Chương 48: Tặng mặc bảo thụ chi dĩ bính
Khi dùng cơm trưa, Phác Thái Anh chỉ mới dùng hai miếng thì đã đột nhiên buông đũa xuống, nói: "Ngoại trừ Xuân Đào và Thu Cúc ra, những người khác đều lui xuống hết đi."
"Vâng."
"Xuân Đào, ngươi mang chút tiền dẫn theo vài người đến phố Đông Tam đi. Ở đó có một sạp hàng tên là Trình Ký, mua hết tất cả rượu hoa quế nhà bọn họ có trở về cho ta."
"Điện hạ, bệ hạ ban thưởng rất nhiều rượu ngon, hầm rượu đều sắp không chứa nổi, điện hạ còn muốn mua sao?"
Phác Thái Anh nhíu mày, mím môi không nói gì.
Thu Cúc kéo kéo góc áo Xuân Đào: "Điện hạ bảo ngươi đi thì ngươi chỉ cần đi là được."
Xuân Đào muốn nói lại thôi, nhìn thấy ánh mắt cảnh cáo của Thu Cúc thì lập tức im miệng, hành lễ vạn phúc rồi lui xuống.
Đến khi Xuân Đào rời đi, Phác Thái Anh lại hỏi Thu Cúc: "Trong kho phủ có bao nhiêu ngân lượng?"
Ánh mắt Thu Cúc chợt lóe lên vẻ kinh ngạc, tuy không hiểu vì sao một người không quan tâm đến việc này như Phác Thái Anh đột nhiên dò hỏi, nàng vẫn sắp xếp lại tâm tình và đáp: "Nô tỳ lập tức đi lấy sổ sách tới để điện hạ xem qua."
"Không cần, có đủ năm trăm lượng bạc hay không?"
Nghe vậy, Lạp Lệ Sa và Thu Cúc đều buồn cười: Vị công chúa điện hạ này sao lại ngây thơ như vậy? Đường đường là đích công chúa được sủng ái nhất Vị Quốc, thực ấp có đến năm ngàn hộ, làm sao trong kho phủ không có nổi năm trăm lượng bạc.
"Có."
"Vậy ngươi lấy năm trăm lượng bạc đưa cho phò mã đi."
"Vâng." Thu Cúc lại hành lễ vạn phúc với Lạp Lệ Sa: "Phò mã gia, năm trăm lượng bạc quá nặng, chẳng biết có thể đổi sang ngân phiếu của Thông Bảo tiền trang được không?"
"Làm phiền Thu Cúc tỷ tỷ."
Phác Thái Anh đột nhiên cho nàng nhiều tiền như vậy, Lạp Lệ Sa hơi suy tư một chút thì đã hiểu rõ. Chắc là đêm qua nàng oán giận rằng mình nghèo khó, mà những lời đó lại bị nàng ấy ghi nhớ.
Phác Thái Anh trầm ngâm một lát, nói: "Phò mã có một tư trạch ở bên ngoài, sau này hết thảy chi phí của tư trạch đều do công chúa phủ chi trả, ngươi nhớ kỹ hay chưa?"
"Vâng."
Phác Thái Anh lại dặn dò: "Việc này không được truyền ra."
"Vâng."
Thu Cúc thu liễm biểu tình rồi rời khỏi Ngự Thiện đường, không khỏi cảm khái: Điện hạ thật sự vô cùng sủng ái phò mã!
Tuy rằng phò mã phủ còn chưa làm xong, nhưng trên đời này lại có mấy vị công chúa sẽ cho phép phò mã có tư trạch? Huống chi hết thảy chi phí đều do công chúa phủ chi trả?
Phò mã làm thành viên của hoàng thất, vì thế suốt đời không được nạp thiếp, nhưng cũng có không ít phò mã bất hòa lại không thể hòa ly, vì thế bọn họ lén lút xây tư trạch để kim ốc tàng kiều.
Nếu như đụng phải chủ tử có tính tình cương liệt, biết phò mã lập tư trạch thì có thể dùng gia pháp để xử trí. Nhưng dù công chúa có ôn hòa thì cũng không có mấy phò mã dám công khai chuyện lập tư trạch...
Nhưng phò mã còn trẻ, lại cùng công chúa tân hôn yến nhĩ, hẳn là sẽ không làm ra chuyện cẩu thả như vậy. Nàng chỉ hy vọng phò mã có thể trước sau như một, chớ có để điện hạ thương tâm.
