Phần 1-4

Việc vú đoán trước rồi may sẵn cho tôi một chiếc váy mới hóa ra hoàn toàn đúng đắn, vì chỉ vài ngày sau tôi lại nhận được lời mời đến dinh thự nhà họ Lim. Nhà họ Lim thuê gánh hát về trình diễn cho một buổi họp mặt gia quyến và bằng hữu nhân dịp Thất tịch. Phụ nữ gia giáo hiếm khi được phép đi xem ca nhạc chốn đông người, nên những nhà quyền quý thường mời gánh hát về phục vụ riêng. Đôi lần vú đã kể hồi ông nội còn sống, khu vườn trước nhà được dọn quang quẻ ra sao, và thợ thuyền dựng sân khấu tạm thế nào. Khỏi nói cũng biết khung cảnh nhộn nhịp ấy đã vắng bóng từ lâu lắm rồi trong nhà chúng tôi, thế nên tôi thực sự hào hứng. Lần này họ mời cả cha, và ông bằng lòng đến dự. Khi xưa Lim lão gia từng là bạn làm ăn của ông, quan hệ dù không mấy mặn mà nhưng cũng gọi là quen biết. Nói thật, tôi chẳng rõ cha mình còn liên lạc với những ai. Lắm lúc ông cũng làm tôi bất ngờ.

Mùng 7 tháng Bảy hằng năm là ngày cặp sao Ngưu Lang-Chức Nữ gặp nhau, dân gian coi là ngày kỷ niệm mối tình Ngưu Lang-Chức Nữ. Vú kể cho tôi nghe truyền thuyết này khi tôi còn nhỏ. Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trai chăn bò tên là Ngưu Lang, gia cảnh bần hàn đến nỗi chỉ có con bò già bầu bạn. Một hôm, con bò cất tiếng nói, bảo Ngưu Lang nấp sau tảng đá ở cạnh một hồ nước, đợi các tiên nữ dệt vải trên trời hạ phàm, chàng sẽ gặp được ý trung nhân. Trong khi các nàng mải mê tắm, Ngưu Lang giấu đi một bộ xiêm y, làm một nàng tên là Chức Nữ phải ở lại tìm. Chàng bèn hỏi nàng làm vợ. Cuối cùng, con bò già thần kỳ chết đi. Nghe đến đây, tôi ngứa ngáy vì hàng trăm câu muốn hỏi, nhưng vú gạt đi ngay, tiếp tục kể. Vú là người kể chuyện rất rập khuôn, mỗi lần đều không sai một chữ.

Trước kh chết, con bò già dặn Ngưu Lang giữ lại bộ da của nó, rồi sẽ cần đến. Trong lúc đó, Thiên Hậu nổi giận vì tiên nữ mà bà yêu quý nhất dám cả gan kết duyên với người phàm, bèn triệu hồi nàng về trời. Quá đau buồn, Ngưu Lang khoác tấm da bò đi theo vợ, gánh hai con ở hai đầu quang gánh. Để ngăn gã phàm nhân đuổi kịp tiên nữ, Thiên Hậu rút trâm vạch ra một dòng sông trên trời chia cắt họ, đó chính là dải Ngân Hà. Bầy quạ đen thương xót cho mối tình Ngưu Lang-Chức Nữ, bèn bay lên kết cánh thành cầu vắt qua sông này để chàng nàng được trùng phùng, chuyện xảy ra vào mùng 7 tháng Bảy và duy trì hằng năm.

