn dẹp lại nhà cửa. Đang nấu canh gà thì cô tư Diễm ngồi xuống cạnh mợ. Ánh lửa bập bùng, nóng hổi. Mợ quay sang hỏi Diễm:
- Sao em không ngủ thêm tí nữa, trời còn tối mà?
- Em nào ngủ được, đêm nay là đêm tân hôn của anh cả. Chị nấu canh gà cho ai vậy?
- Cho cậu ba Hưng
Cô Tư Diễm không nói gì nữa, chọc chọc cây củi vào bếp. Anh ba, từ nhỏ anh ấy đã yếu ớt. Ít khi đi lại được, mỗi lần đi lại đều phải chống nạn để giữ thăng bằng. Lại là con của vợ lẽ, tình thương yêu chắc chẳng bằng anh cả và anh hai.
Ánh lửa là hiện diện của sự ấm áp, no đủ. Nhưng lòng mợ lại lạnh đến tột cùng, mùa xuân đã tới nhưng sao mợ thấy lạnh lẽo quá. Một canh giờ sau, gia nhân trong nhà lần lượt dậy làm việc, họ xuống bếp thấy mợ và cô Diễm. Cô tư dường như đang ngủ, đầu gục xuống gối, lặng thinh. Mợ cũng không nói không rằng, gian bếp tĩnh lặng đến lạ thường.
Cậu hai Đức tỉnh dậy từ lâu, cậu đang suy tính về việc lên kinh ứng thí. Đời trước, cũng đúng vào dịp này. Cậu cùng thằng Cầm lên ngựa để đi thi, nửa đường thì gặp thổ phỉ. Cậu hứa sẽ đưa hết tiền bạc cho chúng. Nhưng cớ sao chúng lại đẩy cậu xuống vách núi. Lăn xuống, gương mặt cậu bị hủy hoại, cánh tay đập vào đá. Cậu đau như thể cánh tay đã gãy lìa, khó nhọc nhìn xung quanhà xem thằng Cầm ở đâu. Trời ơi, thằng Cầm, trán nó máu đầm đìa, cả người toàn máu, áo rách bươm. Cậu cố gắng lết lại gần nó, khều khều. Cầm vẫn không nhúc nhích. Cậu hai đặt tay lên mũi nó, không có hơi thở. Cầm đã chết, thằng hầu thân cận của cậu đã rời xa cậu. Bao năm nó theo hầu cậu, giờ đây chỉ còn cái xác lạnh ngắt. Cậu tuyệt vọng lắm, cậu có làm tội gì với ai đâu để nó đối xử với cậu thế này.
Cậu nằm im ở đó, cố gắng thở từng hơi khó nhọc. "Lách tách", mưa rơi xuống, ngày càng nặng hạt. Mưa hòa cùng với máu, tanh ngòm nhưng biết sao được, cậu phải chịu thôi. Mưa làm tà áo dài của cậu dính chặt vào da thịt. Rát quá, cánh tay trái dường như không cử động được. Cậu phải tìm đường trèo lên, kẻ ác đã không cho cậu được toại nguyện thì cậu đây cũng khiến cho chúng chết không toàn thây. Ngày thứ hai, xác của thằng Cầm kiến bu đầy, cậu cũng gượng dậy được. Lấy tay phải mò mẩn lên những phiến đá, cậu trông ngóng xem có ai đi qua giúp cậu không. Nhưng cậu quên rằng đây là đường núi, ít ai đi qua. Chỉ tại cậu muốn đi nhanh đến kinh thành nên mới đi đường tắt, bao năm đèn sách cớ sao lại dại thế này.
Ngày thứ ba, cậu tìm thấy một con đường nhỏ ở sâu trong hang, chỉ đủ một người chui qua. Cậu vui mừng khôn xiết, cậu quay lại chỗ thằng Cầm, lấy tay đào cho nó một cái hố, dùng hết sức đẩy xác của nó xuống. Sau đó, cậu quỳ xuống, đập đầu xuống nền đất ba lạy, xem như là ân nghĩa bao năm giữa cậu với nó. Hơn hai ngày không ăn uống, cơ thể cậu sắp chịu không nổi, khuôn mặt dường như nhiễm trùng. Phồng to và sưng tấy. Cậu men theo con đường nhỏ đó, dẫn ra một ngọn suối. Nhìn dưới mặt nước, gương mặt cậu đã biến dạng, cậu vốc một ít nước lên tay rửa lên mặt. Vết sưng thấm nước lạnh, nhói lên từng cơn. Lần đầu tiên trong hai mươi mốt năm sống trong nhung lụa của cậu, cậu phải tự mình bắt cá. Cậu dùng cây đâm cá nhưng quýnh quáng thế nào lại đâm vào chân mình. Cả người đau đớn nên cậu quyết định hái trái cây rừng để ăn đỡ đói.
Vài ngày sau, có một vị tiều phu đi ngang qua, thấy cậu nằm sõng soài bên bờ sông. Tưởng cậu chết nên hắn hoảng sợ, suýt bỏ chạy. Nhưng vì tò mò, hắn vẫn lại gần cậu, chạm nhẹ vào vai. Hắn nghe cậu thều thào từng chữ:
- Đói... đói quá
Hắn liền lục lọi trên người mình, còn một ít bánh mà vợ hắn chuẩn bị cho hắn. Hắn đưa cho cậu, cậu ăn lấy ăn để. Bây giờ chả thiết phải làm cậu hai Đức của Hội Đồng nhà Trần Hoàng nữa. Giờ có gì lấp bụng cậu đã rồi tính sau. Ăn xong hắn hỏi cậu mấy thứ linh tinh vớ vẩn gì đấy mà cậu chẳng muốn trả lời. Hai Đức nhờ hắn dẫn cậu tới thầy thuốc xem cánh tay cậu có thể chữa khỏi hay không. Hai người dựa vào nhau đến nhà thầy thuốc, vừa vào cậu nhận ra lão lang băm này giống gã cậu và thằng Cầm gặp khi đi lên núi hái chè vào hai năm trước vậy? Nhưng thôi, không quan trọng, thứ cậu cần quan tâm hiện tại là tay trái của cậu. Cậu cảm ơn vị tiều phu kia, hứa rằng sẽ trả công hậu hĩnh.
Cậu ở đó với vị thầy thuốc bốn năm để theo ông học về y thuật. Cậu cũng nhiều lần tìm đường về nhà nhưng mỗi lần gửi thư là không bao giờ nhận được hồi âm của bất cứ người nào. Dù là anh cả, u Tâm hay mợ Hạnh. Cậu nghĩ không lẽ giữa đường bị cướp mất hay có người phá không cho cậu báo tin về? Hàng trăm lá thư đã được gửi nhưng đều biệt tích. Đến ba năm sau, cậu biết những lá thư nó ở đâu rồi. Nó nằm dưới huyệt chôn của thằng Cầm chứ đâu. Đúng là có kẻ hại cậu thật rồi. Đến khi nhắm mắt xuôi tay ở kiếp này, cậu vẫn không thể nào quên được ánh mắt đó của anh trai cậu, Trần Hoàng Định.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top