GIỮA LÒNG THÀNH PHỐ
Tháng 9 năm 1980, trời Sài Gòn vừa ngớt một trận mưa lớn. Không khí vẫn ẩm ướt, nhưng cái nóng đặc trưng của thành phố dường như không hề giảm bớt. Phạm Bảo Khang bước xuống từ chuyến xe đò cuối cùng, đôi mắt dò xét nhìn quanh. Bến xe đông đúc, người chen lấn nhau để ra khỏi xe. Tiếng rao bán vang vọng khắp nơi, hoà lẫn với âm thanh ồn ào của còi và loa phát thanh.
Vali của anh nặng, nhưng không nặng bằng cảm giác trong lòng. Rời quê, nơi gia đình anh sống nhờ vào một mảnh đất nhỏ, Khang biết đây là cơ hội duy nhất để thay đổi cuộc đời. Anh đậu vào Đại học Kinh tế, một thành tích mà cả huyện tự hào. Nhưng anh cũng biết rõ, để sống được ở Sài Gòn, anh phải học cách tự lập và bươn chải.
Cùng lúc đó, Trần Minh Hiếu, thanh niên với dáng người mảnh khảnh nhưng nhanh nhẹn, đang loay hoay kéo một chiếc túi lớn qua lối đi chật hẹp. Đôi mắt cậu ánh lên sự háo hức nhưng không giấu nổi vẻ bỡ ngỡ. Hiếu đến từ Thủ Dầu Một, một vùng quê nhỏ ở phía Bắc Sài Gòn hoa lệ này. Khác với Khang, cậu là con út trong gia đình đông anh em, và sự kỳ vọng đặt lên vai cậu cũng không quá nặng nề. Nhưng Hiếu không muốn sống mãi trong cái vòng lặp nghèo khó.
Hai người gặp nhau khi cùng đứng đợi xe buýt trước bến xe. Hiếu là người bắt chuyện trước:
"Anh bạn cũng đi tìm nhà trọ à?"
Khang quay sang nhìn cậu, một chút ngạc nhiên hiện lên trên khuôn mặt. Hiếu mỉm cười, ánh mắt sáng như ánh nắng sau cơn mưa.
"Ừ, nhưng chưa biết phải bắt đầu từ đâu nữa." Khang trả lời, giọng hơi khàn vì mệt mỏi sau chuyến đi dài.
"Thế thì hay quá! Tôi cũng đang tìm. Hay anh em mình đi chung?"
Khang hơi do dự, nhưng nhìn khuôn mặt đầy nhiệt huyết của Hiếu, anh gật đầu.
Họ thuê được một căn phòng trọ nhỏ nằm sâu trong hẻm ở quận 3. Căn phòng chỉ vừa đủ để trải hai chiếc chiếu, một cái bàn học cũ kỹ và một chiếc quạt đã mất nắp. Mỗi tháng, tiền thuê nhà chỉ là 30 đồng, nhưng với hai sinh viên nghèo, số tiền ấy vẫn là một gánh nặng lớn.
Những ngày đầu tiên, họ chia nhau công việc tìm hiểu đường đi đến trường, chỗ ăn cơm bụi rẻ nhất, và cả những nơi có thể xin làm thêm. Hiếu nhanh chóng được nhận dạy kèm cho một gia đình ở gần nhà trọ, trong khi Khang xin được chân phục vụ ở một quán cơm.
Cuộc sống vừa học vừa làm không chỉ là những mệt mỏi về thể chất mà còn là gánh nặng tinh thần đè nặng lên vai Khang và Hiếu. Sài Gòn những năm 1980 là một thành phố của những cơ hội, nhưng với hai chàng sinh viên nghèo khó, mọi thứ đều phải đánh đổi bằng sự nỗ lực không ngừng.
Công việc ở quán cơm không dễ dàng. Chủ quán là một người phụ nữ góa bụa khó tính, thường xuyên la mắng nhân viên. Khang phải làm ca từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm, đôi khi còn muộn hơn nếu quán đông khách. Anh trở về phòng với mùi dầu mỡ bám đầy trên áo, mệt mỏi đến mức không còn sức để trò chuyện.
Hiếu cũng không khá hơn. Những buổi dạy kèm thường kéo dài từ chiều đến tối, và cậu phải đối mặt với cậu học sinh ương bướng cùng những yêu cầu khắt khe từ phụ huynh. Nhưng Hiếu có một điểm mạnh: cậu luôn giữ được sự lạc quan.