Nghe vú kể chuyện, tôi chẳng thể hiểu nổi tại sao ngày kỷ niệm một mối tình bi thương như thế lại được xưng tụng là ngày lễ tình nhân. Chẳng có kết thúc tốt đẹp, hai người cách nhau một dòng sông mà biệt ly đằng đẵng. Đó là nỗi bi thương vĩnh hằng. Thật ra, tôi lại hứng thú nhất với con bò già. Tại sao nó biết các nàng tiên sắp hạ phàm? Tại sao nó nói được tiếng người? Và quan trọng nhất, tại sao nó lại chết? Vú chưa bao giờ trả lời thỏa đáng những câu hỏi này. "Trọng tâm câu chuyện là về đôi tình nhân, cô bé ngốc ạ." Mà quả thật, ngày lễ này là dịp để các thiếu nữ tham gia thi tài nghệ thêu thùa dưới ánh trăng, rửa mặt bằng nước ướp cánh hoa và tấu những bài ca về xe tơ dệt lụa. Tôi chưa bao giờ có dịp tham gia vào mấy trò này, vì ngày Thất tịch còn mang một ý nghĩa nữa, đó là ngày phơi sách.

Mùng 7 tháng Bảy hằng năm tình cờ là dịp các nhà nho mang sách và quyển trục ra phơi. Vì cha có vô vàn sách vở, nên cả ngày hôm ấy, phần lớn thời gian chúng tôi sẽ ở sân nhà, kê những chiếc bàn dài rồi mang gia tài của ông trải dưới ánh nắng, lật từng trang cho đến khi chúng khô toàn bộ. Phải nhìn ngó cẩn thận kẻo mực phai mất. Tôi vẫn nhớ cảm giác những trang sách ấm nóng, mềm mượt dưới bàn tay mình và màu mực sáng lên trong nắng. Khí hậu nơi đây nóng ẩm, rất bất lợi cho việc lưu trữ sách vở. Không ít lần tôi thấy mối mọt bắt đầu gặm nhấm, thế là phải nhặt hết trứng mối để diệt trừ tận gốc lũ phá hoại này. Chính vì thế, ký ức của tôi về ngày Thất tịch gắn liền với mùi ẩm mốc của những trang giấy. Nhưng năm nay thì khác. Tôi đồ rằng nhà họ Lim sẽ đón ngày lễ này với cung cách xa hoa hơn thế nhiều.

Ca nhạc diễn ra vào buổi chiều, sau đó là dạ tiệc. Tôi dành cả sáng soạn ra số nữ trang ít ỏi mà mình có. Vú miết đi miết lại váy mới bằng bàn là than cửi nặng trịch cho đến khi nó mượt mà phẳng phiu. Tôi hiếm khi mặc kebaya, giá mà tôi được mặc nhiều hơn vì nó quá đẹp. Phần áo - baju - ôm sát lấy eo, may bằng vải trắng mỏng tang với những họa tiết thêu rời đính trên vạt và viền áo. Trước ngực áo là ba bông hoa cài bằng vàng nối với nhau bằng những sợi dây vàng tinh xảo. Chiếc váy sarong dài đến mắt cá chân được may bằng vải batik có họa tiết lá xanh và hoa hồng vàng đan xoắn vào nhau. Sau khi tắm táp, sửa sang xiêm y rồi được vú vấn tóc, tôi chẳng nhận ra mình nữa. Đang mải soi gương ngắm nghía, tôi bỗng ngờ ngợ như có ai đó nhìn mình từ trong góc phòng. Ngoảnh ra đảo mắt một vòng, không thấy gì khác thường. Thế nhưng qua gương, rõ ràng tôi trông thấy một bóng người đứng gần chiếc tủ lớn. Tôi sợ sệt nhìn chằm chằm vào nó. Đúng lúc ấy, vú bước vào.

"Sao mặt cau mày nhó thế kia? Ai thèm lấy cô nếu cô cứ khó đăm đăm như thế!"

Chẳng dám kể với bà về điều vừa nhìn thấy, tôi cố nặn một nụ cười. Nhưng hứng thú ngắm vuốt đã tiêu tan.

Tại sảnh chính nhà họ Lim, lần đầu tiên tôi được diện kiến chủ nhân của gia tộc họ. Lim Teck Kiong lão gia thấp lùn và phát tướng, nhưng toát ra vẻ uy nghiêm khó tả. Ông thân mật hàn huyên với cha và nhìn tôi đầy thân thiện.

