Ky nang viet truyen

ki nang viet truyen1

Tình cờ dạo web tôi đã gặp được các bài viết này. Có cái tôi không đồng ý, nhưng có cái tôi thấy hay và muốn cùng chia xẻ.

************************************************************************

Writing is an art, writing is a skill

by Kal Kally

Lời đề tựa

Viết luôn là một điều cần thiết đối với cuộc sống con người. Có rất nhiều dạng viết, văn bản khoa học, thi ca, truyện, ký sự, bài luận... Mỗi dạng viết đều có điểm mạnh và điểm yếu, và đều đóng vai trò quan trọng trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống. Khi viết gắn với văn học, viết còn là một nghệ thuật.

Đối với mọi thể loại viết, để có thể viết hay được cần đến hai yếu tố, tài năng và kỹ thuật. Trong khi tài năng là do bẩm sinh, và không thể thay đổi được thì kỹ thuật có thể phát triển bằng cách đọc nhiều, bằng cách tự ý thức phát triển kỹ thuật của mình.

Tôi không phải là một người có tài năng gì trong lĩnh vực viết truyện này. Tôi cũng không dám nói kỹ thuật viết của tôi cao. Nhưng tôi có thể nói rằng tôi rất yêu thích viết, và tôi muốn kỹ thuật viết của mình có thể khá hơn. Vì vậy, tôi quyết định lập ra series này.

Đây không phải là một cách để chứng minh rằng tôi có kinh nghiệm trong việc viết. Tôi cũng chỉ đang học cách để viết sao cho có thể đọc được mà thôi. Tất cả những gì sẽ được đưa ra trong Series đều được rút ra từ những gì tôi tìm thấy ở trên mạng, những gì tôi được những người viết fic khác chỉ dẫn, từ kinh nghiệm của chính tôi, và điều quan trọng nhất, là từ con mắt của một người ĐỌC.

Tôi lập ra series này, một phần là muốn tự nâng cao khả năng của mình. Đây cũng là một cách để tôi học. Một phần khác, tôi hy vọng series này có thể đem đến cho những người cũng yêu thích văn học như tôi một cái gì đó hữu ích. Nếu có thể, tôi cũng mong các bạn đóng góp những kinh nghiệm của các bạn để chúng ta có thể cùng chia sẻ. ^_^

Kal Kally.

Một số điều nên biết khi viết fic

#1 in the Writing is an art, writing is a skill Series.

by Kal Kally

Part 2: Inside the fic

1. Đừng lập lại chính mình. Một số thông tin liên quan tới nội dung chuyện được đưa ra là cần thiết và đem lại điểm nhấn cho câu chuyện. Lần thứ hai nó được đưa ra mà không phải nhằm tạo ra tình huống truyện vẫn có thể chấp nhận được. Lần thứ ba sẽ tạo nên phản cảm. Người đọc không phải là người dễ quên. Lần thứ nhất là họ hiểu rồi. Bạn không cần phải nhắc lại nữa.

2. Nắm rõ tính cách nhân vật. Điều này rất cần thiết nếu như bạn đang viết fan fiction và đặc biệt cần thiết nếu bạn đang đi theo tình tiết có sẵn trong truyện gốc. Nên cố đừng làm sai lệch tính cách nhân vật hết mức có thể. Khi đọc một fan fic, người đọc đã có sẵn hình tượng nhân vật trong đầu, vì vậy, khi nhân vật bạn viết đi chệch với hình tượng ấy, người đọc sẽ có phản cảm. Dĩ nhiên, điều này là điều thừa đối với những truyện vui cười, Humor, vì trong thể loại này, sự làm sai lệch tính cách nhân vật được sử dụng như một công cụ để tạo tính hài hước.

3. Tránh xa Mary Sue. Mary Sue là một nhân vật quá hoàn thiện mà người viết sáng tạo nên từ mơ ước của chính mình. Đúng, có một số tác phẩm viết về Mary Sue vẫn rất hay và được yêu thích, nhưng chúng hiếm như một con mèo không thích ăn cá vậy, tác phẩm của bạn sẽ không nằm trong số đó đâu >_< Không có gì khó chịu hơn là đọc về Mary Sue. Mary Sue. Cô ta phải chết!

4. Đừng viết tắt, đừng dùng những từ phổ biến và thông dụng trong khi chat như LOL, U, Luv. Ít ra thì nó cũng giữ được cho người đọc một ấn tượng bạn là một người coi việc viết là nghiêm chỉnh, chưa cần biết truyện của bạn có hay hay không. Và điều này sẽ giúp cho những cảm xúc bạn đang muốn thể hiện cho 1 đoạn văn không bị phá hủy. Cứ thử tưởng tượng một câu chuyện bi kịch mà trong lời hội thoại, đối phương luôn được xưng hô thành U, từ 'và' luôn thành '&'..., chắc chắn bị kịch đó sẽ chuyển thành hài kịch.

5. Trước mỗi cảnh, nên giới thiệu bối cảnh về thời gian và địa điểm để người đọc không bị khó hiểu với những câu hỏi như 'Lúc nào thế nhỉ? Ở đâu đây?'. Chuyện này là không cần thiết nếu bạn viết PWP, truyện không tình tiết hoặc POV ngắn.

6. Hãy cho nhân vật một cái tên. Một số người viết có vẻ như không nghĩ ra được cái tên hay sao đó mà để nhân vật có cái tên như ***, ---, XYZ.... Xin đừng làm thế. It's disturbing like hell. Cái tên là cái căn bản nhất để xây dựng ấn tượng về một nhân vật đối với người đọc.

7. Đừng viết những truyện mà bạn hoặc bạn của bạn nhảy vào và tiếp xúc với nhân vật. Mọi dạng viết đều là một loại luyện tập tốt, nhưng có post thì hãy post ở đâu mọi người biết bạn và bạn của bạn là ai như ở forum, đừng post lên những cộng đồng viết fic lớn hoặc một trang Web riêng. Thật khủng khiếp khi phải đọc một fic mà luôn phải tự hỏi, 'người này là ai nhỉ, người kia là ai nhỉ'.

8. Tìm hiểu về những nội dung mình viết nếu bạn muốn viết AU. AU là khi bạn viết một nội dung, bối cảnh hoàn toàn khác sử dụng những nhân vật có sẵn, ví dụ như Gundam Wing đặt trong bối cảnh cảnh sát và tội phạm. Để viết chúng, ít ra bạn cũng nên biết đôi chút về những gì mình viết. Nếu bạn đặt nhân vật vào ngành cảnh sát chẳng hạn, thì ít ra bạn cũng nên biết cách ăn nói của cảnh sát. Người bình thường thì không sao, nhưng một cảnh sát thật có thể đọc fic của bạn trong lúc giải trí, và anh ta sẽ cười sặc sụa khi thấy bạn dùng sai từ ngữ.

9. Cực kỳ quan trọng. Mỗi đoạn hãy dùng một POV. POV là quan điểm của người được nói tới. Mỗi đoạn, mỗi một cảnh, hãy gắn liền nó với quan điểm, cách nhìn nhận và cảm xúc của một nhân vật. Nếu trong một đoạn bạn đang viết về Hiei, cách cậu ta nhìn em gái như thế nào, cách cậu ta đối đáp lại Kuwabara. Hiei nói chuyện với Kurama và rồi cậu ta nói. "Hiei, điều này...." Viết như thế sẽ gây khó hiểu cho người đọc, bởi người đọc cũng đang theo dõi câu chuyện của bạn dưới cách nhìn của Hiei, phản ứng đầu tiên sẽ là 'Tại sao Hiei lại tự gọi mình nhỉ?'. Sử dụng nhiều hơn một cách nhìn trong một cảnh rất dễ gây khó hiểu và rối cho người đọc.

10. Đừng dùng những từ viết HOA. Một ý trọng tâm của bạn mà bạn muốn nhấn mạnh, người đọc sẽ tự hiểu, không cần bạn phải nhắc nhở. Nếu là nhấn mạnh trong hội thoại, khi muốn nói nhân vật thể hiện sự nhấn mạnh ấy trong giọng mình, hãy dùng ký hiệu in đậm *text* hoặc dấu chấm, ví dụ như: Shut. The. Hell. Up. Và những sự nhấn mạnh như vậy cũng không nên được dùng quá nhiều, một hai lần cho một chapter là quá đủ.

May be more, may be not. ^^

Copyright by Kal Kally ^_____________^ LOL

ki nang viet truyen2

Mary Sue, thiên thần hay ác quỷ.

#2 in the Writing is an art, writing is a skill Series.

by Kal Kally

Part 1: Gương mặt của một thiên thần?

Nếu bạn là một độc giả của fiction nói chung và fan fiction nói riêng thì hẳn bạn đã gặp Mary Sue, cho dù bạn có nhận ra điều đó hay không. Mary Sue đã reo rắc kinh hoàng cho độc giả và người viết ở khắp mọi nơi. Một số người bảo vệ cô ấy, đa phần ghê tởm và chống lại cô ấy. Cô ấy bị buộc tội là phải chịu trách nhiệm cho hầu hết những điều xấu xa trong thế giới của fiction và fan fiction. Cô ấy có bị oan hay không?

