Lá, Hoa và Quả
Giống như loài chim thích ăn hoa quả, bọn trẻ con luôn mang tâm trạng cực kỳ háo hức khi mỗi mùa cây trổ bông. Bông nở rồi kết trái, một thứ quà ngọt ngào nhất dành cho tuổi thơ. Đám nhóc thì chẳng bao giờ chê quả chua vì thích quả ngọt, đơn giản là bởi chúng không phải đám người lớn khó tính và chưa bao giờ biết hài lòng.
Cái xóm nhỏ bên hồ nước dài chẳng bao giờ thiếu màu xanh. Màu xanh của cây lá luôn mướt mát cả bốn mùa. Ngôi nhà nào cũng có một cái ao nhỏ và vườn cây được ngăn cách bởi những dậu gài bi hay cúc tần. Trong vườn thì nào ổi, nào xoài, nào na, nào bưởi, nào dâu da, nào mít, nào mận xum xuê ken cứng. Giữa xóm là nhà con bé Kều có khu vườn nghèo nàn nhất. Đây là một vấn đề rất đau đầu của ông ngoại nó bởi chẳng biết trả lời làm sao cho câu hỏi: "Sao nhà mình không trồng cây mận hả ông?" của đứa cháu cứ thỉnh thoảng lặp đi lặp lại trong âm thanh đầy tiếc nuối.
Con bé Kều thích cây, thích hoa và thích quả phải gọi là "đệ nhất xóm". Hở ra có thời gian rảnh không phải học hay làm việc nhà là nó lại tót ngồi vắt vẻo trên cành cây. Chẳng ai phải tốn công tìm nó hết. Cứ ra vườn cây là thấy Kều.
Mỗi mùa sẽ có một loài hoa kết trái. Trái vừa nhú là bọn trẻ con lại khấp khởi mừng thầm. Chúng không thể đợi được đến lúc quả chín, mà lén lút lúc người lớn không để ý bứt xuống nhâm nhi đầy thỏa mãn. Bọn chim ăn hoa quả có lẽ đã khóc thét trong nỗi buồn miên man.
Quả còn xanh dù đầy nhựa hay chua lòm vẫn là một thứ quà ngon ngọt nhất đối với bọn nhóc nói chung và con bé Kều nói riêng. Ngay đến quả mít non mới đậu cũng không được tha, chứ nói gì đến dâu da hay ổi xanh chát xít. Những thứ quả này kèm theo chút muối mặn là khiến nghĩ đến thôi cũng chảy nước dãi thòm thèm. Vấn đề là con Kều chỉ có thể hái và ăn lúc trưa hoặc chiều vắng trong vụng trộm. Khi đó người lớn đã thiêm thiếp trong giấc nồng hoặc đã đi chợ cho bữa cơm tối. Chẳng may, khi không kìm hãm được cơn thèm mà liều mình xông xa ra vườn trảy quả non, nó sẽ bị ông ngoại phát hiện và đánh một phát vào tay kèm theo bài giảng: "cháu không được hái quả khi xanh, phải đợi chúng chín chứ!"
Ờ, đứa trẻ nào cũng nghe ra rả lời dạy trên nhưng đứa trẻ nào cũng bỏ ngoài tai ngay sau đó. Đối với chúng, nhìn những trái xoài nho nhỏ, trái mận nhu nhú xanh vỏ xanh thẫm lấp ló trong đám lá xum xuê là cả một niềm đam mê non nớt. Kỳ diệu là mầm sống đang hình thành. Thương thương là những sinh linh nhỏ bé. Con bé Kều có thể mân mê cả ngày những đồ chơi trái cây xinh xinh mà không biết chán.
Khi đã chán bứt quả non, con bé sẽ bỏ bẵng chúng một thời gian mà không đoái hoài đến. Nhờ vậy, ông ngoại mới có cơ hội để trảy quả chín buộc túm lại để dưới gầm giường. Chờ quả xuống nước ngọt, ông sẽ đem biếu hàng xóm một ít, phần còn lại được chia cho đám trẻ. Khi quây quần bên bậc thềm hiên trước, tay bóc vỏ quả chín con bé Kều vẫn không ngừng lắng nghe những câu chuyện không đầu không cuối của ông ngoại. Từ chuyện ngày xưa nhà cụ ngoại nghèo chưa bao biết đến quả chín là gì đến chuyện mùa này mưa nhiều trái bị ủng hết nghĩ tội những người trồng vườn. Thỉnh thoảng con bé lại ngước lên hỏi: "thật vậy hả ông?", "có sao không ông?". Đáp lại là cái gật hay lắc đầu khiến mái bọc phơ cũng lay nhẹ. Trên khuôn mặt mỉm cười, đôi mắt ông dõi mãi vào khoảng xa xăm.
