Chương 1
Đó là những năm bảy mươi giữa hoang tàn khói lửa...
Mặt trời giấu mình trong sương, chẳng còn rõ là ban đêm hay ban ngày. Không gian lặng thinh, khi giương mắt nhìn xung quanh bốn bề tường đá làm cho các giác quan ta trở nên ngột ngạt, chỉ một cơn gió thoảng cũng đủ nghe ra tiếng rít gào.
Khu biệt lập nữ tù, trại giam Phú Tài.
Hành lang tối tăm, tay tuần gác tra ổ khóa mở cửa khiến song sắt đánh vào nhau tiếng leng keng. Hai tên lính ngục thực thi áp giải người từ nơi tra khảo trở về. Bóng tối lờ mờ ẩn hiện bộ quần áo xám nhạt loang lổ màu máu rỉ rả, nữ tù phía trước tay gông xiềng xích, chân đi trần, đầu cúi gằm nhưng không thể giấu đi vẻ quật cường bất khuất trên khuôn mặt sáng láng.
Trở lại phòng giam, cô gái đứng thẫn thờ phút chốc rồi ngồi bệt xuống sàn, tay chống lên hai gối thở từng hơi nặng nề. Hồi lâu không nghe được tiếng sập cửa quen thuộc, cô ngẩng đầu, đưa tay vuốt loạn mái tóc, hướng về phía tên sĩ quan người Mỹ có dáng vóc cao to mặc quân phục khẳng khiu bằng đôi mắt sáng quắc. Sự yên ắng chết chóc chốn lao tù khiến không khí trở nên căng thẳng.
Hồi lâu...
Cả hai chợt khựng lại khi cô thấy được sự tiếc thương trong ánh nhìn của đối phương. Hắn ta ngửa cổ hít một hơi đầy vào thời khắc chẳng thể tiếp tục đối diện, chất giọng trầm khàn thì thào bằng tiếng ngoại quốc:
- Kỳ, bằng cách này hay cách khác, sao tôi phải gặp lại cô như thế?
Cô chậm chạp nghiêng đầu, tựa lưng trên vách đá thô, đáy mắt tan rã như chẳng còn tiêu cự. Thấy cô ngập ngừng, hắn kiên quyết tiếp lời:
- Tôi đã gửi giấy lên sở cảnh hoãn định án và đảm nhận điều tra tội trạng. Mọi giá, tôi sẽ giúp cô.
- Giúp tôi? Thế nào? - Sáp Kỳ hừ nhẹ, dáng vẻ bỡn cợt
Người sĩ quan gấp gáp tiến một bước chân, hắn hạ giọng chỉ đủ để cả hai nghe thấy, lời nói phảng phất sự khẩn khoản:
- Kỳ... xin cô, vào ngày tra khảo cuối cùng, chỉ cần cô mở lời một câu về hoạt động của tổ chức tình báo, một câu thôi. Tôi nhất định sẽ đưa cô ra khỏi đây.
- Trung tá Meyer, nghe thật hèn hạ! Chúng tôi một mạng, các người một mạng, hãy tôn trọng sự công bình.
Sáp Kỳ xẵng giọng ngoại ngữ sành sỏi, ánh mắt sắc lẻm nhìn ra cửa, dường như là nghiến răng để nói. Thấy được sự ngoan cường ấy, người sĩ quan chỉ biết bất lực xuống nước, lòng hắn ngập ngụa xót thương
- Chúng ta là kẻ thù của nhau, tôi lại không muốn nhìn cô với cái kết tiếc nuối.
Sáp Kỳ dần thu hồi vẻ mặt ác chiến, thay vào đó bằng những lời vô cảm:
- Trung tá Meyer... tôi biết anh là người thiện lương, lòng tôi cảm kích nhưng đừng phí sức giúp đỡ tôi. Vì nếu một ngày tôi phải giương súng trước mặt anh, nhất định tôi sẽ không do dự mà bóp cò.
Tựa như tia hy vọng cuối cùng đã chợp tắt, người sĩ quan lặng lẽ chấp nhận sự sắp đặt của số phận, hắn cay đắng
- Nếu vẫn không khai thác được gì ở cô, CIA không thể để yên, họ sẽ đưa cô đến trại huấn chính Cây Dừa hoặc Côn Đảo...
- Cô biết nơi đó, mọi sự vô phương.
