Kỹ thuật trồng ớt
Trồng ớt cay
Ớt cay F1 BM 738 là giống lai F1 của Hàn Quốc có thời gian sinh trưởng 100-120 ngày. Giống phát triển rất khoẻ, ra quả tập trung, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao, 25- 30 tấn/ha.
Ươm cây con (ươm cây trên liếp hoặc ươm bầu)
Ươm trên liếp: Đất ươm phải tơi, xốp, nhiều mùn, giữ ẩm tốt. Nên bón thêm vào đất phân chuồng hoai mục, trộn thêm basudin (thuốc diệt sâu kiến), bổ sung thêm tro trấu, mật độ trồng khoảng 25.000 cây/ha (250- 300gr hạt/ha).
Ươm bầu: Bầu làm bằng lá chuối, bao nilon, đục lỗ hoặc trên khay ươm cây con. Đất cho vào bầu gồm 2 phần đất + 1 phần tro trấu + 1 phần phân chuồng hoai + Basudin.
Ngâm hạt: Ngâm trong nước theo tỷ lệ 2 sôi + 3 lạnh (2- 3giờ), vớt ra rửa sạch để ráo, dùng khăn ẩm bọc hạt lại và ủ kín ở chỗ ẩm trong vòng 24 giờ, sau ủ vào túi, giữ đủ ẩm 4 ngày khi hạt nứt nanh thì đem ra gieo. Khi cây con xuất hiện 1- 2 lá thật, nên phun thuốc phòng bệnh như Rovral, Benlat C ở nồng độ 1/1.000. Vào mùa mưa, nên che chắn vườn ươm bằng nilon, đến khi cây được 4- 5 lá thì đem ra trồng.
Làm đất bón phân
Trồng ớt theo luống, mỗi luống rộng 1,2m, cao 15- 20cm, rộng 20cm, trồng 2 hàng, mật độ hàng cách hàng 70cm, cây cách cây 50cm.
Bón phân: Bón bằng phân gà là tốt nhất, 20- 30 tấn/ha; Urê: 280kg/ha, KCl: 300kg/ha, lân: 400kg/ha. Nếu đất hơi chua, bón thêm 0,6- 1 tấn vôi/ha. Bón lót toàn bộ số phân chuồng, lân, vôi, 1/4 kali, 1/4 đạm.
Chăm sóc: Thường xuyên làm cỏ và vun xới tạo môi trường thoáng khí cho rễ cây, trong giai đoạn đầu (10- 20 ngày sau khi trồng) kết hợp bón thúc. Trong giai đoạn cây ra hoa, kết quả phải đảm bảo đủ lượng nước tưới, giữ độ ẩm trung bình 80- 85%.
NTNN, 18/11/2003
Trồng ớt ngọt
- Chọn giống: Hiện có 2 nhóm chính: Nhóm quả vỏ xanh đậm khi còn xanh, khi chín thì chuyển sang màu đỏ và nhóm quả chín có màu vàng. Quả hình khối hoặc hình vuông, thịt quả dày, trọng lượng bình quân trên 100g/quả, ăn hơi ngọt, không cay. Hiện các cửa hàng bán giống rau đang có các giống lai F1 được nhập khẩu từ Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc vừa cho năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu bệnh tốt, đặc biệt là bệnh héo xanh.
- Thời vụ trồng: Vụ Đông-Xuân, gieo hạt vào khoảng tháng 8, tháng 9 để trồng vào tháng 10, thu hoạch vào tháng 1-2, thường cho năng suất cao nhất. Vụ Xuân-Hè gieo hạt vào tháng 12 để trồng vào tháng 1 hoặc đầu tháng 2, thu quả vào tháng 3-4, năng suất thấp hơn, dễ bị thối trái nhưng bán được giá cao vì trái vụ.
- Gieo ươm cây giống trong khay bầu: Trộn giá thể theo tỷ lệ1:1:1 với các thành phần như sau: 1 phần phân chuồng hoai mục + 1 phần tro bếp hoặc trấu hun, hoặc xơ dừa + 1 phần lớp đất mặt giàu mùn được đập nhỏ. Nếu đất nghèo dinh dưỡng thì nên bổ sung thêm 0,5 kg phân lân cho 10 kg hỗn hợp. Bầu gieo hạt có thể được làm bằng lá chuối, túi nilon hoặc các khay xốp hiện đang được bán rộng rãi ở các cửa hàng vật tư nông nghiệp. Nên gieo trong các khay bầu xốp vừa tiết kiệm được hạt giống (mỗi lỗ gieo 1 hạt), vừa đảm bảo được chất lượng cây con khỏe mạnh, đồng đều và chủ động được thời vụ trồng, không bị ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Gieo xong thì phủ một lớp đất bột mỏng, phủ tiếp một lớp rơm rạ mỏng nữa rồi tưới nước đủ ẩm. Có thể rải trộn đều trong đất hoặc rắc xung quanh vườn ươm một trong các loại thuốc sau đây nhằm chống kiến và côn trùng tha hạt như Vibasu, Furadan hoặc Basudin. Những ngày đầu tưới 2 lần/ngày, sau đó tưới 1 ngày/lần rồi đến 2 ngày/lần tùy theo thời tiết, nhưng luôn đảm bảo độ ẩm cho cây sinh trưởng bình thường. Khi hạt nẩy mầm ta dỡ rơm, rạ để cho cây mọc khoẻ và thẳng. Thời gian này nên phun hoặc tưới để phòng bệnh lở cổ rễ cho cây con bằng thuốc Viben C hay Benlat khi cây đã có 1-2 lá thật. Khi cây chuẩn bị đem trồng thì ngừng tưới nước 1-2 ngày nhằm làm cho cây cứng cáp. Trước khi trồng nên tưới đẫm cho dễ nhổ cây khỏi khay, không bị vỡ bầu, đứt rễ. Cây con đủ tiêu chuẩn trồng là cây có chiều cao 10-12cm, có khoảng 6 lá thật, khỏe mạnh, thân thẳng, tuổi cây khoảng 25-30 ngày sau khi gieo.
