1Q84

Tác giả: Haruki Murakami

NPH: Nhã Nam

Thể loại: Kỳ ảo, tâm lý, văn học Nhật

1Q48 ban đầu không phải là cuốn truyện mình lựa chọn đọc, sau khi mua một đống sách từ hội sách của Nhã Nam về, cuốn đầu tiên mình chọn là Con mèo dạy hải âu bay, vì nó...mỏng. Nhưng đối với kiểu đọc sách của mình có chút quái dị, khi cầm một cuốn sách nào, đọc một vài trang ngẫu nhiên, hoặc tầm chục trang liên tiếp thì mình sẽ hoặc là bỏ ngang, hoặc là đọc tiếp. Đối với cuốn 1Q48 này cũng vậy, mình đi từ truyện Con mèo dạy hải âu bay đến cuốn Quỷ trong gương, rồi sau đó lại bỏ ngang quyết định không đọc hai cuốn đó mà chọn 1Q48, cứ như là trực giác "Mình phải đọc cuốn này trước!" vậy.

1Q84 lấy bối cảnh là một xã hội hiện tại, một xã hội rất bình thường. Mạch truyện được chia làm hai, có hai nhân vật chính song song, một nam một nữ. Aomame là nhân vật nữ, được nhắc đến đầu tiên. Aomame có hai cuộc sống trong một cuộc đời bình thường, cô cứ như một phụ nữ làm nghề huấn luyện viên võ thuật, nhưng trong một vài thời điểm, cô trở thành một sát thủ kết liễu những tên đàn ông khốn kiếp đang hành hạ cuộc sống của một người đàn bà tội nghiệp khác.

Aomame bị ám ảnh bởi quá khứ của gia đình, một gia đình tuân theo luật lệ hà khắc của một tôn giáo trong đất nước của tám triệu vị thần, và mỗi ngày lại có một tín ngưỡng mới ra đời. Aomame từ chối tín ngưỡng đã bị cưỡng ép đi theo vào năm mười tuổi, và gần hai mươi năm sau vẫn chật vật hòng thoát khỏi gông cùm vô hình ấy. Dường như sự việc này là một nỗi xấu hổ rất lớn tại Nhật Bản, một số phim và truyện khác cũng khai thác chi tiết này và có vẻ việc phải đi theo cha mẹ tham gia một giáo phái cuồng tín luôn để lại vết thương lòng cho những đứa trẻ. Aomame cũng không ngoại lệ.

Nhân vật thứ hai được lồng xen kẽ là Tengo, một thầy giáo trong trường dự bị, tự do, độc thân, dạy Toán học và đam mê tiểu thuyết, viết lách với ngôn từ khá tốt nhưng lại chưa tìm được "hạt nhân" cho cuốn truyện của mình. Tengo cũng có nỗi ám ảnh về người mẹ và gia đình có người bố làm nhân viên thu phí đài NHK, sự đeo bám từ kí ức khiến anh có một cá tính đặc biệt. Cũng giống như Aomame với nỗi xấu hổ về việc có bố mẹ cuồng tín, đối với Tengo khi có người bố làm nghề thu phí đài NHK cũng là một ấn tượng tồi tệ. (Tại Nhật Bản, cứ miễn là gia đình có thiết bị thu phát sóng thì đều phải trả phí hằng tháng cho nhà đài. Tuy nhiên việc này thường không được chấp thuận bởi người dân bởi vì tỉ lệ người làm hợp đồng với đài NHK chỉ rơi vào khoảng 25-55% mà thôi, ngoài ra chi phí sinh hoạt tại Nhật Bản khá đắt đỏ nên người dân thường dùng đủ mọi cách để tránh trả phí truyền hình này. Những người đi thu phí cho đài NHK vì tính chất công việc nên rất dai dẳng và khó chịu, bởi thế tại Nhật vẫn thường có câu "Những người thu phí của đài NHK phiền hà và đáng sợ như mafia.") Tengo bị cuốn vào vòng xoáy rắc rối với Komatsu, một biên tập viên quái dị, và Fukaeri, một cô gái 17 tuổi, tác giả của tiểu thuyết Nhộng không khí. Chính cuốn tiểu thuyết với câu cú lủng củng này đã mang lại cho Tengo một sự thôi thúc, phải viết lại nó, và anh bắt đầu chìm sâu vào vòng xoáy với những Người tí hon bí ẩn.

Cái điều lạ ở 1Q84 là, cảm giác khi đọc nó ở giai đoạn đầu y hệt như khi đọc Đời Yakuza hay Xấu. Cái đoạn đầu nó nhàm chán và đều đều, có cảm giác như muốn người ta từ bỏ ngay đi, nhưng câu chữ cứ trôi tuột vào mắt, đi vào tiềm thức không ngưng nghỉ được. 1Q48 khác với hai cuốn truyện trên ở chỗ, người đọc đi từ luồng nhàm chán bên này, chuyển sang bên kia, và đi từ sự thú vị ở bên kia, lộn ngược lại bên này.

