ktct

BIỂU HIỆN MỚI VỀ CHIẾN LƯỢC THÔN TÍNH VÀ SÁP NHẬP CỦA CÁC CÔNG TY XUYÊN QUỐC GIA (TNCS)...

Th.s Đinh Nguyên

Trong những năm gần đây, tại các nước công ngiệp phát triển đã tăng đáng kể các vụ sáp nhập và liên kết giữa các tập đoàn lớn. Qua những phương hướng phát triển kinh tế cơ bản cho thấy rằng với sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất trong CNTB tất yếu dẫn đến sự tập trung sản xuất và dẫn đến độc quyền. Trong lịch sử của nền sản xuất thế giới vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX các tổ chức kinh tế độc quyền đã bắt đầu ngự trị trên thế giới. Vào nửa sau của thế kỷ XX dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật đã đưa lại sự phát triển chưa từng có của các TNC. Cuối những năm 1950, các công ty lớn của Mỹ đã đi đầu trong việc vượt ra ngoài biên giới quốc gia, thực hiện kinh doanh xuyên quốc gia và trở thành công ty xuyên quốc gia (TNC). Cuối những năm 1970, các "thương xã" của Nhật Bản cũng đi ra thế giới. Những năm 1980, một số công ty lớn của các nước công nghiệp hoá mới và các nước đang phát triển như Ấn Độ, Braxin ... cũng bắt đầu chen chân vào hàng ngũ các TNC. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, vào cuối những năm 1960 có khoảng 7.000 TNC, thì đến những năm 80 có khoảng 20.000 và cho đến nay là 64.000 TNC và khoảng 800.000 chi nhánh.

Có thể nói, TNC là một loại cơ cấu tổ chức kinh doanh, dựa trên sự kết hợp giữa quá trình sản xuất quy mô lớn của nhiều thực thể kinh doanh và quá trình phân phối, và khai thác thị trường quốc tế để đạt hiệu quả tối ưu nhằm thu lợi nhuận độc quyền cao. Các TNC bao gồm các công ty mẹ và công ty con (là chi nhánh đặt tại nước ngoài có vốn đầu tư trực tiếp và chịu sự tác động nhất định về mặt quản lý của công ty mẹ). Ngày nay không có TNC nào là không phải là công ty tư bản độc quyền lớn. Trong các công ty đó thường bao gồm nhiều loại tư bản (tư bản sản xuất, thương mại, tài chính, ...) hoạt động liên kết với nhau trong phạm vi thế giới. Điều đó cho phép các công ty có khả năng hoạt động linh hoạt, có hiệu quả, phân tán được rủi ro trong kinh doanh. Với tỷ lệ sở hữu cổ phiếu có quyền biểu quyết không cao trong các công ty con, các công ty mẹ có thể có hệ thống chi nhánh lớn phân bổ ở những nơi mà công ty mẹ thấy mang lại lợi nhuận cao cho công ty. Như vậy, nhờ việc thiết lập các chi nhánh, các công ty mẹ có thể chiếm được thị trường ngày càng lớn.

