nước mắt
Hôm nay, chúng tớ lại học tiếp Chiếc thuyền ngoài xa.
Một tác phẩm hay tuyệt. Trên cả những câu chuyện, tớ thấy những gì Nguyễn Minh Châu gửi gắm quả thực có liên hệ mật thiết tới thế sự muôn thời. Ngay cả một đứa ất ơ vô danh tiểu tốt như tớ đây, tớ cũng nhìn thấy trong tác phẩm những sợi chỉ liên hệ, phản ánh chính tớ, trong mối quan hệ giữa người với người. Chuyện về người phóng viên đi tìm cảnh đẹp để bắt trọn được nó vào ống kính, để hoàn thành công việc được giao. Cảnh ấy lại há phải cảnh biển bình thường không thôi. Ấy phải là cảnh biển sớm có sương mù, ngay giữa tiết trời tháng 7- trong khi mùa sương phải là tầm tháng 3 kia. Nhưng người phóng viên ấy cũng chẳng phải một người làm công ăn lương thông thường. Anh đi với tâm thế của 1 người nghệ sĩ.
Ấy, dừng lại đã. Như này hơi lan man rồi. Phân tích nhan nhản trên mạng như nước sông Đà rồi, tớ không nên nhiều lời mới phải.
Cô tớ giảng lại về tình huống nhận thức của truyện. Tác phẩm của Nguyễn Minh Châu quá ư là xuất sắc, vì ông đã tái hiện một hiện thực rất gần gũi, rất chân xác. Trong thế giới ấy, cũng có những mối quan hệ nhập nhằng chồng chéo, cũng có những nỗi đau và niềm thương đan xen khó tách bạch, cũng có trăn trở về cái thiện và cái ác sao mà khó rạch ròi. Ai là người mang tội, là kẻ ác trong câu chuyện ấy? Có phải là gã đàn ông, cái gã nom thú tính với đôi chân khoằm chữ bát, khuôn ngực lông xoăn đen rậm, dáng lưng cong như con thuyền cùng những hành động quật dây lưng vào thân người đàn bà- trút cơn cuồng nộ như lửa cháy lên người yếu thế hơn mình? Có phải là người đàn bà, vì đã không chạy, không oán, không than, không vùng lên chống trả những đòn đánh ấy, lại còn thỏa hiệp với cái ác của gã đàn ông, lại cho gã đánh mình? Hay mang tội là của anh Phùng anh Đẩu đấy, khi 2 anh nhiệt tình nhưng lại có phần "ngu dốt"- khi còn thiếu hiểu biết về đời sống, nhưng vẫn cho mình là phải?
Câu trả lời Nguyễn Minh Châu đưa ra lại rất đời. Chẳng ai thực sự là kẻ ác, cũng không ai là thánh thiện, là tốt hoàn toàn. Họ đều mắc phải những lỗi lầm, nhưng điều đấy đâu đã đủ để ta quy chụp mà đánh giá rằng họ là người xấu, là ác quỷ. Họ có thể tử tế, tốt bụng, nhưng đâu thể chỉ xét trên 1 phương diện mà ta đã biết họ không tỳ vết được. Đã là con người thì sẽ đều có tỳ vết, đều sẽ có những mặt xấu. Nhưng con người, trong quan niệm của tác giả, chính vì cái không toàn vẹn ấy, mà chúng ta luôn cố gắng hoàn thiện, luôn hướng tới cái đẹp. Có lẽ chính điều ấy làm nên nét đẹp ở con người. Người đàn ông ấy đánh người đàn bà, và thằng bé con lại đánh người đàn ông. Người dưng nước lã làm đau nhau đã đành, đằng này giữa họ có sự liên kết bằng máu mủ ruột thịt. Một người chồng hành hạ vợ như là kẻ thù, và một người con lao đi như 1 viên đạn để đánh cha. Nghe thật bất nhân bất nghĩa, mà ẩn sau đó là tầng tầng lớp lớp những mâu thuẫn đau đớn lắm thay.