Lạp Lệ Sa an tĩnh ăn xong chén cháo, nuốt xuống miếng cuối cùng, nàng nói: "Điện hạ, bổng lộc của thần có thể cung dưỡng ngoại trạch."
"Sau này ra ngoài đừng quên mang theo tiền là được."
"Điện hạ cho phép thần ra ngoài sao?"
"Bản cung chưa bao giờ hạn chế sự tự do của ngươi." Phác Thái Anh khó chịu nói.
Lạp Lệ Sa không nói nữa, nàng ngồi ở bên cạnh Phác Thái Anh, đợi cho nàng ấy ăn xong thì mới nói: "Thần cũng ăn xong rồi."
"Lát nữa bản cung sẽ đi thăm Nhị tỷ."
"Vậy thì thần cũng ra phủ một chuyến, thần còn chưa phát tiền thưởng năm nay, e rằng bọn hạ nhân trong phủ đã chờ sốt ruột."
"Đi thôi."
Lạp Lệ Sa hỏi: "Bao lâu thì điện hạ quay về?"
"Tối nay bản cung qua đêm ở phủ Nhị tỷ, không trở lại."
Lạp Lệ Sa suy nghĩ: "Vậy thì thần có thể ngủ lại tư trạch một đêm được không?"
"Tùy ngươi."
Lạp Lệ Sa không biết đến tột cùng mình đã làm sai chuyện gì chọc cho Phác Thái Anh không vui. Nàng mơ hồ cảm thấy có thể là "Mục Dương cư sĩ" xảy ra vấn đề, nhưng nàng cũng không có thời gian tiếp tục nghĩ sâu. Ngày đến Ung Châu tế tổ càng lúc càng gần, còn có chuyện quan trọng hơn đang chờ nàng.
Lạp Lệ Sa để ngân phiếu trị giá năm trăm lượng mà Thu Cúc đưa trong lồng ngực. Nàng đi bộ ra phủ chừng hai đến ba dặm, đi tới tiền trang mốt chuyện, sau khi rời khỏi tiền trang thì mướn một chiếc xe ngựa chạy đến Lạp phủ ở thành Nam.
Người gác cổng thấy gia chủ trở về thì vội vàng mở cửa, quản gia Lạp phủ là Tiền Nguyên cũng dẫn theo một đám gia đinh, nha hoàn, bà tử tới cửa thỉnh an Lạp Lệ Sa.
Lạp Lệ Sa giao hộp gấm trong tay cho Tiền Nguyên: "Đều đứng lên đi, chúng ta đi vào trong nói chuyện."
"Vâng."
Sau khi cửa phủ đóng lại, Lạp Lệ Sa đứng ở bậc thang nhìn một đám người hầu, nói: "Ấn theo lễ nghĩa, ta hẳn là phải hồi phủ trước Tết Nguyên Tiêu để phân tiền thưởng cho mọi người. Nhưng các ngươi cũng biết thân phận hiện giờ của ta đặc thù, vì thế hiện giờ ta muốn tạ lỗi với mọi người."
"Sao lão gia lại nói vậy, có thể tới Lạp phủ làm việc là phúc phận của tiểu nhân!"
"Lão gia trăm công ngàn việc, bọn nô tài không dám làm phiền."
"Lão gia chiết sát tiểu nhân."
Lạp Lệ Sa vẫy tay: "Đây là năm đầu tiêu các ngươi ở Lạp phủ, tiền thưởng nhất định phải có."
Nói xong, nàng bảo Tiền Nguyên mở hộp gấm ra, bên trong là một trăm lượng bạc trắng được sắp xếp chỉnh tề: "Trường An công chúa thương cảm, một trăm lượng này là tiền thưởng điện hạ ban cho các ngươi."
Mọi người đồng thời quỳ trên mặt đất, hô thiên tuế ba lần: "Tạ điện hạ ân điển."
"Đều đứng lên đi."
"Tạ lão gia."
Lạp Lệ Sa lại lấy một túi tiền từ trong lồng ngực, đó là mười lượng mà hôm qua nàng thắng đố đèn. Trên đường tới đây, Lạp Lệ Sa lại bỏ thêm mười lượng vào bên trong.
