Kính vạn hoa tập 19 Cú nhảy kinh hoàng

Chương 1



Xe sắp sửa lên dốc cầu thì bị nghẽn. Thoạt đầu Tiểu Long còn cố chống chân nhích từng quãng, sau nó đành phải khựng lại. Bốn bề người như nêm, lách trái lách phải đều bít lối.
- Kẹt rồi!
Tiểu Long than. Nó nói không quay đầu lại nhưng Quý ròm vẫn nghe rõ.
- Đợi một chút vậy!
Quý ròm nói và đưa đôi mắt tuyệt vọng nhìn quanh. Thế này thì khó thoát! Quý ròm nhìn đám xe cộ kìn kìn kéo tới mỗi lúc một đông, chiếc trước chiếc sau hăm hở đùn cục vào nhau, lo lắng nhủ bụng.
Dạo này thành phố rất hay kẹt xe. Đường xá cũng vẫn thế thôi nhưng xe cộ dường như mỗi ngày một lắm nên cứ đúng vào giờ đi làm hoặc giờ tan sở là các ngã ba, ngã tư chật ních những xe và xe, tiếng động cơ gầm gừ, rú rít hoà vào tiếng người thúc hối, cãi cọ, náo động cứ như họp chợ.
Đang nghĩ ngợi lan man, Quý ròm bỗng giật mình:
- Ủa! Nhưng giờ này đâu phải giờ tan sở! Sao nạn kẹt xe lại xảy ra lúc ba giờ chiều, lạ vậy kìa?
Nó liền thúc vào hông Tiểu Long:
- Ráng lách lên đi mày!
Tiểu Long ngạc nhiên:
- Chi vậy?
- Xem thử đằng trước đang xảy ra chuyện gì!
Chiều ý bạn, Tiểu Long bặm môi luồn qua lách lại giữa những bánh xe và những cẳng chân. Nhưng nó cũng chỉ len lỏi được một quãng ngắn. Rồi dừng xe lại, thở đánh thượt:
- Chịu thôi! Không thể nào tiến tới được nữa!
- Không tiến tới được thì thôi! – Giọng Quý ròm ỉu xìu, rồi nó tặc tặc lưỡi – Mày trông thấy gì đằng trước không?
Tiểu Long không nhích tới được, nhưng đứng ở chỗ này dù sao cũng nhìn rõ mọi thứ hơn chỗ cũ. Nó nhỏm người trên yên xe dòm dỏ một hồi rồi quay đầu lại:
- Chẳng biết có chuyện gì ở giữa cầu mà người ta bu đen kịt!
Thông báo của Tiểu Long khiến Quý ròm muốn khóc thét:
- Chuyện đó chẳng cần mày nói tao cũng biết! Tao chỉ muốn biết chuyện gì khiến “người ta bu đen kịt” kìa!
Tiểu Long quay lại nghiêng ngó thêm một lúc rồi lắc đầu:
- Tao không thấy rõ! Nhưng tao đoán là đụng xe!
- Hừ, đoán! – Quý ròm nhăn nhó – Thế sao mày không đoán là có người nhảy sông tự vẫn?
Quý ròm vừa nói xong, ở đằng trước lửa bỗng phừng lên rồi giữa vòng tròn người ken dày đang rùng rùng dãn ra, hai bóng người cháy rực như hai cây đuốc xẹt về phía mép cầu và lao thẳng ra khoảng không, rơi vụt xuống dưới.
Cảnh tượng kinh hoàng kia tuy xảy ra ở giữa dốc cầu nhưng đứng từ xa, ai cũng có thể nhìn thấy. Hàng loạt những tiếng la hoảng, tiếng thét lạc giọng thoáng chốc vang lên, rền như sấm.
- Ối! – Lưỡi Quý ròm như ríu lại – Có người nhảy sông thật!
Còn Tiểu Long thì đưa tay ôm mặt:
- Ôi, ghê quá! Lại tự thiêu nữa!
Làn sóng người chung quanh ùn ùn chuyển động. Dường như quên mất mình đang bị kẹt cứng, ai cũng muốn vọt tới trước, vì thế đã kẹt lại càng kẹt.
Sau thoáng sững sờ, Quý ròm hấp tấp nhảy xuống khỏi xe, đập vội lên vai Tiểu Long:
- Mày đợi ở đây nhé!
- Ê! – Tiểu Long quýnh quíu – Mày chạy đi đâu thế?
Nhưng Quý ròm không đủ thì giờ trả lời bạn. Nhoáng mắt, nó đã lẫn vào đám đông, hối hả chen lên phía trước.
Khi Quý ròm len được vào đám đầu cổ đang lúc nhúc bu đặc thành cầu, mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo. Nhưng Quý ròm không màng đến điều đó. Nó đang lo ngay ngáy cho tính mạng của hai người vừa rồi, e rằng nếu không chết cháy ắt họ cũng chết chìm dưới nước.
Quý ròm hồi hộp thò đầu ra thành cầu dòm xuống mặt sông.
Đã không nhìn thì thôi, khi ngó xuống mặt sông đang dợn sóng, mồm Quý ròm không khỏi há hốc. Ơ kìa, sao lạ quá! Đập vào mắt nó là hai bóng người đang bì bõm lội vào bờ giữa tiếng reo hò hớn hở của những người đứng trên thành cầu. Ôi, thế ra họ không chết! – Quý ròm thở ra, ngực nó đã thôi chèn đá, nhưng rồi nó lại ngỡ ngàng tự hỏi - Nhưng tại sao đã muốn tự tử, bây giờ họ lại bơi vào bờ? Hay là đến phút chót họ bỗng cảm thấy quyến luyến cuộc sống và đổi ý?
Không trả lời được nhưng câu hỏi đang quay cuồng trong óc, Quý ròm tò mò giương mắt ngắm hai bóng người lúc này đang men theo bờ cỏ, chậm chạp leo lên cầu.
Hai bóng người càng lúc càng đến gần. Và khi Quý ròm nhìn rõ tướng mạo của họ, người nó giật bắn như chạm phải điện.
Quả thật hai bóng người trước mắt nó nom quái dị không thể tả! Căn cứ vào thân hình, họ có vẻ là một nam một nữ, nhưng cơ thể họ trơn nhẫy, sáng lấp lánh, đầu cổ nhẵn nhụi không một cọng tóc, và gương mặt họ mới kinh làm sao, chẳng thấy mũi miệng đâu, chỉ có hai hốc mắt thỉnh thoảng chớp chớp.
Hay đây là những người đến từ hành tinh khác như mình vẫn thường nghe mô tả? Quý ròm hoang mang nghĩ và như không đừng được, nó thót bụng bước lui một bước.
Trong rừng người rậm rạp trên cầu, trẻ con hiếu kỳ như Quý ròm có đến hàng đống. Nhưng khác với Quý ròm, bọn trẻ này bạo dạn tợn. Bốn, năm đứa đi lẽo đẽo theo “người ngoài hành tinh”, chả tỏ vẻ gì sợ sệt. Thậm chí có đứa còn quẹt tay vào “người ngoài hành tinh” rồi cười lên thích thú:
- Hà hà, tao phải xin mẹ tao may cho một bộ quần áo như vậy mới được!
Thoạt nghe thằng nhóc láu lỉnh kia nói, Quý ròm chả hiểu gì cả. Nhưng khi hai “người ngoài hành tinh” đi ngang qua trước mặt thì Quý ròm chợt vỡ lẽ.
Ở khoảng cách gần, Quý ròm nhanh chóng nhận ra hai người này đang mặc một chiếc áo liền quần, may bằng thứ vải đặc biệt trơn láng. Vải màu bạc, lại đẫm nước nên dưới nắng chiều nom óng ánh như kim loại.
Đầu họ chụp một chiếc nón may bằng thứ vải cùng loại, kín tới tận ót, nên lúc nãy Quý ròm tưởng họ không có tóc. Còn gương mặt dị dạng kia thì không còn nghi ngờ gì nữa, đích thị là mặt nạ.
Khi khám phá ra những điều đơn giản đó, Quý ròm không khỏi tự cười thầm mình. Nhưng rồi nó chợt ngẩn ra: Những người này là ai mà ăn mặc kỳ quái thế? Họ nhảy xuống sông làm gì để rồi phải loay hoay trèo lên? Và khi nãy rõ ràng họ cháy phừng phực như hai bó đuốc kia mà, sao bây giờ nom họ dường như họ chẳng hề hấn gì?
Những thắc mắc trong đầu khiến Quý ròm mất hẳn rụt rè. Noi gương bọn trẻ trước mặt, nó cố chen vào giữa đám đông, hồi hộp lần theo hai con người kỳ dị nọ.
Hai “người ngoài hành tinh” kia chẳng đi đâu xa. Ở chính giữa cầu, một đám đông đứng xúm xít quanh một người đàn ông đứng tuổi, đeo kính, mũ thùm thụp trên đầu đang đợi họ.
Đến lúc này, Quý ròm mới nhình thấy cái caméra to đùng đặt trên đường ray ngắn cạnh đó, phía sau một người đàn ông râu quai nón hờ hững vịn tay vào máy quay, tay kia đang lau mồ hôi chảy thành dòng trên trán, mặt nhăn nhăn nhó nhó. Thì ra người ta đang đóng phim! Quý ròm thở phào, vừa hân hoan lại vừa thất vọng.
Nó tò mò nhìn đoàn làm phim, tìm xem có diễn viên quen thuộc nào không nhưng chả thấy. Toàn những khuôn mặt nó chưa gặp qua trên màn ảnh bao giờ! Có lẽ hôm nay các diễn viên chính không có cảnh quay! Quý ròm nghĩ và nó liếc qua chỗ hai “người ngoài hành tinh” đứng, bụng không ngớt xuýt xoa: Mình tới trễ quá! Khi nãy người ta quay cảnh nhảy từ trên cầu xuống sông mà mình chỉ thấy thấp thoáng từ xa, phí thật!
Quý ròm tặc lưỡi tiếc rẻ và quay mình tính quay về chỗ Tiểu Long đứng đợi. Nhưng vừa dợm bước, nó đột ngột dừng phắt lại. Bên tai nó tiếng người đàn ông đeo kính vang lên:
- Cảnh vừa rồi không đạt lắm! Các cháu chịu khó thực hiện thêm một lần nữa vậy!

Chương 2




Người đàn ông vừa lên tiếng ý chừng là đạo diễn. Ông vừa nói vừa quạt phành phạch cuốn tập ố vàng trên tay như để xua cái nóng do mặt trời và do hơi người dồn nén chung quanh.
Yêu cầu của đạo diễn thường được xem là mệnh lệnh. “Người ngoài hành tinh” nữ có lẽ cũng biết vậy, nhưng chị vẫn ngập ngừng:
- Tụi cháu đã nhảy ba lần rồi, chú!
Giọng ông đạo diễn thoắt nghiêm nghị:
- Để có một cảnh quay đẹp, nếu cần, chúng ta lặp đi lặp lại cả chục lần cũng không sao!
Cuộc đối đáp lọt vào tai khiến Quý ròm vô cùng sửng sốt. Nhảy từ trên chiếc cầu cao này xuống sông đâu phải là chuyện đùa, vậy mà theo lời “người ngoài hành tinh” nữ vừa nói thì từ nãy đến giờ họ đã lặp lại cú nhảy khủng khiếp đó đến những ba lần. Và bây giờ lại sắp sửa nhảy lần thứ tư.
Lời nói có ý quở trách của ông đạo diễn làm “người ngoài hành tinh” nữ im bặt. Quý ròm không trông thấy gương mặt khuất phía sau chiếc mặt nạ kia nhưng nhìn đôi vai “người ngoài hành tinh” nữ khẽ rung lên, nó đoán hẳn chị ấm ức lắm.
- Thôi, được rồi! Tụi cháu sẽ nhảy lại!
“Người ngoài hành tinh” nam hắng giọng nói, tay anh đặt lên vai cô gái bên cạnh vừa như động viên vừa như chia sẻ.
Câu nói của “người ngoài hành tinh” nam vừa cất lên, Quý ròm bỗng nghe bụng mình thót một cái: giọng nói của anh rất quen thuộc với nó.
Trong một thoáng, Quý ròm không thể nhớ ra đó là giọng nói của ai nhưng nó tin chắc nó đã nghe giọng nói này nhiều lần, có nghĩa “người ngoài hành tinh” nam này không phải là người xa lạ.
Quý ròm dán mắt vào anh, tai dỏng lên, chờ anh nói tiếp một câu nữa, hy vọng lần này sẽ nhớ được.
Nhưng “người ngoài hành tinh” nam chỉ nói mỗi một câu. Sau đó, anh và cô gái kia lẳng lặng xoay người qua phải qua trái cho bộ phận phục trang trong đoàn làm phim mặc thêm một lớp quần áo bên ngoài bộ đồ lạ mắt nọ. Xong, người ta khoác lên chiếc đầu nhẵn nhụi của mỗi người một bộ tóc giả.
Những “khán giả” đứng chung quanh ai nấy đều mở to mắt nhìn. Đến khi người ta tưới xăng lên hai “người ngoài hành tinh” chuẩn bị đốt thì nhiều cái miệng kêu thét, nửa sợ hãi nửa thích thú.
Một người trong đoàn làm phim lại gần hai “người ngoài hành tinh”:
- Cố chịu nóng một chút nhé?
- Không sao! – “Người ngoài hành tinh” nam sờ tay lên ngực – Loại vải chống cháy này cũng khá tốt!
Lần thứ hai, Quý ròm nghe “người ngoài hành tinh” nam nói. Và khổ nỗi, cũng là lần thứ hai nó nhận ra giọng nói rất quen nhưng vẫn chẳng nhớ được là ai.
Hai “người ngoài hành tinh” bước tới sát thành cầu. À quên, lúc này họ chẳng còn vẻ gì là người ngoài hành tinh nữa, đã có quần áo tóc tai như mọi người! Ông đạo diễn quay đầu về phía người phụ trách máy quay:
- Chuẩn bị!
Chiếc caméra được đẩy trên đường ray, trượt đến cách đó một quãng, chiếm vị trí thuận tiện để quay ngang, vừa quay vừa di chuyển ngược theo đường ray để có thể thu vào khung hình toàn bộ cảnh nhảy.
Quý ròm không dám xáp lại gần “hiện trường”. Nhưng từ chỗ đứng của mình, nó vẫn nhìn rõ mồn một cảnh người ta bật hộp quẹt gí vào hai diễn viên đã được tẩm xăng, rồi lửa phừng lên và ngay lập tức, hai con người đang bốc cháy rừng rực kia lao vọt qua thành cầu, chúc ngược đầu xuống dưới và rơi đi vùn vụt.
Khi hai “cây đuốc” vừa dợm phóng người bay ra, Quý ròm còn nghe rõ tiếng hét đanh gọn của ông đạo diễn ra lệnh cho người quay phim “Máy!”, nhưng sau đó thì nó không còn nghe gì nữa. Tiếng la thét, tiếng reo hò xen lẫn tiếng hoan hô của đám đông nổ ra át cả tiếng rè rè của máy quay lẫn tiếng đập thình thịch trong ngực nó.
Mãi một lúc, khi tiếng ồn lắng xuống, Quý ròm mới thò đầu qua thành cầu nhìn xuống sông và cũng như lúc nãy, nó thở đánh phào khi trông thấy hai bóng người đang lặng lẽ dìu nhau lội trên mặt sông xa tít dưới kia.
Ngay lúc này, lẽ ra Quý ròm đã bỏ về. Tiểu Long đợi nó nãy giờ có lẽ đã sốt ruột lắm rồi. Hơn nữa, nó biết chắc nếu ở lại cũng chẳng còn gì để xem nữa. Cảnh vừa rồi hoặc đã vừa ý ông đạo diễn, hoặc sẽ phải quay lại vào một hôm khác, bởi hai người diễn viên can đảm kia nom có vẻ mệt lắm rồi, và điều quan trọng là cảnh sát giao thông đã xuất hiện và đang tiến đến chỗ đoàn làm phim nhằm giải toả nạn kẹt xe đã gây ách tắc quá xá lâu.
Nhưng Quý ròm vẫn không nhích chân. Nó mặc kệ Tiểu Long. Nó mặc kệ cảnh sát. Điều canh cánh trong lòng nó bây giờ là phải khám phá cho bằng được người diễn viên nam kia là ai. Nếu không, tối nay nó sẽ không tài nào chợp mắt được vì ấm ức.
Cũng như lúc nãy, sau khi lội được vào bờ đôi nam nữ diễn viên kia lảo đảo leo trở lên cầu với hình dạng của những người ngoài trái đất. Bộ quần áo mặc ngoài lẫn bộ tóc giả đã cháy tiêu trong lúc phóng người xuống nước.
Quý ròm đang định xông lại chỗ đoàn làm phim để chờ xem hai người diễn viên gỡ mặt nạ ra nhưng vừa nhích chân nó đã bị đám đông nhốn nháo đẩy dạt về phía sau.
Nó cố chen lên, vừa gạt mồ hôi vừa thu người luồn lách nhưng vẫn không tài nào tiến được nửa bước. Vừa thấy bóng cảnh sát giao thông thấp thoáng, vòng người hiếu kỳ hấp tấp xô nhau lui lại khiến nhân vật còm nhom của chúng ta cứ bị trôi mãi, trôi mãi về phía chân cầu.
Thế là toi! Quý ròm làu bàu khi nhận ra mình đang đứng nếu không phải ngay chỗ khi nãy thì cũng không cách đó bao xa. Nó đảo mắt nhìn quanh tìm Tiểu Long nhưng không thấy thằng mập đâu. Có khi đợi lâu quá, nó bỏ về rồi không chừng! Quý ròm lo lắng nghĩ và đưa hai tay lên miệng làm loa chĩa ra bốn phía:
- Tiểu Long ới ời!
Khi Quý ròm hét đến lần thứ bảy, lạc cả giọng và sắp sửa tắt hơi thì Tiểu Long mới “hồi âm”:
- Tao ở đây nè!
Nghe tiếng Tiểu Long xa tít, Quý ròm nhướn cổ:
- Ở đây là ở đâu? Tao chả nhìn thấy mày đâu cả!
Tiếng Tiểu Long vẫn xa xôi vọng lại:
- Tao cũng thế! Tao chỉ nghe tiếng của mày thôi!
Quý ròm chép miệng:
- Thế mày đang đứng ở đâu?
- Tao đứng dưới chân cầu!
Câu trả lời của Tiểu Long làm Quý ròm điên tiết:
- Dĩ nhiên là mày đứng ở chân cầu! Tao không nghĩ mày đã chui xuống dưới gầm cầu!
Thấy thằng ròm nổi cáu, Tiểu Long vội vàng “bổ sung”:
- Tao đang đứng bên lề đường!
- Lề đường nào?
- Lề bên trái!
Tới đây, “nhà toán học” Quý ròm vẫn không thể nào xác định được “toạ độ” của bạn mình. Tiểu Long đinh ninh “lề bên trái” là một chỉ dẫn quá sức rõ ràng trong khi Quý ròm chẳng rõ thằng mập căn cứ vào đâu để “tuyên bố” về chuyện phải, trái. Bởi nếu đi từ dưới lên thì bên trái là bên có những quán nước dừa nằm san sát, còn nếu đi từ trên cầu xuống thì bên trái lại là bên có những cánh đồng rau xanh nằm sau dãy bạch đàn.
Quý ròm tức muốn xịt khói lỗ tai. Nó gân cổ hét tướng:
- Tao chả rõ mày muốn nói lề bên nào!
- Này, này! Chú bé này làm gì mà đứng giữa đường hò hét om sòm thế! – Một người đàn ông dắt xe gắn máy cau mày nhìn Quý ròm – Có tránh ra cho người khác đi không!
Đúng lúc đó, Tiểu Long lên tiếng “bổ sung” lần thứ hai:
- Tao đang đứng chỗ các quán nước ấy!
Quý ròm liếc trộm về phía người đàn ông, thè lưỡi một cái rồi rụt cổ lảng mất.
Lát sau, nó tìm thấy Tiểu Long trước quán nước dừa thứ ba tính từ chân cầu. Mặt nó lập tức bí xị:
- Mày làm gì chạy tuốt lại đây thế?
Tiểu Long vỗ lên yên xe:
- Nếu tao không thoát kịp, chiếc xe này đã bẹp dúm rồi!
Rồi nó nhìn lom lom vào mặt Quý ròm, tò mò hỏi:
- Mày đi đâu lâu vậy?
- Đi xem người ta đóng phim!
- Đóng phim? Phim gì thế?
- Tao chả biết! – Quý ròm nhún vai – Nhưng chuyện tự thiêu rồi nhảy xuống sông là cảnh trong phim chứ không phải chuyện thật!
Tiểu Long áp tay lên ngực:
- Thế mà nãy giờ tao cứ thót cả ruột!
Rồi nó chớp chớp mắt, ra vẻ hiểu biết:
- Người ta đốt những hình nộm rồi ném xuống sông chứ gì?
- Sai bét! Đây là người thật chứ không phải hình nộm!
- Người thật? – Mắt Tiểu Long trợn tròn – Mày có dóc tổ không đấy?
Quý ròm nhăn mặt:
- Tao chen lấn nãy giờ mệt lắm rồi, chả còn hơi sức đâu mà nói dóc!
Tiểu Long vẫn bán tín bán nghi. Nó thu nắm tay quẹt mũi:
- Người thật mà bốc cháy như thế làm sao sống nổi?
- Rõ là đồ ngốc tử! – Quý ròm nheo mắt nhìn bạn – Để đóng những vai như thế, người ta phải mặc đồ chống cháy chứ lị!
Rồi không đợi Tiểu Long hỏi tới hỏi lui, Quý ròm vội vã giục:
- Lên xe đi! Rồi tao thuật cho mày nghe!
Chung quanh lúc này đã vãn người, Tiểu Long ngồi trước cong lưng đạp, Quý ròm ngồi sau co chân đẩy, hai đứa vừa ì ạch leo lên dốc cầu vừa trò chuyện.
Gọi là trò chuyện nhưng thực ra chỉ có Quý ròm nói, còn Tiểu Long vểnh tai nghe, chốc chốc lại chép miệng trầm trồ hoặc hỏi chen ngang một vài câu ấm ớ.
- Tuyệt thật đấy! – Đến khi Quý ròm kết thúc bài “văn tường thuật” sinh động của mình, Tiểu Long không nhịn được tiếng xuýt xoa, nếu không phải đang lái xe nó đã hào hứng vung cả hai tay lên rồi.
- Cái gì tuyệt?
- Nhưng người đóng phim ấy! – Giọng Tiểu Long thán phục – Nhảy từ trên cầu xuống đâu phải dễ, phải võ nghệ đầy mình ấy chứ! Đó là chưa kể còn bị đốt cháy nữa!
- À, tao quên nói với mày chuyện này! – Quý ròm sực nhớ ra – Giọng nói của người diễn viên nam nghe rất quen, tiếc là tao không nhớ ra là ai!
Quý ròm vừa nói vừa chồm người tới khiến chiếc xe lảo đảo.
Tiểu Long ghìm tay lái:
- Nhìn mặt thì biết ngay chứ gì!
- Nói chuyện với mày chán bỏ xừ! – Quý ròm nhăn nhó – Tao đã bảo với mày là họ mang mặt nạ rồi kia mà!
- Ờ há! – Tiểu Long lỏn lẻn, nó khụt khịt mũi một hồi rồi ngập ngừng hỏi – Thế mày có nhớ mày đã từng nghe giọng nói đó ở đâu không?
Quý ròm thở dài:
- Nếu nhớ được điều đó thì nói làm gì! Tao chỉ nhớ là giọng nói đó rất quen thôi!
Đang nói, Quý ròm bỗng la lên:
- A, anh Tuấn mày!
Tiểu Long giật mình ngó quanh:
- Anh Tuấn tao đâu?
- Không! Anh Tú mày!
Tiểu Long chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì Quý ròm lại hét giật:
- Anh Tuấn anh Tú mày!
Tới lúc này thì Tiểu Long không nhịn nổi nữa. Nó dừng hẳn xe lại và ngoái cổ nhìn ra sau:
- Mày nói năng lảm nhảm gì thế?
Bất chấp ánh mắt kinh ngạc của Tiểu Long, mặt Quý ròm vẫn tươi hơn hớn. Tay nó múa tít:
- Hoặc anh Tuấn hoặc anh Tú mày!
Tiểu Long chớp chớp mắt, giọng nó bắt đầu lo lắng:
- Mày làm sao thế hả Quý ròm?
- Tao chả làm sao cả! – Quý ròm toét miệng cười – Tao chỉ chợt nhớ ra giọng nói của người diễn viên đó là ai thôi!
- Là ai?
- Thì tao đã nói rồi! Hoặc là anh Tuấn hoặc là anh Tú, một trong hai ông anh bảo bối của mày chứ ai!
Tiểu Long bây giờ mới vỡ lẽ. Nó thở một hơi dài:
- Thì ra vậy! Mày không nói sớm làm tao hết hồn! Tao cứ tưởng mày đột ngột hoá điên!
Rồi nó nhe răng cười:
- Nhưng mày đoán sai rồi! Không phải là anh Tuấn hay anh Tú đâu! Hai ông anh tao mà làm diễn viên điện ảnh thế quái nào được!
- Mày ngốc quá! – Quý ròm hừ giọng – Đây chỉ là những diễn viên đóng thế vai chứ không phải là diễn viên thực sự! Người ta gọi những người này là cascadeur!