"Con gái anh đây à?" Ông nói. "Anh đã giấu con bé ở đâu suốt vậy?"

Cha chỉ cười và lẩm bẩm gì đó, ông nhìn quanh phòng khách với vẻ chẳng mấy lạ lẫm. Tôi nhận ra, có lẽ ông đã đến đây không ít lần hồi mẹ tôi còn sống.

Tôi chẳng có nhiều thì giờ để quan sát thêm vì đã được mời đi uống trà cùng các phu nhân. Các phụ nữ quý tộc người Mã Lai theo đạo Hồi phải giấu mặt sau lớp mạng che purdah, và không được phép để người đàn ông nào, trừ thành viên ruột thịt trong gia đình, nhìn thấy khuôn mặt mình khi không che mạng. Người Hoa bản địa không có sự phân biệt giới tính nặng nề như thế, tuy nhiên những cử chỉ thân mật giữa nam và nữ ở chốn đông người cũng là điều cấm kị.

Ngôi nhà tấp nập người qua lại, trẻ nhỏ hào hứng chạy khắp nơi làm tôi nhớ lại cảnh nô đùa hồi bé cùng các anh chị em họ trong sân nhà. Giờ thì tất cả đã định cư ở Penang với cha mẹ, tức vợ chồng các cô tôi. Thi thoảng tôi vẫn nhận được thư của họ, ba trong số ấy đã kết hôn.

Người hầu bê khay đĩa đi lại như con thoi, tôi cố nhìn xem người mình đang tìm kiếm có ở đây không, nhưng chẳng thấy đâu cả. Sân khấu đã được dựng lên ngoài trời. "Nghe nói hôm nay có phần trình diễn của một danh ca." Một thiếu phụ nói với tôi. Chị có gương mặt tròn vành vạnh như bánh bao trông rất phúc hậu. Tôi đã được giới thiệu tên chị rồi, nhưng giờ không tài nào nhớ nổi.

"Em là Pan Li Lan, đúng không?" Chị nói. "Tôi là Yan Hong, con gái cả của nhà này."

Tôi lắp bắp xin lỗi vì quên tên, chị chỉ cười. "Tôi lấy chồng rồi nên không sống ở đây nữa, nhưng lâu lâu vẫn về xem có giúp đỡ được gì không, nhân thể cho các cháu thăm hỏi ông bà."

"Chị có mấy cháu rồi ạ?"

"Ba đứa. Đứa lớn nhất đã bảy tuổi, hai đứa nhỏ mới chập chững biết đi."

Đúng lúc ấy thì Lim phu nhân đi qua. "Còn một lúc nữa mới biếu diễn." Bà lên tiếng. "Sao các con không đi thưởng trà?" Trông bà vẫn hơi yếu, mặc dù đã phủ một ít phấn hồng lên làn da xanh tái.

"Mẹ chị ổn chứ ạ?" Tôi hỏi Yan Hong.

Yan Hong cười, "Phu nhân không phải mẹ đẻ của tôi. Mẹ tôi là bà hai."

"Em khó mà quen được với những gia đình đông đúc thế này."

"Cha em chỉ có một vợ thôi à?"

"Vâng, ông không tái hôn ạ."

"Vậy em may mắn đấy."

Tôi nghĩ nếu có một, hai bà mẹ kế thì sẽ thật kỳ quặc. Nhưng đó là vì Yan Hong không biết gì về cha cùng vị thần đậu mùa đã tước đi gần như tất cả của ông. "Cha em không còn hứng thú gì với nhân tình thế thái kể từ khi mẹ em qua đời." Tôi đáp. "Chẳng bao giờ nhà em có nhiều người đến chơi như thế này."

Yan Hong nhăn mặt, "Đông đúc cũng vui, đúng không? Nhưng tôi chẳng bao giờ muốn làm bà hai. Nếu chồng tôi mà nghĩ đến việc lấy thêm vợ, tôi sẽ bỏ anh ta."