Vì Kều là con gái, nên nó còn thích hoa hơn cả lúc hoa đậu trái. Khi những cơn mưa dào bắt đầu thưa và gió bắt đầu se sắt, thấp thoáng sau những tán lá xanh là những bông hoa ổi trắng muốt và những bông hoa bưởi dân dã tinh khiết mang hương dìu dịu lan tỏa. Một thiên đường lại mở ra cho con bé Kều. Bên bàn học gần bậu cửa sổ, chỉ với hai ngón tay điều khiển, mỗi bông hoa đã trở thành nàng công chúa nhỏ với váy áo lung linh trong những câu chuyện cổ tích. Con bé có thể ngồi lì mấy tiếng đồng hồ để mãi chìm đắm trong thế giới thần thoại tưởng tượng của chính mình.
Mỗi khi cây bưởi đầu ngõ nhú những nụ hàm tiếu, trong nhà bà ngoại đã lọc sẵn và phơi khô bột sắn. Độ một hai tuần trăng sau là hoa bung nở trong hương thơm ngan ngát. Ông ngoại sẽ bắc thang gỗ dưới gốc cây, nhẹ nhàng hái những chùm hoa xinh xắn. Hoa sẽ được dùng để ướp bột sắn cho bà, ướp trà cho ông, và sẽ được con bé Kều nâng niu trong cả những giấc mơ.
Tháng ba có hoa bưởi và tháng ba có hoa xoan. Hoa xoan nở tím trời theo những cơn mưa tỉ tê lất phất. Kều rất thích những buổi trưa nằm trên giường bên cửa sổ nhà ông bà ngoại. Trẻ con thì chẳng bao giờ thích ngủ trưa nhưng vẫn phải leo lên giường đúng giờ, rồi xuống giường cũng đúng giờ. Trong khoảng thời gian chậm chạp trôi này, con bé Kều có một niềm hứng thú khó tả. Đó là ngước nhìn cây xoan nở đầy hoa nổi bật trên nền trời xám xịt mưa bay. Cảnh vật lạnh lẽo và buồn buồn làm sao khiến người vui được, nên chẳng mấy chốc cơn buồn ngủ dồn dập kéo tới không sao ngăn nổi.
Chiều chiều, khi mưa tạm dứt, ông ngoại lom khom quét những bông hoa xoan rụng nát trên nền đất ẩm ướt. Kều chạy đến hớt hải: "Ông ơi, để con nhặt những bông hoa còn lành đã nhé." Ông mỉm cười gần gật, ngồi xuống cùng đứa cháu nâng niu những cánh hoa tím nguyên vẹn. Ông hỏi: "Con đã học thơ của cụ Nguyễn Bính chưa?" Kều lắc lắc cái đầu. Ông lại nói tiếp: "Cụ ấy có bài thơ về hoa xoan hay lắm. "Bữa ấy mưa xuân lất phất bay.
Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy..."
"Sao ông không kể tiếp vậy ông?
Hoa xoan đẹp quá ông nhỉ?"
Ông ngoại gật đầu rồi im lặng xa xôi.
Nhà ông bà ngoại chỉ cách nhà con Kều một dậu gài bi quanh năm xanh ngắt. Khoảng cách có mà như không ấy đã khiến con bé ở nhà ông bà còn nhiều hơn nhà mình. Đặc biệt, nó chẳng bao giờ nghe thấy ông bà to tiếng với nhau dù chỉ một lần, không như bố mẹ nó. Sự dịu dàng, ân cần của người già như màu hoa tim tím nhẹ lay theo gió cuối vườn.
Tiết trời tháng ba vẫn còn lạnh lắm. Như bà vẫn hay chép miệng: "Rét tháng ba bà già chết cóng" trong những lúc ngồi bên ngọn đèn tù mù vá lại những tấm áo đã sờn. Con bé Kều luôn bị ông gọi mỗi khi chơi ngoài vườn quá lâu: "Vào nhà đi con, ở ngoài đó nhiều sẽ bị ốm đấy." Do vậy, nó chẳng thích mùa đông hay mùa xuân, nhưng nó lại thích hoa xoan và hoa bưởi. Mâu thuẫn dằng xé ghê gớm lắm.
Và đương nhiên nó thích mùa thu cũng như cuối hè nhất. Mùa của hoa và quả ổi. Mùa của rong chơi. Mùa chẳng buồn, chẳng lạnh và chẳng nhiều lo toan. Lúc đó, những cơn ho của ông ngoại sẽ tạm ngừng và những tiếng thở dài của bà ngoại sẽ tạm lắng. Một lý do đặc biệt hơn là mùa trung thu đến. Đó là những ngày lễ dường như chỉ dành riêng cho bọn trẻ con với rất rất nhiều háo hức. Con Kều sẽ được ông dẫn đi mua đồ chơi trên phố. Nào là búp bê, nào là đồ hàng, nào là mặt nạ chú tễu. Sướng mê như đang mơ.
Đến đúng ngày rằm trăng tròn nhất, con bé sẽ tung tăng chạy qua chạy lại giữa hai mâm cỗ trung thu bày ở ngoài sân. Một mâm của nhà nó và một mâm của nhà ông bà ngoại. Mâm nào cũng đề huề quả bưởi, quả hồng, quả na, quả ổi, quả xoài, khoai lang, bỏng ngô, bánh nướng và bánh dẻo. Ông ngoại sẽ trải chiếu trên hè nhà, đặt xung quanh đồ chơi như ông sao, mặt nạ chú tễu và cả trống. Con Kếu thích nhất khoảng thời gian trước khi phá cỗ. Nó sẽ được nghe ông ngoại kể chuyện về sự tích chú Cuội chị Hằng và cả những câu chuyện đón trung thu nghèo hồi còn ấu thơ của ông.