Mary Sue xuất hiện ở khắp mọi nơi dưới nhiều cái nên và nhiều hình dạng. Cô ấy thường rất dễ nhận ra bởi vì bạn chỉ đơn giản là không thể không nhận ra cô ấy được. Trong fiction, cô ấy nổi bật dưới đủ mọi hình thức. Trong fan fiction, cô ấy ẩn mình đi sau những nhân vật lấy từ nguyên bản, lúc này, khó nhận ra cô ấy bằng hình dáng, nhưng mọi thứ khác thì vẫn đập vào mắt những người đã lướt qua Mary Sue.

Cô ấy khiến cả hoa hậu thế giới hay tiên nữ cũng phải ghen tị vì sắc đẹp của mình. Đôi mắt cô ấy thường to đẹp long lanh, đôi lúc thường có những màu khác thường như tím, bạc... Tóc cô ấy có thể dài tới gót, luôn mượt mà, và cũng như mắt, hay có những màu khác biệt như đỏ, bạch kim hay cực kỳ khác biệt như xanh biển hoặc đỏ hơi vàng ánh tím chẳng hạn. Cô ấy là một người đẹp tuyệt vời.

Cô ấy lại còn thông minh nữa. Mary Sue có tài trong đủ mọi lãnh vực. Cô ấy có thể sửa một cỗ máy phức tạp chỉ với một vài công cụ thô sơ dù cô ấy không phải là kỹ sư. Cô ấy đọc xong những cuốn sách mà một học giả phải đọc trong cả tháng chỉ trong vòng một ngày. Cô ấy hát hay tuyệt vời, nấu ăn tuyệt ngon, luôn thông cảm và hiểu người khác, đôi lúc cô ấy còn có khả năng ngoại cảm nữa. Cô ấy là một người hoàn hảo.

Mary Sue là một người không bao giờ bị khuất phục. Cô ấy ngoan cường, thậm chí còn hơi cứng đầu cứng cổ nữa. Cô ấy vượt qua được tất cả, dám đối mặt với tất cả, không sợ hãi bất cứ một cái gì. Cô ấy là một người bản lĩnh.

Những thứ đồ cô ấy có như vũ khí, sách, máy móc, không một cái gì không tuyệt vời. Tân tiến nhất. Mạnh nhất. Lại chỉ có mình cô ấy sử dụng được. Cô ấy là một người được số phận ưu đãi.

Tên Mary Sue thường rất khác biệt, tượng hình hoặc được gợi từ tên của người đã tạo ra cô ấy. Khác biệt là nhiều nhất: Callisto, Unella. Đôi lúc nó khác biệt tới mức người sáng tạo ra cô ấy phải giải thích với chúng ta cách đọc của cái tên: Janaris đọc là Yah-NAH-ris. Cô ây là người có cái tên không thể quên.

Quá khứ của Mary Sue thường rất bi kịch. Cô ấy đã phải trải qua những biến cố lớn từ nhỏ, những biến cố mà người thường nếu trải qua hẳn đã phải phát điên. Hiện tại của cô ấy thường rất khác người. Cô ấy là một người bất tử, cô ấy là người anh hùng nhỏ tuổi nhất hoặc lớn tuổi nhất. Cô ấy là thiên thần bị nguyền rủa hay ác quỷ thánh thiện. Hiện tại của Mary Sue cũng thường chứa đầy đau khổ và phản bội. Cô ấy là người được quyền đứng trên người khác hoặc cô ấy là người phải chịu nhiều đau khổ.

Nhưng Mary Sue không vì thế mà lên mặt với người khác. Cô ấy luôn thấu hiểu mọi người. Sự hiện diện của cô ấy đem lại cho họ niềm an ủi, tia sáng dẫn đường. Cô ấy động viên nhiều người chỉ bằng một hành động nhỏ. Cô ấy hy sinh vì người khác, xả thân vì người khác. Cô ấy luôn hàn gắn, sửa chữa mọi thứ: những trái tim tan vỡ, những con tàu vũ trụ tan vỡ, những cuộc đời tan vỡ, những linh hồn tan vỡ. Cô ấy là một người bác ái.

Mary Sue được rất nhiều người yêu quí. Cô ấy được những người cấp cao nhất trong một tổ chức, quốc gia, hoặc nhiều tổ chức, quốc gia, hoặc những người mạnh nhất hành tinh si mê. Nếu cô ấy còn không phải là nhân vật chính chuyện, thì cô ấy luôn thành đôi lứa với nhân vật nam chính của chuyện đó, nữ chính nếu là yuri. Sự hiện diện của cô ấy ảnh hưởng lớn tới mọi người trong truyện. Cô ấy được những nhân vật, thậm chí là cả những nhân vật vô cảm suốt ngày lo lắng cho cô ấy. Cô ấy là biểu tượng của tình yêu.

Cái chết của Mary Sue thường rất đẹp, đẹp tuyệt diệu. Cô ấy cứu cả thế giới, cuối cùng phải trả giá bằng sinh mạng. Cô ấy chết để nhường một người khác được sống. Cô ấy để lại những giá trị quý báu cho nhân loạt qua cái chết. Cái chết của cô ấy được than khóc, thương tiếc. Những người yêu cô ấy vì cô ấy mà tự kết liễu đời mình. Cô ấy là người luôn có được một cái chết thanh cao.

Người anh em họ của Mary Sue, Harry Stu giống hệt cô ấy, chỉ khác một chút là giới tính. Anh ấy được biết đến như là một người đẹp trai, tài giỏi, mạnh mẽ, cá tính, lạnh lùng, được hàng đống con gái ngưỡng mộ, được cả thế giới phải biết đến vì tài năng về khoa học hay võ thuật, hay hacking v.v...

Trong slash/yaoi fan fiction, Mary Sue thường ẩn trong những nhân vật nam và cả nữ, biến họ trở thành mỏng manh, yếu đuối, dễ khóc, cần bảo vệ của nhân vật mà họ được ghép đôi. Harry Stu thường ẩn trong những nhân vật nữ và cả nam, biến họ trở thành siêu mạnh mẽ đủ để bảo vệ nhân vật yếu hơn mà họ được ghép đôi. Cô ấy còn là những nhân vật mới toanh không liên quan tới truyện gốc được đưa vào fan fiction nữa.

Mary Sue đẹp, hoàn hảo, bản lĩnh, bác ái, chịu nhiều đau khổ, được yêu quí, hy sinh vì người khác, hẳn cô ấy là một thiên thần?

End Part 1.

Part 2: Bản chất của một ác quỷ?

Chỉ một số ít những Mary Sue đi vào lòng người đọc nhờ tài năng tuyệt diệt của người cầm bút, phần lớn Mary Sue đều bị người đọc căm ghét. Cô ấy là kẻ thù của những người viết truyện tốt. Cô ấy phá hỏng những câu chuyện có tiềm năng. Tuy nhiên, cô ấy cũng có fan của mình.

Sao vậy?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta thử đi vào tìm hiểu xem Mary Sue là ai?

Mary Sue có thể là bản sao của người viết, cô ấy thể hiện những giấc mơ, những ảo tưởng của người viết về bản thân mình. Cô ấy có thể là một nhân vật nguyên bản của truyện giữ vai trò trung tâm của truyện nhưng vai trò này bị lạm dụng quá mức. Thường thì cô ấy là cả hai.

Mary Sue phải chết vì nhiều lý do. Cô ấy đem lại sự nhàm chán và đơn điệu. Những nhân vật không phải là Mary Sue thường phức tạp và không hoàn hảo. Mary Sue thì khác, cô ấy quá hoàn hảo nên chỉ là một nhân vật đơn nhất không tạo được những bất ngờ thực sự. Người viết có thể cho các nhân vật trong truyện trầm trồ thán phục: "Ôi, cô ấy giết được cả quỷ chỉ với một con dao." Nhưng độc giả thì không, độc giả sẽ nghĩ: "Chắc chắn là cô ta làm được như thế rồi, có gì lạ đâu."

Cô ấy là mơ ước, là giấc mơ thầm kín của một tác giả, phần lớn người đọc lại không muốn đọc về giấc mơ thầm kín ấy. Họ muốn đọc về những con người thực sự, cũng có những lỗi lầm, những khiếm khuyết. Họ thấy những con người hoàn hảo là không thật, vô nghĩa, và có rất nhiều người đọc cảm thấy khó chịu khi đọc những nhân vật hoàn hảo đó.

Trong fan fiction, Mary Sue làm người đọc phải chú ý đến cô ấy, từ đó làm lệch chiều hướng truyện, khiến người đọc không thể chú ý hoặc đọc được nhiều về nhân vật mình muốn đọc. Trong fiction, Mary Sue cho dù có là trung tâm cũng quá tỏa sáng, khiến những nhân vật khác đều chìm đi đằng sau cái ánh sáng ấy. Nhưng một câu truyện có Plot lại không thể chỉ là độc diễn của một nhân vật, nó được tạo nên từ sự kết hợp giữa nhiều nhân vật và nhiều tình huống.

