24. Tử thi học.

Tử thi học là môn học nghiên cứu mọi vấn đề có liên quan đến sự chết, bắt nguồn từ khám nghiệm tử thi y pháp và được coi là nền tảng của Y pháp hình sự.

Chết là hiện tượng ngừng hoạt động không hồi phục các chức năng thần kinh, hô hấp, tuần hoàn và sau đó là sự hủy hoại của tổ chức cơ thể do không còn được nuôi dưỡng. Do đó cần xác định được nạn nhân đã chết thực sự hay chưa để có thể tiến hành các nhiệm vụ tiếp theo của công tác y pháp.

I. XÁC MINH SỰ CHẾT:

Xác minh sự chết nhằm khẳng định hiện tượng ngừng hoạt động không hồi phục của hệ thống thần kinh, hô hấp và tuần hoàn.

1. Phương pháp đơn giản:

1.1. Kiểm tra hệ thần kinh:

Hệ thần kinh phải mất hết tri giác, cảm giác và các phản xạ như hỏi không nói, gọi không thưa, cấu véo hoặc dùng các loại kích thích khác tác động vào cơ thể nhưng không đáp ứng (chạm lông mi, soi ánh sáng vào mắt đồng tử không co...), mất các phản xạ nuốt, ho sặc, đồng tử giãn rộng.

1.2. Kiểm tra bộ máy hô hấp:

Ðặt bông vào hai lỗ mũi không thấy bông chuyển động, đặt gương trước mũi không bị mờ, nhìn lồng ngực không di động, nghe không có rì rào phế nang.

1.3. Kiểm tra bộ máy tuần hoàn:

Ðặt tay lên ngực trái không thấy tim đập, bắt mạch không thấy mạch nhảy, nghe không có tiếng tim.

2. Các phương pháp khác:

Trong những điều kiện thuận lợi có kỹ thuật, chúng ta có thể sử dụng các phương pháp sau để khẳng định sự chết:

2.1. Rạch động mạch quay:

Sau khi rạch động mạch quay, nếu đã chết thì máu không chảy thành từng đợt và động mạch không co lại, nếu còn sống thì các dấu hiệu ngược lại.

2.2. Nghiệm pháp éther:

Tiêm 2ml éther dưới da, nếu còn sống thuốc ngấm vào tổ chức, khi rút kim ra không thấy thuốc chảy qua lỗ rút kim, vài phút sau ngửi thấy mùi éther ở mũi. Nếu đã chết, chỗ tiêm phồng lên và thuốc sẽ phun mạnh qua lỗ rút kim.

2.3. Nghiệm pháp Icard:

Tiêm dung dịch huỳnh quang vào tĩnh mạch (Pluorescein ammoniac 4g+20ml nước cất), nếu hệ thống tuần hoàn còn hoạt động thì 10-30 phút sau sẽ thấy giác mạc óng ánh màu xanh nõn chuối và sau 2 giờ thấy nước tiểu màu vàng ánh.

2.4. Phản ứng của acid;

Nguyên tắc, sau chết các mô tăng cường toan, dùng chất chỉ thị màu để kiểm tra sự biến đổi đó. Tiến hành, dùng chỉ chỉ thị màu Bromothymol luồn vào trong kim và đâm vào trong cơ, sau vài phút rút kim ra, sợi chỉ sẽ có màu hồng, hoặc dùng kim chọc dò, hút lấy một ít tổ chức gan đem thử giấy Tournesol sẽ thấy có màu xanh.

2.5. Ghi điện não đồ:

Trên băng giấy, sóng điện não là một đường thẳng.

2.6. Ghi điện tâm đồ:

Sóng điện tim biểu diễn thành một đường thẳng.

II. NHỮNG DẤU HIỆU SAU CHẾT:

1. Những dấu hiệu sau chết sớm:

1.1. Nguội lạnh tử thi:

Khi chết, các cơ quan ngừng hoạt động và không tạo ra năng lượng nữa, nhưng sau khi chết sờ vào tử thi vẫn còn thấy nóng, sức nóng ấy là số năng lượng còn lưu lại của cơ thể khi còn sống. Số năng lượng này sẽ mất dần, trung bình về mùa hè, mỗi giờ giảm đi từ 0,5 - 10C và mùa đông giảm từ 1 - 1,50C. Sự giảm nhiệt độ nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào thể trạng béo hay gầy, áo quần dày hay mỏng, tử thi ở trong nhà hay ngoài trời. Thứ tự nhiệt độ của tử thi bắt đầu giảm từ đầu, mặt, các ngọn chi rồi tới gốc chi, sau cùng là nách, bụng, tầng sinh môn. Ðể xác định thời gian chết cơ quan an ninh Scothland đã đưa ra công thức tính thời gian dựa vào sự giảm nhiệt độ của tử thi:

Trong đó: 370C là nhiệt độ trung bình của cơ thể sống.
T0 là nhiệt độ của tử thi khi khám nghiệm, được lấy ở hậu môn.
1,50C là nhiệt độ trung bình của tử thi mỗi giờ mất đi.

Ví dụ: Tại thời điểm khám nghiệm đo được nhiệt độ tử thi 250C, như vậy ta xác định được thời gian của nạn nhân đã chết cách thời điểm khám nghiệm là 8 giờ.

1.2. Sự giảm trọng lượng;

Người ta xác định được rằng sau khi chết, nước ở tử thi sẽ mất dần qua bốc hơi ở bề mặt tử thi, khiến trọng lượng của tử thi giảm đi. Trung bình trọng lượng giảm 1kg mỗi ngày. Vì mất nước nên giác mạc trở nên mờ đục, nhãn cầu xẹp, môi và da nhăn nheo. Ðối với những tổn thương da khi còn sống như: xây xát, ép, hiện tượng mất nước tạo nên hình ảnh y pháp gọi là da bìa, nghĩa là nơi này màu xám khô, rắn chắc, khó cắt.

1.3. Hoen tử thi:

Hoen tử thi là những điểm hoặc mảng sắc tố xuất hiện sau khi chết, do sau chết máu không đông và dần dần đọng lại ở những vùng thấp của tử thi. Huyết sắc tố (Hemoglobin) ngấm vào trong các tổ chức ở những nơi ấy, lúc đầu thì chỉ tạo thành những điểm có màu hồng, sau đó tạo thành những mảng có màu tím nhạt rồi tím sẫm. Ðiều đáng lưu ý là những nơi bị tỳ, đè ép thì không xuất hiện hoen (thắt lưng, nịt vú...).



Hoen xuất hiện 2 giờ sau chết, trong thời gian đầu nếu thay đổi tư thế của tử thi thì vết hoen cũng thay đổi. Trên 10 - 12 giờ sau chết, các vết hoen cố định, mặc dù tử thi thay đổi, nhưng vết hoen không thay đổi theo. Ví dụ: Khi chết tử thi nằm ngửa, hoen tử thi sẽ xuất hiện mặt sau cơ thể, nếu sau 10 giờ lật úp xác xuống một thời gian, thì hoen vẫn ở phía sau lưng chứ không xuất hiện ở mặt trước cơ thể.

Như vậy, vị trí của hoen phản ánh tư thế lúc chết, đây là dấu hiệu rất quan trọng để ta biết có sự thay đổi tư thế của tử thi không. Ngoài ra hoen tử thi còn có một vài đặc tính nữa ta cần chú ý:

- Hoen tử thi xuất hiện sớm và có màu tím sẫm trong các trường hợp chết ngạt.
- Hoen màu hồng nhạt khi chết trong chất lỏng.
- Hoen màu đỏ tươi (màu cánh sen) khi trúng độc oxide carbon (CO), axid xyanhydric (HCN) và muối của nó (ngộ độc sắn) và trúng độc thuốc ngủ Bacbituric.

1.4. Cứng tử thi:

Sau chết, men ATP (Adenozine Triphosphate) của tổ chức thoái hóa giải phóng acid lactique, acid này làm đông protéine của các sợi cơ, khiến cơ bị co cứng lại và kéo theo sự cứng xác. Hiện tượng co cứng cơ được xác định theo thứ tự: Các cơ ở mặt (cơ nhai), ở thân, chi rồi các cơ trơn ở phủ tạng. Trẻ sơ sinh, người già yếu, người chết trong tình trạng nhiễm trùng, suy kiệt, hiện tượng cứng xác xảy ra rất chậm và ít. Thông thường, đặt tử thi nằm ngửa thì tư thể co tự nhiên là: Hai tay hơi co ép vào mạng sườn, hai chân duỗi thẳng.
Sự cứng xác xuất hiện khoảng 2 giờ sau chết và có thể kéo dài đến 48 hoặc 72 giờ. Ðối với những trường hợp chết ngạt hoặc có hiện tượng vùng vẫy trước khi chết thì hiện tượng cứng xác xảy ra sớm hơn. Trong vòng từ 2 đến 6 giờ, nếu phá cứng thì sẽ xuất hiện cứng trở lại. Sau 6 giờ, nếu phá cứng thì hiện tượng cứng không xuất hiện trở lại nữa. Ðây cũng là một dấu hiệu quan trọng để phát hiện xem có hiện tượng đụng chạm vào xác không (trong các trường hợp làm giả hiện trường).

2. Những dấu hiệu sau chết muộn:

Những dấu hiệu muộn thường biểu hiện bằng sự hư thối. Sự hư thối phụ thuộc vào điều kiện môi trường, cơ thể. Những trường hợp chết đột ngột, trời lạnh, sự hư thối xảy ra chậm hơn. Những trường hợp trời nắng nóng, chết do nhiễm trùng máu thì sự hư thối xảy ra nhanh hơn.

2.1. Mảng lục:

Ðiểm xuất phát của mảng lục là ở hố chậu phải sau đó lan ra hố chậu trái lên khắp bụng, ngực, mặt lưng và tứ chi. Mảng lục hình thành là do vi khuẩn yếm khí sinh ra khí hydrogen sulfur (H2S) đẩy vào trong máu lên gần mặt da và kết hợp với huyết sắc tố (Hemoglobin) tạo nên sulfhemoglobin có màu lục. Màu lục sẽ dần dần biến thành màu nâu lục, nâu tím rồi đen.

2.2. Sự hư thối:

Khi vết lục lan ra toàn thân, tử thi căng to, mặt biến dạng, lớp biểu bì dần dần bong ra, móng tay móng chân long ra, tóc rụng (lông tóc móng không bị hư thối), các nội tạng mủn nát, cùng với sự phát triển của nấm, dòi, bọ... ở bề mặt da, sự hư thối làm tan rã dần phần mềm. Cuối cùng là bộ xương và răng sẽ có hiện tượng mục ải (momie) thường trên 5 năm.

III. SỰ BẢO TỒN XÁC

1. Bảo tồn tự nhiên:

Tử thi nằm ở ngoài trời, trong bầu không khí thật khô ráo hay nếu nắng to, thì có thể khô đét lại, đó là sự ướp khô tự nhiên. Nếu chôn ở nơi đất thật khô hay nhiều cát, tử thi cũng được bảo tồn tự nhiên, cũng như tử thi được băng tuyết chôn vùi.

2. Bảo tồn nhân tạo:

Ðể giữ cho tử thi tránh khỏi sự hư thối, người ta thường bơm vào tử thi những chất sát trùng mạnh như formol, phenol, cồn bơm trực tiếp vào hệ thống động mạch sau khi chết, rồi lại tiếp tục bảo quản trong môi trường thích hợp như dung dịch formol hoặc quan tài kín (giữ ở nhiệt độ thấp), xác sẽ được nguyên vẹn và lâu dài. Ở xác khô, xác ướp, da nhăn cứng, các tạng teo nhỏ nhưng vẫn giữ được hình dáng (ở Trung quốc, xác chôn 2000 năm với độ sâu 20 m, người ta còn làm được các xét nghiệm về vi trùng và giải phẫu bệnh lý).

IV. ƯỚC LƯỢNG THỜI GIAN CHẾT:

Ước lượng thời gian chết có tầm quan trọng giúp cho cơ quan pháp luật dễ dàng và nhanh chóng truy tìm thủ phạm trong các vụ án mạng hoặc tìm tung tích nạn nhân trong các trường hợp không rõ căn cước. Sự ước lượng này chỉ có tính chất tương đối và căn cứ vào dấu hiệu trên tử thi cũng như dấu hiệu ở hiện trường nơi mà tử thi được phát hiện.

1. Sự nguội lạnh tử thi:

Nách, bụng, tầng sinh môn là những vùng nguội lạnh sau cùng. Xác còn ấm chưa cứng hoặc cứng chưa hoàn toàn chết dưới 12 giờ. Sờ bụng còn ấm khoảng chết chưa quá 24 giờ. Tử thi lạnh cứng, hoen tử thi thành mảng tím, khoảng chết từ 24-36 giờ. Hoặc có thể vận dụng công thức tính thời gian của cơ quan an ninh Scothland.

2. Hoen tử thi:

Trước 2 giờ chưa xuất hiện hoen. Từ 2 đến 10 giờ hoen không cố định (bán cố định). Trên 10 giờ sau chết hoen cố định.

3. Cứng tử thi:

Nạn nhân chết dưới 1 giờ chưa cứng xác. Từ 1 đến 2 giờ, tử thi cứng ở phần đầu. Từ 12 - 24 giờ, cứng hoàn toàn. Mất cứng xảy ra khoảng 36 giờ là dấu hiệu của sự hư thối.

4. Hư thối tử thi:

Vết lục ở hố chậu phải là biểu hiện của sự hư thối, nó xuất hiện sau 24 giờ đối với mùa hè và 36 - 48 giờ đối với mùa đông. Vết lục lan ra toàn bụng khoảng 48 - 72 giờ. Toàn thân trương căng, da bong và thối đầy mảng lục và mọng nước nạn nhân chết khoảng 1 tuần đối với mùa hè và 1 - 2 tuần đối với mùa đông.

5. Chất chứa trong dạ dày:

Chất chứa trong dạ dày phản ánh tình trạng tiêu hóa của cơ thể khi còn sống, người ta dựa vào loại thức ăn và độ nhuyễn của thức ăn để xác định thời gian từ bữa ăn cuối cùng đến khi chết:

- Nước lưu lại trong dạ dày khoảng 1 giờ.
- Cháo lưu lại trong dạ dày khoảng 1 đến 3 giờ.
- Cơm hoặc các loại thức ăn đặc lưu lại trong dạ dày 4 đến 6 giờ.
- Cơm chưa nhuyễn chứng tỏ ở dạ dày dưới 3 giờ.
- Cơm nhuyễn hoàn toàn biểu thị nó ở dạ dày đã hơn 3 giờ.

6. Các phản xạ siêu sinh:

6.1. Phản xạ con chuột:

Phản xạ nổi con chuột còn tồn tại 6-8 giờ sau chết. Dùng sống dao chặt vào cơ nhị đầu cánh tay hoặc cơ tứ đầu đùi sẽ xuất hiện một khối u chắc dọc theo đường chặt. Ðối với những người mập cần bộc lộ cơ sau đó mới tiến hành.

6.2. Phản xạ tiết mồ hôi:

Tiêm dưới da acetylcholin hoặc pilocarpin, sau 40 đến 60 phút sẽ thấy bề mặt da ở vùng tiêm xuất hiện mồ hôi. Phản xạ này còn tồn tại 6 giờ sau khi chết.

6.3. Phản xạ co, giãn đồng tử:

Tiêm vào dưới màng tiếp hợp acetylcholin hoặc pilocarpin sẽ thấy đồng tử co lại. Phản xạ này còn tồn tại 14 giờ sau khi chết.

Tiêm vào dưới màng tiếp hợp adrenalin sẽ thấy đồng tử giãn ra. Phản xạ này còn tồn tại 17 đến 19 giờ sau khi chết.

7. Dấu hiệu sinh vật học và hiện trường:

Trong các trường hợp án mạng, khi xác còn tươi hoặc chưa hư thối hoàn toàn, những dấu hiệu trên là cơ sở để ước lượng thời gian chết. Tuy nhiên, trong trường hợp sự hư thối đã làm tan rã tử thi, các dấu hiệu trên không còn giá trị và người ta phải dựa vào các dấu hiệu trên hiện trường, đội quân côn trùng phá hủy xác chết, tùy theo từng thời điểm của quá trình hư thối mà có các loại côn trùng khác nhau.

Ví dụ: Chu kỳ sinh trưởng của ruồi như sau:

- Giai đoạn từ trứng nở thành ấu trùng khoảng 2 ngày.

- Giai đoạn từ ấu trùng phát triển thành nhộng kéo dài khoảng 12 ngày.

- Giai đoạn từ nhộng phát triển thành ruồi con kéo dài khoảng 14 ngày.

Nếu trên xác chết tìm thấy vỏ nhộng thì thời gian ít nhất xác đã có mặt tại hiện trường là 28 ngày.
Chấy rận có thể sống ở trên xác khoảng 6 ngày. Nếu thấy chấy rận đã chết hết thì thời gian chết của nạn nhân là trên 6 ngày.

Ngoài ra, người ta còn xem xét ngày tháng trên báo chí, thư từ ở nạn nhân. Xem xét dấu chân trên hiện trường, đất cát trôi lên tử thi. Dựa vào sự biến đổi diệp lục của cỏ nơi tử thi đè lên, bình thường diệp lục bị mất sau 8 ngày hoặc dựa vào sự mục nát hoặc sự tái sinh của cây cỏ ở hiện trường để ước lượng thời gian chết

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: