Chương 6. Một ngày của cậu

Tôi đã nói với bạn rằng nụ cười hình hộp của Kim Tại Hưởng hiện tại là thứ đáng ghét nhất tôi từng biết chưa?

Nếu chưa thì, ừ, giờ bạn biết rồi đấy.

Kim Tại Hưởng lôi kéo tôi vào phòng trượt băng, nhất quyết nhét đôi giày trượt vào tay tôi bắt tôi mang vào. Thấy tôi chần chừ không chịu buộc dây, cậu ta còn hăm hở gạt tay tôi ra, vừa than phiền "Sao Tú lề mề thế" vừa buộc dây giày trượt của tôi. Thề là lúc đó tôi cực kì muốn đánh cậu ta, ngặt nỗi xung quanh có vài ba người và anh hướng dẫn còn đang đứng bên cạnh đợi chúng tôi, thế nên tôi chỉ có thể ngậm bồ hòn làm ngọt.

Trượt băng thật sự là một việc chẳng hề dễ dàng chút nào. Tôi vừa bám vào thanh sắt vừa run rẩy dịch chân, vậy mà vẫn trượt té cho bằng được. Tại Hưởng cũng té, quần thể dục xanh sẫm của cậu ta đầy vệt băng nhân tạo trắng muốt, đặc biệt là ở mông. Vậy mà cậu ta lại cười toe toét. Chừng đôi ba vòng, cậu ta đã có thể buông thanh sắt ra và thoải mái trượt khắp phòng. Trong khi đó, tôi chỉ biết trơ mắt nhìn bản thân té lên té xuống. Anh nhân viên nhận nhiệm vụ hướng dẫn chắc cũng bất lực với tôi lắm rồi.

Tức kinh khủng.

Đến lần thứ n bị té, tôi giận, tính trẻ con bộc lộ. Tôi nghiến răng nói với Tại Hương đang cười khúc khích: "Không trượt nữa!"

Cậu ta vội chạy tới, dùng vẻ mặt nịnh nọt đỡ tôi dậy: "Thôi thôi, tôi không chọc Tú nữa. Nè, nắm lấy cánh tay tôi nè."

"Làm chi?"

"Dắt Tú trượt chứ làm chi!" Cậu ta cười hì hì. "Không thì Tú lại đòi về, bỏ tôi lại, tội lắm!"

Tôi vừa tức vừa buồn cười, nhưng cũng theo lời nắm lấy cánh tay cậu ta. Tại Hưởng chậm rãi dắt tôi trượt dọc theo chiều dài căn phòng, nhắc tôi chân phải thế nào mới đúng. Rốt cuộc tôi cũng tìm thấy được cảm giác, bắt đầu quen dần với trượt băng. Vẫn té đó chứ, nhưng đã trượt được một vòng rồi. Chợt nghĩ, thật ra cũng không tệ lắm.

Con người, cái gì biết làm, cái gì càng làm giỏi, thì lại càng yêu thích - ấy là vùng an toàn. Cái gì không làm được, cái gì làm dở, thì đâm ra chán ghét - ấy là vì bước ra khỏi vùng an toàn rồi.

Hôm nay, tôi bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình.

Chúng tôi chơi trong phòng trượt băng tầm một tiếng rưỡi, sau đó thì chân tôi mỏi quá nên quyết định không chơi nữa. Ra khỏi Nhà Văn hoá Thanh niên mới phát hiện trời đã sập tối. Tôi định bắt xe về nhà, tay lại bị Tại Hưởng kéo lại.

"Làm gì về sớm thế?" Cậu ta cười hì hì. Tôi liền lườm một cái.

"Không về thì làm gì? Ăn mày ở đây hả?"

"Không! Ai lại dám để Tú đi ăn mày chứ? Con Ni không giết tôi thì con Sa cũng đấm cho rụng răng!" Tại Hưởng hất cằm về Hồ Con Rùa cách đó không xa. "Đi ăn vặt thôi!"

Đó là những thứ thức ăn lề đường mà tôi không bao giờ ăn. Một là, chẳng dinh dưỡng gì. Hai là, quá đắt so với giá trị thật. Ba là, chẳng bao giờ tôi rảnh rỗi ra chỗ này chỉ để ăn vặt. Vậy nên, lúc Tại Hưởng hỏi tôi muốn ăn gì, tôi lúng túng chẳng biết trả lời làm sao.

Có lẽ Tại Hưởng cũng nhận ra điều ấy. Cậu ta bèn gạt tôi ra, tự mình chọn vài xiên đồ chiên rồi lại kéo tôi đi mua bánh tráng trộn đỏ và bắp xào. Mùi thức ăn thơm nức mũi. Có lẽ do vận động nhiều nên tôi đói, nghe mùi thơm mà bụng cồn cào. Vừa tìm được chỗ ngồi xuống là cả hai đứa cùng ngấu nghiến, vừa ăn vừa chí choé giành giựt. Tôi nhét xiên thịt nướng đầy củ quả vào tay Tại Hưởng, cậu ta liền giành lấy cây cá viên chiên của tôi. Chúng tôi ầm ĩ đến mức mấy anh chị lớn ngồi gần đó liếc nhìn mấy cái thì mới chịu trật tự.

"Tôi hay ra đây ăn lắm!" Tại Hưởng vừa nói vừa nhai miếng bánh tráng trộn cuối cùng. "Vừa đông vừa vui, có cảm hứng nghệ thuật!"

"Tôi cứ tưởng hoạ sĩ thích mấy chỗ thanh tao im ắng."

"Thế là hoạ sĩ quý tộc rồi." Tại Hưởng đáp tỉnh bơ. "Tôi là hoạ sĩ nông dân, thích mấy nơi phù phiếm hơn. Vả lại, tôi thấy đã là hoạ sĩ thì sẽ tìm được vẻ đẹp ở mọi nơi, dù là chỗ bần cùng xấu xí nhất!"

Tôi không đáp lại. Tôi nhìn khung cảnh quanh mình. Về đêm, Hồ Con Rùa quả thật rất đông vui. Giờ người ta đã rút cạn nước rồi, nghe nói con rùa đá to lớn trên đỉnh tháp cũng đã bị cài bom nổ tan tành từ rất lâu. Nơi này có nhiều giai thoại, chủ yếu liên quan đến phong thuỷ. Và dẫu những giai thoại ấy li kì ra sao, bí ẩn ra sao, có lẽ cũng chẳng còn mấy ai để tâm. Người ta chỉ còn nhớ đến Hồ Con Rùa như một điểm hẹn hò náo nhiệt. Các gia đình, các nhóm học sinh sinh viên, các cặp tình nhân, cả những người lớn tuổi cô độc. Họ tề tựu ở đây, vui đùa cùng câu chuyện phiếm hoặc các thứ thức ăn đường phố bình dân. Cả chục con người. Cả chục khuôn mặt, sắc thái, hành động. Điểm chung của họ, có lẽ là họ đều đang sống và tận hưởng một buổi tối an bình.

Tôi quay sang nhìn Tai Hưởng, thấy cậu ta cũng đang chăm chú ngắm khung cảnh trước mặt. Ánh đèn đường thắp điểm sáng vàng trong mắt cậu. Nó nhảy nhót, và rồi đột ngột, nó vụt tan vào đôi con ngươi đen thẳm. Tôi chợt nhớ tới lần đầu tiên gặp Tại Hưởng, nhớ đến nụ cười dùng đến cả mắt lẫn môi của cậu ta. Lúc ấy, tôi đã nghĩ gì nhỉ?

"Tú!"

Tôi giật mình: "Cái gì?"

"Làm gì nhìn tôi ghê thế." Lúc này tôi mới nhận ra Tại Hưởng đang xoay đầu đối diện với mình. Vẻ mặt cậu ta đáng đánh vô cùng. "Thấy Tại Hưởng này đẹp trai quá hả?"

"..."

Để chữa ngượng, và để thoả mong ước của tôi từ chiều đến giờ, tôi quyết định đánh cậu ta. Đến khi cậu ta hứa không chọc ghẹo nữa, tôi mới thôi.

"Bình thường Hưởng ra đây ăn một mình à?"

"Thật ra là ra đây để vẽ. Ăn là phụ thôi."

"Vẽ?" Tôi tò mò liếc nhìn cậu ta một cái. Tại Hưởng cười hì hì chỉ tay vào trong cặp mình.

"Trong này có thể không có sách giáo khoa Địa, nhưng mà "đồ nghề" của hoạ sĩ nông dân thì bao giờ cũng có!" Tại Hưởng cười tươi rói. "Một ngày của tôi có nhiều việc phải làm lắm. Bận không kém gì Tú. Chỉ khác là... chẳng ngày nào giống ngày nào!"

Tôi còn chưa kịp hỏi thế nào là "chẳng ngày nào giống ngày nào", đã bị hành động của Tại Hưởng làm cho sửng sốt: Cậu ta bỗng đứng dậy chạy vụt đi.

Tại Hưởng chạy đi bất chợt đến mức tôi không kịp phản ứng, chỉ biết há hốc mồm nhìn cậu ta phóng tới bên bồn hoa. Dáo dác nhìn quanh một chút, cậu ta liền nhanh nhẹn ngắt hai bông cúc đồng tiền rồi chạy về túm tay tôi. Lúc tôi sực tỉnh, đã thấy mình bị kéo đến một xe bánh mì gần đó. Người bán là một bà cụ, mái tóc điểm bạc, da mặt nhăn nheo, đuôi mắt trũng sâu mang nặng sương gió.

Chỉ thấy Tại Hưởng gọi to "Bà Năm", và vậy là khoé miệng móm mém của bà cong cong thành nụ cười vui vẻ.

"Lại một ổ không rau không ớt hả."

"Hôm nay con không ăn!" Cậu ta cười toe toét. "Tặng bà Năm nè!"

Một bông hoa được cắm vào khe hở trên chiếc xe đẩy của bà. Hình như bà có bất ngờ, lại như chẳng ngạc nhiên chút nào. Bà chỉ cười, vươn tay nhéo cái mũi của Tại Hưởng một cái, lên giọng mắng yêu: "Thằng nhóc mày lại đi bứt hoa của người ta chứ gì!"

Cậu ta che mũi la oai oái: "Đâu có! Lần này con tiến bộ rồi, không bứt hoa của quán cà phê nữa!"

Bà cụ lắc đầu nhưng lại chẳng giấu được niềm vui nơi đáy mắt. Bà nói, bà phải đi bán tiếp, bán sớm còn về sớm với thằng cháu ngoại. Chúng tôi đứng nhìn bà cụ lọm khọm đẩy hàng bánh mì đi xa dần, hoà vào con đường tấp nập xe cộ. Đèn đường sáng là thế, rọi lên mái đầu điểm bạc của bà mà như tan ra, đổ thành chiếc bóng đen kịt lầm lũi. Hướng bà đi ngược với dòng xe qua lại, thoạt trông như con cá chép vượt vũ môn. Chẳng qua, cá chép là muốn hoá rồng, còn bà cụ hẳn chỉ cầu qua một đời bình an.

Tự dưng tôi bỗng thấy thương cảm lạ lùng. Bỗng nhận ra, thì ra giữa lòng Sài Gòn hoa lệ này cũng có nốt trầm buồn tênh như vậy. Những mảnh đời nhỏ bé chẳng phải là chưa từng thấy qua trên báo đài, nhưng khi ấy chẳng đọng lại trong tôi bao nhiêu cảm xúc. Chỉ lúc này đây, đứng nhìn theo bóng dáng một người khắc khổ, tôi mới thấm hết vẻ đẹp chơi vơi của nốt trầm mà Sài Gòn buông xuống giữa bản nhạc thành đô.

Tại Hưởng vỗ nhẹ vai tôi, nói: "Về thôi."

Cậu ta chở tôi về tận nhà. Vẫn tốc độ 30 km/h vừa phải ấy, nhưng bỗng dưng cậu ta ít nói đi hẳn. Có thể cậu ta đang thương cảm giống như tôi. Hoặc cũng có thể Tại Hưởng mệt rồi. Tôi đoán không được, lại chẳng dám hỏi, rốt cuộc vẫn im lặng ngồi sau lưng cậu ta suốt quãng đường về. Chỉ khi gần đến hẻm nhà tôi mới lên tiếng chỉ đường. Lúc tạm biệt, tôi còn không thành thật mà đuổi cậu ta về nhanh nhanh. Vậy là Tại Hưởng rên rỉ - lúc này mới thấy cậu ta bình thường trở lại.

"Tú nhẫn tâm vừa vừa thôi!"

"Đi lẹ đi lẹ!" Tôi xua tay. "Nói nhiều quá!"

"Không lẹ!"

"Không lẹ tôi đánh!"

"Dạo này Tú dữ quá nha!" Tại Hưởng bĩu môi, vặn chìa khoá xe. Tôi nghe vậy, rốt cuộc vẫn phải đánh cậu ta một cái. "Trước khi về, cho tôi hỏi một câu nữa thôi."

"Không cho hỏi."

Nhưng Tại Hưởng vẫn hỏi. Cậu ta hỏi: "Hôm nay vui đúng không?"

Tôi ngẩn ra, một cảm giác ngượng ngùng ập đến. Nhưng ánh mắt Tại Hưởng quá mức thẳng thắn và chân thành, khiến cho tôi không nỡ nói ngược lòng mình. 

Thế là tôi nói khẽ: "Vui."

Và Tại Hưởng toe toét cười.

Bước vào nhà, thấy mẹ vẫn chưa về, trên bàn là tờ giấy nhắn viết vội. Mẹ đang bận lo cho bà ngoại, có thể về muộn, hoặc có thể không về được, bảo tôi tự ăn uống cho đàng hoàng. Chuyện này không thường xuyên, nhưng cũng chẳng mấy mới lạ đối với tôi. Tôi chỉ đơn giản nhắn một cái tin cho mẹ báo là đã về nhà rồi.

Tối ấy, tôi nằm mơ thấy ánh đèn vàng ấm áp ở Hồ Con Rùa, thấy ánh đèn hoá thành điểm sáng, long lanh nhảy nhót trong đôi mắt một người.

Tối ấy, tôi ngủ thật ngon.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top