Bóng cây trong vườn lồng dưới ánh trăng ngà mang vẻ đẹp huyền hoặc. Gió vi vu man mát lồng trong tiếng cười ròn rã của bầy trẻ khiến không gian đặc quánh dư vị hạnh phúc.
Khi còn nhỏ, đương nhiên bạn sẽ chẳng bao giờ để tâm hay trăn trở về hạnh phúc. Con Kều cũng vậy, nó chỉ cần mỗi ngày được ngồi bên rặng cây ổi tự do nghịch nước, được tha thẩn bên bụi gài bi chăng đầy dây tơ hồng mà không bị gọi ồi ồi, thì cuộc sống thật không có gì đáng mơ ước hơn. Mọi thứ thật đơn giản khi là trẻ con.
Nhưng, thỉnh thoảng thế giới màu hồng bé nhỏ vẫn bị chông chênh bởi những cơn gió lốc mịt mù. Là lúc mà dù có được tự do leo trèo, đùa nghịch như thế nào đi nữa thì con bé vẫn cảm thấy một nỗi buồn không thể diễn tả bằng lời.
Hôm đó, trời chớm thu, gió đầu mùa se se lạnh, con bé Kều đứng co ro ở một gốc cây trong ga tàu hỏa. Nó đi tiễn ông bà ngoại vào Sài gòn để chơi với cậu út. Trời phủ đầy mây xám trong ánh mắt dõi theo đến tận khi con tàu dài khuất bóng.
Ừ, nhà ông bà ngoại trống huơ trống hoác bóng người. Ba gian để mặc nắng chiều chiếm hữu, giếng không tiếng khua gàu và mặt ao không tiếng cá đớp bóng. Cứ hai, ba ngày, mẹ Kều lại phải sang bên đó để quét dọn sân vườn, chứ không thì lá rụng ngập đầy. Thỉnh thoảng, mẹ lại gọi điện thoại đường dài vào trong Nam hỏi thăm tình hình ông bà. Nó đứng bên nghe mà cảm thấy một nỗi nhớ cứ len lén dâng lên mắt.
Đã qua vài mùa trăng rồi mà nhà bên dậu gài bi vẫn vắng bóng người lụi cụi quét sân, đan rổ. Con bé Kều chiều chiều vẫn ngồi bên bờ ao, vắt vẻo trên cành ổi khua nước. Lúc trời hơi sâm sấp bóng, thì nó lại phải chạy về nhà vì không gian vắng lặng khi bóng đêm đổ có thể làm bất kỳ đứa trẻ nào e sợ. Tối tối, bên bàn học, tiếng ca cải lương bên vách tường vẫn vắng bặt, chỉ còn tiếng gió xào xạc qua rặng cây ngoài vườn. Thềm vắng lặng lẽ ánh trăng vằng vặc soi. Nó bỗng thở dài như một người lớn.
Một tối khuya, nhà bỗng vang tiếng chuông reo của điện thoại. Tiếng bố nhấc máy rồi ngưng bặt. Bố nói nhỏ như xì xào với mẹ. Lúc sau, chỉ còn bên tai con bé Kều tiếng rú rít của gió lốc ngay trong những chớm hè. Dù còn nhỏ, nó vẫn có thể hiểu là ông ngoại sẽ không bao giờ trở về với vườn na, vườn ổi cũng như ao cá nữa.
Thế giới trong veo đã bị phủ mờ bởi cát bụi của tạo hóa. Ổi, na, bưởi vẫn ra hoa và đậu quả, nhưng lấy ai bắc thang trẩy xuống cho bà ướp bột sắn, cho con bé lấy làm nàng công chúa như trong chuyện cổ tích. Dù vẫn thích nghịch quả non, nhưng nó vẫn ước giá như có ông ngoại ở đây nhắc nhở: "Cháu đừng ngắt quả non đấy nhé!". Lời nói của yêu thương vẫn êm ái hơn ngàn lời của lá, của hoa và của quả.
Có những thứ một khi đã đi qua sẽ không bao giờ trở lại. Khu vườn ấy, cũng như bao khu vườn khác trong ngõ xóm, đã không còn rậm rạp bóng cây, không biết có phải vì đất đai cằn cỗi hay vì người không còn nữa. Nó phải nhường cho những sân gạch được xây bằng xi măng bóng loáng, cũng như những dậu gài bi xanh mướt bị thay thế bằng những tường gạch rào. Màu xanh mơn mởn mướt mát quanh năm đã bị thay thế bởi màu trắng xám lạnh lùng đến tê tái.
Đối với con bé Kều, tất cả lá, hoa, quả và ao cá đã ở lại vĩnh viễn cùng thời gian.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top