Chương 3



Trong phim ảnh, đặc biệt là trong loại phim hành động, thường có những cảnh nguy hiểm như đua xe tốc độ cao, đánh đấm, nhào lộn, lao môtô xuống hồ, đu dây trên vực thẳm, v.v…. Với những cảnh đó, các diễn viên thường không có khả năng tự đóng, hoặc nếu có khả năng thì lại không đủ can đảm, và trong hầu hết các trường hợp những nhà làm phim phải nhờ đến đội ngũ cascadeur, tức những người chuyên đóng những cảnh nguy hiểm thế cho các diễn viên. Những cascadeur không những giỏi võ mà còn phải dũng cảm, tính toán và hành động chuẩn xác, có máu mạo hiểm và đặc biệt phải rất yêu nghề, nếu không chả ai dại gì đem tính mạng mình phó thác vào những cuộc phiêu lưu!
Tiểu Long nghệt mặt nghe Quý ròm hùng hồn giảng giải về cái nghề nó chưa từng nghe nói qua này. Quý ròm “diễn thuyết” trơn tru, mạch lạc nhưng Tiểu Long vẫn cảm thấy chưa thông suốt lắm. Nó gãi đầu:
- Thế những phim do Thành Long hay Lý Liên Kiệt thủ vai cũng do cascadeur đóng thế à?
- Trường hợp Thành Long hay Lý Liên Kiệt lại khác! – Quý ròm nhún vai – Phim của họ là phim võ thuật, diễn viên đương nhiên phải là những võ sư thứ thiệt, chả cần đến người thế vai!
Tiểu Long thở phào. Có thế chứ! Nó là con nhà võ. Nó mê các phim võ thuật. Nó thích xem các phim do Lý Liên Kiệt hoặc Jean-Claude Van Damme đóng vai chính. Nhưng nó vẫn mê nhất Thành Long. Thành Long đánh đấm đẹp như mơ, nhưng lúc nào cũng vui nhộn, không có vẻ đằng đằng sát khí như các diễn viên võ thuật khác. Bây giờ nếu bảo nó những cú đá liên hoàn điệu nghệ, những màn chui dưới gầm xe tải hoặc những cú nhảy đứng tim từ nóc buyn-đinh này qua nóc buyn-đinh khác mà nó từng xem đến ngây người trên màn ảnh không phải do Thành Long thực hiện mà do một kẻ khác đóng thế thì chẳng khác nào bảo nó bầu trời sắp đổ sập xuống đầu.
Cũng may là cuối cùng Quý ròm đã đính chính giùm các thần tượng của nó. Thằng ròm này ngó ba hoa vậy mà sáng suốt ghê! Tiểu Long cảm động nghĩ và vui vẻ hỏi:
- Sao mày biết rõ về chuyện đóng phim thế?
- Tao đọc báo! – Quý ròm ưỡn ngực, nó tiếc hùi hụi không có râu để vểnh – Báo chí luôn cung cấp những thông tin phong phú, nóng hổi và bổ ích!
Tiểu Long cười khì:
- Mày “quảng cáo” giùm cho ba nhỏ Hạnh đấy hả?
Ba nhỏ Hạnh là nhà báo, vì vậy Tiểu Long mới trêu Quý ròm. Nhưng Quý ròm phớt lờ, nó nôn nóng quay trở lại đề tài chính:
- Như vậy mày đã tin người diễn viên nam kia là anh Tuấn hoặc anh Tú của mày chưa?
Tiểu Long ngẩn ngơ:
- Tao có chính tai nghe giọng nói của anh ta đâu mà biết!
Quý ròm quắc mắt:
- Nhưng tao nghe!
- Mày nghe chắc gì đã chính xác!
- Hoàn toàn chính xác! – Quý ròm sầm mặt – Tao chỉ không phân biệt được đó là ai trong hai ông anh của mày thôi!
Anh Tuấn và anh Tú của Tiểu Long là hai anh em sinh đôi, giống nhau như hai giọt nước, từ khuôn mặt, vóc người đến giọng nói, hồi mới đến chơi nhà Tiểu Long, Quý ròm cứ nhầm lẫn liên miên. Mãi về sau, nhờ để ý hai kiểu tóc cắt khác nhau, Quý ròm mới thôi lộn người này qua người kia. Nhìn tận mặt mà còn như vậy, huống chi ở đây nó chỉ nghe mỗi giọng nói.
Tiểu Long cũng hiểu vậy nên chẳng nghi ngờ gì. Nó chỉ thắc mắc:
- Nếu đó là anh Tuấn hay anh Tú tao, sao nhà tao chẳng ai biết?
- Làm sao nhà mày biết được! – Quý ròm “xì” một tiếng – Nếu anh mày không tự mình nói ra thì chẳng ai biết!
Tiểu Long lại nhíu mày:
- Nhưng tại sao anh tao lại không nói ra?
- Có thể anh mày sợ mọi người ngăn cản – Giọng Quý ròm trầm ngâm – Nếu biết anh mày làm cái việc nguy hiểm này, chắc chắn ba mẹ mày sẽ không đồng ý!
Quý ròm trầm ngâm khiến Tiểu Long trầm ngâm theo. Nó khẽ cắn môi:
- Ngay cả tao nữa, tao cũng không muốn anh tao mạo hiểm như vậy tí nào!
Nhưng rồi nó liền lúc lắc đầu:
- Nhưng người diễn viên đó không thể là anh tao. Anh Tuấn tao làm ở xí nghiệp may, còn anh Tú hiện làm ở nhà máy giày, làm sao có thể đi đóng phim được?
Quý ròm nheo mắt:
- Xin nghỉ ở xí nghiệp một, hai buổi để đi đóng phim chẳng có gì khó. Hơn nữa chỉ đóng một vài “pha” chứ đâu phải đóng suốt bộ phim!
- Không thể được! – Tiểu Long vẫn lắc đầu quầy quậy – Không thể như thế được!
Quý ròm hiểu rõ nỗi lo lắng trong lòng Tiểu Long. Vì vậy, nó dịu dàng đặt tay lên vai bạn:
- Có thể là tao nghe nhầm! Nhưng để biết đích xác, tối nay mày cần phải khéo léo dò hỏi hai ông anh của mày!
Tiểu Long méo xệch miệng:
- Mày đã biết tao không phải là đứa khéo léo rồi kia mà!
Quý ròm chớp mắt:
- Ý của mày là…
- Mày biết thừa mà còn làm bộ! – Tiểu Long lườm bạn – Tao muốn mày tối nay ghé nhà tao!
Anh Tuấn và anh Tú dĩ nhiên không hay biết gì về “âm mưu” của hai ông nhóc.
Tối, thấy Quý ròm lò dò bước vào, anh Tú vui vẻ:
- A, Quý! Vào đi! Tiểu Long có nhà đấy!
Đúng lúc đó, Tiểu Long cũng vừa xuất hiện chỗ ngách cửa thông ra nhà sau. Nó nhìn Quý ròm, miệng cười toe toét:
- Tới giải bài tập toán giùm tao hả?
- Không! – Mặt Quý ròm nghiêm trang, vừa nói nó vừa ngồi xuống ghế - Chuyện này quan trọng hơn chuyện giải toán nhiều!
Tiểu Long nheo nheo mắt:
- Chuyện gì thế?
Quý ròm không trả lời ngay. Nó thận trọng đảo mắt nhìn quanh, sợ nhỏ Oanh lảng vảng đâu đấy sẽ kinh hãi khi nghe câu chuyện khủng khiếp của mình. Đến khi biết chắc cô em gái Tiểu Long còn bận bịu ở đằng sau bếp, nó mới hắng giọng trịnh trọng:
- Ở ngoài phố người ta đồn hồi chiều có một cặp vợ chồng giận nhau sao đó, rốt cuộc cả hai chạy ra cầu Thị Nghè ôm nhau nhảy xuống sông tự vẫn!
Tiểu Long đặt tay lên ngực:
- Thật không?
Anh Tuấn ngồi trên đivăng kế đó cũng giật mình nhỏm dậy:
- Em nghe ai nói thế?
- Nhiều người nói!
Anh Tú bỗng dưng vọt miệng:
- Không phải cầu Thị Nghè mà là cầu Sài Gòn!
Khi cố tình chuyển địa điểm từ cầu Sài Gòn qua cầu Thị Nghè, Quý ròm cũng không tin vào hiệu quả của “chiếc bẫy” này lắm. Không ngờ nó mới mào đầu sơ sơ, anh Tú đã hùng hồn “đính chính” khiến nó và Tiểu Long bất giác đưa mắt ngó nhau.
Anh Tuấn ngạc nhiên nhìn anh Tú:
- Hồi chiều em cũng có mặt ở đó hả?
- Không! – Anh Tú đáp bằng giọng bình thản – Em nghe những người trong nhà máy kể lại!
Cố che giấu sự mừng rỡ, Quý ròm tiếp tục “tường thuật” bằng giọng nghiêm nghị:
- Nhưng không chỉ có thế! Trước khi nhảy xuống sông, cặp vợ chồng kia còn tẩm xăng vào người đốt phừng phừng lên như hai bó đuốc nữa!
Tiểu Long giả vờ bụm mặt:
- Eo ôi, ghê quá!
Còn anh Tuấn thì cau mày:
- Lạ thật! Nếu vợ giận chồng hoặc chồng giận vợ mà làm như vậy còn có thể hiểu được! Đằng này cả hai người giận lẫn nhau và cùng huỷ hoại mình theo cùng một kiểu thì quả là khó tin!
- Chẳng có gì là khó tin! – Anh Tú lại mau miệng giải thích – Bởi đây không phải là chuyện thật mà là chuyện trong phim!
- Chuyện trong phim? – Anh Tuấn quay phắt sang anh Tú – Là sao?
- Nghĩa là người ta đóng phim chứ là sao! Tự đốt mình rồi nhảy xuống sông chỉ là cảnh người ta dàn dựng để quay phim chứ không phải là chuyện thật như lời đồn!
Một lần nữa anh Tuấn lại mở to mắt:
- Sao em biết?
Anh Tú vẫn tỉnh khô. Anh đáp không hề lúng túng:
- Thì em nghe được từ trong nhà máy! Một số người trong xí nghiệp em tình cờ có mặt tại đó và chứng kiến mọi chuyện từ đầu đến cuối!
Ba Tiểu Long từ ngoài hẻm bước vào làm câu chuyện giữa mấy anh em đột nhiên ngưng bặt.
Quý ròm ngoắt Tiểu Long ra trước sân, nói khẽ:
- Như vậy người diễn viên hồi chiều đích thị là anh Tú mày!
- Anh Tú tao ư? – Tiểu Long ngẩn ngơ hỏi lại.
Thái độ lừng khừng của Tiểu Long khiến Quý ròm bực mình:
- Thì mày cũng nghe thấy rồi đấy! Chả phải anh Tú mày đã nói vanh vách về những gì vừa xảy ra trên cầu Sài Gòn sao!
Ừ nhỉ, nếu anh Tú không phải là người diễn viên đó tại sao ảnh lại biết rõ về câu chuyện này thế! Tiểu Long bần thần nghĩ. Nhưng rồi nó vội xua tan ngay sự phỏng đoán trong đầu.
- Cũng không hẳn! – Nó nhìn Quý ròm, mắt hấp háy – Có thể anh tao chỉ nghe người khác kể lại thôi! Hồi chiều cả khối người bu đen kịt chỗ đoàn làm phim, biết đâu chả có người trong nhà máy anh tao ở đó!
Mặc dù tin chắc người diễn viên nam hồi chiều là anh Tú, Quý ròm cũng không thể phản bác lập luận xác đáng của Tiểu Long. Nó đành thở dài:
- Thôi được! Nếu mày đã nói thế, tao sẽ chứng minh bằng cách khác!