Như trên đã phân tích, xuất phát từ những tập đoàn tư bản độc quyền hình thành trong quá trình tập trung và tích luỹ tư bản, các TNC luôn tự hoàn chỉnh và phát triển. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, đặc biệt là từ những năm 80 trở lại đây, cùng với sự phát triển rầm rộ của kỹ thuật thông tin và sự chuyển biến từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế thông tin, chế độ xí nghiệp của chủ nghĩa tư bản phát triển lại có nhiều sự thay đổi mới, trong đó làn sóng thôn tính, sáp nhập công ty đã trở thành một trào lưu phát triển mãnh mẽ. Trong lịch sử gần 100 năm của các xí nghiệp tư bản chủ nghĩa, đây là làn sóng thôn tính, sáp nhập lần thứ tư. Lần thứ nhất là vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, vai trò quyết định trong tập trung sản xuất và tư bản là sự hợp nhất theo chiều ngang, đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các công ty độc quyền, điều này quyết định sự thành lập các Trust và chuyển chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh sang giai đoạn độc quyền; lần thứ hai là những năm 20 của thế kỷ XX, quá trình hợp nhất theo chiều ngang một cách thái quá của những thập kỷ trước giờ đây đã thể hiện tính không hiệu quả về kinh tế, đặc biệt là sự yếu kém về khả năng thích ứng với những thay đổi của thị trường, thay đổi chủng loại mặt hàng và chất lượng sản phẩm v.v... trước làn sóng tích tụ tư bản liên ngành. Quá trình hợp nhất theo chiều dọc được đưa lên hàng đầu, sự hợp nhất đã kéo theo đầu cơ tiền tệ rất điên cuồng, cuối cùng đã dẫn đến cuộc khủng hoảng lớn những năm 30; lần thứ ba là sau chiến tranh thế giới lần thứ hai là qúa trình đa dạng hoá, hình thành các công ty lớn kiểu mới. Cái gọi là tập đoàn thống trị tồn tại dưới hình thức các TNC được đưa ra thay thế vị trí các Cartel, Cydicat, Trust với tính chất là một tổ chức thống trị không chỉ một ngành. Sự tương quan giữa lực lượng điều tiết của độc quyền và cạnh tranh luôn thay đổi và phản ánh xu hướng tăng lên của cạnh tranh. Hơn nữa, sản xuất của các công ty này không chỉ thuộc các ngành công nghệ cao, mà phương thức tổ chức và cơ chế quản lý của chúng cúng vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống, đã xây dựng một cơ chế quản lý mới.

Làn sóng thôn tính và sáp nhập lần thứ tư này là biều hiện cụ thể của quá trình tích tụ và tập trung sản xuất trong điều kiện sức sản xuất phát triển nhảy vọt của những năm cuối cùng của thế kỷ XX, đã làm cho hai hình thức cơ bản trong kết cấu TNC là Conglomerate và Concern có sức sống mạnh mẽ hơn và làm xế chiều nhanh chóng các hình thức cổ điển kiểu Cartel, Cydicat, Trust, do đó hình thức tồn tại phổ biến của TNC hiện đại là Concern và Conglomerate. Các Concern thường là các tập đoàn bao gồm các xí nghiệp sở hữu toàn phần, chúng được hình thành bằng phương pháp các công ty lớn thôn tính các công ty yếu hơn và biến chúng thành các chi nhánh của mình, các công ty yếu hơn này chỉ yếu hơn về mặt tài chính nhưng lại là những công ty có triển vọng, đáp ứng được yêu cầu phát triển của công ty lớn. Conglomerate là hình thức tổ chức khác, rất hiệu quả. Việc điều hành Conglomerate khá gọn nhẹ, linh hoạt, chủ yếu là kiểm soát hoạt động của các chi nhánh thông qua hệ thống tài chính và chỉ đạo hành chính kiểu mạng lưới. Các Conglomerate chỉ thôn tính các công ty thông qua việc mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Chúng mua bất kể công ty nào, thuộc các ngành khác nhau nếu thấy có lợi. Đây là loại liên kết theo chiều dọc, khác với Concern có liên kết theo chiều ngang, theo cùng ngành sản xuất kinh doanh. Sự phân định giữa hai hình thức này chỉ có tính khái quát lý thuyết dựa trên những nét đặc thù về nguồn gốc hình thành, cơ cấu điều khiển, quản lý và địa bàn tác nghiệp, chủ yếu xuất phát từ hình thức liên kết đặc thù cơ bản. Trong thực tế, do điều kiện tác nghiệp thay đổi, do mối tương quan giữa cạnh tranh, độc quyền và vai trò điều khiển kinh tế vĩ mô của nhà nước ở các vùng và khu vực mà TNC tác nghiệp, thì các hình thức kiên kết theo chiều dọc hoặc ngang trong nội bộ công ty được biến dạng, đan xen nhau, tạo nên kiểu kinh doanh đa dạng hoá.

Hai thập kỷ gần đây, ở hầu hết các nước tư bản phát triển đã xuất hiện nhiều biện pháp kích thích mạnh mẽ vào quá trình tích luỹ tư bản. Do khó khăn khăn về điều kiện đầu tư tư bản, do việc giảm sút tỷ xuất lợi nhuận bình quân dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật đã buộc nhiều công ty lớn phải thu hút đối thủ của mình để cùng tồn tại. Chính vì vậy các TNC đã trở thành hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh phổ biến. Chúng như những dây xích neo chặt các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau lại thành từng khối trong guồng máy phân công lao động quốc tế. Làn sóng thôn tính và hợp nhất lẫn nhau giữa các tập đoàn bị quy định bởi những điều kiện đặc thù của giá trị tư bản tự tăng lên và cuộc khủng hoảng cơ cấu kéo dài ngày càng đe doạ các ngành truyền thống vốn là những ngành chịu sự chi phối và thống trị của các nhóm công ty khổng lồ đã đặt chúng trước sự diệt vong tất yếu nếu không kịp thời xâm nhập vào các ngành mũi nhọn có hàm lượng công nghệ cao. Mặt khác, sự suy giảm hiệu lực rõ rệt trong các điều khoản của luật chống độc quyền ở một số nước này đã tạo điều kiện cho các TNC ở một số nước khác tăng cường cắm nhánh bằng con đường hợp nhất.

Đồng thời, để thích ứng với quá trình toàn cầu hoá đang diễn ra với cường độ cao chưa từng thấy, các doanh nghiệp cần phải có tầm vóc đủ sức cạnh tranh toàn cầu, và phương sách phù hợp là mua thêm hoặc mua lại bằng con đường nào đó. Toàn cầu hoá đang được thể hiện rõ qua các cuộc thôn tính và sáp nhập khổng lồ. Trong chiến lược chiếm lĩnh và khai thác thị trường quốc tế của TNCs, việc nhanh chóng mở rộng quy mô bằng thôn tính và sáp nhập trở thành giải pháp hữu hiệu để giải toả áp lực khủng hoảng cơ cấu và xu hướng giảm sút lợi nhuận của các công ty trong nước, đồng thời củng cố vị trí của mình trên thị trường quốc tế.

Làn sóng hợp nhất hiện nay còn tuân thủ theo mục tiêu hiệu quả và thống nhất thị trường. Hãy xem một ví dụ điển hình năm 1996. Đó là cuộc hợp nhất của ngân hàng Chemical và Chase Manhattan. Trước khi sáp nhập, có hai ngân hàng, hai chủ tịch, hai cơ sở phục vụ các doanh nghiệp cần vay với khoản 600 đại lý và trên 75.000 nhân viên. Nay không chỉ còn một ngân hàng, một chủ tịch và một cơ sở phục vụ các doanh nghiệp cần vay, mà đồng thời hàng trăm đại lý bị xoá bỏ và 12.000 chổ làm việc phải biến mất. Kết quả là khu vực ngân hàng mang tính không định hình hơn và thực thể này được tăng trưởng hết mức.

Trước nhất, các xí nghiệp lớn ngày càng thực hiện chế độ cung ứng (hoặc chế độ khoán) giao một số linh kiện hoặc công đoạn nào đó của sản phẩm cho các xí nghiệp khác hoàn thành. Cách làm này đã có từ lâu. Chỗ khác nhau giữa chế độ cung ứng mới hiện nay và trước kia là ở chỗ, chẳng những các hãng chế tạo lớn khoán việc sản xuất linh kiện mà còn khoán toàn bộ công tác nghiên cứu khoa học, thiết kế, chế tạo thử cho tới toàn bộ sản xuất cho các xí nghiệp khác, từ đó hình thành nên mạng lưới xí nghiệp cùng nhau tổ chức nên do hãng chế tạo lớn cầm đầu, có nhiều hãng nhận khoán (hoặc hãng cung ứng) tham gia. Các xí nghiệp đều độc lập về mặt pháp luật, nhưng về sản xuất là một chỉnh thể, về hành động thì nhất trí, mục tiêu và sự chú ý của họ đều tập trung vào việc làm thế nào để sản phẩm có sức cạnh tranh mạnh nhất. Thực hiện phương thức tổ chức sản xuất này làm cho hãng chế tạo và hãng cung ứng có sự thay đổi sâu sắc. Nhiệm vụ của hãng chế tạo ngoài việc giao khoán và cuối cùng đóng gói, chủ yếu là điều hoà công tác giữa các hãng cung ứng, làm cho các xí nghiệp đó đoàn kết nhất trí, cùng chịu đựng sức ép. Còn như các xí nghiệp làm thế nào hoàn thành nhiệm vụ mà họ gánh vác, thì đó là việc của họ, còn các hãng chế tạo lớn "cầm đầu" không can thiệp. Như vậy, giữa hãng chế tạo lớn và hãng cung ứng có thêm quan hệ hợp tác bạn hàng, giảm quan hệ chi phối và bị chi phối. Mạng lưới hãng cung ứng thường mở rộng ra, có khi vượt khỏi biên giới quốc gia, thu hút càng nhiều các xí nghiệp của nước ngoài. Chẳng hạn, việc sản xuất chiếc máy bay Bô-ing đầu tiên 777 thì hãng cung ứng lớn nhất là hãng của Nhật Bản, họ đã đầu tư 2 tỷ USD. Các linh kiện khác do hãng của Italia, Áo, Hàn Quốc, Canada v.v... cung cấp. Các linh kiện được lắp ráp lại có độ chính xác rất cao. Hơn nữa so với các máy bay Bô-ing khác trước đây chế tạo, thời gian từ đặt hàng đến giao hàng các linh kiện sản xuất cho Bô-ing 777 đã rút ngắn được một nửa. Đương nhiên, việc thực hiện phương thức sản xuất này các hãng chế tạo lớn cần có ưu thế nhất định, đặc biệt là ưu thế khoa học kyc thuật, ưu thế nhân tài và ưu thế về vốn.

Thứ hai, để nâng cao hiệu quả công tác, các xí nghiệp lớn đang cải tiến cơ chế quản lý trước đây là phân công ngành qua chi tiết, nhiều tầng nấc quá, đến nay lần lượt giảm bớt các tầng nấc, xoá bỏ một số ngành chức năng, hoặc xoá bỏ "dinh luỹ" giữa chúng, thực hiện tổng hợp hoá chức năng, cắt giảm hàng loạt nhân viên quản lý trung gian.

Thứ ba, xoá bỏ hình thức tổ chức lao động hình thành đã từ lâu trong thời kỳ công nghiệp hoá với quy mô lớn, chuyển từ phương thức phân công cho công nhân đến các phân xưởng, hoàn thành công đoạn nào đó thành hình thức ca kíp có tính tổng hợp. Phân chia các xí nghiệp thành các ca kíp điều đó cũng không phải là việc làm mới mẻ, nhưng các nhóm nhỏ được phân chia trong các xí nghiệp hiện nay có đặc điểm là những nhân viên có chuyên môn khác nhau như công nhân, nhân viên kỹ thuạt, kỹ sư thiết kế, kỹ sư kinh tế, nhân viên tiêu thụ v.v... được tổ chức trong một tổ, tập trung các chức năng nghiên cứu phát triển, thiết kế, sản xuất và tiêu thụ làm một, xí nghiệp phóng tay cho các tổ chức đó hoạt động độc lập, làm cho họ đi đôi với chịu trách nhiệm cũng được hưởng quyền lực, thông tin và kiến thức, đồng thời được hưởng thù lao, nhờ đó phát huy đầy đủ hơn tính chủ động và tính sáng tạo của họ, cố gắng hoàn thành công tác càng tốt hơn.

Thứ tư, xí nghiệp thực hiện hình thức tổ chức và cơ chế quản lý nói trên, có nghĩa là, một là yêu cầu đối với công nhân trong nội bộ xí nghiệp càng cao hơn. Điều mà xí nghiệp đòi hỏi là những nhân tài có kiến thức khoa học, có trình độ giáo dục, trình độ văn hoá và tinh thần sáng tạo càng cao hơn, chứ không phải là những người tầm thường chỉ biết tuân lệnh, không có trí tiến thủ. Trước kia mối quan hệ giữa xí nghiệp và công nhân chỉ là thuê mướn và bị thuê mướn, bây giờ tăng cường ý thức làm chủ của công nhân; trước kia xí nghiệp giám sát quản lý công nhân rất nghiêm ngặt, giờ đây phóng tay để họ phát huy tài trí thông minh của mình; trước đây xí nghiệp trói buộc công nhân vào máy móc và dây truyền sản xuất, trở thành vật phụ thuộc vào máy móc, thậm chí có yêu cầu nghiêm nghặt đối với mỗi động tác của họ. "Chế độ Taylo" xuất hiện đầu thế kỷ và sau đó là "Chế độ Ford" chính là chế độ như thế. Thông qua chế độ này, bọn tư bản vắt mồ hôi nước mắt của công nhân ở mức tối đa. Lênin gọi chế độ Taylo là "chế độ mồ hôi nước mắt khoa học". Chế độ đó là sản phẩm của sản xuất đại công nghiệp cơ khí và lấy lao động chân tay làm chính. Ngày nay, trong thời đại lấy kỹ thuật thông tin và lao động trí óc làm chính, xí nghiệp cần phải "giải phóng' cho công nhân, để cho họ hoàn thành công việc một cách độc lập và tự chủ.

Về mặt quản lý xí nghiệp, thì thay đổi quan niệm lấy vật chất làm đối tượng, thực hiện "quản lý nhân bản", tức là coi con người là chủ thể của xí nghiệp, vận dụng khoa học hành vi, điều chỉnh mối quan hệ giữa con người trong nội bộ xí nghiệp, thực hiện quản lý dân chủ, tăng cường ý thức tham gia của người lao động, xây dựng văn hoá xí nghiệp mới. Đương nhiên, để thực hiện sự thay đổi này, cần phải xây dựng cơ chế mới nhất định, tức là xí nghiệp không tiếc tiền lương cao để sử dụng những nhân tài có trình độ cao, đối với những người có cống hiến quan trọng nhờ sự sáng tạo thì không tiếc dùng khoản tiền lớn để khen thưởng, còn đối với những người không xứng đáng thì tiền thù lao cũng thấp hơn nhiều, thậm chí sa thải một cách không thương tiếc. Mặt khác, xí nghiệp cũng tăng cường bồi dưỡng công nhân, việc bồi dưỡng công nhân cũng giống như phát triển sản phẩm, các xí nghiệp lớn đều không tiếc đầu tư những khoản tiền lớn.

Quá trình toàn cầu hoá sẽ ngày càng tác động mạnh vào hoạt động kinh tế cũng như trong trao đổi thương mại trên thế giới. Điều đáng lưu ý là đưa sản xuất ra nước ngoài không còn là những hoạt động trong kinh doanh thông thường nữa mà ngày càng có nhiều công ty đưa cả trụ sở của mình ra nước ngoài để chỉ đạo sản xuất, đồng thời chuyển một số hoạt động sản xuất chủ chốt ra các thị trường nhiều tiềm năng và giá nhân công rẻ. Tạp chí "Thế giới năm 2004" nhận định trong năm nay, quá trình "ẩn giấu quyền lực" đang diễn ra trong các TNC sẽ được tăng cường và từ đó mở ra giai đoạn ba trong chiến lược thế giới của các công ty này. Trước đây, trong thời kỳ tìm kếm thị trường nước ngoài, các công ty này sản xuất hàng hoá ở trong nước nhưng bán hàng ra nước ngoài và từ trong nước kiểm soát mọi chi nhánh của mình. Tiếp đó là thời kỳ chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài và quốc tế hoá thương mại, nhưng công ty mẹ - chủ yếu là các công ty có trụ sở ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu - vẫn từ trong nước nắm quyền chỉ đạo mọi hoạt động sản xuất ở nước ngoài. Nhưng trong thời gian tới, các TNC sẽ không trực tiếp quản lý và kiểm soát các công ty con của mình ở nước ngoài nữa mà thiết lập các ban lãnh đạo tầm cỡ vùng ở nước ngoài để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển giao cán bộ ở nước ngoài. Như vậy, đây là lần đầu tiên các TNC trở thành các công ty quốc tế thực sự. Bắt đầu từ năm 2004 sẽ hình thành thêm một số đặc điểm của các TNC . Một là, quyền hạn của công ty mẹ được khoanh vùng ngày càng rõ rệt. Ít khi các công ty lớn đưa trụ sở của công ty mẹ ra nước ngoài mà chỉ thành lập các trụ sở, chi nhánh hay chuyển một số chức năng của công ty mẹ ra nước ngoài. Hai là, hoạt động sản xuất chủ chốt ngày càng được đưa ra nước ngoài nhiều. Hiện tượng hướng ngoại này ra tăng trong bối cảnh các mạng lưới tin học và tri thức tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền các dữ liệu số. Theo dự báo, từ nay đến 2006, thị trường dịch vụ hướng ngoại sẽ tăng 57% ở Ấn Độ và 45% ở Nga, đồng thới các phong trào đưa chức năng tài chính và kế toán ra nước ngoài sẽ ngày càng ra tăng trong khi chỉ cách đây không lâu, các hoạt động đó chỉ tồn tại tại công ty mẹ.. Nguyên nhân là các công ty nhận thức được rằng chỉ có thể đưa được hoạt động sản xuất và chỉ đạo sản xuất ra nước ngoài nếu thông qua việc sửa đổi cơ cấu kiểm soát, chứ không thể làm được nếu không kiểm soát được. Ba là, sự hoà nhập ngày càng rộng rãi của số cán bộ lãnh đạo thuộc các quốc tịch khác nhau hơn là cho cán bộ thuộc công ty mẹ. Trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao, các ban lãnh đạo thường gồm những người nó nhiều thứ tiếng khác nhau. Bốn là, sự gia tăng sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm cới các chi tiết được sản xuất ở nhiều nước khác nhau. Như vậy, kỷ nguyên mới này của quá trình toàn cầu hoá cho thấy hoạt động sản xuất và chỉ đạo sản xuất của các TNC trên phạm vi toàn thế giới sẽ có hiệu quả nhiều hơn trong hai thời kỳ trước.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đỗ Lộc Diệp (2003), Chủ nghĩa tư bản ngày nay. Mâu thuẫn nội tại, xu thế, triển vọng. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội .

2. Độc Lộc Diệp - Đào Duy Quát - Lê Văn Sang (2003), Chủ nghĩa tư bản đầu thế kỷ XXI, Nxb Khoa học, xã hội Hà Nội

3. Trần Quang Lâm (1996), "Mô hình quản lý hiện đại các công ty xuyên quốc gia trước thềm thế kỷ 21". Tạp chí Những vấn đề Kinh tế Thế giới, (3).

4. Trần Quang Lâm(1996), "Các công ty xuyên quốc gia trong tiến trình phát triển kinh tế ở các quốc gia đang phát triển và nguyên tắc sử dụng chúng trong đổi mới kinh tế ở Việt Nam", Tạp chí Những vấn đề Kinh tế thế giới, (4).

5. V.I. Lênin (1980), Toàn tập, tập 27, Nxb Tiến bộ. Matxcơva.

6. Kim Ngọc(2004), Kinh tế thế giới 2003- 2004: Tình hình và triển vọng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

7. Lê Văn Sang- Trần Quang Lâm- Đào Lê Minh (2002), Chiến lược và quan hệ kinh tế Mỹ - EU - Nhật Bản thế kỷ XXI, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

8. Asia Time ( 12/2004).

9. UNCTAD (2004), World Investment Report. UN, New York and Geneva

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: