Làm người khó lắm....
Sự mất mát con người là mất mát lớn nhất
Tìm hiểu qua bạn bè nó, chúng tôi mới biết rằng nó tham gia một cuộc đua xe đường dài, leo dốc với một đám thanh niên khác. Thế thì cũng chưa có gì là nghiêm trọng lắm. Tôi an ủi vợ tôi như vậy. Một vài năm nữa khi nó lớn chắc sẽ thay đổi. Nhưng không lẽ đua xe mà lại khiến con tôi thay đổi nhiều như thế. Tôi không hiểu nổi.
Tôi phải cầm lòng để viết cho báo những dòng chữ này. Mọi bất hạnh diễn ra như một cơn ác mộng mà tôi không thể rũ bỏ được.
Tôi lấy vợ sớm, cả hai chúng tôi đều có việc làm ổn định tại thành phố. Cuộc sống có thể nói là sung túc hơn so với khá nhiều người xung quanh. Đằng nội đằng ngoại tôi hiếm con, hiếm cháu cho nên tất cả đều kỳ vọng vào vợ chồng tôi. Nhiều lần cả mẹ đẻ lẫn mẹ vợ tôi cùng nhau đi chùa để cầu phúc xin cho vợ chồng tôi sinh quý tử. Cuối cùng sau ba năm vợ tôi cũng sinh được một đứa con trai. Và chúng tôi lập cả một chương trình nuôi dạy quý tử của mình. Ai mách về cách dạy dỗ con như thế nào là cô ấy về thực hiện ngay. Mỗi ngày một cách. Tôi cũng chăm sóc con theo cách riêng của mình. Mỗi ngày, tôi mua một thứ đồ chơi mới. Nó chơi một lúc, chán lại tháo tung ra. Cả phòng ngủ của nó giống như một cái kho chứa toàn đồ chơi. Vì chuyện đồ chơi mà chúng tôi cũng thỉnh thoảng cãi cọ nhau vì tôi tiêu quá nhiều tiền vào việc đó. Con tôi cứ lớn lên trong sự chăm bẵm như vậy. Cho đến khi nó lên mười tuổi thì chúng tôi không còn kiểm soát được nó nữa.
Một lần vợ tôi mắng mỏ nó điều gì đó, nó trừng mắt lên nói hỗn. Cô ấy vô cùng ngạc nhiên vì từ trước đến nay nó chưa từng dám cãi mẹ nửa lời. Vì chuyện này mà cô ấy khóc suốt một tuần. Tôi gọi nó lại, bắt xin lỗi mẹ. Nó lầm lì không nói gì. Từ lúc ấy tôi hiểu rằng chúng tôi không hiểu gì về nó cả. Tôi an ủi vợ và động viên cô ấy quan sát đến những thay đổi tâm lý của con. Thế nhưng sau khi quan sát được ba ngày, vợ tôi còn chút nữa thì ngất. Đứa con nhỏ của tôi đã cùng đám bạn phì phèo thuốc lá trên miệng. Làm sao thế nhỉ, tôi có hút thuốc bao giờ đâu. Vợ tôi lôi con về, vừa khóc vừa đánh cho nó một trận. Nó không nói gì, chỉ lấy tay che đầu. Khuôn mặt vênh lên thách thức tất cả.
Tôi muốn tìm hiểu xem con mình đang nghĩ gì. Cả buổi tối tôi đưa nó đi chơi, nó không nói một câu gì. Tôi cho nó ăn kem, ăn soài... tất cả những gì nó thích nhất. Nó vẫn ăn nhưng không tỏ thái độ. Chỉ trước khi đi ngủ nó mới bảo, bố mẹ chẳng hiểu gì con cả. Tôi sững người. Đứa trẻ mười tuổi mà nói với cha mẹ câu ấy thì điều gì đang diễn ra. Tôi không biết hút thuốc lá, lại nghe nói rằng hút thuốc có hại lắm. Nhưng con tôi đã hút. Tôi phải làm thế nào bây giờ, điều gì đang xảy ra trong đầu nó?
Đêm đã khuya, vợ tôi khóc một hồi lâu, mệt quá đã thiếp đi. Tôi lặng lẽ mở cửa đi ra ngoài. Đêm tháng mười gió đã se lạnh. Đầu phố vẫn còn một quán nước nhỏ. Thế là tôi lững thững đi về phía ấy. Cô chủ quán mời một chén trà nóng rồi theo thói quen cô nhìn tôi hỏi: “Anh có hút thuốc không?”. Tôi xua tay từ chối. Nhưng đột nhiên cái ham muốn được biết cái cảm giác “hút thuốc” đang chế ngự con mình như thế nào. Tôi rút lấy một điếu thuốc và hút một hơi dài. Tôi ho sặc sụa vì hơi thuốc ấy. Tôi hút liền ba điếu. Chỉ thấy trong miệng đắng ngắt, tái tê, chẳng có gì ngon ngọt cả.