- Gabriel, cái chết không đáng để tôi phải phản bội đồng bào.- Sáp Kỳ vững lòng đáp
Lần đầu tiên nghe cô gọi cái tên thân thuộc, hắn thẫn thờ hồi lâu rồi lặng người quay lưng. Đối diện với khe sáng bên ngoài song sắt, người sĩ quan cất giọng âm trầm:
- Kỳ, cô vừa hai hai và đã có bốn năm loạn lạc vì cách mạng, không đủ sao? Cô chưa từng mong nhớ quê nhà sao?
Không có câu trả lời, hắn cũng chẳng dám ngoảnh đầu nhìn lại, để mặc nỗi thất vọng dâng trào
- Hiệp định sớm được kí thôi, tôi hy vọng thời gian sẽ không bỏ rơi cô.- Gabriel gửi cho cô lời sau cuối và nặng nề bước đi.
Ngay khi tiếng cửa sắt vang lên, Khương Sáp Kỳ ngã gục cả thể xác lẫn lý trí, thân mình trườn dài ra nền đất lạnh, cảm nhận tim phổi buốt giá. Bóng tối vội vàng bao phủ lấy cô, mùi ẩm mốc cùng sự nhếch nhác từng là thứ khiến cô thiên kim tiểu thơ như Sáp Kỳ ghét cay ghét đắng trong quá khứ, vậy mà giờ lại phải dầm mình với nó.
Tâm hồn Sáp Kỳ trở nên mụ mị, sau nhiều ngày lẫn trốn khi thân phận bại lộ, rốt cuộc cô cũng bị lính càn bắt tại phía tây Vĩnh Linh. Ý chí bất khuất giúp cô trải qua từng trận đòn roi, điện kích suốt mấy tháng ròng rã. Ranh giới giữa sự sống và cái chết đối với Sáp Kỳ chẳng còn quan trọng. Vậy mà bây giờ chỉ vì một câu hỏi của Gabriel cũng đủ đả kích trái tim cô đau đớn.
Sao cô có thể không mong nhớ quê nhà?
Những giọt nước chực trào trên khóe mắt làm vỡ nát phòng tuyến kiên cường bấy lâu. Nhìn xung quanh tối đen, cánh tay Sáp Kỳ chỉ muốn với lấy khoảng không nhưng chẳng còn sức lực, đột nhiên le lói cảm giác muốn sống mãnh liệt rồi bất giác tàn lụi, lại muốn chết đi.
Khương Sáp Kỳ nhớ da diết một người...
Cô chậm rãi nhắm mắt, miệng cứ thì thào vô vọng
Thời khắc Sáp Kỳ chẳng còn ý thức thực tại, từng thước phim của những ngày cũ như được tua ngược trong tâm trí. Miền ký ức về hạnh phúc và cả nỗi khổ đau tận đáy lòng cô lần nữa hiện hữu, lấn át tất cả vết thương thể xác còn rỉ máu đầm đìa.
- Mợ Hiền.
- Châu Hiền...
---------------------
Sài Gòn - Gia Định, 1968
Thành đô sau đợt tổng tấn công đầu tiên đã chìm dần trong khói lửa. Động cơ trực thăng lượn lờ xé rách bầu trời, tiếng bom đạn, hỏa châu đi qua chỉ để lại đống hoang tàn đổ nát và sự mất mát trong lòng nhân dân khi đã mong mỏi về một cái Tết đoàn viên, sum vầy.
Các khu bị bom mìn dội bắt đầu sơ tán, lính quốc gia đi tuần ráo riết khắp nơi, tiếng cứu thương lẫn khóc than liên hồi. Các trường học buộc phải đóng cửa trước kỳ nghỉ hè thường niên, giải tán sinh viên lưu trú ở học xá về lại quê nhà. Quốc gia bắt đầu từng bước hồi phục thiệt hại và tăng cường kiểm soát chặt chẽ nội thành. Hệ quả trận chiến được lan truyền chóng mặt và làm dấy lên nỗi bàng hoàng, bất an cho người dân khắp Lục tỉnh. Nhân cơ hội đó quân giải phóng ra sức thâu tóm các vùng biên ngoại thành, nhiều tầng lớp tạo thành mật hội cùng tham gia cách mạng. Quân, dân sống lẫn trong nhau chờ thời cơ chín mùi đứng lên giành độc lập.