Nàng giao túi tiền cho Tiền Nguyên: "Mười lượng này là tiền mừng ta cho chư vị, có thể lấy về chi trả tiền trong nhà, hoặc là giữ lại làm tiền vốn cưới vợ sinh con. Tối nay phòng bếp hãy chuẩn bị một bàn ăn thật ngon, để mọi người cùng ăn một bữa."
"Tạ lão gia!"
"Tiền Nguyên, lát nữa ngươi đến thư phòng tìm ta."
"Vâng."
Lạp Lệ Sa đi vào thư phòng, nàng tìm một quyển trục trống bên trong ngăn tủ, sau đó trải nó lên bàn.
"Đốc đốc đốc."
"Lão gia, tiểu nhân Tiền Nguyên."
"Vào đi."
"Vâng."
"Tới vừa lúc, ngươi mài mực giúp ta đi."
Lạp Lệ Sa đi thẳng đến bên cửa sổ, đẩy cửa sổ ra rồi nhìn về phương xa.
Một lát sau Tiền Nguyên nói: "Lão gia, mực đã mài tốt rồi. Ngài thử xem?"
"Được."
Lạp Lệ Sa đi đến trước bàn và vén cổ tay áo lên, nàng lấy một cây bút lông trung hào rồi điểm mực, vẽ một đường lên giấy: "Rất tốt."
"Tạ lão gia khích lệ."
Tiền Nguyên tinh mắt đè lại mặt quyển trục, Lạp Lệ Sa hít sâu một hơi rồi đề bút viết: Ngọc Lâu Xuân · Tháng giêng năm Cảnh gia thứ chín.
Nhất niên tích tẫn liên hoa lậu, bích tỉnh đồ tô thẩm đống tửu. Hiểu xuân liêu tiễu thượng khi nhân, xuân thái miêu điều tiên đáo liễu. Giai nhân trọng khuyến thiên trường thọ, bách diệp tiêu hoa phân thúy tụ. Thừa mông tri ngộ thiểu tương tri, chi dữ Viễn Sơn thiên cố cựu. [1]
[1] Đây là bài thơ "Ngọc Lâu Xuân" của nhà thơ Mao Bàng, nhưng ở đây tác giả Thỉnh Quân Mạc Tiếu đã thay đổi vài chỗ để phù hợp với cốt truyện: Hiểu hàn liêu tiễu thượng khi nhân -> Hiểu xuân liêu tiễu thượng khi nhân; túy hương thâm xử thiểu tương tri -> thừa mông tri ngộ thiểu tương tri; chích dữ Đông Quân thiên cố cựu -> chích dữ Viễn Sơn thiên cố cựu.
Kí tên: Mục Dương cư sĩ cẩn tặng.
Một bài thơ được viết liền mạch lưu loát, Lạp Lệ Sa nhàn nhã thở ra một hơi, nhìn tác phẩm của mình và nói với giọng hơi tiếc nuối: "Việc học như bơi ngược dòng nước, không tiến thì lùi, chữ cũng như thế. Cũng chỉ mới có mấy ngày chưa luyện tập, thế mà thủ pháp đã xa lạ đến tận đây, hổ thẹn."
"Sao lão gia lại nói thế? Theo tiểu nhân thấy, bức tranh chữ này như rồng bay phượng múa, đại khí hào hùng, thật sự là tuyệt tác." Tuy nói như vậy, Tiền Nguyên không thể che giấu được sự sợ hãi trong ánh mắt.
Hắn từng làm việc ở Tạ phủ, đi theo một vị nhã sĩ có tài lực hùng hậu như Tạ An nên cũng có chút hiểu biết. Đại danh của Mục Dương cư sĩ càng như sấm bên tai hắn.
Nghe nói: Vào tháng chạp năm Cảnh Gia thứ bảy, ở kinh thành có hai vị công tử nhà quan vì tranh đoạt bút tích của Mục Dương cư sĩ mà vung tay đánh nhau. Nhị công tử của Ứng Thiên phủ là Khương Vệ vô tình đánh chết tiểu nhi tử Lữ Khuông của nhà Thái Thường tự Khanh.
Việc này kinh động đến Hình bộ, bởi vì hai vị đại nhân đều giữ chức vị quan trọng nên Hình bộ trực tiếp báo chuyện này lên thiên tử, mời bệ hạ định đoạt.
Khương Vệ bởi vậy mà bị Thánh Thượng khâm định giam chờ trảm, cuối thu này sẽ bị hỏi trảm...
Trong lúc nhất thời, thanh danh của vị Mục Dương cư sĩ này truyền xa, vô số văn nhân nhã sĩ tìm đến các đại thư trai hỏi thăm bút tích thực.
Chỉ tiếc, rất ít tác phẩm của Mục Dương cư sĩ được lưu truyền. Trong đó có một bức bị liệt vào vật chứng nên đã được niêm phong ở Hình bộ, một bức bị một kẻ thần bí mua mất, ông chủ của thư trai cũng giữ lại cho mình một bức.
Tiền Nguyên nhớ rõ: Tạ An còn sai người nâng bạc tự mình đến thư trai cầu mua, kết quả ông chủ thư trai nói: Bức Cửu Thành Cung Lễ Tuyền Minh cuối cùng đã bị quý nhân mua mất rồi...
Tạ An cho ông chủ thư trai một trăm lượng để tìm hiểu tung tích của Mục Dương cư sĩ, nhưng ông chủ lại kiên quyết không nhận, dường như vị Mục Dương cư sĩ này giữ kín như bưng.
Có không ít người may mắn trông thấy bút tích thực của Mục Dương cư sĩ, bọn họ đều đánh giá hắn rất cao. Còn có người phỏng đoán Mục Dương cư sĩ cũng đã trên dưới bốn mươi, chỉ vì bút lực thâm hậu và sự am hiểu thư pháp tuyệt đỉnh như vậy không thể luyện thành trong một sớm một chiều.
Chỉ tiếc, vị Mục Dương cư sĩ thần bí này chỉ truyền lưu ba tác phẩm, sau đó thì mai danh ẩn tích như phù dung sớm nở tối tàn.
Tiền Nguyên có làm sao cũng không ngờ tới, Mục Dương cư sĩ cư nhiên là tam phẩm phò mã đô úy đương triều, là lão gia nhà mình: Lạp Lệ Sa!
Khó trách ông chủ thư trai sống chết không mở miệng dù cho có đối mặt với số tiền lớn như vậy, chẳng lẽ "quý nhân" mua Cửu Thành Cung Lễ Tuyền Minh chính là thành viên hoàng thất? Hơn nữa còn hạ lệnh ông chủ thư trai im miệng?
Tiền Nguyên cẩn thận đọc thơ Lạp Lệ Sa mấy lần, rất nhanh hắn đã nhận ra huyền cơ trong đó.
Câu thơ cuối cùng chính là: Thừa mông tri ngộ thiểu tương tri, chi dữ Viễn Sơn thiên cố cựu. [2]
[2] Tạm dịch: Có duyên hạnh ngộ khi niên thiếu, mãi là bạn cũ của Viễn Sơn.
Câu này ý chỉ tình nghĩa của Lạp Lệ Sa và Tạ An. Lúc trước Lạp Lệ Sa một nghèo hai trắng, an phận ở cái tiểu viện lụi bại, thậm chí cái tiểu viện đó còn không được làm bằng tường đất đàng hoàng. Là Tạ An tự mình dẫn người bái phỏng Lạp Lệ Sa, đưa rất nhiều lễ vật, còn nhường một chỗ của mình cho Lạp Lệ Sa.
Hơn nữa, tự của Tạ An không phải là "Viễn Sơn" sao?
Thấy rõ một tầng này, Tiền Nguyên rất kính nể Lạp Lệ Sa: Danh hiệu "hai nguyên một hoa" không phải hư truyền. Không những văn chương và thư pháp của Lạp Lệ Sa làm cho Tiền Nguyên khâm phục, mà cách làm người và sự thạo đời của nàng càng làm hắn kính trọng.
Vị thiếu niên này cũng chỉ mới mười chín tuổi, mà cách làm người và đối nhân xử thế đã lão đạo, dày dặn đến mức này.
Không nói đến giá trị của bức tranh chữ, quan trọng nhất là bài thơ này uyển chuyển biểu đạt: Lạp Lệ Sa cảm kích ơn Tạ An khi tri ngộ, cũng như là hy vọng hai người vẫn duy trì được tình bạn.
Còn có một thứ lệnh Tiền Nguyên lau mắt mà nhìn: Chữ ký.
Lạp Lệ Sa ký tên là "Mục Dương cư sĩ" chứ không phải Lạp Lệ Sa.
Có hai tầng dụng ý ẩn giấu ở nơi này, thứ nhất: Lạp Lệ Sa là phò mã nên thân phận đặc thù, mà thân phận của "Mục Dương cư sĩ" chỉ là một tán nhân tha phương thần bí, nàng nguyện cùng Tạ An bình đẳng tương giao.
Thứ hai: Lạp Lệ Sa thân phận xưa đâu bằng nay, nếu như để người khác biết nàng từng bán chữ để kiếm sống, lấy thân phận sĩ tử làm buôn bán thì nhất định nàng sẽ bị lên án.
Bức họa này đồng nghĩa với việc Lạp Lệ Sa thoải mái nói bí mật của mình cho đối phương! Tạ An là thương nhân, trên thương trường chỉ nói chuyện làm ăn, nhưng Lạp Lệ Sa chủ động thụ chi dĩ bính, không những thể hiện rằng nàng tin cậy Tạ An mà cũng cho Tạ An cơ hội mở miệng cầu nàng.
Một tầng như vậy, ngay cả hạ nhân như hắn đều xem hiểu, Tạ An chắc chắn cũng sẽ rõ.
Mà đồng thời, Lạp Lệ Sa cũng đang nói cho Tiền Nguyên một việc: Nàng xem Tiền Nguyên là người một nhà.
Minh bạch đạo lý này, cái nhìn của Tiền Nguyên về Lạp Lệ Sa đều thay đổi.
Rốt cuộc thì hắn đã đi theo Tạ An nhiều năm, Lạp Lệ Sa cũng chỉ là một phò mã không có thực quyền, nói không chừng ngày nào đó ngoại trạch không còn, hắn cũng phải quay về Tạ phủ.
Nhưng hôm nay Lạp Lệ Sa công nhiên mang đến tiền thưởng Trường An điện hạ ban cho, vừa đưa nhưng cũng đồng thời nói cho hạ nhân trong phủ: Công chúa biết nàng có ngoại trạch, các ngươi cứ việc an tâm tận trung.
Tiền Nguyên lập tức vén vạt áo, quỳ rạp trên đất: "Không nghĩ tới lão gia chính là Mục Dương cư sĩ đại danh đỉnh đỉnh, tiểu nhân khuynh mộ lão gia đã lâu, hôm nay nhìn thấy rõ mặt thật của Lư Sơn [3], đúng là phúc phận ba đời."
[3] Điển cố từ bài thơ Đề Tây Lâm bích, ý chỉ hôm nay được mở mang tầm mắt.
Lạp Lệ Sa cười khẽ: "Quản gia mau đứng lên, Lạp Lệ Sa niên thiếu không nhận nổi đại lễ như thế."
"Lão gia, tiểu nhân có câu không biết có nên nói hay không."
"Người một nhà, cứ nói đi đừng ngại."
"Vâng. Lão gia, thân phận ngài hiện giờ đã khác xa trước kia, nếu như thân phận Mục Dương cư sĩ bị truyền ra thì sẽ tổn hại đến thanh danh của ngài, không bằng ngài viết lại một bộ và ký bằng tên thật đi?"
Lạp Lệ Sa lại lấy ấn giám Mục Dương cư sĩ từ trong lòng ra rồi ấn lên, nhàn nhạt nói: "Viễn Sơn huynh với ta có ơn tri ngộ, nếu Lạp mỗ thành tâm tương giao thì sẽ không mang lòng nghi ngờ. Huống hồ Viễn Sơn huynh vô cùng giàu có, bên trong phủ có vô số kỳ trân dị bảo. Mà căn nguyên nhà của ta quá mỏng, cho tới nay được Viễn Sơn huynh giúp đỡ nhiều lần nhưng lại chẳng thể hồi báo, làm ta áy náy khó an, đêm không thể ngủ. Cũng may ông trời ban ta chút khả năng văn chương, chữ viết cũng xem như hợp mắt, Viễn Sơn huynh yêu thích bút mực, bức tranh chữ này đưa cho hắn cũng coi như giúp nó phát huy hết tác dụng."
Tiền Nguyên vui vẻ phục tùng: "Lão gia lòng dạ rộng rãi, tầm mắt độc đáo, tiểu nhân bội phục."
---
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top