Chương 4



Căn nhà của nữ võ sư Kim Liên nằm trong một con hẻm sâu. Tiểu Long chở Quý ròm, ba nhỏ Hạnh chở nó trên xe gắn máy, bốn người vừa chạy rề rề vừa đảo mắt dáo dác nhìn lên các biển số nhà.
Sở dĩ ba nhỏ Hạnh có mặt trong chuyến đi này đầu đuôi là do Quý ròm. Nó bảo với Tiểu Long nó sẽ chứng minh người diễn viên hôm nọ là anh Tú. Tưởng nó nghĩ ra mưu kế gì, ai ngờ nó “chứng minh” bằng cách chạy tới “cầu cứu” nhỏ Hạnh.
Nhỏ Hạnh giúp Quý ròm bằng cách chờ một buổi tối rỗi rãi, mon men lại gần ba:
- Ba nè!
- Gì thế con?
- Ba đã bao giờ nghe nói về nghề cascadeur chưa?
Ba mỉm cười:
- Ba đã từng viết về họ.
Câu trả lời của ba làm nhỏ Hạnh ngạc nhiên:
- Ba đã từng viết về họ ư?
- Đúng thế! Ba đã từng đến đó.
- Đến đâu cơ?
- Đến phòng tập của câu lạc bộ Cascadeur.
Nhỏ Hạnh tò mò:
- Ba đã gặp tất cả mọi người chứ?
- Tất nhiên! Ba đã gặp hầu hết thành viên trong câu lạc bộ! Võ sư Kim Liên đã giới thiệu họ với ba!
- Võ sư Kim Liên là ai?
- Là phó chủ nhiệm câu lạc bộ.
- Là nữ ư? – Nhỏ Hạnh ngẩn ngơ.
- Nữ thì sao?
Nhỏ Hạnh chớp mắt:
- Con cứ nghĩ phụ trách công việc này phải là nam chứ!
- Vậy là con lầm rồi! Võ sư Kim Liên là người đeo thập bát bạch đai, một đẳng cấp tối cao của Võ cổ truyền! Bà được võ sư Nguyễn Phương Danh tức nghệ sĩ Tám Danh dạy võ công từ nhỏ, sau đó thụ giáo các võ phái Sa Long Cương Bình Định, Thiếu Lâm, Thái cực Đường lang, học thêm kiếm Tây, kiếm Nhật…
Nhỏ Hạnh có vẻ không hình dung được những điều ba nói. Nó cắn môi:
- Thế sao con ít thấy bà ấy xuất hiện trên các báo thể thao thế?
- À! – Ba gật gù – Bởi vì võ sư Kim Liên học võ không phải để thi thố võ nghệ, mục đích chính của bà là tìm cách ứng dụng võ thuật vào sân khấu. Trên căn bản võ thuật đắc thủ được, bà tìm tòi, chắt lọc và sáng tạo những chiêu thức đẹp mắt, hiệu quả và quan trọng là chiêu thức đó phải phù hợp với thể lực của người nghệ sĩ, chứ không phải võ sĩ, để có thể trình diễn được trên sân khấu. Ba quên nói với con, võ sư Kim Liên còn là phó chủ nhiệm Khoa Cải lương của trường Nghệ thuật Sân khấu và Điện ảnh!
Nhỏ Hạnh trầm ngâm một hồi rồi tiếp tục thắc mắc:
- Nhưng việc gì bà ấy phải học nhiều môn võ khác nhau thế? Con nghĩ nếu để ứng dụng trên sân khấu, chỉ cần thông thạo võ cổ truyền là đủ!
- Không đơn giản như con nghĩ đâu! – Ba tặc tặc lưỡi – Cũng là binh khí, nhưng Lục Vân Tiên sử dụng côn, Quan Vân Trường múa Thanh Long đao hay Tôn Ngộ Không múa thiết bảng đều có đặc trưng riêng. Dựng tuồng dã sử về thời Tây Sơn thì không khó, nhưng nếu gặp tuồng Nhật, người chỉ đạo võ thuật buộc phải am hiểu các môn võ Nhật như Karaté, Kendo, Aikido hay Judo. Cũng vậy, khi dựng các vở phương Tây như Roméo và Juliette chẳng hạn, diễn viên sân khấu phải biết các tư thế chào, cầm kiếm và đánh đỡ của các hiệp sĩ châu Âu thời xưa…
Đang nói thao thao, ba bỗng nhỏm người dậy và quay sang nhỏ Hạnh:
- Nếu con thích, chiều mai ba dẫn con đến nhà thăm võ sư Kim Liên! Từ lúc bà ấy đi lưu diễn ở Pháp về, ba vẫn chưa gặp lại!
- Ba nói thật đấy chứ?
Nhỏ Hạnh nói như reo. Nó đang tìm cách gạ ba viết về đề tài cascadeur để bọn nó tìm cách đi theo điều tra bí mật của anh Tú. Khi nghe ba bảo đã từng viết bài giới thiệu về câu lạc bộ này rồi, nó không khỏi than thầm. Nào ngờ đúng vào lúc nó không còn hy vọng gì, ba lại rủ nó đi thăm võ sư Kim Liên, một trong những người phụ trách câu lạc bộ, bảo nó không mừng như bắt được vàng sao được!
Tất nhiên ba không hiểu ý nghĩa tiếng reo của nhỏ Hạnh. Thấy nó hào hứng, ba mỉm cười:
- Con quan tâm đến chuyện võ nghệ từ bao giờ thế?
Nhỏ Hạnh nói trớ:
- Hôm trước xem ti-vi, thấy các anh chị cascadeur giật giải trong “Trò chơi liên tỉnh” nên con tò mò thế thôi!
Ừ, trẻ con nào mà chẳng tò mò! Ba nghĩ thế nên khi nhỏ Hạnh đề nghị cho Tiểu Long và Quý ròm tháp tùng, ba vui vẻ đồng ý ngay.
Hẻm càng lúc càng sâu, bốn người vừa đi vừa dòm quanh quất, mãi vẫn chẳng thấy địa chỉ muốn tìm.
Nhỏ Hạnh chép miệng:
- Ba chưa đến đây lần nào sao?
- Chưa! Những lần trước ba chỉ gặp võ sư Kim Liên ở phòng tập của câu lạc bộ!
Đang nói, ba bỗng reo lên:
- A, kia rồi!
Đã được ba gọi điện thoại hẹn trước nên võ sư Kim Liên không hề bất ngờ trước sự viếng thăm của người quen cũ. Bà chỉ ngạc nhiên trước bọn trẻ lủ khủ đi theo:
- Ôi, ông nhà báo còn dẫn theo những hoàng tử, công chúa nào nữa thế này? Hay là định giới thiệu mầm non vào đội nhào lộn trong câu lạc bộ của tôi đây?
Ba cười:
- Con cháu tôi cả đấy! Chúng vốn hâm mộ câu lạc bộ Cascadeur nên biết tôi đến thăm chị, chúng nhất quyết đòi đi theo để “chiêm ngưỡng dung nhan” chị cho bằng được!
Võ sư Kim Liên trợn mắt:
- Ôi, chiêm ngưỡng dung nhan xấu xí của bà lão này ư? – Rồi bà vẫy tay, vui vẻ - Vậy thì xin mời quý khách vào tệ xá!
Hồi sáng, khi nghe nhỏ Hạnh tấm tắc thuật lại những điều ba nó kể về nữ võ sư Kim Liên, Tiểu Long và Quý ròm thán phục đến ngẩn ngơ. Và tụi nó mường tượng một nữ võ sư mang đai cấp mười tám của võ cổ truyền, lại thông thạo võ công của nhiều môn phái khác, hẳn phải là một người oai phong, quắc thước ghê gớm. Nào ngờ trước mắt tụi nó lúc này chỉ là một phụ nữ nhỏ nhắn trạc năm mươi tuổi, thậm chỉ có vẻ gầy gò, mảnh mai, khác hẳn với những gì tụi nó hình dung.
Quý ròm huých mạnh vào hông Tiểu Long, thì thào:
- Bà ấy cũng còm ròm giống như tao thôi!
Ngay lúc đó, ánh mắt của võ sư Kim Liên lia ngay đến chỗ hai đứa đứng khiến Tiểu Long quýnh quíu. Sợ thất lễ với chủ nhà, Tiểu Long vội né qua một bên tránh cú huých của Quý ròm.
Cú lách người bất thần của Tiểu Long làm Quý ròm mất thăng bằng. Nó hoảng hốt thấy người mình chao đi, nhưng đúng vào lúc nó loạng choạng sắp sửa ngã xoài ra đất thì xoẹt một cái, võ sư Kim Liên đã bắn đến bên cạnh và giữ chặt vai nó, miệng tủm tỉm:
- Cẩn thận chứ, chú bé!
Quý ròm đỏ bừng mặt. Nó lấm lét nhìn quanh với vẻ ngượng nghịu. Thật là chả ra gì! – Quý ròm tự rủa thầm – Nếu không nhờ bà võ sư gầy nhom này kịp thời ra tay, mình đã làm trò cười cho mọi người rồi! Ý nghĩ đó khiến Quý ròm càng thêm xấu hổ: Thế ra mình đánh giá về bà võ sư này sai be sai bét! Thân thủ của bà nhanh không tưởng tượng. Cú lạng người phi phàm kia cứ như thể của một cô gái trẻ, chẳng có vẻ gì được thực hiện bởi một phụ nữ trung niên cả!
Những hình ảnh trong các cuộn băng vi-đê-ô quay tại Pháp được chiếu trên màn ảnh ti-vi sau đó càng khiến Quý ròm ngạc nhiên về sự nhanh nhẹn kỳ lạ của người phó chủ nhiệm câu lạc bộ Cascadeur mảnh khảnh này.
Cùng với Tiểu Long và nhỏ Hạnh, nó nghệt mặt xem cảnh võ sư Kim Liên song đấu tay không và binh khí với các võ sĩ Mỹ, Pháp, Angiêri, Thuỵ Sĩ… Nó như không tin và mắt mình khi thấy bà nhanh như cheo, đánh đỡ tự tin, đẹp mắt và kiến hiệu trước những võ sĩ to gấp đôi, gấp ba bà giữa tiếng reo hò ngưỡng mộ của công chúng nước ngoài.
Sau đó, bọn trẻ còn được xem những cảnh biểu diễn rùng rợn của các thành viên câu lạc bộ Cascadeur như đu dây tử thần hoặc cảnh vừa rượt đuổi vừa bắn nhau với “bọn cướp” bằng cách nằm ngửa trên xe, hai tay vẩy hai súng còn chân thì lái xe, bóp thắng, rồ ga… Trong những trích đoạn đó, võ sư Kim Liên đã tham gia không ít những cảnh đứng tim khiến bọn trẻ vừa xem vừa giật mình thon thót.
Trong khi Tiểu Long, Quý ròm và nhỏ Hạnh mải mê và thích thú ngồi dán mắt vào màn hình xem cảnh võ sư Kim Liên đóng những pha chiến đấu thay cho diễn viên Hương Giang trong phim Tây Sơn hiệp khách, thay cho Việt Trinh trong Ngọc Trản thần công… thì bà ngồi điềm tĩnh trò chuyện với ba nhỏ Hạnh.
Bà tâm sự:
- Thực ra mục tiêu của câu lạc bộ chúng tôi không chỉ hướng tới việc đào tạo những người đóng thế vai trong điện ảnh. Tôi mơ ước sẽ xây dựng nó thành một Võ phái Nghệ thuật với mục tiêu biểu diễn và truyền bá, nhưng hiện nay hoàn cảnh còn khó khăn…
- Thế chị đi suốt như thế này, anh ấy có nói gì không?
Câu hỏi của ba nhỏ Hạnh làm mắt bà long lanh. Bà đáp với giọng hạnh phúc:
- Chồng, mẹ chồng và các con tôi đều cảm thông và ủng hộ công việc mà tôi đang say mê đeo đuổi!
Đang nói, như sực nhớ ra một việc, bà mỉm cười:
- Thú thật thì thời gian đầu, chồng tôi đôi lúc cũng bực mình! Có lần tôi mải đi biểu diễn về trễ, chẳng lo cơm nước gì cho anh ấy. Đẩy cửa bước vào nhà, tôi ngạc nhiên khi thấy một cái lồng bàn đậy giữa bàn ăn. Giở ra, tôi càng tá hoả. Trong lồng bàn chỉ có tờ bằng khen của tôi và chiếc đai của bộ võ phục mà thôi! Đó là một cách giận dỗi của anh ấy đấy!
Rồi bà vui vẻ tiếp:
- Nhưng đó là chuyện cũ, lâu rồi! Bây giờ những lúc mệt mỏi, nhớ chồng thương con, nếu không có sự động viên và cáng đáng của anh ấy, có lẽ tôi không đủ sức để theo nghề nữa…
- Hết rồi, cô ơi!
Tiếng kêu giật của Quý ròm cắt ngang câu chuyện giữa hai người. Võ sư Kim Liên quay lại:
- Gì thế cháu?
Quý ròm chưa kịp đáp, Tiểu Long đã hứng khởi vọt miệng:
- Phim hay quá cô ơi! Cô còn cuộn phim nào khác nữa không?
- Hôm nay trễ rồi các cháu! – Ba nhỏ Hạnh hắng giọng – Đã đến giờ cô Kim Liên phải có mặt tại câu lạc bộ rồi! Hôm khác chúng ta sẽ đến quấy rầy tiếp vậy!
Vừa nói ông vừa đứng lên khỏi ghế. Trong khi Quý ròm và nhỏ Hạnh lục tục đứng lên theo và lễ phép cáo từ chủ nhân thì Tiểu Long vẫn nấn ná hỏi thêm:
- Các anh chị cascadeur luyện tập ở đâu thế hở cô?
- Ở câu lạc bộ thể thao Nguyễn Du. Bọn cô thuê phòng tập ở đấy, mỗi tuần ba buổi, chiều thứ hai, thứ tư và thứ sáu! – Đáp xong, võ sư Kim Liên niềm nở mời – Hôm nào rảnh, các cháu cứ đến đó chơi!
- Chắc chắn tụi cháu sẽ đến ạ!
Tiểu Long hoan hỉ nói và lật đật chào người võ sư, nó hối hả quay người đi theo Quý ròm và nhỏ Hạnh.
Nhưng vừa ra khỏi cửa, Tiểu Long bỗng “Ơ” lên một tiếng rồi hấp tấp dừng chân, quay sang hai bạn:
- Chết rồi! Tụi mình quên hỏi chuyện kia!
- Chuyện kia là chuyện gì? – Quý ròm giương mắt ếch.
Nhỏ Hạnh đập tay lên vai Quý ròm:
- Thì chuyện anh Tú chứ chuyện gì! Mải xem phim, Hạnh cũng quên khuấy mất mục đích đến đây!
- Ờ há! – Quý ròm gãi gãi đầu – Đoảng thật! – Rồi nó đánh mắt sang Tiểu Long – Thế bây giờ mày chạy vào hỏi đi!
- Tao ư? – Tiểu Long giật bắn.
Quý ròm láu lỉnh:
- Thì mày chứ ai! Anh Tú là anh mày mà!
Tiểu Long rụt cổ:
- Thôi, tao không dám đâu! Mày mau mồm mau miệng, vào hỏi giùm tao đi!
- Thằng này lạ! – Quý ròm nheo mắt – Có gì phải sợ! Mày chỉ cần hỏi xem trong câu lạc bộ Cascadeur có người nào tên Tú không thôi!
Tiểu Long tròn mắt:
- Chỉ hỏi thế thôi ư?
- Thế thôi! Câu trả lời sẽ làm sáng tỏ tất cả.
- Thế thì được!
Tiểu Long nhè nhẹ thở ra và rụt rè quay trở vào nhà.
- Ôi, mấy đứa trẻ làm gì mà lâu thế?
Dắt xe ra một hồi, chẳng thấy bọn trẻ ra theo, ba nhỏ Hạnh sốt ruột cất tiếng gọi.
- Ba chờ tụi con một tí! – Nhỏ Hạnh ngoảnh lại đáp – Bạn Long bỏ quên nón, phải quay vào lấy!
Câu trả lời của nhỏ Hạnh làm ba ngạc nhiên:
- Bạn con khi nãy đâu có đội nón!
- Không đội nhưng cầm trên tay ạ! – Quý ròm phịa nhanh như máy.
Nó vừa nói dứt, Tiểu Long đã hớn hở quay ra.
Quý ròm nhìn bạn lom lom, giọng thăm dò:
- Không có ai tên Tú phải không?
Tiểu Long cười tươi:
- Có! Quả là có một anh chàng tên Tú!
- Có sao trông mày phởn thế? – Quý ròm không khỏi lấy làm lạ - Mày chẳng sợ anh Tú mày tham gia vào những trò diễn nguy hiểm sao?
- Sợ thì vẫn sợ! Nhưng không hiểu sao sau khi gặp võ sư Kim Liên, tao cảm thấy bớt sợ đi nhiều.
Nhỏ Hạnh tủm tỉm:
- Nghĩa là Long bắt đầu cảm thấy nghề này cũng hay hay chứ gì?
- Ừ!
Nhỏ Hạnh tủm tỉm thì Quý ròm cũng tủm tỉm:
- Nghĩa là mày không còn ý định ngăn cản anh Tú mày đóng phim nữa chứ gì?
Trái với suy nghĩ của Quý ròm, lần này Tiểu Long lại lắc đầu:
- Không! Tuy đã bớt sợ nhưng tao vẫn thấy lo lo là! Anh Tú tao không nên đi theo nghề này thì hơn!
Lối ăn nói mâu thuẫn của Tiểu Long khiến cặp lông mày Quý ròm nhăn tít. Nhưng nó không có thì giờ để hỏi tới hỏi lui. Giọng nói giục giã của ba nhỏ Hạnh một lần nữa lại vang lên:
- Lên xe đi các cháu!

Chương 5



Ba đứa chạy hai xe, trực chỉ đến câu lạc bộ thể thao Nguyễn Du.
Hôm trước, lúc Tiểu Long quay vào nhà hỏi thăm tin tức của anh Tú, võ sư Kim Liên dặn nó cứ đến phòng tập của câu lạc bộ, gặp anh Khế sẽ được hướng dẫn.
Anh Khế vốn là vô địch thể dục dụng cụ, là vận động viên nhào lộn cấp kiện tướng quốc gia, hiện ở trong Ban điều hành Câu lạc bộ Cascadeur. Anh là một người rất vui tính. Võ sư Kim Liên giới thiệu về người cộng sự của mình như vậy và bảo Tiểu Long cứ đến thẳng phòng tập gặp anh, đừng ngại.
Phòng tập của những cascadeur rộng rãi nhưng sơ sài, không bề thế như bọn Quý ròm tưởng. Căn phòng mênh mông chỉ có một bộ ván dậm, một dàn nhún bằng lò so đã gỉ sét, ba sợi “dây tử thần”, mười cặp móc, hai chiếc áo bảo hộ và một số binh khí như côn, đao, kiếm, có lẽ do câu lạc bộ tự trang bị.
Khi bọn trẻ bước vào đã thấy một số anh đang tập nhào lộn với nhiều tư thế ngoạn mục, người nào người nấy mồ hôi nhễ nhại. Ở góc phòng, một số khác, có cả các chị, đang hăm hở múa song kiếm và trường thương. Tất cả đều vận võ phục trắng nẹp đỏ, nom oai phong ra phết!
Tiểu Long quét mắt một vòng xem có anh Tú trong đó không nhưng chả thấy. Cả võ sư Kim Liên cũng không có mặt trong phòng.
Ngần ngừ một thoáng, Tiểu Long huých vai Quý ròm:
- Mày vào đi!
- Vào làm gì?
- Vào xin gặp anh Khế!
Quý ròm liếc mắt về phía người thanh niên cao lớn, đẹp trai, nom khá giống diễn viên điện ảnh Quách Phú Thành của Hồng Kông, đang hướng dẫn nhóm nhào lộn. Có lẽ anh Khế là anh này! Nó thầm nhủ và rón rén bước lại.
- Gì thế em?
Thấy ông nhóc lạ mặt lò dò lại gần, người thanh niên mỉm cười hỏi.
Quý ròm chớp mắt:
- Dạ, anh có phải là anh Khế?
Người thanh niên lộ vẻ ngạc nhiên:
- Đúng rồi! Em gặp anh có chuyện gì không?
Quý ròm liếm môi:
- Dạ, cô Kim Liên bảo tụi em đến gặp anh.
- Cô Kim Liên ư?
Anh Khế khẽ ngước mắt nhìn về phía Tiểu Long và nhỏ Hạnh đang đứng rồi chỉ chỉ tay vào chiếc băng dài kê sát tường, gật đầu nói:
- Em và các bạn ngồi đó đợi anh một lát!
Bọn Quý ròm ngồi làm khán giả chừng mười lăm phút thì anh Khế ra hiệu cho nhóm nhào lộn tạm nghỉ và nhanh nhẹn rảo bước về phía bọn trẻ:
- Cô Kim Liên dặn các em đến gặp anh có chuyện gì thế?
- Cũng chả có gì quan trọng đâu ạ! – Quý ròm gãi đầu – Tụi em chỉ muốn hỏi thăm một người.
- Hỏi thăm một người? – Anh Khế tò mò – Ai thế?
- Tụi em muốn gặp anh Tú.
- À! – Anh Khế gật gù – Anh Tú cũng ở trong nhóm nhào lộn. Nhưng hôm nay anh Tú cho biết sẽ đến trễ, các em đợi một lát thế nào cũng gặp.
Tiểu Long nhìn người thanh niên vạm vỡ trước mặt với vẻ ngưỡng mộ:
- Anh là vận động viên vô địch về môn thể dục dụng cụ ư?
Anh Khế mỉm cười:
- Trước đây thôi!
Tiểu Long tấm tắc:
- Trước đây hay bây giờ thì cũng thế! Đã là nhà vô địch thì oai phải biết!
Anh Khế vỗ vai Tiểu Long, giọng thân mật:
- Tưởng gì chứ nhà vô địch thì trong câu lạc bộ tụi anh thiếu gì! Anh Lữ Đắc Long là kiện tướng nhào lộn, ba lần vô địch toàn thành, hai chị Thuỳ Trang và Diễm Trang từng vô địch Teakwondo toàn quốc, riêng chị Kim Thoa còn giành được Huy chương bạc về môn võ gậy ở SEA Games 16 nữa đấy!
Tiết lộ của anh Khế làm Quý ròm há hốc miệng:
- Thế câu lạc bộ Cascadeur tập hợp toàn vận động viên cả sao?
- Chỉ một số thôi! Những người yêu thích và tham gia câu lạc bộ còn có cả bác sĩ, công an, thợ may, thợ cơ khí, sinh viên và võ sĩ thuộc mọi môn phái nữa. Như anh Tú mà tụi em đang đợi chẳng hạn, ảnh đang làm việc ở một nhà máy…
Quý ròm lấy vai đụng Tiểu Long một cái, thì thào:
- Đúng chóc anh Tú của mày rồi!
Tiểu Long hồi hộp quay sang bạn:
- Thế lát nữa gặp ảnh, tụi mình sẽ làm gì?
- Tao cũng chả biết nữa! – Câu hỏi bất thần làm Quý ròm bối rối, nó cũng chưa kịp nghĩ tới điều quan trọng đó.
Nhỏ Hạnh ngồi cạnh cũng nghệt mặt suy tính: Ừ nhỉ, nếu anh Tú đến, bọn mình sẽ phải ứng phó ra sao kìa?
Trong khi Tiểu Long, Quý ròm và nhỏ Hạnh còn đang loay hoay nghĩ ngợi, anh Khế bỗng reo khẽ:
- A! Anh Tú đến rồi kìa!
Rồi anh cất tiếng gọi lớn:
- Tú! Lại đây, có người cần gặp!
Quý ròm và nhỏ Hạnh giật mình ngoảnh phắt lại. Chỉ có Tiểu Long là cố tình quay đầu một cách chậm chạp, mặt đỏ nhừ vì lúng túng. Cho đến lúc này nó vẫn chưa biết sẽ phải nói gì với ông anh trong tình huống trớ trêu này.
Nhưng đến khi đã quay hẳn người lại, mặt nó đang đỏ lập tức chuyển qua xanh: người thanh niên đang từ từ tiến đến chỗ tụi nó ngồi là một anh chàng lạ hoắc lạ huơ.
- Ai tìm mình thế?
Khi đã đến sát bên, người thanh niên nhìn anh Khế, ngạc nhiên hỏi.
- Đây! – Anh Khế ngoảnh qua bọn Quý ròm lúc này đang ngồi lo sốt vó bên cạnh – Các bạn trẻ này đợi Tú từ nãy đến giờ đấy!
Anh thanh niên tên Tú nhìn lom lom vào mặt ba đứa trẻ:
- Có phải các em định tìm anh không?
- Dạ không ạ! – Quý ròm lí nhí đáp.
Câu trả lời của nó khiến hai anh chàng cascadeur tròn xoe mắt.
Anh Tú đưa mắt nhìn anh Khế ra ý hỏi. Còn anh Khế thì mãi một lúc sau mới mở miệng được. Anh nhíu mày ngó Quý ròm:
- Các em bảo các em muốn gặp anh Tú kia mà?
- Vâng ạ!
Sự thừa nhận của Quý ròm càng làm anh Khế thêm điên đầu:
- Thế chả phải anh Tú đang đứng trước mặt các em là gì?
Quý ròm ngượng nghịu:
- Nhưng anh Tú mà chúng em muốn tìm không phải là …anh Tú này ạ!
Tới đây anh Khế chừng như hiểu ra. Anh “à” một tiếng rồi gật gù:
- Thế các em muốn tìm anh Tú nào?
Câu hỏi đơn giản của anh Khế làm Quý ròm cứng họng. Hẳn nhiên anh Tú tụi nó tìm là ông anh của Tiểu Long! Nhưng ở câu lạc bộ Cascadeur này chắc chắn người ta không thể biết ông anh của Tiểu Long là ông anh cóc cắn nào! Nói ra điều đó chẳng khác nào đánh đố người nghe, vì vậy anh Khế hỏi cả buổi rồi mà Quý ròm cứ ấp a ấp úng chẳng biết phải giải thích như thế nào.
Thấy vì chuyện của mình mà Quý ròm lâm vào cảnh lúng túng như gà mắc tóc, Tiểu Long liền rụt rè lên tiếng:
- Anh Tú mà tụi em tìm chính là anh của em đấy ạ!
- Anh của em sinh hoạt ở đây ư? – Anh Khế tò mò nhìn Tiểu Long – Nhưng trong câu lạc bộ của tụi anh đâu còn ai tên Tú nữa! Chỉ có một anh Tú này thôi!
- Dạ, lúc đầu tụi em tưởng là như thế! Bây giờ thì tụi em biết là tụi em nhầm rồi ạ! – Quý ròm mau mắn đáp thay thằng mập, nó đã kịp lấy lại sự liến thoắng.
Anh Khế mỉm cười đứng dậy:
- Không sao! Nhầm lẫn là chuyện bình thường! Thôi, các em cứ ngồi chơi tự nhiên nhé, tụi anh phải tập tiếp đây!
Nói xong, anh cùng anh Tú bước ra giữa phòng và đưa hai tay lên khỏi đầu vỗ bôm bốp:
- Tiếp tục, các bạn ơi!
Trên băng ghế, nhỏ Hạnh thở dài:
- Thế là công toi!
Tiểu Long quay sang Quý ròm:
- Thôi, tụi mình về đi!
Nhưng Quý ròm làm như chẳng nghe thấy tiếng nói của Tiểu Long. Nó vẫn ngồi yên, không ừ không hử.
- Mày làm sao thế? – Tiểu Long trố mắt.
Nhỏ Hạnh tủm tỉm:
- Quý đinh ninh người cascadeur hôm nọ là anh Tú, bây giờ vỡ lẽ là mình đoán sai, Quý buồn đến mức không nhấc chân nhấc tay nổi đó thôi!
- Đừng có trêu thằng này! – Quý ròm hừ mũi – Chẳng có gì là không nhấc tay nhấc chân nổi!
Tiểu Long chép miệng:
- Thế thì về!
- Không! – Quý ròm lắc đầu – Đợi thêm một lát đã!
- Còn đợi gì nữa! Chẳng phải mày đã đoán nhầm rồi sao?
- Tao không đoán nhầm! – Quý ròm khăng khăng – Giọng nói của người cascadeur hôm nọ dứt khoát là giọng của anh Tú mày!
Thái độ ngoan cố của Quý ròm làm Tiểu Long giương mắt ếch:
- Anh Khế chả bảo ở đây không có một anh Tú nào khác là gì!
Quý ròm không đáp. Trước vẻ mặt ngơ ngác của hai bạn, nó đứng phắt dậy và đi thẳng lại chỗ anh Khế.
- Gì đấy em? – Anh Khế nhìn Quý ròm với vẻ ngạc nhiên – Các em chưa về sao?
- Dạ chưa ạ! – Quý ròm thoáng bối rối nhưng rồi nó cố trấn tĩnh – Em muốn hỏi anh thêm một chuyện!
- Em hỏi đi! – Anh Khế mỉm cười thân thiện.
Quý ròm chớp mắt:
- Anh có biết hai cascadeur đóng phim ở ngoài cầu Sài Gòn cách đây mấy ngày không?
- Đóng phim gì cơ? – Anh Khế nhíu mày.
Tất nhiên Quý ròm chả biết phim đó là phim gì.
- Em không rõ! – Nó nuốt nước bọt – Nhưng họ đóng cảnh bị cháy và nhảy xuống sông ấy!
Mắt anh Khế sáng lên:
- À, thế thì anh biết! Nhưng chỉ có cô gái là thành viên của câu lạc bộ bọn anh, còn anh chàng kia thì không phải!
- Không phải ư? – Quý ròm chưng hửng – Sao lạ thế hở anh?
- Chả có gì lạ cả! – Anh Khế khoa tay vào không khí – Như thế này này! Các thành viên câu lạc bộ Cascadeur đa số đều là võ sư, võ sĩ của nhiều môn phái nên thỉnh thoảng họ vẫn rủ bạn đồng môn đi đóng phim cho vui…
- Thế anh có biết anh chàng cascadeur đó tên gì không? – Quý ròm nôn nóng hỏi.
- Tất nhiên là biết! Anh ta tên Tuấn, đệ tứ đẳng Karaté!
- Tên Tuấn ư? – Quý ròm nghe như có một luồng điện chạy qua người.
- Đúng rồi! Anh ta là Nguyễn Minh Tuấn!
Đây đích thị là ông anh của Tiểu Long rồi! Võ sĩ Karaté Nguyễn Minh Tuấn anh của võ sĩ Teakwondo Nguyễn Minh Long, điều đó rõ ràng như hai với hai là bốn, không còn nghi ngờ gì nữa! Thế ra không phải anh Tú, mà là anh Tuấn! Quý ròm ngỡ ngàng nhủ bụng, nhưng để cho chắc ăn, nó nín thở hỏi dò:
- Thế anh có biết anh Tuấn đang làm việc ở đâu không?
Anh Khế lắc đầu:
- Không!
Rồi anh nheo mắt ngó Quý ròm:
- Nhưng em hỏi về anh Tuấn này làm gì kỹ thế?
- Dạ, không có gì ạ!
Sợ anh Khế vặn vẹo lôi thôi, Quý ròm chối phắt một câu rồi ấp úng cáo lui. Nhưng nó vừa đi được vài ba bước, anh Khế bỗng gọi giật:
- Này, này, anh nhớ ra rồi! Hình như anh ta làm việc ở một xí nghiệp may nào đấy…
- Cảm ơn anh! Thế thì đúng phóc rồi ạ!
Anh Khế chưa hiểu ra “đúng phóc rồi ạ” là cái quái quỷ gì thì Quý ròm đã bắn vọt lại chỗ Tiểu Long và nhỏ Hạnh ngồi, hối hả vẫy tay:
- Tụi mình đi!

Chương 6



- Bây giờ đi đâu đây?
Quý ròm còm nhom nhưng vọt lẹ như gió, mãi khi ra tới bãi giữ xe, Tiểu Long mới kịp hỏi một câu.
- Thì đi về chứ đi đâu!
Quý ròm đáp lửng lơ, nó vẫn chưa buồn tiết lộ bí mật vội.
Tiểu Long nhìn bạn bằng ánh mắt nghi ngờ:
- Khi nãy mày nói gì với anh Khế vậy?
- Tao hỏi ảnh có biết người cascadeur đóng cảnh lao xuống sông hôm nọ không?
Tiểu Long hồi hộp:
- Ảnh bảo sao?
- Ảnh bảo biết!
- Thế thôi ư?
Quý ròm khịt mũi:
- Rồi tao hỏi tiếp ảnh có biết người đó tên gì không?
Tiểu Long lặp lại câu hỏi vừa rồi:
- Ảnh bảo sao?
- Ảnh bảo biết! – Quý ròm cũng lặp lại câu trả lời khi nãy.
Nhỏ Hạnh một tay dắt xe một tay đẩy gọng kính, nhăn mặt trách:
- Có gì Quý nói đại ra đi, cứ úp úp mở mở hoài!
Quý ròm nhe răng cười:
- Thằng mập hỏi tới đâu tôi đáp tới đó thôi! Ăn nói cũng phải có trật tự nề nếp chứ!
- Thôi được rồi! – Tiểu Long lằm bằm – Thế anh chàng cascadeur đó tên gì?
Quý ròm nheo mắt:
- Không phải tên Tú!
- Cái đó thì tao biết rồi! – Tiểu Long nhún vai – Ngay từ đầu tao đã nói với mày các ông anh tao không thể nào đóng phim được kia mà!
Quý ròm vẫn thản nhiên:
- Không phải tên Tú nhưng tên Tuấn!
- Tuấn?
- Ừ.
- Gì Tuấn? – Tiểu Long lộ vẻ quan tâm.
- Nguyễn Minh Tuấn!
Tiểu Long hừ giọng:
- Xạo đi mày!
Không buồn để lời phản đối của Tiểu Long vào tai, Quý ròm tiếp tục:
- Nguyễn Minh Tuấn, đệ tứ đẳng Karaté, công nhân xí nghiệp may!
Tới đây thì Tiểu Long không nói “Xạo đi mày!” nữa. Nó thấp thỏm hỏi, miệng khô khốc:
- Mày nói thật đấy chứ?
- Thật trăm phần trăm!
Tiểu Long lại liếm môi:
- Anh Khế bảo vậy hả?
- Ừ.
Quý ròm gật đầu, rồi nó nhún vai tiếp:
- Và như vậy tao chỉ đoán sai có năm mươi phần trăm thôi! Tao chỉ nhầm anh Tuấn thành anh Tú!
Tiểu Long thở một hơi dài:
- Mày đoán sai là phải! Chiều hôm trước, anh Tuấn đã đóng kịch như thật! Cả tao lẫn mày đều bị lừa!
Quý ròm cười:
- Một người đã đóng kịch tài như thế chắc chắn đóng phim cũng tài không kém!
- Không được! – Ánh mắt Tiểu Long thoáng vẻ lo âu – Tao phải nói chuyện với anh Tuấn tao mới được!
Nhỏ Hạnh nãy giờ vẫn im lặng đi bên cạnh, giờ nghe Tiểu Long nói vậy liền buột miệng hỏi:
- Thế Long định nói những gì?
Tiểu Long thu nắm tay quẹt mũi:
- Lúc nãy tôi chưa nghĩ ra, nhưng bây giờ tôi nghĩ ra rồi. Tôi sẽ nói với ảnh là tôi đã biết chính ảnh đóng cảnh bị đốt cháy và nhảy xuống sông hôm nọ.
- Thế rồi sao nữa?
Tiểu Long chớp mắt:
- Tôi sẽ yêu cầu ảnh không tham gia vào những pha diễn nguy hiểm như vậy nữa!
- Nếu ảnh không nghe?
Tiểu Long huơ tay:
- Nếu ảnh không nghe, tôi sẽ méc mẹ!
Nhỏ Hạnh cười khúc khích:
- Long làm như anh Tuấn là trẻ con không bằng! Hở tí là méc mẹ!
- Tại Hạnh không biết đó thôi! – Tiểu Long nghiêm trang – Bốn anh em tôi không ai dám cãi lời mẹ! Anh Tuấn là anh cả, càng sợ bị mẹ rầy!
Quý ròm không bỏ lỡ cơ hội trêu bạn:
- Thế mày không phải con cả thì không sợ mẹ rầy hay sao?
Tiểu Long nhăn mặt:
- Tao đâu có nói như thế!
- Thôi được rồi! – Nhỏ Hạnh nói – Tối nay Long cứ gặp anh Tuấn xem sao!
Tuy đã có sẵn kế hoạch, Tiểu Long vẫn không nén nổi bồn chồn khi nghĩ đến cuộc gặp gỡ tối nay. Nghe nhỏ Hạnh nhắc, nó càng thêm lo.
Và không chỉ Tiểu Long, hôm đó Quý ròm và nhỏ Hạnh cũng ra về trong tâm trạng phấp phỏng, không rõ bạn mình có thuyết phục được ông anh ham đóng phim này không.
Nhưng Quý ròm và nhỏ Hạnh chỉ phấp phỏng có một đêm. Sáng hôm sau lên trường, gặp bộ mặt tươi hơn hớn của Tiểu Long, hai đứa hỏi ngay:
- Kết quả thế nào rồi?
Tiểu Long giơ ngón tay cái lên trời:
- Ngon lành!
Quý ròm rùn vai:
- Tao hỏi là hỏi kết quả cuộc nói chuyện giữa hai anh em mày chứ có hỏi tối hôm qua mày ăn món gì đâu mà la ngon?
- Quý sao lúc nào cũng đùa được! – Sau khi lườm Quý ròm một cái, nhỏ Hạnh quay sang Tiểu Long – Đầu đuôi thế nào, Long kể nghe coi!
Tiểu Long chớp mắt:
- Ngay câu đầu tiên tôi đã hỏi thẳng liền!
Quý ròm khịt mũi:
- Hỏi thẳng là sao mà hỏi cong là sao?
Tiểu Long mím môi:
- Tao hỏi người cascadeur đóng cảnh nhảy xuống sông Sài Gòn hôm trước là anh phải không?
- Thế anh Tuấn mày nói sao? – Quý ròm hồi hộp hỏi, nó đã thôi bông phèng.
- Thoạt đầu ảnh chối!
Quý ròm gật gù:
- Thế là mày đem chuyện mày đã đến Câu lạc bộ Thể thao Nguyễn Du gặp anh Khế ra kể?
- Không! – Tiểu Long lắc đầu – Tao chưa nhắc đến chuyện đó vội! Tao bảo là hôm đó thằng Quý ròm bạn em có mặt nơi quay phim và đã trông thấy anh!
- Bỏ xừ rồi! – Quý ròm giật bắn – Sao mày lại đem tao ra làm bằng chứng? Mày không sợ anh Tuấn mày làm mặt lạnh với tao sao?
- Mày yên tâm! – Tiểu Long trấn an bạn – Đem mày ra làm bằng chứng rốt cuộc cũng chả ích gì! Anh Tuấn tao cứ khăng khăng phủ nhận! Ảnh bảo chắc là mày nhầm ảnh với ai!
Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi:
- Thế sau đó thì sao?
Tiểu Long cười hì hì:
- Sau đó tôi buộc phải thuật lại chuyện bọn mình mò đến phòng tập của Câu lạc bộ Cascadeur chứ thì sao! Tôi bảo thằng Quý ròm có thể nhầm nhưng anh Khế nhất định không nhầm!
Quý ròm nheo mắt:
- Chà, dạo này miệng lưỡi mày cũng sắc bén gớm!
Nhỏ Hạnh mỉm cười:
- Thế là anh Tuấn hết đường quanh co?
- Ừ! Cuối cùng ảnh đành phải thú nhận! – Đang tươi tỉnh, đôi mắt Tiểu Long bỗng cụp xuống – Và ảnh bảo…
- Ảnh bảo sao? – Quý ròm chồm tới – Làm gì mày ấp a ấp úng thế?
Giọng Tiểu Long buồn buồn:
- Ảnh bảo… vì mẹ tao dạo này hay đau lưng…
Lần thứ hai Tiểu Long bỏ lửng câu nói. Và câu nói nửa chừng của nó khiến hai đứa bạn nó ngớ người ra chẳng hiểu gì cả.
Mãi một lúc nhỏ Hạnh mới ngập ngừng lên tiếng:
- Long muốn nói vì mẹ Long hay đau lưng nên anh Tuấn phải đi đóng phim hay sao?
Tiểu Long không nói gì, chỉ lặng lẽ gật đầu.
- Tao chả hiểu gì cả! – Quý ròm bứt tóc kêu – Việc anh Tuấn mày đi đóng phim với việc mẹ mày đau lưng đâu có liên quan gì với nhau!
Đôi mắt Tiểu Long trở nên xa vắng, nó nói bằng giọng trầm trầm:
- Anh tao muốn mua cho mẹ tao một cái máy giặt!
Lời giải thích của Tiểu Long ngắn gọn nhưng lần này Quý ròm và nhỏ Hạnh đều hiểu.
So với mẹ nhỏ Hạnh và mẹ Quý ròm, mẹ của Tiểu Long vất vả hơn nhiều. Chả bù với ba ông con trai khoẻ mạnh của mình, mẹ Tiểu Long vốn gầy gò, lại ngày nào cũng ngồi suốt từ sáng đến tối ngoài quầy tạp hoá, chả được ngả lưng lấy một tẹo, tối về còn phải gò người giặt giũ quần áo của cả nhà. Ba Tiểu Long và hai ông anh đi làm suốt, chẳng đỡ đần được mấy tí. Nhỏ Oanh thì còn bé, chỉ có thể phụ mỗi chuyện bếp núc.
Tiểu Long thấy cảnh mẹ quần quật suốt, muốn giúp đỡ mẹ nhưng chẳng biết làm sao. Có những buổi chiều, sau khi học bài xong nó len lén lôi thau quần áo ra giặt, nhưng bị mẹ bắt gặp và mắng cho, từ đó tịt luôn. Mẹ nó chỉ muốn nó dồn tâm trí và thời gian vào bài vở. Anh Tuấn và anh Tú nó vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã phải bỏ học từ năm lớp chín, bây giờ mẹ nó không muốn nó và nhỏ Oanh đi theo con đường của hai ông anh.
Những chuyện đó Quý ròm và nhỏ Hạnh đều biết. Chơi thân với nhau nhiều năm, tất nhiên tụi nó thừa hiểu tâm sự cũng như mơ ước của bạn mình. Tụi nó thừa hiểu Tiểu Long là đứa con hiếu thảo, lúc nào cũng canh cánh mong cho mau lớn để ra đi làm hòng đỡ bớt gánh nặng cho ba mẹ. Và cũng chính vì hiểu rõ bạn mình như vậy, Quý ròm không khỏi ngẩn ngơ nhủ bụng: “Anh Tuấn đã nói thế, chả hiểu thằng mập sẽ đối đáp làm sao!”.
- Thế anh Tuấn đã mua được máy giặt chưa? – Nhỏ Hạnh đột nhiên hỏi.
- Chưa!
- Chưa ư? – Nhỏ Hạnh tròn mắt.
Tiểu Long buồn bã:
- Anh Tuấn bảo chưa đủ tiền. Pha đóng phim vừa rồi người ta chỉ trả có năm trăm ngàn.
Quý ròm liếm môi:
- Thế máy giặt đắt lắm hay sao?
Tiểu Long gật đầu:
- Ừ, những mấy triệu đồng một cái lận!
- Ôi! – Quý ròm thè lưỡi – Thế biết đến bao giờ mới mua được?
Mắt Tiểu Long đột nhiên long lanh:
- Nhưng anh Tuấn tao bảo trong xí nghiệp có người bán lại một cái máy cũ với giá chỉ một triệu hai thôi.
- Một triệu hai? – Nhỏ Hạnh nhíu mày – Như vậy vẫn còn thiếu đến bảy trăm ngàn đồng nữa!
Quý ròm nhìn lom lom vào mặt Tiểu Long:
- Thế anh Tuấn mày định sẽ đi đóng phim tiếp ư?
- Ừ! – Tiểu Long cắn môi – Nhưng tao kịch liệt phản đối. Tao không muốn anh tao tiếp tục mạo hiểm.
- Thế anh mày trả lời sao?
- Thoạt đầu ảnh không chịu nghe tao! – Tiểu Long đưa tay quẹt mũi – Đến khi tao doạ méc mẹ, ảnh mới chịu nhượng bộ! Ảnh bảo những người đến với nghề này thực ra là do lòng say mê chứ không ai vì tiền bạc hoặc vì muốn được nổi tiếng cả. Trên màn ảnh, người cascadeur luôn phải giấu mặt, khán giả chỉ nhìn thấy diễn viên chính chứ không bao giờ nhìn thấy kẻ thế vai, do đó những ai mong được nổi tiếng sẽ chẳng đi vào nghề này. Tiền bạc cũng vậy. So với công sức phải bỏ ra và mức độ nguy hiểm phải đương đầu, tiền thù lao mà cascadeur nhận được từ những chủ phim không đáng là bao!
Quý ròm tặc lưỡi:
- Thế anh mày thì sao?
- Trường hợp của anh tao thì khác! Lúc đầu ảnh đi theo một người bạn trong Câu lạc bộ Cascadeur đến mấy chỗ quay phim chỉ vì tò mò và ham vui thôi. Tuy rất thích thú với những cảnh diễn của các thành viên câu lạc bộ nhưng ảnh vẫn không có ý định đi vào cái nghề nguy hiểm này. Cho đến ngày mẹ tao ngồi đâu cũng quài tay ra sau lưng đấm thùm thụp…
- Thì anh mày chính thức tham gia vào Câu lạc bộ Cascadeur? – Quý ròm gật gù vẻ hiểu biết.
- Không! – Tiểu Long lắc đầu – Anh tao chỉ định tham gia một vài cảnh để kiếm đủ tiền mua máy giặt thôi!
Nhỏ Hạnh buột miệng:
- Nhưng anh Tuấn đã kiếm đủ tiền đâu?
- Không đủ cũng đành chịu, phải dành dụm hoặc xoay xở bằng cách khác! – Tiểu Long chép miệng – Một khi đã phát hiện được chuyện này, tôi nhất quyết ngăn cản đến cùng!
- Lạ thật đấy! – Quý ròm nheo mắt nhìn bạn – Mày lúc nào cũng mơ trở thành diễn viên võ thuật thượng thặng cỡ Thành Long, Lý Liên Kiệt mà nghe anh mình đi đóng phim lại đâm ra lo sợ và một mực phản đối!
Câu nói của Quý ròm làm Tiểu Long thộn mặt vì bối rối. Phải ngẩn tò te mất một lúc, nó mới nghĩ ra câu trả lời:
- Nhưng anh Tuấn tao đâu có nuôi mộng trở thành diễn viên võ thuật như tao. Nếu đó là sự nghiệp mà anh tao đeo đuổi và sẵn sàng chấp nhận mọi bất trắc vì nó thì tao sẽ không phản đối! Nhưng ở đây không có gì giống như thế! Chuyện anh tao đi đóng phim chỉ là bất đắc dĩ thôi!

Chương 7



Suốt một tuần lễ liền, Tiểu Long không nói gì với anh Tuấn về chuyện đóng phim đóng phiếc nữa. Nó cũng không hé môi với bất kỳ ai trong nhà về chuyện này. Hai anh em đã thoả thuận với nhau như vậy.
Tiểu Long cũng chẳng thấy có lý do gì để tiết lộ bí mật của anh Tuấn. Nếu mẹ biết, mẹ chỉ càng thêm lo. Hơn nữa, anh Tuấn đã hứa với nó là sẽ không nhận đóng bất cứ một vai diễn nào nữa. Mà nó, nó chỉ mong có thế thôi.
Nhưng Tiểu Long cũng không yên tâm được lâu. Mới đây nó nhìn thấy những vết trầy khả nghi trên cườm tay của anh Tuấn.
Tuy anh Tuấn cố mặc áo dài tay để che vết xước nhưng đến ngày thứ ba thì Tiểu Long phát hiện ra.
- Tay anh bị làm sao thế? – Nó nghi hoặc hỏi.
- Tay anh có bị làm sao đâu! – Anh Tuấn đáp với vẻ thản nhiên.
- Anh đừng có dối em! – Tiểu Long khịt mũi – Em thấy tay anh bị trầy!
- Ờ, ờ! – Anh Tuấn lúng túng – Chỉ là một vết trầy nhỏ thôi mà! Anh cũng chả để ý nữa!
- Vết trầy không nhỏ như anh nói đâu! – Tiểu Long liếm môi – Anh đau lắm phải không?
- Anh chả thấy đau tí ti nào!
Tiểu Long nhìn chằm chằm vào mắt ông anh:
- Nhưng làm sao tay anh bị trầy thế?
- Có gì đâu! – Anh Tuấn nhún vai – Anh bất cẩn nên va phải cánh cổng ở nhà máy thôi!
- Va phải cánh cổng mà trầy đến bốn năm đường như thế?
Anh Tuấn tặc lưỡi:
- Biết làm sao được! Trên cổng có rất nhiều sợi kẽm, hễ sơ ý là bị chúng cào phải ngay!
Tiểu Long bán tín bán nghi nhưng không nghĩ ra cách nào để bắt bẻ. Nó quay đi mà bụng cứ lo lắng không đâu.
Ngày hôm sau, Tiểu Long gặp Quý ròm:
- Tao nghi quá mày ạ!
- Nghi chuyện gì?
- Chuyện anh Tuấn tao ấy!
- Anh Tuấn mày sao?
Tiểu Long thu nắm tay quẹt mũi:
- Tao nghi ảnh lại lén đi đóng phim!
Nói xong, Tiểu Long bồn chồn thuật lại những điều nó vừa phát hiện.
Quý ròm nhún vai:
- Muốn biết thật hư trong chuyện này chả có gì khó!
- Không khó? – Tiểu Long trố mắt.
- Ừ! – Quý ròm nhún vai – Đến gặp anh Khế hỏi là biết ngay!
- Hay đấy! – Tiểu Long mừng rơn – Có thế mà tao cũng chẳng nghĩ ra!
Rồi nó nhìn lom lom vào mặt Quý ròm, nôn nóng hỏi:
- Thế chừng nào tụi mình đi?
- Đi đâu?
- Đi gặp anh Khế chứ đi đâu!
Quý ròm lắc đầu:
- Không đi nữa!
Câu trả lời của Quý ròm làm Tiểu Long chưng hửng:
- Sao thế? Vừa rồi mày chả bảo phải đi gặp anh Khế là gì?
- Nhưng tao nghĩ lại rồi! – Quý ròm chậm rãi – Nếu anh Tuấn cố tình làm như thế, chắc chắn ảnh đã nhờ anh Khế che giấu giùm ảnh rồi!
- Ừ, có lẽ thế! – Tiểu Long gật gù, rồi nó cắn môi hỏi – Thế bây giờ tao phải làm sao?
Quý ròm vung tay:
- Đến nhà máy nơi anh Tuấn mày làm việc!
Tiểu Long ngơ ngác:
- Đến đó làm gì?
- Sao lại đến làm gì? – Quý ròm hừ giọng – Đến xem có đúng là trên cánh cổng có những sợi kẽm như anh Tuấn mày mô tả không!
- Tao hiểu rồi! – Tiểu Long thở dài – Nếu trên cổng không có sợi kẽm nào nghĩa là anh Tuấn tao đã phịa chuyện?
- Đúng vậy! Và thế là anh mày hết đường chối quanh!
Tiểu Long tấm tắc:
- Mày thông minh ghê!
Được khen, Quý ròm phổng mũi.
- Thông minh gì đâu! – Nó nói, khiêm tốn một cách sung sướng.
Nhưng Quý ròm sung sướng được có một ngày. Ngày hôm sau, vừa thấy mặt nó, Tiểu Long đã thở đánh thượt:
- Hỏng bét rồi!
- Hỏng bét chuyện gì?
- Chuyện cánh cổng ở nhà máy anh tao ấy!
Quý ròm mở to mắt:
- Mày đã đến đó chưa?
- Đến rồi!
- Thế nào? Có sợi kẽm nào trên cánh cổng không?
- Chả có sợi kẽm nào cả! Cổng chỉ là một tấm sắt dày, có bánh xe ở dưới để đẩy qua đẩy lại thôi!
Quý ròm nín thở:
- Thế mày đã nói chuyện với anh Tuấn mày chưa?
- Rồi! – Tiểu Long vò đầu – Tao giở chuyện cánh cổng, tưởng phen này bắt bí được anh tao, không ngờ anh tao tỉnh khô! Ảnh bảo sau khi ảnh bị trầy tay, người ta đã tháo những sợi kẽm đó đi rồi!
Quý ròm khịt mũi:
- Anh mày phịa đó thôi!
- Tao cũng nghĩ vậy! – Tiểu Long tặc lưỡi – Nhưng chả có cách nào làm cho ra lẽ!
Quý ròm cau mày nghĩ ngợi. Nó định đưa tay vỗ vỗ trán nhưng sực nhớ nó không phải là nhỏ Hạnh, liền bỏ tay xuống, nói:
- Tao nghĩ ra cách rồi!
- Cách gì? – Tiểu Long sáng mắt.
- Kiếm nhỏ Hạnh!
- Kiếm Hạnh làm gì?
- Sao lại làm gì? – Quý ròm tằng hắng – Chắc chắn nhỏ Hạnh sẽ nghĩ ra cách nào đó!
Tiểu Long xì một tiếng:
- Tưởng mày nghĩ ra cách gì, té ra cách nhờ vả người khác!
- Rõ là đồ ngốc tử! – Quý ròm kéo tay bạn – Đây không phải nhờ vả, mà gọi là… là gì nhỉ? À, gọi là “phát huy trí tuệ tập thể”, hiểu chưa?
Nhỏ Hạnh lắng tai nghe Tiểu Long tường thuật lại những dấu hiệu khả nghi vừa được phát hiện, không nói một tiếng nào. Ngay cả khi Tiểu Long kể xong cả buổi rồi, nó vẫn ngồi im cau mày nghĩ ngợi. Thấy “trí tuệ” của cô bạn gái chẳng chịu “phát huy” tẹo nào,Tiểu Long sốt ruột:
- Giờ phải làm sao đây Hạnh?
- Hạnh đang suy tính! – Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi, chậm rãi nói – Theo Hạnh, có lẽ tụi mình không cần phải theo dõi anh Tuấn!
Tiểu Long ngạc nhiên:
- Nếu không thế làm sao biết được ảnh có tiếp tục đi đóng phim hay không?
- Tụi mình sẽ điều tra theo hướng khác! – Nhỏ Hạnh trầm ngâm – Tụi mình sẽ tìm hiểu xem đoàn làm phim hôm trước đang quay phim gì, và thăm dò xem bao giờ thì họ sẽ lại quay những cảnh có cascadeur tham gia diễn xuất!
- Hay đấy! – Quý ròm gật gù – Và mình sẽ đến ngay “hiện trường” để bắt quả tang nếu như anh Tuấn có mặt ở đó!
- Đúng rồi! – Mặt Tiểu Long rạng lên – Chỉ có cách đó anh tao mới hết đường chối cãi!
Đang hào hứng, Tiểu Long bỗng thộn mặt:
- Ôi, nhưng làm sao biết được phim người ta đang quay là phim gì?
Quý ròm tủm tỉm:
- Chuyện này chắc phải nhờ Hạnh hỏi giùm! Ba Hạnh là nhà báo cơ mà!
Nhỏ Hạnh nguýt bạn:
- Ba Hạnh là nhà báo chứ Hạnh có là nhà báo đâu!
Tuy nói vậy, hai hôm sau nhỏ Hạnh đã tươi tỉnh thông báo:
- Ba Hạnh hỏi giùm rồi! Phim đó là phim “Cạm bẫy giữa ban ngày”!
Tiểu Long nuốt nước bọt:
- Thế chừng nào người ta sẽ lại quay những cảnh có cascadeur tham gia?
Nhỏ Hạnh lắc đầu:
- Chuyện đó thì ba Hạnh không biết!
- Thế thì cũng như không! – Tiểu Long xịu mặt.
- Dễ thôi! – Quý ròm vọt miệng – Muốn biết chuyện đó thì cứ đến hỏi đoàn làm phim!
- Không được đâu! – Nhỏ Hạnh chép miệng – Đoàn làm phim thường xuyên đi đây đi đó, không dễ gì gặp được họ!
- A, tôi nghĩ ra rồi! – Quý ròm thình lình – Dò hỏi các anh chị trong Câu lạc bộ Cascadeur! Hôm trước anh Khế chả bảo người nữ đóng chung với anh Tuấn là một thành viên của Câu lạc bộ là gì!
Nhỏ Hạnh gục gặc đầu:
- Ừ, có lẽ chỉ còn cách đó thôi!