Một tiểu khu trên đường Ngô Đức Kế, màn đêm phủ lên ngôi nhà tường trắng sang trọng với lối kiến trúc tân thời, ô cửa sổ trên tầng vẫn sáng đèn, lấp ló bóng người ngồi bên bàn cặm cụi.
Khương Sáp Kỳ khi ấy chỉ mười tám, cô tiểu thơ có nước da trắng ngần, môi mỏng hồng hào và mái tóc xoăn bẩm sinh. Điểm nhấn ngũ quan lại nằm ở đôi mắt một mí như lưỡi gươm sắc lẹm, bừng lên khí chất thông tuệ vốn có của một tiểu tri thức với vô vàn hoài bão.
Sáp Kỳ rời quê nhà Phong Dinh từ năm mười một tuổi để bắt đầu cấp bậc Trung học tại Sài Gòn. Cô đang theo học lớp đệ nhất ở Petrus Ký, ngôi trường mơ ước của biết bao người. Kỳ là một nữ sinh xuất sắc về tài trí lẫn tướng mạo, cô giỏi văn chương và thông thạo tiếng ngoại quốc.
Suốt những năm đèn sách, Khương Sáp Kỳ không như các bạn đồng trang phải lưu lại học xá, cô sống cùng vợ chồng bác Hai Phác, ông anh ruột của cha. Một phần để bà nội yên tâm, một phần ở cạnh người thân tiện bề coi sóc, hơn hết vợ chồng bác Hai kém duyên, dù đã qua tứ tuần nhưng vẫn không có được mụn con, vì vậy mà từ những ngày nhỏ Sáp Kỳ đến đây sống luôn được hai người coi như con đẻ, hết mực yêu thương.
Bác Hai là một viên chức thuộc Nha điều vụ của Phủ Đặc ủy quốc gia, còn bác gái tên Liên là giáo viên dạy Văn học ở trường nữ Trưng Vương. Nhờ vậy mà Sáp Kỳ có một nề nếp kỷ cương khi được dưỡng dục trong môi trường gia giáo, cô ý thức từ rất sớm về chân lý sống và hy sinh vì tổ quốc, căm thù và đánh đuổi ngoại xâm. Những ngày chinh biến căng thẳng, Sáp Kỳ ở lì trong phòng dịch tài liệu báo đài thế giới nói về các đường lối cách mạng, việc ủng hộ chiến tranh chính nghĩa sang chữ quốc ngữ. Cô có một hội bạn đồng hương học ở các trường cùng tác nghiệp tuyên truyền với nhiều bút danh khác nhau để tránh sở cảnh tăm tia.
Tiếng gõ cửa đột ngột vang lên khi Sáp Kỳ đang vùi đầu trên đống giấy tờ lộn xộn giữa bàn, cô thuần thục xếp chúng lại vào ngăn tủ, vuốt phẳng nếp áo và nhanh chóng đi ra mở cửa. Trước mắt cô là bác Hai Phác còn đang vận bộ com lê tối màu nom như vừa từ trụ sở trở về, nét mặt ông có chút trầm tư khó đoán.
- Chưa ngủ hả con? - Ông Phác khẽ giọng
- Dạ bác Hai, con còn dịch liệu.
Ông ngó lên đồng hồ treo tường đã điểm mười hai giờ, chậm rãi biểu:
- Con ra bác Hai bàn chút chuyện.
Sáp Kỳ ngờ ngợ khó hiểu, song cũng không chần chừ đi theo ông lên gian trên nhà khách, ngay khi ngồi vào bàn trà, cô mới bắt đầu sốt sắng
- Có biến động gì hả bác Hai?
- Ừ, thời thế đương chuyển mình.- Ông Phác đưa tay cầm bình trà đậm rót ra hai tách, khẽ nâng lên nhấp một ngụm rồi tiếp lời
- Bác Hai nhận được tin mật từ giao liên nằm vùng, theo kế hoạch thì đây chỉ mới là đợt tấn công đầu tiên, bom đạn còn kéo dài quá nửa năm nay.
- Con tin đây là bước ngoặt lớn mà ngài Chủ Tịch dày công thực hiện.
Đôi mắt Sáp Ký ánh lên sự kiên định, dẫu lòng cô luôn âm ỉ trước hậu quả tàn khốc mà những cuộc chiến mang lại, nhưng cô tin rằng máu đồng bào rơi xuống chẳng có giọt nào là vô nghĩa.