"Thật ạ?" Đột nhiên tôi thấy nghi ngờ sự tự tin của Yan Hong. Có lẽ xuất thân quyền quý và giàu sang đã cho phép chị có tiếng nói trước mặt chồng mình.

"Ôi, tôi làm em sợ rồi. Hôn nhân không kinh khủng vậy đâu, và chồng tôi là người tốt. Nói thật là tôi vẫn yêu anh ấy say đắm." Chị cười vang. "Gia đình chẳng muốn tôi lấy anh ấy vì anh ấy xuất thân bần hàn, nhưng tôi biết anh ấy có tài. Anh ấy nhận được học bổng từ nghiệp đoàn và sang Hong Kong du học cùng anh họ tôi."

Tôi hào hứng nhìn chị. Tôi biết các công tử nhà giàu đến Hong Kong hoặc Anh Quốc để du học, trở về sẽ thành bác sĩ hay luật sư. Nếu sinh ra là con trai, tôi cũng sẽ chọn con đường này, và tôi thổ lộ với chị như thế.

"Ồ, tôi cũng không biết." Chị đáp. "Chuyến hải trình rất hung hiểm, vì có thể gặp phải bão. Và cuộc sống nơi đó cũng khá khó khăn." Chị có vẻ định nói thêm gì đó, nhưng cuối cùng quyết định im lặng. Tôi đã nghe đồn về tình hình bất ổn của Hong Kong bất chấp sự áp chế của mẫu quốc. Tôi tò mò muốn nghe thêm, song Yan Hong chỉ kể chồng mình học ở Đại học Dược Hong Kong, do Hội Truyền giáo London sáng lập.

"Đi theo tôi," Yan Hong nói. "Tìm vài thứ nhấm nháp thôi nào."

Chúng tôi cùng đi vào phòng trong, nơi vẳng ra tiếng nhạc êm tai làm tôi mê mẩn. Người ta đang chơi nhị hồ, một loại nhạc cụ của người Hoa gồm hai dây đàn bằng thép, bầu bọc da trăn, vĩ bằng lông ngựa. Tiếng đàn réo rắt như giọng ai đang hát. Một nhóm nhạc công đang chơi những bản nhạc truyền thống, âm thanh nghe rạo rực vui tươi.

"Em thích nhạc nhị hồ à?" Yan Hong hỏi.

"Vâng ạ." Xưa có một nhạc công mù hay kéo nhị trên con phố gần nhà tôi, âm thanh réo rắt thê lương từ ngón đàn của ông lôi cuốn tôi lạ kỳ. Hôm nay có ba người diễn tấu, hai người kéo nhị hồ và một người chơi tam thập lục hộp. Thật bất ngờ, một trong hai người kéo nhị hồ không phải ai khác mà chính là chàng trai sửa đồng hồ hôm nào. Anh ngồi trên một chiếc ghế đẩu thấp, dựng đứng cây đàn trước mặt, một bàn tay lướt trên thân đàn, tay kia kéo cung vĩ. Mặc dù anh vận áo dài rộng rãi, tôi vẫn thấy đường nét của bờ vai rộng tựa lên cây đàn và thân mình săn chắc thắt lại ở vùng eo. Tôi ngẩn ngơ nhìn một lúc mà không nhận ra Yan Hong đang hỏi mình điều 

"Xin lỗi." Tôi đáp. "Em mải nghe nhạc quá."

Trông chị có vẻ thích thú. "Nghe, hay là nhìn thế?"

Tôi hơi đỏ mặt. "Họ chơi hay chị nhỉ?"

"Ừ, tay ngang mà được thế là giỏi rồi. Cha tôi yêu nhạc lắm, ông khuyến khích người nhà học chơi."

"Thế họ là những ai thế ạ?"

"Người kéo nhị lớn tuổi là cậu ba nhà tôi, người chơi tam thập lục hộp là con trai của cậu. Người kéo nhị còn lại là anh họ tôi."

Anh họ! Tôi phải cúi đầu để che giấu nỗi bối rối. Trống ngực đập thùm thụp. Khi âm nhạc lắng xuống, tôi vẫn thấy máu chảy rần rật trên vành tai, bèn ngượng ngùng nhặt bừa một miếng bánh kuih angku hấp với lớp vỏ đỏ khá dẻo và nhân đỗ vàng, rồi cắn một miếng. Khi tôi ngước lên, anh đã đứng ngay cạnh Yan Hong.

"Li Lan, đây là anh họ tôi, Tian Bai."

Chúng tôi không bắt tay nhau như kiểu người Anh, nhưng chỉ ánh nhìn của anh đã làm tôi run rẩy vì kích động.

"Ngoài sửa đồng hồ, tôi còn chơi được vài nhạc cụ nữa." Anh nói. Yan Hong thích thú nhìn anh. "Anh nói gì vậy?"

Chị quay về phía tôi, "Li Lan là tiểu thư nhà họ Pan."

Tôi cố nuốt trôi miếng bánh kuih, nhưng nó cứ tắc nghẹn nơi cổ họng.

"Em không sao chứ?" Anh hỏi.

"Không sao ạ." Tôi cố trả lời tự nhiên nhất có thể.

"Để tôi lấy cho em chút nước." Yan Hong gọi với theo một người hầu vừa đi qua.

Đuôi mắt Tian Bai có một nếp nhăn nhỏ, trông như một nếp gấp trên tấm chăn mới ủi. "Mãi tôi mới biết được em là ai." Anh nói. "Hôm ấy em chạy đi nhanh quá."

"Tại em lượn lờ đã lâu quá mà." Tôi thấy xấu hổ nếu phải thừa nhận rằng mình tưởng anh là người hầu, nhưng tôi có linh cảm xấu là anh đã biết điều đó.

"Em không thích mạt chược à?"

"Em chưa thực sự học chơi bao giờ. Trò đó có vẻ mất thời gian."

"Đúng đấy. Em không biết họ phung phí bao nhiêu tiền cho bài bạc đâu."

"Thế theo anh họ nên làm gì khác thay vì chơi bài?"

"Tôi cũng không biết. Đọc sách, xem bản đồ, hay chơi đồng hồ?" Tôi chẳng dám nhìn thẳng vào mắt anh, lại không có cách nào thoát khỏi ước muốn làm việc ấy, cảm giác như một con thiêu thân toan lao đầu vào lửa. Tạo cho người khác ấn tượng mình là một đứa vừa ngốc nghếch vừa ngô nghê thật chẳng ra sao. Một người đã chu du bốn bể hẳn sẽ phát chán khi phải nghe chuyện phiếm vô bổ, nhưng anh không hề rỏ ra như vậy, anh hỏi tôi đọc những sách gì, và làm sao tôi lại biết về hải đồ.

"Gần như toàn bộ thế giới đã được vẽ lại trên bản đồ." Anh nói. "Chỉ còn vài nơi chưa tỏ tường: sâu trong lục địa châu Phi, và hai cực trái đất. Nhưng phần lớn bề mặt trái đất đã được họa lại trên bản đồ rồi."

"Anh nói chuyện giống một nhà thám hiểm hơn là bác sĩ nhỉ!"

Anh cười, "Yan Hong kể với em thế à? Tôi vẫn chưa hoàn thành chương trình học, còn chồng cô ấy thì đã thành bác sĩ thật rồi. Chú gọi tôi về trước khi tốt nghiệp. Nhưng quả thật tôi muốn làm một nhà thám hiểm hơn."

"Thật không giống suy nghĩ của một người Hoa điển hình."

Trong quá khứ, Trung Hoa không đếm xỉa gì đến lữ hành trên biển, miệt thị bất cứ sự tiếp xúc nào với đám người mọi rợ và chỉ để tâm đến lãnh thổ thần châu của mình. Trung Hoa là cái rốn vũ trụ, thậm chí những người Hoa xa xứ như chúng tôi cũng được răn dạy như thế. Người Anh luôn kinh ngạc vì tốc độ lan truyền tin tức quá ư nhanh nhạy từ đại lục tới xứ đô hộ xa xôi này. Những nghiệp đoàn giao thương trên các con tàu tốc hành truyền thông tin trước cả khi người Anh, với hệ thống điệp viên và các tổ chức tai mắt rải rác khắp Bắc Kinh, Quảng Châu, kịp hay biết.

"Có khi tôi không đủ yêu nước." Anh mỉm cười đáp. "Mọi người cũng hay chê trách tôi vì điều đó."

"Chê trách gì cơ?" Yan Hong trở lại với một cốc nước trên tay.

"Vì anh không nghe lời." Anh đáp.

Cô cau mày, vờ bực tức. "Anh nói chuyện với Pan tiểu thư lâu quá rồi đấy. Kịch sắp bắt đầu đến nơi rồi, cha em đang cho tìm anh đấy. Anh đi gặp ông mau đi, không thì chẳng sắp xếp kịp chỗ ngồi đâu."

Tôi ước mình nhớ được nhiều hơn về buổi diễn. Tôi thấy mọi người khen nó khá hay. Nhà họ Lim mời một gánh hát tiếng tăm trong trấn về biểu diễn. Họ diễn vài cảnh trong vở Ngưu Lang-Chức Nữ, nhưng tôi lại chẳng mấy chú tâm. Ngồi cạnh các phu nhân, tôi cố tìm hình bóng Tian Bai. Tôi thấy chú anh, Lim Teck Kiong lão gia ngồi hàng trước với nhiều nhân vật vai vế, nhưng không thấy anh ngồi cùng họ. Cuối cùng tôi thấy anh ở phía sau, đang sắp xếp chỗ ngồi cho những tân khách đến trễ. Bảo sao anh có tiếng là được việc. Không biết cuộc sống của Lim Tian Ching có gì thay đổi không?

Ý nghĩ về người đã chết làm tôi thấy bí bức, như thể không khí nghẽn lại trong buồng phổi. Cha cực lực phủ định những thứ như hồn ma hay mộng mị. Ông thường trích lời Khổng Tử, rằng bớt để tâm đến hồn ma bóng quế đi, nên quan tâm đến cõi trần mà ta đang sống thì hơn. Suy nghĩ về Lim Tian Ching như một tấm màn đen che đi toàn bộ vở diễn, tôi gần như chẳng còn nhìn thấy những diễn viên với gương mặt tô vẽ rực rỡ, mang phục trang gắn lông vũ thêu thùa cầu kỳ đang đi qua hay tạo dáng trước mặt mình nữa. Khi lại ngẩng đầu lên, tôi bắt gặp ánh mắt Tian Bai nhìn mình. Một ánh nhìn hết sức khó hiểu.

Sau buổi diễn là một dạ tiệc thượng hạng. Cơm là gạo mới, dẻo mềm thơm lừng. Ở nhà chúng tôi chỉ đong gạo cũ bởi chúng hút ít nước hơn, nên mỗi bơ sẽ được nhiều hạt hơn. Chỉ ăn cơm trắng tôi đã đủ sung sướng rồi, vậy mà vẫn còn biết bao cao lương mĩ vị khác để thưởng thức. Cá chim hấp với phần lườn óng ánh bạc phủ nước xốt tương và mỡ hành. Chim bồ câu rán. Sứa thái chỉ mỏng manh loắn xoắn dưới lớp xốt dầu mè. Tôi sung sướng nhìn món kerabu yêu thích, một đĩa ngọn dương xỉ xoăn trộn cùng hẹ, ớt và tôm khô giã nhỏ, phủ nước cốt dừa.