Một lần, khi Khang trở về sau một ngày làm việc mệt nhoài, anh thấy Hiếu đang cắm cúi nấu một nồi mì gói. Mùi thơm của hành lá và tiêu xộc lên khiến bụng anh réo ầm ĩ. Hiếu quay lại, mỉm cười:
"Mày làm gì mà như sắp chết vậy? Ăn chút gì đi, rồi mai lại chiến tiếp."
Khang nhìn nồi mì, ánh mắt thoáng chút mềm mại. "Cảm ơn. Nhưng mày cứ ăn trước đi, tao chưa đói."
Hiếu lắc đầu, kéo ghế ngồi xuống: "Khách sáo cái con khỉ. Ở Sài Gòn không có nhiều người tốt đâu, nên thôi, tao quyết định làm người tốt với mày vậy." Câu nói đùa đã làm Khang bật cười, lần đầu tiên sau nhiều ngày.
Khang học ngành Kinh tế, một lĩnh vực đòi hỏi tính toán và sự tập trung cao độ. Nhưng mỗi ngày, sau khi tan học, anh lại vội vã đến quán cơm để làm việc. Công việc kéo dài từ chiều tối đến tận khuya, khiến anh hầu như không có thời gian để ôn bài. Nhiều hôm, Khang chỉ kịp đọc lướt qua giáo trình trước khi ngủ gục trên bàn học, đầu chưa kịp gội và mùi dầu mỡ vẫn còn ám vào quần áo.
Hiếu, dù dạy kèm chỉ vài giờ mỗi ngày, nhưng lại phải dành nhiều thời gian chuẩn bị bài giảng và làm việc nhà. Công việc của cậu không ổn định, thu nhập ít ỏi, và thường bị phụ huynh chê bai nếu học sinh không tiến bộ. Có lần, Hiếu trở về với khuôn mặt sượng sùng, mắt đỏ hoe. Khang nhìn thấy, liền hỏi:
"Mày bị làm sao vậy?"
Hiếu miễn cưỡng trả lời: "Họ bảo tao không đủ khả năng dạy, đòi tìm người khác."
Khang khựng lại, rồi nhẹ nhàng nói: "Mày đã cố gắng hết sức rồi. Đừng để họ làm mình buồn." Nhưng Khang hiểu rằng lời an ủi ấy chẳng giúp được gì nhiều.
Thời gian trôi qua, họ dần trở nên thân thiết hơn, nhưng sự gần gũi cũng bắt đầu dẫn đến những mâu thuẫn nhỏ nhặt. Khang là người sống tự do, thường xuyên vứt đồ bừa bãi trong phòng. Hiếu, ngược lại, luôn giữ thói quen ngăn nắp từ nhỏ.
"Mỗi lần mày học xong là sách vở vứt lung tung. Không biết sắp xếp lại à?" Hiếu phàn nàn khi nhặt cuốn giáo trình nằm dưới đất.
Khang nhún vai, không mấy bận tâm. "Mày khó tính quá. Đồ của tao, tao tự lo được mà."
"Nhưng mày có nghĩ đến người khác không? Tụi mình đang ở chung phòng, đâu chỉ có mình mày."
Trận tranh cãi chỉ dừng lại khi cả hai nhận ra rằng mình đang mệt mỏi vì áp lực cuộc sống. Những xung đột nhỏ nhặt này chỉ là hệ quả của những ngày dài kiệt sức và căng thẳng.
Cuối học kỳ đầu tiên, áp lực từ những bài kiểm tra và kỳ thi khiến cả hai gần như kiệt sức. Khang phải đối mặt với những môn học khó nhằn như Kinh tế vi mô và Toán tài chính. Hiếu, học ngành Văn, phải hoàn thành một bài luận dài về tác phẩm văn học cổ điển.
Một lần, khi trở về nhà sau ca làm muộn, Khang thấy Hiếu đang cắm cúi trên bàn, đôi mắt thâm quầng, quyển sách mở ra trước mặt nhưng bút vẫn chưa ghi được chữ nào.
"Hiếu, sao giờ này mày còn chưa chịu đi ngủ?"
Hiếu lắc đầu, giọng mệt mỏi: "Tao làm bài luận chưa xong, mà mai phải nộp rồi."
