Đọc

- Tôi đang ở đâu thế này? - bà Hai tự hỏi, nhưng giọng hơi lớn.
- Mình ơi, tôi đang ở đây này - một tiếng vọng ra - mình còn nhận ra không? Ông Hai chồng bà đây này.
- Nhưng đây là đâu hả mình? - bà Hai hỏi người chồng đã khuất.
Hóa ra bà đã đến Niết bàn, không chờ câu trả lời của người chồng.
- Căn bệnh ung thư của bà nặng lắm, e đêm nay không qua khỏi đâu. - ông Hai ngập ngừng nói - Thượng Đế nói bà đã đến điểm tận cùng của cuộc đời, vì thế bà phải về nơi chín suối. Nhanh lên đấy, kẻo gặp phải giờ xấu, gây họa cho con cháu.
- Không! - bà đáp - còn thằng Tuân nhà mình, con trai ông đấy, nó ngày mai bắt đầu thi phổ thông quốc gia mà. Nó cần có người thân để sẻ chia, để hỏi han về bài thi. Xin mình đấy, ông hãy tâu về Thượng Đế, cho tôi được sống thêm dăm ba ngày nữa.
- Xin lỗi mình, nhưng lời Đấng Tối cao là không được phép chống lại.
Bà Hai thở dài. Mới tuổi mười lăm, thằng Tuân con bà đã phải mồ côi cha. Gia cảnh ngày ấy cũng không quá giàu, cha làm công nhân, mẹ nội trợ, thằng Tuân phải vừa làm, vừa ngầm theo dõi việc làm vừa với độ tuổi, thời gian để còn dốc sức và học hành. Nhưng túng bấn rồi lại túng bấn hơn, sau khi ông Hai ra đi bởi một tai nạn chết người. Ngay lúc tuyển sinh lớp 10. Hứa với cha, nó đã đỗ vào trường chuyên của tỉnh. Dẫu nghèo quá, người mẹ vẫn cố gắng cày thuê cuốc mướn để cho nó ăn học đàng hoàng như bao học sinh khác.
Nhưng lên mười bảy, bà Hai lại nhận được hung tin, rằng khối u trong người bà đã xuất hiện tự bao giờ. Quái ác thay, nó nằm ngay tại tuyến tụy nên khó chữa. Phải xạ trị liên tục, nhưng vì nghèo quá nên bà không chữa trị ở viện, chỉ chữa trị tại nhà qua ngày với rau cháo và thuốc dân gian
Tuân thấy vậy, nhiều lần nói mẹ chữa bệnh, nhưng bà Hai nhất quyết từ chối. Cậu đòi nghỉ học đi làm cho mẹ đi khám, mặc cho học bổng nhà trường cấp hàng tháng, nhưng bà nhất quyết không cho. Cứ thế, bệnh tình của bà nặng thêm, khiến cho cuộc sống của bà cứ ngắn lại... Và giờ nó chỉ còn lại đêm nay.
- Tôi biết bà thương cho thằng Tuân - ông Hai nói tiếp - nhưng con nó giỏi, vả lại nó cũng mười tám rồi. Con mình còn học giỏi, vào trường chuyên nữa mà. Mình cứ yên lòng mà từ giã.
- Được rồi mình - bà Hai nuốt nước mắt - tôi sẽ cố lo liệu cho xuôi hết đêm này.
*
- Mẹ ơi! - thằng Tuân gọi vọng vào. Nó cầm một cái cà mèn cháo trên tay - ăn đi kẻo nguội mẹ ơi.
Bà Hai choàng tỉnh. Hóa ra vừa nãy chỉ là giấc mơ, nhưng nó đoán trước cả tương lai của bà.
- Con lo cho mẹ nhiều quá, con trai - bà gượng dậy, gắng húp vài húp cháo.
- Sao rồi Hai? - bà Sáu qua thăm. Đó là một bà già hàng xóm tốt bụng, luôn đỡ đần, hỗ trợ cho gia đình Tuân những lúc tắt lửa tối đèn.
- Có lẽ em không qua khỏi đâu chị - bà Hai đáp.
Bà Sáu ngã quỵ xuống, thằng Tuân bắt đầu khóc.
- Vừa nãy chồng em báo mộng - bà Hai nói với bà Sáu, rồi quay sang Tuân - con buộc phải ở lại một mình thôi. Bố nói đến lúc mẹ phải về với bố. Con cứ yên tâm mà sống, đừng quá buồn vì người mẹ yểu mệnh này nhé.