Mary Sue thể hiện sự không kinh nghiệm của người cầm bút. Xét theo mọi chiều hướng, người ta không thể suy ra ở Mary Sue được cái gọi là hiểu biết về cuộc sống. Những tác phẩm dạng Mary Sue rất hiếm khi mang được tính hiện thực, vì ngay chính bản thân sự hoàn hảo đã không hiện thực. Cô ấy còn thể hiện sự yếu kém về trí tưởng tượng không thể tạo dựng được nhân vật đa dạng và phức tạp hay không thể nghĩ ra được nhân vật sẽ làm gì trong một trường hợp được đặt ra một cách hợp lý. Có thể nói, trong những fiction có Mary Sue xuất hiện, người viết cũng đã hóa thân vào nhân vật, nhưng lại không thể hóa thân vào nhân vật một cách trọn vẹn để nhìn thế giới của fiction dưới một con mắt khách quan mà đã để lại dấu ấn của cái tôi quá nhiều lên nhân vật. Sự hóa thân như vậy coi như là thất bại.

Mary Sue cũng bẻ cong đi tâm lý của nhân vật. Do cô ấy là bản sao của tác giả, cô ấy cũng có cái nhìn và quan điểm của tác giả. Người viết có xu hướng cho rằng các nhân vật chỉ nhìn Mary Sue là đã có ý nghĩ: "Không hiểu sao, chỉ nhìn cô ấy, tôi cảm thấy tin tưởng, tôi muốn nói hết mọi điều với cô ấy." Hoặc ngay từ cái nhìn đầu tiên, ai cũng yêu cô ấy ngay, hoặc ai cũng lo lắng, quan tâm tới cô ấy từng tí một cho dù cô ấy làm gì. Tâm lý bình thường không như thế. Người ta phải mất nhiều thời gian và cố gắng mới tin tưởng được nhau. Không phải ai cũng yêu ngay người đẹp nhất. Khi người đọc đọc một truyện, họ có xu hướng mong chờ tâm lý của nhân vật được giải quyết theo một hướng hợp lý nào đó. Khi nó đi trệch với hướng đó một cách cũng hợp lý, họ chấp nhận nó như là một điều bất ngờ. Khi nó quá bẻ cong hoặc không thể xảy ra, họ sẽ có phản cảm.

Chỉ trong những câu chuyện ngắn, tác hại do Mary Sue gây ra không rõ ràng và lớn lắm. Nhưng trong những series truyện dài, hoặc những truyện nhiều chap, theo dõi hành trình của một Mary Sue thường luôn gây mệt mỏi và chán nản. Cũng có người thích nhân vật dạng Mary Sue, nhưng thường rất ít, còn hầu hết các độc giả đòi hỏi một tác phẩm chất lượng có thể chấp nhận được không thích Mary Sue, và những độc giả khó tính ghê tởm cô ta. Người thích và chấp nhận được Mary Sue nhất thường là chính tác giả đã tạo nên cô ta chứ không phải là người đọc.

Vậy phải chăng cô ta là ác quỷ?

Part 3: Sự thật và lời bào chữa.

Mary Sue đã tồn tại từ rất lâu. Nhưng khái niệm "Mary Sue" được dùng lần đầu tiên vào năm 1974 trong một fan fiction của Star Trek do Paula Smith viết. Đây là một nhân vật tuyệt đẹp nửa người, nửa là Vulcan, cô ta đã cứu Kirk, Spock và Dr. McCoy. Trong những thập kỷ tiếp theo của fan fiction, khái niệm này được dùng ngày càng phổ biến, và lấn sang cả fiction, tuy nó được dùng phổ biến hơn ở fan fiction.

Viết Mary Sue không khó, đúng ra là rất dễ dàng, nhưng nó lại khó đọc. Mary Sue thường dẫn tới flame và những lời chỉ trích. Đối với những truyện nhiều chương, nó khiến độc giả phải nghĩ "Lại tiếp tục, đùa à?" hoặc đơn giản là họ ngừng đọc truyện đó. Tuy vậy, không phải mọi tác phẩm Mary Sue đều là tồi tệ và chán ngán. Có những tác phẩm vẫn thu hút được rất nhiều độc giả.

Vậy khi nào thì Mary Sue không phải là một Mary Sue?

Khi cô ta được thể hiện thú vị đến nỗi bạn không quan tâm cô ta là Mary Sue nữa.

Vấn đề là chỉ có một trong một trăm người viết là đủ kỹ năng để thực hiện điều đó.

Những tác giả viết tồi thường dính tới Mary Sue nhiều hơn là những tác giả viết tốt. Tuy vậy, lại có sự khác biệt giữa một người viết mãi mãi tồi và một người viết tồi đang tiến bộ.

Có một câu nói là "Mary Sue là một kẻ phải chết nhưng lại không thể bị giết." Đúng là như vậy. Mary Sue là một bước mà hầu như mọi người viết nào cũng đã từng trải qua. Một số người cho rằng Mary Sue không nhằm một mục đích nào khác ngoài tạo điều kiện cho người viết thử sống hoàn toàn trong một thế giới tưởng tượng. Nó là một bước chập chững của quá trình viết.

Hầu hết những người viết đều cho rằng mình viết là vì đam mê. Nhưng nếu chỉ viết, để rồi tống vào kho thì có lẽ là không cần quan tâm đến Mary Sue có mặt hay không, nhưng những người viết muốn chia sẻ tác phẩm của mình, coi tác phẩm của mình như là một tác phẩm văn học thực sự sớm nhận ra rằng muốn mình có được độc giả, cần phải rời xa Mary Sue.

Anne Lamott, một người viết văn chuyên nghiệp đã nhận xét trong tác phẩm Bird by Bird của mình: "Những người mới bắt đầu... luôn viết không ý thức được về chính bản thân mình, thậm chí nếu họ tạo dựng nhân vật nữ trong tác phẩm của họ vừa là người về nhất trong một cuộc đua ngựa vừa là một bà mẹ nghiện rượu khóc rất nhiều."

Anthony Trollope cũng đã từng xây dựng một Mary Sue cho mình khi còn trẻ trong ý nghĩ: "trong hàng hàng tuần, hàng tháng, nếu tôi nhớ chính xác, còn là hàng năm... tôi dĩ nhiên là vị anh hùng cho chính mình. Đó cũng giống như là sự cần thiết của xây lâu đài cát. Nhưng tôi đã không bao giờ trở thành vua, hay người đứng đầu... Tôi đã không bao giờ là một người từng trải hay một nhà hiền triết... Nhưng tôi đã là một người thông minh, và những phụ nữ đẹp luôn thích tôi. Và tôi xây dựng mình tốt bụng, rộng mở lòng và cao quý trong ý nghĩ, cho dù phải đối mặt với những điều xấu xa; nói chung, tôi xây dựng mình là một người tốt đẹp hơn nhiều lần so với con người thực của tôi đã đạt được." Ông cho rằng hành động này đã tạo nên một phần thành công cho mình về sau khi trở thành một nhà tiểu thuyết: "Trong những năm sau này, tôi cũng vẫn làm việc đó, chỉ khác là tôi đã xoá bỏ vị anh hùng của những giấc mơ trước đây và cuối cùng đã có thể đặt bản thân mình sang một bên."

Mary Sue là sự khám phá của người viết ban đầu đối với thế giới giả tưởng mà người đó ở trong, hoặc sẽ ở trong. Mary Sue được những nhân vật khác tôn thờ, bởi vì những tác giả viết Mary Sue đang khám phá cái sức mạnh mới mẻ của mình trong một thế giới rộng lớn và xấu xa. Sự quyến rũ người khác phái cũng nằm trong điều này, người viết bị thu hút bởi ý nghĩ một người lại có thể quyến rũ những người khác phái khác nhiều hơn nhiều lần so với bình thường trong thế giới giả tưởng. Cái khả năng này còn là đề tài cho rất nhiều truyện văn học "của phụ nữ". Trong những tác phẩm lớn, cái giá của khả năng này là một phần của câu chuyện, nó gắn với sự yếu kém của những khả năng khác. Trong những tác phẩm rẻ tiền, cái giá của khả năng này không lớn, chỉ là rất nhỏ. Trong những tác phẩm Mary Sue bước đầu, cái giá này không bao giờ được trả, sức mạnh chỉ đơn giản là có.

Về mặt thiếu kinh nghiệm, đúng, nhưng không có nghĩa là người viết thiếu kinh nghiệm sống. Thường thì một người viết ban đầu chưa biết làm thế nào để dựa vào những kinh nghiệm sống, những cảm nhận riêng, tâm hồn và suy nghĩ của mình để xây dựng nên những nhân vật giống đời thật. Đây cũng là lý do khiến Mary Sue xuất hiện từ fan fiction.

Do vậy, một số người viết vẫn cố tình viết Mary Sue về bản thân mình và những người mình yêu quí. Một số người viết khác vô tình viết Mary Sue, khi được chỉ ra điều ấy, đã tự chỉ rõ điều ấy thay vì dấu tác phẩm Mary Sue đó đi. Họ ghi rõ đây là một Mary Sue và lời cảm ơn cho người độc giả đã chỉ điều đó ra cho họ như một phương cách để tự bảo vệ. Người viết tự mời người đọc cùng cười với mình vì đây là một Mary Sue, biết rằng đằng nào thì người đọc cũng sẽ cười.

Một số fan còn đi xa hơn, lập cả những trang dành cho Mary Sue. Họ không còn cảm thấy cần phải xấu hổ về Mary Sue nữa, họ tôn trọng cô ta, bởi vì thường cô ta là nhân vật đầu tiên của họ.

Cùng lúc đó, những bài viết về Mary Sue, khuyên nên tránh xa Mary Sue vẫn tiếp tục ra đời. Nhiều người đọc vẫn tiếp tục chê trách và chỉ trích Mary Sue. Những người viết đã rời khỏi bước ban đầu vẫn tiếp tục tìm cách xây dựng nhân vật của mình càng thật càng tốt. Họ đang bỏ rơi dần Mary Sue.

ki nang viet truyen3

Góc nhìn của người viết. POV - Point of View

#4 in the Writing is an art, writing is a skill Series.

By Kal Kally

Khi viết truyện, một điều phải nghĩ tới đầu tiên là mình sẽ viết dưới góc nhìn nào. Điều này rất quan trọng, vì nó sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nội dung truyện, và đi theo bạn trong suốt quá trình viết.

Hầu hết mọi người viết đều hiểu được sự khác biệt giữa First Person, ngôi thứ nhất và Third Person, ngôi thứ ba, với ranh giới để phân chia hai kiểu này là sự sử dụng từ "tôi" và "anh ấy, cô ấy". Nhưng hai loại ngôi thứ ba thì nhập nhằng hơn.

Ngôi thứ nhất, First Person được coi là kiểu POV (góc nhìn nhân vật) dễ viết nhất, và cũng rất khó viết được hay. Người viết đứng ở trong đầu của nhân vật được miêu tả POV và nhìn ra toàn bộ thế giới bằng con mắt, trái tim, lý trí và quan điểm của nhân vật đó. Nó cho phép người đọc có thể tiếp cận với ý nghĩ và cảm xúc của nhân vật một cách gần gũi nhất. Nó cũng cho phép những lời tự bạch dài, hồi tưởng lại quá khứ hoặc tương lai của nhân vật kiểu như: "Lúc đó tôi đã không biết..." hoặc "Khi tôi còn nhỏ, tôi... nhưng giờ trở thành người lớn, tôi mới thấy..."

Đối tượng First Person có thể là nhân vật chính, và trong một số trường hợp hiếm gặp, đối tượng của First Person lại là nhân vật phụ. Từ con mắt của nhân vật phụ đó mà nội dung câu truyện tiến triển. Tuy nhiên, cho dù trong trường hợp nào, thì First Person cũng không cho phép một sự gần gũi tương tự với những nhân vật khác. Chúng ta chỉ thấy người và cảnh vật qua nhân vật trong POV (nhân vật được miêu tả quan điểm), nên tính chủ quan và dấu ấn của nhân vật trong POV chi phối rất nhiều, mà dấu ấn của các nhân vật khác lại chi phối rất ít.

Một người viết First Person tốt phải gắn người đọc với thực tế về một sự kiện, trong khi vẫn gắn với suy nghĩ chủ quan của một nhân vật. Đồng thời giọng kể của nhân vật phải mạnh vào khéo léo, nếu không sẽ giống như là đọc một quyển nhật ký vậy. Viết First Person không khó, nhưng viết First Person hay lại rất khó. Bản thân tôi cũng phải thừa nhận, khi đọc fic, thường gặp truyện nào ở ngôi thứ nhất thì thường bỏ qua.

Ngôi thứ ba, Third Person được chia làm 2 loại: Ngôi thứ ba giới hạn, Third Limited, và Ngôi thứ ba thông suốt, Third Omniscient.

Ở Third Limited, người viết đặt mình vào đầu một nhân vật trong truyện với mức độ không gần gũi như với First Person do sử dụng "anh, cô, hắn... " thay thế cho "tôi". Tuy nhiên, dạng này lại gần gũi với 1 nhân vật hơn nhiều so với Third Omniscient. Đây cũng là kiểu thường gặp nhất trong fic, là mức độ chuyển giao giữa First Person và Third Omniscent. Nó cho phép người đọc có thể nhìn từ nhiều hơn một nhân vật, cho phép một lượng thông tin lớn hơn về sự kiện so với First Person, và về tình cảm và ý nghĩ so với Third Omniscent.

Nhưng để sử dụng Third Limited thành công và không lấn sang Third Omniscent, cần luôn chú ý mình đang viết POV của nhân vật nào. Điều đầu tiên cần nhớ là nhân vật trong POV không thấy được bản thân mình.

Chẳng hạn khi viết về POV của Kurama:

'Kurama nhìn thẳng vào mắt Hiei bằng đôi mắt xanh lấp lánh tuyệt đẹp hút hồn người.'

Kurama không thể tự nhìn mắt mình để biết nó lấp lánh thế nào, và chắc chắn sẽ không tự phụ cho rằng mắt mình tuyệt đẹp hút hồn người.

Một đoạn như sau sẽ khá hơn nhiều:

'Kurama nhìn thẳng vào mắt Hiei, biết rằng đôi mắt xanh của mình luôn làm Hiei rung động.'

Trong khi sử dụng Ngôi thứ ba giới hạn, Third Limited này cũng nên hạn chế sử dụng quá nhiều POV của các nhân vật khác nhau trong một cảnh, đặc biệt tránh thay đổi POV liên tục. Đã chọn đứng trong đầu 1 hoặc tối đa là 2 nhân vật trong 1 cảnh thì hãy theo nhân vật đó cho đến hết cảnh. Nếu không kết cục sẽ là: "Đầu nhô ra liên tục, vị độc giả tội nghiệp quay qua quay lại cũng liên tục đến sái cả cổ để xem mình đang ở trong cái đầu nhân vật nào."

Third Omniscient, Ngôi thứ ba thông suốt, là khi người viết đứng ở ngoài truyện đóng vai trò là Thượng Đế, có thể nhìn vào ý nghĩ và tình cảm của mọi nhân vật. Nó rất khó viết, vì nó đòi hỏi người viết phải nắm vững về tâm lý con người, và có thể diễn tả nó một cách thoải mái và dễ dàng. Nó cũng đòi hỏi một giọng kể mạnh. Third Omniscient cho phép xâm nhập vào mọi ý nghĩ, động cơ của nhân vật, thoải mái nhận xét về nhân vật, sự kiện và thông tin về tất cả mọi sự kiện và hành động.

Nhưng kiểu POV này không cho phép sự gần gũi với nhân vật như cả hai First Person và Third Limited. Luôn có một bức tường cản vô hình giữa người đọc và nhân vật, khiến người đọc và cả người viết rất khó ở vị trí của một nhân vật, mà ở vị trí của một người ngoài cuộc theo dõi câu chuyện.

Kiểu POV này là công cụ đắc lực cho những truyện có nhiều nhân vật đều được thể hiện sâu, là một sự hạn chế đối với những truyện ngắn kiểu PWP, và là cái lỗ để chôn những truyện không tình tiết, những truyện thuần nội tâm.

Còn một kiểu POV nữa không phổ biến lắm, và cực khó là Ngôi thứ 2.

Đây là một đoạn truyện kiểu này, nói về Hiei (YYH):

'Đau.

Tội lỗi ẩn mình trong sự bỏng rát và cái đau đỏ máu.

Máu chảy dọc chân ngươi, ngươi vẫn nằm trong yên lặng, đôi mắt đỏ rực vô hồn và lạnh như băng. Cả cái cơ thể nhỏ bé của ngươi vẫn còn đau nhức khi đêm buông mình trên mặt đất. Không ai quan tâm, không ai muốn nghe, không ai muốn thấy, thậm chí chỉ là liếc mắt qua.

Không ai đến giúp. Không ai bận tâm. Trong khoảng khắc im lìm ấy, ngươi chợt nghĩ về người đã sinh ra ngươi. Bà sẽ nghĩ gì về ta đây? ngươi nghĩ thầm, giọt lệ đầu tiên chảy dài trên má. Ngươi không muốn khóc, nhưng thậm chí ngay cả sự tự kiềm chế của ngươi cũng không thể cho ngươi điều mà ngươi muốn. Công lý luôn mù, và ngươi cũng thế. Ngươi muốn khóc. Ngươi muốn trở về với mẹ của ngươi.'

Hầu như không thể áp dụng kiểu này vào những truyện dài. Kiểu này là cố ý biến người đọc thành nhân vật, từ đó nhân lên nhiều lần hiệu quả của những cảm xúc và biến cố xảy ra đối với nhân vật. Tuy nhiên phải luôn thận trọng với nó, vì nó là con dao hai lưỡi. Hiệu quả cảm xúc của nó rất lớn, nhưng nếu không biết cách dừng đúng lúc sẽ gây ra phản cảm rất mạnh.

Tất cả những loại POV trên đều có ưu và nhược điểm. Người viết phải chọn kiểu nào hợp với mình nhất. Thường thì một người viết thực hiện sự lựa chọn này một cách vô thức, cứ bắt đầu viết và tự khắc sẽ rơi vào một kiểu nào đó.

Rắc rối xảy ra khi một người cố nhập Ngôi thứ ba giới hạn, Third Limited và Ngôi thứ ba thông suốt, Third Omniscient lại, cuối cùng kết quả là một mớ lộn xộn. Có những người viết thành công ở khoảng giữa của hai loại POV này như nhà tiểu thuyết lịch sử Mary Renault, nhưng nó đòi hỏi kỹ năng và đôi khi cả tài năng rất lớn. Nhập hẳn Third Omniscent và Third Limited chỉ khiến độc giả luôn phải vòng đi vòng lại câu chuyện của bạn để xem mình đang theo dõi POV của nhân vật nào. Một vài lần còn chấp nhận được, nhưng truyện vài chục chương mà lúc nào cũng thế thì thật mệt mỏi và bực bội.

Chuyển POV trong một cảnh là có thể nhưng không nên lạm dụng. Trong cùng một cảnh chỉ nên chuyển POV một hai lần, và giữa các POV cần chia cách hẳn ra vài dòng để độc giả không bị rối trí. Nhưng đừng dùng các ký hiệu ngăn cách như

***

vì đây được coi là dấu hiệu chuyển cảnh.

Cuối cùng, luôn nhớ những luật lệ về POV là tốt, nhưng không ai trong chúng ta muốn viết những fic cứng nhắc và không sáng tạo phải không? Vì vậy, cho dù thế nào thì cũng hãy cố để mạch văn của mình được tự nhiên nhất, và khi viết, hãy thử để mình ở vị trí người đọc để tự nhận xét fic của mình.

End.

ki nang viet truyen4

Writing is an art, writing is a skill Series.

Một số điều nên biết khi viết fic

#1 in the Writing is an art, writing is a skill Series.

by Kal Kally

Part 1: Outside the fic.

Giới thiệu: Bài này được viết dựa theo kinh nghiệm của bản thân là một người ĐỌC. Bản thân người viết không phải là một người viết fic hoặc fan fiction vô cùng tài năng gì, cũng không mong muốn lên mặt dạy đời, bài này được viết dưới cái nhìn của một người đọc chứ không phải một người sáng tác. Hướng dẫn để viết một fic chất lượng cao cũng nằm ngoài khả năng của người viết. Đây chỉ là danh sách được rút ra từ những lỗi cơ bản của những người viết truyện nghiệp dư với mục đích để các fic tỏ ra có thể đọc được.

1. Hãy để tên bạn, và tên của đồng tác giả với bạn vào dưới tất cả các phần của câu chuyện của bạn, đặc biệt là dưới tựa đề. Rất nhiều truyện được lấy về, lưu trong máy, thậm chí được in ra, do những độc giả nhưng những những độc giả đó thường không bao giờ bận tâm copy thêm tên bạn nếu tên bạn để tách rời với truyện. Post truyện ở một forum cũng vậy. Thậm chí ở một số trang Web, tên của người viết còn không được đặt ở trang Web đó. Khi bạn sáng tác một câu chuyện nào đó, nghiệp dư hay không, post ở đâu cũng như vậy, bạn xứng đáng được biết tới ít nhất là chính bạn đã tạo ra câu chuyện đó chứ không phải là ai khác.

2. Khi viết, hãy luôn đặt warning cẩn thận nếu fic của bạn có chứa những nội dung dù chỉ hơi người lớn một chút hoặc những nội dung có thể gây phản cảm cho người đọc, chẳng hạn như cái chết của nhân vật chính, angst... Điều này về phía độc giả, sẽ giúp họ tránh được những truyện mà họ không muốn đọc, nếu đọc xong sẽ gây cho họ cảm giác khó chịu. Về phía bạn, nó sẽ giúp bạn tránh được một phần những lời chỉ trích nếu có.

3. Luôn luôn viết Summary. Hãy luôn luôn giới thiệu ngắn về câu chuyện của bạn. Nó giúp người đọc có được một cái nhìn về truyện đó và quyết định liệu mình có muốn đọc nó hay không, có lựa chọn đọc nó hay không giữa hàng ngàn, hàng triệu triệu những fic đang đầy rẫy trên mạng. Hãy post Summary đó ở ngoài truyện nếu có thể được, đây là trường hợp bạn post ở những trang lớn như fanfiction.net hay có trang Web riêng. Còn nếu không được như khi bạn post ở forum, thì hãy đặt nó ở đầu fic. Rất nhiều người tôi biết, trong đó có tôi, thường bỏ qua những fic khi nó không có summary.

4. Hãy cẩn thận khi viết summary. Bạn có thể đặt một phần warning vào summary. Nếu bạn viết fan fic và viết chuyện lãng mạn về một đôi nhân vật nào đó, hãy cố nói là bạn đang viết về đôi nhân vật đó. Rất nhiều người đọc chỉ muốn đọc về một đôi nhân vật mà mình yêu thích. Đọc về đôi khác có thể gây cho họ phản cảm. Cũng cố đừng làm lộ kết thúc của mình trong summary. Hãy để câu chuyện của bạn có một chút gì bí ẩn để hấp dẫn người đọc. Thường thì khi gặp một câu chuyện để lộ kết cục ngay từ đầu, người đọc sẽ bỏ qua. Bạn cũng nên hạn chế dùng những từ như "rất bí ẩn", "kỳ lạ" ở trong summary một cách tối đa trừ phi nó vô cùng cần thiết, nó làm cho người đọc cảm thấy truyện của bạn thiếu sáng tạo và đang đi theo một mô típ quen thuộc.

5. Kiểm tra lại chính tả. Cho dù bạn đang viết tiếng Việt hay đang viết tiếng Anh, hãy kiểm tra lại chính tả. Tránh viết tắt hay dùng những ký hiệu đặc biệt. Đây là điều tối thiểu mà bạn có thể làm để tôn trọng độc giả của bạn. Không có gì khó chịu hơn là đọc một câu chuyện đầy những từ viết tắt, những ký hiệu. Hơn nữa, viết tắt và ký hiệu sẽ phá hỏng những đoạn sâu sắc, những khúc miêu tả tâm lý và những hiệu ứng mà bạn tạo cho fic của bạn bằng ngôn từ.

6. Rất nhiều người khuyên là bạn nên tìm cho mình một người kiểm tra fic. (Beta-reader) Người này có thể là bất cứ ai, bạn, người thân, không cần phải là một nhà phê bình văn học, chỉ cần là một người yêu thích văn học. Đừng chọn một người kiểm tra fic không bao giờ đọc sách để giải trí, hay bản thân người đó lại dùng ngữ pháp sai trầm trọng. Khi người kiểm tra fic tìm được một lỗi sai, hãy biết ơn người đó chứ đừng tỏ ra khó chịu. Những nỗ lực của một người kiểm tra fic không phải là để đối chọi hay đả kích bạn mà chỉ là mong muốn giúp fic của bạn hoàn thiện hơn.

7. Đừng xin lỗi. Nếu fic của bạn chưa được beta (kiểm tra) thì đừng nói lên điều đó. Đừng thông báo một cách căng thẳng "đây là fic đầu tay của tôi". Nếu chính bản thân người viết fic cảm thấy phải xin lỗi độc giả về những lỗi ngữ pháp, hay là những thứ lỗi khác có thể có trong fic thì những người đọc nhạy cảm có thể nghĩ "Cảm ơn đã thông báo" và không đọc fic đó nữa. Cho dù bạn viết về nội dung gì, có làm phản cảm người đọc hay không, đừng bao giờ xin lỗi về nó. Tôi đã học được điều này, và đây là bài học mà tôi nhớ nhất, khi tôi viết một fic có nội dung có thể khiến người khác khó chịu. Một số người phản ứng lại fic của tôi, chỉ trích nội dung đó. Nhưng khi tôi xin lỗi về nó, thì tôi nhận được không ít những lời "you don't have to apologize for it", "never apologize" từ cả những người ủng hộ tôi và những người đã chỉ trích tôi. Bởi vì nếu bạn đã không yêu thích và tự hào về những gì mình viết thì post nó có ý nghĩa gì chứ? Và nếu bạn thông báo nó ra thì còn có ai muốn đọc nó nữa không? ĐỪNG POST TRUYỆN CHO ĐẾN KHI BẠN TỰ HÀO VỀ NÓ.

8. Chú ý của người viết (Author Note/AN). Một số người có xu hướng đặt AN vào ngay giữa câu chuyện của mình. Đừng làm thế. Bạn không cần phải chen ngang vào một câu AN dạng "AN: Tôi quên mất không nói, đó là người yêu cũ của cô ta." hay "AN: Viết cậu ta như thế này tôi cũng đau lắm chứ." Nếu bạn có điều gì quên mất không nhắc đến, hãy tìm cách nhắc đến ở phần sau, và mọi AN chỉ nên đặt ở đầu hoặc cuối truyện.

9. Hãy để cho mình có thời gian để viết. Đúng là có nhiều khi bạn sẽ viết được một fic hay với những tình cảm trào dâng chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho fic của bạn. Dành thời gian để đọc lại nó và suy nghĩ về nó. Nếu bạn viết toàn bộ fic trong một phút cảm hứng dào dạt, cũng đừng nói nó ra khi giới thiệu về fic của mình, vì tâm lý người đọc là chẳng bao giờ muốn đọc một fic có vẻ không được chăm chút cẩn thận cả.

10. Đặt cho mình một hạn cuối, deadline. Hãy cố hoàn thành kịp fic của mình trước deadline đó. Tuy deadline có tác dụng kích thích bạn viết, nhưng xin nhớ deadline không phải là một thứ giết chết chất lượng. Hãy chú ý tới deadline nhưng đừng coi trọng quá mức deadline. Nếu bạn cần, thì hãy để thêm thời gian cho mình để viết một fic thật sự chất lượng chứ không phải chỉ là một sản phẩm trong cơn vội vã. Và đối với việc đọc, việc một fic đang hay dừng lại và phải chờ đợi nó update tiếp là một việc disturbing like hell, nhưng cũng đem đến một cảm giác chờ đợi rất hay chỉ có ở riêng việc đọc truyện. ^^

Viết tự do - Một cách luyện tập suy nghĩ.

# part of the Writing is an art, writing is a skill Series.

Kal Kally (dịch)

Viết tự do là một cách để luyện tập phản xạ cho đầu óc, luyện tập khả năng sáng tạo, đi tìm những ý hay, và là một bài tập mà bạn có thể tự làm ở bất cứ đâu mà không cần đến trường lớp.

Viết tên một chủ đề ở đầu một trang giấy trắng. Chủ đề có thể là một từ, ví dụ như là "nha sĩ" hay là một lời giới thiệu ngắn cho chủ đề mà bạn đã chọn viết hay được giao cho viết. Đặt giờ là năm phút hay mười phút, rồi cầm bút hoặc đặt tay lên bàn phím và bắt đầu. Viết càng nhanh càng tốt. Bạn không đuợc ngừng viết! Nếu bạn không nghĩ ra từ gì để viết, hãy viết là bạn không có gì để nói: "Tôi kẹt rồi, nhưng tôi sẽ nghĩ ra cái gì đó ngay đây." Đừng dừng lại. Đừng quan tâm về cấu trúc bài viết hay nối các ý tưởng với nhau. Cũng đừng quan tâm về sự phù hợp của chủ ngữ và động từ hay thậm chí là chấm phẩy. Và khi viết đừng tự quay lại đánh giá những gì mình viết. Những gì bạn viết có thể đi theo một hướng thật kỳ quặc, nhưng đừng dừng lại và nghĩ, "Ôi, mình viết ngu ngốc quá!" Thậm chí nếu bạn đi lệch chủ đề cũng cứ tiếp tục, nó có thể dẫn bạn tới những ý tưởng tuyệt vời. Đừng chỉ trích bản thân và đừng cắt xén hay gạch xoá hay viết lại những gì bạn đã viết. Nhiều giáo viên đã khuyên là khi hết thời gian, bạn có thể viết một câu TOÀN BỘ LÀ VIẾT HOA để đưa bạn về chính điểm khởi đầu, như trong ví dụ trên là về với chủ đề 'nha sĩ'.

Một lời khuyên là khi bạn viết xong bài viết tự do của mình, bạn có thể đọc to nó lên. Thường thì bạn có thể bắt gặp những ý tưởng khá độc đáo mà chính bạn không để ý khi bạn viết nó. Đọc bài viết tự do cho bạn bè hoặc nhờ bạn bè đọc lại nó cho bạn nghe. Bạn của bạn có thể nghĩ là bạn điên rồ, nhưng không sao đâu. Rồi bạn hãy dùng vài phút để lướt lại bản viết tự do với mục tiêu hướng về lối viết thông thường. Xem lại những từ ngữ bạn đã dùng. Kiểm tra chính tả. Xoá dòng chữ 'tôi không nghĩ ra gì để viết' đi và những điều hoàn toàn vô nghĩa. Các ý tưởng và câu văn còn lại có ăn nhập với nhau không?

Đừng từ bỏ tập viết tự do chỉ sau một bài viết. Nhiều người nghĩ rằng viết tự do rất buồn chán và ngu ngốc đã thích nó sau khoảng hơn một tuần tập viết. Viết tự do cũng giống như những hoạt động trí óc khác: Bạn sẽ tiến bộ trong lĩnh vực này. Lần đầu tiên bạn viết, có thể là bạn chẳng đạt được gì. Sau vài lần cố gắng, bài viết tự do của bạn sẽ trở nên hay hơn. Cũng giống như khi bạn chơi thể thao, bạn không thể không khởi động trước, đôi lúc ngay cả khi giữa một bài viết luận, khi bạn tắc, bạn có thể viết tự do một chút để tìm ý tưởng viết tiếp.

Đây là một bài viết năm phút của một sinh viên, Thruston Parry, về chủ đề 'nha sĩ'

Nha sĩ

Tôi ghét đi nha sĩ. Tôi luôn sợ họ sẽ làm tôi đau, và tôi không giỏi về đau đớn, tôi muốn nói là không giỏi chịu đau. Tôi nhớ lần đầu tiên k hi tôi là một đứa trẻ, đi đến nha sĩ, có vể là tôi chưa từng đến nha sĩ khi tôi là một đứa trẻ cho đến khi tôi bị đau răng, đó là lỗi của cha mẹ tôi phải không? Tôi đoán thế. Đúng ra họ phải chăm sóc hàm răng tôi tốt hơn khi tôi còn nhỏ, và thế thì tôi sẽ không phải lo lắng nhiều về răng của tôi. Nhưng lúc đó tôi đã đến nha sĩ, và ông ta đã dùng cái máy khoan tồi tệ lúc nào cũng phát ra những tiếng ồn tồi tệ và lúc nào cũng đau. Tôi nhớ có một tấm biển ở trước phòng khám của ông ta ghi là NHA SĨ KHÔNG GÂY ĐAU ĐỚN, TẦNG TRÊN, nhưng chẳng có tầng trên nào ở đó cả. Một trò đùa à? Tôi chẳng nghĩ được cái gì để viểt và tôi chẳng nghĩ ra cái gì để viết nữa. À, tôi không tưởng tượng nổi ai sáng suốt lại có thể muốn làm nha sĩ, thò ngón tay vào miệng người khác cả ngày, và nước bọt và máu, lại còn mối đe doạ bị truyền bệnh làm họ phải đeo găng tay cao su nữa chứ và tôi ghét cảm thấy thứ đó trong miệng tôi, và còn cái âm thanh cái thứ đó lôi nước bọt ra khỏi miệng anh nữa chứ. Tôi tự hỏi tại sao bố mẹ tôi không đưa tôi đến nha sĩ TRƯỚC KHI răng tôi có vấn đề. Có lẽ khi họ lớn lên, họ đã trải qua một thời kỳ khó khăn, và họ không có tiền để đi nha sĩ, và bạn cứ vô tình bị sâu răng và mất nhiều răng thậm chí trước khi bạn là người lớn. Tôi chẳng nghĩ ra gì để viết nữa. Tôi chỉ biết là khi tôi có con, tôi sẽ cho nó đi khám nha sĩ sáu tháng một lần cho dù chúng có muốn hay không và có lẽ đến lúc đó người ta sẽ phát minh ra một cách nào đó để ngăn chặn sâu răng và có thể sẽ không còn nha sĩ nữa, hoặc họ tồn tại chỉ để lau răng và làm cho chúng trắng loá mà thôi, và chúng ta sẽ không phải lo lắng về sâu răng và những thứ liên quan đến đau đớn nữa. NHA SĨ, THÁI ĐỘ CỦA TÔI ĐÃ THAY ĐỔI KHI TÔI LỚN LÊN.

Khi xem đoạn văn trên đây, bạn có thấy có ý tưởng nào có thể dẫn đến một bài luận về nha sĩ hay ít nhất là mở đầu cho một bài luận hay không? Tại sao người ta lại muốn trở thành nha sĩ? Hay là tương tự với các công việc y khoa "đáng sợ" khác (thậm chí đáng sợ hơn là nha khoa)? Thái độ đối với nha sĩ thay đổi thế nào theo thời gian? Liệu những loại thuốc đánh răng tiên tiến hay đại loại là như thế sẽ khiến nha khoa bị mất đi? Nha sĩ đối phó với các bệnh lây lan qua đường máu như thế nào? Chúng có phải là một mối đe doạ thực sự đối với nha khoa hay không?

Cũng như vậy, viết tự do là một cách để đi tìm cảm hứng, luyện tập cho sức sáng tạo, hoặc chỉ đơn giản là để xem trong những thứ mình viết ra có ý nào có thể trở thành một tư liệu để viết.

ki nang viet truyen5

Plot - Tình tiết truyện/cốt truyện

#5 in the Writing is an art, writing is a skill Series.

by Kal Kally

Một truyện nếu không muốn để rơi vào dạng PWP hoặc một đoạn tình cảm đơn thuần thì phải có ít nhất là một plot - tình tiết truyện. Ở đây bạn cần phân biệt truyện để diễn tả một câu chuyện thực sự với các sự kiện, các nhân vật tương tác với nhau để thay đổi các sự kiện đó và truyện để diễn tả một tình cảm nào đó. Bạn có thể có một fic hay mà không cần đến plot không? Vẫn có thể được, nhưng rất khó, bởi lúc đó, fic của bạn sẽ là một đoạn tình cảm, hay một cảnh nào đó, chứ không thể gọi là một 'câu chuyện' được.

Ngay cả đối với POV, những truyện ngắn chỉ diễn tả tình cảm và suy nghĩ đơn giản của nhân vật bạn cũng cần tới plot để khiến nó trở nên hấp dẫn chứ không phải chỉ đơn thuần là một đoạn suy nghĩ kiểu như "Một ngày đẹp trời tôi ngồi suy nghĩ về anh ta, và tôi đã nghĩ rất nhiều." Để hiểu thêm về điều này và thấy plot có thể có hiệu quả thế nào với một POV fic, bạn có thể đọc thử fic "Phía bên kia bóng tối" của Kea.

Ngay cả đối với những fic chỉ nhằm để diễn tả một cảm xúc chứ không phải để kể một câu chuyện thì plot vẫn cần thiết để fic không chỉ đơn thuần là một cảnh miêu tả nhân vật trong tâm trạng của mình. Để hiểu thêm về điều này, bạn có thể đọc thử fic "Four seasons in the sky" của aster, một fic đã kết hợp một cách tuyệt vời giữa plot và một cảm xúc.

Mỗi truyện cần có ít nhất là một tình tiết, dù tình tiết đó có thật đơn giản như "Hiei nhìn chăm chăm vào cái kem 3 tiếng đồng hồ suy nghĩ không biết có nên ăn nó không, và khi cậu ta quyết định ăn thì cái kem đã chảy thành nước."

Plot phải bao gồm điểm bắt đầu, phần thân và điểm kết thúc.

Trích Dẫn

Điểm bắt đầu:

Đây là nơi ít nhất một nhân vật chính cùng với bối cảnh của truyện được giới thiệu. Điểm bắt đầu rất cần thiết để người đọc có thể mường tượng được nhân vật và hình dung ra được bối cảnh, từ đó tái hiện lại những hình ảnh mà người viết muốn chuyển đạt.

Tuy nhiên, trong điểm bắt đầu, cần tránh kiểu miêu tả: "Cô gái đeo hoa tai, có tóc mái tóc đen." Và sau đó dành cả một khổ để miêu tả mái tóc đó đẹp như thế nào. Hãy miêu tả những gì thật đặc biệt. Những điều bình thường có cần nói không? Có, nếu như bạn muốn người đọc có thể hình dung về nhân vât, nhưng một khổ để miêu tả mái tóc chỉ khi mái tóc đó có màu thật khác người như đỏ rực, hoặc dài tới gót chân. Một khổ để miêu tả mắt, chỉ khi màu mắt thật lạ, như tím hoặc ánh vàng.

Ở phần đầu này, nên tránh hòan toàn việc nêu một đống thông tin ra như kể lại đầy đủ những thông tin cơ bản về nhân vật chính hoặc các thông tin cơ bản về bối cảnh. Đúng là làm như vậy sẽ khiến người đọc có được một cái nhìn đầy đủ về nhân vật của bạn và bối cảnh truyện của bạn. Nhưng một đoạn mở đầu như vậy không đem lại một hứa hẹn gì cho phần sau của câu chuyện. Thông tin được đem tới một cách quá lộ liễu, vì vậy không ẩn chứa được điều gì bí mật hoặc lôi kéo người ta muốn khám phá.

Đối với fan fiction, đừng đi sâu vào miêu tả những thứ người đọc đã biết sẵn, hãy miêu tả những gì người đọc chưa biết, như nhân vật đang mặc gì khác với thường lệ, chúng tác động lên nhân vật ra sao.

Hãy thử so sánh:

'Hiei bước tới, đó là một yêu quái thấp, tóc đen nhọn, mắt đỏ rực lửa. Cậu mặc toàn màu đen và mang một thanh kiếm bên mình. Trên trán quấn một dải băng để che đi con mắt thứ ba.'

Và:

'Trong bộ quần áo của con người bình thường mà Kurama chuẩn bị cho cậu, trông Hiei không còn giống như một yêu quái lạnh lùng. Cậu trông hầu như giống một con người hiền lành và nhã nhặn. Có lẽ là tại hôm nay cậu sẽ gặp Yukina chăng mà trong đôi mắt rực lửa của cậu không còn sự tàn nhẫn nữa, thỉnh thoảng lại có một thoáng dịu dàng và chờ đợi lướt qua.'

Ở đoạn thứ nhất, người viết đã miêu tả toàn bộ những gì mà độc giả đã biết, đã có hình dung về Hiei, nên cả đoạn miêu tả đó có thể nói là không đóng một vai trò quan trọng nếu trong một fan fic bình thường (Nhưng ở AU fic thì cần thiết hay không còn tuỳ ở bản thân fic đó). Ở đoạn thứ hai, người viết đã miêu tả những gì đặc biệt, khác thường ở Hiei, nên đoạn miêu tả đó là rất cần thiết.

Điểm bắt đầu cũng là nơi bạn giới thiệu qua với độc giả một cách ngắn gọn về plot trong fic của bạn. Hãy thử tìm cách thu hút độc giả bằng những gì bạn cho rằng sẽ thu hút họ, và sẽ khiến họ muốn đọc fic của bạn.

Trong hai cách sau đây, cách nào sẽ thu hút bạn hơn?

'Killua ngồi thừ người, nhớ lại giây phút Gon bị cướp bắt đi ngay trước mặt cậu để gây áp lực bắt cậu phải tới cảng tối nay và giao vật mà lúc này cậu đang nắm chặt trong tay.'

'Killua cố gượng dậy nhưng thất bại, sức cậu đã cạn kiệt và máu từ vết thương trên đầu đang làm mắt cậu mờ đi dưới một tấm màn đỏ thẫm. Gã đàn ông bí ẩn đằng sau tấm áo choàng đen bế Gon lên và gằn giọng. "Tao sẽ giết thằng nhóc này nếu mày không đem vật đó tới cảng Yorshin vào 9h tối nay!"'

Trích Dẫn

Phần thân:

Đây là nơi phần lớn câu chuyện diễn ra. Tính cách nhân vật được phát triển. Các đoạn hội thoại, các mối quan hệ được xây dựng, các chỉ dẫn được tung ra. Đây là nơi sẽ khiến người đọc phải mong đợi, lo lắng, đoán già đoán non. Ở những câu chuyện dài, đây là phần mà bạn sẽ cho câu chuyện đi chậm lại theo cách mà bạn mong muốn để thể hiện tất cả những gì bạn muốn thể hiện.

Tại phần thân này, khi chuyển hướng truyện, mỗi khi bạn bước từ tình tiết này sang tình tiết khác, bạn cần tránh loại chuyển hướng mà người đọc có thể đoán trước từ vài cây số. Một chút bất ngờ luôn luôn tạo được cảm giác hứng thú. Tuy nhiên, như mọi thứ khác, quá đà luôn luôn gây phản cảm. Một sự chuyển hướng quá đột ngột và không ngờ tới, quá đối lập với tình huống hiện tại có thể gây hẫng cho người đọc và làm họ mất hứng thú.

Điều này cũng có nghĩa là trước mỗi sự kiện xảy ra thường bạn có những ẩn ý, những dấu hiệu báo trước cho người đọc rằng "sắp tới chuyện này đây". Điều này là rất cần thiết, vì nó khiến người đọc bị cuốn hút vào câu chuyện, nó tạo ra những câu hỏi kích thích sự tò mọc của người đọc và khiến họ phải đoán. Nhưng nếu bạn đưa ra quá nhiều chỉ dẫn, hoặc những chỉ dẫn quá rõ rệt, cái sự kiện sắp xảy ra đó sẽ mất đi tính bất ngờ. Một tác phẩm tràn ngập những dấu hiệu báo trước này có lẽ sẽ giống một lời tiên đoán hơn là giống một câu chuyện. Tuy nhiên, nếu bạn không có một chút dấu hiệu nào, bạn sẽ khó mà khiến người ta cảm thấy tò mò, sẽ không khiến người đọc cảm thấy cái cảm giác thôi thúc "Tôi muốn biết ngay chuyện gì sẽ xảy ra." Đôi lúc, để gây được hiệu ứng bất ngờ một cách toàn diện nhất, bạn có thể không cho người đọc một chút dấu hiệu nào báo trước, nhưng nếu bạn làm điều đó quá nhiều, người đọc sẽ dễ cảm thấy quá căng thẳng, quá nghẹt thở, hoặc quá hụt hẫng với câu chuyện của bạn. Và tất cả những gì có dính tới chữ 'quá' thì phần lớn là đều không hay.

Đỉnh điểm: Là phần quan trọng nhất của Thân, cũng là điểm thú vị nhất của câu truyện. Nó làm cho người đọc phải nín thở theo dõi, hoặc rơi nước mắt cảm thông, hoặc phá lên cười khoái trá. Đây chính là phần mà Killua sẽ cứu được Gon, hay sẽ chỉ tìm thấy xác của Gon và giết tất cả để trả thù.

Cẩn thận đừng đánh rơi mất đỉnh điểm một cách lãng xẹt, không những phí, mà nó còn gây bực mình cho người đọc nữa. Thử tưởng tượng bạn đang theo dõi một câu truyện trinh thám cả chục chương về một vụ giết người, trải qua biết bao rắc rối, tìm kiếm manh mối, bằng chứng, chợt bạn đọc được một kết thúc thế này:

'Ngài cảnh sát trưởng trong buổi trà chiều nói với thám tử. "À, tôi quên không nói, ngày hôm qua kẻ giết người đã ra đầu thú. Hắn là tên bác sĩ. Hắn đã giết vợ vì ghen."

"À, ra vậy." Thám tử gật gù.'

Lãng xẹt.

Khi bạn đã đến được đỉnh điểm, hãy hạ cánh xuống một cách hợp lý và phù hợp với mức căng thẳng bạn đã xây dựng ở phần thân. Đừng hy vọng tìm được những cách giải quyết đơn giản và dễ dàng cho những đỉnh điểm đã được đưa lên quá cao. Hãy tự hỏi liệu giải quyết như thế này thì có phù hợp không, các nhân vật có chịu không, có tạo được ấn tượng công bằng không? Giải quyết một đỉnh điểm đã được đưa lên cao bằng một tình huống "Ôi, đúng là một sự tình cờ nhiệm màu" hoặc "'Tôi rất hối hận. Tôi phục thiện đây' Anh ta nói, và tất cả reo lên 'Tuyệt vời! Chúng tôi tha thứ cho anh!' " thì hầu như tất cả những nỗ lực để xây dựng được đỉnh điểm của bạn ở trước đó đều bị mất. Cũng đừng trông chờ vào việc các nhân vật xung quanh nhân vật chính sẽ bỗng dưng tỏ ra thông cảm, tốt bụng và thản nhiên chấp nhận cái kết có hậu cho nhân vật chính sau khi anh ta đã gây ra đủ mọi lỗi lầm, làm tổn thương vô khối người mà anh ta không phải trả giá bất cứ điều gì.

Điều này làm tôi nhớ đến một bộ phim Hàn Quốc tôi xem. Sau tất cả những hiểu nhầm, những tổn thương và bất công mà một nhân vật chính gây ra cho những người xung quanh, bỗng dưng một ngày kia anh ta được cảm hóa vì đứa con mà trước đó mình đã ruồng bỏ. Thế là anh ta quay lại, xin lỗi một vài câu, hứa hẹn một vài câu, rồi mọi chuyện trở nên tốt đẹp. Tất cả mọi người chấp nhận anh ta, kể cả những người trước đây đã điêu đứng vì anh ta hoặc sợ hãi anh ta.

Những người bình thường không dễ cảm thông đến thế, không dễ tha thứ đến thế. Một niềm tin đã mất không dễ được khôi phục đến thế. Một sự hạ cánh từ đỉnh điểm như trên chỉ gây ra một cảm giác "không công bằng chút nào" rất khó chịu. Những quan hệ phức tạp được giải quyết một cách quá dễ dàng, khiến cho người ta cảm thấy chúng hầu như không được giải quyết, và kết quả là nó để lại cho người đọc một cảm giác không thỏa mãn ngay cả sau khi câu chuyện đã kết thúcl.

Còn một điền nữa có hơi liên quan. Nếu bạn định để phần đỉnh điểm này là nơi sẽ để lộ ra một bí mật nào đó đã được che dấu suốt truyện thì nên tránh sử dụng những bí mật mà người ta đã khai thác quá nhiều đến nỗi nhàm. Đối với fanfic chẳng hạn, nếu bí mật bạn định để lộ ở đỉnh điểm đó là: "Tôi là một homo", thì có thể nói bạn đã đánh mất đỉnh điểm. Cách đây khoảng hai ba chục năm, điều này có lẽ sẽ gây shock. Còn bây giờ thì không. Nhất là với fanfiction lại càng không.

Trích Dẫn

Kết thúc.

Kết thúc là nơi mọi thứ được giải quyết triệt để. Mọi chỗ trống được lấp đầy. Mọi trái tim tan vỡ được hàn gắn hoặc bị đập cho vỡ nát hẳn luôn. Đây là nơi người viết cho độc giả biết chuyện gì xảy ra sau khi đỉnh điểm qua đi.

Trong ví dụ trên, đây là lúc Gon và Killua ở bên nhau một cách vui vẻ và thanh bình, hoặc Killua đau đớn đến tột cùng trước sự mất mát.

Ở kết thúc, bạn có thể cho ngay kết thúc bẳng đỉnh điểm nếu khéo léo để gây ấn tượng mạnh về cảm xúc. Nó thường được dùng cho Heavy Angst, Horror và Tragedy, nhưng lại không hợp với Romance.

Cũng như ở đỉnh điểm, đừng biến kết thúc truyện thành một kiểu phủ nhận chính cái cốt truyện dài và tốn nhiều công sức của bạn.

'Tất cả chỉ là một giấc mơ.'

Đó có thể là một công cụ tốt để kết thúc một truyện ngắn, một truyện Horror hoặc Humor. Nhưng để kết thúc cho một câu truyện dài và các thể loại khác thì nó rất dễ gây phản cảm. Đừng làm cho người đọc phải bị hẫng. "Mình mất công đọc cái này để làm gì?".

Và đối với những truyện viết trên mạng, nếu kết thúc của plot trùng với kết thúc của truyện, việc thêm chữ "Owari" hay "The End" hay "Kết thúc" là khá quan trọng, nhất là đối với những truyện nhiều chương. Đã không ít lần tôi vớ phải một truyện, cứ ngỡ là nó đã kết thúc, ai dè mấy tháng sau lên lại đã lại thấy nó thêm mấy chương nữa. Và cũng có lần đợi mãi không thấy thêm chương nào nữa thì tự dưng phát hiện truyện đã bị xếp vào khu "completed". Cảm giác lúc đó: Bực muốn chết ^^

Trích Dẫn

Những điều cần chú ý.

+ Tình tiết truyện của bạn cần phải hợp lý và có thể hiểu được. Nếu nhân vật xuất hiện ở một nơi nào đó lạ lùng, thì họ đến đó bằng cách nào? Nếu đột nhiên trong truyện hai nhân vật hôn nhau, thì quan hệ của họ ra sao, thân mật tới mức nào? Khi một sự kiện chính trong truyện xảy ra, nếu nhân vật của bạn phản ứng khác với một người bình thường sẽ phản ứng, thì tại sao lại như vậy?

+ Hãy luôn tôn trọng nguyên lý nguyên nhân và hệ quả. Khi một nhân vật thực hiện một hành động A, thì cũng có nghĩa là một sự kiện B sẽ diễn ra như là hệ quả của hành động A. Nếu B không xuất hiện, thì bạn phải đưa ra được lý do hợp lý. Điều này là cần thiết để các cảnh trong truyện có thể nối tiếp nhau một cách logic.

+ Một câu chuyện có thể có 1 hay nhiều hơn 1 tình tiết, có thể rất ngắn hoặc rất dài. Đừng ép tình tiết của mình phải diễn ra thành càng nhiều chữ càng tốt. Một truỵện dài chưa chắc là một truyện hay, và một truyện ít hơn 1000 chữ có thể là một truyện ngắn rất đặc sắc.

+ Mỗi một câu chuyện cần có một plot chính mà những tình tiết nhỏ hơn sẽ nằm ở trong đó. Ví dụ như Harry Potter, trong Harry Potter bạn có thể phát hiện ra hàng đống tình tiết nhỏ, nhưng tình tiết chính của nó vẫn là: Một đứa trẻ mà trước kia đã làm Voldermort thất thế khi chỉ là một đứa bé sơ sinh giờ quay lại thế giới pháp thuật và cùng với bạn bè mình tại đó chống lại Voldermort. Plot chính này gần giống như chủ đề của truyện. Thiếu nó, truyện sẽ chỉ là những cảnh, những sự kiện rời rạc chắp nối lại nhau.

Để chắc chắn truyện của mình không thiếu plot chính, hãy viết toàn bộ truyện thành 2 - 4 câu. Như vậy, bạn sẽ phát hiện đựơc liệu fic của bạn có thiếu đi plot chính hay không.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: