Ghi chép thời sự dịch 2021: Những tháng ngày đen tối
🍕Thời sự dịch 2021
Dịch Vũ Hán (mà người ta quen gọi thành COVID-19) 2 năm qua đã tàn phá cả địa cầu, nhân loại chứ không riêng gì xứ ta. Đúng là “bức tranh vân cẩu, con người tang thương”. Nhà cháu chỉ ghi nhanh ghi vội những gì xảy ra trong bức vân cẩu ấy, biên chép thô thôi, không có ý trau chuốt gọt giũa, thậm chí gác cả những quy tắc ngữ pháp. Đưa chúng lên đây cho mọi người cùng đọc, nếu ai (nhà văn, nhà viết sử) có ý định sử dụng, nhà cháu cũng chẳng hẹp hòi gì. Lịch sử luôn là của chung.
Do ghi chép dài, mỗi lần nhà cháu chỉ đưa 1.000 chữ cho dễ đọc. Thời gian cũng có thể lộn xộn không theo trình tự, nhưng đảm bảo sự chân thật.
28.7
Chở người nhà đi tiêm vắc xin mũi 2, tiện thể ghé cửa hàng bán sản phẩm của Vifon trên đường Hải Thượng Lãn Ông quận 5 mua thùng mì gói. Chả mấy khi được ra đường. Nhà hết mì đã lâu nhưng công an dân phòng chặn chốt khắp nơi, không đi được. Nếu nói lý do đi mua mì, chúng đuổi về thẳng cánh, hàng thiết yếu hay không cũng kệ. Trước khi có dịch, thùng mì này trong siêu thị chỉ gần 80.000 đồng, giờ lên 125.000 đồng.
Về than thở, bà xã bảo cái gì chẳng lên. Cá điêu hồng mà cái Hương vẫn bán gần cửa nhà mình có 48 - 50 nghìn/ký, hôm 15.8 ở đường số 9 lên gấp ba, tới 150.000, tôm từ 100.000 lên 200.000, bó rau muống 15.000 lên 30.000, nải chuối vừa vừa 40.000, trứng vịt vỉ một chục hột 28.000 lên 45.000, quả dưa hấu, cái gì ăn được cũng gấp đôi. Trên tivi và báo chí vẫn nói hàng hóa bình ổn, giá cả ổn định.
Ông anh tôi đế thêm thuốc lá cũng tăng, trước dịch gói Con mèo Craven có 18 nghìn, giờ 23 nghìn, phải cai thôi. Ông bảo đời tao chứng kiến và trải qua 3 đại nạn: chiến tranh, cộng sản, đại dịch. Mấy thứ ngăn sông cấm chợ, bao cấp… trong đời chưa là cái đinh gì. Hai thứ chiến tranh và dịch đều có thể chấm dứt nhưng cộng sản thì không biết nó sẽ kéo tới bao giờ.
23.8
Sài Gòn bị giới nghiêm siết chặt hơn, cả ngày lẫn đêm. Than thở về dịch, ông em tôi ví von dịch cũng như cơn lũ quét, như trận lụt kéo dài. Khi hết lũ, khi nước rút đi thì lộ ra tất, phơi bày tất cả những thứ xưa nay bị che đậy, giấu diếm, kín đáo, không mấy ai biết. Tượng đất gặp nước phải rã thôi. Tôi hỏi mày nói ai, y bảo còn ai nữa, coi cái cách chống dịch lúng túng của đám lãnh đạo từ trung ương tới địa phương đủ biết họ tài giỏi đến mức nào
14.9
Tối 13.9 tivi phát sự họp trực tuyến của thủ tướng Chính với đám lãnh đạo tỉnh Kiên Giang. Tay bí thư quan đầu tỉnh ớ ra, lúng túng như gà mắc dây thun cổ họng, ngó hết đứa cấp dưới này lại đứa cấp dưới nọ để nhờ chúng nó nhắc, tay chân quờ quạng tìm văn bản hợp với câu hỏi của sếp trung ương. Coi mà chán ngán, chết cười.
Lão hàng xóm nhà tôi bảo không thể chỉ trách thằng bí thư Kiên Giang được. Đâu phải chỉ mình nó nói gì cũng phải dùng phao, không phao thì ú ớ ngậm hột thị. Đầy thằng to hơn nó, đi đâu, làm gì, nói chuyện với ai cũng cứ phải nhăm nhăm cuộn giấy do bọn trợ lý viết sẵn, ngay đến cả lời "chúc các đồng chí sức khỏe, chúc hội nghị thành công" cũng cắm đầu vào giấy đọc, có khác gì con heo cắm mõm vào máng cám.
Lỗi không phải ở thằng Kiên Giang mà chính là lỗi hệ thống, lỗi của những kẻ đã đưa dạng đó lên ghế cai trị. Đừng cười nó, hãy cười đám quyền thế trên nó mới đúng địa chỉ.
Dịch Vũ Hán càng ngày càng làm phát lộ những thứ đồi bại của cái bộ máy cai trị này.
15.9
Coi cái cách chống dịch của chính quyền, đọc những nhận xét từ dư luận xã hội, ông Triển bảo nói gì thì nói, nhà cầm quyền xứ này đã mất điểm, mất niềm tin trong dân nghiêm trọng tới mức nếu họ có đưa ra chủ trương tốt (điều động bộ đội giúp dân, đi chợ chẳng hạn), làm được điều tốt (xăng xái mua vắc xin) thì dân vẫn chê, vẫn không tin. Đã quá lâu, người dân bị chính quyền hành hạ đủ kiểu, lừa dối đủ cách nên họ cảm thấy không có thứ gì chính quyền thực hiện là hay ho hợp lý cả.
Nhà thơ Bùi Chí Vinh làm thơ thời sự về dịch, mỗi bài cứ vừa đưa lên đã có vài nghìn người đọc. Nhiều người còm (comment) theo, ai đời chống dịch, loay hoay đủ kiểu đủ cách mà càng chống, dịch càng nặng, kéo dài không biết đến bao giờ, số người mắc tăng, người chết tăng, cứ thế hơn nửa năm trời, ai mà chịu nổi.
Anh Nguyễn Khắc Nhượng ví von chính quyền chống dịch giống như thằng bờm vác tre ngang vào cổng, vướng víu thì phá cổng chứ không chịu xoay cây tre, ai góp ý thì bị nhắc nhở dọa để yên cho người ta làm, đừng có ý kiến ý cò, nếu giỏi sao không ra mà chỉ đạo. Cả họ nhà bờm, bờm, bố bờm, ông bờm xúm vào mắng, giống như tuyên giáo huy động cả bộ máy báo chí truyền thông bênh chính quyền thì còn ai dám nói. (còn tiếp)
Thông chép
🪢Ghi chép thời sự dịch 2021 (kỳ 2)
22.8
Trung ương quyết định điều động quân đội giúp Sài Gòn chống dịch. Ông Phan Văn Giang đại tướng bộ trưởng Quốc phòng tuyên bố phen này không thắng không về. Thủ tướng Phạm Minh Chính lên tivi kêu gọi vì miền Nam ruột thịt, cả nước hướng về miền Nam ruột thịt. Như không khí chiến tranh. Ông anh vợ tôi bảo nghe mấy ổng nói cứ ghê ghê, nhất là mấy câu vì miền Nam ruột thịt, gợi một thời muốn quên đi. Vì một lần đã đủ khổ tới giờ, nay lại vì nữa thì biết chạy đi đâu.
Nhớ hôm trước, ngồi với nhau, thằng Tân hát mấy câu trong bài “Đời chưa hết giặc là ta chưa về” của nhạc sĩ Huy Du, rằng “Thế quyết giữ trọn tình đất nước, anh em ta ơi. Ngày mai sẽ được cả đất nước, anh em ta ơi”, nó bảo hóa ra mấy ổng tham thật, quá bằng đi xâm lược, chiếm đất của người ta.
15.8
Một người đàn ông 49 tuổi ở quận Gò Vấp đi tiêm vắc xin. Lớ ngớ thế nào, chỉ trong hơn 1 phút ông ta chịu chích liền 2 mũi. Đúng là chuyện cười không nổi, chỉ có thể xảy ra trong thời dịch. Người thì cười chê đương sự, đã đi tiêm ít nhất cũng phải biết mình cần làm gì, như thế nào; người thì chê trách nhà chức việc, trước khi tiêm cho con người ta ít nhất cũng phải hỏi han vài ba câu, ai lại đè sấn ra tiêm như tiêm cho cây chuối, ẩu quá trời ẩu. Cười nhất là ông giám đốc trung tâm y tế quận giải thích không sao đâu, có 2 mũi mà ăn nhằm gì. Hóa ra hôm ấy chích vắc xin Trung Quốc, họ chỉ cốt cho nhanh, tính mạng dân mặc kệ.
30.8
Báo Thanh Niên đăng lời ngỏ tạm biệt bạn đọc, hẹn chia tay tới ngày 15.9, phải đình bản báo in bởi chịu không nổi. Tú gọi điện cho biết đã có người bị nhiễm cô vít, thậm chí có người chết bởi dịch. Và điều quan trọng là lúc này không bán được cho ai, hệ thống phát hành tê liệt. Ra báo in ngày nào lỗ ngày ấy, bình quân mỗi ngày lỗ khoảng 40 triệu, chịu không thấu.
Báo Nhân Dân thông báo tổ chức phát báo miễn phí cho nhân dân vùng dịch, nhất là những nơi bị phong tỏa, như họ nói, là để khơi dậy sức mạnh tinh thần cho dân thắng dịch. Trường chính trị ở Bến Tre ngày 30.7 còn có bài “Vận dụng sáng tạo phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lê Nin trong phòng chống dịch”. Ông Đỗ Hồng Quân tổng thư ký Hội Nhạc sĩ VN lâu nay không thấy nói năng gì, vừa kêu gọi thắng dịch bằng sức mạnh âm nhạc, lấy âm nhạc làm vũ khí (đăng trên báo Nhân Dân). Ông Mãi vừa về Sài Gòn nhậm chức liền phát động thi đua toàn thành phố, phát huy sức mạnh tinh thần toàn dân chống dịch…
Thầy Quang cười bảo xứ này chống dịch bằng đủ các kiểu chứ không bằng khoa học nên dịch nó không giảm là phải rồi.
31.8
Lão bạn tôi, nhà nghiên cứu Hán Nôm Cao Tự Thanh gọi hỏi, mày có biết tại sao chúng nó thích dùng từ ngữ, hình ảnh chiến tranh, như chiến dịch, tấn công, ra quân, chiến sĩ, pháo đài, quyết thắng, thu dung, dã chiến… để phòng chống dịch không. Y giải thích, bởi chúng nó chỉ biết đánh nhau, thạo nghề đánh nhau, quen việc đánh nhau, giỏi đánh nhau, chứ đéo biết làm việc gì khác. Ngôn ngữ chiến tranh ám chặt vào đầu chúng nó rồi.
3.9
Báo mậu dịch, cả trên tivi nữa, đăng chuyện ở xã Hoằng Thái huyện Hoằng Hóa xứ Thanh, chính quyền sợ dịch lây lan nên đã cử người đi từng nhà khóa chặt cổng nhốt tất cả bà con trong nhà, tổng cộng 278 hộ thành pháo đài, lý do là để quản lý giám sát chặt chẽ, không cho vi rút lan truyền… Còn ở huyện Diễn Châu xứ Nghệ, một cô gái được xác định F1 nhưng không muốn đi tập trung, đề nghị được cách ly tại nhà như ở Sài Gòn người ta đang áp dụng. Chính quyền nhất khoát không chịu. Cô trốn trong nhà, khóa chặt phòng. Nhà chức việc cử người đến phá cửa, giống như phá thành trong truyện Tam quốc. Cô nàng bí quá liền cởi quần áo cho thân thể lõa lồ, chắc nghĩ đến mức thế thì người ta e ngại mà tha cho, ai dè họ xông vào khênh tuốt ra ngoài đem đi.
Hàng trăm F0 tại một bệnh viện dã chiến ở Bình Dương bị đói quá liền phá rào, vượt rào tràn sang khu bị nhẹ bên cạnh để giật đồ ăn sáng. Chính quyền phải huy động bộ đội, công an, cả cảnh sát cơ động đến dẹp, lập lại trật tự.
4.9
Cô Nguyễn Thùy Dương, người từng nổi tiếng trong vụ ném dép vào bà hồng phúc Nguyễn Thị Quyết Tâm trong vụ Thủ Thiêm, vừa bị công an phạt 5 triệu đồng về “tội” đăng video sai sự thật. Cô Dương đi làm từ thiện, trao gạo cá rau cho những nhà thiếu đói nhưng nhà chức việc lấy lý do giãn cách không cho đi. Cô Dương quay vieo chuyện này, phê phán chính quyền bỏ dân đói, không cho dân khu bị phong tỏa nhận đồ cứu trợ, rồi phát. Cô lên FB kể lại rằng nghe thông báo phạt xong, cô bảo phạt thì phạt nhưng mình không sai. (còn tiếp)
〽️Ghi chép thời sự dịch 2021 (kỳ 3)
3.9
Ông Lưu Bình Nhưỡng đại biểu quốc hội, nhân vụ cả nước, nhất là ở Hà Nội và Sài Gòn nhà chức việc vẽ ra đủ thứ giấy tờ, quy định, app này app nọ hành dân, ông lên tivi nói chỉ có mỗi cái giấy đi đường mà cứ lúng ta lúng túng, hết công an hành tới chính quyền hành, nay đòi thế này, mai đòi thế khác, chỉ khổ dân. Ông Nhưỡng bảo rõ ràng Hà Nội đã không rút được bài học kinh nghiệm qua 2 lần dịch trước, cứ gây phiền hà cho dân. Ông ví dụ, đã có căn cước công dân gắn chip rồi, quản lý hiện đại 4.0 rồi, sao lại còn đòi giấy đi đường.