Vấn đề ở nhân vật Phùng là cách lựa chọn góc nhìn. Cũng như nhan đề truyện gợi nên sự đối lập gay gắt giữa hình ảnh con thuyền ngoài xa với khi đã đậu ở đầm phá, chỉ vào việc thay đổi cách nhìn, một khung cảnh đẹp, tựa cảnh "đắt" trời cho hóa ra cũng chỉ là bình phong cho một hiện thực xấu xa tăm tối mang tên đói nghèo và bạo lực gia đình.
Mà góc nhìn của Phùng là cái điểm nhìn cố hữu đã ăn sâu vào tiềm thức anh, dưới sự chi phối tác động của cả 1 xã hội, 1 thế hệ cũ. Anh đã từng làm lính, đã được dự phần trong cuộc đấu tranh lớn của dân tộc. Thời ấy cái xấu cái tốt tách bạch rõ ràng. Địch xấu, ta tốt. Địch là kẻ đi áp bức, còn quần chúng nhân dân là những người bị áp bức. Lối tư duy cố hữu ấy vô tình khiến Phùng nhìn cuộc đời có phần đơn giản và 1 chiều. Dẫu sao, xã hội trong truyện đang bước sang thời kì chuyển tiếp hậu chiến tranh. Sự thay đổi về góc nhìn là cần thiết, nhưng lại chưa thể đạt đến ngay được.
Bởi vậy, thấy cậu bé Phác lúc tiếp xúc với mình hiền lành ngoan ngoãn, Phùng ngỡ ngàng khi thấy nó lao vào đánh cha nó với ác ý không thèm giấu diếm. Sao một đứa trẻ hồn nhiên lại có thể ác đến vậy? Ở tòa án, Phùng dựa vào chiếc thắt lưng lính ngụy mà phỏng đoán rằng gã đàn ông từng đi lính. Phải, vì anh cho rằng chỉ có bọn máu lạnh đã phản bội đất nước, tiếp tay cho giặc nhuộm máu dân tộc mới có thể làm những hành động tàn ác như vậy với đồng bào ngay giữa thời bình, mà lại còn là vợ của gã.
Cả anh và Đẩu đều cho rằng biện pháp tốt nhất cho người đàn bà là bỏ ngay gã chồng. Họ đều có thiện chí, họ đều có lòng tốt muốn được giúp đỡ người đàn bà. Nhưng vì góc nhìn của họ và người đàn bà chưa gặp gỡ nhau, nên họ lại không thể hiểu nhau.
Chị đàn bà không cho rằng thế là thỏa đáng, và chị cầu xin, biện hộ thay cho lời gã đàn ông. Nào là, gã vốn hiền lành cục tính, chẳng qua nghèo quá, khổ quá nên mới lôi chị ra đánh. Và nào là, trên con thuyền chài lưói không thể vắng bóng người đàn ông. Nếu thế, ai sẽ cùng chị nuôi đàn con đông, cùng chị chống chọi những khi biển động, là chỗ dựa cho gia đình chị bây giờ. Một góc nhìn mới được mở ra với Phùng và Đẩu, tuy họ vẫn còn thấy khó để mà hiểu.