Vợ tôi quyết định nghỉ việc để ở nhà trông con, đưa con đến trường. Cô ấy quyết định thực hiện kỷ luật sắt với con. Cô không cho nó ngủ riêng nữa mà phải ngủ trên một cái giường nhỏ kê riêng trong phòng ngủ của chúng tôi. Buổi sáng con học trong lớp thì mẹ ngồi ở cổng trường. Tiếng trống tan vừa đánh là cô ấy đứng chặn ngay ở cổng trường để đón con về. Nhờ thế mà trong vài năm sau đó, con tôi bình thường trở lại không gây ra điều gì khiến chúng tôi lo lắng. Tuy nhiên, nó không cởi mở với cha mẹ lắm. Để lấy lòng con, tôi ra sức mua cho nó mọi thứ nó yêu cầu dù những thứ nó thích bây giờ đắt gấp cả trăm lần những món đồ chơi ngày trước. Sau hai năm quản lý con, vợ tôi lại đi làm lại.
Cho đến khi nó mười sáu tuổi thì mọi việc bắt đầu có nguy cơ không kiểm soát nổi. Đầu tiên nó đòi mua một cái xe máy. Vợ tôi nhất định không chịu vì sợ tai nạn giao thông xảy ra thì nó đứng lên giữa bữa cơm trưa và tuyên bố: Nếu không có xe máy thì nó không về ăn tối với cha mẹ được vì trường học ở xa. Đúng là cũng hơi xa vì trường cách nhà tôi một con phố dài ba trăm mét. Vợ tôi ***g lộn lên. Cô ấy quát mắng om xòm. Nhưng nó cứ trơ trơ ra rồi bỏ lên phòng.
Hôm sau, khi đã hết chương trình thời sự buổi tối, nó vẫn chưa về. Vợ tôi liên tục phải hâm nóng lại thức ăn vì tưởng hai ba phút nữa là con về. Tôi đã lao ra trường mấy lần nhưng ở đó chẳng còn bóng người nào cả.
Mười một giờ đêm nó mới về, tóc tai rũ rượi. Vợ tôi vừa giận vừa thương lao vào tát con, khóc lóc ầm ĩ. Nó đứng im, không khóc, không van xin. Hỏi đi đâu bây giờ mới về cũng không nói.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng phải mua cho nó một cái xe máy. Đi được một tuần, nó về bảo phải đổi xe khác vì cái xe này cổ rồi. Tôi điên lắm, quyết định phải dạy con vào nề nếp. Nhưng ngay thời điểm đó tôi lại phải đi công tác xa nhà. Mọi chuyện đều do vợ tôi quyết định. Vợ tôi hay khóc, hay nổi giận nhưng rất sợ con. Sau ba ngày, yêu cầu của nó được đáp ứng.
Và từ tối đó, hôm nào vợ cũng gọi điện khóc với tôi vì cho đến mười một giờ con vẫn chưa về. Một buổi sáng, thấy mặt con đầy vết xước, vợ tôi mới hoảng hồn lên. Nó bảo do ngã xe. Nói xong nó lẳng lặng dắt xe đi. Vợ tôi giằng lấy chìa khóa. Nó mặc mẹ đứng đó, vẫy xe ôm đi học.
Hai hôm sau, công an khu vực tìm đến nhà tôi. Hóa ra con tôi tham gia đua xe với một đám thanh niên. Tôi phải thu ngắn chuyến công tác lại. Nhưng cho đến lúc ấy thì tôi cảm thấy dường như hoàn toàn bất lực với con. Vợ tôi đã nhờ đến cả một anh cảnh sát khu vực đến răn đe nhưng vẫn không thành. Nó vẫn đi thâu đêm và sáng ra tôi nhìn hộp số xe máy thấy tăng thêm gần trăm km. Tức là nó vẫn đua xe. Tôi khùng lên không cho nó đi học nữa mà bắt nhốt ở nhà. Nó cũng giở trò nhất định không ăn uống gì cả. Bao nhiêu đồ ăn mẹ nó mang vào, nó đều không đụng tới. Vợ tôi sợ con đói lả đi nên đã giấu tôi thả nó ra. Thế là nó mang xe đi luôn. Ba ngày sau nó mới mò về. Quần áo tả tơi, mặt mũi tóp lại. Nó ăn uống nhồm nhoàm mặc cho mẹ nó khóc lóc hỏi han. Ăn xong, nó nằm ngủ ngay tại phòng khách.