- Bố! - thằng Tuân ngửa mặt nhìn trời - bố đã không để con được trả hiếu nghĩa chỉ vì bố vội vàng đi sau một sự cố. Vậy mà giờ bố còn không cho mẹ ở lại. Mẹ! - Tuân nhìn xuống mẹ, rồi quỳ xuống - mẹ đừng đi nữa. Con không muốn phải mồ côi bây giờ.
Bà Hai ứa nước mắt nhìn đứa con hiếu nghĩa. Nó là đứa con ngoan, ngoan tới mức cả cái làng này gia đình nào cũng mong muốn có được. Bà nhớ lúc còn lên sáu lên bảy, khi đám bạn của nó vọng từ ngoài cổng gọi vào, rủ nó đi chơi, nó từ chối chỉ vì đang lặt rau giã gạo giúp mẹ nấu cơm. Khi bố nó bị ốm nặng, nó suýt nghỉ học để chăm sóc, bất kể trước mắt là kì thi tuyển sinh cấp 3, may mà mẹ nó ngăn lại. Giờ thì chính bà bị ốm, nó cũng suýt phải nghỉ học, mẹ nó phải gọi hàng xóm đến động viên an ủi
Bà già lại biết ơn bà Sáu, bà chưa từng có người hàng xóm nào quan tâm đến gia đình mình như thế. Từ khi chồng mất, bà Sáu luôn ở cạnh bà khi cần có người trò chuyện, ủi an. Khi bà ốm, việc giặt giũ, nấu cơm, làm việc nhà đều là nhờ người hàng xóm tốt bụng ấy, khi thằng Tuân vắng nhà ôn thi... Ôi, cuộc đời ngắn ngủi mà ân tình thì to lớn quá!
Mà bây giờ, thời gian bà còn lại trên cõi này còn mấy giây, mấy phút đồng hồ thôi!
- Con à! Mẹ vừa gặp bố, và bố nói mẹ phải về trời - bà Hai chậm rãi đáp
- Đừng mà mẹ - Tuân nói - con còn kì thi, còn tương lai. Con còn muốn trả ơn mẹ, muốn đưa mẹ đi đây đi đó, muốn mẹ sống trong sự chu toàn, muốn làm trọn hiếu nghĩa...
- Chờ lớn làm gì hả con? - bà Hai đáp - Ngày mai là cơ hội để con trả hiếu với mẹ rồi đấy. Hiếu nghĩa đâu cần mâm cao cỗ đầy, đâu cần tiền bạc. Cái lòng người mới là cốt lõi. Ngày mai con đi thi là trả hiếu đấy.
Nén một hơi dài, bà nói tiếp:
- Người Trung Quốc xưa có Khấu Chuẩn ngỗ nghịch, nhưng để trả hiếu cho mẹ ốm đã lên đường ứng thí. Thi xong, chưa kịp vinh quy bái tổ thì mẹ mất. Việt Nam ta xưa cũng có Đoàn Tử Quang, chỉ để yên lòng mẹ già trăm tuổi mà đi thi, được triều thần nhà Nguyễn phải nể phục... Con à, đèn sách là hiếu nghĩa, vì nó không phụ lòng cha mẹ đã bỏ bao nhiêu công sức để nuôi con ăn học mấy năm.
- Nhưng... - Tuân ngắt lời, nhưng nói chậm rãi - mẹ cũng sống với con có 18 năm chứ có bao nhiêu? Ngắn ngủi quá mẹ. 18 năm để rồi phải đơn độc giữa trần thế
- Đơn độc đâu con? - bà Hai vừa cười vừa nói - còn bác Sáu thương con như con đẻ. Ngắn ngủi đâu con? 18 năm, đủ để một anh công nhân trở thành một ông giám đốc đáng kính, đủ để một thầy giáo trở thành một vị giáo sư uyên thâm. Đừng yếu đuối thế con trai. Dù sao, con cứ nghĩ mẹ sống trong lòng con, sống như cái bóng của con trên vách tường đằng kia, và dõi theo con. Mẹ không bao giờ rời bỏ con, mẹ hứa.
Tuân quỳ xuống đôi mắt ngấn lệ
- Còn chị Sáu - bà Hai nói tiếp - cả đời này em không nặng ân tình với ai ngoài chị. Chị như là người chị gái của em, người mẹ thương con rơi của thằng Tuân bé nhỏ. Nhưng sống chết là do mệnh do số, ân nghĩa em không kịp trả. Chỉ mong thằng Tuân nó hiểu lòng em, nó sẽ thay em cho chị. Em xin lỗi...