Gã đàn ông đánh chị cũng đâu phải vì sở thích bệnh hoạn nào. Khi đánh vợ, mắt gã cứ dán vào tấm lưng áo ướt sũng rách bợt của người đàn bà. Gã nhìn vào đấy, nhìn vào biểu hiện rõ ràng nhất của sự đói khổ nghèo hèn, nhìn sự khổ ấy bao trùm lên những người thân yêu mỗi ngày. Và gã nổi cơn cuồng nộ. Gã giận gì thế? Gã đâu thể trách người đàn bà kia vô dụng? Sự mệt mỏi in hằn lên dáng vẻ chị đủ cho biết, chị đã cùng gã lao động cả đêm qua, mà chẳng thu được gì. Hay gã giận chị vì đã đẻ nhiều để rồi gã phải nai lưng ra mà nuôi đấy, mà vẫn không đủ để rồi phải đói, phải nghèo. Cũng có thể. Nhưng gã đã có thể vô trách nhiệm mà bỏ đi kia. Gã cũng đã có thể sa mình vào lạc thú như uống rượu cho quên sầu. Vậy mà gã không làm vậy. Gã quyết không uống rượu, phải chăng vì chỗ tiền ấy tất cả phải để mà nuôi con, cho con có cái ăn. Gã chẳng bỏ đi mà vẫn ở lại cùng chị chịu khổ, vì gã vẫn còn thiên chức và trách nhiệm trụ cột với gia đình ấy. Gã nỗ lực kéo lưới đêm này qua đêm khác dẫu thu được công cốc, ấy là nỗ lực vì gia đình, nỗ lực nuôi con, nỗ lực làm một người cha tốt. Nhưng cuối cùng, gã khổ quá, mà khổ quá không biết trút vào đâu, đành trút lên người đàn bà.
Ra thế, gã muốn làm người tốt, mà càng cố, gã lại càng xấu. Mụ đàn bà cũng muốn làm người mẹ tốt, nhưng vô tình mụ dung túng cho cái ác của người đàn ông, vô tình để đứa con mụ yêu nhất có hành động lệch lạc với cha nó.
Phùng, Đẩu cũng cố làm người tốt, muốn giúp gia đình họ, nhưng 2 anh cũng suýt là kẻ xấu, vì đã cố li gián gia đình họ.
Vấn đề vẫn là ở góc nhìn.
Thời gian gần đây, có những em nhỏ lựa chọn kết thúc sinh mạng của mình. Báo chí lập tức xâu xéo mọi thông tin, đăng tải lô lốc lên mạng xã hội. Ở dưới những bài viết ấy, người ta để lại những bình luận bày tỏ quan điểm của mình.
Có nhiều ý kiến trái chiều. Có người hả hê mà hạ tay giáng xuống những dòng bình luận móc mỉa, chửi bới, lên án người cha, người mẹ trong câu chuyện. "Tại lũ chúng mày mà thằng bé mới phải chết", họ quy hết mọi tội lỗi và mác kẻ ác lên những người làm cha làm mẹ, trách họ vô tâm, gán cho họ là không thương con, là tàn nhẫn. Cũng có những người lại quay hướng chỉ trích về cậu bé xấu số, mỉa mai cậu "Lảm sao mà phải chết?", "Có thế mà cũng t* t*", " Riết rồi đây thành trend quá": họ thấy cậu bồng bột, cậu ích kỷ, trẻ con, vì chút cảm xúc nhất thời mà để cha mẹ khổ. Họ tự cho mình cái quyền thượng đẳng mà thốt lên rằng nếu họ là cậu, họ sẽ abcxyz, chứ chả bao giờ lại chọn chết, để rồi bất hiếu với cha mẹ. Đọc những bình luận ấy, thực sự, tớ cảm thán rằng ước gì ông trời tước đi khả năng type chữ của 1 số con người.
Tuy vậy, trên mạng cũng có những người có học thức và hiểu biết sâu rộng về đời sống.