Tìm hiểu qua bạn bè nó, chúng tôi mới biết rằng nó tham gia một cuộc đua xe đường dài, leo dốc với một đám thanh niên khác. Thế thì cũng chưa có gì là nghiêm trọng lắm. Tôi an ủi vợ tôi như vậy. Một vài năm nữa khi nó lớn chắc sẽ thay đổi. Nhưng không lẽ đua xe mà lại khiến con tôi thay đổi nhiều như thế. Tôi không hiểu nổi.
Trong một lần ra ngoại thành, tôi đi xe máy chầm chậm. Tôi chỉ đi với tốc độ 30 km một giờ thôi. Bỗng nhiên một đám thanh niên đi xe máy rú ga đánh võng trước mặt tôi. Chắc là chúng đua xe đây. Tự nhiên máu trong người tôi sôi lên. Con tôi mà bị trò đua xe này thay đổi ư? Không thể. Dường như tôi muốn tìm hiểu sao trò đua xe này lại khiến con tôi lao vào như thiêu thân vậy. Tôi rú ga, lượn một đường trước xe của đám thanh niên nọ. Thế là nháo nhác hết lên. Tiếng còi xe inh ỏi. Mấy người đi xe đạp rạp hết vào vệ đường. Tôi tăng ga với tốc độ rất cao. Đám thanh niên cũng tìm cách vượt lên. Đua độ 1 km, tôi táp vào ven đường và dừng lại. Chẳng có cảm giác gì đặc biệt cả. Tôi bỗng hoảng sợ vì nếu thế thì chắc chắn con tôi đang giấu tôi những chuyện khác chứ không phải là chuyện đua xe. Tôi kể cho vợ nghe. Cô ấy không tin.
Nhờ một người bạn mách cho, chúng tôi quyết định đến văn phòng vệ sĩ để thuê người theo dõi con mình. Nhưng bọn trẻ bây giờ quả là tinh khôn. Dường như nó biết được điều ấy nên suốt ngày ở lỳ trong nhà, kêu ốm, nghỉ học. Nhưng khi bác sĩ đến khám bệnh thì nó nhất định không cho đụng vào người. Bác sĩ không nói gì chỉ yêu cầu vợ tôi mang cho ông ta xem những thức ăn còn lại của nó, rồi xem những bộ quần áo mới thay ra, kiểm tra cả cái cốc uống nước nữa.
Tôi không hiểu gì, còn vợ tôi thì đã chảy nước mắt vì nghĩ rằng con tôi chắc mắc phải một thứ dịch bệnh nào đó. Bác sĩ vẫn kiểm tra qua những thứ yêu cầu và cuối cùng, lời tuyên án cũng đến. Ông ấy khẳng định rằng con trai tôi đã dùng ma túy. Tôi khựng người, mất hồn. Vợ tôi quỵ hẳn xuống. Thế là ông bác sĩ phải cấp cứu vợ tôi. Thằng con tôi nhân cơ hội đó trốn khỏi nhà luôn.
Tỉnh dậy, việc đầu tiên vợ tôi làm không phải tìm con mà là nhào vào tôi khóc nức nở. Cô ấy sợ tôi lại thử dùng ma túy như tôi đã thử hút thuốc lá, thử đua xe để tìm hiểu con. Như sực tỉnh, vợ tôi chạy đến chiếc tủ cất giữ tiền bạc của gia đình và vội vã mở nó ra. Bao nhiêu vàng, đôla, cùng những gói tiền loại năm trăm ngàn đã biến mất. Cô ấy rũ tung đống quần áo của con lên và “keng” một cái, một chiếc chìa khóa rơi ra. Lập cập, run rẩy, cô ấy tra chiếc chìa khóa vào tủ. Chiếc chìa khóa vừa khít. Tiền dành dụm được chúng tôi vừa rút ở ngân hàng về để đi mua đất đã trở thành mây khói. Vợ tôi không còn khóc nổi nữa. Tôi ôm lấy vợ và bảo việc quan trọng là bây giờ phải tìm được con về và cai nghiện cho nó.
Một tuần sau, nỗi bất hạnh đổ ập xuống đầu chúng tôi. Đứa con “quý tử” của tôi đã bị đâm chết trong một vụ đánh lộn. Tôi không thể kể được nỗi đau đớn mà chúng tôi phải gánh chịu khi đó. Vợ tôi kiệt sức nằm bẹp... Cô ấy cứ nằm thế cả tháng. Tôi sợ vợ tôi sẽ có những ý nghĩ tuyệt vọng nên buộc cô ấy phải trở dậy. Hai đứa chúng tôi lặng lẽ đưa nhau ra phố, mua vé vào nhà hát xem kịch,... Bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của một nhân vật trong vở kịch của nhà văn Hữu Ước rằng: “Sự mất mát con người là mất mát lớn nhất”. Đấy là nỗi bất hạnh của cuộc đời tôi
Nguồn: sưu tầm.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top