Khi đọc đoạn đầu, chính xác là gần một nửa cuốn truyện, mình bị cuốn hút bởi câu chuyện của Aomame hơn là của Tengo, nhưng không biết từ lúc nào, cảm xúc đã đột ngột thay đổi. Câu chuyện của Tengo bỗng chỗng như dòng suối nhỏ chảy ào ra thác nước, cuốn theo sự thu hút của người đọc, làm cảm xúc trôi cuộn vượt qua những hòn đá nhỏ là câu chuyện của Aomame.

Điều mình cảm nhận trong truyện là, tất cả các nhân vật, đều bị cô lập. Dù cho những mối quan hệ liên kết họ lại với nhau, thì cuộc sống của họ lại hoàn toàn tách biệt. Thật kì lạ, dường như nó đang xảy ra với chính bản thân mình, nhưng mình lại không hoàn toàn cảm nhận được. Giống như cá thể hình thành xã hội, cá thể hòa nhập vào xã hội nhưng cá thể lại có một xã hội riêng của mình.

Nhưng rồi đột ngột, dòng thời gian đang tách biệt giữa cuộc đời hai nhân vật bỗng gộp lại, rồi tách ra, rồi hòa lẫn vào nhau khiến người ta vừa không dứt được, vừa phải suy đoán xem rốt cuộc sự vụ đã diễn ra như thế nào, đang diễn ra thế nào và sẽ diễn ra ra sao. Khi đọc càng về sau, người đọc lại trở thành người kể chuyện, vừa đứng nhìn, vừa tham gia, vừa biên đạo cho vở kịch chảy dài theo con chữ.

Aomame bắt đầu nhận thấy thế giới của mình bị thay đổi, từ những chuyện mà cô chắc chắn đã nắm rõ. Trên trời đêm đột ngột xuất hiện hai mặt trăng, cô bị cuốn vào tổ chức Sakigake, nơi làm nỗi dậy trong cô kí ức trước mười tuổi, khoảng thời gian cô muốn chối bỏ và giết chết nhân vật có tên Aomame trong lúc đó nhất.

Tengo cuốn theo cô gái 17 tuổi Fukaeri, cuốn vào thân phận của cô bé này và cùng tổ chức Sakigake trong cuộc sống của anh, thế giới của anh. Tengo bắt đầu nhận ra sự kì lạ và anh biết chắc mình không thể rút chân ra được nữa.

Aomame sống trong cuộc đời đột ngột thay đổi của mình, năm 1Q84, cô bắt đầu trỗi dậy hy vọng sẽ gặp lại người mình thề sẽ yêu suốt đời từ năm mười tuổi. Và hy vọng mong manh đó đeo đẳng cô trong từng đêm, khi hai mặt trăng xuất hiện, một lớn, một nhỏ, và luôn giữ khoảng cách nhất định với nhau.

Tengo bắt đầu viết lại một tiểu thuyết khác, với sự kích thích từ Nhộng không khí của Fukaeri. Anh bắt đầu đặt bút miêu tả một thế giới khác, nơi mà lịch sử của thế giới này sẽ được viết lại, những con người tồn tại ở đây sẽ tồn tại nơi đó theo một cách tương tự nhưng khác biệt. Nơi mà bản thân anh chính là bản thân anh, nhưng cũng không phải là bản thân anh.

Và thế giới đó, có hai mặt trăng, một lớn, một nhỏ, luôn giữ khoảng cách nhất định với nhau.

Khi gấp trang cuối cùng lại, bản thân mình tự đặt câu hỏi. Thế giới nào đang diễn ra tất cả sự việc trên? Thế giới của Tengo và Aomame là một, hay là hai thế giới tách biệt, hay Aomame trước kia vốn đang sống cùng thế giới với Tengo, nhưng sau đó lại bị chuyển đổi, hay thực chất Aomame chỉ tồn tại trong tiểu thuyết của Tengo?

Bản thân mình trước khi đọc cuốn truyện, không biết Murakami là ai. Và sau khi đọc cuốn truyện, cũng không khẳng định ông là người kể đại tài. Thứ duy nhất còn sót lại, là những câu hỏi và sự tò mò, về vấn đề này, Murakami thật sự làm rất xuất sắc.

Nói tóm gọn lại, 1Q84 là một cuốn truyện nên đọc, nhưng có lẽ không hợp với những ai đã quen với thể loại như Rừng Nauy (hẳn rất ít người Đọc được) hoặc ưa thích các truyện tình cảm thông thường. Ở 1Q84 đòi hỏi sự suy đoán, sự phán xét, và tinh thần tập trung cao độ để liên kết hai cuộc sống trong cùng một thời điểm, nhưng lại khác thời điểm, trong cùng một không gian, nhưng lại khác không gian của Tengo và Aomame.

Điểm cá nhân:

Cuốn 1 và 2: 8/10

Cuốn 3: 7/10

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top