Sau buổi tiệc là lúc các tiểu thư vui chơi trong vườn. Các tiểu thư nhà họ Lim, cùng với không biết bao nhiêu chị em họ, trưng bày những món đồ thêu vô cùng cầu kỳ của mình, và ngợi khen lẫn nhau. Tôi đứng ngượng ngùng một bên. Chẳng ai bảo trước nên tôi ko mang gì theo. Nhưng thật ra, kỹ năng thêu thùa của tôi cực kém, chỉ dừng ở mức khâu vá thông thường. Có nhiều người tham gia đến mức tôi chắc không ai màng đến việc mình không góp mặt, nhưng chỉ lát sau tôi nghe thấy Yan Hong gọi mình.

"Li Lan đến đây! Cùng thi xâu kim nào!". Những ngọn đèn được thổi tắt, cả khoảng sân ngập trong ánh sáng bạc của trăng. Một chiếc bàn được kê ra, bên trên sắp sẵn vài bộ kim chỉ. Những cô gái chưa chồng sẽ thi xem ai luồn chỉ nhanh nhất. Tôi bước vào chỗ của mình, bị chen lấn bởi cô gái đứng cạnh, một cô gái to cao như chiến mã. Cô liếc tôi bắng ánh mắt sắc lẻm và không mấy thiện cảm.

"Sẵn sàng chưa?" Yan Hong hô to. "Các tiểu thư, bắt đầu nào!"

Có năm cây kim đủ mọi hình thù trước mặt tôi, từ to đến bé xíu. Tôi nhanh chóng xâu được ba chiếc kim đầu, nhưng hai chiếc sau thì hơi chật vật. Các cô gái thở dài nũng nịu. Dưới ánh trăng mập mờ, càng cố căng mắt càng không nhìn thấy gì nên tô dùng đầu ngón tay rờ lỗ kim, như cách tôi mò theo vết mối đục trên những trang sách của cha mình. Sợi chỉ vụt xuyên qua, tôi vẫy tay vui mừng, "Tôi đã xong!"

Những cô gái xung quanh vây lại chúc mừng tôi, còn cô gái có gương mặt ngựa đứng cạnh chỉ thở dài, nhún vai. Tôi không biết mình đã làm gì phật lòng cô, nhưng mải vui nên tôi chẳng nghĩ ngợi nhiều. Còn nhiều trò chơi nữa, như vẽ đèn lồng hay thi hát. Đến cuối buổi, tôi không nhớ nổi đã bao lâu mình chưa được vui đùa thỏa thích đến vậy. Khi cùng rời khỏi nhà họ Lim, cha nhìn sang gương mặt rạng rỡ của tôi.

"Con chơi vui chứ?" Ông hỏi.

"Vâng, thưa cha. Vui lắm ạ."

Ông cười buồn. "Cha quên mất con đã lớn nhanh thế nào. Trong mắt cha, con vẫn là một cô gái nhỏ. Đáng ra cha phải tổ chức cho con nhiều dịp vui chơi hơn sau khi họ hàng của chúng ta chuyển đến Penang."

Tôi không muốn thấy lại nét âu sầu trên gương mặt cha. Tối nay trông ông có vẻ vui và thích thú với vở diễn. Tôi từng nghe vú nói với người đầu bếp, rằng khi mẹ tôi qua đời, một phần trong ông đã chết theo. Chắc chắn vú nói theo nghĩa bóng, nhưng khi còn nhỏ, tôi đã tin những lời ấy theo nghĩa đen. Rõ ràng đôi khi cha ngơ ngẩn, như thể sợi dây nối ông với thực tại đang sờn đứt dần. Hồi nhỏ, mỗi lần nhìn ông đau khổ, tôi lại thấy tội lỗi. Tất nhiên, nếu tôi là con trai thì mọi chuyện sẽ khác. Ai cũng nói vậy. Nhưng tôi ngờ rằng, dù tôi sinh ra là nam cũng không thể khỏa lấp nỗi đau mất vợ trong lòng cha. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #reup