Ông Phác ngược lại trầm ngâm, dù vậy vẫn còn nhiều điều khiến ông trăn trở...
- Bác Hai cũng liệu trước chiến sự, ngặt nỗi Quốc gia vừa có lịnh càn bắt lính ở các vùng ngoại thành đi xung quân, chỉ khổ dân đen chưa biết sự tình, rồi anh em một nhà lại ở hai đầu chiến tuyến chém giết nhau mà không hay.
Sáp Kỳ thở dài, cô hiểu rõ được những gì người bác cô kính trọng đang lo âu, càng hiểu rõ ông là ai và đang làm gì cho đất nước. Cái danh viên chức thuộc Phủ Đặc ủy chỉ nhằm để che đậy thân phận phía sau, ông Hai Phác thực chất là một nhân viên tình báo của Mặt trận giải phóng, được cài cắm sâu vào tổ chức nội bộ Quốc gia làm nhiệm vụ tuồng các dữ liệu mật ra ngoài.
Khương Sáp Kỳ ngưỡng mộ bác Hai Phác từ những ngày còn học lớp đệ tam, cô từng nói về lí tưởng cách mạng của mình cho ông nghe và ngỏ lời muốn theo ông nhưng nhiều lần đều bị từ chối, dẫu vậy ý chí trong lòng cô cũng chẳng hề vơi bớt. Ông Phác ra điều kiện buộc Sáp Kỳ hứa cho đến năm cô mười chín, tuyệt đối không được dấn thân quá sâu vào nghiệp vụ tình báo. Khương Sáp Kỳ biết đây là một cách bảo vệ cô.
- Út Kỳ... - Ông Phác lên tiếng kéo cô ra khỏi những suy tư
- Dạ?
- Bác Hai tính vầy... ngày mơi con coi soạn đồ đạc, cặp sách. Bác biểu ông Bảy Thìn lên đón con dìa Phong Dinh.
- Sao vậy được bác Hai, khu mình đâu có nằm trong vùng sơ tán?- Khương Sáp Kỳ nghe vậy trở nên gấp gáp
Ông Phác hớp thêm một ngụm trà đắng, nhẹ giọng bảo ban:
- Bà nội với cha má con biết tình hình thành đô phức tạp, nội biên thơ kêu con dìa nhà trước kỳ nghỉ hè cho bà yên tâm, cứ theo lời nội đi con.
- Nhưng mà...- Cô bắt đầu ậm ừ
- Kỳ, bác Hai biết con có chí lớn, không chịu cảnh giặc ngoại bang chia năm xẻ bảy đồng bào. Nhưng con phải biết, người làm cách mạng cần nghĩ cho lợi ích lâu dài, con không thể cược ván may rủi vào tài sức mình có mà lỡ hỏng chuyện đại sự.
Sáp Kỳ cúi đầu, nét mặt cũng dần dãn ra, ông Phác vỗ vai cô khuyên nhủ:
- Nghe bác Hai, dìa dưới dưỡng tâm một thời gian, làm một người học sinh bình thường, ráng cho thành hiền tài ắt thời thế của con nó tới, khi đó xả thân vì nghiệp quốc vẫn chưa muộn.
- Thôi cứ quyết vậy nha con, bác Hai đi nghỉ trước.
- Dạ...
Ông Phác chậm rãi ngồi dậy cầm lên cặp táp bên cạnh và rảo bước về phòng. Chỉ còn mình Sáp Kỳ thơ thẩn giữa ánh đèn vàng nhạt của phòng khách rộng lớn, cô nhìn xa xăm, tự vấn chính mình đã bao lâu rồi chưa về thăm quê nhà.
Ba bốn tháng? Hay nửa năm? Sáp Kỳ cũng chẳng nhớ rõ...
------------------------
Công việc nhiều quá xin được phép viết xuyên đêm nha mọi người, haha.
Chương này chủ yếu là góc nhìn của Kỳ đối với thực trạng xã hội đương thời, nên mợ Hiền tạm chưa xuất hiện nhé.
Câu chuyện tình yêu cũng xen lẫn những chinh biến loạn lạc của giai đoạn này nên sẽ có mạch khá chậm để mọi người hiểu rõ hơn về tâm lý nhân vật và diễn biến cốt truyện nè.
Có thắc mắc gì cứ hỏi mình vô tư nhé, nhận xét từ các bạn luôn là động lực cho mình. ❤️
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top