Khang thở dài, tiến lại gần. Anh kéo chiếc ghế, ngồi xuống bên cạnh Hiếu.
"Đưa tao coi thử. Biết đâu tao giúp được gì đó."
Hiếu mỉm cười yếu ớt, đôi mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ. "Mày đâu phải dân Văn, giúp thế nào được?"
"Thì mày cứ đọc tao nghe. Tao sẽ góp ý."
Hiếu bắt đầu đọc, và từng lời chậm rãi tuôn ra trong không gian tĩnh lặng. Khang không hiểu nhiều, nhưng anh lắng nghe với sự kiên nhẫn lạ thường. Đến khi Hiếu dừng lại, Khang gật đầu:
"Được đó. Nhưng có một đoạn hơi rối. Mày thử viết lại ý rõ hơn thử coi sao."
Sự giúp đỡ đơn giản ấy khiến Hiếu cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Cậu nhìn Khang, lòng thầm cảm ơn vì luôn có anh bên cạnh bầu bạn.
Cả hai từng trải qua những ngày không đủ tiền để mua thức ăn. Có lần, cuối tháng, họ chỉ còn đúng 5 đồng trong túi, không đủ để mua một bữa cơm. Khang quyết định nhịn ăn, nhường phần bánh mì duy nhất cho Hiếu.
"Mày ăn đi. Tao không đói," Khang nói, nhưng bụng anh réo lên rõ ràng.
Hiếu cau mày, đẩy chiếc bánh mì lại. "Mày kì cục, đừng có như vậy. Nếu một người gục, người kia cũng chẳng làm được gì."
Cuối cùng, cả hai quyết định chia đôi chiếc bánh mì nhỏ xíu.
Đỉnh điểm là một lần Hiếu bị kiệt sức, ngất xỉu ngay giữa buổi học. Khang nhận được tin từ bạn cùng lớp của cậu, vội vã chạy đến trạm xá. Hiếu nằm trên giường, khuôn mặt tái nhợt, đôi mắt mở he hé.
"Tao không sao," Hiếu nói yếu ớt khi thấy Khang.
Khang cầm lấy tay cậu, giọng nghiêm nghị: "Không sao cái con khỉ mốc chứ mà không sao! Mày nghĩ mình là siêu nhân à? Làm gì cũng phải biết giữ sức khỏe chứ."
Hiếu im lặng, nhưng trong lòng cảm thấy ấm áp vì sự quan tâm của Khang.
Một lần, khi Khang nhận thêm một công việc làm gia sư buổi sáng để kiếm thêm thu nhập, anh về nhà muộn và bỏ lỡ bữa cơm mà Hiếu đã nấu sẵn.
"Mày đi đâu mà giờ mới về? Cơm canh nguội hết rồi," Hiếu trách, giọng bực bội. Cậu chỉ đơn thuần không vui vì công sức của mình nấu nướng lại bị để lạnh tanh như vậy.
Khang mệt mỏi ngồi xuống, nói: "Tao nhận thêm việc, phải dạy buổi sáng. Mày tưởng tao muốn bỏ bữa à?"
Hiếu cau mày. "Nhưng mày làm nhiều như thế thì sức đâu mà học? Lỡ đổ bệnh thì sao?"
"Bộ mày nghĩ tao muốn làm quần quật như vậy sao? Tao đâu có tiền! Nếu tao không làm, lấy gì mà ăn, mà đóng tiền nhà rồi còn gửi về cho má ?" Khang lớn tiếng, lần đầu mất kiềm chế.
Không khí trong phòng trở nên căng thẳng, căng thẳng đến độ Hiếu không thể nói thêm từ nào, chỉ biết cúi mặt mà lánh đi. Nhưng đến tối, khi cả hai đều đã nguôi ngoai, Hiếu mới lặng lẽ mang đến cho Khang một tô cháo nóng.
"Xin lỗi vì đã nói nặng lời. Tao chỉ là lo cho mày thôi." Hiếu vỗ vai để thu hút sự chú ý của người kia rồi nói nhỏ.
Khang nhìn tô cháo nóng hổi, lòng mềm lại. Anh khẽ đáp: "Tao cũng xin lỗi. Tao hứa sẽ không đổ bệnh, mày đừng lo lắng."
Sau mỗi lần cãi vã, họ đều nhanh chóng làm hòa. Một cái vỗ vai của Hiếu, một lời xin lỗi nhỏ từ Khang – những hành động đơn giản ấy đủ để vá lành những vết rạn nhỏ trong mối quan hệ.
Một bước ngoặt lớn xảy ra khi Hiếu quyết định tham gia vào một dự án kinh doanh nhỏ với bạn bè. Cậu kể cho Khang nghe về kế hoạch bán đồ thủ công cho khách du lịch, ánh mắt sáng lên sự háo hức. Nhưng Khang không giấu nổi sự lo lắng:
"Mày nghĩ kỹ chưa? Bỏ công việc dạy kèm để làm cái này có đáng không?"
Hiếu phản đối ngay lập tức: "Không thử thì làm sao biết được? Làm gia sư ổn định lắm sao? Tao chán ngấy cái nghề này rồi. Tao không muốn cứ phải ngày ngày tìm cách đối phó với lũ nhóc nhà giàu ương bướng cùng phụ huynh kệch cỡm của chúng đâu.."
"Nhưng lỡ thất bại thì sao? Mày đã tính đến chuyện đó chưa?"
Hiếu im lặng một lúc, rồi đứng dậy: "Thôi, tao không muốn cãi nhau nữa. Cảm ơn vì đã quan tâm, nhưng đây là quyết định của tao."
Mâu thuẫn này khiến họ xa cách trong nhiều ngày. Hiếu bận rộn với công việc mới, còn Khang vẫn tiếp tục công việc ở quán cơm. Những bữa ăn chung dần trở nên im lặng, những cuộc trò chuyện ngắn ngủi chỉ còn là những lời xã giao.
Ban đầu, mọi thứ trong công việc mới đều rất ổn, Hiếu cứ tưởng bản thân đã có thể ngừng phụ thuộc vào số tiền sinh hoạt ít ỏi mà anh hai gửi mỗi tháng. Nhưng qua tháng thứ ba, việc kinh doanh đã không còn ổn nữa khi mùa du lịch đã kết thúc và người dân Sài Gòn thì chẳng mấy hứng thú với những món đồ thủ công đơn giản ấy. Cậu phải xén tiền để dành từ nghề gia sư trước kia ra để có vốn duy trì.
Tuy nhiên, ông trời chẳng chiều lòng người, một ngày nọ, Hiếu nhận được tin từ người bạn khi rằng việc kinh doanh chẳng thể tiếp tục được nữa, xin lỗi vì chẳng thể cùng cậu tiếp tục. Nghe xong, Hiếu chết lặng. Hơn phân nửa số tiền trước kia cậu chắt chiu coi như đã không cánh mà bay.
Khi trở về nhà, bỏ qua Khang đang cắm đầu giải đống bài tập Xác suất thống kê, Hiếu ném chiếc túi rồi nằm phịch xuống chiếu, mắt nhìn trống rỗng.
Khang bước đến, đặt tay lên xoa xoa mái tóc đen của cậu. "Tao đã nói mày phải cẩn thận rồi mà."
"Đừng trách tao nữa," Hiếu đáp, giọng nghẹn lại. "Tao đã cố hết sức rồi, chỉ là mọi thứ... vẫn không như ý tao muốn."
Khang nằm xuống bên cạnh, nói chậm rãi: "Thất bại không sao cả. Quan trọng là đã học được điều gì từ nó. Điều đó mới quan trọng. Đừng nản, vì vẫn còn cơ hội làm lại."
Hiếu nghe xong liền vòng tay ôm lấy Khang rồi vùi mặt vào lồng ngực vững chãi của anh mà rơi nước mắt. Giá như lúc đó cậu nghe lời anh thì mọi chuyện tốt biết mấy, nhưng coi như cậu mang phân nửa tài sản của mình đi mua một bài học đi.
Đêm đó, Hiếu ôm rịt lấy Khang, vừa khóc lóc vừa thủ thỉ tâm sự, rồi thiếp đi lúc nào không hay. Còn Khang thì một tay kê đầu, một tay làm gối cho cậu, nhìn chằm chằm và suy tư về cảm giác tim đập dồn dập khi ôm lấy người trong lòng.
Trong những năm 1980, xã hội Việt Nam vẫn còn nặng nề những quan niệm truyền thống và khuôn mẫu. Tình yêu giữa hai người đàn ông không chỉ bị xem là điều cấm kỵ, mà còn bị coi là lệch lạc, khác thường. Dù Hiếu và Khang ngày càng thân thiết, cả hai đều cố tình lờ đi những cảm xúc khác lạ đang dần lớn lên trong lòng.
Những thay đổi nhỏ bắt đầu xuất hiện. Khang nhận ra mình thường dõi theo Hiếu khi cậu mải mê làm việc, ánh mắt đầy sự tập trung. Hiếu thì nhận ra mình bắt đầu thích nghe giọng nói trầm ấm của Khang mỗi khi anh kể về quê nhà hay những ước mơ còn dang dở. Nhưng cả hai đều giữ khoảng cách, cố gắng đóng khung mối quan hệ trong giới hạn bạn bè.
Một tối nọ, sau bữa ăn đơn giản với cơm và dưa muối, Hiếu nhìn Khang đang rửa bát mà buột miệng:
"Khang nè, mày từng yêu ai chưa?"
Câu hỏi bất ngờ làm Khang khựng lại. Anh quay đầu nhìn Hiếu, ánh mắt có chút cảnh giác:
"Sao tự nhiên lại hỏi vậy?"
Hiếu cười cười, nhưng nụ cười ấy lại pha chút buồn bã. "Tao tò mò thôi. Người như mày chắc nhiều cô thích lắm."
Khang lau tay, ngồi xuống bên bàn, giọng chậm rãi: "Thiệt ra, tao chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đó. Cuộc sống này khó khăn quá, làm gì còn chỗ cho mấy thứ tình cảm xa xỉ."
Hiếu gật đầu, nhưng trong lòng có một cảm giác lạ lẫm dâng lên. Có lẽ vì cậu mong đợi một câu trả lời khác, hoặc có lẽ vì cậu biết câu trả lời ấy không hoàn toàn đúng.
Một buổi tối muộn, sau khi Hiếu trở về từ cuộc họp với nhóm bạn, trời bất ngờ đổ mưa lớn. Hiếu bước vào phòng với bộ quần áo ướt sũng, khuôn mặt hiện rõ vẻ mệt mỏi. Khang đang đọc sách, vội đặt sách xuống, lấy chiếc khăn duy nhất trong phòng đưa cho cậu.
"Mày đi đứng kiểu gì mà ướt như chuột lột thế này?" Khang hỏi, giọng nửa trách móc nửa lo lắng.
Hiếu cười yếu ớt: "Tao quên mang theo áo mưa thôi. Đâu phải ai cũng cẩn thận như mày."
Khang thở dài, kéo cậu ngồi xuống. "Thôi, để tao đi pha trà gừng cho mày."
Khi Hiếu cầm ly trà nóng trên tay, cậu bất ngờ nói: "Khang ơi, mày tốt với tao quá. Đôi khi tao nghĩ, nếu không có mày, chắc tao không sống nổi ở cái Sài Gòn này đâu."
Khang im lặng một lúc, rồi đáp: "Tao với mày là bạn cùng phòng, không giúp mày thì giúp ai?"
Nhưng trong lòng Khang, anh biết câu trả lời không chỉ đơn giản như thế. Tình cảm anh dành cho Hiếu đã vượt xa sự quan tâm của một người bạn. Anh nhận ra rằng mình luôn muốn bảo vệ Hiếu, muốn nhìn thấy cậu cười, muốn ở bên cạnh cậu, bất kể điều gì xảy ra.
Tuy nhiên, Khang luôn nhắc nhở bản thân phải kiềm chế. Anh biết rõ rằng xã hội không cho phép thứ tình cảm này tồn tại. Những lời dị nghị, ánh mắt dò xét, và nguy cơ bị loại trừ khỏi cộng đồng khiến anh không dám tiến xa hơn.
Hiếu, ngược lại, lại có sự bạo dạn hơn. Một lần, khi cả hai ngồi trên ban công nhìn ra con hẻm nhỏ, Hiếu bất ngờ hỏi:
"Khang, mày có bao giờ nghĩ... nếu tao với mày không phải là bạn, thì sẽ là gì?"
Khang giật mình, quay sang nhìn Hiếu. Câu hỏi của cậu vừa ngây thơ, vừa đầy hàm ý.
"Đang nói gì vậy?" Khang cố giữ giọng bình tĩnh.
Hiếu cười nhạt, ánh mắt không rời khỏi khoảng trời đêm. "Chỉ là tao nghĩ, có những thứ mình muốn nhưng không thể nói ra, không thể làm được. Mày có cảm thấy giống tao không?"
Khang không trả lời, chỉ im lặng nhìn xuống lòng bàn tay mình. Anh biết câu trả lời, nhưng cũng biết rằng nếu nói ra, mọi thứ sẽ thay đổi mãi mãi.
Thời gian trôi qua, tình cảm giữa hai người ngày càng rõ ràng, nhưng sự sợ hãi bị phát hiện cũng lớn dần. Một lần, khi Khang và Hiếu cùng đi ăn tối ở quán cơm bình dân, một người bạn cũ của Hiếu vô tình bắt gặp.
"Hiếu, giờ mày sống với ai vậy?" người bạn hỏi, ánh mắt tò mò.
"À, đây là Bảo Khang, bạn cùng phòng với tao." Hiếu trả lời, giọng cố tỏ ra tự nhiên.
Người bạn ấy không nói gì thêm, nhưng ánh mắt đầy ẩn ý khiến cả Khang và Hiếu cảm thấy không thoải mái. Sau khi về đến phòng, Khang ngồi lặng lẽ, còn Hiếu không giấu nổi vẻ bồn chồn.
"Mày không cần phải bận tâm," Khang nói sau một hồi im lặng.
"Tao không bận tâm vì họ, tao bận tâm vì tụi mình." Hiếu đáp, giọng run run.
Đó là lần đầu tiên cả hai trực tiếp thừa nhận rằng mối quan hệ của họ không chỉ đơn thuần là tình bạn. Hiếu nói tiếp:
"Tao biết mình không thể thay đổi cách xã hội nhìn nhận nhưng cũng không muốn trốn tránh nữa. Khang ơi, tao..."
Khang ngắt lời cậu bằng một ánh nhìn kiên quyết. "Hiếu, chúng ta không thể. Không phải bây giờ."
Hiếu im lặng, nhưng trong lòng cậu đã quyết định rằng, dù khó khăn đến đâu, cậu cũng sẽ không buông bỏ.
Từ đó, mối quan hệ giữa họ trở nên thầm lặng hơn nhưng cũng sâu sắc hơn. Khang và Hiếu không cần nói ra, nhưng trong những hành động nhỏ nhặt hàng ngày, tình cảm của họ rõ ràng hơn bao giờ hết.
Một lần, Hiếu bị sốt cao suốt hai ngày. Khang xin nghỉ làm, túc trực bên cậu suốt đêm, lau người, pha nước ấm, và thậm chí thức trắng để đảm bảo Hiếu không trở nặng. Khi Hiếu tỉnh dậy, thấy Khang ngủ gục bên cạnh, lòng cậu tràn đầy cảm xúc khó tả.
"Khang..." Hiếu thì thầm, khẽ đưa tay chạm vào mái tóc anh.
Khang tỉnh dậy, vội kiểm tra nhiệt độ của cậu, rồi mỉm cười nhẹ nhõm: "May quá, đỡ rồi. Mày làm tao lo muốn chết."
Hiếu cười yếu ớt, nhưng ánh mắt cậu tràn đầy tình yêu.
Khang cũng đáp lại cậu bằng một nụ cười dịu dàng, hình như anh đã có quyết định khác.
Dù biết rằng tình yêu của họ sẽ không dễ dàng, Hiếu và Khang vẫn quyết định cùng nhau bước tiếp, từng ngày một. Cả hai tìm cách giữ sự riêng tư, sống khép kín, và hỗ trợ nhau trong cả học tập lẫn cuộc sống.
Một buổi tối, khi ngồi trên cầu Thị Nghè ngắm dòng nước lặng lẽ chảy, Hiếu nói:
"Khang, nếu có một ngày tụi mình không phải trốn tránh nữa, mày sẽ làm gì?"
Khang nhìn xa xăm, rồi khẽ đáp: "Tao sẽ nắm tay mày, đi giữa ban ngày ban mặt mà không sợ bất kỳ ai."
Hiếu cười, nụ cười rạng rỡ như ánh đèn hắt xuống mặt nước. Dù biết ngày ấy còn rất xa, cả hai vẫn nuôi hy vọng, bởi họ tin rằng, chỉ cần còn ở bên nhau, họ sẽ vượt qua mọi khó khăn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top