- Em không có lỗi gì đâu Hai - bà Sáu vừa nói vừa khóc sụt sịt - chị chỉ thương em vì em là người mẹ tuyệt vời, là người bạn thân nhất của chị. Già rồi, chỉ muốn có người bạn để  trò chuyện. Nhưng em đoản mệnh quá, năm mươi mấy đã cách chốn âm ti ngắn chẳng tày gang. Chị phải xin lỗi mới đúng, xin lỗi vì chị không phải vị thần nào đó để níu sự sống của em lại.  Nhưng chị hứa đấy, Tuân chị sẽ quan tâm nó như con đẻ. Cứ yên lòng nhé em, vì thằng Tuân còn ở đây mà dõi theo nó.
Không gian căn nhà lặng lẽ đi ít phút
Rồi bà Hai ngẩng đầu lên, nói chậm rãi:
- Mình ơi! Tôi về với ông đây!
Và bà nằm xuống chiếu, nhắm mắt đi xuôi...
*
Lễ nhập quan đã xong. Bà Sáu nói với Tuân:
- Cháu đi thi đi. Mẹ cháu ở đây bác lo liệu
- Còn cháu và bổn phận? - Tuân vừa nói, vừa khóc thút thít.
- Không sao - bà Sáu gượng cười, đáp - mẹ sẽ chờ cháu trở về. Thi tốt nhé con trai.
Bà Sáu không có chồng. Đây là lần đầu tiên tiếng "con trai" từ lòng bà được cất lên. Cái tình người lớn lao tới mức nó sẵn sàng thế thân cho người mình yêu quý. Để rồi thằng Tuân nhận được hơi ấm mà trước khi thi, và cả sau này, nó đã vĩnh viễn không còn từ người mẹ kính mến.
- Vâng ạ - Tuân đáp gọn lỏn - con cám ơn... mẹ.
Hai người ôm nhau thắm thiết. Hàng lệ rơi.
*
Thằng Tiên, bạn của Tuân, đợi bạn ở  cổng trường thi. Nó hỏi:
- Chuẩn bị gì chưa Tuân? Mà sao đầu mày quấn khăn trắng.
- Đó là khăn tang - Tuân chậm rãi đáp - mẹ tao mới mất.
- Thôi tao xin chia buồn với mày - lời Tiên trầm xuống - nhưng con người ta sống có số mệnh. Ai cũng sẽ chết. Tao với mày cũng thế. Đừng quá buồn vì điều đó.
Yên một lúc, Tiên vỗ vai Tuân:
- Ngẩng đầu lên
- Rồi
- Trời có xanh không?
- Có
- Nắng có vàng không?
- Có
- Mây có trắng không?
- Có
Thằng Tuân không tỏ vẻ khó hiểu trước những câu hỏi như thế của thằng bạn. Nó biết, đằng sau những câu hỏi tưởng chừng ngớ ngẩn ấy, thằng bằng hữu của nó gửi gắm những triết lý sâu sắc.
- Trước hết gỡ khăn tang ra đi - Tiên nói, Tuân làm liền - Trời xanh, nắng vàng, mây trắng. Kiểu gì đi nữa thì cuộc đời cũng đẹp mà!
Tiên nói tiếp:
- Hãy nghĩ trong những đám mây ấy, mẹ mày dõi theo mày. Lúc ấy, mẹ mày đã thành một thiên sứ, có phép màu để mang màu sắc, ánh sáng, hơi ấm cho cuộc đời con. Như thế là mày vẫn tìm thấy hình bóng của người mẹ thương con, nâng bước cho con mà.
Tuân bắt đầu nở nụ cười
- Vì vậy, đây sẽ là kì thi trả hiếu. Hãy trả lại những gì tương xứng với kì vọng của mẹ trên ấy. Hãy trả lại những gì xứng với niềm tin của mẹ.
Ngập ngừng một lát, Tiên nói to:
- Tao tin mày!
Hai thằng ôm nhau.
Nhờ bà Sáu, Tuân mới nhận ra lòng mẹ luôn dõi theo mình. Bà Sáu thương mình như con ruột. Bà Sáu mang lòng mẹ xuống trần gian từ cõi Niết bàn xa xôi.
Nhờ thằng bạn thân, Tuân mới hiểu lòng mẹ còn đi theo nó, đi đến cuối chân trời, đi theo cả cuộc đời. Mẹ là tất cả. Còn tình yêu và niềm tin, nó sẽ tìm thấy mẹ ở khắp mọi nơi, không kể núi cao, sông rộng, biển cả.
Và từ đó, nó nhận ra: đây là KÌ THI TRẢ HIẾU
- Mẹ ơi, con sẽ thi tốt! - Tuân tự nhủ, như đang nhủ với mẹ
*
"Tùng! Tùng! Tùng!" Tiếng trống báo hiệu giờ thi chuẩn bị đến. Giám thị bắc loa nói:
- Các thí sinh nhanh chóng tập trung thành hàng theo số thứ tự của phòng thi...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #giadinh