Cũng cái vụ hành dân đó, bác Nguyễn Thiện cho rằng nhà nước thực hiện bí quyết để người dân không dám ra đường là tạo ra ma trận, bày thật nhiều giấy tờ, thủ tục rắc rối khiến cho họ ngán ngẩm, chán chường, tặc lưỡi thà ở nhà cho rồi, dù biết rằng ở nhà thì đói, bệnh tật, căng thẳng, có khi phát điên.
5.9
Nhà thơ Đỗ Trung Quân, ông la hán gầy nổi tiếng với quê hương là chùm khế ngọt, than thở “3 tháng bị phong tỏa, cứ 16 + mãi thế này, không phải lockdown thì là cái của nợ gì hở trời”.
Chính phủ và Bộ dục quyết khai trường mặc dù dịch đang cực kỳ căng thẳng, chưa tới đỉnh, người nhiễm và người chết mỗi ngày một nhiều. Họ tuyên bố nơi nào có dịch thì tổ chức học trực tuyến. Cứ vào năm học mới, không oong đơ gì sất.
Báo Thanh Niên có bài điều tra, thống kê trong tổng số gần 700.000 học sinh trung học thì có khoảng 17.000 em không có thiết bị, máy móc tối thiểu để học trực tuyến, nhà không có đường truyền internet, hơn 5.000 em tuy có điện thoại thông minh nhưng nhà không có wifi, chưa đăng ký mạng. Trong tổng số 647.253 học sinh tiểu học thì có tới 53.349 em gia cảnh rất khó khăn, không đủ điều kiện để học trực tuyến, trong số này có 19.669 em nhà rất nghèo, cha mẹ anh chị chạy ăn từng bữa, đến cái điện thoại rẻ tiền của Trung Quốc để học trực tuyến cũng không sắm được, 3.633 em gia đình không có đường truyền internet, 11.186 em nếu có cố học trực tuyến thì cũng chỉ một mình, không có ai hỗ trợ bởi người lớn phải đi làm kiếm sống…
Báo Tin Tức của TTXVN đăng bài “Tận cùng của sự thâm độc” lên án gay gắt những người mà tác giả bài báo cho rằng đã cố tình xúc phạm, dám đưa cả hình ảnh bộ đội giúp dân chống dịch ra đùa cợt. Bài báo yêu cầu chính phủ, công an phải có biện pháp mạnh trừng trị, phạt thật nặng, thậm chí khởi tố truy tố việc chống lại chủ trương chính sách của nhà nước, bôi xấu hình ảnh bộ đội cụ Hồ. Giọng điệu trong bài hệt như mấy chục năm trước, không khác gì thời cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, nội chiến.
10.9
Cao Tự Thanh gọi điện hỏi thăm, mày đã được tiêm vắc xin chưa. Mình thưa với hàn nho, rồi. Loại gì? Già nên được mũi Moderna. Mình nhại bài “Nữ dân quân miền biển” của nhạc sĩ Văn Lưu thời chống Mỹ hát cho y nghe “Chúng ta đây là nữ dân chài/Tuổi chúng ta vừa tròn đôi mươi” thành “Chúng ta nay tuổi đã cao rồi/Chích vắc xin chỉ thích mô đẹc na”. Y bảo thế thì được, mày nhớ nói với vợ con mày, không tiêm thì thôi, còn đã tiêm thì chớ có tiêm vắc xin tàu. Những Sino.pharm, Sino.vax, Ve.ro Cell vê rô xiếc, đám nhập về chúng ca ngợi thế nào mặc mẹ chúng, mình đéo chích. Đù mẹ chúng nó, tao cả đời nghiên cứu về tụi T.àu, tao biết. Xét về sự giỏi và độ mưu mẹo thâm hiểm nham hiểm thì thằng T.àu nhất thế giới, ai dám đảm bảo vắc xin mà nó "ưu tiên" cho dân mình, nếu chích vào sẽ không bị vô sinh, tịt đường sinh đẻ, có khi hậu quả phải sau vài chục năm mới biết.
15.9
Ông em rể tôi điện hỏi dịch ra sao rồi anh, hết cấm đoán chưa, tôi bảo chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm, có khi họ còn kéo dài tới cuối tháng. Y nói chống dịch bằng quyết tâm chính trị và vũ lực (ngăn cản, cấm đoán, hàng rào dây thép gai, bộ đội, công an), hạn chế quyền sống của dân một cách duy ý chí… thì không thể nào có kết quả tốt được. Cai trị dân cũng vậy, cứ chủ trương đè nén bằng vụ lực, chuyên chính vô sản, nuôi dưỡng bộ máy cảnh sát công an để đối phó dân thì sớm muộn cũng hỏng, xây lâu đài trên cát.
-Thằng cháu gần nhà tôi sửa điện lạnh nhận được điện thoại của khách hàng nhờ tới sửa cái tủ lạnh đang yên đang lành lăn đùng ra hỏng, hỏng lúc này bằng giết người, họ bảo vậy. Nó đi một lúc thì về, than quá nhiều chốt chặn, họ không cho đi, xua tay đuổi về, không có lý do chính đáng. Nó kể một thôi một hồi bực tức, xong hỏi, cháu hỏi bác, sau này hết dịch thì người ta làm gì với đống hàng rào dây thép gai khổng lồ ấy, cả thành phố này chắc phải vài chục ngàn chiếc. Ông bố nó ngồi gần đó nghe được, thủng thẳng bảo mày trẻ người non dạ không biết đấy thôi, tao sống gần hết đời ở đất Sài Gòn này từ ngày “giải phóng” tới nay, gần nửa thế kỷ rồi, từ khi chưa đẻ mày, tao biết họ quá rõ. Họ thiếu thứ gì chứ thứ ấy không bao giờ thiếu, có khi còn chưa dùng hết. Họ hiểu người Sài Gòn quá mà. (còn tiếp)
Thông chép
🥑Ghi chép thời sự dịch 2021 (kỳ 4)
5.6
Về tiêm vắc xin, thủ tướng Chính luôn khẳng định “Vắc xin tốt nhất là vắc xin tiêm sớm nhất”. Trên mạng xã hội lan truyền câu nhại bài vè từng nổi tiếng thời bao cấp, giờ có nội dung về vắc xin:
Phai dờ là của vua quan
Mô đe là của trung gian quần thần
Át tra cho đám thương nhân
Si nô chỉ của nhân dân anh hùng
(Phai dờ - Pfizer, Mô đe - Moderna, Át tra - AstraZeneca, 3 loại này của Tây; Si nô - Sinopharm, Sinovax, Vero Cell là của T-àu).
Ông hàng xóm nhà tôi cười bảo ông Chính nói đúng đấy, xứ này ai được tiêm vắc xin sớm nhất trước nhất, trung ương chứ ai, mà khi đó chưa có hàng tàu.
6.6
Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có báo cáo trình chính phủ, than thở nhiều tỉnh thành, nhất là các tỉnh phía nam, thực hiện chủ trương của chính phủ, cụ thể là chỉ thị 16, chỉ tập trung vào mục tiêu chống dịch mà không chịu “mục tiêu kép” nên sản xuất bị ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng. Theo VASEP kêu cứu, nếu cứ tiếp tục giãn cách kiểu này đến cuối tháng thì nguy cơ phá sản của doanh nghiệp rất cao, không thể nào phục hồi được.
15.6
Hữu Phú, tay viết xuất sắc một thời của báo Thanh Niên giờ về nằm bẹp nhà tại Thủ Đức, nhắn tin anh ơi, sống qua được cơn dịch này khó quá, nhưng nếu dịch tan, có gượng dậy được sau dịch sống càng khó hơn bởi hết sức lực rồi. Y than chống dịch kiểu gì mà cứ rối tinh rối mù, biết là không hiệu quả mà cứ kéo dài, họ kéo đến bao giờ.
Ông bạn Phạm Hùng cựu chiến binh bên quận 8, chơi với mình từ năm 1977, viết trên phây búc: Đêm nào cũng nghe còi xe cấp cứu inh ỏi không dứt. Các bố chống dịch kiểu này, chỉ chết dân.
25.6
Thằng con tôi thất nghiệp nằm nhà mãi cũng phát… khùng, liều xách xe chạy ra đường. Nó mượn được cái giấy của đứa bạn là shipper nên qua được chốt. Về, nó kể đường sá vắng tanh vắng ngắt, như thành phố chết, như sau trận bom nhiệt hạch, tức là nhà cửa vẫn còn nhưng không còn người, vắng tiệt. Nó còn kể thằng bạn nó nói, lúc này mấy ông bà tam tứ trụ lo nhất, ngộ nhỡ lăn ra chết thì khó tổ chức quốc tang, vi phạm giãn cách dân chửi cho ủng mả.
Hồi Sài Gòn mới bị giãn cách theo chỉ thị 16 (từ hôm 31.5), nhiều người, nhất là cánh phóng viên, hăm hở chụp ảnh đường phố vắng vẻ, coi như như một sự lạ, hiếm có. Trên một tờ báo điện tử rút cái tít rõ to “Phố phường vắng vẻ thanh bình”. Lão hàng xóm nhà tôi chửi thanh bình cái mả cha nhà chúng nó. Tới nay lockdown đã gần 1 tháng, chắc chán rồi, không còn thấy ai khoe cảnh phố vắng nữa.
27.6
Bác Nguyễn Khắc Nhượng dặn, cứ nhớ giữ lại mấy cái giấy chính quyền cho phép đi chợ đi siêu thị theo ngày nhất định, giấy được ra đường từ ngày nào tới ngày nào, giấy được phép đi cắt cỏ cho trâu bò…, giữ tất tật những thứ giấy mà người ta cấp cho lúc này. Đó là loại vật chứng lịch sử, sau này quý lắm. Cũng giống như chiếc biển số xe đạp, sổ/tem mua lương thực, giấy cho phép nghe đài radio… ngày xưa vậy, giờ có mấy ai còn.
30.6
Một cô lên phây búc khoe nhờ ông ngoại can thiệp nên được chen ngang vào bệnh viện Việt Xô tiêm vắc xin xịn Pfizer. Thế là um cả lên. Ông giám đốc Việt Xô trần tình, thừa nhận có chuyện đó nhưng giải thích loanh quanh. Mấy hôm sau, có lẽ nhà chức việc đã bàn tính kỹ lắm về cách xử lý, quyết định lôi cô kia ra phạt 15 triệu đồng về tội… dựng chuyện. Thế là xong, im vụ ưu tiên vắc xin xịn. Nghe nói nhà cổ giàu lắm, 15 triệu phạt như cái móng tay, chuyện nhỏ. Mà chả biết có phạt thật không, hay chỉ vống lên thế thôi để dân im mồm. Chị Nguyễn Thị Bích Hậu chưa được tiêm cứ tiếc rẻ không có ông quại (ngoại)
18.8
Báo Pháp luật TP.HCM dẫn lời một công dân, anh Lê Hoàng Ân quê Vĩnh Long, lên Sài Gòn làm thuê kiếm ăn, bị phong tỏa giãn cách nên mất việc, đói, hết tiền, muốn về quê nương náu qua ngày nhưng không về được, chịu cảnh sống dở chết dở nơi nhà trọ. Chủ trọ thương tình không lấy tiền thuê nhà nhưng anh Ân đã hết tiền để ăn. Mì gói cũng hết. Anh than thở: “Nói thật, đến mức này, có thể dịch bệnh sẽ không làm tôi chết mà tôi sẽ chết bởi khốn khó và bị stress. Xin chính phủ làm ơn cho tôi được về quê. Tôi khổ quá, stress quá rồi, trụ không nổi”.
20.8
Nhiều tờ báo săn được gương người tốt việc tốt, điển hình trong chống dịch, hai nữ lãnh đạo cấp quận huyện. Đó là cô bí thứ quận 6 Lê Thị Hờ Rin và cô chủ tịch huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền. Sao lại khen? Cứ như các báo, thì hai cô trẻ này đã sáng tạo, bản lĩnh, đặc biệt dám xé rào để có biện pháp chống dịch hiệu quả tại vùng mình trị nhậm, nên dân chấp hành mà vẫn dễ thở, dịch ít lây lan. Ông anh tôi bảo nếu khen các cô ấy thì cũng cần phải lôi cổ mấy đứa dựng “rào” ra chửi. Ổng càu nhàu làm ăn, chỉ đạo chó gì mà dở tới mức người ta phải xé rào để được khen về cái sự xé ấy. Giống như thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ, ngăn cản cấm đoán làm ăn buôn bán, bị dân chửi, sau vội thay đổi lại tự nhận có công đổi mới.