- Chọn và làm đất trồng: Chọn loại đất thịt nhẹ đến trung bình, đất cát pha giàu dinh dưỡng, tơi xốp, dễ thoát nước, độ pH từ 5,5-7,0 để trồng ớt ngọt. Nên trồng luân canh với các cây trồng khác họ, không trồng ớt trên các ruộng mà vụ trước đã trồng như ớt cay, cà chua, khoai tây... để tránh nhiễm các loại bệnh héo xanh, thán thư... Đất được cày, bừa kỹ sau khi đã phơi ải tốt. Lên luống rộng 1,4m, cao 30-35cm ( tùy theo mùa vụ: Vụ đông lên thấp, vụ Xuân-Hè lên luống cao để tránh úng ngập do mưa nhiều ), luống rộng 30cm.
- Lượng phân bón: Bón cho 1 sào Bắc bộ (360m2) cần 700-800kg phân chuồng hoai mục, 20-25 kg phân lân, 12-15 kg đạm urê và 12-15 kg phân kali sunphát. Nếu đất chua có thể bón thêm khoảng30kg vôi bột. Bón lót toàn bộ phân chuồng, vôi bột, 1/2 phân lân, 1/2 phân kali và 2 kg đạm bằng cách trộn đều phân với đất mặt luống rồi phủ màng phủ nông nghiệp để hạn chế cỏ dại, giữ được độ ẩm cho đất, hạn chế sự rửa trôi phân bón, đồng thời hạn chế được sâu bệnh gây hại. Chú ý phủ mặt đen xuống dưới, mặt ánh bạc lên trên và dùng đất để chèn mép bạt 2 bên cho chặt.
- Trồng cây và chăm sóc: Dùng ống sắt hoặc ống bơ rỗng có đường kính khoảng 8cm, cắt thành hình răng cưa sắc để đục lỗ màng phủ với khoảng cách hàng cách hàng 70cm, cây cách cây 50-60cm tùy theo giống. Dùng bay nhỏ xới nhẹ vào lỗ đã đục sẵn để trồng vừa đến ngang cổ rễ và tưới nhẹ cho chặt gốc, cây nhanh bén rễ, hồi xanh. Nên trồng vào những ngày râm mát hoặc buổi chiều tối. Tùy theo thời tiết mà tưới nước cho cây đủ ẩm thường xuyên thì mới lớn nhanh, sau khi trồng 10-12 ngày thì tiến hành bón thúc lần đầu kết hợp với vun xới nhẹ, lần 2 khi cây ra hoa rộ, lần 3 sau khi thu quả đợt đầu.
Với cây ớt ngọt nên trồng trong nhà lưới để đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm và hạn chế tối đa sự gây hại của côn trùng, sâu bệnh.
NNVN, 4/12/2003
Kỹ thuật trồng ớt trái mùa
Ớt (Capsicum annum) là loại rau rất có giá ở Indonesia. Cho đến nay, việc trồng ớt ở Indonesia vẫn theo mùa, cho nên sản lượng và giá cả bị dao động rõ rệt trong năm.
Nói chung, ở Indonesia thường trồng ớt vào đầu mùa khô. Sản lượng hạ thấp vào mùa mưa. Nhằm kéo dài mùa vụ thu hoạch và bình ổn giá cả, một hệ thống trồng ớt trái mùa đã được triển khai, bằng cách sử dụng plastic đen để phủ đất.
Khả năng thích ứng kỹ thuật
Kỹ thuật này sẽ thích ứng với mọi diện tích ruộng, từ nhỏ đến lớn.
Lợi thế kỹ thuật
Sản lượng ớt và giá cả sẽ ổn định suốt năm, thay vì dao động giữa thừa và thiếu, nông dân có được nguồn thu nhập thêm trong mùa khô.
Kỹ thuật
Hạt giống
Hạt giống phải chín già, sạch, đều nhau và không bị sâu bệnh. Những quả giống chín già phải có màu đỏ.
Những yêu cầu chăm bón
Đất phải xốp, dễ thoát nước và giàu chất hữu cơ, không có quá nhiều hàm lượng sét. Độ pH 5,5-6,8. Lượng nước vừa đủ, phải có rãnh thoát nước tốt.
Cây giống
Đất để ươm cây giống là đất trộn phân, với tỷ lệ 1:1. Cây giống ươm trong các túi nhựa, hay trên các luống đất được làm kỹ.
Đất luống phải được don sạch cỏ, rác rưởi, và sau đó được cày bừa kỹ.
Cây giống là cây ưa sáng, nhưng phải được che bằng giàn có khung đỡ, tránh ánh sáng trực sạ. Khung đỡ rộng từ 1-2m và cao 40-50cm. Được phủ bằng rơm rạ hay vật liệu tương tự. Các mặt xung quanh để ngỏ để tạo sự thông thoáng cho luống trồng.
Cây giống cần được tưới nước hằng ngày, hoặc khi cần thiết. Khi cây giống được 25-30 ngày tuổi có thể đem ra trồng được.
Làm đất
Đất cần được dọn sạch và cày bừa. Nếu độ pH đất thấp, thì bón thêm dolomite hay vôi. Nếu đất rất chua, thì bón khoảng 2tấn/ha dolomite, phối hợp với phân trộn compost và chế phẩm phân bón cơ bản. Phân bón cơ bản cần dùng là urê trộn lẫn với phân (300kg/ha), SP36 (250-300kg/ha), và KCl (Kaliclorua) (250kg/ha). Cần phải làm luống cao trước khi trồng cây giống. Luống thường rộng 120cm, rãnh giữa luống rộng 40cm và sâu 20cm quanh luống.
Phủ plastic đen:
Khoảng 12 cuộn/ha. Plastic có màu ánh bạc ở mặt trên và màu đen ở mặt dưới (Mặt ánh bạc sẽ phản chiếu ánh nắng mặt trời và xua đuổi côn trùng, mặt tối bên dưới sẽ làm cho cỏ không mọc được).
Plastic được rải vào buổi trưa khi ánh nắng mặt trời bắt đầu gay gắt. Độ nóng sẽ làm co giãn chất nhựa cho nên nó dễ bị dão. Plastic nên được căng đều trên mặt luống với mặt ánh bạc hướng lên trên.
Mép plastic được kéo thấp xuống các bờ luống và được buộc chặt vào vị trí bằng các lạt tre. Chúng dài khoảng 40cm, được uống cong một nửa và được cắm xuống đất để giữ cho các cạnh cách nhau 50cm. Trên mặt plastic trổ các lỗ chữ thập tại những vị trí trồng cây để cho cây có thể tăng trưởng.
Trồng trọt
Mỗi luống trồng thành 2 hàng. Các cây cách nhau 50cm và các hàng cách nhau 70cm. Trồng ớt vào buổi sáng sớm hay lúc hoàng hôn.
Bảo vệ
Cây giống bị chết hay sâu bệnh thì cần được thay thế. Nước tưới được bơm vào cho từng gốc cây.
Phòng trừ sâu bệnh:
Trừ ruồi hại quả bằng bẫy bả eugenol methyl. Các loài gây hại và dịch bệnh đều có thể kiểm soát bằng việc phun các loại thuốc bảo vệ thực vật thích hợp
Thu hoạch và sau thu hoạch
Sau 60-70 ngày, lứa ớt đầu tiên có thể thu hoạch. Đến thời gian này, chúng sẽ biến thành màu đỏ tươi.
Việc bao gói cho vận chuyển cần phải tạo những lỗ thoáng khí. Có thể dùng loại túi lưới. Nơi bảo quản phải khô ráo và thoáng mát.
Một số giống ớt cao sản mới
Qua 2 năm trồng thử nghiệm và tuyển chọn từ các giống ớt cay nhập nội, mới đây Cty TNHH Hạt giống Trang Nông đã đưa vào sản xuất đại trà một số giống ớt cay mới có tên là TN 018 và TN 026. Đây là 2 giống ớt lai F1 có nguồn gốc từ Hàn Quốc cho năng suất cao, chất lượng tốt, đặc biệt là có độ cay nhẹ phù hợp cho ăn tươi và xuất khẩu dưới dạng ớt tươi muối nguyên quả, ớt giầm dấm đóng lọ, đóng hộp, tương ớt. Cả 2 giống TN 018 và TN 026 đều sinh trưởng khỏe, có khả năng phân nhánh mạnh, cây cao trung bình 1,2-1,3m, tán lá màu xanh đậm. Thời gian sinh trưởng từ trồng đến thu quả lứa đầu khoảng 70-75 ngày; thời gian thu hoạch kéo dài (từ trồng đến thu hoạch xong 170-180 ngày, nhưng thu tập trung trong 2 tháng cho hiệu quả cao nhất), rất dễ đậu trái, mỗi nhánh nhỏ thường cho 3-4 quả, thu được nhiều lứa nên năng suất tổng thể rất cao. Ở mức đầu tư và chăm sóc bình thường cho thu hoạch từ 30-50 tấn/ha; nếu chăm sóc, thâm canh tốt có thể đạt 55-60 tấn/ha. Quả dài, có dạng hình sừng bò, vỏ nhẵn bóng, thịt dày, khi chín có màu đỏ tươi rất đẹp. Chiều dài quả giống TN 018 trung bình từ 14-15cm; giống TN 026 dài 17-18cm. Các giống này đều sinh trưởng, ra hoa đậu quả tốt ở nhiệt độ từ 18-340C. Khả năng kháng các bệnh trên cây ớt như thán thư, héo rũ (chết ẻo) và xoăn lá do vi rút rất tốt. Theo ông Tô Xuân Việt, Trưởng phòng kỹ thuật Cty Trang Nông thì vụ thu đông vừa qua Công ty Trang Nông đã bắt đầu cung cấp hạt giống cho nhiều địa phương có truyền thống trồng ớt xuất khẩu như Hưng Yên, Nam Hà, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình... với diện tích trên 300 ha đạt kết quả rất tốt, năng suất cao, sản phẩm dễ tiêu thụ, đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Nhiều hộ gia đình đã cho thu nhập từ 3,5 đến 4 triệu đồng/sào, thậm chí một số hộ làm giỏi như ở Tứ Kỳ, Hải Dương đã bán ớt tươi cho các đầu mối đem xuất tươi qua biên giới với giá từ 3 đến 10 nghìn đồng/kg cho thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/sào. Như vậy tính ra nếu chăm sóc tốt, mỗi hécta trồng ớt cao sản có thể cho thu nhập 70-80 triệu đồng/vụ một cách dễ dàng.
Theo khuyến cáo của Cty Trang Nông, để có thể đạt năng suất cao ngoài việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật cho trồng ớt thông thường, bà con nông dân cần chú ý thêm một số yêu cầu kỹ thuật sau:
- Thời vụ gieo trồng: Các tỉnh miền Nam có thể gieo trồng quanh năm, tránh những tháng mưa nhiều, cây dễ bị bệnh thán thư và chết ẻo do nấm và vi khuẩn. Các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là vùng ĐBSH có thể gieo trồng được 2 vụ/năm: Vụ ĐX gieo trồng từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau để thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 5 tháng 6. Vụ thu đông gieo trồng từ 20 tháng 7 đến hết tháng 9 để thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 12 tháng 1 năm sau.
- Làm đất, lên luống: Làm đất kỹ, tơi xốp, sạch cỏ dại. Lên luống rộng 1,4m; cao 30cm để trồng hàng đôi nanh sấu cách nhau 70cm, cây cách cây 50cm. Đảm bảo mỗi sào Bắc bộ (360m2) trồng được 750-800cây. Lượng hạt giống cần dùng cho 1ha là khoảng 200-250gam.
- Gieo hạt giống trên luống, hoặc gieo hạt vào các khay xốp trong nhà ươm có mái che để thuận tiện cho chăm sóc và tránh được điều kiện bất thuận của thời tiết cho đến khi cây có 3-4 lá thật thì đem ra trồng. Nên sử dụng màng phủ nông nghiệp loại 1,2m (2 cuộn/1.000m2) nhằm hạn chế cỏ dại, sâu bệnh, tiết kiệm phân bón, giữ ẩm cho cây tăng năng suất ớt quả, giảm được chi phí vật tư, đặc biệt là thuốc BVTV và nhân công.
- Tỉa bỏ toàn bộ các chồi từ điểm phân cành thứ nhất trở xuống. Hái bỏ tất cả hoa, trái của tầng phân cành 1 và 2, lấy trái từ tầng phân cành thứ 3 trở lên.
- Vì là giống lai F1, bà con không nên tự để giống cho vụ sau dễ bị phân ly làm giảm năng suất và chất lượng quả.
NNVN, 22/12/2003
Minh Châu: Trồng ớt cao sản thu 90-100 triệu đồng/ha
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong SX nông nghiệp nhằm tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân và tận dụng điều kiện thuận lợi của một vùng đất bãi phù sa sông Hồng rộng lớn, vụ ĐX năm nay xã Minh Châu, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây đã đưa nhiều loại cây trồng mới cho năng suất cao, cho hiệu quả kinh tế cao vào gieo trồng. Nhiều giống cây trồng mới như ngô lai, ngô rau bao tử, đậu tương, ớt cay cao sản, cà chua, dưa chuột v.v ... đã được bà con ở đây trồng thay thế cho cây khoai lang truyền thống cho năng suất thấp. Với 35 ha ớt cay giống cao sản của Đài Loan, Hàn Quốc nhiều hộ gia đình đã cho thu nhập từ 3,5 đến 4 triệu đồng/sào. Tính ra chỉ trong một vụ, trên mỗi hécta trồng ớt cay cao sản có thể cho thu nhập từ 90 đến 100 triệu đồng.
NNVN, 5/12/2003
Kinh nghiệm trồng ớt ở Ngăm Mạc
Những ngày đầu tháng 4 chúng tôi trở về Ngăm Mạc, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) để tìm hiểu kinh nghiệm trồng ớt xuất khẩu cho thu nhập cao của bà con xã viên. Trên các khu đồng, mọi người phấn khởi chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho ớt đông xuân. Ai cũng mong mưa thuận gió hòa... ớt được mùa là cây "xóa đói, giảm nghèo". Diện tích ớt đông xuân ở Ngăm Mạc vào khoảng 40 mẫu, tăng 30 mẫu so với cùng kỳ năm ngoái, sở dĩ diện tích ớt được mở rộng là do năm ngoái được mùa cả về giá và năng suất. 1 sào ớt thu hoạch thấp cũng đạt 500kg, cao 700kg, bán giá 1.600đ/kg, cho thu nhập 800 ngàn đến hơn 1,1 triệu đồng, cao gấp 2 - 2,5 lần so với cấy lúa, cũng bởi vậy mà xã viên ai cũng mặn mà với ớt hơn. Theo đánh giá của nhiều hộ xã viên thì trồng ớt cho thu nhập cao tuy nhiên trong quá trình trồng, chăm sóc cần lưu ý một số biện pháp sau (chúng tôi xin ghi lại để bà con tham khảo).
Ngâm ủ, làm bầu: Công đoạn đầu là ngâm hạt giống trong nước ấm chừng 3 -4 giờ sau đó vớt ra ủ trong bọc giẻ bông hoặc vải 2 - 4 ngày, hạt sẽ nảy mầm, cách thức làm bầu khá đơn giản, tận dụng lá chuối khô làm bầu có đường kính 4 - 6cm, cao 5-7cm, dùng đất bột trộn lẫn phân chuồng ủ mục cho vào bầu, tra hạt xong phủ lên trên lượt trấu mỏng.
Làm luống:Ớt là cây kém chịu úng vì vậy phải lên luống cao thoát nước, ở Ngăm Mạc đa số xã viên làm luống trồng ớt rộng chừng 0,6m để trồng hàng một, phân bón tùy theo mỗi chân ruộng song thông thường 1 sào ớt đầu tư khoảng 300 - 400kg phân chuồng ủ mục, 30 - 40kg lân, đạm, 20kg vôi bột và kali mỗi loại từ 8 - 10kg.
Trồng, chăm sóc:Bổ hốc để đặt cây theo khoảng cách 0,5m/cây, đặt cây xong vun đất xung quanh (bón lót 100% phân chuồng, vôi và khoảng 80% phân lân, riêng đạm và kali bón lót khoảng 60%) số còn lại dùng để bón thúc kết hợp xới xáo về sau này.
Ớt trồng xong phải giữ ẩm, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để dặm lại, khi ớt bén rễ hồi xanh trở đi cứ khoảng 7 - 8 ngày tưới nước phân hỗn hợp 1 lần (lân ngâm nước phân chuồng, thêm ít đạm hòa loãng tưới đều), sau trồng 20 ngày trở đi tiến hành xới xáo làm cỏ cho cây, 20 ngày sau bón nốt số phân còn lại trong cả thời kỳ sinh trưởng của ớt, thường xuyên kiểm tra loại bỏ lá già, lá bị bệnh để tránh lây lan.
Phòng trừ sâu bệnh:Phòng trừ tốt các đối tượng: Nhện đỏ, rệp muội, bệnh phấn trắng, thán thư, xoăn lá, chết ẻo, thuốc sử dụng thông thường là Manager, Daconil, Ancol và địch bách trùng.
Ninh Thuận: Cây ớt xóa đói giảm nghèo
Theo số liệu của ngành NN&PTNT Ninh Thuận, cây ớt ở tỉnh này được trồng hàng năm 850 - 900 ha, sản lượng 7.000 - 7.500 tấn trái tươi. Ninh Thuận là một trong những vựa ớt lớn trong vùng cực Nam Trung Bộ. Trồng ớt là nghề lai rai lượm bạc lẻ. Tuy nó không lấy tiền “một cục” như nho, thuốc lá, mía đường nhưng có ớt chín là nông dân có tiền xài. Xưa nay, trong giới thu mua và người trồng ớt có luật bất thành văn: “Cân ớt trả tiền liền”.
Anh Lê Văn Thông, 42 tuổi, một nông dân có thâm niên trong nghề trồng ớt ở thôn Vạn Phước, xã Phước Thuận, cho biết: Gia đình anh đã trải qua nhiều trồng loại cây từ nho đến cà chua, hành ta nhưng cuối cùng cũng quay trở về với cây ớt. Vốn đầu tư ban đầu cho 1 sào (1.000 m2) ớt chỉ tốn 500.000 đồng làm đất, cấy cây con, làm cỏ, phân bón... Sau 4 tháng là bắt đầu thu hoạch, 3 ngày hái 1 lứa ớt 40 - 50 kg/sào. Cây ớt có “tuổi thọ” trung bình 1 - 2 năm.. Mỗi tháng thu hoạch 10 lứa với sản lượng 400 - 500 kg/sào. Hiện nay, những người thu mua đến tại vườn cân 4.000 đồng/kg ớt tươi. Nếu giá cả ổn định 4.000 - 5.000 đồng/kg thì nông dân trồng ớt có lãi ròng 1 - 1,5 triệu đồng/sào/tháng. Các chủ vựa mua ớt phơi khô xuất bán ra ngoài tỉnh 18.000 - 20.000 đồng/kg. Cứ 4 kg ớt tươi phơi khô được 1 kg. Một gia đình 4 miệng ăn chỉ cần trồng 500 m2 ớt, bán được giá 4.000 đồng/kg là đủ tiền xài hàng ngày.
Cây ớt đã bảo đảm được đời sống cho hàng ngàn nông hộ nông dân. Nhiều gia đình nuôi con ăn học thành đạt cũng nhờ nghề trồng ớt.
Điều đáng nói là nông dân trồng ớt theo kinh nghiệm, thiếu sự hướng dẫn kỹ thuật của nhà khoa học. Vì vậy, người trồng ớt ở Ninh Thuận mong được sự giúp đỡ của ngành NN&PTNT để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thái Sơn Ngọc - NLĐ, 28/7/2003
Cây ớt cho tiền tỷ
Trên vùng đất cát pha cằn cỗi, từ hơn 10 năm nay người dân một số xã ở huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) đã đưa cây ớt về trồng thay thế cho những cây trồng truyền thống và đã cho giá trị tới trên 200 triệu đồng/ha...
Trồng ớt thu nhập 200 triệu đồng/ha
Mặc dù có diện tích đất nông nghiệp tương đối lớn (trên 8.000ha), nhưng đất đai Tam Dương không được màu mỡ, 100% diện tích là đất cát pha, hay bị hạn hán, không thích hợp với cây lúa. Ông Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tam Dương cho biết: "Với đặc điểm như thế, chỉ có cách trồng các loại cây rau màu hàng hoá mới đem lại hiệu quả cao". Năm 1986, cây ớt đỏ đã được vào trồng xen canh tại xã Vân Hội. Tuy nhiên, do trồng xen canh và đầu tư ít nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Tới năm 1998, nhận thấy cây ớt ngày càng mang lại nhiều lợi nhuận, UBND xã Vân Hội đã phát động phong trào "toàn dân trồng ớt" thu hút 90% sốá hộ tham gia. Ông Trần Văn Minh- Chủ tịch UBND xã cho biết: "Hàng năm, chúng tôi dành ra 25-30% diện tích đất nông nghiệp để trồng cây ớt, trung bình mỗi hộ trồng được 2- 7 sào". Sau 5 năm chuyển đổi, đến nay toàn xã đã trồng được trên 50ha, nhiều hộ có thu nhập 30- 40 triệu đồng/năm nhờ trồng ớt.
Thời gian trồng ớt thích hợp nhất vào tháng 2 âm lịch (vụ xuân), tháng 7 (vụ mùa) và tháng 10 (vụ đông), ớt được quay vòng 2,5-3 vụ/năm. Thông thường ớt sẽ bắt đầu cho thu hoạch sau khi trồng 2 tháng và kéo dài đến 4- 5 tháng mới hết một lứa. Theo ông Minh, nếu chăm sóc tốt, bình quân cứ 2 ngày sẽ hái một lần. Sản lượng ớt trung bình đạt 2,1- 2,5 tấn/sào. Với giá bình quân 4.000 đồng/kg, 1 sào ớt có thể thu về tới trên 8 triệu đồng, tính ra giá trị canh tác có thể đạt tới mức trên dưới 200 triệu đồng/ha. Ông Trần Văn Sính, một hộ trồng được 3 sào ớt cho biết: "So với các loại cây khác, ớt phải đầu tư khá cao, mỗi sào từ khi trồng đến lúc thu hoạch xong đợt cuối cũng phải mất 1,5-2 triệu đồng, vì vậy nếu không có thị trường ổn định là có thể thua lỗ ngay". Năm ngoái nhờ biết cách trồng ớt trái vụ, ông Sính đã thu tới hơn 30 triệu đồng. Theo ông Sính, thị trường tiêu thụ ớt hiện nay ngày càng được mở rộng vì thế nếu biết làm trái vụ có thể bán được 20.000- 30.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 40.000 đồng/kg. Ngoài Vân Hội, Tam Dương còn có rất nhiều xã cũng phát triển nghề trồng ớt như Hoàng Lâu, Duy Phiên... tổng diện tích đạt gần 90ha/năm với sản lượng 465 tấn, giá trị kinh tế thu được từ cây ớt ở Tam Dương có khả năng đạt 15-20 tỷ đồng/năm. Hiện nay người trồng ớt hầu như không phải lo về vấn đề đầu ra cho sản phẩm, bởi ớt thu hoạch tới đâu được thu mua hết tới đó.
Dầy công chăm bón
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng phòng Nông nghiệp, ớt là cây có đặc điểm sinh trưởng hết sức phức tạp, mất nhiều công chăm bón, người nông dân phải có kinh nghiệm về kỹ thuật, biết cách phòng trừ sâu bệnh tốt, ớt mới đạt năng suất cao. Ở Tam Dương hiện nay bà con trồng phổ biến là các giống ớt vàng, ớt ngọt, ớt xào, những giống này phần lớn bà con đều tự lo liệu được.
Quy trình trồng ớt khá công phu, sau khi ươm giống cho ớt mọc cao lên khoảng 5-7cm thì đem ra trồng. Ớt được trồng thành luống, mỗi luống rộng 1,2m, chia thành 2 hàng, mỗi hàng cách nhau 0,4- 0,5m. Ớt là cây rất ưa phân gia súc, đặc biệt là phân gà, do đó trước khi trồng phải bón lót cho ớt một lượng phân tương đối lớn, 5- 6 tạ/sào. Trong thời gian thu hoạch, phải thường xuyên bón bổ sung đạm, lân, kali cho ớt tiếp tục sinh trưởng, vào lúc thu hoạch rộ có thể bón với mật độ 3 lần/tuần. Anh Nguyễn Văn Trâm (thôn Lực Điền, xã Hoàng Lâu) trồng 6 sào ớt, cho biết: "Nghề trồng ớt này lúc nào cũng bận như chăm sóc "con mọn", chỉ cần sơ ý để ớt nhiễm bệnh không kịp thời phòng trừ coi như bỏ đi". Theo thống kê, hàng năm các loại sâu bệnh gây thiệt hại khoảng 10- 15% diện tích và sản lượng toàn huyện Tam Dương. Những loại sâu, bệnh mà ớt hay gặp phải nhất là sâu vẽ bùa, rệp, sẩn đốt, sẩn gốc, sương mai gây ủng, héo và rụng quả. Khi mắc phải hầu hết không thể chữa được vì chúng thường có khả năng kháng thuốc rất cao. Ông Ngọc cho biết, cách tốt nhất là phải phòng bệnh cho ớt ngay từ lúc trồng như phơi khô đất, khử trùng bằng vôi bột. Đồng thời kết hợp phun thuốc theo định kỳ để hạn chế sự phát triển của bệnh, ngoài ra có thể sử dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM), phương pháp này tuy có một số ưu điểm tích cực nhưng năng suất lại không cao.
Phòng bệnh thán thư cho cây ớt ở An Giang
NTNN, 9/9/2003
Theo Chi cục BVTV tỉnh An Giang, từ đầu mùa mưa đến nay bệnh thán thư trên cây ớt diễn ra rất nghiêm trọng. Kỹ sư Nguyễn Thị Mỹ Phụng - cán bộ kỹ thuật Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Qua ghi nhận của Trạm BVTV các huyện Chợ Mới, Phú Tân, Tân Châu và huyện Châu Thành, cây ớt bị bệnh thán thư làm giảm năng suất từ 30-35%, cá biệt có nhiều nơi thiệt hại từ 70-80%.
Để giúp đỡ các địa phương trồng ớt, vừa qua Chi cục BVTV tỉnh An Giang đã phối hợp với lực lượng kỹ thuật viên đến kiểm tra ở các xã có diện tích ớt bị nhiễm bệnh nặng. Qua theo dõi, hầu hết ruộng ớt mắc bệnh đều do giống có nguồn gốc không rõ ràng, ngoài ra do mưa dầm, nhiệt độ tăng nên một số nấm phát triển gây hại, mà bà con nông dân không biết nên sử dụng thuốc phòng trị không đúng. Theo kỹ sư Nguyễn Thị Mỹ Phụng, bệnh thán thư trên các cây họ cà, ớt đều do nấm Cotlletotrichum spp. Bệnh lây lan bằng bào tử, khi gặp thời tiết thuận lợi bệnh phát triển với tốc độ rất nhanh, sẽ làm thiệt hại lớn đến năng suất. Để phòng trị bệnh thán thư cho cây ớt, ngành BVTV tỉnh An Giang khuyến cáo bà con nông dân cần trồng những giống kháng bệnh, áp dụng bón phân cân đối dùng NPK theo tỉ lệ 2: 1: 1. Không nên trồng ớt xen với cây có tán lá che lấn cây ớt vào mùa nóng. Khi bà con thăm đồng thấy ớt có hiện tượng bệnh thán thư nên dùng một số thuốc sau: Score 250 ND pha 0,01-0,02%; Ridomil MZ 72 WP pha 0,3%, Metazeb 72WP, Antracol; Daconil phun xen với Bocdeaux hoặc Oxy Clorua đồng 0,5% để ngừa bệnh khi thời tiết thuận lợi. Nếu bệnh này xuất hiện nhiều ở vụ sau bà con nên trồng luân canh cây trồng khác họ với cà và ớt.
Bệnh thối xám hại ớt
Trong vụ đông, khi nhiệt độ xuống thấp, kèm theo những đợt mưa phùn kéo dài, tạo nên độ ẩm cao là điều kiện thích hợp cho các loại nấm bệnh phát sinh và phát triển, làm cho cây trồng dễ mắc một số bệnh. Gần đây, qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy cây ớt ở một số vùng thuộc các địa phương như Hà Tây, Hải Phòng, Hải Dương đã bắt đầu bị nhiễm bệnh do một loại nấm mốc màu xám gây ra. Bệnh phát triển khá nhanh, ở vùng bãi ven sông có xu hướng nặng hơn ở nội đồng. Đó là bệnh thối xám (gray mold hay botrytis cinerea). Nếu không kịp thời phòng trừ, trong thời gian tới khi có những giai đoạn mưa phùn kéo dài, bệnh sẽ có nguy cơ phát triển trên diện rộng.
Triệu chứng:
Có thể tìm thấy các triệu chứng bệnh xuất hiện trên hoa, quả (trái) non, thân và lá ớt, kể cả ở phần cuống quả và đoạn cuống còn sót lại sau thu hoạch. Ngay từ đầu, những cánh hoa nhiễm bệnh sẽ chuyển màu xám và thối. Sau đó những quả ớt non trong diện tiếp xúc với những cánh hoa này sẽ có màu nâu đậm và bắt đầu mềm rũ. Quả non mang bệnh có nhiều khả năng bị rụng sớm. Trong khi đó, những quả ớt lớn hơn cũng có thể bị bệnh thông qua phần cuống của vòi nhụỵ. Quả bị nấm bệnh một thời gian sẽ bị mềm nhũn ra, biến màu nâu và thối. Vết bệnh trên thân cây thường phát sinh từ phần cuống quả của già còn sót lại sau thu hoạch hay do những cánh hoa bị bệnh bay trong gió và rơi xuống. Nấm mốc màu xám xuất hiện trên hầu hết các vết bệnh, nhưng các vết trên thân và lá không có nhiều nấm này như ở cánh hoa và quả non.
Nguyên nhân và điều kiện phát bệnh:
Nguồn gây bệnh ban đầu là các sợi nấm bay tới từ các ruộng bị bệnh ở kế bên, nhất là đầu hướng gió thổi tới, hay của các vụ trước còn sót lại trong đất. Khi gặp điều kiện thuận lợi như đã nhắc tới ở trên, chúng hình thành các bào tử đính (conidia) và bắt đầu phát tán, đồng thời tạo ra các vết bệnh mới. Nhiệt độ thích hợp nhất cho bệnh bùng phát là vào khoảng 14-200C. Bệnh không chỉ gây hại cho cây trồng ngoài ruộng mà còn có thể tấn công cả cây trong nhà lưới hoặc nhà kính của các trung tâm rau sạch.
Phòng trừ:
Khi trồng cần làm đất sạch, tơi xốp, khô thoáng và chọn trồng những cây non khỏe mạnh, không mang bệnh. Trồng ớt với mật độ vừa phải, không nên quá dày. Khi cần tưới nước, chỉ tưới vào gốc, tránh tưới trên tán lá ớt để hạn chế độ ẩm cao. Nếu phun bổ sung phân bón lá thì nên phun vào buổi sáng của ngày nắng ấm để nước dễ bay hơi. Khi nhiệt độ không khí xuống thấp và độ ẩm cao cần lưu ý phun thuốc phòng bệnh. Tốt nhất, nên phun thuốc phòng tối thiểu một lần trước khi bệnh xuất hiện, điều này rất đáng lưu ý trong phòng trừ bệnh nói chung. Sau đó có thể phun từng đợt, cách nhau 7 đến 14 ngày, tùy theo điều kiện thời tiết và mật độ vết bệnh phát hiện trên ruộng. Khi cây đã bị bệnh, cần xử lý bằng thuốc trừ bệnh. (Báo NNVN đã có dịp giới thiệu về thuốc phòng và trừ bệnh hại cây trồng trên số 1607 ngày 1/4/2003). Nên sớm loại bỏ các lá, quả và thân cây bị nhiễm bệnh vì chúng chính là nguồn gây bệnh cho các cây khoẻ mạnh khác. Có thể kể ra một vài tên hoạt chất (active ingredient) của các thuốc hóa học thường dùng phòng trừ bệnh này như: Folpet, Metalaxyl, Daconil, Benomyl v.v.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top