Ý chung của họ cùng cô tớ là như này: Trước khi vội phán xét người cha hay đứa trẻ bằng cái nhìn chủ quan của bạn, trước khi chĩa mũi nhọn vào bất kì ai, hãy suy nghĩ một chút. Xin đừng buông lời đả kích người cha, vì thân là người ở lại, sự dằn vặt ân hận đã là nỗi thống khổ lớn nhất rồi. Sao lại chắc chắn đến vậy? Cha mẹ yêu con, mong muốn mọi điều tốt đẹp đến cho con. Với thế hệ của họ, từ thời bao cấp mà trưởng thành, thì học là con đường nhanh nhất tới thành công. Đứa trẻ kia phải học đến 3 giờ rưỡi sáng, nhưng cha nó cũng thức cùng nữa kia mà. Là yêu, nhưng mong muốn cho con được sung túc, thành công, nó lại vô tình mà trở nên lệch lạc. Xin đừng buông lời mạt sát đứa trẻ, vì ta đâu có mặt trong câu chuyện ấy, đâu đã ở góc độ của em- em đã nghĩ những gì khi đứng trước ban công thế? Đứa trẻ, qua bức di thư, có thể thấy đã lâu rồi em chưa thực sự được thấu hiểu. Người ta bảo em ích kỉ, nhưng những dòng cuối của em vẫn luôn nghĩ tới người nhà. Trầm cảm là một căn bệnh đáng sợ. Nó ăn mòn niềm tin. Hẳn đến phút cuối em vẫn mong mình được thấu hiểu.
Đó là khoảng cách tư tưởng giữa 2 thế hệ. Vì lẽ ấy, mà họ yêu thương nhau hết mực, muốn điều tốt nhất đến cho nhau, ấy vậy mà hóa ra họ làm đau nhau, làm khổ nhau.
Chuyện cô nói tới làm tớ nhớ về năm lớp 9 của tớ. Năm chuyển cấp, cũng như cái năm lớp 12 bây giờ.
Tớ cũng cảm thấy bố mẹ khó hiểu. Giữa tớ và họ lúc nào cũng như có một lớp ngăn cách vô hình. Trong đầu tớ là ngàn ngàn vạn vạn những suy tư, nhưng tớ chẳng thể chia sẻ với bố mẹ tí ti. Bố mẹ cũng không tài nào hiểu nổi tớ. Họ không hiểu tại sao lúc nào giọng tớ cũng gắt gỏng và hở tí là giãy nảy lên như vậy. Nhưng hễ tớ chia sẻ điều gì là mẹ tớ sẽ kiểu HẢ?, HẢ?, CON HỎI GÌ THẾ?. Mà tớ thì ngại trả lời khi mẹ to tiếng như thế. Nó cứ như 1 vòng lặp. Tớ gắt gỏng, mẹ gắt gỏng, cả nhà tớ gắt gỏng.
Lên lớp 9, khi tớ làm sai cái gì, mẹ tớ cũng không đánh đòn như hồi bé nữa. Nhưng lời nói của mẹ cũng có sức nặng. Những lời chì triết của mẹ làm tớ ức hơn cả những cú vả khi xưa. Tớ là một đứa dễ khóc. Khi xem phim đến cảnh nhân vật chưa khóc nước mắt tớ đã trào ra rồi. Và khi hồi tưởng lại 1 cảnh phim hay đọc báo mà có chuyện buồn tớ cũng khóc được. Vậy nên trước những lời nói của mẹ, dù tớ đã cố nín nhịn, tớ vẫn khóc. Và khi tớ đã khóc, mẹ lại có thêm những lời để nói. Và đấy là lúc bố tớ bồi thêm mấy câu vào. "Không hiểu nổi con luôn", "Không biết tiếp thu gì cả", "Hở tí là khóc", "Mai sau ra đời chẳng làm được gì, có mà ăn bám xã hội ăn bám bố mẹ"...
Tất nhiên trong khoảnh khắc ấy, tớ cũng giận bố mẹ. Nhưng suy cho cùng, tất cả dẫn tớ đến 1 kết luận: tớ thật yếu đuối. Trong nhiều lúc, tớ thấy tớ là phế vật. Hỏi ai cũng vậy, ông bà bố mẹ đều kiểu, ngày xưa đi học họ vừa học vừa làm mà vẫn vui vẻ tự tin giỏi giang các thứ. Còn tớ có mỗi việc học đơn giản nhất mà không làm được. Nói vậy chứ bố mẹ chẳng mấy khi đặt áp lực về việc học lên tớ, vì biểu hiện của tớ luôn đủ tốt để chẳng bao giờ họ phải phàn nàn. Nhưng vẫn có những lúc, bố mẹ cứ muốn tớ giống như người chị giỏi giang. Chị tớ giỏi tiếng Anh. Chị tớ đỗ chuyên. Chị tớ đỗ Neu. Cay đắng nhất là bố tớ thì cứ nghĩ là tớ giỏi cỡ chị tớ vậy, trong khi sự thật là, đâu phải.
Tớ sợ làm mọi người thất vọng. Tớ sợ làm đứa con lép vế, làm kẻ thừa. Những suy nghĩ ấy thôi thúc tớ, làm tớ chỉ ước giá như tớ không được sinh ra. Kéo theo đó là cảm giác tội lỗi. Nếu như không có tớ, bố mẹ sẽ chẳng phải mất quá nhiều tiền bạc và công sức để nuôi lớn 1 kẻ yếu nhược và hèn kém như vậy. Nếu tớ là con trai, bố mẹ chẳng đã phải đẻ thêm em rồi đông con làm gì- hay nếu như em tớ thế chỗ tớ luôn thì tốt quá. Tớ có thể làm được gì tận hiếu bố mẹ chứ. Trong khi đến cái thân này còn không lo nổi. Có lẽ chỉ như bố mẹ nói, làm gánh nặng ăn bám thế thôi. Tớ ghét cay ghét đắng bản thân. Tớ không thấy mình đáng được yêu. Tớ không thấy sự tồn tại của mình có giá trị.
Tớ muốn biến mất, biến mất mà không ai biết, để bọn báo chó cũng không moi móc được gì.
Và hồi đấy tớ ghét bố mẹ ghê luôn. Vì hồi đó tớ chưa đủ trưởng thành để mà để ý tới góc nhìn của bố mẹ. Cũng như bố mẹ vì bận bịu mà chẳng buồn quan tâm tới cảm giác, hay cũng chẳng cố để mà tìm hiểu góc nhìn của tớ. Góc nhìn không gặp gỡ, bởi vậy mà xa càng thêm xa.
Tớ không nghĩ hồi đó tớ trầm cảm đâu. Chẳng qua là rối loạn về cảm xúc, và tớ gặp khó khăn trong việc cân bằng chúng. Ký ức về những ngày ấy thực mơ hồ, nhưng tớ vẫn nhớ đôi chút.
Tớ đã khóc.
Rất nhiều.
Có một hôm trời mưa rất to. Tớ mang cái cặp nặng rất nặng, đi bộ về dưới mưa. Chẳng hiểu tớ đã nghĩ gì mà bỏ ô qua 1 bên, nhìn vào trời mưa như trút, rồi chạy ra. Mưa táp vào mặt tớ. Lạnh. Ướt. Mặt tớ đẫm nước. Chẳng ai biết nếu tớ có đã khóc. Vì nhìn kìa, trời mưa.
Có những đêm ngồi học tớ cũng buồn. Dù tất nhiên hồi đó tớ về nhà cũng chả học hành gì. Và hồi đó tớ còn không chọn trường cho đến hôm nộp nguyện vọng. Nhưng tớ vẫn sợ trượt. Trên cả, tớ sợ tớ sẽ là nỗi nhục của bố mẹ trước họ hàng. Bố mẹ an ủi tớ, họ bảo trình tớ chắc chắn không trượt nổi. Tuy vậy, họ chẳng hiểu gì về thực lực của tớ cả. Chỉ là những lời nói vô thưởng vô phạt. Tớ rụt vòi và tự ti đến mức, một chiều phụ đạo trên trường, cô chủ nhiệm phải gọi riêng tớ ra, nhất quyết không cho tớ nộp nguyện vọng vào trường bình thường.
Chuyện đã quá lâu rồi, đến nỗi tớ chẳng còn có thể đặt mình vào góc nhìn ngày ấy nữa. Tớ chẳng còn hiểu vì sao ngày ấy tớ lại muốn chết. Có phải vì cùng một lí do như bây giờ không? Này một tôi khác, em nghĩ gì khi đứng trên ban công? Gió mát ha em.
Từ trên tầng cao nhìn xuống dưới vào buổi đêm đẹp lắm. Những ánh đèn điểm xuyết trong đêm tối, gió xào xạc những tán cây cao, có tiếng vọng trong em như thét gào, với bóng người be bé đi lại.
Tớ đã nhìn xuống rất lâu, và đã mường tượng rất kỹ. Độ cao từ đây nhìn xuống hút mắt tớ. Rào chắn cao thật, nhưng tớ chỉ cần trèo lên máy giặt. Hai tay tớ bám chặt vào lan can sắt. Cảm giác lành lạnh, mà rịn rịn mồ hôi. Tớ ngả chúi người về đằng trước. Mọi người sẽ thấy khó hiểu khi tớ làm vậy chứ. Hay, chỉ cảm thán là con bé này bạc nhược quá thôi.
Cũng dạo ấy bố mẹ tớ xô xát nhiều. Chả phải chuyện hay ho gì để kể, nhưng đỉnh điểm có đợt mẹ tớ đòi ly hôn bằng được, rồi thì cầm cả con dao đòi chết chung với bố luôn. Đó là một giai đoạn dài. Đến lúc ấy tớ mới nhận ra mẹ tớ, một người tuy nhiều khi hơi lắm lời, nhưng mới chỉ dừng lại ở lời nói, lại có thể bùng nổ đến thế. Khác với một người mẹ nhẫn nhịn thường ngày, chỉ có thể phàn nàn mỗi khi bố tớ nhậu nhẹt bài bạc, giờ sức lực của mẹ không biết đến từ đâu, đến cả bố cũng không áp chế được.
Cũng như Phùng bất ngờ với Phác, tớ bất ngờ với mẹ. Và chợt vỡ òa nhận ra suốt thời gian qua, mẹ cũng đã dồn nén nhiều cảm xúc đến thế. Cảm giác mình ích kỷ vì đã không hiểu. Áp lực từ công việc, bị sếp chê trách, bị đồng nghiệp cạnh tranh móc mỉa. Về nhà thì chồng đi suốt, con thì lầm lì. Hôm đó mẹ cũng khóc. Mẹ mếu máo kể chuyện với bà ngoại, mẹ nói rằng mẹ không thể chịu nổi nữa. Mẹ đã định hết rồi, mẹ định thằng em ở với mẹ, còn tớ với chị thì ở với bố. Nhưng bố lại nói, thế mẹ định để con gia đình không đầy đủ à. Và mẹ chùn bước thật. Nên vậy đó, tớ vẫn còn một gia đình. Sau hôm ấy, chiếc tượng khắc gỗ uyên ương với tên bố và mẹ vỡ làm nửa. Tên 2 người thế mà ở 2 mảnh khác nhau.
Sinh nhật năm ấy của tớ là vào một thứ nào đấy phải đi học. Từ sáng sớm, lúc tớ còn đang ngủ, mẹ để 1 phong thư trên bàn. Thư kín mặt 3 tờ A4. Ít ra tớ biết mẹ cũng đã cố để hiểu tớ, nhưng sao thật khó khăn quá.
Cảm giác như tớ dễ dàng kết nối với mọi người qua những giọt nước mắt. Kì thi đại học đang đến gần. Tớ sợ chứ. Như bản năng, tớ lại khóc mà chẳng nhận thức được. Nhiều khi một khoảnh khắc vui vẻ vừa trôi qua cũng làm dấy lên nỗi buồn lênh đênh. Những khi ở một mình tớ lại thấy trống rỗng. Mà nhiều khi ở nơi đông tớ cũng thấy như đơn độc. Bước đi, từng bước, từng bước. Ngày hôm nay, nắng đẹp quá. Dẫu biết ấy chẳng thể là của mình, nhưng tớ vẫn thấy an ủi, bởi tớ vẫn thấy đẹp. Đời tớ như trôi bồng bềnh vô lực, vì cái gọi là định hướng hay ước mơ đều thiếu vắng.
Tớ sợ ở một mình. Nhưng nhiều khi tớ lại chỉ muốn ở một mình.
Tớ muốn chết một mình. Nhưng sợ đau mà không dám.
Như lẽ thường, tớ không muốn những người xung quanh, những người mà tớ yêu mến phải trải qua những đợt sóng ngầm dữ dội về tinh thần như vậy. Thế mà buồn thay, ở lứa tuổi này, trẻ con được bảo rằng hãy học thật giỏi, hãy thi đỗ, thay vì được dạy cho cách tự cân bằng những hỗn loạn trong tâm hồn. Chúng tớ như đang bước đi trên sợi chỉ mỏng, với chiếc gậy nhỏ làm trò, vừa cố giữ thăng bằng, vừa dùng nó để đánh bật những quả cà chua người ta ném vào chúng tớ đây- những chú hề của rạp xiếc mang tên cuộc đời. Đi lệch một bước, lảo đảo một chút, là tớ sẽ ngã chúi và rơi vô định vào vực sâu vạn trượng, để rồi thân xác nát tan, và người ta sẽ hốt đống bầy nhầy ấy lại mà làm phân bón.
Tớ đã nghĩ tớ đơn độc.
Rằng chỉ có một mình tớ, quằn quại, thoi thóp trong nỗi đau cho sự ti tiện, nhỏ bé, bất tài, vô dụng của bản thân; thoi thóp cho nỗi đau về những ước mơ dở dang quá lứa lỡ thì, cho những hành động trong quá khứ tớ rất muốn được làm lại.
Tớ đã muốn được làm người khác. Ai cũng được, gì cũng được, làm ơn giải thoát cho tớ với. Tớ chỉ là không thể chịu được một tớ bất tài, yếu kém, xấu xí từ trong ra ngoài như vậy.
Nhưng tớ đã quen những người bạn.
Cũng như Phùng bất ngờ về Phác, như cách tớ đã bất ngờ về mẹ khi xưa, giờ đây tớ bất ngờ khi đã có dịp được dẹp tan những dòng suy nghĩ đang lao xao không ngừng, để mà để ý ra, những người bạn cạnh tớ cũng đang khóc. Cậu ấy cũng sợ.
Nhưng!
Nhưng?
Nhưng cậu ấy mạnh mẽ.
Cậu ấy khác tớ. Những lúc tớ than vãn hay rên rỉ, cậu ấy ở bên lắng nghe, rồi đưa ra những lời khuyên, strong lên tôi ơi, các thứ.
Và cậu ấy im lặng. Chẳng mấy khi nói về những suy tư của mình.
Nhưng cậu ấy cũng khóc.
Một cô bạn cá tính đầy mình. Cậu cũng khóc.
Một đứa con gái lúc nào cũng vui tươi và tăng động, lại còn rất tự tin vào khả năng của bản thân. Nhưng cậu ấy cũng khóc.
Chúng tớ có thể cười ngay lúc ấy, và nước mắt cũng có thể tới lúc ấy luôn.
Có khi chỉ là vì những chuyện nhỏ nhặt. Ấy thế mà giọt nước tràn ly cũng đáng sợ lắm.
Kể cả khi chúng tớ là bạn, cũng có những nỗi sợ to lớn đến độ không gì có thể xóa bỏ hoàn toàn. Chúng tớ sợ, chúng tớ bất lực, chúng tớ vẫn bước.
Đời mà, biết đâu vượt qua được những ngày này, liệu ngày mai có còn thích hợp để khóc nữa không.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top