Kính vạn hoa tập 13 Khu vườn trên mái nhà
Chương 1
Ba nhỏ Hạnh là nhà báo. Mẹ nhỏ Hạnh cũng là nhà báo. Nhưng mẹ làm ở một tờ báo khác. Mẹ cũng không viết bài như ba. Mẹ không phải là phóng viên. Ở toà soạn, mẹ làm nhiệm vụ trực tổng đài điện thoại. Nhưng dù vậy những người chung quanh vẫn gọi mẹ là nhà báo.
Không hiểu có phải vì nhà báo là những người có đầu óc độc lập và thích đấu khẩu hay không mà nhỏ Hạnh thấy hai nhà báo sống với nhau trong một nhà gặp chuyện gì cũng tranh cãi.
Từ hồi có con Tai To “ba màu” về sống chung, không khí “tranh luận” trong nhà có lắng dịu đi một chút. Nhưng như vậy không có nghĩa là ba mẹ Hạnh đã có thể nhất trí với nhau về mọi thứ. Như chuyện về khu vườn mới đây chẳng hạn.
Chả là phía dưới cửa sổ phòng học của Hạnh, dọc theo hành lang dẫn xuống căn bếp của dì Khuê có một mái tôn lửng.
Đó là mái tôn căn hộ tầng trệt dùng che phân nửa khoảnh sân lộ thiên vốn được thiết kế ở các chung cư để mỗi tầng nhà đều có thể đón ánh sáng từ trên chiếu xuống.
Xưa nay chẳng ai chú ý đến mái tôn đó. Bỗng một hôm ba nói:
- Tại sao ta không kiếm cây cối về trồng trên mái tôn này nhỉ?
Lời đề nghị của ba nhanh chóng được nhỏ Hạnh và Tùng tán thưởng:
- Đúng rồi đó! Nhà ta ở thành phố, chả có tí cây xanh nào!
- Nhưng làm sao có thể trồng cây trên mái tôn được? – Mẹ thắc mắc.
Ba tươi tỉnh:
- Không sao! Ta sẽ trồng trong chậu!
Rồi ba huơ tay, hào hứng tuyên bố:
- Anh sẽ trồng một cây tre!
- Tre? – Mẹ thốt lên đầy kinh ngạc.
- Ừ, một cây tre chính cống. Nó sẽ đâm măng. Và chẳng bao lâu nhà ta sẽ có một bụi tre! Hệt như ở thôn quê!
Ba xuất thân từ nông thôn. Ba sống ở làng quê từ bé. Tuổi thơ ba gắn liền với con sông, rẫy mía, bờ tre. Vì vậy ý tưởng của ba chẳng có gì là kì quặc. Nhưng mẹ khác ba. Mẹ sinh ra ở thành thị. Và lớn lên cũng ở thành thị. Do đó, mẹ nhìn ba lạ lùng:
- Một bụi tre ngay trong nhà mình? Anh không nằm mơ đấy chứ?
- Không mơ chút nào! – Ba lim dim mắt – Gió sẽ rì rào trên ngọn tre. Và chim nữa. Chim sẽ về làm tổ và hót suốt ngày!
Tùng vỗ tay bôm bốp:
- Hay quá! Con cũng thích nghe chim hót!
Còn mẹ thì thở dài:
- Thôi được, anh và con sẽ được nghe chim hót! Còn em, em sẽ trồng một cây ngọc lan!
Ba tán đồng ngay:
- Tai nghe chim hót, mũi nghe hương ngọc lan, tuyệt vời!
Mẹ liếm môi:
- Em sẽ trồng thêm một cây tường vi!
- Ôi, lại càng tuyệt!
Rồi ba cao hứng ngân nga:
- Năm xưa khi tôi bước chân ra đi, đôi ta cùng đứng bên bờ tường vi, em hứa rằng em sẽ chờ đợi tôi…
Ba đang say sưa với bản “Cô láng giềng” của nhạc sĩ Hoàng Quý thì mẹ mỉm cười cắt ngang:
- Thôi, biểu diễn thế đủ rồi! Em sẽ trồng thêm cây dạ lí hương nữa!
- Dạ lí hương cũng hay! – Đang gật gù, ba bỗng khựng lại, dòm mẹ – Ủa, sao em giành hết phần của anh thế? Anh mới trồng có một cây mà em đã trồng tới ba cây rồi!
Mẹ tủm tỉm:
- Anh trồng một cây, nhưng cây của anh sẽ đâm măng, chẳng mấy chốc sẽ hoá thành một khu rừng! Ba cây của em bì thế nào được!
- Thôi đi, em đừng có ăn gian! – Ba hùng hổ – Không nói năng lôi thôi gì hết! Ngoài cây tre, anh sẽ trồng một cây ổi!
- Ôi, một cây ổi! Ý tưởng hay tuyệt! – Nhỏ Hạnh hớn hở – Con sẽ ăn ổi mệt nghỉ!
Mẹ lườm nhỏ Hạnh. Và nói:
- Em sẽ trồng thêm vài chậu hoa hồng!
Nghe vậy, ba lật đật bổ sung:
- Anh sẽ trồng thêm cây chanh!
- Em sẽ trồng thêm một bụi ngâu! – Mẹ tiếp.
Ba vung tay:
- Anh sẽ trồng thêm cây phượng!
- Thôi đi! – Mẹ gạt ngang – Cây phượng to đùng, không thể trồng trong chậu được!
Ba cười:
- Nếu vậy, anh sẽ trồng giàn thiên lí thay cho cây phượng!
Mẹ không chịu thua:
- Em trồng thêm giàn bông giấy nữa!
Cứ thế, trước vẻ mặt ngơ ngác của nhỏ Hạnh và Tùng, cuộc thi đua trồng trọt của các đấng sinh thành có nguy cơ kéo dài đến vô tận và nếu như trồng tất tần tật những thứ cây cối hoa cỏ hai người hăng hái liệt kê nãy giờ, chắc phải cần đến vài mẫu đất.
Thoạt đầu, nhỏ Hạnh còn hào hứng theo dõi. Sau, nó buồn cười quá. Do đó, khi mẹ lại nói:
- Em sẽ trồng thêm…
Nó liền vọt miệng cắt ngang:
- Nhưng cái mái tôn này nhỏ xíu à, mẹ ơi!
Trong khi mẹ ngớ ra thì ba cười hì hì:
- Ữ nhỉ, nếu cứ cái đà này, mái tôn sẽ sập xuống đè người ta bẹp dúm mất!
Rồi ba nhún vai:
- Phải bỏ bớt một số cây đi thôi!
- Đúng rồi! – Mẹ gật đầu – Nhất là những loại cây to lớn như cây tre, cây ổi chẳng hạn!
- Uý, không được đâu! – Ba nhảy nhổm như bị ong đốt – Một khu vườn mà chẳng có tre, chanh, ổi thì chẳng còn là vườn!
Thế là ba mẹ lại lao vào tranh cãi, người nào cũng quyết bảo vệ những loại cây cỏ của mình.
Sau cuộc bàn thảo và thương lượng gay go kéo dài gần cả tiếng đồng hồ, rốt cuộc câu chuyện về khu vườn cũng ngã ngũ. Ba được giữ lại các cây tre, ổi, chanh và giàn thiên lí, còn các loại cây đề nghị thêm về sau như cau, dừa, mận… đều bị gạt khỏi danh sách. Mẹ được giữ nguyên các loại hoa, vào phút chót còn được thêm cây chuỗi ngọc, dâm bụt và cây hoa sứ. Đối với mẹ, kết quả như thế có thể được xem là một thắng lợi quá sức rực rỡ.
Nhưng dù sao đó cũng chỉ mới là thắng lợi bước đầu. Bước tiếp theo mới thật sự gian nan.
Hôm đầu tiên, mẹ đem chậu chuỗi ngọc về mới đặt lên mái tôn, đang xoay ngang xoay dọc lựa thế, đã nghe tiếng la lối từ dưới đất vọng lên:
- Này, này, các ông các bà làm gì thế? Coi chừng sập nhà tôi bây giờ!
Ngoảnh dòm, thấy cô Bốn Loan chủ nhân căn hộ phía dưới đang đứng chống nạnh ngó lên, mẹ nhỏ nhẹ:
- Dạ, tụi em đặt chậu hoa…
- Không được! Dứt khoát không được! – Cô Bốn Loan ngắt ngang, giọng kiên quyết – Chỗ đó đâu phải là chỗ cho chị trồng hoa!
Mẹ chỉ hay tranh cãi với ba. Với người ngoài, mẹ không thích đôi co. Vì vậy thấy cô Bốn Loan tỏ vẻ khó chịu, mẹ bưng ngay chậu chuỗi ngọc vào nhà.
Tối, ba về, mẹ nói ngay:
- Kế hoạch trồng cây của nhà ta phá sản rồi anh ạ!
- Sao thế? – Ba ngạc nhiên.
Mẹ thở dài:
- Chị Bốn Loan không đồng ý cho mình đặt các chậu hoa lên mái tôn!
Ba tặc lưỡi:
- Chà, gay quá nhỉ!
- Gay quá đi chứ lại! Chậu chuỗi ngọc còn không có chỗ đặt, nói gì đến cây tre, cây ổi!
- Không sao! – Ba xoa cằm – Ta sẽ tính cách khác!
- Cách gì?
- Từ từ anh nghĩ!
Ăn cơm tối xong, ba tươi tỉnh bảo:
- Anh nghĩ ra cách rồi! Cách này tuyệt lắm!
Mẹ hồi hộp:
- Cách gì thế?
- Đặt các chậu cây trên mái tôn!
- Anh đùa đấy hả?
- Chẳng đùa tí ti nào! – Ba nghiêm nghị – Nhưng đây chẳng phải là mái nhà của chị Bốn Loan! Mình sẽ lắp một mái tôn riêng để trồng cây!
Mẹ vẫn chưa hiểu:
- Lắp một mái tôn?
- Ừ!
- Lắp ở đâu?
Ba khịt mũi:
- Ở ngay bên trên mái tôn của chị Bốn Loan ấy!
Mẹ không hỏi nữa. Mà gục gặc đầu. Ờ, như thế thì mình không sợ sẽ làm hỏng mái nhà của căn hộ bên dưới! Và chị Bốn Loan chẳng có lí do gì để phản đối chuyện trồng cây của mình nữa! Đang gật gù, mẹ bỗng khựng lại, mặt ngẩn ra:
- Ôi, thế sao ta không đúc một tấm bê-tông? Ta làm mái bằng giống như một cái sân thượng ấy!
- Anh cũng đã nghĩ tới chuyện đó rồi! – Ba chép miệng – Nhưng như vậy sẽ tốn rất nhiều tiền! Hơn nữa, đúc mái bê-tông rất phức tạp, buộc phải đào cột và dỡ mái tôn của căn hộ bên dưới, chưa chắc chị Bốn Loan đã đồng ý!
Nghe ba nói vậy, mẹ không đòi làm mái bê-tông nữa. Nhớ đến thái độ gay gắt của chị Bốn Loan hồi chiều, mẹ biết không dễ gì thương lượng chuyện đào cột và dỡ mái. Lắp mái tôn dù sao cũng đơn giản hơn nhiều, lại chẳng đụng chạm gì đến tầng trệt. Chỉ cần bắt những thanh gỗ thật chắc làm đà và lợp tôn lên là xong.
Ngày mái tôn lắp xong, cả nhà vui như mở hội.
Thằng Tùng nhảy cẫng:
- A ha, thế là từ nay nhà ta có một khu vườn!
Nhỏ Hạnh nguýt yêu em:
- Làm gì mà em nhảy loi choi thế?
Tùng hớn hở:
- Em sẽ được nghe hoạ mi hót!
Nhỏ Hạnh “xì” một tiếng:
- Ở đó mà hoạ mi! Chim se sẻ thì có!
Tùng vẫn mơ màng:
- Không chỉ hoạ mi, chim vàng anh cũng về hót suốt ngày! Tụi bạn em chắc chắn sẽ ngẩn ngơ!
Nhỏ Hạnh thực tế hơn:
- Còn chị, chị sẽ được ăn ổi! Mà không phải ổi mua ngoài chợ đâu nhé! Ổi hái từ trên cây xuống đàng hoàng!
- Chanh nữa chi! – Tùng trêu chị – Chị sẽ được ăn chanh chua méo mặt!
- Ờ chanh nữa! – Nhỏ Hạnh reo lên – Chị sẽ ngâm một thẩu chanh muối! Và không cho em rớ vào!
Tùng tính cà khịa nhỏ Hạnh, không ngờ bị bà chị khều lại, đành tìm cách gỡ gạc:
- Nhưng chắc gì cây chanh của ba sẽ ra trái!
- Em đừng có nói xui! Chị méc ba bây giờ!
Nghe bà chị doạ, Tùng biết mình bị hớ, liền im ru.
Nhưng khu vườn của hai chị em nhỏ Hạnh chưa có cây chanh ngay.
Ngay ngày đầu tiên mái tôn được lắp xong, chậu chuỗi ngọc được mang ra trước tiên.
Ngày hôm sau đến các chậu hồng, tường vi và hoa giấy. Tiếp nữa là cây ngọc lan với những nụ hoa trắng muốt.
Mẹ là phụ nữ, được ưu tiên. Đến ngày thứ tư mới đến các loại cây của ba. Cây tre, cây ổi và cây chanh hí hửng rủ nhau về nhà.
Những loại cây ba yêu thích đều to lớn trồng trong những chiếc chậu cũng to lớn, do đó chỉ được đặt ở các góc “vườn” để mái tôn không bị oằn dưới sức nặng của chúng.
Quả như ba nói, từ khi các thứ cây của ba kéo nhau về, khu vườn đột nhiên mang một bộ mặt khác hẳn. Đã đành cây ngọc lan và cây tường vi của mẹ cũng cao lớn, cây chuỗi ngọc và cây hoa giấy cũng lá phủ loà xoà nhưng không hiểu sao phải đợi đến khi bóng dáng của cây chanh, cây ổi và đặc biệt là cây tre xuất hiện, đám cây cỏ hoa lá kia mới thực sự mang dáng dấp của một khu vườn.
Ba đứng ngắm một hồi, xoa tay giọng cảm khái:
- Khu vườn nhà ta đẹp không thua tranh vẽ!
Nhỏ Hạnh mỉm cười:
- Nhưng tranh ai vẽ? Nếu tranh do thằng Tùng nhà mình vẽ thì dứt khoát không đẹp rồi!
Tùng đứng bên hừ mũi:
- Chị làm như chị vẽ đẹp lắm đấy!
- Nhưng chắc chắn là hơn em! – Nhỏ Hạnh chun mũi – Chị chẳng bao giờ bị điểm 4 môn tập vẽ như em cả!
Bị nhỏ Hạnh chọc, Từng tức anh ách nhưng đành làm thinh. Trong các môn học, Tùng khá nhất môn văn và dở nhất môn vẽ, do đó nó chả dại gì để mình lún sâu vào đề tài bất lợi này.
Loay hoay một hồi chẳng nghĩ ra kế nào trả đũa, Tùng bèn nhìn ba, đánh trống lảng:
- Thế ba đã phân công ai chăm sóc khu vườn chưa?
- Dĩ nhiên là con với chị Hạnh! Mỗi buổi chiều, hai chị em sẽ thay phiên nhau tưới nước, tỉa lá, bắt sâu!
Nghe ba nói vậy, Tùng mừng rơn. Nó không bỏ lỡ dịp may “hãm hại” bà chị:
- Con sẽ phụ trách phần tỉa lá và tưới nước cho! Bắt sâu là phần chị Hạnh!
Quả nhiên, nhỏ Hạnh rụt ngay cổ lại:
- Eo ôi, không được đâu! Chị sợ sâu lắm!
Ba cười:
- Nói vậy thôi chứ ba nghĩ khu vườn nhà ta chẳng nhiều sâu lắm đâu!
- Không nhiều nhưng mà vẫn có chứ? – Nhỏ Hạnh chưa hết hồi hộp.
- Con đừng lo! – Ba xoa đầu Hạnh – Nếu con sợ sâu thì để ba bắt cho!
Không “hại” được bà chị, Tùng liền ưỡn ngực ra oai:
- Con bắt cũng được! Con không sợ sâu!
Nói xong, Tùng quay nhìn nhỏ Hạnh, mặt mày vênh vênh váo váo ra vẻ ta đây anh hùng lắm lắm.
Chương 2
Biết nhỏ Hạnh sợ sâu, thằng Tùng suốt ngày lo đi “vạch lá tìm sâu”. Nó mong vớ được một con để doạ bà chị nhát cáy của mình chơi. Nhưng dọ dẫm trong vườn suốt hai, ba ngày liền, Tùng chẳng phát hiện được con sâu nào.
Chả thấy sâu, nó chỉ thấy thằng Hưng sún con cô Bốn Loan ngày nào cũng đứng dưới khoảnh sân trống lé mắt trông lên, vẻ tò mò. Thấy có người nhìn, Tùng càng ra dáng tợn. Nó chắp tay sau lưng đi tới đi lui hệt mấy cụ già dạo chơi hòn non bộ, mũi thỉnh thoảng lại hít hít ngửi ngửi ý nói ta đây đang thưởng thức hoa thơm cỏ lạ, nhà ngươi đừng hòng có được cái thú thanh nhã này.
Có lẽ cái “tác phong” của thằng Tùng làm Hưng sún ngứa mắt. Một hôm Tùng đang nhởn nhơ trong vườn, lượn lờ khoe mẽ, Hưng sún ngóc cổ nghiêng ngó một hồi bỗng hắng giọng:
- Nè!
- Gì thế mày?
Tùng ngó xuống, giọng kiêu hãnh. Nó đoán chừng thằng con cô Bốn Loan chắc chịu hết nổi nên mở miệng xin lên thăm thú khu vườn của nó. Nào ngờ Hưng sún phán một câu xanh rờn:
- Mày cứ đi lại sột soạt trên nóc nhà tao hoài làm sao tao ngủ trưa!
Tùng cụt hứng, đứng lại:
- Xạo đi mày! Giờ này ba giờ chiều rồi mà ngủ trưa gì nữa!
Hưng sún hừ giọng:
- Tao ngủ trưa tới bốn giờ lận!
Biết thằng này kiếm cớ gây sự, Tùng hất mặt:
- Kệ mày! Ai bảo mày ngủ trễ ráng chịu!
Thái độ của thằng Tùng làm Hưng sún tức sôi. Nó sầm mặt:
- Không phải chỉ mình tao! Cả mẹ tao cũng ngủ trưa tới bốn giờ!
Tùng không biết Hưng sún nói thật hay bịa chuyện nhưng nghe đối phương đem mẹ ra “hù”, nó không dám giở giọng khiêu khích như khi nãy.
- Mẹ mày cũng ngủ trưa trễ như mày thật hả? – Tùng hạ giọng ngạc nhiên hỏi.
- Ờ, ờ, đúng vậy!
Hưng sún bối rối gãi đầu:
- Nhưng không phải ngày nào mẹ tao cũng ngủ trễ! Chỉ thỉnh thoảng như hôm nay thôi!
Hưng sún nói vừa dứt câu, Tùng sực nhớ nó vừa nhìn thấy cô Bốn Loan xách giỏ đi ngang dưới đường cách đây khoảng một tiếng đồng hồ, cặp mắt liền sáng lên:
- Ha ha! Xạo mà cũng không biết cách xạo! Khi nãy tao mới thấy mẹ mày dưới đường đây mà!
Cú “lật tẩy” của Tùng khiến Hưng sún thoáng lúng túng. Nhưng rồi nó trấn tĩnh ngay.
- Thì tao có bảo là khi nãy mẹ tao không ra đường đâu!
Hưng sún khịt khịt mũi
– Nhưng đi ra ngoài xong, mẹ tao lại quay vào… ngủ tiếp!
Giọng điệu Hưng sún rõ là giọng dóc tổ. Nhưng Tùng không biết dựa vào đâu để bắt bẻ. Nó ngậm tăm quay vào mà trong bụng tức anh ách.
Nhỏ Hạnh đang ngồi học bài trên gác, thấy thằng Tùng hầm hầm đi lên, tròn mắt hỏi:
- Có chuyện gì mà mặt mày em sa sầm thế?
- Thật tức ơi là tức? – Tùng ngồi phịch xuống ghế.
- Không bắt được con sâu nào để nhát chị nên tức chứ gì?
Đang hậm hực Hưng sún chưa biết trút vào đâu lại bị bà chị cà khịa, Tùng nhăn như bị:
- Ai mà thèm bắt sâu trêu chị! Em tức là tức chuyện khác cơ!
Nhỏ Hạnh không nén được tò mò:
- Chuyện gì thế?
- Thằng Hưng sún!
- Thằng Hưng sún sao?
Giọng Tùng ấm ức:
- Nó không cho em đi trên mái tôn! Nó bảo em đi lại sột soạt làm nhà nó không ai ngủ trưa được!
- Thế rồi sao? – Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi.
- Còn sao nữa! – Tùng vò đầu – Nó đã nói vậy chẳng lẽ mình đứng hoài trên đó!
Nhỏ Hạnh bật cười:
- Em mắc lừa nó rồi!
- Em mắc lừa? – Tùng ngớ người.
- Chứ gì nữa! – Nhỏ Hạnh nheo nheo mắt – Mái tôn nhà mình lợp cao hơn mái tôn nhà Hưng sún một quãng, hai mái tôn cách nhau gần nửa thước, em đi trên đó làm sao nó nghe thấy được!
- Đúng rồi! – Tùng bật kêu – Thế mà lúc nãy em chẳng nghĩ ra!
Nói xong, Tùng đùng đùng quay xuống cầu thang khiến nhỏ Hạnh phải gọi giật:
- Em định đi đâu đấy?
- Em ra vườn! Em phải cho thằng Hưng sún một trận! – Tùng gầm gừ.
Nhỏ Hạnh tủm tỉm:
- Em ở trên mái nhà, nó ở dưới đất, làm sao em “cho nó một trận” được?
Tùng ngẩn tò te trước câu hỏi oái oăm của bà chị. Nó gãi cổ một hồi rồi ấp úng chống chế:
- “Cho một trận” ở đây không có nghĩa là đánh nhau! Nhưng em phải nói cho nó biết nó là đứa chơi xấu, lại chuyên bịa chuyện không biết mắc cỡ là gì!
- Này, này…
Thấy ông em có vẻ hăm hở đi gây gổ với thằng con cô Bốn Loan thật, nhỏ Hạnh mở miệng định cản nhưng nó mới thốt được một, hai tiếng, thằng Tùng đã vọt mất.Nhưng khi Tùng ra đến nơi thì Hưng sún đã không còn đứng dưới sân. Chưa nguôi tức, Tùng bước tới bước lui, cố ý dậm chân thình thình nhưng Hưng sún làm như không nghe thấy. Nó cứ ở lì trong nhà.Không “cho Hưng sún được một trận”, Tùng cáu lắm.
Nhưng Tùng chỉ cáu có một ngày. Chiều hôm sau, Hưng sún lại xuất hiện. Nó vẫn đứng dưới sân nghển cổ dòm lên, mắt láo liên dò xét.Lần này, bên cạnh Tùng còn có nhỏ Hạnh. Hai chị em đang lui cui tưới cây nên không trông thấy Hưng sún.Hưng sún đứng dưới thấp ngó lên, lại bị mái tôn che khuất nên cũng chẳng nhìn rõ chị em nhỏ Hạnh đang làm gì. Nó cũng không trông rõ được vườn cây, nhón chân lắm cũng chỉ thấy vài chỏm lá phất phơ trong gió.
Trông ngang ngó ngửa một hồi, Hưng sún nheo mắt gọi:
- Ê!
Nhỏ Hạnh và Tùng nhìn xuống chưa kịp nói gì, Hưng sún đã chống nạnh ra oai:
- Chị em mày làm gì mà lục đục hoài trên mái nhà tao thế?
- Đây không phải là mái nhà mày! – Tùng nhếch môi – Mái nhà mày nằm ở dưới kia kìa!
Hưng sún bướng:
- Nhưng mái tôn này che ngay trên nhà tao xem như là mái nhà tao! Khi nào nó che trên nhà mày thì mới là mái nhà mày!
Tùng “xì” một tiếng:
- Nói vậy mà cũng nói! Mái tôn nhà tao, tao cứ đi, mày không có quyền cấm!
Thấy không làm gì được đối phương, Hưng sún giở mửng cũ:
- Nhưng tụi mày cứ sột soạt hoài nhà tao không ai ngủ được!
- Ha ha! – Đang ấm ức vì chưa “lật tẩy” được Hưng sún, nay thấy thằng này lại giở chiêu “sột soạt”, Tùng khoái trá toét miệng cười – Mái nhà tao cách mái nhà mày gần nửa thước mà mày nghe được tiếng chân tao đi trên này, hay thật đấy!
Bị đối phương điểm ngay yếu huyệt, Hưng sún đỏ bừng mặt. Đã vậy, nó còn đang lóng ngóng chưa nghĩ ra câu gì để lấp liếm, Tùng đã cao giọng chế nhạo:
- Thế là lòi đuôi rồi nhé! Từ nay đừng có mà kiếm chuyện nữa đấy!
Khiến mặt nó càng thêm sa sầm. Hưng sún ấm ức rít qua kẽ răng:
- Nhưng gì thì gì, tao cũng không muốn ai đi qua đi lại trên đầu tao!
Tới đây thì nhỏ Hạnh biết mình không thể khoanh tay đứng yên được nữa. Nó nhìn Hưng sún, cố tỏ ra dịu dàng:
- Em không nên nói vậy! Nhà chung cư, người ở trên người ở dưới là chuyện bình thường. Ai cũng muốn ở dưới thấp chứ có ai muốn ở trên cao đâu!
- Ừ, phải đấy! – Tùng bô bô hùa theo – Nếu mày muốn thì kêu mẹ mày đổi! Nhà mày lên nhà tao, nhà tao xuống nhà mày!
Đề nghị cắc cớ của thằng Tùng làm Hưng sún tắc tị. Nó định nói “Ai dại gì chuyển từ dưới thấp lên cao!” nhưng sực nhớ nói như vậy có khác nào tự mình chống lại mình, nó bèn làm thinh ngó lơ chỗ khác.
Sau cuộc đụng độ đó, Hưng sún bặt tăm suốt một thời gian dài. Chiều chiều ra vườn tưới nước, hai chị em nhỏ Hạnh không còn nhìn thấy nó lảng vảng ở bên dưới dòm lên nữa
Tùng xoa tay nói:
- Nó sợ rồi!
- Mình có làm gì đâu mà nó sợ? – Nhỏ Hạnh nguýt em.
Tùng cười hì hì:- Nó sợ mình gạ nó đổi nhà!
Câu nói của Tùng khiến nhỏ Hạnh dù cố làm nghiêm rốt cuộc cũng phải phì cười.
Chương 3
Khu vườn của chị em nhỏ Hạnh mỗi ngày một tốt tươi. Giàn hoa giấy và những đoá hồng thi nhau khoe sắc làm sáng rực cả khu vườn. Những bông dâm bụt cháy lập loè trong tán lá xanh như những ngọn đèn đứng gác trông vô cùng thích mắt.Ổi bắt đầu ra hoa và cây chanh đã cho những trái nhỏ li ti bằng nửa hạt đậu xanh.
Thằng Nghị và nhỏ Cúc Phương tới thăm vườn, reo ầm:
- Ôi, cây chanh ra trái rồi kìa!
Tùng sung sướng:
- Ừ, trái nhiều lắm! Sắp tới các bạn tha hồ uống nước chanh!
Nghị hào hứng:
- Uống nước chanh xong, tụi mình ăn ổi! Ổi cũng sắp sửa đậu trái rồi!
Tùng hào phóng:
- Ừ, ăn ổi nữa!
Ăn uống bao giờ cũng là chuyện hấp dẫn nhưng dù sao trong lúc này ăn ổi và uống nước chanh vẫn chỉ là chuyện mơ mộng. Ổi đương độ ra hoa và những trái chanh vẫn còn bé tí.Vì vậy nhỏ Cúc Phương chun mũi hít hít một hồi, chả nghe mùi ổi chín, chỉ có mùi hương là lạ, thơm ngào ngạt:
- Ôi, hương gì thơm ghê!
- Hương ngọc lan đó! – Tùng hớn hở “thuyết minh”.
- Đâu? – Nhỏ Cúc Phương nhìn dáo dác – Cây ngọc lan là cây nào đâu?
- Cái cây cao cao, gầy gầy có những cánh hoa trắng muốt đằng kia kìa!
Nhỏ Cúc Phương háo hức nhìn theo tay chỉ của Tùng, mắt rực lên:
- Ôi, cây ngọc lan!
- Bạn chưa thấy cây ngọc lan bao giờ sao?
Tùng nheo mắt hỏi, vẻ lịch lãm, mặc dù cho đến trước ngày mẹ đem chậu ngọc lan về, nó cũng chưa biết cây ngọc lan hình thù ra sao.
Nhỏ Cúc Phương dĩ nhiên không rõ chuyện đó. Nghe Tùng hỏi, nó tưởng bạn mình là nhà thực vật quốc tế thứ thiệt, bèn bẽn lẽn gật đầu:
- Cúc Phương mới nhìn thấy cây ngọc lan lần đầu!
Tùng lên giọng kẻ cả:
- Học sinh thành phố ai mà chả vậy! Còn nhiều loại cây bạn không biết lắm!
Rồi trước vẻ mặt thuỗn ra của nhỏ bạn, nó hăm hở chỉ tay vào chậu cây hoa tím kế bên cây ngọc lan:
- Bạn biết cây gì đây không?
Dĩ nhiên nhỏ Cúc Phương ngẩn tò te.Tùng khoái trá quay sang Nghị:
- Thế còn mày? Mày có biết cây gì không?
Nghị thật thà:
- Tao cũng không biết!
- Đó là cây chuỗi ngọc! – Tùng kiêu hãnh nói, rồi nó hùng hồn giải thích – Cây chuỗi ngọc ra hoa tím. Khi hoa tàn, nhị hoa trổ thành trái vàng. Trái vàng kết thành từng chuỗi, do đó nó có tên là cây chuỗi ngọc.
Những điều đó, Tùng chỉ nghe mẹ nói chứ nó chưa từng trông thấy cây chuỗi ngọc kết trái bao giờ. Cây chuỗi ngọc nhà nó chỉ mới đơm hoa. Nhưng chỉ cần lặp lại những điều mẹ nói thôi, Tùng đã khiến hai đứa bạn phải trố mắt lên vì thán phục rồi.
Nghị gật gù:
- Ra là vậy!
Còn nhỏ Cúc Phương thì nói như reo:
- Ôi, hay quá! Thế khi nào cây chuỗi ngọc kết trái, mình hái xuống lấy chỉ xỏ qua làm vòng đeo cổ chơi!
Tùng rộng lượng:
- Ừ, tới lúc đó bạn cứ xâu chuỗi tha hồ!
Ba đứa vừa kháo chuyện vừa say sưa ngắm chùm hoa tím cứ mỗi lần gió thoảng lại khẽ khàng đung đưa giữa những bóng lá dập dờn.
Vườn lắm hoa nên dạo này ong bướm thường rủ nhau về hút mật. Nghị chỉ tay vào một con ong đang đậu chênh vênh trên chùm hoa tím:
- Con ong kia giỏi ghê! Nó đậu hờ trên cây chuỗi ngọc thế mà không rớt!
- Ai bảo em đó là cây chuỗi ngọc?
Giọng nhỏ Hạnh thình lình vang lên bên tai khiến tụi thằng Tùng giật mình quay lại, Nghị nhìn bà chị, gãi gãi đầu:
- Thì khi nãy bạn Tùng mới bảo tụi em như thế! Chẳng lẽ cây này không phải là cây chuỗi ngọc?
- Tất nhiên là không rồi! – Nhỏ Hạnh nheo mắt – Cây này là cây tường vi!
Lời nói của nhỏ Hạnh khiến Nghị và nhỏ Cúc Phương nhìn nhau ngơ ngác. Rõ ràng mới vừa rồi thằng Tùng bảo đây là cây chuỗi ngọc, sao bây giờ chị nó lại bảo là cây tường vi? Tùng càng ngẩn ngơ hơn nữa:
- Ai bảo chị đây là cây tường vi?
- Cần gì ai bảo! – Nhỏ Hạnh đẩy gọng kính trên sống mũi – Nhà chị Văn Châu có cây tường vi ở góc vườn, chị tới chơi hoài chẳng lẽ chị không biết.
Mặt Tùng bất giác ửng đỏ. Nếu quả như nhỏ Hạnh nói thì nó đã bị hố to. Nhưng Tùng không phải là đứa dễ dàng đầu hàng, nhất là lúc này thằng Nghị và nhỏ Cúc Phương đang đứng bên cạnh nhìn chằm chằm vào hai chị em nó, vểnh tai nghe ngóng.
- Coi chừng chị nhầm đấy! – Tùng gân cổ – Mẹ từng bảo em cây chuỗi ngọc là cây ra hoa tím kia mà!
Nhỏ Hạnh lườm em:
- Cây chuỗi ngọc hẳn nhiên là cây ra hoa tím, nhưng như vậy đâu có nghĩa bất cứ cây nào ra hoa tím cũng là cây chuỗi ngọc?
Rồi trước gương mặt lỏn lẻn của Tùng, nhỏ Hạnh chỉ tay vào một bụi cây rợp lá trên những cành mảnh đứng khuất sau dãy dâm bụt:
- Cây chuỗi ngọc kia kìa! Nó cũng ra hoa tím nhưng tím sẫm! Còn hoa tường vi tím nhạt, lại dính vào nhau như san hô!
- À, ra thế! – Tùng ấp úng chữa thẹn, nhưng nó vẫn cố vớt vát – Nhưng cũng tại chị và mẹ cả thôi! Cây chuỗi ngọc đặt tít đằng xa như thế, ai mà nhìn thấy!
Bữa đó, Tùng “quê” với Nghị và nhỏ Cúc Phương quá chừng! Cũng may, Nghị và Cúc Phương là hai đứa tử tế, thấy Tùng “sập hố” tụi nó làm thinh vờ như không có gì quan trọng. Nhưng dù hai đứa lịch sự không mở miệng trêu, Tùng cũng đã ngượng chín người. Đang đường đường là một nhà thực vật lỗi lạc dưới mắt tụi nó đây, bỗng dưng lại hoá thành anh chàng bốc phét chín tầng mây, bảo Tùng không mắc cỡ sao được!
Nhưng Tùng không chỉ “quê” với tụi bạn mỗi một lần. Hết Nghị và nhỏ Cúc Phương, tới thằng Đạt.
Đạt tới, dạo tới dạo lui trong vườn, nghiêng nghiêng ngó ngó một hồi rồi buột miệng:
- Chim đâu?
- Chim gì?
Đạt hấp háy mắt:
- Chim hoạ mi chứ chim gì! Hôm trước mày chẳng khoe chim hoạ mi về hót trong vườn nhà mày là gì!
Tùng bối rối:
- Tao bảo là “sẽ” chứ bộ.
- Chối đi mày! – Đạt hừ mũi – Hôm trước mày có bảo là “sắp” hay “sẽ” gì đâu!
Tùng khổ sở:
- Có! Tao có nói!
Đạt vẫn khăng khăng:
- Không có! Nếu mày nói thì tao đã nghe!
Tùng nuốt nước bọt:
- Chắc tại tao nói nhỏ nên mày không nghe thấy!
Bộ tịch thảm não của Tùng có lẽ làm Đạt động lòng. Nên nó gật gù, giọng đã thôi cứng rắn:
- Ừ, có thể là tại mày nói nhỏ!
Tùng mừng rơn:
- Tao nói nhỏ thật mà!
Đạt khịt mũi:
- Thế vườn nhà mày không có chim hót thật à?
Tùng gãi má:
- Khu vườn này mới “khai trương”, lũ chim chưa biết!
- Ha ha! – Đạt ôm bụng – Vườn cây mà mày làm như nhà hàng hay siêu thị không bằng! Thế sao mày không quảng cáo trên ti-vi cho lũ chim biết?
Giọng của Đạt rõ là giọng chế nhạo. Nhưng Tùng phớt lờ. Nó nói, mặt nghiêm trang:
- Rồi mày coi! Cũng giống như siêu thị hay nhà hàng thôi! Khi đã biết rồi, lũ chim sẽ kháo nhau! Rồi chúng sẽ kéo tới từng đàn!
Đạt ngó Tùng, không rõ nó hỏi thật hay giễu cợt:
- Thế tao phải đợi đến bao giờ?
Tùng ngần ngừ:- Tao cũng chả biết! Nhưng có lẽ không lâu đâu!
Đạt đảo mắt nhìn quanh, “xì” một tiếng:
- Tao cóc tin! Bọn chim chẳng bao giờ mò đến những chỗ như thế này!
- Mày không tin thì kệ mày! – Tùng nổi sùng – Còn tao, tao cứ tin! Hết bướm hết ong thế nào cũng tới chim!
Thấy bạn mình đỏ mặt tía tai, Đạt hết ham cà khịa. Nhưng từ hôm đó, cứ cách vài ba ngày nó lại chạy qua nhà Tùng. Hễ tới là nó tót ngay ra vườn, miệng tía lia:
- Chim đâu?
- Chưa! Chim đâu mà sớm thế!
Lần nào Đạt cũng lặp đi lặp lại mỗi một câu hỏi và Tùng cũng lặp đi lặp lại mỗi một câu trả lời. Nhưng tới lần thứ tư thì Tùng đâm quạu. Nó sầm mặt:
- Cái miệng mày lúc nào cũng ầm ĩ như phường săn gõ thùng thiếc, bố con chim nào dám về đậu!
Thấy bạn cáu kỉnh, Đạt rụt cổ vờ sợ hãi. Nhưng sau lần đó, mỗi khi ra chơi vườn miệng mồm nó đã thôi ong óng.
Và không hiểu có phải do Đạt giữ mồm giữ miệng hay không mà một hôm chim về đậu thật. Trưa đang ngồi ăn cơm, dì Khuê bỗng reo lên:
- Ôi, chim kìa! Câu nói của dì Khuê lập tức khiến cả nhà xôn xao.
- Đâu? Đâu?
Cả bốn cái miệng cùng nhao nhao, vừa hỏi ai nấy vừa chồm người trố mắt nhìn theo tay chỉ của dì Khuê.
- Nó đậu trên cành tre đó! – Dì Khuê lại nói, giọng hào hứng như hướng dẫn viên du lịch đang giới thiệu thắng cảnh cho khách tham quan.
Bốn cặp mắt đánh vụt lên ngọn tre, sục sạo:
- Đâu? Đâu?
Dì Khuê ngạc nhiên:
- Chưa thấy hả?
- Chẳng thấy gì cả! – Ba nói – Dì chỉ rõ hơn chút nữa xem!
Thấy các “khách tham quan” mắt kém quá xá dì Khuê cười:
- Nó đậu trên cành tre de ngang dây trầu bà đó!
Dây trầu bà trồng trong chậu sành treo lủng lẳng trước cửa sổ phòng học của nhỏ Hạnh, những nhánh lá của nó đang rũ loà xoà xuống ngọn tre bên dưới. Bốn người lập tức đảo mắt nhìn lên:
- Vẫn không thấy dì ơi! – Nhỏ Hạnh chớp chớp mắt – Hay là nó đã bay đi rồi?
- Bay đâu mà bay! Nó vẫn còn ở chỗ cũ!
Tùng nóng ruột:- Hay là mình chạy lại gần xem!
- Không được đâu! – Mẹ nói – Con lại gần, nó sẽ bay mất!
Đúng lúc đó, con chim trên cành tre bỗng chuyền qua cây ổi rồi lại bắn qua cây ngọc lan, có lẽ nó quá ngán ngẩm trước việc phải dài cổ chờ đợi bốn con người trong kia phát hiện ra mình. Quả nhiên, nó vừa nhảy vụt một phát, bốn cái miệng cùng reo lên
- A, thấy rồi!
Ba hớn hở quay sang mẹ:
- Em thấy chưa! Anh đã bảo bọn chim sẽ về hót trong vườn nhà ta mà!
Me nheo nheo mắt:
- Nhưng con chim này đâu có hót! Nó chỉ nhảy tới nhảy lui thôi!
- Tại nó ham chơi! Chắc con chim này còn bé! Cỡ thằng Tùng nhà mình!
Rồi ba “e hèm” một tiếng:
- Nhưng em cứ yên trí! Nhảy nhót chán, thế nào nó cũng hót!
- Chưa chắc! – Mẹ khịt mũi – Nếu hót thì nó đã hót rồi!
- Nó không thể hót trong khi còn mải chí thú nhảy nhót được! Con người ta cũng vậy, chẳng ai hát hò trong khi chạy nhảy cả!
Mẹ có vẻ không tin lời ba. Nhưng mẹ không buồn cãi, chỉ nói:
- Được rồi, em sẽ đợi đến khi nó nhảy chán
Không rõ con chim này tính mau chán hay vì nó sợ mẹ sốt ruột mà mẹ vừa nói xong, nó bỗng đứng im không nhúc nhích. Mẹ liền chỉ tay lên cành ngọc lan:
- Nó đứng yên rồi đấy! Đã hót đâu!
- Chưa! – Ba tặc lưỡi – Nhảy nhót xong, nó còn phải nghỉ mệt! Nghỉ giải lao một lát nó mới lấy hơi được!
Ba nói không phải là không có lý! Ừ, mệt đứt hơi thì ai mà hát hò nổi? Thế là cả nhà chong mắt vào con chim, hồi hộp chờ nó hót. Nhưng con chim “nghỉ giải lao” lâu lắc. Nó đứng im lâu thật lâu. Đứng im chán, nó lại nghển cổ nhìn quanh quất. Rồi lại cúi đầu loay hoay rỉa mỏ vào lông. Xong, lại rụt đầu, lim dim mắt. Tóm lại nó làm đủ mọi trò. Chỉ trừ trò hót.
Mẹ cười:
- Thấy chưa! Nó nghỉ cả buổi rồi mà có chịu hót đâu!
- Chắc nó buồn ngủ! – Ba thản nhiên – Ngủ dậy thế nào nó cũng hót!
- Thế thì anh ở đó chờ nó ngủ dậy! Em đi dọn bàn đây!
Nói xong, mẹ quay lại bàn ăn cùng dì Khuê dọn dẹp chén bát. Ba, nhỏ Hạnh và Tùng vẫn đứng tại chỗ nín thở dòm con chim, bỏ luôn bữa ăn dở.Ngắm nghía một hồi. Tùng khẽ buột miệng:
- Nó ngủ thật rồi hở ba?
- Có lẽ thế!
- Thế lát nữa ngủ dậy nó có sẽ hót không?
Ba cười:
- Tất nhiên là không! Loại chim này không biết hót!
Tùng ỉu xìu:
- Thế nó không phải là chim hoạ mi à?
- Không! Chim hoạ mi lớn hơn nhiều!
- Hay nó là chim vàng anh? – Tùng vẫn cố hi vọng.
Lần này ba chưa kịp lên tiếng, nhỏ Hạnh đã trả lời thay:
- Chim vàng anh có màu vàng đen, chim này màu nâu tất nhiên không phải!
Nhưng dù con chim lạ không hót thì nó vẫn cứ là chim. Chim về chơi đùa trên các nhánh cây trong khu vườn đã là một kì tích! Tùng tự an ủi. Thế mà thằng Đạt dám khăng khăng “Bọn chim chẳng bao giờ mò đến những chỗ như thế này”! Hừm, khi nào đến đây nó sẽ biết! Ý nghĩ đó khiến Tùng nôn nao. Nó quên bẵng mất nỗi buồn chim hót.
Chương 4
Đạt đến, như mong mỏi của Tùng.Nhưng khổ nỗi lúc Đạt đến thì con chim hôm nọ lại không chịu đến. Vì vậy, khi Tùng huơ tay khoe:
- Chim vừa đến vườn nhà tao!
Đạt đảo mắt:
- Đâu?
Thì Tùng ú ớ:
- Hôm trước cơ! Hôm nay chả thấy nó đâu!
Đạt bán tín bán nghi:
- Thật không đấy?
Thấy thằng bạn tỏ ý nghi ngờ, mặt Tùng đỏ gay:
- Tao xạo mày làm gì! Không tin, mày hỏi dì Khuê hoặc chị Hạnh tao xem!
Tất nhiên Đạt không dại gì “phạm thượng”. Nó toét miệng cười:
- Thôi khôi! Tao tin!
Tùng vênh mặt:
- Thấy chưa! Vậy mà mày bảo lũ chim sẽ không đến!
Đạt nheo mắt:
- Thế đó là chim gì vậy?
- Chim gì hả? – Tùng thoắt bối rối – Thực ra thì… tao cũng không biết!
- Thế nó hót có hay không? – Mắt Đạt vẫn mở to.
Thoạt đầu Tùng định đáp “Hay lắm” nhưng đến phút chót nó lại đâm ngượng ngập. Vẻ lúng túng của Tùng không lọt khỏi mắt Đạt. Đạt nhìn bạn chăm chăm:
- Hay là nó không biết hót?Tùng gãi gãi đầu:
- Ờ, ờ, không hiểu tại sao nó lại không hót!
- Chim mà không hót thì đâu phải là chim!
Đạt hạ một câu khiến Tùng đỏ rần mặt. Nó nuốt nước bọt:
- Có thể nó còn bé quá!
Đạt khăng khăng:
- Bé vẫn hót! Chim mà lại!
- Mày chả biết gì mà cũng nói! – Tùng gân cổ – Chim thì chim chứ, đã bé thì không thể hót được!
- Ai bảo mày vậy?
- Cần gì ai bảo! – Tùng xoa mũi – Chim cũng như người thôi! Mày có thấy đứa bé nào vừa sinh ra đã biết nói ngay chưa?
Lần này thì Đạt tắc tị. Câu hỏi oái oăm của Tùng khiến nó hết đường cãi, đành cười khì:
- Ừ nhỉ!
Rồi không cam tâm chịu thua, nó liền tiếp ngay, giọng đe doạ:
- Được rồi, tao sẽ đợi! Để xem con chim đó hót ra sao!
Nhưng con chim hôm nọ không về nữa. Nó chỉ đến khu vườn một lần, rồi có lẽ không tìm được món ăn thích miệng, nó bỏ đi luôn, mặc Tùng và nhỏ Hạnh mỏi mòn mong ngóng.Nhưng dù con chim lạ có quay lại, Tùng cũng không thể bắt nó hót cho thằng Đạt nghe. Ba đã nói rồi. Ba bảo loài chim đó không biết hót. Không phải loài chim nào cũng biết hót. Cũng như người ta vậy, có người là ca sĩ, có người không. Nhưng những “ca sĩ” như hoạ mi, sơn ca, vàng anh lại chẳng thấy tăm hơi đâu. Chắc chúng ở mãi trong núi cao rừng thẳm.
Tùng buồn buồn nói với ba:
- Thế là bọn chim không về hót trong vườn nhà ta, ba ạ!
Ba xoa đầu Tùng:
- Rồi chúng sẽ về!
Tùng ngước mắt lên:
- Ba nói thật đấy chứ?- Hẳn nhiên rồi!
Vẻ tự tin của ba khiến Tùng nghe long mình ấm hẳn. Và nó háo hức hỏi:
- Chừng nào chúng sẽ về hở ba?
- Ngày mai! – Ba thản nhiên.
- Ngày mai? – Tùng trố mắt.
- Ừ.
Tùng thắc mắc:
- Làm sao ba biết được là ngày mai chúng sẽ về?
Ba mỉm cười bí ẩn:
- Thế mà ba biết! Ba có một phương pháp đặc biệt!
“Phương pháp đặc biệt” đó ngay ngày hôm sau là Tùng biết liền. Buổi trưa đi học về, vừa bước ra vườn, Tùng nhìn thấy ngay một chiếc lồng chim treo trên nhánh ổi. Trong lồng, hai con chim nhỏ bằng nắm tay, cánh đen ức vàng, đang nghịch ngợm nhảy nhót.
- Chị Hạnh ơi!
Tùng reo lên, giọng ngạc nhiên xen lẫn thích thú. Nhỏ Hạnh ở trên gác thò đầu ra:
- Gì thế?
Tùng chỉ tay vào chiếc lồng:
- Chị thấy cái này chưa?
- Ôi, ở đâu ra thế?
Nhác thấy chiếc lồng chim, nhỏ Hạnh kinh ngạc kêu lên và lật đật phóng vù xuống khỏi gác. Nó đi học về trước Tùng nhưng chưa đặt chân ra vườn nên không biết có chiếc lồng chim mắc trên cây ổi. Tùng đón bà chị bằng vẻ mặt rạng rỡ:
- Hai con chim đẹp ghê! Chị có biết chim gì đây không?
Nhỏ Hạnh giương mắt nhìn vào lồng:
- Ồ, đây chính là chim vàng anh! Hôm trước chị nói rồi, lông chúng có màu vàng đen, em không nhớ sao!
- À, chị nhắc em mới nhớ!
Tùng nói và lại ngoảnh đầu ngắm hai con chim.
- Ở đâu ra vậy kìa? – Nhỏ Hạnh bỗng thắc mắc.
- Cái gì cơ?
- Hai con chim chứ cái gì? Ở đâu ra vậy?
Tùng hấp háy mắt:
- Có lẽ là ba mua! Hôm qua ba nói với em là hôm nay chim sẽ về vườn nhà mình! Em cứ tưởng là chim về thật!
- Thì về thật chứ còn gì nữa! – Tiếng ba đột ngột vang lên sau lưng, vừa nói ba vừa mỉm cười bước lại – Chẳng lẽ con nghĩ đây là chim giả?
- Con đâu nói thế! – Tùng khụt khịt mũi – Nhưng dù sao đây vẫn là những con chim ở trong lồng!
Ba nhướn mắt:
- Thì sao?
Tùng ấp úng:
- Chả sao cả! Nhưng con vẫn thích nhìn thấy những con chim ở ngoài trời hơn!
- Dễ thôi! Ba sẽ thả nó ra!
Ba nói vừa dứt câu, nhỏ Hạnh đã hốt hoảng kêu lên:
- Uý, không được đâu, ba ơi! Chúng sẽ bay đi mất!
- Con yên trí! – Ba trấn an – Vàng anh là loại chim quyến luyến chỗ ở! Nó sẽ không bay mất đâu!
Tùng vỗ tay:
- Ôi, thế thì thích quá! – Rồi nó hăm hở – Vậy ba thả chúng ra ngay bây giờ đi!
- Ngay bây giờ thì chưa được! – Ba nhún vai – Phải đợi ít hôm cho chúng quen lồng đã!
Nghe ba nói vậy, Tùng không dám giục nữa. Nó bấm bụng đợi, và ngày nào cũng thôi thúc hỏi:
- Thả được chưa ba?Mặc dù nó biết trước câu trả lời.
- Chưa đâu con! – Bao giờ ba nó cũng bảo thế.
Lồng chim có hai cái lọ, một lọ đựng nước một lọ đựng bột cám. Đó là thức ăn thức uống của vàng anh. Mỗi sáng trước khi đi làm ba tự tay thay thức ăn thức uống cho chúng. Trước khi đóng cửa lồng, ba không quên bỏ thêm vào một quả chuối chín đã bóc vỏ sẵn.Hai con chim rất háu ăn. Chúng giành nhau chúi mỏ vào lọ bột cám, rồi lại giành quả chuối mổ lấy mổ để. Xong, lại nhảy nhót. Rồi lại ăn. Lại nhảy, lại ăn. Cứ thế, nhưng vẫn không hót. Như con chim lạ hôm nào.
Tùng ngạc nhiên:
- Chúng vẫn không hót kìa ba!
- Chưa đâu! Phải lớn một tí nữa! Hai con chim này còn bé!
Trong khi chờ cho hai con vàng anh hót, ba mở cửa lồng cho chúng bay ra. Tùng đứng bên, thấp thỏm hỏi:
- Chúng quen lồng rồi hở ba?
- Chắc thế! Đã một tuần rồi còn gì!
Hôm ba mở cửa lồng, cả nhà ai nấy đều phấp phỏng giương mắt theo dõi. Thoạt đầu, hai con vàng anh không chịu ra ngay. Tùng tưởng chúng không nhìn thấy cửa lồng đã mở, nhưng nó liền biết ngay là không phải. Một trong hai con nhảy lên thanh tre bắt ngang cửa lồng, thò đầu ra ngoài dòm dáo dác một lúc lại nhảy xuống quay vào chỗ quả chuối, mổ lích chích. Nó chẳng có vẻ gì muốn tận hưởng niềm vui “thoát cũi sổ lồng”. Quả chuối và lọ cám đối với nó dường như hấp dẫn hơn nhiều.
Nhỏ Hạnh cười khúc khích:
- Hai con chim này có “tâm hồn ăn uống” dễ sợ!
Tùng đía ngay:
- Giống hệt chị!
- Giống em thì có! – Nhỏ Hạnh chun mũi.
Tùng ngoác miệng tính phản kích nhưng mặt nó bỗng ngây ra. Con vàng anh mon men ra cửa lồng khi nãy bay đánh vù một cái, đã vắt vẻo trên cành ngọc lan đối diện.
- Hay quá! Nó bay ra rồi kìa! – Dì Khuê reo lên.
Mẹ suỵt:
- Đừng nói lớn, nó sợ!
Ra được ngoài trời, con vàng anh có vẻ thích chí. Nó hết nghiêng đầu sang bên trái lại nghiêng đầu sang bên phải, hiếng mắt nghiêng ngó. Rồi nó hí hoáy quẹt mỏ rỉa lông, vẻ khoái trá.
- Nó có bay đi không hở ba? – Nhỏ Hạnh hỏi, không yên lòng.
- Không đâu!
Ba đáp giọng tự tin. Nhưng nhìn mắt ba, nhỏ Hạnh có cảm giác ba cũng phập phồng không kém gì mình. Như để tăng thêm sự hồi hộp cho mọi người, con vàng anh rỉa lông xong, cứ đứng ra đó, không buồn nhúc nhích.Nó đứng ì, mọi người đành phải đứng theo.
- Hay là nó không chịu trở vào lồng? – Mẹ lo âu buột miệng.
Mẹ hỏi trổng nhưng ai cũng biết mẹ dành câu hỏi đó cho ba, người chủ xướng vụ mở cửa lồng. Trong khi ba nhăn nhó chưa kịp đáp thì may làm sao, con vàng anh đã trả lời giùm ba. Nó nhảy phóc một phát từ cành ngọc lan qua cây chuỗi ngọc. Rồi sau khi ngoẹo đầu quan sát bốn phía, nó đập cánh bay đậu trên nóc lồng.
Tùng reo khẽ:
- Nó đang tìm dường vào lồng đó!
Quả nhiên, Tùng vừa nói xong, con vàng anh bay đảo một vòng và đáp ngay choc xuống thanh gỗ nằm ngang trước cửa lồng. Nhoáng một cái, nó đã nhảy vào bên trong, đủng đỉnh tiến lại chỗ quả chuối.
Ba cười:
- Con chim này “đi mô rồi cũng nhớ về… quả chuối”!
Thấy ba nhái lời bài hát để trêu con vàng anh, Tùng và nhỏ Hạnh, cả mẹ và dì Khuê nữa, đều phì cười.
- Nó lại bay ra nữa kìa! – Đang cười, Tùng bỗng giật giọng kêu lên.
- Làm gì mà con hoảng lên thế! – Ba nói – Nó đi dạo mát đấy! Rồi nó cũng sẽ trở vào lồng thôi!
Lần này con vàng anh khi nãy không bay ra một mình. Nó rủ con vàng anh thứ hai đi theo. Nó dẫn bạn về phía cửa lồng, bộ tịch nghênh nghênh ra vẻ ta đây “dân chơi” thứ thiệt, chẳng ngóc ngách nào là không biết. Vèo một cái, hai con chim đã ở trên cành ngọc lan. Rồi dưới sự chỉ vẽ của con chim đi trước, con chim kia cũng quẹt mỏ rỉa lông, cũng nghiêng nghiêng ngó ngó ra chiều thích thú. Và cũng như khi nãy, sau khi hóng gió hóng nắng đã đời, chuyền hết cành này sang cành nọ, hai con vàng anh lại kéo nhau vào lồng và hối hả chạy lại chỗ đặt đồ ăn thức uống, hệt như sắp chết đói chết khát đến nơi.
Ba bước lại đóng cửa lồng, cười nói:
- Hôm nay “biểu diễn” thế đủ rồi! Nhốt lại chứ không chúng cao hứng bay mất thì khốn!
Dì Khuê gật gù:
- Cứ cái kiểu này thì bọn chim này sẽ không bỏ đi đâu!
Nhỏ Hạnh vui vẻ:
- Chim vàng anh cũng là chúa luyến tổ!
- Chúa tham ăn thì có!
Tùng bĩu môi. Tuy nói vậy nhưng cặp mắt nó lại sáng trưng. Nó đang nghĩ đến ngày tự tay nó thả bọn chim ra vườn dạo mát trước những cặp mắt sửng sốt của tụi Nghị, Đạt và Cúc Phương.
Chương 5
Thằng Tùng chờ đến ngày hai con chim vàng anh thực sự quen lồng. Nó chờ đến ngày nó sẽ “biểu diễn” cho đám bạn trên trường lé mắt.
Nhưng dù nôn nóng đến mấy, Tùng cũng chưa dám ra tay. Ba dặn rồi. Ba bảo thời gian đầu chỉ nên cho bọn chim ra ngoài mỗi ngày một lần thôi.
Mỗi sáng, trước khi đi làm, ba mở cửa lồng cho bọn chim ra ngoài bay nhảy khoảng nửa tiếng đồng hồ. Sau đó, lại nhốt bọn chim vào như cũ.
Tùng muốn lén thả bọn chim ra lắm. Nhưng nó không dám. Nó sợ hai con vàng anh cao hứng bay đi luôn, không trở vào lồng. Nếu thế thì chí nguy!
Hơn nữa trong thời gian này, Tùng cũng không còn đầu óc nào để nghĩ đến chuyện mạo hiểm. Nó đang phải đối phó với những đòn tấn công của Hưng sún.
Sau một thời gian trốn kĩ trong nhà, gần đây Hưng sún lại xuất hiện.
Lần này Hưng sún nghĩ ra “chiêu” mới. Nó không kiện cáo về chuyện chị em thằng Tùng đi lại trên mái tôn làm nhà nó mất ngủ trưa nữa. Mà gầm gừ hoạnh hoẹ:
- Tụi mày làm gì mà hôm nào cũng đổ nước tung toé xuống sân nhà tao vậy?
- Xạo đi mày! – Tùng “xì” một tiếng – Ai thèm đổ nước xuống sân nhà mày làm gì!
- Còn cãi bướng nữa hả! – Hưng sún hầm hầm – Nếu không phải nước thì là cái gì đây?
Tùng thò đầu ra ngoài mái tôn nhìn theo tay chỉ của đối phương. Quả có một ít nước chảy xuống sân nhà Hưng sún thật. Đó là nước tưới cây.
Tùng bĩu môi:
- Có chút xíu mà cũng la om sòm!
- Vậy mà chút xíu?
- Chứ gì nữa! – Tùng hừ mũi – Mọi lần trời mưa nước chảy tràn cả sân nhà mày thì sao!
Hưng sún hếch mặt:
- Trời mưa khác, còn tụi mày đổ nước xuống lại khác! Tao không thích ai làm ướt sân nhà tao!
Rồi để khoá miệng Tùng, Hưng sún đe:
- Mẹ tao nói rồi, nhà mày còn tiếp tục làm ướt sân nhà tao, mẹ tao sẽ báo với ông tổ trưởng tổ dân phố!
Lời doạ dẫm của Hưng sún có hiệu lực ngay tức khắc. Bụng ấm a ấm ách nhưng nghe Hưng sún lôi ông tổ trưởng ra hù, Tùng hết dám đôi co. Trong khi nó đang lóng ngóng chưa biết tính sao thì một giọng nói đầm ấm chợt vang lên bên tai:
- Đừng lo! Không ướt sân thì mình sẽ làm cho không ướt sân!
Tùng quay phắt lại. Nhận ra Tiểu Long, mắt nó sáng rỡ:
- A, anh Tiểu Long! Anh đi với ai vậy?
- Đi với tao chứ với ai!
Quý ròm đứng chỗ ngách cửa vọt miệng đáp, vừa nói nó vừa đủng đỉnh bước ra. Rồi không để Tùng lên tiếng, Quý ròm hỏi ngay:
- Chị Hạnh mày đâu rồi?
- Chỉ đi công chuyện với mẹ em!
Quý ròm nheo mắt nhìn hai con vàng anh đang nhảy tưng tưng trong lồng:
- Hai con chim này đã hót được chưa?
- Chưa! Ba em bao phải một thời gian nữa! – Đang nói, Tùng chợt lo âu – Nhưng em không biết có thể đợi đến lúc đó không?
- Sao thế?
Tùng chỉ tay xuống tầng trệt:
- Những người ở dưới không muốn nhà em trồng cây trên này!
Quý ròm liếc mái tôn:
- Chắc họ sợ mái tôn này sập xuống đầu họ chứ gì?
Tiểu Long lắc đầu:
- Những đà ngang to chắc thế kia, mái tôn này không thể sập được!
Tùng tặc lưỡi:
- Thằng Hưng sún bảo em tưới cây làm chảy nước xuống sân nhà nó!
- Không sao! – Tiểu Long gật gù – Tao sẽ gắn cho mày một cái máng xối! Thế là xong!
Nói là làm ngay, chiều hôm sau Tiểu Long khệ nệ chở đến một cái máng xối bằng thiếc.
- Ôi, ở đâu anh có ngay vậy? – Tùng chưng hửng.
- Tao nhờ anh Tuấn tao đóng giùm đấy! Ảnh chỉ gõ nhoáng một cái là xong!
Tiểu Long và Tùng hì hục khiêng máng xối ra vườn và loay hoay gắn vào dưới mái tôn.
Nghe động, Hưng sún chạy ra. Nó nghển cổ ngắm ngó một hồi rồi liếm môi hỏi:
- Mày làm gì thế hở Tùng?
- Tao làm theo yêu cầu của mày!
Hưng sún không hiểu:
- Là sao?
Tùng nhướn mắt:
- Tao gắn cái máng xối này cho nước khỏi chảy xuống sân nhà mày chứ còn là sao!
Dòm bộ tịch nghênh nghênh của Tùng, Hưng sún muốn gây sự lắm. Nhưng lại không tìm ra cớ gì. Mãi một lúc nó mới nghĩ ra lí do:
- Mày không được gắn cái máng xối ở chỗ đó!
- Sao thế? – Tùng ngơ ngác.
Hưng sún thản nhiên:
- Mày gắn chỗ đó rủi nó rớt xuống trúng đầu tao thì sao?
- Mày đừng có kiếm chuyện! Rớt sao được mà rớt!
- Rớt! – Hưng sún mím môi.
- Tao nói không rớt!
- Tao nói rớt!
Tùng cười khảy:
- Nếu mày sợ rớt thì cái gì cũng có thể rớt được! Ngay cái mặt trời kia cũng có thể rớt trúng đầu mày đấy!
Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, Tiểu Long nhìn Hưng sún, hắng giọng nói:
- Em đừng lo! Anh buộc chặt lắm, không rớt được đâu!
Thấy có “người lớn” chen vào, Hưng sún làm thinh. Nó không nói gì nhưng mặt mày lộ vẻ bất phục.
Nhìn thái độ của Hưng sún, Tùng biết thừa thằng này sẽ không chịu dừng lại ở đây.
Quả nhiên, một tuần lễ sau, Hưng sún lại oang oang:
- Cái máng xối của nhà mày chẳng ăn thua gì cả! Nước vẫn chảy xuống sân nhà tao đây này!
- Lại xạo đi! – Tùng cười hê hê – Nước chảy trên máng xối thì có!
Hưng sún vẫn lải nhải:
- Không tin mày thò đầu ra mà xem! Tao thèm vào nói xạo!
Nghe đối phương nói bằng giọng quả quyết, Tùng liền “thò đầu ra mà xem”. Dáo dác một hồi, nó chả thấy gì cả:
- Nước đâu mà nước?
Hưng sún dí chân xuống mặt sân:
- Mày nhìn kĩ đi! Đây chẳng là nước thì là gì!
Tùng trố mắt nhìn kĩ. Lần này phải cố lắm nó mới nhìn thấy mảng sân bị ngấm nước. Mảng sân bị ướt bé tẹo, nhỏ bằng bàn tay, nếu Hưng sún không dí chân vào Tùng chẳng tài nào nhìn ra.
- Ối trời ơi! – Tùng ôm bụng cười – Ướt có tí xíu mà cũng bắt đền!
Hưng sún sầm mặt:
- Ướt có tí xíu thì cũng là ướt!
- Thôi được rồi! – Biết càng giằng co càng bất lợi, Tùng tìm cách làm hoà – Chắc là máng xối nhà tao bị rò, để ngày mai tao nhờ anh Tiểu Long tao vá lại!
Tiểu Long vá lại cái máng xối được chừng hai ngày, nó lại rò chỗ khác. Miếng thiếc anh Tuấn đóng máng xối là miếng thiếc cũ nên ngấm nước một thời gian, nó gỉ hết chỗ này đến chỗ khác.
Thế là Hưng sún lại được dịp hoạnh hoẹ và lôi ông tổ trưởng ra hù thằng Tùng xanh mặt. Thế là Tùng rối rít hứa hẹn. Thế là Tiểu Long ngày nào cũng xách búa tới gõ cồm cộp.
Cho tới ngày Quý ròm sốt ruột vác tới một cái máng xối bằng nhựa thay cho cái máng xối cũ thì thằng Tùng mới thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng Tùng chỉ nhẹ nhõm được có ba ngày. Tới ngày thứ tư, Hưng sún làm ngực Tùng nặng chình chịch trở lại:
- Nhà mày chuyên xả rác xuống sân nhà tao đấy nhé!
- Đừng có đặt điều – Tùng tím mặt – Nhà tao có thùng rác đàng hoàng, chả ai lại vứt rác bừa bãi xuống nhà mày!
- Thế mà có đấy! – Giọng Hưng sún rặt khiêu khích.
- Láo! – Tùng quát lớn.
- Mày láo thì có! – Hưng sún quát còn lớn hơn, rồi nó chỉ tay xuống sân – Đây mà không phải là rác hả?
Tùng ngó xuống.
- Đấy đâu phải là rác! – Miệng nó dở cười dở mếu – Chỉ là những chiếc lá vàng thôi mà!
Hưng sún nhún vai:
- Lá vàng cũng là rác! Sáng nào mẹ tao cũng quét mỏi cả tay!
Rồi để tăng thêm phần nghiêm trọng, nó khịt mũi đế thêm:
- Tay mẹ tao sắp gãy rồi đấy!
Biết đối phương “trộ” mình nhưng Tùng không nói gì, chỉ đưa mắt lo lắng nhìn xuống sân nhà Hưng sún. Nhà chung cư ít gió, lá trong vườn chỉ rụng xuống mái tôn. Chỉ lác đác dăm chiếc lá bay xuống sân nhà bên dưới. Vậy mà Hưng sún bảo mẹ nó quét lá đến gãy cả tay, xạo ơi là xạo! Nhưng dù biết Hưng sún ba hoa một tấc đến trời, Tùng vẫn cảm thấy thấp thỏm.
Từ khi có khu vườn đến giờ, Hưng sún đã bao phen tìm cách soi mói, hăm he, hạch sách. Nhưng chị em Tùng đều vượt qua hết. Mẹ từng bảo “một sự nhịn chín sự lành”. Để làm gương cho con cái, mẹ lúc nào cũng nhường nhịn những người chung quanh, tất nhiên trừ ba. Ba là một ngoại lệ. Chỉ có ba nhường mẹ. Nhớ lời mẹ dạy, Tùng luôn luôn nhịn Hưng sún. Nhất là từ khi Hưng sún doạ méc ông tổ trưởng dân phố, Tùng lại càng nhịn.
Tùng đã cố làm mọi cách để Hưng sún thôi quấy phá. Nhưng lần này thì Tùng chịu thua. Lá vàng ở trên cây, Tùng chẳng biết lúc nào chúng rơi và cũng chẳng có cách nào bảo chúng đừng rơi xuống khoảnh sân bên dưới được.
Tùng nhìn Hưng sún, hoang mang hỏi:
- Thế theo mày tao phải làm sao bây giờ?
- Dễ ợt! – Mặt mày Hưng sún nom “gian ác” không thể tả – Cứ dẹp khu vườn đi là xong!
- Không được! – Tùng đau khổ – Gì thì gì chứ không thể dẹp khu vườn!
Bỗng một ý nghĩ thoáng hiện trong đầu, Tùng bèn ngập ngừng đề nghị:
- Hay để tao với chị tao thay phiên nhau mỗi ngày xuống nhà mày quét lá!
- Hay đấy!
Hưng sún gật gù nhưng rồi nó lại lắc đầu ngay:
- Nhưng mà không được!
Tùng chớp mắt:
- Sao không được?
- Không được là không được chứ sao! – Hưng sún phẩy tay – Làm như vậy người ta sẽ bảo nhà tao “bóc lột” nhà mày!
- Chả ai bảo thế đâu! – Tùng trấn an.
- Người ta sẽ bảo! – Hưng sún dứt khoát – Chỉ có cách là dẹp khu vườn!
Tùng nuốt nước bọt.
- Không được! Tao đã bảo là không thể dẹp khu vườn!
- Sao không được? – Hưng sún lặp lại đúng cái câu Tùng vừa hỏi nó – Tao thấy đám cây lá của mày có gì hay ho đâu!
Như được gãi trúng chỗ ngứa, mắt Tùng sáng trưng:
- À, thế thì mày không biết rồi! Đối với con người ta, cây xanh cực kì quan trọng!
Hưng sún nhếch môi:
- Cực kì quan trọng?
Phớt lờ vẻ giễu cợt của đối phương, Tùng nhíu mày cố nhớ những lời chị Hạnh giảng giải hôm trước, nghiêm nghị hỏi:
- Mày biết con người ta sống được là nhờ cái gì không?
- Tất nhiên là nhờ thức ăn!
- Thế ngoài thức ăn ra?
- Ngoài thức ăn là nước uống!
Thấy Hưng sún đáp hai lần vẫn chưa đúng ý mình, Tùng sốt ruột:
- Thế ngoài nước uống?
- Ngoài nước uống hả?
Hưng sún nhăn mày nhíu trán một hồi vẫn không nghĩ ra ngoài thức ăn và thức uống, con người ta còn sống nhờ cái gì nữa! Nó nhìn Tùng, tặc lưỡi:
- Hết rồi!
Tùng hừ mũi:
- Thế con người ta không thở à?
Hưng sún reo lên:
- À, nhờ thở nữa!
Tùng gục gặc đầu, hệt thầy giáo lúc giảng bài:
- So với ăn và uống, thở còn quan trọng hơn nhiều! Con người ta có thể nhịn ăn suốt năm tuần lễ hoặc nhịn uống liền tù tì năm ngày vẫn không chết, nhưng nếu nhịn thở khoảng năm phút, “ngoẻo” là cái chắc!
Hưng sún đồng tình ngay:
- Ừ, hôm trước đi bơi, tao lặn xuống nước có một chút xíu đã phải trồi lên liền!
- Đó, thấy chưa! Tao đã nói mà! – Tùng cười tít mắt, rồi nó nghiêm giọng hỏi tiếp – Thế con người ta thở bằng gì?
- Tất nhiên là bằng mũi!
Hưng sún trả lời lạc đề khiến mặt Tùng méo xẹo:
- Ai chả biết là thở bằng mũi! Chứ chả lẽ con người ta thở bằng mắt hoặc bằng tai?
Rồi để Hưng sún khỏi tiếp tục nghĩ vớ nghĩ vẩn, Tùng đành gợi ý trắng trợn:
- Thế khi thở, con người hít cái gì vào phổi?
- À, hít không khí!
Tới đây, Hưng sún đã đi vào “chính đề”. Nhưng Tùng vẫn chưa thoả mãn. Hai chữ “không khí” vẫn còn mơ hồ quá, vẫn chưa có gì dính dấp trực tiếp tới cây xanh.
Tùng tiếp tục “dò bài”:
- Thế mày có biết trong không khí có gì không?
Htthg sún cười hê hê:
- Đã là không khí thì còn có gì nữa! Trong không khí chỉ có không khí thôi!
Tùng bĩu môi:
- Nói vậy mà cũng nói! Trong không khí có nhiều thứ lắm!
Hưng sún sực nhớ ra:
- À, có bụi!
Tùng “xì” một tiếng:
- Bụi thì nói làm gì! Tao hỏi là hỏi các thành phần hoá học kia!
- “Thành phần hoá học” hả?
Hưng sún tròn mắt, cái từ này đối với nó sao mà bí hiểm quá.
Tùng gật đầu:
- Ừ, thành phần hoá học!
Hưng sún gãi gáy:
- Thế thì tao không biết!
Tùng “e hèm” một tiếng, nó cố tỏ ra đạo mạo bằng cách đưa tay đẩy gọng kính trên sống mũi, nhưng sực nhớ ra mình không phải là chị Hạnh, liền thở dài bỏ tay xuống và hắng giọng giảng giải:
- Trong không khí có rất nhiều chất khác nhau như nitơ, hyđrô, ôxy, cacbônic… Con người nói riêng và động vật nói chung sở dĩ sống được chính là nhờ khí ôxy. Chúng ta hít vào khí ôxy và thở ra khí cacbônic. Không có ôxy, tao với mày sẽ “ngủm cù đeo” ngay tắp lự!
- Đúng rồi! – Hưng sún hào hứng huơ tay – Hèn gì hôm trước ông tao vào bệnh viện cấp cứu, tao thấy các bác sĩ cho ông tao thở bình ôxy!
Thấy đối phương nhanh nhảu phụ hoạ, Tùng mừng rơn:
- Chính thế! Vậy mày có biết chất ôxy quan trọng kia ở đâu ra không?
Hưng sún ngẩn ngơ:
- Thì chúng có sẵn trong không khí chứ đâu!
- Bậy! – Tùng rùn vai – Hầu hết ôxy chính nhờ cây xanh mà có! Nhờ chất diệp lục, cây xanh hấp thu ánh sáng, phân giải nước và nhả ra khí ôxy!
- Ai bảo mày vậy? – Hưng sún nhìn Tùng bán tín bán nghi, nó không tin một đứa bằng tuổi nó mà biết được nhiều chuyện “siêu đẳng” như thế.
Sợ giảm oai phong, Tùng không dám thú thật sở dĩ nó biết được những chuyện đó là nhờ chị Hạnh nó giảng. Nó gật gù ra vẻ ta đây:
- Tao đọc được ở trong sách! Trong sách người ta còn nói nhiều thứ lắm!
Hưng sún liếm môi:
- Thế trong sách có nói trước khi có cây xanh thì con người ta thở bằng cái gì không?
Hưng sún đột ngột hỏi một câu cắc cớ khiến Tùng đâm cà lăm:
- Cái đó thì sách có nói nhưng… tao… tao không nhớ! Để tao xem kĩ lại đã, rồi trả lời mày sau!
- Ha ha! Xạo ơi là xạo!
Tràng cười của Hưng sún làm Tùng đỏ mặt. Nó gầm gừ:
- Mày đợi đấy! Tao quay vào rồi sẽ trở ra ngay!
Nói phứa một câu, không đợi Hưng sún cười dứt, Tùng tức tối phóng vụt vào nhà.
Chương 6
Tùng xăm xăm đi thẳng lên gác, bụng tức sôi. Đang diễn thuyết trơn tru về vai trò quan trọng của cây xanh trong đời sống và chuẩn bị chuyển qua liên hệ với lợi ích của khu vườn trên mái tôn, Hưng sún chợt hỏi đâm ngang khiến kế hoạch của Tùng bỗng nhiên vỡ lở. Mà Hưng sún xét kĩ đâu phai là đứa lòng gang dạ sắt. Tùng thấy rõ Hưng sún sắp sửa bị thuyết phục. Hưng sún sắp sửa hiểu ra khu vườn trên mái tôn không chỉ cung cấp ôxy cho nhà Tùng mà còn cho cả nhà nó nữa. Hưng sún sắp sửa hiểu được trong một thành phố ô nhiễm đủ thứ khói bụi như hiện nay, cây xanh hữu ích cho con người biết chừng nào.
Vậy mà đúng vào lúc Hưng sún đang bùi tai và sửa soạn mở miệng xin lỗi nó về những trò quấy rối lâu nay thì đột nhiên nó lại đâm tắc tị trước câu hỏi hóc búa của Hưng sún. Thế là mọi cố gắng trước đó của nó trong một phút bỗng sụp đổ tan tành.
Càng nghĩ, Tùng càng tiếc. Càng tiếc lại càng tức. Không rõ nên tức ai, Tùng hầm hầm với bà chị:
- Chị giảng cho em chuyện gì đâu không! Nhỏ Hạnh đang ngồi học bài trên gác, ngớ ra khi thấy ông em tự nhiên mặt sưng mày sỉa với mình:
- Ơ, em nói gì thế?
- Còn nói gì nữa! – Mặt Tùng vẫn như cái bánh bao – Tại chị mà ra hết!
- Ơ, lạ chưa kìa! – Nhỏ Hạnh ngơ ngác – Sao tự dưng lại gây sự với chị? Có chuyện gì thế?
Đang dồn dập hỏi, như nghĩ ra chuyện gì, nhỏ Hạnh chợt nhoẻn miệng cười:
- A, chị hiểu rồi! Lại “đụng độ” với Hưng sún nữa phải không?
- Chứ còn gì nữa! – Tùng làu bàu – Nhưng không phải là “đụng độ”! Chỉ là…
Thấy ông em ngập ngừng, nhỏ Hạnh giương mắt tò mò:
- Chỉ là sao?
Tùng liếm môi:
- Chỉ là trò chuyện về… khoa học thôi!
- Ghê nhỉ! Trò chuyện về khoa học cơ đấy! – Nhỏ Hạnh cố nén cười – Nhưng trò chuyện về khoa học gì lại quạu quọ ghê thế?
Trước sự vặn hỏi của bà chị, Tùng ngần ngừ một thoáng rồi tặc lưỡi kể lại câu chuyện vừa xảy ra ngoài vườn. Kể xong, nó ấm ức kết luận:
- Em nói hệt như chị nói, rốt cuộc Hưng sún hỏi một câu làm em cứng họng! Bây giờ chị trả lời em đi! Trước khi có cây xanh thì con người ta thở bằng gì?
Rõ ràng Tùng có ý bắt bí bà chị. Nó đinh ninh nhỏ Hạnh giải thích sai, khiến nó giải thích sai nốt giúp Hưng sún có dịp “kê tủ đứng” vào miệng nó. Nào ngờ nhỏ Hạnh thản nhiên:
- Trước khi có cây xanh thì con người chưa xuất hiện! Cây cối có trước, loài người mới có sau!
Câu trả lời vô cùng đơn giản của bà chị làm Tùng nghệt mặt ra, không thốt được tiếng nào. Sau một thoáng ngẩn ngơ, Tùng thở đánh phào một cái và lật đật quay trở ra vườn. Mình sẽ cho Hưng sún biết tay! Chuyện dễ ợt thế mà nó cũng bày đặt làm khó mình. Tùng hí hửng nhủ thầm. Nhưng Hưng sún đã không còn đứng ở dưới sân nhà nó nữa.
- Hưng sún!
Tùng ngoác miệng kêu lớn. Nó lặp đi lặp lại hai, ba lần, Hưng sún vẫn biệt tăm. Đang bực bội, Tùng bỗng giật mình quay nhìn vào lồng chim, vểnh tai nghe ngóng. Ôi, tiếng gì như tiếng chim vừa hót! Phải tụi mày vừa hót đấy không? Tùng láo liên nhìn cặp vàng anh nhảy nhót, trống ngực đập thình thịch. Như để “giải đáp thắc mắc” cho cậu chủ nhỏ, một trong hai chú vàng anh ngửa cổ hót một tràng ngắn.
- A ha, chị Hạnh ơi! Hai con chim này biết hót rồi nè!
Tùng reo lớn và ngoảnh cổ nhìn lên gác.
Nhỏ Hạnh thò đầu ra cửa sổ tự bao giờ, nheo nheo mắt:
- Chị nghe nãy giờ rồi chứ bộ!
Dì Khuê cũng chạy ra, dáo dác:
- Chim nhà mình vừa hót phải không Tùng?
Tùng hớn hở:
- Dạ, nó vừa hót! Giọng nó vang ghê là!
- Sao nó hót có một chút xíu thế?
Nhỏ Hạnh đáp vọng xuống:
- Mới tập hót nó chỉ hót thế! Ít hôm nữa nó sẽ hót cả một tràng dài cho dì xem!
Dì Khuê không hỏi nữa. Mắt dì dán mắt vào chiếc lồng, chờ đợi. Nhưng lần này, chim vàng anh không buồn hót nữa. Cả ba dì cháu chờ lâu thật lâu vẫn chẳng thấy gì. Tùng lo lắng:
- Hay là nó bị sao rồi!
- Nó chả bị gì đâu! – Nhỏ Hạnh hắng giọng – Ngày mai nó sẽ lại hót tiếp! Và có khi cả con kia cũng sẽ bắt chước hót theo!
Buổi tối, nghe ba dì cháu thuật lại chuyện chim vàng anh tập hót, ba và mẹ vô cùng thích thú. Nhất là ba. Ba nhìn mẹ, cao hứng:
- Em thấy chưa! Anh đã bảo chúng ta sẽ được mắt xem hoa nở, tai nghe chim hót, vậy mà em cứ một mực không tin!
- Thôi đi! – Mẹ nguýt ba một cái dài – Lúc đó anh bảo chim sẽ về làm tổ trong vườn chứ đâu phải chim nhốt trong lồng!
- Chuyện đó chẳng có gì khó! Chừng nào những con vàng anh này đã quen với khu vườn, anh sẽ thả chúng ra. Và chúng sẽ làm tổ trên cây ngọc lan cho em xem!
- Như thế là ăn gian! – Mẹ hứ một tiếng – Phải tự chúng ở nơi khác bay đến hót mới là hay!
Ba tỉnh khô:
- Sẽ có chim ở nơi khác bay đến hót, nếu em nhất định muốn thế!
Mắt mẹ tròn xoe:
- Anh không đùa đấy chứ?
- Chả đùa tí ti nào, nhất là khi anh có hai con vàng này trong tay! Chừng nào chúng quen hơi khu vườn, anh sẽ đem chúng sang nhà hàng xóm và tháo lồng cho chúng bay về nhà ta.
- Thế nghĩa là sao? – Mẹ vẫn chưa hiểu.
- Còn nghĩa là sao nữa! Nghĩa là đôi chim này lúc đó sẽ là “chim ở nơi khác bay đến” đúng theo yêu cầu của em chứ là sao!
- Nơi khác nào?
Ba nheo nheo mắt, hóm hỉnh:
- Thì nhà hàng xóm ấy! Nhà hàng xóm không phải là “nơi khác” sao?
Nghe đến đây, biết ba nãy giờ cố tình trêu mẹ, nhỏ Hạnh không nhịn được liền phá ra cười. Cả dì Khuê cũng tủm tỉm. Còn mẹ thì lườm ba, nhăn nhó:
- Giỡn dai nhách! Em nói thật, mà anh thì nói gì đâu không!
Trong bàn, chỉ có Tùng là đón nhận những ý tưởng của ba một cách nghiêm túc. Nó không xem đó là chuyện đùa. Ừ nhỉ, sáng kiến của ba hay đấy! Tại sao mình không rủ tụi bạn về nhà và bí mật “biểu diễn” màn “chim ở nơi khác bay đến” cho tụi nó lác mắt chơi?
Nghĩ là làm, chiều hôm sau, đợi ba và mẹ đi làm, chị Hạnh chúi mũi vào đống sách còn dì Khuê thì đang lục đục sau bếp, Tùng một mình lặng lẽ ra vườn, rón rén bước lại chỗ lồng chim. Ba bảo thời gian đầu chỉ nên cho bọn chim ra ngoài dạo chơi mỗi ngày một lần thôi. Hồi sáng ba đã cho bọn chim ra ngoài rồi. Có nghĩa là Tùng không được phép thả chim ra nữa. Tất nhiên Tùng không quên lời ba dặn, nhưng nó lại tự trấn an “Ba bảo “thời gian đầu” mới phải thế nhưng hôm nay đâu còn là “thời gian đầu” nữa! Bọn chim đã về ở nhà ta hơn mười ngày rồi kia mà! ”Ý nghĩ đó giúp Tùng thêm can đảm. Và sau khi len lét dòm quanh, nó lén lút mở lồng cho hai con vàng anh bay ra. Thoạt đầu thấy cửa lồng mở toác, hai con vàng anh có vẻ không tin vào mắt mình. Chúng không hiểu tại sao hồi sáng đã được ra ngoài rong chơi thoả thích rồi bây giờ lại được thưởng thêm một “suất đặc biệt” nữa. Nhưng đôi chim không buồn nghĩ ngợi nhiều. Sau một thoáng ngỡ ngàng chúng rủ nhau con trước con sau tiến về phía cửa lồng đập cánh bay vù ra.
Đúng lúc đó, dì Khuê đi ngang.
- Ôi, sao cháu thả chim ra thế? – Thấy hai con chim xẹt về phía cây ngọc lan, dì hốt hoảng kêu. Tùng chưa kịp đáp thì nhỏ Hạnh nghe động thò đầu ra:
- Chết em nhé! Dám tự tiện thả chim!
Tùng phân trần:
- Em cho chúng “thư giãn” một tí thôi mà!
Dì Khuê nhíu mày:
- Nhưng ba cháu bảo mỗi ngày chỉ được thả chim một lần thôi!
- Đó là ba nói “thời gian đầu”! – Tùng hùng hồn giải thích – “Thời gian đầu” hai con vàng anh này chưa quen lồng nên ba không dám cho chúng ra ngoài nhiều! Nhưng bây giờ đã là… “thời gian sau” rồi!
Nhỏ Hạnh nhăn mũi:
- Chống chế hay lắm! Để xem hai con chim có trở vào lồng không thì biết! Chúng mà bay luôn thì em chỉ có khóc!
- Chị đừng có nói xui! – Tùng cau mặt cự nự.
Nhỏ Hạnh chưa kịp phân bua thì hai con vàng anh đã thanh minh giùm cho nó. Vèo một cái, hai con chim đã bám vắt vẻo chỗ cửa lồng. Tùng toét miệng cười, quên ngay sự trách móc của mình vừa rồi:
- Chị thấy chưa! Em biết chắc là chúng sẽ không bay luôn mà lại!
Vừa nói, Tùng vừa nhanh tay đóng cửa lồng, đề phòng bất trắc. Dì Khuê áp tay lên ngực:
- Hú vía! Thế mà dì cứ lo lo!
Nãy giờ Tùng còn lo hơn dì nhiều. Nhưng thấy bọn chim đã chui trở vào lồng, mặt nó liền vênh vênh:
- Dì yếu bóng vía thật! Cháu thì cháu chả lo tẹo nào cả! Cú mạo hiểm thành công càng nung nấu quyết tâm của Tùng. Chiều hôm sau, nó hăm hở rủ tụi Nghị, Đạt và Cúc Phương tới chơi nhà.
- Ổi nhà bạn có trái rồi hả? – Cúc Phương hỏi.
- Có rồi! Nhưng trái đang còn non, chưa ăn được đâu!
Nghị liếm môi:
- Vậy chắc mày rủ tụi tao tới uống đá chanh?
Tùng lắc đầu:
- Chanh cũng thế! Trái nhiều lắm nhưng phải đợi thêm một thời gian nữa!
Nghị tròn mắt:
- Thế khu vườn của mày có gì hay mà hôm nay mày hào hứng thế?
- Có chim! – Tùng ưỡn ngực – Dạo này chim thường về đậu trong vườn nhà tao!
Đạt cà khịa:
- Lại “con chim không biết hót” hôm nọ chứ gì?
- Bậy! – Tùng đỏ mặt – Con chim hôm nọ thì nói làm gì! Đây là một đôi chim khác, chim vàng anh! Ngày nào chúng cũng bay tới vườn nhà tao!
Nghe tới chim vàng anh, mặt mày bọn trẻ háo hức hẳn. Nhỏ Cúc Phương xuýt xoa:
- Ôi, chim vàng anh hót hay lắm đấy!
Tùng phổng mũi:
- Còn phải nói!
Nghị cũng hùa theo:
- Lại đẹp nữa!
Tùng càng nở mày nở mặt:
- Hẳn nhiên rồi! Chim vàng anh đẹp nhất trong các loại chim!
Đạt “xì” một tiếng:
- Chưa chắc! Chim công chim trĩ đẹp hơn nhiều!
Biết mình ba hoa hơi có phần quá trớn, Tùng tặc tặc lưỡi:
- Chim công chim trĩ cũng đẹp! Nói chung mỗi con đẹp mỗi kiểu!
- Nhưng chim công không biết hót! – Nhỏ Cúc Phương đột ngột lên tiếng bênh Tùng.
Đạt tức điên:
- Nhưng chim công biết múa! Còn chim vàng anh không biết múa!
Cúc Phương không chịu thua:
- Nhưng nó biết hót!
- Nhưng nó không biết múa! – Đạt sùi bọt mép.
Tùng ngứa miệng:
- Chim vàng anh không biết múa nhưng nó biết bay về vườn nhà tao hót cho tao và tụi mày nghe!
Nghị cười:
- Ừ, phải rồi! Đó mới là điều quan trọng!
Nghị quả sáng suốt. Đó mới thực là điều quan trọng và chính vì điều quan trọng đó thằng Tùng mới khẩn khoản mời tụi nó đến nhà chơi. Chứ chim vàng anh giỏi hót chim công giỏi múa, ai mà chẳng biết! Tất nhiên nhỏ Cúc Phương và thằng Đạt hay cãi cũng nhận ngay ra sự sáng suốt của Nghị. Tụi nó không đôi co nữa, mà quay nhìn Tùng, vui vẻ hẹn:
- Chiều nay ba giờ hén!
Chương 7
Ba giờ tụi Nghị, Đạt, Cúc Phương lò dò tới, không thấy Tùng đâu. Người ra mở cửa là dì Khuê.
- Tùng dặn các cháu có đến thì ra sau vườn chơi, Tùng sẽ về ngay bây giờ! – Dì Khuê mỉm cười nói.
- Bạn Tùng đi đâu vậy dì? – Nhỏ Cúc Phương thắc mắc.
Dì Khuê đáp lấp lửng:
- Tùng chạy đâu qua nhà bên cạnh!
Đạt nói nhỏ vào tai Nghị:
- Thằng Tùng lỡ phịa chuyện về bọn chim nên nó đi trốn tụi mình!
Nghị định lên tiếng bênh Tùng nhưng vì chưa tận mắt thấy đôi chim bay tới nên nó chẳng biết dựa vào đâu để phản bác, đành ậm ừ:
- Nó đã dặn thế thì cứ ra sau vườn đợi!
Khu vườn nhà Tùng dạo này tươi tốt thấy rõ, lại thêm mấy chậu hoa lài, một bụi ngâu và giàn thiên lí tuy thân còn mảnh nhưng đã bắt đầu trổ hoa vàng lốm đốm trông rất dịu mắt. Nhỏ Cúc Phương nhìn lũ ong bướm đang chập chờn thoắt bay thoắt đậu trên những bông hoa, miệng không ngớt hít hà:
- Khu vườn đẹp quá! Cứ tưởng như mình đang sống ở thôn quê!
Đạt trề môi:
- Chả giống thôn quê tí nào! Thôn quê là phải có chim!
Nhỏ Cúc Phương lườm Đạt:
- Bạn Tùng chẳng nói rồi là gì! Lát nữa chim sẽ bay tới! Nhưng bạn phải không được nói bô bô cơ!
- Được rồi! Muốn không bô bô thì không bô bô! Để xem chim có bay tới không cho biết!
Nói xong, Đạt giận dỗi đứng lui qua một bên, hai tay chắp sau lưng ra cái điều ta đây là thằng bù nhìn rơm chính hiệu. Thằng bù nhìn rơm tuy không hó hé tiếng nào nhưng vẫn ngửa mặt nhìn trời và nở từng khúc ruột khi đợi cả buổi vẫn chẳng thấy con chim nào bén mảng. Cuối cùng, không nhịn nổi, bù nhìn rơm khoái trá buột miệng:
- Thấy chưa! Dẫu không bô bô…
Nhưng Đạt nói chưa dứt câu, Nghị đã đưa ngón tay lên miệng suỵt khẽ:
- Im nào!
Đạt vừa chớp mắt đã thấy đôi chim cánh đen ức vàng sà xuống đậu trên cành ngọc lan. Đôi chim vừa đáp xuống đã đảo cặp mắt đen láy nghiêng ngó tứ phía. Nghị thì thầm:
- Đây chắc là đôi chim Tùng nói!
Nhỏ Cúc Phương cũng thì thầm đáp lại:
- Ừ, nếu đúng vậy thì đây là chim vàng anh!
- Chưa chắc! – Đạt xì qua kẽ răng – Nếu là chim vàng anh thì chúng phải biết hót!
- Ai bảo mày chúng không biết hót?
Tiếng Tùng đột ngột vang lên sau lưng khiến cả ba quay lại. Nhỏ Cúc Phương hoan hỉ:
- Đôi chim thường bay đến vườn nhà Tùng là đôi chim này đây hở?
- Ừ!
- Thế chúng sẽ hót cho tụi mình nghe chứ?
Tùng tươi tỉnh:
- Hẳn nhiên rồi! Chim vàng anh là chúa hót mà lại!Như để chứng minh chủ mình không nói ngoa, Tùng vừa dứt lời, hai con vàng anh bỗng ngửa cổ hót vang.Mới tập tành làm “ca sĩ”, đôi chim chỉ hót những tràng ngắn nhưng giọng chúng vô cùng âm vang và lảnh lót. Tiếng chim hót làm khuôn mặt bọn trẻ sáng bừng. Ngay cả thằng Đạt ưa khích bác cũng hớn hở reo ầm:
- Ôi, chúng hót kìa!
Tùng sướng rơn trong bụng nhưng ngoài mặt vẫn làm bộ tỉnh:
- Thì chúng hót chứ sao! Ngày nào mà chúng chả về đây hót!
Lần này mắt thấy tai nghe đàng hoàng nên Đạt chẳng buồn để ý đến giọng điệu huênh hoang của bạn, cứ một mực xuýt xoa:
- Chim vàng anh hót hay ghê! Thế mà tao cứ tưởng mày dóc tổ!
Nhỏ Cúc Phương mỉm cười liếc Đạt:
- Thế bây giờ Đạt đã thấy giống thôn quê chưa?
Đạt cười toe:
- Thấy rồi! Giống y chang!
Nghị cất giọng cảm khái:
- Mắt xem hoa nở tai nghe chim hót, người cứ thấy lâng lâng!
Nghe Nghị ăn nói như một ông cụ non, giọng lưỡi giống hệt ba mình, Tùng tức cười quá xá nhưng không dám trêu. Chỉ nhỏ Cúc Phương là nháy mắt:
- Nghị làm thơ đấy hả?
Nghị chưa kịp trả lời thì Đạt vọt miệng:
- Mai mốt, ổi và chanh tới kì ăn được, thơ thằng Nghị còn hay hơn nữa!
Nghị bĩu môi:
- Tao chứ đâu phải mày!
Đạt ngoác miệng nhưng chưa kịp hó hé đã vội im bặt. Hai con vàng anh lại cất tiếng líu lo khiến cả bọn nghệt mặt dỏng tai nghe. Lần này hót xong, đôi chim chuyền qua cây tường vi, ngó dáo dác rồi nhảy lên nhánh ổi chỗ vẫn treo chiếc lồng. Tùng thót bụng “Tìm không thấy chiếc lồng, chả hiểu bọn chim sẽ làm gì?” Sau khi lẻn qua nhà bác Đức hàng xóm tháo cửa lồng cho đôi chim bay về, Tùng đã lén giấu chiếc lồng dưới gầm bàn. Kế hoạch của nó bữa nay xem như thành công mĩ mãn: Nghị, nhỏ Cúc Phương, cả thằng Đạt ranh ma kia đều bị nó loè đến trố cả mắt ra. Đứa nào cũng tưởng đôi chim vàng anh này từ nơi khác bay đến ca hát thật. Nhưng chưa tận hưởng nỗi khoái trá được bao lăm, Tùng đã bắt đầu chột dạ. Không tìm thấy chỗ cư ngụ quen thuộc, biết đâu bọn chim này chẳng cuống quýt bay đi mất! Nhưng mặc dù bụng lo ngay ngáy, Tùng vẫn không dám vào nhà xách chiếc lồng ra treo lên nhánh ổi. Làm vậy khác nào tự mình vạch trần âm mưu của mình cho tụi bạn có cớ chế nhạo! Thằng Nghị và nhỏ Cúc Phương còn đỡ, chứ thằng Đạt mà vớ phải “sự kiện giật gân” này, cái miệng nó sẽ oang oang khắp nơi khắp chốn suốt cả năm chưa chán!
Tùng thấp thỏm nhìn đôi chim đang ngọ ngoạy láo liên trên cành ổi, bụng rối như tơ. Mãi một lúc nó mới nghĩ ra kế thoát hiểm. Nó nhìn tụi bạn, hắng giọng:
- Thôi, hôm nay chơi thế đủ rồi!
Chưa gì đã thấy chủ nhà cất giọng tiễn khách, nhỏ Cúc Phương ngơ ngác:
- Mới nghe chim hót có một chút xíu mà!
- Ừ, mỗi bữa chúng chỉ hót có chừng đó thôi!
Đạt hừ mũi:
- Xạo đi mày! Chim vàng anh gì lại hót có một tí tẹo vậy!
- Hai con chim này vậy đó! – Tùng chép miệng – Hình như chúng mới tập hót hay sao ấy!
- Tao không tin!
Nói xong, Đạt lại đứng lì ra, nghếch mặt dòm lên cây. Tùng mặt nhăn mày nhó chưa biết làm sao để tống khứ thằng bạn ương bướng này thì hai con vàng anh đã không đủ kiên nhẫn, chúng rủ nhau vỗ cánh bay vù lên cao, thoáng mắt đã mất hút sau mái nhà.
- Ôi thôi, chúng bay mất rồi!
Tiếng than ai oán của Tùng khiến Nghị ngạc nhiên:
- Thì ngày mai chúng quay lại chứ có gì mày phải lo lắng thế?
Tùng rên rỉ:
- Biết chúng có quay lại nữa không!
Nhỏ Cúc Phương tròn mắt:
- Bạn bảo ngày nào chúng cũng đến đây kia mà?
Tùng buồn nẫu ruột nhưng lại không tiện nói thật. Nó lấp lửng một cách khổ sở:
- Nhưng lần này thì khác!
- Khác sao?
- Lần này có thể chúng không về nữa!
- Sao lạ thế?
- Ừ! – Tùng nói đại – Hôm nay các bạn làm chúng sợ!
Nghị áy náy:
- Tụi tao có làm gì đâu?
Tùng không trả lời. Nó cũng chẳng biết trả lời như thế nào, đành thất thểu quay vào nhà. Thấy chủ nhân mới hồi trưa còn nằng nặc mời khách đến chơi bây giờ bỗng dưng thay đổi thái độ, lại còn lên giọng quở trách, ba vị khách quý không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao, đành ngớ ra nhìn nhau và lục tục kẻ trước người sau kéo ra cửa.
- Chết cháu rồi nhé! – Tụi bạn vừa ra về, dì Khuê lại gần Tùng, gí tay lên trán nó – Làm sổng mất bọn chim, tối nay ăn nói thế nào với ba mẹ đây!
- Cháu… cháu…
- “Cháu cháu” gì! Dì đã cản rồi, ai bảo cháu vẫn nhất định không nghe!
Miệng Tùng méo xệch:
- Làm sao cháu biết được bọn chim sẽ bay đi kia chứ? Cháu chỉ định đùa chơi với các bạn một tí thôi mà!
Bộ tịch thiểu não của Tùng khiến dì Khuê động lòng. Dì hạ giọng:
- Thôi, chẳng việc gì phải cuống lên như thế! Cháu đem chiếc lồng treo lại chỗ cũ đi! Rồi dì sẽ tìm cách nói với ba cháu cho!
- Dì sẽ nói sao? – Tùng vẫn chưa yên tâm.
- Dì sẽ bảo dì mở cửa lồng để cho quả chuối vào. Và khi dì rụt tay ra, chưa kịp đóng cửa thì bọn chim vụt ra theo!
- Ừ, hay đấy! – Giọng Tùng khấp khởi – Như vậy thì chỉ do vô ý thôi! Mà vô ý thì chả ai bắt tội!
Tùng chỉ nói đúng một nửa. Ba không bắt tội dì Khuê. Nhưng nghe dì thuật lại diễn biến sự việc, ba hấp háy mắt:
- Dì sơ sẩy làm hai con chim bay ra khỏi lồng là chuyện có thể tin được! Nhưng sau đó hai con chim không chịu trở vào lồng, điều đó nghe mới khó hiểu làm sao!
Ba vừa nói vừa cười, giọng điệu cũng không ra vẻ chất vấn nhưng đủ làm Tùng và dì Khuê giật thon thót. Dì Khuê ngước mắt lên trần nhà, giọng thật như đếm:
- Ừ, khó hiểu thật! Chả hiểu sao hôm nay chúng không chịu quay trở vào lồng!
- Chả có gì là khó hiểu! – Ba nói, nụ cười vẫn tươi tỉnh trên môi – Nếu chiếc lồng không còn treo ở chỗ cũ thì bọn chim có muốn quay trở vào cũng không tài nào vào được!
Câu nói của ba khiến Tùng nhảy nhổm, phải kềm mình lắm nó mới không bắn tung ra khỏi ghế. Còn dì Khuê thì đỏ bừng mặt:
- Ôi, làm sao…
- Dì đừng có mà tròn mắt ra! – Ba tặc tặc lưỡi – Tôi chả phải là Khổng Minh tái thế gì đâu! Chả là khi nãy tôi gặp bác Đực hàng xóm ở chỗ cầu thang. Bác hỏi hôm nay là ngày gì mà thằng Tùng nhà mình mua chim về phóng sinh như thế! Chỉ cần nghe thoáng qua là tôi đoán ra chuyện gì ngay. Dì đừng quên chính tôi là “tác giả” của sáng kiến “chim ở nơi khác bay đến” này chứ còn ai!
- Sáng kiến hay thật đấy! – Mẹ tủm tỉm – Ông bố nghĩ ra ông con thực hiện, kết quả là đôi chim bay mất!
- Chẳng bay mất đâu! – Ba lạc quan – Thế nào chúng cũng sẽ quay trở lại!
- Ôi, thật thế hở ba? – Nãy giờ im thít, đến lúc này Tùng mới bật reo khẽ.
- Sao lại không thật! Chim vàng anh rồi sẽ quay về với khu vườn!
Lời khẳng định của ba khiến Tùng cảm thấy nhẹ nhõm như vừa trút được một gánh nặng. Nó thấp thỏm đợi ngày đôi chim quay về.
Chương 8
Lũ chim vàng anh quay về thật. Nhưng khổ nỗi, chúng lại không quay về với khu vườn của Tùng. Một buổi sáng ngủ dậy, nghe chim hót véo von ngoài vườn, Tùng tung chăn chạy vù ra, miệng reo toáng:
- Chim vàng anh trở về! Đôi chim vàng anh trở về rồi, dì Khuê ơi!
Cả nhà tức tốc chạy ùa ra. Nhưng sau khi dòm dáo dác trên khắp các cành nhánh trong vườn, chả ai nhìn thấy đôi chim đâu.
- Về đâu mà về! – Nhỏ Hạnh dụi mắt nói.
Tùng liếm môi:
- Em nghe tiếng chim hót rõ ràng mà!
Dì Khuê chong mắt lên ngọn cây nghiêng ngó thêm một lúc rồi chép miệng:
- Dì cũng nghe! Nhưng chắc là chim ở đâu bay ngang nhà ta!
Nghe dì Khuê nói vậy, Tùng tin ngay. Ừ, chắc tiếng hót vừa rồi là của bọn chim nghịch ngợm nào bay ngang! Nhưng sao mình lại nghe rõ mồn một bên tai thế nhỉ?
Thắc mắc của Tùng được giải đáp ngay vào buổi chiều.Khoảng bốn giờ, Tùng đang lui cui tưới nước trên mái tôn thì lại nghe tiếng chim lảnh lót. Lần này Tùng biết chắc không phải là tiếng chim bay ngang. Trên trời lúc đó không hề thấp thoáng một bóng chim nào, vả lại tiếng hót vọng xuống từ trên cao không thể nào âm vang như thế!Nhưng điều quan trọng là Tùng nhận ra đó là tiếng hót của đôi chim vàng anh. Hồi sáng nửa thức nửa ngủ, Tùng còn mơ hồ chứ lúc này nó biết mình không thể nào nhầm được. Tùng nghe đôi chim của mình hót đã nhiều lần. Nó đã quen tai đến mức tiếng chẽo chẹt kia vừa vang lên là nó nhận ngay ra giọng hót của đôi chim thân thuộc. Nhưng sục mắt lên các tàng cây một lúc, Tùng vẫn không phát hiện bọn chim đậu chỗ nào. Trong lúc Tùng đang ngơ ngác dò tìm thì tiếng hót lại vang lên. Lần này Tùng nghe rõ tiếng chim vọng lên từ phía dưới. Lập tức Tùng quay đầu nhìn xuống và sửng sốt khi nhìn thấy Hưng sún đang đứng dưới sân tự đời nào, tay vung vẩy chiếc lồng trong đó hai con vàng anh đang tung tẩy nhảy nhót.
Trong một thoáng, Tùng nghe mặt mình tái đi:
- Ê, ăn cắp! Trả hai con chim cho tao!
Hưng sún cười khảy:- Đây đâu phải là chim của mày!
- Của tao!
- Đồ ăn cắp! – Tùng gầm lên.
- Xì! – Hưng sún trề môi – Tao chưa hề bước chân vô nhà mày, vậy mà dám kêu tao ăn cắp!
Biết mình đuối lí nhưng nỗi tức uất khiến mắt Tùng mờ đi:
- Ăn cắp là ăn cắp! Không lẻn vào nhà vẫn là ăn cắp!
- Lêu lêu! – Hưng sún quệt tay vào má – Nói ngang như cua mà cũng nói. Hai con chim này tao mua đàng hoàng!
- Mua cái mốc xì! – Tùng tức muốn xịt khói lỗ tai – Hai con chim này là của tao, nhìn là biết ngay!
Hưng sún có vẻ muốn chọc cho Tùng ói máu chơi. Nó nghếch mắt:
- Thế hai con chim của mày có dấu hiệu đặc biệt gì nào?
- Dấu hiệu đặc biệt hả?
Câu hỏi bất thần làm Tùng ngớ ra. Nó chẳng biết hai con chim của mình có dấu hiệu gì gọi là đặc biệt. Mãi một lúc, nó mới ấp úng:
- Hai con chim của tao cánh màu đen, còn đầu và bụng màu vàng! Hệt như… hai con chim trong lồng mày vậy!
- Hê hê! Rất tiếc đó không phải là những dấu hiệu đặc biệt! – Mặt Hưng sún nhơn nhơn – Hai con chim tao mua cũng cánh màu đen, đầu và bụng cùng màu vàng! Chim vàng anh con nào mà chả vậy!
Tới đây thì Tùng không buồn nói lí lẽ nữa. Nó nghiến răng:
- Mày có trả hai con chim lại cho tao không thì bảo! - Tao không trả đấy! Mày làm gì tao nào?
Mắt Tùng loé lên:
- Như vậy là mày thừa nhận mày đánh cắp hai con chim này của tao rồi đấy nhé!
Hưng sún chun mũi:
- Đừng phịa chuyện! Tao thừa nhận hồi nào?
Tùng hắng giọng:
- Vừa rồi chính miệng mày bảo mày không trả lại hai con chim để xem tao có dám làm gì mày không! Nếu không phải mày đánh cắp hai con chim này của tao thì mày đâu có nói thế, đúng không?
Tùng làm Hưng sún ngẩn tò te. Nó không ngờ đối phương bắt bẻ độc địa như thế, đành nhe răng cười trừ:
- Thì đây đúng là hai con chim của mày! Chúng bay lạc xuống sân nhà tao, thế là tao… tóm lấy! Như vậy đâu thể gọi là ăn cắp!
Tùng nhún vai:
- Nếu nhặt được của người khác mà không trả cũng là ăn cắp tuốt!
Hưng sún chớp chớp mắt, vẻ nghĩ ngợi. Nó chả muốn bị gọi là thằng ăn cắp tí nào. Nhưng nếu trả lại hai con vàng anh đẹp mã lại hót hay này thì tiếc quá!
Đăm chiêu một hồi, Hưng sún nghĩ ra được một mẹo. Nó ngó Tùng:
- Muốn tao trả hai con chim này lại cho mày cũng được, nhưng với một điều kiện!
- Điều kiện gì? – Tùng thấp thỏm. - Mày phải triệt phá khu vườn!
Hưng sún hạ một câu khiến Tùng chết điếng:
- Chuyện đó không thể được! Tao đã nói với mày bao nhiêu lần rồi kia mà!
Chỉ đợi có vậy, Hưng sún cười toe:
- Nếu vậy thì tao tạm giữ hai con chim này! Khi nào mày phá bỏ khu vườn thì tao sẽ trả lại!
Biết thằng lỏi ranh ma này cố tình bắt bí mình nhưng Tùng chẳng nghĩ ra cách nào đối phó.Đang loay hoay, sực nhớ lại “câu chuyện khoa học” dở dang bữa trước, Tùng bèn chớp chớp mắt:
- À quên, thắc mắc của mày hôm nọ, tao đã tìm ra lời giải trong sách rồi đấy!
Tùng chuyển đề tài đột ngột làm Hưng sún giương mắt ếch: - Thắc mắc gì?
- Thì câu chuyện về cây xanh đó! – Tùng cố tỏ vẻ điềm nhiên – Mày chẳng hỏi tao trước khi có cây xanh con người ta thở bằng gì là gì!
- À, tao nhớ rồi! – Hưng sún gục gặc đầu, rồi nó tròn mắt tò mò – Thế trong sách người ta bảo thế nào?
- Người ta bảo lúc đó con người chả thở bằng gì cả! Bởi vì trên mặt đất cây cối có trước còn loài người có sau!
Tùng đinh ninh Hưng sún sẽ tìm cớ để phản bác. Không ngờ Hưng sún gật gù:
- Tao hiểu rồi! Có nghĩa là loài người chỉ xuất hiện khi trái đất đã có sẵn ôxy từ trước!
Sự mau mắn của Hưng sún khiến Tùng mát lòng mát dạ quá chừng. Nó hào hứng:
- Mày thông minh ghê! Tao mới nói chút xíu mày đã suy ra đủ thứ rồi!
Hưng sún có vẻ bất ngờ trước sự khen tặng hào phóng của đối phương. Nó cười sung sướng:
- Thông minh gì đâu! Tao chỉ đoán mò vậy thôi!
Tùng vui vẻ:
- Thế bây giờ mày đã tin là tao không xạo chưa?
- Tin! – Đang phổng mũi, Hưng sún đáp lại cũng bằng một giọng vui vẻ không kém.
Tùng sốt sắng đi bước thứ hai:
- Thế bây giờ mày đã tin sự ích lợi của cây xanh chưa?
Bước đi lật đật của Tùng khiến Hưng sún cảnh giác hỏi lại:
- Ý mày muốn nói đến ích lợi của khu vườn này ấy ư?
Bị Hưng sún hỏi trúng tim đen, Tùng đỏ mặt nói luôn:
- Thì thế! Tao chẳng đã nói với mày hôm trước rồi là gì! Khu vườn này suốt ngày cung cấp ôxy, nhà tao và nhà mày tha hồ hít thở! Lại chẳng phải tốn tiền như trong bệnh viện!
Rồi nhìn vẻ mặt đang ngây ra của Hưng sún, Tùng nhíu mày cố nhớ những công dụng khác của cây xanh:
- Chị tao… à không, trong sách người ta còn nói nhiều chuyện nữa!
- Người ta nói sao? – Hưng sún lộ vẻ quan tâm – Thế ngoài ôxy, khu vườn của mày còn toả ra gì nữa?
- Không! Lần này đó không toả ra nữa! Mà nó hút vào!
- Hút vào?
- Ừ, nó hút bụi giùm mình! Có bao nhiêu bụi, nó hút hết!
Hưng sún bán tín bán nghi:
- Lại phịa đi! Mày làm như cây xanh là máy hút bụi không bằng!
- Mày chả biết gì cả! – Tùng nghiêm giọng – Cây cối là những máy hút bụi tự nhiên! Đa số lá cây đều có lông nhám và những nếp nhăn, vì vậy chúng giữ được bụi. Đó là chưa kể có những loại lá tiết ra chất nhựa diệt vi trùng. Vi trùng bay nhan nhản trong không khí đều bị nó diệt hết!
Hưng sún nghe Tùng “thuyết” một hồi đã có vẻ bùi tai. Tuy vậy nó vẫn chưa thực tin hẳn:
- Đâu! Mày đem cuốn sách đó ra cho tao xem thử nào!
Yêu cầu của Hưng sún làm Tùng giật thót. Nó chỉ nghe chị Hạnh nói, rồi ra oai giảng giải lại cho Hưng sún. Bây giờ Hưng sún cắc cớ bắt nó phải “nói có sách mach có chứng” nó biết lấy sách ở đâu mà trưng ra. Thấy Tùng nghệt mặt lâu lắc, Hưng sún càng nghi dữ:
- Sao? Không có cuốn sách đó phải không?
- Có, có! – Tùng ấp úng.
- Xạo đi! – Hưng sún cười hê hê – Có sao mày không chịu vào đem ra mà cứ đứng trơ như cột nhà thế?
Tùng sầm mặt, ra vẻ ta đây bị chạm tự ái ghê gớm:
- Tao không phải là đứa ưa bịa chuyện, vì vậy chẳng việc gì tao phải đem sách ra chứng minh!
Hưng sún nhún vai:
- Nếu không thấy cuốn sách thì tao cóc tin! Tuyên bố chắc nịch của Hưng sún làm Tùng tức muốn nổ đom đóm mắt. Tốn bao nhiêu nước bọt, để “dạy cho đối phương một bài học” về cây cối với bụi bặm, không khí và môi trường thế là công cốc!
Đang tuyệt vọng, mắt Tùng bỗng loé lên:
- Hùm, mày cần quái gì phải tận mắt trông thấy cuốn sách! Muốn biết tao có xạo hay không, mày cứ lên lớp hỏi thầy giáo mày thì biết!
Nghe Tùng thách đố, Hùng sún hăng hái gật đầu ngay:
- Được rồi, tao sẽ hỏi!
Hưng sún quên khuấy rằng nếu thằng Tùng tự ái thực sự thì chẳng việc gì nó lại mở miệng xui đối phương đi hỏi thầy cô!Nói xong một câu, Hưng sún bỏ vào nhà. Nhưng nó vừa dợm bước, Tùng đã gọi giật:
- Gượm đã!
- Gì nữa? – Hưng sún ngước lên.
Tùng ngập ngừng chỉ tay vào chiếc lồng trên tay Hưng sún:
- Còn hai con chim kia…
Hưng sún cúi nhìn chiếc lồng:
- Hai con chim này cứ để đây! Đợi tao hỏi thầy tao, khi nào thầy tao bảo mày nói đúng, lúc đó tao sẽ trả lại!
Tùng bật một ngón tay lên:
- “Quân tử nhất ngôn” đấy nhé!
Hưng sún không quen “xổ nho”. Nó hừ mũi, dân dã:
- Đứa nào nói láo làm con!
Khi nói như vậy, dĩ nhiên Hưng sún chả dại gì chịu làm con. Vì vậy chiều hôm sau, mới hai giờ nó đã đứng dưới sân chõ miệng lên mái tôn, kêu ỏm:
- Tùng ơi, Tùng!
Tùng chạy vù ra:
- Gì thế?
Vừa thấy Tùng ló mặt ra khỏi mái tôn, Hưng sún bặm môi giơ cao cây cù móc treo lủng lẳng chiếc lồng chim lên khỏi đầu:
- Trả mày nè!
Tùng nhoài người đón lấy chiếc lồng, ngạc nhiên:
- Bộ mày hỏi thầy mày rồi hả?
- Ừ, sáng nay vừa vô lớp là tao hỏi ngay! Thầy tao bảo những điều mày nói đều là thật! – Rồi nó chớp mắt nói thêm – Thầy tao còn bảo cây xanh chính là “vệ sĩ của loài người”. Nếu không nhờ cây xanh bảo vệ cả khối người sẽ bị bầu không khí ô nhiễm làm cho viêm mũi, mù mắt hoặc ung thư phổi. Thầy tao còn nói nhiều nữa nhưng tao không nhớ hết!
Tùng liếm môi:
- Thế thầy mày có bảo không nên chặt cây phá rừng bừa bãi không?
- Có! – Hưng sún gật đầu – Thầy tao bảo như vậy là phá hoại môi trường, là tội ác!
Tùng nín thở dò lần tới:
- Thế thầy mày có bảo không nên phá bỏ… những khu vườn trong thành phố không?
- Thầy tao không nói gì về chuyện đó! – Hưng sún thật thà đáp – Thầy tao chỉ bảo nên trồng thật nhiều cây xanh…
Đang hăm hở, sực phát hiện ra “ý đồ đen tối” của đối phương, Hưng sún lập tức ngưng bặt. Nó huơ huơ cây cù móc:
- Bắt hai con chim lẹ đi, rồi trả chiếc lồng lại cho tao!
Tùng cười hì hì:
- Làm gì vội thế!Rồi lờ tịt sự nôn nóng của Hưng sún, nó khăng khăng quay trở lại đề tài đang nói dở:
- Thầy mày đã nói vậy chả lẽ mày vẫn cứ tiếp tục gây gổ với khu vườn nhà tao!
Hết đường tránh né, Hưng sún đắn đo một thoáng rồi đành ngập ngừng thú thật:
- Thật ra tao cũng chả buồn để ý đến khu vườn của nhà mày làm gì! Chỉ tại vì mẹ tao không muốn có một khu vườn trên đầu mình thôi!
- Sao thế?– Tùng hồi hộp hỏi, nó cảm thấy những tiết lộ của Hưng sún cực kì quan trọng.
Hưng sún thở dài:
- Mẹ tao bảo không ai trồng cây trên mái nhà như thế cả! Mẹ tao sợ sẽ có ngày nó sập xuống đầu mình!
- Thì ra vậy! – Tùng thở phào – Tưởng gì! Đấy là tại mẹ mày quá lo thôi!
- Không phải chỉ mẹ tao! Cả tao cũng lo! – Hưng sún cắn môi.
Đến đây thì Tùng đã biết tại sao trước nay mẹ con thằng Hưng sún vẫn ác cảm với khu vườn của mình. Hoá ra chẳng phải do mất giấc ngủ trưa, do nước chảy hay do lá rụng gì sất! Chỉ là sợ khu vườn sập xuống thôi!
- Mày yên tâm đi! – Tùng nhẹ nhõm nói – Mái tôn nhà tao chắc lắm! Những thanh đà ngang to như cẳng voi ấy. Chỉ có trời sập thì khu vườn mới sập theo thôi!
Vừa nói Tùng vừa thả hai con vàng anh vào lồng và phấn khởi treo lên cành ổi. Đến khi nó ngoảnh xuống thì Hưng sún đã bỏ vào nhà mất tiêu. Chả rõ nó có tin lời mình không nhỉ? Tùng tự hỏi và định hôm nào sẽ chỉ cho Hưng sún tận mắt xem những thanh đỡ để cho nó và mẹ nó bớt lo.
Chương 9
Hưng sún bảo là thật bụng nó chẳng buồn để ý đến khu vườn của thằng Tùng làm gì. Vậy mà không hiểu sao sau khi tuyên bố câu đó mới mấy ngày, nó đã chạy ra sân dòm lên, gọi giật:
- Tùng ơi, Tùng!
- Gì?
Tùng mỉm cười hỏi vọng xuống, gần đây nó đã thôi khó chịu với thằng sún răng ở tầng trệt này.
- Khu vườn của mày ấy mà!
- Khu vườn của tao sao?
Hưng sún ấp úng:
- Mày trồng những cây gì trên đó vậy?
Đoán thằng này sợ, Tùng trấn an:
- Mày đừng lo! Nhà tao chỉ trồng những cây nhỏ nhỏ không hà! Chỉ có cây tre là lớn thôi. Nhưng chỉ có mỗi một cây, lại trồng trong chậu. Nó không sập xuống đâu!
Hưng sún đỏ mặt:
- Tao đâu có sợ sập! Tao chỉ hỏi cho biết thôi!
Rồi nó khụt khịt mũi hỏi tiếp:
- Thế cây tre nhà mày có đẹp không?
- Ồ, tuyệt! Những cành lá rì rào suốt ngày trong gió! – Như được gãi trúng chỗ ngứa, Tùng phổng mũi làm thơ – Có cả chim về nhảy nhót tung tăng nữa.
Hưng sún nheo mắt:
- Chim vàng anh ấy hở?
- Chim nuôi trong lồng thì nói làm gì! Tao nói là nói chim khác cơ!
- Như chim gì chẳng hạn?
- Tao không biết tên! – Tùng bối rối – Chúng là chim sẻ hay chim én gì đấy!
Hưng sún làm thinh một lúc rồi khẽ hắng giọng:
- Thế ngoài cây tre, khu vườn của mày còn có cây gì nữa?
- Ôi, nhiều lắm! – Đang cao hứng, Tùng quên béng sự lo ngại của đối phương, cứ thao thao liệt kê – Cây ổi nè, cây chanh nè, cây ngọc lan này…
Hưng sún cắt ngang:
- Thế cây chanh nhà mày có trái không?
- Vô số! Bây giờ trái đã lớn bằng ngón chân cái, sắp ăn được rồi!
- Ổi cũng thế hở?
- Ừ, ổi cũng thế! Chừng mười hôm nữa tao sẽ đãi mày!
- Còn cây ngọc lan?
- Cây ngọc lan sao?
- Nó đã ra hoa chưa?
- Nhiều lắm! Thế mày không nghe hương thơm của nó bay xuống dưới sao?
Hưng sún chun mũi hít hít:
- Tao có nghe thoang thoảng!
Tùng tít mắt:
- Chính là hương thơm của nó đấy!
Hưng sún liếm môi:
- Thế hoa ngọc lan trông như thế nào?
- Tất nhiên là rất xinh!
- Nó màu gì?
- À, màu trắng. Nhưng cánh hoa của nó trắng muốt, thon thon…
Đang mô tả một cách hăm hở, ngoảnh đầu liếc xuống, Tùng không thấy Hưng sún đâu cả.
- Hưng sún! – Tùng cụt hứng, gân cổ gọi.
Nhưng Hưng sún vẫn bặt tăm. Chắc mẹ nó sai nó đi đâu rồi! Tùng tặc lưỡi nghĩ và tiếp tục cúi mình lom khom tỉa lá.
- Này, thế…
Tiếng Hưng sún lại thình lình vang lên khiến Tùng nhướn cổ dòm xuống:
- Vừa rồi mày chạy đi đâu thế?
- Ờ, ờ, tao phải chạy vào nhà có chút việc!
Hưng sún đáp với vẻ bối rối. Rồi không để cho Tùng kịp chất vấn thêm, nó vọt miệng hỏi ngay:
- Thế ngoài những cây mày vừa kể, khu vườn của mày còn cây gì nữa không?
Thấy đối phương hôm nay bỗng dưng quan tâm đặc biệt đến đám cây lá của mình, Tùng hứng khởi vô cùng. Nó vung tay:
- Còn nhiều lắm! Còn các loại hoa!
- Hoa gì thế?
Tùng bấm ngón tay:
- Hoa sứ nè, hoa giấy nè, hoa dâm bụt nè, hoa chuỗi ngọc nè, hoa tường vi nè…
- Thế hoa tường vi trông đẹp không?
- Tuyệt cú mèo!
Lần này không đợi Hưng sún hỏi tiếp “tuyệt cú mèo như thế nào?”, Tùng sốt sắng miêu tả ngay:
- Hoa tường vi tím tím hồng hồng, kết thành từng chùm như san hô, nom mịn màng không thể tả!
Hưng sún không biết Tùng “đạo văn” của nhỏ Hạnh. Nó chép miệng thán phục:
- Mày tả hoa hay ghê!
Được khen ngợi, Tùng càng say sưa:
- Còn hoa chuỗi ngọc cũng tím, nhưng tím sẫm. Suốt ngày ong bướm rủ nhau tìm mật bay lượn dập dìu. Khi hoa tàn, nhị nở thành trái. Trái màu xanh, khi chín biến thành màu vàng, kết thành từng chuỗi nên gọi là chuỗi ngọc!
Hưng sún vểnh tai nghe. Nghe một hồi khoái chí, nó lại… chạy tọt vô nhà.
Tùng phát hiện, lại ngoác miệng kêu:
- Hưng sún ơi Hưng sún! Mày chạy đâu rồi?
Cũng như khi nãy, lần này biến một lát, Hưng sún lại chạy ra.
Tùng nhăn mặt trách:
- Mày biết lịch sự là gì không?
- Không! Là gì?
- Là khi trò chuyện không được bỏ đi nửa chừng.
Hưng sún cười khoả lấp:
- Tao… mắc tiểu quá!
Câu trả lời của Hưng sún nghe càng mất lịch sự hơn nữa. Nhưng Tùng không để ý. Hễ Hưng sún chịu ló mặt ra dỏng tai nghe nó “làm thơ” là nó khoái rồi.
- Để tao tả tiếp cho mày nghe vẻ đẹp của hoa giấy! – Tùng hăng hái.
Nào ngờ lần này Hưng sún lắc đầu:
- Khỏi! Tưởng gì chứ hoa giấy tao thấy hoài!
Bị mất hứng, Tùng gượng gạo:
- Thế mày muốn nghe tao tả hoa gì? Hoa thiên lí nhé?
- Ừ, mày tả hoa thiên lí đi!
Chỉ đợi có vậy, Tùng huơ tay múa chân làm một tràng lép bép như pháo chuột.
Cứ vậy đứa hỏi đứa đáp gần suốt buổi. Bất ngờ trước sự chú ý đột ngột của đối phương với khu vườn, Tùng khoái chí tả hết cây này đến cây khác, hết trái tới hoa, hết ong tới bướm, miệng thao thao đến sùi bọt mép.
Còn Hưng sún đứng dưới há hốc miệng ra nghe, mặt mày đầy vẻ kính cẩn. Thỉnh thoảng liếc mắt xuống sân, thấy Hưng sún đứng nghển cổ cò mê mẩn nghe mình “diễn thuyết”, Tùng càng hăng máu nói vung tán tàn.
Nhưng rồi thấy Hưng sún cứ chốc chốc lại bỏ chạy vào nhà rồi lại chạy ra rồi lại chạy vào, Tùng bỗng đâm nghi. Nó chả rõ thằng sún răng này mắc chứng đi tiểu lia lịa thật hay là đang âm mưu chuyện gì.
Không kềm được thắc mắc, trong một lần Hưng sún xoẹt vào nhà như thế, Tùng hấp tấp phóng ra khỏi mái tôn và chạy xuống gian bếp của dì Khuê khom người nhìn xuyên qua khe cửa tò vò trổ chỗ hành lang.
Quả như Tùng nghi ngờ, Hưng sún chẳng đi tiêu đi tiểu gì sất. Nó đang đứng lom khom bên chiếc bàn và hí hoáy viết gì đó trên một mảnh giấy.
Bỏ xừ rồi! – Tùng kêu khổ thầm – Hoá ra nãy giờ mình đã mắc mưu nó. Nó làm bộ dò hỏi hết thứ này đến thứ khác cốt để ghi ra giấy! Chắc nó định đưa tờ giấy liệt kê các thứ cây cỏ này cho mẹ nó để mẹ nó nộp cho ông tổ trưởng tổ dân phố! Thôi, thế là khu vườn thân yêu của mình sắp bị tai hoạ tới nơi rồi! – Tùng than một câu thống thiết và loay hoay chưa biết phải đối phó như thế nào trước tình huống bất lợi này, thì đã thấy Hưng sún len lén nhét cây viết và tờ giấy vô túi áo rồi ba chân bốn cẳng phóng vù ra sân. Không thấy Tùng đứng ở chỗ cũ, Hưng sún nhướn cổ dòm dáo dác:
- Tùng ơi, Tùng!
Tùng mím môi bước ra, mặt vờ như chưa hay biết gì về quỷ kế thâm độc của đối phương:
- Tao ở đây nè!
Hưng sún nhe răng cười:
- Mày cũng mắc tiểu giống như tao hả?
Định phớt lờ mọi chuyện để âm thầm điều tra và ngăn cản hành động của đối phương nhưng câu hỏi của Hưng sún khiến đầu Tùng bất giác nóng phừng phừng. Nó quên bẵng ý định ban đầu, nhếch môi cười nhạt:
- Mắc tiểu cái khỉ mốc! Tao đâu có ngu!
Thấy đối phương đang tươi cười thoắt cái đã sa sầm mặt, Hưng sún ngơ ngác:
- Mày nói gì tao không hiểu!
- Thôi đi, dừng có mà vờ vịt! Tao không mắc lừa mày mãi đâu!
- Tao lừa mày hồi nào? – Hưng sún kêu lên đầy oan ức.
Thấy đối phương khăng khăng ta đây vô tội, Tùng càng nổi điên. Nó chẳng buồn úp mở nữa:
- Không lừa tao sao mày nói dóc là mày chạy vô nhà đi tiểu?
- Ờ, ờ…
Tùng nói huỵch toẹt, Hưng sún hết đường chối cãi, cứ “ờ, ờ” luôn miệng.
- Sao? Tao nói có đúng không? – Giọng Tùng vang lên đầy đắc thắng.
- Thì đúng! – Hưng sún bối rối – Nhưng cái đó không phải là đánh lừa! Tao chỉ muốn đùa chút thôi!
- Hừ, đùa! – Tùng cười khảy – Đùa mà tao nói gì mày đều ghi tất tần tật vào giấy!
Câu nói của Tùng làm Hưng sún giật thót. Nó không hiểu tại sao thằng này đứng ở bên trên lại biết vanh vách những việc làm của nó ở bên dưới. Trong khi nó đang ngẩn ra vì kinh ngạc thì Tùng lại quát giật:
- Sao? Tao nói có đúng không?
Hưng sún mặt đỏ như gấc:
- Đúng!
Tùng khoái chí khi thấy đối phương vừa chối quanh chối quẹo đây bây giờ đã nhũn như con chi chi. Nó ngẩng mặt lên trời, giọng khinh khỉnh:
- Thế đấy! Thế mà dám bảo là không định đánh lừa tao! Hừ, tao còn biết mày ghi tất cả những chuyện đó vào giấy để làm gì nữa kia! Cái trò hắc ám đó…
Đang nói nửa chừng, Tùng gật gà gật gù liếc xuống chỗ Hưng sún để xem thằng này cứng người ra vì xấu hổ như thế nào, nhưng vừa nhìn xuống cặp mắt Tùng bỗng trố ra: Hưng sún đã bỏ vào nhà tự bao giờ!
Chương 10
Thái độ của Hưng sún khiến Tùng lo ngay ngáy. Nó nghe người ta nói “thẹn quá hoá giận”. Thằng Hưng sún này không khéo cũng giống y như thế. Đang nói chuyện với mình tự dưng bỏ vô nhà ngang xương, hẳn nó phải tức tối ghê gớm lắm! Mà Hưng sún không tức tối sao được khi bao nhiêu âm mưu tính toán của nó đều bị mình vạch trần một cách không thương tiếc! Càng nghĩ Tùng càng nơm nớp.
- Nhưng cũng tại nó cả thôi! Ai bảo nó lừa mình! – Tùng lại tự an ủi – Mình đã giảng giải cho nó đến khô cả nước miếng về sự ích lợi của khu vườn, nó giả vờ gật gà gật gù ra vẻ đồng tình, trong khi đó lại lén lút ghi ghi chép chép hòng “hãm hại” mình! Một đứa đã gian ác như thế thì dù mình không “lật tẩy” nó, nó vẫn sẽ không từ bỏ âm mưu đen tối trong đầu!
Kể từ hôm đó, ngày nào Tùng cũng phập phồng láo liên nghe ngóng. Ngồi học bài, nghe bất cứ tiếng động nào ngoài cửa nó cũng giật thót. Đang ăn cơm, nghe tiếng chuông reng đằng trước là nó nuốt hết muốn trôi.
Đã mấy lần Tùng định tâm sự với chị Hạnh hoặc dì Khuê về nỗi lo canh cánh trong lòng mình. Nhưng rồi nghĩ tới nghĩ lui, nó bỗng đâm ngần ngại. Nếu nói ra, Tùng buộc phải khai tuốt tuột chuyện nó đã ba hoa hàng buổi với Hưng sún như thế nào và Hưng sún đã tinh quái lợi dụng tính huênh hoang của nó để “làm đơn tố cáo” ra sao. Hở điều đó ra, nếu khu vườn có mệnh hệ gì, tội nó được xếp ngang với Hưng sún chứ không thua!
Nhưng suốt một tuần liền, không thấy ông tổ trưởng gõ cửa, Tùng dần dần cảm thấy nguôi ngoai. Nỗi lo dĩ nhiên không tắt hẳn nhưng đã nhợt nhạt đi nhiều.Lạ một điều, không chỉ ông tổ trưởng, cả Hưng sún cũng không thấy xuất hiện. Chiều chiều, rảo tới rảo lui trên mái tôn, Tùng dõi mắt xuống sân dưới có ý mong ngóng nhưng Hưng sún vẫn biệt tăm.
Từ hôm bị Tùng khám phá ra âm mưu, Hưng sún không còn bén mảng ra khoảnh sân phía sau nữa. Chắc nó xấu hổ! Tùng nghĩ thế, và mặc dù không gặp lại Hưng sún để lân la dò hỏi thêm, Tùng vẫn hi vọng vì mưu đồ đã bị vạch trần, Hưng sún sẽ không còn đủ can đảm để tiến hành cái kế hoạch đen tối đó nữa.
Trong những ngày đó, một sự kiện khác cũng góp phần giúp Tùng quên đi nỗi ám ảnh về “tờ đơn tố cáo” của Hưng sún: quả chanh đầu tiên đã được mẹ hái xuống và vắt vào chén nước mắm trong bữa ăn. Vụ “thu hoạch đầu mùa” này đã đem lại niềm vui cho tất cả mọi người. Tất nhiên ba là người vui nhất. Trong bữa ăn, ba liên tục chan nước mắm vào cơm, xuýt xoa một cách sung sướng:
- Ôi, nước mắm bữa nay ngon ghê! Ngon kì dị luôn!
Mẹ lườm ba:
- Thế từ nay anh chỉ ăn độc mỗi món nước mắm này thôi nhé?
- Được thôi! – Ba nhấp nháy mắt – Nhưng để phát huy vị ngon của nước mắm, cần phải có một thứ gì, như thịt gà chẳng hạn, chấm kèm với nó!
Tùng vỗ tay bôm bốp:
- Ba nói đúng ghê! Thịt gà luộc lên chấm nước mắm chanh thì hết chê!
Thấy Tùng hùa theo ba, mẹ lắc đầu “hứ” dài:
- Đúng là cha nào con nấy!
Tuy mẹ nói vậy, nhỏ Hạnh vẫn đọc thấy trong đôi mắt long lanh của mẹ niềm vui sướng chân thành khôn bề che giấu. Hẳn quả chanh cây nhà lá vườn này khiến mẹ cảm thấy gắn bó và yêu mến hơn đối với khu vườn. Tin tức về “vụ thu hoạch chanh” bay nhanh như gió. Chiều hôm sau, Nghị, Đạt và nhỏ Cúc Phương đã tụ đến đầy nhà.
- Đâu? – Vừa đặt chân qua cửa, Đạt đã láu táu – Trái chanh nhà mày vừa hái xuống đâu?
Tùng cười:
- Nó đã vào bao tử tao từ khuya rồi chứ còn đâu!
- Thế còn cái vỏ? – Đạt khụt khịt mũi – Chẳng lẽ ăn chanh mày ăn luôn cả vỏ?
- Có mày ăn vỏ thì có! – Tùng gầm gừ.
- Thôi đừng cãi nhau nữa! – Nhỏ Cúc Phương kêu lên – Chạy ra vườn xem đi! Còn khối trái trên cây!
Nhỏ Cúc Phương vừa hô một tiếng, cả bọn rùng rùng kéo ra sao nhà. Thằng Đạt lôm côm bao giờ cũng chen lên trước. Vừa rảo bước nó vừa bô bô “xí phần”:
- Của tao hai trái đấy nhé! Cấm đứa nào được giành đấy!
Nhoáng mắt, đám bạn đã bu quanh cây chanh, ngóc cổ dòm. Trái chi chít trên cành khiến đứa nào đứa nấy há hốc mồm.
- Ôi, trái ở đâu mà lắm thế! – Nghị thốt lên kinh ngạc – Tao có hoa mắt không đấy!
- Nghị chả hoa mắt đâu! – Nhỏ Cúc Phương chúm chím – Những trái này lớn như thổi, chừng vài ngày không đến thăm đã thấy chúng khác rồi!
Đạt không buồn nói năng lằng nhằng. Nó chỉ reo “Ôi, trái lớn ghê!” rồi thò tay bứt phắt hai trái bỏ tọt vào túi áo. Nhỏ Cúc Phương day qua:
- Đạt làm gì thế?
- Đừng giở trò ghen tị! – Đạt đưa tay bụm túi – Hai trái này tao đã “xí phần” rồi!
- Rõ là cái thằng tham ăn tham uống! – Tùng cười hê hê, rồi ra dáng ông chủ vườn, nó gật gù hắng giọng – Lẽ ra mày phải bóp thử trái chanh trước, xem trái nào mềm mềm hẵng hái! Không khéo mày đã hái phải quả non!
- Non cũng được! – Đạt nghinh mặt – Chanh non thì tao bóc vỏ chấm với đường!
Thái độ lì lợm của Đạt khiến nhỏ Cúc Phương đâm chán. Nó không buồn quở trách nữa mà quay sang Tùng, liếm môi hỏi:
- Thế còn ổi thì sao? Ổi nhà bạn ăn được chưa?
Tùng chưa kịp đáp thì đôi chim vàng anh bỗng hót lên một tràng như để trả lời thay cho chủ.
- A, chim hót! – Mặt Nghị rạng lên. Rồi nhác thấy hai con vàng anh đang nhảy nhót trong chiếc lồng treo trên nhánh ổi, mắt nó bỗng tròn xoe – Ôi, hai con chim bữa trước đây mà!
Đạt và Cúc Phương cũng vừa phát hiện ra chiếc lồng.
- Mày bắt được chúng tự hôm nào thế? – Đạt ngạc nhiên một cách thích thú.
- Tao chẳng bắt – Tùng tủm tỉm – Chúng tự bay vào đấy! Tao chỉ treo chiếc lồng trong vườn và mở sẵn cửa ra cho chúng thôi!
Rồi sợ tụi bạn hỏi tới hỏi lui hết đường nói dóc, Tùng vội vàng “bẻ lái”:
- Tụi mày biết tiếng hót vừa rồi của đôi chim này có nghĩa gì không? Ý chúng bảo tụi mày muốn biết ổi đã ăn được chưa hãy chống mắt nhìn lên cây sẽ rõ?
Thấy chủ nhân sốt sắng nhắc nhở chuyện ăn uống, cả bọn liền quây lấy cây ổi láo liên dòm dỏ. Ổi không nhiều quả bằng chanh, nhưng trái cũng đã to bằng đít chén, chả rõ ăn được chưa.
Nghị liếc Tùng:
- Tao hái thử một trái xuống xem nhé?
Đạt hừ mũi:
- Hái xuống ăn chứ hái xuống xem thì hái làm quái gì!
- Thì hái xuống ăn!
Nghị cười nói. Và nó kiễng chân đưa tay rờ rẫm mấy trái ổi đong đưa trên đầu.
- Mày làm gì lâu thế? – Thấy Nghị cứ mân mê mãi, Đạt sốt ruột.
Nghị tiếp tục bấm móng tay lên từng trái ổi:
- Tao còn phải xem trái nào ăn được! À, trái này!
Nói xong, nó bứt trái ổi đánh phực. Đạt tò mò nhìn trái ổi trên tay Nghị:
- Đưa tao cắn một miếng thử xem!
- Để tao cắn trước!
Vừa nói Nghị vừa đưa trái ổi lên miệng cạp một cái. Mặt nó lập tức nhăn hí:
- Ôi, chát quá! Ổi này còn non!
Nhỏ Cúc Phương nãy giờ vẫn thao láo mắt đứng nhìn, nghe vậy liền chìa tay ra:
- Đâu? Nghị đưa Cúc Phương cắn thử xem!
Nhưng Cúc Phương chưa kịp cầm trái ổi trên tay Nghị, Đạt đã vội giằng lấy:
- Tao cắn trước! Tới phiên tao!
Nghị hất tay Đạt ra:
- Mày làm gì kì vậy! Ai cắn trước chả được!
Đạt vẫn khăng khăng:
- Không được! Tao cắn trước! Khi nãy tao đã nhường cho mày rồi! Giờ tới lượt tao, sau đó mới tới con Cúc Phương!
Từ đầu đến cuối, Tùng không nói tiếng nào. Nó đang âm thầm tận hưởng niềm sung sướng của ông chủ khi ngắm khách khứa giành nhau “của ngon vật lạ” trong vườn mình. Nhưng khi cuộc xung đột đã trở nên gay cấn, Tùng biết mình không thể khoanh tay đứng nhìn. Nó liền hắng giọng giảng hoà, ra vẻ một chủ nhân rộng lượng:
- Thôi, đưa cho nó đi Nghị!
Nghị vốn là đứa hiền lành, nhưng thỉnh thoảng cũng nổi cộc. Như lúc này, nó vẫn cầm khư khư trái ổi trên tay, môi mím lại:
- Tao không đưa!
Đạt đỏ mặt tía tai:
- Mày đưa không?
- Không! – Nghị kiên quyết.
Nghị vừa nói dứt, Đạt đã thò tay ra chộp. Nhưng Nghị đã đề phòng từ trước, vừa thấy Đạt nhích người, nó đã rút phắt tay lại, giấu trái ổi ra sau lưng. Đạt không chịu thua. Nó dấn tới, vòng tay quanh người Nghị.
- A, a! – Nghị hét lên – Muốn vật nhau phải không?
Đạt không nói không rằng. Nó cứ lầm lì ôm siết người Nghị, tay lần tìm trái ổi. Trong thoáng mắt hai đứa đã dính vào nhau, trì qua kéo lại, mái tôn dưới chân kêu rôm rốp như sắp sập tới nơi. Mặt Cúc Phương xanh như tàu lá. Nó méo xệch miệng:
- Thôi, thôi! Hai bạn đừng vật nhau nữa! Đạt muốn cắn trước thì cắn, Cúc Phương không giành đâu!
So với Cúc Phương, Tùng còn hốt hơn nhiều. Hôm trước Hưng sún đã thú nhận với Tùng là nó và mẹ nó lúc nào cùng nơm nớp sợ khu vườn sập xuống đầu. Chính vì vậy mới xảy ra lắm cơ sự! Mới đây Hưng sún còn liệt kê các thứ cây cối trong vườn nhà Tùng để chuẩn bị báo với ông tổ trưởng. Tùng còn chưa biết đối phó cách nào, nay hai ông bạn quý làm ầm ĩ như thế này thì đúng là tai ách sắp giáng xuống đầu không sai.
- Dừng tay lại! – Tùng cuống quýt la lên – Tụi mày mỗi đứa cứ hái một trái mà nhấm nháp, việc gì phải giành nhau ngậu xị thế!Nhưng sự can thiệp của Tùng xảy ra quá muộn. Nó vừa nói xong đã nghe đánh “rầm” một tiếng, Nghị và Đạt đã ngã oách xuống mái tôn, mặt nhăn nhúm vì đau.
Tiếng động đinh tai nhức óc kia vang lên chẳng khác nào tiếng sét đánh ngang đầu Tùng. Và quả như sự lo sợ của nó, trong khi Nghị và Đạt đang lồm cồm bò dậy thì cô Bốn Loan đã hộc tốc chạy ra đứng dưới sân dòm lên, miệng bài hãi:
- Trời đất quỷ thần ơi! Cứ như thế này thì ai sống nổi hở trời! Tụi mày định cho mẹ con tao chết bẹp hay sao thế?
Rồi như quá giận dữ, vừa hét xong cô liền quày quả bỏ vào nhà, không đợi Tùng kịp phân bua hay năn nỉ.
- Chết rồi! – Tùng điếng hồn – Tai hoạ tới nơi rồi!
- Gì thế?
Ba cái miệng cùng hỏi, vẻ hoang mang của Tùng khiến tụi nó đâm lo. Tùng dáo dác đánh mắt về phía cửa trước:
- Cô Bốn Loan nhà bên dưới chắc chắn đang chạy đi báo ông tổ trưởng! Thế nào lát nữa hai người cũng xộc vào đây!
- Thế thì sao? – Tụi Nghị, Đạt và Cúc Phương vẫn ngơ ngác.
- Còn sao nữa! – Tùng nói như khóc – Người ta sẽ bắt mình dẹp bỏ khu vườn này đi chứ còn sao!
Câu nói của Tùng khiến ba đứa bạn mặt mày thất sắc. Nhỏ Cúc Phương nhìn Nghị và Đạt, giọng trách móc:
- Thấy chưa! Mấy bạn còn ham vật nhau nữa thôi!
Nghị không nói gì, chỉ cúi đầu vẻ biết lỗi. Riêng Đạt là gân cổ chống chế:
- Nhưng chắc gì người ta sẽ xộc vào đây! Đó là bạn Tùng chỉ lo thế thôi!
Đạt vừa nói xong, tiếng chuông cửa bỗng vang lên như để trả lời nó. Mặt Tùng lập tức xám ngoét:
- Tới rồi đấy!Tùng xám mặt kéo ba đứa bạn xám theo. Ngay thằng Đạt vừa mồm mép đây cũng đã vội im thít.Nhoáng mắt, dì Khuê dã dẫn khách vào. Tùng đoán chẳng sai trật mảy may. Dì Khuê đi trước, mặt mày lộ vẻ xao xuyến. Phía sau dì là cô Bốn Loan và ông tổ trưởng tổ dân phố.
- Này, này, bác vào đây tôi chỉ cho mà xem! – Cô Bốn Loan nắm chặt cổ tay ông tổ trưởng kéo xồng xộc thẳng một mạch ra sau vườn – Bác nhìn đi! Bác có thấy gì không?
Ông tổ trưởng ngẩn người ra:
- Tự nhiên bà chị lôi tuột tôi vào đây rồi hỏi thấy gì không là sao?
Cô Bốn Loan hùng hổ vung tay một vòng quanh khu vườn:
- Sờ sờ trước mắt thế mà bác không thấy sao? Đây nè…
Đang hăm hở, bàn tay của cô đột ngột khựng lại khi quét ngang cây chanh, mắt trố lên:
- Ôi, cây chanh này sao mà lắm trái thế?
Từ khi ông tổ trưởng và cô Bốn Loan xăm xăm vào nhà, nhỏ Hạnh nghe động liền tuột xuống khỏi gác rón rén bước lại đứng bên cạnh mọi người, nín thở nghe ngóng. Đang lo lắng, bỗng thấy cô Bốn Loan có vẻ chú ý đến cây chanh, nhỏ Hạnh liền mừng rỡ vọt miệng:
- Chanh này nhiều nước lắm cô! Để cháu hái cho cô vài trái!Rồi không đợi cô Bốn Loan trả lời, nhỏ Hạnh đã vọt lại chỗ cây chanh hái xuống một lúc bốn, năm trái. Trong một thoáng, cô Bốn Loan quên mất mục đích chính của mình. Cô hớn hở thò tay cầm mấy trái chanh nhỏ Hạnh trao, đưa lên sát mắt, xuýt xoa:
- Ôi, đây đúng là chanh giấy, vỏ mỏng nước nhiều! Cho cô làm gì lắm thế! Mà chanh trồng trong chậu sao lại ra lắm trái hay nhỉ?
Cô Bốn Loan hào hứng tuôn một tràng, nhưng rồi sực nhớ ra lí do mình lên đây, cô vội đằng hắng một tiếng, lập tức thu ngay nụ cười và thận trọng nghiêng ngó mấy chậu cây:
- Nhưng mà cây chanh này có thể làm sập nhà đấy! Ôi, lại cả cây ngọc lan, cây ổi lẫn cây tre to đùng này nữa…
- Không đâu cô ơi! – Nhỏ Hạnh kêu lên – Giàn đỡ này chắc chắn lắm, mái tôn không sập được đâu.
Rồi tiến tới chỗ góc bếp, nhỏ Hạnh cúi người chỉ tay xuống dưới:
- Cô lại đây mà xem này! Cháu nói có sai đâu!
Cô Bốn Loan lò dò bước lại và khom người nhìn theo tay chỉ của nhỏ Hạnh, miệng ngập ngừng:
- Ờ, ờ, những thanh đà ngang trông chắc thật! Nhưng biết đâu…
Nhưng cô Bốn Loan chưa kịp nói hết ý nghĩ của mình đã phải ngưng bặt. Hưng sún từ đâu phía ngoài chạy ùa vào, miệng kêu cuống quýt:
- Mẹ ơi, đừng làm thế! Khu vườn này không thể phá bỏ được đâu!
Mặt cô Bốn Loan ngẩn ra:
- Con nói gì thế?
Tất nhiên Hưng sún không biết câu chuyện trước mắt đang diễn biến như thế nào. Nhưng thấy ông tổ trưởng đứng cạnh mẹ mình giữa “hiện trường” nó huơ tay rối rít:
- Mẹ biết không, thầy con bảo cây xanh là “vệ sĩ của con người” đấy! Chúng cung cấp ôxy cho mình thở! Chúng còn hút bụi giùm mình nữa, nếu không cả khối người sẽ bị viêm mũi, mù mắt hoặc ung thư phổi! Thầy con còn bảo…
Hưng sún tuôn một tràng khiến ai nấy đều giương mắt sửng sốt. Dì Khuê, nhỏ Hạnh, Tùng và tụi Đạt, Nghị, Cúc Phương chẳng lạ gì thái độ thù địch của Hưng sún đối với khu vườn xưa nay. Riêng Tùng còn tận mắt nhìn thấy Hưng sún lén lút thu thập chứng cớ để “kết án” khu vườn nữa. Vậy mà đùng một cái, nó bỗng bênh vực khu vườn còn quyết liệt hơn chính cả Tùng và nhỏ Hạnh nữa, bảo mọi người không kinh ngạc sao được!
Cô Bốn Loan có lẽ là người kinh ngạc nhất. Cô trợn mắt nhìn thằng con:
- Sao bữa nay con bỗng dưng thao thao bất tuyệt thế?Hưng sún không trả lời ngay. Nó thò tay vào túi áo móc ra một tờ giấy gấp tư:
- Mẹ xem đây nè!
Hành động bất ngờ của Hưng sún làm Tùng điếng người.
- Thôi rồi! – Tùng than thầm trong bụng – Hoá ra nãy giờ thằng sún răng này giả vờ đóng kịch! Bây giờ nó mới ra tay đây! Nhưng ông tổ trưởng đã nhìn thấy khu vườn của mình rồi, “bản liệt kê” này đâu còn ý nghĩa gì nữa mà nó lôi ra! Hay là nó còn tố cáo gì thêm trong đó?
Đang thấp thỏm, Tùng bỗng nghe cô Bốn Loan ngỡ ngàng kêu lên:
- Ôi, bài tập làm văn của con đạt điểm 8 cơ đấy! Thật là chuyện chưa từng có ở nhà ta!
Trong khi Tùng chưng hửng chưa hiểu Hưng sún định giở trò gì mà đem bài tập làm văn ra khoe trong lúc “căng thẳng” như thế này thì Hưng sún đã cất tiếng giục:
- Mẹ xem kĩ cái đề đi!
- A! – Cô Bốn Loan kêu lên – Thế ra là bài tập làm văn tả khu vườn! Con tả khu vườn nào vậy?
Hưng sún vui vẻ:
- Thì tả khu vườn mà ta đang đứng đây chứ khu vườn nào!
Cô Bốn Loan đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác:
- Con có đặt chân lên trên này bao giờ đâu mà tả?
- Thế mới hay! – Hưng sún hấp háy mắt, ranh mãnh giải thích – Con đứng dưới nhờ thằng Tùng tả khu vườn. Và con dựa theo đó để… tả lại! Chứ ở thành phố dễ gì nhìn thấy vườn mà tả!
Hưng sún tiết lộ đến đâu, Tùng vỡ lẽ ra đến đó. Đến bây giờ, nó mới hiểu tại sao hôm đó Hưng sún bắt nó mô tả tỉ mỉ về khu vườn và ghi ghi chép chép bí mật như vậy.
- Hoá ra là do bài tập làm văn ở lớp! Có thể sau khi nghe Hưng sún hỏi đủ thứ về ích lợi của cây xanh, thầy nó cao hứng ra cái đề bài này chăng? – Tùng áy náy nhủ – Thế mà mình lại nghi nó có mưu đồ đen tối, bậy ghê!
Tùng chưa nghĩ ra được lời nào để làm hoà với Hưng sún thì ông tổ trưởng đã sốt ruột lên tiếng:
- Ơ kìa, bà chị dắt tôi vào đây rốt cuộc là để làm gì thế? Có gì thì nói lẹ lên, tôi còn phải đi công chuyện, chẳng lẽ bây giờ lại bắt tôi đứng đây kiểm tra điểm học tập của con bà chị nữa?
Câu nói khôi hài của ông tổ trưởng khiến ai nấy đều phì cười. Cô Bốn Loan lườm ông một cái dài:
- Tôi kêu ông vào đây là để thưởng ngoạn khu vườn chứ còn để làm gì! Chả lẽ khi nhìn thấy một cây chanh trĩu trái như vậy ông không có ý định xin về cho bà vợ già của ông vài trái hay sao?
Ông tổ trưởng tặc tặc lưỡi:
- Ờ, ờ, xem chừng gợi ý của bà chị hay ra phết đấy!Lần này người hái chanh không phải nhỏ Hạnh, mà là Tùng. Nhanh như chớp, ông tổ trưởng vừa dứt câu, Tùng đã giúi vào tay ông bốn, năm quả chanh tròn căng:
- Dạ, cháu tặng bác!
- Ờ, ờ, cảm ơn cháu! Thế này thì mai mốt bác dặn vợ đi chợ khỏi cần mua chanh!
Ông tổ trưởng cười nói và vui vẻ quay ra. Ông vừa đi, cô Bốn Loan cũng vội vã đi theo. Nhưng dì Khuê đã đến bên cạnh:
- Chị Bốn Loan này, tôi định đề nghị với chị…
Cô Bốn Loan hơi khựng lại:
- Chuyện gì thế?
- Tôi muốn nói về khu vườn ấy mà! – Dì Khuê ngập ngừng, cố tìm lời lẽ thích hợp – Cải giàn đỡ bên dưới mái tôn này rất chắc chắn, chị cũng thấy rồi đấy! Nhưng nếu những loại cây lớn như tre, ổi hay chanh, ngọc lan vẫn làm chị cảm thấy lo lắng…
Cô Bốn Loan gật đầu mau mắn:
- Ờ, tôi vẫn thấy lo lo là!Dì Khuê mỉm cười:
- Do đó tôi đề nghị đưa hết những chậu cây này xuống dưới sân nhà chị! Trên mái tôn chỉ để những loại cây nho nhỏ thôi!
- Thế trên này…
- Chị đừng lo! – Dì Khuê ngắt lời – Những loại cây đưa xuống sân nhà chị vẫn thừa sức đâm ngọn lên tới trên này. Xem như khu vườn nhà tôi vẫn còn đầy đủ tre, chanh, ổi…
Cô Bốn Loan chưa kịp suy nghĩ trước đề nghị đột ngột của dì Khuê thì Hưng sún đã reo ầm:
- Ôi, hay quá! Như vậy nhà mình cũng có vườn!
Dì Khuê xoa đầu Hưng sún:
- Ừ, hai nhà ta sẽ có một khu vườn chung! Cháu có thích không?
- Dạ, thích chứ ạ! – Hưng sún hân hoan và nó nhe răng sún nói thêm một cách thật thà – Thích nhất là những loại cây dì định đưa xuống sân nhà cháu đều đã có trái ăn được cả rồi!
Đạt nãy giờ làm thinh theo dõi, bỗng hừ giọng:
- Mày có ăn cũng ăn vừa vừa thôi nhé! Chừa cho bọn tao nữa đấy! Chứ nếu…
Đạt nói chưa dứt câu đã bị nhỏ Cúc Phương thò tay nhéo một phát vào mạng mỡ khiến nó la “oai oái”. Trong khi Đạt mặt nhăn mày nhó thì Tùng tươi tỉnh vỗ vai Hưng sún:
- Thực ra, tao biết mày thích nhất trong chuyện này không phải là việc ăn uống, đúng không?
- Chứ chuyện gì? – Hưng sún ngẩn ngơ hỏi lại.
Tùng toét miệng cười, vừa nói nó vừa vọt tuốt ra xa:
- Mày thích nhất là mai mốt nếu thầy mày có ra đề tập làm văn liên quan đến khu vườn một lần nữa, mày khỏi phải bị bệnh mắc tiểu lia lịa như hôm nọ, đúng không?
1996
Nguyễn Nhật Ánh
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top