Chương 8



Đúng ba giờ rưỡi chiều thứ bảy tuần này, tức là chỉ còn ba ngày nữa, đoàn làm phim “Cạm bẫy giữa ban ngày” sẽ quay một cảnh khá rùng rợn do các cascadeur thủ vai. Đó là tin tức bọn Quý ròm thu lượm được từ một anh chàng tên Thịnh trong câu lạc bộ.
Anh Khế và cả cô gái đóng chung cảnh phóng người xuống sông với anh Tuấn hôm trước đều tỏ vẻ ù ù cạc cạc khi nghe bọn Quý ròm hỏi về cảnh quay sắp tới, chả rõ là không biết thật hay giả bộ. May mà cuối cùng bọn nó cũng dò la được ít nhiều.
Nhưng bọn Quý ròm chỉ dò la được có thế. Anh chàng tên Thịnh chỉ khẳng định cảnh quay này sẽ được thực hiện vào chiều thứ bảy ngay tại thành phố, nhưng địa điểm cụ thể thì anh ta không rõ.
Trên đường về, Tiểu Long cứ thở dài thườn thượt:
- Chả biết địa điểm thì cũng bằng không!
Quý ròm và nhỏ Hạnh nghe rõ lời than thở của Tiểu Long nhưng không đứa nào nói gì. Tụi nó vẫn chưa nghĩ ra cách nào giúp bạn.
Mãi một lúc nhỏ Hạnh mới nhỏ nhẹ lên tiếng:
- Nhưng chắc gì anh Tuấn sẽ tham gia vào cảnh quay này!
Lời an ủi của cô bạn gái càng khiến Tiểu Long thêm ngán ngẩm:
- Nếu không đến tận nơi thì tụi mình chẳng thể biết chắc được điều gì!
Thấy thằng mập bực bội, nhỏ Hạnh liền làm thinh. Nó lầm lũi đạp xe, cặp lông mày nhíu lại. Đã mấy lần nó định đưa tay lên vỗ vỗ trán theo thói quen nhưng lại sợ té, đành tặc lưỡi nắm chặt ghi-đông.
Quý ròm ngồi ngậm tăm nãy giờ phía sau, đột ngột chồm tới vỗ vai Tiểu Long:
- A, có một cách!
- Cách gì? – Tiểu Long ngoảnh cổ hỏi.
Giọng Quý ròm tươi tỉnh:
- Tụi mình đã biết là chiều thứ bảy này sẽ có cảnh quay phải không?
- Ừ.
- Thế từ nay đến đó mày tìm cách trò chuyện với anh mày, dò xem anh mày phản ứng ra sao?
Tiểu Long im lặng một hồi rồi đáp, giọng thiếu tin tưởng:
- Cũng được! Nhưng tao e chả có kết quả gì. Lần này nếu vẫn bí mật đóng phim, chắc chắn anh tao sẽ rất cảnh giác!
- Thì cứ thử xem! – Quý ròm nhún vai – Nếu không có kết quả, tụi mình sẽ tính cách khác!
- Cách gì?
- Đừng nóng ruột! Tối nay cứ dò hỏi anh mày đi đã!
Nghe Quý ròm nói vậy, Tiểu Long chả buồn vặn vẹo nữa.
Tối, đợi cả nhà cơm nước xong xuôi, nó mon men lại gần anh Tuấn:
- Anh Tuấn nè!
- Gì thế em?
Ánh mắt của anh Tuấn tự dưng làm cổ Tiểu Long khô lại. Định tìm cách thăm dò thái độ của ông anh nhưng khi vào chuyện, nó lại cảm thấy khó khăn làm sao.
Mãi một hồi nó mới mở miệng được, nhưng chỉ để hỏi một câu ngớ ngẩn:
- Anh vẫn đi làm bình thường chứ hả?
- Tất nhiên là bình thường!
Anh Tuấn đáp và Tiểu Long có cảm giác anh phải cố để khỏi phì cười về câu hỏi kỳ quặc của nó. Vì thế, cổ nó đã khô lại càng khô. Đến lúc này Tiểu Long mới hối hận là đã không rủ Quý ròm về nhà. Thằng ròm mồm mép lanh lợi, sắc bén, lại lắm mưu mẹo, có nó bên cạnh dù sao cũng yên tâm hơn nhiều.
Thấy ông em ngồi thuỗn ra, anh Tuấn mỉm cười:
- Em chỉ hỏi anh có thế thôi sao?
- À, không! Còn… còn một chuyện…
Tiểu Long ấp úng đáp, trong một thoáng nó có cảm giác anh Tuấn đang điều tra nó chứ không phải là ngược lại.
- Chuyện gì thế? – Anh Tuấn lại hỏi.
- À! – Tiểu Long nuốt nước bọt, cố trấn tĩnh – Em muốn hỏi về đoàn làm phim ấy mà!
- Đoàn làm phim nào?
- Đoàn làm phim hôm trước chứ đoàn làm phim nào! Đoàn làm phim mà anh đã từng tham gia ấy!
- Đoàn làm phim đó làm sao?
Tiểu Long chớp mắt:
- Anh có biết bộ phim người ta đang quay là phim gì không?
- Tất nhiên là biết! – Anh Tuấn thản nhiên – Đó là phim “Cạm bẫy giữa ban ngày”!
- Thế người ta đã quay xong chưa?
- Điều này thì anh không rõ! – Anh Tuấn giọng thật như đếm – Nhưng anh nghĩ là chưa xong!
Tiểu Long nhìn chăm chăm vào gương mặt điềm tĩnh của ông anh, thất vọng khi chẳng tìm thấy một dấu hiệu bối rối nào. Cho đến lúc này, nó vẫn không đoán được anh Tuấn nó nói thật hay chỉ vờ vịt. Hôm trước hai anh em đã giao ước với nhau là không đề cập gì đến chuyện đóng phim của anh Tuấn nữa nên Tiểu Long không tiện hỏi thẳng. Loay hoay một hồi chẳng nghĩ được mẹo nào, nó quyết định nói huỵch toẹt:
- Chiều thứ bảy này đoàn làm phim “Cạm bẫy giữa ban ngày” có một cảnh quay rùng rợn lắm đấy!
Anh Tuấn ngạc nhiên:
- Sao em biết?
Tiểu Long chẳng buồn giấu giếm:
- Em nghe các anh ở Câu lạc bộ Cascadeur nói!
Mặt anh Tuấn thoáng lộ vẻ khác lạ. Trán anh khẽ cau lại nhưng rồi dãn ra ngay. Anh hỏi với vẻ điềm nhiên:
- Họ quay ở đâu thế?
- Em không rõ! Em chỉ định hỏi xem anh có biết nơi đó không!
- Anh không biết! Đã lâu rồi anh không liên lạc với bọn họ!
Thế là công cốc! Nếu có thằng ròm ở đây, nó có thể nghĩ ra những câu hỏi thông minh! Mình chỉ hỏi toàn câu những câu ngốc nghếch, chả lần ra được chút đầu mối nào! Tiểu Long thở dài và cố tìm cách vớt vát:
- Nhưng anh có thể hỏi giùm tụi em! Tụi em định đi xem!
- Anh không thể hỏi giùm em được! – Anh Tuấn lắc đầu – Từ hôm nay đến thứ bảy, ngày nào anh cũng phải có mặt ở nhà máy!
Lời từ chối của anh Tuấn kết thúc luôn cuộc điều tra vụng về của “thám tử” Tiểu Long.
Khi nghe thằng mập thuật lại mọi chuyện, Quý ròm ôm bụng cười bò:
- Trời ơi là trời! Như vậy là mày thú tội với anh Tuấn chứ đâu phải mày điều tra!
- Thú tội? – Tiểu Long giương mắt ếch – Tao thú tội gì đâu?
- Vậy mà còn cãi! – Quý ròm nheo mắt – Chả phải sau cuộc “điều tra” ngốc nghếch kia, anh Tuấn đã biết tỏng hành động cũng như ý định của mày, còn mày thì chẳng biết cóc gì về hành động của anh Tuấn hay sao?
Nhận xét của Quý ròm khiến Tiểu Long ngẩn tò te. Nó gãi gãi tai:
- Ờ há!
Rồi nó liếc Quý ròm:
- Thế mình phải tính cách sao?
Quý ròm nghiêm nghị:
- Chỉ còn một cách cuối cùng!
Tiểu Long hồi hộp:
- Cách gì vậy?
Quý ròm hắng giọng:
- Chiều thứ bảy này tao và mày sẽ đến…
- Đến sao được mà đến! – Tiểu Long vùng kêu lên – Tụi mình đã biết người ta quay phim ở địa điểm nào đâu!
- Rõ là đồ ngốc tử! – Quý ròm trừng mắt – Đã không biết thì làm thinh quách đi cho rồi! Ai bảo mày là tụi mình sẽ đến chỗ quay phim?
- Không phải đến chỗ quay phim ư? – Tiểu Long ngơ ngác – Thế đến đâu?
Quý ròm buông từng tiếng một:
- Đến nhà máy nơi anh Tuấn mày làm việc!
- Chi vậy? – Tiểu Long vẫn chưa hiểu.
- Mình sẽ mai phục trước nhà máy chứ chi! – Quý ròm lườm bạn – Nếu chờ đến ba giờ vẫn không thấy anh Tuấn mày ra khỏi nhà máy thì có thể yên tâm là anh mày thực sự không tham gia vào chuyện phim phiếc này nữa! Còn nếu ảnh ra ngoài thì tao và mày sẽ bí mật bám theo!
Tiểu Long lại gãi gãi tai:
- Ờ há!
Và lại khen bạn:
- Mày thông minh ghê!
Lần này Quý ròm không buồn khiêm tốn như hôm trước. Nó cười toét miệng:
- Còn phải nói!
Tiểu Long lại hỏi:
- Rủ Hạnh đi không?
- Đi đâu?
- Đi đến nhà máy ấy!
Quý ròm ngần ngừ:
- Thôi khỏi! Những chuyện “trinh sát” như thế này, càng ít người càng tốt!
Quý ròm bảo “ít người” tức là chỉ có nó và Tiểu Long. Nhưng Tiểu Long dường như muốn “ít người” hơn nữa cho nên đến đến chiều thứ bảy, ngay trước giờ lên đường, nó đột nhiên nằng nặc đòi ở nhà:
- Thôi, mày đi một mình đi! Có gì thì chạy về cho tao hay!
Quý ròm chưng hửng:
- Mày làm sao thế? Có ấm đầu không đấy?
- Tao chả làm sao cả! – Tiểu Long nhăn nhó – Nhưng tao không muốn để anh Tuấn bắt gặp tao lảng vảng quanh nhà máy!
- Anh Tuấn bắt gặp thì sao?
- Hai anh em đã thoả thuận rồi! Nếu ảnh biết tao theo dõi ảnh tới tận chỗ làm, tao sẽ không yên thân đâu!
- Xạo đi mày! – Quý ròm nheo nheo mắt – Hôm trước mày mò tới nhà máy để xem xét cánh cổng sao mày chẳng sợ, bây giờ lại sợ?
Tiểu Long liếm môi:
- Hôm trước tao đến vào lúc chiều tối, mọi người trong nhà máy đã ra về. Còn hôm nay mới hai giờ đã dẫn xác tới đó thế nào anh Tuấn ngồi trong phòng bảo vệ trông ra cũng sẽ nhìn thấy!
- Ngốc ơi là ngốc! – Quý ròm giơ hai tay lên trời – Ai bảo mày lượn lờ trước cổng làm chi cho ảnh thấy! Tụi mình nấp ở góc đường gần đó quan sát là được rồi!
Góc đường mà Quý ròm và Tiểu Long nấp cách cổng nhà máy chừng ba mươi mét. May làm sao ở đó có một cây trứng cá. Hai ông nhóc thu mình dưới tàng cây, hồi hộp chong mắt về phía nhà máy.
Tiểu Long ngồi chống chân trên xe đạp, chốc chốc lại quay sang Quý ròm, thấp thỏm hỏi:
- Mấy giờ rồi hở mày?
- Hai giờ mười lăm.
- Mấy giờ rồi hở mày?
- Hai giờ ba mươi.
Tiểu Long hỏi đến lần thứ ba thì Quý ròm nổi cáu:
- Mấy giờ cái đầu mày! Nhìn xem ai tới kia kìa!
Tiểu Long ngước mắt nhìn ra phía trước, miệng đột nhiên há hốc.
Tít từ đầu đường đối diện, anh Tuấn nó đang cưỡi chiếc mobylette cọc cạch rề rề chạy tới.
- Ngồi xuống!
Tiểu Long hoảng hốt kêu lên, vừa nói nó vừa phóc ra khỏi xe, ngồi thụp xuống. Ở bên cạnh Quý ròm cũng lật đật làm theo.
Nhưng anh Tuấn không trông thấy hai đứa trẻ. Tới cổng nhà máy, anh ung dung xuống xe và thong thả dắt vào sân.
Quý ròm quay qua Tiểu Long, vừa hỏi vừa từ từ đứng lên:
- Sao anh Tuấn mày đi làm trễ quá vậy?
- Tao cũng chả rõ! – Tiểu Long đứng lên theo – Thường ngày anh tao vẫn đến nhà máy từ sáng sớm, trưa ở lại, chiều tối mới về nhà!
Quý ròm tặc tặc lưỡi:
- Như vậy chắc anh mày vừa đi đâu về!
Câu nói của Quý ròm làm Tiểu Long giật thót:
- Hay là anh tao vừa ở chỗ quay phim về?
- Không có đâu! – Quý ròm lắc đầu – Theo lời anh Thịnh thì ba giờ rưỡi đoàn làm phim mới…
Quý ròm chưa nói dứt câu, Tiểu Long đã cuống quýt:
- Coi chừng! Anh tao ra đấy!
Lần này không đợi Tiểu Long ra lệnh, Quý ròm vội vàng thụp người xuống và lia mắt về phía trước.
Quả nhiên, ông anh của Tiểu Long đang dắt xe ra cổng, chuẩn bị đạp máy.
Quý ròm thì thào:
- Thế thì đúng rồi!
Quý ròm không nói rõ đúng rồi chuyện gì nhưng Tiểu Long thừa hiểu. Nó bất giác thót bụng lại.
Mãi đến khi Quý ròm giục:
- Đuổi theo lẹ đi! Coi chừng mất dấu đấy!
Tiểu Long mới bừng tỉnh và hấp tấp nhấn mạnh bàn đạp rượt theo chiếc mobylette vừa khuất sau cua đường trước mặt.
Quý ròm không hiểu tâm sự của Tiểu Long. Nó ngồi phía sau, miệng cứ bô bô:
- Phen này thì anh mày hết chối nhé!
Giọng điệu hí hửng như sắp bắt được trộm của thằng ròm càng làm Tiểu Long thêm lo lắng. Nó không buồn hé môi, cứ cắm cúi guồng mạnh cặp giò.
Đằng trước, anh Tuấn dường như chẳng tỏ vẻ gì vội vã. Hơn nữa, với tốc độ của chiếc xe cà tàng kia anh có muốn vội vã cũng không được.
Nhờ thế, dù chở thêm Quý ròm phía sau, Tiểu Long vẫn chẳng khó khăn gì trong việc bám theo ông anh. Tuy vậy, nó vẫn giữ một khoảng cách vừa phải, bụng nơm nớp sợ hành tung của mình bị phát giác.
Nhưng Tiểu Long chỉ lo xa. Anh Tuấn trước sau chẳng hề quay đầu lại, vẻ như anh chẳng hay biết gì về những động tĩnh sau lưng.
Quý ròm khoái lắm. Nó cười hi hi:
- Mưu của tao cứ là thánh nhé! Anh mày chẳng nghi ngờ lấy mảy may!
Thấy Tiểu Long làm thinh, Quý ròm lại cười hì hì:
- Lát nữa gặp mày chỗ quay phim, chắc anh mày sẽ khóc thét!
Đang chuẩn bị chuyển qua cười hí hí thì Quý ròm bỗng khựng lại. Ông anh của Tiểu Long chưa kịp khóc thét thì nó đã mếu xệch miệng:
- Ôi, anh mày sao lại đến chỗ này?
- Ừ, lạ thật! – Tiểu Long cũng giật thót, nó thắng kít xe lại – Tại sao anh Tuấn lại đến nhà máy giày của anh Tú kìa?
Quý ròm vò đầu:
- Hay là người ta quay phim ngay tại đây?
- Không thể như thế được!
Tiểu Long lắc đầu. Đang lẩm bẩm, nó chợt hét giật:
- Thôi, hỏng bét rồi!
- Gì thế? – Quý ròm ngơ ngác.
Tiểu Long mặt mày tái xám:
- Hình như từ nãy đến giờ tụi mình đang theo dõi anh Tú chứ không phải anh Tuấn!
- Làm gì có chuyện đó! – Quý ròm tròn mắt – Chẳng lẽ chính mày cũng không phân biệt được ai là anh Tuấn ai là anh Tú sao?
Tiểu Long vẫn chưa hết bàng hoàng:
- Tất nhiên là phân biệt được! Nhưng với khoảng cách xa như thế thì khó nói lắm! Hơn nữa, chiếc mobylette kia là chiếc xe anh Tuấn tao vẫn đi thường ngày!
Quý ròm hít vào một hơi:
- Tao và mày chạy lại xem sao!
- Nhỡ đó là anh Tuấn thật thì sao? – Tiểu Long tỏ vẻ e ngại.
Quý ròm trấn an:
- Thì tụi mình bảo là tụi mình tình cờ chạy ngang qua đây! Làm sao anh mày biết tao và mày bám theo nãy giờ được!
Lý lẽ của Quý ròm giúp Tiểu Long mạnh dạn lên một tẹo. Nó phân vân một thoáng rồi nhấn mạnh bàn đạp.
Ông anh của Tiểu Long vừa giảm ga tắt máy chưa kịp dắt xe qua cổng đã thấy Tiểu Long và Quý ròm trờ tới, liền trố mắt:
- Ủa, các em đi đâu đây?
Bỏ xừ rồi! Quả nhiên là anh Tú! Tiểu Long kêu khổ thầm và vờ đáp:
- Tụi em đi lại nhà bạn!
Rồi nó liếc chiếc mobylette, ngạc nhiên:
- Sao hôm nay anh lại đi xe của anh Tuấn?
Anh Tú mỉm cười:
- À, chiều nay anh Tuấn nghỉ làm nên giao xe cho anh nhờ anh đi xin phép giùm!
Quý ròm có cảm giác như bị ai gõ búa vào đầu: Thế là rõ! Mình và Tiểu Long đã trúng phải kế “Kim Thiền thoát xác”! Anh Tuấn đã liệu trước chiều nay thế nào mình và Tiểu Long cũng sẽ giám sát chặt chẽ nhất cử nhất động của anh nên đã rời khỏi nhà máy từ trưa. Đã thế anh lại vờ nhờ anh Tú đến xin phép để lợi dụng sự giống nhau giữa hai anh em hòng cho mình và Tiểu Long vào bẫy! Thằng Tiểu Long khù khờ bị trúng kế không nói làm gì, ngay cả mình cũng bị lừa thì quả là ức thật!
Tiểu Long không để ý đến tiếng nghiến răng ken két của Quý ròm ở phía sau, nín thở hỏi dò:
- Thế anh có biết anh Tuấn đi đâu không?
- Không! Anh Tuấn không nói! – Anh Tú lắc đầu, rồi anh chớp mắt nhìn Tiểu Long – Nhưng em tìm anh Tuấn làm gì mà gấp thế?
- Không! Chả có chuyện gì đâu ạ! – Tiểu Long ấp úng – Em chỉ hỏi thế thôi!
Rồi sợ ông anh gặng tới gặng lui, nó hấp tấp chào:
- Thôi, tụi em phải đi đây!
Nói xong, nó đạp mạnh một cái, chiếc xe đột ngột lao vút đi khiến Quý ròm la oai oái:
- Mày làm gì thế? Tao sắp rơi xuống đất rồi đây nè!

