CHƯƠNG 4.2


TƯ DUY CỦA THỢ LÀNH NGHỀ

Cho phép tôi nói rõ điều này: Tôi thật sự không quan tâm liệu Jordan Tice có yêu thích công việc mình làm hay không. Tôi cũng không quan tâm tại sao anh ấy lại quyết định trở thành một nhạc sĩ hay liệu anh ấy có xem việc chơi ghi-ta là "đam mê"của mình hay không. Con đường sự nghiệp của các nhạc sĩ khá đặc biệt, thường khởi nguồn từ những hoàn cảnh khác thường và những cơ hội may mắn đến sớm trong cuộc đời họ. (Lấy ví dụ là việc cả cha lẫn mẹ của Jordan đều là nhạc sĩ Bluegrass rõ ràng đóng một vai trò lớn đối với niềm đam mê ghi-ta từ sớm của anh). Chính vì điều này mà tôi chưa bao giờ nhận thấy câu chuyện khởi nguồn của các nghệ sĩ biểu diễn có liên quan gì đến chúng ta cả. Tuy nhiên, có một thứ khiến tôi thật sự hứng thú về Jordan: đó là cách anh ấy tiếp cận công việc của mình hằng ngày. Ở đây tôi phát hiện ra một thông tin rất có giá trị đối với hành trình tìm kiếm công việc mà tôi yêu thích

Con đường đưa tôi đến với Jordan và những gì mà anh thể hiện bắt đầu một đợt phát sóng của chương trình truyền hình Charlie Rose vào năm 2007. Lúc ấy Rose đang phỏng vấn diễn viên và nghệ sĩ hài Steve Martin về quyển hồi ký Born Standing Up. Họ thảo luận về con đường thăng tiến của Martin."Tôi hay đọc tự truyện,"Martin kể lại. "[Và tôi thường cảm thấy thất vọng]...và tự nói, 'Anh đã bỏ mất một phần rồi, làm thế nào mà anh có thể vượt qua buổi thi tuyển và đột nhiên làm cho Copa?' Điều đó xảy ra như thế nào?"Martin viết quyển sách của mình để trả lời cho câu hỏi "làm thế nào"đó, ít nhất là với sự tôn trọng dành cho thành công của chính mình trong sự nghiệp hài độc thoại trên sân khấu. Trong quyển sách về cách "làm thế nào"này, Martin đưa ra một ý tưởng đơn giản nhưng lại khiến tôi ngạc nhiên trong lần đầu tiên nghe thấy nó. Đoạn trích dẫn này nằm ở 5 phút cuối cùng của bài phỏng vấn, khi Rose yêu cầu Martin cho lời khuyên với các nghệ sĩb iểu diễn khao khát thành công. 

"Chưa bao giờ có ai ghi lại lời khuyên của tôi, bởi vì đó không phải là câu trả lời mà họ muốn nghe."Martin nói. "Cái mà họ muốn nghe là 'Đây là cách giúp bạn tìm được người đại diện, đây là cách giúp bạn viết kịch bản,'...nhưng tôi luôn đáp rằng, 'Hãy trở nên giỏi đến mức họ không thể phớt lờ bạn.' " 

Đáp lại vẻ mặt khó hiểu của Rose, Martin giải thích lời khuyên của ông như sau, "Nếu một người suy nghĩ rằng, 'Làm thế nào để mình thật sự trở nên tài giỏi?', sẽ có rất nhiều người muốn tìm đến người đó." 

Đây chính xác là triết lý đã giúp Martin gia nhập hàng ngũ của những ngôi sao. Ông đã quyết định đổi mới phong cách diễn của mình thành một phong cách tốt đến mức mọi người không thể phớt lờ khi ông chỉ mới 20 tuổi. Martin chia sẻ với Rose, "Hài kịch vào thời điểm đó chỉ toàn là dàn dựng và sử dụng các câu gây cười... diễn hài rập khuôn trong các câu lạc bộ đêm."Ông nghĩ rằng hài kịch có thể trở nên phức tạp hơn. Sau đây là bài viết của Martin trong khoảng thời gian phỏng vấn với Charlie Rose về quá trình tiến hóa của mình: "Giả sử như không có những câu gây cười thì sao? Giả sử như không có những dấu hiệu gì thì sao? Giả sử như tôi tạo ra bầu không khí căng thẳng và không giải tỏa được nó thì sao? Giả sử như tôi đang tiến đến đoạn cao trào nhưng cuối cùng lại làm hỏng nó thì sao?"Trong một đoạn diễn nổi tiếng, Martin nói với khán thính giả rằng đã đến lúc biểu diễn tiết mục trứ danh mũi-đặt-trên-micro của ông. Sau đó, ông cúi người tới trước và đặt mũi của mình lên micro trong vài giây, rồi ông bước lùi lại, cúi đầu chào,và trang trọng cảm ơn khán giả. Ông giải thích,"Tiếng cười không đến ngay sau đó, mà chỉ đến sau khi họ nhận ra rằng tôi đã chuyển sang màn biểu diễn khác."

Theo ước đoán của Martin, phải mất 10 năm thì phong cách mới của ông mới ăn khớp với nhau. Nhưng khi đạt được điều này, ông trở nên cực kỳ nổi tiếng. Rõ ràng trong câu chuyện của ông không có con đường tắt dẫn đến thành công. Martin giải thích, "Cuối cùng bạn sẽ thấy mình đã kinh nghiệm đến mức có một sự tự tin tỏa ra bên ngoài. Tôi nghĩ rằng đây là cái mà khán giả có thể cảm nhận được." 

Hãy trở nên giỏi đến mức họ không thể phớt lờ bạn. Lần đầu tiên tôi nghe lời khuyên này là khi tôi xem đoạn phỏng vấn Martin trực tuyến. Đó là vào mùa đông năm 2008, và tôi đang bước vào năm cuối cao học. Tại thời điểm đó,tôi vừa mới tạo một trang blog tên là Study Hacks tập trung chủ yếu vào các mẹo dành cho các sinh viên. Trang blog này được truyền cảm hứng bởi bộ sách hướng dẫn dành cho sinh viên mà tôi xuất bản trước đó. Ngay sau khi nghe phương châm của Martin, tôi lập tức viết một bài blog giới thiệu quan điểm này của ông với độc giả. Tôi kết luận rằng, "Nghe thì đáng sợ thật,chắc chắn rồi. Nhưng trên hết, tôi nhận thấy nó mang đến cảm giác tự do." 

Trong lúc sự nghiệp nghiên cứu sinh của tôi đang dần đi đến hồi kết, tôi bị ám ảnh với chiến lược nghiên cứu của bản thân - một nỗi ám ảnh được sinh ra từ quá trình liên tục miêu tả đi miêu tả lại công việc của mình. Đây là một quá trình vô cùng chán nản: Tôi cảm thấy như mình đang cố căng người ra để thuyết phục thế giới rằng công việc của tôi rất thú vị, nhưng chẳng ai quan tâm đến nó cả. Phương châm của Martin giúp tôi tách ra khỏi quá trình tự quảng bá này. Tôi tự nói với mình, "Hãy thôi tập trung vào những tiểu tiết đi, thay vào đó, hãy tập trung vào việc trở nên giỏi hơn."Được truyền cảm hứng, tôi chuyển sự tập trung từ trang web sang một thói quen vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay: Theo dõi số giờ đồng hồ mình dành ra mỗi tháng cho việc suy nghĩ thật nghiêm túc về những vấn đề nghiên cứu (Lấy ví dụ, trong tháng mà tôi viết chương này, tôi dành 42 tiếng cho những công đoạn chủ chốt). 

Chiến thuật theo dõi số giờ này giúp tôi hướng sự tập trung vào chất lượng của sản phẩm do tôi tạo ra. Đồng thời tôi cũng cảm thấy việc này nhỏ nhặt,như thể tôi chưa thật sự nắm bắt được hết ngụ ý trong tư tưởng cấp tiến của Martin. Sau này, khi thực hiện cuộc hành trình khám phá cách mà mọi người yêu thích công việc của mình, chẳng mất bao nhiêu thời gian để tôi quay trở lại với lời khuyên của Martin. Trực giác mách bảo tôi rằng lời khuyên này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên một sự nghiệp tuyệt vời. Đây cũng là thứ dẫn tôi đến với Jordan Tice: Tôi nhận ra rằng nếu tôi thật sự muốn hiểu thấu phương châm này tôi cần phải hiểu những người sống theo nó.

Khi lắng nghe Tice kể về công đoạn luyện tập của mình, tôi bất ngờ trước sự tập trung của anh vào những gì anh tạo ra. Như bạn thấy đấy, anh hạnh phúc khi bỏ ra hàng giờ đồng hồ mỗi ngày, hết tuần này sang tuần khác, trong một căn phòng như tu viện chẳng có nhiều đồ đạc, để luyện tập đến kiệt sức một kỹ thuật gảy đàn mới, tất cả chỉ vì anh nghĩ rằng nó sẽ đóng vai trò quantrọng đối với giai điệu mà anh đang sáng tác. Tôi nhận thấy sự tận tâm vào thành quả này cũng giải thích cho sự khiêm tốn của anh. Đối với Jordan,kiêu ngạo là điều vô lý. Anh giải thích, "Đây là những gì tôi tôn trọng: tạo ra một thứ gì đó có ý nghĩa và sau đó giới thiệu nó với cả thế giới."

Được truyền cảm hứng sau lần gặp mặt Jordan, tôi liên lạc với MarkCasstevens để có thêm góc nhìn khác từ một cựu chiến binh về tư duy của nghệ sĩ biểu diễn. Là một nhạc sĩ phòng thu của Nashville, ông thật sự xứng đáng với danh tiếng của mình: Ông đã từng chơi cho 99 đĩa đơn đứng đầu bảng xếp hạng Billboard. Khi tôi nói với Mark về Jordan, ông đồng ý rằng quá trình tập trung đến ám ảnh về chất lượng của cái bạn tạo ra chính là nguyên tắc trong âm nhạc chuyên nghiệp. Ông giải thích, "Nó vượt lên trên ngoại hình, thiết bị, tính cách và những mối quan hệ của bạn. Các nhạc sĩ phòng thu có phương châm sau: 'Băng ghi âm không biết nói dối.' Ngay khi thu âm xong băng sẽ được chơi lại; lúc đó khả năng của bạn không trốn được đi đâu hết." 

Tôi thích cụm từ ấy - băng ghi âm không biết nói dối - bởi vì nó tóm gọn lại điều đã truyền động lực cho những nghệ sĩ biểu diễn như Jordan, Mark và Steve Martin. Nếu bạn không tập trung vào việc trở nên giỏi đến mức người khác không thể phớt lờ bạn, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau

Để đơn giản hóa cho các chương sau, tôi sẽ gọi hướng tiếp cận tập trung vào sản phẩm này là tư duy thợ lành nghề. Mục tiêu của tôi trong Quy tắc #2 này là thuyết phục bạn về một ý tưởng đã ngày càng trở nên rõ ràng với tôi hơn khi tôi dành thời gian nghiên cứu những nghệ sĩ biểu diễn như Tice: Bất kể loại công việc bạn làm, tư duy thợ lành nghề là rất quan trọng trong việc xây dựng một sự nghiệp mà bạn yêu thích. Tuy nhiên, trước khi chúng ta đi quá nhanh, tôi muốn dành chút thời gian để đối chiếu tư duy này với cách suy nghĩ quen thuộc của hầu hết chúng ta về nghề nghiệp. 

(cont)

**************************

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top