29.8
Một ông ở quận 7 chở vợ đến siêu thị mua sữa cho con bị bảo vệ chặn lại không cho vào bởi siêu thị đang thực hiện giãn cách, không bán trực tiếp. Ông làm um lên, xưng là thành viên ban chỉ đạo chống dịch của quận, xô xát với cả nhân viên bảo vệ. (còn tiếp)
Thông chép
🈹️Ghi chép thời sự dịch 2021 (kỳ 5)
16.9
Trên mạng xã hội lùm xùm vụ nhà sư Thích Nhật Từ trụ trì chùa Giác Ngộ quận 10 Sài Gòn tổ chức lễ cầu nguyện để vắc xin NanoCovax do VN sản xuất được duyệt, được đưa vào lưu hành. Nhiều người cười bảo vắc xin thì phải căn cứ vào cơ sở khoa học chứ sao lại lôi thần phật vào đây. Có người nói chắc mấy ông sư dạo này hết việc, dân chúng thì đói ăn không có tiền cúng dường nuôi các ổng; lại có người nghi hay đám thầy chùa ăn tiền của doanh nghiệp... Nhà báo Ngọc Vinh (Vinh Râu) viết cái tút về vụ này liền bị FB chặn ngay tút suỵt, nó nói do thầy Nhật Từ yêu cầu. Ông em họ tôi nhận xét phật phiếc giờ cũng lắm chuyện phết. Tôi mắng nó, mày không được đụng đến phật, nhưng nếu mày nói sư siếc thì được. Sư quốc doanh một khi đã chủ trương “đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội” để tu hành thì chỉ thế thôi.
19.9
Ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xảy ra chuyện hiếm. Ông Nguyễn Bá Hùng Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Long Điền làm đơn xin nghỉ việc. Lý do “trong suốt thời gian qua, mặc dù bản thân đã có nhiều cố gắng nỗ lực, xuyên suốt trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch nhưng bản thân tôi nhìn nhận vẫn còn những thiếu sót trong chỉ đạo, điều hành, vẫn để xảy ra tình trạng chưa nghiêm trong thực hiện chỉ thị 16… nên tôi xin nghỉ”. Dư luận nhận xét dạng cán bộ biết liêm sỉ, tự trọng như ông ta hơi bị hiếm. Vài ngày sau, báo đăng lại đi làm. Châng hẩng. Thằng con tôi bảo cỡ đó xách dép cho ông Đoàn Ngọc Hải ở Sài Gòn, nói nghỉ là nghỉ, không oong đơ lằng nhằng.
Cũng ở tỉnh ven biển này, chính quyền chống dịch máy móc tới mức cấm cả ngư dân ra biển đánh bắt cá. Họ quy định chỉ giải quyết theo ngày chẵn hoặc ngày lẻ, ai đi ngày chẵn thì nghỉ ngày lẻ, ai đi lẻ thì nghỉ chẵn. Dân kéo nhau ra bến phản đối, thắc mắc rằng ngoài biển khơi làm gì có cô vít mà cấm, biển khơi mênh mông vi rút nào sống được… Trên mạng FB, một bác tên Nguyễn Văn Dũng sau khi đọc cái quy định của nhà chức việc liền chốt: Điên mẹ nó cả lũ rồi. Nhà báo Hoàng Hải Vân bình: Chính quyền chỉ coi biển bằng cái mẹt, thì rồi dân sẽ coi chính phủ chỉ bằng cái vung.
Bọ Lập (nhà văn Nguyễn Quang Lập) chịu không nổi, lên FB than thở: Tui bị bệnh nặng, con gái (từ nội thành) gửi thuốc lên Củ Chi cho tui, shipper lên đến Tân Quy thì bị công an bộ đội dân phòng chặn lại. Họ bảo “hàng này không phải hàng thiết yếu”, giời ơi là giời.
Nói đâu xa, chính tôi cũng bị họ hành, hôm hết tiền ra cái cây ATM ở Bình Đăng cách nhà hơn cây số rút lương hưu. Đi thì trót lọt, họ chốt trên quốc lộ 50 vẫy tay cho qua, rút được. Về, tới chốt cũng chỗ ấy nhưng phía bên kia đường, một ông công an dứt khoát chặn, bắt phải quay lại, trong khi nhà tôi chỉ còn cách đó vài trăm mét. Định nói anh không cho về thì tôi cứ lì ra đây, đéo đi nữa. Lát sau có anh bộ đội tới bảo thôi chú đi đi. Cùng là “nhân dân” nhưng các anh quân đội nhân dân hình như thương dân hơn. Gặp mấy ông còn đảng còn mình đến là khổ.
20.9
Thầy Hải Triều, cựu chiến binh 6971 (nhập ngũ ngày 6.9.1971), cựu giảng viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cám cảnh chuyện học trực tuyến:
Trực tiếp còn chẳng ăn ai
Nữa là trực tuyến on lai (online) ở nhà.
Bà bạn tôi Nguyễn Minh Huệ bảo mày ạ, tao không biết chúng nó nghĩ thế nào. Chúng thích online là đè con người ta ra bắt học, chắc cho rằng có gì là khó. Chúng đâu biết rằng muốn học 4.0 như thế thì trước hết phải đủ hạ tầng, có máy móc, internet, đường truyền, wifi, đã đăng ký thuê bao mạng miếc… Sống ở thành phố thì tạm cho được đi, nhưng nông thôn nghèo thấy mẹ, nhà có đứa con đi học, ăn chả đủ, tiền đâu mua máy tính, laptop, trả thuê bao internet. Ra chuồng trâu học nhờ mạng nhà hàng xóm chắc, học bằng điện thoại Oppo Tàu chắc. Rồi còn bọn oắt con tiểu học, khi học ở trường, ông bà bố mẹ và thầy cô giáo kèm như kèm tân binh vẫn chửa ăn ai, huống hồ để chúng ngồi một mình với máy. Tôi trả lời, thưa bà, kiểu gì thì không biết, chứ học on lai cầm chắc thất bại ở xứ mình lúc này. Rồi bà xem.
Hôm qua báo đăng có vụ tai nạn học online đầu tiên, ở Hà Nội. Hai bố con đang học, bố bận tí việc đi ra ngoài, con (9 tuổi) rảnh liền lấy chiếc kéo chọc vào ổ điện, bị điện giật chết, thương quá. (còn tiếp)
Thông chép
🍖Ghi chép thời sự dịch 2021 (kỳ 6)
4.9
Một tờ báo nước Bỉ, tờ Metrotime ngày 3.9 nhận xét Hà Nội trong cơn dịch Covid là cái nhà tù. Nó giật tít “Hà Nội như cái nhà tù lộ thiên” khi phản ánh về chuyện ngăn cản, cấm đoán đi lại, chặn đường lập chốt, xét hỏi giấy tờ, yêu cầu “ai ở đâu thì ở đó”… Truyền thông báo chí mậu dịch lên tiếng phản đối báo Bỉ. Nhà báo Ngô Bá Nha (Ben Ngo) viết rằng báo Bỉ nói đúng sự thực đã không tiếp thụ lại còn tự ái. Nhưng nhiều người bảo họ tự ái cũng có lý của họ. Lâu nay được ca ngợi, tự tôn vinh là thành phố hòa bình, điểm sáng, nơi đáng sống, mặt trời tỏa sáng rực rỡ, nay có đứa sổ toẹt như thế thì dỗi là phải. Chả ai, nhất là chính quyền, muốn Hà Nội bị chê là nhà tù, dù sự thực nó giống như nhà tù trong cơn đại dịch.
11.9
Trên trang thông tin điện tử của Hội đồng lý luận trung ương, ông Tạ Ngọc Tấn giáo sư tiến sĩ, Phó chủ tịch hội đồng có bài "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”, trong đó ông giáo sư Tấn ca ngợi: “như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích, những cuộc khủng hoảng tài chính, năng lượng, sự khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, những phong trào phản kháng của quần chúng nhân dân bùng nổ mạnh mẽ ở Mỹ và các nước phương Tây như phong trào “99 chống 1”... đã chứng tỏ bản chất của chế độ TBCN là chế độ thống trị của số ít giàu có và những thứ tự do, dân chủ mà họ vẫn rêu rao vẫn chỉ là lớp son phấn che phủ cho thực chất chuyên chế của những tập đoàn tư bản độc quyền”. Coi xong, ông hàng xóm nhà tôi cười chua chát, buông câu gọn lỏn “đến khổ với mấy bố lý luận”. Hỏi sao khổ, ông nói giờ mà vẫn công thức “son phấn che phủ”, khác gì lâu nay các bố tiền bối vẫn chê tư bản giãy chết, phồn vinh giả tạo, dân chủ giả hiệu, dùng suốt bao năm để lừa mị.
20.9
Nhà báo Nguyễn Đức Liên viết: “Trong hành trình thiện nguyện, rất hiếm gặp các quan địa phương sát dân, giúp dân, trên TV chỉ thấy các quan này xuất hiện khi có quan trên bất thình lình ghé cơ sở gặp dân. Do đó, nơi này nơi nọ xảy ra những chuyện thiếu thực tế, chỉ biết ban hành văn bản, mệnh lệnh, gây khổ cho dân là do nhiều quan không "lấy dân làm gốc", không trọng dân. Chuyện cũ, nhưng phải lên tiếng cho bà con "thấp cổ bé họng" không biết nói ở đâu và quan nào có chịu nghe. Thú thiệt, tôi dễ dị ứng các buổi họp báo gần đây ở trung tâm báo chí, hoàn toàn mất thiện cảm với các vị, dù có vị từng là bạn bè, và tôi từng bắt tay. Giờ thì xa nhau càng tốt!”
Anh Hồ Hữu Hung (Hùng, hoặc Hưng) còm trên tường nhà Đức Liên: “đại dịch covid đã làm dân mình gần nhau, yêu thương nhau hơn qua sự san sẻ ấm áp nghĩa tình. Đồng thời, ngược lại, nó làm cho đầy tớ và nhân dân - những chủ nhân đích thực của đất nước, ngày càng xa nhau hơn”.
20.9
Sáng nay lại phải ra đường, buộc phải ra bởi chở người nhà đi chích mũi 2. Bệnh viện đông quá nên không thể chờ, tranh thủ về còn làm việc khác, sẽ quay lại đón sau. Lúc về một mình qua chốt công an dứt khoát không cho qua bởi không có giấy cho phép đi đường (khổ, chở người đi tiêm thì lấy đâu ra giấy phép), nói mấy cũng không thủng. Đành phải lộn về bệnh viện ngồi chờ tới tận trưa. Một mình chịu cảnh này thì không sao, nhưng lẩn thẩn nghĩ hàng triệu người mà chịu lại thành vấn đề. Nói thật, nếu kéo dài thêm tháng nữa, thì sẽ loạn. Sức chịu đựng, sự cam chịu của con người cũng có giới hạn.
Người ta đang lan truyền nhau bài hát chế:
Test test test test nữa rồi
Test test test test nữa rồi
Test nữa cho ngu cả người.
Mừng hội test trên khắp quê tôi
Mùa covi bay khắp muôn nơi
Toàn dân ta đi ngoáy mũi
Chọc cho sâu đau chết cha.
Một lần test toi mất 3 trăm
Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam
Giờ đi đâu ai cũng test
Dù đi chơi hay đi làm...
21.9
Trên mạng xã hội có bức tranh hai ông bệ vệ, nhìn là biết ngay quan lớn, đang ngồi ăn tiệc và trò chuyện với nhau. Một ông bảo ông kia, này ông ạ, nhân dân ta còn quá đói khổ, có lẽ chúng mình cũng nên mỗi tuần ăn cháo một bữa để gần gũi, chia sẻ với quần chúng. Ông kia nhất trí nhưng hỏi lại, thế mình ăn cháo yến sào hay cháo bào ngư.
BS Phan Xuân Trung viết “Mọi thứ đang diễn ra từ sự sợ hãi và mất định hướng của chính quyền. Họ, những người đang nắm quyền điều khiển xã hội, không có kiến thức về dịch tễ học, về bệnh truyền nhiễm nên cũng hoang mang về covid như dân chúng. Họ đã phản ứng loạn xạ như người không biết bơi bị té xuống nước. Cho đến nay, khi đỉnh dịch đã đi qua, khi việc lây nhiễm và tử vong đang giảm dần, họ vẫn chưa hết khiếp đảm, chưa bình tĩnh để nhận định tình hình. Những kế hoạch phục hồi hoạt động xã hội bị vẽ vời thẻ xanh thẻ vàng trong khi số liệu tiêm chủng, số liệu mắc bệnh, chữa khỏi thì nát hơn giẻ rách. Chống dịch dựa vào "công nghệ" với trăm cái app, chục cái website nhưng số liệu thì lộn tùng phèo. Vậy thì căn cứ vào đâu để xanh với vàng? Chờ cho ổn định số liệu hả? Có chuyện đó nữa hả? Lò thiêu vẫn tiếp tục ăn nên làm ra dưới sự nhảy múa của ma quỷ”. (còn tiếp)
Thông chép
Ảnh: Cảnh này, thời bao cấp phải tôn bằng cụ (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)
🌿Ghi chép thời sự dịch 2021 (kỳ 7)
30.8
Chỗ nào cũng chốt chặn, nơi nào cũng công an dân phòng. Chính phủ yêu cầu, thực ra là ban lệnh, “ai ở đâu ở yên đó”. Đứa cháu bên hàng xóm sáng nay khoe mới lẻn ra được chỗ bán rau chui ở đường số 9 gần đó, họ bán trong nhà thấy dân phòng công an đi tuần thì đóng cửa lại, mua vội được mấy bó rau muống, bí xanh, bầu, mướp, hành…, nó bảo có thể trụ thêm được tuần nữa. Hỏi chỗ ấy có bán thịt bán cá không, nó gật nhưng thè lưỡi, thịt ba rọi 270 nghìn/ký, thèm mấy cũng chịu, không tiền nào đu nổi. Tôi cười bảo mày lên tivi, hay tới tòa soạn báo SGGP, báo Nhân Dân mà mua, đầy mà lại rẻ.
Bà bạn Bùi Lan Hoa ngoài Hà Nội viết giờ chỉ ngóng chờ hết dịch, chả để làm gì, chỉ để ra phố ăn bát phở.
5.9
Nhà báo Huy Đức thuật lại ở Hà Nội có chuyện rất thương tâm. Một thanh niên tên Nguyễn Huy Dũng sống tại Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì bị đau ruột thừa nhưng không thể đưa đi cấp cứu bởi khu anh ở bị phong tỏa chặt. Gia đình gọi điện cho chính quyền và những lực lượng liên quan nhưng không ai giải quyết. Sau 3 ngày, đau quá rồi, người nhà quyết định khiêng anh qua chốt rồi gọi xe cấp cứu nhưng không kịp, anh đã chết ngay trên đường trước khi tới bệnh viện.
5.9
Hôm nay, nhà văn đại thụ Nguyên Ngọc tròn 90 tuổi. Ông về náu ở xứ Quảng nhưng vẫn là người của cả nước. Ông chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc vẫn nhớ bậc đàn anh và gửi lời mừng. TS Mạc Văn Trang nhận xét: Một điểm son cho ông Phúc.
Nhà văn Nguyễn Thành Phong viết: Ở phần sau trong cuộc đời mình, Nguyên Ngọc và những trí thức cùng chí hướng với ông đã thất bại, một phần do các ông và những nhà chính trị ủng hộ các ông (chắc anh Phong định nhắc tới ông Trần Độ, ông Nguyễn Văn Hạnh, ông Trần Xuân Bách…) chưa đủ tỉnh táo và cơ mưu để giữ mình; phần quan trọng nữa, có lẽ do thời thế, do dân tộc này chưa được hưởng phúc lớn. Buồn cho trí thức các ông thì ít, mà buồn cho đại nghiệp của dân của nước thì nhiều.
6.9
Báo điện tử Zing.vn có tấm ảnh chụp một khu phố ở Hà Nội với cái cổng chào đỏ choét, phía trên cổng vẫn còn tấm băng rôn đỏ “Mừng đảng mừng xuân” (dù giờ đã cuối tháng 7 ta), dưới chăng dây thép gai chằng chịt, rào sắt bịt kín, treo cái biển cấm cũng màu đỏ chữ vàng “Cấm đi lối này”, giữa hai tấm ấy là một bảng màu xanh đề rõ vùng xanh cấm vào. Một hình ảnh thật đặc trưng cho xứ ta thời ôn dịch.
Nhà báo Mạnh Quân: Dùng người mà dùng bọn bất tài vào vị trí quan trọng, lúc nước sôi lửa bỏng thì hậu quả thật khôn lường. Cứ nhìn đường phố Hà Nội lúc sáng nay 6.9 thì biết. Thất kinh.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một người được đánh giá là tử tế, viết trên FB cá nhân: Họ là vậy. “Chuyện dễ không làm cho khó, lấy đâu ra thịt chó mà ăn”. Ấy là ông muốn nhắc tới vụ chính quyền bày đặt ra đủ thứ chỉ thị, quy định, văn bản, app này app nọ, giấy tờ lằng nhằng phức tạp chồng chéo rắc rối để hành dân.
Lão bạn tôi Nguyễn Văn Hảo, một tay giỏi về nhiều thứ, đặc biệt là ngoại ngữ và chơi gôn, y viết: “Tướng giỏi phải là tướng loạn mà không rối”. Ý Hảo muốn nói lúc này chỉ thấy rối tinh rối mù, họ càng chống dịch càng loạn thêm. (Đọc cái ý ấy, chợt nhớ trong truyện Tam quốc, khi quân Tào bất ngờ đánh ập vào trại Lã Bố tưởng cầm chắc thắng, nhưng Trương Liêu tướng của Bố cực kỳ bình tĩnh, lệnh không được hoảng hốt, cứ đợi quân Tháo vào thì bắn tên ra. Liêu đích thân đi đốc thúc từng nơi nên cuối cùng quân Tào thua. Tào Tháo chứng kiến, than rằng làm tướng phải như thế, tướng không loạn thì quân mới không rối, mới thắng được. Từ đó có bụng mến Liêu, tìm mọi cách kéo Liêu về mình).
Ông Phạm Xuân Nguyên (Nguyên đầu bạc) chốt ngắn gọn: Coi cái cách họ chống dịch ngăn dân mà tức không chịu nổi, đành phải thốt ra câu: Ngu không để đâu cho hết!
23.9
Ngọc Vinh nhà báo Tuổi Trẻ đã hưu vừa có “thư gửi ông Trần Hoàng Ngân” - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (ông này từng là trưởng khoa của Trường đại học Kinh tế, rồi Giám đốc Trường cán bộ TP). Vinh viết: “Anh Trần Hoàng Ngân, đại biểu cục cưng nhiều khóa liền của quốc hội, viện trưởng viện nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa đề xuất xây dựng tượng đài vinh danh ngành y tế. Theo tôi, anh lo tìm giải pháp hồi phục kinh tế cho thành phố mình đi anh Ngân, khi mà nó có thể sập tiệm bất cứ lúc nào vì tình trạng phong tỏa lâu nay, thay vì dành thời gian rảnh rỗi đề nghị tào lao vớ vẩn. Kinh tế lao đao, ngân sách trống rỗng, dân khô máu, lấy tiền đâu xây tượng đài hả anh Ngân?”.
26.9
Hôm nay âm lịch 20.8 là ngày giỗ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Đang dịch nhưng dân chúng nhắc nhiều tới vụ cái lư hương thờ Đức Thánh Trần. Bị dân la quá trời, chính quyền ở Sài Gòn có ý định trả lại lư hương thờ ở tượng đài Đức Thánh Trần trên bến Bạch Đằng về chỗ cũ. Nhưng họ còn thăm dò, quanh co lấy lý do này nọ. Làm một việc cứ cho là tốt (sửa lại cái sai của người tiền nhiệm) mà dùng dằng chần chừ mưu mẹo thì cũng không khác gì làm một điều xấu nhanh vội, khiến giảm cả sự tốt đẹp đi. Thứ mà nhà cai trị xứ này thiếu, đó là sự chân thật với dân.
Huy Đức (Trương Huy San) thẳng thắn “Làm chính trị thì đúng là phải nhìn trước ngó sau nhưng phàm việc gì thấy đúng thì Bí thư Nên nên quyết đoán. Dân chờ chính quyền trả lư hương về chỗ cũ đã lâu; nhân đấy, thành phố cho tu sửa, tôn tạo cảnh quan khu vực tượng Đức Thánh Trần, chắc chắn dân càng ủng hộ. Càng thiệt tình, càng thành tâm thì dẫu có sai sót, trời đất, nhân dân đều thể tất. Đụng vào nơi linh thiêng thì không chỉ hỗn hào với tiền nhân mà còn đụng đến lòng dân. Đã thế, cái cung cách lấm la, lấm lét, dùng tiểu xảo như Nguyễn Thiện Nhân, thì không những dân chúng phẫn nộ mà tiền nhân cũng càng khinh bỉ”.
Cũng Huy Đức: “Các loại barrier, chốt chắn, các loại giấy đi đường… không có bất cứ ý nghĩa gì trong chống dịch. Những thứ đó chỉ là công cụ để nhũng nhiễu, để hành dân, để làm xấu đi hình ảnh quốc gia và làm kiệt quệ nền kinh tế”.
🍊Ghi chép thời sự dịch 2021 (kỳ tám)
21.7
Thanh bảo thời này giả dối, đạo đức giả lên ngôi. Ngày xưa đứa đạo đức giả còn ý tứ giấu diếm, che đậy sự giả dối của mình bằng thứ này thứ nọ, nhưng bây giờ chúng nó cứ sổ toẹt. Nó không còn ngại ai, nó không thèm sợ bởi tự cho thời bây giờ là của chúng nó. Tất cả đều cởi truồng thì đứa mặc quần áo lại thành trò cười.
Thanh nói, mày cứ để ý mà coi, những đứa leo lẻo mồm ca ngợi vắc xin tàu, khuyên dân chúng đừng kén cá chọn canh, đừng chậm trễ, nào vắc xin tàu tốt thế này thế nọ, nơi ấy nơi kia dân đều chích, chích có sao đâu, lại là những đứa ưa đồ Âu Mỹ nhất. Tao đảm bảo chính chúng nó tiêm phai dơ, mô đẹc na, át tra (Pfizer, Moderna, AstraZeneca) hết cả rồi, không chỉ chúng mà cả họ nhà chúng nữa. Cứ hỏi chúng nó, hãy nói thật đi, chúng mày thích tiêm loại gì, có muốn được chích vắc tàu không, đảm bảo ớ ra hết ngay. Bọn nhà báo chúng mày là những thằng đểu nhất, toàn xúi dân chích vắc tàu.
23.7
Các báo Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, báo Hải Phòng, lại cả báo Tiền Phong, rồi tivi mậu dịch, bọn Đối diện đối diếc… liên tục có bài, có chương trình lên án các thế lực thù địch, phản động, chống phá bôi xấu đảng, chính phủ, quân đội, công an trong chống dịch. Nhiều người bảo các bố cứ tưởng tượng ra ma quỷ, có ít xít thành nhiều, chuyện nhỏ nâng thành hệ trọng. Nếu các bố tốt thì người ta bôi xấu, chống đối làm gì. Mà cũng nên tự coi lại đường ăn ở thế nào để người ta thù địch. Chẳng ai rỗi hơi đi thù địch các bố cho mệt người.
Bác Chuyên nói, chính các vị ấy thù địch nhau, lại cứ đi đổ cho dân, rất vớ vẩn.
20.8
Sài Gòn chống dịch đang cực căng, nước sôi lửa bỏng, trung ương quyết định điều chuyển ông Nguyễn Thành Phong chủ tịch thành phố ra Hà Nội làm Phó ban Kinh tế trung ương. Thiên hạ nhận xét giống như dạng cách chức. Thay ông Phong là ông Mãi ở Bến Tre về. Suốt mấy tháng ông Phong cầm đầu bộ máy chống dịch, loay hoa loay hoay, càng chống càng nặng, người chết như rạ. Giờ về ban kinh tế trung ương, nơi lâu nay lưu dung những đối tượng có vấn đề, chắc cũng không sáng sủa gì.
Không ít ý kiến bảo cách dùng người của trung ương chả ra làm sao. Nếu ông Phong kém cỏi, không gánh nổi nhiệm vụ, gây hậu quả xấu thì kỷ luật, cách chức, chứ lại chuyển qua chuyển nọ như diễn kịch. Giống kiểu chuyển Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn. Ông hàng xóm nhà tôi cười bảo họ làm bất cứ chuyện gì cũng thiếu sự đàng hoàng.
30.9
Trung ương kỷ luật một mẻ lớn, chỉ riêng tướng lĩnh đã 11 viên, toàn bộ là cảnh sát biển. Đang căng mình chống dịch, thấy công bố ai cũng sốc. Tư lệnh, chính ủy, bộ tư lệnh, rồi cả 4 vùng, bị tất. Thiên hạ bảo đáng đời, cho chết, hư hỏng thì trả giá. Nhưng cũng có người nghi ngờ, đang lúc tranh chấp với Tàu trên biển Đông nóng bỏng, cảnh sát biển là lực lượng quan trọng chỉ sau hải quân để bảo vệ chủ quyền biển đảo, tự dưng những tướng lĩnh cao nhất, giỏi nhất, nhiều kinh nghiệm nhất bị loại, mà tội phần lớn lại là suy thoái phẩm chất chính trị, hư hỏng đạo đức, lối sống (kiểu như trai gái bồ bịch). Tội ấy đem lôi ra trị lúc này, coi chừng mắc bẫy cò ke thằng đểu, mất biển, mất nước chứ đùa.
1.10
Ở tỉnh Quảng Ngãi, người dân chứng kiến và chụp lại được trên trời vệt sáng đỏ rực, dài và lớn, xuất hiện gần một phút mới tan. Như sao chổi. Trước đó, hôm 28.9 cũng có vệt như vậy, cũng ở Quảng Ngãi. Chả ai biết đó là thứ gì. Ông giám đốc đài khí tượng bảo lần đầu có hiện tượng này. Không ít người lên mạng bày tỏ lo lắng. Thời xưa, người ta nói với nhau cứ có sao chổi là có họa. Nay đã dịch rồi, còn gì nữa đây.
2.10
Kể từ hôm 30.9, khi Sài Gòn dỡ phong tỏa, bắt đầu làn sóng người làm thuê ở các khu công nghiệp bỏ chạy về quê. Họ hết chịu nổi sau 4 tháng sống như bị cầm tù, mất việc, hết tiền, nợ nần, đói kém, bệnh tật, căng thẳng. Khắp các cửa ngõ Sài Gòn, ngược ra bắc, xuôi về miền Tây, hàng đoàn người, vợ chồng con cái và đồ đạc nghèo nàn chất lên chiếc xe máy chạy trốn, trốn cái đói, trốn sự cùng quẫn. Nhiều người làm thuê suốt bao năm không sắm nổi xe máy đành phải đạp xe đạp. Thương nhất là những người đi bộ tay xách nách mang. Tài sản chả có gì, đem về cả chiếc quạt nát, chục móc nhôm phơi quần áo, cả mấy con chó con mèo. Có cô công nhân thất nghiệp ở Bình Dương còn rao bán chiếc ghế nhựa Duy Tân đã hơi cũ chỉ đáng hai ba chục nghìn bởi đã cạn túi, không còn tiền ăn đường. Không khác gì chị Dậu khi xưa bán chó bán con. Về quê, đường gần cũng vài trăm, đường xa tới hai nghìn cây số, liều cái thân ra đi chứ biết làm thế nào.
Chính quyền lấy lý do phòng chống dịch tổ chức chốt chặn ở những cửa ngõ, những vùng giáp ranh, chăng dây thép gai, dựng hàng rào, ngăn dân di tản lại không cho qua. Ở Bình Chánh (Sài Gòn) và vùng giáp Long An đã có xung đột với cảnh sát. Nhiều người xếp hàng thắp hương quỳ lạy nhà chức việc. Có mấy bà bầu đẻ ngay trên đường về. Đã mấy vụ chết người do đi quá lâu quá mệt, yếu sức bị đụng xe. Rất thảm.
🍋Ghi chép thời sự dịch 2021 (kỳ 9)
-Ngày 5.9:
Nhà báo Tâm Chánh (cựu Tổng biên tập báo Sài Gòn tiếp thị) nhận xét về việc cấm đoán đi lại ở Sài Gòn, mà dân chúng gọi là lockdown, thiết quân luật. Ông viết: Sau rất nhiều bài học, người ta (chính quyền) vẫn chưa hiểu nổi thế nào là thành thị, hay vẫn ngu muội tin rằng quyền lực nhà nước là vô biên. Không có nhiều lựa chọn lắm đâu.
-8.9
Báo Nikkei Asia của Nhật xếp hạng Việt Nam đội sổ trong 121 nước chống dịch Covid-19, mà nhiều người gọi là dịch V.ũ H.án, dịch T.àu. Đứng thứ 121 trong bảng xếp hạng. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đang công du, thăm một số nước châu Âu, tinh nước giàu cỡ Na Uy, Thụy Sĩ, tới đâu ổng cũng truyền đạt kinh nghiệm chống dịch, ca ngợi cách làm sáng tạo của Việt Nam, nào 5K, nào giãn cách, đặc biệt là huy động sức dân và hệ thống chính trị. Ông hàng xóm nhà tôi cười bảo chả biết đám nhà giàu nứt đố đổ vách kia có xơi được bài nào không, nhất là bài sức dân và hệ thống chính trị.
Nhân chuyện ông Huệ, lại nhớ trên báo Thanh Niên, trùm tuyên giáo Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, nhân vật số 2 của đảng cầm quyền, còn mạnh mồm rằng nhiều nước trên thế giới coi Việt Nam là mô hình phát triển để học tập. Thằng con tôi lăn đùng ra nền nhà kêu ối giời ôi.
Trên VTV chiếu bộ phim tài liệu “Ranh giới” dài gần 1 tiếng đồng hồ của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư về ngành y trong bão dịch, ranh giới sống chết, những người thực việc thực khá xúc động. Phim kể về các thầy thuốc ở Bệnh viện Hùng Vương (Sài Gòn) vượt qua ranh giới của thần chết để cứu sống những sản phụ mắc Covid, cứu những thai nhi chào đời trong hoàn cảnh có một không hai. Anh Huy Đức viết trên phây búc, bảo vừa xem vừa rớt nước mắt. Một búc cơ nhận xét Osin mà mủi lòng là điều hiếm thấy. Ông bạn tôi từ Hà thành gọi điện vào buông một câu, mày ạ, đã lâu lắm, chắc mấy chục năm, từ cái thời “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế” của Trần Văn Thủy, nay lại mới có được thứ phim tài liệu ra hồn. Y còn nói thêm, cũng lẩu lầu lâu, lâu lắm rồi, tivi nhà nước mới làm được chuyện tử tế, đàng hoàng.
Cao Tự Thanh buồn bã thông báo trên địa chỉ phây búc của y, blog “Dịch thủy hàn”, cho biết luật sư Nguyễn Vân Nam chết do mắc Covid. Ông Nam là bạn với Cao Văn Dũng (tức Cao Tự Thanh) từ thời học sinh miền Nam, sau này học luật, học triết, rồi sang định cư, sinh sống bên Đức. Mười mấy năm nay luật sư Nam về Việt Nam làm việc, rất nổi tiếng, đặc biệt là đã chọn cách đứng về phía nhân dân, phía những người yếu thế, bảo vệ quyền lợi cho người bị áp bức. Dịch V.ũ H.án đã tóm đi khá nhiều người nổi tiếng.
-9.9:
Hệ thống chuyên chính vô sản cường quyền quyết trừng trị tiếng nói trái chiều, mặc dù đang lúc dịch dã lấn bấn bận bịu. Họ giao cho viện kiểm sát cấp huyện, mà lại dạng địa phương vùng sâu vùng xa không mấy ai biết, là huyện Thới Lai ở thành phố Cần Thơ, truy tố nhóm Báo Sạch của Trương Châu Hữu Danh, Trung Bảo… về tội “tất cả các thông tin đăng trên Báo Sạch đều là tiêu cực, phủ nhận hết mọi kết quả, thành tựu đạt được từ trước đến nay của đất nước, địa phương”. Địa phương mà họ đề cập tức là TP.Cần Thơ và cụ thể là huyện Thới Lai. Cáo trạng của viện kiểm sát huyện cho rằng “Danh và đồng bọn đăng tải nhiều bài viết thiếu tính xây dựng, mang ý nghĩa tiêu cực trong nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề của xã hội, của chế độ, của hệ thống chính trị đất nước…”.
Đọc xong mẩu cáo trạng lên án Báo Sạch trên báo mậu dịch, ông hàng xóm nhà tôi nửa đùa nửa thật bảo mấy cụ Nam Cao, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng của văn học hiện thực phê phán rất may mắn được sống thời thực dân Pháp, nó tàn ác bóc lột nhưng con người còn được mở miệng, viết lách nọ kia, chứ nếu sống vào thời này thì toi, đi tù hết. Báo sạch báo bẩn cũng không có đất sống, chỉ có chỗ cho báo nịnh, báo hại. Nói xong thở dài sườn sượt. (còn dài)
Nguyễn Thông
Các kỳ trước: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1052172682283457&id=100024722048900
Ảnh: Chợ Bến Thành (Sài Gòn) xơ xác tiêu điều, bị chặn mọi ngả, lơ thơ bóng người, buồn thảm trong cơn dịch. (Ảnh: Nguyễn Hải Đông)
🍷Ghi chép thời sự dịch 2021 (kỳ 10)
Ngày 9.7
Ông Phan Văn Mãi bí thư Bến Tre được trung ương điều về TP.HCM làm Phó bí thư thường trực. Dư luận chắc như đinh đóng cột nói sắp thay Nguyễn Thành Phong, còn Phong sẽ làm gì thì chưa biết, không chừng bị kỷ luật bởi chống dịch rất quẩn quanh vớ vẩn, càng chống dịch càng nặng. Người ta còn bảo nhau tới lúc này mà mới có ý định thay tay Phong là quá muộn. Cũng hạng xôi thịt cũng chả khác gì Lê Hoàng Quân tiền nhiệm, mà rõ nhất là vụ phá đám việc dọn dẹp vỉa hè-lòng lề đường khi Đoàn Ngọc Hải đang làm rất hiệu quả. Cả vụ cẩu lư hương của Đức Thánh Trần nữa. Nhiều người chốt lại không có cặp nào vô tích sự, tai hại, ngáng đường, kìm hãm sự phát triển của Sài Gòn bằng cặp Nguyễn Thiện Nhân - Nguyễn Thành Phong. Phong mà mất chức, dân Sài Gòn đốt pháo bông ăn mừng.
Nhưng nếu thay bằng Mãi, kể ra cũng kém sáng sủa, ít hy vọng. Làm phó bí thư trực đã được vài tuần, chả sủi bọt. Chắc thấy sự mờ nhạt vô tích sự ấy, hôm nay (9.7), ông Mãi ra mắt cộng đồng bằng việc tổ chức lễ ra quân triển khai phát động thi đua cao điểm chống dịch. Ông nói: “Chúng ta có 15 ngày để đạt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh. Không còn nhiều cơ hội nên phải thực hiện với quyết tâm cao nhất. 15 ngày giãn cách là chúng ta đã chấp nhận hy sinh, thì nay phải cố gắng sao cho đạt kết quả tốt để sự hy sinh là xứng đáng. Chúng ta phải thắng trong trận này. Có thể đây là trận cuối cùng của chúng ta”. Giống như đang ưỡn ngực hát Quốc tế ca.
Lão hàng xóm nhà tôi cười bảo đúng phong cách cán bộ đoàn. Cứ phải lễ lạt, ra quân, tuyên bố, hứa hẹn, mắc bệnh hình thức nặng, nhưng nếu làm được cũng tốt. Khổ vì dịch quá lâu, quá kéo dài rồi, giờ vớ được lời hứa cũng quý. Nhưng lại bảo tay Phong chủ tịch thành phố, đang cầm đầu bộ máy chống dịch ở cái đô thị to nhất nước này, y cũng xuất thân cán bộ đoàn. Lại chưng hửng.
28.7
Ông phó thủ tướng Vũ Đức Đam trưởng ban chỉ đạo chống dịch của trung ương tỏ ra khá năng nổ, bám trận địa nóng nhất nước là Sài Gòn. Thấy tình hình dịch có vẻ căng, nguy cơ lan về đồng bằng sông Cửu Long, ông Đam tuyên bố chắc như đinh đóng cột “Phải giữ vững miền Tây để sẵn sàng chi viện cho TP.HCM”. Thằng em họ tôi (gọi là thằng nhưng nó cũng U60 rồi) ở An Giang, đọc báo Tuổi Trẻ xong điện lên, thế cả đời chúng tôi chỉ hầu hạ phục vụ các bố à, gạo nước, cá tôm, hoa trái, miếng ngon các bố hưởng, lúc dịch bệnh bắt chúng tôi gánh. Tôi cười mắng nó, mày nỡm vừa vừa chứ.
22.8
Đúng rằm tháng 7 Tân Sửu, ngày xá tội vong nhân, nhà thơ Nguyễn Duy viết bài “Thời mắc dịch”. Cụ Duy tự ghi chú bảo đây là thơ thời sự. Trong bài có những câu:
Gói hàng mã mùa này gửi cho người âm
Thêm hộp khẩu trang, áo choàng y tế
Mâm cúng cô hồn ngoài ngõ còn nguyên
Cô hồn năm nay không được phép lang thang lêu lổng
Chen chúc chợ đời chen chúc hồi hương
Chen chúc tiêm phòng chen chúc nhà thương
Chen chúc thở
Chen chúc lò thiêu xác
Con người hiền lương con người nhân đức
Gian ác vừa thôi kẻo hết đất làm người”
Vinh bạn tôi đọc xong mặt méo xệch, nói thơ còn khiếp hơn cả sử. Sau này con cháu đọc lại, không rùng mình về cái thời thổ tả này, tao cứ đi bằng đầu. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
🦀thiếu kì 11
🍹Ghi chép thời sự dịch 2021 (kỳ 12)
30.7
Trang thông tin điện tử của Trường chính trị tỉnh Bến Tre có bài rút tít cỡ chữ rõ to ở mục tiêu điểm: “Vận dụng sáng tạo phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê Nin trong phòng chống dịch”. Lại nhớ trước đó, ngày 19.5, nhân kỷ niệm ngày sinh cụ Hồ vĩ đại, báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam cũng đăng bài phông “Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid-19”. Nghe rất khiếp. Ông em tôi cười bảo, thế giới người ta chống dịch bằng khoa học, chuyên môn y tế, vắc xin, và lòng nhân từ, còn xứ ta có tiềm năng, thế mạnh, có thứ không đâu có, là lý luận, tư tưởng, học thuyết, và các biện pháp cưỡng bức. Cứ một mình một kiểu, chả giống ai, được tôn thành bản sắc, riêng biệt, sáng tạo, độc đáo. Nhưng lại tích cực đi xin vắc xin. Chống bằng mấy thứ kia, chết như ngả rạ là phải.
15.8
Sau một tháng rưỡi chính quyền áp dụng các biện pháp phong tỏa, ai ở đâu thì ở đấy, ở nhà là yêu nước, mỗi gia đình là một pháo đài…, con người ta đôi tuần đầu còn ráng chịu đựng, rồi sóng gió sẽ qua mau, ai dè dịch càng ngày càng nặng. Ở trong nhà mãi, không được đi làm, không có thu nhập, đói, không tiền trả thuê nhà, điện nước, nên người ta bị dồn vào chân tường. Công nhân lũ lượt kéo nhau về quê. Hàng vạn người. Cả gia đình chất lên chiếc xe máy, mang theo tất tật tài sản nghèo nàn, thậm chí cả chiếc ghế nhựa cũ. Cả con chó con gà. Phó mặc cho trời. Kệ nắng nôi, mưa gió, đói khát. Chỉ mong sao trốn được dịch, trốn cái đói, thoát sự phong tỏa. Thương vô cùng.
Chính phủ vẫn không lên tiếng, cứ để mặc dân chạy, còn chính quyền nhiều tỉnh thành thì cấm cửa không cho dân về. Ở Sài Gòn người ta giăng dây thép gai, cử công an, cảnh sát cơ động, dân phòng, cán bộ mặt trận ra… chặn dân. Trên mạng xã hội, trên cả báo mậu dịch nữa, đăng những tấm ảnh người dân quỳ lạy công an xin được mở rào cho họ về.
Một ông làm thuê người tỉnh Vĩnh Long than thở, được báo VNN lấy câu than rút thành tít “Hãy cho tôi về quê, không thì tôi chết bởi stress chứ không phải do dịch do đói”.
Bác Phạm Chuyên điện vào, giọng buồn bã, em ạ, chúng nó chống dịch kiểu này chỉ chết dân, trút cả mọi đau khổ lên đầu dân, dân còn khổ hơn cả thời chiến tranh.
1.9
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà khoa học y tế, các thầy thuốc, bác sĩ tiêu biểu. Chả biết đứa quân sư trợ lý nào tham mưu, xúi dại xui khôn, mà ông Chính tặng cho mỗi vị khách mời một cái hũ. Thanh than giời ạ, tặng gì chả tặng, giống như cái hũ cốt đang được dùng mỗi ngày mấy trăm chiếc ở Sài Gòn.
Tới hôm nay đầu tháng 9 rồi nhưng vẫn chưa có thông báo về khai trường, có cho bọn trẻ tới trường để học hay không. Dịch ngày càng nặng thế này, có khi nghỉ tới tết. Cái Hảo cháu mình ở ngoài Phòng năm nay có đứa con gái vào lớp 1. Hảo kể, con bé thích đi học lắm, nghe bố mẹ kể học ở trường vui nên nó ngóng từng ngày, từ hồi đầu tháng 8 cơ. Mấy hôm rồi nó cứ đi ra đi vào sốt ruột, luôn mồm hỏi sao mãi không được đi học. Trẻ con cũng khổ bởi dịch.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh tân bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, mới ngồi ghế trọng nên rất hăng. Ổng tuyên bố trước các quan chức tỉnh “nếu để bất kỳ người dân nào đói trong lúc dịch, tôi sẽ từ chức”. Khí phách phết. Tay Vinh bảo ai cho từ mà từ, có dở tồi kém mấy mà đảng bắt làm cũng cứ phải làm, “bắt phong trần phải phong trần/cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Cán bộ xứ này chỉ có quyền vì đảng chứ không được vì dân.
4.9
Bạn cũ Vũ Đức Nghiệu từ Hà thành gọi điện vào hỏi thăm, đùa mày còn sống không. Mình kể lúc đầu cũng hoảng, chịu không được, nhưng nay dịch đã căng hơn 2 tháng ròng, chịu riết cũng quen. Nghiệu cười, có khi mày lại mắc bệnh nghiện dịch không chừng.
Trên phây búc kể chuyện một nhà giàu ở khu biệt thự cao cấp quận 2, họ sẵn tiền nên chống dịch nghiêm lắm. Kín cổng cao tường, không cho bất cứ ai vào, đồ vật gì đem tới cũng xịt khử rất kỹ. Đùng một cái, cả nhà dính, dương tính hết. Hóa ra họ có mấy con chó cảnh, tối thả ra ngoài cho đi ỉa, rồi sau đó chủ nhà lại ôm ấp vuốt ve hôn hít chúng, bị luôn. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Ảnh: Chạy trốn dịch trốn đói khổ hơn cả chạy loạn thời chiến tranh (nguồn: Internet)
🍟Ghi chép thời sự dịch 2021: Những ngày đen tối (kỳ 13)
5.9
Mấy hôm trước, ngày lễ trọng quốc khánh buồn hiu hắt. Cờ cũng chả muốn treo. Phố phường tinh những trạm gác, hàng rào, dây thép gai, áo công an dân phòng. Thành phố như ma, ảm đạm, chỉ nghe xe cứu thương hú còi chở người dính dịch tới các bệnh viện, xe chở xác đi thiêu ở Bình Hưng Hòa hoặc Đa Phước. Cũng không thấy ca hát nhảy nhót trên tivi giống mọi năm. Bà Phiêu bảo nó cứ kéo dài tới hết tháng 9 thì chết mất. Cô Vân chen vào, hết tháng 9 thì còn may, lại chả leo sang năm 22 chứ đùa. Nghe xong, ai cũng cười méo xẹo.
Cao Tự Thanh báo tin ông bạn cũ, học sinh miền Nam, luật sư Nguyễn Vân Nam khá nổi tiếng, qua đời do mắc Covid. Lại nhớ hồi lâu rồi mình có đọc bài gì đó của ông Vương Trí Nhàn nhắc tới luật sư Nam. Ông Nhàn ghi lời Vân Nam tâm sự thế này: “Tôi nói thật, tất cả những Việt kiều giỏi nhất ở nước ngoài, không ai muốn về Việt Nam để được hưởng những ưu đãi tiền bạc, bởi họ biết nhà nước mình làm sao đủ tiền ưu đãi như những quốc gia giàu có. Điều quan trọng nhất là hãy lắng nghe họ. Hãy tham khảo và nếu thấy đúng thì may ra làm chuyện ích nước lợi dân. Được vậy, dẫu nước ngoài có trải vàng ròng, người ta cũng vẫn bỏ, sẽ về Việt Nam”.
9.9
Ông Đỗ Trung Quân thi sĩ chùm khế ngọt đọc xong cái tin trên báo Thanh Niên online “Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với nghị viện thế giới kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam” đã viết trên phây búc: “Nghiêm trang không đùa cợt, ta nói “Tau lạy mày”. Ký tên ĐTQ”. Chỉ sau gần 2 tiếng đồng hồ đã có hơn 1 nghìn người đọc, thích và nhận xét (ngôn ngữ mạng gọi là lai (like) và còm (comment), phần lớn bấm nút “haha”. Nhà báo Nguyễn Khắc Nhượng còn chịu khó biên hẳn một câu dài “Trời, quả là đem chuông đi đánh xứ người”, nhà thơ Phạm Chu Sa bồi thêm: “TP.HCM trung tâm kinh tế đầu tầu của cả nước bị phong tỏa hơn 3 tháng trời nhưng dịch vẫn tràn lan ngày càng tăng, kinh tế suy sụp thảm hại, nhân dân khốn khổ… Vậy mà ngài chủ tịch mở miệng nói lấy được, sao không biết ngượng”.
Một ông giám đốc công ty tư nhân ở quận Bình Thạnh giả danh sĩ quan quân đội bị phát hiện. Ông ta, Võ Thanh Phúc, giả ghê gớm tới mức, không phải chỉ đeo lon cấp sĩ, úy, tá gì, mà hẳn tướng, trung tướng. Ông hàng xóm nhà tôi tặc lưỡi bảo loạn loạn, đám lưu manh bây giờ giả công an, bộ đội, chúng không thèm giả hàm tá, cứ phải tướng mới dễ làm ăn. Chúng biết tướng giờ nhiều như lợn con nên không ai thèm để ý. Tay tướng Phúc này bị phát hiện không phải nhờ hệ thống chính trị chặt chẽ, mà do… dịch Covid. Phúc giả tướng khi dịch căng, chính quyền thực hiện chỉ thị 16 rồi chỉ thị 17, cấm đi lại, thiết quân luật. Phúc thật thà khai rằng ra chợ mua quần áo sĩ quan, quân hàm quân hiệu, sao vạch (bán đầy ngoài chợ giời), chả nhằm lừa đảo hại ai, chỉ cốt qua lại trạm gác cho dễ, để đi làm ăn, gặp đối tác. Anh em công an, bộ đội, dân phòng canh gác thấy ông tướng nên thường nể cho qua, không hỏi han gì. Đã giả được 3 tháng rồi. Đúng là chuyện thời dịch cười ra nước mắt.
10.9
Theo báo Tuổi Trẻ, TP.Vũng Tàu sáng nay ban hành quy định người dân muốn đi cấp cứu (bệnh tật, tai nạn…) nhất thiết phải xin phép chính quyền địa phương phường xã. Chính quyền xem xét, nếu thấy thật sự cấp thiết, kiểm tra đúng như khai báo yêu cầu, thì mới cấp phép cho đi. Tự dưng chức chủ tịch phường xã có giá hẳn.
Nhà báo Đoàn Khắc Xuyên viết trên phây búc: “Hôm trước quy định tuổi trên 65 không được chích vắc xin, nay lại yêu cầu ai trên 65 dù đã chích đủ 2 mũi vẫn không được ra đường. Cc”.
Một bé trai 9 tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội học trực tuyến bị điện giật chết. Lý do lãng nhách, đang học thì ông bố (hướng dẫn con) bận chút việc đi ra ngoài. Em bé tạm ngưng trực tuyến, không có ai coi sóc, tiện tay cầm chiếc kéo nghịch chọc vào ổ điện, bị điện giật, không cứu được. Cũng vụ học trực tuyến, bà bạn Minh Huệ ở Hà Nội kêu trời, giời ạ, vừa học buổi đầu tiên thì đường truyền đã nghẽn, chập chờn lúc được lúc không. Bà cháu tao đang đánh vật với mòn trực tuyến khốn khổ đây. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Ảnh: Hàng rào dây thép gai ở Sài Gòn những ngày phong tỏa tháng 9.2021.
🥑Ghi chép 2021: Những tháng ngày đen tối (kỳ 14
13.9
Bọ Lập (nhà văn Nguyễn Quang Lập) từ đất thép Củ Chi kêu vọng trên phây búc, than thở tình trạng ngăn sông cấm chợ kiểu mới đang hại chính ổng. Chả là mấy năm trước, bọ chuyển nhà lên Củ Chi ở để nuôi chim yến (chắc lại do lão Võ Đắc Danh hay ai đó mách nước chỉ đường). Yến thấy có vẻ triển vọng, nhưng sức bọ thì xuống dần. Gặp lúc dịch, chính phủ ban lệnh cấm đi lại, vận chuyển, síp pơ (shipper) bị cấm hành nghề, nên thuốc men cũng khó, không sao đem từ nội đô lên. Bọ Lập than: “Các ông không mở cửa, cấm dân ra đường, thì ít nhất cũng phải cho shipper hoạt động liên quận huyện, thông thương một chút chứ. Nếu không, thì chết mất, Sài Gòn ơi”.
Báo chí mậu dịch đăng tin ở thủ đô Hà Nội lực lượng kiểm soát bắt được vụ một chiếc xe tải đông lạnh khóa cửa kín mít, nhưng khi mở ra thấy bên trong giấu nhét 15 người. Tài xế và những “người đông lạnh” đều khai chỉ cốt đi qua chốt, không thì chả cách nào lọt được. Thằng con tôi bảo hệt vụ xe tải đông lạnh ở Anh, chỉ có điều bên ta không có người nào chết.
Nghe nó nói, lại nhớ ngày 15 tháng 7 vừa rồi ở Quảng Ninh, chốt phòng chống dịch đầu cầu Bạch Đằng cũng bắt được 4 người định trốn qua, nhưng không phải xe đông lạnh, mà xe chở lợn. Xe tải chở mấy chục con lợn về Quảng Ninh, anh em canh gác thấy nghi, trèo lên túm ngay được 4 công dân nằm lẫn với lợn. Trang thông tin điện tử của Bộ Y tế tường thuật vụ này: “Chiếc xe tải chở 50 con lợn thịt vào Quảng Ninh, được 4 người đàn ông chui vào đấy để trốn qua chốt”. Đọc xong buồn quá. Con người đã bị coi, hoặc đành tự coi mình là con vật, ngang bằng con lợn, để lách những quy định rất chằng chéo về chống dịch của nhà nước.
14.9
Nhà báo Huy Đức (Trương Huy San) viết trên phây búc: Chống dịch chứ không phải chống lại con người. Quan chức cũng như bất cứ ai, phải đặt mình vào vị trí của những con người bị bắt nhốt lâu trong khu vực bị phong tỏa, nguồn sống cạn kiệt, dịch bệnh đe dọa, cái chết tới gần, thì mới hiểu tại sao lại có những người dám thách thức mạng sống của mình như thế.
Ông hàng xóm nhà tôi coi tivi về cái tin người trốn trong xe lợn, không chỉ vụ cầu bạch Đằng, mà cả vụ chốt kiểm soát ở thị xã Đông Triều (cũng tỉnh Quảng Ninh) ngày 23.6 bắt được 5 xe chở lợn trong giấu cả thảy 20 người già trẻ gái trai, trốn lẫn vào đàn lợn để qua chốt, coi xong buông một câu: “Lúc này nhân cách bị đẩy xuống hạng dưới, người chỉ bằng con lợn, nhưng trước hết cần phải sống đã”. Nói xong thở dài.
Anh Nguyễn Thiện, bạn tôi, bảo nếu không đói và ngày mai không mờ mịt u ám thì chắc chắn không ai thèm “vượt biên” trốn về nhà, về quê hương trong thùng xe đông lạnh thiếu oxy hoặc xe lợn để bị khinh rẻ làm gì.
14.9
Báo điện tử Một Thế Giới đăng bài dẫn ra những con số rất buồn: Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, từ đầu dịch tới nay, hiện toàn TP có khoảng 1.500 học sinh mồ côi cha, mẹ, hoặc cả cha mẹ. Họ bị chết do dịch Covid-19. Trong số ấy có hơn 490 cháu học sinh tiểu học, 580 cháu THCS, còn lại là học sinh THPT và giáo dục thường xuyên (tức bổ túc văn hóa).
Theo thống kê của cơ quan y tế TP.HCM, thời gian qua, mỗi ngày Sài Gòn có trung bình 300 người chết bởi dịch, có ngày lên tới 470 người. Dù thực hiện chỉ thị 16 và 17 đã hơn 3 tháng nhưng số người chết mỗi ngày giảm không đáng kể. Xe chở xác chết xếp hàng chờ tới lượt ở lò thiêu Bình Hưng Hòa dài cả cây số. Đứa cháu tôi bảo không phải mỗi xe chở 1 người đâu, mà vài người. Ông hàng xóm nói: kinh hoàng, còn khiếp hơn cả thời chiến tranh. Xong còn nói thêm, chết như rạ vậy nhưng trên đường vẫn thấy cờ quạt, khẩu hiệu mừng kỳ họp của quốc hội. Nhố nhăng. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
(Lưu ý: Loạt bài này đang bị phây búc và thế lực đen tối hạn chế quyền truy cập. Tên tít cũ được nhà cháu bỏ bớt chữ để tránh bị trí tuệ thông minh của nó nhận diện. Ai vô tình mở được, muốn đọc thì nên share (chia sẻ) lại, chứ nó có thể sau đó nó bị che mất)
15.9
Theo báo cáo của chính quyền TP.HCM, được Bộ Y tế công bố, số ca tử vong do dịch Covid ở Sài Gòn cao khủng khiếp, chẳng hạn hôm 22.8 lên tới 340 người chết, những ngày sau cứ bình quân trên dưới 300 mỗi ngày, kéo dài cả tháng nay. Nhưng những người nắm được nhiều thông tin thì bảo số công bố ấy chưa là gì, đó chỉ như phần nổi của tảng băng chìm, chứ số thực còn gớm hơn nhiều. Điều đó có cơ sở bởi chính ông bí thư Nên cũng thừa nhận việc dồn người bị nhiễm vi rút vào các bệnh viện dã chiến, các khu tập trung, khu cách ly nhưng hệ thống y tế không kham nổi, người bệnh không được chăm sóc, điều trị, ăn uống đầy đủ… đã khiến số tử vong tăng cao.
16.9
Ông Phùng Quang Thanh chết hôm qua 15.9. Đại tướng quân ngày xưa chết nơi trận tiền, còn đại tướng thời nay chết trên giường, làm gì còn chuyện “gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”, ông hàng xóm nhà tôi bảo vậy. Nhà nước tổ chức tang lễ cấp nhà nước, đưa về chôn ở quê. Dư luận lại được dịp eo sèo về chuyện mồ mả lăng tẩm, nhất là tốn đất, những mấy nghìn mét vuông. Đất đai theo luật nhà nước thuộc sở hữu toàn dân, nhưng với ông to bà nhớn, khi sống cũng như lúc chết, có luật riêng, đố đứa nào dám động vào.
Vụ ông Thanh chết, buồn cười nhất việc báo Tiền Phong viết bài về lễ tang, chả biết do cẩu thả hay có ý đồ gì, chơi luôn cái chú thích ảnh: “Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đưa linh cữu đại tướng Phan Văn Giang rời nhà tang lễ quốc gia về nơi an nghỉ cuối cùng”. Thiên hạ cười bò, bảo nhau phen này thằng Tiền Phong toi. Ngày 16.9 báo phải đăng lời xin lỗi vì đã “làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín đồng chí đại tướng Phan Văn Giang”. Dư luận lại cười, thắc mắc chả biết ảnh hưởng đến uy tín là sao, không lẽ nói bị chết là làm mất uy tín.
17.9
Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính lên mặt báo và tivi kêu thảng thốt “hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn, trung ương gần như không còn đồng nào”.
Trên mạng xã hội phây búc có cái thông báo buồn về việc tìm người. Nội dung đại loại: Nhà sách Quân Trí tại 63 Phan Đăng Lưu, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng tìm một phụ nữ trung niên khoảng 30 - 40 tuổi. Người đàn bà này vào nhà sách mua sách giáo khoa và cặp sách cho con gái học lớp 4. Khi tính tiền, nhân viên thu ngân nói cả thảy 600.000 đồng. Chị ta nhận túi hàng nhưng không trả tiền và bỏ chạy. Nhà sách lúc ấy do đang dịch khá vắng nên không có người đuổi theo, chỉ thông báo trên bảng trước cửa và đưa lên mạng “mong chị ngày mai đến trả tiền, hoặc hàng (nếu chị không có tiền), còn không thì chúng tôi buộc lòng phải cung cấp video camera và ảnh chụp biển số xe của chị cho công an”. Có người đọc xong “lệnh truy nã” trên đã biên rằng “đọc xong, tôi chảy nước mắt. Sao dân mình khổ đến thế này hở trời”.
Báo “Người đô thị” đăng bài của nhà báo Phúc Tiến “Cần đặt trả lại lư hương và tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo” nhân ngày giỗ Đức thánh Trần 20.8 âm lịch. Báo đăng sáng, chưa hơn nửa ngày thì chiều bị bóc gỡ, chắc do chịu áp lực quá khiếp. Thiên hạ nhận xét những lời nói phải, hợp lòng dân bây giờ nhà cai trị không muốn nghe, đức thánh cũng không là gì đối với họ. Không chỉ bị gỡ bài mà có khi còn bị phạt, về tội… nói đúng.
18.9
Trên trang điện tử BBC, khi viết về nước Cuba chống dịch, chống theo kiểu “tự lực cánh sinh”, “tự do hay là chết”, nhà báo nổi tiếng Pico Iyer nhận xét về Cuba và Fidel. Ông viết “Fidel là người rất tài giỏi trong việc biến quê hương yêu dấu của mình thành một dạng nhà tù với các biện pháp an ninh tối đa, dùng bàn tay sắt của quân đội và cảnh sát để trấn áp, dân chúng sợ hãi, đặt nước này vào tình trạng trì trệ triền miên. Người Cuba suốt 55 năm đã sống với giấc mơ về thế giới bên ngoài”.
Ông bạn tôi bảo, hay là lão Pico ấy nói bóng gió về xứ ta. Thế giới này đâu phải chỉ mỗn Cuba. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
🥑Dịch 2021: Những tháng ngày đen tối (kỳ 16)
(Lưu ý: Loạt bài này đang bị phây búc và thế lực đen tối hạn chế quyền truy cập. Tên tít cũ được nhà cháu bỏ bớt chữ để tránh bị trí tuệ thông minh của nó nhận diện. Ai vô tình mở được, muốn đọc thì nên share (chia sẻ) lại, chứ có thể sau đó bị che mất).
23.9
Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (trước đó từng là Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, thay bà vợ ông Hai Nhật Lê Thanh Hải) khi họp đoàn đại biểu quốc hội thành phố này đã đề nghị “Tôi nghĩ sau khi kiểm soát được dịch bệnh, trung ương và thành phố nên xây dựng tượng đài tưởng nhớ và vinh danh ngành y tế”. Nhiều người nhận xét, làm đến chức ấy mà thứ tư duy tượng đài vẫn chiếm hết chỗ trong bộ óc thì loại cán bộ vậy dân chả trông cậy được gì. Nhiều người đọc báo mậu dịch đã còm khuyên ông nghị Ngân, ông ạ, tượng đài y tế để sau cũng được, từ từ rồi tính, hiện có tượng đài Trần Hưng Đạo ven sông Sài Gòn bị chính quyền cướp lư hương kia kìa, ông có biết không. Có người trên mạng xã hội còn văng tục, rằng thứ cần nói lại đéo nói, đồ nghị gật…
Lại nhớ câu mà GS Ngô bảo Châu viết trên phây búc năm 2015: Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra tiền tỉ để xây tượng đài, thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh.
24.9
Tại một con hẻm trên đường Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8, Sài Gòn, một đội liên ngành nhân viên y tế, dân phòng, cán bộ phường tới nhà dân vận động và ép buộc dân ngoáy mũi lấy mẫu xét nghiệm Covid, dân không đồng ý. Hai bên xung đột, đoàn chức việc bị hành hung, ầm ĩ cả lên. Công an tới điều tra, hỏi đầu đuôi, dân than bị chọc mũi hoài, tuần 3 lần, nên họ chịu không nổi, phát khùng.
Đang lúc dịch căng thẳng, báo VnExpress đăng bài về đứa bé 10 tuổi ở Hà Tĩnh mê đọc sách. Cháu tên Biện Nguyễn Khôi Nguyên, bố nó là cán bộ Trường đại học Hà Tĩnh, mẹ là giáo viên trung học phổ thông, ở xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên. Cậu ta đang học lớp 5, gặp lúc dịch dã căng phải nghỉ học nên có nhiều thời gian đọc sách. Cậu nói với nhà báo, trong những ngày tới, quyết đọc xong bộ sách Lê Nin toàn tập 30 cuốn. Dư luận nhiều ý kiến khen chê. Chỉ lạ một điều, tới lúc này mà nhà ấy vẫn còn đủ bộ Lê Nin toàn tập, mà lại khuyến khích một đứa trẻ lên 10 đọc. Hay xứ Nghệ Tĩnh lại sắp có vĩ nhân. Ngày xưa “Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh” còn nay “Cẩm Xuyên sinh thánh”, biết đâu đấy. Thế thì dân ta còn khổ dài dài. Ôm Lê Nin mà sướng được thì thế giới này họ đã tranh mất rồi, chả tới phần dân mình nước mình.
24.9
Lão trượng Đoàn Khắc Xuyên, tức nhà báo Đoàn Khắc Xuyên mà đám đồng nghiệp rất kính trọng nể phục quý mến, khi đọc báo Tuổi Trẻ về vụ chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (quê bác Xuyên) yêu cầu công dân muốn ra khỏi tỉnh nhất thiết phải được UBND tỉnh cho phép, đã buông một câu: Họ chống dịch theo kiểu hành dân ra bã, tước mọi quyền tự do chính đáng của công dân. Đến khổ với tâm và tầm của những cán bộ lãnh đạo kiểu này.
Cũng bài báo ấy, hôm qua ông hàng xóm nhà tôi đọc xong bảo, ông ạ, phong tỏa cấm vận như thế chả khác gì cái nhà giam không lồ, mỗi người dân là một tù nhân, bị đọa đày bởi chính sách cai trị ngu muội, hà khắc.
27.9
Ở tỉnh Đồng Nai, người ta (cả dân chúng lẫn nhà chức việc) phát hiện một gia đình gồm hai vợ chồng và hai đứa con gái bị kiệt sức trên cầu Hóa An. Theo báo Tuổi Trẻ đưa tin, anh Nguyễn Văn Dũng, người chồng, cho biết gia đình anh quê ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, lao động vất vả mà vẫn quá khổ nên cách nay 3 tháng hai vợ chồng dắt theo 2 con gái 15 và 9 tuổi tới thị trấn Dầu Giây huyện Thống Nhất tỉnh Đồng nai làm thuê làm mướn, phụ hồ kiếm sống, ráng dành dụm tiền cho con đi học lại. Nhưng dịch kéo dài, chả ai thuê mướn nữa nên thất nghiệp, không tiền trả thuê phòng trọ bị chủ nhà đòi lại “nhà”, đuổi ra ngoài. Rỗng túi, không có gì ăn, cứ xin của người này người kia sống tạm qua ngày, lang thang vật vờ được mấy hôm chịu không nổi, cả nhà quyết định đi bộ về quê. Đã lặn lội được 3 ngày đêm rồi, tới cầu Hóa An thì vợ chồng con cái đều kiệt sức.
Trước đó vài hôm, báo chí cũng đăng chuyện một thanh niên quê Thanh Hóa bị mất việc, hết tiền, chẳng còn gì bỏ vào mồm, nhà trọ khóa cửa không cho vào, đành đi bộ từ Quảng Ngãi về xứ Thanh, tới tỉnh Quảng Nam kiệt sức, ngủ vạ ngủ vật ven đường. May được dân địa phương phát hiện, hỏi han đầu đuôi, có người tốt thương tình cho chiếc xe đạp và đồ ăn thức uống đem theo dọc đường ráng về tới quê nhà.
🍋Dịch 2021: Những tháng ngày đen tối (kỳ 17)
(Lưu ý: Loạt bài này đang bị phây búc và thế lực đen tối hạn chế quyền truy cập. Tên tít cũ được nhà cháu bỏ bớt chữ để tránh bị trí tuệ thông minh của nó nhận diện. Ai vô tình mở được, muốn đọc thì nên share (chia sẻ) lại, chứ có thể sau đó bị che mất).
27.9
Đang lúc dịch căng, lại rộ lên chuyện chiếc lư hương ở tượng đài đức thánh Trần Hưng Đạo ven sông Sài Gòn. Nhà cầm quyền thành phố này vừa thả bóng thăm dò, bằng cách tung thông tin về việc chỉnh trang công trường (công viên) Mê Linh, trong đó có tượng đài, nhưng không nói gì về việc có trả lại lư hương bị họ chiếm đoạt hay không. Một số nhà này nhà nọ, chắc được mướn làm quân xanh, lên mạng xã hội và báo chí mậu dịch bày tỏ sự hiểu biết về văn hóa, tâm linh, phong tục thờ cúng, tôn giáo. Tôi chỉ muốn nhắc, ông bà nào lý luận bảo rằng chỗ tượng đài là không gian văn hóa công cộng chứ không phải chỗ thờ cúng, không phải nơi tín ngưỡng thờ phụng, không cần đặt lư hương, ừ thì cứ cho là được đi. Chỉ yêu cầu ông bà và chính thể này quán triệt cho thống nhất quy tắc, từ bắc chí nam, cứ tượng đài, bất cứ tượng đài ai, là cẩu hết bát hương lư hương đem đi, cho công bằng, đừng có cái thói nhất bên trọng nhất bên khinh.
28.9
Tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh ở Sài Gòn, công an cho biết đã làm việc, lập biên bản vụ 11 người dân tạo tin nhắn giả (giả tin của chính quyền xã nhắn cho họ) để được tiêm v.ắ.c xin ngừa dịch. Họ đem điện thoại có tin nhắn ấy đưa cho đội tiêm v.ắ.c xin coi, rồi chờ tiêm. Sự vụ bị phát giác. Họ khai với công an do nôn nóng muốn được tiêm sớm để còn được đi lại ngoài đường, dễ qua trạm kiểm soát, để có giấy xác nhận đã tiêm rồi đi làm, chứ không có ý lừa đảo gì.
Xã hội đang xôn xao vụ lực lượng hùng hậu gồm đảng ủy, chính quyền, mặt trận, tổ dân phố, công an, dân phòng, nhân viên y tế, thậm chí cả cảnh sát cơ động trang bị roi điện và dùi cui tới nhà dân trong khu chung cư, kêu thợ khóa phá khóa để mở cửa vào nhà, bắt chủ nhà xuống sân ngoáy mũi.
Chuyện xảy ra ở chung cư Ehome 4 (TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương). Một người đàn bà trẻ không chịu test (ngoáy) mũi, bởi theo lời cô ta, đã bị tét nhiều lần rồi, thấy họ ngoáy ẩu quá sợ bị lây chéo, nên không tét, cứ ở lì trong nhà, đóng cửa lại. Lực lượng nói trên đã phá cửa, cưỡng chế, bẻ quặt tay, giong cô kia xuống sân, mặc cho đương sự vẫy vùng phản đối, đứa con thì sợ hãi kêu khóc. Chỉ để ngoáy mũi, nhưng qua mấy tấm ảnh chụp đăng trên báo Phụ nữ và trên mạng, giống như thi hành án tử hình. Báo Phụ nữ TP.HCM rút tít “Công an, dân phòng phá cửa, cưỡng chế người dân đi test Covid-19”. Còn báo Đổng Nai cho biết bà Nguyễn Thị Ngọc Châu, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An (nơi có chung cư xảy ra sự việc) nói rằng đoàn cưỡng chế do đích thân bí thư đảng ủy phường cầm đầu. Bà Châu còn giải thích thêm “Ban quản lý chung cư lo lắng cho sức khỏe người dân nên có nhờ anh em trong phường phá cửa để vào nhà, xem những người trong nhà có bị sao không”.
Vụ việc um xùm, nhưng không hề thấy hội phụ nữ, đoàn thanh niên, ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em… lên tiếng. Cứ lúc có chuyện là mấy thứ hội đoàn ăn hại này trốn đi đâu mất biệt, ông hàng xóm nhà tôi bảo vậy.
29.9
Họa sĩ Đỗ Đức (trên phây búc đề là Đông Ngàn) vẽ bức tranh nhan đề “Ngoáy mũi ra tiền”, kèm theo mấy câu (thơ) minh họa: “Có nghề ngoáy… lỗ ra tiền/Cảm ơn cô vít bạn hiền/Nhờ mày, tao rủng rỉnh tiền chia nhau”. Đăng trên phây búc, thiên hạ lai (like) còm (comment) ầm ầm khoái chí. Giới họa sĩ đã ra tay thì ghê lắm, bọn kia hết đường chống đỡ. Tranh của họa sĩ La Thanh Hiền cũng vậy.
1.10
Chính quyền Sài Gòn nới lỏng sự phong tỏa từ 0 giờ hôm nay. Lại bắt đầu cuộc chạy trốn dịch và đói quy mô lần 2 của người lao động nhập cư. Từ nửa đêm, dòng người và xe máy xe đạp đã ken đặc các cửa ngõ ra khỏi thành phố. Nhiều tỉnh thành tuyên bố không đón người trở về. Theo báo Vietnamnet hôm 1.10, Chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình trả lời báo chí cho biết hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, do đó “An Giang sẽ không tiếp nhận những trường hợp người dân ở các tỉnh thành tự phát trở về địa phương”. Ngay cả Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang cũng khẳng định trong cuộc họp hôm ấy “An Giang không có chủ trương tiếp nhận người dân từ các tỉnh thành tự phát trở về địa phương”. Dân của tỉnh họ mà họ cũng không thương thì đừng nói gì đến yêu nước thương nòi.
Về vụ chạy trốn di tản nhân đạo này, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Diện viết: “Họ làm ra của cải cho TP.HCM. Họ góp phần quan trọng để tổng thu nhập của TP.HCM dẫn đầu cả nước. Vậy nhưng TP đã không cho họ niềm tin. Mất niềm tin là mất hết”.
2.10
Khi dòng người lao động tha hương lũ lượt kéo nhau về quê để tìm đường sống sau mấy tháng bị cấm đoán, giam lỏng bởi chính sách chống dịch cực đoan của chính quyền, đã không biết thông cảm với dân, chia sẻ nỗi đau khốn cùng của họ, thì nhiều tờ báo, nhiều nhà báo mậu dịch quốc doanh lại về hùa với nhà cai trị, lên tiếng kết tội, chê trách bà con, nào là “tự ý về quê gây ùn tắc giao thông”, “tự phát vô ý thức rời TP.HCM gây khó cho chính quyền”, nào là tạo “nguy cơ đem dịch bệnh về quê”, “đã về quê tự phát, lại còn chống đối người thi hành công vụ”, v.v.. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Kỳ từ 1 - 16: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1125963731571018&id=100024722048900
Ảnh: Dòng người di tản trốn dịch và đói tại cửa ngõ Sài Gòn về miền Tây Nam Bộ ngày 1.10 (nguồn: Internet)
🍊Dịch 2021: Những tháng ngày đen tối (kỳ 18)
(Lưu ý: Loạt bài này đang bị phây búc và thế lực đen tối hạn chế quyền truy cập. Tên tít cũ được nhà cháu bỏ bớt chữ để tránh bị trí tuệ thông minh của nó nhận diện. Ai vô tình mở được, muốn đọc thì nên share (chia sẻ) lại, chứ có thể sau đó bị che mất).
28.9
Đã sắp hết tháng 9, gần tròn 3 tháng dịch V.ũ H.á.n hoành hành mà vẫn chưa thấy chút hy vọng sáng sủa nào. Lại ồn ào vụ giá cả bộ kit test nhanh (dân chúng gọi là ngoáy mũi, chọc mũi). Báo Tuổi Trẻ có bài dài đưa ra những con số gây choáng, rút cái tít “Bộ kit test nhanh giá gốc chỉ 25.000 - 30.000 đồng, nhưng giá bán trong nước 80.000 - 200.000 đồng, vì sao?”. Trên mạng còn nêu đích danh giá mà Bộ Y tế công bố là 238.000 đồng/bộ kit. Kinh hoàng. Dư luận được dịp nhắc lại câu nói nổi tiếng của bà phó Doan (bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, chứ không phải bà phó Đoan trong Số đỏ): Người ta ăn không từ thứ gì.
Tôi có đứa cháu hành nghề giao hàng (shipper), nó than chính quyền vừa cho phép hoạt động lại thì chúng nó cứ 3 ngày phải đến các cơ sở dịch vụ y tế test một lần, mỗi lần trả từ 150.000 tới 200.000 đồng. Không có giấy chứng nhận “tam nhật” ấy (kết quả chỉ có giá trị trong 3 ngày) thì sẽ bị phạt nặng. Làm mửa mật, đày nắng, dãi gió dầm mưa ngoài đường không đủ tiền trả xét nghiệm. Thằng còng làm cho thằng khốn nạn gian dối ăn.
29.9
Vẫn nóng chuyện kit test. Lão hàng xóm nhà tôi phân tích: Việc chính quyền thực hiện test miễn phí cho dân để chống dịch, điều này ai cũng biết. Dân được test không phải trả tiền, cần cảm ơn chính phủ. Tuy nhiên, cái gì quá cũng không tốt. Cứ vài ba ngày lại lôi con nhà người ta ra ngoáy mũi, thậm chí cưỡng chế, dù người ta đã chích 2 mũi vắc xin hoặc chỉ ở trong nhà, vừa tốn kém vừa phiền hà, khổ dân. Nhưng test miễn phí không có nghĩa là không tốn tiền. Tiền làm việc này do ngân sách chi. Tức vẫn là tiền dân (đóng thuế). Mua rẻ, rồi khai vống giá lên để ăn chênh lệch, bỏ túi riêng, có khác gì ăn cướp, chiếm đoạt tiền nhà nước, tiền của dân. Yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ Bộ Y tế đã tính chi phí test (miễn phí) là bao nhiêu, theo giá nào, ngân sách phải chi bao nhiêu…
Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Văn Lượng đặt câu hỏi: Vụ kit test, chẳng lẽ chính phủ không có giải pháp nào hiệu quả tài chính mà đỡ bị dư luận đàm tiếu, đỡ mất cán bộ hơn hay sao?
2.10
Một cô công nhân nghèo tha hương (quê miền Trung) vào làm thuê ở tỉnh Bình Dương. Gần 4 tháng bị mất việc, hết tiền, sống không nổi, đành trả lại phòng trọ (đã nợ tiền thuê 2 tháng nhưng chủ nhà thương tình miễn) để về quê. Tài sản có giá duy nhất của cô chỉ còn chiếc ghế nhựa Duy Tân màu xanh, cô đem đặt ngoài cửa phòng trọ, rao bán thanh lý để có thêm chút tiền cho cuộc hồi hương, dù chiếc ghế chỉ được vài chục ngàn. Một bạn cùng cảnh chưa về mua giúp với giá 40 nghìn. Không khác gì chuyện bán con bán chó của chị Dậu thời trước. Minh (bạn tôi) bảo, chị Dậu xưa bán con bán chó, chị Dậu nay bán ghế bán người.
3.10
Hôm qua, thủ tướng Phạm Minh Chính ra công văn lưu ý các địa phương nhắc nhở người dân “ai ở đâu thì ở đấy”, không về quê để dịch không lây lan. Báo Tuổi Trẻ rút tít “Thủ tướng đề nghị người dân kiềm chế không di chuyển tự phát làm lây lan dịch bệnh”.
Anh Vần Quán Mao dân tộc thiểu số, người H’Mông ở tỉnh Hà Giang vào Sài Gòn kiếm sống từ năm ngoái. Chưa dành dụm được đồng nào thì trúng cơn dịch. Gần 4 tháng mất việc, chả ai thuê nữa, hết tiền, mì gói cũng cạn, anh đành về quê, chứ không thể “ai ở đâu thì ở đấy”. Ở sẽ chết đói. Mao nghèo, không mua được xe máy, chỉ có chiếc xe đạp tòng tọc, anh đạp xe về quê. Chặng đường Sài Gòn - Hà Giang gần 2.000 cây số. Đi miết, tới ngày 7.10 thì đến tỉnh Quảng Trị. Người dân thấy, thương tình giúp đỡ, cho ăn cho uống. Mừng nhất là một nhà hảo tâm tặng anh chiếc xe máy cũ và tiền đổ xăng, chỉ xin chiếc xe đạp giữ lại làm kỷ niệm. Vẫn còn khoảng 1.000 cây số nữa.
7.10
Bế mạc hội nghị 4 của đảng (cầm quyền). Ông tổng bí thư vẫn lên bục nói mấy câu cũ “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Lại còn dạy dỗ cán bộ, đảng viên không được ham quyền lực, tiền bạc, danh lợi. Trong khi đó, dân đang trên đường chạy trốn dịch và đói, vật lộn trong nắng mưa gió bão.
Hôm nay, lại ông thủ tướng thay mặt chính phủ ra công văn hỏa tốc gửi các tỉnh thành, nội dung khẳng định rằng người dân về quê là nhu cầu chính đáng (khác hẳn công văn hôm 3.10, mới cách có 4 hôm). Ông bạn tôi, doanh nhân Nguyễn Văn Hảo ở Hà Nội viết: “Khi cần thì bình chân như vại. Khi bị xỉa xói nhiều quá thì mới “hỏa tốc”. Chán!”. Còn báo Tuổi Trẻ hôm nay có bài “Người dân về quê là nhu cầu chính đáng, các tỉnh thành phải có trách nhiệm đưa đón”.
Dân chúng trong bàn tay bóp nặn của nhà cai trị bị quay như chong chóng, nay thế này, mai thế khác, chóng cả mặt. Có khi không chết không khổ bởi dịch hoặc đói, mà bởi chính sách. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Kỳ từ 1 - 17: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1128302324670492&id=100024722048900
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top