Chương 9



Tiểu Long lầm lũi đạp xe, không nói một tiếng nào. Quý ròm ngồi phía sau cũng im như thóc. Hai đứa cứ thế chạy lòng vòng trên phố. Chả đứa nào biết phải đi đâu, đi về hướng nào.
Mọi kế hoạch thế là hỏng bét bè be! – Quý ròm tiu nghỉu nhủ thầm – Trong lúc ông anh tinh quái của thằng mập ung dung tếch đến chỗ quay phim thì mình lại ngóc cổ chờ cả buổi như một thám tử hạng bét, chả được tích sự gì!
Càng nghĩ ngợi mặt mày Quý ròm càng thiểu não. Nhưng so với nó, mặt mày Tiểu Long trông còn tệ hơn. Tiểu Long đã hoang mang lại thêm lo lắng. Căn cứ vào sự việc vừa xảy ra, chuyện anh Tuấn vẫn giấu nó để tham gia nhưng pha biểu diễn nguy hiểm là chuyện gần như không còn nghi ngờ gì nữa. Khổ nỗi, nó không biết hiện nay anh nó đang ở đâu, vì thế nó cứ cong lưng cắm cổ đạp, đầu óc rối tung còn bộ tịch thì nom giống hệt một con gà rù.
- Mày định chở tao đi tham quan khắp thành phố hả Tiểu Long? – Quý ròm ngồi làm thinh mãi cũng chán, liền gầm gừ.
- Tao chả biết phải đi đâu bây giờ! – Giọng Tiểu Long xìu như bún.
- Không biết đi đâu thì đi về!
- Về nhà ư?
- Còn hỏi nữa! – Quý ròm hừ mũi – Tao nghĩ về nhà nằm khoèo dù sao cũng tốt hơn là chạy lang thang ngoài nắng thế này!
- Về thì về!
Tiểu Long càu nhàu và uể oải ngoặt xe quanh bùng binh.
Nhưng chưa đánh hết vòng, nó đã khiếp đảm dạt xe vào sát lề. Từ ngả đường bên phải, tiếng động cơ gầm rú kinh hồn khiến nó xanh mặt. Người đi đường ai nấy đều hoảng hốt dừng xe lại và nhớn nhác nhìn về phía hai chiếc mô tô phân khối lớn đang rượt đuổi nhau nhoáng nhoàng với một tốc độ kinh hoàng.
- Gì thế mày? – Quý ròm ngơ ngác hỏi.
- Tao cũng chả rõ!
Tiểu Long khụt khịt mũi, mắt vẫn dán chặt vào hai chiếc mô tô lúc này đang vọt qua chỗ nó và Quý ròm đứng.
Chiếc xe chạy trước chở hai thanh niên đội nón kê-pi màu trắng, lưỡi trai quay ngược ra sau, lao bán sống bán chết, anh chàng cầm lái mọp người trên thùng xăng, mắt láo liên kiếm ngả luồn lách. Người thanh niên trên chiếc xe sau mặc áo gin bụi, đang bặm môi rượt bén gót. Cả hai chiếc mô tô đều phóng hết tốc lực, xi-lanh xoáy nòng rú điếc tai.
Tuy hai chiếc mô tô bắn xẹt qua như chớp giật, Quý ròm vẫn nhận ra khuôn mặt người thanh niên cưỡi chiếc xe sau trông rất quen. Nó quay phắt sang Tiểu Long:
- Quen quá mày?
- Ai?
- Anh chàng chạy phía sau đó!
Phát hiện của Quý ròm khiến Tiểu Long chớp mắt ngẩn ngơ:
- Ờ, phải rồi! Tao cũng cảm thấy ngờ ngợ!
- Mày nhớ tụi mình đã gặp anh ta ở đâu không?
- Không!
Tiểu Long lắc đầu nhìn theo hai chiếc mô tô lúc này đã vòng quanh bùng binh và sắp sửa biến mất vào cua đường bên trái.
Nhưng đúng vào lúc chiếc xe chạy trước chuẩn bị bắt vào đầu đường, hình như vấp phải một vật gì đó, nó bỗng khựng lại một thoáng. Chiếc xe sau không bỏ lỡ cơ hội, lập tức vọt lên chặn đầu.
Bị ép, chiếc mô tô kia lạng vào sát lề. Nhưng trước khi nó kịp quay đầu, người thanh niên trên chiếc mô tô phía sau đã nhấc bổng người lên khỏi yên và trong tư thế lơ lửng ngoạn mục đó, anh chớp nhoáng tung một cú song phi như búa bổ vào hai anh chàng đội nón trắng.
Cú đá cực mạnh khiến hai người thanh niên bị văng ra khỏi xe, nhào lăn xuống mặt đường. Hai chiếc xe cùng lúc ngã theo, bốn bánh chổng lên không, quay tít.
“Song phi cước” Tiểu Long, vua của những cú đá tuyệt kỹ trên không, chỉ biết há hốc mồm, tưởng mình đang ngồi trong rạp chiếu bóng.
Hai anh chàng đội nón trắng, lúc này đã rơi mất nón, vừa té xuống đã chồm ngay dậy. Nhưng người thanh niên áo gin tỏ ra nhanh hơn. Đối phương chưa kịp tháo thân, anh đã xoẹt tới tung them một cú đá bồi khiến một người ngã bật ngửa rồi nhanh chóng bẻ ngoặt hai tay của người kia ra sau lưng.
“Cách” một tiếng, chiếc còng số tám không biết được người thanh niên áo gin rút ra từ lúc nào đã bập vào cổ tay của đối phương.
“Cách” thêm tiếng nữa, một chiếc còng khác dính chặt vào cổ tay của anh chàng thứ hai đang lồm cồm bò dậy.
Đám đông tò mò bu quanh nãy giờ liền reo lên:
- A, thì ra là công an bắt cướp!
- Bậy! – Một người cãi – Chắc gì là công an!
- Nhất định là công an!
- Công an sao không mặc sắc phục?
- Cần gì sắc phục! Chỉ nhìn chiếc còng số tám là biết ngay!
Lúc này, Tiểu Long và Quý ròm cũng đã kịp lần tới “hiện trường”.
Đang nghiêng nghiêng ngó ngó, Quý ròm bỗng huých vào hông Tiểu Long:
- A, tao nhớ ra rồi!
- Cái gì?
- Anh này là anh Hùng, thành viên của Câu lạc bộ Cascadeur!
Tiểu Long nhíu mày:
- Mày gặp anh ta rồi ư?
- Chưa gặp lần nào! – Quý ròm lắc đầu – Nhưng tao và mày đã xem anh ta biểu diễn lái xe bằng chân trên cuộn băng vi-đê-ô ở nhà cô Kim Liên!
- À, tao nhớ rồi! – Tiểu Long reo lên – Thế mà tao quên bẵng đi mất!
Rồi nó toét miệng khen:
- Trí nhớ mày tốt ghê!
- Khỏi phải nói! Nhỏ Hạnh còn thua tao vài phân!
Quý ròm không bỏ lỡ cơ hội để ba hoa. Và trong sự hào hứng quá mức đó, nó bước tới một bước, hăng hái nói:
- Anh Hùng!
Anh thanh niên tên Hùng ngơ ngác quay lại:
- Ủa, em là ai? Sao lại biết tên anh?
- Em là… bạn của cô Kim Liên! – Quý ròm đáp bừa, rồi sợ anh Hùng thắc mắc tại sao nó mới từng này tuổi lại có thể đánh bạn với người nữ võ sư trung niên kia được, nó liền nhanh nhảu hỏi tiếp – Anh đang đóng phim gì thế?
Anh Hùng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác:
- Ủa, sao em biết anh đang đóng phim?
- Sao lại không biết! Khi nãy chính mắt em thấy anh đá đẹp quá trời!
Quý ròm nhe răng cười, rồi nó chỉ tay vào hai thanh niên đang bị còng tay và đứng khép nép bên cạnh, gật gù vẻ sành sỏi:
- Em còn biết hai anh này cũng là thành viên trong Câu lạc bộ Cascadeur của anh nữa cơ!
Anh Hùng lắc đầu:
- Em đoán sai rồi! Đây là hai tên cướp giật!
Quý ròm giật thót:
- Hai tên cướp giật thật ư?
- Đúng thế!
Anh Hùng đưa tay quệt mồ hôi trán, rồi bắt gặp vẻ mặt đầy thắc mắc của ông nhóc, anh mỉm cười giải thích:
- Trên đường đến chỗ quay phim, bất ngờ trông thấy hai tên này đang giật đồ, thế là anh vội vàng phóng xe đuổi theo. Bây giờ anh phải giải chúng về đồn…
Đang nói, mắt anh chợt sáng lên:
- À, gặp em ở đây thật là may! – Rồi không đợi Quý ròm hỏi, anh nói ngay – Anh định nhờ em một chuyện!
- Chuyện gì ạ?
- Em có thể tới gặp ông đạo diễn nhắn giùm là anh sẽ đến trễ khoảng nửa tiếng để ông ta khỏi trông, được không?
- Tất nhiên là được! – Quý ròm sốt sắng – Thế ông đạo diễn đang ở đâu?
- Đoàn làm phim lúc này đang ở tại chung cư Trần Hưng Đạo, đối diện với rạp chiếu bóng Phượng Hoàng. Cứ đến đó em sẽ thấy ngay!
Tiểu Long đứng ngẩn tò te bên cạnh nãy giờ, bỗng rụt rè lên tiếng:
- Anh này!
- Gì thế em?
Tiểu Long liếm môi:
- Hai chiếc còng ở đâu anh có thế?
Anh Hùng chả hiểu tại sao Tiểu Long lại hỏi như vậy, nhưng vẫn vui vẻ trả lời:
- Thì của anh chứ đâu!
Tiểu Long chớp mắt:
- Cascadeur cũng có còng để bắt cướp ư?
Như hiểu ra, anh Hùng “à” một tiếng:
- Cascadeur làm gì có còng! Anh là cảnh sát!
Tiểu Long còn đang ngớ người, Quý ròm đã hớn hở reo ầm:
- Em nhớ rồi! Hôm trước khi giới thiệu về các thành viên Câu lạc bộ Cascadeur, anh Khế có kể về anh! Anh là trung uý Trần Tiến Hùng, trinh sát SBC thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Thành phố phải không?
- Đại khái là vậy! – Anh Hùng cười – Hôm nào gặp lại, anh em ta sẽ nói chuyện sau, còn bây giờ em làm gấp việc anh nhờ đi!
Quý ròm mau mắn:
- Được rồi! Tụi em đi ngay đây!
Nhưng rồi nó chẳng đi ngay. Đã leo lên xe ngồi sau lưng Tiểu Long rồi, nó còn tụt xuống, quay lại:
- Quên nữa! Anh Hùng ơi, phim anh đang đóng có tên là gì vậy?
- Đó là phim “Cạm bẫy giữa ban ngày”!
Anh Hùng vừa nói xong, Tiểu Long đã tái mặt nhấn mạnh bàn đạp khiến Quý ròm vừa chạy theo vừa la í ới:
- Chờ tao với! Mày định bỏ tao lại giữa đường hay sao hả mập!

Chương 10



Từ trước đến giờ, chưa lần nào Tiểu Long phóng xe nhanh như thế. Nó nhắm mắt nhắm mũi đạp, chả kịp tránh các ổ gà khiến chiếc xe cứ nảy tưng tưng.
Hiểu rõ sự nôn nóng của bạn, thoạt đầu Quý ròm còn nhẫn nại làm thinh. Nhưng chịu đựng một hồi hết xiết, nó đâm nổi cáu:
- Bộ mày tính theo nghề cascadeur hay sao mà phóng xe bất kể sống chết thế hả Tiểu Long?
Tiểu Long không giảm tốc độ. Nó cũng chẳng buồn trả lời Quý ròm, chỉ buột miệng theo ý nghĩ:
- Chắc chắn anh Tuấn tao đang có mặt ở đó!
Quý ròm liếc đồng hồ nơi tay:
- Gần bốn giờ rồi còn gì! Mày có chạy thục mạng thì anh Tuấn mày cũng đã đóng phim xong rồi!
Tiểu Long chả buồn để nhận xét của Quý ròm vào tai. Nó vừa guồng mạnh chân vừa gầm gừ:
- Mặc! Tới sớm phút nào hay phút nấy!
Quý ròm hừ giọng:
- Theo tao, mày không cần phải chạy nhanh như thế!
Tiểu Long mím môi:
- Tao phải kịp tới nơi trước khi anh Tuấn tao bắt đầu cảnh quay!
- Để làm gì hả ngốc? – Quý ròm cười nhạo – Chẳng lẽ tới kịp thì mày sẽ ngăn ảnh hay sao?
- Tất nhiên là tao sẽ ngăn!
- Theo tao, mày không nên làm thế! – Quý ròm khịt mũi – Anh mày đã kí hợp đồng với hãng phim rồi, không thể đột ngột huỷ bỏ được!
Thấy Quý ròm cứ một mực phản đối, Tiểu Long lấy làm lạ:
- Nếu không phải đến để ngăn cản thì tụi mình theo dõi hành tung của anh Tuấn mấy ngày nay để làm gì?
- Rõ là đồ ngốc tử! – Quý ròm tặc lưỡi – Tụi mình theo dõi chỉ nhằm bắt quả tang chuyện anh Tuấn không giữ đúng lời hứa với mày thôi!
- Chỉ thế thôi ư?
- Đúng, chỉ thế thôi!
Thấy Tiểu Long bất thần đạp chậm lại, Quý ròm đoán hẳn thằng mập đang hoang mang ghê lắm, liền trấn an:
- Tao cho rằng nếu bị mày bắt quả tang lần này, anh Tuấn sẽ không lén đi đóng phim nữa đâu!
Tiểu Long thở dài:
- Mày tin chắc như thế chứ?
Quý ròm gật đầu:
- Chắc chắn là như thế!
Tiểu Long không nhìn thấy cái gật đầu của Quý ròm nhưng lời khẳng định chắc nịch của bạn giúp nó cảm thấy yên tâm phần nào.
Mặc dù anh Hùng không cho địa chỉ nhưng căn cứ vào lời chỉ dẫn cụ thể của anh, Tiểu Long và Quý ròm tìm thấy chung cư Trần Hưng Đạo không chút khó khăn.
Đối diện rạp chiếu bóng Phượng Hoàng là lối vào chung cư với hai cánh cổng sắt mở toang. Tiểu Long đảo mắt một vòng rồi lật đật quẹo vào cổng, hối hả xuyên qua dãy hàng gánh bày dọc lối đi.
Chung cư Trần Hưng Đạo xây theo hình chữ U. Ba dãy nhà cao tầng quây quanh một khoảnh sân xi-măng rộng rãi và vuông vức.
Men theo lối đi bên trái dọc tường rào, Tiểu Long lần thêm chừng ba mươi mét đã nhìn thấy khoảnh sân nằm lọt thỏm giữa ba dãy nhà lúc này đang chật ních người.
Quý ròm nhận ngay ra khung cảnh náo nhiệt, người lớn trẻ con bu đen bu đỏ trước mắt không khác một mảy với khung cảnh nó nhìn thấy trên cầu Sài Gòn hôm trước. Nó liền đập tay lên lưng Tiểu Long:
- Đúng là ở đây rồi!
Tiểu Long hồi hộp:
- Thế đoàn quay phim ở đâu?
- Đứng chỗ này không nhìn thấy được! Tụi mình phải đem xe ra bãi gửi rồi len vào!
Bãi gửi xe của chung cư cách đó không xa. Sau khi đưa xe vào bãi, Tiểu Long nhét vội nhét vàng tấm thẻ vào túi rồi kéo tay Quý ròm cuống quýt quay ra.
Nhưng chen huých với đám đông hiếu kỳ này để lần tới trước không phải là chuyện đơn giản. Tiểu Long đi trước mở đường, Quý ròm lúp xúp bám theo sau, phải mất năm, sáu phút toàn mồ hôi và nghe đủ thứ tiếng la ó, hai đứa mới lách được tới chỗ đặt camera.
Chiếc camera lúc này đang chĩa lên trời. Quý ròm nhìn thấy người quay phim râu quai nón hôm trước đứng lúi húi sau ống kính, tính chạy lại hỏi thì chợt nghe một tiếng nói rổn rảng vang lên bên tai:
- Đâu vào đấy cả chưa?
Người quay phim ngước chòm râu rậm:
- Đã sẵn sàng rồi ạ!
Quý ròm nhìn theo ánh mắt của người quay phim và nhận ra ngay ông đạo diễn đứng tuổi nó đã từng gặp. Vẫn kiếng đen che mắt, mũ thùm thụp che đầu, mặt mày lúc nào cũng cau có, ông đang bệ vệ rảo bước tiến lại.
Đến cạnh người quay phim, ông chống tay vào hông, nhìn quanh, càu nhàu ra lệnh:
- Cứ thu hình cậu Tuấn trước! Còn cậu Hùng tính sau!
Quý ròm khẽ liếc sang Tiểu Long và đánh bạo nhích chân tới trước:
- Thưa bác!
Người đạo diễn không nghĩ có người gọi mình. Phải đến khi Quý ròm “thưa bác” lần thứ hai bằng âm lượng cao gấp đôi thì ông mới giật mình đưa mắt nhìn chú nhóc:
- Có chuyện gì thế cậu bé?
Quý ròm lí nhí:
- Dạ, anh Hùng….
Quý ròm nói chưa hết câu, ông đạo diễn đã nhớn nhác nhìn quanh, miệng rối rít:
- Đâu? Cậu Hùng đâu? Sao giờ này mới đến? Bảo lại chỗ tôi gấp!
Thái độ nóng nảy của ông đạo diễn làm Quý ròm phát hoảng. Nó rụt rè:
- Dạ thưa…
- Khỏi cần thưa gửi lôi thôi! – Ông đạo diễn phất tay – Kêu cậu Hùng lại đây ngay! Khổ ghê! Làm ăn kiểu này thì chết mất!
Coi bộ không thể nói năng từ tốn được, Quý ròm đành tặc lưỡi huỵch toẹt:
- Anh Hùng không có ở đây ạ!
Cặp đồng tử của ông đạo diễn đang lia ngang quét dọc chợt sững lại hệt như chiếc xe thắng gấp:
- Cậu bé nói chơi gì thế?
Mặt Quý ròm ửng đỏ. Nó mím môi:
- Dạ, cháu không nói chơi ạ! Anh Hùng nhờ cháu tới nói với bác là anh ấy sẽ đến trễ khoảng nửa tiếng!
- Đến trễ khoảng nửa tiếng? – Ông đạo diễn trợn mắt lặp lại, rồi ông nhún vai cáu kỉnh – Đã nửa tiếng rồi còn gì!
Thấy “thần tượng” của mình bị trách móc ghê quá, Tiểu Long ngập ngừng chen lời:
- Có lẽ anh Hùng sắp đến rồi, thưa bác!
Ông đạo diễn “e hèm” một tiếng rồi nhìn chằm chằm vào mặt hai đứa trẻ, ông tò mò hỏi:
- Hai cháu gặp cậu Hùng ở đâu thế?
- Dạ, ở ngoài phố ạ!
- Thế cậu Hùng có bảo vì sao cậu ấy đến trễ không?
Tiểu Long không bỏ lỡ cơ hội để tán dương người vắng mặt.
- Dạ, có ạ! – Nó mau mắn gật đầu và hí hửng kể - Trên đường đến đây, anh Hùng tình cờ trông thấy hai tên cướp đang giật đồ, thế là anh sốt sắng đuổi theo. Sau khi ép được hai tên cướp vô lề, anh bay người lên không và tung một cú song phi…
- Thôi, thôi! – Ông đạo diễn nhăn nhó xua tay – Tôi chả cần nghe những chuyện dông dài đó! Tôi chỉ muốn biết cậu ta hiện ở đâu thôi!
Ông đạo diễn làm Tiểu Long cụt hứng quá xá. Giọng nó lập tức xuôi xị:
- Anh Hùng bảo sau khi giải hai tên cướp về đồn, ảnh sẽ đến đây ngay!
- Khổ ơi là khổ! – Ông đạo diễn chẳng thán phục hành động nghĩa hiệp của người cascadeur thì chớ, lại vò đầu than – Cái nghề gì mà nhìn đâu cũng thấy cướp! Trên đường đi đóng phim còn đụng đầu cái bọn du thủ du thực đó làm gì cho trễ nải không biết!
Rồi bỏ mặc hai đứa trẻ đang ngơ ngác, ông quay sang người đàn ông râu quai nón, cau mày phán:
- Chuẩn bị nhé! Thực hiện cảnh quay cậu Tuấn trước!
Từ khi len lỏi vào giữa vòng tròn người, Tiểu Long không ngừng trông ngang liếc dọc nhưng chẳng thấy anh Tuấn đâu, tai lại nghe ông đạo diễn cứ luôn miệng bảo chuẩn bị thu hình anh nó, nó càng ngơ ngơ ngác ngác.
Trong khi Tiểu Long đang hoang mang ngoẹo cổ dòm quanh, Quý ròm bất thần đập bốp lên vai nó:
- Nhìn kìa!
Cú đập của Quý ròm làm Tiểu Long giật thót. Nó quay phắt lại và theo tay chỉ của Quý ròm, nó lật đật ngước mắt nhìn lên.
Đã không nhìn thì thôi, vừa ngẩng đầu lên, Tiểu Long nghe tim mình như bị ai bóp mạnh. Từ cửa sổ tầng năm, một đám người đang lố nhố. Tuy khoảng cách từ nơi nó đứng đến khung cửa sổ kia khá xa, Tiểu Long vẫn lờ mờ nhận ra anh Tuấn nó.
- Ảnh đang làm gì thế nhỉ? – Tiểu Long bàng hoàng hỏi, nỗi lo lắng khiến giọng nó khản đặc.
Quý ròm chớp mắt:
- Anh mày chuẩn bị nhảy xuống đấy!
Trong một thoáng, Tiểu Long tưởng như có ai đang chĩa súng vô lưng mình. Nó bấu chặt những ngón chân xuống đất, giọng thì thào:
- Không phải đâu! Không ai có thể nhảy từ tầng năm xuống đất được!
Tuy Tiểu Long cố nói cứng, Quý ròm vẫn nghe giọng bạn mình run run. Nó chỉ tay ra trước mặt, liếm môi nói:
- Mày yên tâm! Có những tấm nệm lót sẵn dưới đất rồi, anh mày sẽ không hề gì đâu!
Quả như Quý ròm nói, trên khoảnh sân xi-măng ngay phía dưới cửa sổ anh Tuấn đứng, đoàn làm phim đã xếp ba tấm nệm kê liền nhau, bên dưới độn thêm những thùng các-tông rỗng nhằm làm giảm sức va chạm của cú nhảy khi tiếp đất. Lúc nãy Tiểu Long đã trông thấy nhưng chẳng hiểu chúng được dùng vào việc gì. Nó nhíu mày ngắm nghía mấy tấm nệm:
- Theo mày những tấm nệm này có tạo được an toàn cho người nhảy không?
- Tao nghĩ là được!
Tiểu Long liếm môi:
- Thế nếu anh tao nhảy không trúng vào những tấm nệm này thì sao?
Vừa buột miệng xong, Tiểu Long bỗng tái mặt về câu hỏi của mình. Bụng cồn lên, nó kéo tay Quý ròm:
- Đi! Đi ngay! Tao không thể để cho anh Tuấn tao mạo hiểm như vậy được!
- Này! Này! Gượm đã!
Quý ròm vừa kêu vừa chạy theo bạn.
Nhưng lúc này Tiểu Long dường như không nghe thấy bất cứ một câu nói nào. Mặt mày thất sắc, nó phóng thục mạng về phía cầu thang dẫn lên các tầng nhà, mặc Quý ròm vùng ra và chạy lệt bệt phía sau, miệng không ngừng ơi ới.
Khung cửa sổ chỗ anh Tuấn đứng thuộc dãy nhà ngang. Vừa ba chân bốn cẳng phóc lên tới tầng năm, Tiểu Long không buồn đợi Quý ròm, hấp tấp quẹo phải ngay.
Quý ròm thất thểu bám theo Tiểu Long tới tầng ba đã thấy thằng mập mất hút.
Kiểu này thì nguy mất! Dù có tới kịp, Tiểu Long cũng không thể ngăn cản anh mình trong tình huống này được! Không những thế, sự xuất hiện đột ngột của nó có thể khiến anh Tuấn mất tập trung trước khi thực hiện cú nhảy! Nếu chẳng may điều đó xảy ra thì… Quý ròm không dám nghĩ tiếp. Nó nơm nớp leo lên các bậc thang, ruột thắt lại.
Chưa bao giờ Quý ròm leo một mạch năm tầng lầu như hôm nay nhưng lúc này nó không còn tâm trí đâu để tự tán thưởng mình về “kỳ công” đó. Nó chỉ mong làm sao đuổi kịp Tiểu Long càng sớm càng tốt, trước khi chuyện tệ hại nhất có thể xảy ra.
Khi hổn hển lên tới tầng lầu thứ năm, vừa quẹo phải, Quý ròm đã nhìn thấy một đám đông đứng lố nhố ngay giữa hành lang. Nó liền vọt ngay lại.
Bắt gặp Tiểu Long đứng lẫn trong đám đông và đang kiễng chân nhìn vào khe cửa khép hờ có người trấn giữ, Quý ròm cảm thấy tảng đá chặn trên ngực mình nãy giờ như có ai đó vừa đột ngột giở đi. Nó thở đánh phào một cái và bước lại khều vai bạn:
- Này! Thấy gì không?
- Thấy! – Tiểu Long chớp mắt – Anh Tuấn tao sắp sửa nhảy!
Giọng điệu bình tĩnh trái ngược với vẻ hoang mang nôn nóng khi nãy của Tiểu Long làm Quý ròm ngạc nhiên.
Nó hỏi dò:
- Mày gặp anh mày chưa?
- Chưa! Từ nãy đến giờ tao vẫn đứng ngoài này!
- Mày không vào được à? – Quý ròm liếm môi.
- Không phải là không vào được! – Tiểu Long tặc lưỡi – Nhưng tao chả muốn vào nữa!
- Sao thế? – Quý ròm mừng rơn nhưng vẫn làm bộ hỏi.
Tiểu Long đưa tay quẹt mũi:
- Tao không muốn anh tao bị phân tâm!
Thì ra thằng mập này cũng không đến nỗi ngờ nghệch lắm! Quý ròm khoan khoái nhủ bụng và hăm hở níu tay bạn:
- Đã thế còn đứng đây làm chi!
Tiểu Long mặc cho Quý ròm lôi đi, lẩn thẩn hỏi:
- Đi đâu đây?
- Đi xem anh mày đóng phim!
Quý ròm dẫn Tiểu Long xuống tầng lầu thứ ba rồi quẹo phải. Cạnh ống nước chạy sát tường, có một cái bao lơn. Đứng ở đó có thể nhìn rõ khung cửa sổ chỗ anh Tuấn đang đứng lẫn vuông sân phía dưới, nghĩa là có thể chứng kiến rõ mồn một cú nhảy khủng khiếp kia từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc.
Tất nhiên Quý ròm không phải là người đầu tiên phát hiện ra cái “khán đài” lý tưởng này. Khi nó và Tiểu Long đến nơi, bao lơn đã chật ních người. Ai nấy đều ngóc cổ nhìn lên khung cửa sổ ở tầng năm.
Quý ròm nhón gót nhìn xuyên qua mớ đầu cổ, gật gù:
- Ờ, đứng đây cũng thấy được tí chút!
Rồi nó quay sang Tiểu Long:
- Mày thấy không?
- Thấy!
Quý ròm nuốt nước bọt:
- Anh Tuấn sắp nhảy rồi đấy!
- Ừ! – Tiểu Long đáp, nỗi lo lắng đang kềm chế chợt trỗi dậy khiến người nó thoáng run lên.
Quý ròm lại nói, giọng tiếc rẻ:
- Nhưng tụi mình tới trễ quá, đứng đằng sau như thế này thì chả thấy được anh Tuấn lúc rơi xuống nệm!
- Ừ!
Tiểu Long lại đắp với vẻ qua quít, đầu nó đang loay hoay tìm một câu cầu nguyện nhưng nghĩ mãi chưa ra.
Thực ra, Tiểu Long chẳng muốn nhìn cảnh anh nó tiếp đất. Đúng ra là nó ko đủ can đảm. Mặc dù tin rằng khi nhận lời thực hiện cú nhảy kinh hoàng này, anh nó hẳn đã luyện tập nhiều lần, Tiểu Long vẫn thấy bồn chồn lo lắng không đâu. Cái ý nghĩ “ngộ nhỡ thế nào…” cứ khiến nó sờ sợ.
Vì vậy khi Quý ròm thảng thốt kêu lên:
- Xem kìa! Anh mày sắp sửa lao ra rồi kìa!
Tiểu Long vẫn chần chừ không muốn ngẩng đầu lên. Nhưng rồi không nén được, nó lại kiễng chân hồi hộp hé mắt dòm.
Anh Tuấn lúc này đã đứng hẳn trên bục cửa sổ, hai tay bám chặt thanh ngang trên đầu, mắt nhìn chằm chằm xuống sân ước lượng khoảng cách và địa điểm. Môi anh mím lại, quyết tâm và căng thẳng.
Tất cả những người đứng xem không hẹn mà cùng nín thở áp tay lên ngực.
Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần, khi anh Tuấn búng người lao ra khoảng không, nhiều người bật “Ối” lên thảng thốt và đưa tay ôm mặt.
Tiểu Long nghe trái tim mình như vọt ra khỏi lồng ngực. Nó chỉ kịp nhìn thấy anh Tuấn bắn ra khỏi bệ cửa sổ và rơi vụt xuống, sau đó nó chả nhìn thấy gì nữa.
Những tiếng kêu thét đầy phấn khích, những tiếng rú khiếp đảm và tiếp theo là tiếng hoan hô dậy đất của những người đứng dưới sân và chật ních các bao lơn chung quanh khiến tai nó ù đi như xay lúa.
Đang bần thần, nó cảm thấy có ai đó cầm tay mình lôi đi.
- Đi! – Tiếng Quý ròm vang sát bên tai – Tao và mày chạy xuống sân tìm anh Tuấn!
Tiểu Long hỏi như người mộng du:
- Anh tao không sao chứ?
- Không sao!
- Lúc anh tao rơi xuống nệm mày có nhìn thấy hở?
- Không nhìn thấy! – Quý ròm liếm môi – Nhưng người ta reo hò ầm ĩ thế kia, chắc chắn là anh mày đã thực hiện hoàn hảo cú nhảy đó rồi!
Cú nhảy của anh Tuấn thực ra không hoàn hảo như Quý ròm nói. Khi Quý ròm và Tiểu Long xuống đến sân thì anh Tuấn đang ngồi bệt dưới đất, chung quanh người lớn trẻ con bu nghìn nghịt. Một ông nhóc đang hăm hở xoa dầu lên cổ chân anh, những ông nhóc khác chen huých nhau đến gần để vừa trầm trồ thán phục vừa tranh thủ sờ tay lên người anh.
- Cừ thật đấy! Nhảy từ lầu năm xuống đất, thật chưa từng thấy! – Một ông nhóc xuýt xoa.
- Gì mà chưa từng thấy! – Một ông nhóc khác cãi – Phim nước ngoài thiếu gì cảnh nhảy từ trên cao xuống!
- Anh tao bảo diễn viên nước ngoài đóng những cảnh rùng rợn như thế này bao giờ cũng có chăng lưới bảo hộ ở phía dưới, đâu có kê nệm và thùng các-tông như ở nước mình!
Nghe ông nhóc đáp trả với giọng lưỡi hiểu biết, anh Tuấn khẽ mỉm cười. Nhưng nụ cười trên môi anh không kéo dài được lâu. Anh tròn xoe mắt khi thấy Quý ròm và Tiểu Long đang thập thò sau lưng mấy ông nhóc.
- Ôi! – Anh sửng sốt buột miệng – Các em đến đây tự bao giờ thế?
Thực ra anh muốn hỏi “Làm sao các em biết anh ở đây mà tìm đến?” nhưng lại cảm thấy ngại ngùng nên đến phút chót đành nói trớ đi.
Tiểu Long không để ý đến vẻ ngượng ngập của ông anh. Nó lo âu hỏi:
- Chân anh bị làm sao thế?
- À, không có gì! Chỉ trặc chút xíu thôi!
- Anh nhảy không trúng vào nệm ư?
- Tất nhiên là trúng vào nệm nhưng hơi loạng choạng một tẹo! – Anh Tuấn tặc tặc lưỡi – Lẽ ra với những cú nhảy ở độ cao như thế này, phải cần ít nhất năm tấm nệm nhưng chủ phim chỉ đủ tiền mua có thế…
Anh Tuấn bỏ lửng câu nói và khập khiễng đứng dậy.
Tiểu Long lập tức chạy lại xốc vai anh:
- Để em đưa anh về!
- Mày đưa thẻ cho tao vào lấy xe! – Quý ròm hăng hái chìa tay – Mày cứ chở anh Tuấn về trước, tao đi xích-lô về một mình cũng được!
Khi Quý ròm tiễn hai anh em Tiểu Long ra đến cổng chung cư thì gặp anh Hùng đang phóng chiếc mô-tô to đùng vọt vào. Mặt mày hớt hơ hớt hải, anh chỉ kịp đưa tay chào ba người một cái rồi biến vụt vào bên trong.
- Anh và Tiểu Long về trước nhé! – Trước khi Tiểu Long đạp xe đi, anh Tuấn quay lại mỉm cười chào Quý ròm.
- Dạ.
Quý ròm dạ khẽ một tiếng và bâng khuâng nhìn theo hai anh em Tiểu Long đang khuất dần giữa dòng xe cộ, bụng thấp thỏm không hiểu sau cuộc đụng độ bất ngờ vừa rồi, giữa hai anh em thằng mập có sẽ xảy ra chuyện gì gay cấn hay không.
Nhưng Quý ròm chỉ lo hão. Sáng hôm sau vừa tới trường Tiểu Long đã tí toét khoe:
- Xong rồi!
- Gì xong rồi?
- Anh Tuấn tao ấy! Ảnh bảo ảnh sẽ không bao giờ đi đóng phim nữa!
- Ảnh nói thật đấy chứ?
- Ừ! – Tiểu Long tươi tỉnh - Ảnh bảo nghề cascadeur thú vị và hấp dẫn nhưng nếu làm người thân lo lắng thì ảnh sẽ không tham gia nữa!
Quý ròm nhún vai:
- Nhưng lần trước anh mày cũng từng nói y hệt vậy!
- Lần trước khác, lần này khác! – Tiểu Long vui vẻ - Bây giờ anh tao đã kiếm đủ tiền mua máy giặt cho mẹ tao rồi!
Tiểu Long không chỉ khoe với Quý ròm một lần.
Một tuần sau, nó lại hí hửng thông báo:
- Mẹ tao thích cái máy giặt anh tao mua lắm! Mẹ tao bảo chỉ mới vài ngày mà đã bớt đau lưng đi nhiều!
Ba tháng sau, nó lại khều Quý ròm:
- Tối hôm qua mày có xem ti-vi không?
- Không! Có trực tiếp truyền hình Cúp bóng đá châu Âu hả?
- Không phải! – Tiểu Long nói giọng bí mật – Cái này hay hơn bóng đá nhiều! Hôm qua người ta chiếu phim!
- Phim gì thế?
Tiểu Long nheo nheo mắt:
- Phim “Cạm bẫy giữa ban ngày”!
- Thật thế hở? – Thông báo của Tiểu Long khiến Quý ròm tròn mắt – Thế nhà mày có xem không?
- Có! Cả nhà đều xem!
- Thế có ai nhận ra anh Tuấn mày không?
- Không! Chả ai nhận ra cả! Vì vậy mẹ tao mới nói…
Quý ròm tò mò:
- Mẹ mày nói sao?
Tiểu Long cười hì hì:
- Mẹ tao bảo con cái nhà ai mà cho đi đóng những cảnh nhảy sông, nhảy lầu thấy ghê! Mẹ còn bảo nếu anh em tao đứa nào đi đóng phim như thế, mẹ tao sẽ lấy roi đét vào mông cho tởn…


1997
Nguyễn Nhật Ánh

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: